TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 24

PTI nới room ngoại lên 100%; PVI tăng vốn lên 3.100 tỷ đồng; Lloyd’s ra mắt công cụ hỗ trợ giao dịch điện tử

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Agribank Bến Tre phối hợp với ABIC TP.Hồ Chí Minh chi trả 458 triệu đồng quyền lợi Bảo an tín dụng

(ABIC) – Chiều ngày 19/6/2020, Agribank Bến Tre phối hợp Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp – Chi nhánh TP.HCM (ABIC – TP.HCM) tổ chức Lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm bảo an tín dụng với tổng số tiền hơn 458 triệu đồng cho 03 hộ gia đình: Ông Nguyễn Hữu Giao, ông Nguyễn Văn Hoàng và ông Lê Văn Văn ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trước sự chứng kiến của chính quyền, đoàn thể địa phương.

Trước đó, 03 khách hàng trên có quan hệ vay vốn tại Agribank huyện Giồng Trôm để sử dụng cho phương án sản xuất kinh doanh của gia đình. Trong quá trình vay vốn, khách hàng quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng và đã được nhân viên ngân hàng tận tình giải thích đầy đủ về điều kiện, quyền lợi tham gia bảo hiểm.

Không may sau đó, khách hàng bị bệnh, đột ngột qua đời. Khi nhận được thông báo từ gia đình khách hàng, đại diện Agribank Chi nhánh huyện Giồng Trôm đã trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và phối hợp ABIC – TP.HCM thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả quyền lợi theo mức trách nhiệm đã tham gia. Ngoài ra, ABIC còn trợ cấp một phần lãi vay từ thời điểm trả lãi lần cuối đến khi được chi trả đền bù và hỗ trợ thêm mỗi gia đình 01 triệu đồng tiền mai táng phí.

Bảo an tín dụng là sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, khi xảy ra vấn đề rủi ro về sức khỏe, tính mạng người vay vốn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng với số dư nợ được bảo hiểm, số tiền còn lại (nếu có) sẽ được chuyển cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng hợp pháp nhằm giảm bớt những khó khăn về tài chính cho gia đình.

Từ ngày 01/01/2020 đến 17/6/2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ABIC TP.HCM đã chi trả bồi thường 797 trường hợp với số tiền 34,13 tỷ đồng. Tại địa bàn huyện Giồng Trôm, ABIC đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho 168 khách hàng với tổng số tiền 8,07 tỷ đồng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo hiểm PVI tăng vốn lên 3.100 tỷ đồng

(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) vừa được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 2.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng hôm 22/6 vừa qua.

Với số vốn tăng thêm, Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Việc tăng vốn điều lệ này nằm trong chiến lược phát triển của Bảo hiểm PVI nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Trong nửa đầu năm 2020, Bảo hiểm PVI đã khai trương 3 đơn vị thành viên mới tại Hà Nội và TP.HCM, triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác như: hợp tác bảo lãnh viện phí với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), hợp tác cung cấp sản phẩm bảo hiểm TNDS và bảo hiểm vật chất ô tô trên các ứng dụng đặt xe trực tuyến FastGo, Car+ …

Vinare (VNR) chi hơn 260 tỷ đồng trả cổ tức năm 2019

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) cho biết, ngày 30/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng.

Như vậy, với khối lượng chứng khoán đang niêm yết và lưu hành hơn 131 triệu cổ phiếu, Vinare dự kiến chi hơn 262 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này cho cổ đông hiện hữu. Ngày giao dịch cuối cùng nhận cổ tức là ngày 29/6 và thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 30/7/2020.

Đây là mức chia cổ tức cao nhất trong 6 năm qua (từ năm 2014) đến nay và cũng vượt trội so với dự kiến đã đề ra trước đó là 12% bằng tiền mặt.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 1.236 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm trước đó; tuy nhiên chi phí tăng cao nên lợi nhuận sau thuế  giảm 5%, đạt gần 287 tỷ đồng.

Mới đây, Vinare tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2020 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu phí nhận đạt 2.564,6 tỷ đồng, tăng 15,5% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 355,6 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 12%.

Ngoài ra, Công ty cũng thông quá kế hoạch kinh doanh 5 năm (2020-2024) với mức tăng trưởng doanh thu phí nhận bình quân 9%/năm, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân tối thiểu 7%/năm, tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu 12%/năm, ROE bình quân tối thiểu 10%. Đồng thời, VNR dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng đến năm 2024.

Trên thị trường, cổ phiếu VNR đã có phiên tăng khá tốt 5,5%, đóng cửa phiên 18/6 tại mức giá 21.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 11.200 đơn vị.

PTI nới room ngoại lên 100%, thành lập công ty quản lý quỹ/công ty đầu tư

(ĐTCK) – ĐHĐCĐ của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) sáng ngày 24/6 đã thông qua nới tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room) từ 49% lên 100%.

Theo PTI, việc nới room có ý nghĩa cho Công ty trong việc tăng vốn, đó cũng là điều kiện cần thiết để duy trì hoặc tăng xếp hạng tín dụng quốc tế trong tương lai.

ĐHĐCĐ cũng thông qua định hướng chiến lược 2020 – 2025 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân 12%/năm. Đến năm 2025, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 11.000 tỷ đồng, chiếm 12% thị phần, đứng thứ hai trên thị trường. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân tối thiểu 8%/năm, mức cổ tức chi trả bình quân hàng năm tối thiểu 10%.

Đối với chiến lược phát triển các kênh bán hàng, các kênh bán qua VNPost, kên Bancassurance và Digital vẫn là 3 kênh bán trọng tâm của PTI trong giai đoạn 2020 – 2025.

Với kênh bancassurance hãng bảo hiểm này sẽ mở rộng hợp tác với các ngân hàng và công ty tài chính, tăng tỷ lệ tái tục trên kênh bán hàng, nâng nhận diện thương hiệu trên kênh bancassurance.

Ngoài ra, công ty bảo hiểm này cũng sẽ thúc đẩy bán hàng trên kênh bán qua điện thoại truyền thống, xây dựng các nên tác khai thác với các công ty có dữ liệu lớn như Viettel, Vinphone… và phát triển hệ thống cộng sinh, tức đưa sản phẩm kèm các ứng dụng của các đối tác như Open99, Mai Linh online, Vinasun, Fastgo…

Đối với hoạt động đầu tư tài chính, PTI sẽ tập trung trên 80% tỷ trọng nguồn đầu tư cho hoạt động tiền gửi và các khoản đầu tư có lãi suất cố định, tỷ trọng chứng khoán bất động sản được duy trì tùy theo tình hình thị trường, dao động từ 5 – 15%.

Hãng bảo hiểm này cũng lên kế hoạch thành lập công ty quản lý quỹ/công ty đầu tư để chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, dự kiển tỷ suất sinh lời/vốn đầu tư dự kiến sẽ duy trì ở mức tối thiểu 6%/năm.

Năm 2020, PTI đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc đạt 6250 tỷ đồng.

Tại Đại hội, các cổ đông đã bầu ra 9 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025 bao gồm: 2 đại diện cổ đông VNPost là các ông Nguyễn Minh Đức và ông Bùi Xuân Thu; 3 đại diện cổ đông DB là các ông Kim Kang Wook, ông Ko Young Joo và ông Park Suk Gon; 2 đại diện cổ đông VNDirect là ông Đỗ Ngọc Quỳnh và bà Nguyễn Hồ Nga; 1 đại diện nhóm cổ đông Vinare + Cokyvina là ông Mai Xuân Dũng; 1 ứng cử viên độc lập do HĐQT đương nhiệm đề cử là bà Trần Thị Minh.

VNI họp ĐHĐCĐ

(VNI) – Chiều ngày 25/6 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đến dự Đại hội có Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc, các cổ đông đại diện cho 73.148.815 cổ phần có quyền biểu quyết (chiếm 91,44%) và cơ quan báo, đài đến dự đưa tin.

Kinh tế – xã hội nước ta năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nhưng nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc cùng nỗ lực của tập thể CBNV VNI đã hoàn thành vượt kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông giao. Tổng doanh thu đạt 1.416 tỷ đồng, hoàn thành 91,35% kế hoạch, tăng trưởng 29% gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn thị trường, VNI đứng trong TOP 5 DNBH có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường bảo hiểm. Trong đó, doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm phi hàng không hoàn thành 95% kế hoạch, tăng trưởng 37%. Hầu hết các nghiệp vụ đều tăng trưởng mạnh như bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng 24%, bảo hiểm con người tăng trưởng 57%, bảo hiểm hàng hóa tăng trưởng 19%, bảo hiểm tàu thuyền tăng trưởng 992%. Doanh thu hoạt động tài chính hoàn thành 82% kế hoạch, tăng trưởng 30%; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 51%, tổng tài sản đạt 2.076 tỷ đồng, thị phần VNI tăng 1 bậc trên thị trường xếp thứ 13/30 DNBH phi nhân thọ; Biên khả năng thanh toán của VNI trong TOP đầu các DNBH; các chỉ tiêu tài chính của VNI an toàn, hiệu quả và thực hiện minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Năm 2019, VNI mở thêm 3 công ty bảo hiểm thành viên nâng tổng số công ty thành viên lên 36 đơn vị, hợp tác với nhiều ngân hàng uy tín khai bảo hiểm kênh Bancassurance, xây dựng hệ thống gara liên kết tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các thành phố trên toàn quốc, ứng dụng giám định bồi thường online (My VNI), website bán bảo hiểm online (ebhhk.com.vn). Với những thành tích đạt được, VNI nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng như Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội, TOP 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam, TOP 10 DNBH phi nhân thọ uy tín.

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua các nội dung với tỉ lệ nhất trí cao: thông qua KQKD năm 2019 và KHKD năm 2020; Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019; Báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT năm 2019 và Phương hướng nhiệm vụ năm 2020; Báo cáo hoạt động năm 2019 của BKS; Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019; Báo cáo chi trả thù lao HĐQT, BKS năm 2019, Phương án chi trả thù lao, lương chuyên trách, chi phí hoạt động HĐQT năm 2020;Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán;Tờ trình miễn nhiệm TV HĐQT; Tờ trình bầu bổ sung TV HĐQT; Tờ trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; Thông qua báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng; Tại đại hội tiến hành bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT, ông Trần Trọng Dũng, trúng cử vào thành viên HĐQT VNI nhiệm kỳ 2018-2023.

Mục tiêu năm 2020 của VNI là tăng trưởng doanh thu, kinh doanh hiệu quả, đầu tư tài chính an toàn,tổng doanh thu phấn đấu đạt 2.177 tỷ đồng, tăng trưởng 54%. Đây là mục tiêu thách thức đối với VNI, nhất là mức tăng trưởng trong 3 năm qua luôn ở mức cao (gấp gần 3 lần thị trường). VNI thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp như tăng cường công tác marketing, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm liên kết, gói sản phẩm có giá trị gia tăng, kiện toàn mô hình tổ chức, nhân sự, mở rộng mạng lưới, thu xếp và hợp tác với các nhà tái bảo hiểm uy tín, ứng dụng công nghệ thông tin vào giám định bồi thường online (My VNI), hóa đơn, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử và chữ ký số, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng sau bán hàng.

Năm 2020, VNI thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mở rộng thêm mạng lưới, đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, xây dựng thương hiệu, đưa VNI trở thành một trong những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam, hướng đến TOP 5 vào năm 2025.

Trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh còn nhiều biến động, mục tiêu kinh doanh năm 2020 là rất thách thức nhưng toàn thể CBNV VNI đoàn kết, nỗ lực, chia sẻ, chủ động, thẳng thắn, quyết liệt phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, xây dựng VNI trở thành một doanh nghiệp có môi trường làm việc thân thiện và chuyên nghiệp.

Bảo Việt Nhân thọ nhận danh hiệu “Thương hiệu Tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương 2020”

(ĐTCK) – Ngày 20/6/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo Việt Nhân thọ đã vinh dự đạt danh hiệu tầm cỡ khu vực – Top 10 “Thương hiệu Tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương 2020” dựa trên đánh giá về uy tín thương hiệu dẫn đầu, chất lượng sản phẩm dịch vụ và chiến lược phát triển bền vững, đóng góp cho đất nước trong thời gì hội nhập kinh tế toàn cầu.

Sau hơn 24 năm tiên phong đồng hành cùng sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ đã và đang khẳng định là doanh nghiệp quốc gia dẫn đầu trên thị trường có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại. Liên tục dẫn đầu TOP 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín Việt Nam” trong 4 năm qua, năm 2020, Bảo Việt Nhân thọ được Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương bình chọn là Top 10 “Thương hiệu Tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương 2020”.

Danh hiệu này được bình xét dựa trên 3 tiêu chí (1) Thương hiệu đầu ngành, (2) Sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao và (3) Xây dựng chiến lược phát triển bền vững trên thị trường Việt Nam, đồng thời đóng góp cho đất nước trong thời kì hội nhập kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, Bảo Việt Nhân thọ đang sở hữu hệ thống mạng lưới vững mạnh nhất trên thị trường với 76 Công ty thành viên, 388 văn phòng khu vực phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, bảo vệ và hoạch định kế hoạch tài chính cho gần 16 triệu lượt khách hàng, chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro và đáo hạn lên đến hơn 45.000 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2019, Bảo Việt Nhân thọ đã chi trả 7.458 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số tiền chi trả của cả thị trường, mang đến cho người dân Việt Nam sự bảo vệ toàn diện và tài chính vững vàng trước các rủi ro không may trong cuộc sống.

Tổng Giám đốc Bảo Việt Nhân thọ, ông Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Trong suốt 24 năm qua, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực không mệt mỏi để đổi mới toàn diện, chú trọng đầu tư cả về con người và hệ thống nhằm mang đến những trải nghiệm tích cực, đồng hành và tận tâm với khách hàng trong suốt thời gian dài 15-20 năm tham gia sản phẩm; thực hiện sứ mệnh nhân văn của chúng tôi là bảo vệ toàn diện cho các gia đình Việt và đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.”

Bảo Việt Nhân thọ đã đưa vào thị trường những sản phẩm ngày càng ưu việt, song hành cùng dịch vụ chất lượng quốc tế, tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp đã nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới với các quyền lợi bảo vệ toàn diện, kết hợp bảo lãnh viện phí và hỗ trợ y tế để phục vụ nhu cầu bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống ngày càng gia tăng.

Cụ thể doanh nghiệp đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi thu hút như bảo hiểm bệnh ung thư từ ngay giai đoạn đầu, bảo hiểm đột quỵ, các bệnh lý nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo, quyền lợi nằm viện, trợ cấp viện phí, phẫu thuật, vận chuyển cấp cứu y tế…

Ngoài ra, kết hợp với các gói bảo hiểm sức khỏe của Bảo Việt, người tham gia bảo hiểm nhân thọ của Bảo Việt Nhân thọ sẽ được bảo lãnh viện phí – không cần thanh toán trước – tại 70 bệnh viện trên toàn quốc. Nhiều sản phẩm của Bảo Việt Nhân thọ đã được khách hàng đón nhận, yêu thích và dành được các giải thưởng quốc tế cho sản phẩm ưu việt nhất trên thị trường.

Song hành cùng chất lượng sản phẩm, Bảo Việt Nhân thọ đã ứng dụng công nghệ hiện đại trong quy trình hoạt động và dịch vụ, tối ưu trải nghiệm của khách hàng, rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng trong 15 phút – được ghi nhận là ngắn nhất trên thị trường hiện nay, đồng thời giúp khách hàng được tư vấn, giao dịch và tra cứu thuận tiện các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và thực hiện các giao dịch, tiện ích tài chính, thanh toán thuận tiện trong cuộc sống với ứng dụng tra cứu trả lời tự động, ứng dụng di động MyBVLife và BaovietPay.

Năm 2019, để gia tăng quyền lợi ngoài hợp đồng cho khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ đã cho ra mắt Tổng đài tư vấn sức khỏe miễn phí giúp các khách hàng và gia đình được các bác sĩ uy tín chăm sóc và hỗ trợ điều trị.

Đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, Bảo Việt Nhân thọ đã tích cực thực hiện vai trò huy động vốn, đầu tư trở lại nền kinh tế Việt Nam gần 80.000 tỷ đồng thông qua hình thức trái phiếu chính phủ, đóng góp vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Doanh nghiệp đồng thời tích cực chủ động và trực tiếp tác động đến chất lượng sống của mỗi gia đình thông qua các chương trình sức khỏe cộng đồng và thiện nguyện.

Đến nay, Bảo Việt Nhân thọ đã trao 26.000 suất học bổng xe đạp và balo cho các em học sinh giỏi vượt khó vươn lên, khám bệnh cho 12.000 người nghèo trên khắp các tỉnh thành, tổ chức các chương trình rèn luyện sức khỏe với hơn 60.000 người tham gia, xây dựng phong trào tập luyện và lan tỏa nhận thức sống khỏe, đồng thời trao tặng hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho các gia đình không may gặp rủi ro, tai nạn đáng tiếc để đảm bảo tương lai.

Với những cố gắng mạnh mẽ để đem lại quyền lợi và giá trị ngày càng lớn hơn cho khách hàng và cộng đồng, Bảo Việt Nhân thọ đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp có hoạt động trách nhiệm xã hội và phát triển cộng đồng tốt nhất năm 2019” do Tổ chức Đánh giá Tài chính và Ngân hàng toàn cầu của Anh Quốc bình chọn.

Nhận giải thưởng tầm cỡ khu vực – TOP 10 “Thương hiệu Tiêu Biểu Châu Á Thái Bình Dương 2020”, bà Thân Hiền Anh – Chủ tịch HĐTV Bảo Việt Nhân thọ cho biết: “Đây là sự ghi nhận và nguồn động lực lớn để Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục đầu tư và đổi mới, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, tiếp tục phát huy sức mạnh và nội lực của một thương hiệu Việt, tự hào bảo vệ các gia đình Việt và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.”

  1. Tin đào tạo

VNI đào tạo giám định bồi thường xe cơ giới

(VNI) – Thực hiện Kế hoạch đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ Giám định bồi thường toàn hệ thống trong năm 2020 nhằm nâng cao trình độ cho giám định viên về nghiệp vụ giám định bồi thường xe cơ giới từ cơ bản đến nâng cao. Trong 2 ngày, từ 17 đến 19/6 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã tổ chức đào tạo cho hơn 70 cán bộ Giám định bồi thường tại các đơn vị khu vực phía Bắc và Hà Nội. Tới dự khai mạc và phát biểu tại chương trình đào tạo nghiệp vụ giám định, bồi thường có Ông Trần Trọng Dũng – Tổng giám đốc, ông Nguyễn Thành Quang – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ.

Nội dung đào tạo chính là Quy trình giải quyết giám định, bồi thường, sơ lược chung về cấu tạo ô tô, hướng dẫn cách thức xác định hư hỏng, khắc phục, xác định xe ngập nước, đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm chống trục lợi bảo hiểm, chia sẻ các vụ việc để rút kinh nghiệm và học hỏi. Ngoài ra, tại chương trình đào tạo, ông Trần Thanh Lâm – Giám đốc Ban Giám định, Bồi thường còn tổ chức thảo luận theo nhóm và trao đổi, đưa ra những tình huống xử lý trong thực tế, sự phối kết hợp trong tác nghiệp, hiện trường  các vụ việc  giữa các Phòng Nghiệp vụ GĐBT trong hệ thống; phương pháp xử lý chống trục lợi bảo hiểm; triển khai tốt việc thực hiện giám định online ở từng đơn vị và trong cả hệ thống nâng cao năng suất lao động thực hiện công tác giám định bồi thường theo mục tiêu “ Nhanh chóng – Chính xác – Chuyên nghiệp”. Tất cả học viên của lớp học đều phải trải qua bài Test ban đầu, bài kiểm tra sau khoá học và kết quả 19/21 đơn vị đạt yêu cầu về số lượng, nội dung kiểm tra sau khoá học.

VNI tin tưởng việc thường xuyên đào tạo cho các cán bộ trong hệ thống sẽ nâng cao và khẳng định chất lượng chăm sóc phục vụ Khách hàng mà VNI đã cam kết khi kí kết hợp đồng đối với Khách hàng sử dụng sản phẩm của VNI.

  1. Tin quốc tế

Swiss Re nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu cacbon và rủi ro công nghệ

(INN) – Báo cáo Sonar hàng năm của Thụy Sĩ về những rủi ro mới nổi đã cảnh báo đại dịch COVID-19 không nên làm lu mờ nhu cầu phải chuyển sang một tương lai ít carbon hơn.

Giám đốc Rủi ro Patrick Raaflaub nói: “Thích ứng với rủi ro khí hậu và sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp với các cơ hội và rủi ro liên quan cho ngành bảo hiểm vẫn rất quan trọng”.

Trước khi có COVID-19, các khu vực công và tư nhân phải tập trung vào cả sức khỏe toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Báo cáo được xuất bản mỗi năm kể từ năm 2013, nhấn mạnh 14 chủ đề rủi ro mới nổi, được nhóm theo tác động tiềm năng, khung thời gian và danh mục, và làm nổi bật bốn xu hướng dài hạn.

Mất cân bằng giữa các thế hệ được xếp hạng là có nguy cơ cao trong vòng ba năm, với hàng nghìn năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch giống như họ đang xây dựng cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của mình và thường sẽ cần nhiều bảo hiểm hơn.

Rủi ro không gian mạng gia tăng có thể đến từ “điện toán biên”, có liên quan đến các thiết bị ở cuối mạng như Internet of Things, cho phép nhiều điểm bị gián đoạn hơn trong khi tăng khả năng thất bại.

Các giải pháp loại bỏ carbon sẽ tạo ra nhu cầu về bảo hiểm tài sản và kỹ thuật truyền thống, bao gồm các loại rủi ro mới, trong khi một số công nghệ vẫn đang ở giai đoạn nguyên mẫu.

Rủi ro công nghệ và môi trường tự nhiên cũng bao gồm những thách thức từ khả năng cháy của pin lithium-ion và các ứng dụng nhiên liệu hydro.

Ông Raaflaub nói rằng cuộc khủng hoảng virus Corona hiện tại đã cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trong tương lai.

“Duy trì đối thoại toàn cầu về các rủi ro đang phát triển và xu hướng sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị tốt nhất cho bối cảnh rủi ro trong tương lai”, ông nói.

Lloyd’s ra mắt công cụ hỗ trợ giao dịch điện tử

(INN) – Lloyd’s vừa phát hành một ứng dụng mới sẽ giúp các nhà môi giới và chuyên gia đánh giá rủi ro thực hiện hoạt động kinh doanh qua các phương tiện điện tử trong bối cảnh thị trường đang tiến lên với các chương trình chuyển đổi.

Atrium Underwriter sẽ là công ty đầu tiên áp dụng giao diện chương trình ứng dụng (API) do Lloyd’s phối hợp với nền tảng PPL và nhà cung cấp dịch vụ Limoss cùng phát triển.

API cho phép các nhà môi giới và doanh nghiệp bảo hiểm làm việc từ các hệ thống của riêng mình, giảm nhu cầu phải nhập dữ liệu và tài liệu hai lần.

Đây là một phần của dự án Tương lai tại Lloyd’s, nhằm mục đích tăng tốc các công nghệ, giảm thiểu chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động của Lloyd’s.

Giám đốc Công nghệ thông tin, ông Justin Emrich, nói: “Tầm nhìn của chúng tôi là cung cấp một màn hình duy nhất cho các chuyên gia đánh giá rủi ro mà không cần đăng nhập, không sao chép và dán, không nhập trùng lặp hoặc nhập thủ công – mọi thứ được kết nối từ bên trong hệ sinh thái phần mềm Atrium ngay lập tức”.

Zurich bổ sung nhân sự cho Bộ phận Dịch vụ Giảm nhẹ Biến đổi khí hậu

(INN) – Zurich đã bổ nhiệm bà Belinda Bates đảm nhiệm vị trí công việc hoàn toàn mới trong tổ chức, đó là Tư vấn Rủi ro cấp cao về Biến đổi khí hậu. Zurich đồng thời cũng nhận định, các doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức được nhu cầu phải xem xét và chuẩn bị cho những thay đổi về môi trường.

Zurich nói, họ “tin tưởng chắc chắn rằng phòng ngừa là biện pháp bảo vệ tốt nhất” và bộ phận Dịch vụ Giảm nhẹ Biến đổi khí hậu sẽ giúp các doanh nghiệp xác định, giảm thiểu và thích ứng với các rủi ro biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai.

Giám đốc điều hành Bảo hiểm thương mại James Shea nói: “Nhu cầu đối với các công cụ quản lý rủi ro có thể giúp doanh nghiệp định lượng được tác động của biến đổi khí hậu đang tăng cao vì các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đã tăng lên về tần suất và mức độ nghiêm trọng”.

Điều này liên quan đến việc xác định các địa điểm có rủi ro cao theo các kịch bản biến đổi khí hậu và đánh giá cấp độ cơ chế bảo vệ rủi ro tự nhiên, cũng như phát triển các ước tính tổn thất và đề xuất chiến lược giảm thiểu rủi ro.

Bà Bates trước đây là tư vấn quản lý rủi ro tài chính tại EY và có bằng tiến sĩ về mô hình hóa các mối nguy hiểm tự nhiên.

Ấn Độ: LG cung cấp bảo hiểm COVID-19 cho khách hàng

(AIR) – Hãng điện tử và đồ gia dụng LG Electronics đã liên kết với Bảo hiểm phi nhân thọ Cholamandalam MS để cung cấp sản phẩm bảo hiểm COVID-19 cho khách hàng mua các thiết bị gia dụng chọn lọc.

Chương trình bảo hiểm COVID-19 gồm 3 mệnh giá: 50.000 INR (654 đô la), 30.000 INR (392 đô la) và 10.000 INR (131 đô la), tùy thuộc vào loại thiết bị mà khách hàng mua.

Ưu đãi bảo hiểm này là một phần trong nỗ lực của LG nhằm giúp đỡ cộng đồng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và giúp cho khách hàng có khả năng tiếp cận tốt hơn đối với các dịch vụ y tế trong những thời điểm khó khăn này.

Điều kiện được tham gia bảo hiểm là công dân Ấn Độ từ ba tháng đến 65 tuổi và không du lịch nước ngoài trong ba tháng qua. Công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ yêu cầu bảo hiểm nào phát sinh từ coronavirus trong thời gian chờ 16 ngày kể từ ngày bắt đầu hiệu lực. Hợp đồng này sẽ có hiệu lực trong một năm và khách hàng có thể thông qua các đại lý của LG để theo dõi việc giải quyết bồi thường.

Tâm trạng tích cực sau COVID tại thị trường bảo hiểm Luân đôn

(AIR) – Các thành viên Hiệp hội Luân đôn về đánh giá rủi ro trách nhiệm nghề nghiệp (PLUS) nói chung rất lạc quan về triển vọng sau đại dịch virus Corona của thị trường bảo hiểm Luân đôn.

Khoảng 100 thành viên của PLUS (từ Luân đôn và Bắc Mỹ) đã gặp nhau trực tuyến vào ngày 18 tháng 6 năm 2020 và tranh luận về câu hỏi “Cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến việc chấm dứt vĩnh viễn thị trường giao dịch theo cách mặt đối mặt?”

Quan điểm của khán giả là tích cực. Các thành viên cảm thấy rằng thị trường đang đối phó tốt đáng ngạc nhiên với môi giới và đánh giá rủi ro ảo. Trong số 94 thành viên được thăm dò, 60% mong đợi thị trường Luân Đôn sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau khi COVID-19 và 88% hy vọng thị trường Luân Đôn sẽ thay đổi tốt hơn do hậu quả của đại dịch.

52% cho rằng việc tiến hành kinh doanh cuối cùng sẽ rẻ hơn cho khách hàng quốc tế và 28% tin rằng trong vòng một năm, việc kinh doanh sẽ nhanh hơn cho khách hàng quốc tế.

Hội thảo trực tuyến của PLUS cũng đã tổ chức thảo luận về chủ đề này, gồm có các giám đốc điều hành cấp cao từ Marsh, Beazley, Clyde & Co, Tysers và Traveller Châu Âu. Cuộc thảo luận đã nêu bật một số yêu cầu mà các nơi làm việc ảo đặt ra cho những người được giao nhiệm vụ xây dựng các mối quan hệ mới.

Những thách thức khác bao gồm khó khăn cho các nhà môi giới trong việc tiếp cận với chuyên gia đánh giá rủi ro và sự gia tăng căng thẳng của các cuộc đối thoại về những rủi ro phức tạp khi không thể thực hiện bằng cách mặt đối mặt trực tiếp.

Ông Max Carter, Giám đốc điều hành New Dawn Risk, người chủ trì cuộc thảo luận, cho biết: “Nhìn chung, chúng tôi rất vui mừng với sự tích cực đến từ các thành viên tham dự cuộc tranh luận, và thật tuyệt khi biết rằng các thành viên tin rằng công nghệ và các mối quan hệ làm nền tảng cho thị trường này sẽ cho phép chúng tôi tiếp tục đánh giá và quản lý rủi ro cho khách hàng một cách hiệu quả”.

Các thành viên tham dự thảo luận đều đồng ý rằng làm việc từ xa sẽ có khả năng tiếp tục duy trì trong tương lai.

Mỹ: Các công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho vắc-xin COVID-19 mà không yêu cầu đồng thanh toán

(AIR) – Tuần trước, các quan chức Hoa Kỳ cho biết, họ hy vọng các công ty bảo hiểm sức khỏe sẽ bảo hiểm cho việc tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa COVID-19 mà không yêu cầu khách hàng đồng chi trả khi các loại vắc-xin này được cung cấp ra thị trường.

Tại cuộc họp ngắn mới đây, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump cho biết chính phủ đã đàm phán với các công ty bảo hiểm về việc cung cấp vắc-xin miễn phí cho bệnh nhân. Ngành bảo hiểm trước đó đã đưa ra một cam kết tương tự để bảo hiểm cho xét nghiệm virus Corona mà không yêu cầu đồng thanh toán.

Cũng như các loại vắc-xin khác, các công ty bảo hiểm sẽ có lợi ích tài chính tốt trong việc bảo hiểm cho vắc-xin COVID-19. Vắc-xin được coi là giải pháp win-win, giúp cho khách hàng của công ty bảo hiểm khỏe mạnh bằng cách ngăn ngừa bệnh tật, từ đó có thể tiết kiệm tiền chi trả bồi thường.

Các công ty bảo hiểm sức khỏe sẽ bảo hiểm các loại vắc-xin được sản xuất bởi Trung tâm tư vấn phòng chống dịch bệnh và phòng ngừa khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tiêm chủng là một dịch vụ phòng ngừa và Đạo luật Chăm sóc y tế phổ thông yêu cầu các công ty bảo hiểm chi trả miễn phí cho bệnh nhân.

Các loại vắc-xin đang trong quá trình thử nghiệm đầu tiên với mục tiêu tham vọng là sản xuất được 300 triệu liều vào đầu năm tới.

Ngành BHNT Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ lãi suất thấp

(AIR) – Theo tạp chí BusinessKorea, các công ty bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc đang phải chịu gánh nặng ngày càng tăng lên quỹ dự phòng nghiệp vụ do lãi suất giảm. Đặc biệt là đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn có nhiều sản phẩm lãi cố định. Sự nhạy cảm về lãi suất cũng đang tăng nhanh ở một số công ty bảo hiểm nước ngoài.

Theo các nguồn tin trong ngành, các công ty bảo hiểm nhân thọ của Hàn Quốc phải tăng mức dự trữ nghiệp vụ lên tới 5,635,7 tỷ Won (44,65 tỷ USD) vào cuối quý I năm nay, tăng 1.529,9 tỷ Won so với một năm trước đó. Điều này xuất phát từ tình trạng cắt giảm các lãi suất chính sách chính thức (Key Interest Rates) trong tháng ba và tháng năm và giá cổ phiếu giảm.

Mỗi năm 2 lần, Cơ quan Giám sát tài chính tiến hành đánh giá mức độ đầy đủ của quỹ dự phòng nghiệp vụ tại các công ty bảo hiểm. Mục tiêu của hoạt động này nhằm để xử lý bất kỳ sự gia tăng nào về trách nhiệm pháp lý trước khi giới thiệu IFRS 17 dự kiến vào năm 2023. Việc đánh giá phản ánh các yếu tố khác nhau như lãi suất thị trường hiện tại và tỷ lệ tử vong.

Với tỷ lệ chiết khấu trách nhiệm bảo hiểm giảm dần hàng năm, gánh nặng nợ lên các công ty bảo hiểm có độ nhạy cảm lãi suất cao hơn sẽ tiếp tục tăng.

AIA Singapore tích cực hỗ trợ nhân viên làm việc tại nhà

(IBM) – AIA Singapore sẽ hỗ trợ tất cả nhân viên mỗi người 1.000 đô la Singapore để họ làm việc tại nhà do đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, Tổng Giám đốc công ty nói rằng công ty không có kế hoạch giảm lương nào.

AIA Singapore nói rằng số tiền này có thể được nhân viên sử dụng để mua thiết bị cần thiết nhằm nâng cấp văn phòng tại nhà của họ cũng như xử lý mọi tác động tài chính do đại dịch gây ra và các hạn chế kèm theo.

Đối tượng được hưởng trợ cấp là tất cả nhân viên hợp đồng và dài hạn, với tổng số hơn 1.000 nhân viên.

Bên cạnh đó, AIA Singapore cho biết họ đang nỗ lực xây dựng các giải pháp sắp xếp công việc tại nhà linh hoạt và mang tính lâu dài cho tất cả nhân viên, ngay cả sau khi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ. Nhân viên sẽ có thể chọn những ngày trong tuần muốn làm việc tại nhà, cũng như tùy chỉnh thời gian và sắp xếp thời gian làm việc để phù hợp với nhu cầu cá nhân. Công ty sẽ bố trí thêm một ngày nghỉ cho tất cả nhân viên để họ có thêm thời gian tập trung tái tạo sức khỏe.

Ông Patrick Teow, Tổng Giám đốc AIA Singapore, chia sẻ: “Công ty chúng tôi lấy người lao động làm trung tâm và đặt ưu tiên cao đối với người lao động vì họ là lực lượng thúc đẩy thành công của AIA. Chúng tôi hợp tác với nhau và thậm chí còn nhiều hơn thế trong thời gian chưa từng có này, theo đó công ty muốn nhấn mạnh với họ về đảm bảo duy trì công việc và cam kết đầu tư vào sự phát triển cá nhân và chuyên nghiệp liên tục. Hiện tại không có bất kỳ kế hoạch cắt giảm lương nào”.

Trong nỗ lực của AIA nhằm nắm bắt các chuẩn mực nơi làm việc mới, hiện tại công ty đang sử dụng Microsoft Teams và Workplace cho Facebook để thực hiện tương tác và các cuộc họp hàng ngày. AIA cũng triển khai các phiên online hỗ trợ nhân viên về sức khỏe tinh thần, công thái học (môn học về khả năng, giới hạn của con người để từ đó tăng khả năng và tối ưu hóa điểm mạnh và bù trừ khiếm khuyết) tại nhà và thể dục, cũng như các chủ đề khác.

BTV (Tổng hợp).