TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 28

AIA đàm phán mua MediCard của Philippines; Chưa xác định được tổn thất bảo hiểm cháy nhà chọc trời ở Hồ Nam; Tasco (HUT) nhận chuyển nhượng vốn của Groupama

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 28

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả hơn 860 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho cán bộ BIDV Tây Đô

Ngày 21/9/2022, tại Trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Tây Đô (TP. Cần Thơ), Công ty Bảo hiểm BIDV Miền Tây (BIC Miền Tây) đã tổ chức thăm hỏi, động viên và chi trả hơn 860 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng Trần Phú Hào – cán bộ BIDV Tây Đô không may tử vong do tai nạn.

Anh Hào tham gia bảo hiểm tai nạn người vay vốn cho khoản vay thấu chi tại Chi nhánh BIDV Tây Đô, đồng thời được bảo vệ bởi bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Care và bảo hiểm bệnh ung thư BIC Phúc Tâm An theo chương trình phúc lợi nhân văn của Ngân hàng BIDV dành cho cán bộ nhân viên. Tổng số tiền hơn 860 triệu đồng chi trả cho gia đình anh Hào gồm các quyền lợi từ bảo hiểm tai nạn người vay vốn BIC Bình An và bảo hiểm sức khỏe BIC Care.

Theo định hướng của Ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV “bảo hiểm là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái kinh doanh của BIDV”, tại các Chi nhánh BIDV nói chung và BIDV Tây Đô nói riêng, các sản phẩm bảo hiểm của BIC đã và đang khẳng định được những giá trị nhân văn, chia sẻ với các gia đình khi không may gặp khó khăn. Tại BIDV Tây Đô, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ tại Chi nhánh luôn ủng hộ và tích cực truyền thông, giới thiệu, tư vấn cho khách hàng. Đồng thời, cán bộ BIDV cũng chính là những khách hàng sử dụng các sản phẩm bảo hiểm của BIC.

Việc kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm, đồng hành, chia sẻ khó khăn tài chính với thân nhân khách hàng vượt qua nỗi đau mất đi người chồng, người cha là trụ cột kinh tế của gia đình, các sản phẩm bảo hiểm BIC tiếp tục khẳng định được giá trị thực tiễn và tính nhân văn sâu sắc. Đối với ngân hàng, BIC Bình An tiếp tục khẳng định vai trò là một công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu trong hoạt động tín dụng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Tasco (HUT) nhận chuyển nhượng vốn góp của Bảo hiểm Groupama Việt Nam

(ĐTCK) – Bộ Tài chính vừa có công văn chấp thuận cho Tasco (HUT – UPCoM) được nhận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Bảo hiểm Tổng hợp Groupama Việt Nam từ tập đoàn Groupama Assurances Mutuelles, Tập đoàn bảo hiểm danh tiếng của Pháp.

Đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của Tasco nhằm cung cấp sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hoá cho xe và chủ xe, với kênh phân phối hiện đại dựa trên hạ tầng 73 showroom của Savico, phục vụ nhu cầu của khách hàng VETC.

Tasco xây dựng chiến lược phát triển hướng tới là “lựa chọn số 1 và toàn diện của người Việt Nam về dịch vụ ô tô và hạ tầng giao thông thông minh”. Hệ thống VETC đã đạt gần 2,5 triệu khách hàng, và dự kiến sẽ tăng trưởng tự nhiên lên 5 triệu khách hàng trong 5 năm tới.

Công ty cũng đặt mục tiêu tăng vốn để sở hữu SVC holdings để hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ ô tô với mục tiêu tăng số lượng showroom lên 120 vào năm 2026.

HĐQT của Tasco đã ra nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng cổ phần và giao Tổng giám đốc Công ty thực hiện sớm nhất.

Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng ngày 20/9, cổ phiếu HUT tăng nhẹ 0,4% lên 25.600 đồng/CP, thanh khoản đạt 0,62 triệu đơn vị.

PTI Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Affina Việt Nam ký kết hợp tác chiến lược

(PTI) – Ngày 19/9 tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Affina Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược cùng PTI Hồ Chí Minh – công ty thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), hướng tới mục tiêu mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, thuận tiện, góp phần tối ưu chi phí, tối đa lợi ích dành riêng cho khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (micro SME) khi tham gia bảo hiểm.

Thỏa thuận hợp tác nằm trong chiến lược mở rộng khai thác các hoạt động dịch vụ bảo hiểm của PTI dựa trên nền tảng công nghệ của Affina nhằm phát huy tiền năng, nội lực của nhau trên hành trình phát triển và thiết lập hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Trong lần hợp tác sâu rộng lần này, hai bên đã cho ra mắt 2 dòng sản phẩm chiến lược gồm Benefits One dành riêng cho khách hàng cá nhân và Benefits Elect dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự kiến đến năm 2027, hai bên sẽ phục vụ và hỗ trợ trên 600,000 khách hàng cá nhân và khoảng 30,000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với mong muốn thay đổi nhận thức về sức khỏe đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là sau 2 năm đại dịch Covid-19, sản phẩm bảo hiểm cá nhân Benefits One mang đến những lợi ích nổi bật, khác biệt so với các sản phẩm cùng dòng trên thị trường khi kết hợp nhiều chương trình hỗ trợ phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật và các chương trình quản lí sức khỏe. Đặc biệt, Benefits One có quy trình đơn giản, 100% trực tuyến từ đăng kí đến bồi thường giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm một cách thuận tiện nhất. Sản phẩm này cũng cho phép trẻ em từ 30 ngày tuổi được tham gia bảo hiểm một cách độc lập mà không cần cha mẹ phải tham gia cùng.

Đối với sản phẩm doanh nghiệp Benefits Elect, Affina và PTI tập trung vào khách hàng doanh nghiệp mSME chỉ từ 3 nhân viên trở lên. Đội ngũ chuyên gia của hai bên sẽ thực hiện tư vấn và thiết kế chương trình bảo hiểm với quyền lợi tối ưu theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tham gia bảo hiểm, cập nhật số lượng nhân viên và theo dõi tình hình bồi thường hoàn toàn trực tuyến, đồng thời còn được cung cấp các số liệu liên quan đến xu hướng phúc lợi sức khỏe tinh thần để từ đó điều chỉnh chương trình phù hợp với thực tế và nhu cầu của mỗi nhân viên.

Ông Phạm Thanh Tùng – Phó tổng giám đốc công ty Affina cho biết: “Khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp vừa và nhỏ là các đối tượng khách hàng từ trước tới nay chưa nhận được sự đầu tư thích đáng, do đó việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm còn thiếu sự linh hoạt, hạn chế trong trải nghiệm về các dịch vụ gia tăng. Vì vậy, với việc hợp tác với PTI, tôi hi vọng sẽ hỗ trợ và đem lại trải nghiệm cũng như giá trị thiết thực nhất cho khách hàng.”

Với ưu thế là một startup công nghệ có tham vọng đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp giải pháp bảo hiểm quản lý sức khỏe cũng như giải pháp tài chính cho doanh nghiệp cá nhân và doanh nghiệp mSME, Affina đang phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ giúp trải nghiệm của khách hàng tốt nhất.

Trải qua hơn 24 năm hình thành và phát triển, PTI hiện đang là công ty bảo hiểm đứng thứ 3 trên thị trường, đứng đầu về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và đứng thứ hai về nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe. Được biết trong 55 công ty thành viên, PTI Hồ Chí Minh hiện đang là đơn vị đầu tiên hợp tác cùng Affina xây dựng chương trình Bảo hiểm Benefits One sử dụng trực tuyến.

Giá trị thương hiệu Bảo Việt được định giá 731 triệu USD

(TBTCO) – Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance chính thức công bố bảng danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022 tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 7 Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới phối hợp với Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand tổ chức sự kiện Brand Finance Vietnam Forum 2022. Đây cũng sẽ là sự kiện thường niên của Brand Finance tại Việt Nam nhằm công bố giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam, đồng thời tôn vinh Top 50 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam năm 2022.

Đáng chú ý trong số những thương hiệu nổi bật năm nay trong Top 50, Tập đoàn Bảo Việt nhận danh hiệu “Thương hiệu bảo hiểm giá trị nhất Việt Nam 2022”. Giá trị thương hiệu Bảo Việt được định giá 731 triệu USD, tăng gần 3 lần và đứng thứ 14 trong bảng tổng sắp năm 2022.

Bảo Việt cũng là một trong số ít đại diện của các công ty, tập đoàn có thứ hạng cao và có sự tăng trưởng vượt bậc về thứ hạng trong bảng xếp hạng Top 50. Thương hiệu Bảo Việt đáp ứng tốt các tiêu chí đánh giá cả về vị thế trên thị trường và tiềm năng tạo ra lợi nhuận ổn định trong tương lai. Bảo Việt luôn chú trọng giữ gìn hình ảnh thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ với tiêu chí lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động. Việc Bảo Việt được ghi nhận là một trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng đầu trong ngành bảo hiểm là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu.

Top 50 doanh nghiệp thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được trao chứng nhận chính thức về thứ hạng, giá trị thương hiệu quốc gia và chỉ số sức khỏe thương hiệu tại thị trường Việt Nam – bảng xếp hạng duy nhất có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá).

Giá trị của Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đã tăng 36%. Bảo hiểm (+ 116%), bất động sản (+ 105%) và cơ khí & xây dựng (+ 61%), là những ngành tăng trưởng nhanh hơn trong khi viễn thông, ngân hàng và thực phẩm, đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị của bảng xếp hạng. Điều này khẳng định sự phát triển và sức mạnh thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2022. Sự kiện cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau với sự góp mặt của những diễn giả uy tín, nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực thương hiệu, định giá thương hiệu.

“Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và hiện có một thị trường đang phát triển nhanh chóng và ngày càng trở nên đa dạng hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang định hướng tiếp thị và thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa và trở nên minh bạch hơn với tất cả các bên liên quan” – ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Bên cạnh sự phát triển chung toàn Tập đoàn, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt được coi là một đơn vị có nhiều thành tích và giải thưởng uy tín. Bảo hiểm Bảo Việt luôn bền bỉ đi theo định hướng phát triển bền vững với tôn chỉ đặt khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động. Bảo hiểm Bảo Việt đã ứng dụng AI, Chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm…, nâng cao trải nghiệm khách hàng, khẳng định những bước đi vững chắc của tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Phát triển trên nền tảng chất lượng, tiêu chuẩn đã chinh phục được thị trường trong nước lẫn quốc tế, Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp phi nhân thọ duy nhất tại Việt Nam được Global Business Outlook – tạp chí uy tín hàng đầu vinh danh “Sáng kiến chuyển đổi số năm 2022 – Việt Nam” (Best Digital Transformation Initiatives – Insurance Sector – Việt Nam) thông qua hàng loạt giải pháp số đặt trải nghiệm khách hàng làm ưu tiên. Giải thưởng Global Business Outlook đã một lần nữa khẳng định cho chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, thích ứng của Bảo hiểm Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Bảo hiểm sức khỏe VBI Care gia tăng bảo vệ cho trẻ em và người bệnh nền

(TBTCO) – Với mong muốn tối ưu quyền lợi cho các khách hàng, mới đây sản phẩm Bảo hiểm sức khỏe VBI Care của Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã thông báo điều chỉnh nhiều điểm cải tiến mới về độ tuổi tham gia, quy trình bồi thường và các quyền lợi bảo hiểm kể từ ngày 5/9/2022.

Trên thị trường, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe VBI Care vốn được đánh giá là sản phẩm có thế mạnh vượt trội về phạm vi bảo vệ, quyền lợi chăm sóc sức khỏe toàn diện và chi phí cạnh tranh so với những sản phẩm bảo hiểm cùng lĩnh vực trên thị trường. Nhằm tối ưu hóa quyền lợi của khách hàng, giúp người dùng luôn chủ động trong cuộc sống trước các rủi ro sức khỏe, kể từ ngày 5/9/2022, Bảo hiểm sức khỏe VBI Care bổ sung thêm nhiều điểm mới.

Thấu hiểu nhu cầu của khách hàng về nhu cầu bảo vệ đối với đối tượng trẻ em và người cao tuổi, VBI Care cho phép đối tượng tham gia bảo hiểm từ 60 ngày tuổi đến 65 tuổi. Nhóm đối tượng 60 ngày tuổi đến 6 tuổi có thể tham gia bảo hiểm độc lập (không cần mua kèm bố mẹ). Với điểm này VBI là đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất trên thị trường áp dụng bảo hiểm độc lập cho trẻ em đến 6 tuổi.

Một trong những điểm ưu việt của VBI Care chính là khung thời gian chờ ngắn nhất trên thị trường bảo hiểm. Đối với các bệnh thông thường (bao gồm bệnh hô hấp) VBI Care mới cho thời gian chờ chỉ 30 ngày. Đối với các bệnh đặc biệt, bệnh có sẵn thời gian chờ là 365 ngày. Thời gian chờ của quyền lợi thai sản (sinh thường, sinh mổ) từ 9 tháng.

Trong khi các sản phẩm trên thị trường điều khoản loại trừ với bệnh nền có sẵn khá khắt khe và danh sách bị loại trừ khá nhiều, thì với VBI Care, khách hàng được chi trả quyền lợi bảo hiểm kể từ năm tái tục thứ 2 (tức sau 365 ngày tham gia bảo hiểm)

Theo đó, bảo hiểm sức khỏe VBI Care bảo vệ trên 30 bệnh có sẵn, bao gồm các bệnh lý nghiêm trọng thường gặp: viêm xoang/viêm họng/viêm phế quản mãn tính, hen, suy thận/sỏi thận, đái tháo đường (VBI Care không áp quy định về chỉ số tiểu đường để loại trừ bảo hiểm), bệnh lý huyết áp, khớp, ung thư, bướu/nang/polyp (các loại), viêm dạ dày/đại tràng, trực tràng, viêm gan virus, rối loạn tiền đình, rối loạn tuyến giáp, bệnh tim, bệnh/tình trạng có sẵn khác…

hi phí mua gói sản phẩm VBI Care được cho là cạnh tranh nhất trên thị trường, chỉ từ trên 1.000 đồng/ngày, nhưng quyền lợi bảo vệ khách hàng được hưởng tới 2 tỷ đồng, chi phí chăm sóc sức khỏe lên đến 600 triệu đồng/năm. Với chi phí từ tức 390.000 đồng/năm đối với gói Đồng, khách hàng trong nhóm độ tuổi từ 31 – 40 tuổi đã có thể sở hữu gói bảo hiểm VBI Care để bảo vệ sức khỏe bản thân. Bên cạnh đó, nhóm trẻ em từ 1 – 3 tuổi phí chỉ từ 710.000 đồng/năm, từ 4 – 6 tuổi là 425.000 đồng/năm; từ 7-9 tuổi là 390.000 đồng/năm, nhóm người cao tuổi từ 61 – 65 tuổi chỉ từ 550.000 đồng/năm.

Hiện nay, VBI là công ty bảo hiểm phi nhân thọ có mạng lưới bệnh viện bảo lãnh viện phí nhiều nhất so với các đơn vị khác trên thị trường. Liên kết và hợp tác với các bệnh viện Trung ương, tư nhân lên đến trên 300 cơ sở y tế khám chữa bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện tuyến Trung ương chuyên môn cao như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Bệnh viện Phụ sản Trung ương… Bệnh viện quốc tế tư nhân như: Vinmec, Hồng Ngọc, Thu Cúc…

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Thông tư 50/2022/TT-BTC: Tăng hiệu quả thực tiễn cho bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

(TBTCO) – Thông tư số 50/2022/TT-BTC góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo Nghị định 20/2022/NĐ-CP kịp thời được triển khai thực hiện trên thực tế và tạo sự thống nhất trong một văn bản hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết tại Hội nghị phổ biến Thông tư số 50/2022/TT-BTC do Cục tổ chức ngày 22/9/2022.

Thông tư số 50/2022/TT-BTC đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 11/8/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.

Đồng bộ pháp lý, tăng hiệu quả triển khai thực tiễn

Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Thông tư số 50/2022/TT-BTC được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý, đảm bảo Nghị định 20/2022/NĐ-CP kịp thời được triển khai thực hiện trên thực tế và tạo sự thống nhất trong một văn bản hướng dẫn chi tiết về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo đó, Thông tư số 50/2022/TT-BTC quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng gồm: Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, thông tư cơ bản vẫn kế thừa các quy định của Thông tư số 329/2016/TT-BTC và sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung nhằm khắc phục các vướng mắc hiện nay.

Kế thừa nhưng bổ sung nhiều điểm mới

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã thông tin cụ thể về những điểm mới mà doanh nghiệp cần phải nắm bắt để triển khai hiệu quả trên thực tiễn.

Theo đó, về mức phí bảo hiểm, Thông tư số 50 bổ sung phí bảo hiểm đối với một số loại công trình xây dựng được quy định tại Phụ lục X Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, bổ sung quy định giảm phí tối đa 25% đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng.

Về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, Thông tư 50 đã kết cấu lại theo hướng quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm riêng đối với từng sản phẩm bảo hiểm. Cùng với đó, thông tư bổ sung các loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo tập quán quốc tế phù hợp với đơn bảo hiểm tiêu chuẩn của các nhà tái bảo hiểm quốc tế đang được các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trên thị trường.

Đối với các quy định về thanh toán phí bảo hiểm, Thông tư 50 bỏ quy định về thanh toán phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC về thanh toán phí và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Bên cạnh đó, bổ sung một số quy định đặc thù về thanh toán phí đối với các công trình xây dựng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước để phù hợp với thực tiễn triển khai, tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.

Ngoài ra, Thông tư số 50/2022/TT-BTC cũng rà soát bỏ một số định nghĩa trùng lắp đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật được giao hướng dẫn; rà soát bỏ trình tự giao kết hợp đồng bảo hiểm, do đó, bỏ các phụ lục về giấy yêu cầu bảo hiểm, thông báo bồi thường; rà soát bỏ mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm. Đồng thời, sửa đổi quy định về Giấy chứng nhận bảo hiểm theo hướng không quy định mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng loại hình bảo hiểm mà chỉ quy định các nội dung cần có trong Giấy chứng nhận bảo hiểm; bổ sung hình thức cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử để phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã thông tin cụ thể về các điểm mới của Thông tư số 50/2022/TT-BTC; đồng thời, tại đây, nhiều vấn đề liên quan tới thông tư này cũng đã được đại diện cơ quan quản lý giải đáp chi tiết, rõ ràng thông qua phần trao đổi, thảo luận.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm cháy nổ lại nóng

(ĐTCK) – Bảo hiểm cháy nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc với nhiều doanh nghiệp, nhưng liên tiếp các vụ cháy vừa qua vẫn chưa thấy tên nhà bảo hiểm nào được nhắc tới.

Bảo hiểm có quyền từ chối bán

Các dịch vụ kinh doanh karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 – Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và Khoản 1, Điều 1 – Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, do điều kiện phòng cháy chữa cháy thực tế của đa phần cơ sở kinh doanh karaoke còn nhiều bất cập nên loại hình kinh doanh này không dễ mua được bảo hiểm cháy nổ từ các công ty bảo hiểm.

Khi vụ cháy gây rúng động tại quán karaoke ở An Phú, Bình Dương xảy ra vào tối ngày 6/9/2022, một trong những câu hỏi được quan tâm là hãng bảo hiểm nào bán bảo hiểm cháy nổ cho cơ sở kinh doanh này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, chưa có công ty bảo hiểm nào lên tiếng tính đến thời điểm này.

“Không phải dễ dàng có thể mua được bảo hiểm cháy nổ nếu không đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe về phòng cháy chữa cháy”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói, đồng thời cho hay, nếu cơ sở kinh doanh karaoke trên đã mua bảo hiểm cháy nổ và khi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân của vụ cháy thuộc trường hợp được bồi thường theo hợp đồng, không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì việc bồi thường cho người bị thiệt hại trước tiên sẽ do công ty bảo hiểm chi trả theo quy định tại Chương II – Nghị định 23/2018, trong hợp đồng bảo hiểm sẽ quy định cụ thể trường hợp nào được bảo hiểm. Sau đó, tiếp tục xem xét việc bồi thường của cơ sở kinh doanh karaoke đối với các thiệt hại nằm ngoài phạm vi chi trả của công ty bảo hiểm. Còn trong trường hợp công ty bảo hiểm từ chối chi trả hoặc cơ sở kinh doanh karaoke không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì cơ sở kinh doanh karaoke phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nghị định 23/2018 quy định, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sở hữu các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ đều phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ này. Các cơ sở kinh doanh thuộc diện này có thể kể tới đó là các học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường dạy nghề, trường phổ thông và trung tâm giáo dục có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có thiết kế từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3 trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên…

Tuy nhiên, cũng theo nghị định này, công ty bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy nổ khi cơ sở kinh doanh chưa có nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật; cơ sở kinh doanh không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; cơ sở kinh doanh đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tiếp tục siết chặt các nghiệp vụ rủi ro cao

Đã qua rồi thời kỳ chạy đua tăng trưởng bảo hiểm bất chấp để rồi nhận về tỷ lệ bồi thường cao quá nửa số tổng doanh thu. Những năm gần đây, để giảm tỷ lệ bồi thường, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều rất thận trọng với các nghiệp vụ có tỷ lệ rủi ro cao.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) chia sẻ, mảng bảo hiểm tài sản của BIC năm 2021 ít chịu thiệt hại lớn nhờ các chính sách siết chặt khai thác đối với các nhóm nghiệp vụ có rủi ro cao.

Được biết, những ngành nghề sản xuất gỗ, giấy thuộc nhóm rủi ro Cat 3-4 vì có rủi ro cháy cao. Đây là những nhóm nghiệp vụ các doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra rất gắt gao trước khi cấp đơn bảo hiểm, thậm chí một số doanh nghiệp còn hạn chế cấp đơn cho những nghiệp vụ này.

Ngoài việc từ chối nhận tái tục cấp đơn bảo hiểm mới cho các nhóm nghiệp vụ Cat 4-5, nghiệp vụ cháy nổ có tỷ lệ và tần suất tổn thất cao, một số công ty bảo hiểm còn tăng cường kiểm soát việc tái tục nhóm nghiệp vụ xe cá nhân và xe kinh doanh (taxi, container…), gần đây nhất là kiểm soát chặt việc phát triển và cấp đơn cho bảo hiểm con người (chủ yếu là bảo hiểm sức khỏe) vì tỷ lệ bồi thường bắt đầu tăng trở lại.

Thực tế, bảo hiểm cháy nổ là nghiệp vụ đang mang lại doanh thu hàng ngàn tỷ mỗi năm, nên chủ trương thắt chặt tái tục với những nghiệp vụ có rủi ro và tần suất bồi thường cao như bảo hiểm cháy nổ sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mất đi một nguồn doanh thu đáng kể.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, với các nghiệp vụ rủi ro cao, hầu hết công ty bảo hiểm đều phải đàm phán với nhà tái trước khi nhận bảo hiểm nhằm đảm bảo khi tổn thất không may xảy ra cũng không quá ảnh hưởng đến khả năng tài chính. Tuy nhiên, với những nghiệp vụ rủi ro quá lớn, không doanh nghiệp bảo hiểm nào dám “liều mình” nhận bảo hiểm bởi tỷ lệ bồi thường cao không chỉ ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm, mà còn bị nhà tái nâng phí ở những mùa tái tục sau.

Đại diện Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho hay, việc đàm phán hợp đồng tái tục mùa mới với nhà tái sẽ không dễ dàng do ảnh hưởng của vụ bồi thường lớn tàu Âu Lạc (Aulac Fortune) và Vinapco. Được biết, tàu Aulac Fortune gặp sự cố cháy nổ ngày 8/1/2019 gây tổn thất lên tới gần 500 tỷ đồng…

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 4.612 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 13,7% trong tổng doanh thu, tỷ lệ bồi thường 21,6%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.516 tỷ đồng, tăng 26% và chiếm tỷ trọng 10,4%; giá trị bồi thường 612 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ bồi thường 17,4%.

Mặc dù rủi ro cao, nhưng đây cũng là nghiệp vụ có đóng góp doanh thu trọng yếu, nên các doanh nghiệp bảo hiểm luôn muốn tìm giải pháp khơi thông phân khúc này. Dẫu vậy, hiện nay, “nút thắt” mua bảo hiểm cho dịch vụ rủi ro cao như bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn chưa có hướng tháo gỡ, khi bên mua đa phần không đáp ứng được yêu cầu cơ bản về phòng chống cháy nổ hoặc chưa ý thức được trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định, còn bên cung cấp dịch vụ cũng không dám bán cho các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao.

  1. Tin quốc tế

FWD ra mắt bảo hiểm bệnh hiểm nghèo mới cho người dân Singapore

(INA) – FWD Singapore đã ra mắt FWD Critical Illness Plus, một kế hoạch hỗ trợ bệnh hiểm nghèo trực tuyến toàn diện bao gồm các giai đoạn đầu của ung thư, đau tim và đột quỵ, các bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối và các bệnh hiểm nghèo khác với nhiều khoản chi trả quyền lợi.

Theo Nghiên cứu khoảng trống bảo vệ của Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ (LIA) Singapore năm 2017, khoảng trống bảo vệ trung bình cho bệnh hiểm nghèo ở Singapore lớn hơn 3,1 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của một người. Điều này có nghĩa là người Singapore trung bình không nhận được đủ sự bảo vệ tài chính cần thiết để trang trải chi phí và chu cấp cho những người phụ thuộc của họ sau một đợt bệnh hiểm nghèo.

Để giải quyết vấn đề này, FWD Singapore cung cấp cho người tiêu dùng một lựa chọn trực tuyến về kế hoạch bệnh hiểm nghèo bao gồm ung thư giai đoạn đầu, đau tim và đột quỵ, các bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối. Sản phẩm có thể được mua trực tuyến trong vài phút mà không cần kiểm tra y tế.

Theo một nghiên cứu độc quyền do FWD Singapore thực hiện, 70% số người được hỏi cho rằng bảo hiểm giai đoạn đầu đối với đau tim, ung thư và đột quỵ là tính năng mong muốn nhất cho kế hoạch bệnh hiểm nghèo, 55% đặt trọng tâm vào việc phục hồi lại quyền lợi ở những lần sau. 52% số người được hỏi cho rằng vấn đề chính họ quan tâm là sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo toàn diện phải được cung cấp trực tuyến.

Khách có thể mua sản phẩm CI Plus với giá thấp nhất là 100 SGD/tháng. Khách hàng chỉ cần trả lời bốn câu hỏi sức khỏe đơn giản mà không cần khám sức khỏe. Chương trình có bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối sau khi đã nhận quyền lợi ở giai đoạn đầu, nghĩa là khách hàng sẽ tiếp tục được bảo hiểm cho bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối ngay cả sau khi nhận được tiền chi trả giai đoạn đầu cho ung thư, đau tim hoặc đột quỵ.

Khách hàng theo chương trình sẽ nhận được 100% số tiền bảo hiểm đối với các bệnh ở giai đoạn đầu, trung bình hoặc giai đoạn cuối, bao gồm: đau tim, ung thư, đột quỵ, 37 bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối hoặc thậm chí các bệnh không xác định thông qua Quyền lợi của Đơn vị Chăm sóc Chuyên sâu (ICU).

Ông Khor Kee Eng, Tổng Giám đốc FWD Singapore, cho biết: “Tại FWD Singapore, chúng tôi trao quyền cho khách hàng bằng các sản phẩm bảo hiểm hướng đến khách hàng dễ biết, dễ mua, dễ tham gia, dễ yêu cầu và dễ yêu thích. Chúng tôi đã khảo sát người dân Singapore để hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ và những gì họ muốn trong các kế hoạch CI. Chúng tôi rất vui được cung cấp một bộ kế hoạch bảo vệ CI toàn diện cho khách hàng để họ có thể chọn gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và sở thích”.

Quá sớm để xác định tổn thất bảo hiểm do vụ cháy nhà chọc trời ở Hồ Nam

(AIR) – Một đám cháy lớn đã xảy ra một tòa nhà văn phòng 42 tầng cao 200 m ở trung tâm thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, vào ngày 16 tháng 9.

Ngọn lửa thiêu rụi hàng chục tầng của tòa nhà được dập tắt sau khi lực lượng cứu hỏa điều 280 lính cứu hỏa từ 17 trạm địa phương đến hiện trường.

Cho đến nay, chưa có báo cáo về thương vong do tòa nhà Lotus Garden của China Telecom Chi nhánh Hồ Nam. Công ty bảo hiểm khổng lồ China Life đứng ra bảo hiểm tai nạn tập thể cho Chi nhánh Hồ Nam của Viễn thông Trung Quốc và chưa nhận được bất kỳ yêu cầu bồi thường nào.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm PICC P&C Chi nhánh Hồ Nam bảo lãnh bảo hiểm tài sản doanh nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm công cộng của Chi nhánh Viễn thông Hồ Nam với giá trị bảo hiểm tương ứng là 2,937 tỷ CNY (419 triệu USD) và 6 triệu CNY. Cho đến nay, vẫn chưa có công bố nào về yêu cầu bồi thường sau vụ cháy.

Vào tháng 8, trước vụ hỏa hoạn, chi nhánh Hồ Nam của Viễn thông Trung Quốc đã đưa ra một gói thầu, ước tính trị giá 4,4 triệu CNY, cho các dịch vụ bảo trì phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà. Vào ngày 5 tháng 9, công ty thông báo rằng cuộc đấu thầu đã thất bại vì số lượng hồ sơ dự thầu nhận được ít hơn yêu cầu.

Chi nhánh Hồ Nam của Viễn thông Trung Quốc nói với giới truyền thông rằng họ đang điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Tòa nhà được xây dựng hoàn thành vào năm 2000. Đây là tòa nhà đầu tiên ở Trường Sa có chiều cao vượt quá 200m, đạt 218m với 42 tầng trên mặt đất và hai tầng dưới lòng đất.

Công ty tái bảo hiểm Đức Deutsche Rückversicherung mở rộng kinh doanh

(AIR) – Công ty tái bảo hiểm Đức Deutsche Rückversicherung sẽ bắt đầu kinh doanh bảo hiểm ở châu Á với các thị trường được chọn ở Nam, Đông Nam và Đông Á.

Deutsche Rück, có trụ sở tại Düsseldorf, sẽ tập trung vào kinh doanh bảo hiểm tài sản và thiệt hại truyền thống trong phân khúc thị trường mới ra mắt. Với tầm nhìn về các kỳ tái tục sắp tới trong năm 2023, Deutsche Rück có kế hoạch bắt đầu hoạt động bảo hiểm P&C tiêu chuẩn tại các thị trường được chọn ở Châu Á, tuân theo các ủy quyền chính thức theo quy định, với trọng tâm nhất quán là tăng trưởng lợi nhuận.

Deutsche Rück có trụ sở chính tại Düsseldorf và thâm nhập vào các thị trường này với tư cách là nhà cung cấp năng lực tài chính mạnh mẽ.

Ông Tarik Aouad, người đứng đầu thị trường Trung Đông tại Deutsche Rück từ năm 2020 và quản lý thành công việc thâm nhập thị trường của Deutsche Rück tại khu vực đó, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành cho bộ phận Trung Đông/Châu Á mới thành lập. Ông báo cáo lên thành viên hội đồng quản trị Achim Bosch.

Với hơn hai thập kỷ kinh nghiệm trong các vai trò tái bảo hiểm khác nhau, ông Aouad là một chuyên gia tái bảo hiểm được đánh giá cao trong thị trường bảo hiểm và tái bảo hiểm châu Á mới nổi. Với bề dày kinh nghiệm tại Trung Đông và Châu Á nên ông đã từng đảm trách các vị trí điều hành cấp cao tại các thị trường này. Ông Tarik mang quốc tịch Ma-rốc và Đức và có bằng Thạc sĩ toán học.

Deutsche Rück là một nhà quản lý rủi ro có chuyên môn cao, một trong số ít các công ty tái bảo hiểm không đại chúng, có quy mô trung bình và là một phần của Tập đoàn Tài chính Ngân hàng Tiết kiệm Đức. Deutsche Rück chiếm vị trí hàng đầu trên thị trường nội địa.

Tại Châu Á, Deutsche Rück hướng sự chú ý của mình tới các công ty bảo hiểm gốc trong nước và khu vực.

Ông Aouad cho biết: “Các thị trường ở châu Á ngày càng được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới trong tương lai với các hộ gia đình tích lũy tài sản và kiến thức trong khi tầng lớp trung lưu nhanh chóng mở rộng. Những triển vọng tích cực này kết hợp với mức độ thâm nhập bảo hiểm tương đối thấp tạo cơ hội cho việc mở rộng lợi nhuận và đa dạng hóa địa lý hơn nữa”.

Trong thập kỷ qua, Deutsche Rück đã bảo hiểm cho các rủi ro tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại trên toàn bộ thị trường châu Âu và trong những năm gần đây đã mở rộng phạm vi ra các thị trường quốc tế, chẳng hạn như khu vực Maghreb, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Ông Bosch cho biết: “Việc thâm nhập thị trường ở châu Á là một bước đi hợp lý trong chiến lược mở rộng quốc tế của Deutsche Rück sang lĩnh vực tái bảo hiểm phi nhân thọ và sẽ góp phần đa dạng hóa danh mục kinh doanh của chúng tôi”.

Deutsche Rück và công ty con Deutsche Rückversicherung Thụy Sĩ cung cấp bảo hiểm tái bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Châu Âu và các thị trường quốc tế. Vào năm 2021, Tập đoàn Deutsche Rück đạt doanh thu phí bảo hiểm khoảng 1,4 tỷ EUR.

Cơ quan xếp hạng Standard & Poor’s thường xuyên xác nhận xếp hạng “A +” với triển vọng “ổn định” cho Tập đoàn, nhấn mạnh cơ sở vốn bền vững và mạnh mẽ của Deutsche Rück, đánh giá rủi ro đầy đủ và có chiến lược thận trọng trong việc trích lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ.

Ấn Độ: Cơ quan quản lý tìm kiếm các chuyên gia định giá

(AIR) – Để tự trang bị năng lực nhằm ứng phó với sự phức tạp của hoạt động sáp nhập và mua lại, IRDAI đang tìm kiếm các chuyên gia tư vấn có thể thực hiện việc định giá các công ty bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước và khu vực tư nhân, đồng thời đào tạo các quan chức của mình về phương pháp và quy trình định giá, vì hoạt động mua bán và sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong lĩnh vực bảo hiểm.

Pavanjit Singh Dhingra, đồng Giám đốc điều hành Prudent Insurance Brokers, nói với Press Trust of India, “Sẽ có những thành viên mới tham gia và sẽ có M&A – đó là một quá trình tự nhiên”.

Theo ông Anand Pejawar, Phó giám đốc điều hành SBI General Insurance, thị trường bảo hiểm Ấn Độ rất rộng lớn và đủ cho các thành viên cùng tồn tại. Với phạm vi tăng trưởng trong lĩnh vực này, cả những doanh nghiệp bảo hiểm lớn và nhỏ đều có thể tiếp tục hoạt động trên thị trường.

Hiện nay, có 24 công ty bảo hiểm nhân thọ và 31 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc sở hữu nhà nước và các công ty chuyên ngành như Công ty Bảo hiểm Nông nghiệp của Ấn Độ và ECGC.

Một lý do khác để tìm kiếm các chuyên gia định giá là IRDAI có kế hoạch thoái vốn tại các công ty bảo hiểm thuộc sở hữu nhà nước.

Các giám đốc điều hành bảo hiểm khác quan điểm rằng trong khi lợi thế quy mô là quan trọng, chúng cũng có thể đạt được thông qua tăng trưởng kinh doanh thay vì chỉ thông qua M&A.

Các công ty bảo hiểm cũng đang hợp tác với các công ty InsurTech để cung cấp các giải pháp sáng tạo trong các lĩnh vực từ phân phối, dịch vụ đến yêu cầu bồi thường.

Bà Shailaja Lall, đối tác của công ty luật Shardul Amarchand Managladas & Co, cho biết lĩnh vực bảo hiểm là lĩnh vực thâm dụng vốn cao và sẽ tiếp tục có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là đối với các công ty InsurTech, dẫn đầu bởi các quỹ vốn cổ phần tư nhân.

Hàn Quốc: Các công ty bảo hiểm chuyển sang quản lý sức khỏe khách hàng để tăng trưởng lợi nhuận

(AIR) – Các công ty bảo hiểm lớn của Hàn Quốc đang phát hành các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến quản lý sức khỏe, dựa trên kỳ vọng rằng lợi nhuận dài hạn của họ sẽ tăng lên nếu khách hàng khỏe mạnh hơn và ít phải điều trị bệnh tật và các vấn đề sức khỏe khác.

Ví dụ, hồi tháng 7, KB Insurance đã phát hành một sản phẩm bảo hiểm đặc biệt được tạo ra bằng cách kết nối bảo hiểm xe hơi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dịch vụ này giảm giá 3% phí bảo hiểm xe ô tô nếu người dùng đi bộ 5.000 bước mỗi ngày trong hơn 50 ngày trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký bảo hiểm.

Samsung Fire & Marine Insurance cung cấp một số điểm nhất định mỗi ngày thông qua ứng dụng của mình nếu khách hàng thực hiện các bài tập, như đi bộ hoặc nhập các thói quen sức khỏe của họ. Tổng giá trị số điểm mà hãng cung cấp thông qua dịch vụ này vào năm ngoái ước tính vào khoảng 2,4 tỷ KRW (1,71 triệu USD).

Hyundai Marine & Fire Insurance đang cung cấp các dịch vụ quản lý sức khỏe, bao gồm cả đào tạo tại nhà, cho những khách hàng bảo hiểm sức khỏe mới có mức phí đóng hơn 30.000 KRW.

Các công ty bảo hiểm nhân thọ phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm dài hạn cũng đang giới thiệu các kế hoạch liên quan đến quản lý sức khỏe. Ví dụ, Kyobo Life Insurance đang cung cấp phiếu thưởng đổi sản phẩm cho khách hàng khi họ đạt được số bước mục tiêu hàng tháng.

New Zealand: Bồi thường bảo hiểm tiếp tục tăng cao

(AIR) – Theo S&P Global Ratings (S&P), các công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) của New Zealand sẽ có thể duy trì hiệu suất hoạt động mạnh mẽ trong vòng hai đến ba năm tới.

Trong báo cáo mới đây, S&P dự báo mức tăng trưởng phí bảo hiểm vững chắc 8% cho năm 2022 (sau tăng trưởng 7% vào năm 2021), sẽ bao gồm các yêu cầu bồi thường áp lực từ thiệt hại do rủi ro thiên nhiên cao hơn và lạm phát.

Các thước đo ngành về yêu cầu bồi thường và chi phí trên phí bảo hiểm – tỷ lệ kết hợp – giảm nhẹ xuống 88,3% trong năm tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2021, từ 85,1% của năm trước và S&P dự kiến sẽ duy trì trong phạm vi 87% -90% trong 2-3 năm tới.

Chi phí thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, đã tăng lên trong hai năm qua. Ngoài ra, S&P dự đoán lạm phát vẫn ở mức cao do sự gián đoạn của COVID-19, chiến tranh Nga-Ukraine và các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu – tất cả đều làm tăng chi phí sửa chữa và chi phí thay thế cho mọi thứ, từ bộ phận của động cơ đến vật liệu xây dựng.

S&P lưu ý rằng New Zealand đang loại bỏ dần các hạn chế về sức khỏe cộng đồng còn lại của mình, ngay cả khi số ca COVID mới hàng ngày vẫn ở mức hàng nghìn trường hợp. Vào tháng 8 năm 2022, New Zealand đã mở lại hoàn toàn biên giới quốc tế lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2020.

Đối với các công ty bảo hiểm, COVID dài hạn có thể thúc đẩy sự gia tăng các yêu cầu bồi thường dài hạn về bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Quy mô và xác suất của các yêu cầu bảo hiểm rất khó ước tính nhưng có nhiều khả năng phát sinh trong các sản phẩm bảo vệ thu nhập và bảo hiểm khuyết tật bao gồm các bệnh như mệt mỏi mãn tính.

Trong ngắn hạn, tác động của COVID là sự chậm trễ trong việc yêu cầu bồi thường vì khả năng tiếp cận các cơ hội phục hồi và làm việc có thể bị tổn hại. Đối với y tế tư nhân, các yêu cầu bồi thường đang dần bình thường hóa khi bệnh nhân đến phẫu thuật, nhưng trong giới hạn về nhân lực và năng lực của hệ thống bệnh viện.

Trên hết, lãi suất cao hơn đang ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu và lợi tức đầu tư trên thị trường đối với các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, kết quả là lợi nhuận tăng từ dự phòng bồi thường thấp hơn cho các danh mục đầu tư phù hợp với thời gian đã bù đắp phần nào điều này.

AIA đàm phán mua MediCard của Philippines

(INA) – Báo cáo của Bloomberg cho biết, hãng bảo hiểm khổng lồ AIA đang thảo luận để mua lại MediCard Philippines, Inc.

Theo các nguồn tin, động thái này là một phần trong kế hoạch của AIA trong việc mở rộng phạm vi hoạt động ở Đông Nam Á.

Báo cáo cho biết AIA và MediCard đang hoàn thiện các chi tiết của giao dịch và có khả năng đạt được thỏa thuận trong những tuần tới sau khi công ty bảo hiểm có trụ sở tại Hồng Kông trả giá cao hơn các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư khác. Thỏa thuận có thể nâng giá trị của MediCard lên hơn 350 triệu đô la.

Nhật Bản: Các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn đầu tư vào kinh doanh bảo hiểm ngắn hạn phí nhỏ

(AIR) – Các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn ở Nhật Bản đã bắt đầu tham gia vào thị trường bảo hiểm số lượng nhỏ và ngắn hạn (SASTI), một thị trường tương đối mới được tạo ra thông qua Đạo luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi năm 2006.

Sumitomo Life đã mua lại Aiaru Syougakutankihoken Corporation để thành công ty con vào năm 2019, trong khi đó, Dai-ichi Life thành lập Dai-ichi Smart Smallamount và Công ty Bảo hiểm Ngắn hạn vào năm 2021. Gần đây hơn, vào tháng 4 năm 2022, Nippon Life đã thành lập các công ty con gồm Nissay Plus Small Amount và Short Term Insurance.

Trong báo cáo có tiêu đề “Thị trường Bảo hiểm Nhật Bản 2022”, Công ty Tái bảo hiểm Toa lưu ý rằng các công ty SASTI phải tự giới hạn việc bán bảo hiểm dưới hình thức bảo hiểm (chỉ) với số tiền nhỏ và thời hạn tối đa là một năm hoặc hai năm trong trường hợp bảo hiểm phi nhân thọ. Vốn yêu cầu để tham gia ở mức khá thấp, từ 10 triệu JPY (70.350 USD) trở lên.

Các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau, gồm các công ty bất động sản, các nhà bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng đến các công ty thương mại đã tham gia vào thị trường thông qua việc thành lập các công ty SASTI.

Trong khi các công ty bảo hiểm phải tuân theo hệ thống cấp phép để bán sản phẩm của họ, các công ty SASTI chỉ phải tuân theo hệ thống đăng ký (chỉ yêu cầu quy trình sàng lọc), cho phép linh hoạt trong việc phát triển sản phẩm. Do đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã thành lập các công ty như vậy từ rất sớm và đã phục vụ thị trường SASTI với trọng tâm là bảo hiểm hỏa hoạn cho người thuê nhà.

Mặt khác, các công ty bảo hiểm nhân thọ tỏ ra thận trọng khi tham gia thị trường SASTI vì họ thường ban hành các hợp đồng có thời hạn dài hơn từ 10 năm đến trọn đời, do đó, các hợp đồng có thời hạn một năm không phải là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt hấp dẫn.

FinTech làm chất xúc tác

Tuy nhiên, sự xuất hiện của FinTech đã thay đổi điều đó. Các công ty đã và đang tăng số lượng các sản phẩm bảo hiểm có thể mua bằng điện thoại thông minh, cho phép họ tiếp cận phân khúc khách hàng bao gồm những người không muốn mua bảo hiểm, đặc biệt là những người trẻ tuổi. SASTI là mô hình lý tưởng để xác định và thương mại hóa các sản phẩm phù hợp với nhân khẩu học cụ thể và để đáp ứng linh hoạt nhiều nhu cầu của khách hàng với danh mục sản phẩm bảo hiểm đa dạng.

Việc gia nhập thị trường SASTI giúp các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Các công ty lớn cũng nghĩ rằng thông tin họ thu thập được thông qua hoạt động tiếp thị trên diện rộng sẽ cho phép tạo ra hợp lực trong tập đoàn. Trên thực tế, các công ty thuộc các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn đang cung cấp các sản phẩm mới linh hoạt và khác biệt.

Aiaru cung cấp phạm vi bảo hiểm ở các thị trường ngách để đáp ứng các nhu cầu mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như bảo hiểm y tế cho phụ nữ đang điều trị sinh sản. Được hỗ trợ bởi những thay đổi trong lối sống và sự phổ biến của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, Nissay Plus đã gia nhập thị trường vào tháng 4 năm 2022 và tung ra các sản phẩm bảo hiểm rủi ro trong khi mang thai và sau khi sinh con dựa trên sự hợp tác với các công ty đối tác.

Tất cả các sản phẩm này đều tận dụng các đặc tính của SASTI và sẽ khó có thể nhanh chóng phát triển và bán trong khuôn khổ thông thường của một công ty bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản đang co lại do dân số đang già đi, vì vậy các công ty bảo hiểm nhân thọ cần xác định những nhu cầu mới. Một điểm đáng quan tâm sẽ là làm thế nào các công ty bảo hiểm nhân thọ phục vụ thị trường SASTI có thể tạo ra sự hợp lực giữa các công ty trong tập đoàn để phát triển các chiến lược tăng trưởng.

BTV (Tổng hợp).