Ra mắt Chương trình bảo hiểm công nghệ OFFB; Bảo hiểm Samsung đầu tư 650 triệu USD vào tài sản thay thế; Cover Genius liên kết với Turkish Airlines bảo hiểm cho du khách
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
VBI chi trả 580 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm khoản vay cho khách hàng Bình Dương
(TBTCO) – Sáng ngày 12/10/2022, Phó Tổng Giám đốc VBI – ông Trần Tiến Dũng, lãnh đạo VBI Bình Dương kết hợp cùng Ngân hàng VietinBank chi nhánh KCN Trảng Bàng đã tổ chức thăm hỏi và chi trả quyền lợi Bảo hiểm Khoản vay cho đại diện gia đình ông Trần Ngọc Thiệm (Tây Ninh) số tiền 580 triệu đồng.
Ông Thiệm là khách hàng vay vốn tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh KCN Trảng Bàng. Trong quá trình vay vốn tại ngân hàng, ông Thiệm đã được cán bộ VietinBank tư vấn về giá trị nhân văn của bảo hiểm và sau đó ông đã tham gia Bảo hiểm Khoản vay của VBI với tổng mức phí là 8.625.000 VND.
Không may trên đường đi về nhà, ông Thiệm điều khiển xe máy chạy lên lề đường, do gờ đường cao nên ông đã bị ngã. Mặc dù đã được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng vì chấn thương nặng nên ông đã không qua khỏi. Sự mất mát đột ngột này để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và bạn bè ông Thiệm.
Ngay khi nhận được thông tin trên, đại diện VBI Bình Dương đã nhanh chóng gửi lời chia buồn và hướng dẫn gia đình thực hiện các thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Trong buổi lễ chi trả, đại diện gia đình ông Thiệm đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới VBI cũng như Ngân hàng VietinBank đã thăm hỏi, đồng hành và nhiệt tình hỗ trợ gia đình làm thủ tục trong thời gian vừa qua.
- Một vòng doanh nghiệp
Tổng Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ nhận danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022
(TBTCO) – Ngày 12/10/2022, ông Phạm Ngọc Sơn – Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, đã vinh dự nhận danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình xét và công bố.
Được triển khai từ năm 2006, qua 8 lần tổ chức, danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” đã khẳng định là danh hiệu cao quý nhất được trao tặng cho các doanh nhân trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt. Bên cạnh các tiêu chí về thành tích kinh doanh của doanh nghiệp, năng lực lãnh đạo quản lý, các doanh nhân được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 còn phải đáp ứng quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố.
“Đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân được áp dụng nhằm tìm ra những tấm gương doanh nhân tiêu biểu, hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hoá kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững và được xã hội trân trọng” – ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết.
Với đam mê, nhiệt huyết và những sáng tạo, đổi mới trong kinh doanh, điều hành doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, đã vinh dự được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” năm 2022. Danh hiệu này là minh chứng cho ý chí và tầm nhìn của ông Phạm Ngọc Sơn cùng tập thể cán bộ và tư vấn viên của Bảo Việt Nhân thọ trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp để mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19.
Tại buổi lễ vinh danh, ông Phạm Ngọc Sơn chia sẻ: “Danh hiệu đáng quý này đến từ sự tin tưởng của đối tác, khách hàng cùng những nỗ lực của toàn thể cán bộ và đội ngũ tư vấn viên Bảo Việt Nhân thọ. Với sứ mệnh tận tâm bảo vệ giá trị Việt, cá nhân tôi cũng như Bảo Việt Nhân thọ ý thức rõ về trách nhiệm của doanh nhân và doanh nghiệp với cộng đồng để luôn nỗ lực kiến tạo những ảnh hưởng và giá trị tích cực nhất cũng như đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển của kinh tế – xã hội của đất nước”.
Luôn coi “lợi ích của người Việt” là tôn chỉ trong kinh doanh, lấy con người là yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững, ông Phạm Ngọc Sơn đã chèo lái “con thuyền” Bảo Việt Nhân thọ ngày một lớn mạnh, trở thành thương hiệu Quốc gia với hơn 17,4 triệu lượt khách hàng tin tưởng đồng hành. Đặc biệt, trong giai đoạn điều hành Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ (2016 – 2021), ông Phạm Ngọc Sơn đã đưa Bảo Việt Nhân thọ vươn lên dẫn đầu thị trường. Khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, bằng bản lĩnh và ý chí quyết tâm, ông đã cùng các cán bộ và tư vấn viên Bảo Việt Nhân thọ nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh cách thức hoạt động, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để từng bước thích nghi với những tác động do đại dịch gây ra, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, không ngừng nghiên cứu và triển khai các sản phẩm bảo hiểm ngày càng ưu việt, đáp ứng nhu cầu bảo vệ của người dân.
Năm 2021, Bảo Việt Nhân thọ có tổng doanh thu đạt 37.845 tỷ đồng, hoàn thành 104,2% kế hoạch, tăng trưởng 4,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 875,3 tỷ đồng, hoàn thành 103% kế hoạch và nộp ngân sách nhà nước 510 tỷ đồng. Với hệ thống vững mạnh 76 công ty thành viên, gần 400 văn phòng giao dịch, Bảo Việt Nhân thọ đang tạo công ăn việc làm cho gần 2.300 cán bộ và gần 200 nghìn tư vấn viên trên cả nước.
Bên cạnh việc nỗ lực phát triển các sản phẩm ưu việt và dịch vụ chất lượng, ông Phạm Ngọc Sơn đã luôn kiên tâm định hướng phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, tích cực chung tay cùng Nhà nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Ngay khi dịch Covid-19 ập đến, Bảo Việt Nhân thọ là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên đóng góp số tiền lớn nhất là 30 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19, cùng Chính phủ và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
Trong nhiều năm qua, hơn 15.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn, hàng trăm gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đã được khám bệnh miễn phí, hơn 26.000 em học sinh nghèo hiếu học trên cả nước đã được trao tặng học bổng là những chiếc xe đạp từ “Quỹ Xe đạp chở ước mơ” của Bảo Việt Nhân thọ, giúp chắp cánh tương lai, đồng hành cùng các em trên con đường đến trường. Bên cạnh đó, Quỹ Tận tâm của Bảo Việt Nhân thọ cũng đã trao tặng các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho nhiều em nhỏ có cha mẹ bị thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông. Chương trình ngày Quốc tế Yoga được Bảo Việt Nhân thọ tổ chức thường niên tại nhiều tỉnh thành với nhiều hoạt động ý nghĩa đã lan tỏa tinh thần sống khỏe, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, vì một xã hội an bình và thịnh vượng.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát và phong cách làm việc năng động, quyết liệt của ông Phạm Ngọc Sơn, Bảo Việt Nhân thọ đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế: Huân chương Lao động Hạng Nhì, 6 năm dẫn đầu Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín nhất (2016 – nay); Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam 2022; Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đổi mới vượt bậc Việt Nam 2022; Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ứng dụng chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam 2021, Thương hiệu tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương 2020 và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Bổ nhiệm tân Giám đốc PJICO Tân Bình Dương
(PJICO) – Ngày 13/10/2022, Tổng Giám đốc Tổng công ty PJICO trao Quyết định bổ nhiệm ông Phạm Đức Hạnh giữ chức vụ Giám đốc PJICO Tân Bình Dương.
Ông Phạm Đức Hạnh đã công tác tại PJICO từ năm 2013 và có 04 năm giữ chức vụ Phó Giám đốc tại đơn vị cùng địa bàn là PJICO Bình Dương.
Tại buổi họp trao quyết định bổ nhiệm hôm nay, ông Phạm Đức Hạnh phát biểu cảm ơn Ban Lãnh đạo Tổng Công ty đã tin tưởng giao trọng trách, giữ vị trí Lãnh đạo cao nhất của PJICO Tân Bình Dương; ông cũng chia sẻ kế hoạch trong thời gian tới, dưới sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Tổng Công ty, tập thể CBNV đơn vị sẽ đoàn kết, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của cả hệ thống PJICO.
PJICO Tân Bình Dương chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2020, sau gần 02 năm, đơn vị đã ổn định và hình thành mạng lưới kinh doanh. Năm 2022, đơn vị đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 25 tỷ đồng, đến năm 2025 mục tiêu doanh thu đạt 70 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn hệ thống PJICO đạt doanh thu phí bảo hiểm gốc (chưa bao gồm doanh thu tàu cá theo Nghị định 67) là 2.677 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2021, hoàn thành 70% kế hoạch năm.
Dai-ichi Life Việt Nam triển khai chương trình “Đón tết sum vầy, ngập tràn quà tặng”
(TBTCO) – Tiếp nối chuỗi các chương trình tri ân khách hàng hấp dẫn, sôi động nhân dịp chào mừng 15 năm thành lập Dai-ichi Life Việt Nam (18/01/2007 – 18/01/2022), đồng thời đánh dấu mốc son kỷ niệm 120 năm thành lập Tập đoàn Dai-ichi Life (15/09/1902 – 15/09/2022), Dai-ichi Life Việt Nam triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt trong quý 4/2022 – “Đón Tết sum vầy, ngập tràn quà tặng”.
Chương trình được triển khai từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022, với 120 giải thưởng có tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Cụ thể, 4 giải Nhất, mỗi giải là 1 xe Honda SH 150i, phiên bản cao cấp phanh ABS; 6 giải Nhì, mỗi giải là 1 điện thoại Iphone 14 Pro Max 256 GB; 10 giải Ba, mỗi giải là 1 đồng hồ thông minh Apple S8 GPS 45mm dây thép; 100 giải Khuyến khích, mỗi giải là 01 Chỉ Vàng 24K SBJ ép vỉ hình mèo may mắn Maneki Neko.
Song song chương trình khuyến mại “Đón Tết sum vầy, ngập tràn quà tặng”, chương trình khuyến mại đặc biệt “Mừng tuổi 15, Rước ‘xế’ về nhà” với giải thưởng vô cùng hấp dẫn là 2 chiếc xe hơi Toyota Camry 2.5Q, có tổng trị giá 2,7 tỷ đồng cũng đang được triển khai xuyên suốt năm 2022, dành cho tất cả khách hàng của Dai-ichi Life Việt Nam trên toàn quốc có hợp đồng bảo hiểm được phát hành từ 18/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và đáp ứng đầy đủ các điều kiện của chương trình.
Ông Trần Đình Quân – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Bên cạnh việc cung cấp các giải pháp bảo vệ, đầu tư tài chính và chăm sóc sức khỏe ưu việt nhằm đảm bảo cuộc sống bình an và tương lai tươi sáng cho khách hàng và gia đình, Dai-ichi Life Việt Nam luôn nỗ lực mang đến nhiều giá trị cộng thêm thiết thực cho khách hàng. Với thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương”, thông qua chương trình khuyến mại “Đón Tết sum vầy, ngập tràn quà tặng”, Dai-ichi Life Việt Nam mong muốn lan tỏa tình yêu thương bản thân, yêu thương gia đình đến khách hàng và gia đình để cùng khởi đầu năm mới và vui đón Tết Quý Mão 2023 sum vầy, may mắn và sung túc bên những người thân yêu”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Dai-ichi Life Việt Nam đã triển khai 7 chương trình khuyến mại cho khách hàng, với tổng giá trị quà tặng hơn 12 tỷ đồng.
Sau 15 năm hình thành và phát triển, với những nỗ lực không ngừng, Dai-ichi Life Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng: số lượng khách hàng tăng 12 lần, số nhân viên và tư vấn tài chính tăng 20 lần, tổng vốn đầu tư tăng 41 lần, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 50 lần và tổng giá trị tài sản tăng 64 lần.
Là thành viên của Tập đoàn Dai-ichi Life, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) được thành lập vào tháng 1/2007 và đây là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Tập đoàn Dai-ichi Life có công ty bảo hiểm nhân thọ sở hữu 100% vốn.
Công ty Dai-ichi Life Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 3 về mạng lưới kinh doanh với hơn 290 văn phòng và tổng đại lý “phủ sóng” khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, phục vụ hơn 4 triệu khách hàng thông qua đội ngũ 1.800 nhân viên và 120.000 tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Dai-ichi Life Việt Nam cũng là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn đầu tư lớn nhất thị trường – 7.700 tỷ đồng.
Ra mắt Chương trình bảo hiểm công nghệ OFFB
(ĐTCK) – Ba công ty bảo hiểm gồm Bảo Việt TP.HCM, Bảo hiểm Quân Đội (MIC), Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) và Công ty Công nghệ Bảo hiểm InsurTech 365 (IST365) đã phối hợp cùng Mạng xã hội Xe và Giao thông (OFFB) ra mắt Chương trình bảo hiểm công nghệ OFFB.
Lễ ký kết hợp tác đã diễn ra sáng ngày 11/10 tại TP.HCM, nhằm mang lại những giá trị thiết thực và hiệu quả hơn cho khách hàng.
Theo đó, với Chương trình Bảo hiểm công nghệ OFFB, các doanh nghiệp Bảo hiểm và mạng xã hội OFFB sẽ cùng thiết lập những quy định rõ ràng trong một quy trình bảo hiểm, thông báo rộng rãi tới khách hàng, thành viên, với sự giám sát theo dõi của một cộng đồng trực tuyến lên tới 1 triệu người, mang đến sự tin cậy về tính minh bạch và trách nhiệm.
Giải pháp công nghệ của IST365 tích hợp trực tuyến xuyên suốt từ các yêu cầu bảo hiểm của khách hàng đến thanh toán và việc phát hành giấy chứng nhận điện tử của các nhà bảo hiểm.
Được thiết kế và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, giúp đảm bảo dịch vụ từ đầu đến cuối. Ngoài việc mua, người dùng còn có thể theo dõi tình trạng bảo hiểm của mình cũng như gửi các yêu cầu hỗ trợ, bồi thường về nhà bảo hiểm thông qua IST365, được giám sát tại cộng đồng OFFB một cách dễ dàng.
Các gói bảo hiểm được cung cấp vẫn là những sản phẩm bảo hiểm đang có trên thị trường như Bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, xe ô tô; Bảo hiểm Sức khoẻ, Nhà cửa; Bảo hiểm du lịch; Bảo hiểm Vật chất, nhưng tất cả sẽ được xây dựng trên nền tảng công nghệ trực tuyến do IST-365 cung cấp, mỗi gói mua có thể hoàn tất chỉ sau 5 phút với giấy chứng nhận Bảo hiểm được cấp online.
Hai vấn đề quan trọng nhất mà các bên mong muốn mang tới cho chương trình bảo hiểm OFFB này là hoàn thiện thủ tục nhanh gọn trực tuyến và sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà Bảo hiểm cung cấp dịch vụ và người tham gia bảo hiểm, với sự hỗ trợ trung gian kết nối của OFFB, mạng xã hội lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực Xe và Giao thông tại Việt Nam.
Theo ông Quốc Bình Nguyễn, Quản trị mạng xã hội OFFB, tình trạng người mua bảo hiểm nhưng không dùng được bảo hiểm khi xảy ra sự cố vì những lý do khách quan lẫn chủ quan, như phải chờ lâu, không biết gọi cho ai, phía bảo hiểm làm khó, thoái thác trách nhiệm, việc giám định nhiêu khê… là rất phổ biến.
“Chúng tôi muốn làm cầu nối giữa các bên thông qua các tiêu chuẩn đã cam kết để một quy trình bảo hiểm được thực hiện minh bạch, rõ ràng và nhanh chóng, tạo nên sự tin cậy. Với sự tham gia của OFFB làm trung gian, tất cả các bên đều mong muốn sẽ giải quyết tốt đẹp các xung đột quyền lợi”, ông Bình Nguyễn nói.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Chưa hết băn khoăn có nên bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy
(ĐTCK) – Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã chính thức thông qua từ tháng 6/2022, nhưng quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy vẫn gây tranh cãi.
Bộ Tài chính: “Các nước vẫn đang bắt buộc mua”
Ngày 23/9/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó có nội dung xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô, xe máy (viết tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy).
Trước đó, trong tháng 7/2022, cử tri một số địa phương gồm Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân. Trước nữa, đề xuất này từng được đưa ra nhưng chưa được duyệt.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan tới xe gắn máy. Tai nạn giao thông gây thiệt hại cho không chỉ nạn nhân (về sức khoẻ, tính mạng, tài sản…), mà còn đối với cả chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý…), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội. Bộ trưởng Phớc cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc.
Trước đó, hồi tháng 5/2022 – thời điểm lấy ý kiến hoàn tất dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, đồng quan điểm với Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, được triển khai dưới hình thức bắt buộc tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Đơn cử, tại Mỹ, 49/50 bang yêu cầu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Mức trách nhiệm bảo hiểm tối thiểu chung áp dụng khoảng 25.000 USD/người/vụ đối với thiệt hại về người và 10.000 USD/vụ đối với thiệt hại về tài sản.
Tiếp tục có những đề xuất
Dựa trên khảo sát thông tin thực tế thị trường, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair (chuyên hỗ trợ đòi bồi thường bảo hiểm xe) cũng đồng tình với đề xuất tiếp tục thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới (bao gồm cả mô tô, xe máy) song cần lập cơ quan chuyên trách hoạt động này tương tự như bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội, đi kèm theo một số yêu cầu bắt buộc.
Chẳng hạn, bắt buộc thu qua trung tâm đăng kiểm, có thể chi trả hoa hồng cho cơ quan đăng kiểm 5%, thay vì mức chi ngoài cao, có công ty bảo hiểm chi tới hơn 50% cho các đại lý như hiện nay; bắt buộc các công ty bảo hiểm phải giám định và bồi thường thay Nhà nước, sau đó hạch toán lại với Nhà nước. Khách hàng liên hệ với công ty bảo hiểm nào trên hệ thống thì công ty đó sẽ triển khai thủ tục bồi thường và được hưởng thù lao, có thể là 20-30% số tiền bồi thường, thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế cho các trung gian bán bảo hiểm.
“Nếu làm được những việc trên, công ty bảo hiểm chỉ có lãi chứ khó có thể lỗ, thậm chí còn phải ‘chạy đua’ cải thiện dịch vụ để khách hàng gọi mình”, ông Xuân nói, đồng thời cho biết, hiện ở một số nơi có tới hơn 50% phí bảo hiểm xe ô tô, 70% phí bảo hiểm xe máy bị thất thoát qua các kênh phân phối mà không đến tay khách hàng, nếu hạn chế được thất thoát thì công ty bảo hiểm chỉ có lợi.
Ở góc nhìn khác, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội đánh giá, ý tưởng trên tuy hay nhưng khó triển khai trên thực tế vì khó đạt được sự đồng thuận của các công ty bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
“Trong khi chờ chốt các cách giải quyết thấu đáo hơn, theo tôi, có 2 giải pháp như sau: Một là, khi xảy ra yêu cầu bồi thường, khách hàng có thể thuê một công ty phụ trợ bảo hiểm để làm toàn bộ hồ sơ bồi thường cho đến lúc khách hàng được nhận tiền bảo hiểm, chi phí làm hồ sơ có thể do công ty bảo hiểm chi trả; hai là, nâng cao nhận thức của người dân bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của sản phẩm bảo hiểm xe máy nói riêng, bảo hiểm xe cơ giới nói chung, cùng với đó là tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý…”, ông Sơn đưa ra đề xuất.
Bị kêu “gần như người mua không được bồi thường”
Ngoài thủ tục phức tạp như cử tri một số địa phương đã đề cập ở trên, lý do xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc mua loại hình bảo hiểm xe máy, hay mở rộng hơn là xe cơ giới, còn xuất phát từ thực tế tỷ lệ chi trả bảo hiểm nghiệp vụ này rất thấp.
Từng có ý kiến cho rằng, bảo hiểm xe máy có thể thu bắt buộc theo Luật nhưng gần như người mua không được bồi thường, cần cung cấp số liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới, trong đó có báo cáo cụ thể về số liệu thu, chi cho bảo hiểm xe máy khi gặp tai nạn. Có ý kiến đề nghị xem xét việc bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới chỉ áp dụng đối với xe ô tô.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, xe cơ giới (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy…) được xác định là nguồn gây nguy hiểm cao. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 4.652.946 ô tô, 72.061.323 mô tô và 1.449.379 xe máy điện và trong các phương tiện gây ra tai nạn, ô tô chiếm tỷ lệ 30,24% và mô tô là 63,48% (các phương tiện khác chiếm 6,28%).
Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này đạt trên 110,3 triệu lượt (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu lượt); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ) – theo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật năm 2019.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến 30/6/2022, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc xe máy đạt khoảng 545,4 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ khoảng 11,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 2,2%.
Dẫu vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, được triển khai dưới hình thức bắt buộc tại hầu hết các nước trên thế giới.
Trước ý kiến cho biết, hiện nay, trong bảo hiểm bắt buộc chỉ mới dừng ở bắt buộc bồi thường cho bên thứ ba khi phạm lỗi và gây ra tai nạn, mà chưa bắt buộc sản phẩm bảo hiểm cho chính bản thân chủ xe cơ giới tham gia giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới, mà chỉ bồi thường cho người thứ ba khi có thiệt hại xảy ra. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường do có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm. Trường hợp chủ xe cơ giới tham gia giao thông nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm như vật chất thân vỏ xe, tính mạng, tai nạn và chăm sóc sức khỏe chủ xe…
Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai loại hình bảo hiểm này còn tạo ra quỹ bảo hiểm xe cơ giới để chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Theo thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới tài trợ 31,22 tỷ đồng cho 16 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ, chi hỗ trợ nhân đạo cho 14 trường hợp với tổng số tiền là 236 triệu đồng.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (đã được thông qua từ tháng 6/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, tổng hợp kết quả về nội dung này.
- Nhịp đập thị trường
Doanh nghiệp bảo hiểm tăng tốc về đích cuối năm
(TBTCO) – Theo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm, 9 tháng năm 2022, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tăng 17% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước tăng 18%. Bước sang quý IV/2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đang chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch năm.
Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết, công ty vừa triển khai chương trình khuyến mại “Đón vận may – nhận vàng ngay” dành cho khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm phân phối qua kênh đại lý trên toàn quốc. Chương trình được thực hiện dưới hình thức quay số trúng thưởng cuối kỳ, kéo dài từ 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022, với tổng giá trị giải thưởng dự kiến là 3,15 tỷ đồng. Cơ cấu giải thưởng của chương trình bao gồm 1 giải đặc biệt 30 lượng vàng SJC, với tổng trị giá 2 tỷ đồng; 5 giải nhất, mỗi giải là 1 lượng vàng SJC; 20 giải nhì, mỗi giải là 1 iPad Pro 128G…
Trước đó, Dai-ichi Life Việt Nam cũng triển khai chương trình khuyến mại đặc biệt trong quý IV/2022 – “Đón Tết sum vầy, ngập tràn quà tặng”. Chương trình bắt đầu từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022, với 120 giải thưởng có tổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng.
Song song chương trình khuyến mại này, chương trình khuyến mại đặc biệt “Mừng tuổi 15, Rước ‘xế’ về nhà” với giải thưởng là 2 chiếc xe hơi Toyota Camry 2.5Q, có tổng trị giá 2,7 tỷ đồng cũng đang được Dai-ichi Life Việt Nam triển khai xuyên suốt năm 2022, dành cho tất cả khách hàng của công ty. Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Dai-ichi Life Việt Nam đã triển khai 7 chương trình khuyến mại, với tổng giá trị quà tặng hơn 12 tỷ đồng.
Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, ngày 10/10, BIC triển khai chương trình khuyến mại “Ngày vàng siêu ưu đãi”. Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm BIC sẽ được giảm 40% phí bảo hiểm du lịch; giảm 30% phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân – BIC Tâm An áp dụng với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe; giảm 30% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24; giảm 25% phí bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – BIC Bảo An Tài khoản; giảm 20% phí bảo hiểm bệnh ung thư – BIC Phúc Tâm An…
Bên cạnh việc thu hút khách hàng qua các chương trình khuyến mại lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đẩy mạnh ra mắt các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như Bảo hiểm PTI, đầu tháng 10/2022, doanh nghiệp này chính thức ra mắt sản phẩm mới “Bảo hiểm PIN” cho tất cả các khách hàng sử dụng xe ô tô điện tại Việt Nam.
Theo đó, PTI sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại vật chất của PIN khi xe ô tô bị tổn thất do thiên tai hoặc tai nạn bất ngờ, không lường trước như: đâm va lật đổ, hỏa hoạn cháy nổ, những rủi ro bất khả kháng do thiên nhiên như bão, sóng thần, gió lốc, động đất, sét đánh… Sản phẩm được triển khai trong bối cảnh xe ô tô điện đang được nhiều khách hàng lựa chọn bởi tính tiện dụng của dòng xe này.
Đại diện PTI cho biết, do PIN của các xe ô tô điện là bộ phận mà chủ xe ô tô thường đi thuê của hãng xe thay vì phải mất một số tiền lớn để mua, thế nên, việc mua bảo hiểm dành riêng cho PIN sẽ là nhu cầu cần thiết để bảo vệ tài sản có giá trị khá lớn của nhiều khách hàng. Hiện giá trị của PIN xe ô tô điện thường từ 180 triệu đồng đến hơn 400 triệu đồng tùy vào dòng xe ô tô.
Được biết, PTI là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên trên thị trường tung ra sản phẩm bảo hiểm đặc biệt dành riêng cho PIN xe ô tô điện nhằm hạn chế tối đa những tổn thất chủ xe có thể gặp phải khi tham gia giao thông trên đường.
Một tên tuổi khác là Prudential vừa chính thức ra mắt sản phẩm bảo hiểm trực tuyến PRU – EASY365. Theo đó, khách hàng không chỉ dễ dàng tiếp cận PRU-EASY365 thông qua các nền tảng số, mà còn có thể linh hoạt trả phí hàng tháng. Sản phẩm mới của Prudential bảo vệ toàn diện trước rủi ro do tai nạn và 3 bệnh lý nghiêm trọng phổ biến gồm: ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Khách hàng có thể định kỳ đóng phí hàng tháng qua các nền tảng điện tử với thủ tục mua bảo hiểm nhanh, đơn giản, không cần khám sức khỏe; chi phí từ 55 nghìn đồng/tháng, tổng quyền lợi bảo hiểm lên đến 411 triệu đồng.
Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cho biết: “Prudential luôn tập trung vào nhu cầu thực sự của khách hàng và đưa ra các giải pháp bảo vệ sức khỏe, tài chính ngày càng sáng tạo, đơn giản, thích ứng với từng đối tượng. Với PRU-EASY365, chúng tôi hy vọng hàng chục triệu khách hàng đến từ các đối tác cung cấp nền tảng số sẽ có thêm lựa chọn “vừa vặn” cho túi tiền của mình khi được thanh toán linh hoạt theo từng tháng nhưng đảm bảo quyền lợi bảo vệ cả năm”.
Phó Tổng giám đốc Tài chính FWD Việt Nam Vương Gia Vũ nhấn mạnh: “Là công ty bảo hiểm lấy khách hàng làm trọng tâm, FWD luôn nghĩ đến lợi ích của khách hàng nhiều nhất có thể. Chương trình “Đón vận may – nhận vàng ngay” là điển hình. Có mặt tại thị trường Việt Nam tròn 6 năm, chúng tôi rất tự hào khi nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng thông qua truyền tải tinh thần bảo hiểm luôn đồng hành giúp mọi người tận hưởng cuộc sống và tự tin sống đầy”.
Có thể thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm đang rất tích cực đẩy mạnh hợp tác, ra mắt các sản phẩm mới cũng như triển khai các chương trình khuyến mại nhằm mang đến cho khách hàng những giải pháp mua bảo hiểm tối ưu nhất, giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, sớm về đích kế hoạch năm 2022.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo hiểm Agribank ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo” năm 2022 của tỉnh Hòa Bình
(ABIC) – Ngày 11/10/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022. Chương trình có sự tham dự của Đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TW; Đồng chí Ngô Văn Tuấn – Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước; Đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Tham gia buổi lễ, đại diện Bảo hiểm Agribank có ông Nguyễn Tiến Hải – Tổng Giám đốc.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, với truyền thống “Lá lành đùm lá rách” cũng như thực hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, tại buổi lễ, Bảo hiểm Agribank đã ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh Hòa Bình số tiền 200 triệu đồng. Bảo hiểm Agribank mong muốn đóng góp này sẽ là nguồn động viên về mặt tinh thần và vật chất giúp đỡ thiết thực cho các hộ nghèo ổn định cuộc sống, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó, chung tay cùng hệ thống chính quyền các cấp góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Mặc dù được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm trong công tác chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện sống tốt hơn, tập trung phát triển kinh tế, đến nay, tỉnh Hòa Bình vẫn còn 34.029 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 15,49% dân số đang cần sự quan tâm hỗ trợ về nhà ở, giúp đỡ về vốn, giống, để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Hơn nữa, Hòa Bình là tỉnh miền núi hiện có trên 1.800 hộ gia đình đang sinh sống trong những căn nhà tạm dột nát, đã xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe người dân. Địa hình đồi núi sỏi đá rất khó khăn trong việc trồng trọt, chăn nuôi, giao thông đi lại bất tiện, đời sống người dân gặp nhiều vất vả. Mặt khác, đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng tạo gánh nặng cho chính quyền địa phương.
Trước đó, ngày 20/1/2022, Bảo hiểm Agribank và Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã trao tặng 5,64 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình để xây dựng 125 căn nhà Đại đoàn kết và tặng 1.280 suất quà Tết cho người nghèo, các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập tốt của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, Bảo hiểm Agribank ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng.
- Tin quốc tế
Australia: Suncorp thành lập trung tâm ứng phó thảm họa quốc gia
(AIR) – Theo bà Christine McLoughlin, chủ tịch Suncorp, Tập đoàn này sẽ thành lập Trung tâm Ứng phó Thảm họa Quốc gia tại Brisbane, nơi đặt trụ sở chính của Tập đoàn. Đây là một phần trong cam kết của Tập đoàn đối với Queensland.
Trung tâm sẽ sử dụng công nghệ mới nhất để giám sát, chuẩn bị và ứng phó với thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, bà McLoughlin cho biết trong cuộc họp Đại hội đồng thường niên của công ty vào ngày 23 tháng 9.
Bà cũng nói rằng Suncorp sẽ chỉ tập trung vào vai trò là công ty bảo hiểm Trans-Tasman hàng đầu, có trụ sở tại Queensland, vào thời điểm mà giá trị bảo hiểm chưa bao giờ lớn hơn, sau khi bán các hoạt động ngân hàng của tập đoàn. Vào tháng 7, hội đồng quản trị Suncorp đã quyết định bán Ngân hàng Suncorp cho Tập đoàn Ngân hàng ANZ, với dự kiến thương vụ sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2023, tùy thuộc vào thời điểm phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Đề cập đến những thách thức hiện tại từ môi trường hoạt động bên ngoài, bà nói: “Những sự kiện mang tính hủy diệt này đã nhấn mạnh hơn bao giờ hết vai trò quan trọng mà chúng ta phải thực hiện trong việc vận động đầu tư nhiều hơn vào các biện pháp chống chịu để bảo vệ và an toàn hơn cho cộng đồng và giải quyết khả năng chi trả bảo hiểm áp lực ở các vùng có nguy cơ cao”.
“Xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn đối với các hiểm họa thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo bảo hiểm vẫn có thể tiếp cận và giá cả phải chăng là những chủ đề quan trọng nhất của Tập đoàn Suncorp cần giải quyết.”
Những thách thức bao gồm sự mất trật tự đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường lao động thắt chặt, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và áp lực lạm phát. Tại Úc, đã xảy ra thảm họa lũ lụt kinh hoàng ở Đông Úc vào tháng 1 và tháng 2, đây là sự kiện thời tiết lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm của Suncorp và là một trong những sự kiện tốn kém nhất trong lịch sử của Úc.
Bà McLoughlin nói rằng quy mô lớn của những thách thức phải đối mặt đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm 2022 của Tập đoàn.
Lợi nhuận ròng sau thuế của Tập đoàn cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2022 đã giảm 34,1% xuống 681 triệu đô la Úc (441 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do tác động tổng hợp của chi phí rủi ro thiên nhiên tăng cao, ước tính khoảng 1,08 tỷ đô la Úc, việc mua thêm các khoản tái bảo hiểm cần thiết và tổn thất thị trường đối với danh mục đầu tư của Tập đoàn từ các thị trường đầu tư yếu hơn trên toàn cầu.
Tập đoàn Suncorp hoạt động dưới các thương hiệu bao gồm AAMI, GIO, Shannons, Apia, AA Insurance, Vero và Suncorp.
Hàn Quốc: Các công ty bảo hiểm của Samsung đầu tư 650 triệu USD vào tài sản thay thế
(AIR) – Các đơn vị bảo hiểm của Tập đoàn Samsung đã ký một thỏa thuận với công ty quản lý tài sản Blackstone của Mỹ để đầu tư khoảng 650 triệu USD vào các tài sản thay thế, như bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Hai công ty – Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance – sẽ bơm số tiền này vào một quỹ thay thế do Blackstone quản lý, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.
Trong những năm gần đây, các công ty tài chính của Samsung đã tích cực thúc đẩy đầu tư toàn cầu. Ví dụ, Samsung Life đã mua 25% cổ phần của Savills Investment Management, bộ phận quản lý bất động sản của tập đoàn bất động sản khổng lồ Savills của Anh. Samsung Fire & Marine Insurance đã mua 19% cổ phần của công ty tái bảo hiểm Canopius AG của Anh từ năm 2019 đến năm 2020.
Samsung Life Insurance là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Hàn Quốc, còn Samsung Fire & Marine Insurance là công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất nước này.
Trung Quốc: Hiệp hội quản lý tài sản bảo hiểm phác thảo quy mô kinh doanh trong lĩnh vực này
(AIR) – Giá trị của các sản phẩm được đăng ký bởi Hiệp hội Quản lý Tài sản Bảo hiểm Trung Quốc, một tổ chức trong ngành quản lý tài sản bảo hiểm của nước này, trong 8 tháng đầu năm đạt 684,84 tỷ CNY (97,42 tỷ USD).
Báo cáo của Hiệp hội cho biết, trong số 340 kế hoạch được đăng ký trong giai đoạn này, có 316 kế hoạch đăng ký cho kế hoạch đầu tư nợ và 14 kế hoạch đầu tư cổ phiếu, với quy mô quỹ lần lượt đạt 575,14 tỷ CNY và 43,49 tỷ CNY.
Mười quỹ bảo hiểm vốn cổ phần tư nhân đã được thành lập trong giai đoạn này, với quy mô quỹ đạt 66,21 tỷ CNY.
Đến cuối tháng 8, hiệp hội đã xử lý đăng ký 2.693 sản phẩm với quy mô quỹ tổng cộng 5,97 tỷ CNY.
Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, các công ty bảo hiểm của Trung Quốc quản lý giá trị tài sản ở mức 24,7 tỷ CNY. 89% số tài sản này thuộc về các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Swiss Re và Indonesia Re hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận kỹ thuật số ở Indonesia
(INA) – Swiss Re đã hợp tác với Indonesia Re, quản trị viên của Cơ quan Quản lý Trung tâm Dữ liệu Bảo hiểm Quốc gia (BPPDAN), để cung cấp cho các thành viên quyền truy cập vào các giải pháp phân tích và dịch vụ tư vấn rủi ro của hãng.
Mối quan hệ hợp tác này nhằm mục đích hoạt động như một chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành bảo hiểm của Indonesia.
Với hơn 70 công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm thành viên, BPPDAN cho phép định giá bảo hiểm tài sản công bằng và bền vững bằng cách thu thập thông tin bảo hiểm chính xác. Sự hợp tác liên quan đến việc phát triển một bảng điều khiển thị trường cho BPPDAN để cung cấp cho các thành viên thông tin chi tiết về phí bảo hiểm và bồi thường ở cấp độ thị trường và công ty.
Quan hệ đối tác giữa Swiss Re và Indonesia Re cũng sẽ hỗ trợ các quyết định đánh giá rủi ro của các thành viên BPPDAN cũng như lập kế hoạch chiến lược để quản lý rủi ro và định phí, có tính đến các nguyên nhân dẫn đến tổn thất lớn.
Ông Monami Mukherjee, Giám đốc phân tích Bảo hiểm P&C khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Swiss Re, cho biết: “Nhận thức về rủi ro được nâng cao ở Indonesia đang thúc đẩy nhiều nhu cầu bảo vệ bảo hiểm hơn. Để duy trì tính cạnh tranh trong một môi trường rủi ro năng động, nâng cao hiệu suất kinh doanh bảo hiểm và định hướng danh mục đầu tư là những điểm khác biệt chính cho các tổ chức bảo hiểm. Các giải pháp phân tích P&C của chúng tôi có thể hỗ trợ khách hàng trong quá trình này, bằng cách hợp nhất dữ liệu có liên quan và chuyển chúng thành thông tin chi tiết một cách kịp thời nhất”.
Great Eastern giới thiệu hai chương trình bảo hiểm bệnh hiểm nghèo mới
(INA) – Great Eastern đang tung ra hai chương trình bảo hiểm bệnh hiểm nghèo (CI) nhằm giải quyết những lo ngại ngày càng tăng về chi phí quản lý chi phí y tế và tác động tài chính kéo theo.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện vào đầu năm nay, Great Eastern phát hiện ra rằng gần một trong hai 50% số người bày tỏ lo ngại về chi phí quản lý bệnh tật và ảnh hưởng đến tài chính của gia đình họ. Hơn một nửa số người mắc bệnh hiểm nghèo tin rằng họ có thể bị tái phát. Đây là điều đáng lo ngại đối với nhiều người Singapore vì 40% không có thu nhập trong ít nhất 12 tháng trong toàn bộ thời gian phục hồi.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều sản phẩm bảo vệ trên thị trường, 49% cho rằng giá cả là rào cản chính khiến họ khó có thể mua bảo hiểm.
Để thu hẹp khoảng cách này, Great Eastern đã thiết kế hai kế hoạch bảo vệ CI, “GREAT Critical Cover: Top 3 CIs” và “GREAT Critical Cover: Complete”.
Đối với chương trình “GREAT Critical Cover: Top 3 CIs”, chủ hợp đồng có thể nhận 100% khoản chi trả một lần cho ba tổ bệnh hiểm nghèo chính, chủ yếu là ung thư, đau tim hoặc đột quỵ bất kể chẩn đoán giai đoạn đầu, giai đoạn giữa hay giai đoạn quan trọng. Việc bổ sung điều khoản bổ trợ Protect Me sẽ cho phép các chủ hợp đồng nhận được khoản thanh toán một lần thứ hai hoặc thứ ba nếu bệnh tái phát hoặc khi họ bị mắc một trong ba bệnh hiểm nghèo hàng đầu khác.
Trong khi đó, “GREAT Critical Cover: Complete” có thể bảo vệ chủ hợp đồng bảo hiểm lên đến 53 loại bệnh hiểm nghèo khác nhau.
Ông Colin Chan, Giám đốc Điều hành Marketing Nhóm tại Great Eastern, chia sẻ: “Khi bệnh hiểm nghèo ập đến sẽ làm phát sinh những chi phí sinh hoạt liên tục và bổ sung khác cùng với khả năng mất thu nhập, điều này có thể gây thêm căng thẳng cho tài chính của gia đình và họ phải thay đổi lối sống. Người bệnh cũng khó nhận được một chương trình bảo hiểm khác sau khi được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo. Một kế hoạch CI cung cấp tùy chọn nhiều phạm vi bảo hiểm, sẽ là sự bổ sung tốt để cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung và sự an tâm cho khách hàng”.
Tokio Marine chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bệnh viện Đa khoa Singapore
(INA) – Tokio Marine Life Insurance Singapore Ltd (TMLS) đã tặng chương trình massage cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH). Đây là một phần trong chiến dịch trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: “Chăm sóc từ đầu đến ngón chân”.
TMLS đã thiết lập các trạm di động do các nhân viên massage khuyết tật có trình độ chuyên môn thực hiện trong ba giờ mỗi ngày tại Bệnh viện Đa khoa Singapore từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 9, cung cấp dịch vụ mát-xa đầu, vai hoặc chân trong 20 phút miễn phí cho nhân viên.
Theo ông Gilbert Pak, Giám đốc Tiếp thị của TMLS, việc điều trị này còn là nhờ vào các nhân viên chăm sóc sức khỏe SGH, những người đã tạo nên trái tim và linh hồn của tiền tuyến trong đại dịch, khi họ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để giữ cho cộng đồng được an toàn – dù là trực tiếp với bệnh nhân hay cung cấp hỗ trợ cần thiết.
Ông Pak nói: “Sáng kiến kép này cũng cho phép chúng tôi thúc đẩy hơn nữa một xã hội hòa nhập hơn. Chúng tôi rất vui khi được mời những chuyên gia massage có trình độ, khuyết tật về thị giác và hỗ trợ họ trong khả năng phục hồi và độc lập”.
Cover Genius liên kết với Turkish Airlines để bảo hiểm cho khách du lịch
(INA) – Công ty công nghệ bảo hiểm toàn cầu Cover Genius đã hợp tác với Turkish Airlines để tăng cường khả năng bảo vệ hành trình toàn diện cho hành khách toàn cầu.
Với sự hợp tác này, hành khách của Turkish Airlines được bảo vệ cho các chuyến đi quốc tế và nội địa trực tiếp trong lộ trình đặt vé bởi nền tảng phân phối toàn cầu của Cover Genius, XCover.
Thông báo này được đưa ra sau một cuộc khảo sát du lịch toàn cầu, được thực hiện bởi Momentive.ai và được ủy quyền bởi Cover Genius, cho thấy 45% khách du lịch muốn mua bảo hiểm từ nhà cung cấp dịch vụ du lịch, đại lý hoặc hãng hàng không của họ hơn là thông qua các nguồn khác như thẻ tín dụng, có điểm đo lường hệ số hài lòng của khách hàng sau bồi thường (Net Promoter Score) là -34, một điểm thấp đáng kể so với các điểm chuẩn của ngành. Lý do chính khiến họ có ý định chuyển đổi là sự tiện lợi.
Ông Angus McDonald, Tổng Giám đốc kiêm đồng sáng lập Cover Genius, cho biết: “Trong đại dịch, các công ty bảo hiểm truyền thống đã mất tích và những người đi du lịch bị bỏ lại với các hợp đồng bảo hiểm không bảo vệ họ trong thời điểm cần thiết. Đã đến lúc hiện đại hóa bảo hiểm du lịch và quan hệ đối tác của chúng tôi với Turkish Airlines mang đến sự bảo vệ tích hợp với các hợp đồng dễ hiểu và các khoản thanh toán yêu cầu bồi thường tức thì cho hàng triệu hành khách toàn cầu, để họ có thể tự tin đặt chuyến đi tiếp theo của mình”.
Cựu Giám đốc AIA gia nhập Manulife châu Á
(INA) – Manulife đã bổ nhiệm ông Harshal Shah làm Giám đốc Marketing và Thiết kế Kinh nghiệm mới cho Manulife Châu Á.
Ông Harshal tham gia Ban điều hành khu vực châu Á của Manulife, báo cáo lên ông Damien Green, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Manulife châu Á, và Karen Leggett, Giám đốc Marketing Toàn cầu. Ông cũng sẽ là thành viên của Ban Lãnh đạo Toàn cầu của công ty.
Harshal sẽ làm việc tại trụ sở Hồng Kông và chịu trách nhiệm nâng cao trải nghiệm tiếp thị, thương hiệu, kỹ thuật số và khách hàng của Manulife trên toàn châu Á. Ông sẽ giám sát thông tin chi tiết về khách hàng, thiết kế, thương hiệu, phân tích dữ liệu, chiến lược kỹ thuật số và ManulifeMOVE, đồng thời làm việc chặt chẽ với các đồng nghiệp ở cấp độ toàn cầu, khu vực và thị trường, bao gồm cả những người thuộc khối Công nghệ & Vận hành và Phân phối.
Harshal có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm và dịch vụ tài chính. Ông gia nhập Manulife từ Tập đoàn AIA, nơi ông từng là Giám đốc văn phòng Tác động Phân phối và từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc Marketing trước đây của AIA Hàn Quốc và dẫn dắt trải nghiệm khách hàng và chuyển đổi kinh doanh cho Phân phối Đối tác Tập đoàn AIA có trụ sở tại Singapore. Trước khi gia nhập AIA, ông từng giữ các vai trò lãnh đạo tại Aegon và Citibank.
Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực vào ngày 17 tháng 10 năm 2022
BTV (Tổng hợp).