TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 25

Prudential và Bangkok Dusit Medical Services hợp tác cung cấp dịch vụ điều trị ung thư vú; MB Ageas Life, Prudential hoàn thiện hoạt động sau thanh tra; “Lành mạnh hóa” bancassurance

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 25

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Manulife chi trả 3,6 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng ở Nghệ An

(Dân trí) – Ngày 4/7, tại trụ sở Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nghệ An, 3,6 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm đã được Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam trao đến đại diện gia đình một khách hàng ở TP. Vinh.

Trước đó, với mục tiêu trang bị một giải pháp bảo vệ tài chính trong các tình huống rủi ro, khách hàng T.C.T đã tham gia sản phẩm bảo hiểm “Điểm tựa thịnh vượng” của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua Ngân hàng Vietinbank.

Ngay sau khi nhận được thông tin khách hàng T.C.T không may qua đời, đội ngũ Manulife Việt Nam đã thăm hỏi, động viên, đồng thời nhanh chóng giúp gia đình thực hiện hồ sơ yêu cầu quyền lợi bảo hiểm. Sau khi tiến hành các thủ tục kiểm tra, xác minh cần thiết, công ty này đã tiến hành chi trả cho đại diện gia đình khách hàng quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông T.H.I., đại diện gia đình, đồng thời là bố ruột khách hàng, đã bày tỏ sự biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ tư vấn viên và Manulife Việt Nam.

Ông I. cho biết gia đình rất đau buồn trước sự ra đi đột ngột của con trai và không khỏi lo lắng bởi con trai ông không chỉ là trụ cột chính của gia đình mà còn chăm lo cho hai con nhỏ đang trong độ tuổi đến trường. Số tiền nhận được từ khoản chi trả của bảo hiểm nhân thọ là sự hỗ trợ tài chính cần thiết giúp cho hai cháu có thể tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông và vào đại học.

Từ đầu năm đến nay, Manulife Việt Nam cho hay đã không ngừng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng thông qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm. Mới đây nhất, công ty này cũng vừa trao tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho một khách hàng ở Hải Dương và một khách hàng ở Nam Định.

Trong năm 2022, Manulife Việt Nam đã chi trả gần 7.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, thể hiện cam kết đem đến cho người dân Việt sự hỗ trợ thiết thực trong thời điểm cần nhất.

  1. Một vòng doanh nghiệp

MB Ageas Life: Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em

(ĐTCK) – Sản phẩm Sống Trọn Ước mơ của MB Ageas Life đã được vinh danh trong chương trình ‘Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em’ năm 2023.

Đây là chương trình thường niên do Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân Sinh tổ chức lần thứ 8 nhằm tôn vinh những sản phẩm, dịch vụ giúp cải tiến chất lượng sống của người tiêu dùng.

Không chỉ giúp khách hàng được an tâm bảo vệ, sản phẩm Sống Trọn Ước Mơ còn cung cấp nhiều quyền lợi đầu tư hấp dẫn cho khách hàng.

Vừa mới ra mắt vào cuối năm 2022, được thiết kế kết hợp giữa bảo vệ và đầu tư trong cùng một sản phẩm, có thời gian đóng phí linh hoạt trong 5 năm – Bảo vệ lên tới 100 tuổi, dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung này đã trở thành một trong những dòng sản phẩm dành cho gia đình được ưa thích nhất của MB Ageas Life.

Đây là sản phẩm được kết hợp giữa bảo hiểm và đầu tư an toàn với lãi suất cam kết, được bảo vệ trong thời gian dài lên tới 100 tuổi cùng mức đóng phí rất linh hoạt. Ngoài ra, khách hàng được miễn toàn bộ phí quản lý Hợp đồng trong năm đầu tiên. Đồng thời, khách hàng được nhận thưởng duy trì Hợp đồng định kỳ và nhận thưởng duy trì Hợp đồng đặc biệt.

“Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em” không chỉ tạo cơ hội để các gia đình – những người đang sử dụng sản phẩm, dịch vụ trực tiếp thực hiện việc đánh giá sản phẩm mà còn giúp những khách hàng đang cân nhắc tham gia bảo hiểm có thêm thông tin để lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt.

Lễ vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ đoạt giải được tổ chức vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023 tại Hà Nội.

Được thành lập từ năm 2016, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life là sự hợp tác giữa 3 doanh nghiệp đến từ MB Bank (Việt Nam), Tập đoàn Ageas (Bỉ) và Muangthai (Thái Lan). Ngay từ khi bắt đầu, MB Ageas Life đã đặt mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu được tin yêu nhất. Đến nay, MB Ageas Life đã đồng hành cùng hơn 2 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Với tốc độ tăng trưởng liên tục qua các năm, liên doanh bảo hiểm MB Ageas Life đang là “tấm lá chắn” bảo vệ tài chính và sức khỏe cho hàng trăm nghìn khách hàng. Trong các năm qua, MB Ageas Life đã chi trả hàng chục tỉ đồng quyền lợi bảo hiểm, giúp cho các gia đình không may gặp rủi ro có một nguồn tài chính sớm ổn định cuộc sống.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, MB Ageas Life đã chi trả quyền lợi cho hơn 40.000 khách hàng, đặc biệt, rất nhiều khách hàng mới đóng phí năm đầu tiên nhưng đã nhận được quyền lợi chi trả từ MB Ageas Life.

Danh hiệu Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em một lần nữa khẳng định tiềm lực tài chính vững mạnh, tăng trưởng kinh doanh bền vững, chiến lược xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực đã nâng cao mức độ tín nhiệm của khách hàng, người dân dành cho MB Ageas Life.

MB Ageas Life cải tiến, hoàn thiện hoạt động quản lý, kinh doanh sau thanh tra của Bộ Tài chính

(TBTCO) – Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã ban hành kết quả hoạt động thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, trong đó có MB Ageas Life.

Đợt thanh tra chuyên đề tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 của Bộ Tài chính. Theo đó, đối với MB Ageas Life, kỳ thanh tra tập trung vào các hoạt động trong năm tài chính 2021, có xem xét thêm các kỳ liên quan.

Theo thông tin phát đi từ MB Ageas Life, kết quả thanh tra ghi nhận, công ty đã ban hành đầy đủ các văn bản, quy định liên quan đến giải quyết khiếu nại khách hàng, hoạt động tuyển dụng, đào tạo, cấp quyền bán, giám sát chất lượng đại lý và các quy định xử lý kỷ luật đại lý bảo hiểm có vi phạm. Một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu đánh giá chất lượng hoạt động của cấp quản lý đại lý đã được công ty chủ động nhận diện và hoàn thiện bằng việc ban hành các quy định mới vào cuối năm 2021.

Ngoài việc ban hành các quy định nội bộ, công ty còn thực hiện các biện pháp trực tiếp, gián tiếp khác để đảm bảo chất lượng hoạt động của lực lượng đại lý bảo hiểm, trong đó có lực lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Về các khiếu nại, phàn nàn của khách hàng qua hotline và các kênh tiếp nhận thông tin khác đều được công ty ghi nhận đầy đủ vào hệ thống phần mềm và được theo dõi, xử lý tập trung tại phòng dịch vụ khách hàng. Việc giải quyết khiếu nại đảm bảo thời gian, trình tự và thủ tục theo đúng quy định nên không phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Song song với đó, nhằm đảm bảo công tác quản lý chất lượng tư vấn bảo hiểm và dịch vụ chăm sóc khách hàng, MB Ageas Life đã thực hiện hơn 50.000 cuộc gọi chào mừng (welcome call) trong năm 2021 và hơn 85.000 cuộc gọi trong năm 2022. Công ty cũng chú trọng hơn đến việc thẩm định hợp đồng bảo hiểm đầu vào, đảm bảo khách hàng tham gia bảo hiểm đúng nhu cầu và khả năng tài chính.

Đồng thời, MB Ageas Life liên tục tổ chức các khoá đào tạo về nghiệp vụ, tuân thủ cũng như kỹ năng bán hàng cho các đại lý, nhân viên bán hàng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự chuyên nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng.

Không chỉ có vậy, hàng năm MB Ageas Life đều thuê bên thứ ba tiến hành khảo sát chất lượng tư vấn sản phẩm bảo hiểm của lực lượng đại lý bán bảo hiểm qua ngân hàng thông qua triển khai dịch vụ mua hàng ẩn danh để có cơ sở chấn chỉnh, đào tạo bổ sung, nâng cao chất lượng tư vấn và phục vụ khách hàng cho lực lượng đại lý.

Riêng năm 2021, công ty đã tiến hành thành công 649 hoạt động mua hàng ẩn danh để đánh giá chất lượng tư vấn của lực lượng đại lý tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh bancassurance.

Đặc biệt, tất cả các trường hợp vi phạm của đại lý cá nhân ghi nhận trong kết luận thanh tra đều là vi phạm quy định nội bộ của công ty và do công ty chủ động phát hiện và được xử lý dứt điểm, trước khi có kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.

MB Ageas Life nhận thức rõ hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ hội phát hiện các tồn tại mà tự thân doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận diện được đầy đủ, làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và củng cố cho hệ thống điều hành và quản trị doanh nghiệp. Việc phát hiện các tồn tại đã giúp MB Ageas Life cải tiến, hoàn thiện các hoạt động quản lý, kinh doanh, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, phù hợp với các thay đổi của pháp luật kể từ năm 2022 khi Luật Kinh doanh bảo hiểm mới và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành.

MB Ageas Life khẳng định luôn theo đuổi tôn chỉ và nguyên tắc hoạt động là thượng tôn pháp luật, minh bạch, trung thực, tôn trọng khách hàng của mình.

Công ty cung cấp những thông tin nêu trên với mong muốn có được sự đánh giá khách quan, trung thực về vụ việc, góp phần củng cố niềm tin của khách hàng tham gia bảo hiểm và chung tay xây dựng thị trường bảo hiểm minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Prudential cam kết tăng cường các biện pháp quản lý, đảm bảo tuân thủ cao nhất quy định pháp luật

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) vừa chính thức thông tin về việc thực hiện các nội dung theo kết luận thanh tra số 812/KL-BTC do Bộ Tài chính thực hiện vào quý IV/2022, cho năm tài khóa 2021 và các kỳ liên quan theo yêu cầu.

Việc thực hiện thanh tra này là hoạt động thanh tra chuyên đề thuộc kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật thanh tra và pháp luật kinh doanh bảo hiểm.

Theo lãnh đạo Prudential, hoạt động thanh tra do Bộ Tài chính thực hiện giúp Prudential tích cực tìm ra các giải pháp để cải thiện và củng cố các hoạt động kiểm soát chất lượng bán hàng, cũng như hiểu rõ kỳ vọng của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong hoạt động triển khai sản phẩm và bán hàng.

Prudential đề cao việc tuân thủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để ngành bảo hiểm ngày càng phát triển tốt hơn, xứng đáng với kỳ vọng và mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 mà Bộ Tài chính đã đề ra.

Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cho biết: “Bên cạnh các hoạt động kiểm soát nội bộ theo yêu cầu của tập đoàn, hoạt động thanh tra chuyên đề từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng tốt hơn, hiệu quả hơn và giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Hoạt động thanh tra này đã giúp Prudential tích cực tìm ra các giải pháp để cải thiện và củng cố các hoạt động kiểm soát chất lượng bán hàng, cũng như hiểu rõ kỳ vọng của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong hoạt động triển khai sản phẩm và bán hàng”.

Theo ông Minh, đối với những vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng đại lý được đề cập trong kết luận thanh tra, Prudential đã chủ động phối hợp với các đối tác để thường xuyên giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp nội bộ kiểm soát chất lượng. Tất cả những trường hợp đại lý vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra lần này cũng đã được Prudential xử lý theo quy định nội bộ của công ty.

Ông Minh nhấn mạnh những vấn đề được nêu trong kết luận thanh tra chính là cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện quy trình nội bộ để đảm bảo tuân thủ cao nhất quy định pháp luật.

Prudential cam kết tập trung vào chất lượng dịch vụ, phát triển lành mạnh và bền vững mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng

Để đảm bảo công tác quản lý chất lượng tư vấn bảo hiểm và dịch vụ chăm sóc khách hàng, Prudential đã triển khai hàng loạt các hoạt động đồng bộ trong quá trình hoạt động kinh doanh, cụ thể: Năm 2021, nhằm đánh giá chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm đối với khách hàng mới, Prudential đã thực hiện hơn 76.000 cuộc gọi chào mừng (welcome call), liên hệ trực tiếp qua điện thoại tới khách hàng trong thời gian cân nhắc 21 ngày.

Cũng trong năm 2021, Prudential đã thực hiện hơn 400 cuộc đánh giá dưới hình thức “mua hàng ẩn danh” (mystery shopping) để kiểm tra chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng. Số lượng cuộc “mua hàng ẩn danh” tăng hơn 70% với gần 700 cuộc trong năm 2022; liên tục tổ chức các khóa đào tạo nhận thức tuân thủ và dịch vụ khách hàng cho đội ngũ bán hàng.

Trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, Prudential đã phối hợp cùng các ngân hàng đối tác thực hiện 100% cuộc gọi kiểm tra chất lượng bán hàng, nhằm đảm bảo khách hàng được tư vấn đúng – đủ, khách hàng hiểu rõ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, Prudential cũng đã chú trọng hơn đến việc thẩm định hợp đồng bảo hiểm đầu vào, đảm bảo khách hàng tham gia bảo hiểm đúng nhu cầu và khả năng tài chính.

Gần đây nhất, Prudential và đối tác ngân hàng VIB đã cam kết gia hạn hợp đồng hợp tác tới năm 2036, theo đó thỏa thuận chất lượng tư vấn bán hàng và phục vụ khách hàng là trọng tâm, bằng việc thành lập Ủy ban Quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng. Thỏa thuận này nhấn mạnh đến việc chỉ bán sản phẩm bảo hiểm phù hợp với các nhóm khách hàng phù hợp thông qua việc phân bổ tỷ trọng danh mục sản phẩm và đối tượng khách hàng. Trong thỏa thuận lần này giữa Prudential và VIB, lần đầu tiên tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu được quy định cụ thể.

Kết luận thanh tra có đề cập một số vấn đề còn tồn tại trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm và yêu cầu doanh nghiệp tiến hành rà soát cũng như tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn, gồm: công tác triển khai sản phẩm bảo hiểm; quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm của đại lý bảo hiểm và cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm tổ chức hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm; thực hiện tăng cường công tác quản lý tài chính về chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm.

“Prudential đề cao việc tuân thủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để ngành bảo hiểm ngày càng phát triển tốt hơn, xứng đáng với kỳ vọng và mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030 mà Bộ Tài chính đã đề ra. Là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có bề dày hoạt động lâu năm tại nhiều quốc gia và có tập khách hàng lớn nhất Việt Nam với hơn 7 triệu khách hàng trong suốt 24 năm qua, chúng tôi có trách nhiệm phải lắng nghe và cải tiến quy trình, đảm bảo sự hài lòng, từ đó củng cố niềm tin của khách hàng đối với ngành” – ông Phương Tiến Minh chia sẻ.

Sun Life Việt Nam tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật FUSE – Đan dòng sáng

(TBTCO) – Tại the Ants Studio, Vũ Tông Phan, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, Sun Life Việt Nam vừa tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật FUSE – Đan dòng sáng chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam – Canada; đồng thời là một trong những chuỗi hoạt động hướng tới 10 năm Sun Life hoạt động tại Việt Nam. Sự kiện là nơi bùng nổ các nguồn năng lượng khi khi các nghệ sĩ từ hai nền văn hóa Canada và Việt Nam cùng nhau hội tụ và đan kết những dòng ánh sáng, tạo nên vẻ đẹp muôn màu cuộc sống.

Văn hóa và nghệ thuật là một trong những nền tảng mà Sun Life Việt Nam đã và đang hướng tới trong các hoạt động để mang đến những khoảnh khắc tươi sáng hơn cho khách hàng và cộng đồng. Từ những hoạt động đồng hành với các tài năng như: hài độc thoại, thơ, văn học, vũ đạo, kịch,…. cho đến nhiều triển lãm nghệ thuật, trình diễn khác như: Mỹ thuật Y, LIT – Bật sáng, Dưới ánh mặt trời…. đều mong muốn mang đến những trải nghiệm mới, với sự kết hợp đa thể loại, để người thưởng lãm tự khám phá và phát hiện những vẻ đẹp và tận hưởng từng phút giây của cuộc sống.

Với FUSE – Đan dòng sáng là chuỗi sự kiện nghệ thuật, Sun Life Việt Nam phối hợp với các đối tác và nghệ sỹ thực hiện với các chủ đề: Đan dòng sáng – Gặp gỡ, kết nối, phát triển; Dòng sáng đan trên không trung; Đan dòng âm thanh và hình thể…

Đan dòng sáng – gặp gỡ, kết nối, phát triển: Dòng sáng nuôi lớn tâm hồn, dưỡng đam mê, tình yêu cùng hoài bão. Ở Canada hay Việt Nam, tuy khác biệt, nhưng nghệ thuật sẽ là cầu nối cho những giá trị đan vào nhau. Hai nền văn hóa, bắt đầu từ những cá thể có sự đồng điệu gặp nhau, đan xen và giao hòa với nhau, cuộc hành trình tươi sáng mới khởi đầu.

Với chủ đề Dòng sáng đan trên không trung, nhà tổ chức giới thiệu hai gương mặt nghệ sĩ Julien Desforges đến từ Canada và Hiển Phước từ Việt Nam, điểm giao nhau của họ là tinh thần quả cảm, vượt qua giới hạn của bản thân để chinh phục một bộ môn nghệ thuật đầy tính mạo hiểm trên không trung. Người xem sẽ hòa mình cùng hai nghệ sĩ để tận hưởng những khoảnh khắc hay cảm giác bồng bềnh trên không trung đan kết với sự cân bằng hoàn hảo của họ tại sự kiện…

Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam, cho biết: “FUSE – Đan dòng sáng là chuỗi sự kiện nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Canada, cùng với đó là 10 năm Sun Life hiện diện tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, sự kiện sẽ góp phần tô đậm vẻ đẹp và những giá trị thẩm mỹ của hai nền văn hoá có tính đan kết bền chặt để cùng nhau hướng đến cuộc sống tươi sáng hơn”.

Chuỗi sự kiện, nhà tổ chức cũng thực hiện các hoạt động workshops – talkshows nghệ thuật, trình diễn vũ đạo và hòa tấu âm nhạc của các nghệ sĩ tài năng đến từ 2 nước.

Được biết, Sun Life Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Sun Life – tổ chức dịch vụ tài chính quốc tế hàng đầu, với kinh nghiệm hoạt động gần 160 năm có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với chiến lược khách hàng trọn đời, Sun Life hoạt động với mục đích giúp khách hàng đạt được an toàn tài chính trọn đời và tận hưởng cuộc sống khoẻ mạnh hơn.

Sun Life Việt Nam hiện có vốn điều lệ 16.480 tỷ đồng; hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm, đầu tư vốn, các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm

(ĐTCK) – Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng của 4 công ty này còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Chiều 30/6, Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Kết quả thanh tra của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số hành vi vi phạm điển hình được cơ quan thanh tra chỉ ra bao gồm:

Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin: Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

“Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường”, Bộ Tài chính khẳng định.

Bên cạnh đó, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 04 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp như sau:

Một là, Tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hai là, Khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.

Ba là, Bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm.

Bốn là, Có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Theo đó các đại lý phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Năm là, Rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phí phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định pháp luật.

Sáu là, Tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, đảm bảo các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng có sự tăng trưởng nhanh, tuy nhiên đã xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng.

Trong năm 2022, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm tiến hành thanh tra hoạt động này tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, “sai đến đâu xử nghiêm tới đó”, các đoàn thanh tra đã triển khai công tác thanh tra nghiêm túc, khách quan và trung thực.

Định hướng trong năm 2023, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các hợp đồng chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife đều minh bạch

(TBTCO) – Lãnh đạo Cục C03 Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên chỉ thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.

Sáng 30/6, tại họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – C03, Bộ Công an thông tin về diễn biến điều tra vụ hàng trăm người dân gửi đơn tố cáo Công ty bảo hiểm Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) “hô biến” tiền gửi tiết kiệm của khách thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, lãnh đạo Cục C03 cho biết, quá trình điều tra vụ án trên, cơ quan chức năng tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của nhà đầu tư.

Đối với tố cáo “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo Thiếu tướng Thành, khi tiếp nhận tố cáo và nghiên cứu, Cục C03 nhận thấy các hợp đồng chuyển từ sổ tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife đều rất minh bạch. Trong các hợp đồng, Thiếu tướng Thành cho biết đều có chữ ký của nhà đầu tư.

Trước vấn đề này, Cục C03 đặt ra nhiều vấn đề để xác minh, như: Có hay không việc lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên ngân hàng tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm?; Có hay không việc nhân viên ngân hàng sử dụng “nghiệp vụ” để khiến người dân chuyển hợp đồng?…

Theo Tướng Thành, Cục C03 thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác minh vụ việc.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên chỉ thấy lãi suất cao mà ký hợp đồng, trong khi chưa hiểu rõ những ràng buộc đằng sau.

Trục lợi bảo hiểm gia tăng, quyền lợi của khách hàng chân chính đang bị xâm hại

(ĐTCK) – Việc trục lợi bảo hiểm xảy ra liên tục tại một số tỉnh thành buộc các công ty bảo hiểm phải rà soát kỹ hơn các hợp đồng, khiến thời gian thẩm định và bồi thường kéo dài hơn tại những khu vực có nhiều hồ sơ nghi vấn. Quan trọng hơn, khi thực hiện hành vi trục lợi thành công thì người bị xâm hại quyền lợi là các khách hàng bảo hiểm chân chính khác, bởi quỹ bảo hiểm hoạt động theo nguyên tắc huy động của số đông bù cho số ít không may.

Nâng tỷ lệ thương tật, dùng hóa đơn khám chữa bệnh giả, làm “khống” y lệnh

Sau những cảnh báo liên tục từ cơ quan Bảo hiểm xã hội tại hai thành phố lớn là Hà nội và Hồ Chí Minh về tình trạng làm hồ sơ y tế trục lợi bảo hiểm sức khỏe, mới đây một số công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ cũng liên tục lên tiếng về tình trạng này. Theo báo cáo của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top 10 trên thị trường, doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt với tình trạng trục lợi bảo hiểm đặc biệt nở rộ tại một số khu vực ở miền Bắc và miền Trung.

Hình thức phổ biến là nâng tỷ lệ thương tật, dùng hóa đơn khám chữa bệnh giả, làm “khống” y lệnh khám chữa bệnh hoặc làm sai lệch hồ sơ điều trị để kéo dài thời gian nằm viện, hưởng mức bồi thường cao hơn đáng kể so với quyền lợi theo hợp đồng… và hầu hết trường hợp vi phạm đều có sự tham gia của nhân viên y tế địa phương.

Đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, thời gian qua, công ty liên tục nhận được hồ sơ yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho trường hợp thương tật bỏng do tai nạn tại tỉnh Thái Nguyên. Các trường hợp có đặc điểm chung là thông tin về tai nạn thể hiện bệnh nhân bị nước sôi đổ vào đùi, cẳng và bàn chân. Nhiều trường hợp đại lý bảo hiểm cũng chính là người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm có yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm thương tật bỏng do tai nạn.

Điển hình là trường hợp 01 đại lý bảo hiểm có yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm thương tật bỏng do tai nạn 02 lần, đồng thời 04 người thân (anh ruột, anh chồng, em rể, chị dâu) cũng nộp hồ sơ yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm thương tật bỏng với nguyên nhân bỏng do đổ cháo sôi và/hoặc nước sôi.

Một trường hợp khác, công ty bảo hiểm ghi nhận đến 542 hồ sơ yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm trong giai đoạn 2021 – 2023, liên quan đến nằm viện điều trị viêm phổi, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, ngộ độc thức ăn, dị ứng… tại một Trung tâm y tế huyện thuộc tỉnh Phú Thọ. Riêng 5 tháng đầu năm nay có đến 102 trường hợp tại khu vực này yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm. Hầu hết trường hợp có mật độ thăm khám và số ngày nằm viện điều trị cao bất thường.

Có trường hợp nằm viện điều trị 11 lần trong vòng chưa đầy 2 năm và mỗi lần nằm viện đều không dưới 10 ngày. Công ty cũng đặt nghi vấn về trường hợp một khách hàng đồng thời là đại lý bảo hiểm tham gia 05 hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và chồng, con đã 22 lần yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm. Đặc biệt, trong cùng ngày 24/11/2022, khách hàng cùng chồng và 2 con nhập viện điều trị tại Trung tâm y tế huyện và 3 người trong gia đình cùng được chẩn đoán “Viêm phổi do tác nhân không xác định”…

Theo đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bên cạnh quyền lợi tử vong, các doanh nghiệp gần đây có xu hướng mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm như nằm viện, thương tật mức độ nhẹ, bệnh nan y… để đáp ứng nhu cầu phòng vệ ngày càng gia tăng của khách hàng, hướng đến giá trị bảo vệ toàn diện nhất. Tuy nhiên, đây là kẽ hở cho một số đối tượng để thực hiện các hành vi gian lận.

Bảo hiểm bổ trợ sức khỏe chiếm đa số vụ trục lợi bảo hiểm toàn thị trường

Về số lượng các vụ trục lợi, hiện tại không có thống kê chính thức nào để xác định con số cụ thể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong các cuộc họp chuyên môn của Hiệp hội, các DNBH phản ánh ngày càng nhiều các vụ việc có dấu hiệu hoặc rõ ràng là có hành vi trục lợi. Đặc biệt, trong 3 năm covid vừa rồi, người dân có ý thức hơn về việc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, số lượng người tham gia bảo hiểm tăng lên, số lượng người yêu cầu chi trả quyền lợi cũng tăng và trong số đó cũng phát sinh nhiều hành vi trục lợi bảo hiểm.

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan tư pháp, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, từ năm 2007 đến năm 2013, số vụ khiếu nại trục lợi chiếm từ 6-28% tổng số vụ khiếu nại tùy thuộc từng doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung tại các doanh nghiệp đứng đầu thị trường, trong đó, bảo hiểm bổ trợ sức khỏe chiếm 93% số vụ trục lợi toàn thị trường…

Một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm từng cảnh báo, khi thực hiện hành vi trục lợi thành công thì người bị xâm hại quyền lợi là các khách hàng bảo hiểm chân chính khác, bởi quỹ bảo hiểm hoạt động theo nguyên tắc huy động của số đông bù cho số ít không may. Công ty bảo hiểm chỉ là đơn vị quản lý quỹ bảo hiểm đó thay cho khách hàng mà thôi.

Thực tế, bảo hiểm nhân thọ là sự hỗ trợ tài chính thiết thực trong giai đoạn khó khăn và các công ty bảo hiểm luôn nỗ lực xúc tiến quy trình giải quyết và chi trả quyền lợi nhanh nhất. Tuy nhiên, quy trình nói trên đang bị ảnh hưởng bởi xuất hiện ngày càng nhiều hồ sơ nghi vấn thiếu minh bạch tại một số địa phương.

“Không chỉ khiến thời gian thẩm định và bồi thường kéo dài hơn tại những khu vực có nhiều hồ sơ nghi vấn, hành vi trục lợi vô hình trung làm các khách hàng trung thực bị thiệt thòi về quyền lợi khi mà phí bảo hiểm họ nộp phải dùng để chi trả cho khoản tiền bồi thường cho hành vi gian lận của những cá nhân tham gia bảo hiểm khác”, Phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ.

Khi nhận thấy có các dấu hiệu gian lận hồ sơ y tế khám chữa bệnh để yêu cầu chi trả bồi thường các hãng bảo hiểm sẽ lập tức tiến hành xác minh với những hồ sơ có dấu hiệu về gian lận bảo hiểm. Song vì mức độ gian lận ngày càng tinh vi, một mình doanh nghiệp khó có thể xử lý triệt để tình trạng này vì vậy doanh nghiệp cũng mong các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ trong công tác ngăn ngừa gian lận bảo hiểm, cũng như hỗ trợ kiến nghị đến Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương để làm rõ có hay không có tình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế với tất cả các trường hợp điều trị tại một số cơ sở y tế có dấu hiệu gian lận hồ sơ trong thời gian qua, theo đó có các biện pháp xử lý với các cá nhân có hành vi phạm (nếu có)…

Để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi của những khách hàng chân chính, Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng bên cạnh chế tài đủ sức răn đe thì cũng cần các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức khách hàng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt là nghĩa vụ kê khai trung thực cũng như hậu quả khi tham gia các hành vi gian lận.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nhiều lần kiến nghị và mong muốn cơ quan bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức cung cấp dịch vụ công có thu phí (cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu dịch vụ giám định bảo hiểm…). Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật, cần có quy định luật pháp với chế tài mạnh mẽ hơn…

  1. Nhịp đập thị trường

“Lành mạnh hóa” bancassurance

(ĐTCK) – Trong bối cảnh còn chưa hết rối ren, một số doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đang có những bước đi cụ thể nhằm “lành mạnh hóa” kênh bancassurance.

Những thay đổi có tính bước ngoặt

Trong thỏa thuận nâng thời hạn hợp tác chiến lược từ 15 năm lên 20 năm, tức kéo dài đến năm 2036, Prudential Việt Nam và VIB cho biết đã thiết lập chuẩn mực bancassurance mới với 3 nội dung lần đầu tiên được đưa ra giữa 2 đối tác bảo hiểm và ngân hàng tại Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất, xác lập hạn mức “tỷ lệ duy trì hợp đồng” tối thiểu và tăng dần đến tỷ lệ lý tưởng nhằm nâng cao chất lượng tư vấn bán hàng và phục vụ hợp đồng. Thứ hai, thành lập “Ủy ban Quản lý chuẩn mực ứng xử khách hàng” giữa hai đối tác, đưa ra những tiêu chí và chế tài để quản lý, giám sát các vấn đề liên quan đến tư vấn bán hàng, chăm sóc khách hàng, đồng thời thực hiện cuộc gọi giám sát chất lượng, xác thực thông tin nhu cầu khách hàng. Thứ ba, thỏa thuận chỉ bán sản phẩm bảo hiểm phù hợp cho các nhóm khách hàng phù hợp thông qua việc phân bổ tỷ trọng danh mục sản phẩm và đối tượng khách hàng.

“Lãnh đạo 2 bên đều tin tưởng rằng, sự thay đổi mang tính bước ngoặt này sẽ củng cố niềm tin của khách hàng, góp phần lành mạnh hóa mảng kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam”, đại diện Prudential Việt Nam cho hay.

Không chỉ Prudential và VIB, một số kênh hợp tác công ty bảo hiểm – ngân hàng khác cũng đang có những bước đi cụ thể nhằm nâng cao chất lượng kênh phân phối nói chung, kênh bancassurance nói riêng.

Đơn cử, trong phần giới thiệu sản phẩm bảo hiểm “FWD sống trọn tương lai” tới khách hàng, FWD Việt Nam đã nêu rõ sản phẩm này được phân phối qua tổ chức tín dụng, chứ không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không bắt buộc phải mua. Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.

Trước đây, từng có ý kiến đề xuất cần bổ sung quy định phải bố trí quầy bán bảo hiểm riêng tại phòng giao dịch của ngân hàng để tránh tình trạng nhầm lẫn sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tài chính của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định “người mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng có cam kết việc tham gia là tự nguyện” vào Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023).

Thực tế, sau một loạt lùm xùm liên quan tới kênh bancassurance thời gian qua, các ngân hàng cũng như công ty bảo hiểm đều đẩy mạnh triển khai các hoạt động sau bán hàng như thăm hỏi xác suất ngẫu nhiên, cập nhật các cột mốc tài chính và các hoạt động khác nhằm ghi nhận, giải đáp các thắc mắc của khách hàng và cải thiện chất lượng tư vấn.

Đơn cử, VIB và Prudential đều đã thực hiện cuộc gọi từ tổng đài bảo hiểm đến toàn bộ khách hàng bancassurance mới nhằm kiểm tra chất lượng tư vấn viên và hàng tháng có báo cáo về hoạt động tư vấn cũng như dịch vụ sau bán hàng để đảm bảo chất lượng phục vụ.

Còn ACB cho hay, khi triển khai mô hình liên kết bảo hiểm như bancassurance, sự thận trọng là rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định, hiệu quả, cần phải tách biệt giữa vai trò giới thiệu và tư vấn, đồng thời chọn lựa kỹ các sản phẩm triển khai cho từng phân khúc khách hàng, ví dụ như hạn chế triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư với nhóm khách hàng đại trà. Được biết, ACB hiện hợp tác duy nhất với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam.

Các ngân hàng cũng cho biết, ngay từ khi triển khai mô hình bancassurance, mối quan tâm hàng đầu là đảm bảo chất lượng đầu vào của đội ngũ tư vấn viên và kiểm soát chất lượng tư vấn thông qua các quy trình và quy định cụ thể trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc chung. Tuy nhiên, việc kênh này tăng trưởng quá nóng đã dẫn đến mất kiểm soát về chất lượng, gây ra hệ lụy khó lường như vừa qua.

Động thái “chuyển hóa” kênh bancassurance ngoài xuất phát từ nhu cầu thị trường, củng cố niềm tin khách hàng, thì còn do chỉ đạo gắt gao từ cơ quan quản lý. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước từng nhiều lần làm việc, đồng thời đưa ra các văn bản chấn chỉnh các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó nghiêm cấm các hành vi tư vấn không đầy đủ, “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác giúp củng cố niềm tin người tham gia bảo hiểm, đó là năng lực đảm bảo nhu cầu bảo vệ cũng như thực tế chi trả bảo hiểm. Prudential Việt Nam cho biết, trong năm 2022, số tiền chi trả bảo hiểm của nhà bảo hiểm này đạt gần 9.600 tỷ đồng, tương đương gần 23% tổng chi trả của toàn ngành (hơn 42.000 tỷ đồng).

Trong đó, hơn 1.600 tỷ đồng được chi trả cho hơn 150.000 trường hợp với các quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo và dịch vụ chăm sóc y tế (tăng 35% so với năm 2021). Tính riêng kênh bancassurance, số ca và số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng lần lượt là 64% và 69% so với năm 2021, qua đó cho thấy nhu cầu bảo vệ của nhóm khách hàng qua ngân hàng ngày càng gia tăng.

Không phải chuyện “một sớm, một chiều”

Toàn ngành bảo hiểm đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để lấy lại niềm tin khách hàng sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, nhưng đâu đó vẫn xảy ra trường hợp khách hàng kêu bị “ép” mua bảo hiểm. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng vừa nhận thêm đơn thư phản ánh về vấn đề này và đang liên hệ với các đầu mối của một số ngân hàng, công ty bảo hiểm ở cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ có liên quan để phối hợp giải quyết. Điều đó cho thấy, việc “chuyển hóa” kênh bancassurance không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.

Trong khi đó, theo ghi nhận từ một số ngân hàng và công ty bảo hiểm, vẫn còn những vướng mắc trong quản lý hợp đồng bảo hiểm chưa thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư…, đòi hỏi phải có sự tư vấn của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm hoặc đại lý bảo hiểm, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm sẽ được ngân hàng chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm quản lý.

Tuy nhiên, đối với các sản phẩm bảo hiểm đơn giản như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm dư nợ tín dụng…, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm thường được tích hợp với hồ sơ khoản vay và quản lý bởi tổ chức tín dụng, đồng thời hầu hết ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đều chưa có cơ chế đồng bộ việc lưu trữ, quản lý hợp đồng bảo hiểm (hình thức giấy và điện tử), dẫn đến khó khăn và rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc quản lý hợp đồng cũng như giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng sau này.

Chưa kể, vấn đề tích hợp, kết nối giữa hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng cũng là một thách thức khi chưa có hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng hệ thống này. Do vậy, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu về bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các thông tin về hợp đồng bảo hiểm… chưa được thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định, phát hành cũng như quản lý hợp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần đầu tư xây dựng các phần mềm, công cụ hỗ trợ để các nhân viên ngân hàng có thể truy cập, kết nối thông tin trực tuyến với doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong mảng bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, nhu cầu hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng lớn, nhưng vẫn thiếu cơ chế hướng dẫn chi tiết để đôi bên vừa có thể kết hợp sản phẩm với nhau, vừa đảm bảo việc giao kết hợp đồng riêng, tách biệt bởi trên thực tế, thế nào là giao kết hợp đồng riêng, tách biệt còn gây tranh cãi.

Đơn cử, bảo hiểm các phương tiện, tài sản, công trình hình thành từ vốn vay là một trong điều kiện của hợp đồng tín dụng để phòng ngừa rủi ro cho loại tài sản này, nhưng khi nhân viên ngân hàng giới thiệu bán các hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm do ngân hàng làm đại lý lại dễ bị hiểu lầm là ngân hàng đang “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm.

Vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý, quy định tách biệt hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vay vốn và nhất là quyền lựa chọn mua bảo hiểm ở đâu của khách hàng cần được tôn trọng. Ngân hàng cần có trách nhiệm giải thích rõ cho khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm chỉ là bắt buộc trong giai đoạn còn vay nợ ngân hàng, nếu không có quan hệ tín dụng hình thành tài sản thì không bắt buộc phải mua bảo hiểm tài sản.

  1. Tin quốc tế

Allianz Toàn cầu bổ nhiệm Giám đốc Tài chính mới

(INA) – Allianz Global Corporate and Specialty SE (AGCS) đã bổ nhiệm ông Oskar Buchauer làm Giám đốc Tài chính (CFO) mới, bắt đầu từ ngày 1 tháng 9.

Đồng thời, cô Claire-Marie Coste-Lepoutre, người đã từng là Giám đốc Tài chính của AGCS trong hơn bốn năm, sẽ đảm nhận vai trò hiện tại của Buchauer là Giám đốc Định phí, Lập kế hoạch và Kiểm soát của Tập đoàn Allianz kiêm Actuary Trưởng tại Allianz SE.

Với vai trò này, cô sẽ hợp tác chặt chẽ với Giám đốc tài chính Giulio Terzariol của Tập đoàn Allianz để giám sát các chức năng tài chính và chiến lược quan trọng trên tất cả các bộ phận của Tập đoàn Allianz: Bảo hiểm Tài sản/Thiệt hại (P&C), Bảo hiểm Nhân thọ/Sức khỏe và Quản lý Tài sản.

Về phần mình, ông Buchauer sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc tài chính tại AGCS trong giai đoạn chuyển đổi, trong bối cảnh Allianz Commercial và Allianz OE trên toàn cầu bước vào giai đoạn hợp tác mới để thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trong phân khúc P&C Thương mại (Doanh nghiệp quy mô trung bình, Doanh nghiệp quy mô lớn và Chuyên biệt).

Ông sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về Tài chính trong Ban Giám đốc AGCS SE, bao gồm Kế toán, Kho bạc & Thuế, Actuarial, Tuân thủ, Giải pháp Tài chính, Chỉ đạo Hiệu suất Toàn cầu và Quản lý Rủi ro.

Chubb bổ nhiệm COO Tái bảo hiểm toàn cầu

(INA) – Ông Michael O’Donnell mới đây đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành, Bộ phận Tái bảo hiểm Toàn cầu tại Chubb.

Ông hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Bộ phận của Chubb Tempest Re US.

Trong vai trò mới của mình, ông O’Donnell sẽ giám sát các hoạt động tại Hoa Kỳ của Chubb Tempest Re và đảm nhận thêm trách nhiệm đối với các hoạt động chiến lược và chiến thuật của các hoạt động tái bảo hiểm toàn cầu của công ty.

Việc bổ nhiệm này có hiệu lực ngay lập tức và ông O’Donnell sẽ báo cáo lên ông Jim Wixtead, Phó Chủ tịch Cấp cao của Tập đoàn Chubb kiêm Chủ tịch của Chubb Tempest Re.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, O’Donnell ban đầu gia nhập Chubb Tempest Re Bermuda vào năm 2006 với tư cách là chuyên gia đánh giá rủi ro hợp đồng bảo hiểm.

Sau đó, ông O’Donnell được thăng chức Phó chủ tịch cấp cao, giám sát các đơn vị kinh doanh rủi ro thay thế và bồi thường cho người lao động của ACE Tempest Re Hoa Kỳ, cũng như các hoạt động yêu cầu bồi thường của công ty.

Kể từ năm 2014, ông phụ trách hoạt động tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại của Chubb tại Hoa Kỳ.

Trước khi làm việc tại Chubb, O’Donnell làm việc tại General Reinsurance Corp., nơi ông chuyên đánh giá rủi ro các nghiệp vụ bảo hiểm thiệt hại theo hợp đồng tái cố định.

Bảo hiểm nhân thọ Philippine tăng trưởng 3,30% trong quý I

(INA) – Số liệu sơ bộ từ Ủy ban Bảo hiểm Philippines cho thấy, tổng tài sản của ngành bảo hiểm nhân thọ Philippines tăng 3,30% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY).

Con số này lên tới 1,71 nghìn tỷ Peso (31 tỷ USD) tổng tài sản, so với 1,65 nghìn tỷ Peso (30 tỷ USD) năm trước.

Điều này được củng cố bởi sự tăng trưởng trong tổng tài sản quỹ tách biệt của thị trường, tăng 1,87% hay 17 tỷ Peso (310 triệu USD). Tổng tài sản quỹ tách biệt đã tăng 4,65% hoặc 30,14 tỷ Peso (540 triệu). Cả hai mảng này lần lượt chiếm 54,29% và 39,68% tổng tài sản.

Tương tự như vậy, tổng giá trị tài sản ròng của bảo hiểm nhân thọ trong nước đã tăng 28,68% lên 286,55 tỷ Peso (5,18 tỷ USD) trong quý. Điều này chủ yếu là do mức tăng trưởng 8,96% YoY và 486,95% YoY tăng tương ứng từ lợi nhuận giữ lại và tài khoản dự trữ.

Tổng vốn đã thanh toán của các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tăng 18,25%, đạt 31,40 tỷ Peso (570 triệu đô la) trong quý đầu tiên của năm 2023, so với 26,55 tỷ Peso (480 triệu đô la) vào năm ngoái, do có thêm hai công ty mới tham gia vào ngành.

Tổng nợ phải trả của ngành giảm 0,60% YoY (160 triệu USD), chủ yếu do tổng dự trữ của các công ty bảo hiểm nhân thọ giảm 14,12% (890 triệu USD).

Ngoài ra, tổng thu nhập ròng của các công ty bảo hiểm nhân thọ giảm 12,87% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm xuống còn 6,50 tỷ Peso (120 triệu USD) trong quý. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do chi phí khác tăng 29,20% và chi phí quản lý chung tăng 20,75%.

Tương tự như vậy, tổng thu nhập phí bảo hiểm giảm nhẹ 0,47% so với cùng kỳ xuống còn 78,24 tỷ Peso (1,41 tỷ USD) trong quý.

Báo cáo hàng quý dựa trên các báo cáo tài chính được chọn lọc của 33 trong số 35 công ty bảo hiểm nhân thọ ở Philippines.

(1,00 Peso = 0,018 USD)

Phí bảo hiểm vi mô của Philippines năm 2022 tăng 14%

(INA) – Kết quả sơ bộ từ Ủy ban Bảo hiểm Philippines cho thấy, doanh thu phí của các công ty bảo hiểm vi mô nước này năm 2022 đã đạt mức tăng trưởng 14%, lên 11,53 tỷ Peso so với con số 10,12 tỷ Peso năm 2021. Số người được bảo hiểm cũng tăng lên 57,75 triệu người.

Ủy ban Bảo hiểm cho rằng sự tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm và số người được bảo hiểm đã phản ánh sự nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của các sản phẩm bảo hiểm giá cả phải chăng.

Bảo hiểm vi mô bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm nhu cầu trước vi mô, bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe vi mô và bảo hiểm nông nghiệp vi mô.

Ủy ban cho biết nhiều người Philippines mua bảo hiểm vi mô là những người làm công ăn lương hàng ngày, chẳng hạn như tài xế, người bán hàng rong và công nhân nhà máy.

Bảo hiểm vi mô bao gồm các sản phẩm bảo hiểm có phí bảo hiểm thấp không vượt quá 7,5% mức lương tối thiểu hàng ngày hiện tại ở Metro Manila, được tính trên cơ sở hàng ngày.

MAS tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên 100.000 đô la Singapore

(INA) – Cơ quan tiền tệ Singapore đang đề xuất tăng mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cho mỗi người gửi tiền lên 100.000 đô la Singapore.

Trong một bài báo tham vấn cộng đồng, cơ quan quản lý tài chính của Singapore cho biết việc tăng phạm vi bảo hiểm BHTG sẽ giúp 91% người gửi tiền vào năm 2023 được bảo hiểm đầy đủ và tăng số lượng người gửi tiền nhỏ được bảo hiểm đầy đủ. Theo báo cáo, nó cũng sẽ đảm bảo rằng DI tiếp tục hoàn thành mục tiêu chính là bảo vệ những người gửi tiền nhỏ trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.

DI được tăng lần cuối vào năm 2019 từ 50.000 đô la Singapore lên 75.000 đô la Singapore hiện tại.

Ngoài việc tăng phạm vi bao phủ BHTG, MAS cũng đang đề xuất những thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động của chương trình BHTG. Những thay đổi này bao gồm cung cấp cho các cơ quan quản lý tài chính quyền quy định thời điểm cụ thể khi số dư tiền gửi được coi là cuối cùng, để tăng cường sự rõ ràng về cách tính bồi thường BHTG; và đưa ra giới hạn thời gian cho các yêu cầu bồi thường BHTG, để giúp giữ chi phí quản lý ở mức thấp do khả năng yêu cầu bồi thường giảm dần theo thời gian.

Ông Ho Hern Shin, Phó Giám đốc điều hành Giám sát tài chính của MAS, làm rõ rằng các đề xuất này “không nhằm giải quyết những căng thẳng mà một số ngân hàng nước ngoài phải đối mặt vào đầu năm”.

Ông Ho nói: “Chìa khóa để đảm bảo một hệ thống ngân hàng an toàn và linh hoạt là thông qua các biện pháp bảo vệ ưu tiên, nghĩa là quy định hợp lý và giám sát chặt chẽ của MAS, và quản trị hiệu quả và quản lý rủi ro của chính các ngân hàng”.

“BHTH bổ sung cho các biện pháp bảo vệ này bằng cách cung cấp một mạng lưới an toàn cho những người gửi tiền nhỏ trong trường hợp các ngân hàng phá sản. Mạng lưới an toàn BHTG giúp mang lại niềm tin cho những người gửi tiền nhỏ nhưng không thể thay thế cho việc quản lý rủi ro hợp lý và giám sát hiệu quả”, ông Ho nói thêm.

Prudential và Bangkok Dusit Medical Services hợp tác cung cấp dịch vụ điều trị ung thư vú

(INA) – Prudential đã hợp tác với Bangkok Dusit Medical Services (BDMS) để cung cấp dịch vụ điều trị ung thư vú và các dịch vụ liên quan tại Thái Lan cho khách hàng châu Á.

Sự hợp tác này cho phép khách hàng của Prudential được điều trị tại Bệnh viện Bangkok nổi tiếng của BDMS, mang lại sự chắc chắn về chi phí.

BDMS là mạng lưới bệnh viện tư nhân lớn nhất Thái Lan, có bệnh viện ung thư tư nhân đầu tiên của đất nước là Bệnh viện Ung thư Bangkok Wattanosoth, nằm trong Bệnh viện Bangkok.

Những khách hàng đủ điều kiện và phù hợp về mặt lâm sàng có thể tận dụng dịch vụ giá trị gia tăng này, với quy định về số tiền trần được xác định trước trong thời gian điều trị 12 tháng.

Bảo hiểm này bao gồm chi phí điều trị và chi phí ăn ở.

Bất kỳ hợp đồng bảo hiểm sức khỏe nào được tổ chức với Prudential sẽ góp phần chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị. Hơn nữa, khách hàng sẽ có quyền tiếp cận với các dịch vụ dịch thuật, đón tại sân bay và hướng dẫn khách.

Công ty tái bảo hiểm Canopius xây dựng đội xử lý sự cố mạng toàn cầu

(INA) – Công ty tái bảo hiểm chuyên biệt toàn cầu Canopius, đã ra mắt Nhóm quản lý sự cố mạng (CIMT) để hỗ trợ các công ty bảo hiểm và khách hàng trong bối cảnh gián đoạn do tấn công mạng.

Nhóm gồm chín thành viên, phục vụ các chủ hợp đồng bảo hiểm mạng của Canopius trên toàn thế giới.

Dịch vụ Ứng phó Sự cố Mạng của Canopius được giám sát bởi các trưởng nhóm ở ba đơn vị kinh doanh quốc tế: Ellen Brookes ở Sydney, Australia; Brendan Helleman ở Luân đôn, Vương quốc Anh; và Steven Wesolek ở Chicago, Mỹ.

Trước khi gia nhập Canopius, Ellen Brookes từng là chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật tại K&L Gates, một công ty luật toàn cầu. Trước khi làm việc tại K&L Gates, cô đã giữ các vị trí dịch vụ khách hàng cấp cao trong các tổ chức khác nhau ở Tây Úc trong sáu năm.

Brendan Helleman gia nhập Canopius từ Meta, nơi ông làm việc với tư cách là người quản lý hồ sơ trong nhóm chính sách dữ liệu và quyền riêng tư. Trước đó, ông đã phục vụ hai thập kỷ trong Quân đội Anh và Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh.

Trong khi Steven Wesolek mang đến gần mười năm kinh nghiệm về bảo mật thông tin và ứng phó sự cố cho vai trò mới của mình. Anh gia nhập Canopius từ McDonald’s, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh toàn cầu, nơi anh giữ vị trí giám sát viên ứng phó sự cố an ninh.

Ngoài ba trưởng nhóm khu vực, nhóm toàn cầu tại Canopius bao gồm sáu thành viên khác có trụ sở tại Sydney, London và Chicago.

CIMT chịu trách nhiệm điều phối các tương tác với các dịch vụ chuyên môn như luật sư, điều tra dữ liệu và các chuyên gia PR và danh tiếng thay mặt cho người được bảo hiểm, nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh bình thường càng nhanh càng tốt.

Là một phần của dịch vụ này, các chủ hợp đồng của Canopius cũng được hưởng mức giá ưu đãi dành cho các nhà cung cấp dịch vụ sự cố mạng chuyên biệt, giúp họ tiếp cận với công nghệ tiên tiến và chuyên môn nghiệp vụ.

Ngoài ra, CIMT của Canopius cung cấp các dịch vụ giảm thiểu rủi ro trước sự kiện, bao gồm các bài tập hack mô phỏng làm lộ ra các lỗ hổng trong hệ thống máy tính được bảo hiểm.

Tái bảo hiểm Hàn Quốc tăng vọt 15,3% vào năm 2022

(INA) – Theo Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS), doanh thu phí tái bảo hiểm nội địa ở Hàn Quốc đạt 14,9 nghìn tỷ won vào năm 2022, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một bản cập nhật thị trường, Korean Re cho biết, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu tái bảo hiểm và đồng bảo hiểm cao hơn trước khi triển khai Tiêu chuẩn Vốn Bảo hiểm Hàn Quốc (K-ICS).

Tái bảo hiểm trong nước chiếm 77,9% tổng phí bảo hiểm, phần còn lại bao gồm các giao dịch xuyên biên giới.

Vào năm 2022, xu hướng nhượng tái của Hàn Quốc tiếp tục giảm mức giữ lại, dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào năng lực tái bảo hiểm.

Điều này đã dẫn đến tỷ lệ phí bảo hiểm cao hơn và hướng dẫn đánh giá rủi ro chặt chẽ hơn. Tỷ lệ duy trì trung bình đã giảm kể từ năm 2020 khi các công ty bảo hiểm phải đối mặt với những tổn thất đáng kể từ các sự cố như hỏa hoạn tại các nhà máy hóa chất địa phương.

Để quản lý sự biến động trong kinh doanh, các công ty bảo hiểm đã nhượng lại nhiều rủi ro hơn thông qua các hợp đồng tái bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, họ đã phải vật lộn để đảm bảo khả năng tương xứng cần thiết do kết quả tái bảo hiểm kém.

Thị trường Hàn Quốc gồm có 9 công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp và 17 công ty bảo hiểm trực tiếp phi nhân thọ tham gia vào hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các công ty bảo hiểm trực tiếp có giấy phép kinh doanh bảo hiểm đương nhiên được coi là có giấy phép kinh doanh tái bảo hiểm đối với loại hình bảo hiểm liên quan.

Năm ngoái, các công ty bảo hiểm trực tiếp đã ghi nhận doanh thu phí tái bảo hiểm với tổng trị giá khoảng 1,82 tỷ won, trong khi các công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp đem lại 13,11 tỷ won phí tái bảo hiểm, tương ứng thị phần 87,8%.

Mặc dù thị trường tái bảo hiểm Hàn Quốc đã tự do hóa hoàn toàn vào năm 1997, nhưng Korean Re vẫn là công ty chiếm ưu thế về phí tái bảo hiểm trong nước. Công ty này vượt trội trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho bên nhượng tái, bao gồm cả việc cung cấp báo giá cao cấp cho những rủi ro phức tạp hoặc mới lạ mà bên nhượng không thể tự đánh giá rủi ro.

Ngoài ra, Korean Re tận dụng khối lượng phí bảo hiểm nhượng tái đáng kể của mình để cung cấp các điều khoản tái bảo hiểm bắt buộc cạnh tranh cho khách hàng.

Hàn Quốc trả lại số tiền bảo hiểm không có người nhận trị giá 12,4 nghìn tỷ Won

(INA) – Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc và chiến dịch của ngành bảo hiểm nhằm trả lại tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay.

Cả hai tổ chức đều có kế hoạch bắt đầu trả lại 12,4 nghìn tỷ Won vào tháng 9. Các chủ hợp đồng có liên quan sẽ nhận được thư bưu điện thông báo cho họ về số tiền bảo hiểm chưa được yêu cầu còn lại.

Vào năm 2022, FSC và các công ty bảo hiểm đã trả lại khoảng 3,9 nghìn tỷ Won trong quỹ bảo hiểm không có người nhận cho các chủ hợp đồng. Họ hiện đang chuẩn bị gửi thư qua đường bưu điện vào tháng 9, thông báo cho các chủ hợp đồng về khoản tiền bảo hiểm chưa có người nhận còn lại là 12,4 nghìn tỷ Won.

Chiến dịch bắt đầu vào năm 2017, với tổng số 16,8 nghìn tỷ Won được trả lại cho các chủ hợp đồng trong 5 năm qua.

Trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển tiền, FSC, ngành bảo hiểm và Cơ quan tài chính toàn diện Hàn Quốc (KINFA) đang lên kế hoạch rút ngắn thời gian chuyển tiền bảo hiểm không hoạt động sang KINFA khoảng một năm, bắt đầu từ năm 2024.

Việc chuyển tiền này là bắt buộc theo quy định tại Đạo luật hỗ trợ tài chính vi mô như một hình thức đóng góp.

Do đó, các công ty bảo hiểm dự kiến sẽ chuyển tiền bảo hiểm không hoạt động sang KINFA vào tháng 5 năm sau, thay vì đợi đến tháng 2 năm sau (2025).

Sau khi tiền bảo hiểm không hoạt động được chuyển sang KINFA, số tiền này có thể dễ dàng được theo dõi và truy xuất thông qua ứng dụng hoặc trang web dành cho thiết bị di động của KINFA, cùng với các loại tài sản tài chính không hoạt động khác.

BTV (Tổng hợp).