TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 31

Gallagher mua lại mảng tái bảo hiểm cố định của WTW; BIDV MetLife triển khai Bộ hợp đồng điện tử trên tất cả sản phẩm; VBI và GrabInsure ra mắt bảo hiểm sức khỏe VBI EASY

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 31

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, chi trả bảo hiểm

Bảo hiểm nhân thọ đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các khách hàng và đại lý nhiễm Covid-19

(ĐTCK) – Hàng loạt công ty bảo hiểm nhân thọ đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ về mặt tài chính cho các khách hàng và đại lý dương tính với Covid-19.

Cụ thể, Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 12/8 hãng bảo hiểm này đã chi hỗ trợ cho 550 khách hàng (trong đó có 18 tư vấn tài chính) dương tính với Covid-19 với tổng số tiền 11 tỷ đồng.

Chương trình của Dai-ichi Life Việt Nam có thời hạn đến hết tháng 9/2021, mức hỗ trợ là 20 triệu cho mỗi khách hàng nhiễm Covid-19.

Tính đến 31/7/2021, Manulife cũng đã chi hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng dương tính với Covid-19 hơn 5,1 tỷ đồng (ngoài các quyền lợi có sẵn trên hợp đồng) và gói này vẫn tiếp tục gia hạn để đồng hành với khách hàng trong mùa dịch này tới ngày 31/8.

Trong khi đó, chương trình Hỗ trợ y tế đặc biệt kể từ đợt dịch đầu tiên vào ngày 6/2/2020 đến khi kết thúc chương trình “Vững bước đồng hành, lan tỏa yêu thương” vào ngày 31/7/2021, Prudential đã hỗ trợ cho 542 trường hợp với tổng số tiền là 5, 5 tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kể từ ngày 9/8 đến hết ngày 30/9/2021, Prudential hỗ trợ dịch vụ tư vấn y tế miễn phí dành cho 3.000 trường hợp là khách hàng, nhân viên, đối tác không may nhiễm Virus Corona (SARS-CoV-2) và đang điều trị tại nhà. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa 2 cuộc gọi tư vấn sức khỏe trực tuyến với eDoctor để được hướng dẫn theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà, giải đáp thắc mắc, trấn an tinh thần và xoa dịu áp lực tâm lý giúp các F0 an tâm điều trị…

Hãng bảo hiểm BIDV MetLife cũng đã thực hiện hỗ trợ cho 36 trường hợp khách hàng và đang giải quyết cho 25 trường hợp không may nhiễm Covid-19 với số tiền lên đến trên 1,5 tỷ đồng. Quyền lợi này nằm trong “Chương trình hỗ trợ tài chính khách hàng trước đại dịch Covid-19” được công ty triển khai từ hồi tháng 5/2021.

Cụ thể, BIDV MetLife sẽ hỗ trợ gói tài chính trị giá 25 triệu đồng đối với mỗi khách hàng không may có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Chương trình cũng vừa được Công ty gia hạn kéo dài đến hết ngày 30/9.

Tại AIA Việt Nam, ngay từ đầu tháng 8/2021, Công ty cũng quyết định bổ sung thêm khoản hỗ trợ 5 tỷ đồng cho Chương trình Hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đại lý, chuyên viên tư vấn tài chính kênh hợp tác kinh doanh; Đại lý dịch vụ khách hàng của công ty được chuẩn đoán dương tính với Covid-19.

Những quyền lợi chính của Chương trình Hỗ trợ tài chính đặc biệt này là hỗ trợ 500.000 đồng/ngày nằm viện để điều trị bệnh Covid-19, tối đa 5.000.000 đồng/người, tương ứng với 10 ngày nằm viện. Khoản hỗ trợ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi phát sinh từ các Hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực của khách hàng tại AIA Việt Nam.

Chương trình hỗ trợ đặc biệt của AIA dành cho khách hàng và đội ngũ đại lý sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2021. Được biết, tính đến thời điểm này, AIA Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ cho hàng trăm khách hàng không may bị dương tính với SARS-CoV-2 với số tiền gần 17 tỷ đồng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

BIDV MetLife triển khai Bộ hợp đồng bảo hiểm điện tử trên tất cả sản phẩm

(ĐTCK) – Kể từ ngày 20/8, BIDV MetLife sẽ triển khai hợp đồng bảo hiểm điện tử cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, Hợp đồng bảo hiểm điện tử mới cho phép khách hàng tiếp cận và tra cứu quyền lợi bảo hiểm một cách nhanh chóng, chỉ 1-2 ngày làm việc kể từ khi được chấp thuận bảo vệ. Khách hàng cũng có thể cập nhật các thông tin cá nhân và gửi yêu cầu giải quyết bồi thường trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử dành riêng cho khách hàng của BIDV MetLife.

BIDV MetLife nỗ lực số hóa các quy trình vận hành nhằm giúp khách hàng tiếp cận quyền lợi bảo hiểm dễ dàng và hiệu quả hơn, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc giảm lượng tiêu thụ giấy và giảm khối lượng vận chuyển thủ tục giấy tờ.

Theo ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife, việc tiến hành chuyển đổi số giúp công ty trở nên gần gũi hơn với khách hàng khi ngày càng nhiều khách hàng có sở thích lưu trữ và đăng nhập trực tuyến vào các dữ liệu cá nhân, qua đó giúp giảm tác động đến môi trường.

VBI phối hợp GrabInsure ra mắt bảo hiểm sức khỏe VBI EASY

(VBI) – Ngày 18/8/2021, Bảo Hiểm VietinBank và GrabInsure chính thức ra mắt sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ VBI Easy với tổng quyền lợi bảo hiểm đặc biệt lên tới 166 triệu đồng. Trong đó, nếu khách hàng không may phải điều trị Covid, bên cạnh các chi phí được chính phủ hỗ trợ chi trả, VBI Easy sẽ cùng đồng hành để chi trả chi phí y tế cho việc điều trị bệnh nền (sau thời gian chờ), giúp giảm tải gánh nặng tài chính cho khách hàng khi gặp rủi ro sức khoẻ.

Khi tham gia bảo hiểm sức khoẻ VBI Easy, khách hàng sẽ được chi trả cho các chi phí y tế như: Điều trị nội trú, phẫu thuật do bệnh, tai nạn lên đến 60 triệu đồng/ năm; Điều trị ngoại trú lên đến 1,2 triệu đồng/lần khám và tới 6 triệu đồng/ năm; Tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn do bệnh hoặc tai nạn lên tới 100 triệu đồng. Ngoài ra, trẻ em từ 1 đến 6 tuổi được tham gia bảo hiểm độc lập, hoặc cùng cha mẹ; khi mua cùng cha mẹ, phí bảo hiểm của con được giảm 23% còn 4.454.000 đồng.

Khách hàng được hưởng mọi đặc quyền về dịch vụ bồi thường của VBI khi mua bảo hiểm VBI Easy trên ứng dụng Grab như dịch vụ bảo lãnh viện phí 24/7 tại hơn 300 cơ sở y tế trên cả nước với thời gian giải quyết bảo lãnh nhanh nhất lên đến 30 phút đổi với điều trị ngoại trú; Chi trả bồi thường trực tuyến siêu tốc bằng ứng dụng My VBI trong vòng 5 ngày làm việc.

Để sở hữu bảo hiểm VBI Easy, khách hàng có thể làm theo các bước sau:

Bước 1: Mở ứng dụng Grab, vào phần “Bảo hiểm sức khỏe VBI Easy”

Bước 2: Chọn “Đăng ký mua ngay!”

Bước 3: Điền thông tin người được bảo hiểm

Bước 4: Thanh toán qua ví Moca và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử

Lưu ý: Khách hàng cần kích hoạt ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab và nạp tiền vào ví với số dư tối thiểu tương ứng với gói bảo hiểm cần mua.

Nhiều cổ phiếu bảo hiểm ‘vượt khó’ nhờ thực lực kết quả kinh doanh tốt

(TBTCO) – Vượt khó trong đại dịch, nhiều cổ phiếu ngành bảo hiểm đã thể hiện tính hấp dẫn với dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Phần lớn giá các cổ phiếu bảo hiểm trên sàn đều cho mức tăng trưởng hai con số so với thời điểm đầu năm, nhờ kết quả kinh doanh tích cực và tiềm năng còn lớn.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh “đã khó càng thêm khó”, khi giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành. Dù cũng chịu tác động không nhỏ, tuy nhiên, ngành bảo hiểm vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 7 tháng đầu năm.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2021, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 630.359 tỷ đồng, tăng 20,84% so với cùng kỳ năm 2020. Qua 7 tháng năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 116.196 tỷ đồng, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 517.145 tỷ đồng, tăng 23,39% so với cùng kỳ năm 2020. Các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng có diễn biến tích cực. Thống kê của phóng viên cho thấy, trong số 12 cổ phiếu DNBH đang có mặt trên 3 sàn, thì có 10 mã có giá tăng so với thời điểm đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê tại ngày 18/8/2021 và so sánh với thời điểm đầu năm (4/1/2021), ngoại trừ BVH, PRE (Tái bảo hiểm PVI) giảm giá, còn lại 10 mã cổ phiếu DNBH khác đều tăng trưởng 2 con số, gồm: MIG (Bảo hiểm Quân đội), BLI (Bảo hiểm Bảo Long), PTI (Bảo hiểm Bưu điện), ABI (Bảo hiểm NH Nông nghiệp), BMI (Bảo Minh), VNR (Tái bảo hiểm Quốc gia), PVI (Bảo hiểm PVI), BIC (Bảo hiểm BIDV), AIC (Bảo hiểm Hàng không), PGI (Bảo hiểm PJICO). Trong đó, cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng tăng tốt với 35% so với thời điểm đầu năm; đồng thời, tăng mạnh 127% so với cùng kỳ năm ngoái (18/8/2020).

Dịch Covid-19 lần thứ 4 hiện vẫn đang phức tạp, cũng như nhiều ngành khác, ngành bảo hiểm sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các giải pháp kinh doanh để hoàn thành kế hoạch năm 2021. Thách thức là vậy, nhưng cơ hội tăng trưởng tiếp không phải không có.

Theo các chuyên gia dự báo, ước tính cuối năm các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bình quân tăng trưởng khoảng 7%. Mới đây, tổ chức Vietnam Report cũng chỉ ra ba động lực tăng trưởng của ngành bao gồm: nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm được cải thiện; công nghệ phát triển mạnh mẽ; kênh phân phối bảo hiểm đa dạng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, dịch bệnh có thể làm tăng tính phân hóa của các DNBH, do đó, nên “chọn mặt gửi vàng”. Các nhà đầu tư nên quan tâm tới các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt qua nhiều năm, chuyển đổi số mạnh mẽ và có tập khách hàng thường xuyên lớn, mang tính ổn định cao.

Theo dõi cuộc cách mạng số của các DNBH, có thể thấy MIC là một trong những cái tên gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư vì khả năng tăng trưởng cao, ổn định. Với tham vọng mình, ban lãnh đạo MIC chia sẻ, việc duy trì tăng trưởng gấp 3 – 4 lần thị trường trong 6 tháng cuối năm, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) nằm nhóm đầu thị trường, lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với các công ty top 5 ngành là mục tiêu hoàn toàn khả thi với doanh nghiệp này nhờ khả năng chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và mở rộng liên kết với các đối tác.

Kết quả quý II của doanh nghiệp này đã phản ánh chiến lược đầu tư đúng đắn và có phần đi trước xu thế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MIC trên 32% cao hơn khoảng 5 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ, đứng top 5 về thị phần. Về lợi nhuận, công ty này cũng ghi nhận tăng trưởng 44,3% so với cùng kỳ.

Tăng tốc kinh doanh của MIC đã để lại dấu ấn sâu sắc với doanh thu và lợi nhuận có xu hướng tăng ổn định trong các năm qua. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ biên khả năng thanh toán của MIC là 172%, thể hiện cơ cấu tài chính an toàn và bền vững.

Sự đầu tư ứng dụng công nghệ, phát triển bảo hiểm số đã giúp MIC thu về khoảng gần 2 triệu data (dữ liệu) khách hàng giao dịch trên nền tảng online tính đến hết quý II và doanh thu bảo hiểm số tăng trưởng vượt bậc gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này cũng được tổ chức xếp hạng uy tín IDG công bố top 2 doanh nghiệp có trải nghiệm khách hàng hài lòng nhất năm 2021. Ngoài ra, MIC cũng đang triển khai nhiều dự án hợp tác, đối tác lớn của những tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, Masan, Novaland, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát,…

Cùng với đó, sức ảnh hưởng của MIC còn gia tăng ở quy mô doanh nghiệp ngày càng mở rộng, khi quy mô vốn điều lệ liên tục tăng từ 300 tỷ đồng  năm 2010 lên 1300 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2021, tổng số cổ phiếu mà MIC phát hành thêm là 130 triệu cổ phiếu. Sự mở rộng quy mô cộng hưởng với chiến lược đúng đắn của MIC trong việc đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ số hóa đang giúp công ty liên tục gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và điều này càng củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với MIC.

Những yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn giúp cổ phiếu MIG được thị trường đón nhận với mức tăng giá khá ấn tượng, đặc biệt trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Trên thực tế, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8, cổ phiếu MIG đóng cửa ở mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tăng khá ấn tượng so với thời điểm chuyển sang sàn HOSE, nhưng so sánh với mặt bằng chung cổ phiếu ngành này, cổ phiếu MIG vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.

Theo dõi diễn biến quá trình tăng giá của cổ phiếu MIG gần đây, cổ phiếu này đang nhận được sự quan tâm mạnh hơn của khối nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê từ đầu tháng 8 tới ngày 18/8, khối ngoại đã mua ròng 9 phiên đối với MIG, trong đó, khối ngày duy trì mua ròng mạnh vào các phiên gần đây. Theo thông tin từ lãnh đạo MIG, hiện nay, công ty đang nhận được một số đề nghị hợp tác của các đối tác quốc tế. Về phía MIC, công ty này cho biết, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng đang trong chủ trương chung của công ty.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Từ 1/10/2021, người đi đăng kiểm không phải xuất trình chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự

(ĐTCK) – Đó là điểm mới tại Thông tư số 16/2021 của Bộ Giao thông và Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ 1/10/2021.

Như vậy, người đi làm thủ tục kiểm định phương tiện (kể cả lần đầu và định kỳ) tại các trung tâm đăng kiểm không còn phải xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực như hiện tại nữa.

Đối với xe ô tô cá nhân thông thường, chủ xe khi đi đăng kiểm chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe và Đăng kiểm xe cũ gần nhất (Đối với các xe đã từng đăng kiểm) là được tiếp nhận kiểm định phương tiện.

Nhiều chuyên gia bảo hiểm cho rằng, quy định mới này là cần thiết, nhằm phân chia trách nhiệm cho từng bên, giảm bớt thủ tục giấy tờ.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

BIC phối hợp cùng BIDV triển khai chương trình “Đồng hành cùng ngành Y, chung tay vượt đại dịch”

Nhằm ủng hộ, tiếp sức và chia sẻ một phần khó khăn cùng đội ngũ y bác sỹ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai chương trình hỗ trợ dành cho các cán bộ y tế công tác tại các Bệnh viện, Cơ sở y tế trên toàn quốc với tên gọi “Đồng hành cùng ngành Y, chung tay vượt đại dịch”.

Theo đó, bên cạnh những ưu đãi và quà tặng ý nghĩa từ BIDV như: Gói tín dụng dịch vụ đặc biệt ưu đãi hỗ trợ cán bộ y tế và Tặng 100.000 bộ trang phục phòng chống dịch Covid-19 cho các Bệnh viện, Cơ sở y tế, các cán bộ y tế còn được ưu đãi giảm phí 40% khi tham gia bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An và 30% đối với bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân – BIC Home Care.

BIC Bình An là sản phẩm bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn tại ngân hàng BIDV và các ngân hàng/tổ chức tín dụng khác có liên kết với BIC trên toàn quốc. Khi không may gặp rủi ro về tính mạng, sức khỏe thuộc phạm vi bảo hiểm, BIC sẽ thay khách hàng chi trả toàn bộ số tiền vay còn nợ ngân hàng/tổ chức tín dụng tại thời điểm xảy ra rủi ro. Mức chi trả cao nhất đối với rủi ro tai nạn và bệnh tật lên tới 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể tham gia các quyền lợi bổ sung để được bảo vệ toàn diện hơn như: hỗ trợ chi phí nằm viện, tiền lãi vay, mai táng phí. BIC Bình An hiện là sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn có mức phí cạnh tranh nhất trên thị trường. Thời gian thanh toán phí linh hoạt mang tới sự thuận tiện tối đa cho khách hàng. Đặc biệt, người vay vốn không cần kê khai tình trạng sức khỏe và khám sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm.

BIC Home Care là sản phẩm bảo hiểm nhà đang được cung cấp qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) của BIC. BIC Home Care sẽ bảo vệ toàn diện cho ngôi nhà và tài sản bên trong trước các rủi ro cháy, nổ, sét đánh và một số rủi ro khác theo nhu cầu của khách hàng (như giông, bão, lũ lụt, trộm cắp, chi phí dọn dẹp hiện trường, chi phí chữa cháy, thuê nhà sau tổn thất…). Số tiền bảo hiểm của BIC Home Care lên tới 15 tỷ đồng và bảo vệ ngôi nhà, tài sản của khách hàng lên tới 5 năm. Sản phẩm không yêu cầu đánh giá giá trị thực tế ngôi nhà và kê khai tài sản, do đó, khách hàng có thể nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (với giá trị pháp lý tương đương bản giấy) ngay lập tức.

Cùng với chương trình ưu đãi cho cán bộ y tế đang công tác tại các Bệnh viện, Cơ sở y tế trên toàn quốc, trong thời gian qua, BIC cũng đã triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19 như: ủng hộ 300 triệu đồng hỗ trợ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 5/2021; đóng góp 300 triệu đồng vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; toàn hệ thống BIC ủng hộ 01 ngày lương chung tay chống dịch… Hy vọng những chương trình, hành động từ BIC sẽ tiếp thêm ngọn lửa sức mạnh cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

MB Ageas Life chính thức triển khai chương trình “Quan tâm đẩy lùi Covid” tích cực hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch

(ĐTCK) – Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas Life triển khai chương trình “Quan tâm đẩy lùi Covid” trao tặng miễn phí 10.000 Gói tư vấn sức khỏe trực tuyến miễn phí cùng 10.000 Bộ Kit xét nghiệm nhanh COVID-19 tới cộng đồng.

Tổng giá trị quà tặng của chương trình lên đến gần 2 tỷ đồng. “Quan tâm đẩy lùi Covid” nằm trong chiến dịch “We Care – Quan tâm mỗi ngày” thực hiện trong năm 2021 của MB Ageas Life.

Dịch Covid – 19 đang có những diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, lực lượng y tế đang phải gồng mình để phòng chống dịch.

Ngoài việc tích cực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đang gia tăng nhanh, ngành Y tế còn kiểm soát dịch bệnh ngoài cộng đồng dẫn đến công tác khám, điều trị các bệnh khác chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, nỗi lo lây nhiễm chéo nơi công cộng khiến người dân có tâm lý lo ngại khi muốn khám tại các bệnh viện.

Đặc biệt, tại một số khu vực trọng điểm của dịch bệnh, hoạt động thăm khám trực tiếp đã có những hạn chế, khiến việc tiếp cận dịch vụ y tế gặp khó khăn.

Thấu hiểu được những lo lắng, bất an của người dân do tác động của dịch Covid-19 cũng như muốn lan tỏa được tình yêu và sự quan tâm chân thành đến cộng đồng, MB Ageas Life chính thức phát động chương trình “Quan tâm đẩy lùi Covid” hỗ trợ trực tiếp người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lượt tư vấn sức khỏe trực tuyến thông qua nền tảng của đối tác toàn cầu Doctor Anywhere và kit xét nghiệm nhanh Covid-19.

Cụ thể, với mỗi người dân có nhu cầu về y tế, sau khi đăng ký thành công trên website: https://wecare.mbageas.life/quan-tam-day-lui-covid sẽ được nhận một lượt tư vấn sức khỏe trực tuyến miễn phí và được tặng 1 Bộ Kit xét nghiệm nhanh Covid-19.

Với dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, người dân có thể được lựa chọn thăm khám: nội tổng quát, tai mũi họng, khám nhi, khám dinh dưỡng, khám chuyên gia. Đặc biệt, chương trình cũng xây dựng gói khám tư vấn, sàng lọc nguy cơ nhiễm Covid-19, giúp giải quyết nhu cầu lớn của người dân vùng dịch.

Với đội ngũ bác sỹ dày dặn, đến từ các bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam, theo quy trình tư vấn, các bác sĩ sẽ thăm hỏi tình trạng bệnh, hỗ trợ đưa ra phương hướng điều trị, kê đơn thuốc ngay sau phiên thăm khám, giao thuốc tận tay nếu người khám có nhu cầu hoặc chỉ định và giúp đặt lịch khám chuyên khoa nếu cần thiết. Gói tư vấn sức khỏe trực tuyến có thời hạn sử dụng từ 18/08/2021 đến 31/12/2021.

Bên cạnh đó, những người đăng ký thành công cũng được gửi tặng Bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhãn hiệu Humasis của Hàn Quốc, được Bộ Y tế cấp phép sử dụng được MB Ageas Life giao đến đến từng địa chỉ của người đăng ký.

“Chương trình ‘Quan tâm đẩy lùi COVID’ chính là sự quan tâm mỗi ngày mà MB Ageas Life muốn gửi đến cộng đồng.

Thông qua hoạt động này, MB Ageas Life muốn lan tỏa tình yêu thương, truyền những năng lượng tích cực cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. MB Ageas Life tin rằng chỉ có sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái mới giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh” – Đại diện từ MB Ageas Life cho biết.

‘Quan tâm đẩy lùi COVID’ nằm trong khuôn khổ chiến dịch ‘We Care – Quan tâm mỗi ngày’’ của MB Ageas Life.

Chiến dịch bao gồm một chuỗi các hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng như: Giải chạy gây quỹ từ thiện “We Care Run over K” (tháng 6/2021), Tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch (7/2021), Hoạt động “Quan tâm đẩy lùi Covid” (bắt đầu từ 8/2021), Hoạt động hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư dự kiến triển khai vào Quý 4/2021.

‘We Care – Quan tâm mỗi ngày’’ với mục tiêu khuyến khích mỗi cá nhân quan tâm tới bản thân, gia đình và cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa, MB Ageas Life sẽ viết tiếp câu chuyện đầy cảm hứng sau hành trình 5 năm quan tâm và đồng hành cùng người Việt Nam.

PTI trao quà cho các hộ dân gặp khó khăn do dịch bệnh

(PTI) – Ngày 17 tháng 8 năm 2021, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phối hợp với Công an phường Thành Công trao 50 phần quà cho những người dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Những phần quà bao gồm các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, thực phẩm, đồ ăn… đã được trao đến tận tay các hộ gia đình. Đây là hoạt động có ý nghĩa mà PTI và Công an phường chung tay thực hiện nhằm góp phần giúp đỡ, sẻ chia với các hộ dân trên địa bàn, giúp họ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định lại cuộc sống.

Không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt cho những hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, PTI cũng đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 nhằm hỗ trợ đẩy nhanh quá trình tiếp cận và mua vaccine, sớm triển khai tiêm chủng toàn dân trên diện rộng để đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

  1. Tin quốc tế

Ping An được bật đèn xanh để mua lại New Founder Group

(IBM) – Ping An Life Insurance đã nhận được tín hiệu khởi động từ cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc trong việc mua lại New Founder Group.

Theo Reuters, giao dịch này đã được Cục Chống độc quyền thuộc Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc phê duyệt, công bố trên trang web của Cục vào thứ Ba tuần trước. Tuy nhiên, các điều khoản tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ.

New Founder Group là doanh nghiệp mới ra đời trong quá trình tái cấu trúc của Founder Group, tập đoàn được thành lập bởi Đại học Bắc Kinh và tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau trong ngành công nghệ thông tin, dược phẩm, bất động sản, tài chính và kinh doanh hàng hóa.

Vào tháng 4, Ping An đã công bố kế hoạch mua lại cổ phần chi phối trong New Founder Group, từ 51,1% đến 70%, với giá từ 37,05 tỷ Tệ đến 50,75 tỷ Tệ. Ping An cho biết họ có kế hoạch lãnh đạo một tập đoàn hoạt động tích cực thông qua việc tổ chức lại Founder Group.

Vào cuối năm 2019, Founder Group bắt đầu trượt dốc do mất khả năng thanh toán lô trái phiếu trị giá 2 tỷ Tệ. Tổng nợ xấu của công ty tăng lên gần 40 tỷ đô la Mỹ, và công ty hiện mất khả năng thanh toán về mặt kỹ thuật, với nợ phải trả vượt quá tổng tài sản.

FM Global bị kiện bồi thường 63 triệu USD về tổn thất COVID-19

(IBM) – FM Global đang đi đến hồi kết vụ kiện do Đại học Bang Washington (WSU) đệ trình, trong đó tuyên bố rằng họ còn nợ 63 triệu đô la Mỹ để chi trả những tổn thất do gián đoạn kinh doanh mà WSU phải gánh chịu trong đại dịch COVID-19.

WSU cho biết trong đơn khiếu nại của mình rằng FM Global đang giải thích hẹp các điều khoản hợp đồng bảo hiểm và từ chối các khoản thanh toán bổ sung. Khi COVID-19 tấn công quận Whitman vào tháng 3 năm 2020, trường đại học đã phải đóng cửa ký túc xá, hủy bỏ các sự kiện thể thao, giúp tiến hành thử nghiệm COVID-19 cho sinh viên và nhân viên, cũng như nâng cấp hệ thống thông gió của các cơ sở – tất cả đều phải lấy từ quỹ riêng của WSU. Nhưng FM Global từ chối yêu cầu của WSU về việc chi trả cho một số chi phí trong số đó, nói rằng trường đại học phải chứng minh “tổn thất hoặc thiệt hại vật chất trực tiếp” để nhận được các khoản thanh toán bổ sung.

Vụ kiện lưu ý rằng các điều khoản khác trong hợp đồng sẽ kích hoạt khoản hoàn trả lên đến 300 triệu đô la Mỹ.

Trường đại học cũng giải thích rằng do đại dịch nên phải “tạm ngừng hoạt động, chịu thêm chi phí và thực hiện những nỗ lực tốn kém để bảo vệ và giữ gìn tài sản khỏi bị hư hỏng hoặc mất mát thêm bao gồm cả việc thay đổi cấu trúc vật chất đối với tài sản”.

WSU đang yêu cầu bồi thường thiệt hại “không dưới 63.068.573 đô la Mỹ”.

FM Global đã yêu cầu vụ kiện được xét xử tại tòa án liên bang và đã phủ nhận rằng họ còn phải trả cho trường đại học nhiều tiền hơn.

“FM Global coi trọng mối quan hệ lâu dài mà Công ty đã có với các bên tham gia bảo hiểm và chúng tôi tự hào dẫn đầu ngành bảo hiểm về dịch vụ bồi thường”, đại diện công ty cho biết. “Thật không may khi phát sinh các vấn đề pháp lý phát sinh bởi lẽ FM Global tin rằng các hợp đồng bảo hiểm của chúng tôi đã rõ ràng về phạm vi bảo hiểm”.

The Spokesman-Review đưa tin cho biết, vụ kiện ban đầu được đệ trình tại Quận Whitman, WA vào tháng Bảy, sau đó được chuyển đến tòa án liên bang ở Spokane, WA. Hãng tin cũng đã liên hệ với WSU và được xác nhận rằng mặc dù họ đã nhận được khoản thanh toán từ FM Global, nhưng số tiền đó ít hơn nhiều so với số tiền mà họ tin rằng nhà bảo hiểm phải chi trả. WSU cũng cho biết rằng theo các điều khoản hợp đồng, trường đủ điều kiện nhận được khoản thanh toán lên đến 1 triệu đô la Mỹ.

Manulife Hồng Kông tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm

(IBM) – Manulife Hồng Kông đã công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm và quý 2 năm 2021, với sự tăng trưởng mạnh mẽ về thu nhập cốt lõi và giá trị khai thác mới (NBV) do thị trường tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19.

Theo đó, lợi nhuận cốt lõi 6 tháng đầu năm là 3,3 tỷ đô la Hồng Kông, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận quý II đạt 1,7 tỷ đô la Hồng Kông, tăng 16% so với quý II năm 2020.

NBV trong nửa đầu năm là 2,3 tỷ đô la Hồng Kông, tăng 31%, trong khi trong quý 2 là 1,2 tỷ đô la Hồng Kông, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) là 2,3 tỷ đô la Hồng Kông trong nửa đầu năm và 1,2 tỷ đô la Hồng Kông trong quý II, lần lượt tăng 8% và 7%.

Damien Green, Giám đốc điều hành của Manulife Hồng Kông và Macau cho biết: “Hoạt động kinh doanh tại Hồng Kông của chúng tôi tiếp tục trong đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý này. Tính đến quý II năm 2021, chúng tôi đã tăng thu nhập cốt lõi ở mức hai con số trong 14 quý trên tổng số 15 quý vừa qua. NBV trong quý 2 đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ khi bùng phát COVID-19 vào đầu năm 2020. Nhìn vào nửa đầu năm 2021, doanh số bán hàng APE tính đến thời điểm hiện tại của chúng tôi báo cáo mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái trong tám năm liên tiếp. ”

Tâm lý thị trường tích cực hơn cho phép Manulife Hồng Kông xoay trục chiến lược thị trường và mở rộng khả năng phân phối, tập trung vào các giải pháp sức khỏe và hưu trí. Công ty hiện có số lượng đại lý cao kỷ lục với 10.792 đại lý, tăng 8% so với năm trước.

Green cho biết: “Lực lượng đại lý, là kênh phân phối lớn nhất của chúng tôi, hoạt động tích cực và hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng cả bảo hiểm và Quỹ dự phòng bắt buộc”. “Chúng tôi cũng nổi bật trên thị trường với khả năng tuyển dụng đại lý nhanh hơn so với các công ty cùng ngành. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng lực lượng đại lý của mình”.

Manulife Hồng Kông sẽ mở trung tâm khách hàng cao cấp của mình, được gọi là Trung tâm Uy tín Manulife (hình trên), tại Tsim Sha Tsui vào ngày 23 tháng 8. Cơ sở này sẽ cho phép các đại lý và nhà môi giới cung cấp các dịch vụ riêng dành cho những người có giá trị ròng cao khách hàng. Cơ sở rộng 7.300 foot vuông lớn gấp ba lần so với trung tâm khách hàng trước đây, với số lượng phòng họp gấp đôi.

Delta Insurance cung cấp gói bảo hiểm và bảo mật mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

(IBM) – Delta Insurance Singapore đã hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ quản lý CNTT Stone Forest để cung cấp dịch vụ bảo hiểm mạng và an ninh mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Singapore.

Dữ liệu từ Cơ quan An ninh mạng của Singapore cho thấy tội phạm mạng chiếm 43% tổng số hoạt động tội phạm ở Singapore vào năm 2020. Tình trạng phải làm việc từ xa đã thúc đẩy sự gia tăng các cuộc tấn công ransomware và các hoạt động lừa đảo, với hầu hết nạn nhân là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo McAfee, chi phí trung bình của một cuộc tấn công mạng đối với một doanh nghiệp Singapore là 1,7 triệu đô la Singapore cho mỗi lần vi phạm.

Sản phẩm bảo hiểm không gian mạng SME của Delta bao gồm các chi phí quản lý khủng hoảng bao gồm nhưng không giới hạn ở, pháp y dữ liệu, dịch vụ tư vấn vi phạm, khôi phục, dịch vụ phản hồi vi phạm và PR (bao gồm cả danh tiếng cá nhân), gián đoạn kinh doanh, tống tiền mạng và khiếu nại trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba.

Stone Forest cung cấp một loạt các dịch vụ tư vấn kinh doanh về kế toán, tính lương, CNTT, nhân sự và thư ký doanh nghiệp. Công cụ quản lý các dịch vụ của công ty có tên gọi là AvailEase chuyên cung cấp các dịch vụ CNTT và nơi làm việc khác nhau. Khung của AvailEase có chức năng rà soát đặc biệt trong việc bảo vệ an ninh mạng và các quy trình CNTT chuẩn hóa giúp loại bỏ nhu cầu về các quy trình đánh giá rủi ro dài dòng trong bảo hiểm mạng.

Stone Forest cũng sẽ kết hợp bảo hiểm mạng cá nhân của mình vào việc cung cấp bảo hiểm mạng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tính năng này cung cấp khả năng bảo vệ cho từng giám đốc điều hành chủ chốt và nhân viên để chống lại rủi ro mạng trên thiết bị của họ. Sản phẩm này bao gồm các dịch vụ giám sát và đánh giá rủi ro cá nhân trên địa chỉ email, số thẻ tín dụng và số điện thoại của cá nhân để biết các vi phạm và khả năng hiện diện trên trang web đen.

Ông Eugene Cheong, Giám đốc điều hành Delta Insurance Singapore, cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết mọi người đều làm việc từ xa. Điều này dẫn đến việc tăng sử dụng các thiết bị gia đình hoặc cá nhân cho công việc, kéo theo gia tăng rủi ro mạng cá nhân. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp giải pháp phù hợp và có giá trị nhất để phục vụ cho môi trường mạng đang thay đổi nhanh chóng không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho các cá nhân”.

Kết quả Quý II của AIG tăng trưởng vượt trội

(INN) – AIG báo cáo cho biết, kết quả kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ mạnh mẽ và doanh thu được cải thiện trong quý II nhờ tổn thất do thảm họa đã giảm đáng kể.

Phí bảo hiểm gộp (GWP) tăng 12% lên 9,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại ở Bắc Mỹ tăng 47% phí bảo hiểm ròng.

Thu nhập trước thuế của bảo hiểm phi nhân thọ tăng lên 1,19 tỷ đô la Mỹ trong khi thu nhập bảo hiểm nhân thọ và hưu trí tăng 26% lên 1,12 tỷ đô la Mỹ.

Tỷ lệ kết hợp của bảo hiểm phi nhân thọ Quý II đạt 92,5% so với mức 106% của một năm trước đó.

Giám đốc điều hành Peter Zaffino cho biết: “Chúng tôi đã có một quý với kết quả nổi bật. Đây là động lực tuyệt vời để bước sang nửa cuối năm và tôi tin tưởng rằng Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi và tăng trưởng của mình”.

AIG cho biết tỷ lệ phí thương mại toàn cầu tổng thể tăng 13% do các nghiệp vụ bảo hiểm tài chính tăng 21%, bảo hiểm tài sản tăng 18% và bảo hiểm năng lượng tăng 16%.

Tỷ lệ phí tăng lớn nhất là bảo hiểm không gian mạng với gần 40% và mạnh nhất ở Bắc Mỹ.

Ông Zaffino nói: “Chúng tôi tiếp tục giảm hạn mức bảo hiểm mạng một cách cẩn thận và đang có các điều khoản và điều kiện chặt chẽ hơn để giải quyết các xu hướng tổn thất mạng ngày càng tăng, mối đe dọa gia tăng liên quan đến ransomware và bản chất hệ thống của rủi ro mạng”.

Phí bảo hiểm ròng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,9 tỷ đô la Mỹ do tỷ lệ phí cải thiện trên tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản của Hoa Kỳ dao động từ mức trung bình đến 25%.

Ông Zaffino cho biết, AIG đã phát triển chương trình tái bảo hiểm phi nhân thọ để phản ánh danh mục đầu tư cơ bản được cải thiện đáng kể.

“Trong quý 2, chúng tôi đã hoạt động rất tích cực trên thị trường với 25 lớp cụ thể trên nhiều hợp đồng tái bảo hiểm cố định. Đáng chú ý, trong hầu hết mọi trường hợp, chúng tôi đều có thể nâng cao các điều khoản, điều kiện của mình với mức giá tương đương hoặc được cải thiện tốt hơn trong thị trường tái bảo hiểm đang trải qua các điều khoản và điều kiện chặt chẽ hơn và tăng tỷ lệ phí”, ông Zaffino nói.

AIG dự kiến ​​phí bảo hiểm ròng trong sáu tháng tới tại Bảo hiểm Con người Bắc Mỹ đạt từ 450-500 triệu đô la Mỹ mỗi quý do phí bảo hiểm du lịch tăng lên.

AIG cho biết: “Chúng tôi tiếp tục dự đoán việc mở rộng tỷ suất lợi nhuận trong năm 2021 và đến năm 2022, kết quả từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm thuận lợi của AIG trong điều kiện thị trường toàn cầu với giá phí tăng mạnh so với xu hướng tổn thất, các điều khoản và điều kiện được cải thiện và kết hợp có lợi hơn, ít biến động hơn”.

Gallagher mua lại hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm cố định của WTW với giá 3,25 tỷ đô la

(INN) – Arthur J. Gallagher sẽ mua lại hoạt động môi giới tái bảo hiểm theo hợp đồng cố định của Willis Towers Watson (WTW) với giá 3,25 tỷ đô la Mỹ, phục hồi thương vụ mua lại ban đầu trước khi đề xuất mua lại của Aon đối với WTW bị sụp đổ.

Thỏa thuận bao gồm khoản thanh toán bổ sung tiềm năng là 750 triệu đô la Mỹ tùy thuộc vào các mục tiêu doanh thu nhất định của năm thứ ba.

Aon và WTW cho biết vào tháng 5 rằng họ có kế hoạch bán doanh nghiệp tái bảo hiểm Willis Re và một số hoạt động tại Anh, Châu Âu và Bắc Mỹ cho Gallagher như một phần trong nỗ lực để được cơ quan chức năng phê duyệt đề xuất sáp nhập.

Việc bán tài sản không làm giảm bớt lo ngại của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Mặc dù thỏa thuận sáp nhập để tạo ra nhà môi giới lớn nhất thế giới đã bị loại bỏ nhưng Gallagher vẫn tiếp tục theo đuổi cơ hội của mình.

Tổng Giám đốc Patrick Gallagher cho biết: “Mở rộng các dịch vụ môi giới tái bảo hiểm là một mục tiêu chiến lược tại Gallagher và việc mua lại này sẽ nâng cao đáng kể đề xuất giá trị toàn cầu của chúng tôi”.

“Chúng tôi rất ấn tượng với các chuyên gia tái bảo hiểm của Willis Towers Watson đã gặp trong quá trình thẩm định ban đầu và tin tưởng mạnh mẽ rằng sự kết hợp sẽ nâng cao đáng kể các dịch vụ của chúng tôi cho khách hàng và khách hàng tiềm năng.”

Việc mua lại bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh môi giới tái bảo hiểm theo hợp đồng cố định của Willis Re, với doanh thu ước tính năm 2020 khoảng 745 triệu đô la Mỹ.

Gallagher hoạt động tại 24 quốc gia, với doanh thu hơn 10 tỷ đô la Mỹ phí bảo hiểm hàng năm, đại diện cho hơn 750 khách hàng của công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm và có 2200 nhân viên.

Gallagher dự kiến thương vụ sẽ kết thúc vào quý 4 năm nay, phụ thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Thu nhập từ bảo hiểm Berkshire bị ảnh hưởng bởi đại dịch

(INN) – Berkshire Hathaway báo cáo thu nhập ròng từ kinh doanh bảo hiểm đã giảm hơn một nửa trong quý thứ hai, chủ yếu do tác động từ các điều khoản về đại dịch và virus.

Thu nhập quý II giảm xuống còn 376 triệu đô la Mỹ từ 806 triệu đô la Mỹ cùng kỳ năm trước. Thu nhập 6 tháng đầu năm giảm từ 1,14 tỷ đô la Mỹ so với mức 1,17 tỷ USD cùng kỳ năm 2020.

Berkshire Hathaway cho biết, thu nhập trong tương lai có thể chịu tác động tiêu cực hơn nữa từ đại dịch, vốn đang gia tăng và lan rộng ra các vùng của Hoa Kỳ.

“Kết quả kinh doanh bảo hiểm của một số nghiệp vụ bảo hiểm thương mại và tái bảo hiểm của chúng tôi đã bị ảnh hưởng tiêu cực vào năm 2021 và 2020 bởi tổn thất ước tính và chi phí liên quan đến đại dịch COVID-19, bao gồm dự phòng ước tính cho các yêu cầu bồi thường và phí bảo hiểm không thể thu hồi và chi phí hoạt động gia tăng để duy trì mức độ dịch vụ khách hàng”, Berkshire cho biết.

“Những ảnh hưởng của đại dịch trong tương lai có thể bị ảnh hưởng bởi các phán quyết tư pháp và các hành động quản lý và lập pháp liên quan đến bảo hiểm và yêu cầu bồi thường cũng như ảnh hưởng đối với hoạt động kinh tế nói chung, mà chúng tôi không thể ước tính một cách hợp lý tại thời điểm này.”

Thu nhập kinh doanh bảo hiểm trước thuế tại công ty bảo hiểm xe cơ giới Geico đã giảm mạnh xuống còn 626 triệu đô la Mỹ trong quý II từ 2,06 tỷ đô la Mỹ cùng kỳ.

Công ty bảo hiểm thương mại Berkshire Hathaway Primary Group đã tăng thu nhập ròng từ 96 triệu đô la Mỹ lên 166 triệu đô la Mỹ và Tập đoàn tái bảo hiểm Berkshire Hathaway thu hẹp khoản lỗ xuống 327 triệu đô la Mỹ từ 1,1 tỷ đô la Mỹ cùng kỳ năm trước.

Coverforce sẽ hợp nhất vào Steadfast trong thỏa thuận trị giá 300 triệu đô la Mỹ

(AIR) – Tập đoàn Steadfast đã ký kết thỏa thuận mua lại 100% Coverforce, một trong những công ty môi giới bảo hiểm tư nhân lớn nhất của Úc, chủ yếu tập trung vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Giá trị của giao dịch là 411,5 triệu đô la Úc (300 triệu đô la Mỹ).

Ông Robert Kelly, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Steadfast Group, cho biết trong một tuyên bố gần đây: “Tập đoàn Steadfast tiếp tục cung cấp cho các nhà môi giới bảo hiểm cơ hội sử dụng nguồn vốn đã tích lũy trong nhiều năm. Coverforce là một trong những công ty môi giới bảo hiểm lớn nhất của Úc. Việc sáp nhập Coverforce vào Steadfast thể hiện cơ hội duy nhất để củng cố hơn nữa Steadfast với tư cách là mạng lưới môi giới bảo hiểm phi nhân thọ và tập đoàn đại lý đánh giá rủi ro bảo hiểm lớn nhất ở Úc.

“Sự kết hợp của cả hai doanh nghiệp có tính bổ sung cao với sự liên kết chiến lược và văn hóa đặc biệt. Coverforce là một nhà môi giới bảo hiểm được thành lập đã liên tục mang lại tỷ lệ tăng trưởng doanh thu hai con số, hiệu quả hoạt động tuyệt vời và tỷ suất lợi nhuận ổn định dẫn đầu thị trường”.

Quá trình mua lại đã hoàn tất vào ngày 20 tháng 8 năm 2021.

Tập đoàn Steadfast đang tích cực đánh giá các cơ hội M&A tiềm năng khác, đặc biệt là trong Mạng lưới Steadfast.

BTV (Tổng hợp).