Thặng dư của Bảo hiểm Fubon tiếp tục đà tăng; Doanh thu LVI tăng hơn 56 lần sau 15 năm thành lập; Dự báo sớm tương lai bảo hiểm xe điện
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Cháy lớn tại Cao Bằng
(Caobangtv) – Vào khoảng 11h 45 phút, ngày 29/6/2023, tại tổ 3, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng đã xảy ra 01 vụ cháy làm thiêu rụi hoàn toàn 03 kiot liền kề gồm: 01 tiệm tóc, 01 hàng trà sữa và 01 hàng bún hải sản, rất may không có thiệt hại về người.
Theo bà Sầm Thu Oanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đề Thám cho biết: Vào thời điểm trên, tại kiot bán hàng bún hải sản của Bà Đinh Ánh Hồng xảy ra chập điện, bà Hồng đã tự dập lửa, song do đám cháy bùng lớn, bà Hồng mới vội hô hoán các hộ kinh doanh cùng chạy thoát ra ngoài đám cháy, đồng thời thông tin cho Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đến và các lực lượng tại chỗ để tham gia dập lửa. Đến khoảng 12h30 phút đám cháy cơ bản đã được dập tắt hoàn toàn, song do đám cháy lan nhan, toàn bộ tài sản và đồ dùng của các hộ kinh doanh tại 03 Kiot đã bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn, 01 hộ dân sinh sống cạnh cũng bị ảnh hưởng, rất may lửa chưa cháy lan vào trong nhà. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ngay sau khi có thông tin xảy ra cháy, Đ/c Nguyễn Thế Hoàn, Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng và lãnh đạo các phòng chuyên môn đã có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục, đồng thời yêu cầu UBND phường Đề Thám huy động các lực lượng hỗ trợ di dời tài sản, thống kê tài sản thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân và đề nghị lực lượng chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân xảy ra cháy.
- Một vòng doanh nghiệp
Prudential tiếp tục phủ rộng mô hình trung tâm chăm sóc khách hàng mới
(TBTCO) – Tiếp nối mô hình Trung tâm Chăm sóc khách hàng tại Đà Nẵng vừa khai trương cuối tháng 5 vừa qua, Prudential Việt Nam (Prudential) tiếp tục khai trương Trung tâm Chăm sóc khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu thêm cột mốc quan trọng tiếp theo của Prudential trong chiến lược “đặt khách hàng làm trọng tâm”.
Trung tâm Chăm sóc khách hàng Prudential tại TP. Hồ Chí Minh tọa lạc tại tòa nhà Flemington (182 Lê Đại Hành, quận 11, TP. Hồ Chí Minh) được chính thức đi vào hoạt động, hứa hẹn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng với không gian sang trọng, dịch vụ hỗ trợ khách hàng được hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Trung tâm Chăm sóc khách hàng PruPlaza 2-4 Bến Cần Giuộc, quận 8, TP. Hồ Chí Minh cũng chuyển sang địa điểm mới từ ngày 26/06/2023.
Tại sự kiện khai trương, ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ: “Trung tâm Chăm sóc khách hàng với mô hình hoàn toàn mới được Prudential xây dựng hướng đến việc cung cấp cho khách hàng trải nghiệm hoàn hảo và đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của khách hàng khi đến với Prudential. Đề án này được chúng tôi ấp ủ thực hiện trên tôn chỉ ‘luôn đặt khách hàng là trọng tâm’, từ ý tưởng thiết kế đến việc trang bị quy trình chăm sóc khách hàng toàn diện, hiện đại và nâng tầm trải nghiệm của khách hàng”.
Đồng nhất và chuẩn hóa với trung tâm tại Đà Nẵng, Trung tâm Chăm sóc khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh có không gian hiện đại, sang trọng nhưng vẫn tạo được cảm giác thoải mái để khách hàng có thể trao đổi thông tin, giải quyết các nhu cầu về bảo hiểm. Prudential sắp xếp các khu vực đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu và mong muốn của khách hàng khi đến với Trung tâm Chăm sóc khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh một cách tối ưu nhất, bao gồm: khu vực giao dịch tại quầy, khu vực trải nghiệm dịch vụ số, khu vực tư vấn riêng, phòng chăm sóc khách hàng VIP và nhiều khu vực khác. Ngoài ra, Prudential còn đầu tư vào hệ thống trang thiết bị hiện đại nhằm đem lại những tiện ích thông minh cho khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ tại trung tâm.
Bên cạnh mô hình rtung tâm chăm sóc khách hàng, đầu tháng 6 vừa qua, Prudential cũng ra mắt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới 2023, với phiên bản tóm tắt dễ hiểu, dễ tra cứu, dễ dàng cho khách hàng lưu trữ nhưng vẫn đầy đủ tính pháp lý, giúp khách hàng đơn giản hóa việc tiếp cận hợp đồng bảo hiểm.
Việc không ngừng đổi mới để phục vụ khách hàng luôn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của Prudential, hướng theo tôn chỉ “luôn đặt khách hàng là trọng tâm” và không ngừng nỗ lực để mang lại những giá trị tốt nhất cho khách hàng trong suốt hành trình đổi mới và phát triển.
Fubon Life Việt Nam khai trương văn phòng tổng đại lý tại TP. Hồ Chí Minh
(TBTCO) – Với định hướng không ngừng mở rộng mạng lưới kinh doanh, vươn tới các tỉnh thành của dải đất hình chữ S, để người dân dễ dàng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm, tiếp nối tháng 4 và tháng 5 với sự ra mắt của hai văn phòng tổng đại lý tại tỉnh Bình Thuận và Long An, tháng 6, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Fubon Việt Nam (Fubon Life Việt Nam) phối hợp với Công ty TNHH MTV Tân Khang Lộc đã chính thức khai trương Văn phòng Tổng đại lý mới tại TP. Hồ Chí Minh. Loạt các văn phòng tổng đại lý liên tục được khai trương khẳng định mạnh mẽ Fubon Life Việt Nam cam kết thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Văn phòng Tổng đại lý Tân Khang Lộc là văn phòng thứ 3 liên tiếp được khai trương trong quý II/2023.
Với phương châm “Khách hàng là trung tâm”, văn phòng đại lý mới tại TP. Hồ Chí Minh là mắt xích trọng điểm trong mạng lưới các văn phòng tại Nam Bộ, tiếp nối nỗ lực trong việc phủ sóng vươn mình về phía Nam của Fubon Life Việt Nam. Văn phòng Tổng đại lý mới tại TP. Hồ Chí Minh được đặt tại số 46 Nguyễn Sỹ Sách, phường 15, quận Tân Bình – là một trong những quận có nền kinh tế mạnh và tích cực nhất của TP. Hồ Chí Minh.
Mở rộng mạng lưới văn phòng tổng đại lý là chiến lược phát triển quan trọng nhằm phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, hướng đến mục tiêu trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các gia đình Việt. Đặc biệt, dịch vụ bảo hiểm với quy trình đơn giản, cùng đội ngũ tư vấn viên được đào tạo chuyên nghiệp, tận tâm sẽ tư vấn và hỗ trợ khách hàng hoàn tất giao dịch nhanh chóng, mang đến những trải nghiệm dịch vụ tối ưu cho khách hàng.
Bà Lo, Mei – Fang – Tổng giám đốc của Fubon Life Việt Nam, chia sẻ: “Việc liên tiếp khai trương văn phòng mới này không chỉ phản ánh công ty đang phát triển mạnh mẽ mà quan trọng hơn là đáp ứng nhu cầu được tham gia bảo hiểm của người dân TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tư vấn, chăm sóc và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tôi tin rằng, đây sẽ trở thành điểm đến đáng tin cậy trong việc mang đến những giải pháp bảo vệ, tích lũy tài chính và chăm sóc sức khỏe chất lượng ưu việt cho khách hàng và gia đình trên mọi hành trình của cuộc sống”.
Nhân dịp khai trương, Fubon Life Việt Nam dành tặng 12 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc Hội khuyến học phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, tổng trị giá 10 triệu đồng, tiếp tục hành trình lan tỏa thông điệp “Chắp cánh ước mơ tuổi thơ” nhằm mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bảo hiểm Bảo Việt ký kết hợp tác với Bệnh viện Hòe Nhai và Bệnh viện E
(TBTCO) – Trong tháng 6/2023, Bảo hiểm Bảo Việt đã chính thức ký kết thoả thuận hợp tác bảo lãnh cùng Bệnh viện Đa khoa Hoè Nhai và Bệnh viện E, nhằm mở rộng lợi ích và mang lại cho khách hàng thêm lựa chọn cơ sở thăm khám, điều trị bệnh uy tín.
Hợp tác cùng Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai
Ngày 27/6/2023, Bảo hiểm Bảo Việt ký kết hợp tác cùng Bệnh viện Đa khoa Hoè Nhai – bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trong những năm vừa qua, bệnh viện không ngừng đẩy mạnh công tác chuyên môn và chất lượng dịch vụ. Bệnh viện đã đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Bệnh viện đã thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành và các bác sĩ giỏi trong lĩnh vực tim mạch, cấp cứu, hồi sức và phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ về trực tiếp khám chữa bệnh. Với tiêu chí “Người bệnh là ân nhân”, bệnh viện cam kết cung cấp dịch vụ y tế chất lượng 4 sao với giá dịch vụ ở mức 3 sao.
Thông qua việc mở rộng hệ thống bệnh viện bảo lãnh, Bảo hiểm Bảo Việt giúp gia tăng lựa chọn cho khách hàng được sử dụng dịch vụ chăm sóc điều trị trên địa bàn Hà Nội với những chương trình bảo hiểm phù hợp từ Bảo hiểm Bảo Việt. Đồng thời, sự kiện đánh dấu sự hợp tác bền chặt để cùng đạt được nhiều thành tựu và đồng hành phát triển vững mạnh trong thời gian tới.
Hợp tác cùng bệnh viện E – bệnh viện đa khoa tuyến trung ương
Cũng trong tháng 6/2023, Bảo hiểm Bảo Việt đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác bảo lãnh cùng Bệnh viện E – một trong những bệnh viện đa khoa trung ương hạng I, thông qua đó mở rộng hệ thống bệnh viện bảo lãnh của Bảo hiểm Bảo Việt để mang lại cho khách hàng thêm lựa chọn và sự thuận tiện khi sử dụng các gói bảo hiểm.
Bệnh viện E với quy mô hơn 1.000 giường, có 64 khoa, phòng và 5 trung tâm, với trên 1.300 cán bộ viên chức, người lao động. Bệnh viện E có hệ thống trang thiết bị hiện đại và thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị, cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân, trong đó có khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt. Thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng và luôn đặt lợi ích của khách hàng làm kim chỉ nam, việc ký kết hợp tác với bệnh viện E sẽ mang lại cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ y tế tốt nhất, giảm thiểu nỗi lo tài chính và đem lại những giá trị sống tốt hơn.
Quy mô doanh thu của LVI đã tăng gấp hơn 56 lần sau 15 năm thành lập
(ĐTCK) – Quy mô doanh thu của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI) tăng gấp hơn 56 lần sau 15 năm xây dựng và phát triển, giữ vững vị trí thứ 2 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm tại thị trường Lào.
Lợi nhuận của LVI cũng liên tục đạt mức tăng trưởng cao từ năm 2012 tới nay. Đặc biệt, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của LVI tăng trưởng hơn 98% so với năm 2021, giúp LVI tiếp tục dẫn đầu thị trường về tỉ suất sinh lời. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt của LVI cũng đóng góp chung vào kết quả hợp nhất của công ty mẹ BIC.
LVI hiện có 3 chi nhánh, 14 phòng kinh doanh, 90 cán bộ, hơn 100 đại lý và phục vụ hơn 70.000 khách hàng trên toàn quốc với tổng hạn mức trách nhiệm bảo hiểm lên tới hàng tỷ USD và là một trong những thương hiệu bảo hiểm được yêu thích. Công ty cũng luôn là đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị điều hành và kinh doanh.
Năm 2008, thực hiện chiến lược của Ban lãnh đạo BIDV nhằm khép kín chuỗi cung ứng dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm của BIDV tại thị trường Lào, BIC cùng Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LVB) đã thành lập Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào – Việt (LVI).
Việc ra mắt công ty bảo hiểm tại Lào được đánh giá là bước đi táo bạo, đột phá nhưng cũng là kế hoạch đã được Ban lãnh đạo BIDV đặt ra và quyết tâm thực hiện để mở rộng hoạt động ngân hàng – bảo hiểm ra toàn bán đảo Đông Dương.
Sau 5 năm liên tục đột phá và tăng trưởng, năm 2013, BIC đã xúc tiến mua lại phần vốn góp của Ngân hàng Liên doanh Lào Việt để tăng tỷ lệ sở hữu tại LVI lên 65%, tiếp tục thực hiện chiến lược khuếch trương thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động của BIDV, BIC tại thị trường Lào.
MIC tổ chức Hội nghị nhà đầu tư tìm nhà đầu tư chiến lược trong 2023
(MIC) – MIC dự kiến trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo MIC kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh cả về lợi nhuận và thị phần.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư sáng 27/6, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội đã tiết lộ kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm và dự kiến kết quả nửa đầu năm 2023.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm gốc của MIC đạt 2.047 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 84% kế hoạch của 6 tháng đầu năm. Tỷ lệ Combine Ratio (Tỷ lệ chi phí kết hợp bao gồm 2 cấu phần là tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại và tỷ lệ chi phí hoạt động) đạt 96%.
Lợi nhuận trước thuế 5 tháng của MIC đạt gần 140 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm gốc đạt 31,5 tỷ đồng, tăng 712%; lợi nhuận từ hoạt động đầu tư và hoạt động khác đạt 107,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
MIC dự kiến trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 46% kế hoạch cả năm nhưng vượt 14% so với kế hoạch nửa năm.
Chia sẻ về việc đặt kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 40% so với cả năm, bà Ngô Bích Ngọc – Thành viên HĐQT MIC, cho rằng 6 tháng cuối năm là cơ hội với doanh nghiệp bảo hiểm để có thể đẩy mạnh doanh thu và thị phần.
Bà cho hay với MIC hoạt động kinh doanh cũng đang khởi sắc cả ở kênh truyền thống và kênh số. Các sản phẩm bảo hiểm lõi như bảo hiểm xe cơ giới (tăng 15%), bảo hiểm tài sản kỹ thuật (tăng 28%) và bảo hiểm hàng hải (tăng 14%).
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu lọt vào Top 4 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu bảo hiểm tăng trưởng khoảng 17% so với năm trước, lợi nhuận tăng trưởng 75% đạt 350 tỷ đồng. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên trước đó, ban lãnh đạo của MIC khá lạc quan với kết quả kinh doanh quý I và tự tin rằng công ty sẽ hoàn thành mục tiêu trong cả năm 2023.
MIC cũng có phương án tìm kiếm đối tác chiến lược với tỷ lệ sở hữu từ 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên. Tuy nhiên, ban lãnh đạo MIC cho biết mặc dù đã gặp nhiều đối tác chiến lược nhưng đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa tìm được “ứng viên” phù hợp so các tiêu chí đề ra cũng tương đối cao.
Tiêu chuẩn lựa chuẩn nhà đầu tư được đưa ra là nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có uy tín, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường tài chính, có kinh nghiệm phát triển bán lẻ, kênh bán,…
Nhà đầu tư phải có cam kết hợp tác với công ty ít nhất ba năm và có khả năng hỗ trợ công ty về mặt quản trị; hoạch định chiến lược, tài chính; có năng lực xây dựng triển khai sản phẩm đa dạng; hệ thống thông tin hiện đại.
Tổng Giám đốc Chubb Life Việt Nam: 18 năm vững vàng giá trị bảo vệ từ chính chữ ‘tâm’
(TBTCO) – Khởi nguồn với sứ mệnh bảo vệ từ “tâm”, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam) mang đến hàng triệu tấm lá chắn cho khách hàng gần hai thập kỷ qua. Nền tảng tài chính hùng mạnh của công ty mẹ cùng nỗ lực chuyển mình trước những biến đổi thời cuộc chính là động lực để Chubb Life vững vàng trên hành trình “xây thành đắp lũy” này.
Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) được xem là “thành trì” bảo vệ mọi người dân trước những biến cố bất ngờ xảy đến trong cuộc sống. Để cam kết ấy được thực thi trọn vẹn, các giải pháp bảo vệ sức khỏe, tài chính cần được phát triển và gửi trao từ chính “cái tâm” của những người làm nghề, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm 2022, Chubb Life Việt Nam đã chi gần 1.360 tỷ đồng để chi trả bồi thường và các quyền lợi bảo hiểm kèm theo, tăng 52% so với năm 2021. Gần nhất vào giữa tháng 6, công ty đã thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng các gia đình thông qua việc chi trả quyền lợi kịp thời, đầy đủ cho 3 khách hàng tại Nam Định, với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng. Trong đó, hai khách hàng nhận quyền lợi bảo hiểm tử vong lần lượt 1,3 tỷ đồng và 300 triệu đồng. Khách hàng còn lại được nhận được chi trả 789 triệu đồng, khi mắc phải căn bệnh ung thư.
Chubb Life Việt Nam còn thể hiện cam kết bảo vệ khách hàng mạnh mẽ thông qua việc duy trì biên khả năng thanh toán ở mức rất cao. Tính đến cuối năm 2022, con số này đạt 230% biên khả năng thanh toán theo yêu cầu luật định.
Minh chứng cho những nỗ lực “bảo vệ từ tâm” của Chubb Life Việt Nam là vị trí Top 5 trong nhóm 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2023 theo công bố từ Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report). Đây là lần thứ 8 liên tiếp Chubb Life Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này và là lần thứ 2 liên tiếp giữ vị trí Top 5, nhờ vào kết quả tốt thông qua 3 tiêu chí đánh giá: năng lực và hiệu quả tài chính, chỉ số truyền thông và mức độ tin cậy, uy tín của doanh nghiệp qua các khảo sát.
Động lực phát triển của Chubb Life Việt Nam không chỉ đến từ mục tiêu hàng đầu là trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân Việt mà còn từ sự trợ lực bởi danh tiếng và quy mô của Chubb Limited – thương hiệu bảo hiểm từ Hoa Kỳ, với bề dày lịch sử 231 năm.
Tập đoàn đã mở rộng hoạt động ra 54 quốc gia và xác lập vị thế “người khổng lồ” trong ngành với danh mục sản phẩm đa dạng sau hơn hai thế kỷ. Tháng 7/2022, Chubb Limited hoàn tất thương vụ mua lại mảng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khoẻ và BHNT tại 6 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương từ Cigna. Đây là bước đi quan trọng giúp tập đoàn tăng trưởng hai chữ số trong năm 2022, đánh dấu giai đoạn kinh doanh hiệu quả nhất trong lịch sử với nhiều kỷ lục mới về tài chính được thiết lập.
Cụ thể, Chubb Limited ghi nhận thu nhập từ hoạt động cốt lõi năm 2022 đạt 6,46 tỷ USD (tương đương 151.700 tỷ đồng), mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn. Ba tháng đầu năm 2023, thu nhập hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là mức cao nhất tính theo quý với 1,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản của tập đoàn tính đến ngày 31/3/2023 đạt 201,4 tỷ USD (tương đương 4,73 triệu tỷ đồng) và nguồn vốn đạt 67,7 tỷ USD (tương đương 1,59 triệu tỷ đồng).
Lấy “lòng nhân” làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động, Chubb Life Việt Nam còn năng động chuyển mình trước những đổi thay của xã hội, để mang đến những tấm lá chắn vững chắc cho hơn 540.000 khách hàng trên dải đất hình chữ S.
Cụ thể, Chubb Life Việt Nam là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường sở hữu hệ sinh thái số toàn diện, không chỉ nâng tầm chuyên nghiệp cho đội ngũ kinh doanh, mà còn tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng: từ “trợ lý ảo 4.0” Smart Agency hỗ trợ đội ngũ kinh doanh quản lý công việc, ứng dụng Chubb eConnect giúp khách hàng tương tác trực tiếp với công ty đến quy trình thẩm định tự động Straight Through Processing.
Mặt khác, doanh nghiệp còn nỗ lực đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng “trúng đích” nhu cầu khách hàng. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn những sản phẩm bảo vệ theo từng giai đoạn cuộc đời hay xuyên suốt từ 1 tháng tuổi tới 99 tuổi, những sản phẩm bảo hiểm đồng hành cùng chặng đường học vấn của con trẻ hay các sản phẩm cao niên, hay sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị – Kế hoạch tài chính chủ động – đáp ứng đồng thời cả 2 nhu cầu: bảo vệ và đầu tư.
Hiểu rằng BHNT là sản phẩm đặc biệt liên quan đến con người, Chubb Life Việt Nam còn xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, chuẩn mực. Trên nền tảng văn hóa chính trực và tôn trọng sự khác biệt, Chubb Life Việt Nam kiến tạo môi trường làm việc thúc đẩy sáng tạo, lộ trình thăng tiến rõ ràng, chính sách tưởng thưởng xứng đáng,… Qua đó, mỗi chuyên viên tư vấn tài chính bảo hiểm được “truyền lửa” để phát huy tối đa năng lực, trở thành cầu nối đáng tin cậy giữa công ty và khách hàng.
18 năm hoạt động cũng là chặng đường bền bỉ mà Chubb Life Việt Nam góp sức vào các hoạt động cộng đồng nhằm vun đắp cuộc sống tươi đẹp hơn cho người Việt. Công ty đã đóng góp gần 34 tỷ đồng để xây mới 10 trường học, hỗ trợ thiết bị học tập và hàng nghìn suất học bổng để mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn cho hàng nghìn trẻ em ở những vùng xa xôi.
“Suốt 18 năm qua cũng như hành trình sau này, Chubb Life Việt Nam không ngừng làm mới chính mình để theo kịp những biến đổi của thời cuộc, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ hàng triệu gia đình Việt và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bảo hiểm cũng như nền kinh tế Việt Nam” – ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam khẳng định.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, giảm 2% thuế VAT
(ĐTCK) – Đây là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV vừa được Quốc hội thông qua chiều 24/6.
Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ
Chiều 24/6, với 481/482 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 97,37%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số vấn đề như bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm; nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Đề xuất giải pháp chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật. Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng. Điều hành lãi suất phù hợp diễn biến của lạm phát.
Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
Khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
“Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Quốc hội yêu cầu.
Giảm 2% thuế VAT hết năm 2023 từ 1/7 – 31/12/2023
Theo Nghị quyết Kỳ họp, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% (xuống còn 8%), áp dụng từ ngày 1/7/2023 – 31/12/2023.
Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo kết quả thực hiện cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 43”, Nghị quyết nêu.
Trước đó, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Đối với một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm 2% để áp dụng với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%, nâng mức giảm lên 3%, 4% hoặc 5% và kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến giữa năm 2024 hoặc hết năm 2024; ông Cường cho biết, nếu mở rộng hơn nữa phạm vi, mức độ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tác động, ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, Chính phủ chưa có tính toán và đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước các tháng đầu năm giảm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ phạm vi và mức độ giảm thuế giá trị gia tăng như dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 kết quả thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cùng với kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế (nếu có).
Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank
Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, Quốc hội cũng chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2021 – 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2023 của Ngân hàng này, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2023, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
“Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”, Nghị quyết nêu.
- Nhịp đập thị trường
Dự báo sớm tương lai bảo hiểm xe điện
(ĐTCK) – Xu hướng sử dụng xe điện đang tăng nhanh tại Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho dòng sản phẩm bảo hiểm xe mới này, song cũng được dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần như dòng bảo hiểm xe truyền thống hiện tại.
Doanh số xe điện tiếp tục dẫn đầu
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 5/2023, toàn thị trường ô tô tiêu thụ tổng cộng 20.726 xe các loại, giảm 8% so với tháng 4 và giảm 53% doanh số so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2023 giảm 36% so với cùng kỳ 2022.
Lượng xe hơi bán mới trong những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh khiến tình hình khai thác doanh thu phí từ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới gặp khó khăn. Chưa có số liệu thống kê chính thức toàn thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ước tính, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới quý II/2023 chưa có nhiều cải thiện so với quý I. Được biết, mức giảm doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới trong quý đầu năm nay là hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Bảo hiểm xe cơ giới luôn được coi là sản phẩm chủ lực (chiếm khoảng 20% thị phần tổng doanh thu) nên hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều muốn khai thác tối đa sản phẩm này.
Trong bức tranh màu xám đó, bảo hiểm xe điện nổi lên như là tia sáng hiếm hoi. Báo cáo bán hàng từ VinFast cho biết, trong tháng 5/2023, hãng ô tô này đã hoàn tất bàn giao tổng cộng 1.274 xe VF8 đến tay khách hàng Việt Nam. Như vậy, xe điện VinFast có lần thứ hai dẫn đầu toàn thị trường về doanh số, sau khi dòng xe VFe34 giành ngôi đầu trong kỳ báo cáo tháng 4.
Sự tăng trưởng về xe điện của VinFast trong năm 2023 đến từ việc hãng ô tô này đã ngừng sản xuất xe xăng và dồn toàn lực cho xe điện từ tháng 7/2022. Kỷ nguyên xe điện đang mở ra cơ hội phát triển những dòng sản phẩm bảo hiểm mới dành riêng cho những chiếc xe “xanh” này tại Việt Nam.
Tương lai nào cho bảo hiểm xe điện?
Tại Hội thảo “Định hình kỹ năng cho nhân lực bảo hiểm và kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm xe điện” do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) phối hợp cùng Học viện Bảo hiểm và Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF), Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây, ông Bùi Gia Anh – Tổng thư ký IAV nhìn nhận, với sự chuyển dịch dần từ việc sử dụng xe xăng sang xe điện, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ có sự thay đổi về sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới truyền thống.
Thực tế cho thấy, xe điện là xu thế tất yếu trên thế giới. Tình trạng ô nhiễm môi trường, các tác hại không nhỏ do khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra… đã thúc đẩy thế giới chuyển đổi sang hướng sử dụng năng lượng xanh.
Tại Việt Nam, ngày 22/7/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông – vận tải (Quyết định số 876/QĐ-TTg), trong đó nêu rõ mục tiêu cần đạt được là phát thải ròng khí nhà kính tới năm 2050 về mức “0”. Đồng thời, chương trình cũng nêu lộ trình cụ thể cho mỗi giai đoạn để đến năm 2050, toàn bộ xe cơ giới tham gia giao thông tại Việt Nam sử dụng điện/năng lượng xanh.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả của ANZIIF chia sẻ kinh nghiệm triển khai bảo hiểm xe điện tại Trung Quốc – thị trường đi đầu về sử dụng xe điện trên quy mô toàn cầu. Thực tế, bảo hiểm xe điện đã được triển khai từ lâu trên thế giới, nhưng là xu hướng mới tại Việt Nam, nên các doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn tiếp nhận kinh nghiệm từ các nước có bảo hiểm xe điện phát triển, đặc biệt về vấn đề định phí, quản trị rủi ro đối với bảo hiểm xe điện.
Theo ông Anthony Baker, Phó tổng giám đốc Kỹ thuật, Allianz Partners APAC, mô hình định giá cho bảo hiểm xe điện khá phức tạp, chẳng hạn tại Đức có tới 35 mô hình định phí cho bảo hiểm xe điện, trong mỗi mô hình lại chia ra từng loại nhỏ rất cụ thể, rõ ràng.
Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, mỗi nhà sản xuất xe điện có công nghệ riêng, có dòng xe điện phải thay toàn bộ bộ phận pin, nhưng có dòng xe có thể bóc tách bộ phận, nên việc nắm rõ từng loại xe, từng hãng xe và thông tin từ các gara, trạm cứu hộ xe… là điều vô cùng cần thiết cho việc định phí và quản trị rủi ro trong bảo hiểm xe điện.
Với khoảng 25.000 yêu cầu bồi thường bảo hiểm mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước rất chú trọng tới việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bằng cách thu thập dữ liệu về các hãng xe điện, tần suất xảy ra sự cố xe (đâm va, hỏng hóc…), thói quen điều khiển xe của người dùng, lịch sử yêu cầu bồi thường của khách hàng, đầu tư vào công nghệ (cài thêm thiết bị vào xe để có thông tin chính xác khi rủi ro xảy ra), đầu tư lắp đặt và thu phí với hệ thống sạc pin cho xe điện…
Tại Việt Nam, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, để đón đầu sự phát triển của phân khúc này, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tung ra thị trường sản phẩm bảo hiểm vật chất pin cho xe điện. Cụ thể, PTI sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại vật chất của pin khi xe ô tô bị tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ.
Đối với sản phẩm bảo hiểm xe điện, ngoài các điểm loại trừ chung theo quy định, PTI sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những trường hợp tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, hỏng hóc do khuyết tật hoặc hỏng hóc thêm do sửa chữa, tổn thất của pin vì sử dụng thiết bị sạc không đúng…
Được biết, PTI là hãng bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam đưa ra sản phẩm bảo hiểm pin xe ô tô điện. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, các công ty bảo hiểm khác cũng dự kiến có những thay đổi, bổ sung điều khoản cho bảo hiểm xe cơ giới chạy bằng pin…
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, do bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự chủ xe cơ giới chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của chủ xe khi gây thiệt hại cho bên thứ ba, không liên quan đến động cơ của xe, nên việc tính phí và bán sản phẩm bảo hiểm này cho xe động cơ xăng và xe cơ giới chạy bằng pin đều như nhau.
Đối với bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện, việc bán bảo hiểm cho xe điện và và xe xăng về cơ bản giống nhau, nhưng có điểm khác là xe động cơ xăng có điều kiện thủy kích (có thu phí), còn xe điện có điều kiện bảo hiểm cho pin (cũng thu phí) do pin chủ xe đi thuê của hãng. Hai điều kiện này đều bán bảo hiểm nếu chủ xe yêu cầu.
Với bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện cho xe chạy bằng pin, hiện khách hàng có 3 lựa chọn mua gồm bảo hiểm vật chất thân vỏ xe không bao gồm pin, bảo hiểm vật chất xe cùng pin và bảo hiểm riêng cho pin, với mức phí cơ bản tương đương với mức phí đang áp dụng cho xe xăng.
Theo giải thích của vị đại diện trên, việc chia tách các sản phẩm cho loại hình bảo hiểm tự nguyện nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng. Hơn nữa, pin của xe điện là do chủ xe đi thuê của hãng xe, không thuộc sở hữu của chủ xe, nên các hãng bảo hiểm sẽ bán tách riêng bảo hiểm vỏ xe không bao gồm pin.
Hiện tại, mức phí bảo hiểm áp dụng cho xe điện tại thị trường Việt Nam tương đương phí bảo hiểm dành cho xe xăng, trong khi ở thị trường thế giới, người dùng các loại phương tiện sử dụng năng lượng mới phải đóng bảo hiểm cao hơn từ 15-20% so với phương tiện truyền thống.
Thực tế, xe chạy bằng pin là sản phẩm mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt. Tuy nhiên, trong tương lai, khi trở nên thông dụng hơn, cạnh tranh thị phần bảo hiểm cho dòng xe này dự báo sẽ rất khốc liệt, tương tự như bảo hiểm xe cơ giới hiện nay.
- Tin quốc tế
Ấn Độ chấp thuận đề nghị của HDFC tăng cổ phần trong HDFC Life, Ergo
(INA) – Trong một thông cáo báo chí mới đây, Ngân hàng HDFC cho biết Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã chấp thuận đề xuất của HDFC về việc mua thêm cổ phần trong HDFC Life và HDFC Ergo.
Ngày 21 tháng 4 vừa qua, Ngân hàng HDFC đã gửi yêu cầu cụ thể và giải thích rõ ràng tới Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI).
Quyết định này cũng liên quan đến việc RBI cho phép chuyển nhượng cổ phần của HDFC trong HDFC Life và HDFC Ergo cho Ngân hàng HDFC. Ngân hàng RBI cũng đề nghị Tập đoàn tăng tỷ lệ sở hữu trong hai đơn vị lên hơn 50% theo sự phê duyệt của CCI.
Quyết định được đưa ra trong cuộc họp CCI vào ngày 20 tháng 6, căn cứ Mục 31(1) của Đạo luật Cạnh tranh 2002.
Manulife Hồng Kông mở rộng mạng lưới bệnh viện liên kết tại Trung Quốc
(INA) – Manulife Hồng Kông đã mở rộng Mạng lưới bệnh viện liên kết tại Trung Quốc, hiện bao gồm hơn 3.000 bệnh viện trên khắp Trung Quốc đại lục.
Manulife là công ty đầu tiên ở Hồng Kông cung cấp cho khách hàng quyền tiếp cận tất cả các bệnh viện công cấp III ở Trung Quốc.
Việc mở rộng này giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ bảo vệ và sức khỏe kể từ khi mở lại biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Việc mở rộng bao gồm các bệnh viện công Hạng IIIB và IIIC, bên cạnh phạm vi bao phủ hiện có của các bệnh viện Hạng IIIA.
Các bệnh viện này nằm ở gần 300 thành phố trên khắp Trung Quốc Đại lục và được đánh giá cao về dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, dịch vụ chuyên biệt và trang thiết bị tiên tiến.
Ngoài ra, mạng lưới mở rộng còn bao gồm các bệnh viện công Hạng I và Hạng II chọn lọc, cũng như các bệnh viện tư nhân, mang đến cho khách hàng các dịch vụ y tế toàn diện và tiện lợi.
Phạm vi dịch vụ được cung cấp bao gồm điều trị chấn thương cấp tính, sắp xếp tiêm chủng, chăm sóc phòng ngừa, quản lý bệnh mãn tính, chăm sóc chuyên khoa, phục hồi chức năng, điều trị y học cổ truyền Trung Quốc và kiểm tra y tế.
Ngoài ra, Manulife cho biết họ hiện đang mở rộng mạng lưới đối tác cung cấp dịch vụ không dùng tiền mặt đã được phê duyệt trước, sẽ có mặt tại 3.100 bệnh viện trên khắp các thành phố ở đại lục.
Ông Carrie Tong, Giám đốc Điều hành Manulife Hồng Kông và Ma Cao, cho biết: “Chúng tôi tự hào là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên thị trường bảo hiểm tất cả các bệnh viện công hạng III trong mạng lưới mở rộng của chúng tôi. Mạng lưới của chúng tôi dẫn đầu thị trường với phạm vi bao phủ bệnh viện rộng nhất trong ngành”.
Năm ngân hàng Hồng Kông và HKECIC hợp tác đánh giá rủi ro cho doanh số bán hàng nội địa tại Trung Quốc
(INA) – Tập đoàn Bảo hiểm Tín dụng Xuất khẩu Hồng Kông (HKECIC) đã công bố hợp tác với năm ngân hàng để thí điểm kế hoạch “thỏa thuận chia sẻ rủi ro đối với doanh số bán hàng nội địa” ở Trung Quốc Đại lục.
Ngân hàng Trung Quốc (Hồng Kông), Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng DBS (Hồng Kông), Ngân hàng Hang Seng và HSBC đã hợp tác với HKECIC để tăng cường bảo hiểm cho các nhà xuất khẩu Hồng Kông.
Theo thỏa thuận này, các ngân hàng và HKECIC sẽ hợp tác để đánh giá mức độ tín nhiệm của người mua Đại lục đối với bảo hiểm tín dụng và các khoản vay xuất khẩu.
Họ sẽ chia sẻ kết quả đánh giá của mình và cả hai bên sẽ chịu trách nhiệm như nhau đối với rủi ro không thanh toán của người mua. Hạn mức tín dụng cho mỗi nhóm người mua sẽ được giới hạn ở mức 100 triệu đô la Hồng Kông.
Ông Terence Chiu, Ủy viên HKECIC, cho biết: “Mức độ công khai thông tin tín dụng và tài chính khác nhau đối với một số doanh nghiệp tư nhân ở Đại lục gây khó khăn đáng kể trong việc đánh giá tín dụng và rủi ro cho các doanh nghiệp này. HKECIC đã chủ động liên hệ với các tổ chức có liên quan để tìm hiểu các cơ hội hợp tác nhằm tiếp cận tốt hơn thông tin tín dụng của người mua Đại lục, do đó nâng cao khả năng chi trả bảo hiểm cho thị trường Đại lục”.
Singapore: MAS phạt 4 tổ chức 3,8 triệu đô la Singapore vì không tuân thủ các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền
(INA) – Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã áp dụng các hình phạt lên tới 3,8 triệu đô la Singapore đối với Citibank, DBS, OCBC và Swiss Life vì vi phạm các yêu cầu về Chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố (AML/CFT).
DBS bị phạt 2,6 triệu đô la Singapore vì vi phạm từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 2 năm 2020 liên quan đến tài khoản được duy trì bởi 11 khách hàng doanh nghiệp.
OCBC đang bị phạt 600.000 đô la Singapore vì vi phạm từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 1 năm 2016 liên quan đến các tài khoản được duy trì bởi một khách hàng doanh nghiệp.
Citibank phải đối mặt với hình phạt tổng cộng 400.000 đô la Singapore đối với các vi phạm trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020 đối với các vi phạm liên quan đến tài khoản được duy trì bởi 2 khách hàng doanh nghiệp.
Swiss Life Singapore bị phạt 200.000 đô la Singapore vì vi phạm vào tháng 5 năm 2017 liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư do SLSG đánh giá rủi ro.
MAS cho biết mặc dù các vi phạm nghiêm trọng nhưng họ không tìm thấy bất kỳ hành vi sai trái cố ý nào của bất kỳ nhân viên nào của các tổ chức tài chính (FI) này.
Trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình, MAS cho biết: “Các tổ chức tài chính đã thực hiện các hành động khắc phục nhanh chóng để giải quyết các thiếu sót do MAS xác định. Cụ thể gồm các cải tiến về thủ tục và quy trình, đồng thời đào tạo để nâng cao cảnh giác của nhân viên trong việc phát hiện và gia tăng mối lo ngại về rủi ro”.
MAS nói thêm rằng các tổ chức tài chính được yêu cầu phải đảm bảo hiệu quả bền vững của những cải tiến này.
Singlife hợp tác với Aspire để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ
(INA) – Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các dịch vụ, bao gồm phần mềm tài chính và sản phẩm bảo hiểm kinh doanh hợp túi tiền.
Singlife, một công ty dịch vụ tài chính, đã hợp tác với Aspire để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trên toàn khu vực.
Thông qua sự hợp tác này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận thuận tiện với nhiều loại dịch vụ, bao gồm phần mềm tài chính và bảo hiểm kinh doanh hợp lý.
Cả hai tổ chức cho biết trong một thông cáo báo chí rằng quan hệ đối tác mang lại lợi ích bổ sung cho khách hàng, vì giờ đây họ sẽ có quyền truy cập vào các sản phẩm bảo hiểm bổ sung liên quan đến kinh doanh.
Hơn nữa, liên doanh nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ điều hướng lạm phát gia tăng trong khi ưu tiên đảm bảo phúc lợi cho nhân viên.
Để khuyến khích, Aspire sẽ hoàn lại tới 8% tiền mặt của số phí bảo hiểm đã nộp khi tham gia thành công.
Ngoài ra, các dịch vụ nền tảng tài chính toàn diện của Aspire sẽ có sẵn cho các khách hàng SME của Singlife, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số mới để giải quyết các nhu cầu tài chính ngày càng gia tăng.
Với khả năng hiển thị và kiểm soát theo thời gian thực, khách hàng có thể bảo vệ và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình
Singlife trở thành bên ký kết Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm do Liên hợp quốc hỗ trợ
(INA) – Singlife đã trở thành bên ký kết Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên hợp quốc (UN) hỗ trợ, trở thành bên ký kết bảo hiểm đầu tiên ở Đông Nam Á.
Cùng với đó, Singlife đã công bố báo cáo phát triển bền vững đầu tiên của mình, trong đó vạch ra chiến lược phát triển bền vững gồm 5 hướng RAISE: Nhà đầu tư có trách nhiệm; Tăng tốc Net zero; Đổi mới xanh và tốt đẹp; Văn hóa gắn liền với tính bền vững; và Quản trị hiệu quả và quản lý rủi ro.
Ông Chia Ko Wen, Giám đốc Phát triển bền vững của Singlife, cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự là công ty bảo hiểm Đông Nam Á đầu tiên tham gia PRI. Điều này phản ánh sự cống hiến của chúng tôi trong việc đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kết quả phát triển bền vững thông qua đầu tư có trách nhiệm”.
Ông Davin Atkin, Giám đốc điều hành Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm, hoan nghênh Singlife với tư cách là người ký kết.
“Các công ty bảo hiểm là một tiếng nói không thể thiếu trong quá trình toàn cầu hướng tới đầu tư có trách nhiệm và chúng tôi hoan nghênh cam kết của Singlife về tính minh bạch và công bố thông tin, bằng chứng là việc công bố báo cáo bền vững của tổ chức. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Singlife với tư cách là một phần quan trọng trong cơ sở ký kết của PRI hiện tại và trong tương lai,” ông Atkin nói.
Ra mắt tại New York vào năm 2006, PRI hiện có hơn 5.000 thành viên đã ký và quản lý hơn 121 triệu đô la Mỹ. PRI hoạt động để hiểu ý nghĩa đầu tư của các yếu tố ESG và hỗ trợ mạng lưới các nhà đầu tư quốc tế đã ký kết kết hợp các yếu tố này vào quyết định đầu tư và quyền sở hữu của mình.
Các sáng kiến chiến lược của Bảo hiểm Mitsui Sumitomo thúc đẩy hiệu suất
(INA) – AM Best cho biết công ty bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản Mitsui Sumitomo (MSI) có bảng cân đối kế toán và hiệu quả hoạt động vững chắc.
Công ty bảo hiểm có bảng cân đối kế toán vững mạnh với mức vốn hóa được điều chỉnh theo rủi ro cao được thể hiện qua Tỷ lệ an toàn vốn tốt nhất (BCAR) và duy trì đòn bẩy tài chính thấp cũng như sở hữu nguồn vốn có chất lượng tốt.
Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến vốn chủ sở hữu và lãi suất do các khoản đầu tư vào cổ phiếu và nắm giữ trái phiếu của MSI, đặc biệt khi xem xét những bất ổn gần đây ở Nhật Bản, vẫn còn tồn tại.
Mặc dù vậy, công ty dự kiến sẽ có đủ vốn khả dụng để giảm thiểu những rủi ro này.
MSI đã duy trì hiệu suất hoạt động mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng ổn định về thu nhập phí bảo hiểm và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình trong 5 năm là 9% (năm tài chính 2017-2021).
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong nước của công ty đã thể hiện hiệu suất đánh giá rủi ro mạnh mẽ trong 5 năm tài chính vừa qua, với tỷ lệ kết hợp trung bình là 94,1%.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng xấu do hoạt động kém hiệu quả của các công ty MS Amlin trong năm tài chính 2022 nhưng đã cho thấy một số cải thiện so với năm trước.
Công ty bảo hiểm phi nhân thọ này chiếm thị phần đáng kể khoảng 20% trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hợp nhất chặt chẽ của Nhật Bản, tính bằng phí thuần.
Ngoài ra, MSI duy trì hoạt động kinh doanh bảo hiểm quan trọng ở nước ngoài, đóng góp khoảng 30% tổng thu nhập phí bảo hiểm ròng hợp nhất của công ty.
Công ty đặt mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao khả năng sinh lời của các hoạt động ở nước ngoài nhằm đa dạng hóa nguồn lợi nhuận.
AM Best cho biết các sáng kiến chiến lược đang diễn ra của công ty dự kiến sẽ góp phần duy trì hiệu quả hoạt động mạnh mẽ và tình hình kinh doanh thuận lợi trong trung hạn.
Thặng dư của Bảo hiểm Fubon tiếp tục đà tăng sau khi bơm vốn
(INA) – Theo AM Best, vốn và thặng dư của Bảo hiểm Fubon được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng thông qua việc duy trì lợi nhuận đầu tư và đánh giá rủi ro bảo hiểm không liên quan đến đại dịch.
Bảo hiểm Fubon đã nhận được khoản vốn 16 tỷ TWD từ công ty mẹ, Fubon Financial Holding vào ngày 16 tháng 5 vừa qua. Đây là lần tăng vốn thứ hai của Bảo hiểm Fubon, sau lần bơm 15 tỷ TWD trước đó vào tháng 8 năm ngoái.
AM Best mô tả sức mạnh bảng cân đối kế toán của Bảo hiểm Fubon là đủ.
Vốn và thặng dư của công ty đã giảm đáng kể, giảm mạnh 88% từ 45,4 tỷ TWD vào năm 2021 xuống còn 5,2 tỷ TWD vào cuối năm 2022 và tiếp tục giảm xuống còn 1,9 tỷ TWD vào ngày 31 tháng 3 năm nay.
Sự suy giảm này chủ yếu là do các yêu cầu bồi thường đáng kể phát sinh từ các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến đại dịch COVID-19.
Sau lần bơm vốn thứ hai vào tháng 5, vốn và thặng dư báo cáo của Bảo hiểm Fubon đã phục hồi lên khoảng 17 tỷ TWD và công ty đã chứng kiến sự quay vòng lợi nhuận ròng bắt đầu từ tháng 4.
Hai vòng bơm vốn với tổng trị giá 31 tỷ TWD chiếm khoảng một nửa số yêu cầu bồi thường ròng cuối cùng ước tính phát sinh.
Tuy nhiên, AM Best tin rằng Fubon Financial Holding, công ty mẹ cuối cùng, sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính bổ sung kịp thời cho Bảo hiểm Fubon nhằm củng cố bảng cân đối kế toán của công ty nếu cần.
Ngoài ra, trong thời gian ngắn và trung hạn, công ty bảo hiểm khó có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch COVID-19.
BTV (Tổng hợp).