TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 26

Great Eastern giới thiệu slogan mới; Hành trình gian nan chuyển đổi theo IFRS 17; PTI lỗ hơn 184 tỷ đồng trong 6 tháng

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 26

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Mirae Asset Prévoir chi trả hơn 1,4 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng

(ĐTCK) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã chi trả hơn 650 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm sản phẩm UL68 cho gia đình khách hàng tại tỉnh Bạc Liêu.

Tháng 12/2021, chị T.T.Y.M đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ UL68 – Tâm An Bảo Phát của Mirae Asset Prévoir – đối tác bảo hiểm nhân thọ độc quyền của VietABank với mức phí bảo hiểm 10 triệu đồng mỗi năm.

Chị T.T.Y.M. không may gặp tai nạn dẫn đến chấn thương nặng và qua đời. Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện VietABank và Mirae Asset Prévoir đã gửi lời hỏi thăm, chia sẻ và hướng dẫn gia đình khách hàng hoàn thành thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định.

Với quyền lợi bảo hiểm cơ bản và giá trị tài khoản hợp đồng mà chị M. đã lựa chọn khi tham gia sản phẩm UL68 – Tâm An Bảo Phát, tổng giá trị bảo hiểm được chi trả tương ứng với số tiền hơn 650 triệu đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2022, Mirae Asset Prévoir cũng đã tiến hành trao số tiền bảo hiểm hơn 750 triệu đồng sản phẩm Gia Đình Là Nhà (Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung 2018) cho đại diện của gia đình ông H.V.B tại Bắc Ninh.

Tính đến tháng 8/2022, Mirae Asset Prévoir đã chi trả quyền lợi cho hơn 721.000 trường hợp với tổng giá trị hơn 2.460 tỷ đồng cho khách hàng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục dẫn đầu Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2022”

(TBTCO) – Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố và trao giải Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2022”. Theo đó, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục được bình chọn ở vị trí dẫn đầu khối các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trước đó, Bảo Việt Nhân thọ cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì – danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng.

Đồng hành với sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, năm 2022, Vietnam Report tiếp tục công bố và tổ chức lễ trao giải Top 10 “Công ty bảo hiểm uy tín nhất Việt Nam”. Đây là kết quả nghiên cứu độc lập, khách quan và được công bố thường niên từ năm 2016 dựa trên bộ tiêu chí đánh giá toàn diện kết hợp nghiên cứu chuyên sâu do các chuyên gia phân tích có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện.

Theo kết quả được công bố, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu danh sách Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín”. Đây là lần thứ 6 Bảo Việt Nhân thọ được vinh danh ở vị trí dẫn đầu này, khẳng định tiềm lực tài chính vững mạnh, hoạt động thương hiệu, truyền thông tích cực và mức độ tín nhiệm cao từ người dân và các chuyên gia uy tín hàng đầu.

Bà Thân Hiền Anh – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, cho biết: “Uy tín thương hiệu là tài sản vô giá của doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. 6 năm dẫn đầu Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” chính là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng và vị thế của Bảo Việt Nhân thọ trong lòng người dân Việt Nam, khẳng định sức mạnh thương hiệu Việt luôn kiên tâm vì lợi ích của người Việt”.

Với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ luôn chú trọng việc nghiên cứu phát triển những sản phẩm mới ngày càng ưu việt dựa trên nhu cầu và thói quen của người dân, trở thành lá chắn vững chắc cho các gia đình Việt Nam trước những rủi ro trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Bảo Việt Nhân thọ đã tích cực đầu tư nâng cấp, phát triển công nghệ, tiến hành chuyển đổi số, tạo sự bứt phá trong công tác quản lý doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tâm.

Tính đến nay, Bảo Việt Nhân thọ đã và đang phục vụ hơn 17,4 triệu lượt khách hàng, bảo vệ và hoạch định tài chính cho hàng triệu các gia đình Việt, đầu tư trở lại nền kinh tế Việt Nam hơn 121 nghìn tỷ đồng thông qua hình thức trái phiếu chính phủ, đóng góp vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo báo cáo kết quả toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, hết tháng 5/2022, Bảo Việt Nhân thọ vẫn tiếp tục dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm, chiếm 19,7% toàn thị phần.

Với những nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kinh doanh và những đóng góp tích cực cho cộng đồng, vừa qua, Bảo Việt Nhân thọ đã tiếp tục vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì – danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng; khẳng định vị thế thương hiệu bảo hiểm quốc gia trong ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

6 tháng năm 2022, Bảo hiểm Bưu điện lỗ hơn 184 tỷ đồng

(ĐTCK) – Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, luỹ kế 6 tháng, Tổng công ty Bảo hiểm bưu điện (PTI) lỗ sau thuế hơn 184 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý II của PTI đạt hơn 1.547 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng của doanh thu không thể bù đắp cho mức tăng của chi phí, PTI lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 119 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tới 143 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính giảm tới 77,6% so với cùng kỳ, ghi nhận 4,2 tỷ đồng. Trong đó, mức chênh lệch chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và giảm lãi từ kinh doanh chứng khoán. Chốt quý II, PTI báo lỗ sau thuế hơn 222 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI đạt hơn 2.853 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2022 là âm gần 184,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 93,3 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là do lợi nhuận của Công ty mẹ giảm so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận của báo cáo tài chính hợp nhất giảm. Được biết, 6 tháng đầu năm 2022, PTI phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” số tiền 296,2 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, PTI lên kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 6.350 tỷ đồng, tăng 6,8% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch dự kiến giảm 20,9%, đạt 260 tỷ đồng.

PTI ra mắt bảo hiểm dành riêng cho lao động tự do tại Việt Nam

(PTI) – Hà Nội ngày 25/8/2022, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phối hợp cùng Công ty INCOME (Công ty Bảo hiểm trực tiếp số 1 của Singapore) và Công ty JupViec chính thức cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm Jupviec Care dành riêng cho người lao động của JupViec.

Sản phẩm bảo hiểm mới này là giải pháp hữu ích dành riêng cho tầng lớp lao động có mức thu nhập thấp, giảm thiểu tối đa những gánh nặng về tài chính mà họ có thể gặp phải khi không may gặp rủi ro trong cuộc sống. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một sản phẩm bảo hiểm độc đáo dành riêng cho nhóm đối tượng này.

Điểm nổi bật của sản phẩm này là mức phí được chia nhỏ, chỉ từ 2.000 VND đến 5.000 VNĐ (tùy vào gói bảo hiểm lựa chọn). Như vậy, người lao động đã được bảo hiểm bảo vệ chỉ với vài nghìn đồng ngay từ lần đóng phí đầu tiên. Quyền lợi bảo hiểm sẽ được cộng dồn sau khi họ hoàn thành mỗi ca làm việc của mình. Hiện tại, sản phẩm Jupviec Care đang được chia thành 03 gói quyền lợi, bao gồm: Tử vong, thương tật; Hỗ trợ tài chính thời gian nằm viện điều trị và Hỗ trợ chi phí điều trị y tế. Số tiền bảo hiểm người lao động có thể nhận được dao động từ 10 triệu đồng đến tối đa 100 triệu đồng.

JupViec Care triển khai dành riêng cho nhân viên của JupViec với các quyền lợi được xây dựng phù hợp với đặc thù công việc của họ. Bên cạnh đó, sản phẩm này được ứng dụng công nghệ hiện đại nhất từ công ty INCOME nên mọi thao tác đăng ký, thanh toán phí bảo hiểm và tra cứu đều đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng. Đây sẽ là ưu điểm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với sản phẩm bảo hiểm này hơn so với các sản phẩm bảo hiểm khác.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện PTI cho biết, với định hướng phát triển là doanh nghiệp bảo hiểm vì cộng đồng, PTI luôn nỗ lực nghiên cứu xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cho “cộng đồng”, để tất cả người dân Việt Nam trong đó bao gồm cả người lao động có thu nhập thấp vẫn có cơ hội tiếp cận được với các gói sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Đại diện JupViec cũng cho biết, người giúp việc có nguy cơ dễ bị tổn thương do thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa, leo trèo để lau dọn…Trong khi đó, vì mức thu nhập còn hạn chế nên họ không thể bỏ ra một khoản tiền lớn cùng một lúc để mua các gói bảo hiểm bảo vệ cho bản thân. Bảo hiểm tai nạn cho người lao động tự do – JupViec Care là một giải pháp hoàn hảo được chúng tôi “đo ni đóng giày” cho người lao động có thu nhập thấp  nhằm giúp họ tự tin và yên tâm lao động. Con số gần 87,5% số người lao động tham gia trong ngày ra mắt sản phẩm đăng ký mua sản phẩm bảo hiểm cho thấy sản phẩm JupViec Care đã đáp ứng được đúng mong muốn của họ.

PTI ra mắt sản phẩm “Bảo hiểm Mua hàng Chính hãng”

(PTI) – Tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp” do Viện Phát triển Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức vừa qua, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã giới thiệu sản phẩm bảo hiểm mới có tên Bảo hiểm Mua hàng Chính hãng nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như của các nhà sản xuất hàng hóa.

Theo đó, PTI sẽ là đơn vị bảo hiểm cho giải pháp công nghệ chống hàng giả TrueData (tem dán truy xuất nguồn gốc) do chi nhánh Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả TP.HCM (ACT-HCM) phối hợp phát triển cùng Công ty Cổ phần Truedata. Khi có bất kì hành vi tấn công, truy cập trái phép hay giả mạo giải pháp TrueData hoặc khi xảy ra lỗi hệ thống, lỗi vận hành và lỗi bảo mật của TrueData khiến người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, PTI sẽ chi trả bồi thường 100% theo giá công bố sản phẩm của nhà sản xuất cho khách hàng.

Được biết, giải pháp công nghệ chống hàng giả sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, nhận dạng, cung cấp dữ liệu về sản phẩm, là cơ sở để người dùng nhận biết về nguồn gốc sản phẩm, được vận hành theo cơ chế “đường đi của sản phẩm song song với đường đi của dữ liệu”.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện PTI cho biết hàng giả, hàng nhái trong nền kinh tế nói chung và trong ngành y tế nói riêng luôn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội nhiều năm nay, không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng rất lớn tới con đường phát triển của các doanh nghiệp. Sản phẩm Bảo hiểm Mua hàng Chính hãng được PTI xây dựng với mong muốn đồng hành cùng các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.

Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp” là diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm kiếm những giải pháp hữu ích giúp ngăn chặn nạn lưu hành thuốc và thực phẩm chức năng giả trên thị trường. Hội thảo có sự đồng hành của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp có tiếng trên thị trường để cung cấp tới người tiêu dùng các chính sách, quy định của nhà nước về chống hàng giả, hàng nhái, đồng thời cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến giúp người dân nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh của nhà sản xuất.

  1. Nhịp đập thị trường

Bảo hiểm online và rủi ro mới

(ĐTCK) – Việc bán bảo hiểm qua hình thức online thiếu kiểm soát đang là vấn đề cần phải có biện pháp xử lý.

Mới đây, Manulife Việt Nam công bố hợp tác với ví điện tử MoMo để triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến và giải pháp thanh toán cho khách hàng, cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên hợp tác với ví điện tử này.

Trước đó, Momo chủ yếu bắt tay với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo hiểm Bảo Long, Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC), Liberty… để bán các sản phẩm đơn giản như bảo hiểm du lịch quốc tế/nội địa, bảo hiểm xe máy, xe ô tô; bảo hiểm nhà cửa tư nhân; bảo hiểm sức khỏe, ung thư, tai nạn con người…

Thực tế, làn sóng công nghệ 4.0 bùng nổ và đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy cả doanh nghiệp nhân thọ và phi nhân thọ đầu tư mạnh cho kênh bán hàng online như website công ty bảo hiểm, các chuyên trang về bảo hiểm, mobi app…

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm còn chủ động kết nối với các ví điện tử, sàn thương mại điện tử, ngân hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi, ứng dụng gọi xe, mạng xã hội… để cùng bán chéo sản phẩm, đa dạng hóa kênh phân phối cũng như khép kín dịch vụ, hứa hẹn mang đến cho khách hàng một chương trình bảo hiểm tốt nhất cả về quyền lợi bảo hiểm lẫn năng lực bồi thường.

Việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử và thanh toán trực tuyến cũng được áp dụng để giúp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian cho cả bên mua và bên bán bảo hiểm. Đổi lại, các đối tác được hưởng mức lợi nhuận hấp dẫn từ việc hợp tác kinh doanh, chưa kể chính sách ưu đãi riêng nếu các đối tác này trở thành khách hàng.

Hiện nay, Bảo hiểm PVI được xem là một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác bán hàng với đa dạng kênh bán, từ website Công ty, website bán bảo hiểm trực tuyến, app PVI e-insurance, app PVI Mobile, đến các ví điện tử hay ứng dụng thanh toán trực tuyến như Momo, VNPAY, quản lý nội bộ bằng hệ thống công nghệ (PIAS)…

Tương tự, Bảo hiểm Bảo Việt cũng phân phối các sản phẩm bảo hiểm trên nhiều nền tảng trực tuyến như Travel Easy, Flight Easy, E- cargo, Cyber liability, E-claim, Baoviet Direct…, ứng dụng công nghệ AI, Chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm…

Về phía các nền tảng trực tuyến, việc hợp tác với các công bảo hiểm cũng bắt đầu cho quả ngọt. Chẳng hạn, tại ứng dụng Ibaohiem App, thời gian qua, trong số các đơn hàng bảo hiểm online đã bán, đơn có giá trị lớn nhất ghi nhận được là 4 tỷ đồng và trong quý 3 này dự kiến đạt được hợp đồng bảo hiểm hàng hóa khoảng 8 tỷ đồng.

Hiện nay, việc bán bảo hiểm qua các ví điện tử, trang thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến… nhận được sự quan tâm lớn từ các công ty bảo hiểm bởi các nền tảng này sở hữu tệp khách hàng lớn, thao tác nhanh gọn, thuận tiện.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bán chính thức qua website, app chuẩn của doanh nghiệp, theo đại diện Ibaohiem.net (website chuyên về bảo hiểm), việc bán bảo hiểm online cũng xuất hiện những hình thức gây ra rủi ro như bán các qua hệ thống, website không chính thống, chuyển tiền hoặc thanh toán không thực hiện trên tài khoản doanh nghiệp mà trên tài khoản cá nhân, khó tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi mua bảo hiểm, tài liệu không chính thống, quyền lợi một số sản phẩm bán online không đúng với giá trị thực, thậm chí có trường hợp cá nhân không phải là đại lý bảo hiểm cũng đăng bán sản phẩm…

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, có một số đại lý bảo hiểm, cộng tác viên từng đăng tải trên trang facebook cá nhân cùng một nội dung như sau: “Quỹ tăng trưởng sản phẩm bảo hiểm đầu tư của chúng tôi năm 2021 đã có báo cáo chốt lãi 31%, bình quân năm đạt 17,8% – gấp khoảng 3 lần tiền gửi ngân hàng. Vậy sao lại cầm tiền đi gửi ngân hàng nhỉ? Đầu tư ngay vào công ty bảo hiểm sớm ngày nào lợi ngày đó, để vừa được bảo vệ tốt nhất, vừa thu lợi nhuận cao”. Tuy nhiên, khi liên hệ với người đăng tải thông tin thì chỉ nhận được câu trả lời không rõ ràng, đặc biệt là đều không cam kết đạt mức lợi nhuận cao như quảng cáo.

Theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm là lĩnh vực rất đặc thù, bán bảo hiểm là bán sản phẩm “vô hình”, nhưng khi bồi thường thì lại “hữu hình” (tai nạn là có thật, có hiện trường đối với cả người lẫn tài sản như xe, tiền chi trả thật…), cho nên dịch vụ chăm sóc khách hàng từ khâu tư vấn cho đến khâu bồi thường (nếu không may xảy ra rủi ro sau này) mới là yếu tố “giữ chân” khách hàng. Tuy nhiên, tương tự như các kênh bán truyền thống, kênh online cũng gặp khó khăn trong công tác này.

“Đa số đội ngũ bán bảo hiểm qua các nền tảng trực tuyến đều gặp vấn đề trong khâu chăm sóc khách hàng, từ tư vấn mua bảo hiểm đến hỗ trợ bồi thường. Tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi nhờ tư vấn từ khách hàng mua bảo hiểm qua app, vì mua qua đó không được hỗ trợ được nhiều và khi liên hệ cũng không tìm được đầu mối đủ năng lực giải đáp các câu hỏi. Chưa kể, để thu hút khách hàng, các app sẵn sàng vi phạm luật khi giảm giá sản phẩm vô tội vạ”, ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến Ibaohiem App nói, đồng thời cho biết thêm, các nền tảng trực tuyến chủ yếu bán các sản phẩm đơn giản và thuộc diện bắt buộc phải mua như bảo hiểm xe máy… Những sản phẩm này thường có giá rẻ, nhưng không mua sẽ bị phạt, nên người mua chủ yếu là để chống đối, chứ không quan tâm nhiều đến việc đòi được bồi thường khi rủi ro không may xảy ra.

Thực tế, pháp luật bảo hiểm nghiêm cấm hành vi chiết khấu, khuyến mại đối với các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến ở sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Đầu tháng 7/2021, trên website nhiều nền tảng trực tuyến như Grab, Momo, VNPT Pay, JetCare… cũng đăng quảng cáo giảm phí cho sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới của một số doanh nghiệp phi nhân thọ.

Trước thực trạng này, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nêu hiện tượng vi phạm và nhấn mạnh: “Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 – Nghị định số 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bán sản phẩm theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm đã được Nhà nước ấn định, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng”.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Financial Insurance Services Vietnam, thời gian bồi thường càng ngắn thì khách hàng càng muốn tham gia bảo hiểm, đây cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định tham gia bảo hiểm của khách hàng, bên cạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt.

“Nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng, thời gian qua, các công ty bảo hiểm đều ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào dịch vụ tư vấn, chăm sóc khách hàng, tích hợp cả trên ứng dụng quản lý hỗ trợ phân tích các chỉ số, thói quen sinh hoạt, các chỉ số xét nghiệm, tiền sử bệnh hiện hữu để đưa ra tư vấn hữu ích về sức khỏe hiện tại của khách hàng, đánh giá các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn… Điều này là đúng, nhưng chưa đủ, các nhà bảo hiểm cần tập trung hơn vào khâu giải quyết bồi thường theo hướng tự động hóa, bởi mua bảo hiểm online thì bồi thường cũng nên thực hiện online để giảm thời gian bồi thường”, bà Thanh nói.

Để phát triển kênh bán bảo hiểm online theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, nhiều thành viên thị trường cho rằng, bên cạnh yếu tố công nghệ, các công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm… cũng cần đầu tư mạnh vào con người, đặc biệt là nguồn nhân sự chất lượng cao, có kinh nghiệm về bảo hiểm, hướng đến sự bài bản, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự trải nghiệm khách hàng.

Vi phạm đấu thầu bảo hiểm quay trở lại

(ĐTCK) – Thời gian gần đây, hoạt động đấu thầu bảo hiểm liên tiếp ghi nhận phản ánh về dấu hiệu vi phạm trong đấu thầu các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc như đầu tư xây dựng, cháy nổ, xe cơ giới…

Từ việc hủy kết quả đấu thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả

Kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc năm 2022 của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả vào cuối năm 2021 đã gây bức xúc đối với bên không trúng thầu và nhóm này đã gửi kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, khiến cơ quan này phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã cử cán bộ tham gia Hội đồng tư vấn. Bên mời thầu là Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (thành viên của Tổng công ty Điện lực – TKV).

Cụ thể, theo biên bản mở thầu lúc 15h05 ngày 29/12/2021, có 2 nhà thầu tham gia gồm Liên danh Bảo hiểm Bưu điện (PTI) – Bảo hiểm Hàng không (VNI) – Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) – Bảo hiểm Bảo Long (viết tắt là Liên danh PTI – VNI – BSH – Bảo Long) và Liên danh Bảo hiểm PVI (PVI) – Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) – Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) – Bảo hiểm BIDV (BIC) – Bảo hiểm Quân đội (MIC) – Bảo hiểm Bảo Việt (viết tắt là Liên danh PVI – PJICO – MBI – BIC – MIC – Bảo Việt).

Giá dự thầu của Liên danh PTI – VNI – BSH – Bảo Long là hơn 3,563 tỷ đồng, còn của Liên danh PVI – PJICO – MBI – BIC- MIC – Bảo Việt là hơn 3,744 đồng. Kết quả là Liên danh PTI – VNI – BSH – Bảo Long đã trúng thầu.

Không đồng tình về thang điểm đánh giá vì cho rằng nội dung báo cáo đánh giá của bên mời thầu còn sơ sài, không tuân thủ quy định, bên không trúng thầu là Công ty Bảo Việt Quảng Ninh (đại diện nhà thầu Liên danh PVI – PJICO – MBI – BIC- MIC – Bảo Việt) đã gửi đơn kiến nghị lên Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Ninh ngày 20/4/2022.

Theo đại diện nhà thầu này, căn cứ vào hồ sơ mời thầu thì không được xếp hạng tín nhiệm quốc tế sẽ đạt 0 điểm (không được điểm nào). Như vậy, bên mời thầu đã xếp hạng nhà thầu trước khi đánh giá xác định điểm các tiêu chí kỹ thuật.

“Điều này là phi logic và không tuân thủ quy trình được quy định tại Điều 8 – Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT và Chương II – Thông tư 05/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi muốn biết nhà thầu đứng đầu liên danh PTI được mấy điểm và nhà thầu đứng đầu liên danh chúng tôi là PVI có đúng không được điểm nào hay không?”, đại diện Công ty Bảo Việt Quảng Ninh nêu vấn đề, đồng thời khẳng định nội dung báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia bên mời thầu còn sơ sài, không tuân thủ theo quy định đánh giá tổng số điểm về kỹ thuật của một số tiêu chuẩn tổng quát, không áp dụng mẫu báo cáo đánh giá E-HSDT (khi lựa chọn nhà thầu qua mạng) quy định tại Điều 3 – Thông tư 05/2018…, dẫn đến việc để lọt nhà thầu không đạt điểm tối thiểu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật, chuyển sang bước đánh giá về tài chính.

Theo công văn ngày 14/7/2022 trả lời nhà thầu do ông Nguyễn Hữu Đuyến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đầu thầu ký duyệt, căn cứ vào hồ sơ mời thầu, giải trình của bên mời thầu, Hội đồng tư vấn nhận thấy bên mời thầu chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 16 – Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, khi đã vội vàng đánh điểm đối với nhà thầu đứng đầu liên danh (nhà thầu trúng thầu) ở mức 2 điểm mà chưa yêu cầu bên dự thầu cung cấp tài liệu làm rõ để có thể đánh giá nhà thầu được xếp hạng dưới mức B++ của AM.Best (bởi Tổ chuyên gia cho rằng, xếp hạng 1A theo Thông tư 195/2014/TT-BTC là tương đương đạt dưới mức B++ của AM.Best).

“Việc chưa yêu cầu cung cấp tài liệu làm rõ xếp hạng uy tín dẫn đến không đủ cơ sở xác định nhà thầu trúng thầu đạt mức 2 điểm và tiêu chí đánh giá của Tổ chuyên gia (mức 1A) không đúng với tiêu chí yêu cầu của E.HSMT (mức B++)”, công văn nêu rõ.

Đối với nội dung xếp hạng nhà thầu, nhà thầu xếp thứ 2 không được đánh giá điểm về năng lực kinh nghiệm tại tiêu chí của Chương III – E.HSMT, Hội đồng tư vấn cho rằng, chủ đầu tư/bên mời thầu đã thực hiện theo quy định của Thông tư 04/2017 và Thông tư 05/2018.

Theo đó, Hội đồng tư vấn đề nghị Tổng công ty Điện lực- TKV xem xét lựa chọn áp dụng hủy/không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu này, đồng thời xem xét kiểm điểm những hạn chế, thiếu sót đối với tổ chức, cá nhân trong việc lập, đánh giá hồ sơ dự thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên. Trường hợp có phát hiện gian lận trong đấu thầu theo Khoản 4, Điều 89 – Luật Đấu thầu, cần báo cáo Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân liên quan theo Điều 122 – Nghị định 63/2014.

Đối với nhà thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, nếu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, nhà thầu có quyền khởi kiện ra tòa án theo quy định tại Điều 91 – Luật Đấu thầu. Sau khi có báo cáo kết quả xử lý các nội dung trên, Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư giao Thanh tra xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.

Hiện tại, theo thông tin từ nhà thầu, bên mời thầu đã hủy bỏ kết quả cũ và đang xây dựng hồ sơ mời thầu mới, chờ bỏ thầu lại. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ thông tin khi có diễn biến mới.

Nhìn sang Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Dựa trên những phản ánh ghi nhận trong nhiều năm qua, vi phạm nổi cộm trong hoạt động đấu thầu bảo hiểm được chỉ ra đó là tình trạng “gài bài”, cản trở thầu…, dẫn đến việc nhà thầu phải gửi công văn đề nghị chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng như Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội đồng tư vấn đấu thầu, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)… làm rõ các nghi vấn. Hệ quả là bên chủ đầu tư phải hủy bỏ một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu và thay thế bằng tiêu chí mới.

Tại gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 mới đây cũng xảy ra tình trạng tương tự, doanh nghiệp tham gia thầu “kêu” bị loại từ trước khi bước vào vòng bỏ thầu. Lý do bởi căn cứ vào bộ tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như có vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên tính đến ngày 31/12/2020 theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán; quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020 phải trên 2.500 tỷ đồng; phải có xếp hạng tín nhiệm tài chính được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng quốc tế (rating) như A.M. Best, Standard & Poor’s, Moody’s hay Fitch tại năm tài chính gần nhất…

Trong khi đó, theo kết quả công bố ngày 17/5/2022, Bảo hiểm Bảo Long (BLI) và Bảo hiểm VietinBank (VBI) đều bị loại do không đảm bảo năng lực, kinh nghiệm khi chưa bước vào đánh giá kỹ thuật. Tính đến 31/12/2020, BLI có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, VBI có vốn điều lệ 666,5 tỷ đồng và đều chưa có rating (xếp hạng tín nhiệm).

Còn Liên danh PVI – PJICO trúng thầu với giá 115,176 tỷ đồng. Gói thầu bảo hiểm rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 có giá trị hơn 133 tỷ đồng.

Phía VBI và BLI cho rằng, hồ sơ mời thầu đã làm khó nhiều nhà thầu đủ năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm khi yêu cầu phải có rating, trong khi hiện nay chỉ 6 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam có thể đạt yêu cầu này, chưa kể rating không phải là điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhà bảo hiểm có khả năng tài chính tốt, đặc biệt với các gói thầu trong nước.

Còn bên mời thầu (Ban quản lý Dự án điện, thuộc Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) lập luận, cả 2 dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 đều là dự án quan trọng của quốc gia, đòi hỏi nhà thầu bảo hiểm phải đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu cũng như giải quyết các tổn thất phát sinh nhanh nhất.

Hiện tại, hầu hết nội dung trong hồ sơ mời thầu chưa được điều chỉnh, cho dù phía nhà thầu VBI, BLI đã đưa ra nhiều kiến nghị.

  1. Tin quốc tế

Tần suất thiên tai thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm thương mại ở Nhật Bản

(INA) – Theo công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, tần suất các sự kiện thiên tai, tấn công mạng và rủi ro địa chính trị sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại như bảo hiểm tài sản và trách nhiệm khi thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 3%.

GlobalData dự kiến ​​tổng doanh thu phí (GWP) bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng từ 101,6 tỷ đô la vào năm 2021 lên 133,1 tỷ đô la vào năm 2026.

Bảo hiểm tài sản là phân khúc lớn thứ hai, chiếm 25,5% thị phần về GWP vào năm 2021. Nhật Bản là nơi thường xuyên xảy ra các sự kiện thiên tai như động đất và núi lửa. Trên thực tế, chỉ vào năm 2021, một trận động đất ở Fukushima đã gây ra tổn thất được bảo hiểm hơn 2,5 tỷ đô la. Do tần suất xảy ra các sự kiện như vậy, GlobalData dự đoán thị trường bảo hiểm tài sản sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,9% từ nay đến năm 2026.

Ông Shabbir Ansari, chuyên gia phân tích bảo hiểm cấp cao tại GlobalData, cho biết: “Sự tăng trưởng của bảo hiểm tài sản cũng sẽ được hỗ trợ bởi việc tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như Cơ sở sản xuất K2, Trang trại gió Abukuma trên bờ biển và Logiport Nagoya bắt đầu vào nửa đầu năm 2022 cùng trị giá khoảng 24,7 tỷ USD”.

Bảo hiểm trách nhiệm cũng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm phi nhân thọ khi nhu cầu về trách nhiệm mạng và các sản phẩm rủi ro chính trị ngày càng tăng.

“Số lượng các cuộc tấn công mạng đã tăng lên kể từ năm 2020 do làm việc từ xa, điều này làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm mạng. Nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị cũng gia tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đang diễn ra. Do đó, Bảo hiểm trách nhiệm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,7% từ năm 2022 đến năm 2026”, ông Ansari nhận định.

Trong khi đó, nghiệp vụ bảo hiểm hàng đầu của Nhật Bản là bảo hiểm xe cơ giới dự kiến ​​sẽ ghi nhận mức phí bảo hiểm giảm chậm. Do đại dịch COVID-19 và phong tỏa thường xuyên, doanh số bán xe đã ảnh hưởng đến doanh thu phí bảo hiểm trong nước. GlobalData kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2022 do tình trạng thiếu chip ô tô toàn cầu và lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán xe. Nghiệp vụ này dự kiến ​​sẽ chứng kiến ​​sự phục hồi dần dần từ năm 2023.

“Việc giảm tỷ lệ phí bảo hiểm đối với bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của bên thứ ba đối với xe cơ giới (MTPL) cũng sẽ tác động đến tăng trưởng phí bảo hiểm xe cơ giới. Tổ chức Định phí bảo hiểm phi nhân thọ của Nhật Bản đã giảm tỷ lệ phí vào tháng 4 năm 2021 do số vụ tai nạn đường bộ giảm với tốc độ CAGR là 12,7% trong 5 năm qua”, ông Ansari nói.

HSBC Life triển khai gói sản phẩm liên kết đầu tư

(INA) – HSBC Life đã công bố ra mắt Chương trình Liên kết Bảo vệ tài sản của HSBC. Đây là gói bảo hiểm liên kết vừa bảo vệ tính mạng vừa cung cấp các lựa chọn đầu tư khác nhau theo quyết định của chủ hợp đồng.

Mỗi khoản đầu tư được liên kết với một quỹ cơ bản được Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai ủy quyền và được quản lý bởi một nhà quản lý đầu tư. Sản phẩm này có quyền lợi tử vong tối thiểu tương đương với ít nhất 100% tổng phí bảo hiểm sẽ được trả cho người thụ hưởng. Bất kỳ khoản rút tiền một phần nào sẽ có tác động ngay lập tức đến Quyền lợi Tử vong tối thiểu nếu thực hiện trong vòng 12 tháng trước ngày người được bảo hiểm qua đời.

Kế hoạch này cũng cung cấp cho chủ hợp đồng sự linh hoạt để tự do chuyển đổi lựa chọn đầu tư hoặc thay đổi mức độ bảo vệ giữa ba lựa chọn số tiền bảo hiểm vào hoặc trước 65 tuổi của người được bảo hiểm dựa trên nhu cầu bảo vệ ngày càng tăng của họ và hoàn cảnh trong các giai đoạn cuộc đời khác nhau.

Ông Daisy Tsang, Giám đốc Phân phối và Khách hàng tại HSBC Life Hong Kong cho biết: “Đối với hầu hết mọi người, không dễ dàng để đưa ra quyết định đầu tư trong môi trường thị trường phát triển nhanh như hiện nay. Sản phẩm này cho phép mọi người đa dạng hóa rủi ro bằng cách đầu tư vào một rổ các lựa chọn đầu tư với sự linh hoạt trong việc chuyển đổi các khoản đầu tư của họ một cách tự do dựa trên sự phát triển mới nhất của thị trường. Việc thanh toán phí bảo hiểm chênh lệch cũng giúp quản lý tốt hơn và giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những biến động của thị trường. Cùng với cơ chế giảm thiểu rủi ro, chúng tôi tin tưởng rằng Chương trình sẽ là một giải pháp được lựa chọn để đáp ứng nhu cầu bảo vệ cuộc sống và hưu trí”.

WTW bổ nhiệm Giám đốc Tư vấn Phân phối mới

(INA) – WTW đã bổ nhiệm ông Dominick Williams làm Giám đốc Tư vấn Phân phối cho mảng Tư vấn Bảo hiểm và Công nghệ (ICT) tại Châu Á Thái Bình Dương (APAC).

Williams được giao nhiệm vụ lãnh đạo việc phát triển và triển khai các đề xuất phân phối bảo hiểm của WTW. Các kênh này bao gồm tất cả các kênh và tích hợp kinh nghiệm ngành quan trọng với các giải pháp công nghệ và phần mềm của WTW.

Trong suốt 25 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm nhân thọ, Williams đã làm việc với một số công ty đa quốc gia. Trước WTW, ông là Giám đốc điều hành của Bảo hiểm Nhân thọ Fortune tại Campuchia, đây là công ty do ông gây dựng và phát triển để có số lượng đại lý lớn thứ ba cả nước trong vòng hai năm. Trước đó trong sự nghiệp của mình, ông cũng đã xây dựng hoạt động tư vấn tài chính thành công của riêng mình và giữ nhiều vai trò lãnh đạo cấp cao trong khu vực tại AIA và Prudential.

Williams sẽ làm việc tại trụ sở ở Singapore và báo cáo lên ông Sam Farrimond, Giám đốc khu vực về Tư vấn Khách hàng tại ICT.

Nepal khuyến khích thành lập bảo hiểm vi mô

(AIR) – Ủy ban Bảo hiểm (IB) Nepal, cơ quan giám sát lĩnh vực bảo hiểm, đã mở rộng cửa cho đơn xin cấp phép cho các công ty bảo hiểm vi mô.

Trang tin MyRepublica đưa tin, trong một thông báo công khai được đưa ra vào tuần trước, IB cho biết họ đang cấp giấy phép bảo hiểm vi mô cho bảy công ty. Trong số đó, ba công ty sẽ tham gia kinh doanh bảo hiểm nhân thọ còn bốn công ty còn lại sẽ là các công ty bảo hiểm vi mô phi nhân thọ.

Cơ quan quản lý quy định vốn góp tối thiểu của các công ty bảo hiểm vi mô là 750 triệu Rupee (5,8 triệu đô la).

Một số tập đoàn kinh doanh lớn, bao gồm Vishal Group, IME Group và Chaudhary Group, đã nộp đơn xin giấy phép bảo hiểm vi mô trước khi IB ban hành thông báo.

Bảo hiểm Muktinath, Bảo hiểm phi nhân thọ Mahalaxmi, Bảo hiểm phi nhân thọ Annapurna, Bảo hiểm Manakamana, Bảo hiểm phi nhân thọ Abhiyaan và Bảo hiểm phi nhân thọ Upakar đã nộp đơn xin giấy phép bảo hiểm phi nhân thọ. Tương tự, Bảo hiểm Nhân thọ Uni, Bảo hiểm Nhân thọ Tiêu chuẩn và Bảo hiểm Nhân thọ Upakar đang nộp hồ sơ xin cấp giấy phép bảo hiểm vi mô nhân thọ.

Trong khi đó, trong lĩnh vực bảo hiểm truyền thống, IB đã thúc giục các công ty bảo hiểm tăng vốn hoặc sáp nhập với những công ty khác với lý do rằng không có đủ hoạt động kinh doanh cho một số lượng lớn các công ty bảo hiểm.

Cơ quan quản lý đã đặt ra thời hạn đến giữa tháng 4 năm 2023 để các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng vốn góp tối thiểu lên 5 tỷ Rupee từ mức 2 tỷ Rupee hiện nay. Tương tự, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phải tăng vốn tối thiểu từ 1,5 tỷ Rupee lên 2,5 tỷ Rupee.

Hiện tại, một số công ty bảo hiểm đã ký thỏa thuận sáp nhập.

Great Eastern giới thiệu slogan mới

(IBM) – Công ty bảo hiểm hàng đầu khu vực Great Eastern đang kỷ niệm 114 năm thành lập với slogan thương hiệu mới. Công ty cho biết “Reach for Great” vừa là lời hứa vừa là mục đích thương hiệu mà công ty bảo hiểm là đối tác và người thực hiện các mục tiêu và nguyện vọng của khách hàng.

Việc đổi thương hiệu bắt nguồn từ nghiên cứu kéo dài hai năm và liên quan đến hơn 2.000 người tiêu dùng trên khắp Singapore, Malaysia và Indonesia, cho thấy một làn sóng lạc quan mới từ những người tiêu dùng đã xuất hiện từ đại dịch và coi trọng một đối tác bảo hiểm hiểu nhu cầu và mong muốn của họ cũng như cung cấp các giải pháp phù hợp.

Giám đốc điều hành bộ phận tiếp thị tập đoàn Colin Chan cho biết: “Đặt khách hàng làm trọng tâm của tất cả những gì chúng tôi làm tại Great Eastern là yếu tố không thể thiếu đối với thành công của chúng tôi trong 114 năm qua. Vào năm 2020… chúng tôi bắt đầu nghiên cứu sâu rộng trên các thị trường trọng điểm của mình để hiểu rõ hơn về kỳ vọng của người tiêu dùng đối với đối tác bảo hiểm… Các phát hiện từ nghiên cứu của chúng tôi hướng tới việc hỗ trợ các mục tiêu, với việc người tiêu dùng bày tỏ mong muốn chúng tôi giúp họ theo đuổi các mục tiêu tài chính và nguyện vọng của họ. Ý thức cao độ này về nhu cầu tài chính lành mạnh càng được đẩy mạnh khi đất nước đã chuyển từ dịch bệnh COVID-19 sang điều kiện bình thường mới”.

Để thông báo về sự kiện này, Great Eastern đã phát triển một bộ nhận diện hình ảnh mới. Với sự kết hợp với logo đầu tiên của hãng từ những năm 1900, hình ảnh mới mang một biểu tượng di sản, phản ánh vị thế của công ty bảo hiểm như một thương hiệu đáng tin cậy trong khu vực. Một chiến dịch và phim thương hiệu cũng sẽ giới thiệu hồ sơ người tiêu dùng đích thực trên khắp Singapore, Malaysia và Indonesia đang vươn tới những hình thức “tuyệt vời” của riêng họ, nắm bắt được nhiều mục tiêu của người tiêu dùng và cho thấy Great Eastern có thể hỗ trợ tốt như thế nào.

Chiến dịch thương hiệu sẽ được phát sóng cùng với một loạt các sáng kiến sản phẩm, phần thưởng và chương trình khuyến mãi, được triển khai từ tháng 9 trở đi.

Hành trình gian nan để chuyển đổi kế toán theo IFRS 17

(INN) – S&P Global Ratings cho biết những thay đổi sẽ định hình lại kế toán bảo hiểm từ tháng 01/2023 trở đi sẽ chứng tỏ giá trị sau một chặng đường gian nan của ngành trong việc chuẩn bị cho các tiêu chuẩn mới.

Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) 17 do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành năm 2017 được mô tả là một trong những thay đổi quan trọng nhất đối với kế toán bảo hiểm trong hơn 20 năm. Ban đầu IFRS dự định có hiệu lực vào năm 2021.

S&P cho biết: “Việc chuẩn bị cho tiêu chuẩn mới đôi khi rất khó khăn, nhưng S&P Global Ratings dự đoán rằng việc cải thiện tính minh bạch sẽ rất xứng đáng”.

“Đặc biệt, IFRS 17 sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc xác định và so sánh cách các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm trong việc tạo ra lợi nhuận và xử lý rủi ro”.

Bản thân sự thay đổi kế toán không có khả năng kích hoạt các hành động xếp hạng, đó là nhận định của S&P trong báo cáo trả lời một số câu hỏi thường gặp gần đây về những thay đổi này.

“Điều đó nói lên rằng, nếu các công ty bảo hiểm thay đổi khẩu vị rủi ro hoặc chiến lược vốn hóa sau khi áp dụng IFRS 17, thì những tác động bậc hai này có thể dẫn đến các hành động xếp hạng”.

Các câu hỏi được giải đáp trong báo cáo bao gồm cách S&P sẽ xử lý việc điều chỉnh rủi ro và lợi nhuận dự kiến chưa được hưởng của HĐBH (contractual service margin – CSM) trong mô hình vốn của mình và cách xử lý phần lãi chưa thực hiện trên các khoản đầu tư của công ty bảo hiểm ghi vào CSM.

Ukraine: cơ sở bảo hiểm của Lloyd’s cung cấp hợp đồng bảo hiểm ngũ cốc đầu tiên

(INN) – Một cơ sở Hàng hải và Chiến tranh của Lloyd’s mới được thành lập để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các chuyến hàng ngũ cốc và các nguồn cung cấp thực phẩm khác từ các cảng của Ukraine đã thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của mình.

Công ty môi giới Marsh và công ty bảo hiểm-tái bảo hiểm chuyên biệt Ascot Group cho biết, cơ sở này đã được mở rộng cho khách hàng của các nhà môi giới đã đăng ký của Lloyd’s nhằm cung cấp hỗ trợ thêm cho các nỗ lực nhân đạo và giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng và an ninh lương thực.

Cơ sở cung cấp bảo hiểm tới 50 triệu đô la Mỹ cho mọi rủi ro hàng hải và bảo hiểm chiến tranh, đã được đưa vào hoạt động sau khi các hành lang an toàn được thiết lập theo Hiệp ước Biển Đen do Nga và Ukraine ký vào tháng trước.

Ông David Roe, Trưởng bộ phận vận chuyển hàng hóa của Marsh Vương quốc Anh, cho biết: “Bảo hiểm hàng hóa và chiến tranh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc nối lại rộng rãi hơn các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm quan trọng khác từ các cảng Biển Đen của Ukraine”.

“Bằng cách cung cấp cơ sở vật chất cho khách hàng của các công ty môi giới đã đăng ký với Lloyd’s Luân đôn, chúng tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể làm việc cùng nhau để hỗ trợ các nỗ lực quốc tế và giúp đảm bảo ngũ cốc Ukraine đến tay những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.

AM Best: vốn tái bảo hiểm truyền thống giảm

(INN) – AM Best cho biết vốn tái bảo hiểm truyền thống có thể giảm khoảng 8% trong năm nay phản ánh thị trường đầu tư suy thoái, bất ổn địa chính trị tiếp tục và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có khả năng sụt giảm.

Công ty xếp hạng ước tính vốn chuyên dụng vào cuối năm có thể giảm xuống còn 435 tỷ đô la Mỹ từ mức 475 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, khi vốn chủ sở hữu của cổ đông tăng được thúc đẩy bởi lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm được cải thiện và thị trường cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ.

Triển vọng của năm nay vẫn cao hơn mức 429 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020.

Tổng vốn tái bảo hiểm có thể giảm từ 561 tỷ đô la Mỹ xuống còn 858 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả ước tính của Guy Carpenter cho vốn của bên thứ ba sẽ tương đối ổn định ở mức 95 tỷ đô la Mỹ.

Số liệu của AM Best có tính đến việc phân bổ phân loại doanh nghiệp, trong đó phần lớn các doanh nghiệp tham gia thị trường tái bảo hiểm hiện có hoạt động bảo hiểm chính cũng như khả năng vốn của bên thứ ba.

Các điều kiện thị trường cho tái bảo hiểm đối với cả nghiệp vụ tài sản và thiệt hại, ngoại trừ bồi thường cho người lao động, tiếp tục được cải thiện, dẫn đến việc tăng tỷ lệ phí và các điều khoản và điều kiện thuận lợi hơn.

“Tuy nhiên, sự biến động của thị trường vốn đã khiến lợi nhuận đầu tư giảm đáng kể so với những năm trước, do giá cổ phiếu giảm và lãi suất chiết khấu của ngân hàng trung ương tăng đã dẫn đến hầu hết các khoản góp vốn không thuận lợi từ danh mục đầu tư của các nhà tái bảo hiểm”, báo cáo cho biết.

Các nền kinh tế toàn cầu đã phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát cao trong lịch sử, bao gồm cả việc tăng lương thực và năng lượng, dẫn đến giảm GDP.

Báo cáo cho biết, bất chấp các điều kiện thị trường tái bảo hiểm đang ngày càng khó khăn, các yêu cầu về vốn điều chỉnh theo rủi ro đã tăng lên, một phần là do sự gia tăng vốn cần thiết để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đã trải qua thảm họa tài sản nghiêm trọng, lạm phát hàng hóa và lạm phát xã hội.

BTV (Tổng hợp).