TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 24

 Các hãng bảo hiểm lớn của Hàn Quốc chấm dứt bảo hiểm điện than; Generali mua lại AXA Malaysia; My PTI – ứng dụng Giám định dùng công nghệ định vị mới nhất

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

PTI chi trả bồi thường cho khách hàng mua bảo an chủ thẻ tín dụng

(PTI) – Vừa qua, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền 20 triệu đồng cho gia đình khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng chủ thẻ thông qua ngân hàng Vpbank.

Được biết, anh Trần Phúc Duẩn là khách hàng của ngân hàng Vpbank. Sau khi được nhân viên ngân hàng giải thích đầy đủ về điều kiện tham gia, mức phí bảo hiểm và những quyền lợi sẽ nhận được, anh đã quyết định mua sản phẩm bảo hiểm bảo an chủ thẻ tín dụng của PTI. Vào tháng 10/2020, anh Duẩn qua đời do Hội chứng thực bào máu tại bệnh viện Hữu Nghị. Ngay sau khi nhận được thông tin, để kịp thời san sẻ khó khăn với gia đình khách hàng, PTI đã nhanh chóng thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường đồng thời thông báo xác nhận bồi thường tới gia đình khách hàng.

Sản phẩm bảo hiểm bảo an chủ thẻ tín dụng anh Duẩn tham gia là sản phẩm bảo hiểm liên kết giữa PTI và ngân hàng Vpbank bắt đầu từ năm 2020 đến nay. Khi xảy ra vấn đề bảo hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng gây ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, PTI sẽ thay mặt khách hàng trả cho ngân hàng số tiền tương ứng với số dư nợ được bảo hiểm, số tiền còn lại (nếu có) sẽ được chuyển cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng hợp pháp nhằm hạn chế tối đa những khó khăn về tài chính mà gia đình khách hàng có thể gặp phải.

  1. Một vòng doanh nghiệp

My PTI – Giám định viên ứng dụng công nghệ định vị mới nhất

(PTI) – Ứng dụng Giám định viên của Bảo hiểm PTI ra đời với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển như vũ bão. Ứng dụng “cây nhà lá vườn PTI” cho phép người dùng không bỏ sót công việc cần làm đồng thời tiết kiệm tối đa thời gian khi tích hợp tất cả các bước giám định thành một, bao gồm: Hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ, biểu mẫu, giầy tờ; Chụp ảnh giám định xe tại hiện trường và gara; Lấy biểu phí sửa chữa xe và Duyệt giá sửa chữa xe với khách hàng.

Bên cạnh đó, công nghệ định vị GPS cũng được những kĩ sư công nghệ thông tin của PTI áp dụng trong việc chia sẻ lộ trình của Giám định viên tới khách hàng. Tính năng này giúp nhanh chóng định vị giám định viên gần nhất, chuyển thông tin vụ tổn thất và yêu cầu hỗ trợ khách hàng nhanh chóng. Vị trí và quãng đường di chuyển thực tế của giám định viên cũng sẽ được hiển thị trên điện thoại của khách hàng.

Với việc nghiên cứu và phát triển thành công ứng dụng My PTI – Giám định viên, PTI là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất nhận được giải thưởng giải Sao Khuê 2021 – giải thưởng uy tín về công nghệ thông tin – là một trong những thành tựu nổi bật trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ.

Bảo hiểm PVI ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Vận tải Fclass

(PVI) – Theo nội dung thỏa thuận, Bảo hiểm PVI sẽ giới thiệu tới các khách hàng để tham gia QR code thành viên Fclass và hướng dẫn cho nhân viên hoặc người thân sử dụng dịch vụ đặt xe Fclass; Ủng hộ và khuyến khích các Đơn vị thành viên của Bảo hiểm PVI trên toàn quốc sử dụng dịch vụ Fclass để đặt xe phục vụ nhu cầu công việc; Hỗ trợ đào tạo, thi và cấp chứng chỉ Đại lý bảo hiểm cho người được Fclass cử tham dự.

Về phía Fclass sẽ có trách nhiệm chào bán các sản phẩm của Bảo hiểm PVI, cử người tham gia các khóa đào tạo, trở thành các Đại lý của Bảo hiểm PVI. Fclass sẽ hỗ trợ 01 lần cho cán bộ nhân viên Bảo hiểm PVI khi lần đầu đăng ký làm thành viên hoặc cài đặt App Fclass là 300.000 đồng vào ví Fclass user để đặt xe Fclass và App Fclass Driver là 1.000.000 đồng vào ví Fclass Driver để trả phí sử dụng App Fclass Driver. Đặc biệt là khi mời bạn bè tải App Mobile Fclass thành công sẽ được Fclass tặng từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ người tải App lần đầu.

Fclass Vietnam là Công ty với thương hiệu Quốc gia cung cấp ứng dụng App Mobile Fclass đặt xe cung ứng cho hệ sinh thái đa dạng trên thị trường toàn quốc và toàn cầu, với tiêu chuẩn phục phục hàng không hạng thương gia, có giá cước vận tải hợp lý, tài xế đạt chuẩn 5 sao cùng với các dòng xe đạt chuẩn VIP. Dựa trên xu hướng phát triển công nghệ 4.0, App Mobile Fclass đặt xe đã xây dựng các tính năng nổi bật: dễ sử dụng, các hình thức thanh toán đơn giản và nhanh chóng.

Hiện Fclass Vietnam đã có mặt tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Bình Dương, Thừa Thiên Huế. Hiện nay, Fclass đang có khoảng gần 10.000 xe hoạt động trong mạng lưới, tập trung mạnh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ.

Theo kế hoạch, Fclass dự kiến sẽ phát triển rộng khắp các tỉnh thành còn lại trong năm 2021.

Manulife Việt Nam ra mắt sản phẩm Max – Sống Khỏe

(ĐTCK) – Manulife Việt Nam vừa công bố ra mắt sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe hạn mức cao mới trên trang thương mại điện tử của công ty.

Max – Sống Khỏe được phân phối trực tiếp trên trang bảo hiểm trực tuyến Manulife Shop, giúp cho việc tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm trở nên dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

Sản phẩm Bảo hiểm chăm sóc Sức khỏe hạn mức cao Max – Sống Khỏe được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Manulife Việt Nam nhằm số hóa và chuyển đổi ngành bảo hiểm thông qua các giải pháp hàng đầu về sức khỏe, đáp ứng được mục tiêu nhanh chóng, tiện lợi và bảo vệ toàn diện cho khách hàng.

Là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, Max – Sống Khỏe cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 đồng/năm. Hạn mức bảo hiểm dao động từ 1 – 2 tỷ đồng và hợp đồng được đảm bảo có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt.

Đặc biệt, khách hàng của Max – Sống Khỏe được cung cấp các quyền lợi nội trú và ngoại trú trong mạng lưới thanh toán trực tiếp của gần 300 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.

“Manulife Việt Nam luôn nỗ lực cung cấp những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng thông qua hành trình chuyển đổi số hóa”, Sang Lee, Giám đốc điều hành Manulife Việt Nam cho biết.

Ngoài những quyền lợi y tế đặc biệt, khách hàng của Max – Sống Khỏe còn có cơ hội bảo vệ người thân thông qua chương trình quà tặng hấp dẫn.

Theo đó, từ nay đến hết tháng 7/2021 Manulife Việt Nam sẽ trao tặng voucher Shopee trị giá 199.000 đồng để mua sản phẩm Manulife – Khởi Đầu Bảo Vệ cho 10.000 khách hàng đầu tiên mua sản phẩm Max – Sống Khỏe. Max – Sống Khỏe đã chính thức lên kệ tại trang Thương mại điện tử shop.manulife.com.vn.

BIC giảm 20% phí bảo hiểm sức khỏe mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6

(BIC) – Chào mừng ngày gia đình Việt Nam 28/6, từ ngày 16/6 đến hết ngày 30/6/2021, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình ưu đãi giảm phí hấp dẫn khi mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến.

Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khác hàng mua bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An tại website https://baohiemtructuyen.com.vn hoặc ứng dụng di động BIC Online sẽ được giảm ngay 20% phí bảo hiểm. Chương trình áp dụng cho các khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC.

Bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An bảo vệ khách hàng với 7 chương trình linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu và khả năng thanh toán. Tổng mức chi trả lên của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng trong khi phí bảo hiểm chỉ từ 100.000 đồng/tháng. Khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời được hưởng dịch vụ bảo hiểm viện phí tại hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, khách hàng không cần chi trả thêm bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi bảo hiểm.

Mua bảo hiểm trực tuyến tại website https://baohiemtructuyen.com.vn hoặc qua ứng dụng BIC Online, khách hàng không cần tốn chi phí, thời gian di chuyển. Quá trình tìm hiểu thông tin, đặt mua, thanh toán và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Đặc biệt, với ứng dụng BIC Online khách hàng có thể khai báo và nhận tiền bảo hiểm sức khỏe chỉ với thiết bị di động.

  1. Nhịp đập thị trường

Còn dịch, bảo hiểm sức khỏe còn đi lên

(ĐTCK) – Theo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, tăng trưởng doanh thu phí mới của bảo hiểm sức khỏe trong quý II/2021 có thể sẽ không lớn như quý I/2021 (hơn 50%), nhưng khi dịch còn diễn biến phức tạp thì cơ hội đi lên còn rộng mở.

“Nhu cầu bảo hiểm nhân thọ nói chung và bảo hiểm sức khỏe nói riêng ngày càng tăng khi gần 80% người được khảo sát có ít nhất một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe để cảm thấy yên tâm hơn thời dịch bệnh”, đây là một phần thông tin của cuộc khảo sát đối với hơn 3.000 người trưởng thành Việt Nam về hành vi, sự thích ứng với đại dịch Covid-19 vừa được IPSOS – một trong những công ty chuyên nghiên cứu thị trường tại Việt Nam công bố.

Cụ thể, theo khảo sát này, 79% người được hỏi đã có bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe, 73% đang có ý định mua/mua thêm bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe trong năm nay. 50% số người tham gia khảo sát cũng cho biết, sẽ hạn chế hoạt động đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và 32% người tham gia khảo sát nói rằng, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào các sản phẩm/dịch vụ bảo hiểm.

Một điểm đáng lưu ý là, có đến 80% người tham gia khảo sát cho biết sẽ mua bảo hiểm có tính bảo vệ và 14% sẽ mua các sản phẩm bảo hiểm có tính tiết kiệm. Khảo sát cũng cho thấy, 63% người muốn mua bảo hiểm qua tư vấn đại lý của công ty bảo hiểm, 20% qua các kênh trực tuyến và 17% qua kênh ngân hàng.

Tại khối bảo hiểm phi nhân thọ, mặc dù tổng doanh thu phí bảo hiểm khối này chỉ tăng trưởng 6% trong quý I/2021, nhưng một số sản phẩm chủ chốt vẫn tăng trưởng cao, trong đó có sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với mức tăng 87% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát trên phần nào cho thấy xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu về bảo hiểm của một bộ phận người dân Việt Nam hiện nay để các nhà bảo hiểm có thể nắm bắt. Cùng với đó là sự linh hoạt trong phát triển sản phẩm, hệ sinh thái dịch vụ cũng như các phương thức bán bảo hiểm đã và đang tiếp tục được các hãng bảo hiểm mở rộng và hoàn thiện.

Ngoài ra, trước những biến động từ thị trường, các hãng bảo hiểm cũng kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ ngoài hợp đồng cho cả khách hàng, đại lý và nhân viên của mình. Đơn cử, mới đây, AIA Việt Nam đã quyết định dành 5 tỷ đồng tài trợ cho hoạt động tiêm vắc-xin Covid-19 cho cán bộ, nhân viên, đại lý và khách hàng của Công ty. Bên cạnh đó, nhà bảo hiểm này còn đóng góp 2 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hầu hết các hãng bảo hiểm nhân thọ đều đưa ra những gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng cũng như nhân viên của hãng nếu không may dương tính với Covid-19, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, AIA Việt Nam là nhà bảo hiểm đầu tiên công bố chính sách hỗ trợ chi phí tiêm vắc-xin Covid cho khách hàng.

Thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực lên ngành kinh doanh bảo hiểm, bằng chứng là nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, tăng trưởng doanh thu phí mới của bảo hiểm sức khỏe trong quý II/2021 sẽ không lớn như quý I/2021 (hơn 50%), nhưng cơ hội đi lên vẫn còn khi nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe ngày một tăng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần tăng trưởng doanh thu phí mới thuộc tốp dẫn đầu thị trường cho biết, với tốc độ tăng trưởng các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe lên đến 70-80% như hiện nay, cơ hội để đẩy mạnh dòng sản phẩm này là rộng mở, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần thiết kế được sản phẩm phù hợp với diễn biến dịch bệnh cũng như nhu cầu của khách hàng ở từng thời điểm cụ thể.

Mùa Covid nói chuyện cắt hoa hồng bảo hiểm

(ĐTCK) – Tình trạng cắt hoa hồng vào phí để hút khách hàng phổ biến như cơm bữa và bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm đều biết, cơ quan quản lý cũng biết nhưng buộc phải làm ngơ vì nhiều lý do…

Cách đây không lâu, trưởng nhóm đại lý của một công ty bảo hiểm lớn đã bị xử phạt về việc chi hoa hồng sai quy định cho khách hàng, hình phạt là bị cắt toàn bộ thưởng và không được thăng chức trong vòng 1 năm.

Cắt hoa hồng để giảm phí ban đầu chỉ là hình thức khuyến mãi khách hàng, sau phổ biến đến mức khách hàng chủ động đòi cắt hoa hồng khi ký hợp đồng. Việc khách hàng đòi “cắt” hoa hồng diễn ra phổ biến, bất kể đó là công ty bảo hiểm lớn hay nhỏ, nhưng vì không được phép nên thường được đại lý bảo hiểm thực hiện lén lút. Để tìm hiểu câu chuyện, đội ngũ quản lý của công ty bảo hiểm lớn đã vào vai khách hàng và phát hiện ra không ít trường hợp chi hoa hồng sai của đại lý bảo hiểm.

Như trường hợp đại lý của một công ty bảo hiểm “chi ngoài” 50 triệu đồng phí hoa hồng cho khách hàng trước khi ký hợp đồng bảo hiểm (100 triệu đồng tiền phí), trong khi phiếu thu vẫn ghi khách hàng nộp đủ 100 triệu đồng. Sau đó, khách hàng bất ngờ hủy hợp đồng (trong khoảng thời gian 21 ngày cân nhắc), công ty bảo hiểm trả lại khách hàng số tiền 100 triệu đồng, nhưng khách hàng nhất quyết không chịu trả số tiền hoa hồng đã nhận. Do chi sai nên đại lý đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chịu mất trắng 50 triệu đồng kia.

Tại nhiều công ty bảo hiểm, hình thức xử phạt đối với tư vấn viên/đại lý lần đầu vi phạm lỗi chi sai hoa hồng được áp dụng như đã nêu ở trên, nếu tái phạm sẽ bị chấm dứt hợp đồng đại lý và đưa vào “danh sách đen” của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Khuất Thanh Bình, quản trị viên Hội Chuyên viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ cho biết, tâm lý “thích mặc cả” trong các giao dịch thương mại của nhiều người dân, kể cả với bảo hiểm, tạo điều kiện để “lại quả” hoa hồng có đất sống.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam cho hay, luật pháp nhiều nước nghiêm cấm hành vi “chia hoa hồng bảo hiểm”.

“Mỹ, Canada, Anh, Ấn Độ, Bahamas… đều cấm tư vấn viên bảo hiểm chia hoa hồng cho khách hàng. Họ xem đó là hành vi ‘rebating’ (tự ý giảm phí bảo hiểm)”, ông Thắng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Trung, CEO Suthatbaohiem.com cho biết, tự ý chia hoa hồng, thông tin sai sự thực và xúi giục hủy bỏ hợp đồng là 3 hành vi bị nghiêm cấm đối với nghề đại lý bảo hiểm. Theo ông Trung, có nhiều lý do khiến tư vấn viên/đại lý bảo hiểm chủ động cắt lại hoa hồng cho khách hàng như chịu áp lực lớn về doanh số, tư vấn viên không thể thuyết phục khách hàng tin tưởng mua bảo hiểm nên đề xuất chia lại hoa hồng để khách hàng thấy rẻ và ký hợp đồng…

“Có trường hợp khách hàng nghĩ rằng khoản hoa hồng tư vấn viên/đại lý bảo hiểm được nhận là lấy từ tiền của họ nên họ đòi chia hoa hồng là hợp lý, nếu không đồng ý thì họ sẽ tìm tư vấn viên/đại lý bảo hiểm khác và để không bị mất khách hàng nên tư vấn viên/đại lý bảo hiểm buộc phải đồng ý”, ông Trung thông tin thêm.

Cũng theo chuyên gia này, những tư vấn viên/đại lý bảo hiểm xem việc chia lại hoa hồng như là biện pháp để có được khách hàng thường không gắn bó với nghề lâu, bởi bán được bảo hiểm đã khó, để giữ chân khách hàng còn khó hơn, nếu bị phát hiện chia hoa hồng sai quy định thì sẽ bị phạt, thậm chí bị sa thải và khi đó, nguồn thu nhập từ bảo hiểm sẽ không còn, chưa kể việc bị đưa vào “danh sách đen” cũng khiến khó tìm việc liên quan đến bảo hiểm sau này.

Về phía khách hàng, ông Trung cho hay, việc được chia hoa hồng có thể khiến khách hàng thấy được mua rẻ hơn đôi chút ở năm đầu tiên, nhưng không biết mình đã bị “mất đi” nhiều tiền hơn ở những năm hợp đồng kế tiếp. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp khách hàng bị “mua đắt” quyền lợi bảo hiểm ngay từ năm đầu do sự thiếu chuyên nghiệp của tư vấn viên/đại lý bảo hiểm khi hoa hồng được đặt lên trên.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hầu hết tư vấn viên/đại lý bảo hiểm đều nhận thấy hệ lụy của việc “lại quả” hoa hồng cho khách hàng, bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý cũng biết, nhưng buộc phải làm ngơ vì nhiều lý do.

Có ý kiến cho rằng, không nên chia hoa hồng bảo hiểm cao vào năm đầu như hiện nay, mà nên chia đều cho các năm để hạn chế tình trạng này, nhưng không được giới chuyên gia cũng như các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, không nên cào bằng tỷ lệ hoa hồng bởi điều này sẽ triệt tiêu động lực của đội ngũ tư vấn viên/đại lý bảo hiểm. Ông cho biết, các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm thường phải đầu tư rất nhiều chi phí để có được một hợp đồng, đó là chi phí đi lại tìm kiếm khách hàng tiềm năng, quà cáp, chăm sóc khách hàng trước và sau bán hàng, chi phí học hành, rèn luyện…, trong khi tỷ lệ ký hợp đồng thành công thường không cao, nếu chia đều hoa hồng cho các năm thì tỷ lệ năm đầu đầu sẽ thấp và điều không giúp người đại lý bảo hiểm có động lực để làm việc khi phải đầu tư lớn ngay từ ban đầu mà rất lâu sau mới có thể thu hồi vốn, chưa kể họ cũng cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Vì thế, không chỉ tại Việt Nam, mà các thị trường khác cũng đều chia hoa hồng bảo hiểm cao trong năm đầu.

“Có thể xem xét áp dụng tỷ lệ hoa hồng khoảng 30% trong năm đầu và phần còn lại chia đều cho các năm còn lại của hợp đồng ở mức khoảng 2%/năm. Tỷ lệ này đủ để giúp nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, đồng thời tạo động lực cho những tư vấn viên/đại lý bảo hiểm phải chăm sóc các hợp đồng ‘mồ côi’ (do đại lý bán trước đây đã nghỉ việc để lại)”, ông Thắng đề xuất.

Cũng cho rằng việc chia đều hoa hồng qua các năm sẽ gây bất lợi cho các tư vấn viên/đại lý bảo hiểm, nhưng ông Khuất Thanh Bình lại có góc nhìn khác. Vị chuyên gia này cho biết, ở Anh, tỷ lệ hoa hồng cơ bản năm đầu ở mức 60-95% phí bảo hiểm năm đầu, nên quy định tỷ lệ tối đa 40% như hiện nay là phù hợp. Điều cần quan tâm ở đây là phải thắt chặt đầu vào tuyển dụng tư vấn viên/đại lý bảo hiểm và có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi này.

“Khi bị phát hiện và có bằng chứng chứng minh tư vấn viên/đại lý bảo hiểm chia hoa hồng bảo hiểm cho khách hàng thì phải phạt nặng hơn, ví dụ như cấm bán bảo hiểm trong một thời gian nhất định, nếu tái phạm có thể cấm vĩnh viễn. Đặc biệt, nội bộ các công ty bảo hiểm cần tăng cường thanh kiểm tra việc chia hoa hồng, vì theo quan sát của tôi, tỷ lệ hủy hợp đồng giữa chừng cao có liên quan tới yếu tố này”, ông Bình khuyến nghị.

  1. Tin quốc tế

Tàu chở hóa chất bị chìm gần thủ đô Sri Lanka, dấy lên mối lo ô nhiễm

(INJ) – Một tàu container chở hóa chất đã bị chìm ngoài khơi thủ đô Sri Lanka vào thứ Năm tuần trước, gần một tháng sau khi bốc cháy, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa môi trường có thể xảy ra.

Người điều hành con tàu cho biết xác tàu X-Press Pearl mang cờ Singapore “hiện đang nằm hoàn toàn dưới đáy biển ở độ sâu 21 mét (70 feet)”.

Một đội cứu hộ đã có mặt tại hiện trường để xử lý các mảnh vỡ nào và báo cáo bất kỳ sự cố tràn nào, người điều hành X-Press Feeders cho biết.

Theo bà Darshani Lahandapura, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Biển của Sri Lanka, con tàu đã bị chìm, đồng thời có thể sẽ không an toàn khi xử lý vụ việc này trong giai đoạn biển động vì gió mùa.

“Biển đang mùa rất hung dữ. Trong điều kiện khó khăn này, chúng tôi không thể làm gì được”, bà nói.

Mùa mưa bão bắt đầu từ tháng trước và thường kết thúc vào tháng Chín.

Bà nói: “Cho đến thời điểm đó, chủ tàu đã chỉ định một công ty trông coi. Toàn bộ khu vực sẽ được chăm sóc bởi công ty này cho đến khi chủ sở hữu chỉ định một công ty di dời xác tàu.”

X-Press Feeders cũng cho biết việc di dời xác tàu sẽ bắt đầu sau khi mùa mưa bão chấm dứt, đồng thời nói thêm rằng “những người trông coi sẽ lắp đặt các đèn cảnh báo điều hướng và các điểm đánh dấu trên xác tàu để đảm bảo an toàn cho các tàu khác”.

Ngọn lửa bùng phát trên con tàu vào ngày 20 tháng 5 khi đang neo đậu cách thủ đô Colombo khoảng 9,5 hải lý (18 km) về phía tây bắc và chờ vào cảng.

Các nhà chức trách đã dập tắt ngọn lửa vào tuần trước, nhưng sau đó con tàu bắt đầu chìm và nỗ lực kéo nó vào vùng nước sâu hơn đã thất bại do đuôi tàu nằm dưới đáy biển. Con tàu vẫn bị chìm một phần cho đến thứ Năm tuần trước.

Hải quân Sri Lanka tin rằng vụ cháy gây ra bởi hàng hóa hóa chất của con tàu, bao gồm 25 tấn axit nitric và các hóa chất khác, hầu hết trong số đó đã bị phá hủy trong đám cháy. Nhưng các mảnh vụn bao gồm sợi thủy tinh bị đốt cháy và hàng tấn hạt nhựa đã gây ô nhiễm các bãi biển gần đó. Có những lo ngại rằng sự cố tràn dầu và hóa chất còn sót lại từ con tàu có thể tàn phá sinh vật biển.

Mối lo ngại chính là khoảng 300 tấn dầu boongke được sử dụng làm nhiên liệu cho con tàu. Nhưng các quan chức nói rằng nó có thể đã bị cháy.

Hôm thứ Năm tuần trước, bà Lahandapura cho biết các chuyên gia cứu hộ đã thông báo rằng “không thể còn lại dầu nếu xét đến bản chất của đám cháy, sức nóng, thời gian cháy và vị trí của các thùng nhiên liệu.”

Cả bà Lahandapura và X-Press Feeders đều cho biết cho đến nay không có vụ tràn dầu nào.

Chính phủ đã đề nghị Liên hợp quốc và một số quốc gia khác giúp đỡ trong việc đánh giá thiệt hại đối với môi trường biển và các vùng ven biển.

Quốc gia này đã đệ trình yêu cầu tạm thời trị giá 40 triệu đô la cho X-Press Feeders để trang trải một phần chi phí chữa cháy.

Anh nỗ lực để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu

(INJ) – Vương quốc Anh đang nỗ lực để đưa ra các biện pháp thích hợp đối phó với mực nước biển dâng cao và nhiệt độ ấm hơn do ô nhiễm gây ra, cố vấn độc lập của chính phủ về các vấn đề khí hậu đã cảnh báo.

Nhiệt độ trung bình trên đất liền ở Anh đã tăng khoảng 1,2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi mực nước biển đã tăng 16 cm kể từ năm 1900, Ủy ban Biến đổi Khí hậu (CCC) cho biết trong một báo cáo.

Tuy nhiên, quá trình thích ứng diễn ra không đủ nhanh. Trong 5 năm qua, hơn nửa triệu ngôi nhà mới đã được xây dựng không thể chống chịu với nhiệt độ cao trong tương lai, theo nhóm nghiên cứu. Hơn 4.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng đã xảy ra chỉ tính riêng ở Anh kể từ năm 2018.

CCC cho biết trong một tuyên bố: “Hành động giải quyết những rủi ro này càng bị trì hoãn lâu hơn, thì chi phí mà chính phủ và công chúng Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt càng cao”. Ủy ban đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của đất nước tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc đưa ra một kế hoạch hành động tốt hơn để hỗ trợ lập kế hoạch thích ứng.

Vương quốc Anh đang tổ chức các cuộc đàm phán toàn cầu về khí hậu trong năm nay, với đỉnh điểm là hội nghị thượng đỉnh COP26 của Liên hợp quốc tại Glasgow vào tháng 11. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 người ở Cornwall vào cuối tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm cả Thủ tướng Boris Johnson đã ngừng đề ra các biện pháp cụ thể để hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C.

Báo cáo của CCC nêu rõ tám lĩnh vực cần hành động khẩn cấp, trong đó có quản lý rủi ro đối với đất đai do lũ lụt và hạn hán, đồng thời giải quyết các rủi ro đối với sức khỏe con người do gia tăng tiếp xúc với nhiệt.

Insurtech Akur8 huy động được 30 triệu đô la vòng tài trợ Series B

(INJ) – Akur8, công ty công nghệ bảo hiểm tự động hóa định phí bảo hiểm có trụ sở tại Paris, đã kết thúc vòng tài trợ Series B trị giá 30 triệu đô la, nâng tổng số tiền tài trợ thu được lên 42 triệu đô la.

Vòng tài trợ mới nhất này sẽ đẩy nhanh quá trình mở rộng ra quốc tế của Akur8, đặc biệt nhấn mạnh vào việc mở rộng thêm sự hiện diện tại Hoa Kỳ và có mặt tại Châu Á Thái Bình Dương vào năm 2022. Vòng tài trợ cũng sẽ được sử dụng để đẩy nhanh quy trình phát triển sản phẩm của Akur8 và tạo ra nhiều tính năng giá trị gia tăng hơn để nâng cao các mô-đun hiện có.

Vòng đầu tư kết thúc chưa đầy hai năm sau khi nhà cung cấp dịch vụ định phí bảo hiểm tài sản/thiệt hại và bảo hiểm sức khỏe lần đầu tiên thương mại hóa nền tảng của mình và chỉ 15 tháng sau vòng huy động vốn Series A do BlackFin Capital Partners và MTech Capital dẫn đầu. Cả hai công ty đang tái đầu tư trong vòng này.

Được thành lập vào năm 2018, Akur8 đặt mục tiêu chuyển đổi định phí bảo hiểm bằng công nghệ “AI minh bạch”, được phát triển để nâng cao quy trình định phí của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ bằng cách tự động hóa mô hình hóa rủi ro và nhu cầu. Akur8 cho biết công nghệ này trao quyền cho các chuyên gia tính phí và bộ phận định phí để đưa ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn.

Giải pháp dựa trên công nghệ đám mây của Akur8 tự động hóa việc tạo ra các mô hình định phí đồng thời cho phép các nhà tính toán duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với quy trình. Akur8 cho phép tốc độ chính xác cao hơn và đẩy nhanh đáng kể thời gian định phí ra thị trường, đồng thời cung cấp cho các nhà bảo hiểm một quy trình định phí mạnh mẽ và an toàn.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Akur8 đã có được hơn 30 khách hàng trên 10 quốc gia, bao gồm AXA, Generali, Munich Re, Canopius và Tokio Marine Kiln, cũng như insurtechs Wakam và wefox. Nền tảng Akur8 được 350 người dùng trong nhóm định phí của các công ty bảo hiểm sử dụng hàng ngày, để tính toán các mô hình định phí của họ trên P/C, các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân, thương mại và sức khỏe.

Danh mục khách hàng của Akur8 trải dài trên hàng chục quốc gia ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ với các văn phòng ở Paris, London và New York, nơi đại diện cho 20 quốc tịch trong đội ngũ 50 nhân viên đa dạng của mình.

Ông Samuel Falmagne, đồng sáng lập và là Tổng Giám đốc Akur8, nhận xét: “Chúng tôi vui mừng thông báo kết thúc vòng gọi vốn Series B và rất biết ơn sự hỗ trợ mà chúng tôi đã thấy từ các nhà đầu tư. Cột mốc mới nhất này sẽ cho phép chúng tôi đẩy nhanh việc chuyển đổi giá bảo hiểm hơn nữa, thúc đẩy sự mở rộng quốc tế của chúng tôi tại Hoa Kỳ và Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời trang bị cho các doanh nghiệp bảo hiểm P/C và bảo hiểm sức khỏe một giải pháp định phí tích hợp hiện đại được xây dựng và tinh chỉnh liên tục”.

Manulife cho nhân viên thêm ngày nghỉ được trả lương

(IBM) – Manulife đã dành thêm một ngày nghỉ có lương cho toàn bộ lực lượng lao động toàn cầu của mình, bao gồm 19.000 nhân viên ở châu Á, vào ngày 18 tháng 6.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Manulife cung cấp thêm ngày nghỉ, được gọi là “Ngày cảm ơn”, bên cạnh 5 ngày chăm sóc sức khỏe cá nhân bổ sung mà Manulife dành cho nhân viên của mình trong năm nay.

Ông Anil Wadhwani, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Manulife Châu Á cho biết: “Chúng tôi vô cùng trân trọng những nỗ lực và hy sinh phi thường của các đồng nghiệp trong năm qua. Điều đặc biệt quan trọng là chúng tôi giúp họ có thời gian tách ra khỏi công việc và chuẩn bị lại cũng như chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình”.

Công ty cũng dành buổi chiều ngày 17 tháng 6 để tất cả nhân viên tìm hiểu thêm về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI), trong “Buổi chiều phản ánh và học hỏi toàn cầu” lần đầu tiên của mình. Sự kiện bao gồm một loạt các hoạt động học tập trên toàn cầu và trên toàn châu Á, bao gồm tinh thần đồng đội và cách trở thành những người ủng hộ thay đổi tốt hơn.

Tại Châu Á, các hoạt động này bao gồm bài trình bày nghiên cứu Kiêu hãnh và Định kiến của The Economist; một hội đồng DEI gồm các nhà lãnh đạo cấp cao của Manulife về cách thực hiện những cuộc trò chuyện không thoải mái; và các sự kiện khác nhau do các nhóm nhân viên điều hành về trao quyền cho phụ nữ, bình đẳng chủng tộc và hòa nhập LGBTQ +.

Ông Wadhwani cho biết: “Buổi chiều dành riêng này là một phần trong các khoản đầu tư đáng kể của chúng tôi vào các sáng kiến DEI. Điều quan trọng là phải lắng nghe và học hỏi từ nhân viên của mình để trở thành một nhà tuyển dụng tốt hơn và đóng vai trò trong việc xây dựng một thế giới hòa nhập và bình đẳng hơn”.

Singapore: Fairfax Asia đạt được quyền mua cổ phần bất đồng trong SingRe

(AIR) – Fairfax Châu Á, công ty đã đưa ra chào mua bằng tiền mặt đối với công ty Tái bảo hiểm Singapore (niêm yết tại SGX) hồi tháng 3, sẽ thực hiện quyền mua lại bắt buộc tất cả cổ phần của các cổ đông bất đồng.

Sở dĩ như vậy vì vào hồi 18h ngày 16 tháng 6, Fairfax đã nhận được các biểu quyết hợp lệ lên tới 90,02% tổng số cổ phiếu đã phát hành ngoài những cổ phiếu mà bên chào bán, các công ty liên quan hoặc những người được đề cử tương ứng nắm giữ. Con số này vượt quá ngưỡng 90% cho phép người chào bán thực hiện quyền mua bắt buộc tất cả cổ phần của những cổ đông chưa chấp nhận chào bán. Ngưỡng 90% đã được vượt qua một ngày trước ngày chốt cuối cùng.

Tại thời điểm kết thúc đợt chào bán lúc 5h30 chiều ngày 17/6, tỷ lệ cổ phần sở hữu, kiểm soát hoặc đồng ý mua lại (bao gồm cả việc chấp nhận hợp lệ đề nghị) bởi Fairfax Châu Á đứng ở mức 94,77%.

Fairfax cho biết họ dự định thực hiện quyền mua lại bắt buộc của mình. Sau khi mua lại bắt buộc như vậy, Fairfax sẽ tiến hành hủy niêm yết SingRe khỏi thị trường chứng khoán Singapore.

Fairfax Châu Á, được thành lập tại Barbados, là công ty con của công ty mẹ Fairfax Financial Holdings được niêm yết công khai của Canada. Fairfax Châu Á và các công ty con của mình thực hiện các hoạt động bảo hiểm/tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại tại 9 quốc gia ở châu Á.

Generali mua lại Bảo hiểm AXA tại Malaysia

(AIR) – Công ty bảo hiểm hàng đầu của Ý Generali đã ký một thỏa thuận mua phần lớn cổ phần của AXA và Affin trong các liên doanh bảo hiểm và takaful tại Malaysia.

Generali cho biết cổ phần chiếm khoảng 53% của AXA Affin General Insurance Berhad (49,99% từ AXA và 3% từ Affin và cổ đông thiểu số) và AXA Affin Life Insurance (49% từ AXA và 21% từ Affin).

Generali cũng đã đệ trình lên cơ quan quản lý địa phương để mua lại số cổ phần còn lại của MPI Generali Insurans (MPI Generali) do đối tác liên doanh Malaysia, Multi-Purpose Capital Holdings (MPHB Capital) nắm giữ.

Tổng số tiền cho các giao dịch này là 1,29 tỷ MYR (310 triệu USD) và còn tùy thuộc vào các điều khoản cuối cùng.

Theo kết quả của các giao dịch, Generali sẽ hoạt động tại Malaysia thông qua hai công ty – một về bảo hiểm P&C và một về nhân thọ. Trong mảng P&C, Generali có kế hoạch hợp nhất các mảng kinh doanh của MPI Generali với AXA Affin General Insurance.

Sau khi các giao dịch hoàn tất, Generali sẽ nắm giữ 70% trong cả hai pháp nhân, sẽ giao dịch dưới tên Generali. Ngân hàng Affin sẽ giữ 30% còn lại.

Việc mua lại sẽ giúp Generali trở thành một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu tại thị trường Malaysia, tạo ra công ty bảo hiểm P&C đứng thứ hai theo thị phần và gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ của quốc gia này.

Generali sẽ ký kết một thỏa thuận bancassurance độc ​​quyền với Ngân hàng Affin để bán các sản phẩm bảo hiểm P&C và Nhân thọ thông thường. Được thành lập vào năm 1975, Affin Bank là ngân hàng lớn thứ 10 trên cả nước với hơn 110 chi nhánh phục vụ cho cả khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ. Hoạt động của ngân hàng tập trung vào các dịch vụ ngân hàng thương mại, Hồi giáo và đầu tư, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản và bảo lãnh phát hành kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Các giao dịch này còn phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia và Ngân hàng Trung ương Malaysia. Ngày hoàn thành việc mua lại dự kiến ​​là vào quý 2 năm 2022.

Ông Jaime Anchustegui Melgarejo, Giám đốc điều hành Quốc tế Tập đoàn Generali, cho biết: “Các giao dịch hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Generali nhằm củng cố vị trí dẫn đầu tại các thị trường tiềm năng cao, như Malaysia, nơi thể hiện một cơ hội rất hấp dẫn vì đây là nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn còn tương đối thấp so với các thị trường trưởng thành hơn khác trong khu vực châu Á”.

Generali đã hoạt động tại Malaysia từ năm 2015 khi mua lại 49% cổ phần của Multi-Purpose Insurans – công ty con bảo hiểm P&C của Multi-Purpose Capital Holdings để thành lập liên doanh MPI Generali.

AXA Affin General Insurance đứng thứ năm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ở Malaysia, có mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 5.000 đại lý đang hoạt động trên khắp đất nước.

AXA Affin Life Insurance, được thành lập vào năm 2006, đứng thứ 11 trong thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Malaysia.

Hàn Quốc: Các hãng bảo hiểm lớn sẽ ngừng bảo hiểm cho các dự án điện than mới

(AIR) – Các công ty bảo hiểm lớn Hyundai Marine & Fire Insurance, Hana Insurance, DB Insurance và Hanwha General Insurance đã thông báo rằng họ sẽ không cung cấp bất kỳ bảo hiểm nào cho việc xây dựng và vận hành các dự án điện than mới.

Động thái này diễn ra sau lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hồi đầu tháng về việc các công ty bảo hiểm ngừng bảo lãnh cho nhiên liệu hóa thạch, theo một tuyên bố hôm qua từ Solutions for Our Climate (SFOC), một nhóm có trụ sở tại Hàn Quốc ủng hộ các chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn và cải cách các quy định về quyền lực.

Korea Beyond Coal – mạng lưới các nhóm công dân ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn than ở Hàn Quốc vào năm 2030 – cùng với liên minh toàn cầu Insure Our Future, đã liên hệ với 11 công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của đất nước, đã bảo hiểm hoặc cung cấp khoản đầu tư khoảng 52 tỷ đô la cho các nhà máy điện than, kêu gọi họ ngừng bảo hiểm các dự án điện than ở Hàn Quốc, bao gồm cả dự án điện than cuối cùng của Hàn Quốc là Samcheok Blue Power.

Để đáp ứng nhu cầu trên, Công ty Bảo hiểm Hàng hải & Hỏa hoạn Hyundai, Bảo hiểm Hana, Bảo hiểm DB và Bảo hiểm Phi nhân thọ Hanwha, với tổng doanh số bảo hiểm chiếm gần một nửa thị trường bảo hiểm than trên toàn quốc, đã trở thành bốn công ty bảo hiểm đầu tiên cam kết từ bỏ bảo hiểm cho cả việc xây dựng và vận hành nhà máy than.

DB Insurance, công ty bảo hiểm than lớn thứ hai của Hàn Quốc, nói thêm rằng họ cũng sẽ rút dần phạm vi bảo hiểm hiện có đối với các nhà máy than đang vận hành.

Hai công ty khác, gồm Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại NH và Bảo hiểm Hàng hải & Hỏa hoạn Samsung, cho biết họ sẽ không còn bảo hiểm xây dựng các nhà máy than mới nhưng không đưa ra bất kỳ cam kết nào về bảo hiểm liên quan đến vận hành.

Theo văn phòng Đại biểu Quốc hội Soyoung Lee, tổng số than do các công ty bảo hiểm lớn cấp bảo hiểm là hơn 59,2 tỷ KRW (52,2 tỷ đô la). Trong danh sách, Samsung Fire & Marine là nhà bảo hiểm than lớn nhất với 13,2 tỷ USD bảo hiểm cho các nhà máy than. Do Samsung Fire & Marine chỉ loại trừ bảo hiểm xây dựng nên lượng than của Samsung có thể tăng lên khi các dự án điện than mới đi vào hoạt động thương mại. DB Insurance, cũng là một trong những tổ chức tài chính tư nhân đầu tiên của Hàn Quốc cam kết thoái vốn khỏi ngành than vào năm 2019, đứng thứ hai với 10,56 tỷ USD.

Trung Quốc mở rộng bảo hiểm nông nghiệp đối với gạo và lúa mì

(AIR) – Một cuộc họp điều hành của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc được tổ chức vào ngày 18 tháng 6 đã quyết định cung cấp bảo hiểm nông nghiệp rộng rãi hơn để giúp nông dân chống lại rủi ro và ổn định thu nhập từ sản xuất ngũ cốc.

Tân Hoa Xã đưa tin, cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì và quyết định rằng 500 quận ở 13 tỉnh sản xuất ngũ cốc lớn sẽ có bảo hiểm cho việc trồng lúa và lúa mì.

Bảo hiểm sẽ bảo vệ các chi phí về hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đất đai, nhân công, và các tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và côn trùng gây hại, v.v. Bảo hiểm cho những người trồng ngô sẽ bù đắp tổn thất do biến động giá cả và sản lượng.

Cuộc họp đã quyết định trợ cấp một lần cho nông dân trồng các loại ngũ cốc chính để giúp họ tránh được sự tăng giá mạnh của vật tư canh tác và ổn định thu nhập của họ. Tổng số tiền trợ cấp sẽ vào khoảng 20 tỷ CNY (3,1 tỷ USD).

Cuộc họp kêu gọi các tổ chức tài chính giảm phí bảo hiểm hơn nữa để giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng như chủ hộ kinh doanh cá thể giảm được chi phí.

BTV (Tổng hợp).