Doanh nghiệp bảo hiểm phải bổ sung đủ vốn điều lệ trước 01/01/2028; Bảo Việt ra mắt Bảo hiểm xe ôtô ứng dụng công nghệ số; Ping An tiết lộ tác động của việc chuyển đổi sang IFRS 17
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Bảo hiểm Xuân Thành tạm ứng bồi thường vụ ô tô chở khách Trung Quốc lật tại Khánh Hòa
(XTI) – Ngày 21/07/2023, đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành đã đến thăm hỏi và chi số tiền tạm ứng bồi thường 400 triệu theo hợp đồng bảo hiểm TNDS cho chủ xe trong vụ tai nạn xe Ôtô chở 23 người từ Đà Lạt tới Nha Trang bị lật trên tại đèo Khánh Lê. Vụ tai nạn đã khiến 04 du khách quốc tịch Trung Quốc tử vong, 09 người bị thương.
15h30 ngày 18/07/2023, ôtô 29 chỗ mang biển số Hà Nội do ông Hồ Ngọc Hưng, 58 tuổi, ngụ quận 1 (TP HCM) cầm lái, chở đoàn khách du lịch (2 hướng dẫn viên và 20 du khách) chạy trên quốc lộ 27, hướng từ Đà Lạt về Nha Trang. Khi qua xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh xe bất ngờ bị lật. Ôtô khách trượt đoạn dài, phần đầu nghiêng về một bên đường, bị biến dạng. Nhiều người bị kẹt trong xe hoảng loạn, kêu cứu. Một số nạn nhân xây xước khắp cơ thể, đập cửa xe để thoát ra ngoài. Tai nạn làm 4 du khách Trung Quốc chết (chưa rõ danh tính).
Ngay khi nhận được thông tin về vụ tai nạn nghiêm trọng, Bảo hiểm Xuân Thành Sài Gòn – Công ty trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành, đơn vị cấp đơn bảo hiểm TNDS ô tô – đã phối hợp cùng Chủ xe, chính quyền địa phương kịp thời động viên, chia sẻ mất mát cùng gia đình người không may bị tai nạn và hoàn thiện hồ sơ bồi thường.
Chỉ sau 01 ngày làm việc, Ban điều hành của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành đã quyết định ban hành công văn đồng ý chi ngay lập tức số tiền 400 triệu đồng tạm ứng bồi thường cho khách hàng của mình, giúp chủ phương tiện vơi bớt nỗi lo, nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bảo hiểm TNDS chủ xe ô tô là “lá chắn” không thể thiếu đối với người tham gia giao thông, Bảo hiểm Xuân Thành sẽ thay mặt chủ xe thực hiện chi trả bồi thường thiệt hại về người và tài sản cho người thứ 3 khi không may xảy ra rủi ro. Khi tham gia Bảo hiểm TNDS xe ô tô, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người: 150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Với quyền lợi thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sản phẩm Bảo hiểm TNDS chủ xe ô tô của Bảo hiểm Xuân Thành đã và đang trở thành một giải pháp bảo vệ toàn diện, hỗ trợ về mặt tài chính cho khách hàng trong trường hợp không may xảy ra những rủi ro không đáng có.
- Một vòng doanh nghiệp
BAOVIET GO ra mắt – Bảo hiểm xe ôtô ứng dụng công nghệ số lần đầu tiên tại Việt Nam
(TBTCO) – Bảo hiểm Bảo Việt chính thức ra mắt Chương trình bảo hiểm vật chất ôtô ứng dụng công nghệ quản lý hành trình hiện đại Telematics với tên gọi BAOVIET GO.
Đây là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực bảo hiểm ôtô hướng tới việc đảm bảo an toàn cho lái xe thông qua ứng dụng công nghệ và là 1 trong những hoạt động hướng tới 60 năm ngày thành lập Bảo Việt.
Trong một nghiên cứu tại Mỹ, việc áp dụng phần mềm quản lý hành trình đã giảm tới 30% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến tốc độ và lạng lách. Các hãng xe nổi tiếng như Tesla, BMW và Mercedes-Benz đã tích hợp phần mềm tương tự trong các dòng xe cao cấp và kết quả đạt được cho thấy sự hiệu quả và tính ổn định của công nghệ này.
Tại một số quốc gia, phần mềm quản lý hành trình đã giúp giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, cải thiện tư thế lái xe cũng như tăng cường sự an toàn cho người lái và hành khách. Công nghệ hỗ trợ lái ôtô cũng ngày càng được nâng cấp và ứng dụng rộng rãi nhằm giúp chủ xe thêm vững tâm điều khiển xe với những trải nghiệm vượt trội.
Song hành cùng xu thế mới, Bảo hiểm Bảo Việt tiên phong triển khai BAOVIET GO – sự kết hợp hoàn hảo giữa bảo hiểm vật chất ôtô và ứng dụng quản lý hành trình công nghệ Telematics trong quản lý hành trình để mang lại những trải nghiệm lái xe an tâm trên mọi chuyến đi.
Bên cạnh quyền lợi bảo vệ như sản phẩm truyền thống, khách hàng sẽ được trang bị một công cụ mạnh mẽ để giám sát và quản lý hành trình lái xe của mình một cách thông minh và an toàn. Phần mềm quản lý hành trình của BAOVIET GO được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hỗ trợ khách hàng chủ động theo dõi và ghi lại các thông tin quan trọng về hành trình, bao gồm tốc độ, quãng đường, thời gian và thậm chí cả các yếu tố về trạng thái sức khoẻ, tinh thần của người lái xe khi lưu thông trên đường.
Theo đó, ứng dụng BAOVIET GO thông qua sự kết hợp của nhiều thiết bị, cảm biến phương tiện và hệ thống điều khiển dữ liệu sẽ cho phép truyền thông tin qua mạng không dây và tích hợp đánh giá hành trình lái xe an toàn của người điều khiển phương tiện. Lái xe sẽ nhận được thông báo đánh giá sau mỗi chuyến đi, cộng điểm hoặc trừ điểm sẽ dựa vào 5 tiêu chí đánh giá: Tốc độ, an toàn, thời gian; tinh thần; tập trung…
Dễ dàng nhận thấy, ứng dụng công nghệ BAOVIET GO không chỉ giúp người dùng quản lý hành trình một cách tiện lợi, nhắc nhở lái xe về việc tuân thủ giao thông mà còn tạo ra thói quen, nhận thức lái xe an toàn hướng tới cuộc sống bình an trong cộng đồng.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi giới thiệu BAOVIET GO, một chương trình bảo hiểm ôtô vật chất ứng dụng công nghệ quản lý hành trình thông minh với nhiều đột phá mới. Lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt Nam với bảo hiểm ôtô ứng dụng công nghệ, Bảo hiểm Bảo Việt mang đến những trải nghiệm phong phú và ưu việt hơn cho người dùng trên chính chiếc xe của mình để có những hành trình an toàn. Đồng thời, đây cũng là cách để bạn tham gia vào một cộng đồng lái xe an toàn vì bản thân và cộng đồng.”
Bảo hiểm vật chất ôtô ứng dụng công nghệ quản lý hành trình BAOVIET GO của Bảo hiểm Bảo Việt chính thức được ra mắt ngày 19/07/2023 với nhiều đặc quyền dành riêng cho khách hàng: Tiên phong trải nghiệm ứng dụng công nghệ Telematics; đo lường kỹ năng lái xe an toàn bằng AI; phí bảo hiểm cạnh tranh.
Đây là chương trình bảo hiểm theo hành vi lái xe (Pay how you drive), phí bảo hiểm được tính dựa trên cách bạn lái xe khi đi trên đường, bạn lái xe càng tốt và an toàn, bạn càng tiết kiệm được phí bảo hiểm phải thanh toán. Với công nghệ Telematics, BAOVIET GO sẽ tự động tính toán điểm lái xe an toàn của khách hàng hướng dẫn khách hàng nâng cao khả năng lái xe an toàn để nhận được số tiền giảm phí lớn nhất khi tái tục trong năm tiếp theo.
Trong tương lai, cuộc sống số hóa trong mọi mặt sẽ là đích đến và trở nên phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Sự kết hợp của bảo hiểm vật chất ôtô ứng dụng quản lý hành trình BAOVIET GO sẽ là bước tiến chuyển dịch của bảo hiểm tương lai, không chỉ mang lại lợi ích tối ưu cho người dùng, gia tăng trải nghiệm công nghệ và xây dựng thói quen lái xe an toàn.
Với BAOVIET GO, Bảo hiểm Bảo Việt mang đến một giải pháp tiên tiến và toàn diện cho việc bảo vệ và quản lý an toàn vật chất ôtô, hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo ra một môi trường lái xe an toàn hơn cho tất cả mọi người. Trải nghiệm hành trình số hoá với bảo hiểm vật chất ôtô ứng dụng công nghệ BAOVIET GO góp phần xây dựng một cộng đồng lái xe văn minh hơn, an toàn hơn…
BSH quyết tâm hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023
(BSH) – Ngày 21/7 tại Đà Lạt, Bảo hiểm BSH tổ chức Hội nghị Sơ kết kinh doanh 6 tháng đầu năm & triển khai kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023″ với thông điệp “Bền ý chí – Vững thành công”.
Tham dự sự kiện có Chủ tịch HĐQT BSH ông Đỗ Quang Vinh, Ông Kim Kang Wook – Giám đốc bảo hiểm DBI Việt Nam, Ban Điều hành, Lãnh đạo các Đơn vị thành viên (ĐVTV) và Ban tại Trụ sở chính (TSC) cùng các cán bộ nhân viên (CBNV) đại diện của hệ thống.
2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo hiểm BSH, đánh dấu hành trình 15 năm chuyển mình và phát triển của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Dù chịu ảnh hưởng do nền kinh tế chậm phục hồi sau đại dịch, nhưng với những nỗ lực của tập thể, Bảo hiểm BSH vẫn từng bước theo đuổi kiên trì những mục tiêu đã đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BSH ghi nhận kết quả tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.549,9 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kì năm 2022, đạt 40,9 % kế hoạch năm 2023. Trong đó nghiệp vụ BH TSKT & HH tăng trưởng 18,6%; BH xe cơ giới tăng trưởng 3%; BH con người tăng trưởng 7%. Tỷ lệ bồi thường ô tô giảm 3,54% so với cùng kỳ.
Những thành quả ghi nhận trên là kết quả của sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của hơn 1,600 CBNV trên hành trình khẳng định vị thế thương hiệu BSH. Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch HĐQT đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể CBNV BSH và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ BSH trong các chặng đường tiếp theo.
Các báo cáo tại hội nghị của BSH cho biết, trong bối cảnh lạm phát kinh tế và bất ổn chính trị trên thế giới cùng với tình hình thực tế của kinh tế Việt Nam, 6 tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn thách thức nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội.
Về phương hướng hoạt động trong 6 tháng cuối năm, BSH nhấn mạnh các mục tiêu trọng tâm của BSH như: đảm bảo tăng trưởng doanh thu gắn với hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, BSH sẽ tăng cường mở rộng, phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.
Bên cạnh báo cáo tóm tắt được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, cùng nhau chia sẻ các công việc chung và thảo luận sôi nổi để rút ra các bài học kinh nghiệm, cũng như đề xuất các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2023, hướng tới hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2023.
Cũng tại buổi lễ, các tập thể, cá nhân xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 được Ban Lãnh đạo BSH trao tặng bằng khen, ghi nhận nỗ lực phát triển kinh doanh của cá nhân và tập thể, góp công xây dựng BSH có được vị thế Top 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thị trường.
Trong tối cùng ngày, BSH đã tổ chức sự kiện Gala Dinner với thông điệp “Bền ý chí– Vững thành công”. Chủ đề đêm Gala lấy cảm hứng từ hình ảnh “Ouroboros” – “Vô cực” là một khái niệm mô tả sự vô hạn và trường tồn, gợi liên tưởng tới hành trình 15 năm đầy đam mê và nhiệt huyết vô tận của những con người BSH, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh đồng hành “không điểm dừng” với khách hàng và cộng đồng.
Bảo Minh sơ kết kinh doanh 06 tháng đầu năm 2023
(BMI) – Chiều ngày 21/07/2023, tại FLC Luxury Resort Quy Nhơn, Bình Định, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) đã tổ chức thành công Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2023, với sự tham gia của Hội Đồng Quản Trị, Ban Kiểm Soát, Ban Điều Hành cùng toàn thể lãnh đạo các Ban, Phòng, Trung tâm Trụ sở chính và các đơn vị thành viên trong hệ thống Bảo Minh.
Khai mạc Hội nghị, Ông Vũ Anh Tuấn – Bí Thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc đánh giá tình hình kinh tế 06 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đan xen nhiều thách thức và cơ hội, tuy diễn ra trong bối cảnh nhiều khó khăn hơn là thuận lợi: chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt,…nền kinh tế nước ta vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng nhờ vào việc Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn lại hoạt động của thị trường bảo hiểm những tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117 nghìn tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 35,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Việc sụt giảm doanh thu chung của toàn ngành, một phần do khó khăn kinh tế sau dịch, mặt khác, những thông tin không có lợi cho thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua khiến người dân hoang mang và mất niềm tin vào bảo hiểm. Tuy nhiên dưới sự ủng hộ của các cổ đông, các quý khách hàng và đối tác, sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của HĐQT, sự đồng thuận trong BĐH cũng như sự đóng góp của toàn hệ thống, Bảo Minh vẫn đạt được những kết quả hết sức khả quan:
Tới hết Quý 2/2023, Bảo Minh đã đạt tổng doanh thu là 3.154 tỷ đồng, tăng trưởng 8,33% so với cùng kỳ và đạt 46,73% KH HĐQT giao; trong đó tốc độ tăng trưởng doanh thu phí Bảo hiểm gốc của Bảo Minh đạt con số 8,13%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng chung của toàn thị trường là 3,3%.
Cũng tại hội nghị, các Đại biểu tham dự lần lượt báo cáo chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, từ đó đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình hoạt động, đưa ra các biện pháp thực hiện kinh doanh để Hội nghị cùng nhau thảo luận, nhằm phát huy những thành tích đã đạt được trong nửa đầu năm 2023 và khắc phục những tồn tại, góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh giai đoạn 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đại hội đồng cổ đông giao phó.
Trên cơ sở các nội dung thảo luận tại Hội nghị, ông Đinh Việt Tùng – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Chủ tịch HĐQT Bảo Minh cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả vô cùng đáng khích lệ mà tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Bảo Minh đã đạt được trong 06 tháng đầu năm 2023, đồng thời, trước tình hình hoạt động bảo hiểm ngày càng được xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm như hiện nay, ông Đinh Việt Tùng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, rà soát, lành mạnh hóa hoạt động trong toàn hệ thống, đẩy mạnh công tác đào tạo, phổ biến, quán triệt việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật nội bộ, tuân thủ các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, thay mặt HĐQT, ông Đinh Việt Tùng cũng tin tưởng và hi vọng Bảo Minh vẫn tiếp tục giữ vững hình ảnh, uy tín, vị thế trên thị trường, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với kết quả tốt nhất.
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Điều Hành, ông Vũ Anh Tuấn đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của CT.HĐQT, đồng thời, động viên toàn thể cán bộ nhân viên cùng các đại lý của Bảo Minh không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt những mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Bảo hiểm Quân đội trao giải đặc biệt Nhẫn vàng DOJI cho khách hàng tham gia chương trình “Vạn quà hay – Trúng ngay mỗi tuần”
(MIC) – Ngày 20/7, Bảo hiểm Quân đội đã trao giải đặc biệt 01 Nhẫn vàng Doji chương trình Quay số may mắn “Vạn quà hay – Trúng ngay mỗi tuần” – Tuần 2 cho khách hàng Nguyễn Thị Nga tại Hà Nội.
Với mong muốn gia tăng trải nghiệm, đưa bảo hiểm số đến gần hơn với khách hàng hướng tới phát triển hệ sinh thái số đa dạng, toàn diện, thân thiện với người dùng và mang đến những giải pháp bảo vệ toàn diện. Sau một thời gian ra mắt Ứng dụng MIC phiên bản nâng cấp, Bảo hiểm Quân đội đã đón nhận sự quan tâm và tin tưởng của đông đảo quý khách. Trong dịp này, Chương trình “Vạn quà hay – Trúng ngay mỗi tuần” với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng diễn ra từ ngày 23/6 đến hết ngày 17/8/2023 mang đến cho khách hàng cơ hội nhận thưởng hấp dẫn.
Tại buổi nhận thưởng, chị Nguyễn Thị Nga cũng chia sẻ: “Với đặc thù làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nền tôi rất quan tâm đến giải pháp bảo hiểm sức khỏe cho người thân trong gia đình và cũng được người thân, bạn bè giới thiệu về MIC Care của Bảo hiểm Quân đội. Trong dịp này tôi có tìm hiểu để mua bảo hiểm sức khỏe cho năm 2023 và biết đến chương trình quay số may mắn trên fanpage của MIC. Qua tìm hiểu thì MIC hiện nay có ứng dụng rất thuận tiện để có thể chủ động mua bảo hiểm, mức phí cũng rất hợp lý. Tôi đã đăng ký 3 gói bảo hiểm cho gia đình mình đồng thời cũng may mắn khi nhận được mã dự thưởng và trở thành người may mắn nhận giải đặc biệt của tuần.”
Đại diện Bảo hiểm số MIC, Ông Lê Văn Quân cho biết: MIC rất vui khi được đồng hành cùng các khách hàng và mang đến các giải pháp bảo vệ cần thiết trong cuộc sống như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà tư nhân. Hiện nay ứng dụng MIC được tích hợp nhiều tiện ích như theo dõi & tra cứu cơ sở y tế bảo lãnh, quản lý hồ sơ, thẻ điện tử,…. hướng tới trở thành ứng dụng gần gũi của mọi gia đình Việt.
Trải qua 3 tuần triển khai, chương trình “Vạn quà hay – Trúng ngay mỗi tuần” đã thu hút hơn 3000 khách hàng tham dự. Các sản phẩm bảo hiểm triển khai trên App MIC áp dụng chương trình khuyến mại gồm:Bảo hiểm sức khỏe MIC Care, Bảo hiểm vật chất ô tô, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm ung thư.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ theo quy định trước ngày 01/01/2028
(ĐTCK) – Theo quy định mới về kinh doanh bảo hiểm, vốn điều lệ của các doanh nghiệp cả nhân thọ và phi nhân thọ đều tăng lên so với quy định hiện hành.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó quy định về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, Điều 35 của Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định, đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 750 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí, vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng. Cụ thể, kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 450 tỷ đồng; Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh, vốn điều lệ tối thiểu 500 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, mức vốn điều lệ tối thiểu là 400 tỷ đồng.
Đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm: Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu là 500 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 900 tỷ đồng; Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe, vốn điều lệ tối thiểu 1.400 tỷ đồng.
Theo quy định mới, đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày 01/7/2023 có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu quy định nêu trên thì trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.
Báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, năm 2022, có 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn điều lệ, với tổng số vốn tăng thêm là 8.935 tỷ đồng. Trong đó, AIA tăng 5.000 tỷ đồng, Dai-ichi tăng 2.100 tỷ đồng, FWD tăng 1.585 tỷ đồng và Phú Hưng tăng 250 tỷ đồng. Với lần tăng vốn thứ 9 kể từ khi thành lập, vốn điều lệ của Dai-ichi Life Việt Nam hiện đạt 9.800 tỷ đồng. Trong khi đó, FWD đã nâng quy mô vốn điều lệ lên hơn 18.500 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, cao hơn so với mức quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm mới. Các doanh nghiệp đang có mức vốn điều lệ cao nhất khối nhân thọ hiện nay có thể kể đến Manulife, FWD, Sun Life, Dai-ichi Life, Generali…
Đối với khối phi nhân thọ, đến hết năm 2022, toàn thị trường có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm đang hoạt động. Nếu theo quy định về mức vốn điều lệ mới thì có khoảng 10 doanh nghiệp bảo hiểm từ nay đến trước ngày 01/01/2028 sẽ phải hoàn thành bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định từ 400 tỷ đồng trở lên tùy theo loại hình kinh doanh. Được biết, các doanh nghiệp phi nhân thọ đang có vốn điều lệ nằm trong nhóm lớn nhất khối phi nhân thọ hiện nay (từ 1.000 tỷ trở lên) có thể kể đến: Bảo Việt, PVI, bảo hiểm HD, Liberty, BSH.
Nâng “chất” cho doanh nghiệp bảo hiểm
(ĐTCK) – Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã chính thức ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 với nhiều điểm mới, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Từ chối xem xét cấp giấy phép nếu phát hiện gian lận
Theo Điều 15 – Nghị định 46/2023, các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu (đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty bảo hiểm nộp Bộ Tài chính) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và đầy đủ. Trường hợp tổ chức, cá nhân gian lận thông tin trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép để có đủ điều kiện được cấp giấy phép thì trong vòng 5 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi gian lận, Bộ Tài chính có quyền từ chối xem xét cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân này.
Như vậy, có thể thấy, quy định mới về tiêu chuẩn chung về nộp, bổ sung hồ sơ, tài liệu đã chặt chẽ hơn so với trước. Trước đó, tại buổi họp giữa Bộ Tài chính với các bộ, cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tư pháp đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình cơ sở và lý do của việc lựa chọn khoảng thời gian là 5 năm để đảm bảo không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân gia nhập thị trường, hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quy định này nhằm đảm bảo kỷ luật thị trường và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, từ đó thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh bảo hiểm là loại hình kinh doanh có điều kiện, hoạt động trên cơ sở lập quỹ, thu tiền trước, trả tiền bảo hiểm sau, thời gian hoạt động có thể kéo dài hàng trăm năm hoặc vô thời hạn. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân phải có nền tảng tài chính vững mạnh, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bảo hiểm trước khi xin cấp phép, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro… trong quá trình hoạt động.
Việc gian lận giấy tờ trong quá trình cấp phép là vi phạm đạo đức, ảnh hưởng tới an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như người tham gia bảo hiểm, gây hệ lụy xấu cho thị trường. Vì vậy, cần phải ngừng xem xét đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận để tăng tính răn đe, đảm bảo thượng tôn pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 75 về việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp “Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp giấy phép”. Do đó, Bộ Tài chính đã bổ sung quy định dừng cấp phép trong khoảng thời gian là 5 năm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận các giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện để được cấp phép.
“Thời gian 5 năm so với hàng trăm năm hoạt động và an toàn tài chính của một doanh nghiệp bảo hiểm cũng như toàn ngành không phải là quá dài, cũng không hạn chế quyền gia nhập thị trường, mà vẫn đảm bảo tính nghiêm minh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện này”, đại diện Bộ Tài chính giải thích, đồng thời cho biết thêm, căn cứ pháp lý còn dựa trên quy định tại Điều 69 – Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động phải chuẩn bị phương án kinh doanh trong 5 năm đầu, đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét tính khả thi cũng như khả năng hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm dự kiến được thành lập), đồng thời tham khảo kinh từ nghiệm quốc tế (hoạt động doanh bảo hiểm tại các bang của Hoa Kỳ đều có quy định thời gian dừng cấp phép trung bình từ 2-5 năm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm).
Bộ Tài chính cũng cho biết, quy định mới đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi và đến cuối tháng 3/2023 không nhận được ý kiến phản biện nào đối với quy định này.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, tính đến nay, chưa trường hợp gian lận thông tin nào trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập công ty bảo hiểm được công bố.
Tăng vốn điều lệ tối thiểu để tăng năng lực tài chính
Bên cạnh siết chặt hơn việc xem xét cấp giấy phép thành lập, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định mới cũng tăng cao hơn so với trước (tùy thuộc vào từng loại hình), dù không nhiều.
Cụ thể, căn cứ vào Khoản 6, Điều 94 – Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và mức độ lạm phát trong 10 năm qua, Nghị định 46/2023 đã nâng mức vốn điều lệ và vốn được cấp tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm lên khoảng 30%. Theo đó, tùy nghiệp vụ mà doanh nghiệp, chi nhánh bảo hiểm dự kiến triển khai, mức vốn điều lệ tối thiểu đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 400-500 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 750-1.300 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe là 400 tỷ đồng, doanh nghiệp tái bảo hiểm là 500-1.400 tỷ đồng; mức vốn được cấp tối thiểu đối với chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài là 250-400 tỷ đồng, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là 400-700 tỷ đồng.
Tổng hợp của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện tại, vốn điều lệ của đa số công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ trên thị trường đều cao hơn, thậm chí vượt nhiều lần mức tối thiểu theo quy định mới. Chẳng hạn, Manulife Việt Nam đang dẫn đầu khối nhân thọ với mức vốn điều lệ 18.546 tỷ đồng, còn dẫn đầu khối phi nhân thọ là Bảo hiểm PVI với vốn điều lệ là 3.300 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức vốn điều lệ tối thiểu của công ty bảo hiểm còn dựa trên cơ sở quy mô phát triển của thị trường. Thực tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam duy trì đà tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, quy mô thị trường theo đó cũng gia tăng nhanh. Do đó, việc tăng vốn điều lệ tối thiểu sẽ giúp các công ty bảo hiểm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng chi trả khi xảy ra những biến động lớn, đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng đã đặt ra lộ trình 5 năm để các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam chuyển đổi sang mô hình vốn trên cơ sở đánh giá rủi ro. Bởi vậy, việc tăng vốn điều lệ/vốn được cấp tối thiểu là cần thiết để các công ty bảo hiểm có sẵn “bộ đệm” vốn khi chuyển sang mô hình mới.
Dưới góc độ chuyên gia, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội đưa ra lưu ý về tác động của tỷ giá tới việc tăng giá trị tuyệt đối vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm. Riêng với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, ông Sơn cho rằng, cần quy định cụ thể, chi tiết việc tăng giảm vốn điều lệ, đặc biệt trong trường hợp tăng vốn liên tục trong vòng 6 tháng phải có “xác nhận của ngân hàng về việc các cổ đông hoặc thành viên góp vốn đã nộp đủ số vốn tăng thêm cho doanh nghiệp…” để tránh việc tăng vốn “ảo”, tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
- Nhịp đập thị trường
Hơn 31.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường trong 5 tháng 2023
(ĐTCK) – Trong tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả bồi thường trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chiếm hơn 2/3 số tiền với hơn 22.000 tỷ đồng.
Số liệu chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tháng 5/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 91.535 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 28.741 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ 2022; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 62.794 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 5 tháng đầu năm 2023 khoản bồi thường 9.084 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31,6% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường) cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2022 (27,8%). Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (51,9%), bảo hiểm sức khỏe (34,1%), bảo hiểm hàng hóa (35,1%)…
Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, số lượng hợp đồng khai thác mới 5 tháng đầu năm 2023 đạt 860.740 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ (sản phẩm chính) là 13.526.744 hợp đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu số lượng hợp đồng theo sản phẩm, sản phẩm được ưa chuộng và chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (51,8%) và sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (23,2%).
Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 12.867 tỷ đồng, giảm 34,2 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của Prudential là 2.188 tỷ đồng, Manulife là 1.668 tỷ đồng, Dai-ichi Life là 1.660 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 1.630 tỷ đồng và AIA là 1.032 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 62.794 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thực hiện chi trả ước đạt 22.091 tỷ đồng, tăng 41,9% với cùng kỳ năm trước.
- Tin quốc tế
Tokio Marine Kiln bổ nhiệm Giám đốc Đánh giá rủi ro Châu Á-Thái Bình Dương
(INA) – Tokio Marine Kiln (TMK) đã chỉ định ông Sam Bye làm chuyên gia đánh giá rủi ro mạng và sẽ tập trung phát triển nghiệp vụ bảo hiểm mạng của công ty, bao gồm sản phẩm chủ lực Cyber CTRL, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên khắp Châu Á, Trung Đông, Úc và New Zealand
Ông Bye sẽ làm việc tại trụ sở Singapore.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm rủi ro mạng, công nghệ và bồi thường chuyên nghiệp, Bye tham gia từ AXA XL, nơi ông từng là giám đốc bảo hiểm bồi thường trách nhiệm nghề nghiệp công nghệ và mạng, chịu trách nhiệm quản lý rủi ro danh mục đầu tư và thực hiện các nguyên tắc đánh giá rủi ro cũng như chiến lược quản lý rủi ro mã độc tống tiền.
Việc bổ nhiệm này diễn ra sau khi TMK thành lập bộ phận chuyên trách về rủi ro doanh nghiệp và mạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.
Sam Bye sẽ đảm nhận vị trí đánh giá rủi ro mạng tại TMK bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 và ông sẽ báo cáo lên Jamie Tang, Giám đốc đánh giá rủi ro khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Ping An tiết lộ tác động của việc chuyển đổi sang IFRS 17
(INA) – Bảo hiểm Ping An cho biết tác động của việc chuyển đổi sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế 17 (IFRS 17) đối với tổng tài sản, tổng nợ phải trả và tài sản ròng là khoảng 1%, cho thấy quá trình chuyển đổi suôn sẻ.
Công ty bảo hiểm có trụ sở chính tại Trung Quốc đã phát hành bản cập nhật về việc áp dụng IFRS 17 và đưa ra lời giải thích về những thay đổi lớn và tác động của chúng.
Công ty đã công bố thông tin tài chính cho năm 2022 theo IFRS 17 và nhấn mạnh rằng việc áp dụng tiêu chuẩn mới sẽ không làm thay đổi đáng kể bản chất hoặc chiến lược kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, khả năng thanh toán hoặc quản lý cân đối tài sản-nợ của công ty.
Các chỉ số lợi nhuận cho thấy mức tăng khác nhau, theo đó lợi nhuận hoạt động của Tập đoàn, hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe (L&H), và hoạt động kinh doanh bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tăng lần lượt là 3%, 2% và 14%.
Lợi nhuận ròng cũng tăng đáng kể lần lượt là 33%, 54% và 14% đối với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn, L&H và P&C.
Tuy nhiên, doanh thu năm 2022 của tập đoàn dựa trên IFRS 17 đã giảm khoảng 19% do những thay đổi trong phương pháp đo lường.
Để giúp các nhà đầu tư và công chúng hiểu được tác động của IFRS 17 đối với các chỉ số tài chính quan trọng, Ping An sẽ tiếp tục tiết lộ một số chỉ số tài chính quan trọng, bao gồm lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), biên dịch vụ theo hợp đồng (CSM), biên dịch vụ hợp đồng kinh doanh mới (NBCSM), tính toán biên CSM kinh doanh mới, giá trị nhúng (EV) và giá trị kinh doanh mới (NBV).
Thông báo giải thích thêm rằng theo IFRS 17, doanh thu hợp đồng bảo hiểm của hoạt động kinh doanh L&H bị ảnh hưởng bởi việc loại trừ thành phần đầu tư và ghi nhận doanh thu trong thời hạn bảo hiểm. Điều này dẫn đến doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài hạn giảm đáng kể. Tuy nhiên, thu nhập phí bảo hiểm vẫn không bị ảnh hưởng.
Thời điểm ghi nhận lãi lỗ trong hoạt động kinh doanh L&H sẽ thay đổi theo IFRS 17, nhưng các thành phần hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh sẽ vẫn nhất quán.
Doanh nghiệp L&H sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống đánh giá hiệu suất dựa trên giá trị, tập trung vào lợi nhuận, giá trị kinh doanh mới, đầu tư và chất lượng hoạt động.
Hoạt động kinh doanh P&C tương đối ít bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi, vì nó tiếp tục tuân theo phương pháp phân bổ phí bảo hiểm (PAA) theo IFRS 17, với tỷ lệ hoạt động kết hợp (COR) vẫn là thước đo lợi nhuận chính.
Hong Kong Life ra mắt tính năng tự động điền hồ sơ trực tuyến
(INA) – Hong Kong Life đã đạt được một cột mốc quan trọng trong ngành bảo hiểm bằng cách tích hợp chức năng Điền biểu mẫu e-ME “iAM Smart” vào quy trình đăng ký trực tuyến dành cho khách hàng mới.
Sự tích hợp này đánh dấu thành tích đầu tiên trên thị trường đối với lĩnh vực bảo hiểm Hồng Kông.
Với tính năng này, những khách hàng mới đăng ký các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến của Hong Kong Life có thể ủy quyền sử dụng chức năng Điền biểu mẫu “e-ME” từ “iAM Smart”.
Điều này sẽ tự động điền thông tin cá nhân của họ, đảm bảo tính chính xác và đẩy nhanh quá trình đăng ký.
Việc triển khai dịch vụ sáng tạo này được thực hiện với sự hợp tác của MediConCen Limited, một công ty khởi nghiệp về Insurtech.
Hong Kong Life đóng vai trò là nhà tài trợ dự án và sáng kiến này được thực hiện theo Chương trình Trợ cấp Bằng chứng về Khái niệm Fintech, được cung cấp bởi Cơ quan Dịch vụ Tài chính và Cục Tài chính.
Úc công bố tiêu chuẩn mới cho quản lý rủi ro hoạt động của ngân hàng, công ty bảo hiểm
(INA) – Cơ quan quản lý thận trọng Úc (APRA) đã ban hành tiêu chuẩn thận trọng mới, Quản lý rủi ro hoạt động theo tiêu chuẩn Prudential CPS 230 (CPS 230) nhằm đảm bảo rằng các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí được ủy thác có thể quản lý rủi ro và gián đoạn hoạt động.
Tiêu chuẩn mới sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 năm 2025.
Chủ tịch APRA John Lonsdale cho biết việc hoàn thiện CPS 230 sẽ tăng cường quản lý rủi ro hoạt động đối với toàn bộ dân số thuộc phạm vi ảnh hưởng của APRA.
Ông nói: “Sự gián đoạn đối với các dịch vụ tài chính có thể gây ra tác động bất lợi lớn cho những người dựa vào chúng để thanh toán hóa đơn, phục hồi sau tổn thất tài chính hoặc hỗ trợ bản thân khi nghỉ hưu”.
“Sự cần thiết đối với tiêu chuẩn mới của APRA đã được chứng minh bằng một số lỗi và gián đoạn kiểm soát rủi ro hoạt động gần đây, bao gồm cả các vi phạm mạng nghiêm trọng. Tiêu chuẩn mới này sẽ đảm bảo rằng các thực thể được quản lý thiết lập và kiểm tra các biện pháp kiểm soát cũng như duy trì các kế hoạch kinh doanh liên tục mạnh mẽ để ứng phó nếu xảy ra gián đoạn”, ông Londsdale nói thêm.
CPS230 cung cấp nền tảng mới cho các thực thể do APRA quản lý để: tăng cường quản lý rủi ro hoạt động thông qua các yêu cầu mới nhằm giải quyết các điểm yếu đã xác định trong các biện pháp kiểm soát hiện có; cải thiện kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo chúng được định vị để ứng phó với sự gián đoạn nghiêm trọng; và tăng cường quản lý rủi ro của bên thứ ba bằng cách đảm bảo rủi ro từ các nhà cung cấp dịch vụ vật chất được quản lý phù hợp.
Quá trình tham vấn trong ngành về các tiêu chuẩn mới bắt đầu vào tháng 7 năm 2022.
Ông Lonsdale cho biết: “Chúng tôi mong các cơ quan quản lý chủ động trong việc chuẩn bị thực hiện chứ không đợi đến phút cuối mới sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mới. Sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp đối với các thỏa thuận hợp đồng hiện có với các nhà cung cấp dịch vụ vật chất cho các thực thể cần sự linh hoạt”.
Trung Quốc ban hành hướng dẫn về bảo hiểm an ninh mạng
(INA) – Chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành hướng dẫn để tăng cường sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm an ninh mạng.
Hướng dẫn chỉ ra các kế hoạch để hoàn thiện các chính sách và quy định hỗ trợ, khuyến khích việc áp dụng bảo hiểm an ninh mạng giữa các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp bảo hiểm an ninh mạng hàng đầu.
Ngoài ra, các công ty bảo hiểm sẽ được khuyến khích cung cấp các dịch vụ bảo hiểm an ninh mạng đa dạng đáp ứng các nhu cầu quản lý rủi ro an ninh mạng khác nhau.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Cục quản lý tài chính quốc gia cùng đưa ra hướng dẫn này.
Bảo hiểm an ninh mạng được coi là loại hình dịch vụ bảo hiểm mới giúp tăng cường khả năng xử lý các thách thức an ninh mạng của doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Bangladesh: Bộ Tài chính bật đèn xanh cho bancassurance
(AIR) – Bộ phận Định chế Tài chính (FID) của Bộ Tài chính Bangladesh đã phê duyệt đề xuất giới thiệu bancassurance ở Bangladesh.
The Business Standard đưa tin cho biết, FID đã chỉ đạo Ngân hàng Bangladesh công bố “Hướng dẫn Bancassurance” cho các ngân hàng theo lịch trình sẽ hoạt động với tư cách là đại lý bảo hiểm theo các quy tắc mới.
Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm (IDRA) cũng đã được hướng dẫn ban hành “Chỉ thị về Đại lý Doanh nghiệp (Bancassurance)” để cho phép các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của quốc gia này biến các ngân hàng thành đại lý bán hàng của họ.
Hướng dẫn chỉ ra rằng một công ty bảo hiểm có thể hợp tác với ba ngân hàng trong khi một ngân hàng có thể bán sản phẩm của ba công ty bảo hiểm.
Các ngân hàng phải đáp ứng một số tiêu chí về sức mạnh tài chính để được làm đại lý bán doanh nghiệp cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong khi các đại lý bảo hiểm phản đối kế hoạch triển khai bancassurance vì lo ngại sự cạnh tranh, chính phủ, cơ quan quản lý và các công ty bảo hiểm khác lại ủng hộ sự thay đổi và hiện đại hóa của ngành bảo hiểm kém phát triển.
Indonesia: Cơ quan quản lý cảnh báo 30 công ty bảo hiểm không thuê chuyên gia định phí
(AIR) – Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) đã lưu ý rằng vẫn còn 30 công ty bảo hiểm trong nước vẫn chưa thuê chuyên gia định phí.
CNN Indonesia đưa tin cho hay, theo luật bảo hiểm, các công ty bảo hiểm bắt buộc phải sử dụng chuyên gia định phí. Theo các quy định này, OJK đã tiến hành kiểm tra vào đầu năm nay để thực thi luật.
Ông Ogi Prastomiyono, Giám đốc điều hành của Bộ phận Giám sát Ngành Tài chính Phi Ngân hàng (IKNB) của OJK, cho biết vào đầu năm, văn phòng của ông đã đưa ra tối hậu thư cho 50 công ty bảo hiểm phải bổ nhiệm chuyên gia định phí chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2023. Tuy nhiên, , chỉ có 20 công ty đáp ứng thời hạn này trong khi 30 công ty còn lại thì không.
Ông Ogi đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm không thuê chuyên gia định phí tuân thủ yêu cầu, theo đó thời hạn thực hiện quy định này được gia hạn đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 để tuân thủ. Nếu các công ty không tuân thủ sẽ bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt được đề cập bao gồm cảnh cáo, hạn chế hoạt động kinh doanh và ngừng hoạt động.
Ông Ogi nói: “Nếu công ty bảo hiểm không có chuyên gia định phí, công ty bảo hiểm có thể bị đóng cửa hoặc bị hạ thấp tư cách, chuyển từ công ty bảo hiểm thành công ty môi giới bảo hiểm”.
Singapore: MDRT bổ nhiệm hai Giám đốc cấp cao
(AIR) – Câu lạc bộ Bàn tròn Triệu đô (MDRT) đã mở văn phòng mới tại Singapore với tư cách là trụ sở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Gina van Dijk là Giám đốc cấp cao mới về Thị trường toàn cầu và bà Nicole Squires là Giám đốc cấp cao mới về Phát triển kinh doanh. Cả hai nhà lãnh đạo đều có nền tảng vững chắc về kinh doanh và quan hệ toàn cầu, đồng thời sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và mở rộng các nguồn lực chuyên nghiệp của MDRT cho cơ sở thành viên châu Á.
Bà van Dijk đến từ các vị trí cấp cao trong Tập đoàn MCI và mang lại kinh nghiệm trong các lĩnh vực chiến lược, quản lý hiệp hội và phát triển kinh doanh, tính bền vững của công ty và quan hệ khách hàng.
Bà Squires mang đến kinh nghiệm bán hàng và tư vấn C-suite từ vai trò gần đây nhất của bà tại Standard Chartered Singapore. Tại MDRT, bà Squires sẽ lãnh đạo một nhóm tập trung vào tư cách thành viên, tập hợp thành viên và mối quan hệ với các công ty dịch vụ tài chính.
Singapore: Singlife ra mắt điều khoản bổ trợ với mức phí 1 đô la Singapore
(AIR) – Singlife đã ra mắt Singlife Shield Starter, một Kế hoạch Bảo vệ Tích hợp, cùng với điều khoản phụ đi kèm, Singlife Health Plus Starter.
Singlife Shield Starter cung cấp bảo hiểm cơ bản trị giá 20.000 đô la Singapore mỗi năm hợp đồng trên mạng lưới hơn 500 nhà cung cấp dịch vụ y tế được ưu tiên, bao gồm cả bệnh viện tư nhân, với mức phí bảo hiểm hàng năm là 300 đô la Singapore, do MediSave thanh toán. Những khách hàng thêm điều khoản riêng trị giá 1 đô la Singapore vào chương trình cơ sở Singlife Shield Starter của họ có thể được giảm đáng kể các khoản đồng thanh toán bắt buộc, chỉ phải trả 5% hóa đơn bệnh viện.
Được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tuổi có ý thức về ngân sách, các chương trình Singlife Shield Starter và Health Plus Starter đảm bảo khả năng được bảo hiểm và giúp các cá nhân thích nghi với những nhu cầu bảo vệ thay đổi khi họ già đi.
Khi đến tuổi 40 (dựa trên quy định Ngày sinh nhật tiếp theo), các chủ hợp đồng đã đăng ký các gói Singlife Shield Starter và Health Plus Starter sẽ được đảm bảo chuyển tiếp liền mạch sang Singlife Shield Plan 2, cung cấp bảo hiểm lên tới 1 triệu đô la Singapore, cùng với Singlife Health Plus Public Prime. Quá trình chuyển đổi này không yêu cầu phải đánh giá rủi ro hoặc kiểm tra y tế bổ sung.
BTV (Tổng hợp).