TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 33

PVI Re chính thức đổi tên thành Hanoi Re; BSH bảo hiểm cho 2 dự án năng lượng nghìn tỷ của Tập đoàn T&T; Giá trị khai thác mới 6 tháng của Tập đoàn AIA tăng 37%

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 33

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo hiểm BSH tạm ứng 220 triệu đồng trong vụ xe câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai gặp nạn

(TBTCO) – Ngày 14/8/2023, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (Bảo hiểm BSH) đã tiến hành hoàn tất thủ tục tạm ứng bồi thường số tiền 220 triệu đồng để chủ xe bồi thường cho gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn làm 3 người của CLB Hoàng Anh Gia Lai tử vong xảy ra trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Ia Hrú (Chư Pưh, Gia Lai).

Khoảng 15h ngày 12/8/2023, xe ô tô tải mang biển kiểm soát (BKS) 81H-027.60 do tài xế Đinh Tiến Bình cầm lái va chạm với ô tô con mang BKS 81A-004.70 do ông Nguyễn Tú Sinh điều khiển và xe ô tô tải BKS 47C-263.06 do anh Nguyễn Tấn Xôn cầm lái. Vụ tai nạn khiến 3 người ngồi trong ô tô con BKS 81A-004.70 gồm: trợ lý HLV Dương Minh Ninh, bác sĩ Đào Trọng Trí, tiền đạo Paollo Madeira Oliveira của CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tử vong. Tài xế Nguyễn Tú Sinh bị thương và được đưa đi cấp cứu. Theo kết quả xác minh ban đầu, lái xe Đinh Tiến Bình không có nồng độ cồn và chất kích thích vi phạm quy định của pháp luật.

Trước đó, xe ô tô mang BKS 81H-027.60 của Công ty TNHH MTV Đại Thắng tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới tại BSH Gia Lai – Công ty thành viên trong hệ thống của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH theo quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính). Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 16/5/2023 đến ngày 16/5/2024, theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số OTODK23+DK23/+184995.

Ngay khi nhận thông tin về vụ tai nạn, Ban Lãnh đạo Bảo hiểm BSH Gia Lai đã phối hợp với chủ xe và đại diện CLB Hoàng Anh Gia Lai đến thăm hỏi động viên gia đình các nạn nhân tử nạn và tài xế Nguyễn Tú Sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai.

“BSH sẵn sàng tạm ứng bồi thường để đồng hành cùng chủ xe trong việc khắc phục thiệt hại trong vụ tai nạn nêu trên. Theo cập nhật về số liệu thương vong của vụ tai nạn, căn cứ vào đơn bảo hiểm đã cấp và quy định liên quan, Bảo hiểm BSH đã hoàn tất hồ sơ yêu cầu tạm ứng bồi thường số tiền 220 triệu đồng” – đại diện Bảo hiểm BSH cho biết.

  1. Một vòng doanh nghiệp

PVI Re chính thức đổi tên thành Hanoi Re

(ĐTCK) – Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re – mã chứng khoán: PRE) đã chính thức thông báo về việc được Bộ Tài Chính cấp giấy phép số 86/GPĐC5/KDBH chấp thuận đổi tên công ty thành Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re) từ ngày 03/08/2023.

Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) được thành lập năm 2011, với sứ mệnh trở thành một đơn vị tái bảo hiểm chuyên nghiệp và uy tín trên trường quốc tế. Nhờ sự đầu tư bài bản từ PVI Holdings, PVI Re đã không ngừng phát triển và xây dựng vị thế vững chắc của mình, trở thành một trong những công ty tái bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, ĐHĐCĐ của PVI Re đã tiếp tục thống nhất thông qua phương án đổi tên công ty thành Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re).

“Trải qua 12 năm hình thành và phát triển, PVI Re đã trở thành một trong các nhà tái bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực. Với mong muốn công ty tiếp tục phát triển ở tầm cao mới, các cổ đông đã quyết định lựa chọn thay đổi tên gọi PVI Re thành Hanoi Re. Chúng tôi vui mừng thông báo với các đối tác và các cổ đông về việc công ty đã chính thức được Bộ Tài Chính chấp thuận việc thay đổi tên này. Với tên gọi Hanoi Re, công ty mong muốn tiếp tục mang lại giá trị và niềm tin cho khách hàng và các cổ đông.”- Ông Phùng Tuấn Kiên – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội đưa ra thông báo.

Ông Jens Holger Wohlthat, Chủ tịch HĐQT PVI Holdings, cổ đông lớn của Hanoi Re đã chia sẻ: “PVI Re nay là Hanoi Re đã trở thành nhà tái bảo hiểm hàng đầu tại thị trường Việt Nam và có uy tín trên thị trường quốc tế. Chúng tôi mong muốn Hanoi Re tiếp tục phát triển hơn nữa trên phạm vi toàn cầu. Trong thời gian tiếp theo, PVI Holdings cũng như các cổ đông lớn của PVI Holdings là HDI và PVN sẽ tiếp tục hỗ trợ Hanoi Re về nguồn lực tài chính, chuyên môn kỹ thuật và các sự trợ giúp khác để công ty tiếp tục khẳng định vị thế, phát triển bền vững và và gặt hái thêm nhiều thành công. PVI Holdings cam kết tiếp tục là cổ đông lớn của Hanoi Re”.

Hanoi Re sẽ được kế thừa những giá trị và thành tựu đã đạt được của PVI Re sau 12 năm hoạt động cũng như toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Được biết, ngoài việc thay đổi về tên thương hiệu, sẽ không có sự thay đổi nào khác về cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Hanoi Re (tiền thân là PVIRe).

Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re) là công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã chứng khoán: PRE), với vốn điều lệ 1044 tỷ đồng và tổng tài sản gần 6000 tỷ đồng. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế A.M. Best đã xếp hạng tài chính công ty ở mức B++ (Tốt). Kết thúc năm 2022, Hanoi Re (tiền thân là PVI Re) đã khẳng định vị thế của mình, vươn lên trở thành nhà tái bảo hiểm nội địa có doanh thu hàng đầu thị trường bảo hiểm Việt Nam.

BSH bảo hiểm cho 2 dự án năng lượng nghìn tỷ của Tập đoàn T&T

(ĐTCK) – Vừa qua, Tổng công ty Bảo hiểm BSH đã ký kết hợp tác bảo hiểm với 2 Công ty điện gió thuộc Tập đoàn T&T là CTCP Phong điện Yang Trung và CTCP Phong điện Chơ Long. Tổng giá trị bảo hiểm của 2 dự án lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng đã ký kết, BSH sẽ cung cấp bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (bao gồm cháy nổ bắt buộc) cho nhóm tài sản thuộc dự án nhà máy điện gió Yang Trung thuộc xã Yang Trung, Chơ Long, Đăk Pơ Pho và dự án nhà máy điện gió Chơ Long thuộc huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai.

Những năm gần đây, ngành điện gió Việt Nam nhập cuộc theo sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo chung của thế giới, khi các công trình thủy điện lớn đã khai thác hết công suất, các thủy điện nhỏ thời gian gần đây được xây dựng nhiều nhưng không đạt công suất như kỳ vọng do ảnh hưởng bởi những yếu tố bất thường của thời tiết, thậm chí còn gây ảnh hưởng tới môi trường. Các sự cố sạt lở, nguy cơ vỡ đập thủy điện nhỏ trong mùa mưa bão đang thách thức nhiều địa phương thời gian gần đây.

Dự án nhà máy điện gió Yang Trung do Công ty cổ phần Phong điện Yang Trung là chủ đầu tư với công suất 145 MW, quy mô 67,95 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.246 tỷ đồng, ước tính sản lượng thương phẩm đạt 488.624 MWh/năm.

Dự án nhà máy điện gió Chơ Long do Công ty cổ phần Phong điện Chơ Long là chủ đầu tư với công suất 155 MW, quy mô 67,33 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 6.593 tỷ đồng, sản lượng điện thương phẩm ước 514.162 MWh/năm.

Hệ thống điện gió gồm cánh quạt và tuabin. Nếu trời lặng gió hoặc sức gió không đủ lớn làm quay cánh quạt, hệ thống này không thể sản sinh ra điện năng. Các dự án năng lượng từ gió cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu như sự nóng lên toàn cầu, thời tiết khắc nghiệt, gây hao mòn, hỏng hóc các thiết bị. Vì vậy luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với các công trình có tổng giá trị tài sản lớn như dự án điện gió.

Điển hình như vụ cháy tuabin điện gió của nhà máy Phong Điện 1 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã gây thiệt hại ước tính lên đến 70 tỷ đồng. Trước đó, Việt Nam cũng ghi nhận 1 vụ cháy nổ tuabin tương tự tại nhà máy Điện gió Bình Thạnh – tỉnh Bình Thuận. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cần phải mua bảo hiểm để chuyển giao rủi ro (nếu có). Đây là một giải pháp văn minh, hiệu quả để bảo vệ tài sản của các chủ đầu tư.

Tập đoàn T&T những năm gần đây được biết đến là “tay chơi” lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đối với năng lượng tái tạo, T&T đã và đang triển khai nhiều dự án trên cả nước như Nhà máy điện gió Hòa Đông 2, Nhà máy điện gió Lạc Hòa 2, Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3, Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu Duyên Hải 1…

Với những dự án lớn có mức đầu tư “khủng” lên tới hàng nghìn tỷ đồng, việc mua bảo hiểm là một trong những giải pháp bảo vệ tài chính an toàn cho tài sản của T&T trước những rủi ro bất ngờ, không lường trước.

Là một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất cả nước, Bảo hiểm BSH có chuyên môn và kinh nghiệm thực hiện các dự án năng lượng lớn khác thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (thủy điện Yaly, nhiệt điện Quảng Trạch), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (nhiệt điện Thái Bình 2), Tập đoàn điện gió HBRE… đã được T&T tin tưởng lựa chọn là doanh nghiệp bảo hiểm cho các dự án điện gió và điện mặt trời.

Ngoài cung cấp bảo hiểm cho hai dự án nhà máy điện gió Yang Trung và Chơ Long kể trên, đại diện BSH cho biết Bảo hiểm BSH và Tập đoàn T&T đang tiếp tục triển khai hợp tác các dự án về năng lượng tái tạo sắp tới…

Bảo hiểm Quân đội tiếp tục được vinh danh TOP 10 thương hiệu Uy tín ngành bảo hiểm năm 2023

(MIC) – Ngày 4/8, Vietnam Report phối hợp Báo Vietnamnet công bố và tổ chức vinh danh Top 10 Công ty uy tín ngành Ngân hàng – Bảo hiểm – Công nghệ. Trong sự kiện này, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tiếp tục là thương hiệu uy tín nằm vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín năm 2023.

Đây cũng là giải thưởng uy tín do các chuyên gia & hội đồng đánh giá đưa ra kết quả nghiên cứu độc lập, khách quan của Vietnam Report dựa trên nhiều tiêu chí. Theo đó, uy tín của Bảo hiểm Quân đội được đánh giá dựa trên: Năng lực và hiệu quả tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng Phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trong tiêu chí này MIC nằm vị trí thứ 3 trong Top 10; Khảo sát nhóm chuyên gia tài chính về mức độ nhận biết và hài lòng về sản phẩm và dịch vụ, kết quả kinh doanh, các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty.

Tổng quan kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm MIC ghi nhận con số ấn tượng, báo cáo tài chính quý 2/2023 cho thấy: lợi nhuận trước thuế đạt 161 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 51% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 2.426 tỷ đồng. Hiện MIC cũng là một trong các doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong ứng dụng các công nghệ mới mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng như ứng dụng MIC, cấp ấn chỉ điện tử, công nghệ bồi thường online siêu tốc.

Với quyết tâm chuyển đổi số toàn diện nhằm thực hiện hóa 5 mục tiêu (i) Trải nghiệm khách hàng vượt trội; (ii) thấu hiểu khách hàng; (iii) vận hành tối ưu; (iv) nền tảng công nghệ số; (v) quản trị và phương pháp làm việc mới. Được biết đến nay, tại MIC lộ trình chuyển đổi số đã đi vào chiều sâu, hàng loạt sáng kiến mới trong năm 2022 và 2023 tiếp tục được triển khai đem lại hiệu quả rất lớn, hỗ trợ đắc lực trong việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và hoạt động quản trị vận hành, sớm vươn lên thế khác biệt trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, doanh thu đến từ kênh thuần số do khách hàng tự trải nghiệm bước đầu đạt tỷ lệ tăng trưởng 10%.

Bên cạnh giải thưởng Top 10 uy tín trên, trong tháng 6 vừa qua, MIC được Viet Research phối hợp cùng Báo Đầu tư trao giải Top 10 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả ngành bảo hiểm.

Bamboo Airways, Bảo hiểm PVI và Chubb Việt Nam hợp tác phát triển toàn diện sản phẩm bảo hiểm du lịch BambooCARE

(TBTCO) – Tại trụ sở của Bamboo Airways vừa diễn ra lễ công bố hợp tác giữa Hãng hàng không Bamboo Airways (Bamboo Airways), Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và Công ty TNHH Bảo hiểm Chubb Việt Nam (Chubb Việt Nam). Với mong muốn hợp tác lâu dài và đem đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, cũng như sự an tâm trọn vẹn trong mỗi chuyến đi, các bên đã công bố hợp tác và phát triển sản phẩm bảo hiểm du lịch BambooCARE.

Sản phẩm dành riêng cho hành khách của Bamboo Airways khi mua vé máy bay cho hành trình nội địa hoặc quốc tế xuất phát từ Việt Nam. Bảo hiểm du lịch BambooCARE có mức phí bảo hiểm cạnh tranh chỉ từ 61.000 VNĐ và mức trách nhiệm bảo hiểm cao với quyền lợi tai nạn cá nhân và hỗ trợ chi phí y tế lên tới 1 tỷ đồng. Đặc biệt, trẻ sơ sinh (từ 14 ngày tuổi đến dưới 2 tuổi) đi cùng với hành khách mua BambooCARE sẽ được hưởng ưu đãi bảo hiểm miễn phí.

Ông Trương Phương Thành – Phó Tổng giám đốc Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết: “Với Bamboo Airways, việc hợp tác với những thương hiệu bảo hiểm uy tín hàng đầu như Bảo hiểm PVI và Chubb Việt Nam nhằm tái xây dựng và đưa ra thị trường sản phẩm Bảo hiểm du lịch BambooCARE là một trong những hoạt động cải tiến dịch vụ quan trọng. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự cộng hưởng giữa dịch vụ hàng không chất lượng cao của Bamboo Airways, cùng với các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm toàn diện của Bảo hiểm PVI và Chubb Việt Nam sẽ mang tới cho khách hàng những trải nghiệm ưu việt, hơn cả một chuyến bay”.

Ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI nhấn mạnh: “Hợp tác giữa ba bên không chỉ khẳng định vị thế của Bảo hiểm PVI mà còn đem tới cơ hội phát triển sản phẩm Bảo hiểm BambooCARE. Bằng kinh nghiệm và năng lực của doanh nghiệp dẫn đầu thị trường, chúng tôi cam kết sẽ phối hợp với Bamboo Airways và Chubb Việt Nam mang lại sự hài lòng, nâng cao sự an tâm trên mỗi hành trình cho hành khách của Bamboo Airways”.

Bà Phạm Thu Hương – Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân Bảo hiểm Chubb Việt Nam cho biết thêm: “Với cương vị là nhà tái bảo hiểm, đối tác kỹ thuật cho bảo hiểm du lịch BambooCARE, Chubb Việt Nam rất hân hạnh được kết hợp lâu dài với Hãng hàng không Bamboo Airways và Bảo hiểm PVI. Bằng những công nghệ hiện đại, tối ưu nhất của mình, Chubb Việt Nam sẽ đồng hành trong việc mang đến những dịch vụ hàng đầu thỏa mãn nhu cầu của hành khách Bamboo Airways”.

Dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2023, hành khách có thể chọn mua bảo hiểm du lịch BambooCARE khi đặt vé máy bay của Bamboo Airways trên website https://www.bambooairways.com/. Phương thức bán hàng online hỗ trợ khách hàng thanh toán nhanh chóng và thuận tiện qua thẻ thanh toán nội địa hoặc quốc tế.

Bảo Việt – 11 năm liên tiếp trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất”

(TBTCO) – Tạp chí Forbes Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Kinh doanh lần thứ 11 (Business Forum 2023) với chủ đề Đổi mới mô hình tăng trưởng. Diễn đàn có sự góp mặt của các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp cùng thảo luận về những xu thế của công nghệ, những mô hình kinh doanh mới và những trải nghiệm thực tiễn sâu sắc từ thị trường trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động. Diễn đàn là sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam tổ chức cùng với Lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023.

Bảo Việt là thương hiệu dẫn đầu và duy nhất trong ngành bảo hiểm được vinh danh 11 lần liên tiếp

Forbes Việt Nam tổ chức Lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2023 trong danh sách đánh giá lần thứ 11 kể từ khi thực hiện tại Việt Nam. 50 doanh nghiệp ưu tú nhất của nền kinh tế năm qua đã mang về tổng lợi nhuận sau thuế 228.096 tỷ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022 và tổng doanh thu 1.490.453 tỷ đồng, tăng 24,9%.

Bảo Việt là thương hiệu dẫn đầu và duy nhất trong ngành bảo hiểm được vinh danh 11 lần liên tiếp kể từ lần đầu Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này (2013 – 2023). Theo đánh giá của Forbes năm 2023: “Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt, doanh nghiệp nhà nước đang nắm cổ phần chi phối, đạt mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% so với năm 2021”.

Để thực hiện danh sách này, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng công ty của Forbes (US), có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán hợp nhất của năm 2022. Là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt đã vượt qua 3 vòng đánh giá khắt khe của Ban tổ chức để một lần nữa được vinh dự trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất”.

Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX, HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại, các công ty cần đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2022, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng. Ở vòng kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2018 – 2022.

Tiếp theo, Forbes Việt Nam thực hiện điều tra định tính để đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp: vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành…

Các công ty được vinh danh trong danh sách năm nay có mức lợi nhuận đạt kỷ lục năm 2022 mặc dù trong bối cảnh được Forbes Việt Nam ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán suy giảm dẫn tới việc gọi vốn quốc tế khó khăn, tiêu dùng nội địa suy yếu.

Trước đó, ngày 15/8/2023, Bảo Việt cũng được vinh danh Thương hiệu bảo hiểm lớn nhất Việt Nam trong “Top 100 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2023” do Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance công bố.

Trong số những thương hiệu nổi bật năm 2023, Bảo Việt là doanh nghiệp dẫn đầu ngành bảo hiểm. Thương hiệu Bảo Việt đáp ứng tốt các tiêu chí đánh giá cả về vị thế trên thị trường và tiềm năng tạo ra lợi nhuận ổn định trong tương lại. Bảo Việt luôn chú trọng giữ gìn hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động.

Việc Bảo Việt được ghi nhận là một trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng đầu trong ngành tài chính – bảo hiểm, là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu.

6 tháng đầu năm 2023, Bảo Việt đạt 973 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất

Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 (trước soát xét), ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất sau 6 tháng đầu năm 2023 đạt 28.355 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.169 tỷ đồng và 973 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 11,6% và 15,7%. Tổng tài sản hợp nhất tại 30/6/2023 đạt 220.771 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm 31/12/2022.

Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 773 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 0,2% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản Công ty mẹ đạt 18.047 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 17.852 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 3,2% so với thời điểm 31/12/2022.

Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận, Bảo Việt sẽ chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 9,54% trên mệnh giá cổ phiếu cho năm tài chính 2022, tương đương mức chi trả 708 tỷ đồng. Với mức chi trả này, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông Bảo Việt từ khi cổ phần hóa đến nay lên tới hơn 12.400 tỷ đồng.

Cuộc thi ‘Banca: 100’ khẳng định cam kết nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn kênh bancassurance của Prudential Việt Nam

(TBTCO) – Sau hơn 1 tháng tranh tài sôi nổi, 100 chuyên viên tư vấn tài chính (tương ứng 50 cặp đấu) đã xuất sắc vượt qua vòng sơ loại và bước vào vòng chung kết của cuộc thi “Banca:100”, diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc thi Banca:100 là một dự án do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) triển khai từ đầu tháng 7/2023 với sự tham gia của cả 7 ngân hàng đối tác của Prudential.

Với chủ đề “Chất lượng tạo dựng niềm tin”, Banca:100 là cuộc tranh tài dành riêng cho đội ngũ kinh doanh kênh hợp tác ngân hàng (Bancassurance). Bên cạnh các chương trình đào tạo, kiểm soát và nâng cao chất lượng bán, cuộc thi Banca:100 là một sáng kiến của Prudential nhằm hiện thực hóa cam kết nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên kênh Bancassurance, trên hành trình thúc đẩy mạnh mẽ xu thế phát triển của “thế hệ bancassurance mới”. Thông qua dự án, Prudential và các đối tác ngân hàng mong muốn nâng cao chất lượng tư vấn viên thông qua việc củng cố kiến thức, kỹ năng và gia tăng sự thấu hiểu khách hàng.

Từ đầu tháng 7, cuộc đua Banca:100 đã khởi động vòng ứng tuyển thông qua bài thi trắc nghiệm chuyên môn, thu hút hơn 300 thí sinh tham gia từ Prudential và 7 ngân hàng đối tác trên cả nước.

Đến với cuộc thi, các thí sinh sẽ thi đấu theo hình thức bắt cặp giữa nhân viên Prudential và nhân viên ngân hàng, các cặp thí sinh (trong đó có ít nhất 1 thí sinh có mã đại lý bảo hiểm) sẽ tham gia vận dụng kiến thức về sản phẩm, quy trình tư vấn và chăm sóc khách hàng vào các tình huống thực tiễn trong quá trình làm việc. Các thử thách xuyên suốt cuộc thi xoay quanh việc thể hiện tầm quan trọng của chất lượng tư vấn bán hàng và trải nghiệm khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

Sự kiện chung kết với chủ đề “Vòng Chinh Phục”, 50 cặp đấu đã vượt qua nhiều thử thách dưới hình thức thi kiến thức, vấn đáp, phản biện. Kết quả, đội “PP Có Nhau” đến từ dự án Bacassurance PVcombank gồm: chị Nguyễn Thu Thủy – nhân viên Prudential và chị Nguyễn Thị Thảo Trinh – nhân viên PVcomBank đã xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc và đạt được danh hiệu “Quán quân cuộc thi thấu hiểu khách hàng nhất”.

Ông Nguyễn Thọ Nam – Phó Tổng giám đốc Phát triển kinh doanh, Kênh hợp tác kinh doanh Prudential Việt Nam, chia sẻ: “Chất lượng tạo dựng niềm tin – chủ đề của dự án Banca:100 nói lên tầm quan trọng của chất lượng tư vấn bán hàng trong việc tạo dựng niềm tin với khách hàng.

“Đây cũng là cam kết của Prudential trong chương kế tiếp của thế hệ Bancassurance mới, góp phần lành mạnh hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mảng bảo hiểm qua ngân hàng. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong việc giám sát quá trình tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng và liên tục triển khai các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức cho đội ngũ kinh doanh.

“Cuộc thi Banca:100 là một sân chơi mới, lần đầu được triển khai và nhận được sự hưởng ứng từ các đối tác ngân hàng của chúng tôi trên toàn quốc. Prudential mong muốn muốn thông qua cuộc thi, các tư vấn viên được tiếp thêm động lực và niềm tin vào công việc họ đang theo đuổi bằng việc không ngừng học hỏi và trau dồi kỹ năng chuyên môn để phục vụ và chinh phục trọn vẹn niềm tin của khách hàng”.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm cam kết đồng hành cùng khách hàng

(TBTCO) – Báo cáo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan quản lý về bảo hiểm cho thấy, 7 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 130.138 tỷ đồng; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.068 tỷ đồng, tăng 23,51% so với cùng kỳ năm trước. Việc chi trả quyền lợi bảo hiểm được các doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng, chính xác, tiếp tục khẳng định những giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc của bảo hiểm.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng gần 24%

Báo cáo số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 7/2023, quy mô thị trường bảo hiểm tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước, với giá trị tổng tài sản ước đạt 870.002 tỷ đồng. Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 751.131 tỷ đồng.

Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 727.964 tỷ đồng, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 662.407 tỷ đồng.

Qua 7 tháng, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 570.916 tỷ đồng, tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 536.993 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan quản lý về bảo hiểm, 7 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 130.138 tỷ đồng; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 41.068 tỷ đồng, tăng 23,51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhanh chóng hỗ trợ khách hàng khi gặp rủi ro

Đại diện Manulife cho biết, công ty vừa tiến hành chi trả 3,6 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho đại diện gia đình khách hàng tại Nghệ An. Được biết, với mục tiêu trang bị một giải pháp bảo vệ tài chính trong các tình huống rủi ro, khách hàng T.C.T đã tham gia sản phẩm bảo hiểm “Điểm tựa thịnh vượng” của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua Ngân hàng Vietinbank.

Ngay sau khi nhận được thông tin khách hàng T.C.T không may qua đời, đại diện Manulife Việt Nam đã thăm hỏi, động viên, đồng thời nhanh chóng giúp gia đình thực hiện hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm.

Trước đó, Manulife Việt Nam cũng đã trao hơn 1,5 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho một gia đình khách hàng tại Hải Dương và một gia đình khách hàng tại Nam Định.

Đại diện Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, công ty vừa chi trả 5 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho đại diện gia đình khách hàng N.T.T., thôn Trung Lạc, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, trong hai ngày 14 và 19/5/2023, Dai-ichi Life Việt Nam cũng đã thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng N.Q.H, tỉnh Thái Bình, với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng và gia đình khách hàng T.V.C, tỉnh Nghệ An, với số tiền 1,38 tỷ đồng.

Đại diện Bảo hiểm BIC cũng cho biết, công ty vừa phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Lào Cai (BIDV Lào Cai) gặp gỡ và trao gần 1,3 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho thân nhân khách hàng T.Đ.L (trú tại tỉnh Lào Cai), bao gồm: số tiền tham gia bảo hiểm, hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bảo hiểm và trợ cấp mai táng.

Cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng

“Chúng tôi hy vọng rằng việc chi trả quyền lợi bảo hiểm sẽ xoa dịu phần nào nỗi đau và giúp gia đình khách hàng có nguồn tài chính ổn định cho kế hoạch tương lai” – đại diện Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ, đồng thời gửi lời tri ân đến hơn 4,5 triệu khách hàng và gia đình đã tin tưởng giao phó trọng trách bảo vệ tài chính và chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, “Gắn bó dài lâu” cùng Dai-ichi Life Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Được biết, trong năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 3.000 tỷ đồng cho hơn 190.000 trường hợp, nâng tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 15.000 tỷ đồng, cho 1,4 triệu trường hợp trong 15 năm qua.

Dai-ichi Life Việt Nam cũng nỗ lực đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng với quy trình số hóa xuyên suốt bao gồm việc chi trả quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời ngay khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, đồng thời liên tục hoàn thiện quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm tự động (e-Claim) nhằm nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.

Đại diện Manulife Việt Nam chia sẻ: Công ty không ngừng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng thông qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm. Trong năm 2022, công ty đã chi trả gần 7.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, thể hiện cam kết đem đến cho khách hàng sự hỗ trợ thiết thực trong thời điểm cần nhất.

Đại diện AIA Việt Nam cũng khẳng định cam kết mang đến trải nghiệm ưu việt trong suốt hành trình từ lúc khách hàng bắt đầu tham gia đến khi có yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoặc kết thúc thời hạn hợp đồng. Được biết, chỉ riêng trong năm 2022, AIA Việt Nam đã trả hơn 1.500 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không may gặp rủi ro trong cuộc sống và hơn 400 tỷ đồng cho các quyền lợi khác của hợp đồng bảo hiểm.

“Cam kết của chúng tôi khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm là đảm bảo sự chính trực, minh bạch và nhanh chóng với tất cả các khách hàng”- đại diện AIA Việt Nam nhấn mạnh.

Đại diện các doanh nghiệp cùng có chung ý kiến chia sẻ: Chúng tôi hiểu rằng không có gì bù đắp được sự mất mát của gia đình khách hàng, nhưng chúng tôi mong muốn gia đình sẽ sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống. Việc kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm, đồng hành, chia sẻ khó khăn tài chính cùng thân nhân khách hàng…, tiếp tục khẳng định được giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc của bảo hiểm.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Hành trình cuộc sống – Hành trình 10 năm tiếp sức đến trường

(TBTCO) – 10 năm là hành trình đủ dài để AIA Việt Nam góp phần nâng đỡ bước chân cho hàng chục nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, cũng như tiếp tục chung tay xây dựng môi trường học tập lành mạnh và hạnh phúc cho trẻ em Việt.

Nối dài 10 năm “Hành trình cuộc sống”

Sáng 17/8, AIA Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vừa trao thêm 110 chiếc xe đạp, 3 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và nhiều phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Quảng Bình. Buổi lễ được tổ chức tại trường THCS Đồng Mỹ (Đồng Hới), với tổng giá trị tài trợ 288 triệu đồng.

Sự kiện đánh dấu tròn 10 năm AIA Việt Nam khởi xướng “Hành trình Cuộc sống” hướng tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khắp 52 tỉnh thành, trong đó có 9 năm gắn bó với Quảng Bình. Tròn một thập kỷ qua, hơn 23.000 chiếc xe đạp, 700 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hàng chục nghìn suất quà… đã được trao đến tận tay những học sinh cần được hỗ trợ nhất.

Ở nhiều địa phương, hàng năm vẫn có nhiều học sinh bỏ học bởi nhà cách quá xa trường, vì vậy 23.000 chiếc xe mà AIA Việt Nam trao đi đã rút ngắn con đường này, kéo tri thức gần lại bao học trò yêu con chữ. Hơn 700 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng giúp viết tiếp giấc mơ lên giảng đường đại học hoặc có một khoản tài chính để khởi nghiệp. Ngày các em tròn 18 tuổi, cũng là thời điểm đáo hạn hợp đồng, nhận 20 triệu đồng để bước chân vào đại học hoặc trường nghề, hay khởi nghiệp cũng góp phần san sẻ nỗi lo tài chính cho gia đình.

Bà Vũ Thị Thúy Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đánh giá cao về hành trình đã đi: “10 năm là chặng đường đủ dài để AIA Việt Nam thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã đồng hành và chứng kiến niềm hạnh phúc của nhiều trẻ em lần đầu có xe đạp mới đi học, lần đầu cầm số tiền lớn nộp học phí để hiện thực ước mơ trở thành tân sinh viên… Món quà nhỏ nhưng có ý nghĩa tiếp sức, đã chở bao ước mơ trên hành trình tri thức”.

Khởi động chương trình “Trường học Lành mạnh nhất AIA”

AIA tin rằng, “được đến trường” là giấc mơ bình đẳng và “được sống khỏe” là quyền lợi của mọi trẻ em. Do đó, bên cạnh việc nối dài Hành trình Cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp còn tiếp tục khởi xướng Chương trình “Trường học Lành mạnh nhất AIA” trên cả nước.

Chương trình xoay quanh 4 nhóm chủ đề quan trọng kiến tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh toàn diện cho học sinh từ 5-16 tuổi như: Thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống năng động, sức khỏe tinh thần tích cực, môi trường bền vững. Mùa đầu tiên vừa khép lại, thu hút gần 40 trường tại 30 tỉnh thành chia sẻ nhiều sáng kiến thiết thực. Giải thưởng 100.000 USD đã được trao dưới dạng trang thiết bị học tập cho khối tiểu học, trại hè sống khỏe tại Thái Lan cho khối trung học.

Với các sáng kiến chăm sóc sức khỏe tinh thần, THCS Alpha School Hà Nội đã giành được giải Quán quân khối trung học, cấp quốc gia lẫn toàn châu Á. Để xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, trường triển khai nhiều tiết học nhập vai sâu sắc, triển lãm cảm xúc chạm đến trái tim, câu lạc bộ gỡ rối các vấn đề tinh thần mà trẻ em ngày nay đang phải đối mặt…

Quảng Bình cũng ghi dấu ấn với trường Chu Văn An – Á quân khối tiểu học với dự án “Happy School”. Trường đã mời 40 đại diện học sinh gửi tâm tư vào bộ tranh “Hạnh phúc của con”, cũng như tổ chức nhiều buổi talkshow kết nối học sinh với học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.

Chia sẻ về cuộc thi, cô Nguyễn Thị Hoa – Phó Hiệu trưởng Tiểu học Chu Văn An cho hay: “Sân chơi mà AIA mang đến đã tiếp động lực cho chúng tôi sáng tạo, thử nghiệm những ý tưởng dựng xây trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Mùa 2 tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tham gia với những sáng kiến mới, để mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui”.

“Trường học Lành mạnh nhất AIA” dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, song đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường giáo dục hiện nay. Bên cạnh các sáng kiến riêng, nhiều trường đã vận dụng Bộ tài liệu xây dựng trường học lành mạnh của AIA Việt Nam trên cả 4 chủ đề toàn diện.

  1. Tin quốc tế

Lợi nhuận nửa đầu năm của Samsung Fire & Marine tăng gần 1/3 so với năm 2022

(INA) – Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của công ty bảo hiểm Hàn Quốc Samsung Fire & Marine đã tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY).

Cụ thể, lợi nhuận ròng đạt 1,2 nghìn tỷ Won trong khoảng thời gian này, so với 954 tỷ Won cùng kỳ.

Doanh thu tăng 8,3% lên 7,5 nghìn tỷ Won, trong khi thu nhập đầu tư tăng 11,2% lên 2,1 nghìn tỷ Won.

Tuy nhiên, các yêu cầu bồi thường và chi phí đã tăng thêm 6,3% (lên 6,3 nghìn tỷ Won) và chi phí đầu tư tăng 5,9% (lên 1,8 nghìn tỷ Won).

Tổng lợi nhuận hoạt động của hãng lên tới 1,6 nghìn tỷ Won, cao hơn 25,2% so với 6 tháng đầu năm 2022

Chubb công bố Chủ tịch quốc gia bảo hiểm phi nhân thọ tại Hàn Quốc

(INA) – Chubb đã thông báo bổ nhiệm bà Janice (Jae-Kyung) Mo làm Chủ tịch Quốc gia cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của họ tại Hàn Quốc. Quyết định bổ nhiệm hiện đang chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bà Mo hiện đang giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao về tài sản và thiệt hại, yêu cầu bồi thường và chiến lược công ty trong công ty.

Trong vai trò mới, bà sẽ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động chung của Chubb tại Hàn Quốc.

Quyết định bổ nhiệm bà Mo sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9. Bà sẽ báo cáo lên ông Paul McNamee, Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Bà Mo sẽ kế nhiệm ông Edward Kopp, người sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch khu vực Viễn Đông và Chủ tịch quốc gia Nhật Bản.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, bà Mo gia nhập Chubb vào năm 2014 với tư cách là Giám đốc bộ phận quản lý phân phối tài sản và thiệt hại và đại lý.

Sự nghiệp trước đây của bà bao gồm 10 năm làm việc tại AIG với cương vị Giám đốc Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc.

Bà cũng có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng kể từ khi làm việc tại Deutsche Bank, nơi bà giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ngân hàng Toàn cầu tại Hàn Quốc.

Bà Mo có bằng Cử nhân Khoa học về Quản trị và Quản trị Kinh doanh của Đại học Nam California.

Nippon Life: Vốn hóa mạnh mẽ, lợi nhuận đối mặt với áp lực từ ngoại hối

(INA) – Theo Moody’s, công ty bảo hiểm Nippon Life có trụ sở tại Nhật Bản dự kiến sẽ có vốn hóa và vị thế vững chắc trên thị trường nhưng có thể phải đối mặt với áp lực lợi nhuận.

Tuy nhiên, vốn hóa và vị thế thị trường của công ty có thể bị hạn chế do chất lượng tài sản yếu hơn so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu có xếp hạng tương tự.

Ngoài ra, lợi nhuận của Nippon Life có thể bị hạn chế do chi phí phòng ngừa rủi ro ngoại hối tăng cao gắn liền với các khoản đầu tư nước ngoài.

Vốn hóa kinh tế của Nippon Life đã được cải thiện đáng kể, thể hiện rõ ở tỷ lệ khả năng thanh toán kinh tế cao là 244% tính đến ngày 31 tháng 3.

Sự cải thiện này xuất phát từ nỗ lực giảm rủi ro lãi suất, được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh doanh và phục hồi thị trường. Quy định về vốn kinh tế sắp tới tại Nhật Bản khuyến khích Nippon Life tiếp tục chủ động quản lý vốn.

Với thị phần phí bảo hiểm gấp bốn lần mức tiêu chuẩn của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản, Nippon Life duy trì thị phần lớn nhất tại Nhật Bản. Sự hiện diện lâu dài, lực lượng bán hàng rộng khắp và thương hiệu quốc gia góp phần tạo nên vị thế vững chắc này.

Tuy nhiên, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu trong nước tương đối cao của Nippon Life so với các công ty cùng ngành (13,8% tài sản tài khoản chung tính đến tháng 3 năm 2023) khiến vốn hóa của công ty này chịu sự biến động của thị trường.

Hơn nữa, chi phí đáng kể để phòng ngừa rủi ro ngoại tệ đối với tài sản ở nước ngoài ảnh hưởng đến lợi suất đầu tư của Nippon Life, mặc dù lãi suất trong nước tăng sẽ giúp giảm thiểu điều này bằng cách tăng lợi suất trái phiếu chính phủ mới của Nhật Bản.

Triển vọng ổn định phản ánh kỳ vọng của Moody rằng Nippon Life sẽ duy trì được mức vốn hóa và vị thế vững chắc trên thị trường trong 12-18 tháng tới.

Pacific Life Re bổ nhiệm Giám đốc điều hành châu Á

(INA) – Công ty bảo hiểm Pacific Life Re của Mỹ đã bổ nhiệm ông Vasan Errakiah vào vai trò Giám đốc điều hành, thị trường châu Á.

Ông Errakiah sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động thị trường của Pacific Life Re trên khắp châu Á, trong đó những người đứng đầu các thị trường báo cáo trực tiếp cho ông. Ông báo cáo lên ông Andrew Gill, Phó chủ tịch điều hành khu vực Châu Á và Úc.

Ông Errakiah cũng tham gia Ủy ban Điều hành Châu Á với vai trò mới. Ông đã làm việc với Pacific Life Re trong hơn 15 năm, ở nhiều văn phòng ở Luân đôn, Toronto và Singapore. Trước khi được bổ nhiệm, ông Errakiah là người đứng đầu văn phòng khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản của công ty bảo hiểm này.

Động thái này là một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện của Pacific Life Re tại các thị trường châu Á, nơi công ty cho biết họ đã có “sự tăng trưởng đáng kể trên tất cả các thị trường”.

Marsh mua lại Honan Insurance

(INA) – Marsh, nhà môi giới bảo hiểm và cố vấn rủi ro của Marsh McLennan, đã mua lại toàn bộ vốn cổ phần của Tập đoàn Bảo hiểm Honan.

Giao dịch mua lại này bao gồm quyền sở hữu 80% do cổ đông lớn TA Associates (TA), một công ty cổ phần tư nhân toàn cầu.

Các điều khoản của thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ. Giao dịch này dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2023 và hiện đang chờ được phê duyệt theo quy định.

Sau khi giao dịch hoàn thành, ông Andrew Fluitsma, Tổng Giám đốc của Honan, sẽ thuộc sự quản lý của ông Nick Harris, Giám đốc điều hành Marsh Thái Bình Dương.

Đội ngũ quản lý và lực lượng lao động của Honan sẽ hợp nhất với Marsh.

Australian insurers’ ‘cyclical’ profits often affected by uncontrollable entities –  ICA

(INA) – Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) cho biết trong một tuyên bố rằng năm ngoái, các công ty bảo hiểm đã phải chi trả 36,5 tỷ USD tiền bồi thường, hỗ trợ vô số người Úc phục hồi sau những sự kiện không lường trước được.

ICA cho biết: “Lợi nhuận của công ty bảo hiểm mang tính chu kỳ và thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, bao gồm cả các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt”.

Sau một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan đáng kể kể từ vụ cháy rừng Mùa hè đen, cả lĩnh vực bảo hiểm và khách hàng đều phải đối mặt với nhiều năm đầy thử thách.

Chỉ riêng năm 2022, đã phát sinh hơn 300.000 yêu cầu bồi thường liên quan đến thiên tai do bốn sự kiện bảo hiểm trên toàn quốc, dẫn đến tổn thất được bảo hiểm hơn 7 tỷ USD.

Lạm phát gia tăng liên tục và chi phí tái bảo hiểm tăng đáng kể đang đẩy chi phí của các công ty bảo hiểm tăng lên vào năm 2023.

Đặc biệt, bảo hiểm nhà ở phải đối mặt với áp lực đáng kể; vào năm 2022, chi phí của các công ty bảo hiểm đã vượt quá phí bảo hiểm nhà thu được với tỷ lệ 1,04 USD/ 1 USD.

Ngành đánh giá cao sự hợp tác với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) để hiểu rõ hơn về kỳ vọng của họ đối với nghĩa vụ của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Đáng chú ý, các lệnh dừng tạm thời gần đây đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm vật nuôi nhất định đã được dỡ bỏ trong vòng 24 giờ, sau khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhanh chóng tham gia với ASIC để thực hiện những thay đổi cần thiết.

Việc giải quyết nhanh chóng các lệnh dừng tạm thời này được ngành đánh giá cao.

Các công ty bảo hiểm phải quản lý chi phí một cách thận trọng trong thời kỳ thời tiết bất ổn để đảm bảo khả năng chi trả cho càng nhiều người Úc càng tốt.

Hội P&I Hàn Quốc: Mối quan hệ với ngành hàng hải duy trì năng lực tài chính mạnh mẽ

(INA) – AM Best cho biết Câu lạc bộ P&I Hàn Quốc (KP&I) dự kiến sẽ duy trì sự hiện diện ổn định tại thị trường nội địa nhờ mối quan hệ hiệu quả với các công ty vận tải Hàn Quốc.

Dấu ấn của KP&I trên thị trường P&I toàn cầu tương đối khiêm tốn so với Tập đoàn Câu lạc bộ P&I Quốc tế, chủ yếu tập trung ở Hàn Quốc và tập trung vào các tàu nhỏ hơn.

Câu lạc bộ nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của chính phủ do vai trò chiến lược của nó trong việc phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải của Hàn Quốc. Hỗ trợ bao gồm trợ cấp, miễn thuế, không có chính sách cổ tức và nỗ lực ngoại giao.

Đánh giá của AM Best xem xét bảng cân đối kế toán mạnh mẽ, hiệu quả hoạt động phù hợp, hồ sơ kinh doanh hạn chế và quản lý rủi ro phù hợp của KP&I.

KP&I cho thấy mức vốn hóa được điều chỉnh theo rủi ro mạnh mẽ, được xếp hạng ở mức cao nhất theo Tỷ lệ an toàn vốn của Best (BCAR).

Sức mạnh này được dự đoán sẽ tiếp tục tồn tại trong trung hạn, được củng cố bởi đòn bẩy đánh giá rủi ro thấp và danh mục đầu tư có tính bảo thủ cao.

Trong khi hoạt động đánh giá rủi ro bị biến động do những thay đổi trong cơ cấu tái bảo hiểm, KP&I đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để giảm thiểu điều này, bao gồm tăng phí bảo hiểm, không gia hạn hợp đồng và các điều khoản nâng cao.

Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện các nguyên tắc cơ bản về đánh giá rủi ro và giảm sự biến động về lợi nhuận trong những năm tới.

Nhật Bản: chi trả bồi thường bảo hiểm tháng 7 lên đến 23,9 tỷ Yên

(INA) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản (GIAJ), số tiền chi trả bồi thường bảo hiểm trong tháng 7 đạt 23,9 tỷ Yên, trong khi lượng mưa lớn được ghi nhận vào ngày 7 tháng 7.

Tổng giá trị yêu cầu bồi thường lên tới 25,6 tỷ Yên.

Xét về nghiệp vụ, bảo hiểm hỏa hoạn có số tiền thanh toán yêu cầu bồi thường cao nhất là 16,2 tỷ Yên. Tiếp theo là bảo hiểm thiệt hại xe cơ giới cá nhân (7,2 tỷ Yên) và bảo hiểm tai nạn khác bao gồm bảo hiểm tai nạn cá nhân (469,6 triệu Yên).

Việc kiểm đếm các yêu cầu bồi thường được chấp nhận bao gồm các trường hợp trong đó các công ty bảo hiểm đã nhận được khiếu nại về việc đánh giá thiệt hại, truy vấn về phạm vi bảo hiểm và hướng dẫn về hợp đồng cho chủ hợp đồng.

Số liệu căn cứ vào lượng chi trả bồi thường thực tế, cùng với tổng số tiền thanh toán, kết hợp các giá trị ước tính.

Những số liệu thống kê này bao gồm dữ liệu tổng hợp từ các đơn vị thành viên của Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nhật Bản, Hiệp hội Bảo hiểm Phi nhân thọ Nước ngoài của Nhật Bản và các nhóm tương tự.

Giá trị khai thác mới 6 tháng đầu năm của Tập đoàn AIA tăng 37%

(INA) – Tập đoàn bảo hiểm AIA báo cáo giá trị hoạt động kinh doanh mới (VONB) đã tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,03 tỷ USD trong nửa đầu năm, chủ yếu do sự mở cửa trở lại kinh tế của Trung Quốc và Hồng Kông.

Để so sánh, VONB năm 2022 đạt 1,54 tỷ USD.

Ông Lee Yuan Siong, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn AIA cho biết “Với sự gián đoạn của đại dịch đã lùi về phía sau, sức mạnh của nền tảng phân phối vô song của AIA trên khắp châu Á đã tạo ra động lực kinh doanh mới rất mạnh mẽ trở lại, bao gồm tăng trưởng VONB hai chữ số từ AIA Trung Quốc, hoạt động kinh doanh kết hợp ở ASEAN của chúng tôi và Tata AIA Life, liên doanh của chúng tôi ở Ấn Độ, AIA Hồng Kông đã tăng hơn gấp đôi VONB so với nửa đầu năm 2022, nhờ hoạt động kinh doanh đáng kể từ du khách Trung Quốc Đại lục (MCV)”.

Xét về phân khúc thị trường, VONB của Trung Quốc đã tăng 14% lên 601 triệu USD. Tiếp theo là Hồng Kông (tăng 111% đạt 681 triệu USD), Thái Lan (tăng 28% đạt 327 triệu USD), Singapore (tăng 5% đạt 173 triệu USD), Malaysia (tăng 10% đạt 170 triệu USD) và các quốc gia khác (tăng 8% đạt 212 triệu USD) .

Tương tự, thu nhập ròng hợp nhất của tập đoàn đã tăng 46% lên 2,26 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2023.

Tổng tài sản tăng 2% lên 276 tỷ USD, trong khi tổng nợ phải trả tăng 3,7% lên 234 tỷ USD.

BTV (Tổng hợp).