TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 29

PTI ký kết hợp tác toàn diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Prudential Financial bổ nhiệm CEO Nhật Bản; Bảo hiểm thú cưng tại Ấn Độ phát triển

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 29

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Bảo hiểm VietinBank – VBI bồi thường gần 1,5 tỷ đồng cho xe 4 chỗ “nát đầu” ở Đại lộ Thăng Long

(TBTCO) – Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến xe 4 chỗ “nát đầu” ở Đại lộ Thăng Long hồi tháng 2/2022, mới đây, phía doanh nghiệp Bảo hiểm VietinBank – VBI đã chi trả bồi thường gần 1,5 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm vật chất xe ô tô cho chủ xe 4 chỗ trong vụ tai nạn.

Cụ thể, vào khoảng 00 giờ 30 phút ngày 22/2/2022, anh Trần Ngọc Sơn (khu phố 1, thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Kia Quoris màu đen mang biển kiểm soát 15A – 413.53 đi trên cao tốc Đại lộ Thăng Long theo hướng Hà Nội đi Hòa Lạc.

Khi đi đến Km 11+600 cầu chui đê Tả sông Đáy, xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) thì va chạm với một xe ô tô tải loại đầu kéo container đang đi phía trước cùng chiều dẫn đến tai nạn giao thông. Sau khi xảy ra tai nạn, chiếc xe ô tô tải trên đã không dừng lại mà rời khỏi hiện trường. Xe ô tô con đầu biến dạng, quay ngang trên đường, may mắn không có thương tích về người.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe đã thông báo cho VBI và Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP. Hà Nội lập hồ sơ vụ việc. Sau khi nhận được thông báo, VBI đã nhanh chóng thực hiện công tác giám định và hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết…

Chủ xe tham gia bảo hiểm tự nguyện vật chất xe cơ giới của VBI ngày 19/11/2021 với số phí ban đầu là 25 triệu đồng. Căn cứ vào biên bản giám định thiệt hại thực tế và quy định về chính sách bảo hiểm, VBI và khách hàng thống nhất phương án bồi thường tổn thất toàn bộ với số tiền là 1.479.500.000 đồng.

Theo kết luận của Cảnh sát giao thông – Công an TP. Hà Nội, nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông được xác định do anh Sơn điều khiển xe trong trạng thái buồn ngủ dẫn tới không chú ý quan sát gây ra tai nạn giao thông. Người điều khiển xe ô tô tải rời khỏi hiện trường tuy không xác định được nhưng không có lỗi trong vụ việc này.

VBI Khánh Hòa chi trả hơn 147 triệu đồng cho khách hàng tham gia bảo hiểm người vay vốn mắc bệnh hiểm nghèo

(VBI) – Đầu tháng 9, Bảo hiểm VietinBank – VBI Khánh Hòa phối hợp cùng VietinBank Ninh Thuận tổ chức Lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng Hà Minh Tuấn số tiền hơn 147 triệu đồng.

Trong quá trình vay vốn tại Chi nhánh, ông Hà Minh Tuấn được cán bộ, nhân viên VietinBank tư vấn và đã tham gia 3 bảo hiểm Người vay vốn của VBI với tổng mức phí là 4.220.000 đồng. Sau khi vay vốn, ông Tuấn không may mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến tử vong. Được biết, ông Tuấn là trụ cột của gia đình.

Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện VBI Khánh Hòa và VietinBank Ninh Thuận đã đến viếng thăm và động viên gia đình khách hàng.  Đồng thời, các cán bộ cũng nhanh chóng hướng dẫn gia đình ông Tuấn hoàn thiện các thủ tục bảo hiểm, chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng thu thập hồ sơ để hoàn tất thủ tục thanh toán bảo hiểm với số tiền bảo hiểm là 147.335.612 đồng.

Trong buổi lễ chi trả, đại diện gia đình ông Tuấn đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới VBI cũng như Ngân hàng VietinBank đã nhiệt tình hỗ trợ gia đình thủ tục trong thời gian vừa qua.

  1. Một vòng doanh nghiệp

PTI ký kết hợp tác toàn diện với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

(PTI) – Sáng ngày 23 tháng 9 năm 2022, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác bảo lãnh viện phí nhằm mở rộng dịch vụ bảo lãnh viện phí cho các khách hàng sử dụng sản phẩm bảo hiểm của PTI. Tham dự lễ ký kết có ông Nguyễn Kim Lân – Phó Tổng giám đốc PTI và ông Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo nội dung của buổi ký kết, PTI sẽ là đơn vị thực hiện bảo lãnh viện phí cho các khách hàng tham gia bảo hiểm khi đăng kí làm hồ sơ sinh ở tất cả các khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Quy trình tiếp nhận hồ sơ bảo lãnh viện phí nhanh gọn, thanh toán tiện lợi thông qua phần mềm bảo lãnh viện phí đã được PTI xây dựng và phát triển không chỉ giúp khách hàng giảm bớt thời gian chờ đợi mà còn hỗ trợ nâng cao bảo mật thông tin, hạn chế nguy cơ thất lạc hồ sơ.

Ông Nguyễn Kim Lân – Phó Tổng giám đốc PTI cho biết: Sự kết hợp giữa năng lực chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện và dịch vụ bảo lãnh viện phí chuyên nghiệp cùng kinh nghiệm lâu năm của PTI trong phát triển các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần đem tới trải nghiệm dịch vụ tuyệt vời cho khách hàng trong thời gian sắp tới.

Luôn chú trọng đặt sự an toàn và sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu, những năm qua PTI thường xuyên cho ra mắt những sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với nhiều quyền lợi vượt trội, mức phí cạnh tranh cùng chất lượng dịch vụ uy tín. Sau hơn 24 năm hoạt động và phát triển, PTI đang là doanh nghiệp đứng thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và là doanh nghiệp đứng thứ 2 về nghiệp vụ bảo hiểm con người.

MAP Life triển khai chương trình giới thiệu người thân bạn bè mua bảo hiểm online

(ĐTCK) – Từ ngày 14/09/2022 đến 14/10/2022, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life ) triển khai chương trình giới thiệu người thân, bạn bè trải nghiệm sản phẩm bảo hiểm Bệnh ung thư Vững Tin Sống Khỏe thông qua nền tảng bán hàng trực tuyến.

Theo đó, mỗi khách hàng giới thiệu thành công mua bảo hiểm Bệnh ung thư Vững Tin Sống Khỏe tại https://digital.map-life.com.vn/ sẽ có cơ hội nhận nhiều quà tặng hấp dẫn. Cụ thể, vali du lịch 20 inch LocknLock, khi giới thiệu thành công từ 3 khách hàng mới với tổng phí bảo hiểm thực đóng từ 3.000.000 đồng; Máy xay thịt LocknLock, khi giới thiệu thành công từ 3 khách hàng mới với tổng phí bảo hiểm thực đóng từ 2.000.000 đồng; E-voucher 200.000 đồng, khi giới thiệu thành công từ 2 khách hàng mới với tổng phí bảo hiểm thực đóng từ 1.000.000 đồng.

Đặc biệt, tặng thêm: E-voucher 200.000 đồng, cho 5 người đầu tiên giới thiệu thành công từ 3 khách hàng mới, với tổng phí bảo hiểm thực đóng từ 3.000.000 đồng; E-voucher 500.000 đồng, cho 3 người giới thiệu thành công có số lượng khách hàng mới nhiều nhất, với tổng phí bảo hiểm thực đóng từ 1.000.000 đồng.

Khách hàng chỉ cần một vài thông tin cơ bản như: tên, số điện thoại, ngày sinh và giới tính, hệ thống sẽ cung cấp mức phí bảo hiểm tương ứng với quyền lợi bảo hiểm trong vòng chưa đầy 1 phút…

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính công bố danh mục chế độ báo cáo định kỳ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

(TBTCO) – Tại Quyết định số 1927/QĐ-BTC ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính đã công bố Danh mục chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Quyết định công bố kèm theo 03 chế độ báo cáo định kỳ thay thế 03 chế độ báo cáo (số thứ tự 51, 52 và 53) tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Quyết định số 1898/QĐ-BTC ngày 25/9/2019 của Bộ Tài chính công bố Danh mục chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Theo đó, 03 chế độ báo cáo định kỳ gồm: Báo cáo doanh thu bảo hiểm theo quý, năm (bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng) thay thế Báo cáo doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Báo cáo bồi thường bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng (định kỳ quý năm) thay thế Báo cáo bồi thường bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng (định kỳ năm) thay thế Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Các chế độ báo cáo nêu trên được quy định tại Khoản 1 Điều 36 Thông tư số 50/2022/TT-BTC ngày 11/8 năm 2022 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022-NĐ-CP ngày 10/03/2022 sửa đổi một số điều của Nghị định 119/2015 NĐ-CP.

Nhiều công ty bảo hiểm vẫn phớt lờ minh bạch thông tin

(ĐTCK) – Hiện nay, nhiều công bảo hiểm có hành vi vi phạm quy định công bố thông tin mà thiếu chế tài xử lý mạnh tay.

Sau khi đăng tải bài báo “Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải công khai thêm nhiều thông tin ‘nóng’” hôm 29/8/2022 phản ánh việc nhiều doanh nghiệp “quên” công bố thông tin báo cáo tài chính 2021, đến ngày 31/8/2022, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ra công văn số 1348/QLBH-PNT gửi từng công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm đề nghị nghiêm túc thực hiện công bố tài liệu này. Công văn do ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm ký.

Theo Thông tư số 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, hàng năm, các công ty bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài… phải công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài… toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, như đã đưa tin tại số báo trước, tính đến thời điểm 29/8/2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 4 khối phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 2021 và các thông tin trọng yếu liên quan đến hoạt động trên website doanh nghiệp, nếu có cũng chỉ công bố bảng tóm tắt.

Ngoại trừ các công ty bảo hiểm niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM công bố thông tin theo pháp luật chứng khoán, hay đa số công ty bảo hiểm nước ngoài công bố thông tin theo chuẩn mực của công ty mẹ, phần lớn các công ty không thuộc những diện này đều xem nhẹ việc công bố thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Chỉ sau khi báo chí phản ánh cũng như sự đốc thúc từ cơ quan quản lý, việc công bố báo cáo tài chính 2021 mới có chuyển biến khi tính đến ngày 12/9, ghi nhận trên website doanh nghiệp, nhiều công ty bảo hiểm đã đăng tải đầy đủ báo cáo này như Xuân Thành, Phú Hưng, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI (khối phi nhân thọ), Cathay Life, BIDV MetLife, Bảo Việt Nhân thọ (khối nhân thọ)…

Dẫu vậy, vẫn có một loạt công ty bảo hiểm chưa thể thấy thông tin này trên trang điện tử doanh nghiệp như OPES, Toàn Cầu, HD, AAA, Fubon, Liên hiệp… Liên hệ tới những công ty này để tìm hiểu nguyên nhân chậm công bố thì đều nhận được phản hồi là do website bị lỗi, đang nâng cấp, mới thay đổi website nên chưa kịp cập nhật…, thậm chí còn “đổ lỗi” do Covid làm gián đoạn một số hoạt động, trong đó có việc cập nhật dữ liệu, thông tin?!!

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho biết, tuy luật chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm hiện hành chưa có chế tài xử phạt các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin nói chung, nhưng theo Điều 12 – Nghị định 41/2018/NĐ-CP, việc không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không công khai báo cáo tài chính theo quy định sẽ bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng. Do đó, chế tài xử phạt vi phạm công bố thông tin kỳ vọng sẽ được đưa vào nghị định mới hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi). Với các công ty bảo hiểm đã là công ty đại chúng, công ty niêm yết, nếu vi phạm sẽ bị phạt theo Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Được biết, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, từ ngày 1/1/2022, ngoài thông tin tài chính, các công ty bảo hiểm còn phải công khai cả các thông tin phi tài chính như quyết định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm… trên website doanh nghiệp – điều trước đây không bao giờ công bố. Theo giới quan sát, đây là điều thị trường mong chờ từ lâu, nhưng nếu cơ quan quản lý không mạnh tay xử lý những vi phạm tối thiểu như công bố báo cáo tài chính, thì những thông tin vốn được xem là “bí mật” như trên sẽ khó có thể được “bật mí”.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm phi nhân thọ tăng tốc chặng nước rút

(TBTCO) – Báo cáo từ cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm cho thấy, 8 tháng năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số. Tổng doanh thu ước đạt 155,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,57%. Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang nỗ lực mở rộng thị trường tại các địa bàn tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn…, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đại diện Bảo hiểm BIC cho biết, công ty vừa khai trương và đưa vào hoạt động 3 công ty thành viên mới gồm: BIC Quảng Bình, BIC Phú Thọ và BIC Quảng Ngãi. Với việc thành lập 3 công ty thành viên mới đã nâng tổng số công ty thành viên của BIC lên 30 và gần 200 phòng kinh doanh phủ rộng hầu hết các địa bàn trọng điểm trên toàn quốc.

Mới đây, PTI Hồ Chí Minh – công ty thành viên trực thuộc Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), đã công bố hợp tác chiến lược với Affina Việt Nam. Thỏa thuận hợp tác này nằm trong chiến lược mở rộng khai thác các hoạt động dịch vụ bảo hiểm của PTI dựa trên nền tảng công nghệ của Affina nhằm phát huy tiềm năng, nội lực của nhau trên hành trình phát triển và thiết lập hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Trong hợp tác sâu rộng lần này, hai bên đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm chiến lược gồm Benefits One dành riêng cho khách hàng cá nhân và Benefits Elect dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự kiến đến năm 2027, hai bên sẽ phục vụ và hỗ trợ trên 600.000 khách hàng cá nhân và khoảng 30.000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước đó, PTI cũng giới thiệu ra thị trường sản phẩm “Bảo hiểm mua hàng chính hãng” nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như của các nhà sản xuất hàng hóa. Theo đó, PTI sẽ là đơn vị bảo hiểm cho giải pháp công nghệ chống hàng giả TrueData (tem dán truy xuất nguồn gốc) do chi nhánh Trung tâm Công nghệ chống hàng giả TP. Hồ Chí Minh (ACT-HCM) phối hợp phát triển cùng Công ty cổ phần Truedata. Theo đó, với bất kỳ hành vi tấn công, truy cập trái phép hay giả mạo giải pháp TrueData hoặc khi xảy ra lỗi hệ thống, lỗi vận hành và lỗi bảo mật của TrueData khiến người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, PTI sẽ chi trả bồi thường 100% theo giá công bố sản phẩm của nhà sản xuất cho khách hàng.

Tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty TNHH Tư vấn và công nghệ 10X với sản phẩm thương hiệu Saladin vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Thông qua việc ký kết lần này, hai bên cam kết ưu tiên hợp tác, tận dụng thế mạnh của mỗi bên để mang đến cho khách hàng trải nghiệm bảo hiểm số vượt trội.

Được biết, Saladin là đơn vị thiết kế – may đo các sản phẩm bảo hiểm nhúng sẽ phối hợp cùng Bảo hiểm Bảo Việt xây dựng hoàn thiện quy trình vận hành tương thích với đặc thù ngành nghề của đối tác. Saladin chịu trách nhiệm cung cấp nền tảng công nghệ đa nhiệm – số hóa trọn hành trình mua – quản lý hợp đồng đến xử lý bồi thường, khiếu nại.

Đại diện Bảo hiểm MIC cho biết, chung sứ mệnh “Kiến tạo cuộc sống tốt đẹp”, Volkswagen Sài Gòn và Bảo hiểm MIC đã ký hợp tác chiến lược, đưa bảo hiểm ô tô lên một chuẩn mực mới với những giải pháp tư vấn, bảo vệ tận tâm.

Đại diện MIC cho biết, với định hướng chiến lược phát triển bền vững cùng mục tiêu xuyên suốt, công ty sẽ mang đến cho khách hàng và đối tác những dịch vụ bảo vệ toàn diện. Bên cạnh đó, MIC mở rộng hợp tác với các đối tác lớn nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích và gia tăng điểm chạm với các khách hàng. Trong chương trình hợp tác này, MIC sẽ cung cấp các chương trình bảo vệ toàn diện cho Volkswagen Sài Gòn bao gồm các loại hình bảo hiểm trang thiết bị, máy móc, bảo hiểm gia hạn bảo hành,…

Nói về việc thành lập 3 công ty thành viên mới ông Trần Hoài An – Tổng giám đốc BIC cho biết, đây là bước đi quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của BIC trong việc phát triển doanh thu bảo hiểm tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng, đồng thời là cơ sở để BIC nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sau bán hàng, mang tới cho khách hàng những sản phẩm ưu việt và những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.

Bên cạnh đó, với vai trò là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh doanh của ngân hàng mẹ BIDV, sự ra đời của các công ty thành viên mới cũng sẽ giúp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa BIC và các chi nhánh BIDV tại địa bàn, trên cơ sở đó cung cấp các sản phẩm tài chính trọn gói, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với Bảo hiểm Bảo Việt, đại diện Saladin – bà Lê Thị Thanh Vân – nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và công nghệ 10X, đã chia sẻ: “Thỏa thuận hợp tác này, với mục đích cuối cùng là chung tay mang lại lợi ích cho khách hàng, đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ cho sự hợp tác giữa Saladin và Bảo hiểm Bảo Việt, trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm rủi ro với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn ứng dụng công nghệ để việc thực hành bảo hiểm trở nên thiết thực và tiện dụng hơn. Một sản phẩm dịch vụ bảo hiểm tiêu chuẩn phải bảo vệ khách hàng đúng rủi ro thường gặp với điều kiện bảo hiểm và chi phí hợp lý. Đây chính là tinh thần kinh doanh của Saladin”.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho biết: “Qua đây, chúng tôi kỳ vọng mỗi khách hàng của 2 doanh nghiệp sẽ được trải nghiệm những chương trình bảo hiểm tối ưu nhất thông qua các dịch vụ tư vấn đầy đủ. Hợp tác ký kết lần này cũng sẽ là tiền đề mở ra nhiều cơ hội trao đổi giữa hai bên, tạo đà phát triển mạnh mẽ cho hoạt động kinh doanh của mỗi bên.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Phú Hưng Life tổ chức hội thảo sức khỏe “Phòng và chữa bệnh hiểm nghèo cho phụ nữ”

(PHL) – Ngày 18 tháng 9 năm 2022, Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) tổ chức chương trình hội thảo sức khỏe “Phòng và chữa bệnh hiểm nghèo cho phụ nữ” tại khách sạn Đại Huệ Plaza, thành phố Vinh, Nghệ An.

Tham gia hội thảo, gần 100 khách hàng của Phú Hưng Life đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi cùng các chuyên gia đầu ngành tư vấn sức khỏe tại Nghệ An. Tại đây, khách tham dự đã được cung cấp kiến thức cần biết về các loại bênh hiểm nghèo đang có xu hướng gia tăng như: Ung thư, Tim mạch, Tai biến mạch máu não và Gan thận, …đồng thời đón nhận các thông tin giải pháp để phòng chống và phát hiện sớm, cũng như nhận những lời khuyên hữu ích để sở hữu “sức khỏe vàng”.

Thấu hiểu việc điều trị các căn bệnh hiểm nghèo rất tốn kém, đòi hỏi phải có nguồn tài chính để tuân thủ điều trị theo phác đồ, cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Phú Hưng Life đã giới thiệu giải pháp bảo vệ quan trọng nhằm hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng trước những rủi ro bệnh hiểm nghèo, có kế hoạch tài chính tốt nhất để bảo vệ bản thân khi đối mặt với những thách thức lớn về sức khỏe bằng sản phẩm Bảo hiểm Bệnh hiểm nghèo cho phụ nữ.

Phát biểu trong chương trình, đại diện công ty Phú Hưng Life chia sẻ “Là doanh nghiệp với sứ mệnh “Vì bạn, vì cuộc sống vững bền”, chúng tôi luôn nỗ lực chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng và những người thân yêu vượt qua khó khăn tài chính, an tâm chữa trị và nhanh chóng hồi phục nếu không may mắc phải bệnh hiểm nghèo. Sức khoẻ là tài sản quý giá nhất của con người và sản phẩm Bảo hiểm Bệnh hiểm nghèo cho phụ nữ thể hiện mong muốn của Phú Hưng Life là cùng khách hàng trong việc bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Không dừng lại tại đó, là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thị trường, Phú Hưng Life luôn nỗ lực để mang đến nhiều giải pháp tối ưu và vượt trội, trong đó có nhiều sản phẩm được nhiều khách hàng quan tâm và đón nhận như Phú Hưng Đại Phát và Phú Hưng Đại Phúc.

Sau gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty Phú Hưng Life luôn ưu tiên thực hiện các hoạt động thiết thực vì công đồng như một cam kết không thể tách rời trong chiến lược phát triển, góp phần tạo dựng những giá trị bền vững và lâu dài cho đất nước và con người Việt Nam. Theo đó, với chiến lược mục tiêu vì sức khỏe của khách hàng là trên hết, Phú Hưng Life đã thường xuyên phối hợp với các đối tác y tế uy tín tổ chức các buổi hội thảo chuyên sâu về bệnh lý kết hợp với kiểm tra sức khỏe tổng quát để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho khách hàng quan trong của công ty.

  1. Tin quốc tế

Yêu cầu bồi thường bảo hiểm COVID ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận Cathay Century

(INA) – AM Best cho biết, các khiếu nại bảo hiểm đại dịch sẽ tác động tiêu cực đến kết quả hoạt động của Công ty TNHH Bảo hiểm Thế kỷ Cathay (Cathay Century Insurance) vào năm 2022.

Tuy nhiên, công ty xếp hạng cho biết rằng họ coi tác động tiêu cực là sự kiện chỉ xảy ra một lần và Cathay Century có thể bù đắp các khoản lỗ của mình trong thời gian ngắn đến trung hạn, thể hiện qua hồ sơ hoạt động ổn định và có lãi trong những năm qua.

“Đặc biệt, ngành kinh doanh chính của Cathay Century là bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đã góp phần cải thiện tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm được hỗ trợ bởi việc định giá tốt hơn và nỗ lực không ngừng của công ty trong việc tinh chỉnh chất lượng rủi ro và thành phần sản phẩm”, AM Best nhận xét.

Vào đầu năm 2022, Cathay Century chỉ là một trong số nhiều công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng đáng kể các yêu cầu bồi thường do sự gia tăng đột ngột của các trường hợp nhiễm COVID-19 vào tháng Tư.

Vào ngày 24 tháng 6 năm 2022, công ty nhận được khoản rót vốn 310 triệu đô la từ công ty mẹ là Công ty Cổ phần Tài chính Cathay (Cathay Financial Holding).

“Các khoản tổn thất cuối cùng vẫn chưa chắc chắn ở giai đoạn này vì các hợp đồng bảo hiểm đại dịch dự kiến sẽ hết hiệu lực hoàn toàn vào năm 2023. Tuy nhiên, AM Best kỳ vọng vốn hóa đã điều chỉnh theo rủi ro của Cathay Century sẽ duy trì ở mức cao nhất trong thời gian ngắn và trung hạn, như được đo lường bằng Tỷ lệ an toàn vốn của Best (BCAR), được hỗ trợ bởi việc rót vốn và tiếp tục tăng trưởng hữu cơ thông qua việc giữ lại lợi nhuận từ các khoản đầu tư và kinh doanh bảo hiểm truyền thống không đại dịch”, AM Best cho biết.

Prudential Financial bổ nhiệm CEO Nhật Bản

(INA) – Prudential Financial đã bổ nhiệm ông Motofusa Hamada làm Tổng Giám đốc, điều hành các hoạt động tại Nhật Bản bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.

Tổng Giám đốc hiện tại Mitsuo Kurashige sẽ nghỉ hưu vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông ấy vẫn ở lại làm thành viên HĐQT bán thời gian.

Hamada, người gia nhập Prudential của Nhật Bản vào năm 1992, được bổ nhiệm giữ chức vụ trước đó là chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential của Nhật Bản vào năm 2018. Khi mới gia nhập công ty, ông đã đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau giám sát các chức năng văn phòng trước khi được thăng chức làm Phó Chủ tịch công ty năm 2004. Năm 2007, ông được thăng chức Phó Chủ tịch cấp cao và sau đó là Phó Chủ tịch điều hành vào năm 2011.

Với tư cách là Giám đốc điều hành hoạt động bảo hiểm Nhật Bản, Hamada sẽ giám sát ba doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ của công ty tại Nhật Bản – Bảo hiểm Nhân thọ Prudential, Bảo hiểm Nhân thọ Gibraltar và Bảo hiểm Nhân thọ Tài chính Prudential Gibraltar. Ông cũng đảm nhận vai trò thành viên HĐQT đại diện, Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Prudential Holdings Nhật Bản.

Fosun Group giảm tỷ lệ sở hữu tại New China Life

(INA) – Tập đoàn Fosun Group của Trung Quốc được cho là đang cắt giảm các khoản đầu tư của mình, bao gồm cả việc nắm giữ sở hữu bảo hiểm, do các khoản nợ đang gia tăng.

Một báo cáo của Caixin cho biết Tập đoàn Fosun đã giảm tỷ lệ cổ phiếu của mình tại New China Life Insurance được giao dịch tại Hồng Kông thông qua giao dịch khối. Theo hồ sơ của New China Life, tỷ lệ nắm giữ của nhánh đầu tư chính của tập đoàn giảm từ 5,84% xuống 4,99%.

Fosun Group đầu tư lần đầu tiên vào New China Life vào năm 2016 khi cổ phiếu được giao dịch tại Hồng Kông của công ty bảo hiểm này ở mức khoảng 22 đô la Hồng Kông mỗi cổ phiếu.

Pakistan: United Insurance sẽ bắt đầu kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

(AIR) – Công ty Bảo hiểm Liên hợp của Pakistan, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, thông báo biết rằng họ sẽ bắt đầu kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Tờ báo Dawn đưa tin trích dẫn một hồ sơ pháp lý cho biết, tên đề xuất của pháp nhân sẽ là The United Life Assurance Company Ltd,. Công ty mẹ sẽ đầu tư lên đến 700 triệu PKR (2,9 triệu đô la) vào công ty bảo hiểm nhân thọ này.

Ông Amreen Soorani, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại JS Global nói với Dawn: “Bảo hiểm nhân thọ là thị trường chưa được thâm nhập nhiều ở Pakistan. Tỷ lệ thâm nhập ở đây thuộc diện thấp nhất trong khu vực, điều này cho thấy có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hiện tại và sắp gia nhập”. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ ở Pakistan hiện chỉ ở mức 0,6%.

Hiện tại, chỉ có 10 công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Pakistan trong khi khoảng 30 công ty tham gia kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù thực tế là tăng trưởng trong phân khúc bảo hiểm nhân thọ cao hơn đáng kể so với bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo truyền thống, khách hàng ở Pakistan tập trung vào khía cạnh tiết kiệm của bảo hiểm. Điều này là do các đại lý của các công ty bảo hiểm nhân thọ luôn bán các sản phẩm hướng đến tiết kiệm. Bancassurance cũng xoay quanh các kế hoạch tiết kiệm.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người quan tâm hơn đến việc bảo vệ, theo các nhà phân tích trong ngành bảo hiểm.

Ngoài ra, sự thống trị của ba công ty lớn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ – State Life, EFU Life và Jubilee Life – đã ngăn cản các công ty nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc tạo ra một miếng bánh kinh doanh lớn hơn cho mình.

Theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Pakistan, cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm, khu vực tư nhân đang có thêm sức hút. Thị phần của State Life giảm từ khoảng 70% năm 2010 xuống còn 51% vào năm 2021.

Ấn Độ: 2 nhà thầu hợp lực để mua Bảo hiểm phi nhân thọ Reliance Capital

(AIR) – Piramal Financial và Zurich Insurance – hai công ty đã nộp hồ sơ dự thầu riêng cho mảng kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Reliance Capital đang ngập trong nợ nần – đã quyết định thành lập một liên doanh để đấu thầu thương vụ này.

Piramal và Zurich mỗi bên sẽ nắm giữ 50% trong công ty liên doanh được đề xuất, tờ Indo-Asian News Service đưa tin.

Nếu liên doanh được đề xuất này thành công trong việc mua lại, nó sẽ đánh dấu sự gia nhập của Zurich Insurance vào thị trường kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ.

Ba nhà đầu tư tiềm năng – Piramal Finance, Zurich và công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Hoa Kỳ – đã nộp hồ sơ dự thầu lần lượt là 36 tỷ INR, 37 tỷ INR và 70 tỷ INR chỉ cho Reliance General Insurance.

Reliance Capital đã nhận được 14 hồ sơ dự thầu không ràng buộc. Sáu công ty đã nộp hồ sơ dự thầu cho toàn bộ công ty, trong khi những nhà thầu còn lại đã nộp hồ sơ dự thầu cho nhiều công ty con.

Indonesia: Bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng 20% trong 6 tháng đầu năm

(AIR) – Theo dữ liệu từ Tổng Hiệp hội Bảo hiểm Indonesia (AAUI), lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã tạo ra tổng doanh thu phí bảo hiểm là 46,04tn IDR (3,05 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 20% so với giai đoạn tương ứng vào năm 2021.

Dữ liệu được tổng hợp từ 70 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và sáu công ty tái bảo hiểm, cho thấy bảo hiểm tài sản và xe cơ giới thống trị thị trường phi nhân thọ với thị phần tổng hợp là 51,5% trong nửa đầu năm 2022. Bảo hiểm tín dụng, đóng góp 13,9%, là mảng lớn nhất tiếp theo.

Bảo hiểm tài sản ghi nhận mức tăng trưởng phí bảo hiểm 36,4% lên 14,96 tỷ IDR trong 6 tháng đầu năm 2022. Một yếu tố hỗ trợ cho xu hướng này là sự gia tăng doanh số bán bất động sản nhà ở trên thị trường sơ cấp.

Trong khi đó, phí bảo hiểm xe cơ giới tăng 18,3% lên 8,76 tỷ IDR trong 6 tháng đầu năm 2022 chủ yếu do doanh số bán xe tăng, đặc biệt là xe bốn bánh.

Phí bảo hiểm tín dụng tăng 8,9% so với cùng kỳ lên 6,3 tỷ IDR trong nửa đầu năm 2022. Các yếu tố hỗ trợ sự tăng trưởng này là cam kết của chính phủ đối với các khoản cho vay mới.

Dữ liệu cũng cho thấy 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu trong nước chiếm 46,51% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành là 45,8 tỷ IDR.

Ba công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu trong nửa đầu năm 2022 là Asuransi Sinar Mas, Asuransi Astra Buana và Asuransi Tugu Pratama Indonesia.

Tỷ lệ lạm phát ở Indonesia ở mức 4,35% trong tháng 6, mức tăng cao nhất trong năm kể từ tháng 6 năm 2017 và dự kiến sẽ còn tăng nữa.

Chính trị gia Singapore bị cáo buộc móc túi tiền bảo hiểm

(IBM) – Luật sư kiêm chính trị gia người Singapore Lim Tean đã bị buộc tội hình sự vi phạm lòng tin với tư cách luật sư vì bị cáo buộc bỏ túi một khoản thanh toán bảo hiểm dành cho khách hàng. Lim cũng bị buộc tội từ chối trả lời một sĩ quan cảnh sát.

Theo một báo cáo của Channel News Asia, ông Lim, 57 tuổi, bị cáo buộc chiếm đoạt 5.500 đô la Singapore, số tiền đã được AXA Insurance thanh toán vào ngày 3 tháng 4 năm 2020, cấu thành tội vi phạm lòng tin. Số tiền này được chi trả cho một người phụ nữ mà ông ta đại diện.

Lim cũng bị buộc tội lần thứ hai là từ chối trả lời một công chức có thẩm quyền chất vấn. Ông bị cáo buộc từ chối trả lời các câu hỏi vào ngày 10 tháng 6 tại Bộ Thương mại về một trường hợp từ tháng 10 năm 2017, liên quan đến việc ông được một người nào đó trả 50.000 đô la Mỹ, báo cáo cho biết.

Lim, người đã thành lập đảng chính trị Tiếng nói Nhân dân vào năm 2018, hiện phải đối mặt với tổng cộng bảy cáo buộc, bao gồm cả một hành vi vi phạm lòng tin hình sự trước đó vì bị cáo buộc chiếm đoạt 30.000 đô la Singapore được trao cho một khách hàng cũ để dàn xếp vụ kiện dân sự. Các cáo buộc khác bao gồm cáo buộc theo dõi một nhân viên cũ và hành nghề luật sư mà không có chứng chỉ hợp lệ. Lim trước đó nói rằng các cáo buộc chống lại ông ta là “động cơ chính trị”.

Ấn Độ: Thị trường bảo hiểm thú cưng phát triển

(AIR) – Nhiều công ty bảo hiểm Ấn Độ dự kiến sẽ cung cấp bảo hiểm thú cưng, bổ sung cho số ít các công ty bảo hiểm công và tư đang cung cấp các sản phẩm như vậy trên thị trường.

Theo báo cáo của Hindu Business Line, việc nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, đã gia tăng trên khắp đất nước kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Đồng thời, chi phí chăm sóc vật nuôi, chải chuốt và chi phí y tế tăng cao dường như thu hút các công ty bảo hiểm thiết kế các kế hoạch bảo hiểm cho chúng.

Chủ sở hữu vật nuôi thường có chi phí tiêm phòng, điều trị bọ ve và chải lông ở bất cứ đâu từ 10.000 INR (122,6 USD) đến 54.000 INR mỗi năm. Vì vậy, sản phẩm bảo hiểm vật nuôi là cần thiết để giảm thiểu chi phí điều trị y tế cho vật nuôi.

Ước tính có khoảng 28-29 triệu vật nuôi ở Ấn Độ và chó chiếm phần lớn trong tổng số này.

Ông Anup Rau, CEO kiêm Giám đốc điều hành Future Generali India, nói với BusinessLine: “Hậu COVID, đã có sự gia tăng về quyền sở hữu thú cưng và đây có thể là một xu hướng bền vững trong tương lai”.

Trong khi đó, nhiều chủ sở hữu thú cưng đang tìm hiểu về các sản phẩm bảo hiểm thú cưng và bắt đầu trải nghiệm quyền lợi.

BTV (Tổng hợp).