TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 30

Bổ nhiệm Cục trưởng Cục QL&GS bảo hiểm; Tàu siêu lớn và COVID là những rủi ro hàng đầu của ngành hàng hải; Thu nhập Axa tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo hiểm PVI hỗ trợ gia đình các cán bộ Trung tâm y tế Huyện Kỳ Sơn, Nghệ An trong vụ tai nạn giao thông trên đường đi tập huấn.

(PVI) – Khoảng 23h đêm 5/8, xe ô tô chở đoàn công tác của Trung tâm y tế huyện Kỳ Sơn do ông Lương Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm làm trưởng đoàn đi dự tập huấn tại huyện Đô Lương, trên xe có 3 cán bộ y tế khác gồm bà Hà Ngọc Anh, ông Già Bá Sô và ông Nguyễn Hồng Lâm đã gặp tai nạn tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Vụ tai nạn khiến 01 người tử vong và 3 người bị thương nặng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, sáng ngày 09/08 lãnh đạo Công ty Bảo hiểm PVI Bắc Trung Bộ (đơn vị thành viên của Bảo hiểm PVI) do ông Nguyễn Hoàng Tùng Bí thư chi bộ, Giám đốc công ty đã đến Sở Y Tế Nghệ An gửi lời thăm hỏi, chia buồn, động viên và trao tiền hỗ trợ cho gia đình 4 nạn nhân.

Đại diện Sở Y tế Nghệ An là ông Đậu Huy Hoàn – Phó Giám Đốc Sở Y Tế và ôngTrần Quốc Dương – Chủ tịch Công Đoàn Sở Y Tế Nghệ An đứng ra nhận mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người cho gia đình nạn nhân bị tử vong; 3 triệu đồng/người cho 03 gia đình nạn nhân bị thương.

Trước đó vào ngày 11/6/2021 Bảo hiểm PVI và Công đoàn Y tế Việt Nam đã ký kết chương trình phúc lợi cho Đoàn viên công đoàn và người lao động ngành y tế. Theo đó hai bên phối hợp thực hiện Chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ Y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19” với mức phí ưu đãi, mở rộng quyền lợi bảo hiểm, giảm thời gian chờ và thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm và sẽ lần lượt triển khai trên cả nước.

Mặc dù 4 CBNV không may gặp nạn chưa kịp tham gia chương trình nhưng với tinh thần sẻ chia với tuyến đầu chống dịch, Bảo hiểm PVI Bắc Trung Bộ đã kịp thời động viên thăm hỏi và hỗ trợ các nạn nhân và được Công đoàn Y tế tỉnh Nghệ An đánh giá cao.

  1. Một vòng doanh nghiệp

PTI ký kết hợp tác với Break Field Việt Nam

(PTI) – Vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty TNHH Break Field Việt Nam (Break Field Việt Nam) đã thực hiện kí kết hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Theo đó, Break Field Việt Nam sẽ trở thành đơn vị phân phối sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe ô tô và xe máy của PTI trên các nền tảng trực tuyến của Break Field Việt Nam. Khi mua sản phẩm bảo hiểm của PTI thông qua Break Field Việt Nam, khách hàng sẽ được cấp ngay giấy chứng nhận điện tử với mức phí bảo hiểm chỉ là 66.000đ hoặc 86.000đ. Mức trách nhiệm bảo hiểm lên đến 150 triệu đồng/người/vụ đối với những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra. Ngoài ra, thời hạn bảo hiểm cũng sẽ được mở rộng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy, đồng thời khách hàng sẽ được hưởng các quyền lợi bồi thường đơn giản và nhanh chóng cũng như tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo.

Đại diện PTI cho biết, việc hợp tác với Break Field Việt Nam nằm trong kế hoạch mở rộng mạng lưới của PTI ra thị trường. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp PTI cung cấp các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới tới khách hàng một cách nhanh nhất đồng thời cũng là cách để PTI đa dạng hóa và hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ của mình nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất. PTI cũng hy vọng trong tương lai đôi bên sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Được biết, website FINANCIAL FIELD VIETNAM (https://financialfield.vn/) của Break Field Việt Nam chuyên giới thiệu các sản phẩm tài chính, trong đó, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo hiểm với lượng người đăng ký bảo hiểm thuộc vào hàng lớn nhất Việt Nam. Với vai trò là Đại lý bảo hiểm chính thức của các công ty bảo hiểm uy tín trong nước, Break Field Việt Nam nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đem đến khách hàng những sản phẩm bảo hiểm thiết thực và chất lượng.

Hiện tại, PTI đang là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất thị trường với hơn 100 sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao. Trong năm 2020, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới của PTI đã vươn lên vị trí số 1 thị trường nhờ vào chất lượng dịch vụ vượt trội. PTI đang là doanh nghiệp bảo hiểm tiên phong trên thị trường về ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại trong quy trình cấp đơn, quản lý và xử lý bồi thường, đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

MB Ageas Life phát động chiến dịch “We Care” với thông điệp “Quan tâm mỗi ngày”

(ĐTCK) – Với mục tiêu khuyến khích mỗi cá nhân quan tâm tới bản thân, gia đình và cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, ngày 13/8, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life phát động chiến dịch “We Care – Quan tâm mỗi ngày”.

Thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa của chiến dịch, MB Ageas Life sẽ viết tiếp câu chuyện đầy cảm hứng sau hành trình 5 năm quan tâm và đồng hành cùng người Việt Nam.

“We Care – Quan tâm mỗi ngày” bao gồm một chuỗi các hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng như: Tổ chức giải chạy gây quỹ từ thiện “We care run over K” (tháng 6/2021), tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch (7/2021), Triển khai hoạt động “Quan tâm đẩy lùi Covid” (bắt đầu từ 8/2021), hoạt động hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư dự kiến triển khai vào Quý 4/2021.

Hành trình “Quan tâm mỗi ngày” đã khởi đầu với Giải chạy gây quỹ từ thiện “We Care Run over K 2021” diễn ra từ trung tuần tháng 6. Không chỉ nhấn mạnh “Quan tâm sức khỏe mỗi ngày để đẩy lùi bệnh ung thư” dành cho mỗi người, mỗi cá nhân, giải chạy còn trực tiếp hướng về các bệnh nhân ung thư.

Điều đặc biệt ở giải chạy này là với mỗi km các vận động viên chạy được, MB Ageas Life sẽ đóng góp 1.000 đồng vào Quỹ ủng hộ bệnh nhân ung thư. Giải chạy đã có gần 7.500 vận động viên tham gia với hơn 700 nghìn km đã hoàn thành và 300 triệu VNĐ được huy động cho Quỹ Ủng hộ bệnh nhân ung thư.

Thông điệp “Quan tâm mỗi ngày” được phản ánh gần gũi và chân thực hơn qua câu chuyện cảm động về gia đình qua video “Những điều ta còn nhớ”. Video chính thức được phát hành tại kênh Youtube và Facebook fanpage của MB Ageas Life hôm nay 13/8/2021.

Ra mắt đồng thời với “Những điều ta còn nhớ” là Website và Logo WE CARE dành riêng cho chiến dịch Quan tâm mỗi ngày. Đây chính là nơi những hoạt động quan tâm đầy ý nghĩa trong suốt 5 năm qua của MB Ageas Life được ghi lại trọn vẹn và một hành trình mới hướng tới cộng đồng tiếp tục lan tỏa.

Hơn thế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại nhiều nơi trên toàn quốc, người dân không có điều kiện để tiếp cận các dịch vụ y tế và thiết bị y tế cơ bản, do đó bắt đầu từ tháng 8/2021, thông qua chương trình Quan tâm đẩy lùi Covid, MB Ageas Life hỗ trợ trực tiếp về dịch vụ y tế và thiết bị y tế đến người dân vùng dịch. Tổng giá trị quà tặng của Chương trình lên đến gần 2 tỷ VND.

Hành trình Quan tâm mỗi ngày vào Quý 4/2021 cũng sẽ mang tới câu chuyện truyền cảm hứng của những bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư. Chuỗi video Phóng sự về mỗi nhân vật thể hiện ý chí kiên cường vượt qua bệnh tật của mỗi người, với sự quan tâm và tình yêu thương của những người thân xung quanh mình.

Đại diện từ MB Ageas Life chia sẻ “Chúng tôi tin rằng “Quan tâm mỗi ngày” sẽ tạo ra một giá trị đặc biệt để giúp mỗi người sống ý nghĩa hơn qua từng khoảnh khắc. Hơn hết, sự kết nối giữa các cá nhân trong cộng đồng sẽ là nguồn động lực lớn lao để vượt qua các thách thức và kiến tạo thành công. Thông qua chiến dịch này, chúng tôi muốn thông điệp “Quan tâm mỗi ngày” được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”.

Manulife Việt Nam ước tính Gen Y cần khoảng 5,5 tỷ đồng để nghỉ hưu thoải mái

(ĐTCK) – Đạt được tự do tài chính vào thời điểm nghỉ hưu là mục tiêu chung của nhiều người, bao gồm cả thế hệ Y (millennials). Khi mong muốn nghỉ hưu của thế hệ Y ngày càng lớn, thì khoảng cách giữa họ và một tương lai an nhàn sau khi nghỉ hưu cũng vậy.

Theo tính toán của Manulife Việt Nam, trong phân khúc này, trung bình một Gen Y 30 tuổi sẽ cần tiết kiệm khoảng 5,5 tỷ đồng trước 60 tuổi để có cuộc sống thoải mái, với 75% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Mục tiêu này có thể đạt được với những lời khuyên và giải pháp tài chính phù hợp.

Sản phẩm liên kết đầu tư mới ra mắt năm 2021 của Manulife Việt Nam với tên gọi ‘Món Quà Tương Lai’ được thiết kế để giúp khách hàng thu hẹp khoảng cách với mục tiêu hưu trí bằng cách vừa đầu tư vào các quỹ được quản lý chuyên nghiệp, vừa cảm thấy an tâm vì được bảo vệ trước những rủi ro

Ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối sản phẩm Manulife Việt Nam cho biết: “Dù mục tiêu nghỉ hưu của bạn là 15, 20 hay 25 năm nữa, Manulife Việt Nam có thể giúp bạn đạt được sự độc lập về tài chính để bạn có thể sống tốt hơn mỗi ngày. Sản phẩm liên kết đầu tư ‘Món Quà Tương Lai’ có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế hệ trẻ và ước mơ về cuộc sống hưu trí an nhàn cũng như đồng thời bảo vệ họ trong suốt hành trình cuộc đời”.

Sản phẩm mới này còn cung cấp cho khách hàng quyền lợi hấp dẫn phù hợp với những nhu cầu hưu trí đa dạng, như đầu tư linh hoạt thông qua ba Quỹ Hưng Thịnh 2035, 2040 và 2045. Lần đầu tiên trên thị trường, khách hàng được lựa chọn các quỹ đầu tư phù hợp thời điểm dự định nghỉ hưu hoặc rút tiền cho các mục tiêu tài chính trong tương lai.

Ngoài ra, ‘Món Quà Tương Lai’ cũng mang đến sự bảo vệ toàn diện với các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ, giúp khách hàng và gia đình luôn an tâm trước những rủi ro về y tế, bệnh lý và tai nạn. Sản phẩm mang đến quyền lợi tri ân khách hàng hấp dẫn thông qua một khoản thưởng định kỳ mỗi ba năm, cùng phần thưởng đặc biệt vào cuối năm hợp đồng thứ 10, 15 và 20.

Được biết, Manulife Việt Nam cũng giúp việc xây dựng quỹ hưu trí trở nên dễ dàng hơn thông qua Công cụ tính kế hoạch hưu trí sắp được ra mắt. Công cụ trực tuyến miễn phí và hữu ích dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới, với tính năng ước tính số tiền cần tích lũy và cung cấp giải pháp tài chính cho khách hàng thông qua thông tin cá nhân và mục tiêu đầu tư của họ.

Bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm PVI Thành Đô và Bảo hiểm PVI Sài Gòn

(PVI) – Sáng ngày 09/8/2021, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI Phạm Anh Đức đã trao trực tuyến Quyết định bổ nhiệm vị trí Giám đốc Bảo hiểm PVI Thành Đô cho ông Phạm Mạnh Thắng và Giám đốc Bảo hiểm PVI Sài Gòn cho ông Trương Minh Vương.

Theo các Quyết định, ông Phạm Mạnh Thắng và ông Trương Minh Vương sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc với thời hạn 3 năm kể từ ngày 08/08/2021.

Phát biểu tại lễ trao quyết định, ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI đã gửi lời chúc mừng và tin tưởng ông Phạm Mạnh Thắng, ông Trương Minh Vương sẽ tiếp tục phát huy được những thế mạnh, mang lại nhiều đóng góp cho Bảo hiểm PVI.

“Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại khu vực phía Nam đang diễn biến rất phức tạp. Các doanh nghiệp Bảo hiểm phải hoạt động theo chỉ thị 16 CT/TTg nên gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, chúng ta sẽ không dừng lại mà hãy cùng nhau quyết tâm vươn lên, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, khẳng định vị thế là doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thị trường”, ông Phạm Anh Đức chia sẻ thêm.

Đáp lại sự tin tưởng từ Ban Lãnh đạo Tổng công ty, ông Phạm Mạnh Thắng và ông Trương Minh Vương cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa và bằng kinh nghiệm vốn có sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa Bảo hiểm PVI Thành Đô và Bảo hiểm PVI Sài Gòn ngày càng phát triển, trở thành các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ.

Mua bảo hiểm vật chất ô tô BIC tặng bảo hiểm con người

(ĐTCK) – Từ nay đến ngày 31/12/2021, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình ưu đãi “An tâm mùa dịch – Vững tin tay lái”, tặng bảo hiểm con người với mức chi trả lên tới 25 triệu đồng cho khách hàng mua bảo hiểm vật chất ô tô.

Cụ thể, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất ô tô tại BIC với mức phí từ 3 triệu đồng trở lên sẽ được tặng ngay bảo hiểm con người An tâm mùa dịch với nhiều quyền lợi hấp dẫn, thiết thực.

Bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi cho khách hàng khi không may có rủi ro về sức khỏe, tính mạng thuộc phạm vi bảo hiểm, tối đa tới 25 triệu đồng; chi trả trợ cấp nằm viện do ốm đau, bệnh tật (bao gồm cả Covid-19) tới 7,5 triệu đồng và một số quyền lợi khác.

Khách hàng có thể mua bảo hiểm đơn giản và nhanh chóng qua ứng dụng di động BIC Online hoặc liên hệ với cán bộ/đại lý của BIC và tự chụp, gửi ảnh xe thông qua ứng dụng trên.

Sau khi đặt mua hoàn tất, khách hàng sẽ nhận được giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (với giá trị pháp lý tương đương bản giấy) chỉ trong vòng vài phút. Khi không may có tổn thất xảy ra, khách hàng có thể chụp ảnh và khai báo, đồng thời theo dõi quá trình xử lý bồi thường ngay trên ứng dụng BIC Online.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bổ nhiệm Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm

(ĐTCK) – Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng điều hành Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm vừa được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng. Quyết định do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký hôm 6/8 vừa qua.

Như vậy, sau hơn 8 tháng trống ghế Cục trưởng Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm, đến nay quyết định bổ nhiệm Cục trưởng đã được trao cho ông Trung.

Ông Trung sinh năm 1974, hiện phụ trách các lĩnh vực quản lý, giám sát bảo hiểm nhân thọ; công tác thống kê và thông tin thị trường bảo hiểm; trực tiếp phụ trách, chỉ đạo các nhiệm vụ công tác của Phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm nhân thọ, Phòng Thống kê và thông tin thị trường bảo hiểm.

Theo cơ cấu hiện nay, ngoài Cục trưởng Ngô Việt Trung, Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm còn có 3 cục phó gồm: ông Nguyễn Quang Huyền, ông Doãn Thanh Tuấn và bà Phạm Thu Phương.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Bảo hiểm Agribank lắp máy ATM gạo miễn phí hỗ trợ người dân TP.HCM khó khăn

(ABIC) – Với mong muốn hỗ trợ lương thực cho những hoàn cảnh khó khăn trong tâm dịch trên địa bàn TP.HCM, mới đây, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Quận 8 triển khai lắp đặt 01 máy ATM phát gạo miễn phí cho người dân trên địa bàn phường 15, Quận 8.

Máy ATM gạo đặt tại địa chỉ: Trường THPT Ngô Gia Tự 360E Bến Bình Đông – P15 – Q8 – TPHCM. ATM gạo mà Bảo hiểm Agribank sử dụng là sản phẩm của Công ty AXYS. Máy ATM gạo này được ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt có độ chính xác đến 95% đối với người đeo khẩu trang và 99% với người đeo kính chắn giọt bắn. Sau khi được nhận diện, máy sẽ phát cho mỗi người 3kg gạo/ lần, thời gian giữa 2 lần nhận gạo đối với mỗi người là 7 ngày.

Mỗi ngày, ATM có thể phát 1,5 tấn gạo trong 8,5 giờ đồng hồ cho hơn 500 người. Số lượng gạo mỗi lần phát có thể điều chỉnh tùy người quản lý máy. Ngoài ra, máy còn sử dụng công nghệ điện toán đám mây giúp lưu trữ thông tin người nhận gạo. Số lượng gạo ban đầu Bảo hiểm Agribank đưa vào hoạt động tại máy là gần 9 tấn gạo.

Chỉ từ ngày 10/8/2021 đến hôm nay, máy ATM đã phát được 1.916 kg gạo với 638 lượt người nhận. Toàn bộ số liệu tình hình nhận gạo đều realtime và cập nhật liên tục trên trang webstie ATM gạo của Bảo hiểm Agribank tại địa chỉ: www.atmgao.com/group/abic để có thể cập nhật tra cứu xem số tiền mà các cá nhân và tổ chức ủng hộ hiện đang được chi tiêu như thế nào, số gạo mà các mạnh thường quân đóng góp đang được phát ở đâu.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Bảo hiểm Agribank đã triển khai hoạt động an sinh xã hội với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, với riêng với hoạt động hỗ trợ, phòng chống dịch covid-19, các chi nhánh của ABIC đã phối hợp cùng Tổng đại lý Agribank trao tặng và ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho 35 đơn vị tuyến đầu tại 09 tỉnh, thành phố và dành cho Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 là hơn 2 tỷ đồng.

  1. Tin quốc tế

Trung Quốc: tổn thất bảo hiểm xe cơ giới tại Hà Nam do lũ lụt ước tính gần 1 tỷ USD

(AIR) – Cho đến nay, các công ty bảo hiểm đã nhận được hơn 238.100 yêu cầu bảo hiểm xe cơ giới do hậu quả của trận lũ lụt lớn ở Hà Nam đổ bộ vào tỉnh miền trung Trung Quốc vào nửa cuối tháng trước.

Các nhà chức trách tỉnh Hà Nam cho biết, tính đến nay, tổng giá trị các yêu cầu bồi thường là 6,39 tỷ CNY (986 triệu USD). Trong số đó, khoảng 135.000 người với tổng thiệt hại được bảo hiểm là 3,26 tỷ CNY đã được chi trả.

Do số lượng xe cơ giới bị hư hỏng lớn nên các cơ sở sửa chữa đã phải căng mình làm việc nhưng vẫn không kịp ứng phó. Khoảng 60% số xe được giải quyết bồi thường vẫn đang trong quá trình sửa chữa.

Dự kiến sẽ còn nhiều yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới. Theo thống kê của Phòng Thương mại Công nghiệp Ô tô Hà Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng tại Trịnh Châu đã có 400.000 xe bị hư hại do lũ lụt lớn. Trịnh Châu là tỉnh lỵ của Hà Nam. Lũ lụt không chỉ ảnh hưởng đến Trịnh Châu mà còn ảnh hưởng đến các khu vực khác của tỉnh.

Theo đánh giá tính đến ngày 3/8, giá trị các tổn thất được bảo hiểm tổng thể, bao gồm cả động cơ, ước tính khoảng hơn 11,2 tỷ CNY từ hơn 545.000 yêu cầu bồi thường. Hơn 109.300 khiếu nại đã được giải quyết với số tiền 1,85 tỷ CNY.

New Zealand: Lốc xoáy gây thiệt hại bảo hiểm kỷ lục

(AIR) – Theo số liệu sơ bộ do Hội đồng Bảo hiểm New Zealand (ICNZ) công bố, trận lốc xoáy ngang qua vùng Papatoetoe ngoại ô Nam Auckland vào ngày 19 tháng 6 năm 2021 đã gây ra tổn thất được bảo hiểm là 32 triệu NZD (22,4 triệu đô la Mỹ).

Ông Tim Grafton, Tổng Giám đốc ICNZ cho biết: “Đây là cơn lốc xoáy gây thiệt hại lớn nhất được ghi nhận. Chúng tôi có thể thấy tác động đáng kể đối với các khách hàng là hộ gia đình với số tiền chi trả là 24 triệu NZD trong tổng số tiền bồi thường cho các tổn thất về nhà ở và nội dung được bảo hiểm, củng cố tầm quan trọng của bảo hiểm trong việc hỗ trợ phục hồi khi những sự kiện đột ngột này xảy ra.”

Tổng số tạm tính bao gồm 1.206 yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhà và tài sản trong nhà, 280 yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe cơ giới, 132 yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan đến thương mại và kinh doanh.

ICNZ cho biết kết quả sửa chữa đã được thực hiện càng nhanh càng tốt với nhiều ngôi nhà đã hoặc đang được sửa chữa.

Tàu siêu lớn và COVID là những rủi ro hàng đầu của ngành hàng hải

(INN) – Trong đánh giá hàng năm về ngành hàng hải, Allianz Global Corporate and Specialty (AGCS) cho biết, tổn thất vận chuyển hàng năm đã giảm 50% trong thập kỷ qua cho đến năm 2020, với 49 tàu được bị tổn thất vào năm ngoái.

Theo AGCS, con số thiệt hại năm ngoái là con số thấp thứ hai trong thế kỷ này, phản ánh tác động tích cực của việc tăng cường tập trung vào các biện pháp an toàn theo thời gian, chẳng hạn như quy định, cải tiến thiết kế và công nghệ tàu cũng như các tiến bộ quản lý rủi ro.

Số sự cố vận chuyển giảm 4% xuống còn 2703 vụ so với năm 2019, trong đó hư hại/hỏng hóc máy móc (40%) là nguyên nhân hàng đầu gây ra rủi ro.

Tuy nhiên, “không phải tất cả [đều] thuận buồm xuôi gió” đối với ngành này, đó là nhận định của ông Rahul Khanna Giám đốc Tư vấn Rủi ro Hàng hải của AGCS Toàn cầu.

Ông cho biết ngày càng nhiều vấn đề do các tàu lớn đặt ra, lo ngại ngày càng tăng xung quanh sự chậm trễ và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như việc tuân thủ các mục tiêu môi trường, đặt ra những thách thức đáng kể về quản lý rủi ro cho các chủ tàu và thủy thủ đoàn.

Theo AGCS, việc hạ thủy tàu chở hàng Ever Given vào tháng 3 năm ngoái tại kênh đào Suez, khiến giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng bị đình trệ trong một tuần, là sự cố mới nhất trong danh sách các sự cố ngày càng tăng liên quan đến tàu lớn hoặc tàu siêu lớn.

Trong vài năm qua, các hãng vận tải container đã trở nên lớn hơn khi các công ty vận tải biển tìm kiếm lợi thế về quy mô và tiết kiệm nhiên liệu.

Các tàu lớn nhất hiện nay vượt quá 20.000 đơn vị tương đương 20 feet (TEU), một đơn vị đo lường chính xác được sử dụng để xác định sức chứa hàng hóa của tàu và bến.

AGCS cho biết chỉ riêng công suất của các tàu chở container đã tăng 1500% trong vòng 50 năm và tăng hơn gấp đôi trong vòng 15 năm qua.

“Các tàu lớn hơn có những rủi ro riêng có”, ông Nitin Chopra, Chuyên gia Tư vấn Rủi ro Hàng hải Cấp cao của AGCS, cho biết. “Ứng phó với các sự cố phức tạp hơn và tốn kém hơn.”

Ông nói rằng các kênh tiếp cận đến các cảng hiện tại có thể đã được nạo vét sâu hơn và các cầu cảng và cầu cảng được mở rộng để tiếp nhận các tàu lớn nhưng quy mô tổng thể của các cảng vẫn được giữ nguyên.

“Kết quả là, một lần “bỏ lỡ ”có thể trở thành một “cú đánh” thường xuyên hơn đối với các tàu container cỡ lớn.

Nhận định về COVID, AGCS cho biết sự gián đoạn của đại dịch đã dẫn đến giảm thiểu số vụ bồi thường, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn không tránh khỏi những tổn thất đáng kể.

Giám đốc sản phẩm toàn cầu Marine Hull Justus Heinrich cho biết tần suất yêu cầu bồi thường về hàng hải không hề suy giảm.

Ông Heinrich chia sẻ: “Chúng tôi cũng nhận thấy chi phí bồi thường về thân tàu và máy móc tăng lên do sự chậm trễ trong việc sản xuất và cung cấp các phụ tùng thay thế, cũng như không gian nhà máy đóng tàu bị hạn chế,” ông Heinrich nói. “Chi phí liên quan đến việc cứu hộ và sửa chữa cũng đã tăng lên”.

AGCS cảnh báo các công ty bảo hiểm trong tương lai có thể có khả năng gia tăng các khiếu nại về sự cố máy móc nếu COVID ảnh hưởng đến khả năng thực hiện bảo trì hoặc tuân theo các giao thức của nhà sản xuất.

Indonesia: Số lượng đại lý bảo hiểm đạt MDRT tăng một phần ba

(AIR) – Số lượng đại lý bảo hiểm trở thành thành viên của Bàn tròn Triệu đô (MDRT) ở Indonesia đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19.

Bà Miliana Marten, chủ tịch MDRT Indonesia, cho biết số thành viên MDRT địa phương đã tăng đột biến, tăng 33% từ 2.745 lên 3.645 thành viên vào ngày 8 tháng 7 năm 2021.

Trong khi đó, trên toàn cầu, MDRT chứng kiến số lượng thành viên tăng hơn 20%, từ khoảng 70.000 thành viên vào năm 2020 lên khoảng 90.000 trong năm nay.

Prudential Life được liệt kê là công ty bảo hiểm ở Indonesia có số lượng đại lý là thành viên của MDRT nhiều nhất vào năm 2021.

Chủ tịch kiêm giám đốc Prudential Indonesia Jens Reisch giải thích rằng có tới 1.940 chuyên gia tư vấn tài chính của công ty bảo hiểm đã đăng ký làm thành viên MDRT trong năm nay. Con số này cao nhất tính đến thời điểm hiện tại, tăng 94% so với kỷ lục 1.000 người của năm trước.

Prudential Indonesia chiếm hơn 50% trong số 3.645 thành viên của MDRT tại Indonesia trong năm nay.

Australia: Dai-ichi Life đạt được lợi thế thị trường và thu nhập từ việc mua lại công ty bảo hiểm từ Westpac

(IBM) – Tin từ Fitch Ratings cho biết, Dai-ichi Life Holdings, công ty mẹ của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi có trụ sở tại Nhật Bản, sẽ củng cố vị thế là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Úc sau khi ký thỏa thuận với Westpac Banking Corporation để mua lại 100% công ty con Westpac Life Insurance Services với trị giá khoảng 100 tỷ JPY (906 triệu USD).

Dai-ichi Life Holdings sẽ mua lại công ty thông qua công ty con tại Úc là TAL Dai-ichi Life Australia, công ty bảo hiểm thành lập ngày 10 tháng 8 năm 2021.

Giá mua sẽ tương đương với dưới 2% vốn khả dụng của Dai-ichi Life Holdings.

Fitch cho biết, họ tin rằng tác động của thỏa thuận đối với vốn hóa và đòn bẩy của Dai-ichi Life Holdings sẽ không đáng kể vì phần lớn thương vụ mua lại sẽ được thanh toán từ tiền và các khoản tương đương tiền của công ty, trị giá 229 tỷ JPY vào cuối tháng 3 năm 2021.

Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng vị thế được nâng cao trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ Úc sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập của Dai-ichi Life Holdings trong trung hạn và hỗ trợ đa dạng hóa toàn cầu.

Đóng góp của TAL đã tăng lên 5% -10% lợi nhuận đã điều chỉnh hợp nhất của tập đoàn. TAL sẽ có thể tận hưởng liên minh chiến lược độc quyền kéo dài 20 năm để bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua mạng lưới ngân hàng của Westpac tại Úc sau khi hoàn tất việc mua lại. Ngoài ra, TAL kỳ vọng sức mạnh tổng hợp sẽ dẫn đến cơ cấu chi phí hiệu quả hơn do tính kinh tế theo quy mô. Fitch tin rằng vị thế thị trường mạnh hơn, bao gồm cả việc bổ sung các kênh bán hàng, sẽ khiến TAL trở nên cạnh tranh hơn.

Những thách thức trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và việc tái tập trung vào các hoạt động cốt lõi đã khiến các tập đoàn ngân hàng Úc bán các mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của họ cho các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài, làm giảm đi vị thế thống trị thị trường trước đây của họ. Do đó, các công ty bảo hiểm lớn tại thị trường Úc hầu hết là các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài, bao gồm các tập đoàn Nhật Bản như Dai-ichi Life Holdings và Nippon Life Insurance, AIA Group có trụ sở tại Hồng Kông và Zurich Insurance.

Fitch cho biết, Úc là một trong những thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển lớn nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, với cơ sở hạ tầng và cơ chế quản lý hợp lý.

Tuy nhiên, thị trường này có tính cạnh tranh cao với lợi nhuận yếu, đặc biệt là đối với bảo hiểm thu nhập do thương tật cá nhân, và phải chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Đồng thời, Fitch tin rằng việc mua lại sẽ cung cấp sự đa dạng hóa kinh doanh và địa lý hấp dẫn cho hồ sơ kinh doanh của các công ty bảo hiểm Nhật Bản. Dân số của Úc vẫn đang tăng đều đặn, không giống như Nhật Bản hoặc Tây Âu, do đó mang lại cơ hội tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ Singapore báo cáo doanh số bán hàng phục hồi

(IBM) – Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Singapore (LIA) đã báo cáo cho biết, doanh số bán hàng tăng 61% trong nửa đầu năm 2021, trong đó doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 2,68 tỷ đô la Singapore.

Theo LIA, điều này thể hiện sự phục hồi của ngành so với doanh số bán hàng chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các hạn chế COVID-19 gây ra. Phong tỏa khiến cho việc gặp mặt trực tiếp không thể thực hiện được, ảnh hưởng đến nhiều kênh bán hàng, đặc biệt là các đại lý.

Ông Khor Hock Seng, Chủ tịch LIA cho biết: “Kết quả kinh doanh mạnh mẽ của ngành bảo hiểm nhân thọ trong nửa đầu năm nay phản ánh mức độ ổn định của nền kinh tế Singapore từ tác động tức thời của COVID-19 trong nửa đầu năm 20. Sự gia tăng sử dụng bảo hiểm nhân thọ dường như cũng cho thấy rằng nhiều người đang nhận thấy tầm quan trọng lớn hơn của việc đáp ứng các nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe dài hạn trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn”.

Các sản phẩm đóng phí một lần vẫn là động lực tăng trưởng trong nửa năm, đã ghi nhận mức tăng doanh thu phí 106% so với cùng kỳ năm trước, lên tới 1,28 tỷ đô la Singapore. Các sản phẩm đóng phí một lần theo mệnh giá và không theo mệnh giá chiếm 84% tổng số giao dịch, trong khi các sản phẩm liên kết đóng phí một lần chiếm 16% còn lại.

Các sản phẩm đóng phí bảo hiểm hàng năm đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại 1,4 tỷ đô la Singapore phí bảo hiểm.

LIA cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng hợp đồng mua trực tuyến, do sự chuyển dịch sang các hình thức kinh doanh ở xa hơn. Từ 32.952 hợp đồng của nửa đầu năm 2020 đã tăng hơn 500% lên 203.351 trong sáu tháng đầu năm 2021.

Tổng doanh thu phí khai thác mới bảo hiểm sức khỏe cá nhân 6 tháng đầu năm lên tới 176,8 triệu đô la Singapore. Nhìn chung, các Gói bảo hiểm tích hợp (IP) và bảo hiểm bổ trợ IP chiếm 82% (144,7 triệu đô la Singapore), và 18% còn lại (32,1 triệu đô la Singapore) bao gồm các chương trình y tế và sản phẩm bổ trợ khác.

Mức độ sử dụng các sản phẩm hưu trí tăng 34%, với 22.137 hợp đồng đã bán trong nửa đầu năm.

Xét về kênh phân phối: Các đại diện ngân hàng mang về tỷ trọng phí bảo hiểm lớn nhất với 32,9%, tiếp theo là các đại diện ràng buộc với 31,9%. Đại diện cố vấn tài chính đứng thứ ba với 28,4%. Các kênh trực tiếp trực tuyến chiếm 3,9% và các kênh trực tiếp khác chiếm 2,9%.

Thu nhập Axa tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm

(INN) – Thu nhập cơ bản của Axa đã tăng gấp đôi lên 3,6 tỷ Euro (5,8 tỷ USD) trong nửa đầu năm, với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) được thúc đẩy bởi giá phí được cải thiện, đồng thời kết quả cũng được hưởng lợi từ việc không có tác động của COVID-19 hồi đầu năm.

Tổng Giám đốc Thomas Buberl cho biết doanh thu và thu nhập cơ bản đã tăng theo từng khu vực địa lý và ngành nghề kinh doanh của công ty.

“Kết quả mạnh mẽ này đã đạt được trên tất cả các thị trường của chúng tôi, và đáng chú ý là ở Axa XL với hiệu suất đánh giá rủi ro rất tốt,” ông nói.

“Tận dụng đà giá phí tiếp tục thuận lợi, Axa XL có vị trí tốt để đạt được mục tiêu thu nhập 1,2 tỷ Euro (1,9 tỷ USD) vào năm 2021, đồng thời tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận sau đó”.

Tổng thu nhập từ bảo hiểm P&C đã tăng lên 2,2 tỷ Euro (3,5 tỷ USD) từ 544 triệu Euro (869 triệu USD) một năm trước đó. Nếu loại trừ tác động COVID, thu nhập đã tăng 13%.

Tỷ lệ hoạt động kết hợp là 93,3%, cải thiện so với 95,1% của giai đoạn trước, không bao gồm COVID. Tỷ lệ này là 101,7% trong nửa đầu năm ngoái bao gồm cả các tác động của đại dịch.

Giá phí bảo hiểm thương mại cải thiện 7%, chủ yếu nhờ Axa XL, trong khi định phí bảo hiểm cá nhân ổn định, còn bảo hiểm nhóm phải chịu nhiều thảm họa tự nhiên hơn.

Đối với các bộ phận khác trong nửa năm, thu nhập cơ bản từ bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm tăng 10%, sức khỏe 5% và quản lý tài sản 32%.

Axa cũng cho biết các khoản bồi thường liên quan đến lũ lụt tấn công Đức, Bỉ và các khu vực khác của Tây và Trung Âu vào tháng trước có khả năng lên tới khoảng 400 triệu Euro (639 triệu USD), trước thuế và đã trừ tái bảo hiểm.

Bảo hiểm P&C của Allianz tăng trưởng thu nhập

(INN) – Allianz Group cho biết chi bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) đã đạt lợi nhuận hoạt động 1,4 tỷ euro (2,2 tỷ USD) tính đến hết quý II, tăng 18,8% so với một năm trước đó.

Công ty bảo hiểm cho biết các yêu cầu bồi thường cao hơn do thảm họa thiên nhiên đã được bù đắp phần lớn bằng kết quả hoạt động tốt hơn.

Kết quả kinh doanh P&C tăng đáng kể cũng do không có tổn thất liên quan đến COVID-19 so với cùng kỳ năm trước trong khi thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng nhẹ.

CFO Giulio Terzariol cho biết: “Tôi rất hài lòng bởi sự tập trung liên tục vào việc đảm bảo kỷ luật và năng suất trong phân khúc kinh doanh tài sản-tai nạn.

“Mặc dù mức độ thiên tai cao trong quý thứ hai và tiếp tục diễn ra trong quý thứ ba, tôi tin tưởng vào sự đóng góp lợi nhuận hoạt động tốt của mảng kinh doanh bảo hiểm tài sản vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.”

Chi nhánh P&C đã đạt được doanh thu phí bảo hiểm gần 13,5 tỷ € (21,6 tỷ USD) trong quý, tăng 3,1% so với một năm trước đó trong khi tỷ lệ kết hợp cải thiện từ 95,5% lên 93,9%.

Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh P&C tại Úc đã tăng lên 58 triệu euro (93 triệu đô la) từ 52 triệu euro (83 triệu đô la) một năm trước đó trong khi phí bảo hiểm ròng tăng lên 701 triệu euro (1,1 tỷ đô la) từ 615 triệu euro (983 triệu đô la).

Ở cấp độ tập đoàn, Allianz cho biết, thu nhập ròng tổng thể là 2,2 tỷ € (3,5 tỷ USD), tăng 45,7% so với một năm trước đó.

BTV (Tổng hợp).