TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 32

Manulife tài trợ dài hạn marathon quốc tế Đà Nẵng; Prudential ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng AI; Lợi nhuận PVIRe tăng trưởng gần 70%

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

BSH chi trả quyền lợi bảo hiểm giải thưởng “Hole in One” trị giá hơn 1 tỷ đồng

(BSH) – Chiều ngày 08/08/2019, tại Hải Dương, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đã tổ chức buổi lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm giải thưởng “Hole in One” (HIO) cho golfer Đặng Quốc Hùng trong khuôn khổ giải Golf giao lưu hữu nghị Việt – Nhật được tổ chức trên sân Golf Chí Linh.

Golf đã và đang trở thành một trong những bộ môn thể thao được giới doanh nhân thành đạt Việt Nam yêu thích. Mỗi giải Golf được tổ chức đều có sự cuốn hút riêng bởi cơ cấu giải thưởng hấp dẫn mà không thể không nói đến là giải thưởng “Hole in One” (một gậy vào lỗ) cho các Golfer tranh tài.

Giải Golf giao lưu hữu nghị Việt – Nhật được tổ chức nhằm tăng cường sự hợp tác, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Nhật Bản. Tại giải Golf này, Golfer Đặng Quốc Hùng đã xuất sắc ghi được điểm HIO tại hố 6B – khoảng cách 167 yards và được nhận giải thưởng là 01 chiếc xe ô tô Mazda CX 5 trị giá 1,019 tỷ đồng từ nhà tài trợ BIDV – thông qua BSH là đơn vị cung cấp bảo hiểm cho giải thưởng này.

Bảo hiểm Giải thưởng Hole-in-One của BSH tạo điều kiện cho các nhà tài trợ dễ dàng đưa ra các giải thưởng giá trị cao giúp tạo dựng uy tín hình ảnh thương hiệu cho nhà tài trợ cũng như nhà tổ chức và câu lạc bộ golf – một cú đánh hoàn hảo sẽ xứng đáng được giải thưởng giá trị.

Cháy lớn gần Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên

(NLĐO) – Một vụ cháy bất ngờ bùng phát từ khoảng 10 giờ sáng ngày 11/8 và cháy dữ dội tại 1 công ty sản xuất đồ nhựa nằm sát Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên, Hà Nội.

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường cho hay vào khoảng thời gian trên, họ bất ngờ phát hiện cột khói cao hàng chục mét bốc lên từ một khu kho xưởng nằm trong Khu Công nghiệp Sài Đồng, kèm theo đó là ngọn lửa rất lớn.

Vị trí xảy ra hỏa hoạn được xác định là nằm trong 1 công ty nằm ngay sát siêu thị Aeon Mall Long Biên.

Tại hiện trường, 1 dãy nhà xưởng lợp tôn của công ty này bị lửa bao phủ, khói bốc lên cuồn cuộn. Nhiều xe chữa cháy đang được huy động tới hiện trường để chữa cháy.
Hiện chưa rõ thiệt hại về người và tài sản, tuy nhiên bước đầu xác định do công ty này sản xuất đồ nhựa nên đám cháy bùng phát mạnh và lan rất nhanh.

2. Một vòng doanh nghiệp

PJICO lọt Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất 2019

(PJICO) – Ngày 8/8/2019, tại Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) được vinh danh là một trong Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam năm 2019. Kết quả do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nghiên cứu, đánh giá và công bố.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất năm 2019 của Vietnam Report cho thấy PJICO đã nâng hạng lên Top 3 trong 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất, xếp sau Bảo Việt và PVI.

Theo Vietnam Report, uy tín của các công ty bảo hiểm được lượng hóa một cách khách quan, độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding, khảo sát khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và chuyên gia ngành tài chính – bảo hiểm.

Các chỉ số năm 2019 của PJICO về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm cùng với uy tín truyền thông đã thuyết phục và xứng đáng đưa PJICO có tên trong bảng xếp hạng. Đây cũng là danh hiệu được duy trì trong suốt 4 năm liên tiếp của Tổng Công ty.

PJICO hiện là nhà bảo hiểm hàng đầu Việt Nam trong việc đầu tư mở rộng mạng lưới, phát triển sản phẩm, đa dạng kênh phân phối…, nổi bật là các tiện ích như bảo hiểm trực tuyến, trung tâm chăm sóc khách hàng, hệ thống bảo lãnh viện phí, dịch vụ cứu hộ ôtô 24/7…

Mới đây, PJICO tham gia đồng bảo hiểm cho 2 đội tàu bay lớn là VietjetAir, Bamboo Airways, và là đơn vị tư vấn, bán bảo hiểm cho lô xe ô tô đầu tiên của thương hiệu Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup. Điều này đã minh chứng quan hệ hợp tác và năng lực cung cấp dịch vụ bảo hiểm của PJICO.

Một bước tiến quan trọng trong việc hướng đến dịch vụ khách hàng là từ tháng 7/2018, Tổng công ty đã đưa vào vận hành thành công phần mềm lõi quản lý nghiệp vụ bảo hiểm PREMIA. Phần mềm là một giải pháp tổng thể, giúp đồng bộ hóa, chuyên nghiệp hóa tất cả các khâu phục vụ khách hàng từ khai thác, cấp đơn bảo hiểm, giám định bồi thường, tái bảo hiểm…

Theo Báo cáo tài chính Quý II/2019 của PJICO, doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt 1.452 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm. Nếu không tính doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe giảm đột biến trong đầu năm 2019 thì doanh thu phí bảo hiểm gốc các nghiệp vụ còn lại của PJICO tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ 2018, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2018, PJICO được A.M.Best – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bảo hiểm đánh giá xếp hạng năng lực tài chính B+ (Tốt), năng lực tín dụng tổ chức phát hành bbb- (Tốt), triển vọng nâng hạng của cả hai chỉ tiêu là ổn định.

VBI công bố các quyết định về công tác cán bộ tại Trụ sở chính

(VBI) – Ngày 09/08/2019, VBI đã tổ chức Lễ Công bố các quyết định của Ban Lãnh đạo Tổng Công ty về công tác cán bộ tại Trụ sở chính.

Nhằm kiện toàn công tác tổ chức cán bộ tại Trụ sở chính, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty đã ban hành các quyết định về công tác cán bộ tại Trụ sở chính. Theo đó, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty điều động, bổ nhiệm:

– Bà Nguyễn Thu Trang – Trưởng phòng Tài sản Kỹ thuật giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý Nghiệp vụ.

– Bà Phan Thị Hồng Nhung, cán bộ phòng Hải hải và Hỗn hợp Ban Tái bảo hiểm giữ chức vụ Trưởng phòng Hàng hải và Hỗn hợp Ban Tái bảo hiểm.

– Bà Vũ Thị Ngà, cán bộ Ban Khách hàng giữ chức vụ Trưởng phòng Khách hàng SME thuộc Ban Khách hàng.

– Tuyển dụng, bổ nhiệm bà Nguyễn Hạnh Quyên – CVCC Trung tâm dịch vụ nội bộ, Khối vận hành, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng giữ chức vụ Trưởng phòng DVKH Ban Truyền thông và DVKH.

Thay mặt Ban Lãnh đạo Tổng Công ty, Tổng Giám đốc Lê Tuấn Dũng đã trao các quyết định của Ban Lãnh đạo Tổng Công ty cho các cán bộ được điều động, bổ nhiệm.

Phát biểu giao nhiệm vụ tại buổi Lễ, ông Lê Tuấn Dũng cho biết: “Trải qua 10 năm phát triển, VBI đã không ngừng sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức và đã đạt được nhiều thành công. Định hướng trong thời gian tới, VBI sẽ tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong quá trình phát triển. Những cán bộ được điều động, bổ nhiệm đều là những cán bộ có phẩm chất tốt, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao. Đây là những cán bộ năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công việc, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, cống hiến hết mình vì VBI”.

6 tháng, lợi nhuận PVIRe tăng trưởng ấn tượng gần 70%

(ĐTCK) – Năm 2019, PVIRe đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.649 tỷ đồng; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 162 tỷ đồng; tỷ lệ chi trả cổ tức 16%.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2019, Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, cả về doanh thu và lợi nhuận với mức tăng trưởng trên 50%. Cụ thể, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm ghi nhận con số 1.104,2 tỷ đồng; hoàn thành 148% kế hoạch, tăng trưởng 57% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, để có doanh thu, các công ty bảo hiểm khó khước từ các dịch vụ tiềm ẩn rủi ro cao. Còn với PVIRe, lãnh đạo Công ty cho biết, từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục bám sát kế hoạch doanh thu phí nhận tái bảo hiểm và các chính sách khai thác nhận/nhượng hiện hành, cẩn trọng hơn trong nhận tái bảo hiểm nước ngoài, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước.

Đó cũng là lý do lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng ấn tượng 69,4% so với cùng kỳ, đạt 111,8 tỷ đồng, hoàn thành 185% kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm hoàn thành vượt mức là 41,5 tỷ đồng, tương đương 151% kế hoạch. Còn lợi nhuận đầu tư tài chính đạt mức ấn tượng là 70,3 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ. ROE bình quân (quy đổi theo năm) của công ty đạt mức trên 20%.

Ngoài các sản phẩm truyền thống như tài sản, kỹ thuật, hàng hóa, trong năm 2019 nhà tái bảo hiểm này còn khai thác thêm nhiều loại hình sản phẩm bán lẻ: xe cơ giới, bảo an tín dụng, bảo hành mở rộng…

Để về đích các chỉ tiêu kinh doanh 2019, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo PVIRe đã đưa ra 4 nhóm giải pháp về kinh doanh, giải pháp về quản trị, giải pháp về nhân sự và giải pháp về Công nghệ thông tin.

“Bên cạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, Công ty sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách khai thác để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, công tác quản trị, kiểm soát tuân thủ tiếp tục được củng cố để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn tài chính. Hoạt động đầu tư tiếp tục được cơ cấu để đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, tăng tính thanh khoản, đảm bảo biên khả năng thanh toán”, ông Trịnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty kết luận tại Hội nghị.
Theo kế hoạch, năm 2019, PVIRe sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

3. Quản lý thị trường bảo hiểm

Những vụ tai nạn lao động vắng bóng nhà bảo hiểm

(ĐTCK) – Bảo hiểm người lao động thi công trên công trường là một loại hình bảo hiểm bắt buộc nhưng không nhiều nhà thầu thi công xây dựng biết và tham gia bảo hiểm.
Theo thống kê cả năm 2018, doanh thu phí nghiệp vụ này chỉ chiếm tỷ trọng 0,02% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Nếu tính theo số tiền bồi thường tối đa của cả thị trường thì chỉ có 10 vụ bồi thường cho nghiệp vụ này.

Bảo hiểm người lao động thi công trên công trường là bảo hiểm cho trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Nhằm bảo vệ nhà thầu thi công, cũng là bảo vệ người lao động, Chính phủ đã quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc tại Nghị định 119/2015/NÐ-CP và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 329/2016/TT-BTC. Cụ thể, từ ngày 1/3/2017, nhà thầu thi công bắt buộc phải mua bảo hiểm người lao động thi công trên công trường cho người lao động.

Ðối tượng bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật. Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường là 100 triệu đồng/người/vụ.

Về số tiền bồi thường, khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị, chi phí y tế, hoặc trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ thương tật. Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.

Trường hợp các bên thỏa thuận tăng số tiền bảo hiểm trên mức số tiền bảo hiểm tối thiểu thì số tiền bồi thường bảo hiểm sẽ không vượt quá số tiền bảo hiểm mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Các bên có thể thỏa thuận tách thành 2 phần gồm phần bảo hiểm bắt buộc theo mức phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo Thông tư 329/2016/TT-BTC và phần bảo hiểm tự nguyện theo thỏa thuận của các bên.

Mặc dù đã trở thành loại hình bảo hiểm bắt buộc và các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải triển khai, tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công chưa biết hoặc chưa mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này trên toàn thị trường chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,02% tổng doanh thu phí bảo hiểm, mức độ tăng trưởng so với năm 2017 là 10%, mức thấp nhất trong các nghiệp vụ bảo hiểm và so với tốc độ tăng trưởng toàn thị trường là 42%.

Mức bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm người lao động thi công trên công trường trong năm 2018 của toàn thị trường là 1,01 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường là 10,4%. Nếu lấy tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ thì cả năm 2018 chỉ có 10 vụ bồi thường cho người lao động.

Thực trạng này diễn ra bởi loại hình bảo hiểm người lao động thi công trên công trường còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Ðối tượng quan tâm tham gia bảo hiểm chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ trách nhiệm pháp lý của mình khi thuê người lao động thi công công trình.

“Các doanh nghiệp Việt Nam thậm chí không biết đến loại hình bảo hiểm người lao động thi công trên công trường, cũng như trách nhiệm phải mua bảo hiểm. Có nhà thầu biết nhưng chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của loại hình bảo hiểm bắt buộc này, hoặc cố tình không chấp hành”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

49 đơn vị thành viên PTI ra quân làm sạch môi trường

(PTI) – Kỷ niệm 55 năm phong trào Ba sẵn sàng, 20 năm phong trào Thanh niên tình nguyện, 10 năm phong trào Tôi yêu Hà Nội và 21 năm kỷ niệm thành lập, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phát động chương trình “Chủ động sống xanh” vào ngày 9 tháng 8 vừa qua tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Sau buổi lễ phát động, 49 đơn vị thành viên trên toàn quốc của PTI đã đồng loạt hưởng ứng chuỗi chiến dịch hướng tới môi trường.

Các hoạt động chính của chiến dịch này bao gồm thu gom rác thải, đồ nhựa dùng một lần tại các khu vực xung quanh trụ sở các đơn vị thành viên, các khu chợ dân sinh, làm sạch các bãi biển du lịch, cảng cá… với mục tiêu làm sạch môi trường sống của người dân và đặc biệt là môi trường biển. Cán bộ nhân viên tại các đơn vị thành viên PTI đã cùng nhau dọn sạch các khu vực như bãi biển Nha Trang (PTI Nam Trung Bộ), bãi biển Đá Nhảy (PTI Bình Trị Thiên), bãi biển Tuần Châu (PTI Quảng Ninh), bãi biển Cửa Lò (PTI Bắc Trung Bộ), công viên Tao Đàn (PTI Bến Thành), bờ sông Bạch Đằng (PTI Bình Dương), bãi biển Đồ Sơn (PTI Hải Phòng), bờ sông Hương (PTI Huế) và nhiều địa điểm khác.

Các hoạt động này không chỉ là những lời hô hào suông mà sẽ góp phần thay đổi nhận thức của mọi người về vấn nạn ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng cho họ lối sống gần gũi và thân thiện với môi trường hơn. Việc hướng tới phát triển xanh và bền vững sẽ mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp có được lòng tin và sự yêu mến từ người dân, vừa giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với môi trường sống, đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Vấn nạn môi trường mang tính chất toàn cầu và cần đến sự chung tay góp sức của cả một cộng đồng. “Chủ động sống xanh” là chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường, thay vào đó là xây dựng cho mình một cách sống lành mạnh và gần gũi với thiên nhiên. PTI hy vọng với việc lan tỏa thông điệp “Chủ động sống xanh”, cộng đồng sẽ có một môi trường sống sạch đẹp hơn để phát triển và hoàn thiện bản thân mình.

Manulife tài trợ dài hạn marathon quốc tế Đà Nẵng

(ĐTCK) – Manulife Việt Nam tiếp tục trở thành nhà tài trợ chính cho Manulife Danang International Marathon (cuộc thi marathon quốc tế Đà Nẵng) trong 5 năm (2019 -2023).
Manulife Danang International Marathon còn là một trong những cuộc thi marathon chuyên nghiệp tại khu vực Đông Nam Á. Năm nay, giải chạy dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 9.000 vận động viên đến từ 67 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thông qua việc liên tục tài trợ cho giải chạy marathon này từ năm 2016, Manulife Việt Nam muốn xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn tại Việt Nam.

Cuộc thi năm nay sẽ diễn ra vào ngày 11/8, gồm nhiều cự ly chạy: 42 km, 21 km, 10 km, 5 km, cùng hoạt động chạy vui Ronny Dash 1 km dành cho trẻ em và gia đình.
Cùng với sự kiện này, Lễ hội vận động ManulifeMOVE (ManulifeMOVE HealthFest) diễn ra vào ngày 9-10/8 tại Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ đem đến chuỗi trò chơi tương tác sôi nổi, đầy tính thử thách và rút thăm trúng thưởng với vô vàn quà tặng.

Dự kiến có hơn 1.000 nhân viên, đại lý và đối tác của Manulife Việt Nam tham gia Manulife Danang International Marathon vào ngày 11/08, cùng nhau đem đến thông điệp cổ vũ lối sống năng động và khỏe mạnh, lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng.

5. Tin đào tạo

IRT tổ chức hội thảo InsurTech 2019

(IRT) – Ngày 8/8/2019, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Bảo hiểm đã phối hợp với Công ty TNHH tư vấn và đầu tư FIRIS (FIRIS) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm ứng dụng InsurTech trong DNBH tại một số nước Châu Á” tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của gần 150 đại biểu đến từ Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm trong thị trường, các chuyên gia về lĩnh vực bảo hiểm trong nước và quốc tế cùng các đại diện đến từ các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, kinh tế số ngày càng được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây và đã trở thành một phần của nền kinh tế, trong đó có các dịch vụ và sản phẩm dựa trên công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông.

Tại Hội thảo các diễn giả đã trao đổi về những nội dung liên quan đến: Quy định pháp luật về công nghệ Bảo hiểm (InsurTech) tại một số nước Châu Á; Giải quyết bồi thường tự động thông minh; và Công nghệ Bảo hiểm đối với Việt Nam trong tương lai.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều cho rằng Hội thảo InsurTech 2019 đã đem đến những nội dung hữu ích, là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm kết nối và chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng InsurTech, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

6. Tin quốc tế

ASEAN phát động giai đoạn 2 chương trình bảo hiểm và tài trợ rủi ro thiên tai khu vực

(AIR) – Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU Singapore) và Ban Thư ký ASEAN đã hợp tác để đưa ra kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai trong ba năm nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính của các quốc gia thành viên ASEAN khi thảm họa thiên nhiên xảy ra. Kế hoạch hành động về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai giai đoạn 2 (ADRFI-2) sẽ trang bị cho các quốc gia thành viên khả năng quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro cho phép họ vượt qua gánh nặng tài chính do thiên tai gây ra.

ADRFI được thành lập lần đầu tiên vào năm 2016 để đóng vai trò là nền tảng trung tâm để điều phối các nỗ lực của ASEAN trong việc phát triển và thực hiện các giải pháp rủi ro thiên tai. Dựa trên thành công của giai đoạn đầu tiên, kế hoạch mới được neo quanh ba trụ cột chiến lược là Dữ liệu rủi ro (thông tin và đánh giá rủi ro), Nâng cao năng lực về tài chính rủi ro thiên tai và Tư vấn rủi ro. Giai đoạn đầu tiên của ADRFI liên quan đến xây dựng năng lực, bao gồm thiết lập hệ thống quản lý thông tin rủi ro thiên tai khu vực; xem xét và cải cách các chính sách, chiến lược và chương trình liên quan đến tài trợ thảm họa; tích hợp tài trợ rủi ro và chuyển giao rủi ro trong các chính sách và kế hoạch quốc gia; và chia sẻ kinh nghiệm và quản lý kiến thức.

Allianz ngừng kinh doanh bảo hiểm tín dụng tiêu dùng tại Australia

(IAN) – Allianz Australia sẽ ngừng hoạt động kinh doanh bảo hiểm tín dụng tiêu dùng vào cuối tháng 9 sau khi xem xét toàn diện và kết luận rằng không còn hiệu quả về chi phí để tiếp tục.

Công ty bảo hiểm đưa ra tuyên bố vào ngày 7/8 vừa qua: “Với những thay đổi về khuôn khổ pháp lý và ngành nghề dự kiến, Allianz không tin rằng công ty có thể tiếp tục cung cấp các sản phẩm bảo hiểm tín dụng tiêu dùng hiệu quả với chi phí đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) đã chỉ trích nặng nề sản phẩm này trong một báo cáo được công bố vào tháng Bảy.

Cơ quan quản lý đặt ra các tiêu chuẩn mới khó khăn và yêu cầu các công ty bảo hiểm phải thiết kế lại sản phẩm bảo hiểm tín dụng tiêu dùng. ASIC đã ra lệnh cho 11 đơn vị cho vay chuyên cung cấp bảo hiểm tín dụng tiêu dùng phải thực hiện một chương trình khắc phục cho hơn 300.000 khách hàng, ước tính chi phí cho các công ty ít nhất 100 triệu đô la Úc (67,4 triệu đô la Mỹ).

ASIC hy vọng các công ty bảo hiểm đáp ứng các tiêu chuẩn mới hoặc ngừng bán sản phẩm.

Vào tháng 9, Allianz đã bị ủy ban hoàng gia Hayne chỉ trích, vì một loạt lỗi trên trang web công ty đã tồn tại đến sáu năm.

Trước đây, họ cũng bị yêu cầu hoàn trả 45,6 triệu đô la Úc (30,7 triệu đô la Mỹ) cho 68.000 khách hàng đã mua bảo hiểm bổ sung được bán thông qua các đại lý xe hơi mà ASIC nhận thấy có rất ít giá trị.

IAG giảm lợi nhuận13%

(IAN) – Lợi nhuận bảo hiểm cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 6 của Tập đoàn Bảo hiểm Australia (IAG) đã giảm 13% xuống còn 1,22 tỷ đô la Úc (830 triệu đô la Mỹ) so với 1,4 tỷ đô la Úc trong năm tài chính vừa qua.

Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm chung giảm từ 1,178 tỷ đô la Úc xuống còn 903 triệu đô la Úc. Hiệu quả hoạt động của IAG đặc biệt kém ở Úc với lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm giảm từ 975 triệu đô la Úc xuống còn 560 triệu đô la Úc. Ngược lại, thu nhập đầu tư tăng từ 230 triệu đô la Úc lên tới 321 triệu đô la Úc.

Tỷ lệ hoạt động kết hợp ở Úc là 90,1% so với 84% năm ngoái.
Khoản lỗ từ thảm họa tự nhiên – đã trừ tái bảo hiểm – là 612 triệu đô la Úc, cao hơn 87 triệu đô la Úc so với khoản chi trả của công ty; hoàn nhậpdự phòng đã giảm từ 344 triệu đô la Úc năm ngoái xuống còn 115 triệu đô la Úc, phù hợp với kỳ vọng.

Ở New Zealand, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng từ 209 triệu đô la Úc lên 354 triệu đô la Úc, thu nhập đầu tư tăng từ 9 triệu đô la lên 36 triệu đô la Úc.

Peter Harmer, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành IAG, nhận xét: “Chúng tôi đã cải thiện hiệu suất kinh doanh bảo hiểm do đã nhận ra lợi ích của chương trình đơn giản hóa của chúng tôi, dựa trên sự tập trung của khách hàng và xác định các cơ hội phát triển trong tương lai”.

“Hoạt động kinh doanh tại Úc của chúng tôi tiến triển tốt, với kết quả tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm cá nhân và cải thiện bảo hiểm thương mại. New Zealand duy trì lợi nhuận và tăng trưởng mạnh mẽ, củng cố vị thế là công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của đất nước”.

Lợi nhuận sau thuế chung của tập đoàn đã tăng 16,6% lên 1,08 tỷ đô la Úc từ 923 triệu đô la Úc, trong đó 200 triệu đô la Úc lợi nhuận từ việc bán 98,6% cổ phần tại Bảo hiểm Saety Thái Lan vào tháng 8 và 80% cổ phần tại Parurama Asuransi của Indonesia cho Tokio Marine với giá 525 triệu đô la Úc.

Do IAG tiếp tục rời khỏi châu Á nên công ty cho biết họ đang đàm phán với một số bên để bán 26% cổ phần của mình tại Bảo hiểm phi nhân thọ SBI Ấn Độ.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác tăng 3,1% lên 12 tỷ đô la Úc so với 11,6 tỷ đô la Úc năm trước.

IAG dự đoán tăng trưởng doanh thu phí một chữ số ở mức thấp cho năm tài chính hiện tại và khoản lỗ ròng 641 triệu đô la Úc từ trái phiếu thảm họa.

Aviva châu Á: lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng trưởng 37%

(IAN) – Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Aviva châu Á đã tăng 37% lên 66 triệu bảng (85 triệu đô la Mỹ) so với 47 triệu bảng (65 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm 2018.

Thành tựu này có được nhờ kết quả tốt đặc biệt ở Singapore và Trung Quốc do công ty tập trung vào chiến lược đa phân phối.

Aviva có vốn góp tại các công ty liên doanh ở Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ và Indonesia, đồng thời có các công ty con 100% vốn tại Singapore và Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Á có thể sẽ được bán lại do Giám đốc điều hành toàn cầu mới của công ty, ông Maurice Tulloch, muốn tạo dấu ấn và tập trung vào các bộ phận khác của công ty.

Ông Tulloch cho biết: “Từ khi được bổ nhiệm, tôi đã làm việc chặt chẽ với Ban giám đốc về làm mới chiến lược Aviva. Công việc này đang tiến triển tốt và chúng tôi sẽ tổng kết lại chiến lược, mục tiêu và mục tiêu hoạt động và tài chính của công ty tại ngày thị trường vốn của chúng tôi vào tháng 11”.

“Kết hợp với quá trình này, chúng tôi đã quyết định kiểm tra các lựa chọn chiến lược cho các doanh nghiệp châu Á của công ty. Các doanh nghiệp này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, mở rộng phân phối và sản xuất kinh doanh mới, tăng quy mô có hiệu lực và lợi nhuận hoạt động ngày càng tăng. Hoạt động tại Châu Á của chúng tôi rất hấp dẫn về mặt chiến lược và tài chính, tuy nhiên, chúng tôi đang đánh giá một loạt các lựa chọn để nâng cao giá trị của các doanh nghiệp cho cổ đông”.

Aviva đạt được sự gia tăng lợi nhuận hoạt động năm ngoái ở châu Á tăng 24% lên 133 triệu bảng (178 triệu đô la Mỹ), trong đó Singapore đóng góp một nửa lợi nhuận.

Prudential ra mắt ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng AI

(IAN) – Prudential đã ra mắt một nền tảng ứng dụng y tế có tên gọi là Pulse tại Malaysia – thị trường thứ 10 của nhà khổng lồ bảo hiểm nhân thọ Anh quốc.

Pulse, bao gồm Babylon tại Anh quốc – công cụ kiểm tra triệu chứng và đánh giá sức khỏe – và Tictrac – dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân – và DoctorOnCall tại Malaysia – và tư vấn trực tuyến về dịch sốt xuất huyết.

Ông Nic Nicandrou, Giám đốc điều hành Prudential Châu Á, nhận xét: “Công nghệ kỹ thuật số sẽ tăng cường trải nghiệm trực diện vốn là nền tảng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Pulse sẽ không chỉ bổ sung, mà còn nâng cao sự tương tác của con người và dịch vụ tuyệt vời mà hơn 600.000 đại lý và chuyên gia tư vấn tài chính của chúng tôi cung cấp trên toàn khu vực”.

Tiêu dùng cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm ở châu Á, với ước tính khoảng cách bảo vệ chăm sóc sức khỏe của Châu Á là 1,8 nghìn tỷ đô la Mỹ và Malaysia Malaysia ở mức 47 tỷ đô la Mỹ.

Phát biểu tại buổi ra mắt Pulse, Tiến sĩ Hj. Dzulkefly Ahmad, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, nhận xét: “Công nghệ kỹ thuật số đang cách mạng hóa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trên toàn thế giới, chúng ta đang chứng kiến các công cụ kỹ thuật số dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nhanh hơn và dễ tiếp cận hơn cho mọi người.

Về mặt này, tôi rất hài lòng rằng các doanh nghiệp như Prudential đã tiến lên để hỗ trợ chính phủ trong nỗ lực chuyển đổi ngành y tế quốc gia với việc ra mắt một công cụ kỹ thuật số đột phá như Pulse”.

Well Link gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Hồng Kông

(IAN) – Tập đoàn bảo hiểm Well Link có trụ sở tại Hồng Kông và hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ lâu đời tại đây (chủ yếu là bảo hiểm xe cơ giới) đã ra mắt hoạt động bảo hiểm nhân thọ sau khi được Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông phê duyệt vào tháng Tư.
Well Link Life đang bước vào một thị trường cạnh tranh cao bằng cách cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trọn đời, y tế, bệnh hiểm nghèo và tiết kiệm.

Ông Thomas Lee (ảnh), Tổng Giám đốc Well Link Life, cho biết: “Well Link Life nhận ra rằng trong thời đại của những thách thức xã hội ngày càng tăng, như dân số già, tuổi thọ tăng lên, chi phí y tế gia tăng và bảo vệ gia đình không đầy đủ thì mọi người đang rất cần về các chương trình hưu trí, chăm sóc sức khỏe, tiết kiệm và bảo hiểm nhân thọ phù hợp hơn”.

Ông Lee nói thêm: “Năm nay chúng tôi sẽ giới thiệu thêm nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường khác nhau, đồng thời thu hút và phát triển cơ sở khách hàng của công ty”.

Vào tháng 6, Ông Chan Kin-por, Chủ tịch Hội đồng tài chính Legco Hồng Kông, đã trở thành Tổng Giám đốc Tập đoàn bảo hiểm Well Link.
Cũng từ đầu tháng 6, ông đã thay thế ông CF Choy, người đã nghỉ hưu sau ba năm làm việc tại công ty. Ông Choy nguyên là Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm HSBC (Châu Á Thái Bình Dương) đã có công trong việc thành lập khối kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Ấn Độ: Những tiến bộ công nghệ cần thiết cho chương trình bảo hiểm cây trồng

(AIR) – Ấn Độ cần một bước đột phá về công nghệ để biến Chương trình bảo hiểm mùa màng của chính phủ: Pradhan Mantri Fasal Bima Yojana (PMFBY) thành công. Đó là lời ông Ashish Kumar Bhutani, Giám đốc điều hành Chương trình.
Ông Bhutani, đồng thời là thư ký chung của Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân, đã có bài phát biểu tại hội nghị quốc gia về giảm thiểu rủi ro thông qua đổi mới công nghệ trong bảo hiểm nông nghiệp, do Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức.

Ông cho biết, mặc dù đã chi 300 tỷ Rupee (4,3 tỷ USD) cho PMFBY, song chương trình này vẫn vấp phải những dư luận tiêu cực vì số lượng lớn nông dân đã phàn nàn về việc không thanh toán bồi thường do sử dụng công nghệ sơ đẳng. Tình trạng các thí nghiệm về sản lượng mùa màng (là cơ sở để tính toán sản lượng, tính toán tổn thất và bồi thường) dễ bị thao túng được thấy ở nhiều tiểu bang. Ngoài ra, quá trình lấy mẫu ngẫu nhiên các mảnh đất canh tác đôi khi dẫn đến lợi ích không đạt được cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đánh giá mức độ năng suất của các trang trại mà không có đột phá về công nghệ là một cơn ác mộng về hậu cần, đồng thời chi phí thực hiện chương trình bảo hiểm ở cấp độ trang trại của Ấn Độ sẽ nhiều hơn so với mức chính phủ trợ cấp hiện nay, ông Bhutani nói thêm.

Để cải thiện tình hình, chính phủ đang thử nghiệm một chương trình bảo hiểm mùa màng dựa trên thời tiết. Chương trình này cũng phải đối mặt với những thách thức riêng chủ yếu là do cách thức thiết kế các thuật ngữ trong hợp đồng.

BTV (Tổng hợp).