TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 27

Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2021; Doanh thu PVI đạt hơn 5.300 tỷ đồng nửa đầu năm; Hạn chế bảo hiểm điện than “hiện là chủ đạo”

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 27 năm 2021

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

PTI chi trả bồi thường bảo hiểm xe máy cho khách hàng tại Lào Cai

(PTI) – Ngày 08 tháng 7 năm 2021, Công ty Bảo hiểm Bưu điện Lào Cai (PTI Lào Cai) phối hợp cùng Bưu điện tỉnh Lào Cai đã tiến hành chi trả bồi thường cho khách hàng không may gặp tai nạn trong khi đang tham gia giao thông tại địa phương với số tiền bồi thường là 150 triệu đồng. Tham dự buổi lễ có ông Đỗ Minh Tuấn – Giám đốc PTI Lào Cai, ông Trần Anh Sơn – Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Lào Cai, ông Bồng Văn Phú – Chủ tịch xã Cốc Ly cùng gia đình khách hàng.

Trước đó, vào ngày 30/4/2021, anh Phàn Văn Đạt điều khiển xe máy mang BKS 24B2-765.29 khi đang lưu thông tại Bắc Hà – Lào Cai đã không may gây ra tai nạn dẫn đến việc có thương vong về người. Được biết, anh Đạt đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe máy của PTI Lào Cai. Ngay sau khi nhận được thông tin, PTI Lào Cai đã nhanh chóng liên hệ với khách hàng, hoàn thiện hồ sơ và tiến hành bồi thường cho anh Đạt.

Anh Đạt chia sẻ, ngay sau khi xảy ra tai nạn, anh đã liên hệ ngay với PTI Lào Cai và được hỗ trợ các giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ bồi thường. Sự việc không may xảy ra bất ngờ khiến gia đình anh đứng ngồi không yên nhưng nhờ có sự nhiệt tình của cán bộ PTI Lào Cai đã giúp anh giảm bớt lo lắng khi không may gây ra tai nạn khi tham gia giao thông.

Đại diện PTI Lào Cai cũng cho biết cách đơn giản nhất để doanh nghiệp bảo hiểm có thể hỗ trợ khách hàng đó là khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, khách hàng cần gọi điện ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn một cách chi tiết. Với vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, PTI cam kết sẽ luôn cố gắng hết sức để mang lại trải nghiệm tốt nhất về chất lượng sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng.

Có thể thấy, thực tế quy trình bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới không hề khó khăn, lắt léo hay gây khó dễ cho khách hàng, chỉ cần khách hàng tuân thủ và thực hiện đúng theo hướng dẫn từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng và đầy đủ cho mình, người dân nên tìm hiểu thật kỹ, từ đó những vấn đề về bồi thường bảo hiểm xe cơ giới sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

PTI bồi thường 500 triệu đồng cho khách hàng tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng

(PTI) – Ngày 08 tháng 7 năm 2021, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức buổi lễ chi trả bồi thường cho khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng với số tiền là 500 triệu đồng.

Được biết, khách hàng Liêu Chí Anh (SN 1976) đã vay vốn qua ngân hàng TPBank chi nhánh Thái Nguyên để phục vụ cho công việc kinh doanh. Trong quá trình vay vốn, anh tự nguyện tham gia sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tín dụng và không may ốm tử vong vào ngày 17/4/2021 tại Thái Bình. Ngay sau khi nhận được thông tin, PTI đã thăm hỏi, chia buồn đồng thời nhanh chóng thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường nhằm kịp thời san sẻ phần nào khó khăn và mất mát mà gia đình khách hàng không may gặp phải. Tổng số tiền bồi thường cho trường hợp của khách hàng Liêu Chí Anh là 500 triệu đồng.

Sản phẩm Bảo hiểm Bảo an tín dụng mà khách hàng Liêu Chí Anh tham gia là sản phẩm bảo hiểm liên kết giữa PTI và TPBank được hợp tác triển khai từ năm 2018 đến nay. Với quyền lợi bảo hiểm nổi trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, Bảo an tín dụng của PTI là sự lựa chọn ưu việt cho khách hàng vay vốn. Khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra như tai tạn bất ngờ hoặc ốm đau/bệnh tật, tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, PTI sẽ thay mặt khách hàng chi trả bồi thường tương ứng khoản vay của Người được bảo hiểm, số tiền còn lại (nếu có) sẽ được chuyển người thụ hưởng hợp pháp nhằm hạn chế tối đa những khó khăn Khách hàng gặp phải.

Ngân hàng TPBank đã nhận khoản tiền bồi thường của PTI chi trả cho khoản dư nợ của Khách hàng và gửi lời cảm ơn chân thành tới PTI đã giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời. Điều này hỗ trợ cho Khách hàng cảm thấy yên tâm khi thực hiện vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Doanh thu Bảo hiểm PVI đạt hơn 5.300 tỷ đồng nửa đầu năm

(PVI) – Theo báo cáo kinh doanh của Bảo hiểm PVI, doanh nghiệp tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 4.491 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,6 lần so với bình quân thị trường. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ước đạt 359 tỷ đồng, hoàn thành 126,3% kế hoạch 6 tháng và 55,6% kế hoạch năm. Bảo hiểm PVI tiếp tục là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm cốt lõi, ước đạt 175 tỷ đồng.

“Nửa sau năm 2021 sẽ vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp khi đầu tàu kinh tế của cả nước là TP HCM đang ở trong trạng thái ưu tiên chống dịch. Tuy nhiên, Bảo hiểm PVI vẫn phấn đấu để đạt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng và duy trì vị thế trên thị trường”, đại diện Bảo hiểm PVI chia sẻ về mục tiêu nửa cuối năm.

Thời gian qua, Bảo hiểm PVI triển khai chủ trương của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa phát triển hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp vừa hoàn thành thỏa thuận hợp tác với Công đoàn Y tế Việt Nam về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động ngành Y tế. Theo đó, hai bên phối hợp thực hiện chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ Y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19” với mức phí ưu đãi, mở rộng quyền lợi bảo hiểm, giảm thời gian chờ và thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm. Đến nay, thỏa thuận đã được cụ thể hóa tại nhiều địa phương trên toàn quốc.

Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, doanh nghiệp này đã ký thỏa thuận hợp tác với Zurich về mạng lưới Giải pháp Quyền lợi Nhân viên Toàn cầu (ZGEBS). Chiến lược này nhằm cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe đa dạng, linh hoạt và phù hợp cho các tập đoàn đa quốc gia. Trong nước, các thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn như Mobifone, Viettel, TC Advisors cũng mang lại hiệu quả cho các bên về doanh thu và thương hiệu.

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng được Bảo hiểm PVI triển khai thông qua hợp tác với các đối tác như nền tảng quà tặng điện tử Got It, ứng dụng đặt xe Fclass, Công ty TNHH Thu phí Tự động VETC… Doanh nghiệp là một trong những tổ chức tiên phong cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến, triển khai cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Thời gian tới, Bảo hiểm PVI tiếp tục đầu tư công nghệ thông tin để đẩy mạnh các kênh khai thác thương mại điện tử (đặc biệt là các đối tác thương mại lớn), tạo trải nghiệm mới cho khách hàng cũng như tối ưu hóa các hoạt động giám định, bồi thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ tận dụng các thế mạnh về mối quan hệ với với thị trường quốc tế, trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực bảo hiểm dầu khí, năng lượng, hàng không, hàng hải, công trình dự án, tái bảo hiểm…

Trước đó, Bảo hiểm PVI đã ủng hộ hơn 2 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin, các bệnh viện tuyến đầu chống dịch như Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 108 (Hà Nội) và Sở Y tế TP HCM, Huế. Nhiều đơn vị thành viên cũng đóng góp trực tiếp cho các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương đặt trụ sở.

Generali giải quyết quyền lợi bảo hiểm “không giấy” trên GenVita

(ĐTCK) – Hãng bảo hiểm Generali Việt Nam thông báo, kể từ tháng 7/2021, việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm với Generali chỉ cần bản chụp chứng từ (thay thế cho bản gốc chứng từ), áp dụng cho các hồ sơ nộp trực tuyến qua chức năng “Giải quyết quyền lợi bảo hiểm” trên ứng dụng GenVita.

Thời gian giải quyết được thông báo là 2 phút hoàn tất thủ tục; 30 phút nhận phản hồi sau khi nộp hồ sơ thành công; 24 giờ, nhận thông báo quyết định chi trả (nếu có); và 24 giờ – 48 giờ, nhận tiền thanh toán quyền lợi bảo hiểm.Đây là quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh và đơn giản nhất thị trường.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ, giải quyết quyền lợi bảo hiểm là một trong những khâu quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp bảo hiểm, quyết định thành bại của doanh nghiệp về lâu về dài.

“Với Generali, chúng tôi luôn xác định phải đầu tư mạnh mẽ vào khâu này để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Vì thế, Generali không ủy quyền cho bên thứ ba mà xây dựng một đội ngũ chuyên viên giải quyết quyền lợi bảo hiểm riêng của công ty để trực tiếp phục vụ khách hàng, từ đó đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Generali cũng ưu tiên đầu tư vào công nghệ tiên tiến để mọi dịch vụ đều có thể được số hóa một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn cho khách hàng”, bà Tina Nguyễn nói.

Generali hiện đã số hóa hầu hết các giao dịch bảo hiểm như gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, theo dõi tình trạng hợp đồng, đóng phí, cập nhật thông tin, hoán đổi quỹ đầu tư, mua sản phẩm… thông qua GenVita, hệ sinh thái kỹ thuật số chăm sóc sức khỏe tiên phong trên thị trường.

Việc áp dụng quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm mới hoàn toàn “không giấy” là một trong những nỗ lực mới nhất của Generali nhằm hiện thực hóa cam kết “Đơn giản, hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm” của doanh nghiệp này.

Bảo hiểm Quân đội ký kết hợp tác cùng ABANK

(MIC) – Ngày 6/7/2021, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội và Công ty cổ phần ABANK đã ký kết hợp tác toàn diện nhằm mang đến cho khách hàng giải pháp chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tài sản thông qua nền tảng công nghệ app ABANK Agent và KITI.

Trước bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng nhưng thiên tai, rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bảo hiểm Quân đội đã thiết kế các giải pháp bảo vệ cho cộng đồng thông qua các chương trình bảo hiểm: bảo hiểm sức khỏe MIC Care, Bảo hiểm Mediplus, Bảo hiểm TNDS xe máy – ô tô, Bảo hiểm nhà tư nhân,… giờ đây Quý khách hàng có thể mua bảo hiểm online thuận tiện hơn thông qua ứng dụng ABANK Agent và KITI.

Trong lễ ký kết, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc MIC Hà Thành thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội cho biết: “ Đây là chương trình hợp tác toàn diện giữa MIC và ABANK với mong muốn mang đến các giải pháp bảo vệ cho cộng đồng. Thông quá các ứng dụng tiện ích của ABank như ABANK Agent, KITI cũng như lợi thế về uy tín thương hiệu MIC chắc sự hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ khách hàng mà còn cho chính MIC và ABANK”.

Với sự mệnh xuyên suốt của MIC là trở thành điểm tựa vững chắc đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng và là điểm tựa thành công cho mọi khách hàng, đối tác. MIC luôn mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược và nâng cao ứng dụng công nghệ mang đến sự tiện ích cho khách hàng. Chính vì thế với sự hợp tác này MIC sẽ đến gần hơn với Khách hàng, gia tăng sự bảo vệ và gắn kết thông qua nền tảng công nghệ app ABANK Agent và KITI của ABBANK.

Hiện nay, ABANK là doanh nghiệp tiên phong hàng đầu về “CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH – FINTECH” với 2 ứng dụng hiện tại là ABANK Agent và KITI (kiếm tiền tại gia) là những ứng dụng công nghệ có tính sáng tạo kết nối trên không gian mạng dù ở bất cứ đâu. MIC tin rằng với sự hợp tác cùng tiện ích công nghệ sẽ mang đến cho khách hàng sự thuận tiện chủ động chọn lựa được giải pháp bảo vệ cả gia đình an tâm tận hưởng hành trình khám phá cuộc sống.

  1. Nhịp đập thị trường

Top 10 công ty bảo hiểm uy tín tại Việt Nam năm 2021

(Cafef) – Theo báo cáo mới nhất của Deloitte, thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi tăng trưởng ấn tượng liên tục trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành bảo hiểm lại có mức tăng trưởng ấn tượng…

Ngày 09/7/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) uy tín năm 2021.

Uy tín của các công ty bảo hiểm được đánh giá khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp; đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông theo phương pháp Media coding; và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 6/2021.

Theo báo cáo mới nhất của Deloitte, thị trường bảo hiểm toàn cầu chịu ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 khiến chuỗi tăng trưởng ấn tượng liên tục trong suốt 10 năm qua (CAGR ~3,3%) bị đứt gãy. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngành bảo hiểm lại có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng và được khách hàng tin cậy là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro. Cụ thể, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2020 đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2019). Đặc biệt, các DNBH đã tích cực đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội – đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2019).

Để đạt được kết quả như trên, toàn ngành Bảo hiểm đã nỗ lực điều chỉnh hoạt động để thích nghi với những tác động do đại dịch gây ra. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy so với cách đây một năm, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến việc ra quyết định của DNBH trong một số lĩnh vực đã có sự thay đổi. Nếu như năm ngoái có khoảng 33% số DNBH tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra quyết định, thì năm nay, phần lớn DNBH quyết đoán hơn. Cụ thể, trên 50% số DNBH đang từng bước thay đổi các quyết định liên quan đến chuyển đổi số, quản lý và tiếp cận khách hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm, và giám định bồi thường. Tỷ lệ DNBH hiện đang tập trung rà soát lại công tác quản trị nhân lực đạt 29%, tăng đáng kể so với mức 14% của năm trước. Khoảng 18-29% số DNBH cho biết mảng quản trị rủi ro, quản lý dịch vụ và hỗ trợ khách hàng tiếp tục nằm trong diện cần rà soát. Những hoạt động này cần có những chiến lược linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi của thị trường nên cần phải liên tục đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn. Chẳng hạn, để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều DNBH đã nhanh chóng chuyển sang mô hình làm việc tại nhà. Đây là một sự thay đổi mang tới nhiều thách thức.

Trả lời khảo sát của Vietnam Report, 35,3% số DNBH cho biết quy trình vận hành trực tuyến tại DN còn nhiều hạn chế. Mặc dù các DNBH đã tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số nhưng việc chuyển toàn bộ hoạt động sang làm việc tại nhà đã cho thấy nhiều nhân viên không có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hoặc hệ thống bảo mật cần thiết để xử lý thông tin khách hàng. Thêm vào đó, mô hình này cũng gây ra nhiều hiểu lầm trong việc quản trị, tổ chức doanh nghiệp do giao tiếp kém hiệu quả, thông tin không rõ ràng.

Insurtech vào mùa gặt

(ĐTCK) – Quá trình chuyển đổi số của nhóm ngành bảo hiểm (Insurtech) đang mang lại kết quả khi liên tiếp cho ra mắt sản phẩm mới.

Trung tuần tháng 6/2021, Manulife Việt Nam chính thức đưa ra thị trường sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mới “Max – Sống khỏe” trên trang thương mại điện tử của Công ty. Sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạn mức cao này được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực số hóa sản phẩm bảo hiểm của Manulife Việt Nam nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung.

Là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, “Max – Sống khỏe” cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 đồng/năm, hạn mức bảo hiểm dao động từ 1-2 tỷ đồng và hợp đồng được đảm bảo có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt…

“Manulife Việt Nam luôn nỗ lực cung cấp những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng thông qua hành trình chuyển đổi số”, ông Sang Lee – Giám đốc điều hành Manulife Việt Nam nói. Được biết, trang bán bảo hiểm trực tuyến Manulife Shop chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2021 và một sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe khác được bán ra cùng thời điểm là “Max – Tự tin”.

Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, việc các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế tạo điều kiện cho lượng thời gian truy cập Internet tăng lên. Trong bối cảnh đó, lời giải cho bài toán tiếp cận khách hàng phù hợp và hiệu quả hơn chính là tiếp thị số.

Trên thị trường, ngoài Manulife Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng đẩy mạnh triển khai bán bảo hiểm trực tuyến thời gian qua có thể kể tới là Prudential, AIA, Generali, FWD…, sản phẩm bán ra cũng khá đa dạng.

Đơn cử, vào cuối tháng 4/2021, FWD Việt Nam đưa thêm một giải pháp bảo hiểm 100% trực tuyến có tên gọi “FWD Bộ 3 bảo vệ”. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường mang đến giải pháp chuyên biệt với quy trình tham gia hoàn toàn trực tuyến.

Tại Generali Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trên thị trường, nhà bảo hiểm này đã bán bảo hiểm trực tuyến từ khá sớm. Hiện nay, Generali Việt Nam cung cấp 3 sản phẩm trên kênh này gồm bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm ung thư và bảo hiểm sức khỏe.

Tương tự, MAP Life đã phát triển một số dự án chiến lược trong năm qua tập trung hoàn toàn vào chuyển đổi kỹ thuật số. “Cuộc khủng hoảng Covid-19 càng làm nổi bật nhu cầu bán hàng trực tuyến và tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ có ngày càng nhiều khách hàng trong kênh bán hàng này”, ông Ko Young Wan, tân Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MAP Life nói.

Theo thống kê của Statista, một công ty chuyên nghiên cứu thu nhập và thống kê dữ liệu về thị trường và người tiêu dùng của Đức, trong giai đoạn 2012-2020, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư và giao dịch công nghệ bảo hiểm với tỷ trọng lên tới 53% thị phần toàn cầu, tiếp theo là các quốc gia khu vực Tây Âu như Anh, Pháp, Đức… với tỷ trọng hơn 15%, hai quốc gia đứng đầu châu Á là Trung Quốc và Ấn độ có tỷ trọng lần lượt là 7% và 4%…

Cũng theo công ty nghiên cứu này, dân số châu Á chiếm 43% dân số thế giới, nhưng mới nắm giữ 13% tổng phí bảo hiểm toàn cầu, trong đó các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 3,8%. Đông Nam á được nhìn nhận là thị trường có tiềm năng phát triển mạnh về lĩnh vực bảo hiểm và bảo hiểm kỹ thuật số do tỷ lệ tham gia trung bình còn rất thấp so với thế giới.

Tại Việt Nam, Insurtech tuy mới hình thành vài năm gần đây, nhưng phát triển khá nhanh. Hầu hết các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã đầu tư vào công nghệ để phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như đơn giản hóa quy trình hoạt động. Đối với các doanh nghiệp phi nhân thọ, việc bán hàng qua kênh trực tuyến là phổ biến do sản phẩm có kỳ hạn ngắn và đơn giản hơn, còn các doanh nghiệp nhân thọ thì hạn chế hơn bởi tính chất phức tạp của sản phẩm, cho nên doanh thu phí bảo hiểm từ kênh này chưa đáng kể.

Dẫu vậy, bán bảo hiểm trực tuyến vẫn là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Khảo sát nhanh của Báo Đầu tư Chứng khoán về chủ đề này cho thấy, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, tập trung vào các ứng dụng trọng yếu như phần mềm quản lý nguồn lực (ERP), quản lý khách hàng (CRM), điện toán đám mây, an ninh mạng; phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data)… Một số công ty cũng đã đi trước trong việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay các ứng dụng thực tế ảo (VR/AR/MR)…

Mới đây, Prudential Việt Nam đã triển khai tính năng định danh khách hàng điện tử (eKYC) nhằm giúp đội ngũ tư vấn tài chính dễ dàng xác nhận danh tính của khách hàng bằng công nghệ sinh trắc học. Khi đăng ký eKYC thành công, khách hàng sẽ được xác thực nhanh chóng khi thực hiện các dịch vụ, hợp đồng mà không cần những giấy tờ, thủ tục xác thực hiện hành. Được biết, trong năm 2020, gần 100% hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hơn 70% hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Prudential Việt Nam được nộp trên nền tảng trực tuyến.

Tại AIA Việt Nam, việc vận hành dữ liệu dựa trên nền tảng điện toán đám mây của Microsoft. Hãng bảo hiểm này cũng đang chuyển đổi cách thu nhập, phân tích và sử dụng dữ liệu. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã giúp các bộ phận liên quan trong Công ty hình dung rõ hơn về từng khách hàng, hoàn cảnh và nhu cầu riêng biệt của họ, từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp hơn.

“Tương tự như khi triển khai các công cụ bán hàng kỹ thuật số mới để hỗ trợ cho đội ngũ chuyên viên tư vấn tài chính, việc chuyển đổi số cũng gặp phải những trở ngại nhất định, nhưng trong xu hướng số hóa toàn cầu, quá trình này là không thể đảo ngược và không có gì có thể cản trở được. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược xúc tiến ứng dụng chuyển đổi số tại Việt Nam với các mục tiêu rõ ràng đặt ra cho 5 năm tới”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay.

Theo báo cáo của Công ty Adsota, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ thâm nhập Internet lớn nhất thế giới. Trong năm 2019, trung bình mỗi người Việt dành khoảng 6,5 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet. Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, việc các hình thức giải trí ngoài trời bị hạn chế càng tạo điều kiện cho lượng thời gian này tăng lên. Trong bối cảnh đó, lời giải cho bài toán tiếp cận khách hàng phù hợp và hiệu quả hơn chính là tiếp thị số.

“Việc khách hàng có được kế hoạch nghỉ hưu thoải mái hay việc bảo vệ được gia đình họ trước những rủi ro cuộc sống tưởng như khó thực hiện, nhưng khả năng đạt được những mục tiêu này lại được định hình bởi các quyết định nhỏ mà chúng ta đưa ra hàng ngày. Manulife Việt Nam đã và đang thay đổi mối quan hệ và nhận thức của khách hàng về bảo hiểm bằng cách đầu tư vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, cung cấp các giải pháp số hóa vượt trội và xa hơn nữa là thúc đẩy khả năng chuyển đổi của ngành bảo hiểm”, ông Sang Lee nhìn nhận.

Một động thái nữa đang là tâm điểm của thị trường Insurtech thế giới cũng như ở Việt Nam là mới đây, Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm bolttech cho biết họ đã huy động được 180 triệu USD từ vòng tài trợ do công ty đầu tư tư nhân Activant Capital Group dẫn đầu với giá trị được định giá hơn 1 tỷ USD.

Nền tảng trực tuyến của bolttech đóng vai trò là người kết nối giữa các công ty bảo hiểm, cho phép họ cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tài chính không có trong danh mục của nhà bảo hiểm. Nền tảng còn cho phép các doanh nghiệp ngoài ngành bảo hiểm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Bên cạnh đó, nền tảng cũng giúp các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ có thể mua bảo hiểm trực tuyến.

Với những lợi thế nổi trội của mình, nền tảng bolttech đã được 150 hãng bảo hiểm trên 14 quốc gia sử dụng và đem lại 5 tỷ USD doanh thu phí bảo hiểm giao dịch.
Số tiền thu được từ vòng tài trợ lần này sẽ được bolttech sử dụng để nâng cấp công nghệ và mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu của mình.

Bolttech đang hoạt động tại 15 quốc gia trên 3 châu lục Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Tại Việt Nam, bolttech đã hiện diện từ năm 2020 sau khi đầu tư vào công ty GiNET Việt Nam, một thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực Insurtech với bề dày kinh nghiệm trên 15 năm.

  1. Tin quốc tế

Thái Lan điều tra gian lận bảo hiểm COVID-19

(AIR) – Tổng giá trị yêu cầu bồi thường đối với các hợp đồng bảo hiểm COVID-19 phổ biến ở Thái Lan đã tăng gấp 10 lần kể từ năm ngoái, khiến các cơ quan quản lý bảo hiểm phải mở các cuộc điều tra về gian lận bảo hiểm.

Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC), cơ quan quản lý bảo hiểm của Thái Lan, mới đây đã cảnh báo trên trang web của mình rằng họ đang điều tra việc gian lận bảo hiểm có thể xảy ra sau khi thấy số lượng yêu cầu bồi thường COVID tăng cao, Nikkei Asia đưa tin.

Theo OIC, tính đến cuối tháng 4 năm 2020, khi Thái Lan bắt đầu chứng kiến đợt đại dịch thứ ba, số lượng chủ hợp đồng bảo hiểm COVID-19 đứng ở mức 13,8 triệu với tổng phí bảo hiểm là 5,9 tỷ THB (184 triệu USD). Giá trị yêu cầu bồi thường COVID-19 trong tháng đã tăng lên 1,7 tỷ THB từ mức 170 triệu THB năm trước.

Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng yêu cầu bồi thường COVID-19 là do nền kinh tế Thái Lan đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch và người dân bị ảnh hưởng nặng nề đến mức họ cố tình mạo hiểm để nhận tiền bảo hiểm.

Khi các yêu cầu bồi thường đáng ngờ tăng lên, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn đã ngừng bán các hợp đồng COVID-19.

Tổng Hiệp hội Bảo hiểm Thái Lan – bao gồm tất cả 56 công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Thái Lan – đang cảnh báo mọi người không nên cố tình nhiễm COVID-19 để đòi bồi thường vì họ có thể phải đối mặt với các khoản phạt do gian lận.

Khi COVID tấn công Thái Lan lần đầu tiên vào năm ngoái, một số công ty bảo hiểm đã bắt đầu cung cấp các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ COVID-19. Khách hàng có thể mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm từ mức 100.000 đến 300.000 THB với mức phí khoảng 500 THB một năm.

Hồng Kông: Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trở lại có lãi trong năm tài chính 2021

(AIR) – Tổng công ty Bảo hiểm Tín dụng Xuất khẩu Hồng Kông (HKECIC) đã công bố lợi nhuận là 212,63 triệu đô la Hồng Kông cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2021 (năm tài chính 21). Đây là một sự thay đổi lớn từ khoản lỗ ròng 104,58 tỷ đô la Hồng Kông trong năm tài chính 20.

Lợi nhuận năm tài chính 21 là kết quả tổng hợp của lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm là 23,75 triệu đô la Hồng Kông và thu nhập đầu tư là 188,88 triệu đô la Hồng Kông.

Tổng quy mô tín dụng được bảo hiểm năm tài chính 21 là 130.688 triệu đô la Hồng Kông, tăng khoảng 8,7% so với năm trước. Doanh thu đạt 290,94 triệu đô la Hồng Kông, tăng 4,9% so với năm tài chính 20.

Trong năm tài chính 21, Trung Quốc đại lục tiếp tục là thị trường được bảo hiểm lớn nhất của HKECIC, chiếm 43% tổng quy mô được bảo hiểm, tiếp theo là Mỹ và Anh.

Tổng giá trị bồi thường là 37,45 triệu đô la Hồng Kông, giảm 93,7% so với mức 593,29 triệu đô la Hồng Kông của năm tài chính 20.

Giải thích cho sự sụt giảm này, HKECIC cho biết chủ yếu là do trong năm tài chính 20, công ty phải bồi thường cho các khoản nợ thanh toán của một nhà sản xuất hàng dệt may Trung Quốc.

Vốn và dự trữ của Tổng công ty tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2021 đạt tổng cộng 2.614,88 triệu đô la Hồng Kông, tăng 15,4% so với 12 tháng trước.

Tiến sĩ Dennis Ng Wang-pun, Chủ tịch ban cố vấn của HKECIC, cho biết “Nền kinh tế toàn cầu đã bị giáng một đòn nặng nề bởi sự bùng phát COVID-19 và các biện pháp chống dịch sau đó. Trong nửa đầu năm [tháng 3 – tháng 9 năm 2020], nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu đã ký hợp đồng với tốc độ kỷ lục, cùng với doanh số bán lẻ giảm, mất việc làm tăng vọt và GDP giảm mạnh”.

Tiến sĩ Ng nói rằng bước sang năm 2021, cùng với những lợi ích của chính sách kích thích và hỗ trợ tiền tệ, việc triển khai các chương trình tiêm chủng sẽ giảm bớt áp lực lên các chính phủ trong việc thực thi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội vốn có thể làm suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng cho dù một số ngành công nghiệp đang dần dần phục hồi nhưng tình hình cũng có thể phức tạp trở lại do dịch bệnh biến động.

Westpac thoái vốn mảng bảo hiểm nhân thọ với giá 281 triệu đô la Mỹ

(AIR) – Tập đoàn Westpac đã thông báo sẽ bán mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở New Zealand, Westpac Life-NZ, cho công ty bảo hiểm nhân thọ địa phương lớn nhất xứ Kiwi là Fidelity Life. Đây là một phần trong liên minh chiến lược lâu dài.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, Fidelity Life sẽ mua lại Westpac Life từ Westpac Group với giá 400 triệu NZD (281 triệu USD), đồng thời tham gia thỏa thuận phân phối bảo hiểm nhân thọ trong 15 năm với Westpac NZ.

Cổ đông lớn nhất của Fidelity Life là NZ Super Fund và nhà đầu tư mới Ngai Tahu Holdings sẽ tài trợ phần lớn thương vụ mua lại.

Ông Simon Power, Quyền Giám đốc điều hành của Westpac NZ cho biết Fidelity Life là công ty đi đầu trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Ông cho biết thêm rằng giao dịch này sẽ không ảnh hưởng đến hợp đồng bảo hiểm của khách hàng.

Bà Melissa Cantell, Giám đốc điều hành Fidelity Life, cho biết liên minh với Westpac NZ dựa trên sự tập trung chung vào việc mang lại kết quả tốt cho khách hàng.

Bà nói, “Sự hợp tác cũng sẽ cho phép chúng tôi tận dụng các khoản đầu tư đã thực hiện vào trải nghiệm khách hàng, dữ liệu và công nghệ, cũng như thương hiệu New Zealand mạnh mẽ của công ty, để làm cho quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ cho khách hàng và các thành viên của Westpac Life”.

Giao dịch này còn phải được sự chấp thuận của cổ đông và cơ quan quản lý, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.

Trung Quốc: Chính phủ tăng trợ cấp phí bảo hiểm nông nghiệp

(AIR) – Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này sẽ tăng trợ cấp phí bảo hiểm nông nghiệp ở nhiều khu vực thí điểm hơn và chính sách trợ cấp sẽ phù hợp với các quy tắc quốc tế.

Trợ cấp dành cho những nông dân trồng trọt mua bảo hiểm toàn bộ chi phí hoặc bảo hiểm thu nhập. Bảo hiểm toàn bộ chi phí sẽ trang trải cho các chi phí khác nhau của sản xuất nông nghiệp, bao gồm chi phí giống, đất đai, lao động và thiệt hại do thiên tai. Bảo hiểm thu nhập sẽ bảo vệ cho những tổn thất do biến động giá cả và sản lượng.

Phạm vi áp dụng của hai loại bảo hiểm nông nghiệp liên quan đến trồng lúa, lúa mì và ngô sẽ được mở rộng để bảo vệ cho 500 quận có năng suất cây trồng cao tại 13 tỉnh sản xuất ngũ cốc lớn trong năm nay, bao gồm Tứ Xuyên, Liêu Ninh và Giang Tây.

Đối với việc thí điểm bảo hiểm mở rộng, chính quyền trung ương và địa phương sẽ tăng trợ cấp tài khóa đối với phí bảo hiểm. Chính quyền các tỉnh sẽ trả không thấp hơn 25%. Và 45% phí bảo hiểm sẽ được trích từ ngân sách của chính phủ trung ương cho các khu vực trung tâm, phía tây và đông bắc của Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Zou Jiayi cho biết tại một cuộc họp báo đầu tuần này rằng đối với các loại cây trồng mà giá cả do thị trường quyết định về cơ bản, chẳng hạn như ngô, nông dân có thể chọn bảo hiểm toàn bộ chi phí hoặc bảo hiểm thu nhập khi trồng. Đối với gạo và lúa mì, giá chưa được tự do hóa hoàn toàn, vì vậy, nông dân nên chọn bảo hiểm toàn bộ chi phí.

Ấn Độ: Arthur J Gallagher mua lại 100% công ty môi giới bảo hiểm

(IBM) – Công ty Arthur J Gallagher & Co có trụ sở chính tại Illinois đã mua số cổ phần còn lại của Công ty môi giới bảo hiểm Edelweiss Gallagher từ Edelweiss Financial Services, sau khi đã đầu tư mua cổ phần thiểu số vào năm 2019.

Các điều khoản của giao dịch không được tiết lộ. Đồng thời, thỏa thuận này còn phải được IRDAI phê duyệt.

Có trụ sở chính tại Mumbai, với các chi nhánh ở Delhi, Kolkata và Bangalore, Edelweiss Gallagher Insurance Brokers là nhà môi giới bảo hiểm / tái bảo hiểm cung cấp các giải pháp bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng trên khắp Ấn Độ trong bốn lĩnh vực kinh doanh – doanh nghiệp, mối quan hệ & hiệp hội, tái bảo hiểm & toàn cầu, và các giải pháp kỹ thuật số.

Vào năm 2019, Arthur J Gallagher đã mua 30% cổ phần thiểu số của Edelweiss Insurance Brokers (kể từ khi đổi tên thành Edelweiss Gallagher Insurance).

Elsa là cơn bão đầu tiên trong mùa mưa bão Đại Tây Dương

(INN) – Bão Elsa tiếp tục gây ra nhiều vấn đề cho các nước Caribe sau khi gây ra thiệt hại trên diện rộng và trở thành cơn bão đầu tiên trong mùa Đại Tây Dương năm nay.

Elsa là cơn bão cấp một, sau đó suy yếu thành bão nhiệt đới vào cuối tuần trước.

Theo công ty mô hình thảm họa Air Worldwide: “Ngày càng có nhiều nguy cơ về bão nhiệt đới, triều cường và ảnh hưởng của mưa ở Florida Keys, và chế độ theo dõi bão nhiệt đới đang có hiệu lực”.

Sự xuất hiện của Elsa đánh dấu một mùa bão Đại Tây Dương hoạt động dự kiến, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ cho biết có 60% khả năng mùa bão Bắc Đại Tây Dương năm 2021 sẽ cao hơn mức bình thường, với khả năng có từ 13 đến 20 cơn bão nhiệt đới được đặt tên, 6 đến 10 cơn bão trung bình và 3-5 cơn bão lớn.

Axa: Hạn chế bảo hiểm điện than “hiện là chủ đạo”

(INN) – Công ty bảo hiểm toàn cầu Axa của Pháp cho biết năm 2021 là “năm quan trọng đối với đa dạng sinh học” và muốn các công ty bảo hiểm hành động theo cách giống như cách họ đã làm đối với biến đổi khí hậu.

Tổng Giám đốc Thomas Buberl cho biết quyết định của Axa về việc hạn chế bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh than cách đây vài năm “là một bước đi tiên phong khi đó, nhưng ngày nay nó đã trở thành xu hướng khá phổ biến”.

Ông nói: “Chúng tôi coi thách thức đa dạng sinh học là một phần mở rộng tự nhiên của các nỗ lực về khí hậu của chúng tôi, vì hai cuộc khủng hoảng có mối liên hệ với nhau”.

Axa gần đây đã giúp thành lập một nhóm chuyên trách mới về công khai tài chính liên quan đến thiên nhiên, tập trung mạnh vào đa dạng sinh học.

Việc làm này nhằm mục đích xây dựng sự thành công của lực lượng chuyên trách về công khai tài chính liên quan đến khí hậu, mà ông Buberl nói là công cụ trong việc “lồng ghép” vấn đề rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu này.

Đội ngũ đặc nhiệm mới với khoảng 30 thành viên đã cam kết cung cấp một khuôn khổ vào năm 2023 cho các tổ chức để báo cáo và hành động về các rủi ro liên quan đến thiên nhiên đang phát triển.

Trong Báo cáo Khí hậu lần thứ sáu, Axa cho biết họ đã mở rộng đáng kể việc phân tích các tác động của bảo hiểm tài sản liên quan đến khí hậu, giải thích rõ hơn mối quan hệ giữa rủi ro vật chất, mức độ rủi ro của tài sản và tính dễ bị tổn thương.

Axa cũng đang nghiên cứu về “lãnh thổ tương đối nguyên vẹn của các rủi ro kiện tụng liên quan đến khí hậu”.

Ông Buberl nói: “Chúng tôi trước hết là một công ty bảo hiểm, và biến đổi khí hậu là mối lo ngại ở cả hai khía cạnh tài sản và nợ phải trả”.

Chủ tịch Axa Denis Duverne thừa nhận những tình huống khó xử “khó khăn” và “tài sản mắc kẹt” từ các hành động của các công ty bảo hiểm đối với than.

Ông nói: “Mặc dù một nhà máy than có thể tiềm ẩn rủi ro đầu tư, nhưng nó thường là một tài sản sinh lời hoàn hảo để bảo hiểm từ góc độ bảo hiểm tài sản, với lịch sử yêu cầu bồi thường tốt – không giống như các loại nhà máy điện gió ngoài khơi”.

Axa là công ty chủ trì một Liên minh Bảo hiểm Net-Zero mới (NZIA) với Allianz, Aviva, Munich Re, SCOR, Swiss Re và Zurich để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng. Công ty cho biết cửa sổ hành động về biến đổi khí hậu đang đóng lại nhanh chóng và “không có kế hoạch B”.

“Tư duy của chúng ta phải phát triển nhanh hơn biến đổi khí hậu”.

Người dân Hàn Quốc khó được nhận chi trả từ “bảo hiểm vắc xin”

(IBM) – Nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Hàn Quốc đang cung cấp các sản phẩm “bảo hiểm vắc xin”, sẽ bồi thường cho các chủ hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp họ bị các phản ứng phụ nghiêm trọng do vắc xin COVID-19 gây ra.

Tuy nhiên, theo báo cáo của The Korea Times, khách hàng khó có thể nhận được bất kỳ quyền lợi nào từ các sản phẩm bảo hiểm. Thay vào đó, báo cáo cho thấy các công ty bảo hiểm đang “chơi trò đùa” với khách hàng bằng cách cung cấp các sản phẩm như vậy.

Hơn 30% người Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Các sản phẩm bảo hiểm nhắm mục tiêu đến những người lo sợ tác dụng phụ có thể xảy ra từ vắc-xin, được cung cấp trên toàn thế giới theo giấy phép sử dụng khẩn cấp, thay vì giấy phép đầy đủ. Các công ty thuộc nhiều quy mô khác nhau đang cung cấp bảo hiểm vắc xin, bao gồm các công ty lớn như Samsung Fire & Marine Insurance và Hyundai Marine & Fire Insurance, cũng như các tên tuổi nhỏ hơn như DB Insurance, Carrot Insurance và Lina Korea.

Theo báo cáo, hầu như không có khách hàng nào có thể nhận được chi trả bảo hiểm, vì hợp đồng bảo hiểm chỉ bảo vệ cho phản ứng dị ứng nghiêm trọng, còn được gọi là sốc phản vệ, rất hiếm khi xảy ra. Dữ liệu từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho thấy, chỉ 416 trong số 18,87 triệu cá nhân được tiêm chủng có biểu hiện phản ứng như vậy – chiếm tỷ lệ 0,0022%.

Báo cáo dẫn nguồn tin từ ngành bảo hiểm Hàn Quốc cho biết, các sản phẩm bảo hiểm vắc xin như vậy được sử dụng như công cụ tiếp thị, cho phép các công ty bảo hiểm thu thập thông tin cá nhân từ khách hàng. Những điều này cũng tạo ra động lực cho ngành bảo hiểm vốn đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Nguồn tin được trích dẫn trong báo cáo cho biết: “Sự gia tăng xu hướng số hóa trong ngành bảo hiểm cũng đang thúc đẩy các công ty thị trường thu thập nhiều dữ liệu hơn từ khách hàng, một phần là lý do đằng sau sự vội vàng gần đây của các công ty bảo hiểm trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vắc xin”.

BTV (Tổng hợp).