Sản phẩm bảo hiểm công nghệ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam; Sun Life xây dựng lực lượng tư vấn “đa thế hệ”; AXA đạt 5,77 tỷ đô la tổng doanh thu châu Á
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
VBI chi trả hơn 2 tỷ đồng cho gia đình khách hàng vay vốn bị tử vong do giật điện
(TBTCO) – Ngày 28/7, Bảo hiểm VietinBank – VBI tổ chức thăm hỏi, động viên và chi trả hơn 2 tỷ đồng quyền lợi Bảo hiểm Khoản vay – VietinCare cho khách hàng tham gia vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Đây cũng là số tiền chi trả lớn nhất đối với khách hàng vay vốn từ trước đến nay.
Tham dự buổi chi trả quyền lợi có ông Đặng Kiều Hưng – Giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Bình Định, bà Phan Thị Ngọc Ái – Giám đốc Bảo hiểm VietinBank Bình Định cùng đại diện gia đình khách hàng tham gia bảo hiểm khoản vay VietinCare.
Ngày 07/03/2022, khi vay vốn tại Ngân hàng VietinBank để phát triển công việc kinh doanh, bà Hà đã phòng xa mua thêm gói Bảo hiểm Khoản vay – VietinCare với mức phí là 15 triệu đồng. Không may đến giữa tháng 5/2022, do sơ suất bà Hà bị điện giật dẫn đến tử vong.
Ngay khi nhận được tin báo từ thân nhân khách hàng, VBI đã kịp thời gửi lời thăm hỏi, động viên và hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục để được chi trả bảo hiểm theo quy định. Căn cứ theo quyền lợi bảo hiểm và xác nhận dư nợ của bà Hà tại Ngân hàng VietinBank – chi nhánh Bình Định, ngày 28/7/2022, VBI đã chi trả số tiền bảo hiểm lên tới 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bảo hiểm VietinBank – VBI hỗ trợ thêm 5 triệu đồng tiền mai táng cho gia đình bà Hà. Các thủ tục được phía bảo hiểm thực hiện nhanh chóng ngay sau khi nhận các hồ sơ liên quan như xác nhận nạn nhân tai nạn điện giật, giấy chứng nhận bảo hiểm số, xác nhận dư nợ…
Bảo hiểm Khoản vay là sản phẩm dành cho khách hàng vay vốn tại các ngân hàng có liên kết với Bảo hiểm VietinBank – VBI trên toàn quốc. Theo đó, nhà bảo hiểm sẽ thay khách hàng chi trả số tiền vay vốn còn nợ ngân hàng tại thời điểm xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.
Sau nhiều năm triển khai, bảo hiểm Khoản vay đã trở thành điểm tựa tài chính vững chắc với khách hàng vay vốn. Sản phẩm đã chứng minh tính nhân văn sâu sắc, hỗ trợ hàng nghìn gia đình vượt qua khó khăn khi mất đi trụ cột kinh tế.
Là đơn vị có bề dày lịch sử trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm VietinBank – VBI cung cấp tới khách hàng đa dạng sản phẩm từ bảo hiểm về con người, bảo hiểm vật chất – tài sản, bảo hiểm dành cho doanh nghiệp, bảo hiểm du lịch… nhằm đem lại cho khách hàng cuộc sống an tâm, tốt đẹp hơn.
- Một vòng doanh nghiệp
Bảo hiểm AAA tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022
(TBTCO) – Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA vừa tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ) năm 2022.
Sau khi xem xét các tờ trình và thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề liên quan, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 của Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA đã nhất trí thông qua các nội dung: đơn từ nhiệm, miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Cụ thể, ĐHĐCĐ Bảo hiểm AAA đã thông qua đơn từ nhiệm và miễn nhiệm chức danh đối với ông Nguyễn Đình Ngôn (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Việt Hưng (thành viên HĐQT). Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 – 2025 được điều chỉnh từ 6 lên 7 thành viên. Theo kết quả bầu HĐQT mới, ông Đinh Hoài Châu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Tùng Lâm giữ chức vụ Thành viên HĐQT, ông Trần Ngọc Tuấn giữ chức vụ Thành viên độc lập HĐQT.
ĐHĐCĐ Bảo hiểm AAA cũng thông qua đơn từ nhiệm và miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với ông Đinh Hoài Châu và ông Nguyễn Trung Quân, đồng thời bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó ĐHĐCĐ đã bầu ông Đồng Hải Hà giữ chức vụ Trưởng Ban kiểm soát và ông Lê Thanh Tùng là Thành viên Ban kiểm soát.
Prudential Việt Nam ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm PRU-Thiết Thực
(TBTCO) – Prudential Việt Nam lần đầu tiên ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm PRU-Thiết Thực. Đây là giải pháp bảo hiểm có hướng tiếp cận khác biệt so với dòng sản phẩm bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng đang có mặt trên thị trường hiện nay.
Sản phẩm PRU-Thiết Thực được thiết kế đơn giản, linh hoạt và gia tăng quyền lợi bảo vệ cho khách hàng, với các điểm nổi bật như: không phụ thuộc vào danh sách bệnh truyền thống, bảo hiểm theo tình trạng tổn thương của các hệ cơ quan và chức năng; chi phí hợp lý cùng tổng quyền lợi bảo hiểm lên đến 255% số tiền bảo hiểm; tiết kiệm hơn khi tham gia cho nhiều người trên cùng hợp đồng.
Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ: “Sau đại dịch, người dân ngày càng chú trọng việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Hiểu được nhu cầu cũng như những thách thức về tài chính và sức khỏe mà khách hàng phải đối mặt sau đại dịch, Prudential đã nhanh chóng phát triển một sản phẩm bảo hiểm bệnh lý nghiêm trọng dựa trên chính nhu cầu bảo vệ và sự lo lắng về tài chính của khách hàng, giúp khách hàng vững tâm hơn cho tương lai. Khác với các sản phẩm hiện có trên thị trường, bước ra ngoài cuộc đua về danh sách số lượng bệnh, PRU-Thiết Thực đang mang lại khái niệm mới về bảo hiểm, một giải pháp bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu và linh hoạt, bảo vệ dựa trên tình trạng tổn thương của hệ cơ quan và chức năng”.
Với cách tiếp cận khác biệt, PRU-Thiết Thực không phụ thuộc vào danh sách bệnh truyền thống, sản phẩm bảo hiểm theo tình trạng tổn thương theo mức độ của sáu hệ cơ quan và chức năng, bao gồm: hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thống gan mật, bệnh lý và chức năng thận, hệ thống giác quan, kết hợp bảo hiểm trước ba bệnh lý nghiêm trọng phổ biến và thương tật.
Theo đó, với tình trạng tổn thương mức độ trung bình, Prudential sẽ chi trả 30% số tiền bảo hiểm/tình trạng tổn thương; với tình trạng tổn thương mức độ nghiêm trọng, Prudential sẽ chi trả tối đa 100% số tiền bảo hiểm/tình trạng tổn thương. Hơn thế nữa, nếu tình trạng tổn thương của hệ cơ quan và chức năng phải trải qua phẫu thuật mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, Prudential sẽ chi trả thêm 5% số tiền bảo hiểm cho khách hàng với quyền lợi gia tăng phẫu thuật, chi trả một lần trong suốt thời gian tham gia sản phẩm bảo hiểm này.
Theo thống kê từ số liệu bồi thường của Prudential vào cuối năm 2021, 80% tổng số ca chi trả cho các sản phẩm bệnh hiểm nghèo tại Prudential thuộc ba bệnh phổ biến gồm: ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Hiểu được những khó khăn của khách hàng về tài chính và sức khỏe khi phải đối mặt với ba sát thủ âm thầm này, PRU-Thiết Thực còn mở rộng bảo vệ toàn diện với quyền lợi gia tăng cho bệnh lý nghiêm trọng, chi trả thêm 50% số tiền bảo hiểm (chi trả một lần trong suốt thời gian tham gia sản phẩm bảo hiểm) nếu khách hàng không may mắc một trong ba bệnh hiểm nghèo nêu trên ở mức độ nghiêm trọng.
Nếu khách hàng không may xảy ra biến cố ngoài mong muốn, Prudential sẽ chi trả 100% số tiền bảo hiểm cho quyền lợi tử vong, góp phần hỗ trợ người thân và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn. Như vậy, với PRU-Thiết Thực, khách hàng sẽ được bảo vệ với tổng quyền lợi lên đến 255% số tiền bảo hiểm.
Với cách xây dựng tinh gọn và đơn giản, khách hàng sẽ dễ dàng ghi nhớ quyền lợi bảo hiểm, đồng thời, được linh hoạt chi trả trước những tình trạng tổn thương có thể được phát hiện trong tương lai (tình trạng tổn thương này cần thỏa định nghĩa được quy định trong quy tắc, điều khoản sản phẩm), mang đến sự an tâm vững vàng cho tương lai.
Ngoài ra, hướng tới mục tiêu bảo vệ toàn vẹn cho cả gia đình, khách hàng sẽ tiết kiệm chi phí nếu tham gia cho nhiều thành viên. Đồng thời, PRU-Thiết Thực bảo vệ khách hàng đến 85 tuổi, trong đó, độ tuổi tham gia cho người được bảo hiểm chính từ 18 tuổi đến 65 tuổi, người được bảo hiểm bổ sung từ 30 ngày tuổi đến 65 tuổi.
Quý II/2022: VBI tăng trưởng kép cả doanh thu và lợi nhuận, tăng tốc hoàn thành mục tiêu 2022
(TBTCO) – Nhờ những bước đi linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số phù hợp xu hướng phát triển của ngành, Bảo hiểm VietinBank – VBI vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 tích cực, ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 1.547 tỷ đồng và 142 tỷ đồng, tăng trưởng 33% và 46,9% so với cùng kỳ. Đây được xem là “cú hích” để VBI tiếp tục bứt phá cán đích mục tiêu năm 2022.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng khoảng 13% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, bối cảnh vĩ mô nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng dự báo còn gặp nhiều thách thức. Đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều thận trọng về mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022. Nguyên nhân là do chi phí phí bán hàng, tỷ lệ bồi thường… tăng mạnh khi cuộc sống trở về bình thường mới, trong khi các cơ hội đầu tư trở nên khó khăn hơn.
Ngược dòng với bức tranh chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm VietinBank (VBI) ghi nhận nhiều điểm sáng với kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, VBI ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.547 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ, gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 142 tỷ đồng, tăng trưởng 46,9% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí. Đáng chú ý, doanh thu ghi nhận tăng trưởng mạnh ở các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, bảo hiểm khoản vay, đạt lần lượt 366,1 tỷ đồng và 350,2 tỷ đồng, chiếm 25% và 24% trong cơ cấu doanh thu. Kết quả trên khẳng định VBI đã có những bước đi linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh các sản phẩm phù hợp xu hướng phát triển.
Mặt khác, doanh thu qua các kênh phân phối đại lý cá nhân và Bancassurance ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, cho thấy hướng đi đúng đắn của VBI trong việc xây dựng mạng lưới phân phối, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của các bên và tận dụng cơ sở khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty luôn đón đầu xu hướng công nghệ, tiên phong ứng dụng công nghệ mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, VBI tiếp tục phát triển công cụ bán hàng online cho một số sản phẩm mới, nâng cấp các tiện ích trên app MyVBI và VBI4Sales, cải tiến hệ thống quản lý đại lý cá nhân; triển khai các công cụ hỗ trợ quản lí hoạt động tái tục, kiểm soát rủi ro, cấp đơn xe cơ giới… Qua đó chú trọng nâng tầm trải nghiệm khách hàng, đẩy mạnh chuyển đổi số trên toàn hệ thống.
Bên cạnh việc duy trì kết quả kinh doanh khả quan, VBI liên tục thích ứng, chuyển mình linh hoạt với nhiều thay đổi tích cực, từng bước củng cố vị thế thương hiệu trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ với hàng loạt giải thưởng danh giá trong và ngoài nước: Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2022, Giải thưởng Thương hiệu số 1 Việt Nam, Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc (Vietnam Digital Awards), Giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (Industry 4.0 Award), Giải thưởng Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng Top 1 Việt Nam (FAST500)…
Năm 2022 là năm trọng điểm để VBI tập trung bứt phá, tăng trưởng với những mục tiêu lớn. Doanh thu dự kiến đạt 3.100 tỷ đồng, tăng trưởng 30%, lợi nhuận chạm ngưỡng 300 tỷ đồng, tăng gần 50%, đưa công ty vào Top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Chia sẻ về các giải pháp hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh năm 2022, ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc VBI cho biết, VBI sẽ tối ưu hóa nguồn lực để khai thác các sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt các sản phẩm trọng điểm; tập trung khai thác các kênh bán hàng có ưu thế cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng kênh Bancas và chuẩn hóa đội ngũ bán hàng; kiểm soát, chăm sóc khai thác có hiệu quả các khách hàng hiện hữu, đảm bảo duy trì tỉ lệ tái tục khoảng 80%.
Sản phẩm bảo hiểm công nghệ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam
(TBTCO) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa chính thức cho ra mắt sản phẩm PTI Care – Bảo hiểm Trời mưa. Đây là sản phẩm bảo hiểm hợp tác giữa PTI và Công ty bảo hiểm số NTUC Income (Singapore), lần đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Sản phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành giải pháp thuận tiện giúp khách hàng tiết kiệm chi phí hơn trong việc di chuyển bằng xe công nghệ (Grab, Be) vào những ngày trời mưa tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, để giảm bớt việc bị tăng chi phí khi đặt xe vào trời mưa, khách hàng sử dụng các ứng dụng đặt xe công nghệ (hiện chỉ áp dụng cho xe ô tô) khi xảy ra mưa tại điểm đón sẽ được PTI chi trả 60% cước phí của chuyến đi. Đặc biệt, phí bảo hiểm sẽ được tính toán tự động bằng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) dựa trên các dữ liệu thời tiết được lấy trực tiếp từ AccuWeather. Khách hàng hoàn toàn có thể truy cập vào trang web https://www.accuweather.com hoặc website của PTI https://www.epti.vn để tham khảo thông tin dự báo thời tiết trước khi lựa chọn ngày được bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu đi lại của cá nhân.
Hiện sản phẩm PTI care – Bảo hiểm Trời mưa được chia làm 2 gói: Gói 1 – 6 ngày và gói 7 – 12 ngày, với những đặc trưng mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng như: Với chi phí chỉ từ vài nghìn đồng/đơn bảo hiểm, khách hàng có thể lựa chọn linh hoạt theo kế hoạch hành trình cá nhân; quy trình yêu cầu bồi thường và nhận bồi thường tối giản và được xử lý online toàn trình. Khách hàng chỉ cần gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi tới PTI, hệ thống sẽ xử lý bồi thường tự động; hình thức tham gia đơn giản, nhanh chóng, khách hàng có thể truy cập và trải nghiệm tại website bán hàng trực tuyến của PTI https://www.epti.vn/
Đại diện PTI cho biết: “Sự phát triển không ngừng của công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang từng bước làm thay đổi thị trường bảo hiểm Việt Nam theo hướng công nghệ hóa nhằm đem lại sự thuận tiện cho khách hàng. Chúng tôi hy vọng, sản phẩm PTI Care – Bảo hiểm Trời mưa sẽ mang lại những trải nghiệm về công nghệ bảo hiểm số hoàn hảo cho khách hàng. Sản phẩm này không chỉ được xây dựng theo đúng nhu cầu của khách hàng mà quan trọng hơn, nó còn được ứng dụng công nghệ toàn trình từ khâu định phí đến thực hiện yêu cầu bồi thường, duyệt yêu cầu và tiến hành chi trả. Lần đầu tiên tại Việt Nam, mức phí và số tiền bồi thường được tính tự động theo thực tế, đảm bảo được sự minh bạch, khách quan và bảo vệ tối ưu quyền lợi cho khách hàng.”
PTI hiện đang là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời là doanh nghiệp dẫn đầu về lĩnh vực bảo hiểm trực tuyến. Trước đó PTI đã luôn năng động trong việc phát triển các sản phẩm mới, ứng dụng nhiều công nghệ có thể kể đến như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm trễ hủy chuyến bay, bảo hiểm tai nạn theo chuyến đi… Trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm mới mẻ đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm khách hàng nhằm mang lại những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
“Sống Sáng Tạo” với quà tặng hấp dẫn cùng Sun Life và ACB
(TBTCO) – Sun Life Việt Nam và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa mang đến chuỗi chương trình khuyến mại “Sống Sáng Tạo”, với mong muốn khách hàng được thỏa sức sáng tạo và tận hưởng những trải nghiệm cuộc sống khi tham gia các hợp đồng bảo hiểm.
Chương trình “Sống Sáng Tạo” được áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng bao gồm: khách hàng phổ thông, khách hàng thẻ tín dụng, khách hàng vay… Không chỉ bảo vệ bạn và gia đình an toàn về tài chính và sống khỏe mạnh hơn từ các gói bảo hiểm với những quyền lợi hấp dẫn, chương trình “Sống Sáng Tạo” còn mang đến nhiều món quà sáng tạo và ý nghĩa, với tổng giá trị lên đến gần 22 tỷ đồng.
Chương trình “Sống Sáng Tạo” diễn ra từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 30/9/2022, khi tham gia các sản phẩm chính và sản phẩm bổ sung đi kèm được phân phối qua kênh ACB. Đối với sản phẩm Sun – Sống Vững Vàng, khi tham gia chương trình khuyến mại, khách hàng là cá nhân phải từ 25 tuổi trở lên.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm nhân thọ vẫn hút vốn ngoại
(ĐTCK) – Lãnh đạo các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ toàn cầu tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong danh mục đầu tư của mình.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, bảo hiểm cũng chịu khó khăn nhất định từ dịch bệnh Covid-19. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của khối nhân thọ trong vài năm gần đây không còn ở mức trên 30% như nhiều năm trước, mà chỉ còn trên 10%. Điều này không làm thay đổi mục tiêu dài hạn của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới ở hai con số và độ phủ bảo hiểm trong dân số còn quá thấp khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có hấp lực lớn.
“Việt Nam là con hổ châu Á mới và chúng tôi thực sự tự hào về những gì mà thị trường này mang lại”, ông Damien Green, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Manulife châu Á cho biết.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 7 vừa qua, ông Damien Green đã cam kết đầu tư lâu dài vào thị trường bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe nước ta. Việt Nam cũng là một trong những thị trường đầu tiên ông đến thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.
Châu Á là một trong những động lực tăng trưởng chính của Manulife và Việt Nam được coi là một trong những thị trường trọng điểm của khu vực này. Năm 2021, giá trị kinh doanh mới của Manulife châu Á – thước đo chính đánh giá lợi nhuận của Công ty – tăng 27%, nhờ doanh số bán hàng cao hơn tại Việt Nam và các thị trường trọng điểm khác. Manulife Việt Nam cũng duy trì vị trí dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (FYP) trong năm 2021 và trong quý I/2022, bất chấp những thách thức của đại dịch.
Ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam chia sẻ thêm: “Việt Nam mang đến những cơ hội to lớn cho ngành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Chúng tôi cam kết vào sự phát triển lâu dài của ngành. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ đầu tư vào nhân lực, dịch vụ, sản phẩm và các sáng kiến cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội cốt lõi, góp phần thu hẹp nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng”.
Trở về từ Hội nghị CEO toàn cầu của Tập đoàn Bảo hiểm Generali tại Milan, Italia, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về chiến lược của Generali với thị trường Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam, với tiềm năng phát triển rất lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng như nhiều thuận lợi về kinh tế chính trị, luôn là một trong những thị trường trọng điểm được Tập đoàn chú trọng đầu tư về con người, công nghệ cũng như tiềm lực tài chính”, bà Tina nói.
Được biết, năm 2021, tổng doanh thu Generali Việt Nam đạt được là 4.524 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của tất cả các kênh phân phối; lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng.
Cam kết và tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Generali tại Việt Nam, Tập đoàn Generali tiếp tục bổ sung vốn điều lệ thêm 350 tỷ đồng trong năm 2021, nâng tổng vốn điều lệ của Generali Việt Nam lên 7.202,6 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường vào khoảng 18.400 tỷ đồng thì sau 10 năm (2021) đã tăng gấp gần 9 lần.
Số liệu mới nhất cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước…
“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và đã phát triển hơn so với 10 năm trước. Nếu bạn nhìn ra ngoài kia, bạn cũng sẽ nhìn cả nền kinh tế và con người đều đang phát triển. Đất nước này đang phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn và được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới”, ông Kevin Strain, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Life chia sẻ với truyền thông nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7.
Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Sun Life cho biết, Việt Nam có thể đóng vai trò là một phần của công ty toàn cầu, sự tăng trưởng của công ty con tại Việt Nam có ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn.
“Khi nhắc đến châu Á, chúng tôi cũng nói đến Việt Nam, rằng nơi đây có những cơ hội đặc biệt để có thể tăng trưởng nhanh chóng. Giám đốc tài chính của chúng tôi cũng nói rằng chúng ta nên học theo cách mà Sun Life Việt Nam xây dựng thương hiệu, họ cũng có những ý tưởng sản phẩm tuyệt vời mà chúng ta nên học hỏi theo”, ông Kevin Strain nói.
Tổng giám đốc Sun Life châu Á, bà Ingrid JohnSon cũng nhìn nhận: “Việt Nam là thị trường mới với các doanh nghiệp trẻ, điều đó khích lệ chúng tôi nhiều hơn trong việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn trong việc đồng hành cùng các đối tác của mình. Khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi nhận thấy mọi người dùng điện thoại di động nhiều nên việc của chúng tôi là làm sao để có thể kết nối với họ thông qua chiếc điện thoại, đồng thời hiểu được văn hóa, địa lý, con người nơi đây để có thể đáp ứng cho họ những điều thiết yếu cho cuộc sống”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Anh cuối tháng 6/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao làm việc với Tập đoàn Prudential nhằm trao đổi về các vấn đề ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Tập đoàn Prudential đã cam kết hợp tác cùng Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam với một số sáng kiến quan trọng.
Với sáng kiến công nghệ bảo hiểm, Prudential tận dụng chuyển đổi số như yếu tố thúc đẩy cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, mô hình phân phối và dịch vụ sáng tạo. Với sáng kiến đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, Prudential – với kinh nghiệm phong phú trong điều hành công ty quản lý quỹ và bảo hiểm nhân thọ tại các thị trường mới nổi cũng như phát triển – cam kết sẽ chia sẻ, tư vấn cho các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan trong quá trình phát triển chính sách.
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, Prudential Việt Nam đặt mục tiêu mang đến các giải pháp bảo vệ tài chính cho 3,5 triệu khách hàng tại Việt Nam vào năm 2025. Song hành phát triển hoạt động kinh doanh, Công ty sẽ đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những thách thức ở phạm vi quốc gia cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
- Bảo hiểm với cộng đồng
6 tháng, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới tài trợ 31,22 tỷ đồng cho 16 công trình
(ĐTCK) – Báo cáo sơ kết hoạt động của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã tài trợ 16 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ với tổng số tiền là 31,22 tỷ đồng.
Các công trình được tài trợ triển khai ở Hải Phòng, Phú Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Đắc Lắc, Hưng Yên, Quảng Bình, Nghệ An, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bắc Kạn, Phú Thọ.
Ngoài ra, quỹ này chi hỗ trợ nhân đạo cho 14 trường hợp và trả lời người dân, công an các địa phương như Quảng Ngãi, Lào Cai, Gia Lai, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang… với tổng số tiền hỗ trợ nhân đạo là 236 triệu đồng. Bên cạnh đó, quỹ đã thực hiện triển khai tuyên truyền về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được hình thành từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo và các hoạt động khác nhằm tăng cường thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
6 tháng đầu năm 2022 doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,0% tổng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 11,8% so với cùng kỳ, bồi thường 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%.
Theo Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 thì Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quản lý tập trung tại Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV); cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, cuối cùng, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã thông qua quy định Quỹ bảo hiểm xe cơ giới được quản lý tập trung; cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thực hiện theo quy định của Chính phủ. Như vậy, Luật mới đã không nói rõ quỹ này sẽ được quản lý tập trung ở đâu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, quỹ này vẫn tiếp tục được quản lý tập trung tại IAV, tuy không quy định rõ tại Luật mới.
Với việc chi tới 31,22 tỷ đồng tài trợ công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông trong khi chỉ chi 236 triệu đồng cho hỗ trợ nhân đạo trong 6 tháng, có ý kiến cho rằng 2 con số tiếp tục cho thấy sự mất cân bằng.
Trước đó, từng có ý kiến tương tự. Theo thông tin từ Quỹ này, 10 năm qua (2009 – 2019), Quỹ đã tài trợ hơn 70 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với mức kinh phí 120 tỷ đồng nhằm giúp đảm bảo an toàn, giảm thiểu số vụ và tổn thất trong các vụ tai nạn giao thông. Trong khi đó, số tiền chi hỗ trợ nhân đạo trong khoảng thời gian trên chỉ gần 1 tỷ đồng (hỗ trợ nhân đạo gần 50 trường hợp trên toàn quốc, tối đa 20 triệu đồng/một trường hợp).
Ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và Quản trị rủi ro tài chính (IFRM) từng nhìn nhận, 120 tỷ đồng và gần 1 tỷ đồng là 2 con số đáng phải suy ngẫm, cho thấy sự mất cân bằng, cần tuyên truyền sâu rộng hơn đến nhiều người dân hơn, vì hầu hết người dân đều chưa biết nhiều đến Quỹ này. Như thế, Quỹ mới phát huy tác dụng và ý nghĩa cao cả của mình. Quỹ càng minh bạch thì người tham gia bảo hiểm càng an tâm, bớt thờ ơ.
- Tin quốc tế
Sun Life triển khai chương trình xây dựng lực lượng tư vấn “đa thế hệ”
(INA) – Sun Life đã khởi động chương trình Agency Legacy, nhằm tuyển dụng thế hệ đại tiếp theo của công ty bảo hiểm.
Đặc biệt, chương trình Agency Legacy nhằm mục đích khuyến khích các tư vấn tuyển dụng chính các thành viên trong gia đình mình tham gia vào lực lượng lao động.
Là một phần của chương trình, Sun Life cũng đã ra mắt tạp chí LEGACY với nội dung tư vấn về cách phục vụ khách hàng và câu chuyện thành công của gia đình các cố vấn Sun Life tại Hồng Kông, Indonesia và Philippines.
Sun Life cũng đang tổ chức các buổi hội thảo và sự kiện tuyển dụng để thúc đẩy chương trình Agency Legacy.
Thảm họa thiên nhiên gây tổn hại đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty bảo hiểm tài sản Úc
(INA) – Theo công ty phân tích và dữ liệu GlobalData, thảm họa thiên nhiên tiếp tục hoành hành ở Australia sẽ tiếp tục gây tổn hại cho các công ty bảo hiểm tài sản trong 5 năm tới do các yêu cầu bồi thường tiếp tục đẩy tỷ lệ tổn thất lên hơn 80%.
GlobalData ước tính rằng chi trả bồi thường trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản của Úc sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,0%, ước tính 5,5 tỷ đô la tiền bồi thường vào năm 2026.
Do sự gia tăng các yêu cầu bồi thường, tỷ lệ tổn thất của các công ty bảo hiểm tài sản đã tăng từ 66,1% vào năm 2019 lên 84,6%.
Ông Ashish Raj, Nhà phân tích Bảo hiểm tại GlobalData, cho biết: “Do nhiều lý do địa lý khác nhau, Úc là nơi dễ xảy ra các thảm họa thiên nhiên, và tần suất các sự kiện như vậy đã tăng lên trong thời gian gần đây. Trong hai năm gần đây, quốc gia này đã phải hứng chịu các trận cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy và động đất khiến các yêu cầu bảo hiểm tài sản gia tăng đáng kể”.
Trận lũ lụt xảy ra vào tháng Hai ở New South Wales và Đông Nam Queensland đã khiến các khoản bồi thường thiệt hại về tài sản lên tới 1,3 tỷ USD tính đến ngày 10 tháng Ba. Lũ lụt ở hai bang vào tháng 3 năm 2021 đã dẫn đến 107.844 yêu cầu bồi thường trị giá 748,7 triệu đô la.
“Thảm họa thiên nhiên cao dẫn đến tổn thất cùng với sự suy giảm do đại dịch COVID-19 đã buộc các công ty bảo hiểm tài sản phải tăng phí bảo hiểm đáng kể trong vài năm qua. Trên thực tế, một số người mua đã bị tính giá phí tái tục tăng hơn 300%”, ông Raj nói.
GlobalData dự đoán rằng tình trạng tăng phí sẽ còn tiếp diễn trong vài năm tới, khiến bảo hiểm tài sản trở nên đắt đỏ hơn đối với nhiều người Úc. Điều này sau đó sẽ cho thấy tác động tiêu cực đến phân khúc bảo hiểm tài sản có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu bảo hiểm nghiêm trọng.
Người phụ nữ Singapore đối mặt với án tù vì gian lận bảo hiểm du lịch
(INA) – Một người phụ nữ phải đối mặt với án tù sau khi cô ta tham gia vào một loạt các vụ lừa đảo bảo hiểm trị giá hơn 10 nghìn đô la ở Singapore, một báo cáo của Channel News Asia cho biết.
Theo báo cáo, Siti Saliha Muhammad Hussain, 30 tuổi, đã chỉnh sửa ảnh hàng hóa bị hư hỏng, biên lai, thẻ lên máy bay và báo cáo của cảnh sát mà cô tìm thấy trên mạng bằng các ứng dụng Paint và Microsoft Word để giúp hỗ trợ hơn 20 đơn tố cáo gian lận của cô từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 9. 2019. Trong số đó, 17 yêu cầu đã được thanh toán
Các công ty bảo hiểm mà Hussain yêu cầu bồi thường là AXA Insurance, AIG Asia Pacific Insurance, NTUC Income Insurance Co-operative, Aviva và FWD Singapore. Cô bị kết án 5 tháng tù giam sau khi nhận tội 6 tội danh gian lận, cùng 14 tội danh khác được xem xét.
Các công ty bảo hiểm Đài Loan bồi thường hơn 1 tỷ đô la do COVID-19
(INA) – Một báo cáo của Central News Agency cho biết, 12 công ty bảo hiểm hàng đầu ở Đài Loan đã phải trả hơn 1 tỷ đô la bồi thường COVID-19 vào năm 2022, trong đó một số công ty bảo hiểm phải bán tài sản và đăng ký các khoản vay ngắn hạn chỉ để tăng dự trữ tiền mặt của mình.
Ông Hsu Tse-yu, Tổng thư ký Tổ chức Người tiêu dùng, nói rằng do phí bảo hiểm thấp vài trăm đô la nên đã bán được hàng triệu hợp đồng bảo hiểm liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên, sự gia tăng các trường hợp bắt đầu từ tháng 4 đã cho thấy rằng các công ty bảo hiểm đã đưa ra những đánh giá rủi ro kém về tính bền vững của các hợp đồng.
Trong số liệu thống kê hàng tháng, Ủy ban Giám sát Tài chính tiết lộ rằng ngành bảo hiểm phi nhân thọ Đài Loan đã báo cáo mức lỗ trước thuế hàng năm (YoY) tăng 484,4% lên 1,57 tỷ USD YoY vào tháng Sáu. Đây đã là tháng thứ ba ngành bảo hiểm bị lỗ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, một số công ty bảo hiểm như Cathay Century Insurance Co và CTBC Insurance Co đã bắt đầu bơm thêm vốn để tránh chìm trong sắc đỏ.
AXA đạt 5,77 tỷ đô la tổng doanh thu châu Á trong 6 tháng đầu năm
(INA) – AXA đã báo cáo cho biết tổng doanh thu hoạt động kinh doanh châu Á của mình trong nửa đầu năm 2022 tăng 2% lên 5,77 tỷ đô la (5,68 tỷ euro).
Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, nguồn thu lớn nhất của AXA trong nửa năm là hoạt động kinh doanh tài sản và thiệt hại (P&C), tăng 7% lên 1,14 tỷ đô la so với nửa đầu năm 2021. Bảo hiểm sức khỏe tăng 3% lên 1,17 tỷ đô la so với một năm trước. Trong khi đó, bảo hiểm nhân thọ và tiết kiệm nửa đầu năm 2022 giảm 3% xuống 3,46 tỷ đô la.
Đối với tổng thu nhập của Tập đoàn, tổng doanh thu đã tăng 1% lên 55,88 tỷ đô la, với lợi nhuận cơ bản tăng 4% lên 3,96 tỷ đô la.
Hoạt động kinh doanh P&C của tập đoàn tăng 1%, với mức tăng trưởng trong lĩnh vực bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm thương mại của AXA tăng 4% nhờ tác động của giá cả thuận lợi được bù đắp một phần nhờ việc giảm rủi ro Thảm họa thiên nhiên tại AXA XL Reinsurance. Trong khi đó, doanh thu mảng Cá nhân tăng 3% nhờ tác động của giá cả thuận lợi và hoạt động kinh doanh bảo hiểm sức khỏe tăng 13% và Quản lý tài sản tăng 4% với phí giao dịch quản lý cao hơn. Tuy nhiên, điều này đã được bù đắp một phần bởi Life & Savings, giảm 5%, vì sự tăng trưởng trong lĩnh vực Bảo vệ nhiều hơn được bù đắp bởi doanh thu thấp hơn ở Unit-Linked.
Ông Thomas Buberl, Tổng Giám đốc AXA, cho biết: “Tập đoàn đang bước vào giai đoạn này với một vị thế vững chắc, với tỷ lệ Khả năng thanh toán II là 227%, và hoạt động kinh doanh đa dạng và linh hoạt, tiếp tục tránh xa rủi ro tài chính. Chúng tôi cảnh giác và đang thực hiện các hành động để đối trọng với tác động từ áp lực lạm phát và sự biến động của thị trường. Chúng tôi vẫn rất tự tin trong việc thực hiện các mục tiêu chính của ‘Tiến độ thúc đẩy 2023’, đặc biệt là tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu cơ bản ở mức cao trong phạm vi mục tiêu đã đề ra. Tập đoàn đã chuẩn bị tốt để điều hướng môi trường phát triển này nhờ vào nỗ lực tập thể và sự tham gia không ngừng của tất cả các đồng nghiệp, đại lý và đối tác của chúng tôi và sự tin tưởng không ngừng của khách hàng”.
Malaysia: Liberty Mutual trở thành công ty bảo hiểm xe cơ giới lớn nhất
(AIR) – Liberty Mutual Insurance đã hoàn tất việc mua lại công ty bảo hiểm Malaysia AmGeneral Insurance (AmGeneral), công ty bảo hiểm xe cơ giới trong top 3 với hoạt động kinh doanh đang phát triển trong các dòng sản phẩm bổ sung.
Theo một tuyên bố của công ty, việc sáp nhập các hoạt động sau đó dự kiến sẽ đưa Liberty Mutual trở thành công ty bảo hiểm xe cơ giới lớn nhất tại Malaysia.
Thương vụ sẽ hoàn tất sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý tại Malaysia và việc ký kết hợp đồng mua bán với Tập đoàn AmBank (AmBank).
AmGeneral trước đây do AmBank sở hữu 51% và Tập đoàn Bảo hiểm Australia sở hữu 49%. Liberty Insurance Berhad đã mua lại 100% cổ phần của AmGeneral, và AmBank tiếp tục giữ 30% lợi ích trong việc kinh doanh thông qua việc cân nhắc cổ phần mà họ nhận được.
Là một phần của giao dịch, pháp nhân tiềm năng được sáp nhập sẽ tham gia hợp tác bancassurance độc quyền kéo dài 20 năm với AmBank để phân phối các sản phẩm bảo hiểm nói chung. Các hoạt động của AmGeneral và Liberty Insurance Berhad, vào một ngày tiếp theo, sẽ chính thức được hợp nhất, vào thời điểm đó, dự kiến rằng pháp nhân kết hợp sẽ trở thành công ty bảo hiểm ô tô lớn nhất và là công ty bảo hiểm tổng hợp hàng đầu tại Malaysia.
Ông Jim MacPhee, Chủ tịch Liberty Mutual, Global Retail Markets, cho biết: “Việc mua lại và sáp nhập sau đó với AmGeneral là công cụ thúc đẩy khát vọng của chúng tôi trở thành công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại hàng đầu thế giới. Cùng nhau, chúng tôi sẽ giúp mọi người đón nhận ngày hôm nay và tự tin theo đuổi ngày mai để các cá nhân và doanh nghiệp tại Malaysia cùng nhau phát triển và giành chiến thắng. Kết hợp năng lực toàn cầu của Liberty với đội ngũ mạnh mẽ thúc đẩy nhượng quyền thương hiệu AmGeneral được tôn trọng và có giá trị sẽ tạo ra thương hiệu đẳng cấp nhất trong hoạt động bảo hiểm”.
AmGeneral phục vụ thị trường bảo hiểm Malaysia thông qua khoảng 1.400 nhân viên tại 33 địa điểm chi nhánh. Công ty phân phối các sản phẩm bảo hiểm thương mại và cá nhân của mình dưới thương hiệu AmAssurance và Kurnia thông qua hơn 6.000 đại lý, nhà môi giới, đại lý xe hơi, nhượng quyền thương mại và các đối tác chung, cùng với khả năng kỹ thuật số và trực tiếp đang phát triển nhanh chóng.
Có trụ sở tại Kuala Lumpur, Liberty Insurance có khoảng 450 nhân viên tại sáu văn phòng khu vực và 24 chi nhánh trên khắp Malaysia
Manulife Hồng Kông ra mắt sản phẩm bệnh hiểm nghèo mới
(INA) – Manulife Hong Kong đã tung ra hai loại bảo hiểm bệnh hiểm nghèo mới có thể bảo vệ khách hàng khỏi hơn 121 bệnh hiểm nghèo cho đến 100 tuổi.
ManuPrimo Care và ManuPrimo Care (BestStart) được thiết kế để cung cấp cho khách hàng sự bảo vệ toàn diện với các tùy chọn thanh toán ung thư linh hoạt trong trường hợp chẩn đoán bệnh hiểm nghèo.
Có một số tính năng chính của kế hoạch này. Kế hoạch cung cấp cơ sở thanh toán lên đến 1.000% trên số tiền bảo hiểm. Ví dụ: nếu bạn là nam giới không hút thuốc ở độ tuổi 30 và bạn mua ManuPrimo Care, có thời hạn thanh toán phí bảo hiểm 25 năm khoảng 406,38 USD (3.190 HKD) hoặc số tiền bảo hiểm khoảng 12,5 nghìn USD (100 nghìn HKD) khoản thanh toán tối đa có thể đạt khoảng 130 nghìn đô la (1 triệu HKD).
Phí bảo hiểm được đảm bảo và sẽ không tăng trong suốt thời gian thanh toán. Sau khi Manulife đã thanh toán quyền lợi bệnh hiểm nghèo lớn hoặc quyền lợi ICU cấp 2, Manulife sẽ miễn tất cả các khoản phí bảo hiểm trong tương lai cho gói cơ bản trong khi vẫn cung cấp sự bảo vệ cho người được bảo hiểm. Các quyền lợi chăm sóc liên tục bao gồm 5 đợt bảo hiểm bổ sung cho bệnh ung thư, thêm 2 đợt bảo hiểm cho bệnh đau tim hoặc đột quỵ và một đợt bảo vệ bổ sung cho bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh Parkinson, mỗi đợt bằng 100% số tiền danh nghĩa, cho đến 85 tuổi của người được bảo hiểm.
Khía cạnh độc đáo của sản phẩm là ba lựa chọn thanh toán để bảo vệ bệnh ung thư mà người được bảo hiểm có thể lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của họ. Người được bảo hiểm có thể lựa chọn để được trợ giúp điều trị, nhận thu nhập hàng tháng nếu người được bảo hiểm có nhu cầu được điều trị tích cực chăm sóc cuối đời, hoặc nhận một khoản tiền ngay lập tức khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn 3 hoặc 4.
Trong khi đó, ManuPrimo Care (BestStart) là sản phẩm dành riêng cho các bà mẹ tương lai, có thể chi trả tới 105% tổng phí bảo hiểm trong trường hợp không may liên quan đến thai kỳ. Sau khi chào đời, đứa trẻ mới sinh cũng sẽ được bảo vệ toàn diện khi mắc bệnh hiểm nghèo, kể cả những bệnh phát sinh do bẩm sinh chưa được phát hiện khi hợp đồng ban hành.
Các sản phẩm này được đưa ra sau cuộc khảo sát của Manulife vào tháng 4, nơi 46% người trưởng thành Hồng Kông từ 25 đến 54 tuổi cho biết họ muốn các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính liên tục và tùy chọn có các lựa chọn thanh toán khác nhau.
BTV (Tổng hợp).