TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 25

Chuyển sang IFRS 17 tiêu tốn đến 20 tỷ đô la; Ấn Độ bồi thường COVID-19 hơn 2 tỷ đô la; Bảo hiểm sức khỏe bứt phá trong mùa dịch

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Đồng Nai: Cháy dữ dội tại công ty hóa chất trong Khu công nghiệp Long Bình

(TTO) – Vụ cháy lớn xảy ra tại Công ty TNHH liên doanh hóa chất Arirang (đường số 5, Khu công nghiệp Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chiều 28-6 khiến khu nhà xưởng, nguyên vật liệu, máy móc bên trong gần như bị thiêu rụi.

Thông tin ban đầu, khoảng hơn 13h ngày 28-6, bên trong Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh hóa chất Airang (lô 11.2, đường số 5, Khu công nghiệp Long Bình, Đồng Nai) chuyên sản xuất mực in bao bì và hạt nhựa, bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Nhiều người dân chứng kiến sự việc cho biết ngọn lửa bất ngờ bốc lên giữa trưa nắng nóng, lửa bùng lên rất mạnh, cột khói cao hàng trăm mét sau đó lan rộng ra các khu vực xung quanh.

Thông tin ban đầu, khoảng 13h15 cùng ngày, một số công nhân bất ngờ nghe tiếng nổ lớn kèm khói, lửa bốc lên từ khu nhà xưởng công ty nên tri hô mọi người đến dập lửa. Nhiều công nhân trong công ty hốt hoảng chạy ra ngoài.

Ngay sau đó, lực lượng bảo vệ và một số công nhân sử dụng hệ thống chữa cháy tại chỗ dập lửa. Tuy nhiên, do công ty chứa nhiều thùng hóa chất nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát dữ dội.

Ghi nhận tại hiện trường, các vụ nổ kèm cột lửa hình nấm bốc cao hàng chục mét, xen kẽ là các cột khói đen khổng lồ cao cả trăm mét, phủ kín bầu trời, nhìn rõ từ nhiều cây số.

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai và Công an TP Biên Hòa điều động cả chục xe chuyên dụng cùng gần 100 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để chữa cháy.

Một số xe bồn từ các đơn vị quân đội và các công ty gần đó cũng đến hiện trường ứng cứu.

Đến 16h cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế.

Bước đầu xác định vụ cháy không gây thương vong về người nhưng khoảng 1.500m2 nhà xưởng, nguyên vật liệu, hóa chất, máy móc… bên trong gần như bị cháy rụi.

Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

VNI tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021

(VNI) – Chiều 25/06/2021, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và lợi ích cho cổ đông trong bối cảnh dịch bệnh covid diễn biến phức tạp. Tham gia ĐHĐCĐ có các cổ đông đại diện cho 94.432.902 cổ phần có quyền biểu quyết (chiếm 100%).

Năm 2020, tác động của đại dịch Covid 19 lên nền kinh tế thế giới là vô cùng nặng nề: hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đặc biệt các lĩnh vực như: hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, y tế… Sự gián đoạn về sản xuất, lưu thông hàng hóa khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thậm chí phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc cùng nỗ lực của tập thể CBNV VNI đã hoàn thành vượt kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông giao.

Doanh thu phí bảo hiểm gốc của VNI đạt 1,708 tỷ đồng, (xếp vị trí 11/32 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tăng 02 bậc về thị phần, trong TOP 3 DNBH PNT có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường; Lợi nhuận của VNI tăng trưởng 25% so với năm 2019, đạt 10,4 tỷ đồng, hoàn thành 131% kế hoạch, tổng tài sản đạt hơn 2.900 tỷ đồng, biên khả năng thanh toán của VNI trong TOP đầu các DNBH; các chỉ tiêu tài chính của VNI an toàn, hiệu quả và thực hiện minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Năm 2020, VNI mở thêm 8 công ty bảo hiểm thành viên nâng tổng số công ty thành viên lên 44 đơn vị, hợp tác với nhiều ngân hàng, đối tác công nghệ phát triển kênh bán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị (Pioffice), bán hàng (My VNI Client, ebhhk), ứng dụng giám định bồi thường online (My VNI) giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm mua bảo hiểm và bồi thường nhanh chóng.

Bất chấp tác động mạnh của đại dịch Covid–19 tái bùng phát nhiều lần và thách thức bởi sự cạnh tranh trong ngành bảo hiểm, kết thúc Quý I/2021, VNI khẳng định sự bứt phá với kết quả chinh phục vị trí TOP 10 DNBH phi nhân thọ về thị phần.Tính đến 31/5/2021, doanh thu phí bảo hiểm của VNI tăng trưởng hơn 34% so với cùng kỳ; hầu hết các nghiệp vụ của VNI đều tăng trưởng tốt, có nghiệp vụ tăng trưởng trên 60%.

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua các nội dung với tỉ lệ nhất trí cao: thông qua KQKD năm 2020 và KHKD năm 2021; Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020; Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2020 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo hoạt động năm 2020 của BKS; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2020; Báo cáo chi trả thù lao HĐQT, BKS năm 2020, Phương án chi trả thù lao, lương chuyên trách, chi phí hoạt động HĐQT năm 2021; Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán; Tờ trình thông qua Báo cáo kết quả của đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu năm 2020, điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu hút được từ đợt phát hành; Tờ trình thông qua việc sửa đổi, bổ sung/ban hành mới Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị, Quy chế hoạt động của HĐQT, Quy chế hoạt động của BKS Tổng Công ty; Tờ trình thông qua Quy chế tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến và bỏ phiếu điện tử.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch covid còn diễn biến phức tạp, VNI đặt mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững, phấn đấu vào TOP 10 DNBH phi nhân thọ, tăng trưởng doanh thu bảo hiểm ở mức cao trên 40%, với các gói giải pháp đồng bộ sẽ triển khai: mở rộng mạng lưới đơn vị thành viên; đầu tư Công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý; tăng cường hợp tác các đối tác nhằm mở rộng kênh bán hàng và phục vụ sau bán hàng mang lại cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm chất lượng tốt nhất.

PVI Cà Mau ký kết thỏa thuận hợp tác với Công đoàn ngành Y tế Cà Mau

(PVI) – Chiều ngày 25/6/2021, Tại Sở Y tế Cà Mau Công đoàn ngành Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Bảo hiểm PVI Cà Mau về thực hiện chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và người lao động” trong ngành Y tế. Chứng kiến lễ ký thỏa thuận có Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Y tế Cà Mau.

Nội dung thỏa thuận hợp tác là hai bên thực hiện chương trình “Bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19” với mức giá ưu đãi giảm phí 30%, mở rộng quyền lợi bảo hiểm, giảm thời gian chờ và thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm là 15 ngày cho đoàn viên công đoàn ngành Y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Hỗ trợ các trường hợp cán bộ y tế bị rủi ro, tai nạn, bạo hành, mắc bệnh trong quá trình tham gia chống dịch, với mức chi trả tối đa lên tới 50 triệu đồng/người/ năm.

Thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn ngành Y tế Cà Mau và Công ty Bảo hiểm PVI Cà Mau dựa trên thỏa thuận hợp tác của Công đoàn Y tế Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI.

Với đặc thù của ngành là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thì cán bộ, nhân viên của ngành cần có sự bảo vệ cao. Vì vậy, sự tham gia, hỗ trợ từ Công ty Bảo hiểm PVI là hoạt động thực sự ý nghĩa và thiết thực.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính sẽ chỉ định chuyển giao hợp đồng nếu doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm không đáp ứng yêu cầu về an toàn tài chính

(ĐTCK) – Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xem xét những nội dung của Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Luật này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ năm 2023.

Cụ thể, trong Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, phần quy định chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật mới sửa đổi quy định về việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo hướng bổ sung trường hợp Bộ Tài chính chỉ định nếu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không đáp ứng yêu cầu về an toàn tài chính.

Đồng thời, bổ sung các điều kiện chuyển giao theo hướng nếu không đồng ý, bên mua bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và nhận lại giá trị hoàn lại/giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí hoặc phí bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ/sinh kỳ thuộc bảo hiểm nhân thọ.

Dự thảo luật mới cũng Bổ sung toàn bộ quy định trong trường hợp khó khăn phải áp dụng biện pháp can thiệp, các biện pháp cải thiện tình trạng khó khăn, trường hợp đặt doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm vào tình trạng bị kiểm soát, quyết định đặt doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm vào tình trạng bị kiểm soát, biện pháp thực hiện trong quá trình kiểm soát; bổ sung quy định cho phép sử dụng và cho vay từ tiền ký quỹ.

Bên cạnh đó, thành lập Ban kiểm soát đặc biệt, thẩm quyền của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị kiểm soát, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị kiểm soát, chấm dứt việc đặt doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm vào tình trạng kiểm soát, thẩm quyền quyết định cơ cấu lại doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị kiểm soát, đánh giá tổng thể thực trạng doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bị kiểm soát.

Ngoài ra, về báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ, báo cáo bất thường, Dự thảo Luật mới cũng Bổ sung quy định báo cáo khi xảy ra những diễn biến bất thường có nguy cơ mất khả năng thanh toán, uy tín doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; khi không đáp ứng yêu cầu về tài chính theo quy định…

Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng năm 2020, trong đó tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 95.949 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 456.454 tỷ đồng.

Dự phòng nghiệp vụ tăng bình quân 23%/năm, đạt 355.240 tỷ đồng năm 2020, trong đó dự phòng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 27.125 tỷ đồng; doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 328.115 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng bình quân 38%/năm, đạt 113.523 tỷ đồng năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 31.035 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 82.488 tỷ đồng.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ

(ĐTCK) – Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2020 ước tính tăng 11%).

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ 6 tháng đầu năm tăng 22% và lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp khối phi nhân thọ cho biết, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục căng thẳng khiến nhiều nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống như xe cơ giới, hàng hải, xây dựng chưa khởi sắc, nhưng bù lại, các nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và bảo an tín dụng vẫn tăng trưởng tốt với mức tăng trưởng trên 2 con số.

Để thu hút khách hàng, nhiều chương trình khuyến mãi giảm phí cũng liên tục được các doanh nghiệp khối này đưa ra cho các khách hàng mua trên kênh trực tuyến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng là không đồng đều, có những doanh nghiệp doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng trưởng trên 10%, nhưng cũng có doanh nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức 3 – 5%.

Trong bối cảnh hiện nay khi kênh bán hàng truyền thống đang gặp khó khăn vì dịch bệnh và quy định giãn cách, thì lợi thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp đa dạng kênh bán hàng, đặc biệt là kênh bán qua các ngân hàng độc quyền. Các kênh này vẫn bán tốt, đặc biệt là các sản phẩm bảo an tín dụng.

Trong khi đó, cùng với việc hoàn thiện và giới thiệu cho khách hàng nhiều tính năng mới trên các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là tư vấn sức khỏe, hoàn tất hồ sơ bồi thường trực tuyến…, các doanh nghiệp bảo hiểm khối nhân thọ vẫn liên tục triển khai các hội thảo bán hàng và tuyển dụng trực tuyến đã được thực hiện từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đầu tiên.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp khối này cũng đưa ra thị trường thêm nhiều sản phẩm bán qua kênh trực tuyến, chẳng hạn các sản phẩm của FWD, Manulife hay Generali…

Không chỉ thêm “hàng hóa” cho kênh bán hàng trực tuyến, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm, kênh chứng khoán tăng tưởng mạnh mẽ, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng nắm bắt thời cơ đẩy mạnh dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (Unit link). Ngoài dòng bảo hiểm sức khỏe, đây là dòng sản phẩm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tính đến hết tháng 5/2021, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước tính đạt 512.900 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm đạt 628.400 tỷ đồng, tăng 23,2%.

Bảo hiểm sức khỏe bứt phá trong mùa dịch

(TBTCVN) – Bất chấp những khó khăn do dịch Covid–19, thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai con số, trong đó có nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.

Hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực cho ra mắt các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, kỳ vọng tiếp tục bứt phá và tăng trưởng doanh thu.

Đại diện Manulife Việt Nam cho biết, công ty vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạn mức cao mới  trên trang thương mại điện tử của công ty, mang đến cho khách hàng cơ hội dễ dàng để mua được các giải pháp bảo vệ với chi phí hợp lý chỉ bằng một nút chạm.

Là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, Max – Sống Khỏe cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh, với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 đồng/năm. Hạn mức bảo hiểm dao động từ 1 đến 2 tỷ đồng và hợp đồng được đảm bảo có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt. Đặc biệt, khách hàng của Max – Sống Khỏe được cung cấp các quyền lợi nội trú và ngoại trú trong mạng lưới thanh toán trực tiếp của gần 300 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.
Đây được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Manulife Việt Nam nhằm số hóa và chuyển đổi ngành bảo hiểm thông qua các giải pháp hàng đầu về sức khỏe, đáp ứng được mục tiêu nhanh chóng, tiện lợi và bảo vệ toàn diện cho khách hàng với chi phí hợp lý.

Trước đó, Prudential Việt Nam cũng giới thiệu sản phẩm bảo hiểm trực tuyến PRU – Vui Sống với hình thức mua dễ dàng và tiện lợi trên ứng dụng Pulse by Prudential.

PRU – Vui Sống mang tới sự bảo vệ tài chính trước rủi ro 3 bệnh lý nghiêm trọng phổ biến gồm: ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim, với mức chi phí hợp lý chỉ từ 88.000 đồng/năm. Sản phẩm bao gồm hai lựa chọn: gói cơ bản bảo vệ trước rủi ro ung thư và gói nâng cao bảo vệ trước rủi ro ba bệnh hiểm nghèo với mức phí bảo hiểm dao động cho từng nhóm tuổi. Đặc biệt, với PRU – Vui Sống gói nâng cao, khách hàng được hỗ trợ chi phí lên đến 405 triệu đồng với quyền lợi chi trả độc lập cho 2 nhóm bệnh ung thư và đột quỵ/nhồi máu cơ tim. Đây là điểm khác biệt độc đáo của sản phẩm, giúp khách hàng được bảo vệ toàn diện với mức chi phí hợp lý.

Bên cạnh đó, Prudential Việt Nam cũng triển khai chương trình tư vấn sức khỏe miễn phí với bác sĩ trực tuyến trên ứng dụng Pulse by Prudential, nhằm giúp người dân an tâm hơn khi có nhu cầu khám bệnh trong tình hình hiện tại.

Một tên tuổi khác là FWD cũng vừa giới thiệu ra thị trường giải pháp bảo hiểm 100% trực tuyến có tên gọi “FWD Bộ 3 bảo vệ”. Đây là sản phẩm mang đến giải pháp chuyên biệt với quy trình tham gia hoàn toàn trực tuyến, bảo vệ đồng thời trước ba bệnh hiểm nghèo là ung thư tại bất kỳ giai đoạn nào, đột quỵ và nhồi máu cơ tim đến 80 tuổi.

Với “FWD Bộ 3 bảo vệ”, ngay khi có chẩn đoán mắc một trong ba bệnh hiểm nghèo là ung thư tại bất kỳ giai đoạn nào, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, FWD sẽ chi trả ngay 100% số tiền bảo hiểm, giúp người bệnh có nguồn tài chính kịp thời để điều trị và phục hồi sức khỏe.

Ông Phùng Bá Khang – Giám đốc Khối sản phẩm của Manulife Việt Nam, chia sẻ: “Manulife Việt Nam cam kết mang đến những trải nghiệm số hóa toàn diện, đồng thời cung cấp các giải pháp bảo hiểm sức khỏe sáng tạo. Max – Sống Khỏe đã hiện thực hóa cam kết này trên cả hai mặt: cung cấp cho khách hàng giải pháp bảo vệ tối ưu và mang lại trải nghiệm về một quy trình vô cùng dễ dàng và thuận tiện”.

Chia sẻ về sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm trực tuyến mới nhất trên Pulse, ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết: “Tiếp nối các tính năng chính về chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn đầu ra mắt, trong thời gian qua, Pulse liên tiếp mở rộng các tính năng mới mang đến sự thuận tiện và hứng khởi trên hành trình chăm sóc sức khỏe của người dùng. Sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm số thứ 3 trên Pulse – PRU – Vui Sống sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng thêm một lựa chọn bảo vệ, giúp họ an tâm theo đuổi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống”.

Được biết, PRU – Vui Sống nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số của Prudential, hướng đến nhóm khách hàng trẻ sành công nghệ, giúp họ dễ dàng tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm chi phí thấp, quyền lợi thiết thực.

Báo cáo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 77.208 tỷ đồng (tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 53.318 tỷ đồng và nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe tăng trưởng trên 50%.

Khảo sát mới đây của công ty toàn cầu về nghiên cứu thị trường Nielsen cũng chỉ ra mối quan tâm của người Việt đối với sức khỏe ngày càng lớn, theo đó năm 2020 tăng 4% so với năm 2019 và đứng top 1, trên cả sự ổn định của công việc hay sự cân bằng cuộc sống – công việc.

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, dịch bệnh diễn biến phức tạp chính là “cú hích” thay đổi tư duy, người dân quan tâm nhiều đến các giải pháp bảo vệ sức khỏe và các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang thay đổi trong chiến lược kinh doanh hướng đến những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng thông qua hành trình chuyển đổi số hóa. Theo đó, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và thị phần của bảo hiểm sức khỏe, góp phần vào sự tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm.

  1. Tin quốc tế

Thái Lan: Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ dự đoán sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay

(AIR) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Thái Lan (TGIA), tổng doanh thu phí bảo hiểm thị trường bảo hiểm Thái Lan được dự báo là 253 tỷ THB (8 tỷ USD) đến 265 tỷTHB, tương ứng với mức tăng trưởng 0,0% -5,0% so với năm ngoái.

Ông Anon Vangvasu, chủ tịch TGIA, chỉ ra rằng tăng trưởng dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi bảo hiểm y tế, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm cho COVID-19.

Trong năm tháng đầu năm nay, doanh thu phí bảo hiểm đã đạt hơn 3,5 tỷ THB với 9 triệu hợp đồng bảo hiểm liên quan đến COVID-19, theo một báo cáo trên trang web tin tức Prachachat.net.

Ngoài ra, lĩnh vực xuất nhập khẩu đã được cải thiện, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục nếu đại dịch COVID-19 không tấn công các nhà máy công nghiệp lớn.

Mặt khác, doanh số bán xe mới dự kiến sẽ giảm trong năm nay, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới. Việc mua nhà mới cũng ít hơn và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm hỏa hoạn. Đồng thời, lĩnh vực du lịch đã phải chịu đựng tình trạng thiếu khách du lịch, tình huống này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và do đó sẽ tác động đến bảo hiểm tín dụng.

Một điểm mới sáng sủa hơn, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Thái Lan đạt thu nhập phí bảo hiểm 65,8 tỷ THB trong quý đầu tiên của năm 2021, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí bảo hiểm hỏa hoạn đã tăng 4,4% lên 2,5 tỷ THB trong quý 1/2021 và hoạt động kinh doanh bảo hiểm xe cơ giới công bố thu nhập phí bảo hiểm là 38,2 tỷ THB, tăng 2,5% so với quý tương ứng năm 2020.

Chỉ 8% người Đài Loan nói rằng đã được bảo hiểm đầy đủ

(AIR) – Theo kết quả của một cuộc khảo sát do công ty bảo hiểm BNP Paribas Cardif công bố mới đây, chỉ 8% người tiêu dùng Đài Loan tin rằng họ được bảo hiểm đầy đủ – tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với mức trung bình ở châu Á, mặc dù thực tế là Đài Loan có tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm cao nhất trên toàn cầu.

Trong “Báo cáo khảo sát người tiêu dùng về bảo hiểm bảo vệ toàn cầu năm 2021”, 80% người Đài Loan nói rằng họ lo lắng về việc không thể trả khoản vay do mắc bệnh hiểm nghèo và 86% trong số họ lo lắng nhất về việc đột nhiên mắc bệnh.

Những phát hiện này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm bảo vệ ở Đài Loan, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Các phát hiện chính khác của cuộc khảo sát bao gồm:

83% người Đài Loan được hỏi lo ngại về bảo hiểm bảo hiểm chăm sóc y tế và bệnh hiểm nghèo;

Những người Đài Loan cho rằng cần tăng cường bảo vệ đối với những trường hợp bị thương tật vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo và phải nhập viện;

Hơn 60% người Đài Loan được hỏi đã nghe nói về bảo hiểm chủ nợ, nhưng tỷ lệ bảo hiểm thực tế là 20%.

Ấn Độ: Các công ty bảo hiểm đã trả hơn 2 tỷ đô la Mỹ cho 80% yêu cầu bồi thường COVID-19

(AIR) – Một quan chức IRDAI hàng đầu cho biết, tính đến ngày 22 tháng 6, các công ty bảo hiểm đã giải quyết khoảng 80%, tương ứng với hơn 1.539 triệu yêu cầu bồi thường bảo hiểm sức khỏe với tổng số tiền thanh toán trên 150 tỷ INR (2 tỷ USD).

Đã có hơn 1.911 triệu yêu cầu bảo hiểm sức khỏe COVID-19 được nộp cho đến ngày 22 tháng 6 liên quan đến bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm nằm viện, theo báo cáo của Hindu Business Line.

Theo bà TL Alamelu, Thành viên (Phi Nhân thọ) của IRDAI: “Về yêu cầu tử vong do các công ty bảo hiểm nhân thọ xử lý, khoảng 55.276 yêu cầu bồi thường đã được xác minh và gần 88%, hay 48.484 yêu cầu trị giá 35,93 tỷ INR, đã được giải quyết”.

Bà cho biết các yêu cầu bị từ chối là 4% đối với bảo hiểm sức khỏe và 0,66% đối với bảo hiểm nhân thọ.

Nhận xét về số lượng lớn những người thiếu bảo hiểm y tế và rơi vào cảnh nghèo đói vì COVID-19, bà nói, “Ngành bảo hiểm có trách nhiệm to lớn trong việc cung cấp bảo hiểm cho mọi người, đặc biệt là đối với một quốc gia như Ấn Độ”. Bà kêu gọi các công ty bảo hiểm mạnh tay hơn trong việc bán bảo hiểm vì không còn lựa chọn nào khác.

Ấn Độ: Bảo hiểm chăm sóc tại nhà được cung cấp dưới dạng sản phẩm bổ trợ cho bảo hiểm sức khỏe

(AIR) – IRDAI cho biết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm cả các công ty bảo hiểm sức khỏe độc lập, bắt đầu được phép cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc điều trị nội trú hoặc điều trị tại nhà. Các dịch vụ này được cung cấp dưới dạng sản phẩm bổ trợ cho các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe và phải trả thêm phí.

Các công ty bảo hiểm phải đăng ký các sản phẩm bổ trợ này lên IRDAI nếu muốn cung cấp ra thị trường.

Các tiêu chí của IRDAI trong việc xác định dịch vụ chăm sóc tại nhà là dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp tại nhà bao gồm:

+ Dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho những bệnh thường cần nằm viện với điều kiện bác sĩ tư vấn rằng người được bảo hiểm có thể được chăm sóc tại nhà;

+ Có tuyến điều trị tích cực liên tục với tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm được bác sĩ theo dõi hàng ngày trong thời gian điều trị tại nhà; và

+ Hồ sơ theo dõi hàng ngày của bệnh nhân được bảo hiểm và phương pháp điều trị được ghi và ký bởi người hành nghề y tế.

IRDAI cho biết các tiêu chí để giải quyết các yêu cầu bồi thường sản phẩm này cần được nêu trong hợp đồng và tờ rơi sản phẩm.

Với biện pháp mới nhất này, các công ty bảo hiểm sẽ tiết kiệm chi phí trả cho việc nằm viện hàng ngày nhưng chi phí cho bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tại nhà có thể cao hơn mức viện phí.

Trung Quốc: AIA nhận giấy phép hoạt động bảo hiểm tại Hồ Bắc

(AIR) – Tập đoàn AIA thông báo rằng Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã chấp thuận cho AIA Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị thành lập một chi nhánh mới tại tỉnh Hồ Bắc mà Vũ Hán là thủ phủ.

Ông Lee Yuan Siong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIA Group, cho biết trong một tuyên bố:“Đây là một bước quan trọng tiếp theo trong chiến lược mở rộng địa lý của chúng tôi tại Trung Quốc đại lục, sau khi ra mắt hoạt động mới nhất của chúng tôi tại tỉnh Tứ Xuyên vào tháng Tư”.

Ông Fisher Zhang, Giám đốc điều hành của AIA Trung Quốc, cho biết, “Hồ Bắc nằm ở vị trí chiến lược ở miền trung Trung Quốc như một trung tâm giao thông chính của đất nước, hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của nó. Hồ Bắc cũng là một trung tâm quan trọng cho giáo dục đại học ở Trung Quốc đại lục, cung cấp khả năng tiếp cận các nguồn nhân tài sâu sắc để phát triển các chuyên gia bảo hiểm toàn thời gian. ”

AIA bắt nguồn từ Thượng Hải vào năm 1919 và là công ty nước ngoài đầu tiên có công ty con bảo hiểm nhân thọ thuộc sở hữu hoàn toàn ở Trung Quốc đại lục. Công ty hiện có các hoạt động tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông, Thâm Quyến, Giang Tô, Thiên Tân, Hà Bắc và một chi nhánh mới mở ở Tứ Xuyên.

Carro ra mắt sản phẩm bảo hiểm ô tô dựa trên sử dụng, công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Singapore

(IBM) – Sàn giao dịch trên môi trường thương mại điện tử Carro đã đưa ra một kế hoạch bảo hiểm và bảo dưỡng xe ô tô trả tiền theo km tính theo trí tuệ nhân tạo (AI) ở Singapore.

Trong một tuyên bố mới đây, Carro cho biết sản phẩm Covered của họ là sản phẩm đầu tiên thuộc loại hình này ở Singapore và cho phép người lái xe của tất cả các loại ô tô – bao gồm cả xe điện (EV) – “điều chỉnh phí bảo hiểm và bảo dưỡng của họ tùy theo lối sống”.

Sau quá trình đăng ký kỹ thuật số, khách hàng sẽ được gửi hướng dẫn cài đặt và thiết bị Carro IQ, đây là thiết bị telematics do công ty công nghệ Quantum Inventions (QI) phát triển.

Sau khi được cài đặt, thiết bị sẽ bắt đầu theo dõi dữ liệu đồng hồ đo quãng đường của xe, dữ liệu này sẽ được sử dụng để tính phí bảo hiểm và bảo dưỡng dựa trên mức sử dụng.

Aaron Tan, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Carro, cho biết: “Kỹ thuật số hóa đã biến ngành công nghiệp ô tô thành một trò chơi hoàn toàn mới.

“Là một trong những người đầu tiên thực hiện các khoản đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, Carro đã có thể cung cấp cho các thế hệ chủ sở hữu ô tô mới một điểm tiếp xúc duy nhất để giải quyết các mối quan tâm về ô tô của họ thông qua các dịch vụ end-to-end do AI điều khiển – bao gồm cả bảo hiểm dựa trên người dùng (UBI).

“Các dịch vụ UBI hiện có của chúng tôi đã được đón nhận với thành công lớn và chúng tôi rất vui mừng được thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số này một bước gần hơn với Covered. Việc có được sự tiện lợi của UBI và bảo trì trong một gói gọn gàng, cá nhân hóa giúp người lái xe tiết kiệm hơn cho cả hai bên và hợp lý hóa hơn nữa việc quản lý quyền sở hữu xe hơi”.

Covered được phân phối bởi Genie Financial Services, một công ty con của Carro, và được NTUC Income đánh giá rủi ro và cấp đơn.

Đại dịch thúc đẩy hoạt động M&A môi giới bảo hiểm toàn cầu

(INN) – Theo nhận định của Công ty tư vấn Insuramore có trụ sở tại Anh, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập toàn cầu giữa các tập đoàn môi giới vào năm 2020 nhưng lĩnh vực này vẫn tương đối phân mảnh.

Công ty cho biết: “Đại dịch có tác dụng khuyến khích hoạt động M&A với hàng trăm giao dịch được thực hiện trên toàn cầu”.

Các thương vụ khác được cho là sẽ hoàn thành trong năm nay bao gồm việc sáp nhập giữa Aon và Willis Towers Watson, các thương vụ thâu tóm của Howden, Chedid Capital, Ardonagh Group, Arthur J. Gallagher, Marsh McLennan và Amwins.

Insuramore cho biết 20 tập đoàn hàng đầu năm 2020 chỉ chiếm hơn một nửa doanh thu môi giới bảo hiểm toàn cầu, với tổng doanh thu phí và hoa hồng ước tính 117,7 tỷ USD.

“Nếu không nổi lên như những người chiến thắng giữa tình trạng phong tỏa, thì chí ít các tập đoàn môi giới bảo hiểm cũng chịu tác động từ đại dịch toàn cầu ít hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong các ngành khác,” công ty tư vấn cho biết.

Loại trừ tác động của lạm phát, doanh thu môi giới toàn cầu tăng 3-5%, trong đó môi giới tái bảo hiểm và môi giới bán buôn, cùng với môi giới bảo hiểm tài sản và thiệt hại có xu hướng tốt hơn so với bảo hiểm phúc lợi cho nhân viên.

Phí và hoa hồng của môi giới bán lẻ bảo hiểm tài sản và thiệt hại thương mại ước tính là 55,1 tỷ USD, còn lại 11,2 tỷ USD đến từ bảo hiểm cá nhân. Môi giới bán lẻ bảo hiểm quyền lợi người lao động và bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe chiếm 37,6 tỷ USD. Còn lại 5,3 tỷ USD đến từ tái bảo hiểm và 8,4 tỷ USD từ môi giới bán buôn.

Chuyển sang IFRS 17 khiến ngành bảo hiểm tiêu tốn đến 20 tỷ đô la

(INN) – Theo một cuộc khảo sát của Willis Towers Watson đối với 312 công ty bảo hiểm, ngành bảo hiểm trên toàn cầu có thể sẽ phải gánh khoảng 15-20 tỷ USD chi phí tích lũy để chuyển đổi sang IFRS 17, bộ quy tắc kế toán mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2023.

Nhà môi giới cho biết chi phí trung bình cho 24 công ty đa quốc gia lớn nhất là 175-200 triệu USD/công ty và 20 triệu USD/công ty đối với 28 công ty bảo hiểm còn lại.

“Đây là một con số bất thường và đương nhiên sẽ dẫn đến nhiều câu hỏi từ các hội đồng quản trị và các nhà đầu tư”, Trưởng nhóm Cố vấn IFRS 17 Toàn cầu, Kamran Fo rawhi cho biết. “Đối với nhiều người, những cải tiến đáng kể cũng sẽ được yêu cầu trong các quy trình kinh doanh và hoạt động tài chính để cung cấp IFRS 17 một cách hiệu quả và liên kết với các chỉ số đo lường khác”.

“Với sự đầu tư thông minh và đúng người, chương trình IFRS 17 của công ty bảo hiểm có khả năng giúp tiết kiệm hàng năm trong dài hạn bù lại cho việc phải trích ra các khoản chi phí trả trước lớn”.

Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế17 (IFRS 17), một trong những cải tiến quan trọng nhất được thực hiện đối với kế toán bảo hiểm trong hơn 20 năm, đã được Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành vào tháng 5 năm 2017.

Chuẩn mực này thay thế IFRS 4 – biện pháp tạm thời dẫn đến việc các công ty bảo hiểm sử dụng các chuẩn mực kế toán khác nhau.

Khi IFRS 17 được thực hiện, các hợp đồng bảo hiểm sẽ được hạch toán một cách nhất quán trên toàn cầu, giúp cho việc so sánh hiệu quả hoạt động trở nên dễ dàng hơn.

Tại Úc, chuẩn mực mới được Ban Tiêu chuẩn Kế toán Úc ban hành có tên là AASB 17.

Willis Towers Watson cho biết, kể từ cuộc khảo sát cuối cùng vào tháng 6 năm ngoái, đã có những tiến bộ rõ ràng trong các lĩnh vực như dữ liệu và quy trình làm việc CNTT.

Tuy nhiên, nhà môi giới cho biết việc thiết lập một quy trình mạnh mẽ để tuân thủ lịch trình báo cáo chặt chẽ vẫn là một thách thức.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, để triển khai IFRS 17, cần có lực lượng lao động tương đương hơn 10.000 nhân viên toàn thời gian.

“Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với chiến lược tuyển dụng và duy trì của các công ty bảo hiểm, cả trong và ngoài chương trình IFRS 17”.

Ngoài ra, tỷ lệ các công ty bảo hiểm hiểu rõ về ý nghĩa kinh doanh của IFRS 17 đã cải thiện từ mức 6% năm ngoái lên 17%.

BTV (Tổng hợp).