bolttech bổ nhiệm Giám đốc sàn giao dịch bảo hiểm châu Á; Chubb lên kế hoạch mua 49% cổ phần của Kotak General Insurance; Bảo hiểm xe lại lo bồi thường tăng
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Xe tải chở bánh kẹo bốc cháy ngùn ngụt trên Quốc lộ 1A
(VTC) – Đang lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, xe tải chở bánh kẹo bốc cháy ngùn ngụt.
Ngày 4/8, lực lượng chức năng thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết đang điều tra nguyên nhân xe tải đang chạy qua địa bàn thì bốc cháy dội.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 3h40 ngày 4/8, tại Km 570+700, tuyến đường tránh thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) – đoạn qua địa phận phường Hưng Trí, xe tải BKS 36H – 030.52 do tài xế Trần Xuân Thủy chạy (chủ xe là Mai Xuân Đỉnh, trú xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) theo hướng từ Bắc vào Nam, bỗng dưng phát hỏa, bốc cháy dữ dội.
Phát hiện xe bốc cháy, tài xế chạy sát vào lề rồi dừng xe, thoát ra ngoài, điện báo lực lượng chức năng.
Nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Vũng Áng (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Hà Tĩnh) đã xuất 2 xe chuyên dụng cùng 12 cán bộ, chiến sỹ dập lửa.
Do trên xe chở bánh kẹo và các cuộn ni lông nên lửa bùng phát dữ dội và phải mất 20 phút sau lực lượng chữa cháy mới dập được lửa.
Rất may vụ cháy không thiệt hại về người nhưng nhưng tài sản trên xe (bánh kẹo, các cuộn nilong) bị hư hỏng hoàn toàn.
Hiện lực lượng chức năng đang xác minh nguyên nhân hỏa hoạn.
- Một vòng doanh nghiệp
AIA Việt Nam đạt 02 giải thưởng “Insurance Asia Awards 2023” với sáng kiến bảo hiểm đột phá
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (AIA Việt Nam) vừa giành chiến thắng trong khuôn khổ Giải thưởng Bảo hiểm châu Á 2023 (Insurance Asia Awards 2023) được tổ chức tại Singapore.
Theo đó, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tích hợp chương trình chăm sóc sức khỏe – Bùng Sức Sống 10+ Cùng Vitality – đã xuất sắc giành giải thưởng “Dự án của năm” ở 02 hạng mục lớn: “Sáng kiến Bảo hiểm của năm” (Insurance Initiative of the Year) và “Sáng kiến Bảo hiểm sức khỏe của năm” (Health Insurance Initiative of the Year).
Giải thưởng “Dự án của năm” vinh danh 30 hạng mục lớn, trong đó AIA Việt Nam đã giành chiến thắng tại 02 hạng mục quan trọng: “Sáng kiến Bảo hiểm của năm” đề cao tác động đổi mới của sản phẩm đến xã hội và “Sáng kiến Bảo hiểm sức khỏe của năm” tập trung vào nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận, chi trả và chăm sóc với khách hàng.
Ông Wayne Besant – Tổng giám đốc AIA Việt Nam chia sẻ: “Cam kết của chúng tôi là giúp các khách hàng nâng cao sức khoẻ thể chất, tinh thần và tài chính khi đồng hành cùng AIA Việt Nam. Với Bùng Sức Sống 10+ cùng Vitality, AIA Việt Nam thêm một lần nữa thực hiện cam kết của mình với khách hàng và giúp nhiều người Việt duy trì một cuộc sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn. Chúng tôi đang tiếp tục hành trình đưa mục tiêu trên vào chiến lược lấy sức khoẻ làm trọng tâm, đồng thời truyền cảm hứng cho hàng triệu người, giúp họ cải thiện bản thân và tìm kiếm lí do để lựa chọn một lối sống lành mạnh. Giải thưởng là sự ghi nhận và là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục hành trình đầy thú vị này”.
Từ năm 2020 tập đoàn AIA cũng như AIA Việt Nam trên hành trình thực hiện hóa công cuộc chuyển mình từ “Nhà Chi Trả sang Người Bạn Đồng Hành”, nhằm khuyến khích 1 tỷ người sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn toàn châu Á thông qua sáng kiến AIA One billion .
AIA Việt Nam bắt đầu xây dựng chiến lược độc đáo lấy sức khỏe làm trọng tâm (health-led stratety), dựa trên 03 trụ cột lớn. Trụ cột thiết kế sản phẩm và dịch vụ mới tập trung vào sức khỏe, sẽ tạo nền tảng triển khai 02 trụ cột tiếp theo: Học viện Đào tạo kiến thức sống khỏe nhằm nâng cao năng lực kiến thức y học thường thức và kỹ năng tư vấn chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ tư vấn để họ trở thành “Cố vấn sức khỏe”; xây dựng thư viện sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và gắn kết với khách hàng trên hành trình sức khỏe “Dự đoán – Phòng ngừa – Chẩn đoán – Điều trị – Phục hồi”.
Sau đại dịch, các vấn đề về sức khỏe được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. AIA Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ triển khai các chương trình đào tạo, trang bị nền tảng kiến thức về chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa và kiến thức y học thường thức cho đội ngũ tư vấn viên; đồng thời thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.
Điều này không chỉ phù hợp với lời hứa thương hiệu mà còn chuyển đổi dịch vụ – tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm, thúc đẩy và phát triển sự hiểu biết về tài chính và lối sống lành mạnh.
Đặc biệt, mới đây AIA Việt Nam đã chính thức cho ra mắt Học viện đào tạo chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp tập trung đầu tiên tại Việt Nam. Điểm khác biệt của Học viện này là các chương trình đào tạo được thiết kế và cung cấp bởi Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội trực thuộc Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ của “Học viện Đào tạo kiến thức sức khỏe”.
Tính tới tháng 5/2023 đã có hơn 2.600 chuyên viên tư vấn của AIA Việt Nam được tham gia “Học viện Đào tạo kiến thức sức khỏe” để tiếp cận nguồn thông tin giúp “hiểu về sức khỏe”. Trong đó, có 200 chuyên viên tư vấn đã tốt nghiệp khóa huấn luyện chuyên sâu dưới sự đồng hành và bảo trợ của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Đây là bước tiến quan trọng giúp nâng tầm giá trị đội ngũ tư vấn, từ đó nâng cao hình ảnh chuyên nghiệp, tin cậy của hệ thống tư vấn viên khi đại diện cho thương hiệu AIA trong mắt khách hàng và cộng đồng. “Chúng tôi muốn nhân viên của mình đồng hành cùng khách hàng trên hành trình sống khỏe hơn, lâu hơn, hạnh phúc hơn” – ông Wayne chia sẻ.
AIA Vitality là một chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn diện được cá nhân hoá dựa trên cơ sở khoa học giúp người dùng lựa chọn lối sống khoẻ mạnh hơn thông qua các công cụ, hỗ trợ và khích lệ nhằm khuyến khích những thói quen tích cực như thường xuyên vận động, chế độ dinh dưỡng lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Bảo Việt: Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 15,7%
(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 (trước soát xét). Theo đó, công ty mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả qua,n với tổng doanh thu hợp nhất đạt 28.355 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 973 tỷ đồng, tăng trưởng 15,7%.
Tổng doanh thu hợp nhất sau 6 tháng đầu năm 2023 đạt 28.355 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3% (so với cùng kỳ năm 2022). Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.169 tỷ đồng và 973 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 11,6% và 15,7%. Tổng tài sản hợp nhất tại thời điểm 30/6/2023 đạt 220.771 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm 31/12/2022.
Tổng doanh thu công ty mẹ đạt 773 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 550 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 0,2% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản công ty mẹ đạt 18.047 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 17.852 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,7% và 3,2% so với thời điểm 31/12/2022.
Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận, Bảo Việt sẽ chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 9,54% trên mệnh giá cổ phiếu cho năm tài chính 2022, tương đương mức chi trả 708 tỷ đồng. Với mức chi trả này, tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông Bảo Việt từ khi cổ phần hóa đến nay lên tới hơn 12.400 tỷ đồng.
Sau 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 5.556 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022 và bám sát tiến độ kế hoạch năm 2023.
Bảo hiểm Bảo Việt vừa chính thức triển khai chương trình bảo hiểm vật chất ô tô ứng dụng công nghệ số Telematics – với tên gọi BAOVIET GO thu hút đông đảo sự quan tâm của những tín đồ mê xe và yêu công nghệ. Bảo hiểm vật chất ô tô ứng dụng công nghệ quản lý hành trình BAOVIET GO có nhiều đặc quyền dành riêng cho khách hàng: Tiên phong trải nghiệm ứng dụng công nghệ Telematics; đo lường kỹ năng lái xe an toàn bằng AI; Phí bảo hiểm cạnh tranh. Với công nghệ Telematics, BAOVIET GO sẽ tự động tính toán điểm lái xe an toàn của khách hàng, hướng dẫn khách nâng cao khả năng lái xe an toàn để nhận được số tiền giảm phí lớn nhất khi tham gia bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Việt.
Bảo hiểm Bảo Việt cũng vinh dự là công ty dẫn đầu Top 10 “Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín” năm 2023 năm thứ 7 (Vietnam Report).
Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, với mức tăng trưởng tổng doanh thu 9,8%, đạt 22.157 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 525 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%.
Lấy khách hàng là trọng tâm của mọi hoạt động đồng thời tri ân 27 năm thành lập, Bảo Việt Nhân thọ liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mại lớn nhằm mang tới cho khách hàng những giải pháp bảo vệ tài chính ưu việt cùng nhiều phần quà hấp dẫn. Đầu tháng 3, Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình “Tăng bảo vệ, tặng phí đóng” tặng 20% phí sản phẩm An Vui Sống Khỏe cho khách hàng. Đầu tháng 6 là chương trình “Quà tưng bừng, mừng sinh nhật” với gần 1.900 giải thưởng, có tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Hiện chương trình đã quay thưởng đợt 1 tìm ra 616 khách hàng may mắn, đợt 2 và đợt 3 dự kiến quay thưởng vào tháng 8, tháng 9 tới đây.
Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục là công ty dẫn đầu Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” năm 2023 năm thứ 7 (Vietnam Report).
Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) tiếp tục đà tăng trưởng tốt với tổng tài sản quản lý ròng đạt gần 117.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với thời điểm 31/12/2022; tổng doanh thu đạt 78 tỷ đồng tăng trưởng 25%, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng..
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kết thúc 6 tháng đầu năm 2023 đạt 386 tỷ đồng doanh thu và đạt 107 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Việc liên tục cải tiến mobile app, web trading đã đem lại trải nghiệm đầu tư xuyên suốt, thuận lợi cho các khách hàng và nhà đầu tư. Mới đây, Chứng khoán Bảo Việt là một trong số ít những đơn vị tiên phong tham gia thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thêm một kênh đầu tư mới; đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn…
6 tháng, lợi nhuận trước thuế của BIC tăng trưởng hơn 70% so với cùng kỳ
(TBTCO) – Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, 6 tháng đầu năm 2023, BIC còn được ghi nhận trên nhiều mặt hoạt động khác như: được vinh danh trong Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, top 50 công ty tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022…
Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023. Hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của BIC trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng chậm trong 5 tháng đầu năm 2023. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 28.741 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống cùng nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả, sáng tạo, BIC vẫn ghi nhận những kết quả hoạt động rất tích cực.
Tổng giám đốc BIC Trần Hoài An cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.363 tỷ đồng, tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 49,2% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.263 tỷ đồng, tăng trưởng 26,6% so với cùng kỳ 2022, giúp BIC vươn lên vị trí thứ 6 về thị phần trong nửa đầu năm 2023.
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 262 tỷ đồng, tăng trưởng 61% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 54,6% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 253,5 tỷ đồng, tăng trưởng 70,4%, hoàn thành 55,1% kế hoạch năm. Đặc biệt, BIC tiếp tục có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh những kết quả kinh doanh tốt, 6 tháng đầu năm 2023, BIC còn được ghi nhận trên nhiều mặt hoạt động khác như: được vinh danh trong Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Top 50 công ty tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch HĐQT BIC Trần Xuân Hoàng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 của BIC, đồng thời kỳ vọng toàn hệ thống BIC sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh năm 2023, cụ thể: Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ đạt 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 480 tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Xuân Hoàng cũng đề nghị hệ thống BIC quyết tâm giữ vững được vị trí thứ 6 về thị phần đến cuối năm 2023. Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Trần Xuân Hoàng yêu cầu BIC cần tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám định bồi thường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới; tăng cường công tác đào tạo đại lý, đối tác; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án chuyển đổi số và hệ thống core bảo hiểm; tổ chức nghiên cứu, truyền thông Luật Kinh doanh bảo hiểm mới tới toàn hệ thống; chuẩn bị tốt để thành lập các công ty thành viên mới trong năm 2023…
BSH quyết tâm hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023
(ĐTCK) – Ngày 21/7 tại Đà Lạt, Bảo hiểm BSH tổ chức Hội nghị Sơ kết kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023″ với thông điệp “Bền ý chí – Vững thành công”.
Tham dự sự kiện có ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT BSH, ông Kim Kang Wook, Giám đốc bảo hiểm DBI Việt Nam cùng tập thể Bảo hiểm BSH trên toàn hệ thống.
Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo hiểm BSH, đánh dấu hành trình 15 năm chuyển mình và phát triển của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Dù chịu ảnh hưởng do nền kinh tế chậm phục hồi sau đại dịch, nhưng với những nỗ lực của tập thể, Bảo hiểm BSH vẫn từng bước theo đuổi kiên trì những mục tiêu đã đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BSH ghi nhận kết quả tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.549,9 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 40,9 % kế hoạch năm 2023. Trong đó nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hàng hóa tăng trưởng 18,6%; BH xe cơ giới tăng trưởng 3%; BH con người tăng trưởng 7%. Tỷ lệ bồi thường ô tô giảm 3,54% so với cùng kỳ.
Những thành quả ghi nhận trên là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của hơn 1.600 CBNV trên hành trình khẳng định vị thế thương hiệu BSH. Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể CBNV BSH và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ BSH trong các chặng đường tiếp theo.
Các báo cáo tại hội nghị của BSH cho biết, trong bối cảnh lạm phát kinh tế và bất ổn chính trị trên thế giới cùng với tình hình thực tế của kinh tế Việt Nam, 6 tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn thách thức nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội.
Về phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, BSH nhấn mạnh các mục tiêu trọng tâm của BSH như: đảm bảo tăng trưởng doanh thu gắn với hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, BSH sẽ tăng cường mở rộng, phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh báo cáo tóm tắt được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, cùng nhau chia sẻ các công việc chung và thảo luận sôi nổi để rút ra các bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2023, hướng tới hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2023.
Cũng tại buổi lễ, các tập thể, cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 được Ban Lãnh đạo BSH trao tặng bằng khen, ghi nhận nỗ lực phát triển kinh doanh của cá nhân và tập thể, góp công xây dựng BSH có được vị thế Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thị trường.
Trong tối cùng ngày, BSH đã tổ chức sự kiện Gala Dinner với thông điệp “Bền ý chí– Vững thành công”. Chủ đề đêm Gala lấy cảm hứng từ hình ảnh “Ouroboros” – “Vô cực” là một khái niệm mô tả sự vô hạn và trường tồn, gợi liên tưởng tới hành trình 15 năm đầy đam mê và nhiệt huyết vô tận của những con người BSH, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh đồng hành “không điểm dừng” với khách hàng và cộng đồng. Khép lại chuỗi hoạt hoạt động sơ kết kinh doanh 2023, Ban Điều hành BSH bày tỏ sự tin tưởng đối với toàn CBNV, đồng thời kêu gọi tinh thần đoàn kết, đề cao tính thống nhất, liên kết trong hành động để tạo nên sức mạnh tổng lực, hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2023 chào mừng cột mốc 15 năm phát triển BSH.
BSH được khách hàng và các tổ chức uy tín ghi nhận thông qua các giải thưởng danh giá như: Top 10 thương hiệu bảo hiểm uy tín; Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam; Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (do VNR khảo sát và đánh giá); BSH vinh dự nhận bằng khen UBND thành phố Hà Nội vì những đóng góp phong trào thi đua của thành phố trong những năm vừa qua.
VINARE hoàn thành mục tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023
(VINARE) – Ngày 24/7/2023, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hường – thành viên Hội đồng quản trị, ông Mai Xuân Dũng – Tổng giám đốc, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát cùng toàn thể cán bộ nhân viên VINARE.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của VINARE đạt 1.567 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 63.5% kế hoạch cả năm. Trong đó doanh thu phí các nghiệp vụ Tái bảo hiểm cốt lõi đạt 1.430 tỷ VND, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 63,1% kế hoạch cả năm. Sự tăng trưởng này có được là nhờ tăng cường nhận dịch vụ mới, dịch vụ từ nước ngoài và doanh thu từ một số hợp đồng có mức tăng trưởng tốt của nghiệp vụ Kỹ Thuật, Thân tàu,…Thế nhưng, không nằm ngoài xu thế tăng trưởng chậm của thị trường, doanh thu từ các hợp đồng cố định thuộc nghiệp vụ Tài sản, Hàng hóa từ thị trường trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm. Hoạt động đầu tư của VINARE tiếp tục đảm bảo an toàn, hiệu quả nhờ cơ cấu phân bổ vốn đầu tư cân đối, hợp lý, lợi nhuận đầu tư đạt 275 tỷ đồng, bằng 205% cùng kỳ 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty đạt 367,4 tỷ đồng, tăng trưởng 73,2% so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Ban đã trình bày các tham luận, những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023. Tổng giám đốc Mai Xuân Dũng và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Linh có những chia sẻ cũng như chỉ đạo cụ thể về phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
“Chúng ta đã nghe quen từ “Phát triển bền vững và hiệu quả”, thế nhưng giờ đây càng thấm thía việc phát triển bền vững và hiệu quả có ý nghĩa như thế nào. Trong những năm qua, chúng ta đã chủ động tập trung tăng trưởng các nghiệp vụ cốt lõi, giảm nghiệp vụ Banca PA. Đặc biệt khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thì tác động tích cực của định hướng phát triển bền vững và hiệu quả càng rõ rệt hơn. Về cơ bản, tăng trưởng doanh thu nhận tái bảo hiểm không quá khó nhưng bền vững và hiệu quả là thách thức lớn. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của tất cả các Ban nghiệp vụ đã miệt mài, mẫn cán để có được dịch vụ tốt cho VINARE. Một lần nữa tôi kêu gọi sự đóng góp của toàn thể các cán bộ, các bộ phận, các cấp đồng lòng đồng sức xây dựng VINARE phát triển bền vững.”, Tổng giám đốc Mai Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị VINARE, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên và kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm. Có được kết quả này là do VINARE đã có được sự ủng hộ và hợp tác rất tốt của các bạn hàng, sự quan tâm ủng hộ của các cổ đông, nhất là các cổ đông lớn đã gắn bó lâu dài với VINARE, nhờ sự phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt giữa Hội đồng quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát cũng như tất cả các Ban, các bộ phận,toàn thể cán bộ nhân viên VINARE. Sự phối hợp này đã giúp cho con thuyền VINARE đi đúng những định hướng mà Tổng công ty đã đặt ra.
“Với định hướng phát triển bền vững, hiệu quả, tôi cho rằng VINARE cần tiếp tục thực hiện tốt 5 yếu tố về thị trường, đối tác, năng lực cạnh tranh, sản phẩm và pháp lý. Trước hết, chúng ta đều có thị trường trong nước, quốc tế và rõ ràng là yếu tố thị trường đang thay đổi. VINARE chú trọng phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cường hợp tác trên nguyên tắc đồng lợi với gần 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước; đồng thời VINARE đã tự tạo cho mình nhiều cơ hội để chủ động tiếp cận, mở rộng khai thác thị trường quốc tế với số lượng ngày càng tăng các đối tác nước ngoài. Thị trường bảo hiểm Việt Nam giờ đây đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng, đây cũng là điều tất yếu đối với thị trường đang phát triển; do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại để mở rộng thị trường là rất cần thiết. Về sản phẩm, thời gian qua, VINARE đã chủ động và tăng cường làm việc với các đối tác để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đã mang lại kết quả cụ thể và tạo ra khả năng mang lại doanh thu trong tương lai. Cuối cùng, khung pháp lý thay đổi mạnh mẽ với Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 và các văn bản hướng dẫn được ban hành, vì vậy, việc chủ động tuân thủ tốt và sớm các quy định sẽ giúp VINARE nâng cao chuẩn mực, vị thế và mang lại giá trị bền vững đến với các đối tác, khách hàng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Về nâng cao năng lực cốt lõi (core competencies) và quản trị nội bộ, VINARE tiếp tục tập trung tăng cường năng lực của hệ thống để đáp ứng yêu cầu của công việc: đã hoàn thành và đi vào sử dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ tái bảo hiểm mới (ViCore); hệ thống quản lý văn bản điện tử (ViDoc, ViContent); xây dựng chính sách quản trị rủi ro; hoàn thành kế hoạch Kiểm toán nội bộ đối với một số bộ phận, dự án đầu tư, đưa các công việc này vào nề nếp và là nhân tố quan trọng trong hệ thống ERM (Enterprise Risk Management) của VINARE; triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nội bộ.
Trong kỳ đánh giá năm 2023, xếp hạng năng lực tài chính (FSR) của VINARE tiếp tục đạt mức B++ (Tốt) và xếp hạng năng lực tín dụng của tổ chức phát hành (ICR) đạt mức “bbb+” (theo kết quả đánh giá của AM Best). VINARE là một trong hai doanh nghiệp bảo hiểm/tái bảo hiểm đầu tiên trên thị trường bảo hiểm Việt Nam thực hiện việc xếp hạng năng lực tài chính với một tổ chức xếp hạng quốc tế từ năm 2013 và liên tục duy trì mức xếp hạng B++ từ đó đến nay, phản ánh tình hình tài chính vững mạnh, kết quả hoạt động kinh doanh tốt và bền vững của VINARE.
Với vai trò là trung tâm thông tin của thị trường, VINARE tiếp tục phát hành Bản tin Bảo hiểm – Tái bảo hiểm (song ngữ Việt Anh) số thứ nhất của năm 2023. Bản tin đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác, khách hàng của VINARE, cho thấy nhu cầu cần những thông tin khách quan và chất lượng trong một thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm rộng lớn.
Với các định hướng phát triển bền vững và giải pháp đã triển khai, VINARE sẽ tiếp tục mục tiêu đạt và phấn đấu vượt các chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2023 đã được ĐHĐCĐ giao: Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm 2.468 tỷ đồng và Lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng.
Ngày vàng 8/8: Tưng bừng ưu đãi tới 30% phí bảo hiểm tại BIC
(BIC) – Chào tháng 08/2023, Tổng Công ty bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình khuyến mại “Ngày vàng siêu ưu đãi”, giảm tới 30% phí nhiều sản phẩm bảo hiểm. Chương trình diễn ra duy nhất trong ngày 08/08/2023.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng sẽ nhận được các ưu đãi đặc biệt:
– Giảm 30% phí bảo hiểm du lịch.
– Giảm 25% phí bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cá nhân – BIC Tâm An (áp dụng với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC hoặc căn cứ trên thực tế quá trình tham gia bảo hiểm tại BIC của khách hàng).
– Giảm 25% phí bảo hiểm tai nạn con người 24/24.
– Giảm 20% phí bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – BIC Bảo An Tài khoản.
– Giảm 20% phí bảo hiểm bệnh ung thư – BIC Phúc Tâm An.
Ngày vàng siêu ưu đãi 08.08 là chương trình có mức giảm phí cao nhất so với các chương trình khuyến mại của BIC đang triển khai cùng thời điểm. Khách hàng có thể liên hệ các Phòng Kinh doanh, Công ty thành viên hoặc Đại lý của BIC trên toàn quốc để được tư vấn và tham gia bảo hiểm dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, khách hàng cũng có thể lựa chọn các kênh bảo hiểm trực tuyến của BIC như website mybic.vn, ứng dụng BIC Online hoặc BIDV SmartBanking (miễn phí trên iOS và Android) để mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi. Toàn bộ quá trình tìm hiểu thông tin sản phẩm, đặt mua, thanh toán và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Thông qua các kênh online, khách hàng còn có thể thực hiện khai báo hồ sơ bồi thường và nhận tiền bảo hiểm sức khỏe đơn giản và nhanh chóng.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Khơi thông dữ liệu bảo hiểm
(ĐTCK) – Nếu dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được thông qua, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật số liệu từ ngày 1/1/2024.
Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật các thông tin về người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp; thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm…
Trong đó, đối với thông tin về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm (của mảng bảo hiểm nhân thọ), doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải cập nhật thông tin rủi ro được bảo hiểm chi tiết theo các loại rủi ro: Mắc bệnh hiểm nghèo, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tử vong; giới tính, hút thuốc lá hay không, tuổi tham gia bảo hiểm, số người được bảo hiểm (tính theo số liệu thống kê thực tế số người được bảo hiểm có tuổi tham gia bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực trong kỳ báo cáo; thời hạn bảo hiểm trung bình tại thời điểm giao kết hợp đồng theo sản phẩm chính (tính bằng trung bình cộng của số năm bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm có tuổi tham gia bảo hiểm), số người gặp rủi ro tại năm hợp đồng…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm còn có trách nhiệm cung cấp thông tin, kết nối với các cổng thông tin quốc gia về bảo hiểm. Nếu không thực hiện các trách nhiệm này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Luật pháp tại nhiều quốc gia quy định rõ trách nhiệm cung cấp dữ liệu bảo hiểm của các đối tượng kinh doanh trên thị trường bảo hiểm nhằm tạo cơ sở cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đề xuất mức phí sàn, thống nhất phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng… thường do các hiệp hội ngành nghề lĩnh vực bảo hiểm thực hiện. Tại Úc, cơ quan quản lý nước này có thể thu hồi giấy phép của công ty bảo hiểm nếu không tuân thủ yêu cầu về thu thập dữ liệu.
Nghị định 46/2023 cũng yêu cầu công ty bảo hiểm phải cập nhật thông tin lên trung tâm dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Việc kết nối cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước và pháp luật chuyên ngành.
Hiện tại, chưa có quy định công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin người được bảo hiểm trên VssID tại thời điểm cấp hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, các quy định hiện hành sẽ hướng tới việc gắn trách nhiệm này cho doanh nghiệp bảo hiểm.
VssID là ứng dụng bảo hiểm hiểm xã hội được cài đặt trên điện thoại thông minh, mỗi người dân cài đặt ứng dụng này có thể dễ dàng tra cứu thông tin bảo hiểm của cá nhân, cung cấp lịch sử và thông tin khám chữa bệnh trong năm. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể dựa vào đó để xem xét dấu hiệu gian lận bảo hiểm y tế hay không… Trên thực tế, có một số trường hợp nhờ lấy thông tin từ VssID mà công ty bảo hiểm có lý do từ chối chi trả cho khách hàng kê khai thông tin không trung thực.
Mặt khác, trong các tờ yêu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đã in sẵn có nêu rõ, khách hàng cho phép/ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm được đến bất cứ bệnh viện nào, được truy cập bất cứ hệ thống nào có chứa dữ liệu sức khỏe khách hàng để thẩm định rủi ro nhận bảo hiểm hoặc xét trả bảo hiểm. Điều này được hiểu là khách hàng đã chuyển giao quyền kiểm tra thông tin thì doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động xác minh để xem xét có chấp thuận bảo hiểm hay không, nếu chấp thuận thì sau này dù phát hiện ra khách hàng kê khai không trung thực cũng không được phép từ chối chi trả bồi thường.
Tuy nhiên, ông Ngô Hà Minh – chuyên gia giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hay, ứng dụng VssID chỉ cung cấp thông tin từ năm 2017 đến nay và chỉ có thông tin nếu khách hàng dùng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh (khám dịch vụ không được hiện thị ở đây), nên mới cập nhật được khoảng 30% thông tin y tế của khách hàng, do đó vẫn cần sự trung thực trong khai báo thông tin từ khách hàng. Chưa kể, nếu chỉ dựa vào lời khai của khách hàng trên VssID có thể sẽ thiếu khách quan.
“Tôi luôn khuyên tư vấn viên bảo hiểm và khách hàng cung cấp luôn tài khoản và mật khẩu đăng nhập VssID để doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tự kiểm chứng. Luôn lưu ý rằng, VssID không thay thế được nghĩa vụ kê khai trung thực”, ông Minh nói.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm xe lại lo bồi thường tăng
(ĐTCK) – Sau thời gian đưa tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ đang có doanh thu cao nhất là bảo hiểm xe cơ giới xuống dưới 40% thì 5 tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng mạnh trở lại trên 50% – mức bồi thường khiến các doanh nghiệp bảo hiểm khó có lợi nhuận.
Doanh thu giảm, bồi thường tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường gốc cao nhất.
Cụ thể, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 9.084 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 31,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), cao hơn con số 27,8% của cùng kỳ năm trước. Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm xe cơ giới (51,9%), bảo hiểm sức khỏe (34,1%), bảo hiểm hàng hóa (35.1%),
Cũng theo IAV, trong 5 tháng qua, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt 7.410 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,8% trong tổng doanh thu toàn thị trường và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bồi thường đạt 3.849 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 51,9%. Doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 1.831 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,4% và giảm 6% so với cùng kỳ; bồi thường đạt 372 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 20,3%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.578 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,4% và giảm 5,2% so với cùng kỳ; bồi thường đạt 3.476 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ bồi thường 62,3%.
Lượng xe hơi bán mới trong quý đầu năm giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng lên khá nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải để phí bảo hiểm xe cơ giới ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới giảm trong quý đầu năm 2023. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải cân đối khách hàng để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì tập trung chạy theo doanh thu như trước đây.
Trên thực tế, khi đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, hầu hết công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều chọn nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bởi là nghiệp vụ đơn giản, dễ triển khai… Chính vì thế, nhiều năm qua, đây luôn là phân khúc cạnh tranh sôi động nhất.
“Tuy nhiên, với mức bồi thường cao trên 50% thì nhà bảo hiểm gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ, bởi tiền phí bảo hiểm thu được là 1 đồng, nhưng có thời điểm phải bỏ ra đến 2-3 đồng bồi thường”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, làm sao để vừa giữ tỷ lệ doanh thu cao, vừa giảm được tỷ lệ bồi thường luôn là bài toán khó với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nào. Một doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu bảo hiểm cơ giới cao nếu muốn có lãi, hoặc tối thiểu là không lỗ nghiệp vụ bảo hiểm thì phải tái cơ cấu danh mục nghiệp vụ bảo hiểm, trong đó quản lý chặt chẽ bán bảo hiểm xe cơ giới là yếu tố tác động nhiều nhất. Tất nhiên, khi siết chặt hoạt động này, việc doanh thu phí bảo hiểm và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp giảm sút là điều khó tránh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp phi nhân thọ có tỷ trọng bảo hiểm cơ giới chiếm thị phần doanh thu lớn chia sẻ, công ty đang duy trì mục tiêu tăng trưởng doanh thu cao để giữ thị phần nên vẫn phải đẩy mạnh bán bảo hiểm xe cơ giới, dù biết lợi nhuận công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ bồi thường cao của nghiệp vụ này.
Giảm tỷ lệ bồi thường, giải pháp nào?
Trong một báo cáo về tình hình thị trường những tháng đầu năm 2023, đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, IAV khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm kiểm soát các kênh phân phối của mình trên các phương tiện truyền thông khi các đối tác chào bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với mức phí thấp hơn quy định.
Theo IAV, hiện nay, giá xe hơi đang trong xu hướng giảm, tiền công sửa chữa tăng lên, các công ty bảo hiểm liên tục cạnh tranh về phí khiến mức phí bảo hiểm liên tục giảm thấp, thậm chí bằng mức phí thuần, dẫn đến giảm doanh thu.
Trong khi đó, số liệu thống kê sơ bộ của IAV cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tự nguyện xe cơ giới ở mức hơn 60% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Để giảm tỷ lệ bồi thường, IAV khuyến nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thay vì phí bảo hiểm như hiện nay.
Ngoài ra, trong kế hoạch công tác thời gian tới, IAV sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống phần mềm quản lý khách hàng tập trung (CIC) để các doanh nghiệp cập nhật dữ liệu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới của khách hàng có lịch sử tổn thất cao lên hệ thống, từ đó có thể tra cứu lịch sử tổn thất ngay cả khi khách hàng tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp khác trước đó.
Tại cuộc họp Ban nghiệp vụ bán chuyên trách pháp chế định kỳ, các doanh nghiệp bảo hiểm phản ánh, nhiều vụ việc có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm xe cơ giới, đồng thời tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ này tiếp tục tăng lên.
Năm 2022, IAV đề xuất khởi động lại việc triển khai hệ thống CIC. Theo đó, IAV đã trình Ban chấp hành Hiệp hội và nêu rõ, hệ thống này chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi tối thiểu 70% dữ liệu về bảo hiểm vật chất xe cơ giới có tổn thất lớn của thị trường được cập nhật.
Được biết, đến hết tháng 12/2022, có 12 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đồng ý tham gia dự án CIC. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ hệ thống này, tính đến cuối tháng 6/2023, mới có 3 doanh nghiệp thực hiện việc cập nhật số liệu.
“Dữ liệu không đủ lớn để hệ thống có thể thực hiện hiệu quả, do đó việc nâng cấp hệ thống là chưa khả thi”, đại diện IAV nhấn mạnh.
- Tin quốc tế
bolttech bổ nhiệm Giám đốc sàn giao dịch bảo hiểm châu Á
(INA) – Stuart Watson đã được bổ nhiệm làm Giám đốc, Sàn giao dịch bảo hiểm Châu Á tại công ty insurtech bolttech có trụ sở tại Singapore.
Với vai trò này, anh ấy sẽ giám sát hoạt động phát triển kinh doanh đối với các đề xuất thị trường và bảo hiểm tích hợp của bolttech trong khu vực, cộng tác với các đối tác và các bên trung gian.
Watson có 18 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, bao gồm vai trò lãnh đạo tại Aon và AIG. Anh ấy gia nhập bolttech vào tháng 7 và làm việc tại Singapore.
Chubb lên kế hoạch mua 49% cổ phần của Kotak General Insurance
(INA) – Reuters đưa tin cho biết, hãng bảo hiểm Chubb hiện đang thảo luận để mua 49% cổ phần của Kotak General Insurance của Ấn Độ.
Theo các nguồn tin có hiểu biết trực tiếp về các cuộc đàm phán, công ty bảo hiểm Ấn Độ này đã trở thành ứng cử viên được ưa chuộng hơn so với Tập đoàn bảo hiểm Zurich.
Sức hấp dẫn của Chubb nằm ở chỗ sẵn sàng để Ngân hàng Kotak Mahindra giữ quyền kiểm soát và tập trung chung vào các lĩnh vực kinh doanh chung, chẳng hạn như bảo hiểm ô tô.
Trong khi đó, Zurich đang thảo luận về tỷ lệ cổ phần là 49% hoặc 51%, định giá công ty ở mức xấp xỉ 800 triệu USD cho phần lớn cổ phần.
Nếu Chubb thắng lợi trong giao dịch này, định giá của Kotak sẽ dưới 800 triệu đô la, vì không bao gồm phí chênh lệch mua lại.
Kotak General Insurance đang tìm cách bán cổ phần để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trên một thị trường có tiềm năng đáng kể.
Việc Chubb gia nhập thị trường Ấn Độ sẽ đánh dấu một nỗ lực mới sau thỏa thuận trước đó với HDFC General Insurance vào năm 2007.
Úc: Thiếu bảo hiểm cho các bến du thuyền
(INA) – Hiệp hội ngành Bến du thuyền (MIA), đại diện cho các bến du thuyền ở Úc và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đã nêu lên những lo ngại về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận bảo hiểm cho các bến du thuyền ở Bắc Úc.
Phạm vi của Nhóm Tái bảo hiểm Bão lốc ban đầu được lên kế hoạch bao gồm cả bảo hiểm hàng hải từ tháng 7, hiện đang gặp rủi ro do quyết định của chính phủ hiện tại không tiếp tục đưa vào.
Chủ tịch MIA Andrew Chapman nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt yêu cầu chính phủ đưa bảo hiểm hàng hải vào Nhóm Tái bảo hiểm Lốc xoáy ngay lập tức. Ngoài ra, nếu có ý định chờ đánh giá vào năm 2025 như đã nêu, ngành này kêu gọi chính phủ trợ cấp phí bảo hiểm cho Bắc Úc cho đến khi quá trình đánh giá hoàn tất. Những khoản trợ cấp như vậy sẽ mang lại sự cứu trợ ngay lập tức cho các bến du thuyền, cho phép họ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững, kiên cường và tiếp tục hỗ trợ các ngành hàng hải và du lịch đang phát triển mạnh”.
Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các cộng đồng ven biển ở Bắc Úc.
MIA nhấn mạnh, một số bến du thuyền ở Bắc Úc đang đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng trên mặt nước của họ được bảo vệ trước rủi ro lốc xoáy và phí bảo hiểm đã tăng cao tới 300% trong vài năm qua.
Các vấn đề bảo hiểm này có tác động theo tầng đối với các nhà khai thác du lịch và hàng hải có liên quan, dẫn đến chi phí cao hơn và gây nguy hiểm cho tính bền vững của doanh nghiệp cũng như sức hấp dẫn của Úc với tư cách là điểm đến du lịch hợp túi tiền.
Cơ hội việc làm cũng có nguy cơ do những thách thức bảo hiểm này.
Khoảng 25% trong số 300 bến du thuyền của Úc nằm ở khu vực phía bắc, trong đó Queensland có hơn 65 bến du thuyền, lớn nhất trong cả nước.
Philippines: Hoạt động kinh doanh của Nat Re có thể tận dụng các sáng kiến của chính quyền địa phương
(INA) – AM Best cho biết Tập đoàn Tái bảo hiểm Quốc gia Philippines (Nat Re) được mô tả là có hồ sơ kinh doanh “trung lập”.
Nat Re được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ với các công ty nhượng tái địa phương và giành được quyền tiếp cận hoạt động kinh doanh thông qua các hoạt động nhượng tái bắt buộc tại địa phương.
Vị trí này cho phép Nat Re tận dụng các cơ hội kinh doanh phát sinh từ các sáng kiến của chính quyền địa phương.
Công ty tích cực tham gia vào việc thiết kế và đưa ra các cơ sở đánh giá rủi ro tại thị trường Philippines, cho phép công ty đạt được quy mô kinh doanh vượt quá mức quy định tái bảo hiểm bắt buộc.
Danh mục đầu tư bảo hiểm của Nat Re được đa dạng hóa vừa phải theo khu vực địa lý và hoạt động trong cả lĩnh vực tái bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Trong thời gian gần đây, Nat Re đã có chiến lược chuyển đổi cơ cấu sản phẩm của mình sang phân khúc tái bảo hiểm nhân thọ trong nước, qua đó cải thiện việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.
AM Best coi phương pháp quản lý rủi ro doanh nghiệp (ERM) của Nat Re là phù hợp với quy mô hiện tại và mức độ phức tạp của hoạt động của công ty.
Khung quản lý rủi ro và năng lực quản trị doanh nghiệp của công ty đã được củng cố trong vài năm qua, cho thấy hướng đi tích cực của Nat Re.
Triển vọng bảo hiểm phi nhân thọ của Philippines trở nên tồi tệ
(INA) – Theo AM Best, ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Philippines được cho là sẽ rơi vào tình trạng sa sút so với triển vọng “ổn định” trước đây.
Điều này được cho là do áp lực tiêu cực gia tăng đối với sức mạnh của bảng cân đối kế toán và hiệu quả hoạt động của các công ty bảo hiểm trong nước.
Tuy nhiên, có một số yếu tố giảm nhẹ cho triển vọng tiêu cực.
Các công ty bảo hiểm trên thị trường phi nhân thọ Philippines đã tăng cường vốn hóa trong những năm gần đây, một phần do sự tăng dần trong yêu cầu vốn tối thiểu.
Điều này có thể giúp các công ty vượt qua môi trường đầy thách thức hiện tại. Những thách thức này nảy sinh do khó khăn trong việc tiếp cận năng lực tái bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Philippines đã dựa vào tái bảo hiểm để giảm thiểu sự biến động trong hoạt động đánh giá rủi ro, giảm thiểu nguy cơ của rủi ro thảm họa, cũng như để trợ cấp chi phí thâu tóm.
Tuy nhiên, thị trường tái bảo hiểm toàn cầu đang trở nên khó khăn hơn và nhu cầu đối với các rủi ro thảm họa tài sản ở Philippines đã giảm đi.
Điều này đã gây khó khăn cho các bảo hiểm trong việc đưa ra các chương trình tái bảo hiểm theo tỷ lệ trong các lần tái tục gần đây từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 1 tháng 4, AM Best nhấn mạnh.
Do đó, nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Philippines đã phải thay đổi các chương trình tái bảo hiểm của họ.
Điều này đã làm tăng mức độ giữ lại đối với các rủi ro thảm họa tự nhiên, dẫn đến khả năng biến động lớn hơn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Với tỷ lệ giữ lại cao hơn, các công ty bảo hiểm này hiện có độ nhạy cao hơn đối với rủi ro khí hậu và khả năng không chính xác trong mô hình.
Ngoài ra, hiệu suất đánh giá rủi ro bảo hiểm xe cơ giới có thể gặp áp lực do nhiều khó khăn khác nhau, bao gồm cả việc bình thường hóa tần suất yêu cầu bồi thường sau COVID.
Singapore: Surer hợp tác cung cấp bảo hiểm xe hơi
(INA) – Surer, công ty công nghệ bảo hiểm (insurtech) có trụ sở tại Singapore, đã công bố quan hệ đối tác với Direct Asia Insurance (Singapore).
Sự hợp tác này nhằm tăng cường khả năng kỹ thuật số của các trung gian bảo hiểm, cho phép các bên trung gian làm việc trên các hợp đồng bảo hiểm xe hơi có khả năng tùy chỉnh cao, mang lại sự linh hoạt cao hơn cho các chủ hợp đồng.
Nền tảng của Surer tích hợp với sản phẩm Bảo hiểm Xe hơi của DirectAsia, được biết đến với bộ lợi ích tùy chọn sáng tạo và tính linh hoạt.
Sự hợp tác này cũng nhằm mục đích thực hiện lời hứa chuyển đổi kỹ thuật số trong bảo hiểm bằng cách cung cấp sản phẩm phù hợp với nhu cầu cụ thể của các chủ hợp đồng.
Các trung gian bảo hiểm có thể truy cập sản phẩm Bảo hiểm Xe hơi DirectAsia thông qua nền tảng của Surer, cho phép họ tạo báo giá và tham gia vào quy trình báo giá thành ràng buộc kỹ thuật số hoàn toàn, bất kể mức độ phức tạp của sản phẩm.
Ngoài ra, quan hệ đối tác sẽ mở rộng sang các sản phẩm khác, bao gồm cả bảo hiểm xe máy, khi cả hai công ty tìm cách hợp lý hóa và số hóa hơn nữa các quy trình bảo hiểm để mang lại trải nghiệm hiệu quả hơn và lấy khách hàng làm trung tâm.
Hơn 4.000 chủ hợp đồng tham gia sản phẩm bổ trợ hỗ trợ bên đường của Allianz
(INA) – Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Allianz Berhad đã giới thiệu sản phẩm bổ trợ Allianz Truck Warrior có chức năng cung cấp hỗ trợ bên đường.
Sản phẩm này dành cho những người mua bảo hiểm Xe chở hàng (toàn diện) của Allianz khi gặp sự cố.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 2, hơn 4.000 khách hàng đã thêm Allianz Truck Warrior vào hợp đồng bảo hiểm của mình.
Với Allianz Truck Warrior, các chủ hợp đồng nhận được các dịch vụ hỗ trợ bên đường tối đa ba lần một năm, bao gồm dịch vụ kéo xe chở hàng lên đến 100 km khứ hồi bằng xe kéo chuyên dụng và dịch vụ sửa chữa tại chỗ cho các sự cố.
Ngoài ra, khách hàng được bảo hiểm với khoản trợ cấp cứu trợ lũ lụt lên tới 5.000 RM cho mỗi lần xe bị hư hại do lũ lụt.
Để có được sản phẩm này, khi mua bảo hiểm xe cơ giới, khách hàng phải nộp thêm 120 RM cho Allianz Truck Warrior.
Xem xét chi phí trung bình để kéo một chiếc xe tải là khoảng 800 RM, Allianz Truck Warrior mang lại lợi ích tiết kiệm chi phí và không gây căng thẳng.
Để đủ điều kiện, xe chở hàng phải có giấy phép A và C có che phủ toàn diện, có tổng trọng lượng xe lên tới 7,5 tấn và thời gian lưu hành xe dưới 20 năm.
Cơ quan bảo hiểm Hồng Kông cảnh báo trang web lừa đảo mạo danh AXA
(INA) – Vào ngày 26 tháng 7, Cơ quan Bảo hiểm (IA) của Hồng Kông đã đưa ra cảnh báo cho công chúng về một trang web lừa đảo có tên miền “https://axaasbx.com.”
Trang web lừa đảo tuyên bố sai sự thật là trang web chính thức của AXA Hong Kong (AXA).
Tuy nhiên, AXA đã xác nhận rằng họ không có liên quan đến trang web lừa đảo này.
Nếu bất kỳ ai đã cung cấp thông tin cá nhân của họ trên trang web hoặc thực hiện bất kỳ giao dịch bảo hiểm nào thông qua trang web, nên liên hệ với AXA theo số (852) 2802-2812 và báo cáo vụ việc cho Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông.
Để tìm thông tin về các công ty bảo hiểm được ủy quyền tại Hồng Kông, các cá nhân có thể tham khảo Sổ đăng ký công ty bảo hiểm trên trang web của IA.
Lợi nhuận trước thuế của các công ty bảo hiểm Đài Loan đạt 1,77 tỷ USD
(INA) – Ủy ban Giám sát Tài chính Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) báo cáo cho biết, tính đến tháng 6, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm lên tới 1,77 tỷ USD (55,6 tỷ Đài tệ).
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ báo cáo lợi nhuận trước thuế là 1,66 tỷ đô la Mỹ (52 tỷ Đài tệ), đánh dấu mức giảm đáng kể 5,15 tỷ đô la Mỹ (161,8 tỷ Đài tệ) (75,7%) so với năm trước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lỗ trước thuế 3,6 tỷ Đài tệ, tăng 50,5 tỷ Đài tệ (107,7%).
Về vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp bảo hiểm đạt tổng cộng 2.166,1 tỷ Đài tệ vào cuối tháng 6 năm 2023.
Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có vốn chủ sở hữu là 2.049,8 tỷ Đài tệ, cho thấy mức tăng đáng chú ý là 794,3 tỷ Đài tệ (63,3%) so với năm trước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn chủ sở hữu là 116,3 tỷ Đài tệ, mức tăng khiêm tốn hơn là 13,6 tỷ Đài tệ (13,2%).
Trong cùng thời gian, Đài tệ mất giá 1,37% so với Đô la Mỹ kể từ cuối năm 2022.
Số dư tích lũy của dự trữ định giá ngoại hối cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lên tới 210,7 tỷ Đài tệ, cho thấy mức giảm 18,2 tỷ Đài tệ.
Ngoài ra, tác động kết hợp của lãi/lỗ tỷ giá hối đoái, lãi/lỗ phòng ngừa rủi ro và tác động ròng của sự biến động đối với dự trữ định giá ngoại hối của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã giảm 127,5 tỷ Đài tệ.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã mang lại lợi nhuận ròng (bao gồm lãi/lỗ tỷ giá hối đoái và lãi/lỗ phòng ngừa rủi ro, không bao gồm tác động ròng của sự biến động đối với dự trữ định giá ngoại hối) là 301,9 tỷ Đài tệ trong cùng kỳ.
BTV (Tổng hợp).