TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 30

Prudential thoái vốn tại Mỹ để tập trung vào châu Á, châu Phi; Manulife thanh toán tự động trực tuyến; Bảo hiểm hàng không, hàng hải “nằm bến”

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 30

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 2,6 tỷ đồng cho nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc tại Quảng Bình

(BIC) – Ngày 12/8/2020, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quảng Bình (BIDV Quảng Bình) đã gặp gỡ và trao hơn 2,6 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho thân nhân các khách hàng không may gặp rủi ro trong vụ tai nạn lật xe khách cuối tháng 7/2020 tại cầu Trạ Ang, tỉnh Quảng Bình.

Ngày 26/7/2020, tại Km21+735 đường Hồ Chí Minh nhánh tây thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, một ô tô trở 40 hành khách là cựu học sinh tham gia họp lớp đã lao vào taluy và bị lật. Vụ việc thương tâm khiến 15 người thiệt mạng cùng nhiều người khác bị thương. Trong số các nạn nhân không may tử vong có 4 khách hàng vay vốn tại BIDV Quảng Bình là Thái Hồng Ngọc, Đoàn Trung Thành, Nguyễn Thanh Hòa, Lê Thị Tuyết Lệ. Các khách hàng trên cũng đồng thời tham gia sản phẩm bảo hiểm BIC Bình An dành cho người vay vốn tại BIDV.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Công ty Bảo hiểm BIDV Bắc Trung Bộ đã phối hợp với BIDV Quảng Bình thăm hỏi, động viên gia đình khách hàng, đồng thời tích cực phối hợp với các bên liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện chi trả toàn bộ quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân 4 khách hàng với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, bao gồm: Dư nợ gốc, lãi vay tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ chi phí nằm viện trong thời gian điều trị; hỗ trợ tiền lãi trong thời gian hoàn thiện thủ tục chi trả bảo hiểm và trợ cấp mai táng.

Việc kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm, đồng hành, chia sẻ khó khăn tài chính cùng thân nhân khách hàng vượt qua nỗi đau mất đi trụ cột kinh tế, sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An tiếp tục khẳng định được giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc. Đối với ngân hàng, BIC Bình An thực sự trở thành một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng.

Sản phẩm bảo hiểm BIC Bình An hiện đang được cung cấp tại các Ngân hàng, Tổ chức Tín dụng có liên kết với BIC trên toàn quốc. Với quyền lợi bảo hiểm đa dạng, phí bảo hiểm cạnh tranh, BIC Bình An được đánh giá là 1 trong những sản phẩm bảo hiểm tốt nhất trên thị trường hiện nay với quyền lợi bảo hiểm lên tới 6 tỷ đồng, trợ cấp cho khách hàng các chi phí nằm viện do tai nạn, chi trả tiền lãi vay trong thời gian chờ xử lý hồ sơ khiếu nại và hỗ trợ chi phí mai táng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Manulife Việt Nam hiện thực hóa quy trình thanh toán tự động trực tuyến

(TBTCO) – Tiếp tục khẳng định là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi số hóa tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, Manulife chính thức ra mắt Quy trình thanh toán tự động trực tuyến, góp phần hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng khi thực hiện nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Công nghệ thanh toán trực tuyến này sẽ giúp Manulife Việt Nam hoàn thiện quy trình thanh toán và giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến thông qua hình thức chuyển khoản tới tài khoản ngân hàng của khách hàng gần như ngay lập tức.

Là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên áp dụng Quy trình thanh toán tự động trực tuyến ở thị trường Việt Nam, Manulife kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm từ 3-5 ngày xuống chỉ còn vài phút.

Với Quy trình thanh toán tự động trực tuyến, khách hàng của Manulife Việt Nam có thể nhận được quyền lợi bảo hiểm thông qua hình thức chuyển khoản tại gần 40 ngân hàng trong hệ thống thành viên NAPAS với số tiền lên đến 300 triệu đồng.

Khách hàng có thể trải nghiệm các tiện ích thanh toán trực tuyến không chỉ cho việc nộp yêu cầu bồi thường bảo hiểm mà còn có thể cho các quyền lợi liên quan đến hợp đồng như quyền lợi đáo hạn, quyền lợi tiền mặt định kỳ, quyền lợi bảo tức.

Theo ông Kevin Kwon – Giám đốc Khối nghiệp vụ của Manulife Việt Nam, quy trình thanh toán mới này sẽ mang lại trải nghiệm vượt trội trong việc thanh toán trực tuyến đáp ứng sự mong đợi của khách hàng trong thời đại kỷ nguyên số.

“Đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được ví như “Thời điểm của sự thật được chứng minh” bằng sự cam kết và tín nhiệm. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất. Sự xuất hiện của Quy trình thanh toán quyền lợi bảo hiểm trực tuyến không chỉ minh chứng cho sự cam kết của chúng tôi, mà còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết nhanh chóng hơn đối với những khách hàng đã quen với trải nghiệm dịch vụ này”, ông Kevin Kwon nói thêm.

“Từ sự lắng nghe những ý kiến và mong muốn của khách hàng kết hợp với sự phát triển của công nghệ số hóa đã giúp cho chúng tôi có thể cung cấp các giải pháp hỗ trợ khách hàng có một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày”, ông Kevin Kwon nhấn mạnh.

Trong hành trình trở thành công ty dẫn đầu về số hóa và lấy khách hàng làm trọng tâm, Manulife Việt Nam đã tập trung vào việc mở rộng dịch vụ và cải thiện những giải pháp để nâng cao trải nghiệm khách hàng, đặc biệt là thông qua các sáng kiến để kết hợp quy trình nộp yêu cầu giải quyết bồi thường và quy trình thanh toán trực tuyến chỉ trong một bước đơn giản.

Việc kết hợp quy trình thanh toán tự động trực tuyến với giải pháp số hóa eClaims đã ra mắt trước đó của Manulife Việt Nam đã mở ra cơ hội nộp yêu cầu bồi thường bảo hiểm trực tuyến nhanh chóng với nhiều lựa chọn linh hoạt, mang đến trải nghiệm nhận quyền lợi bảo hiểm nhanh hơn bao giờ hết cho mọi khách hàng.

Đến hết tháng 6/2020, Bảo hiểm BSH đạt doanh thu hơn 922 tỷ đồng

(ĐTCK) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm BSH đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng, lọt vào Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu cao nhất thị trường.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, Bảo hiểm BSH đạt tổng doanh thu 922,180 tỷ đồng, tăng trưởng 50,3% so với cùng kỳ năm 2019 và đứng thứ 10 trong tổng số 32 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Tính riêng về nghiệp vụ Xe Cơ giới, BSH hiện đang đứng thứ 6 trên toàn thị trường xét về quy mô doanh thu, cạnh tranh về quyền lợi và phí so với nhiều đối thủ khác trên thị trường 32 công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Hiện BSH có 47 đơn vị thành viên tại Việt Nam, 60 phòng kinh doanh trên toàn quốc và 1 công ty con tại Lào với tổng số lượng nhân sự lên đến gần 1.500 người.

LVI hợp tác với Ngân hàng và Công ty viễn thông triển khai kênh bán hàng số tại Lào

(BIC) – Ngày 05/08/2020, Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL) và Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào-Việt (LVI) đã ký thỏa thuận hợp tác và ra mắt dịch vụ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử và thanh toán dịch vụ bảo hiểm qua 02 ứng dụng BCEL One và BCEL i-bank.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo BCEL, LVI và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ tài chính, Ngân hàng nhà nước, Cục cảnh sát giao thông – Bộ an ninh Lào, Sở cảnh sát giao thông Thủ đô Viêng Chăn. Theo thỏa thuận được ký kết, khách hàng có thể mua mới, tái tục và thanh toán các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của LVI thông qua ứng dụng BCEL One, BCEL i-bank.

LVI là công ty bảo hiểm đầu tiên được Bộ tài chính Lào cấp phép triển khai cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho khách hàng thông qua các ứng dụng của ngân hàng và công ty ty viễn thông. Thông qua hình thức này, khách hàng mua bảo hiểm của LVI thông qua các ứng dụng ngân hàng sẽ nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử trên điện thoại di động thay thế cho bản giấy thông thường. Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Viết Hải – Tổng Giám đốc LVI đã đề xuất các cơ quan nhà nước tiếp tục hỗ trợ hoạt động kinh doanh của LVI nói riêng và thị trường bảo hiểm Lào nói chung. Đặc biệt, đề xuất với Cục cảnh sát giao thông – Bộ An ninh Lào phổ biến rộng rãi hình thức sử dụng giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử xe cơ giới trên toàn quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông.

BCEL hiện là ngân hàng lớn nhất tại Lào và cũng là cổ đông sáng lập của LVI bên cạnh Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Sau hơn 12 năm hoạt động, LVI hiện đang giữ vị trí thứ 2 về thị phần tại thị trường bảo hiểm Lào.

Trước đó, LVI cũng đã triển khai dịch vụ này qua ứng dụng thanh toán di động U-Money của UNITEL (công ty thành viên của Viettel Global tại thị trường Lào). Như vậy, ngoài kênh bán hàng truyền thống (bán trực tiếp, qua đại lý, môi giới, bancassurance), LVI là công ty bảo hiểm đầu tiên tại Lào triển khai kênh bán hàng mới qua dịch vụ Mobile Money, Internet Banking và phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. Trong tương lai, LVI sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác viễn thông và ngân hàng khác để phổ cập hình thức cấp bảo hiểm này nhằm đem lại sự tiện lợi cho khách hàng và tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.

Dai-ichi Life Việt Nam triển khai chương trình khuyến mại “An Khang Lộc Phát”

(ĐTCK) – Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại “An Khang Lộc Phát – Nhân đôi bảo vệ, cuộc sống an vui”, với tổng trị giá hơn 6,8 tỷ đồng.

Chương trình khuyến mại “An Khang Lộc Phát – Nhân đôi bảo vệ, cuộc sống an vui” dành cho tất cả khách hàng trên toàn quốc thông qua kênh Đại lý truyền thống của Dai-ichi Life Việt Nam có Hồ sơ Yêu cầu Bảo hiểm được nộp từ ngày 6/8/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và Hợp đồng bảo hiểm được Công ty phát hành chậm nhất đến hết ngày 30/9/2020.

Trong đó, Hợp đồng bảo hiểm có Người được bảo hiểm của sản phẩm chính tham gia sản phẩm Bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe và đáp ứng điều kiện nhận quà tặng theo quy định như sau.

Khách hàng tham gia Hợp đồng bảo hiểm với Phí bảo hiểm thực nộp kỳ đầu tiên theo 3 mức từ 12 triệu đồng đến dưới 18 triệu đồng, từ 18 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng và từ 30 triệu đồng trở lên sẽ nhận được quà tặng là sản phẩm Bảo hiểm Hỗ trợ viện phí cho Người được bảo hiểm chính với số tiền phí bảo hiểm của kỳ phí đầu tiên theo 3 mức tương ứng là 300.000 đồng, 600.000 đồng và 1 triệu đồng.

Riêng gói quà tặng giá trị nhất dành cho Hợp đồng bảo hiểm với Phí bảo hiểm thực nộp kỳ đầu tiên từ 30 triệu đồng trở lên, khách hàng có thêm lựa chọn quà tặng là sản phẩm Bảo hiểm Chăm sóc sức khỏe – Quyền lợi nội trú cho Người được bảo hiểm bổ sung với số tiền phí bảo hiểm của kỳ phí đầu tiên là 1,5 triệu đồng.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm hàng không, hàng hải “nằm bến”

(ĐTCK) – Giao thương đình trệ vì dịch bệnh, nghiệp vụ bảo hiểm hàng không, hàng hải cũng “nằm bến” theo những con tàu, cánh bay.

Khó khăn của ngành hàng không đang khiến nghiệp vụ bảo hiểm trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể làm giảm doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020… Các công ty bảo hiểm nhìn nhận nghiệp vụ bảo hiểm này khó có khả năng phục hồi trong năm 2020.

Tài liệu trình Ðại hội đồng cổ đông, Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2020, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines chỉ đạt 14,5 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ 2019; trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, khách quốc nội đạt 12,3 triệu lượt.

Sự sụt giảm này chủ yếu là do tác động của dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu đi lại của người dân, ảnh hưởng lớn đến doanh thu vận tải hàng không.

Trong khi đó, thông tin cập nhật cho thấy, kể từ ngày cấm các chuyến bay đi – đến tại Ðà Nẵng từ ngày 28/7, thống kê lịch khai thác chuyến bay của các hãng hàng không cho thấy tần suất bay giảm liên tục từ 2.000 lượt cất hạ cánh/ngày xuống còn 1.300 – 1.500 lượt cất hạ cánh/ngày…

Không chỉ khó khai thác doanh thu phí mới từ nghiệp vụ này, mà do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các công ty bảo hiểm còn phải gia hạn thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cho các hợp đồng trước đó do nhiều hãng hàng không không đảm bảo khả năng thanh toán phí trong giai đoạn mùa dịch…

Một số công ty bảo hiểm có thế mạnh về nghiệp vụ này nhìn nhận, bảo hiểm hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những quý cuối năm và khó có khả năng phục hồi trong năm nay.

Hàng không khó khăn không chỉ tác động tới doanh thu bảo hiểm cho máy bay là thân vỏ, bảo hiểm chuyến bay là bảo hiểm du lịch, mà mảng bảo hiểm vận chuyển hàng hóa cũng bị ảnh hưởng theo vì thực tế doanh thu từ bảo hiểm thân vỏ hay chuyến bay chiếm tỷ trọng chưa đến 2% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm chung…

Chính vì thế, các công ty bảo hiểm đã phải tìm hướng phát triển các sản phẩm mới như MIC và PTI phát triển sản phẩm bảo hiểm trễ chuyến bay.

Ðược biết, PTI vừa ký hợp đồng độc quyền với một hãng hàng không để bán sản phẩm trễ chuyến bay. Tuy nhiên, theo ghi nhận, doanh thu phí của những sản phẩm bảo hiểm này cũng không cao.

Cùng với bảo hiểm hàng không, nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải cũng lâm vào cảnh tương tự vì bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu cũng phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Bảo hiểm Bảo Minh, tình hình khó khăn của doanh nghiệp sẽ dẫn đến sụt giảm doanh thu bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu biển trong thời gian tới vì doanh nghiệp khó khăn, tàu không hoạt động sẽ đề nghị giảm phí bảo hiểm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ giảm làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu bảo hiểm hàng hóa.

Nhiều đơn bảo hiểm đã cấp ra nhưng khách hàng yêu cầu hủy các đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển do ảnh hưởng của dịch nên không triển khai tàu/hàng.

Ngoài yếu tố khách quan do dịch bệnh, để kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho nghiệp vụ tàu thủy, các công ty bảo hiểm cũng đã chủ động rà soát một số đội tàu biển quốc tế khai thác không hiệu quả, có rủi ro khai thác lớn…

Theo báo cáo của PJICO, đến ngày 30/6/2020, doanh thu bảo hiểm tàu thủy của đơn vị này ước đạt khoảng 131 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch năm do các phương thức vận chuyển hàng hóa, hành khách bị đình trệ vì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh, các chủ tàu gặp khó khăn trong việc duy trì và vận hành với chi phí lớn.

Việc tàu dừng hoạt động cũng dẫn đến PJICO phải hoàn phí bảo hiểm cho chủ tàu trong thời gian tàu ngừng hoạt động, chưa kể một số trường hợp do khó khăn về tài chính chủ tàu đã yêu cầu PJICO gia hạn thanh toán phí bảo hiểm.

“Chính vì thế, đây là kết quả đã được dự báo ngay từ đầu năm 2020”, hãng bảo hiểm này nhìn nhận.

Vì dự báo doanh thu của 2 sản phẩm trên chưa thể phục hồi năm 2020, nên các doanh nghiêp đang tìm các phương án để thúc đẩy nghiệp vụ này cũng như có những phương án tăng doanh thu từ các nghiệp vụ khác để “bù đắp” nguồn doanh thu bị thiếu hụt và bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới vẫn được xác định sẽ là nguồn thu phí mới quan trọng nhất.

Doanh nghiệp bảo hiểm tìm cơ hội trong khó khăn

(TBTCVN) – Số liệu mới nhất từ các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 thị trường duy trì mức tăng trưởng nhưng thấp hơn so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay trở lại, đà tăng trưởng này đang đối diện với nhiều thách thức. Hiện nhiều giải pháp đã được các DNBH đưa ra, đồng thời cân nhắc đến việc cắt giảm chi phí quản lý nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục tăng trưởng doanh thu.

Đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, Bảo Việt và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 23.098 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tổng doanh thu của Bảo hiểm Bảo Việt ước đạt 5.464 tỷ đồng, hoàn thành 50,6% kế hoạch năm 2020 và tiếp tục khẳng định vị thế doanh nghiệp số 1 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Báo cáo số liệu từ Bảo hiểm Bảo Minh cho thấy, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.381 tỷ đồng, hoàn thành 61,1% so với kế hoạch đề ra, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II/2020, tổng doanh thu tăng 6% so với quý II/2019, đạt 886 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính không có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tài chính giảm 52% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 5,8 tỷ đồng.

Mới đây, trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, đại diện Bảo hiểm PTI cho biết, tổng doanh thu của PTI trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.907 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 46,5% kế hoạch, doanh thu phí của một số nghiệp vụ bảo hiểm bắt đầu tăng trưởng nhờ chính sách kích cầu của công ty. Tuy nhiên theo đại diện Bảo hiểm PTI, mặc dù vẫn đạt tăng trưởng doanh thu cao so với thị trường, nhưng tốc độ tăng trưởng hiện vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2019.

Số liệu từ Bảo hiểm PJICO cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bảo hiểm gốc của công ty ước đạt 1.764 tỷ đồng, tăng trưởng 24,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 61% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt gần 100 tỷ đồng, tương đương hoàn thành khoảng 55% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Theo đại diện PJICO, góp phần vào kết quả trên, là nhờ các đơn vị PJICO tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ đã hoàn thành sớm kế hoạch doanh thu, duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ và tỷ lệ bồi thường thấp.

Đại diện Bảo hiểm VNI cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế xã hội, doanh thu của Bảo hiểm VNI đạt 786 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Doanh thu theo các mảng nghiệp vụ đều bám sát kế hoạch đề ra và có tăng trưởng tốt.  VNI cũng tiếp tục tăng một bậc lên vị trí 12/31 trong bảng xếp hạng thị phần doanh thu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, trong bối cảnh hiện nay để giảm thiểu tiếp xúc xã hội, công ty sẽ nâng cao tinh thần ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh. Công ty chuẩn bị ra mắt nền tảng kỹ thuật số như: website thương mại điện tử, shop bán hàng trực tuyến, hệ thống Bảo Việt Digital… Nền tảng kỹ thuật số mới giúp khách hàng gia tăng trải nghiệm và dễ dàng mua trực tuyến các sản phẩm một cách nhanh gọn và an toàn nhất, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả hơn.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, năm 2020, dịch Covid -19 bùng phát dự báo sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh, từ bảo hiểm con người đến bảo hiểm tài sản và kỹ thuật. Vì vậy, Bảo Minh đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá thận trọng. Cụ thể, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu chỉ ở mức 3.895 tỷ đồng, bằng 85% doanh thu thực hiện năm 2019; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế dự kiến 188 tỷ đồng, bằng 85,21% so với thực hiện năm 2019; tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 là 10%.

Theo đại diện Bảo hiểm PTI, hiện công ty đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác như các gara, showroom xe hơi, ngân hàng…, để tăng sản lượng bán hàng. Đồng thời ký kết một số hợp đồng bảo hiểm công trình lớn, tuy vậy, rủi ro về dịch Covid quay trở lại đang đe dọa đến đà tăng trưởng của nghiệp vụ này. Hiện công ty cũng cân nhắc đến việc cắt giảm chi phí quản lý nhằm đảm bảo hiệu quả ở mức tối thiểu.

Trước đó, Bảo hiểm VNI, Bảo hiểm Bảo Minh và Mobifone đã ký kết hợp đồng bảo hiểm sức khỏe toàn diện. Theo đó, VNI và Bảo Minh sẽ cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe cho gần 4.000 cán bộ nhân viên của Mobifone từ năm 2020 đến 2022. Theo đại diện các DNBH, thỏa thuận hợp tác này mở ra cơ hội đem lại lợi ích chung cho cả 3 bên trong các hoạt động phát triển kinh doanh, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh, đồng thời mở rộng tệp khách hàng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu.

Đại diện Bảo hiểm PJICO cũng cho biết, năm 2020, PJICO đặt mục tiêu về doanh thu 3.468 tỷ đồng, lợi nhuận không thấp hơn 180,8 tỷ đồng. Để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh, một trong những giải pháp PJICO đặt ra là tiếp tục tận dụng tối đa các chương trình khuyến mại nhằm tăng trưởng doanh thu nghiệp vụ xe cơ giới, hàng hóa. Đồng thời, nghiên cứu, mở rộng quy mô, tăng thị phần đối với các địa bàn còn nhiều tiềm năng như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhằm duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Đại diện Bảo hiểm VNI cũng cho biết, VNI tiếp tục mở mới các đơn vị thành viên; hợp tác với nhiều kênh bán qua ngân hàng, trạm đăng kiểm, showroom, môi giới…; tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý như ứng dụng e-office, giám định bồi thường online (My VNI), thực hiện hóa đơn và giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử nhằm tiếp cận khách hàng, tăng trưởng doanh thu.

  1. Tin đào tạo

ABIC tập huấn bảo hiểm trâu bò cho nhân viên Agribank Bình Định

(ABIC) – Được sự chấp thuận của Agribank chi nhánh tỉnh Bình Định, ngày 25/7/2020, Bảo hiểm Agribank chi nhánh Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo kỹ năng bán hàng và tập huấn sản phẩm bảo hiểm Trâu Bò cho toàn thể cán bộ/đại lý viên thuộc Tổng đại lý.

Tham dự chương trình về phía Agribank có sự hiện diện của: Ông Nguyễn Xuân Hùng – Giám đốc cùng toàn thể Ban lãnh đạo và 150 học viên là cán bộ Agribank chi nhánh tỉnh Bình Định. Bà Lê Thị Huyền Vân – đại diện Ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank.

Về phía Bảo hiểm Agribank có sự hiện diện của Ông Đỗ Minh Hoàng – Phó Tổng Giám đốc, Ban Giám đốc Bảo hiểm Agribank chi nhánh Đà Nẵng cùng các Phòng/Ban chuyên môn.

Nội dung khóa học không phải là kỹ năng bán hàng bảo hiểm riêng biệt mà được thiết kế gắn liền với đặc thù hoạt động tín dụng của Agribank, các tình huống giả định do học viên tự đưa ra và xử lý nên rất gần gũi với hoạt động thực tiễn hàng ngày.

Chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng là kế hoạch dài hạn do Bảo hiểm Agribank xây dựng với mong muốn chung tay cùng hệ thống Agribank bổ sung các kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ/đại lý viên Agribank, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Agribank ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại. Chương trình được thực hiện bởi các giảng viên là chuyên gia cao cấp thuộc Tổ chức giáo dục – Học viện Doanh nhân PTI.

  1. Tin quốc tế

Châu Á: Mùa lũ lụt gây thiệt hại kinh tế 20 tỷ đô la Mỹ

(AIR) – Mặc dù bắt đầu Mùa Bão Đại Tây Dương sớm kỷ lục, nhưng các sự kiện thiên tai nghiêm trọng nhất đã được ghi nhận ở châu Á trong tháng Bảy. Ông Michal Lorinc, nhà phân tích thảm họa thuộc công ty Impact Forecasting của Aon, cho biết: mùa mưa bão hoạt động đã gây thiệt hại hơn 20 tỷ USD do lũ lụt ở các vùng của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Bangladesh chỉ trong tháng vừa rồi.

Ông nói thêm, “Dự kiến là phần lớn thiệt hại vật chất đối với tài sản, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp sẽ không được bảo hiểm – mà chỉ củng cố tầm quan trọng của việc phải tìm cách thu hẹp khoảng cách bảo vệ trong khu vực. Việc sử dụng các công cụ như mô hình thảm họa có thể giúp hỗ trợ xác định các khu vực có nguy cơ cao nhất ”.

Hơn nữa, lượng mưa theo mùa dai dẳng đã làm tình hình lũ lụt trên lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn trong tháng, với số người chết kể từ ngày 1 tháng 6 tăng lên ít nhất 175 người, do lũ lụt trên diện rộng ảnh hưởng đến các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất như An Huy, Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh. Đó là những thông tin trong ấn bản mới nhất của báo cáo Sơ đồ Thảm họa Toàn cầu hàng tháng, đánh giá tác động của các sự kiện thiên tai xảy ra trên toàn thế giới trong tháng 7 năm 2020, do Aon phát hành.

Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp (MEM) cho biết, gần 500.000 ngôi nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy và 5,2 triệu ha đất trồng trọt bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế trực tiếp theo mùa ước tính lên tới 150 tỷ CNY (22 tỷ USD), trong đó gần 16 tỷ USD xảy ra vào tháng 7. Hầu hết các tổn thất được dự đoán là không có bảo hiểm.

Các sự kiện thiên tai khác xảy ra ở Châu Á Thái Bình Dương vào tháng 7 bao gồm:

Lượng mưa kỷ lục gây ra lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng khắp miền nam Nhật Bản từ ngày 3-10/7, khiến ít nhất 82 người thiệt mạng và 114 người khác bị thương. Thiệt hại do lũ lụt gây ra nặng nề nhất trên đảo Kyushu vì hàng chục tỉnh đã báo cáo mức độ thiệt hại vật chất khác nhau đối với nhà cửa, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Thảm họa này đã khiến chính phủ liên bang phải khắc phục thiệt hại với số tiền gần 4 tỷ đô la.

Mưa kỷ lục, được Cơ quan Khí tượng New Zealand mô tả là sự kiện có một trong 500 năm, gây ra lũ quét và lở đất ở miền bắc và miền tây New Zealand vào ngày 17-18 tháng 7. Hàng nghìn ngôi nhà và một vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở Northland bị ngập lụt. Chính quyền địa phương của New Zealand dự kiến mức thiệt hại trực tiếp và thiệt hại kinh tế lên đến nhiều triệu đô la.

Aon là công ty dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới cung cấp một loạt các giải pháp về rủi ro, hưu trí và sức khỏe.

Nepal bảo hiểm COVID-19 miễn phí cho công chức chính phủ

(AIR) – Beema Samiti (Hội đồng Bảo hiểm Nepal) mới đây đưa ra chương trình bảo hiểm COVID-19 dành cho nhân viên chính phủ, đây là nội dung đã được chính phủ công bố trong ngân sách tài chính cho năm 2020.

Theo chương trình này, nhân viên chính phủ là công dân Nepal sẽ được bảo hiểm miễn phí và gia đình của họ sẽ được trợ cấp 50% phí khi mua bảo hiểm COVID-19.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Chiranjibi Chapagain, Chủ tịch Beema Samiti, nói rằng khoản trợ cấp 50% chỉ có thể được áp dụng nếu tất cả các thành viên trong gia đình đều được bảo hiểm tập thể, họ phải nộp bản tự khai và các tài liệu có xác nhận của chính quyền địa phương liên quan về việc chưa bị nhiễm virus. Đồng thời phải tuân thủ tất cả các thủ tục liên quan đến hệ thống đánh giá rủi ro theo quy định trong tiêu chuẩn bảo hiểm virus Corona năm 2020.

Chương trình bảo hiểm được cung cấp theo hai loại với số tiền bảo hiểm là 835 USD và 418 USD, với số phí tương ứng là 8 USD và 4 USD. Đối với bảo hiểm toàn gia đình, phí bảo hiểm được trợ cấp là 5 USD mỗi người cho số tiền bảo hiểm 835 USD và 2,5 USD mỗi người cho số tiền bảo hiểm 418 USD.

Việc giải quyết bồi thường được thực hiện trong vòng bảy ngày kể từ ngày yêu cầu bồi thường nếu người được bảo hiểm có kết quả xét nghiệm dương tính với virus từ các xét nghiệm PCR được thực hiện tại một trong các phòng thí nghiệm được Bộ Y tế và Dân số công nhận. Trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong, số tiền bảo hiểm sẽ được trả cho người thân hoặc người thụ hưởng được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm.

AXA ghi nhận hơn 1 tỷ đô la bồi thường bảo hiểm COVID-19

(AIR) – AXA đã ghi nhận 1,5 tỷ EUR (1,78 tỷ USD) đối với các yêu cầu bồi thường COVID-19 trong nửa đầu năm nay, phù hợp với các dự báo trước đó của hãng.

“Tác động của COVID-19 đối với thu nhập của AXA phù hợp với dự kiến trước đây của chúng tôi. Các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là ở AXA XL. Phần còn lại của Tập đoàn đã có khả năng phục hồi, do tác động từ tổn thất do COVID-19 phần lớn được bù đắp bởi tần suất hoạt động thấp hơn của xe cơ giới và tốc độ tăng trưởng trong bảo hiểm sức khỏe và quản lý tài sản”, Giám đốc điều hành AXA Thomas Buberl cho biết.

Tập đoàn cũng báo cáo rằng thu nhập ròng của họ giảm 39% xuống 1,4 tỷ EUR với thu nhập điều chỉnh giảm 51% xuống 2 tỷ EUR, phản ánh thu nhập cơ bản thấp hơn cũng như mức độ suy giảm cao hơn trong bối cảnh thị trường tài chính biến động liên quan đến COVID-19.

Thu nhập cơ bản của AXA giảm 48% xuống 1,9 tỷ EUR chủ yếu do: Bảo hiểm P&C (-72%) chủ yếu do tác động của các tuyên bố liên quan đến Covid-19; và Nhân thọ và Tiết kiệm (-9%) chủ yếu liên quan đến việc mở rộng phạm vi bảo hiểm thương tật trong bối cảnh COVID-19 và việc giảm tỷ lệ chiết khấu hàng năm.

Do tác động ước tính của COVID-19 đối với thu nhập của công ty vào năm 2020, ban lãnh đạo của AXA đã rút lại mục tiêu thu nhập cơ bản/cổ phiếu theo chương trình Ambition 2020 và điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, đồng thời duy trì tỷ lệ Khả năng thanh toán II và mục tiêu dòng tiền tự do.

Hồng Kông: xét nghiệm COVID-19 được bổ sung vào hợp đồng bảo hiểm du lịch

(AIR) – Để giảm bớt nỗi lo lắng về COVID-19 của những du khách đến Trung Quốc đại lục từ Hồng Kông, Công ty bảo hiểm Avo Insurance đã giới thiệu các kế hoạch bảo vệ du lịch mới cho những người cần đến đại lục.

Các gói bảo hiểm mới – ‘GBA Travel Protection’ và ‘China Travel Protection’ – cung cấp bảo hiểm cho tai nạn, y tế khẩn cấp và các dịch vụ liên quan trong suốt chuyến đi với phí bảo hiểm bắt đầu từ 8 HKD (1 USD) và 36 HKD.

Theo bà Winnie Wong, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Avo Insurance, công ty bảo hiểm cũng đã giới thiệu các dịch vụ tùy chọn vào các kế hoạch bảo vệ du lịch mới của mình để đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch hiện hành. Điều này sẽ cho phép các chủ hợp đồng tùy chỉnh phạm vi bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của họ.

Do đó, chủ hợp đồng của các gói bảo hiểm mới đủ điều kiện để bổ sung thêm các quyền lợi bao gồm xét nghiệm PCR thời gian thực đối với COVID-19 được cung cấp bởi Phòng khám Y tế CUHK (Phòng khám CU) và được bổ sung bởi quyền lợi bổ sung miễn phí ‘Bảo vệ bệnh do virus Corona’ của Avo. Các lợi ích tùy chọn sẽ có giá tổng cộng là 950 HKD.

Các chủ hợp đồng lựa chọn các quyền lợi tùy chọn phải sắp xếp một cuộc hẹn với Phòng khám CU để làm xét nghiệm PCR trước khi khởi hành.

Báo cáo kết quả xét nghiệm sẽ được gửi bởi một tổ chức xét nghiệm COVID-19 địa phương được chính quyền Hồng Kông công nhận sau một đến hai ngày làm việc kể từ ngày nộp mẫu.

Trong trường hợp chủ hợp đồng có kết quả dương tính với COVID-19, họ có thể được bồi thường viện phí trị giá 10.000 HKD trong thời gian bảo hiểm 30 ngày của chương trình ‘Bảo vệ bệnh do virus Corona’ bắt đầu từ ngày khởi hành.

“Chúng tôi hy vọng cung cấp sự an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là những người phải đến thăm Trung Quốc đại lục để làm việc hoặc trường hợp khẩn cấp, và cho phép họ đi du lịch một cách an tâm. Là công ty bảo hiểm phi nhân thọ online đầu tiên tại Hồng Kông, Avo sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi phát triển của COVID-19 và cung cấp bảo hiểm để hỗ trợ sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và các ngành khác, ”bà Wong nói.

Chubb báo lỗ sau Quý II đầy khó khăn

(INN) – Chubb đã báo cáo khoản lỗ trong quý hai là 331 triệu đô la Mỹ chủ yếu do tổn thất liên quan đến virus Corona được đề cập đến từ tháng trước.

Kết quả này đánh dấu sự thay đổi so với khoản lợi nhuận cùng kỳ năm trước là 1,15 tỷ USD.

Ông Evan Greenberg, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chubb, nói: “Đây là một quý khó khăn đối với Chubb khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cả thu nhập và tăng trưởng của chúng tôi, đồng thời làm lu mờ sức mạnh và sức sống cơ bản cốt lõi của công ty”.

Tỷ lệ hoạt động kết hợp tài sản và thiệt hại tăng lên 112,3% so với mức 90,1% do bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản phí liên quan đến COVID sau thuế là 1,2 tỷ USD.

Phí bảo hiểm ròng bảo hiểm P&C giảm 0,4% xuống còn 7,7 tỷ đô la Mỹ cho dù nghiệp vụ bảo hiểm thương mại tăng 9,1%, do tác động của virus và sự giảm sút hoạt động tiêu dùng.

Ông Greenberg nói: “Các nghiệp vụ bảo hiểm tiêu dùng bao gồm tai nạn và sức khỏe, du lịch và các nghiệp vụ cá nhân, bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động của người tiêu dùng và phí bảo hiểm ròng giảm hơn 6%”.

Chubb cho biết họ đang tăng cường sự hiện diện và thị phần bảo hiểm thương mại để tận dụng lợi thế của việc cải thiện điều kiện, với tỷ lệ phí nhiều loại sản phẩm đang tăng lên ở Bắc Mỹ và trong các hoạt động quốc tế.

Ông Greenberg nói: “Những điều kiện thị trường khó khăn này đang lan rộng trên toàn cầu đến nhiều vùng lãnh thổ và loại hình bảo hiểm với tốc độ khác nhau. Đây là phản ứng hợp lý với điều kiện thị trường ngành cạnh tranh quá mức kéo dài và tình trạng chi phí tổn thất”.

Tính đến hết 6 tháng đầu năm, Chubb báo lỗ 79 triệu USD so với lợi nhuận 2,19 tỷ USD một năm trước đó.

Phát hành trái phiếu thảm họa năm 2020 đã tăng 20%

(INN) – Báo cáo cập nhật mới đây của Aon cho biết, quy mô phát hành chứng khoán liên kết bảo hiểm (ILS) đã tăng mạnh sau khi sụt giảm vào năm ngoái.

Tổng cộng đã có 2,8 tỷ đô la Mỹ trái phiếu thảm họa tài sản được phát hành trong quý 2, nâng tổng số phát hành cả năm lên đến 6,5 tỷ đô la Mỹ.

Con số này đã tăng 20% so với 5,4 tỷ USD chào bán thành công của cả năm ngoái, khi những cơn bão lớn trên toàn cầu và cháy rừng ở California gây ra lo ngại về giá phát hành.

Aon nhận định: “Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động trong hai quý tới khi nhiều trái phiếu đến thời điểm đáo hạn”.

“Tốc độ phát hành mới đều đặn trong quý này, mặc dù có một thời gian ngắn bị gián đoạn do sự biến động từ COVID-19, là một lời nhắc nhở tuyệt vời về khả năng phục hồi của thị trường này.”

Aon cho biết các nhà đầu tư đã yêu cầu đưa các từ ngữ loại trừ xung quanh đại dịch và các định nghĩa cụ thể hơn, đặc biệt là xung quanh thuật ngữ “các mối nguy hiểm khác” vào các giao dịch trong tương lai để giảm thiểu sự không chắc chắn tiềm ẩn.

Bảo hiểm M&A vẫn tăng trưởng cho dù giá trị giao dịch M&A giảm 30%

(INN) – Sự lây lan của virus Corona đã gây ra hậu quả tiêu cực đối với hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu trong quý I và thậm chí còn có thể mạnh hơn đối với quý II khi tác động toàn diện của tình trạng phong tỏa đối với các giao dịch đang trở nên rõ ràng hơn.

Báo cáo mới nhất của Aon có tựa đề M&A Risk in Review cho biết, giá trị và khối lượng thương vụ quý đầu tiên đều giảm khoảng 30% so với ba tháng cuối năm ngoái.

Theo nhận định của Aon, bất chấp sự suy thoái đáng kể, các giao dịch vẫn tiếp tục được thực hiện, và khi các quốc gia và doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại sau khi đóng cửa, thị trường có thể sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.

Ông Matthew Heinz, Trưởng phòng Thực hành Giải pháp Giao dịch của Aon cho biết: “Cơ hội mua vẫn tồn tại nhưng sẽ cần mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn khi người mua trở nên ít chắc chắn hơn về việc định giá”.

Ông Heinz cho biết thị trường vào cuối năm 2020 và vào năm 2021 có thể sẽ được đặc trưng bởi các giao dịch “đau khổ” và bảo hiểm M&A sẽ trở thành một trụ cột ngày càng mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho những giao dịch này.

Giá trị của bảo hiểm M&A trong bối cảnh nền kinh tế không chắc chắn và các giao dịch gặp khó khăn sẽ khiến nó trở thành yếu tố then chốt khi khối lượng giao dịch bắt đầu phục hồi, ông nói.

Tác động của COVID-19 đối với các giao dịch M&A lớn vào năm 2020 có thể khiến số lượng các hợp đồng bảo hiểm Đại diện và Bảo đảm trong năm giảm xuống dưới mức năm 2019, mặc dù các đơn về thuế, kiện tụng và dự phòng vẫn có cơ sở để tăng trưởng, Aon nhận định.

Bảo hiểm M&A đã trở thành một thành phần quan trọng trong thị trường M&A đến mức tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm sẽ vẫn cao ngay cả khi số lượng giao dịch thực tế bị đình trệ.

Prudential bắt đầu thoái vốn tại Hoa Kỳ, tập trung vào châu Á, châu Phi

(IAN) – Tập đoàn Prudential dự định thoái vốn công ty con Jackson tại Hoa Kỳ bắt đầu bằng một đợt IPO cổ phần thiểu số được lên kế hoạch vào nửa đầu năm 2021, sau đó là thoái vốn toàn bộ trong tương lai.

Công ty đã bắt đầu quá trình này vào tháng 6 khi bán 11% cổ phần của Jackson cho Athene do Apollo bảo lãnh phát hành, định giá doanh nghiệp vào khoảng 4,5 tỷ đô la Mỹ.

Tập đoàn dự kiến, tiếp theo đợt IPO cổ phần thiểu số sẽ bán bớt trong tương lai theo thời gian, tùy thuộc vào điều kiện thị trường, với số tiền thu được được sử dụng để “tăng tính linh hoạt tài chính” để đầu tư thêm vào các doanh nghiệp châu Á và châu Phi.

Third Point, một trong những cổ đông của Prudential, đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động này.

Thông báo về kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 của Prudential cho thấy lợi nhuận hoạt động điều chỉnh 6 tháng đầu năm khu vực châu Á tăng 14%, với mức tăng trưởng lợi nhuận hoạt động đã điều chỉnh ở mức hai con số ở 9 thị trường châu Á. Tổng lợi nhuận hoạt động trong 6 tháng đầu năm là 2,5 tỷ USD, cao hơn mức dự báo trước đó là 2,4 tỷ USD, tuy nhiên lợi nhuận ròng giảm 73% xuống còn 534 triệu USD.

Ông Mike Wells, Tổng Giám đốc Tập đoàn Prudential, cho biết: “Chúng tôi đã đạt được kết quả hoạt động bền bỉ trong nửa đầu năm, bất chấp môi trường kinh doanh mới đầy thách thức, có thể sẽ kéo dài trong phần còn lại của năm và lãi suất tiếp tục giảm.”

Ông Wells (trong ảnh) tiếp tục: “Hội đồng quản trị của Prudential đã quyết định theo đuổi việc tách toàn bộ và thoái vốn khỏi Jackson để cho phép tập đoàn tập trung hoàn toàn vào các doanh nghiệp châu Á và châu Phi đang tăng trưởng cao. Điều này sẽ dẫn đến việc hai công ty niêm yết riêng biệt với các đề xuất đầu tư khác nhau, mà chúng tôi tin rằng sẽ dẫn đến kết quả chiến lược được cải thiện cho cả hai doanh nghiệp ”.

Tập đoàn sẽ niêm yết sơ cấp ở cả Luân Đôn và Hồng Kông (cổ phiếu của Prudential Hồng Kông tăng 3,3% lên 128,4 đô la Hồng Kông vào ngày 11 tháng 8 sau thông báo) và niêm yết thứ cấp ở Singapore và Mỹ. Jackson dự kiến sẽ chỉ được niêm yết tại Mỹ.

Nếu các điều kiện thị trường không ủng hộ IPO, việc tách ra sẽ được thực hiện thông qua việc phân chia cổ phần của Tập đoàn tại Jackson cho các cổ đông hiện tại. Tuy nhiên, trước đó, Tập đoàn phải đạt được sự chấp thuận của cổ đông hiện tại.

Prudential cũng cho biết họ sẽ áp dụng một chính sách cổ tức mới phù hợp với chiến lược tăng trưởng Châu Á và Châu Phi cũng như dự định tách Jackson; chính sách mới sẽ được áp dụng với hiệu lực ngay lập tức.

BTV (Tổng hợp).