TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 29

Lloyd’s bổ nhiệm Phó Chủ tịch nữ đầu tiên; Allianz thành lập công ty quản lý tài sản tại Trung Quốc; Manulife Việt Nam ra mắt ứng dụng trợ lý ảo dành cho đại lý

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 29

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIDV MetLife chi trả cho 4 trường hợp khách hàng có xét nghiệm dương tính với Covid-19

(ĐTCK) – Hãng bảo hiểm BIDV MetLife vừa thực hiện chi trả cho 4 trường hợp khách hàng có xét nghiệm dương tính với Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 100 triệu đồng.

Quyền lợi này nằm trong “Chương trình hỗ trợ tài chính khách hàng trước đại dịch Covid-19” được công ty triển khai từ hồi tháng 5/2021.

Cụ thể, BIDV MetLife sẽ hỗ trợ gói tài chính trị giá 25 triệu đồng đối với mỗi khách hàng không may có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Khách hàng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này là khách hàng cá nhân mua bảo hiểm và người được bảo hiểm chính của Hợp đồng bảo hiểm: Đang có hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực với BIDV MetLife và có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp, kể từ ngày 1/5/2021.

Chương trình cũng vừa được công ty gia hạn kéo dài đến hết ngày 30/9.

Được biết, từ năm 2020 đến cuối tháng 6/2021, BIDV MetLife đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng lên đến gần 7.300 trường hợp, với tổng giá trị chi trả là gần 36,2 tỷ đồng…

Kết thúc năm 2020, tổng doanh thu của BIDV MetLife tăng 28%, phí khai thác mới tăng 33% và lượng khách hàng tăng 30% so với năm 2019.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm Bưu điện và Tập đoàn Mai Linh hợp tác độc quyền

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Tập đoàn Mai Linh (MLC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền và hợp tác chiến lược toàn diện.

Theo nội dung thỏa thuận, Tập đoàn Mai Linh lựa chọn PTI là đối tác độc quyền khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật, cháy nổ… liên quan đến cán bộ, nhân viên và đối tác của Tập đoàn Mai Linh.

Đồng thời, PTI sẽ đầu tư tài chính ban đầu để xây dựng hạ tầng, công nghệ thông tin và cơ chế chính sách hợp tác tốt nhất để Mai Linh trở thành đại lý phân phối độc quyền các sản phẩm của PTI trên toàn hệ thống của Mai Linh.

Thời hạn hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền là 10 năm với kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng.

Trong quý III/2021, với sự bảo trợ của Y Chi Việt Nam (đơn vị tư vấn chiến lược cho Tập đoàn Mai Linh về bảo hiểm và an cư), PTI và Mai Linh sẽ ra mắt sản phẩm chiến lược độc quyền: Bảo hiểm 24h/7 ngày/30 ngày với số tiền bảo vệ lên đến 1 tỷ đồng/khách hàng/ sự kiện, khi sử dụng dịch vụ Mai Linh.

PVI Re bổ nhiệm Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2021-2026

(ĐTCK) – Ngày 20/07/2021, Hội đồng quản trị PVI Re đã trao quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Anh Tuấn tiếp tục giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) thời hạn 05 năm kể từ ngày 02/08/2021.

Ông Trịnh Anh Tuấn đã có thời gian công tác 20 năm tại PVI và từng giữ nhiều chức vụ quản lý khác nhau trước khi trở thành Tổng giám đốc PVI Re từ năm 2016. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Trịnh Anh Tuấn đã lãnh đạo PVI Re đạt được nhiều cột mốc quan trọng cả về hoạt động kinh doanh cũng như quản trị công ty.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của PVI Re liên tục tăng trưởng qua các năm và đạt 181 tỷ đồng vào năm 2020 – mức cao nhất kể từ khi thành lập. Tổng tỷ lệ cổ tức PVI Re đã chi trả cho các cổ đông trong giai đoạn 2016-2020 là 78%, đây là tỷ lệ cao hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, ngày 20/07/2021 cũng là cột mốc đánh dấu 10 năm PVI Re có mặt trên thị trường. Trải qua 10 năm trưởng thành và phát triển, PVI Re từ một công ty TNHH MTV năm 2011 đã chuyển mình trở thành một công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng tài sản 4.790 tỷ đồng và tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ gần 3.000 tỷ đồng.

Năm 2019, A.M. Best đã nâng hạng tín nhiệm năng lực tài chính của PVI Re từ B+ lên B++, khẳng định nền tảng tài chính vững chắc cũng như phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh được duy trì và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên toàn thế giới, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của PVI Re vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.

Trong đó, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của PVI Re ghi nhận con số 1.135 tỷ đồng, hoàn thành 128% kế hoạch và tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 81 tỷ đồng, tương đương 110% kế hoạch.

Trong đó cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính đều hoàn thành vượt mức kế hoạch lần lượt đạt 33 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.

Để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính phục vụ giai đoạn phát triển mới, PVI Re đang trong quá trình chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên 1.044 tỷ đồng bằng hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng sau khi đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua.

Manulife Việt Nam ra mắt ứng dụng trợ lý ảo dành cho đại lý MaxX D

(ĐTCK) – Manulife Việt Nam tiếp tục ra mắt MaxX D, một ứng dụng trên điện thoại di động đồng thời là giải pháp số hóa toàn diện đóng vai trò như một trợ lý ảo cho các đại lý.

Ngoài mục đích hỗ trợ đại lý trong việc quản lý những hoạt động hàng ngày, MaxX D được thiết kế để chuyển đổi cách thức làm việc của hơn 57.000 đại lý của Manulife Việt Nam, giúp họ nâng cao năng suất làm việc cũng như hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng.

Không chỉ là một ứng dụng di động, MaxX D còn cung cấp cho đại lý dữ liệu kinh doanh cùng các tính năng hỗ trợ như: đặt mục tiêu hoạt động, lập kế hoạch và theo dõi kế hoạch làm việc, đo lường hiệu quả phễu bán hàng và tuyển dụng, đo lường hiệu suất hoạt động các cấp… Tất cả đều nằm trong một giao diện đơn giản, dễ sử dụng.

Ông Robert Triệu, Giám đốc khối đại lý của Manulife Việt Nam cho biết, việc tối ưu hóa thời gian cho các đại lý sẽ giúp họ có thêm năng lượng để tập trung xây dựng mạng lưới quan hệ, gặp gỡ nhiều khách hàng tiềm năng, tạo ra những tương tác tích cực nhằm phục vụ mục tiêu cuối cùng là mang lại giải pháp bảo vệ cho nhiều người hơn nữa.

MaxX D là một phần của hành trình chuyển đổi số hóa đang diễn ra của Manulife Việt Nam bắt đầu từ năm 2017, với mục đích cải thiện trải nghiệm cho cả khách hàng lẫn đội ngũ bán hàng.

Được tích hợp hệ thống mạng lưới các giải pháp số hóa của Manulife Việt Nam bao gồm ePOS, eClaims và ManulifeMOVE, ứng dụng MaxX D sẽ nâng cao trải nghiệm làm việc của Đại lý cũng như hỗ trợ họ trong việc theo dõi hành trình của khách hàng.

Tương tự như các giải pháp số hóa khác của Manulife Việt Nam luôn hướng đến trải nghiệm, hiệu quả và sự đơn giản cho người dùng, MaxX D tượng trưng cho nỗ lực của công ty trong việc xây dựng một dịch vụ không giấy tờ.

BIC ra mắt bảo hiểm trách nhiệm truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa chính hãng

(BIC) – Theo đó, doanh nghiệp tham gia bảo hiểm sẽ được BIC chi trả bồi thường cho các trách nhiệm pháp lý phát sinh trong trường hợp có sự cố liên quan đến hoạt động truy xuất dữ liệu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chính hãng. Sản phẩm sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp thêm an tâm phát triển các công cụ truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và mua sắm an toàn trên thị trường.

Ông Trần Hoài An – Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc BIC chia sẻ: “Sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa chính hãng ra đời là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển tại BIC trong nhiều năm qua. Xu hướng phát triển các công cụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc truy xuất chính là cách thể hiện rõ ràng nhất thông điệp của nhà cung cấp tới khách hàng về chất lượng sản phẩm, giúp cho khách hàng hoàn toàn an tâm khi tiêu dùng. Là một doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu về tiềm lực tài chính và năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, BIC tin tưởng bảo hiểm trách nhiệm truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa chính hãng sẽ là người bạn đồng hành tin cậy với các doanh nghiệp trong quá trình phát triển các công cụ truy xuất nguồn gốc dữ liệu hàng hóa, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh, mua sắm hiện đại và an toàn cho người Việt.”

Bảo hiểm quân đội: Ra mắt Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – “Tấm lá chắn” thời công nghệ 4.0

(MIC) – Trong quý 1/2021, đã có 1.271 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam chưa kể số các vụ tấn công tài khoản cá nhân, lừa đảo mua sắm trực tuyến. Nhận biết rõ được những rủi ro có thể xảy ra với người dùng, Bảo hiểm Quân đội là một trong những đơn vị tiên phong đã nghiên cứu đồng bộ ứng dụng công nghệ và ra mắt Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân.

Sự phát triển của công nghệ số mang đến cho người dùng những trải nghiệm tiện ích và thay đổi hành vi, thói quen mua sắm cũng như cách thức giao tiếp. Tuy nhiên trong những năm gần đây có một thực tế đó là số vụ tấn công đánh cắp dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng trên mạng ngày càng gia tăng. Sự ra đời của Bảo hiểm An ninh mạng cá nhân MIC sẽ trở thành “tấm lá chắn” cho người dùng trước nguy cơ bị đánh căp dữ liệu cá nhân.

Năm 2020, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã đạt kỷ lục mới, vượt mốc 1 tỷ USD (23,9 nghìn tỷ đồng). Đây là kết quả được đưa ra từ chương trình đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện tháng 12/2020.

Trong quý 1/2021, đã có 1.271 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam chưa kể số các vụ tấn công tài khoản cá nhân, lừa đảo mua sắm trực tuyến. Các chuyên gia cũng cảnh báo các cá nhân sử dụng MXH không nên chạy theo các trào lưu, tải các app lạ vì có nguy cơ đánh cắp hoặc thu thập dữ liệu cá nhân người dùng để sử dụng cho các mục đích xấu. Các con số trên cho thấy vẫn còn những “lỗ hổng” trong an ninh mạng hiện nay và thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi khó lường hơn.  Vì vậy chủ động tìm đến giải pháp bảo vệ là điều cần thiết giúp người dùng an tâm hơn khi trải nghiệm cuộc sống số.

Nhận biết rõ được những rủi ro có thể xảy ra với người dùng, Bảo hiểm Quân đội là một trong những đơn vị tiên phong đã nghiên cứu đồng bộ ứng dụng công nghệ và ra mắt Bảo hiểm an ninh mạng cá nhân.

Với giải pháp này, MIC cam kết mang đến cho quý khách hàng, đối tác giải pháp bảo vệ trong thời đại số. Chương trình bảo hiểm đa dạng các rủi ro trên không gian mạng, được thiết kế linh động với 5 quyền lợi riêng bảo vệ trong các trường hợp: Bồi thường cho việc bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng/ tài khoản ví điện tử do giao dịch gian lận; khi mua sắm trực tuyến; bồi thường  các chi phí để khôi phục danh tính khi thông tin cá nhân bị sử dụng trái phép để lấy tiền, mua sắm hàng hóa, dịch vụ; chi phí phục hồi các dữ liệu hay tài sản kỹ thật số trên máy tính, laptop, điện thoại, máy tính bảng khi bị tấn công mạng và  tiền chuộc phát sinh khi gặp các mối đe dọa tống tiền qua mạng. Chương trình bảo hiểm được tích hợp đồng bộ công nghệ bảo hiểm số cấp đơn siêu tốc tại emic.vn hoặc app MIC với mức phí chỉ từ 94.000đ/ năm. Đặc biệt, MIC còn xây dựng riêng một tổng đài tư vấn và hỗ trợ sự cố chuyên biệt 24/7 miễn phí dành cho khách hàng. Ngoài ra, chương trình sẽ đi cùng các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu trên thế giới, đồng hành cùng khách hàng ngay cả khi chấm dứt hợp đồng.  Hiện nay, Bảo hiểm An ninh mạng cá nhân MIC có quyền lợi bảo vệ top đầu thị trường với giá trị lên đến 25.000USD.

Sun Life ra mắt bảo hiểm liên kết chung cho khách hàng cao cấp

(ĐTCK) – Sun Life vừa ra mắt sản phẩm SUN – Sống Tinh Hoa, sản phẩm thuộc dòng bảo hiểm liên kết chung, được thiết kế riêng cho đối tượng khách hàng cao cấp.

Sản phẩm này kế thừa những ưu điểm về tính chủ động, linh hoạt, tích lũy an toàn và hiệu quả của dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, vừa được thiết kế thêm các quyền lợi và tính năng đặc biệt đáp ứng đúng nhu cầu cao cấp của khách hàng về tích lũy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, khi tham gia SUN – Sống Tinh Hoa, khách hàng còn được trải nghiệm quy trình tham gia và thẩm định ưu đãi, và được tặng kèm dịch vụ Giải mã gen cao cấp.

Với 1 trong 6 gói giải mã gen, khách hàng có thể sử dụng cho bản thân hoặc tặng cho người thân, bạn bè để giúp hiểu rõ sức khỏe tinh thần và thể chất, từ đó lựa chọn thay đổi lối sống để sống khỏe mạnh hơn hoặc khám phá tiềm năng để phát huy tối đa năng lực của bản thân.

Các quyền lợi và đặc điểm nổi bật của sản phẩm mới này là: tích lũy hiệu quả với lãi suất đảm bảo trong suốt thời hạn bảo hiểm và các khoản thưởng hấp dẫn; nhận toàn bộ giá trị tích lũy bằng 100% Giá trị tài khoản khi kết thúc hợp đồng; đảm bảo tăng mức bảo vệ và miễn thẩm định khi gia tăng trách nhiệm tài chính tại các sự kiện quan trọng: Người được bảo hiểm kết hôn/ sinh con/ con chuyển cấp hoặc vào đại học, đặc biệt với sự kiện vay mua nhà/ căn hộ; đóng phí và đầu tư thêm theo nhu cầu; rút tiền theo nhu cầu bất kỳ lúc nào từ Giá trị tài khoản gia tăng…

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp phi nhân thọ: Khó bịt lỗ hổng dữ liệu khách hàng

(ĐTCK) – Đối với mọi ngành, lĩnh vực, dữ liệu khách hàng chính là nguồn sống, thế nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan tới yếu tố mang tính chất sống còn này.

Tại một cuộc họp về định hướng kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 của công ty bảo hiểm phi nhân thọ B, tất cả thành viên Ban Tổng giám đốc của công ty này đều đồng thuận rằng, cần phải đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là với các khách hàng cá nhân – nhóm khách hàng đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai, công ty bảo hiểm này vấp phải một vấn đề không ngờ tới: Dữ liệu khách hàng hầu như không chính xác, đầy đủ (số điện thoại, địa chỉ…). Đáng chú ý, tất cả thông tin khách hàng cá nhân được xuất trên hệ thống đều gặp tình trạng trùng lắp, thậm chí tại nhiều chi nhánh, 80% dữ liệu khách hàng cá nhân bị trùng nhau, hoặc không tồn tại, hoặc 1 số điện thoại được hiển thị trên dữ liệu của hàng trăm khách hàng khác nhau…

Để có thể tối ưu hóa chất lượng dịch vụ, việc nắm đầy đủ, chính xác thông tin khách hàng là yếu tố tiên quyết, nên không còn cách nào khác công ty bảo hiểm B phải ráo riết tìm phương án “vá” lỗ hổng này.

Thực trạng trên không chỉ là vấn đề của riêng công ty bảo hiểm B, mà còn diễn ra tại tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam. Ngoại trừ kênh bán hàng online, do khách hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin khi mua hàng, các kênh bán hàng còn lại đều không có đầy đủ thông tin cần thiết về khách hàng. Dẫu vậy, số lượng khách hàng mua bảo hiểm online còn rất hạn chế nên chưa thể “làm đẹp” kho dữ liệu khách hàng của nhà bảo hiểm.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nằm trong tốp 5 công ty có thị phần lớn nhất thị trường, có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này, trong đó tập trung vào 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện chủ yếu bán hàng qua kênh trung gian (đại lý, ngân hàng, môi giới, showroom…), trong khi các đối tượng này thường không muốn chia sẻ đầy đủ thông tin khách hàng do sợ bị “thất thoát” dữ liệu, những năm sau khó thực hiện tái tục với khách hàng.

“Ngay cả những người bán hàng là nhân viên của công ty bảo hiểm cũng lo bị mất dữ liệu khách hàng của mình. Họ thường lập một danh sách theo dõi riêng thay vì nhập lên hệ thống, nếu doanh nghiệp yêu cầu bắt buộc phải điền đầy đủ thông tin khách hàng thì họ có nhiều cách để né tránh như nhập số điện thoại của mình hoặc người thân cho tất cả các khách hàng, thậm chí tự ‘bịa’ ra một số điện thoại nào đó để đưa lên hệ thống…”, vị này cho hay.

Thứ hai, với bảo hiểm phi nhân thọ, ngay cả khi khách hàng yêu cầu bồi thường cũng không cần cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ, khi muốn yêu cầu bồi thường bảo hiểm ô tô, khách hàng chỉ cần có giấy chứng nhận bảo hiểm hợp lệ là được doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận hồ sơ bồi thường, hay khi yêu cầu bồi thường bảo hiểm sức khỏe, khách hàng cũng chỉ cần có thẻ bảo hiểm y tế cùng với chứng minh thư/thẻ căn cước công dân để xác minh là có thể được chi trả bảo hiểm. Do vậy, ngay từ khi mua bảo hiểm, khách hàng cũng chưa thấy cần thiết phải cung cấp đầy đủ thông tin của mình cho công ty bảo hiểm…

“Đối với các nhân viên kinh doanh hay đại lý, thông tin khách hàng là tài sản quan trọng nhất, đó là thứ họ sẽ mang theo khi chuyển từ công ty này sang công ty khác để đảm bảo nguồn doanh thu/KPI cho mình, thậm chí nhiều trường hợp họ nhập luôn thông tin của mình hoặc người thân vào thông tin khách hàng để dễ bề ‘qua mặt’ khi công ty muốn đo lường sự hài lòng của khách hàng…, cho nên xảy ra tình trạng sai lệch dữ liệu khách hàng là dễ hiểu”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác không muốn nêu tên cho hay.

Cũng theo vị này, các công ty bảo hiểm không quá e ngại việc mất khách hàng khi đại lý nghỉ việc hay đối tác ngân hàng không còn hợp tác, bởi khi quyết định mua bảo hiểm, khách hàng thường dựa vào nhiều tiêu chí, chẳng hạn thương hiệu của nhà bảo hiểm, tính ưu việt của sản phẩm, chất lượng bồi thường tốt…, chứ không quá phụ thuộc vào cán bộ kinh doanh. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, với tình trạng dữ liệu khách hàng hiện tại, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ khó có thể xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ hoàn hảo để tạo giá trị gia tăng, tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, nhưng về cơ bản vẫn phải dựa trên các dữ liệu hiện có để đưa ra các giải pháp.

Trên thực tế, để từng bước bịt những “lỗ hổng” thông tin khách hàng, các công ty bảo hiểm đang đẩy mạnh phát triển các công cụ bán hàng ngay trên điện thoại di động cho đội ngũ kinh doanh, đồng thời ứng dụng công nghệ OCR để quét, nhập thông tin khách hàng tự động. Với công nghệ này, nhà bảo hiểm có thể kiểm soát mức độ chính xác các thông tin khách hàng do cán bộ kinh doanh cung cấp.

Nhà bảo hiểm cũng đưa ra nhiều giải pháp để người mua bảo hiểm chủ động cung cấp lại thông tin cá nhân, bao gồm cả số điện thoại, chẳng hạn yêu cầu khách hàng gửi tin nhắn hoặc quét mã QR để xác thực tính pháp lý của giấy chứng nhận bảo hiểm, tặng voucher cho đợt mua hàng tiếp theo cho khách hàng cung cung cấp thêm số điện thoại…

Bên cạnh đó là tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động cấp đơn bảo hiểm online, phát triển các ứng dụng bán hàng với nhiều tiện ích hơn cho các đại lý nhằm tạo thuận lợi trong việc lưu trữ dữ liệu khách hàng, phát triển các biện pháp/tính năng rà soát tính chính xác để “làm sạch” thông tin khách hàng trong hệ thống…

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

PJICO hỗ trợ bộ đội phòng Gia Lai trang bị, nhu yếu phẩm phòng, chống dịch Covid-19

(PJICO) – Sáng 24/7, tại trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Xuân Long – Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Gia Lai, nhà báo Đỗ Mạnh Hà (phóng viên Đài Phát thanh, Truyền hình Gia Lai) đại diện cho gia đình và các nhà hảo tâm đã trao tặng BĐBP tỉnh Gia Lai trang bị, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Long – Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Gia Lai đã trao tặng BĐBP tỉnh Gia Lai hai máy lọc nước, trị giá 10,6 triệu đồng. Đây là số tiền do chính cán bộ, nhân viên Bảo hiểm PJICO Gia Lai đóng góp để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, vất vả, bảo đảm nguồn nước sạch phục với cán bộ, chiến sĩ trên vùng biên giới tuần tra bảo vệ biên giới gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Nhà báo Đỗ Mạnh Hà thay mặt gia đình và một số nhà hảo tâm trên địa bàn tặng cho BĐBP Gia Lai một số nhu yếu phẩm trị giá trên 15 triệu đồng phục vụ trong ăn uống, sinh hoạt của BĐBP trong quá trình công tác. Số vật chất hỗ trợ đợt này chưa nhiều, nhưng đây là tấm lòng của người dân Gia Lai với BĐBP trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh.

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Thượng tá Hoàng Xuân Hải, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận toàn bộ số quà tặng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cán bộ, nhân viên Bảo hiểm PJICO Gia Lai; gia đình nhà báo Đỗ Mạnh Hà cùng một số nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo Thượng tá Hoàng Xuân Hải, hiện tại BĐBP Gia Lai đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bảo vệ tuyến biên giới dài gần 90km, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển buôn bán hàng cấm qua biên giới và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Gia Lai tăng cường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 2 vụ/4 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; 39 vụ/98 đối tượng vi phạm xuất nhập cảnh; tiếp nhận 3 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, do lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia bàn giao… Kết quả đó đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xâm nhập vào địa bàn từ biên giới.

  1. Tin quốc tế

AXA XL bổ nhiệm Giám đốc quốc gia Singapore

(IBM) – AXA XL Insurance đã bổ nhiệm cô Sylvie Gleises (trong ảnh) làm Giám đốc quốc gia Singapore, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9.

Gleises hiện là Giám đốc tổng hợp doanh thu toàn cầu và Giám đốc quản lý khách hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu. Với vai trò mới, cô sẽ giám sát các hoạt động bảo hiểm và thúc đẩy chiến lược tiếp cận thị trường của AXA XL tại Singapore. Làm việc tại trụ sở Singapore, cô Gleises sẽ báo cáo với Gilles Fromageot, Giám đốc khu vực châu Á, AXA XL.

Năm 2006, Gleises gia nhập AXA và kể từ đó đã giữ một số vị trí lãnh đạo – bao gồm Giám đốc nhân sự cho cựu Chủ tịch & CEO của tập đoàn Henri de Castries, CEO của Continental Europe và giám đốc phân phối & tiếp thị toàn cầu của AXA Art.

Ông Xavier Veyry, Giám đốc điều hành của APAC & Châu Âu, AXA XL, bình luận: “Kinh nghiệm sâu rộng của Sylvie trên các chức năng kinh doanh khác nhau và phương pháp tiếp cận tập trung vào khách hàng của cô ấy định vị lý tưởng của cô ấy để dẫn đầu sự hiện diện của chúng tôi tại Singapore và hợp tác chặt chẽ với khách hàng và nhà môi giới của chúng tôi. Tôi mong Sylvie mang niềm đam mê và tinh thần kinh doanh của mình vào vai trò này.”

Tin cũng cho biết, ông Kevin Leong, hiện là Giám đốc quốc gia của AXA XL tại Singapore, Giám đốc điều hành mảng thương mại AXA Singapore và Giám đốc đánh giá rủi ro của AXA châu Á, sẽ rời công ty để theo đuổi các cơ hội khác.

Trung Quốc cần thêm nhiều bảo hiểm thiên tai

(AIR) – Reuters dẫn nguồn từ Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho biết, họ sẽ hướng dẫn các công ty bảo hiểm để tăng cường đầu tư bảo hiểm thiên tai và làm phong phú các dịch vụ sản phẩm.

CBIRC cũng lên kế hoạch nâng cao nhận thức về rủi ro để bảo hiểm thảm họa thiên nhiên đóng vai trò tốt hơn trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp quốc gia.

“Các thiên tai như động đất, bão và lũ lụt ảnh hưởng tới hầu hết dân chúng, và dân chúng phải chịu các tổn thất trực tiếp”, CBIRC viết trong một thông báo.

Cần có nhiều sản phẩm hơn để “đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của mọi người về bảo hiểm rủi ro”.

Tuyên bố được đưa ra sau khi tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc vừa trải qua trận lụt lịch sử nghìn năm có một kể từ ngày 16 tháng 7. Cho đến nay, lũ lụt gây ra tổn thất bảo hiểm lên tới 10 tỷ Tệ (1,54 tỷ USD), trong đó tổn thất bảo hiểm xe cơ giới chiếm ít nhất 60%.

Tại một diễn biến khác, tại thành phố biển phía đông Ninh Ba, ngành bảo hiểm đã nhận được ít nhất 54.200 yêu cầu bồi thường do ảnh hưởng của cơn bão “Pháo hoa”. Giá trị bồi thường lên tới trên 394 triệu Tệ.

Các cơn bão đổ bộ vào Phổ Đà, huyện Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang ở và di chuyển nội địa. Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, Hà Nam và những nơi khác bị mưa lớn trên diện rộng.

Trung Quốc: Xếp hạng tín nhiệm của công ty bảo hiểm nông nghiệp vẫn duy trì tốt sau lũ lụt

(AIR) – Mặc dù mưa lớn đã làm ngập tỉnh Hà Nam, miền Trung trong nửa cuối tháng 7, nhưng AM Best cho biết họ không thấy áp lực nào sắp xảy ra đối với các yếu tố cơ bản về xếp hạng tín nhiệm của công ty bảo hiểm Trung Quốc đại lục, Zhongyuan Agricultural Insurance (ZYIC).

Hà Nam là một trong những tỉnh nông nghiệp lớn nhất ở Trung Quốc và cũng là một trong những tỉnh đông dân nhất của nước này.

AM Best cho biết thêm rằng vẫn còn quá sớm để đo lường toàn bộ mức độ thiệt hại và mất mát do sự kiện liên quan đến thời tiết này vì công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành và việc báo cáo sẽ mất thêm thời gian.

Mặc dù vậy, AM Best lo ngại về sự không chắc chắn đối với tổng giá trị các yêu cầu bồi thường có thể phát sinh của ZYIC, đặc biệt là liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản.

ZYIC là công ty bảo hiểm nông nghiệp chuyên nghiệp được thành lập tại tỉnh Hà Nam. Danh mục bảo hiểm của công ty bao gồm hơn 60% bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, số còn lại bao gồm bảo hiểm xe cơ giới, tài sản, trách nhiệm pháp lý, tai nạn và sức khỏe.

AM Best cho biết Xếp hạng Sức mạnh Tài chính của ZYIC là B ++ (Tốt) và Xếp hạng Tín dụng Nhà phát hành Dài hạn là “bbb +” vẫn không thay đổi. Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế nói rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển của lũ lụt ở Hà Nam và tổ chức các cuộc thảo luận với ban quản lý của ZYIC để đánh giá những tác động tiếp theo đối với sức mạnh bảng cân đối kế toán và hiệu suất hoạt động của công ty.

Cho đến nay, lũ lụt cho đã làm phát sinh hơn 360.000 yêu cầu bảo hiểm với tổng trị giá ít nhất 10 tỷ Tệ (1,56 tỷ USD). Khoảng một nửa số tiền được yêu cầu liên quan đến tổn thất bảo hiểm xe cơ giới.

Indonesia: Công ty ví điện tử OVO cung cấp bảo hiểm xe máy giá cả phải chăng

(AIR) – FinTech kỳ lân Visionet Internasional (OVO) đã trở thành ví điện tử đầu tiên ở Indonesia ra mắt bảo hiểm xe máy, với mục đích mở rộng phạm vi bảo hiểm bằng cách làm cho phí bảo hiểm hợp lý hơn thông qua việc cho phép đóng phí hàng tháng.

Indonesia là thị trường xe máy lớn nhất ASEAN, với khoảng 117 triệu xe máy vào năm 2020. Cứ 2,3 người dân ở nước này thì có một xe máy.

Sản phẩm Asuransi Motor được cung cấp độc quyền trên ứng dụng OVO – đây là sản phẩm sự hợp tác giữa công ty bảo hiểm hàng đầu trong nước Asuransi Simas InsurTech và nhà môi giới bảo hiểm Futuready. Đây là gói bảo hiểm xe máy đầu tiên được triển khai trên nền tảng này nhằm nỗ lực thúc đẩy dịch vụ tài chính của OVO.

Sản phẩm này đã loại bỏ được những rào cản vốn có đối với sản phẩm bảo hiểm, đó là chi phí và những khó khăn trong quá trình cấp đơn bảo hiểm và yêu cầu bồi thường. Phí bảo hiểm khởi điểm ở mức thấp 15.000 IDR/tháng (1,34 USD). Quyền lợi bảo hiểm bảo vệ từ 75% trở lên chi phí thay thế bộ phận của xe máy.

Bà Irene Santoso, Phó Giám đốc Dịch vụ tài chính của OVO, nói: “Tổn thất hay thiệt hại của một chiếc xe máy có thể gây ra hậu quả tài chính nghiêm trọng cho nhiều gia đình, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đi làm và đi học. Tuy nhiên, nhiều người Indonesia vẫn chưa có bảo hiểm tư nhân và do đó dễ gặp rủi ro. Gần 50% số người được hỏi mà chúng tôi khảo sát quan tâm đến bảo hiểm vật chất xe”.

Theo Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Indonesia, nơi có dân số lớn thứ tư thế giới và tự hào là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, ở mức dưới 4% vào năm 2020.

OVO, với tư cách là nền tảng dịch vụ tài chính và ví kỹ thuật số lớn nhất Indonesia với cơ sở người dùng trên toàn quốc trải dài trên tất cả 34 tỉnh của Indonesia, có vị trí thuận lợi để mở rộng quyền truy cập vào Asuransi Motor và các sản phẩm dịch vụ tài chính khác trên toàn quốc. Trước đó, OVO đã ra mắt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ toàn diện mang tên PRUTect Care – Hospital Cash với sự hợp tác của Prudential Indonesia, cũng như các sản phẩm bảo hiểm tiện ích và xe đạp với các đối tác khác phù hợp với tầm nhìn của OVO nhằm thúc đẩy các sản phẩm tài chính ở Indonesia.

Swiss Re bổ nhiệm Giám đốc Thị trường khách hàng P&C Châu Á

(IBM) – Swiss Re vừa bổ nhiệm ông Balasubramanian (Bala) Nagarajan (trong ảnh) làm Giám đốc Thị trường khách hàng về bảo hiểm tài sản & thiệt hại (P&C), có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9.

Ông Nagarajan cũng sẽ làm Giám đốc kinh doanh của Swiss Re Malaysia, kế nhiệm ông Marcel Omar Papp, người đã đảm nhiệm vai trò này từ năm 2018. Còn ông Papp sẽ tập trung vào trách nhiệm của mình với tư cách là người đứng đầu Swiss Re Retakaful.

Theo tuyên bố của Swiss Re, việc bổ nhiệm ông Nagarajan sẽ củng cố và đa dạng hóa các mối quan hệ bảo hiểm của công ty đối với hoạt động kinh doanh P&C trên toàn khu vực. Ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, gần đây nhất là Giám đốc bộ phận quản lý kinh doanh P&C SID, nơi ông giám sát việc xử lý các yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tài sản và kỹ thuật, trách nhiệm pháp lý và bồi thường tai nạn phi nhân thọ.

Bình luận về sự kiện này, ông Victor Kuk, Giám đốc Tái bảo hiểm P&C SID cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được Bala thúc đẩy hoạt động kinh doanh P&C vững mạnh.

“Với thành tích 25 năm về tái bảo hiểm ở Đông Nam Á, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ, quản lý các sự kiện bồi thường quan trọng liên quan đến tài sản, tài chính và thảm họa, kiến thức mà anh ấy mang lại cho doanh nghiệp Malaysia của chúng tôi sẽ là vô giá”.

Allianz được cấp phép thành lập công ty quản lý tài sản tại Trung Quốc

(IBM) – Công ty Quản lý Tài sản Bảo hiểm Allianz (Allianz China IAMC) đã nhận được sự chấp thuận theo luật định từ Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), trở thành công ty quản lý tài sản bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc.

Công ty có vốn đăng ký 100 triệu Tệ, đặt trụ sở chính tại Bắc Kinh.

Allianz là một trong những công ty bảo hiểm nước ngoài tiên phong tại thị trường Trung Quốc, với việc thành lập Allianz China Holding vào năm 2019.

Theo tập đoàn bảo hiểm toàn cầu, việc phê duyệt Allianz China IAMC là một cột mốc quan trọng trong lộ trình chiến lược của Allianz China Holding, giúp nhằm đạt được tham vọng tăng trưởng dài hạn tại thị trường Trung Quốc.

Vào tháng 12 năm 2020, Allianz China Holding đã nhận được sự chấp thuận của CBIRC về việc bơm thêm vốn 1,2 tỷ Tệ, trong đó Allianz Group vẫn là cổ đông duy nhất sau khi rót vốn.

Ông Sergio Balbinot, thành viên hội đồng quản trị Allianz SE và là Chủ tịch Allianz China Holding cho biết: “Allianz rất vinh dự được thành lập công ty quản lý tài sản bảo hiểm 100% vốn nước ngoài đầu tiên. Ngoài sự hiện diện bảo hiểm của chúng tôi tại Trung Quốc, giấy phép này củng cố khả năng của Allianz trong việc cung cấp một bộ tổng thể các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản bảo hiểm tại thị trường Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới chính phủ Trung Quốc và các cơ quan quản lý vì đã tiếp tục hỗ trợ thiết lập một trụ cột mới thuộc công ty bảo hiểm do Allianz sở hữu hoàn toàn”.

Lloyd’s bổ nhiệm Phó Chủ tịch nữ đầu tiên

(INN) – Bà Vicky Carter vừa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Lloyd’s. Quyết định có hiệu lực vào tháng Chín.

Bà Carter đã làm việc cho thị trường Lloyd’s trong 40 năm qua và là thành viên của Hội đồng Lloyd’s từ tháng 2 năm 2019.

Chủ tịch Bruce Carnegie-Brown của Lloyd cho biết, việc bổ nhiệm này ghi nhận sự đóng góp chuyên nghiệp phi thường của bà cho thị trường Lloyd’s và ngành bảo hiểm toàn cầu trong nhiều thập kỷ.

“Sự lãnh đạo của bà ấy sẽ rất quan trọng khi chúng tôi thúc đẩy xây dựng thị trường bảo hiểm tiên tiến nhất thế giới,” ông nói.

Bà Carter đã bắt đầu sự nghiệp trong ngành y trước khi chuyển sang môi giới tái bảo hiểm vào năm 1980, là Chủ tịch Global Capital Solutions, International tại Guy Carpenter và cũng giữ các vị trí trong ban điều hành và hội đồng quản trị của công ty. Bà cũng là Chủ tịch Quỹ từ thiện của Lloyd’s và Chương trình Cộng đồng của Lloyd’s và là Người được ủy thác của Quỹ hỗ trợ trẻ em bị bệnh.

Bà Carter nói: “Tôi rất vui và tự hào khi trở thành nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Lloyd’s. Tôi rất ủng hộ phạm vi tiếp cận toàn cầu của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu rủi ro thay đổi của khách hàng.”

Cam kết của Lloyd’s là đạt mục tiêu 35% nữ giới ở các vị trí lãnh đạo trên toàn thị trường vào cuối năm 2023.

Tổn thất bảo hiểm do thiên tai nửa đầu năm 2021 cao hơn mức trung bình 10 năm

(INN) – Trong Bản tóm tắt thảm họa toàn cầu mới đây, Aon’s Impact Forecasting cho biết, tổn thất bảo hiểm thảm họa thiên nhiên ước tính đạt 42 tỷ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2021, cao hơn mức trung bình 10 năm, tuy nhiên thiệt hại kinh tế thấp hơn.

Giám đốc Dự báo Tác động kiêm Trưởng bộ phận Nhận biết Thảm họa Steve Bowen cho biết đây là sáu tháng đầu năm tốn kém nhất kể từ năm 2011 đối với các tổn thất bảo hiểm, mặc dù số lượng các sự kiện dưới mức trung bình.

Đợt đóng băng kéo dài vào tháng Hai ở Bắc Mỹ liên quan đến xoáy thuận là quan trọng nhất, trở thành sự kiện liên quan đến thời tiết mùa đông tốn kém nhất được ghi nhận, với 22 tỷ đô la Mỹ thiệt hại kinh tế và 15 tỷ đô la Mỹ tổn thất bảo hiểm.

Ông Bowen nói: “Sự đan xen giữa thời tiết nóng và lạnh kỷ lục được quan sát thấy trên toàn cầu làm nổi bật những căng thẳng về con người và cấu trúc”.

“Khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết, việc tìm ra cách để quản lý tốt hơn các rủi ro vật lý và phi vật lý càng trở nên cấp thiết hơn và đòi hỏi phải có giải pháp hành động.”

Tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến các sự kiện thiên tai ước tính khoảng 93 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn 32% so với mức trung bình 10 năm.

163 sự kiện thiên tai đáng chú ý được Impact Forecast ghi lại trong nửa năm, thấp hơn mức trung bình của thế kỷ này là 191 và mức trung vị 197.

So với mức trung bình của thế kỷ 21, tổn thất được bảo hiểm ở Hoa Kỳ cao hơn 76% và ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cao hơn 32%. Ngược lại, ở Châu Á Thái Bình Dương thấp hơn 1% và ở các nước Châu Mỹ thấp hơn 54%.

Thiên tai gây ra khoảng 3.000 ca tử vong trong suốt một nửa năm qua, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 38.900 kể từ năm 1980 và mức trung vị là 7600.

Các số liệu ước tính về tác động bảo hiểm trên đây mang tính sơ bộ và sẽ còn thay đổi khi tổn thất tiếp tục gia tăng.

Munich Re công bố lợi nhuận ròng sơ bộ trong Quý II

(INN) – Munich Re cho biết các số liệu sơ bộ cho thấy, lợi nhuận ròng trong quý thứ hai là 1,1 tỷ euro, đưa tổng thu nhập trong nửa năm lên 1,7 tỷ euro.

Các số liệu trên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang trên đà đạt được mục tiêu thu nhập cả năm là 2,8 tỷ euro – đó là thông tin do Munich Re cung cấp trong một bản cập nhật trước khi công bố kết quả quý II vào tháng tới.

Bên cạnh đó, chi phí tổn thất lớn quý II trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) ở mức dưới mức trung bình do thiệt hại tương đối thấp từ các thảm họa thiên nhiên.

Đồng thời tái bảo hiểm P&C liên quan đến COVID phù hợp với dự đoán.

Năm 2020, lợi nhuận ròng của hãng chỉ đạt 1,2 tỷ euro, giảm 55,3% so với năm 2019 do hậu quả của đại dịch.

BTV (Tổng hợp).