FWD ra mắt “FWD Bộ đôi tài sản 2.0”; Kỳ vọng bảo hiểm nông nghiệp tại Tây Nguyên; Tăng trưởng ILS bảo hiểm mạng sẽ chậm lại
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy lớn 2 cửa hàng tại Bình Dương
TPO – Cửa hàng kinh doanh camera ở thành phố Thuận An (Bình Dương) đã bốc cháy dữ dội rồi lan sang cửa hàng bán xe máy khiến nhiều xe máy bị thiêu rụi.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào lúc rạng sáng ngày 28/8 tại hai cơ sở kinh doanh thuộc phường Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Đến 8h30 sáng cùng ngày, Công an thành phố Thuận An vẫn đang có mặt phong toả, khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai nhân chứng để điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy xảy ra tại cửa hàng kinh doanh camera rồi lan sang cửa hàng bán xe máy sát bên, gây thiệt hại nặng nề về tài sản.
Theo thông tin ban đầu, ngọn lửa bùng phát dữ dội tại cửa hàng kinh doanh camera bên đường Mỹ Phước Tân Vạn (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An). Chỉ trong ít phút ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ cửa hàng. Mặc dù phát hiện sớm nhưng người dân đành bất lực.
Nhận được tin báo, Đội PCCC thành phố Thuận An đã nhanh chóng huy động xe chữa cháy cùng các cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Sau khoảng 1 giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy đã được khống chế nhưng cửa hàng kinh doanh camera đã bị thiêu rụi hoàn toàn, nhiều xe máy của cửa hàng sát bên bị cũng bị cháy trơ khung.
Rất may vụ cháy không gây thương vong về người.
- Một vòng doanh nghiệp
Prudential Việt Nam giành giải thưởng kép tại Insurance Asia Awards 2022 và HR Asia Awards 2022
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) vừa được vinh danh với hai giải thưởng “Công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của năm” và “Sáng kiến ESG của năm” tại Insurance Asia Awards 2022. Đồng thời, công ty cũng được ghi nhận là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” bởi HR Asia Awards 2022.
Chuỗi chiến thắng này tiếp tục khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện của Prudential tại thị trường Việt Nam. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Prudential được công nhận là “Công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế của năm” (International Life Insurer of the Year) và năm thứ 5 liên tiếp nhận danh hiệu “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”. Đối với giải thưởng “Sáng kiến ESG của năm” (ESG[1] Initiative of the Year) – giải thưởng dành cho những dự án thiết thực đóng góp trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển bền vững, lần đầu tiên công ty được vinh danh với 2 dự án tiêu biểu là Giáo dục tài chính sớm cho trẻ Cha-Ching và Độc lập tuổi về già.
Ông Phương Tiến Minh – Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ “Tôn chỉ mục đích của Prudential là giúp mọi người đạt được những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Bằng cách mang đến những giải pháp chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, bảo vệ tài chính và gia tăng tài sản, chúng tôi mong muốn cùng đồng hành với khách hàng của mình trong hành trình xây dựng kế hoạch và theo đuổi các mục tiêu lớn trong cuộc sống. Ba giải thưởng quốc tế uy tín này khẳng định những nỗ lực tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng của Prudential luôn được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín quốc tế và điều này chính là động lực để chúng tôi làm tốt hơn mỗi ngày”.
Theo đó, Insurance Asia Awards là giải thưởng thường niên tôn vinh những công ty bảo hiểm tại châu Á có các thành tựu nổi bật, sáng kiến kinh doanh mới mẻ và sáng tạo, mang lại giá trị bền vững cho khách hàng và góp phần cho sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm. Ban giám khảo Insurance Asia Awards nhận định Prudential đã tiếp tục chứng tỏ vị thế là công ty bảo hiểm kiểu mẫu tại thị trưởng Việt Nam với kết quả kinh doanh và đóng góp ấn tượng cho ngành bảo hiểm trong năm 2021. “Riêng với hạng mục Sáng kiến ESG, chúng tôi tìm kiếm những đơn vị tiên phong sáng tạo, nhanh chóng bắt kịp với xu hướng ESG chung của toàn cầu. Prudential Việt Nam chứng tỏ được điều đó bằng những dự án dài hạn giúp giải quyết những vấn đề của xã hội”.
Bên cạnh đó, những nỗ lực của Prudential nhằm tạo ra một môi trường làm việc giúp nhân viên có thể kết nối, phát triển và thành công đã giúp Prudential trở thành một trong những “Công ty tốt nhất để làm việc ở châu Á”. Một trong những sáng kiến của công ty là dự án Sống khỏe đủ đầy, một nền tảng đa dạng về phúc lợi và an sinh từ sức khỏe, thể chất, tinh thần, tài chính cho đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Manulife Việt Nam được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2022”
(TBTCO) – Manulife Việt Nam vừa được công nhận là một trong những “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2022”, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp ghi danh tại Giải thưởng nhân sự uy tín – HR Asia Awards.
Với mục đích tôn vinh các công ty đến từ khắp châu Á, giải thưởng của Tạp chí HR Asia còn là dịp để ghi nhận các tổ chức có chiến lược nhân sự tốt nhất, với mức độ gắn kết nhân viên cao và văn hóa làm việc dẫn đầu thị trường.
Hơn 46.270 nhân viên từ tổng số 622 công ty trên khắp Việt Nam đã được khảo sát trong khuôn khổ của sự kiện, trong đó, chỉ có 120 công ty giành được danh hiệu cao quý của giải thưởng này.
Chiến thắng năm nay là minh chứng cho sự tín nhiệm của cộng đồng đối với Manulife Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một văn hóa học tập và phát triển, khuyến khích sự công nhận, quan tâm đến nhân viên và thúc đẩy các tư tưởng tiến bộ.
“Tại Manulife Việt Nam, chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng doanh nghiệp tốt hơn để phục vụ cộng đồng tốt hơn. Điều đó có nghĩa là tiếp tục nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, thúc đẩy các cơ hội kinh tế toàn diện và phát triển một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Khi mà chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho những thay đổi tích cực từ trong ra ngoài, thì giải thưởng này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa và đội ngũ nhân viên trong việc tạo ra những khác biệt có ý nghĩa cho cộng đồng” – ông Sang Lee – Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.
Bất chấp những thách thức kéo dài mà Covid-19 đã mang lại cho các doanh nghiệp trên toàn cầu, giải thưởng này cũng là cơ hội để nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy chính sách đa dạng, bình đẳng và hòa nhập đối với mục tiêu phát triển lực lượng lao động sau đại dịch.
Manulife Việt Nam và các doanh nghiệp khác đồng chiến thắng tại sự kiện này đã được vinh danh vì những nỗ lực và vai trò lãnh đạo của họ trong việc tạo ra một văn hóa làm việc giúp thay đổi và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhân viên.
“Là một doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hóa học hỏi không ngừng, chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ đại dịch – bao gồm cả tầm quan trọng của việc đón nhận sự thay đổi lẫn các cơ hội mới. Chúng tôi tự hào về những bước tiến mà công ty đã đạt được khi tiếp tục thúc đẩy một môi trường làm việc để nhân viên luôn cảm thấy được chào đón, được ghi nhận và công nhận. Quan trọng hơn cả là Manulife Việt Nam coi trọng đội ngũ nhân viên, bởi họ phản ánh chân thực nhất sự đa dạng của khách hàng và cộng đồng, nơi mà chúng tôi đang vận hành” – ông Sang nói thêm.
Là công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn nước ngoài đầu tiên trên thị trường, trực thuộc tập đoàn tài chính đến từ Canada, Manulife Việt Nam hiện là nhà tuyển dụng hàng đầu trong ngành bảo hiểm với hơn 1.200 nhân viên, phục vụ hơn 1,5 triệu khách hàng.
Fubon Life Việt Nam ra mắt sản phẩm mới “Fubon An tâm tích lũy”
(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) vừa chính thức ra mắt sản phẩm mới Fubon An tâm tích lũy (FEP01).
Sản phẩm mới này thuộc nhóm sản phẩm hỗn hợp với những ưu điểm nổi bật về thời gian đóng phí, số tiền bảo hiểm nhận khi đáo hạn và quyền lợi bảo vệ toàn diện trước rủi ro, tai nạn và top 3 bệnh hiểm nghèo nguy cơ cao gồm ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ là lựa chọn của nhiều gia đình trong việc xây dựng kế hoạch tài chính vững vàng, dự phòng cho tương lai.
Ung thư – Đột quỵ – Nhồi máu cơ tim là những bệnh hiểm nghèo phổ biến và có tỷ lệ tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mới đây, Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên lần thứ 9 đã công bố số liệu mới nhất từ Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) 2020. Theo đó, tỷ lệ mắc ung thư mới của Việt Nam đã tăng lên 9 bậc xếp thứ 90/185 quốc gia, từ 165.000 ca mới vào năm 2018 tăng lên 182.000 ca mới vào năm 2020, tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp thứ 50/185. Nguồn lực về sức khỏe và tài chính của các gia đình đang bị đe dọa bởi mức độ nghiêm trọng và ngày càng phổ biến của các căn bệnh này. Thấu hiểu tâm lý và nhu cầu muốn chuẩn bị kế hoạch tài chính vững chắc để dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống người dân, mới đây, Fubon Life Việt Nam đã ra mắt sản phẩm mới – Fubon An tâm tích lũy (FEP01).
Fubon An tâm tích lũy giúp khách hàng xây dựng một kế hoạch tài chính vững chắc cho tương lai, gia đình và con cái; đồng thời lập kế hoạch dự phòng trước những rủi ro, biến cố trong cuộc sống. Khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn các kế hoạch tài chính 3-5-10-20 năm tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính, quyền lợi đáo hạn có thể lên đến 200% số tiền bảo hiểm.
Với kế hoạch tài chính ngắn hạn (thời hạn bảo hiểm 3 và 5 năm), khách hàng sẽ nhận được 115% ~ 125% số tiền bảo hiểm khi đáo hạn. Trong khi đó, với kế hoạch tài chính dài hạn (thời hạn bảo hiểm từ 10-20 năm), khách hàng sẽ nhận được từ 150% ~ 200% số tiền bảo hiểm khi đáo hạn.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chủ động gia tăng quyền lợi bảo vệ cho mình cũng như cho cả gia đình bằng cách tham gia các sản phẩm bổ trợ của Fubon Life Việt Nam.
Điểm ưu việt của sản phẩm Fubon An tâm tích lũy là bảo vệ toàn diện trước những rủi ro, tai nạn với quyền lợi tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn và top 3 bệnh hiểm nghèo nguy cơ cao nhất; quyền lợi bảo hiểm gia tăng 5% mỗi năm, từ 100% lên tới 200% số tiền bảo hiểm.
Ông Rick Chiang – Tổng giám đốc Fubon Life Việt Nam chia sẻ: “Từ năm 2021, Fubon Life Việt Nam lựa chọn thông điệp “Năng lượng tích cực – Cuộc sống đích thực” cho các hoạt động kinh doanh với mong muốn truyền tải đến khách hàng lối sống và suy nghĩ tích cực, tinh thần lạc quan để tận hưởng cuộc sống. Thông điệp này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc trên toàn thế giới. Sự ra đời của sản phẩm “Fubon An tâm tích lũy” là một trong những nỗ lực của Fubon Life Việt Nam nhằm hỗ trợ khách hàng chủ động xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai; bảo vệ gia đình trước những rủi ro tử vong, tai nạn, bệnh tật; từ đó hướng đến cuộc sống vui – khỏe – tích cực là điểm tựa đồng hành cùng khách hàng trong cuộc sống”.
FWD ra mắt “FWD Bộ đôi tài sản 2.0”: Nâng mức bảo vệ lên đến 380% số tiền bảo hiểm
(ĐTCK) – FWD Việt Nam vừa giới thiệu giải pháp bảo hiểm liên kết đầu tư mới với tên gọi “FWD Bộ đôi tài sản 2.0”, gia tăng nhiều quyền lợi về đầu tư, đồng thời nâng mức bảo vệ lên đến 380% số tiền bảo hiểm.
Đặc biệt, trong trường hợp thương tật toàn bộ và vĩnh viễn hoặc tử vong do tai nạn, FWD sẽ chi trả thêm 100% số tiền bảo hiểm nhằm gia tăng bảo vệ và hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng và gia đình.
Ngoài ra, “FWD Bộ đôi tài sản 2.0” tiếp tục duy trì ưu điểm khác biệt với quyền lợi gia tăng số tiền bảo hiểm tự động mỗi 3 năm mà không cần thẩm định lại sức khỏe và cũng không tăng phí bảo hiểm cơ bản, qua đó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt ở những giai đoạn lớn tuổi.
Bên cạnh quyền lợi bảo vệ vượt trội, “FWD Bộ đôi tài sản 2.0” còn gia tăng sự linh hoạt về đầu tư khi nâng tổng số quỹ đầu tư lên 6 quỹ với chiến lược đầu tư từ thận trọng đến mạo hiểm…
Thêm vào đó, khách hàng có thể dễ dàng đầu tư thêm, chuyển đổi quỹ, thay đổi tỷ lệ phân bổ phí bảo hiểm vào các quỹ hay rút tiền từ giá trị quỹ hợp đồng hoàn toàn trực tuyến, mọi lúc mọi nơi, chỉ với vài thao tác đơn giản.
Khách hàng tham gia “FWD Bộ đôi tài sản 2.0” còn nhận được quyền lợi thưởng duy trì hợp đồng định kỳ, giúp giá trị hợp đồng tăng trưởng theo thời gian.
Ngoài ra, sản phẩm còn có thêm quyền lợi thưởng đặc biệt tương đương 100% phí bảo hiểm rủi ro vào năm thứ 10, năm thứ 15 và năm thứ 20 của hợp đồng.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Kỳ vọng triển khai hiệu quả tại 3 tỉnh Tây Nguyên
(TBTCO) – Từ ngày 17 – 19/8/2022, Đoàn Công tác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với UBND 3 tỉnh Tây Nguyên, gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Tham gia Đoàn công tác có ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, cùng đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Về phía các địa phương có sự tham dự của lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Sở đã thông tin tới Đoàn công tác về tình hình triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tại từng địa phương. Theo Quyết định 13/2022/QĐ-TTg, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông được áp dụng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng là cao su, cà phê, hồ tiêu, điều và đối với vật nuôi là trâu, bò và lợn. Thông tin tại các buổi làm việc, các địa phương bước đầu bắt tay xây dựng Kế hoạch triển khai và Quyết định phê duyệt địa bàn hỗ trợ phí bảo hiểm; đồng thời đã có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giải thích chính sách để người nông dân hiểu và tham gia.
Theo ông Đặng Công Lâm – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, trong thời gian tới, các Sở sẽ tiếp tục hoàn thiện tham mưu cho UBND tỉnh về việc triển khai chính sách này; tổ chức tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện chính sách trên địa bàn. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tổng hợp những khó khăn vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh sớm có chỉ đạo để triển khai mang lại hiệu quả cao nhất trên thực tiễn.
Ông Nguyễn Tấn Thành – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản chỉ đạo, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, địa phương để triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Đến nay, cơ bản các huyện thị xã, thành phố đã triển khai văn bản và chủ động nghiên cứu, thực hiện các nội dung theo thẩm quyền.
“Đối với việc lựa chọn địa bàn, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các xã trên địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Dự kiến địa bàn được hỗ trợ sẽ gồm 10 huyện và 55 xã tham dự. Đây là một kỳ vọng lớn của tỉnh, tuy nhiên, dự kiến sẽ chọn các địa bàn để triển khai thí điểm, từ đó hoàn thiện dần để nhân rộng” – ông Nguyễn Tấn Thành cho biết và nhấn mạnh.
Ông Nghiêm Hồng Quang – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cũng thông tin: “Tiềm năng phát triển nông nghiệp của Đắk Nông là rất lớn, do vậy, phải khẳng định nếu triển khai hiệu quả thì chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp tại địa bàn tỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân. Sở Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh để sớm ban hành các văn bản triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn.
Tại các buổi làm việc, đại diện Đoàn công tác đã thông tin cụ thể về cơ sở pháp lý triển khai, cũng như những kết quả đạt được và một số vướng mắc trong việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian qua.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương đã tích cực trong việc đôn đốc triển khai thực hiện; chủ động giám sát tình hình, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc thực tế tại nhiều địa phương thuộc địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp để nắm bắt thực tế, kịp thời giải đáp các vướng mắc về chính sách theo thẩm quyền.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huyền, thời gian qua, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc, nhưng do đây là chính sách mới, phức tạp lại đặt trong bối cảnh điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chưa cao, đặc biệt là tác động từ dịch Covid-19,… nên việc triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu.
Về mặt sản phẩm, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thông tin, hiện các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương để lấy dữ liệu thực tế, gấp rút hoàn thiện các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp. Các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đang xây dựng sẽ kế thừa các sản phẩm đã triển khai thực tế, đồng thời sẽ bổ sung những điểm mới. Đại diện Đoàn công tác mong muốn, các địa phương, đoàn thể trên địa bàn đặt quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, tại các buổi làm việc, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Quân đội và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam cũng đã thông tin về kế hoạch triển khai và thiết kế sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn để triển khai bảo hiểm nông nghiệp có hiệu quả trên thực tiễn.
- Nhịp đập thị trường
Doanh nghiệp bảo hiểm: Ra mắt nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu khách hàng
(TBTCO) – Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí thị trường bảo hiểm tính đến hết tháng 7/2022 ước đạt 136.951 tỷ đồng, tăng 15,24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.484 tỷ đồng, tăng 13,6%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 98.467 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực ra mắt các sản phẩm mới, mở rộng thị trường…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Theo cơ quan quản lý về bảo hiểm, tính đến hết tháng 7/2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 764.978 tỷ đồng, tăng 21,35% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 110.601 tỷ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 654.377 tỷ đồng.
Về đầu tư trở lại nền kinh tế, đến hết tháng 7/2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 643.443 tỷ đồng, tăng 23,17%, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.997 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 577.446 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 7/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm ước đạt 136.951 tỷ đồng, tăng 15,24% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.484 tỷ đồng, tăng 13,6% và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 98.467 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 31.803 tỷ đồng, tăng 11,05%, trong đó doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 10.684 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.119 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, đây là những con số cho thấy, bất chấp những khó khăn chung, thị trường đã và đang giữ được đà tăng trưởng ổn định và kỳ vọng sẽ có những bứt phá trong thời gian tới.
Với mong muốn đưa ra thị trường những sản phẩm bảo hiểm mang tính bảo vệ và đầu tư cho tương lai con trẻ, Generali Việt Nam đã chính thức ra mắt “VITA – Cho Con”, bảo hiểm liên kết đơn vị đầu tiên được thiết kế cho mục tiêu đầu tư về giáo dục.
VITA – Cho Con được thiết kế đặc biệt nhằm mang đến cho khách hàng và gia đình sự bảo vệ toàn diện trước các rủi ro tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo… Lần đầu tiên trên thị trường, ngoài quyền lợi miễn đóng phí khi bố/mẹ gặp rủi ro thương tật toàn bộ vĩnh viễn, tử vong, Generali còn đảm bảo phát hành hợp đồng bảo hiểm mới cho con mà không cần thẩm định, với số tiền bảo hiểm lên đến 10 tỷ đồng.
Bà Tina Nguyễn – Tổng giám đốc Generali Việt Nam, chia sẻ: “Nhu cầu bảo vệ và đầu tư cho giáo dục của con em các gia đình luôn rất lớn. Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả và thiết thực nhất luôn là đam mê và cam kết của chúng tôi. Được thiết kế đặc biệt cho mục tiêu này với những quyền lợi thiết thực gắn liền với quá trình học tập và trưởng thành của con em các gia đình, VITA – Cho Con sẽ là câu trả lời cho rất nhiều bậc phụ huynh đang tìm kiếm giải pháp bảo vệ và đầu tư cho tương lai của con em mình”.
Trước đó, tên tuổi hàng đầu thị trường bảo hiểm là Prudential Việt Nam đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm bảo hiểm PRU-Thiết Thực. Đây là giải pháp bảo hiểm có hướng tiếp cận khác biệt so với dòng sản phẩm bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Với cách tiếp cận khác biệt, PRU – Thiết Thực không phụ thuộc vào danh sách bệnh truyền thống, sản phẩm bảo hiểm theo tình trạng tổn thương theo mức độ của sáu hệ cơ quan và chức năng, bao gồm: hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thống gan mật, bệnh lý và chức năng thận, hệ thống giác quan, kết hợp bảo hiểm trước ba bệnh lý nghiêm trọng phổ biến và thương tật.
Theo đó, với tình trạng tổn thương mức độ trung bình, Prudential sẽ chi trả 30% số tiền bảo hiểm/tình trạng tổn thương; với tình trạng tổn thương mức độ nghiêm trọng, Prudential sẽ chi trả tối đa 100% số tiền bảo hiểm/tình trạng tổn thương. Hơn thế nữa, nếu tình trạng tổn thương của hệ cơ quan và chức năng phải trải qua phẫu thuật mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, Prudential sẽ chi trả thêm 5% số tiền bảo hiểm cho khách hàng với quyền lợi gia tăng phẫu thuật, chi trả một lần trong suốt thời gian tham gia sản phẩm bảo hiểm này.
Với cách xây dựng tinh gọn và đơn giản, khách hàng sẽ dễ dàng ghi nhớ quyền lợi bảo hiểm, đồng thời, được linh hoạt chi trả trước những tình trạng tổn thương có thể được phát hiện trong tương lai, mang đến sự an tâm vững vàng cho tương lai. Ngoài ra, hướng tới mục tiêu bảo vệ toàn vẹn cho cả gia đình, khách hàng sẽ tiết kiệm chi phí nếu tham gia cho nhiều thành viên.
Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam nhấn mạnh: Khác với các sản phẩm hiện có trên thị trường, bước ra ngoài cuộc đua về danh sách số lượng bệnh, PRU-Thiết Thực đang mang lại khái niệm mới về bảo hiểm, một giải pháp bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu và linh hoạt, bảo vệ dựa trên tình trạng tổn thương của hệ cơ quan và chức năng”.
Đại diện Bảo hiểm PTI cho biết, công ty mới ra mắt sản phẩm PTI Care – Bảo hiểm trời mưa từ 1/8/2022. Đây là sản phẩm bảo hiểm hợp tác giữa PTI và công ty bảo hiểm số NTUC Income (Singapore) lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Sản phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp thuận tiện giúp khách hàng tiết kiệm chi phí hơn trong việc di chuyển bằng xe công nghệ (Grab, Be) vào những ngày trời mưa tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Bảo hiểm với cộng đồng
“Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022”: Lan tỏa yêu thương đến Miền Trung
(TBTCO) – Sau thành công của sự kiện kết nối tại TP. Hồ Chí Minh, sự kiện kết nối lần thứ 2 “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022” đã diễn ra sáng ngày 6/8/2022 tại TP. Đà Nẵng, thu hút hơn 300 “vận động viên” tham gia để hoàn thành cung đường chạy 3 ki-lô-mét.
Tại sự kiện này, với mỗi ki-lô-mét (km) người tham gia hoàn thành, Công ty Dai-ichi Life Việt Nam đã nhân 5 số tiền đóng góp để hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Sáng cuối tuần ngày 6/8, Công viên Bờ Đông Cầu Rồng, phường An Hải, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đã được nhuộm đỏ bởi màu áo của các “vận động viên” tham gia sự kiện kết nối “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022”. Hơn 300 người gồm Ban Giám đốc cấp cao, nhân viên, tư vấn tài chính, khách hàng của Dai-ichi Life Việt Nam, các đoàn viên thanh niên của Thành đoàn TP. Đà Nẵng, cùng người thân sẵn sàng cho các hoạt động kết nối, giao lưu, rèn luyện sức khỏe và chinh phục đường chạy dài 3km.
Có mặt và khởi động từ sáng sớm, chị Thanh Mai (Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một “chiến binh” tích cực đã hoàn thành 15km của Thử thách nước trước đó cho biết chị không thể đợi thêm để được gặp gỡ các “đồng đội” của mình ngoài đời thật. “Từ đầu giải đến giờ, chúng tôi lập team chạy online nên mới chỉ gặp mặt nhau qua màn hình điện thoại. Thật vui vì nay cũng đã được kết nối cùng những chị em đã cùng mình chinh phục nhiều thử thách trong suốt chặng đường vừa qua” – chị Thanh Mai hào hứng chia sẻ.
Cùng chung năng lượng tích cực như chị Mai, hàng trăm “vận động viên” “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022” cũng đã có mặt tại sự kiện để giao lưu, gắn kết và cùng nhau về đích. Trong số này, bên cạnh những gương mặt bền bỉ đã từng tham gia “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2021”, nay tiếp tục quay trở lại với giải, không ít thành viên mới cũng rất nhiệt huyết trên đường chạy. “Hai năm dịch bệnh đã thay đổi mọi thói quen của mình trong cuộc sống. Giờ đây mình cảm thấy trân quý sức khỏe hơn bất kỳ điều gì. Duy trì luyện tập, tạo lối sống tích cực, yêu thương bản thân, kết nối với mọi người, đó chính là lý do khiến mình tham gia Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương năm nay” – bạn Ngọc Nga (Hòa Khánh Bắc, Đà Nẵng), một thành viên mới của giải chia sẻ.
Chia sẻ tại Sự kiện kết nối “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022”, ông Trần Đình Quân – Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam kiêm Chủ tịch Quỹ Vì cuộc sống tươi đẹp vui mừng thông báo, tính đến thời điểm này, hành trình “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022” đã xuất sắc hoàn thành hơn 2 triệu km và đóng góp 2 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng ý nghĩa.
“Chúng ta cùng hy vọng rằng những khoảnh khắc đẹp, tinh thần thể thao đầy nhiệt huyết cũng như những đóng góp, sẻ chia từ sự kiện hôm nay và của Giải “Dai-ichi Life – Cung Đường Yêu Thương 2022” luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời để ngọn lửa yêu thương sẽ tiếp tục được thắp sáng ở những hành trình kế tiếp” – ông Trần Đình Quân cho biết.
Bên cạnh tinh thần giao lưu, rèn luyện và sẻ chia, Sự kiện kết nối tại Đà Nẵng cũng đã tổng kết Thử thách Nước – Linh hoạt (22/6/2022 – 26/7/2022) với 9.909 thành viên tham gia, chinh phục 1.006.598 km và đóng góp hơn 1 tỷ đồng cho cộng đồng, đồng thời vinh danh các chiến binh xuất sắc nhất của thử thách. Sau Thử thách Nước, giải tiếp tục với “cung đường” mới mang tên Thử thách Lửa – Nhiệt huyết đang diễn ra sôi nổi từ 10/8/2022 – 13/9/2022 và đã chính thức phá vỡ kỷ lục của Giải 2021 với số km được tích lũy đến hiện tại là hơn 2,7 triệu km.
Không chỉ tạo cơ hội giao lưu gặp gỡ và chinh phục những cung đường ngắn nhằm cổ vũ tinh thần luyện tập của các thành viên, nhân Sự kiện kết nối tại Đà Nẵng, Dai-ichi Life Việt Nam cũng kết hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ giáo dục và bảo vệ môi trường địa phương thông qua những đóng góp đầy ý nghĩa từ những bước chân linh hoạt của hàng trăm “vận động viên” tại giải: trao tặng 25 suất học bổng trị giá 50 triệu đồng cho học sinh là con của ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê và 20 xe đạp trị giá 40 triệu đồng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; trao tặng 2 hệ thống máy lọc nước uống sạch trị giá 56 triệu đồng cho Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Bên cạnh đó, đội ngũ tình nguyện viên là nhân viên và tư vấn tài chính của Dai-ichi Life Việt Nam còn triển khai chương trình “15 năm Kết nối Triệu Yêu Thương – Hạnh phúc cho Trái đất” với chiến dịch dọn rác, làm sạch bãi biển tại Bãi biển Nguyễn Tất Thành, TP. Đà Nẵng.
- Tin quốc tế
Allianz Life Malaysia bổ sung 2 bệnh được bảo hiểm vào Allianz Care@Home
(INA) – Bảo hiểm Nhân thọ Allianz Malaysia Berhad (Allianz Life Malaysia) đã bổ sung bệnh viêm mô tế bào và viêm dạ dày ruột vào phạm vi bảo hiểm của chương trình Allianz Care @ Home, hợp tác với Speedoc.
Đây là những bổ sung mới cho phạm vi bảo hiểm hiện có gồm bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 mà Allianz Care @ Home đã cung cấp cho các khách hàng nằm viện và phẫu thuật cá nhân (H&S) của Allianz Life kể từ khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái.
Allianz Care @ Home là dịch vụ y tế theo dõi tại nhà hàng đầu và độc quyền do Allianz Life Malaysia phân phối. Dịch vụ theo dõi tại nhà độc quyền do Speedoc thực hiện đối với bốn bệnh nêu trên bao gồm thăm khám tại nhà bởi bác sĩ và y tá, điều trị y tế, trị liệu hoặc hỗ trợ, đường dây trợ giúp 24/7, cung cấp thư giới thiệu/ghi chú tóm tắt cho các trung tâm dịch vụ y tế, hỗ trợ nhập viện, và sắp xếp xe cứu thương.
Dữ liệu do Trung tâm Ứng phó và Chuẩn bị Khủng hoảng của Bộ Y tế công bố cho thấy các ca sốt xuất huyết thường bắt đầu tăng vào tháng 5 và sẽ tăng đột biến sau đợt gió mùa trong tháng 7 và tháng 8.
Ông Charles Ong, Giám đốc điều hành Allianz Life, nói: “Với dự đoán về số ca sốt xuất huyết tăng đột biến, Allianz Care @ Home mang đến cho khách hàng sự yên tâm và an tâm khi có lựa chọn nhận dịch vụ chăm sóc y tế chuyên nghiệp tốt nhất và vừa được thoải mái tại nhà thay vì phải chờ đợi nhập viện. Không chỉ vậy, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh viêm mô tế bào và viêm dạ dày ruột cũng có thể được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà chuyên nghiệp của Allianz Care @ Home bằng cách nhận hỗ trợ y tế tại nhà vì hầu hết các trường hợp có thể được quản lý trong môi trường ngoại trú”.
Allianz Care @ Home hiện có mặt ở Thung lũng Klang, Penang, Ipoh, Negeri Sembilan, Melaka và Johor. Dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ mở rộng sang các bang khác trong tương lai gần.
FTLife hướng đến người tiêu dùng trẻ với chương trình bảo hiểm bệnh hiểm nghèo mới
(INA) – Công ty TNHH Bảo hiểm FTLife (FTLife) đã ra mắt sản phẩm Bảo vệ Bệnh hiểm nghèo “Protect Starter”, hướng đến người tiêu dùng trẻ tuổi và những người mua bảo hiểm lần đầu.
Protect Starter bảo vệ cho 76 bệnh hiểm nghèo phổ biến như ung thư, đột quỵ, đau tim nặng, v.v. và tất cả các tình trạng bẩm sinh của các bệnh hiểm nghèo được bảo hiểm mà chưa được phát hiện tại hoặc trước khi phát hành hợp đồng. Sản phẩm này cũng bảo vệ người được bảo hiểm cho đến khi 100 tuổi. Tuổi tham gia bảo hiểm từ 15 ngày đến 65 tuổi.
Bên cạnh đó, sản phẩm cũng cung cấp khoản trả một lần Quyền lợi sinh hoạt với các Mức độ nghiêm trọng khác nhau, cho phép người được bảo hiểm đối phó tốt hơn với mọi chi phí y tế và sinh hoạt bất ngờ hoặc mất thu nhập. Tất cả các khoản phí bảo hiểm phải trả trong tương lai theo chương trình cơ bản sẽ được miễn sau ngày chẩn đoán Bệnh hiểm nghèo Mức độ 2 hoặc 3 để giảm bớt gánh nặng tài chính của người được bảo hiểm, giúp họ tiếp tục được hưởng sự bảo vệ của Chương trình.
Theo ông Jarita Kwan, Giám đốc Sản phẩm của FTLife, nhiều người trẻ nghĩ rằng họ không dễ mắc các bệnh hiểm nghèo và do đó trì hoãn tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, việc được bảo hiểm ở độ tuổi trẻ hơn tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng sản phẩm với mức phí bảo hiểm thấp hơn, cho phép họ được bảo vệ tại thời điểm chẳng may mắc phải một căn bệnh chưa từng có.
“Đó là động lực thúc đẩy FTLife phát triển chương trình Protect Starter với giá cả phải chăng và dễ hiểu, với chủ đề ‘Khởi nghiệp trẻ, Bảo vệ bệnh hiểm nghèo bên cạnh bạn’, cung cấp Đặc quyền Chuyển đổi và Miễn trừ Quyền lợi Đặc biệt, là những công cụ tài chính hữu ích giúp khách hàng tạo lập một cuộc sống có chất lượng”.
Ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Úc bị lỗ đầu tư gần 2 tỷ đô la trong tháng 6
(INA) – Ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Úc đã ghi nhận khoản lỗ đầu tư 1,94 tỷ đô la (2,8 tỷ đô la Úc) trong tháng 6 do các khoản lỗ chưa thực hiện đối với các khoản đầu tư chịu lãi do lợi suất trái phiếu tăng trong quý 3 và tháng 6.
Trong số liệu thống kê được công bố gần đây, tổng chi phí bồi thường cũng cao hơn 6,6% trong tháng 6 so với cùng tháng năm ngoái do hậu quả của lũ lụt ở New South Wales và Đông Nam Queensland trong quý 3.
Ngành bảo hiểm phi nhân thọ chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,3% trong lợi nhuận ròng trong tháng 6, nhờ kết quả kinh doanh bảo hiểm mạnh hơn, một phần phản ánh tác động của việc tăng phí bảo hiểm đối với một số loại hình kinh doanh nhất định.
Lợi nhuận ròng của ngành bảo hiểm nhân thọ Úc giảm 51,6% trong tháng 6
(INA) – Ngành BHNT Úc đã giảm 51,6% lợi nhuận ròng trong tháng 6 so với một năm trước, theo Thống kê Hiệu suất Bảo hiểm Nhân thọ Hàng quý do Cơ quan Quản lý An toàn Úc công bố.
Lợi nhuận ròng giảm từ 690 triệu đô la (1 tỷ đô la Úc) vào tháng 6 năm 2021 xuống còn 346,70 triệu đô la. Tổng doanh thu cũng giảm 56,4% từ 15,05 tỷ đô la xuống 6,59 tỷ đô la.
Doanh thu ròng vẫn ổn định, tuy nhiên, ngành BHNT báo cáo khoản lỗ đầu tư lớn là 4,37 tỷ đô la do lỗ chưa thực hiện đối với các khoản đầu tư chịu lãi. APRA cũng báo cáo các khoản lỗ đầu tư cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ vì lý do tương tự.
Trong một báo cáo khác, APRA cho biết rằng lợi nhuận từ bảo hiểm y tế tư nhân đã giảm 28% trong tháng Sáu.
Thặng dư tự do của Tập đoàn AIA lên 20,6 tỷ đô la trong nửa đầu năm 2022
(INA) – Tập đoàn AIA báo cáo cho biết kết quả tăng trưởng tích cực trong một số chỉ số chính khi đà bán hàng trong quý thứ hai được cải thiện do sự bùng phát ban đầu của biến thể Omicron đã giảm xuống.
Theo AIA, lợi nhuận hoạt động kinh doanh sau thuế (OPAT) tăng 4% lên 3,22 tỷ USD. Thặng dư tự do tăng 3,6 tỷ đô la lên 20,6 tỷ đô la. Thặng dư tự do cơ bản (UFSG) tăng 5% lên 3,19 tỷ đô la
Ông Lee Yuan Siong, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của AIA, nói: “Danh mục chất lượng cao ngày càng tăng của chúng tôi đã hỗ trợ sự gia tăng của cả OPAT và UFSG. Tình hình tài chính của Tập đoàn vẫn rất vững chắc với thặng dư tự do tăng lên 20,6 tỷ đô la Mỹ và tỷ lệ bao phủ LCSM của Tập đoàn là 277% bất chấp sự căng thẳng đáng kể trên thị trường vốn. Giá trị vốn chủ sở hữu là 72,3 tỷ đô la, tăng 3% trong nửa đầu trước khi chi trả 3 tỷ đô la cho cổ đông thông qua chương trình mua lại cổ phần và trả nốt cổ tức năm 2021”.
AIA cho biết cổ tức tạm thời của họ tăng 6% lên 40,28 đô la Hồng Kông/cổ phiếu.
Tăng trưởng ILS bảo hiểm mạng sẽ chậm lại trong ngắn hạn đến trung hạn
(AIR) – Thị trường bảo hiểm mạng hiện tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chứng khoán liên kết với bảo hiểm (ILS) tiếp cận với rủi ro mạng giống như cách họ đã làm với rủi ro thiên tai trong những năm 90 sau cơn bão Andrew năm 1992. Đây là nhận định của ông Manuel Adam, nhà phân tích tín dụng của S&P Global Ratings.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu cho biết nhu cầu bảo vệ trước rủi ro mạng ngày càng tăng, nhưng năng lực cung cấp bảo hiểm/tái bảo hiểm không tăng cùng tốc độ, dẫn đến việc tăng phí đáng kể và nới rộng khoảng cách bảo vệ.
Ông Adam cho biết thêm: “Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà đầu tư ILS không tỏ ra quan tâm nhiều và chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng trong ILS không gian mạng sẽ chậm lại trong ngắn hạn đến trung hạn”.
Điều này xuất phát từ một vài nguyên nhân. Thứ nhất, các nhà đầu tư ILS đã nhận diện được cách khó khăn để họ có thể gặp phải những nguy cơ do không mô hình hóa và/hoặc định giá đầy đủ. Trong những năm gần đây, các nguy cơ thứ cấp đã gia tăng tần suất, kéo theo tổn thất lũy kế cao hơn dự kiến của các nhà đầu tư.
ILS với rủi ro thiên tai tiềm ẩn mang lại sự đa dạng hóa và lợi nhuận thực tế, hầu như không phụ thuộc vào thị trường vốn. Ngược lại, một sự kiện mạng máy tính lớn có thể gây ra sự sụt giảm hoặc biến động về giá trị thị trường cổ phiếu và trái phiếu, làm tăng mối tương quan với thị trường vốn.
Cuối cùng, các giao dịch ILS trên không gian mạng có thể rất phức tạp và các giao dịch phức tạp có khả năng thất bại. Một cách tiếp cận đơn giản hơn, chỉ bắt đầu với một nguy cơ mạng đã xác định, chẳng hạn như sự cố mất điện toán đám mây, nhà cung cấp dịch vụ ngừng hoạt động hoặc cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, thay vì các thỏa thuận nhiều hiểm họa, sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về rủi ro tiềm ẩn và từ đó định lượng mức độ rủi ro của họ.
Đài Loan: yêu cầu bồi thường phi nhân thọ liên quan đến COVID-19 tăng
(AIR) – Theo ông James Chan, Phó Giám đốc AM Best, tổng số khiếu nại từ các hợp đồng bảo hiểm dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tăng và gây áp lực đáng kể lên hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngành bảo hiểm phi nhân thọ Đài Loan trong năm nay.
Trong Báo cáo mới có tựa đề “Triển vọng phân khúc thị trường: Bảo hiểm phi nhân thọ Đài Loan”, AM Best đã sửa đổi triển vọng ngành từ “Ổn định” thành “Tiêu cực”, với lý do COVID-19 phục hồi, dẫn đến những tổn thất đáng kể đối với các hợp đồng bảo hiểm liên quan đến đại dịch.
AM Best lưu ý rằng những thiệt hại cuối cùng đối với ngành phi nhân thọ của Đài Loan vẫn rất không chắc chắn và tùy thuộc vào tỷ lệ lây nhiễm và các thay đổi chính sách tiềm năng của chính phủ. Tác động đối với các công ty khác nhau tùy thuộc vào mức độ bảo hiểm đại dịch và các kiểu kết thúc hợp đồng. Mức tăng đột biến COVID-19 đã tác động bất lợi về vốn cho một số công ty, trong khi những công ty khác phải đối mặt với ảnh hưởng bất lợi về lợi nhuận năm tài chính 2022.
Ông Chan cho biết: “Tuy nhiên, trong trung hạn, các công ty bảo hiểm ít bị ảnh hưởng hơn có khả năng bù đắp các khoản lỗ đó từ danh mục kinh doanh bảo hiểm truyền thống không liên quan đến đại dịch, vốn có bề dày về kết quả kỹ thuật thuận lợi”.
Môi trường lãi suất thấp kéo dài ở Đài Loan, cũng như sự biến động mạnh của thị trường vốn trong nửa đầu năm 2022, cũng tiếp tục thách thức các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Chỉ số thị trường chứng khoán Đài Loan đã giảm gần 20% trong sáu tháng đầu năm 2022, tạo ra sự biến động đối với vốn hóa và kết quả hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ thông qua lãi và lỗ vốn. Sau khi tăng giá so với đô la Mỹ trong ba năm qua, đồng đô la Đài Loan đã giảm giá 8% trong khoảng thời gian tính đến ngày 31 tháng 7.
AM Best kỳ vọng thị trường phi nhân thọ sẽ duy trì trọng tâm vào lợi nhuận và đạt được tỷ suất lợi nhuận hoạt động cho các ngành kinh doanh không xảy ra đại dịch vào năm 2022, tương tự như mức trước khi sự gia tăng COVID-19.
Bà Christie Lee, Giám đốc cấp cao, bộ phận phân tích của AM Best cho biết: “Một số công ty bảo hiểm có thể phải đối mặt với áp lực xói mòn vốn trong đó tỷ lệ khả năng thanh toán theo quy định của họ có thể giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu 200% trong thời gian tới. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm này thường có các công ty mẹ nắm giữ tài chính hoặc các cổ đông lớn mạnh về tài chính để hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Singapore: Nền tảng y tế kỹ thuật số giảm tỷ lệ nhập viện
(AIR) – Đầu tư vào các nền tảng y tế kỹ thuật số và y tế từ xa có thể giảm chi phí bằng cách làm cho dịch vụ chăm sóc ban đầu dễ tiếp cận và có giá cả phải chăng. Những dịch vụ như vậy đã làm giảm nhu cầu nhập viện ở Singapore khi quốc gia này đang đối phó với làn sóng lớn các ca nhiễm COVID-19 do biến thể delta gây ra.
Tiến sĩ Vas Metupalle, đồng sáng lập MyDoc, phát biểu tại một cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Bảo hiểm Nhân thọ Châu Á, cho biết: “Chúng tôi đã giảm số lượt đến bệnh viện hơn 30% nhờ các nền tảng y tế kỹ thuật số phòng ngừa như vậy. Và chúng tôi không phải là những người duy nhất, các nền tảng khác mà chúng tôi làm việc với sự điều phối của Bộ Y tế cũng vậy… Tôi nghĩ trong 10 năm tới sẽ là thời gian chúng tôi làm tốt hơn cho y tế dự phòng thay vì chỉ ngăn chặn các chuyến thăm bệnh viện”.
Ông cho biết các nền tảng y tế kỹ thuật số có thể nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa ban đầu như vắc xin cúm. Các ứng dụng sức khỏe do các công ty bảo hiểm phát triển có thể thúc đẩy giáo dục cộng đồng và có phạm vi tiếp cận nhiều hơn các ứng dụng telehealth vốn chỉ được sử dụng khi bệnh nhân bị ốm.
Ngành chăm sóc sức khỏe nước này đang chuẩn bị đối phó với tình trạng dân số già. Các công ty bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe trong nước đang lo ngại về chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao và dân số già mắc bệnh mãn tính. Trong khi tuổi thọ ở nước này là khoảng 83 tuổi, thì việc sống lâu hơn có thể đồng nghĩa với việc phải đến bệnh viện thường xuyên và yêu cầu bảo hiểm nhiều hơn.
Tiến sĩ Sidharth Kachroo, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư y tế của Prudential Singapore, cho biết: “Sau 40 tuổi, cứ bốn người Singapore thì có một người mắc một số bệnh mãn tính. Vào năm 2035, 27% người Singapore sẽ ở độ tuổi 65 trở lên… Phân khúc dân số này sẽ có ít nhất một hoặc có thể là hai hoặc nhiều bệnh đi kèm… Dân số chúng ta đang già đi, nhiều người sẽ sống lâu và không hoàn toàn khỏe mạnh”.
Tiến sĩ Carol Tan, chuyên gia của The Good Life Medical Center, nói: “Ba mươi phần trăm số ca nhập viện là có thể tránh được. Tuy nhiên, bảo hiểm chỉ thanh toán chi phí nằm viện… Bệnh nhân đến và sau đó ba tháng, họ lại đến vì chi phí nằm viện rẻ hơn. Nhưng chúng tôi đang học hỏi ngày càng nhiều từ các quốc gia khác có bảo hiểm nhóm liên quan đến chẩn đoán”.
“Phần quan trọng nhất của việc phòng ngừa là hiểu biết về sức khỏe. Tôi là bác sĩ lão khoa nhưng trên thực tế hiện nay tôi làm việc 80% tư vấn sức khỏe từ xa do COVID-19. Phòng bệnh chính là hướng dẫn mọi người cách quản lý sức khỏe của chính mình. Đó cũng là về việc ngăn ngừa các biến chứng tốn kém cho dù mắc phải các bệnh mãn tính”.
BTV (Tổng hợp).