TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 31

Bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc FWD Việt Nam; Ngân hàng hết thời trúng đậm từ dịch vụ bảo hiểm; Great Eastern dự kiến mua AmMetLife của Malaysia

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 31

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Hà Nội: Mưa lớn khiến nhiều ô tô bị đất đá vùi lấp ở Sóc Sơn

(Daidoanket) – Sáng 4/8, cơn mưa lớn gây sạt lở đất, đá xuống tuyến đường ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến hàng loạt ô tô bị vùi lấp.

Sáng 4/8, mưa lớn nhiều ngày liên tục gây ra tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hiện Sóc Sơn cũng là địa bàn có lượng mưa cao nhất trên toàn địa bàn TP Hà Nội (56,8mm/giờ).

Mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất tại một số điểm ở xã Minh Trí và xã Nam Sơn. Mưa lớn cuốn trôi nhiều đất đá chia cắt nhiều tuyến đường. Trên tuyến đường ở khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) nhiều ô tô bị đất đá vùi lấp ngang thân.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, sự việc trên xảy ra vào sáng 4/8. “Mưa lớn cuốn trôi đất đá xuống các tuyến đường ở thôn Minh Tâm. Nhiều ô tô bị đất đá lấp vào bánh không thể di chuyển”, ông Đỗ Minh Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện lực lượng chức năng đang tìm cách khắc phục sự cố.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Tập đoàn FWD chính thức bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc FWD Việt Nam

(TBTCO) – Từ ngày 1/8/2023, Tập đoàn FWD chính thức bổ nhiệm ông Anantharaman Sridharan làm Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam).

Ông Binayak Dutta – Tổng Giám đốc Nhóm các thị trường đang phát triển kiêm Phó Tổng giám đốc Phụ trách các Kênh phân phối Tập Đoàn FWD cho biết: “Ông Anantharaman đã điều hành FWD Việt Nam từ những ngày đầu thành lập và đã đặt nền móng vững chắc cho hoạt động của FWD tại Việt Nam, một trong những thị trường tiềm năng nhất châu Á. Những năm qua, FWD Việt Nam đã phát triển thành công mô hình phân phối đa kênh và là công ty bảo hiểm đứng đầu về trải nghiệm khách hàng. Tôi tin rằng ông Anantharaman sẽ tiếp tục dẫn dắt đội ngũ nhân sự tài năng và viết tiếp chương mới thành công của FWD tại Việt Nam”.

Ông Anantharaman gia nhập FWD Philippines vào năm 2015 với vai trò Phó Tổng giám đốc Kênh Đại lý và bắt đầu giữ chức Tổng Giám đốc FWD Việt Nam vào năm 2016. Sau đó, ông tiếp tục giữ nhiều vị trí quan trọng của Tập đoàn FWD như Tổng Giám đốc FWD Indonesia và Phó Tổng giám đốc Kênh Đại lý Tập đoàn FWD. Ông Anantharaman là lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm với hơn 20 năm dẫn dắt ở nhiều vai trò khác nhau tại nhiều thị trường trên khắp châu Á. Hiện tại, ông Anantharaman đang báo cáo cho ông Binayak Dutta.

Ông Anantharaman cho biết: “Việt Nam luôn là thị trường năng động và giàu tiềm năng tại châu Á, trong khi đó, FWD là đại diện tiêu biểu cho mô hình số hóa hàng đầu trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang những sản phẩm và dịch vụ đơn giản, dễ hiểu, được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số đến với nhiều người Việt Nam hơn, qua đó tiếp tục thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm”.

Cũng trong dịp này, Tập đoàn FWD tiếp tục gia tăng đầu tư và nâng vốn điều lệ của FWD Việt Nam lên 19.102 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định cam kết phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam.

FWD là tập đoàn bảo hiểm hoạt động rộng khắp châu Á với hơn 10 triệu khách hàng tại 10 thị trường, bao gồm một số thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tập đoàn FWD đánh dấu cột mốc 10 năm hoạt động trong năm 2023.

FWD Việt Nam được thành lập năm 2016 và là thành viên của Tập đoàn FWD. FWD tập trung vào việc xây dựng một hành trình tham gia bảo hiểm đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi, với các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo và dễ hiểu, được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số. Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, FWD cam kết thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.

Generali Việt Nam triển khai định danh và xác thực khách hàng điện tử bắt buộc

(TBTCO) – Công ty TNHH BHNT Generali Việt Nam (Generali Việt Nam) vừa chính thức áp dụng định danh và xác thực khách hàng điện tử (e-KYC) bắt buộc từ ngày 01/08/2023. Đây là nỗ lực không ngừng của Generali Việt Nam với hàng loạt những cải tiến mạnh mẽ về quy trình, công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Bảo hiểm minh bạch”.

Phương thức định danh điện tử (e-KYC) là nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, được nhiều ngân hàng, định chế tài chính triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây để đơn giản hóa thủ tục, giúp hạn chế rủi ro và tối ưu quy trình vận hành.

Là hình thức xác thực danh tính khách hàng thông qua giải pháp nhận diện khuôn mặt và công nghệ nhận dạng ký tự quang học, e-KYC giúp xác minh khách hàng là chính chủ sử dụng dịch vụ, ngăn ngừa những hành vi trục lợi bất hợp pháp. Áp dụng e-KYC là xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trong bối cảnh việc đảm bảo an toàn giao dịch và bảo mật thông tin khách hàng đang được đặt lên hàng đầu.

Không nằm ngoài xu hướng này, Generali Việt Nam tiên phong triển khai mạnh mẽ e-KYC trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm tăng cường sự an toàn, minh bạch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Việc áp dụng e-KYC bắt buộc từ ngày 01/08/2023 là bước tiến mới của Generali Việt Nam sau quá trình chuẩn bị, nâng cấp và cải tiến quy trình, cùng nhiều nỗ lực quyết liệt để thực hiện chiến lược “Bảo hiểm minh bạch” – trọng tâm phát triển của năm 2023.

Việc thực hiện e-KYC sẽ được áp dụng ở cả hai quy trình: Quy trình tư vấn bán hàng dành cho khách hàng tham gia bảo hiểm và quy trình tra cứu thông tin, thực hiện giao dịch trực tuyến trên cổng thông tin khách hàng MyGenerali của ứng dụng GenVita dành cho khách hàng hiện hữu.

Cụ thể, Generali yêu cầu tất cả khách hàng muốn tham gia bảo hiểm (bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm) phải thực hiện e-KYC trước khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Với khách hàng hiện hữu, cần thực hiện e-KYC sau khi đăng nhập/đăng ký ứng dụng GenVita.

Chỉ khi xác thực e-KYC thành công, khách hàng mới có thể truy cập hoặc thực hiện các giao dịch khác trên cổng thông tin khách hàng MyGenerali, bao gồm: Tiếp nhận hợp đồng điện tử, tra cứu thông tin hợp đồng, yêu cầu quyền lợi bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm, điều chỉnh thông tin hợp đồng, điều chỉnh định kỳ đóng phí, yêu cầu rút tiền…

Việc bắt buộc e-KYC trước hết sẽ bảo vệ quyền lợi tối đa cho khách hàng về bảo mật thông tin cá nhân, hợp đồng bảo hiểm và an toàn giao dịch. Khách hàng còn được nắm quyền chủ động về không gian, thời gian để thực hiện thủ tục nhanh chóng chỉ với thiết bị điện tử có kết nối internet.

Tính năng eKYC có giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, độ xác thực cao và được tích hợp trên ứng dụng GenVita – hệ sinh thái kỹ thuật số theo mô hình “một điểm đến cho mọi nhu cầu về bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe” của Generali Việt Nam.

Tất cả nỗ lực này đều nhằm mục tiêu thực hiện chiến lược “Bảo hiểm minh bạch” của Generali Việt Nam được triển khai từ đầu năm nay, với những định hướng cụ thể là đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và tuân thủ pháp luật (minh bạch về thông tin), đảm bảo sản phẩm có quyền lợi thiết thực và rõ ràng, điều khoản dễ hiểu, tuân thủ pháp luật (minh bạch về sản phẩm) và cuối cùng là tư vấn đúng và đầy đủ, đảm bảo khách hàng đã hiểu và đồng ý (minh bạch trong quá trình tư vấn) về giải pháp bảo hiểm mà mình lựa chọn.

Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua Generali Việt Nam đã thực hiện một loạt những hoạt động nhằm rà soát thông tin và quy trình liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, đào tạo huấn luyện, quản lý các kênh phân phối nhằm nâng cao hiệu quả, sự chuyên nghiệp, tính minh bạch đối với khách hàng.

Generali Việt Nam còn đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ từ nhiều năm nay để xây dựng thành công một hệ thống công nghệ số tiên tiến, đảm bảo cho nhu cầu dịch vụ “không giấy” của khách hàng, đối tác, nhân viên và tư vấn viên…

Mới đây trong chuyến thăm và làm việc của các lãnh đạo cấp cao quốc tế đầu tháng 7/2023, ngoài sự cam kết lâu dài với thị trường Việt Nam, Generali Việt Nam còn nhận được sự đánh giá tích cực từ Tập đoàn Generali như một đơn vị hoạt động sáng tạo, hiệu quả với những sáng kiến về chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Bảo hiểm PVI ra mắt đơn vị thành viên thứ 41

(TBTCO) – Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về các sản phẩm bảo hiểm tại một trong những địa bàn tiềm năng nhất trên cả nước và cụ thể hóa những mục tiêu, chiến lược, định hướng mới trong giai đoạn mới, Bảo hiểm PVI chính thức khai trương chi nhánh Bảo hiểm PVI Đồng Khởi.

Chi nhánh Bảo hiểm PVI Đồng Khởi có trụ sở tại tầng 8, tòa nhà HMC, 193 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đây là đơn vị thành viên thứ 41 của Bảo hiểm PVI và là đơn vị thứ 2 được Bảo hiểm PVI đưa vào hoạt động trong năm 2023.

Được biết, vào tháng 1/2023, Bảo hiểm PVI đã cho ra mắt Bảo hiểm PVI Digital với kỳ vọng là nhân tố mới giúp Bảo hiểm PVI hiện thực hóa mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu trong xu thế phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Anh Đức – Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI đã gửi lời chúc mừng tới đơn vị mới nhất trong toàn hệ thống và tin tưởng chi nhánh Bảo hiểm PVI Đồng Khởi sẽ tận dụng tối đa nền tảng, vị thế của doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu thị trường phi nhân thọ Việt Nam để tiếp tục gia tăng, phát triển hoạt động kinh doanh có hiệu quả của Bảo hiểm PVI tại địa bàn.

Ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Bảo hiểm PVI Đồng Khởi chia sẻ: TP. Hồ Chí Minh còn rất nhiều tiềm năng mà tại đó Bảo hiểm PVI có nhiều ưu thế để khai thác, phát triển. Cùng với các chi nhánh Bảo hiểm PVI thành viên đang có mặt tại đây, Bảo hiểm PVI Đồng Khởi cam kết sẽ hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kênh phân phối, bán chéo sản phẩm đồng thời mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm tốt nhất.

Với chủ trương và quyết tâm đổi mới từ định hướng cho tới những chiến lược kinh doanh, Bảo hiểm PVI đã và đang gặt hái được những thành công toàn diện trong 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, Bảo hiểm PVI đã hoàn thành xuất sắc kết quả kinh doanh với tổng doanh thu đạt 7.252 tỷ đồng, hoàn thành 113,5% kế hoạch 6 tháng; Lợi nhuận trước thuế đạt 350,8 tỷ đồng, hoàn thành 127,7% kế hoạch 6 tháng tiếp tục vững vàng khẳng định vị trí số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Tháng 2/2023, Bảo hiểm PVI cũng đã đánh dấu một mốc son mới cho thị trường bảo hiểm Việt Nam khi là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất có vốn của doanh nghiệp Việt Nam, không hợp nhất báo cáo tài chính với các công ty quốc tế lớn mạnh đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Quốc tế AM Best nâng xếp hạng tài chính từ B++ lên A- (xuất sắc).

Xếp hạng năng lực tài chính A- là sự công nhận quốc tế về uy tín và thương hiệu, phản ánh kết quả kinh doanh vượt trội, là sự đảm bảo về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của Bảo hiểm PVI. Với xếp hạng năng lực tài chính uy tín này, Bảo hiểm PVI có cơ sở vững chắc để vươn ra ngoài lãnh thổ, sánh vai với các doanh nghiệp quốc tế uy tín trên thị trường bảo hiểm thế giới.

Bên cạnh đó, với hiệu quả tích cực, Bảo hiểm PVI đã vinh dự nhận giải thưởng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sáng tạo nhất Việt Nam do tạp chí IFM (Anh quốc) bình chọn và Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân uy tín 2023 từ VietNam Report.

BIC lần thứ 8 liên tiếp lọt Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam

(TBTCO) – Tại lễ công bố Top 10 công ty bảo hiểm Việt Nam uy tín năm 2023 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tổ chức, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vinh dự lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh trên bảng xếp hạng Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam.

Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng theo các nguyên tắc khách quan và khoa học. Uy tín của doanh nghiệp sẽ được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Kết quả hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính của công ty bảo hiểm, có so sánh, đối chiếu và đánh giá với các chuẩn của ngành; Kết quả đánh giá từ các nhận định và kết quả khảo sát lấy ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp, chuyên gia và khách hàng; Kết quả phân tích lượng hóa uy tín trên truyền thông của các công ty bảo hiểm.

Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm 2023, BIC vẫn duy trì được những kết quả kinh doanh tích cực và toàn diện. Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.363 tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.263 tỷ đồng, tăng trưởng 26,6% so với cùng kỳ 2022, giúp BIC vươn lên vị trí thứ 6 về thị phần trong nửa đầu năm 2023. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 61,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 253,5 tỷ đồng, tăng trưởng 70,4%.

Trước đó, tháng 03/2023, BIC cũng được Vietnam Report vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam năm 2023. Các kết quả đã đạt được của BIC trong 6 tháng đầu năm sẽ là động lực cho BIC hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra, không ngừng cải tiến quy trình, công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng để tiếp tục giữ vững danh hiệu là một trong 10 công ty bảo hiểm uy tín nhất Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2023: PJICO (PGI) đạt mức tăng trưởng doanh thu gấp 5 lần thị trường, nằm trong Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín

(ĐTCK)  – Ngày 04/08/2023, tại khách sạn Sheraton Hà Nội, Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã chứng khoán PGI – sàn HOSE) tiếp tục được vinh danh trong Lễ công bố Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2023.

Đáng chú ý, kết thúc nửa đầu năm 2023, PJICO đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng trưởng doanh thu cao gấp 5 lần so với mức tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

PJICO có tên trong Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín tính đến nay là năm thứ 8 liên tiếp. Bảng xếp hạng là kết quả nghiên cứu độc lập, đánh giá khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hoá dữ liệu báo chí) kết hợp nghiên cứu chuyên sâu ngành bảo hiểm.

Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong nước, quốc tế để đưa ra kết quả và ghi nhận Top 10 đơn vị bảo hiểm uy tín là những doanh nghiệp có năng lực tài chính ổn định, có vị thế và đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của ngành, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai.

Năm 2023 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn chưa từng có đối với ngành bảo hiểm, ngay từ đầu năm thị trường đã có nhiều biến động bất ngờ, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đặc biệt, quý 2 và đầu quý 3/2023, tình hình khai thác doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều bất lợi. Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.910 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn cả chủ quan và khách quan của nền kinh tế cũng như ngành bảo hiểm, PJICO vẫn nỗ lực tìm mọi giải pháp tháo gỡ và đã đạt kết quả rất ấn tượng với mức tăng trưởng cao gấp 5 lần mức tăng trưởng chung của khối phi nhân thọ.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của PJICO đạt 2.004,5 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ 2022 và đạt 73,4% kế hoạch năm. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, các con số này đã nói lên sự cố gắng, quyết tâm rất lớn của tập thể PJICO.

Năm 2023, hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc gần 4.151 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận trước thuế gần 256 tỷ đồng. Ngoài ra, bên cạnh việc tập trung vào các chỉ tiêu kinh doanh, mục tiêu phát triển bền vững cũng được Ban lãnh đạo doanh nghiệp này hết sức quan tâm, trong thời gian tới sẽ tích hợp ESG vào chiến lược phát triển công ty (Môi trường, Xã hội và Quản trị), cụ thể hướng tới “xanh hóa” hoạt động kinh doanh, thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm có mức giá hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với phát triển bền vững…

Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xuân Thành

(XTI) – Chiều ngày 04/08/2023, tại hội trường Trụ sở chính, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định cho Tân Tổng Giám đốc Dương Văn Đạt.

Tham dự buổi Lễ công bố, có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Thùy – Chủ tịch HĐQT, Ban Điều Hành, Giám đốc Đơn vị thành viên khu vực Miền Bắc, lãnh đạo các phòng/ban, tập thể cán bộ nhân viên tại Trụ sở chính. Buổi lễ cũng được chứng kiến bởi gần 600 cán bộ nhân viên Bảo hiểm Xuân Thành trên toàn hệ thống nhờ việc kết nối cầu truyền hình tới hội trường của các đơn vị thành viên.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thùy – Chủ tịch HĐQT chúc mừng tân Tổng Giám đốc và chia sẻ rằng đây vừa là vinh dự, vừa là thử thách, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với ông Dương Văn Đạt. Chủ tịch mong muốn Ban điều hành, lãnh đạo các Ban, đơn vị thành viên cùng cán bộ nhân viên Bảo hiểm Xuân Thành trên toàn hệ thống đồng tâm nhất trí, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023 lấy đó làm món quà thiết thực nhất chào mừng Tổng Giám đốc. Chủ tịch tin tưởng rằng Tổng Giám đốc với sự nhiệt huyết, am hiểu hệ thống cùng chuyên môn, năng lực, bề dày kinh nghiệm sẽ phát huy sức mạnh tập thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trên cương vị mới. Chủ tịch Nguyễn Văn Thùy cũng gửi lời chúc sức khỏe, thành công và chúc Bảo hiểm Xuân Thành luôn luôn phát triển vững mạnh, toàn diện và phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Dương Văn Đạt phát biểu cảm ơn Chủ tịch HĐQT đã luôn khích lệ, tin tưởng và trao cơ hội phát triển cùng gửi lời cám ơn tới toàn thể thành viên Ban Điều hành và cán bộ nhân viên Bảo hiểm Xuân Thành đã luôn hỗ trợ, đồng hành cùng trong suốt thời gian vừa qua. Kể từ hôm nay, trên cương vị mới, nhiệm vụ mới, Tổng Giám đốc kêu gọi toàn thể cán bộ nhân viên Bảo hiểm Xuân Thành trên toàn hệ thống, đoàn kết hơn nữa, chung sức đồng lòng, làm việc đổi mới, sáng tạo không ngừng để cùng nhau xây dựng “ngôi nhà chung” ngày càng chuyên nghiệp, năng động, hội nhập và phát triển bền vững.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc, ông Dương Văn Đạt giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Tân lãnh đạo sinh năm 1983, cũng từng giữ nhiều vị trí chủ chốt tại Bảo hiểm Xuân Thành. Hơn 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, Thạc sĩ Kinh tế Bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân được đánh giá cao bởi nhiệt huyết trong công việc, kiến thức nghiệp vụ sâu rộng, khả năng lãnh đạo, quản trị rủi ro, tư duy logic xuất sắc và đam mê áp dụng công nghệ giúp khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ sau bán hàng.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bảo hiểm nhân thọ chờ “sáng lại sau mưa”

(ĐTCK) – Nhìn từ số liệu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa khởi sắc. Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng một thị trường chuyên nghiệp, minh bạch hơn từ cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp, ngành nhân thọ sẽ sớm “sáng lại sau mưa”.

Cùng với công bố quyết định sai phạm trong bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (gồm Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife), trong tháng 6/2023, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 công ty môi giới bảo hiểm.

Trong đó, một công ty môi giới bảo hiểm bị xử phạt do những vi phạm trong tư vấn giới thiệu cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy định của pháp luật; không thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; sử dụng nhân viên chưa có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm theo quy định pháp luật đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ.

Theo quyết định, công ty môi giới bảo hiểm này bị phạt số tiền 290 triệu đồng cho các hành vi vi phạm hành chính nêu trên. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn phạt bổ sung là đình chỉ 3 tháng hoạt động môi giới bảo hiểm của công ty này đối với nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2023.

Ngoài ra, công ty môi giới bảo hiểm nước ngoài còn lại bị phạt tiền 90 triệu đồng do hành vi không thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Đồng thời, nhà môi giới bảo hiểm ngoại này còn bị đình chỉ 2,5 tháng hoạt động môi giới bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe (từ ngày 17/7/2023 đến ngày 30/9/2023).

Đối với sai phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố trước đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai trên các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Cùng với công bố công khai các vi phạm cũng như các biện pháp xử phạt, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) trong việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.

Song song với công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đang phối hợp với các doanh nghiệp thảo luận, thống nhất mẫu bản thông tin tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, tham vấn thêm với Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm để đưa ra văn bản khuyến nghị hội viên về tài liệu này.

Được biết, tại dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP có quy định, trong hợp đồng bảo hiểm phải có mẫu bản thông tin tóm tắt hợp đồng bảo hiểm cùng những tài liệu quy tắc, điều khoản bảo hiểm, tài liệu minh họa bán hàng, bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…

Riêng với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đều cho rằng, hiện là thời điểm thích hợp để đàm phán lại với đối tác ngân hàng, bổ sung tiêu chí đánh giá tỷ lệ duy trì hợp đồng vào thỏa thuận hợp tác giữa đôi bên.

Căn cứ vào tình hình thực tế tỷ lệ duy trì hợp đồng của kênh đại lý truyền thống và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chủ động đàm phán với đối tác ngân hàng để bổ sung tiêu chí đánh giá về tỷ lệ này vào thỏa thuận hợp tác. Khi có dữ liệu về tỷ lệ duy trì hợp đồng chung của thị trường, IAV sẽ có văn bản khuyến nghị hội viên áp dụng (hiện tại, Hiệp hội không có các dữ liệu này do các doanh nghiệp không báo cáo). Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ cùng xây dựng khung xử phạt đại lý là nhân viên tổ chức tín dụng hoạt động đại lý bảo hiểm theo khuyến nghị của Hiệp hội….

Theo ông Nguyễn Đức Thắng – Chủ tịch GAMA Việt Nam, dù con đường hướng tới một thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp còn nhiều chông gai, nhưng không có nghĩa là không làm được, cứ dần lấp đầy các kẽ hở, xử lý các lỗi mang tính hệ thống từ việc nâng cao chất lượng tư vấn viên, “mộc mạc hóa” ngôn từ trong hợp đồng bảo hiểm, đến tăng cường công tác quản lý, giám sát… thì sẽ dần hạn chế được tranh chấp, cũng như gia tăng niềm tin vào bảo hiểm.

Ông Thắng cho biết, tại các quốc gia phát triển, trẻ em được tiếp cận với kiến thức về tiền bạc, về tài chính cá nhân và gia đình từ khá sớm, từ đó có những hiểu biết cơ bản và đúng đắn về bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng với mục đích đúng đắn và biết cách tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để có chọn lựa phù hợp.

“Việt Nam cần sớm cân nhắc việc đưa những kiến thức này vào trong nhà trường từ bậc phổ thông như các nước. Chỉ khi đó, các thế hệ tương lai – cũng chính là khách hàng tương lai của doanh nghiệp bảo hiểm – mới được trang bị đầy đủ năng lực để nhận thức và chọn lựa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho bản thân và gia đình”, ông Thắng khuyến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, được biết, hiện có một số công ty bảo hiểm thực hiện các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Đơn cử, mới đây, Hanwha Life Việt Nam tổ chức nhiều đợt kiến tập dành cho sinh viên thuộc Trường đại học Văn Lang và Trường đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn. Đây là chương trình được “may đo” cho từng nhóm sinh viên, đáp ứng nhu cầu thông tin chuyên môn. Trong đó, chủ đề quản lý tài chính cá nhân được lồng ghép hiệu quả, giúp các sinh viên không chỉ có nền tảng kiến thức chuyên ngành, mà còn sớm tiếp cận các khái niệm tài chính cá nhân, có thể đưa ra các quyết định tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư phù hợp…

Sau TP.HCM, hành trình mang kiến thức tài chính đến giới trẻ tiếp tục được Hanwha Life Việt Nam mở rộng đến các tỉnh miền Tây với 2 điểm trường đầu tiên tại Bến Tre và Tiền Giang. Theo đại diện Hanwha Life Việt Nam, hiểu biết tài chính cần được xem như một kỹ năng cần thiết của cuộc sống và khi đó, giới trẻ sẽ tự tin hơn để đưa ra” quyết định thông minh về quản lý tài chính”.

  1. Nhịp đập thị trường

Ngân hàng hết thời trúng đậm từ dịch vụ bảo hiểm?

(Dantri) – Những năm gần đây, các ngân hàng vẫn theo đuổi mục tiêu giảm phụ thuộc vào tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu. Do đó, các đơn vị tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhờ vào các hoạt động ngoài lãi, trong đó đặc biệt là hoạt động dịch vụ.

Tuy nhiên, trong cơ cấu thu nhập hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm thu nhập ở hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) và chi phí cho dịch vụ tăng. Nguyên nhân chính này cũng làm thu hẹp tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng.

Theo số liệu tổng hợp của phóng viên Dân trí từ báo cáo tài chính 29 ngân hàng niêm yết, tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ các ngân hàng lũy kế 6 tháng đầu năm nay đạt 32.342 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Mảng doanh thu này bình quân đóng góp tỷ trọng 10-15% trong tổng thu nhập hoạt động các ngân hàng. Số liệu từ báo cáo cũng cho thấy, 14/29 ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm, mức giảm trung bình 10-25%.

Xét về tốc độ sụt giảm, NCB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở mức 12,3 tỷ đồng, giảm 89% so với 6 tháng đầu năm 2022, đồng thời cũng là đơn vị có mức giảm mạnh nhất.

Theo sau là Sacombank với sự sụt giảm 60%, lãi giảm từ 3.276 tỷ đồng xuống còn hơn 1.312 tỷ đồng. SeABank cũng ghi nhận lãi từ mảng này giảm hơn phân nửa, xuống còn 365 tỷ đồng. Tại BVBank ghi nhận lãi giảm 36%, còn 38,6 tỷ đồng; MB giảm 27%, xuống 1.550 tỷ đồng; ACB giảm 17%, còn 1.431 tỷ đồng; HDBank giảm 11% còn 1.278 tỷ đồng; VIB giảm 10%, còn 1.404 tỷ đồng…

Trong số những đơn vị ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm còn có hai ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và Agribank. Trong đó, Vietcombank ghi nhận khoản lãi 3.078 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Tại Agribank, lãi từ hoạt động này đạt 2.457 tỷ đồng, giảm 8%.

Tuy nhiên ở hướng ngược lại, nhiều ngân hàng lại ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ nửa đầu năm tăng mạnh.

Cao nhất là Nam A Bank với mức tăng 146%, lãi tăng từ 151 tỷ đồng lên hơn 371 tỷ đồng. Tiếp theo là ABBank với 289 tỷ đồng, tăng 92,4%. MSB đứng thứ ba khi ghi nhận mức tăng hơn 86% lên 1.081 tỷ đồng. BaoVietBank tăng 67% lên 49 tỷ đồng.

Tuy nhiên xét về con số tuyệt đối, Techcombank, VietinBank và VPBank hiện là 3 ngân hàng có lãi lớn nhất từ mảng hoạt động dịch vụ. 

Bancassurance được biết là hoạt động có đóng góp không nhỏ trong doanh thu phi tín dụng của các ngân hàng.

Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường liên tục xuất hiện những vụ khiếu nại về việc khách gửi tiết kiệm hoặc vay vốn bị ép mua bảo hiểm nhân thọ. Không ít trường hợp khách hàng đồng ý mua bảo hiểm nhưng khi kiểm tra lại là sản phẩm liên kết đầu tư, thậm chí có người đi gửi tiết kiệm lại thành mua hợp đồng bảo hiểm.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh gửi các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm về hoạt động bancassurance.

Bộ Tài chính mới đây cũng chỉ ra hoạt động bancassurance có nhiều sai phạm dù chỉ mới thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life).

Bộ Tài chính cho biết kể từ khi đường dây nóng về các sản phẩm bảo hiểm đi vào hoạt động từ ngày 21/2, tính đến hết ngày 31/7, Bộ đã tiếp nhận, xử lý 213 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 479 kiến nghị, phản ánh qua hộp thư điện tử.

Nhiều chuyên gia cho rằng sau giai đoạn tăng nóng, và có nhiều sai phạm trong kinh doanh bảo hiểm thì sự sụt giảm thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm là không thể tránh khỏi.

Theo báo cáo tài chính quý II, chỉ có 8 ngân hàng hạch toán chi tiết các khoản mục thu – chi từ hoạt động bảo hiểm. Trong đó, 7 ngân hàng ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm sụt giảm.

Tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm nửa đầu năm của 7 nhà băng trên đạt 6.432 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại MB, thu từ dịch vụ bảo hiểm ghi nhận 4.150 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chi phí cho khoản mục này cũng ghi nhận hơn 2.643 tỷ đồng, do đó lãi thuần từ hoạt động bảo hiểm chỉ còn hơn 1.500 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.

VPBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm giảm 8% còn 1.385 tỷ đồng. VIB giảm 46% còn 315 tỷ đồng; Techcombank ghi nhận thu nhập 290 tỷ đồng, giảm 53%; TPBank là hơn 223 tỷ đồng, giảm 55%; SeABank ghi nhận khoản thu 46 tỷ đồng, giảm 81%; Kienlongbank thu về 11 tỷ đồng, giảm 63%.

Duy chỉ có PGBank ghi nhận thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm gấp đôi cùng kỳ từ 5,4 tỷ đồng lên gần 11 tỷ đồng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính – ngân hàng, cho rằng doanh thu từ bancassurance của các ngân hàng năm nay sụt giảm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm suy giảm. Doanh thu từ bancassurance có thể sẽ được cải thiện nếu như niềm tin của khách hàng phục hồi và củng cố.

Để khôi phục lại được niềm tin ấy, các đơn vị phải tư vấn để khách hàng có thể hiểu rõ, đúng và đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm mà họ tham gia. Ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cần kiểm tra, rà soát lại từ khâu tư vấn, phải đảm bảo nhân viên tư vấn hiểu rõ được sản phẩm rồi mới tư vấn cho khách hàng, tư vấn minh bạch, rõ ràng thông tin…

Vị chuyên gia này cũng đưa ra quan điểm rằng không nên để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm như hiện nay. Ông cho rằng cần tách bạch nghiệp vụ giữa hai đơn vị. Việc bán bảo hiểm thì nên để cho hãng bảo hiểm có nghiệp vụ bán, cũng như ngân hàng thì nên chú trọng các nghiệp vụ tài chính ngân hàng.

Sự hợp tác giữa ngân hàng và hãng bảo hiểm, theo ông, nên chăng chỉ dừng ở việc ngân hàng giới thiệu khách, còn việc tư vấn là do hãng bảo hiểm trực tiếp làm và ngược lại. Trong tương lai, nếu bancassurance không thể lấy lại niềm tin của khách hàng, tiếp tục gặp khủng hoảng thì đây là lúc các hãng bảo hiểm và các ngân hàng cần xem xét lại “mối liên kết” này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2023 lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng hai chữ số.

Doanh thu phí bảo hiểm được công bố định kỳ lần đầu trong báo cáo của GSO từ năm 2016, đến năm 2017 mới có dữ liệu ghi nhận tăng trưởng 6 tháng so với cùng kỳ.

Từ năm 2017 đến năm 2022, chỉ tiêu này luôn ghi nhận tăng trưởng hai chữ số trung bình từ 11% đến 23% so với cùng kỳ, với động lực chính là bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên đến nửa đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh đại lý cá nhân, kênh đại lý tổ chức – bán qua ngân hàng… ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017-2022, GSO chỉ công bố con số tăng trưởng của doanh thu phí bảo hiểm mà không có chi tiết về con số tuyệt đối, bao gồm cả nhân thọ và phi nhân thọ. Giai đoạn nửa đầu năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng 19%, năm 2018 tăng 23%, năm 2019 là 17%…

Thậm chí năm 2020 – giai đoạn “đỉnh cao” của dịch Covid-19, doanh thu từ phí bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 11%. GSO thời điểm đó cho biết dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.

Doanh thu phí bảo hiểm tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021, 2022 lần lượt tăng 17% và 14%.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Hơn 9.000 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023

(TBTCO) – Ngày 6/8/2023, sự kiện marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của hơn 9.000 vận động viên phong trào và chuyên nghiệp, trong đó có gần 1.500 vận động viên quốc tế đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giải chạy cũng chào đón nhiều câu lạc bộ chạy bộ đến từ các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, HongKong, Malaysia…, đồng thời thu hút hàng ngàn khách du lịch đến Đà Nẵng.

Theo đó, các vận động viên đã hoàn thành các đường chạy ở 5 cự ly gồm: 42km; 21km; 10km; 5km; 1,5km (dành cho trẻ em) trên các cung đường đẹp nhất thuộc thành phố biển Đà Nẵng.

Là nhà tài trợ danh hiệu và đồng hành với sự kiện kể từ năm 2016, Manulife Việt Nam mong muốn truyền cảm hứng và lan tỏa lối sống năng động, lành mạnh cho người dân thông qua bộ môn chạy bộ.

Ông Phạm Tấn Xử – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng phát biểu: “Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife mang nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với phong trào thể dục thể thao của thành phố, mà còn được biết đến rộng rãi trong nước và thu hút sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của các vận động viên đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Vì vậy, tôi tin tưởng vào sự phát triển của giải nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào chạy bộ, cổ vũ lối sống khỏe mạnh cho người dân nói chung, cũng như xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng năng động, hội nhập”.

Ông Tôn Thất Anh Vũ – đại diện theo pháp luật của Manulife Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi giải chạy marathon Quốc tế Đà Nẵng Manulife ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của những người yêu thể thao nói chung và các vận động viên chạy bộ nói riêng. Thông qua sự kiện này, Manulife Việt Nam mong muốn góp phần thúc đẩy lối sống năng động và lành mạnh trong cộng đồng, đồng thời tiếp tục mang lại nhiều hoạt động hữu ích hơn nữa để luôn là đối tác đồng hành đáng tin cậy trên hành trình bảo vệ sức khỏe thể chất và tài chính cho mọi khách hàng”.

Ngoài việc trở thành nhà tài trợ danh hiệu của sự kiện marathon, năm nay, Manulife Việt Nam còn giới thiệu chiến dịch thương hiệu “Cùng bạn tiếp nhịp sống khỏe” trên ứng dụng ManulifeMOVE. Người tham gia ngoài có cơ hội rèn luyện sức khỏe với các thử thách vận động thú vị, đồng thời đóng góp vào quá trình phủ xanh Việt Nam với mục tiêu trồng 4.000 cây gỗ quý tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa.

  1. Tin quốc tế

Ấn Độ: Reliance General Insurance nhận vốn từ công ty mẹ

(INA) – Reliance General Insurance (RGICL) gần đây đã huy động được 200 triệu Rupee vốn bằng cách phát hành cổ phiếu vốn chủ sở hữu cho công ty mẹ Reliance Capital. Giao dịch này hiện đang trong quá trình giải quyết theo Bộ luật về Phá sản.

Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) được tổ chức vào ngày 29 tháng 7, các cổ đông của công ty đã thông qua việc bổ sung vốn. Điều này sẽ đạt được thông qua việc phát hành cổ phiếu vốn cổ phần trên cơ sở phát hành riêng lẻ.

Mục đích của việc rót vốn này là để khám phá và theo đuổi các cơ hội kinh doanh mới cho sự phát triển của công ty, đồng thời nhằm củng cố vị trí của công ty với tư cách là người dẫn đầu thị trường.

Chủ trương bơm thêm vốn đã được các bên cho vay của Reliance Capital chấp thuận để nâng cao khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Thông qua đợt tăng vốn này, RGICL nhằm mục đích củng cố vị thế tài chính và vị thế của mình để nắm bắt các cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực bảo hiểm.

FWD Malaysia bổ nhiệm tân CEO về Bảo hiểm nhân thọ

(INA) – FWD Group Holdings Limited đã bổ nhiệm Aman Chowla làm tân Tổng Giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Malaysia.

Đây là kết quả của quá trình M&A, theo đó doanh nghiệp được đổi tên thành FWD Insurance Berhad từ Gibraltar BSN Life Berhad.

Ông Chowla có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành và đã giữ các vai trò Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành tại các công ty bảo hiểm đa quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Để đánh dấu sự mở rộng này, một bữa tiệc trưa đã được tổ chức tại Kuala Lumpur, với sự tham dự của đại diện từ Tập đoàn FWD, Đặc khu Hành chính Hồng Kông và Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông.

Những bước phát triển này ở Malaysia diễn ra sau khoản đầu tư gần đây của Tập đoàn FWD cùng với các nhà đầu tư khác vào doanh nghiệp trước đây có tên là Gibraltar BSN, hoàn tất vào ngày 3 tháng 4.

AXA hợp tác với công ty công nghệ logistics để phát triển nền tảng mới

(INA) – AXA Hồng Kông và Ma Cao đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với GoGoX, một nền tảng công nghệ logistics có trụ sở tại châu Á.

Bằng cách kết hợp bảo hiểm phi nhân thọ của AXA với nền tảng và khả năng công nghệ của GoGoX, sự hợp tác này nhằm tạo ra một mô hình nền tảng công nghệ mới hợp tác với bảo hiểm.

Điều này sẽ cung cấp bảo hiểm toàn diện và phù hợp cho người dùng GoGoX, bao gồm các đối tác tài xế, cá nhân và người dùng doanh nghiệp.

Sự hợp tác này sẽ dẫn đến việc thiết kế các giải pháp bảo vệ toàn diện và cải thiện trải nghiệm cho cộng đồng người dùng rộng lớn của GoGoX.

Thông qua sự hợp tác này, cả hai thực thể sẽ tiếp tục khám phá các giải pháp sáng tạo để nâng cao sự hài lòng của khách hàng và cung cấp trải nghiệm hậu cần an toàn và đáng tin cậy hơn.

Hiện tại, GoGoX đã cung cấp bảo hiểm cho 3.000 đối tác tài xế.

Nỗ lực chung cam kết cung cấp cho người dùng dịch vụ bảo hiểm sáng tạo và phù hợp cùng với trải nghiệm logistics an toàn.

Chubb tiết lộ sự trở lại của Ben Carey ở vị trí Giám đốc Hoạt động thực địa

(INA) – Chubb thông báo bổ nhiệm ông Ben Carey làm Giám đốc Hoạt động thực địa, Châu Á Thái Bình Dương, bắt đầu từ quý đầu tiên của năm 2024.

Với vai trò mới được thành lập này, ông Carey sẽ giám sát tổ chức thực địa của Chubb, bao gồm 12 thị trường và 69 văn phòng chi nhánh trong khu vực.

Trách nhiệm của ông sẽ bao gồm việc cung cấp nhiều khả năng và dịch vụ cho các đối tác phân phối đại lý và môi giới.

Làm việc tại trụ sở Singapore, ông Carey sẽ báo cáo lên ông Paul McNamee, Chủ tịch Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời trở thành thành viên của Ban điều hành Chubb Châu Á Thái Bình Dương.

Carey có hơn 20 năm kinh nghiệm ở các vị trí quản lý cấp cao và đánh giá rủi ro. Ông gia nhập Chubb từ Everest, nơi ông giữ chức vụ Giám đốc Bảo hiểm Khu vực Châu Á và Giám đốc Điều hành tại Singapore.

Trước đó, Carey đã có 19 năm làm việc tại Chubb, giữ nhiều vai trò khác nhau ở Châu Á Thái Bình Dương, Luân đôn và New York, bao gồm Trưởng phòng Phân phối & Quản lý Khách hàng Châu Á và Phó Chủ tịch Cấp cao của A&H, Bảo hiểm phi nhân thọ ở nước ngoài.

Cựu nhân viên bảo hiểm tranh cử ghế tổng thống Singapore

(INA) – Cựu chuyên gia tài chính và bảo hiểm, ông Tan Kin Lian, đã công bố trong một bài đăng trên mạng xã hội về đơn xin giấy chứng nhận tư cách tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2023 của Singapore.

Lian đã làm việc với Bảo hiểm thu nhập của Singapore (trước đây là Thu nhập NTUC) với tư cách là Giám đốc điều hành và cuối cùng giữ chức vụ Tổng Giám đốc (CEO) cho đến năm 2007.

Các ứng cử viên khác từ lĩnh vực tài chính bao gồm cựu CIO của GIC, ông Ng Kok Song và cựu chủ tịch MAS, ông Tharman Shanmugaratnam.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Lian đã giữ nhiều chức vụ quản lý và được thăng tiến nhiều lần tại công ty.

Đáng chú ý, ông nguyên là chủ tịch của Liên đoàn Hợp tác xã & Tương hỗ Bảo hiểm Quốc tế, một tổ chức toàn cầu đại diện cho 123 tập đoàn bảo hiểm, trong nhiệm kỳ của mình.

Các công ty bảo hiểm Sri Lanka dễ thở hơn sau tái cấu trúc nợ

(INA) – Fitch Ratings nhận thấy các công ty bảo hiểm Sri Lanka sẽ giảm bớt rủi ro trong đầu tư và thanh khoản sau các kế hoạch tái cấu trúc nợ của chính phủ Sri Lanka.

Cơ quan xếp hạng cho biết kế hoạch này dự kiến sẽ không có tác động trực tiếp đến việc nắm giữ nợ chính phủ bằng đồng nội tệ của các công ty bảo hiểm, ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, giảm bớt áp lực đối với hồ sơ đầu tư và vốn của họ.

Hồ sơ rủi ro thanh khoản và đầu tư của các công ty bảo hiểm Sri Lanka có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ, ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Danh mục đầu tư của các công ty này chủ yếu bao gồm các chứng khoán có thu nhập cố định do chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh, nợ doanh nghiệp và tiền gửi tại các ngân hàng địa phương và các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng địa phương vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ bằng ngoại tệ của các công ty bảo hiểm như thanh toán tái bảo hiểm và nghĩa vụ yêu cầu bồi thường từ các hợp đồng bằng ngoại tệ.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm được Fitch xếp hạng có tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng địa phương để hỗ trợ các nghĩa vụ bằng ngoại tệ của mình và các nghĩa vụ hợp đồng bảo hiểm bằng ngoại tệ hầu hết được tái bảo hiểm.

Ngoài ra, Fitch duy trì Xếp hạng Theo dõi Tiêu cực (RWN) đối với các công ty bảo hiểm Sri Lanka do rủi ro đầu tư và thanh khoản cao cũng như do áp lực đối với các vị thế vốn pháp định và triển vọng hoạt động tài chính yếu.

Mặc dù đề xuất cơ cấu lại khoản nợ có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến việc nắm giữ nợ của chính phủ bằng nội tệ, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến việc nắm giữ Trái phiếu Phát triển Sri Lanka (SLDB) bằng ngoại tệ của các công ty bảo hiểm.

Zurich Singapore hợp tác với Klook cung cấp bảo hiểm du lịch

(INA) – Zurich Singapore đã hợp tác với Klook, một nền tảng trải nghiệm và du lịch có trụ sở tại châu Á, để cung cấp bảo hiểm du lịch có tên gọi TravelJoy.

TravelJoy chi trả cho việc hủy chuyến đi, cấp cứu y tế và hành lý bị mất hoặc bị đánh cắp.

Một tính năng đáng chú ý là dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cho phép các chủ hợp đồng tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế thông qua các cuộc hẹn trên Internet, bất kể vị trí của họ ở đâu.

Điều này bao gồm chẩn đoán các bệnh nhẹ và mua thêm thuốc theo toa, đồng thời cung cấp giải pháp y tế thuận tiện và hiệu quả cho khách du lịch.

Khách hàng có thể truy cập bảo hiểm du lịch thông qua nền tảng của Klook khi sắp xếp chuyến đi.

Với sự hợp tác này, Zurich Singapore tham gia vào quan hệ đối tác bán lẻ kỹ thuật số, dựa trên sự ra mắt của Zurich Edge.

Darren Pigg đảm nhận vai trò Giám đốc bảo hiểm Capco khu vực APAC

(INA) – Capco, một công ty tư vấn quản lý và công nghệ toàn cầu, đã bổ nhiệm Darren Pigg làm Partner kiêm Giám đốc Bảo hiểm Châu Á – Thái Bình Dương.

Với vai trò này, ông sẽ tập trung vào việc mở rộng hoạt động bảo hiểm của Capco ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới trong chuỗi giá trị bảo hiểm.

Pigg mang đến hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn và cố vấn cho Capco.

Trước đây, ông từng là Giám đốc Chuyển đổi tại Sun Life Châu Á ở Hồng Kông. Chuyên môn của ông bao gồm đổi mới, chuyển đổi kỹ thuật số, khách hàng và chiến lược phân phối, phân tích dữ liệu và quản lý các chương trình quy mô lớn.

Trước khi gia nhập Sun Life, Darren là Partner tại KPMG Hồng Kông/Trung Quốc, nơi ông lãnh đạo hoạt động Khách hàng, Kỹ thuật số và Phân tích cho Bảo hiểm.

Trước đó, ông đã làm việc hơn một thập kỷ tại PwC, trụ sở chính ở London và sau đó là Singapore với tư cách là Trưởng nhóm tư vấn Bảo hiểm Đông Nam Á. Sự nghiệp của Pigg bắt đầu với tư cách là Cố vấn Kinh tế cho Chính phủ Vương quốc Anh sau khi lấy bằng Thạc sĩ Kinh tế tại Đại học Nottingham.

Great Eastern trong quá trình thảo luận để mua AmMetLife của Malaysia

(INA) – Công ty bảo hiểm Great Eastern đã xác nhận đang tiến hành các cuộc thảo luận về kế hoạch mua lại AmMetLife Insurance Bhd.

Bảo hiểm AmMetLife là công ty liên doanh tại Malaysia của MetLife Inc. Ngoài ra, theo Bloomberg, thỏa thuận này được cho là có giá trị khoảng 250 triệu đến 300 triệu USD.

Công ty bảo hiểm tiếp tục nhấn mạnh vào giai đoạn sơ bộ của mình và rằng “không có gì chắc chắn rằng bất kỳ thỏa thuận dứt khoát hoặc ràng buộc nào sẽ được ký kết theo các cuộc thảo luận này.”

Công ty cũng tuân thủ các yêu cầu quy định của Sàn giao dịch chứng khoán Singapore và sẽ công bố mọi thông tin tiết lộ có liên quan.

Great Eastern là công ty con của Oversea-Chinese Banking Corp. Hiện công ty đang tiến hành thẩm định chuyên sâu (due diligence) và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giao dịch.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra và có thể đạt được thỏa thuận trong vòng vài tháng tới.

Great Eastern trước đây đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại AmMetLife.

AmMetLife được thành lập vào năm 2014 dưới hình thức hợp tác giữa MetLife và AMMB Holdings Bhd được niêm yết tại Kuala Lumpur. AmMetLife cung cấp các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo vệ tài sản thông qua nhiều chi nhánh khác nhau tại Malaysia.

Great Eastern được thành lập vào năm 1908. Đây là một công ty bảo hiểm lớn với tài sản hơn 100 tỷ đô la Singapore và hoạt động ở một số quốc gia trong khu vực.

BTV (Tổng hợp).