TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 35

Insurtech Foxquilt huy động thành công 8 triệu USD; BIC vào top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu; FWD đưa ra thị trường sản phẩm “Đón đầu thay đổi 3.0”

Tin tổng hợp bảo hiểm tuần 35

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC Nam Trung Bộ chi trả tiền bảo hiểm cho gia đình học sinh bị tai nạn tại Khánh Hòa

(BIC) – Ngày 23/9/2021, Công ty Bảo hiểm BIDV Nam Trung Bộ (BIC Nam Trung Bộ) đã đến thăm hỏi và trao 20 triệu đồng tiền bảo hiểm học sinh sinh viên cho gia đình em Nguyễn Huy Cường (trú tại xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang).

Em Nguyễn Huy Cường là học sinh của Trường tiểu học Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Vừa qua, em Cường không may tử vong do đuối nước. Là đơn vị cấp bảo hiểm học sinh sinh viên cho em Cường, BIC Nam Trung Bộ đã nhanh chóng phối hợp với gia đình em Cường và các bên liên quan để chi trả số tiền bảo hiểm 20 triệu đồng cho thân nhân của em.

BIC hiện là một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Với quyền lợi ưu việt, phí bảo hiểm cạnh tranh, bảo hiểm học sinh, sinh viên của BIC luôn được các trường, phụ huynh đánh giá cao, giúp các em học sinh, sinh viên an tâm học tập.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm PVI hợp tác kinh doanh với Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam

(PVI) – Ngày 24/9/2021, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) chính thức ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV). Hợp đồng được ký kết giữa hai thương hiệu hàng đầu của Việt Nam nhằm đem lại sản phẩm, dịch vụ toàn diện, thuận tiện và ưu đãi cho khách hàng mua ô tô thương hiệu Hyundai tại Việt Nam.

Theo nội dung hợp tác, các sản phẩm bảo hiểm và dịch vụ liên quan cho khách hàng mua xe hoặc sử dụng dịch vụ của HTV sẽ được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm do hai bên phối hợp xây dựng. Khách hàng mua bảo hiểm trong khuôn khổ hợp đồng này cũng được cung cấp một đường dây liên lạc riêng và nhận được các chương trình ưu đãi và các dịch vụ chăm sóc khách hàng do Bảo hiểm PVI và HTV phối hợp xây dựng.

Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, các nội dung hợp tác kinh doanh cụ thể sẽ được triển khai chi tiết giữa các đơn vị thành viên hai bên trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh sản phẩm bảo hiểm cung cấp cho khách hàng, hai bên cũng sẽ triển khai kế hoạch quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tới hệ thống khách hàng của mỗi bên.

Ông Lê Ngọc Đức – Tổng Giám đốc Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho biết: “Việc hợp tác chiến lược với những Tổng công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam trong đó có Bảo hiểm PVI nằm trong chiến lược chung mà HTV đã và đang triển khai. Đó là mang đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng nhất cũng như đem lại nhiều những giá trị, trải nghiệm mới vượt ngoài sự mong đợi của khách hàng.” Ông Lê Ngọc Đức chia sẻ thêm: “Trước đây HTV nói riêng cũng như các hoạt động khác ở TC MOTOR cũng đã sử dụng khá nhiều các gói dịch vụ bảo hiểm từ Bảo hiểm PVI như bảo hiểm linh kiện, hàng hoá, tài sản,… chúng tôi đánh giá cao chất lượng dịch vụ cũng như những giá trị mang lại từ Bảo hiểm PVI. Chúng tôi hy vọng với hợp tác chiến lược này, Bảo hiểm PVI sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ và phục vụ trong thời gian tới.”

Tại lễ ký hợp đồng, ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, cho biết: “Bảo hiểm PVI sẽ triển khai ngay hoạt động bán bảo hiểm tại hệ thống Đại lý Hyundai, đồng thời sẽ có các hoạt động quảng bá sản phẩm của HTV tới các khách hàng của Bảo hiểm PVI. Trong thời gian qua, các thỏa thuận hợp tác giữa Bảo hiểm PVI và các đối tác hàng đầu tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên về doanh thu và thương hiệu. Tiếp nối các thành công này, Bảo hiểm PVI tin tưởng hợp đồng hợp tác với HTV, nhà cung cấp số 1 tại Việt Nam về các dòng xe du lịch, cũng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng và hai bên”.

BIDV MetLife gia hạn chương trình hỗ trợ khách hàng trước đại dịch COVID-19 đến cuối năm 2021

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ BIDV MetLife (BIDV MetLife) thông báo, sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19 đến hết ngày 31/12/2021, với một số điểm thay đổi trong điều kiện nhận hỗ trợ.

Chương trình “Hỗ trợ Khách hàng vượt qua dịch COVID-19” của BIDV MetLife áp dụng cho các khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm trong khoảng thời gian từ ngày 1/9 đến cuối năm 2021. Khách hàng đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ chương trình khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Xét nghiệm phải được thực hiện sau 21 ngày kể từ ngày Hợp đồng được phát hành.

Làn sóng thứ 4 của đại dịch tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống tại Việt Nam, khiến hệ thống y tế quốc gia bị quá tải. Nhiều người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập do nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ.

Từ khi chương trình được triển khai cách đây 4 tháng, công ty đã chi trả 5 tỷ đồng trợ giúp 200 khách hàng không may nhiễm COVID-19 với mỗi khoản hỗ trợ trị giá 25 triệu đồng nhằm giúp khách hàng phần nào trang trải chi phí y tế, bù đắp khoản thu nhập bị giảm sút hoặc không có trong thời gian bị bệnh và cách ly.

BIC được vinh danh trong top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu tại Việt Nam

(BIC) – Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa vinh dự được công nhận là 1 trong 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu tại Việt Nam năm 2021 theo công bố của Tạp chí Forbes Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Forbes Việt Nam tính toán chi tiết danh sách các thương hiệu giá trị nhất trong ngành tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam. Trong số 70 doanh nghiệp kinh doanh về bảo hiểm tại Việt Nam, BIC là 1 trong 3 doanh nghiệp xuất sắc được vinh danh trong bảng xếp hạng này.

Forbes Việt Nam tính toán và công bố danh sách các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam lần đầu tiên năm 2016. Trong lần thứ sáu thực hiện danh sách, Forbes Việt Nam có một điều chỉnh quan trọng. Theo đó, thay vì thực hiện danh sách tổng hợp như 5 lần trước đây, kể từ năm 2021, Forbes Việt Nam tập trung tính toán giá trị thương hiệu của các công ty trong một lĩnh vực cụ thể. Sự điều chỉnh này nhằm mở rộng đối tượng tính toán và tập trung chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Mặt khác, với thời gian đủ dài nhìn vào danh sách có thể thấy sự thay đổi, phát triển của doanh nghiệp. Trong danh sách 25 thương hiệu dẫn đầu ngành tài chính năm 2021, sử dụng phương pháp tính toán của Forbes (Mỹ), Forbes Việt Nam định lượng giá trị của một thương hiệu thông qua những số liệu tài chính, dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận. Theo công bố, giá trị thương hiệu của BIC ở mức 10 triệu đô la Mỹ.

BIC hiện là một trong 8 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và đứng trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường. Năm 2021, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới vẫn phải đối mặt với tác động từ dịch bệnh Covid-19, BIC vẫn tiếp tục kiên định với định hướng tăng trưởng doanh thu gắn với hiệu quả hoạt động. Theo đó, BIC phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, đồng thời tiếp tục tăng trưởng lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Việc được vinh danh trong Top 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu tại Việt Nam sẽ là động lực để BIC tiếp tục nỗ lực, cố gắng cải tiến hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ trước, trong và sau bán hàng, khẳng định và phát triển thương hiệu, uy tín của BIC trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Manulife Việt Nam tăng 5 ngày nghỉ cá nhân cho nhân viên

(ĐTCK) – Manulife Việt Nam vừa cho ra mắt “Thứ Sáu phục hồi năng lượng”, một sáng kiến mới từ đội ngũ toàn cầu nhằm hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 9/2021, Manulife Việt Nam sẽ dành ngày thứ Sáu thuộc tuần thứ hai của mỗi tháng để giúp nhân viên “nạp đầy năng lượng” thông qua các hoạt động học tập chung vào buổi sáng, sau đó dành thời gian buổi chiều để nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng nhằm củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần.

Ngoài ra, Manulife Việt Nam tiếp tục áp dụng chính sách thêm năm ngày nghỉ cá nhân vào năm 2022 cho hơn 1000 nhân viên của mình nhằm ghi nhận những nỗ lực mà đội ngũ nhân viên đã thực hiện trong việc hoàn thành sứ mệnh giúp khách hàng “Quyết định dễ dàng, vẹn toàn cuộc sống”. Việc bổ sung thêm ngày nghỉ cá nhân và sáng kiến “Thứ Sáu phục hồi năng lượng” cũng được áp dụng cho toàn bộ 37.000 nhân viên toàn cầu của Tập đoàn Tài chính Manulife.

“Đại dịch đã dẫn đến một số thử thách cho cộng đồng và tôi được truyền cảm hứng cũng như vô cùng tự hào về sức bền bỉ đáng kinh ngạc của nhân viên mình”, ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.

“Tập thể chúng tôi đã vượt qua những thử thách và luôn không ngừng nỗ lực để đảm bảo khách hàng cũng như đội ngũ các Kênh phân phối luôn được chăm sóc tốt nhất”.

Trong suốt đại dịch, Manulife đã được dẫn dắt bởi cam kết hỗ trợ sức khỏe thể chất, tinh thần của đội ngũ nhân viên toàn cầu và thúc đẩy tập thể kết nối, gắn kết và hòa nhập hơn. Đầu năm nay, Manulife đã ra mắt “Elevate”, một chương trình toàn cầu bao gồm các hoạt động và sự kiện nổi bật về lối sống lành mạnh, đồng thời cũng đánh dấu “Ngày cảm ơn” lần thứ hai – một ngày nghỉ dành cho tất cả các nhân viên. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực vượt qua làn sóng lây nhiễm thứ tư, Manulife Việt Nam cũng đã mở rộng chương trình hỗ trợ COVID-19 dành cho nhân viên.

Manulife Việt Nam thường xuyên có tên trong danh sách khảo sát ‘Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam’ của Anphabe. Năm 2020, Công ty đã đứng đầu top những nơi làm việc tốt nhất trong ngành bảo hiểm và đứng thứ 16 trong tất cả các ngành nghề.

FWD Việt Nam đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm “Đón đầu thay đổi 3.0”

(ĐTCK) – FWD Việt Nam vừa giới thiệu giải pháp bảo hiểm liên kết chung mới với tên gọi “FWD Đón đầu thay đổi 3.0”, kết hợp giữa bảo vệ dài hạn với đầu tư an toàn.

“FWD Đón đầu thay đổi 3.0” mang đến nhiều quyền lợi bảo vệ đến tuổi 80. Đặc biệt, sản phẩm gia tăng tổng quyền lợi cho Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn ở độ tuổi 18-60 lên tới 200% Số tiền bảo hiểm. Đây là quyền lợi sống có ý nghĩa và khác biệt trên thị trường.

Bên cạnh đó, “FWD Đón đầu thay đổi 3.0” còn có quyền lợi bảo vệ trước bệnh Ung thư giai đoạn sau tới 80 tuổi, với mức chi trả gấp 10 lần Phí bảo hiểm cơ bản. Sau khi quyền lợi bảo vệ Ung thư giai đoạn sau được chi trả, hợp đồng bảo hiểm vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ các quyền lợi khác.

Ngoài ra, khi tham gia sản phẩm này, khách hàng có thể rút tiền trực tuyến hoàn toàn miễn phí 24/7 từ hợp đồng bảo hiểm để đáp ứng các nhu cầu tài chính cần thiết. Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lãi đầu tư an toàn, khách hàng còn nhận các khoản thưởng đều đặn mỗi 3 năm từ Năm 1 đến Năm thứ 18 và một khoản thưởng đặc biệt khác có giá trị 100% Phí bảo hiểm cơ bản vào Năm thứ 10.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Sẽ áp dụng hệ số an toàn vốn với doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) – Từ chỗ chỉ giám sát thông qua biên khả năng thanh toán, cơ quan quản lý sẽ áp dụng tỷ lệ an toàn vốn với các doanh nghiệp bảo hiểm từ năm 2023, tương tự nhóm ngân hàng, chứng khoán.

Theo số liệu tại thời điểm cuối năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm tại Việt Nam đều đáp ứng biên khả năng thanh toán cao hơn mức tối thiểu, thậm chí gấp 10-30 lần tại các doanh nghiệp mới thành lập. Chỉ tiêu phản ánh phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả này là yếu tố duy nhất xác định nguy cơ mất khả năng thanh toán hiện nay của doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, chỉ khi biên khả năng thanh toán thấp hơn mức tối thiểu, cơ quan quản lý mới có các biện pháp can thiệp.

Việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm theo phương thức trên sẽ có bước chuyển nhờ thay đổi tại Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2021, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022 và có hiệu lực từ năm 2023.

Tại Dự thảo, mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro đang được lựa chọn áp dụng. Tỷ lệ an toàn vốn được xây dựng làm nền tảng cho việc chuyển đổi mô hình này. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đáp ứng đồng thời việc trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ theo quy định pháp luật và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tương ứng từng mức tỷ lệ an toàn vốn “báo động”, cơ quan quản lý áp dụng 3 biện pháp gồm cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát, thay vì chỉ có thể can thiệp khi doanh nghiệp đã có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Theo đại diện Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo Dự luật, việc chuyển đổi mô hình quản lý vốn và biên khả năng thanh toán từ mô hình “biên khả năng thanh toán I” sang “vốn trên cơ sở rủi ro” là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và xu hướng chung của thế giới. Tỷ lệ an toàn vốn cũng đã được quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng để giám sát thành viên thị trường. Đối với thị trường bảo hiểm ở nhiều quốc gia, quản lý vốn trên cơ sở rủi ro cũng giữ vai trò mấu chốt.

Các tổ chức tín dụng áp dụng việc tính toán Hệ số an toàn vốn (CAR) từ lâu, thậm chí đã nâng tiêu chuẩn áp dụng từ Basel I lên Basel II, làm nên làn sóng tăng vốn của các ngân hàng giai đoạn 2018 – 2020. Trong một báo cáo gần đây, Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, việc áp dụng mô hình quản lý vốn mới với ngành bảo hiểm cũng có thể gây áp lực tăng vốn tại một số công ty.

Đánh giá về mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, chuyên gia phân tích từ Chứng khoán SSI cho rằng, mức vốn yêu cầu được tính toán hiện nay dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm (với công ty bảo hiểm nhân thọ) và doanh thu phí bảo hiểm (với công ty bảo hiểm phi nhân thọ) đều không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Nếu áp dụng mô hình trên, mức vốn yêu cầu được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn, tổng vốn của doanh nghiệp có thể ghi nhận một số thay đổi khi định giá tài sản sẽ được tính theo giá trị thị trường, thay vì giá trị sổ sách.

Phía cơ quan soạn thảo cho biết, sẽ có một lộ trình với tổng thời gian 5 năm cho sự thay đổi này. Trong giai đoạn 3 năm đầu khi luật mới có hiệu lực, dựa trên mô hình sẵn có, thực hiện tính toán từng thông số liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để xác định số vốn trên cơ sở rủi ro phải có, số vốn doanh nghiệp đang có để xác định chênh lệch, số vốn phải bổ sung trong 3 năm và có những điều chỉnh phù hợp, xây dựng hướng dẫn chi tiết về mô hình vốn trên cơ sở rủi ro. Giai đoạn 2 năm tiếp theo sẽ đánh giá tác động để tiếp tục có những điều chỉnh, có thể kết hợp xây dựng mô hình riêng cho Việt Nam.

Với khoảng thời gian 5 năm đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027), Bộ phận Phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.

Trong các năm gần đây, tăng tích luỹ các khoản lợi nhuận là yếu tố chính hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nội gia tăng nguồn vốn tự có. Số lượng các đợt phát hành cổ phần mới thời gian qua khá ít ỏi. Vốn chủ sở hữu tăng lên chủ yếu nhờ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.

Bảo Việt Nhân thọ từng giữ vị trí số một về vốn điều lệ cách đây 6 năm, hiện tụt xuống vị trí thứ 8 trong nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trên thị trường. Trong khi đó, tổng tài sản đã tăng lên 127.000 tỷ đồng và mang về hơn 36.000 tỷ đồng tổng doanh thu trong năm 2020. Tăng vốn cho doanh nghiệp này được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt nhấn mạnh là một nhu cầu cấp thiết. Ngoài xu hướng tăng vốn để gia tăng năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, áp lực từ chính sách cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

PJICO Bình Phước tặng quà cho người dân bị phong tỏa cách ly tại Đồng Phú

(PJICO) – Chiều ngày 16/9/2021, Ủy ban MTTQVN huyện Đồng Phú phối hợp với Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Phước đã tổ chức trao tặng quà cho người dân bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn thị trấn Tân Phú và xã Tân Tiến.

Thời gian gần đây, huyện Đồng Phú đã xuất hiện một số ổ dịch trong cộng đồng tại thị trấn Tân Phú và xã Tân Tiến. Nhiều gia đình phải phong tỏa, cách ly để thực hiện công tác phòng chống dịch nên gặp nhiều khó khăn.

Đoàn đã đến các khu dân cư bị phong tỏa, cách ly trao 30 phần quà cho người dân khó khăn thuộc khu vực phong tỏa tại tổ 5, tổ 7, khu phố Tân An, tổ 2, tổ 3, khu phố Tân Liên, thị trấn trấn Tân Phú và trao 20 phần quà cho người dân tổ 39, ấp Chợ, xã Tân Tiến. Số quà trên được đại diện chính quyền địa phương tiếp nhận, sau đó từng gia đình sẽ đến nhận quà bảo đảm công tác giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh. Mỗi phần bao gồm các nhu yếu phẩm như: Gạo, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn… trị giá 350 ngàn đồng.

Trao yêu thương, vui tết Trung thu từ Bảo hiểm PVI Vũng Tàu

(PVI) – Ngày 17/9/2021, với mong muốn đem đến một mùa Trung thu ấm cúng, Bảo hiểm PVI Vũng Tàu đã trao 70 suất quà (1 thùng sữa, 2 hộp bánh/ suất) cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại phường 2, thành phố Vũng Tàu.

Nối tiếp các chương trình an sinh xã hội, do tình hình dịch bệnh, Bảo hiểm PVI Vũng Tàu đã trao 70 suất quà này đến đại diện UBND phường 2 để gửi tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho các em và gia đình trong một mùa Trung thu đặc biệt.

Đại diện Bảo hiểm PVI Vũng Tàu chia sẻ: “Đây là mùa Trung thu đặc biệt nhất trong tất cả các mùa trăng bởi thành phố Vũng Tàu đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các bạn nhỏ sẽ không còn được tập trung đông đúc để xem chị Hằng và chú Cuội kể chuyện, múa hát, rước đèn ông sao, phá cỗ đêm trăng. Nếu có một điều ước, hẳn ai cũng mong hết dịch, đất nước trở lại trạng thái bình thường, họ hàng, lối xóm, gia đình sức khỏe, quây quần vui vẻ bên nhau…”.

Trước khi khép lại chương trình trao tặng, đại diện Bảo hiểm PVI Vũng Tàu đã gửi lời chúc các em nhỏ có một mùa Trung thu vui tươi, an toàn, cùng cha mẹ ở nhà đón trăng rằm là góp phần chung tay chống dịch.

  1. Tin quốc tế

Sompo mua lại công ty bảo hiểm cây trồng ARA của Ý

(IBM) – Sompo Holdings đang mua lại công ty bảo hiểm nông nghiệp Assicurazioni Rischi Agricoli VMG 1857 (ARA) của Italia trong một giao dịch dự kiến hoàn thành vào quý đầu tiên năm 2022.

ARA là một trong những nhà cung cấp bảo hiểm nông nghiệp lớn nhất ở Italia, cung cấp bảo hiểm cho những thiệt hại do các điều kiện thời tiết bất lợi khác nhau như mưa đá, gió mạnh, sương giá, mưa quá lớn hoặc hạn hán. Hãng có nguồn gốc từ Vecchia Mutua Grandine ed Eguaglianza, công ty bảo hiểm tương hỗ được thành lập vào năm 1857.

Theo gã khổng lồ P&C của Nhật Bản, việc mua ARA sẽ củng cố danh sách kinh doanh nông nghiệp quốc tế AgriSompo của họ ở châu Âu thông qua việc tăng cường phân phối theo địa lý và tiếp xúc. ARA sẽ tiếp tục hoạt động dưới thương hiệu của riêng mình sau khi bị mua lại.

Ông Kris Lynn, chủ tịch AgriSompo cho biết: “Việc mua lại ARA là một bước đi chiến lược và đáng hoan nghênh khác trong việc tăng cường sự hiện diện của chúng tôi với các sản phẩm và năng lực mới trong thị trường nông nghiệp chủ chốt”.

“Tên tuổi đáng tin cậy và lịch sử phong phú của ARA tại thị trường Ý, kết hợp với vị trí địa lý ngày càng mở rộng, đã củng cố AgriSompo trở thành công ty dẫn đầu thị trường ở Ý. Sompo International có kế hoạch duy trì sự liên tục trong quá trình hoạt động của ARA. ”

Ông Pier Ugo Andreini, Tổng Giám đốc ARA, sẽ trở thành thành viên trong ban giám đốc mới của công ty.

Ông Andreini nói: “Với phạm vi kinh doanh theo địa lý hiện tại của ARA và sức mạnh của Sompo trên toàn cầu, đây là cơ hội miễn phí đáng hoan nghênh để cung cấp dịch vụ cao cấp và bảo hiểm chất lượng liên tục cho khách hàng của chúng tôi. Với sự hỗ trợ của nền tảng AgriSompo, chúng tôi sẵn sàng mang đến những sản phẩm và dịch vụ mới sáng tạo với tư cách là công ty dẫn đầu trong thị trường bảo hiểm mùa màng của Ý.”

MS Amlin AG bổ nhiệm Robert Wiest giữ chức Giám đốc điều hành

(IBM) – Công ty tái bảo hiểm toàn cầu MS Amlin AG (MS AAG) vừa thông báo bổ nhiệm Robert Wiest làm Giám đốc điều hành. Ông sẽ tiếp quản công việc từ ông Martin Albers, Chủ tịch hội đồng quản trị, người hiện đang giữ chức Giám đốc điều hành lâm thời.

Wiest sẽ đảm nhận vai trò mới của mình vào ngày 3 tháng 1 năm 2022 và làm việc tại trụ sở ở Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi được bổ nhiệm, ông Wiest sẽ phối hợp với ông Albers để đảm bảo duy trì mức độ dịch vụ cao trong suốt quá trình chuyển đổi.

Wiest có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm trong ngành cho vị trí này. Ông đã dành hơn hai thập kỷ thời gian của mình trong ngành bảo hiểm tại Swiss Re, nơi ông gần đây nhất giữ chức Giám đốc hoạt động. Ông đã lãnh đạo thành công các đơn vị kinh doanh với tư cách là Giám đốc các giải pháp kinh doanh toàn cầu, Giám đốc chiến lược và hoạt động Châu Á, và Giám đốc Tây và Nam Âu, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cũng đã lãnh đạo các dự án số hóa, chuyển đổi và phát triển kinh doanh cấp cao trên toàn cầu. Trong một thông cáo báo chí, MS Amlin lưu ý rằng kinh nghiệm quốc tế của ông trên các thị trường chính rất phù hợp để thúc đẩy sự phát triển và đổi mới liên tục tại MS AAG.

Bình luận về việc bổ nhiệm, ông Tamaki Kawate, thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành cấp cao của Công ty TNHH Bảo hiểm Mitsui Sumitomo, cho biết “rất vui mừng” khi Wiest sẽ đảm nhận vai trò quan trọng tại MS AAG. Ông nhấn mạnh rằng Wiest là một nhà lãnh đạo được đánh giá cao trong lĩnh vực này với một bề dày thành tích.

Ông Kawate nhận xét: “Anh ấy mang đến một cách tiếp cận sáng tạo, nhạy bén để dẫn đầu các dự án tăng trưởng đầy tham vọng trong các tổ chức tái bảo hiểm nổi tiếng.

“Chuyên môn đỉnh cao và khả năng lãnh đạo của anh ấy sẽ là yếu tố không thể thiếu để đưa MS AAG tiến lên trên hành trình phát triển một doanh nghiệp đa dạng, hiệu quả, có lợi nhuận và tập trung vào khách hàng.

“Tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn Martin. Chuyên môn của ông ấy với tư cách Chủ tịch là rất quan trọng để đảm bảo sự vững mạnh liên tục của hoạt động kinh doanh MS AAG thông qua quá trình chuyển đổi này”.

Trung Quốc: Lũ lụt ở Hà Nam gây ra thiệt hại được bảo hiểm hơn 1,2 tỷ USD

(AIR) – Tính đến ngày 8 tháng 9, ngành bảo hiểm Hà Nam, Trung Quốc đã nhận được tổng cộng 522.500 yêu cầu bồi thường, phát sinh từ trận lũ lụt lớn xảy ra vào tháng Bảy. Theo dữ liệu từ CBIRC, thảm họa đã khiến các công ty bảo hiểm phải bồi thường 7,74 tỷ CNY (1,2 tỷ USD) và thiệt hại ước tính là 12,43 tỷ CNY.

Tạp chí 21 Century Business Herald đưa tin cho biết, trận mưa cực lớn bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 đã làm ngập lụt 16 thành phố ở tỉnh Hà Nam, bao gồm Trịnh Châu, Tân Hương và Hebi.

Thiên tai xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc. Tiêu biểu như thảm họa mưa lớn “7.21” năm 2012 tại Bắc Kinh khiến cho ngành bảo hiểm đã phải bồi thường tổng cộng 1,62 tỷ CNY. Sau đó, vào năm 2013, các công ty bảo hiểm đã trả 6,4 tỷ CNY cho những tổn thất do cơn bão mạnh Fitow.

Đổi mới là chìa khóa cho các nhà tái bảo hiểm trước rủi ro

(AIR) – Theo một báo cáo mới của AM Best, các công ty tái bảo hiểm toàn cầu đã vượt qua các tác động của đại dịch, nhưng trong bối cảnh những thách thức ngày càng gia tăng do rủi ro khí hậu, lạm phát xã hội và các loại nguy cơ khác, các công ty cần duy trì một tư duy đổi mới. Đây là nội dung trích từ một báo cáo mới của AM Best tóm tắt về ngành tái bảo hiểm.

Báo cáo phân khúc thị trường của Best’s, “Lạc quan thực tế trong thị trường tái bảo hiểm hiện tại”, dựa trên một cuộc họp tóm tắt trong đó một hội đồng gồm các nhà phân tích và giám đốc điều hành ngành bảo hiểm của AM Best đã thảo luận về ảnh hưởng của đại dịch và thiên tai đối với tỷ lệ bồi thường gần đây cũng như xu hướng giá cả và bảo đảm kỷ luật trong một môi trường mà rủi ro ngày càng trở nên khó định giá hơn.

Các tham luận viên lạc quan về tương lai của các công ty tái bảo hiểm trong năm tới.

Bà Kathleen Reardon, Giám đốc điều hành Hiscox Re & ILS, cho biết “Các công ty có thành tích và chiến lược tốt sẽ tiếp tục thu hút vốn… Từ góc độ tái bảo hiểm, đây là thị trường tốt nhất trong gần một thập kỷ”.

Ông Juan Andrade, Giám đốc điều hành Everest Re Group, nói rằng không thể đạt được sự đổi mới nếu không có văn hóa doanh nghiệp phù hợp.

Ông nói: “Đổi mới là cách bạn điều hành một công ty. Đó là tất cả mọi thứ. Đó là cách bạn tạo ra hiệu quả trong doanh nghiệp; đó là cách bạn tạo ra sự sáng tạo trong con người của mình; đó là cách bạn phát triển các khả năng mới. Đó là cách bạn nhìn về tương lai”.

Bồi thường bảo hiểm gián đoạn kinh doanh của Anh lên mức 1,3 tỷ đô la

(INN) – Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) cho biết khoản thanh toán cuối cùng cho yêu cầu bồi thường gián đoạn kinh doanh đã tăng lên 696,2 triệu bảng Anh (1,3 tỷ USD) đến thời điểm hiện tại.

Theo dữ liệu thu thập được vào ngày 5 tháng 9, những người yêu cầu bồi thường đã nhận được thêm 328,9 triệu bảng Anh (620,6 triệu đô la) trong các khoản thanh toán tạm thời hoặc ban đầu.

FCA cho biết các số liệu cho thấy 27.247 chủ hợp đồng gián đoạn kinh doanh, trong số 42.308 người đã yêu cầu bồi thường được chấp nhận, đã nhận được ít nhất một khoản thanh toán tạm thời.

Tòa án Tối cao đã đưa ra quyết định kháng cáo vào ngày 15 tháng 1, phán quyết về một vụ kiện do FCA đưa ra vào năm ngoái về bảo hiểm gián đoạn kinh doanh trong thời gian bùng phát COVID-19.

Insurtech Foxquilt huy động 8 triệu đô la để mở rộng cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nhỏ ở Hoa Kỳ và Canada

(INJ) – Foxquilt, công ty bảo hiểm có trụ sở tại Toronto, thông báo họ đã huy động được vòng tài trợ 8 triệu đô la do Luge Capital dẫn đầu với sự tham gia của AmTrust Financial, Extreme Venture Partners và Side Door Ventures.

Nguồn vốn mới sẽ được sử dụng để hỗ trợ thu hút nhân tài, phát triển sản phẩm và mở rộng hơn nữa trên khắp Hoa Kỳ và Canada.

Trọng tâm của Foxquilt là giảm bớt gánh nặng mà các chủ doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt và tạo ra một phương tiện minh bạch và có giá trị hơn để đảm bảo bảo hiểm thương mại. Trái ngược với việc cung cấp phương pháp tiếp cận “một kích thước phù hợp với tất cả” điển hình của hầu hết các nhà cung cấp cũ, nền tảng của Foxquilt được thiết kế để cho phép các doanh nghiệp chỉ chọn phạm vi bảo hiểm mà họ cần và được bảo lãnh dựa trên loại hình kinh doanh và yêu cầu cụ thể của họ.

Các sản phẩm bảo hiểm trực tiếp cho doanh nghiệp của Foxquilt bao gồm bảo hiểm trách nhiệm chung, trách nhiệm nghề nghiệp, bồi thường cho người lao động, bảo hiểm mạng và ô tô thương mại, tất cả đều được cung cấp thông qua cổng quản trị hợp đồng và đăng ký tự phục vụ.

Foxquilt là một tổng đại lý điều hành, đã huy động được 3,5 triệu đô la ở vòng tài trợ hạt giống vào tháng 7 năm 2020.

Ông Mark Morissette, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Foxquilt, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi tại Foxquilt luôn là làm cho cuộc sống của các chủ doanh nghiệp nhỏ trở nên dễ dàng hơn. Cho dù bạn là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp hay là một phần của mạng lưới doanh nghiệp hoặc thị trường lớn hơn, bộ sản phẩm được hỗ trợ bởi công nghệ của chúng tôi được tạo ra để số hóa quy trình bảo hiểm và loại bỏ sự phức tạp về sản phẩm. Vòng tài trợ này sẽ thúc đẩy sự phát triển của Công ty để tiếp cận nhiều chủ doanh nghiệp hơn với phương pháp tiếp cận lấy khách hàng làm trung tâm và cá nhân hóa của chúng tôi.”

Trong một tuyên bố gần đây, Foxquilt giải thích, các nhà bảo hiểm truyền thống thường đưa ra các phạm vi bảo hiểm khiến chủ doanh nghiệp phải trả nhiều hơn mức họ cần, hoặc khiến họ dễ bị tổn thương mà không được bảo hiểm đầy đủ. Nền tảng Foxquilt khai thác công nghệ AI để xác định và ghép các chủ doanh nghiệp với các hợp đồng “may đo” bao gồm chính xác những gì cần thiết, giúp họ tiết kiệm tiền hàng năm.

Khoản tài trợ này sẽ cho phép Foxquilt bổ sung hàng chục nguồn lực để tiếp tục phát triển các sản phẩm mới và sáng tạo nhằm duy trì vị trí tiên phong trong ngành insurtech. Công ty mong muốn tung ra các bản mở rộng bổ sung vào năm 2021 để hỗ trợ thêm cho các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Bắc Mỹ.

Phí bảo hiểm nhà ở tại Anh giảm sau tác động của đại dịch

(INN) – Consumer Intelligence cho biết, phí bảo hiểm nhà ở tại Anh đã giảm 5,6% trong 12 tháng qua và 6,4% kể từ mức đỉnh tháng 6 năm ngoái do hậu quả của đại dịch COVID-19.

Công ty phân tích và dữ liệu cho biết phí trung bình về bảo hiểm nhà và tài sản bên trong hiện ở mức 144 bảng Anh (272 USD). Một chủ nhà dưới 50 tuổi thường nộp 151 bảng Anh (285 đô la) phí bảo hiểm hàng năm, trong khi những người trên 50 tuổi trả 134 bảng Anh (253 đô la) cho hợp đồng bảo hiểm tương tự.

Mức phí dự kiến sẽ tăng nhẹ khi giảm bớt phong tỏa và ít người làm việc tại nhà hơn.

“Thị trường bảo hiểm nhà ở cạnh tranh rất mạnh, khiến cho mức tăng phí bảo hiểm phần lớn ở mức thấp,” Giám đốc Sản phẩm Consumer Intelligence Harriet Devonald cho biết.

Cư dân ở Luân đôn phải trả trung bình 202 bảng Anh (381 đô la) phí bảo hiểm/năm, là nơi đóng phí bảo hiểm nhà ở cao nhất Anh quốc, trong khi các khu vực Đông Bắc, Trung du Đông và Tây Nam là những khu vực rẻ nhất.

Những ngôi nhà cũ hơn thu hút phí bảo hiểm cao hơn, phản ánh chi phí yêu cầu bồi thường cao hơn, do mái nhà, hệ thống ống nước và hệ thống dây điện có nhiều khả năng phát sinh lỗi hơn và vật liệu thay thế đắt tiền.

Các bất động sản thời Victoria có niên đại từ năm 1850 đến năm 1895 thường phải đóng mức phí bảo hiểm là 169 bảng Anh (319 đô la) trong khi những ngôi nhà được xây dựng trong thế kỷ này có giá phí bảo hiểm rẻ nhất ở mức 133 bảng Anh (251 đô la).

Bồi thường bảo hiểm COVID-19 ở Philippines lên tới hàng tỷ PHP

(IBM) – Các yêu cầu bảo hiểm liên quan đến COVID-19 ở Philippines trong nửa đầu năm 2021 đã đạt tổng cộng 4,35 tỷ PHP.

Theo Ủy ban Bảo hiểm Philippines (IC), đã có tổng cộng 238.551 khiếu nại liên quan đến COVID-19 từ tháng 1 đến tháng 6.

Về đơn vị chi trả bồi thường: Gần một nửa (47%) các yêu cầu bồi thường, tương ứng với 0,06 tỷ PHP, được chi trả bởi các tổ chức chăm sóc sức khỏe (HMO). Các công ty bảo hiểm nhân thọ đứng thứ hai với 46% (1,98 tỷ PHP). Số còn lại được phân chia giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và các hiệp hội tương hỗ.

Về quyền lợi bảo hiểm được chi trả: Quyền lợi tử vong chiếm phần lớn nhất trong các khoản thanh toán với 1,67 tỷ PHP, tiếp theo là quyền lợi cho bệnh nhân nội trú (1,47 tỷ PHP) và quyền lợi ngoại trú (876,6 triệu PHP). Tuy nhiên, quyền lợi ngoại trú có số lượng lớn nhất với 176.542 yêu cầu bồi thường.

Theo Ủy viên Bảo hiểm Dennis Funa, sự gia tăng trong các yêu cầu bồi thường trùng với sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm COVID-19.

Ông Funa cho biết: “Các yêu cầu thanh toán đã tăng lên đáng kể từ tháng Hai đến tháng Tư và giảm nhẹ vào tháng Sáu. Điều này phản ánh sự gia tăng đột biến của các trường hợp COVID-19 được báo cáo ở Philippines trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5”.

Ngành bảo hiểm ở Philippines đã thanh toán bồi thường tổng cộng 8,25 tỷ PHP kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái, trong đó phần lớn nhất là trợ cấp tử vong với 2,89 tỷ PHP.

BTV (Tổng hợp).