TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 28

S&P cảnh báo rủi ro gia tăng từ làn sóng COVID-19 thứ hai; PTI bán BH tai nạn trên nền tảng điện thoại; Bảo Việt ra mắt sản phẩm bảo lãnh vượt trội

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Sun Life Việt Nam chi trả gần 500 triệu đồng cho khách hàng tại Quảng Trị

(ĐTCK) – Sun Life Việt Nam vừa tổ chức Lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng của Khách hàng trú tại xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với số tiền hơn 489 triệu đồng.

Khách hàng đã tham gia sản phẩm bảo hiểm Bảo An Phúc của Sun Life Việt Nam từ ngày 28/4/2018 không may gặp rủi ro và tử vong.

Sau khi biết thông tin đại diện của Sun Life Việt Nam đã thăm hỏi và nhanh chóng tiến hành các thủ tục để chi trả các quyền lợi như đã cam kết của hợp đồng bảo hiểm cho người thụ hưởng.

Với chiến lược khách hàng trọn đời, Sun Life tiếp tục mang đến những sản phẩm dịch vụ đáp ứng tốt nhất cho người dân Việt Nam. Những sản phẩm mới của Sun Life Việt Nam như: SUN – Sống Chủ Động, SUN – Sống Sung Túc, hay sản phẩm bảo hiểm bổ sung Bảo vệ Sức khỏe Toàn diện…. đã và đang tạo dựng nền tảng tài chính vững chắc và khỏe mạnh hơn cho khách hàng.

Được biết, tính từ đầu năm 2016 đến tháng 6/2020, Sun Life Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hơn 8000 lượt khách hàng với tổng số tiền hơn 84 tỷ đồng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Minh: Tổng doanh thu 6 tháng đạt 2.381 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17%

(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, tổng doanh thu 6 tháng đạt 2.381 tỷ đồng, hoàn thành 61,1% so với kế hoạch đề ra, tăng trưởng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc 2.026 tỷ đồng, đạt 61,8% kế hoạch; doanh thu phí nhận tái bảo hiểm là 245,2 tỷ đồng, đạt 57,6% kế hoạch.

Riêng trong quý II/2020, tổng doanh thu tăng 6% so với quý II/2019, đạt 886 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính không có sự thay đổi đang kể so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 5,8 tỷ đồng.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát  dự báo sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm của Bảo Minh, từ bảo hiểm con người đến bảo hiểm tài sản và kỹ thuật. Vì vậy, Bảo Minh đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá thận trọng.

Cụ thể, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu chỉ ở mức 3.895 tỷ đồng, bằng 85% doanh thu thực hiện năm 2019; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế dự kiến 188 tỷ đồng, bằng 85,21% so với thực hiện năm 2019; tỷ lệ cổ tức dự kiến năm 2020 là 10%.

PTI bán bảo hiểm tai nạn trên nền tảng điện thoại

(ĐTCK) Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa ký kết hợp tác toàn diện với WeBuild – công ty khởi nghiệp sáng tạo trong ngành xây dựng.

Theo đó, hai bên sẽ cung cấp gói Bảo hiểm tai nạn trên nền tảng điện thoại tới người dùng ứng dụng WeBuild cũng như cộng đồng thợ, nhà thầu ngành xây dựng.

Với chi phí 165.000 đồng/năm, gói bảo hiểm mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi như chi trả tối đa lên đến 100 triệu đồng, chi trả chi phí nằm viện do tai nạn, chấn thương thể thao và tai nạn xảy ra trong quá trình lao động tại các công trình xây dựng.

Trong thời gian từ ngày 20/7/2020 đến ngày 20/8/2020, các đội thợ và nhà thầu vượt qua được quá trình thẩm định của WeBuild và đăng ký tài khoản Pro sẽ được tặng 1 mã bảo hiểm tai nạn lao động trong vòng 6 tháng.

Theo đại diện PTI, đối tượng của gói bảo hiểm này là những công nhân, kỹ sư, nhà thầu làm việc trên công trường theo quy định bắt buộc của Chính phủ. Đối với các đối tượng là thợ xây dựng làm công việc về xây dựng và cải tạo, sửa chữa nhà dân, nếu quan tâm đến vấn đề an toàn lao động và đặc biệt là bảo hiểm tai nạn lao động thì có thể tải ứng dụng WeBuild để tìm hiểu thông tin.

Hồ sơ sẽ được PTI phê duyệt và gửi xác nhận tới khách hàng thông qua ứng dụng WeBuild, giấy chứng nhận bảo hiểm cũng sẽ được cấp trực tiếp qua ứng dụng. Với sự hợp tác này, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký, quản lý, theo dõi tình trạng hợp đồng bảo hiểm, tra cứu lịch sử bồi thường, gia hạn đóng phí bảo hiểm trực tuyến và bồi thường trực tuyến…

Được biết, Webuild là nền tảng số 1 hiện nay kết nối việc làm giữa thợ, nhà thầu với khách hàng, đã có gần 20 nghìn thành viên hoạt động.

Bảo hiểm Bảo Việt ra mắt sản phẩm bảo lãnh vượt trội

(ĐTCK) –  Ngày 23/7, Bảo hiểm Bảo Việt triển khai chương trình Bảo hiểm bảo lãnh với những quyền lợi vượt trội  – cung cấp sự bảo đảm cao nhất cho doanh nghiệp là nhà thầu và chủ đầu tư.

Theo đó, sản phẩm này bảo hiểm bảo lãnh đa dạng về quyền lợi bao gồm bảo lãnh dự thầu (bảo đảm cho quyền lợi của chủ đầu tư khi nhà thầu đã trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng); bảo lãnh thực hiện hợp đồng (bảo đảm cho quyền lợi của chủ đầu tư khi nhà thầu không thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định trong hợp đồng); bảo lãnh tiền tạm ứng (Bảo đảm quyền lợi của chủ đầu tư khi Nhà thầu không trả hoặc sử dụng sai mục đích khoản tiền tạm ứng của hợp đồng); bảo lãnh Bảo hành (Bảo đảm cho các nghĩa vụ bảo trì, bảo hành của nhà thầu trong thời gian bảo hành).

Không giống như bảo lãnh của ngân hàng, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh này mang lại nhiều lợi ích cho các nhà thầu cũng như chủ đầu tư.

Với tỷ lệ ký quỹ thấp và phí bảo hiểm hợp lý giúp cho nhà thầu không làm giảm hạn mức tín dụng đối với ngân hàng qua đó giúp giải phóng dòng tiền. Đối với chủ đầu tư thì đây là công cụ để đảm bảo công trình sẽ được hoàn thành và giúp bảo vệ khả năng tài chính.

Trên thế giới, bảo hiểm bảo lãnh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đây là công cụ tài chính hữu hiệu để giải quyết rủi ro về trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên trong các giao dịch thương mại, qua đó thúc đẩy giao dịch và sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với ngành xây dựng, một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế do dịch Covid-19, bảo hiểm bảo lãnh mang đến một giải pháp mới và hiệu quả để bảo vệ cho cả Nhà thầu cũng như chủ đầu tư.

Tại những nước phát triển, bảo hiểm bảo lãnh được xem như một phương tiện chính sách cho sự phát triển kinh tế, ngăn ngừa thi công kém và nhũng nhiễu, thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp quen với việc bảo lãnh do ngân hàng phát hành, tuy nhiên, lợi thế của bảo hiểm bảo lãnh là sự đảm bảo tài chính tốt, tỷ lệ ký quỹ thấp và dễ được chấp nhận.

PVI khởi động dự án tư vấn đánh giá và xây dựng lộ trình triển khai hệ thống QTRR & KSTT

(PVI) – Ngày 20/07/2020 tại Tòa nhà PVI số 1 Phạm Văn Bạch, PVI đã tổ chức thành công lễ khởi động Dự án tư vấn đánh giá và xây dựng lộ trình triển khai hệ thống Quản trị rủi ro và Kiểm soát tuân thủ (QTRR & KSTT).

Tham dự và chủ trì buổi lễ, có sự tham gia của Ông Bùi Vạn Thuận- Tổng giám đốc PVI, ông Dương Francois Thanh Danh- UV HĐQT PVI và Ông Grant A Dennis- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam (đối tác được lựa chọn để tư vấn triển khai dự án), Ban Lãnh đạo PVI, Ban QTRR & KSTT PVI, lãnh đạo các công ty thành viên (Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm PVI, Công ty Cổ phần quản lý quỹ PVI).

Dự án với lộ trình triển khai trong vòng 2 năm là cột mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của PVI để dẫn dầu thị trường tài chính- bảo hiểm Việt Nam, đón đầu xu hướng phát triển về hệ thống QTRR&KSTT trong doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh những lợi ích trên nhiều phương diện và ý nghĩa của QTRR&KSTT, Dự án sẽ giúp PVI thiết lập và nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp một cách chủ động và toàn diện phù hợp hơn với mục tiêu chiến lược của PVI.

PJICO thành lập phòng Bảo hiểm Hàng hải

(PJICO) – Ngày 28/07/2020, Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO tổ chức buổi lễ công bố quyết định thành lập phòng bảo hiểm Hàng hải kể từ ngày 01/08/2020.

Lễ công bố được tổ chức với sự tham dự của ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc, các thành viên Ban Tổng Giám đốc và một số Trưởng các Phòng/Ban nghiệp vụ Tổng Công ty.

Phòng được thành lập trên cơ sở sáp nhập phòng bảo hiểm Hàng hóa và phòng bảo hiểm Tàu thủy, ông Bùi Văn Thảo trước đây là Trưởng phòng bảo hiểm Hàng hóa, nay giữ chức vụ Trưởng phòng bảo hiểm Hàng hải.

Tại buổi lễ, ông Đào Nam Hải phát biểu giao nhiệm vụ cho phòng bảo hiểm Hàng hải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động khai thác, kinh doanh, quản lý nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, tàu thủy của Tổng Công ty. Trên nền tảng nhân sự sẵn có chuyên môn, kinh nghiệm tại hai mảng nghiệp vụ này, Tổng Giám đốc thể hiện mong muốn phòng sẽ phát huy kết quả đạt được ở hai nghiệp vụ trong thời gian qua và kỳ vọng phòng sẽ hoàn thành vượt mức doanh thu kế hoạch năm 2020, khẳng định vị thế PJICO ở các lĩnh vực này trên thị trường.

Khép lại buổi lễ, ông Bùi Văn Thảo – tân Trưởng phòng Bảo hiểm Hảng hải phát biểu cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, tín nhiệm của Ban Lãnh đạo và các đồng nghiệp; trong vai trò quản lý phòng có quy mô rộng hơn này, ông sẽ tổ chức, lãnh đạo phòng cũng như quản lý nghiệp vụ Bảo hiểm Hàng hóa và Tàu thủy trên toàn hệ thống một cách hiệu quả, tăng trưởng doanh thu, góp phần đưa các nghiệp vụ này trở thành một trong những nghiệp vụ trọng yếu của Tổng Công ty.

PJICO thành lập phòng Bảo hiểm bancasurance & Quản lý đại lý

(PJICO) – Ngày 29/07/2020, Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO tổ chức buổi lễ công bố quyết định thành lập phòng bảo hiểm Bancasurance & Quản lý đại lý kể từ ngày 01/08/2020.

Lễ công bố được tổ chức với sự tham dự của ông Đào Nam Hải – Tổng Giám đốc, các thành viên Ban Tổng Giám đốc và một số Trưởng các Phòng/Ban nghiệp vụ Tổng Công ty.

Phòng bảo hiểm Bancasurance & Quản lý đại lý được thành lập trên cơ sở tách bộ phận Bancasurance thuộc phòng bảo hiểm Môi giới – Bancasurance để sáp nhập với phòng Quản lý & phát triển đại lý, bà Nguyễn Thị Hải Châu trước đây là Phó Trưởng phòng bảo hiểm Môi giới – Bancasurance, nay giữ chức vụ Trưởng phòng bảo hiểm Bancasurance & Quản lý đại lý.

Tại buổi lễ, ông Đào Nam Hải phát biểu giao nhiệm vụ cho phòng bảo hiểm Môi giới – Bancasurance chịu trách nhiệm về phát triển mạng lưới, quản lý hoạt động đại lý bảo hiểm trong toàn hệ thống và là đầu mối quản lý khai thác, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo hoạt động kinh doanh Bancasurance trên toàn hệ thống. Trên nền tảng nhân sự sẵn có chuyên môn, kinh nghiệm tại hai mảng này, Tổng Giám đốc thể hiện mong muốn phòng sẽ phát huy kết quả đã đạt được trong thời gian qua và kỳ vọng phòng sẽ hoàn thành vượt mức doanh thu kế hoạch năm 2020.

Khép lại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hải Châu – tân Trưởng phòng bảo hiểm Bancasurance & Quản lý đại lý phát biểu cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, tín nhiệm của Ban Lãnh đạo và các đồng nghiệp; trong vai trò mới, bà sẽ tổ chức, lãnh đạo phòng một cách hiệu quả, góp phần phát triển, tăng trưởng doanh thu bền vững.

BIC triển khai chương trình tri ân VIP Care 2020

(BIC) – Nhằm cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng dành cho Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) trong thời gian qua, BIC triển khai chương trình tri ân VIP Care 2020, tặng thẻ bảo hiểm sức khỏe BIC Care cho các khách hàng quan trọng (VIP).

Theo đó, các khách hàng tổ chức, cá nhân là khách hàng VIP theo tiêu chí của chương trình VIP Care 2020 sẽ được tặng bảo hiểm sức khỏe BIC Care với tổng mức chi trả tối đa lên tới 300 triệu đồng.

BIC Care là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cao cấp của BIC, chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong các trường hợp không may gặp các rủi ro liên quan đến tai nạn và sức khỏe thuộc phạm vi bảo hiểm. Đặc biệt, khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời khách hàng cũng được hưởng dịch vụ bảo lãnh viện phí nhanh chóng, tiện lợi tại hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín cho liên kết với BIC trên toàn quốc.

Ông Vũ Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIC, cho biết: “Với tôn chỉ “Tận tâm cho sự An tâm”, BIC luôn coi trọng công tác chăm sóc khách hàng. Bên cạnh chương trình VIP Care 2020, BIC dự kiến sẽ triển khai thêm nhiều chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng hấp dẫn khác trong năm 2020. BIC mong muốn nâng cao trải nghiệm của khách hàng thông qua quá trình sử dụng dịch vụ để từ đó tiếp tục gắn bó đồng hành cùng BIC”.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Bảo Việt Nhân thọ đầu tư 3 tỷ đồng xây Trung tâm tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam

(TBTCO) – Bảo Việt Nhân thọ vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm tẩy độc, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho những nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình, mang lại lợi ích cho 29.000 người tại tỉnh.

Đây là hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của Bảo Việt Nhân thọ, kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh –  Liệt sỹ Việt Nam.

Hiện nay, tại Thái Bình vẫn còn gần 29.000 người nhiễm chất độc hóa học dioxin, chịu thương tật suốt đời cùng những di chứng gây tổn thương nghiêm trọng cho thế hệ sau.

Tích cực chung tay cùng Nhà nước tri ân những cựu binh và gia đình có công với cách mạng, đóng góp vào công tác an sinh xã hội của đất nước, với sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, Bảo Việt Nhân thọ vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm tẩy độc cho hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tại tỉnh Thái Bình, với tổng giá trị đầu tư 3 tỷ đồng, đồng thời tặng quà cho con em thương binh chất độc màu da cam tại Trung tâm.

Được biết, phương pháp xông hơi tẩy độc cho nạn nhân CĐDC được áp dụng tại Việt Nam nhằm điều trị giải độc không đặc hiệu cho những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin và đã được ghi nhận có hiệu quả tại tỉnh Thái Bình. Theo Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Thái Bình, người tham gia sẽ được uống vitamin hàm lượng cao, vận động, luyện tập cường độ mạnh để mồ hôi toát ra, sau đó sẽ được xông hơi nhằm đào thải các chất cặn độc trong cơ thể ra ngoài.

“Trong những năm qua, các cơ quan ban ngành tỉnh luôn nỗ lực chăm lo cho đời sống của các gia đình chính sách, các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cá nhân và gia đình có điều kiện sống khó khăn. Sự hỗ trợ kịp thời từ Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ là nghĩa cử, hành động đẹp, góp phần động viên, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho các nạn nhân”, ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình phát biểu.

Ông Nguyễn Đức Hạnh – Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC tỉnh Thái Bình, cũng là người chăm lo trực tiếp cho các nạn nhân  CĐDC tại tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Hôm nay là một ngày đặc biệt vui mừng và hạnh phúc với tôi. Với trung tâm điều trị mới khang trang, các nạn nhân sẽ có cơ sở vật chất đảm bảo an toàn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao sức khỏe, trở về tham gia lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Trong 24 năm qua kể từ khi thành lập, song hành cùng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ cuộc sống cho các gia đình Việt, Bảo Việt Nhân thọ luôn là một trong những doanh nghiệp tích cực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chung tay cùng Nhà nước chăm lo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, kiên tâm thực hiện sứ mệnh “Bảo vệ Giá trị Việt – Bảo vệ Gia đình Việt”. Với việc triển khai Trung tâm tẩy độc cho các nạn nhân CĐDC tỉnh Thái Bình, ông Phạm Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng công trình có thể phần nào hỗ trợ và cải thiện sức khỏe cho các nạn nhân chiến tranh, động viên họ và gia đình tiếp tục sống khỏe mạnh, ý nghĩa. Đây là giá trị sống tốt đẹp của người Việt – là lòng biết ơn, là nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn” mà chúng tôi mong muốn bảo vệ và phát huy đến các thế hệ sau”.

MIC hành trình về nguồn năm 2020

(MIC) – Đất nước đã hòa bình trở lại 45 năm nhưng trong sâu thẳm mỗi người con đất Việt không thể nào quên sự hy sinh anh dũng của những lớp cha anh đi trước để bảo vệ từng tấc đất giành lại hòa bình cho dân tộc. Và để tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tập thể Đoàn thanh niên Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã có chuyến hành trình Về nguồn tại những điểm mốc lịch sử vào mỗi dịp tháng 7 hàng năm.

Ngày 23/7, Đoàn khởi hành từ Hà Nội trong cái nắng gắt giữa hè nhưng mỗi thành viên đều có tâm thế rạng rỡ chờ đón “hành trình tri ân”. Điểm đến đầu tiên của Đoàn là khu Di tích tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam vang danh Thế giới tại Đảo Yến – Vũng Chùa – Quảng Bình.

Trong ngày đầu tiên lịch trình di chuyển của Đoàn từ Hà Nội đã đến Quảng Bình và Hà Tĩnh. Mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng trong đó Ngã ba Đồng Lộc là địa danh đã trở thành huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nơi đây ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong. Những nữ chiến sỹ thanh niên xung phong năm ấy đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ để giữ thông suốt cho tuyến đường Trường Sơn huyết mạch.

Ngày 24/7 Đoàn tiếp tục hành trình đến với mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Thành cổ Quảng Trị, địa danh lịch sử nơi an nghỉ của hơn 14.000 bộ đội và dân quân để giờ đây những lớp thế hệ đi sau được nghe kể về những người con anh hùng đã ngã xuống.

Chiều cùng ngày Đoàn đến thăm viếng và dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Đây là nơi an nghỉ của 10.333 chiến sỹ khắp mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong ngày Đoàn công tác của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã đến trao học bổng cho 50 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. MIC hy vọng đây cũng là món quà tinh thần giúp các em vượt lên những thử thách của cuộc sống để vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.

Tối cùng ngày đoàn có chương tình Gala tập huấn công tác Đoàn năm 2020, Lãnh đạo Tổng Công ty hy vọng với sức trẻ cùng sự nhiệt huyết và sáng tạo trong công việc sẽ tạo nên lực lượng nòng cốt góp phần đưa MIC ngày một lớn mạnh vươn xa hơn.

Ngày 25/7 điểm cuối của Hành trình Về nguồn 2020 là Làng Sen Quê bác tại Nam Đàn – Nghệ An.

  1. Tin đào tạo

Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ tại TP. Hồ Chí Minh

(IRT) – Từ ngày 20-25/07/2020 tại Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về Bảo hiểm Phi nhân thọ cho học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Trong thời gian 5,5 ngày đào tạo, khóa học đã truyền tải tới các học viên những kiến thức liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Bảo hiểm con người; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm hàng hóa… Bên cạnh đó, các giảng viên còn đưa ra các tình huống thực tế trên thị trường, phương hướng giải quyết và giải đáp các vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị. Kết thúc khóa học, các học viên đủ điều kiện đã tham dự kỳ thi trực tuyến để làm căn cứ cấp chứng chỉ cuối khóa.

  1. Tin quốc tế

Trung Quốc: chính quyền giành quyền kiểm soát 9 tổ chức tài chính

(AIR) – Quyết định của chính quyền Trung Quốc về việc giành quyền kiểm soát 9 tổ chức tài chính bao gồm bốn công ty bảo hiểm, hai quỹ tín thác và ba công ty môi giới là tín dụng tích cực đối với ngành tài chính của Trung Quốc, vì nó sẽ giúp ngăn chặn rủi ro hệ thống. Đó là nhận định của bà Qian Zhu, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Các tổ chức tài chính tại Công ty Dịch vụ Nhà đầu tư Moody.

Bà nói: “Chúng tôi không hy vọng các chủ nợ, đối tác và chủ hợp đồng sẽ phải chịu tổn thất do quá trình giải quyết có trật tự của cơ quan quản lý nhà nước. Các công ty này sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường dưới sự quản lý của các nhóm làm việc do cơ quan quản lý lập ra”.

“Ngoài ra, chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý sẽ khắc phục các công ty gặp khó khăn về thủ tục quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp, và xử lý tài sản khi cần thiết để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ tài chính”.

Hôm 17/7, cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã giành quyền kiểm soát trong thời hạn một năm đối với các công ty môi giới, công ty ủy thác và công ty bảo hiểm liên kết với tập đoàn Tomorrow Holdings.

Các tổ chức tài chính này bao gồm: Bảo hiểm tài sản TianAn, Bảo hiểm nhân thọ Huaxia, Bảo hiểm nhân thọ TianAn, Bảo hiểm P&C 1an, New Times Trust, New China Trust, New Times Securities, Guosheng Securities và Guosheng Futures.

Cơ quan quản lý Trung Quốc khuyến khích các công ty bảo hiểm hỗ trợ cho các khu vực bị lũ lụt

(IAN) – Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã công bố tăng cường hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ở các vùng bị lũ lụt.

Trong một động thái để trấn an cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cá nhân bị ảnh hưởng, CBIRC kêu gọi các công ty bảo hiểm thực hiện đúng việc giám định và giải quyết bồi thường.

CBIRC cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm “chuẩn bị sẵn các nguồn tài chính” – chẳng hạn như tạm ứng các khoản bồi thường và giải quyết bồi thường càng sớm càng tốt.

Cơ quan quản lý cho biết họ sẽ tiếp tục tăng hỗ trợ tín dụng và bảo vệ bảo hiểm. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc hỗ trợ “các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại để liên tục mở rộng phạm vi bảo hiểm – tài sản của công ty, trách nhiệm an toàn sản xuất, nông nghiệp và bảo hiểm khác”.

Tất cả các ngân hàng và tổ chức tài chính được khuyến khích cải thiện hiệu quả dịch vụ trong các khu vực bị thiên tai, CBIRC cho biết. Các tổ chức tài chính sẽ không được phép “rút tiền một cách mù quáng, cắt giảm các khoản vay hoặc tăng áp lực lên doanh nghiệp” tạm thời đang không thể hoạt động do lũ lụt.

Các tổ chức tài chính cũng nên làm việc với các cơ quan nhà nước địa phương để đảm bảo các dịch vụ tài chính không bị gián đoạn và có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Trung Quốc đang chứng kiến trận lụt tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Trận lụt này bắt đầu vào giữa tháng 6, hiện đã ảnh hưởng đến 37 triệu người, làm chết 141 người và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 12 tỷ USD.

Rủi ro lũ lụt không có gì mới đối với Trung Quốc – nhưng do khí hậu ấm lên và các hoạt động của con người (như xây dựng đập và cải tạo đất) đã làm tăng nguy cơ lũ lụt và hậu quả của nó.

Đất nước này vẫn đang tìm kiếm hệ thống bảo hiểm lũ lụt tốt nhất. Mặc dù trong lịch sử nhà nước đã gánh vác phần lớn gánh nặng, tuy nhiên các công ty bảo hiểm đồng ý rằng sự phức tạp và quy mô cần thiết cho việc bảo vệ lũ lụt sẽ đòi hỏi sự hợp tác công tư và mô hình hóa và nghiên cứu tiên tiến.

Gần đây cũng đã có một loạt các hoạt động pháp lý ở Trung Quốc. Cụ thể, hồi tuần trước, CBIRC đã tuyên bố loại bỏ các hạn chế đối với các công ty bảo hiểm thực hiện đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Vào ngày 20 tháng 7, nhà nước đã kiểm soát một số công ty bảo hiểm, công ty ủy thác và môi giới chứng khoán để bảo vệ quyền của các chủ hợp đồng, khách hàng và phục vụ lợi ích công cộng.

Tất cả những động thái này được thực hiện trong nỗ lực làm trong sạch ngành tài chính và trấn áp tội phạm tài chính.

Bồi thường bảo hiểm gián đoạn kinh doanh ảnh hưởng đến lợi nhuận DN bảo hiểm năm 2020

(AIR) – Theo phân tích từ công ty phân tích dữ liệu và phân tích GlobalData, khả năng gia tăng yêu cầu bồi thường gián đoạn kinh doanh cùng với sự tập trung kinh doanh tại châu Âu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Aviva vào năm 2020.

Sự lây lan của COVID-19 đã thúc đẩy công ty bảo hiểm lớn của Anh đầu tư vào việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, kết hợp với các kênh trực tuyến mạnh mẽ và sử dụng công nghệ tốt, công ty bảo hiểm được cho là có vị trí tốt để đối phó với đại dịch.

Aviva có một cấu trúc kinh doanh đa dạng với các hoạt động trên hầu hết các nghiệp vụ. Công ty chủ yếu tập trung ở châu Âu, chiếm 72,7% tổng doanh thu phí bảo hiểm trong năm 2018.

Dự báo cho thấy sự suy giảm GDP ở Liên minh châu Âu có thể tồi tệ hơn so với suy thoái kinh tế giai đoạn 2008-2009.

GlobalData nhận định, doanh thu phí bảo hiểm tại Italia chiếm 25,9% tổng doanh thu phí của Aviva và rất dễ bị tổn thương. Trong khi đó, 11% phí bảo hiểm của Aviva ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có vẻ tương đối tốt hơn cho triển vọng tăng trưởng.

Về ngành nghề kinh doanh, công ty bảo hiểm có danh mục đầu tư đa dạng: 55% bảo hiểm nhân thọ, 43% bảo hiểm phi nhân thọ và 2% bảo hiểm sức khỏe.

Nhận xét về danh mục đầu tư, ông Deblina Mitra, chuyên gia phân tích bảo hiểm của GlobalData lưu ý rằng phân khúc bảo hiểm nhân thọ của Aviva sẽ phải chịu biến động về lợi nhuận đầu tư do áp lực suy thoái đối với các nền kinh tế.

Trong khi đó, bà chỉ ra rằng lĩnh vực phi nhân thọ chủ yếu là bảo hiểm xe cơ giới và tài sản, chiếm tới 88% danh mục bảo hiểm phi nhân thọ.

“Đây là những nghiệp vụ tương đối an toàn, mặc dù GlobalData không kỳ vọng sự sụt giảm cả về yêu cầu bồi thường và doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới. Các hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh sẽ là mối quan tâm lớn nhất về phi nhân thọ do sự tăng đột biến về yêu cầu bồi thường”.

Munich Re: tổn thất tái bảo hiểm khoảng 700 triệu EUR

(AIR) – Theo một tuyên bố chính thức từ Munich Re, tổng giá trị tổn thất tái bảo hiểm liên quan đến COVID-19 trong Quý II/2020 lên tới khoảng 700 triệu EUR.

Phần lớn nhất của những tổn thất này là do chi trả cho các sự kiện lớn về bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cũng như các nghiệp vụ bảo hiểm P&C khác, trong đó có bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Tuy nhiên, Munich Re cũng đã đạt lợi nhuận ròng Quý II khoảng 600 triệu EUR do các khoản lỗ lớn thấp hơn trung bình (không bao gồm COVID-19) và hiệu quả hoạt động tốt tại công ty con ERGO.

Theo lịch trình, công ty tái bảo hiểm sẽ cung cấp kết quả kinh doanh Quý II cuối cùng vào ngày 6 tháng 8.

Trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, ngày 31/3, Munich Re đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng thực hiện chương trình mua lại cổ phần 2020/2021 cho đến khi có thông báo mới và cho đến khi có sự rõ ràng hơn về gánh nặng thực tế phát sinh từ COVID-19 và về yêu cầu vốn cho các cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Tại thời điểm này, công ty tái bảo hiểm cho biết họ nhận thấy sự không chắc chắn đáng kể đang diễn ra trong phần còn lại của năm nay liên quan đến sự phát triển kinh tế vĩ mô và tác động tài chính của COVID-19

Ngoài ra, Munich Re gần đây đã xác định các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh tái bảo hiểm và do đó sử dụng tích cực vốn của mình. Vì những lý do này, họ cho biết chắc chắn sẽ không thực hiện chương trình mua lại cổ phần 2020/2021 đã dừng.

Hàn Quốc: 7 nhóm y tế phản đối bảo hiểm y tế quốc gia về thuốc thảo dược

(AIR) – Cộng đồng y tế và các nhóm dược sĩ ở Hàn Quốc đã phản đối việc điều trị bằng thảo dược trong chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Tạp chí Y sinh Hàn Quốc cho biết: bảy nhóm y tế, bao gồm Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), Hiệp hội Bệnh viện Hàn Quốc (KHA) và Hiệp hội Dược phẩm Hàn Quốc (KPA), đã ra mắt một ủy ban phản ứng khẩn cấp chống bồi thường cho các loại thuốc thảo dược chưa được kiểm chứng khoa học.

Theo ông Lee Wang-Jun, Chủ tịch điều hành các vấn đề quốc tế của KHA, chính phủ đã đề xuất một kế hoạch bồi thường cho các loại thuốc thảo dược nhằm thúc đẩy bảo hiểm y tế nói chung.

Ông Lim Tae-hwan, Chủ tịch Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hàn Quốc, cho biết chính phủ nên đầu tư tiền vào nghiên cứu y học phương Đông thay thế.

S&P cảnh báo rủi ro gia tăng từ làn sóng COVID-19 thứ hai

(INN) – Theo S&P Global, làn sóng COVID-19 thứ hai có thể “ăn” vào vốn của các công ty bảo hiểm và tăng rủi ro từ việc gia tăng yêu cầu bồi thường.

Cho đến nay, S&P đã có đánh giá tiêu cực đối với 9% xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm toàn cầu, so với 40% xếp hạng doanh nghiệp và cơ quan công quyền.

Tuy vậy, kỳ vọng tăng trưởng cho các công ty bảo hiểm trên toàn cầu trong năm nay đã giảm do hoạt động kinh tế chậm lại.

Theo chuyên gia phân tích tín nhiệm Dennis Sugrue: “Rủi ro tài sản đầu tư của các công ty bảo hiểm bị mất giá trị vẫn cao hơn rủi ro của các yêu cầu bảo hiểm gia tăng, đặc biệt đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ và những công ty có bộ đệm vốn mỏng”.

“Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 thứ hai làm gián đoạn sự phục hồi kinh tế hoặc đòi hỏi phải áp dụng lại các biện pháp phong tỏa rộng rãi có thể phá vỡ thị trường tài chính hơn nữa, làm suy thoái kinh tế, đồng thời làm gia tăng tổn thất tài sản và yêu cầu bảo hiểm”.

S&P cho biết rằng tổn thất từ sự gián đoạn kinh doanh có thể tăng lên nếu các công ty bảo hiểm phải đối mặt với hành động pháp lý từ cơ quan quản lý. Dẫu vậy, những thay đổi về lập pháp hoặc quy định hồi tố là không thể xảy ra.

Những lo ngại về an toàn của nhân viên có thể thúc đẩy các vụ kiện, dẫn đến các yêu cầu bồi thường Bảo hiểm trách nhiệm Giám đốc và Người điều hành hoặc bảo hiểm Trách nhiệm nghề nghiệp tăng lên, trong khi đó, “tỷ lệ tử vong gia tăng đáng kể” có thể làm xói mòn vị thế tài chính các công ty bảo hiểm nhân thọ.

Công ty xếp hạng cảnh báo rằng suy thoái kéo dài có thể có tác động đến nhu cầu bảo hiểm dài hạn.

“Nếu phục hồi kinh tế bị gián đoạn hoặc phải phong tỏa xã hội trở lại, các công ty bảo hiểm hàng đầu trong năm 2020 và 2021 sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn”, báo cáo của S&P viết.

Swiss Re bổ nhiệm tân CEO nền tảng kỹ thuật số

(IBM) – Công ty tái bảo hiểm Swiss Re vừa giới thiệu tân CEO về nền tảng bảo hiểm kỹ thuật số.

Ông Carlo Bewersdorf sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo của iptiQ từ ngày 01 tháng 10 năm nay, báo cáo lên CEO của Tập đoàn Christian Mumenthaler. Sự xuất hiện của ông theo sau việc giải thể đơn vị kinh doanh vốn nhân thọ và thành lập bộ phận độc lập iptiQ.

Trước khi gia nhập Swiss Re, ông Bewersdorf làm việc tại Hannoversche Lebensversicherung AG với vị trí thành viên hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm về chiến lược kỹ thuật số của Tập đoàn và các dự án chuyển đổi. Trước đó, ông cũng là Giám đốc toàn cầu về kỹ thuật số tại Allianz và triển khai hàng loạt các dự án chiến lược, bao gồm cả ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bây giờ, từ trụ sở ở Munich, ông sẽ đi đầu trong nỗ lực của Swiss Re phát triển mô hình kinh doanh và thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ để bán bảo hiểm thông qua các thương hiệu đáng tin cậy.

Ông Mumenthaler nói: “Carlo là một nhà lãnh đạo đam mê và có tầm nhìn với thành tích đã được chứng minh trong đổi mới bảo hiểm kỹ thuật số. Anh ấy đang hòa mình trong thế giới của insurtech và đã xây dựng, triển khai và duy trì thành công nhiều nền tảng kỹ thuật số. Chúng tôi rất vui mừng được chào đón Carlo đến với Swiss Re”.

Anh: bảo hiểm cho rủi ro du lịch tới các nước có nguy cơ dịch bệnh cao

(IBM) – Battleface, công ty bảo hiểm du lịch Vương quốc Anh đã công bố gói bảo hiểm du lịch COVID-19 mới bảo hiểm cho cả các chuyến đi đến các quốc gia ở vùng dịch bệnh COVID-19 hiện đang được khuyến cáo của Văn phòng Ngoại giao và Liên bang (FCO).

Sản phẩm mới dành cho khách du lịch đến 59 tuổi, chi trả cho các chi phí y tế do, hoặc kết quả từ, COVID-19. Sản phẩm này không chi trả chi phí liên quan đến COVID-19 cho việc hủy chuyến đi, cắt giảm kỳ nghỉ hoặc phong tỏa.

FCO đã cập nhật khuyến cáo toàn cầu, theo đó hạn chế đi lại tất cả các nước “trừ các chuyến đi thật sự cần thiết” từ ngày 3 tháng 7 năm 2020, ngoại trừ một số điểm đến không còn có nguy cơ cao đối với du khách Anh. Nhiều điểm đến phổ biến cho các kỳ nghỉ không có tên trong danh sách này, khiến du khách phải tạm dừng kế hoạch nghỉ hè. Cảnh báo của FCO vẫn được cập nhật liên tục và có thể thay đổi bất cứ lúc nào để phản ứng với các tình huống mới nhất ở mỗi quốc gia.

“Nếu FCO khuyên bạn không nên đi du lịch (trừ trường hợp đặc biệt) đến một quốc gia nào đó, thì trong hầu hết các trường hợp sẽ làm mất hiệu lực bảo hiểm của du khách, và việc du khách vẫn tiếp tục đến nước đó thì phải tự chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, Battleface đã loại bỏ sự không chắc chắn đó và mang đến cho khách du lịch sự tự tin cần thiết khi đi tới những quốc gia này”, ông Sasha Gainullin, CEO Battleface nói.

Đối với các hợp đồng được cấp trước ngày 17 tháng 7 năm 2020, các loại trừ COVID-19 sẽ vẫn có hiệu lực và yêu cầu bồi thường chi phí đi lại hoặc chi phí y tế phát sinh từ các nguyên nhân liên quan đến COVID-19 sẽ không được bảo hiểm.

Sản phẩm này hiện chỉ dành cho khách hàng ở Vương quốc Anh và EU.

BTV (Tổng hợp).