PTI báo lỗ 349 tỷ đồng; Lợi nhuận của Great Eastern 9 tháng giảm 12%; Sản phẩm bảo hiểm “may đo” kỳ vọng hút khách
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
BIC chi trả hơn 870 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn tại Lâm Đồng
(TBTCO) – Mới đây, Công ty Bảo hiểm BIDV Lâm Đồng (BIC Lâm Đồng) đã phối hợp với chi nhánh BIDV Bảo Lộc tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm tai nạn người vay vốn – BIC Bình An cho gia đình khách hàng P.T.H (trú tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).
Khách hàng P.T.H tham gia bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho khoản vay với mục đích bổ sung vốn chăm sóc vườn cà phê và nuôi ong tại chi nhánh BIDV Bảo Lộc, với tổng số tiền 800 triệu đồng.
Vào khoảng 21 giờ 10 phút, ngày 14/05/2022, khách hàng P.T.H đi bộ qua đường tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai thì không may gặp tai nạn giao thông khi va chạm với một xe mô tô.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, khách hàng P.T.H đã được đưa đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng nên đến ngày 21/07/2022 bà H. tử vong. Ngay khi nhận được thông báo, BIC Lâm Đồng đã cùng BIDV Bảo Lộc tới thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình khách hàng; đồng thời, tích cực, khẩn trương cùng gia đình hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Tổng số tiền chi trả cho gia đình khách hàng P.T.H là 874.654.534 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bồi thường; tiền trợ cấp mai táng.
Với những quyền lợi thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, BIC Bình An đã và đang trở thành một công cụ quản trị rủi ro nhằm bảo toàn vốn quan trọng cho ngân hàng, là giải pháp hỗ trợ tài chính hữu hiệu, chia sẻ khó khăn với khách hàng trong trường hợp không may xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm được sử dụng ngày càng phổ biến, rộng rãi hiện nay.
Bảo hiểm lại lo gánh nặng bồi thường thiên tai
(ĐTCK) – Sau đợt ngập lụt lịch sử tại Đà Nẵng và các tỉnh ven biển mới đây, một lần nữa những vấn đề liên quan đến bảo hiểm thiên tai được đề cập nhiều.
Thiệt hại có thể lên đến hàng chục tỷ đồng riêng về bảo hiểm xe cơ giới – đây chỉ là con số thống kê thiệt hại ban đầu vừa được một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thống kê từ khách hàng qua trận mưa lụt tại Đà Nẵng vừa qua.
Tại 2 hãng bảo hiểm đứng thứ 3 và 10 về doanh thu trên thị trường, hiện có khoảng 500 khách hàng thông báo về những thiệt hại ban đầu đối với xe ô tô của họ. Các doanh nghiệp dự báo, số tiền bồi thường sẽ còn tăng lên khi số liệu thống kê thiệt hại về xe cơ giới và thiệt hại về tài sản hàng hóa được khách hàng cũng như bộ phận giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm cập nhật đầy đủ.
Trước đó, hồi tháng 6/2022, sau trận mưa lớn khiến nhiều khu vực tại Hà Nội ngập lụt nặng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã ghi nhận nhiều tổn thất đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tiếp nhận khoảng 250 cuộc gọi thông báo tổn thất của các khách hàng lên tổng đài hỗ trợ. Phần lớn thiệt hại tập trung vào việc xe ô tô bị ngập nước, một số khách hàng cũng bắt đầu thông báo thiệt hại về hàng hóa. Hiện tại, PTI đã huy động các giám định viên từ các địa phương lân cận kịp thời hỗ trợ cho khách hàng chịu tổn thất tại Đà Nẵng.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, đa phần người dân miền Trung – khu vực thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai – chỉ mua bảo hiểm ô tô, mà gần như không mua thêm các bảo hiểm thiệt hại về nhà cửa và tài sản trong nhà, trong khi đây tài sản là phổ biến nhất. Thực tế này xuất phát từ 2 nguyên nhân: Một là ý thức bảo vệ cho tài sản của người dân chưa cao; hai là các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không mặn mà bán bởi rủi ro hệ thống tại khu vực “rốn lũ” miền Trung khá cao.
Khi mưa lớn bất thường gây lụt lội nghiêm trọng dường như xuất hiện với tần suất ngày một dày hơn tại đô thị lớn, các hãng bảo hiểm sẽ buộc phải xem xét lại việc tính phí và cấp đơn cho khách hàng.
Theo dữ liệu của Công ty Môi giới bảo hiểm và Tái bảo hiểm Aon, tổng tổn thất do thiên tai được bảo hiểm trên toàn cầu đã lên tới 39 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022, tăng khoảng 18% so với mức trung bình của thế kỷ 21. Theo hãng bảo hiểm này, sẽ có diễn biến tổn thất phức tạp ở hầu hết các khu vực trên thế giới, khi các chi phí liên quan đến lũ lụt theo mùa, hạn hán và bão được cập nhật đầy đủ.
Trong báo cáo của mình, Aon cũng cho biết: “Dấu hiệu của biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên rõ ràng hơn trong từng sự kiện, cũng như xu hướng về nhiệt độ và lượng mưa trong nửa đầu năm 2022. Nhiệt độ ấm hơn mức trung bình ở phạm vi rộng trên toàn cầu đã được viện dẫn để chứng minh cho các hình thái thời tiết bất thường hơn do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina diễn ra liên tục trong gần ba năm qua”.
Dự báo 2 quý cuối năm 2022, Aon nhấn mạnh, quý III thường là quý xảy ra nhiều tổn thất nhất trong năm, còn các nhà thời tiết dự báo mức độ hoạt động sẽ cao hơn trung bình trong mùa bão ở Đại Tây Dương. Bên cạnh đó, quý IV cũng có khả năng gây tốn kém cho ngành bảo hiểm.
Phí bảo hiểm ở châu Á đã tăng khoảng 3% trong quý II/2022, cùng tốc độ tăng như quý I/2022. Đây là kết quả của báo cáo “Chỉ số thị trường bảo hiểm toàn cầu” quý II/2022 do Marsh – công ty môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới phát hành. Theo hãng môi giới bảo hiểm này, phí bảo hiểm tiếp tục tăng cao hơn mức trung bình đối với rủi ro thiên tai.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Công ty Xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng, phí tái bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng trong mùa tái tục tháng 1/2023, ngay cả khi không có các tổn thất thảm họa lớn trong suốt nửa cuối năm 2022.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo Việt – thương hiệu bảo hiểm duy nhất được vinh danh Thương hiệu quốc gia
(TBTCO) – Tại chương trình Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, Bảo Việt được vinh danh với hai dòng sản phẩm bảo hiểm, thể hiện vị thế của một tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.
Tại chương trình Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022 cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt. Đây là sự tôn vinh dành cho Tập đoàn Bảo Việt – tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Như vậy Bảo Việt là doanh nghiệp duy nhất có cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đạt Thương hiệu quốc gia.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt đã trải qua vòng xét chọn kỹ lưỡng từ hơn 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia và đáp ứng hệ thống các tiêu chí khắt khe của chương trình. Bảo Việt là doanh nghiệp tiêu biểu, đại diện cho Thương hiệu Việt Nam, có vị thế dẫn đầu ngành và cùng chia sẻ, theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay là chất lượng – đổi mới, sáng tạo – năng lực tiên phong.
Là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam duy nhất trên thị trường, Bảo Việt Nhân thọ tập trung đa dạng hóa các dòng sản phẩm cũng như phát triển mạng lưới rộng khắp để giúp Bảo Việt Nhân thọ đến gần hơn với từng gia đình Việt Nam.
Theo định hướng “Vì con người Việt, tương lai Việt”, Bảo Việt Nhân thọ đã và đang khẳng định vị trí doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dẫn đầu tại Việt Nam thông qua chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Với hàng chục sản phẩm đa dạng, ưu việt, kết hợp với việc phát triển hệ thống trải dài khắp các tỉnh thành, tập trung phát triển dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện, Bảo Việt Nhân thọ đã thể hiện được ưu thế vượt trội trên thị trường. Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt mang sứ mệnh bảo vệ tài chính, bảo vệ sự bình an cho mọi tổ chức và cá nhân, vì một tương lai Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Bảo Việt thấu hiểu sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người, vì vậy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu và đòi hỏi thiết yếu của mỗi cá nhân. Sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của Bảo Việt nhằm mang lại sự an tâm tận hưởng cuộc sống vui khỏe trọn vẹn cho khách hàng. Mỗi khách hàng khi tham gia bảo hiểm sức khỏe sẽ được bảo vệ một cách tối ưu, tận hưởng chất lượng dịch vụ y tế tại những bệnh viện hàng đầu.
Trong kỷ nguyên số, Bảo hiểm Bảo Việt chú trọng bảo hiểm số để tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng. Với lợi thế đi sớm tiếp cận nắm bắt công nghệ, Bảo hiểm Bảo Việt hiện đã bước vào giai đoạn cải thiện để tối ưu trải nghiệm cho khách hàng. Các ứng dụng số hóa liên tục được cải tiến, đưa công nghệ AI vào áp dụng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh và chính xác nhất, đồng thời xây dựng hệ sinh thái số hoá đồng bộ nhất quán. Trong gần 60 năm qua, Bảo hiểm Bảo Việt luôn chú trọng tạo ra giá trị bền vững cho khách hàng cá nhân và tổ chức, duy trì vị thế là doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời và uy tín hàng đầu Việt Nam.
Tổ chức Brand Finance đã định giá thương hiệu Bảo Việt cao nhất ngành bảo hiểm, đạt 731 triệu USD. Thương hiệu Bảo Việt đáp ứng tốt các tiêu chí đánh giá cả về vị thế trên thị trường và tiềm năng tạo ra lợi nhuận ổn định trong tương lai. Bảo Việt luôn chú trọng giữ gìn hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.
Bảo Việt cũng là một trong số ít đại diện của các công ty, tập đoàn có thứ hạng cao và có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng trong bảng xếp hạng Top 50 doanh nghiệp thương hiệu giá trị nhất Việt Nam: xếp thứ 14 trong bảng tổng sắp năm 2022. Điều này thể hiện sự đồng nhất trong đánh giá của các tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
9 tháng năm 2022 doanh thu phí bảo hiểm gốc của BIC tăng 39%
(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2022.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của BIC, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 đạt hơn 56 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng (tương đương giảm hơn 46%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận quý III/2022 là do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 44,5% so với quý III/2021.
Trong kỳ, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng tới 69% lên 530 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt là 30% và 58% lên 10,4 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quý III/2022, BIC ghi nhận doanh thu đạt hơn 833 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 800 tỷ đồng, tăng 43%. Doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng 8% lên 82 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu phí bảo hiểm của BIC đạt 2.689 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, doanh thu doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt hơn 2.551 tỷ đồng tăng 39% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chi phí hoạt động tài chính tăng lần lượt 37% và 746% so với cùng kỳ, lên 1.510 tỷ và 33 tỷ đồng. Kết quả, 9 tháng 2022, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 183 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Năm 2022, Bảo hiểm BIDV đặt kế hoạch doanh thu là 3.310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 435 tỷ đồng. Như vậy, đến hết tháng 9, Công ty mới hoàn thành 58,3% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu BIC đứng tại mức giá 25.900 đồng/CP.
9 tháng năm 2022, tổng lợi nhuận trước thuế của Bảo Minh (BMI) đạt 257 tỷ đồng
(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo Minh (BMI – sàn HOSE) vừa công bố BCTC quý III/2022 với doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 1.173 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động tài chính quý III/2022 tăng 73% lên hơn 121 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Bảo Minh đạt 85 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, theo báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp BMI ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 21% lên 3.242 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 244 tỷ đồng, tăng 17%. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BMI đạt 3.039 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tài chính đạt 94 tỷ đồng, tăng tới 84%. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, tổng lợi nhuận trước thuế của BMI đạt 257 tỷ đồng, tăng 11%.
Đến hết tháng 9, Công ty đã hoàn thành 61,3% kế hoạch doanh thu và 75,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2022.
Năm 2022 BMI đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu ở mức 5.700 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với năm 2021, kỳ vọng lợi nhuận kế toán trước thuế 340 tỷ đồng tăng trưởng 11%. ROE tối thiểu đạt 10% và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu là 15%.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu BMI tăng hơn 1% lên 24.850 đồng/CP.
9 tháng năm 2022, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) báo lỗ 349 tỷ đồng
(ĐTCK) – Báo cáo tài chính vừa được Bảo hiểm Bưu điện (PTI) công bố cho thấy, trong quý III/2022, Công ty lỗ trước thuế 197 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ trước thuế 349 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 3.958 tỷ đồng, tăng 6%, nhưng các doanh thu từ kinh doanh bất động sản đầu tư giảm 77%, doanh thu hoạt động tài chính giảm 21%, trong khi chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng thêm tới gần 810 tỷ đồng, tương đương tăng 25%. Kết quả, Công ty báo lỗ trước thuế 349 tỷ đồng trong 9 tháng.
Theo giải trình của PTI, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm giảm mạnh hơn 200% nguyên nhân chính do Công ty phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An”.
Cụ thể, với chương trình, khách hàng tham gia với chi phí vài trăm nghìn đồng, có thể được chi trả hàng chục triệu đồng khi bị nhiễm bệnh Covid-19 trong khoảng thời gian nhất định, tối thiểu 3 tháng. Do dịch bệnh bùng phát mạnh, nên số tiền chi trả lớn hơn nhiều số phí thu được. Tổng chi bồi thường bảo hiểm 9 tháng năm 2022 tăng hơn 377 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, PTI đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 22% so với năm 2021, còn 260 tỷ đồng, khi dự báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khó tăng trưởng đột phá trong năm 2022. Công ty lên kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đạt 6.350 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021.
Hanwha Life Việt Nam ra mắt bảo hiểm đồng hành điều trị và bảo hiểm hỗ trợ viện phí do ung thư
(ĐTCK) – Hanwha Life Việt Nam vừa giới thiệu ra thị trường bộ đôi sản phẩm Bảo hiểm đồng hành điều trị ung thư và bảo hiểm hỗ trợ viện phí do ung thư.
Bảo hiểm đồng hành điều trị ung thư của Hanwha Life Việt Nam được thiết kế tối ưu, mang đến 2 lựa chọn Chương trình bảo hiểm cơ bản và nâng cao với 3 quyền lợi phù hợp với nhu cầu bảo vệ của phần lớp gia đình Việt Nam.
Với Chương trình bảo hiểm cơ bản, nếu không may mắc căn bệnh này ở giai đoạn sớm, khách hàng sẽ nhận được 50% số tiền bảo hiểm (tối đa 500 triệu đồng/người được bảo hiểm) với Quyền lợi bảo hiểm Bệnh ung thư giai đoạn sớm. Trong trường hợp không may mắc bệnh ung thư ở giai đoạn muộn, khách hàng sẽ được nhận thêm đến 100% số tiền bảo hiểm.
Bên cạnh đó, khi được chẩn đoán mắc ung thư ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn muộn, khách hàng sẽ được nhận thêm quyền lợi hỗ trợ chi phí tầm soát Bệnh ung thư cho người thân, tương đương với 2% số tiền bảo hiểm (Tối đa 10 triệu đồng/Người được bảo hiểm).
Khi tham gia chương trình bảo hiểm nâng cao, ngoài các quyền lợi cơ bản, khách hàng sẽ được hưởng thêm 02 quyền lợi vô cùng tối ưu, đó là quyền lợi trợ cấp thu nhập hàng tháng 2% số tiền bảo hiểm/tháng, trong vòng 12 tháng (tối đa 20 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, khách hàng còn được Hanwha Life Việt Nam đồng hành trong quá trình điều trị với 30% số tiền bảo hiểm nếu vẫn còn mắc bệnh ung thư giai đoạn muộn sau 2 năm.
Trong khi đó, bảo hiểm hỗ trợ viện phí do ung thư sẽ hỗ trợ tài chính cho khách hàng mỗi ngày nằm viện điều trị ung thư. Theo đó, Hanwha Life Việt Nam sẽ chi trả 100% số tiền bảo hiểm/ngày nằm viện (tối đa 30 ngày nằm viện/đợt nằm viện).
Thêm vào đó, khách hàng khi tham gia sản phẩm này còn được nhận quyền lợi hỗ trợ bệnh ung thư đặc biệt lên tới 10 lần số tiền bảo hiểm khi mắc Bệnh ung thư nguyên phát như: Ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư não, ung thư máu, ung thư tử cung.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm sức khỏe: Khách “nhàn tênh” khi bồi thường 100% online
(TBTCO) – Gần đây, bảo hiểm sức khỏe có xu hướng được nhiều khách hàng chủ động lựa chọn bởi chính sách linh hoạt, quyền lợi lớn, dễ tiếp cận dịch vụ y tế cao cấp, trong khi phí bảo hiểm hợp lý, phù hợp với thu nhập của đại đa số. Việc mua, tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm đến yêu cầu bồi thường, bảo lãnh viện phí, theo dõi tiến độ bồi thường… ngày càng trở nên thuận tiện hơn với khách hàng khi thực hiện online 100% qua ứng dụng của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp chính là “cú hích” thay đổi tâm lý của người tiêu dùng trong việc mua bảo hiểm sức khỏe để phòng ngừa rủi ro và tối ưu chi phí khám chữa bệnh nội – ngoại trú.
Chia sẻ về lý do trang bị bảo hiểm sức khỏe, chị Hoàng Thu Huyền (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Kể từ hậu Covid-19, tôi càng ý thức rõ nét hơn về việc đầu tư cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Tôi chủ động chọn mua bảo hiểm sức khỏe để có điều kiện khám chữa bệnh ở cả bệnh viện công lập trung ương và bệnh viện tư nhân quốc tế. Hạn mức chi trả bảo hiểm khá cao giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong mỗi lần khám, thậm chí có lần còn được bảo lãnh viện phí 100%, không mất đồng nào”.
Đồng quan điểm với chị Huyền, chị Nguyễn Minh Trang (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, bảo hiểm sức khỏe trở thành “vật bất ly thân” cho các gia đình hiện đại, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.
“Với các gia đình có trẻ nhỏ như nhà tôi, việc mua bảo hiểm sức khỏe cho bé là cần thiết, bởi trẻ con rất hay bị ốm vặt và tái phát bệnh. Mỗi lần đi viện, tiền khám, tiền thuốc, tiền giường… đã tốn một khoản không nhỏ, chưa kể phát sinh nhiều chi phí khác khi tái khám. Nhờ lần gần đây nhất khi bé nhà tôi phải nhập viện vì mắc sốt xuất huyết, nhờ có bảo hiểm mà cháu được thanh toán toàn bộ chi phí nằm viện 1.250.000 đồng/ngày, chưa kể được hỗ trợ thêm chi phí trợ cấp nằm viện nội trú 25.000 đồng/ngày nữa, tính ra được hỗ trợ 70% tổng chi phí cho cả đợt điều trị” – chị Trang tâm sự.
Theo ghi nhận hiện nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang đẩy mạnh phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh, tự động hóa quy trình bồi thường nhằm cho phép khách hàng thuận tiện hơn khi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, mang lại trải nghiệm tự phục vụ tiện lợi.
Như với ứng dụng MyVBI của Bảo hiểm VietinBank – VBI, các quy trình hầu hết đã được số hóa toàn bộ, từ việc mua, cấp đơn, tra cứu giấy chứng nhận… Đặc biệt, khâu chi trả quyền lợi bảo hiểm “không giấy tờ” cũng đã hoàn thiện, với tính năng giám định online và bồi thường nhanh qua ứng dụng MyVBI.
Chia sẻ thêm với phóng viên, chị Hoàng Thu Huyền cho biết: “Sử dụng bảo hiểm VBI, tôi thấy tiết kiết được nhiều thời gian làm thủ tục bồi thường, các bước chứng minh, nộp hồ sơ, khai báo rất đơn giản, rõ ràng, tiện lợi… Lần trải nghiệm thú vị nhất là khi tôi đang lấy thuốc trong bệnh viện, song song với đó chụp hình hồ sơ và làm thủ tục yêu cầu chi trả bồi thường qua app MyVBI. Sau 30 phút về đến nhà, tôi đã nhận được email xác nhận phương án đồng ý bồi thường từ VBI và được “tinh tinh” tiền bồi thường ngay sau khi nhấn xác nhận. Rất nhanh chóng và thuận tiện”.
Cụ thể, để được bồi thường chi phí khám chữa bệnh, khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng My VBI trên điện thoại di động, sau đó chọn mục “Yêu cầu bồi thường” trên app, điền đầy đủ các thông tin: người khai báo bồi thường, thông tin khám chữa bệnh, thông tin thanh toán và chụp giấy tờ khám chữa bệnh. Sau đó, phía VBI sẽ gửi xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ thành công và hướng dẫn bổ sung giấy tờ qua tin nhắn hoặc email khách hàng đăng ký nếu cần. Sau khi gửi hồ sơ bồi thường, khách hàng có thể theo dõi tiến trình bồi thường ngay trên ứng dụng MyVBI bằng cách truy cập “Lịch sử bồi thường” trên mục Cá nhân.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: “Giải pháp bồi thường trực tuyến qua app rất phù hợp với những người có lịch trình bận rộn như tôi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại, xử lý giấy tờ và luôn sẵn sàng 24/7. Khách hàng được chủ động từ khi ra quyết định mua, cho đến khi trải nghiệm dịch vụ, yêu cầu bồi thường. Khi đi khám chữa bệnh, tôi cũng chỉ cần mang theo điện thoại đã tải app chứ không cần bất kỳ thẻ vật lý nào khác để xuất trình tại quầy”.
Có thể thấy, ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm bảo vệ sức khỏe để chủ động hơn trước những rủi ro không mong muốn. Trong đó, những sản phẩm có hệ sinh thái số toàn diện, có ứng dụng chuyên biệt, số hóa quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm… được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Việc chủ động yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến không chỉ đơn giản hóa các quy trình, đẩy nhanh tốc độ xử lý yêu cầu và chi trả quyền lợi, còn tạo ra trải nghiệm tích cực cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, xóa tan định kiến về “mua dễ – khó đòi” của bảo hiểm từ trước tới nay.
Sản phẩm bảo hiểm “may đo” kỳ vọng hút khách
(TBTCO) – Thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, chỉ tính riêng tháng 9/2022, doanh thu phí khai thác mới toàn thị trường nhân thọ tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng, đồng thời giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng khách hàng – còn được ví như “may đo”, theo hình thức trực tuyến…
Đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết, công ty vừa chính thức giới thiệu ra thị trường sản phẩm bảo hiểm Bảo vệ 365 cùng hình thức mua nhanh chóng và tiện lợi trên trang bán hàng trực tuyến. Sản phẩm mang đến giải pháp bảo vệ toàn diện trước các rủi ro liên quan đến tai nạn và sức khỏe với mức chi phí hợp lý, phù hợp nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, sản phẩm Bảo vệ 365 là một sản phẩm đột phá, hướng đến nhóm khách hàng trẻ, năng động nhờ cơ chế cho phép tự lựa chọn hay kết hợp các gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu cá nhân trên nền tảng thương mại điện tử.
Đặc biệt, nhân dịp ra mắt sản phẩm Bảo vệ 365 và trang bán hàng trực tuyến mới, Hanwha Life Việt Nam triển khai chương trình khuyến mại dành cho khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo vệ 365. Theo đó, với mỗi hợp đồng bảo hiểm được phát hành thành công, khách hàng sẽ nhận thêm Vani Xu trên ứng dụng ví, trị giá 50% phí bảo hiểm. Vani Xu đã tích lũy có thể đổi sang điểm thành viên đã liên kết tại Vani và sử dụng như tiền mặt. Hình thức tích lũy điểm thưởng khi tham gia sản phẩm bảo hiểm rất được giới trẻ ưa chuộng…
Một tên tuổi khác là Sun Life, mới đây đã ra mắt giải pháp chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu riêng. Với sự đa dạng và linh hoạt về quyền lợi bảo hiểm, “Sống Chất” cho phép khách hàng lựa chọn từng dịch vụ thích hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân, các loại điều trị theo mong muốn, những địa điểm điều trị thuận tiện đến uy tín nhất. Điều này có nghĩa, những quyền lợi thích hợp nhất ở các hạng mục chăm sóc và điều trị nhằm tạo nên giải pháp bảo vệ tối ưu sẽ do khách hàng quyết định. Đây là một trong số ít sản phẩm trên thị trường mà khách hàng là người tự thiết kế sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và từng người thân trong gia đình thông qua giải pháp bảo hiểm “Sống Chất”.
Bên cạnh việc đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với từng khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chạy đua nước rút với nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.
Điển hình như FWD vừa triển khai chương trình “Đón vận may – Nhận vàng ngay” được áp dụng cho khách hàng tham gia bảo hiểm qua kênh đại lý của FWD trên toàn quốc. Theo đó, khi tham gia sản phẩm FWD Cả nhà vui khỏe, FWD Con vươn xa 2.0, FWD Đón đầu thay đổi 3.0, FWD Bộ đôi tài sản 2.0 cùng các sản phẩm bổ trợ đi kèm trong thời gian từ nay đến 31/12/2022, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia quay số trúng thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn, với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.
Dai-ichi Life Việt Nam cũng triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt trong quý 4/2022 – “Đón Tết sum vầy, ngập tràn quà tặng” dành cho khách hàng từ nay đến hết ngày 31/12/2022, với 120 giải thưởng có tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng.
Song song chương trình khuyến mại này, chương trình khuyến mại đặc biệt “Mừng tuổi 15, Rước ‘xế’ về nhà” với giải thưởng là 2 chiếc xe hơi Toyota Camry 2.5Q, tổng trị giá 2,7 tỷ đồng cũng đang được Dai-ichi Life Việt Nam triển khai. Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Dai-ichi Life Việt Nam đã triển khai 7 chương trình khuyến mại cho khách hàng, với tổng giá trị quà tặng hơn 12 tỷ đồng.
Ông Hwang Jun Hwan – Tổng Giám đốc Hanwha Life Việt Nam chia sẻ: Khác với các sản phẩm hiện có của Hanwha Life Việt Nam, với Bảo vệ 365, khách hàng có thể chủ động lựa chọn và ghép các sản phẩm bảo hiểm riêng lẻ để xây dựng nên gói bảo hiểm phù hợp nhu cầu của bản thân và đồng thời tự đặt mua trực tuyến với thao tác đơn giản, dễ dàng. Sản phẩm Bảo vệ 365 hướng đến bảo vệ toàn diện cho khách hàng ở đa dạng lứa tuổi, tại nhiều giai đoạn cuộc sống. Tính năng này phù hợp với lối sống Do-It-Yourself (DIY) ngày càng trở nên phổ biến với thế hệ trẻ tại Việt Nam.
Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết: “Với mong muốn mang đến nhiều lựa chọn mới mẻ cho thị trường, lần này trong lĩnh vực sức khỏe, chúng tôi ra mắt “Sống Chất”. Sản phẩm giúp khách hàng “may đo” các giải pháp bảo vệ cho riêng mình, đồng thời có thể chăm sóc cả gia đình với quỹ sức khỏe chung theo nhu cầu của từng cá nhân”.
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nhấn mạnh, thủ tục mua bảo hiểm trực tuyến nhìn chung khá đơn giản. Theo đó, chỉ với vài cú nhấp chuột, khách hàng có thể tìm hiểu các sản phẩm bảo hiểm, lựa chọn mức phí phù hợp, đặc biệt khách hàng còn được trao quyền chủ động có thể thiết kế, lựa chọn sản phẩm cho riêng mình…, mang đến cho khách hàng hành trình trải nghiệm bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến, dễ dàng.
Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhấn mạnh, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến có doanh thu thấp vì mỗi hợp đồng chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu
đồng/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng dùng thử các sản phẩm này sẽ có niềm tin vào doanh nghiệp bảo hiểm và sẵn sàng chi số tiền lớn để tham gia các gói bảo hiểm nhân thọ nhằm tối đa hóa kế hoạch tiết kiệm và bảo vệ, giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu khai thác mới.
- Tin quốc tế
Gigacover hợp tác với yufin khởi động chương trình bảo hiểm sức khỏe cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Philippines
(INA) – Công ty công nghệ bảo hiểm Gigacover có trụ sở tại Singapore đã hợp tác với nền tảng thương mại yufin để cho phép các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở Philippines dễ dàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm phù hợp trên điện thoại thông minh.
Theo quan hệ đối tác, người sử dụng ứng dụng yufin có thể mua bảo hiểm sức khỏe trên nền tảng của họ.
Thông báo này được đưa ra sau khi yufin đã vượt quá 15.000 lượt đăng ký kể từ khi ra mắt tại thành phố Davao ở Philippines.
Theo ước tính, có hơn một triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở Philippines, chẳng hạn như các cửa hàng tiện lợi sari-sari thường do một, hai hoặc nhiều phụ nữ điều hành. Ước tính không đến 20% trong số các doanh nghiệp này có tài khoản ngân hàng và hơn 80% sử dụng điện thoại thông minh.
Singapore ra mắt bảo lãnh của ngân hàng và trái phiếu bảo hiểm kỹ thuật số
(INA) – Bộ Tài chính và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã ra mắt eGuarantee @ Gov, cho phép các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp bảo lãnh của chủ ngân hàng hoặc trái phiếu bảo hiểm cho các cơ quan chính phủ dưới dạng kỹ thuật số.
Doanh nghiệp và cá nhân chỉ cần đăng ký Bảo lãnh điện tử từ hơn 20 tổ chức tài chính tham gia thông qua các trang web hoặc email để gửi trực tiếp đến 17 cơ quan chính phủ. Điều này có nghĩa là họ không còn cần phải xin bảo lãnh bằng giấy tờ từ một tổ chức tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc giấy phép.
Bảo đảm eGuarantees sẽ được truyền một cách an toàn thông qua Nền tảng Thương mại Nối mạng của Hải quan Singapore (NTP).
Theo Bộ Tài chính và MAS, nhiều tổ chức tài chính và đại lý dự kiến sẽ tham gia eGuarantee @ Gov vào cuối năm 2023.
EGuarantee @ Gov được phát triển cùng với Hiệp hội các Ngân hàng ở Singapore và Tổng Hiệp hội Bảo hiểm Singapore.
Cover Genius thu được 70 triệu USD từ vòng tài trợ Series D
(INA) – Công ty insurtech toàn cầu Cover Genius đã thu được 70 triệu đô la trong vòng gọi vốn Series D do Dawn Capital dẫn đầu với sự tham gia của nhà đầu tư mới, Atlas Merchant Capital có trụ sở tại New York và các nhà đầu tư hiện tại bao gồm GSquared và King River Capital.
Số tiền mới sẽ được sử dụng để mở rộng nền tảng phân phối bảo hiểm toàn cầu của công ty XCover.
Trước đây, Cover Genius đã hợp tác với Turkish Airlines để tăng cường khả năng bảo vệ hành trình toàn diện cho hành khách toàn cầu.
OneDegree mở rộng phạm vi bảo hiểm của các thiết bị điện gia dụng
(INA) – Công ty bảo hiểm OneDegree có trụ sở tại Hồng Kông đã tối ưu hóa gói bảo hiểm nhà của mình và mở rộng phạm vi bảo hiểm của các thiết bị điện gia dụng.
Công ty bảo hiểm đã kích hoạt phạm vi bảo hiểm cho 14 loại thiết bị gia dụng thường được sử dụng, với phạm vi bảo hiểm giới hạn ở tivi (không bao gồm màn hình), điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy giặt sấy combo, máy hút mùi, bếp từ, lò nướng, máy hút ẩm, máy lọc không khí, máy nước nóng, máy hút bụi và hệ thống lọc nước mua ở Hồng Kông, sử dụng chưa đến 5 năm và có giá trị từ 382,17 USD (3.000 HKD) đến 3.820 USD (30.000 HKD); và ngoài bảo hành ban đầu của nhà sản xuất.
Ngoài ra, chỉ với khoản phí bảo hiểm bổ sung là 7,64 USD (60.000 HKD) mỗi tháng, khách hàng có thể nhận được sự bảo vệ ngôi nhà toàn diện hơn để bảo vệ những người thân yêu và ngôi nhà ấm áp nhất của họ.
Ông Alvin Kwock, Đồng sáng lập của OneDegree Group, cho biết: “Tính đến tháng 9 năm 2022, số lượng hợp đồng Bảo hiểm Nhà OneDegree đã tăng hơn gấp đôi so với quý trước, với doanh số tăng 1,2 lần. Như chúng tôi nhận thấy từ nghiên cứu thị trường, phạm vi sửa chữa thiết bị gia dụng hiện tại trên thị trường không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, công ty hiện đang cung cấp phạm vi bảo hiểm nâng cao cho các nhu cầu và sửa chữa thiết bị gia dụng của khách hàng. Là một công ty lấy khách hàng làm trung tâm, chúng tôi sẽ tiếp tục thích ứng với nhu cầu bảo hiểm gia đình đang thay đổi của khách hàng và tối ưu hóa hơn nữa các sản phẩm của chúng tôi cho các gia đình trên toàn thành phố”.
Người Singapore hiện có thể theo dõi tổng thể hợp đồng bảo hiểm của mình
(INA) – Trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội Fintech Singapore 2022, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết: giờ đây, người dân Singapore có thể có được cái nhìn tổng hợp về các hợp đồng bảo hiểm của họ giữa các công ty bảo hiểm khác nhau trên Sàn giao dịch Dữ liệu Tài chính Singapore.
Việc đưa thông tin về các hợp đồng bảo hiểm lên Sàn giao dịch Dữ liệu Tài chính Singapore (SGFinDex) cho phép các cá nhân truy cập thông tin này thông qua các ứng dụng lập kế hoạch tài chính hoặc trang web của công ty bảo hiểm, ngân hàng tham gia, cũng như thông qua MyMoneySense, một dịch vụ kỹ thuật số lập kế hoạch tài chính miễn phí của chính phủ.
Theo ông Wong, điều này sẽ cho phép người Singapore xác định các lỗ hổng bảo vệ tiềm ẩn dễ dàng hơn và có được cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tài chính của họ.
Với việc bổ sung các hợp đồng bảo hiểm vào SGFinDex, người dân Singapore sẽ có thể dễ dàng xác định các lỗ hổng tiềm ẩn về bảo vệ và có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tài chính của mình, ông Wong cho biết.
Sự tăng cường này được thực hiện thông qua sự hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Singapore (LIA Singapore), Hiệp hội các Ngân hàng tại Singapore (ABS) và các cơ quan chính phủ.
Hiện có hơn 30.000 người dùng hoạt động hàng tháng của SGFinDex, với gần 1,2 triệu lượt truy xuất dữ liệu. SGFinDex được thiết kế với tính năng bảo vệ dữ liệu và kiểm soát quyền riêng tư. Dữ liệu tài chính chỉ có thể được truy xuất và cập nhật khi có sự đồng ý rõ ràng của cá nhân thông qua Singpass. Sự đồng ý sẽ có hiệu lực một năm kể từ lần đầu tiên cá nhân liên kết tài khoản với SGFinDex.
Lợi nhuận của Great Eastern 9 tháng 2022 giảm 12%
(INA) – Lợi nhuận của Great Eastern chi trả cho cổ đông trong 9 tháng đầu năm tài chính 2022 (9T22) đã giảm 12% xuống còn 780,9 triệu đô la, so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một báo cáo, công ty cho biết lợi nhuận liên quan của họ giảm là do “định giá thấp hơn các khoản đầu tư vào quỹ cổ đông, trong bối cảnh môi trường đầu tư toàn cầu đầy thách thức”.
Tuy nhiên, mức định giá thấp hơn được cân bằng nhờ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty tăng mạnh hơn trong 9T22.
Giá trị kinh doanh nhúng mới của Great Eastern (NBEV) đã tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9T22, đạt 595,3 triệu đô la, mặc dù hiệu suất bán hàng kém hơn. Trong 9T22, tổng doanh số bán mới của công ty đã giảm 1%.
Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Khor Hock Seng, cho biết: “Môi trường kinh doanh sẽ đầy thách thức trong thời gian gần và trung hạn, phản ánh sự không chắc chắn về địa chính trị, môi trường đầu tư khó khăn và áp lực lạm phát. Trọng tâm của chúng tôi vẫn là củng cố mô hình kinh doanh và phân phối, được hỗ trợ bởi các đề xuất nhắm mục tiêu theo hướng dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
PasarPolis thử nghiệm ứng dụng bảo hiểm một cửa mới Tap Insure
(INA) – Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm của Indonesia PasarPolis đã ra mắt Tap Insure, kênh phân phối B2C cho bảo hiểm.
Hướng đến khách hàng cuối cùng, Tap Insurance cho phép người dùng mua các sản phẩm bảo hiểm nhúng.
Hiện tại, ứng dụng TAP Insure cung cấp hai sản phẩm: TAP Travel, một sản phẩm bảo hiểm du lịch bảo hiểm các rủi ro tài chính có thể xảy ra trong chuyến đi do hành trình bị chậm / hủy / gián đoạn, hành lý bị thất lạc hoặc hư hỏng, hành lý chậm trễ, lỡ chuyến bay và / hoặc thay đổi trong kế hoạch du lịch, cũng như bảo vệ COVID-19. Phí bảo hiểm cho bảo hiểm này bắt đầu từ $ 1,60 (IDR25k), với thời gian bảo vệ bắt đầu từ một ngày.
Sản phẩm thứ hai là Tai nạn Cá nhân TAP bao gồm các quyền lợi bảo hiểm bao gồm thương tật hoặc tử vong do tai nạn gây ra với phí bảo hiểm bắt đầu từ $ 3,60 (IDR56,25k) với thời gian bảo vệ bắt đầu từ sáu tháng kể từ khi mua.
PasarPolis cho biết họ có kế hoạch tung ra nhiều sản phẩm hơn trong những tháng tới, bao gồm các giải pháp bảo hiểm khác liên quan đến nội dung gia đình, sức khỏe, thiết bị cá nhân, ô tô và các nhu cầu bảo hiểm khác.
TAP Insure được thành lập với sự hợp tác của PT Zurich Asuransi Indonesia, Tbk. (Zurich).
Nepal: cơ quan quản lý tiếp tục thanh toán yêu cầu bồi thường liên quan đến COVID mặc dù thiếu quỹ
(AIR) – Hội đồng Bảo hiểm Nepal (IB) đã bắt đầu giải quyết các yêu cầu bảo hiểm COVID-19 đã bị đình chỉ một thời gian.
Trang web tin tức MyRepublica đưa tin, IB đã thực hiện các khoản thanh toán mặc dù thiếu hụt đáng kể nguồn vốn do Bộ Tài chính (MoF) cung cấp cho mục đích này. Theo IB, Bộ Tài chính đã cấp cho quỹ chỉ 1 tỷ INR (7,75 triệu USD) trong khi các yêu cầu bảo hiểm liên quan đến COVID vượt quá 11 tỷ INR.
Sự thiếu đồng thuận giữa IB, Bộ Tài chính và các công ty bảo hiểm được cho là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải quyết các yêu cầu bảo hiểm.
Một quan chức IB cho biết Hội đồng đã tổ chức các cuộc thảo luận với Hiệp hội các nhà bảo hiểm Nepal để xúc tiến quá trình giải quyết các yêu cầu bảo hiểm.
Theo quan chức IB, các công ty bảo hiểm liên quan và Công ty Tái bảo hiểm Nepal đã đạt được sự đồng thuận bổ sung số tiền 818,10 triệu NPR cùng với số tiền mà Bộ Tài chính cung cấp.
Phân tích các khoản đóng góp là: IB sẽ chịu 8% của 1.818 tỷ NPR hiện có; Công ty Tái bảo hiểm Nepal sẽ đảm nhận 12%, trong khi các công ty bảo hiểm sẽ tài trợ 25% còn lại.
Ông Raju Raman Poudel, Tổng Giám đốc IB, cho biết vấn đề vẫn chưa được hoàn tất.
John Hancock bổ nhiệm tân CFO
(AIR) – John Hancock – công ty điều hành công ty bảo hiểm nhân thọ Canada Manulife có trụ sở tại Hoa Kỳ – đã bổ nhiệm ông Colin Simpson (trong ảnh) làm Giám đốc Tài chính mới nhất của mình.
Với tư cách là Giám đốc Tài chính, ông Simpson sẽ báo cáo với Phó chủ tịch điều hành cấp cao của Manulife và Giám đốc Tài chính toàn cầu Philip Witherington.
Ông Simpson có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành. Ông gia nhập John Hancock từ Aviva, với chức danh gần nhất là Giám đốc Tài chính tạm thời. Ông Simpson từng là Ggiám đốc Tài chính của Aviva tại Canada từ năm 2016. Trước đó, ông là Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Aviva trong hai năm vào năm 2013.
Ngoài các vai trò của mình tại Aviva, Simpson trước đây đã giữ các vai trò điều hành tại Goldman Sachs và Ngân hàng Đầu tư Bear Stearns. Ông cũng từng đảm nhận vai trò định phí viên tại Tập đoàn Tái bảo hiểm Hoa Kỳ và Gen Re.
Doanh nghiệp Bảo hiểm Canada đã xếp hạng Manulife là công ty bảo hiểm lớn nhất của Canada. Vào cuối năm 2021, công ty có tổng tài sản là 917,6 tỷ đô la, với tổng phí bảo hiểm là 44,3 tỷ đô la. Ngoài Canada và Mỹ, Manulife còn hoạt động ở Châu Á và Châu Âu; năm 2021, công ty có hơn 38.000 nhân viên, 119.000 đại lý, hàng nghìn đối tác phân phối và phục vụ hơn 33 triệu khách hàng.
BTV (Tổng hợp).