COVID khiến giới trẻ Ấn Độ tăng mua BHNT; Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ đơn ngăn sáp nhập Aon & WTW; Thị trường bảo hiểm vẫn sôi động mùa dịch
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
VBI Thanh Hóa chi trả hơn 45 triệu đồng bảo hiểm người vay vốn
(VBI) – Ngày 01/06/2021, Bảo hiểm VietinBank Thanh Hóa (VBI Thanh Hóa) phối hợp cùng Ngân hàng VietinBank Sầm Sơn – PGD Quảng Xương tổ chức chi trả 45.450.000 đồng Bảo hiểm Người vay vốn cho khách hàng Mai Đình Long.
Ngày 02/03/2021, với nhu cầu vay vốn kinh doanh, ông Long đã được các cán bộ Ngân hàng VietinBank Sầm Sơn – PGD Quảng Xương tư vấn tham gia gói Bảo hiểm Người vay vốn. Không lâu sau, trong quá trình sinh hoạt, ông Long đã gặp tai nạn dẫn tới đứt ngón tay, điều này khiến ông không thể làm việc như trước. Nhận được tin từ khách hàng, VBI Thanh Hóa đã nhanh chóng phối hợp cùng với Ngân hàng VietinBank Sầm Sơn, tổ chức động viên thăm hỏi, hướng dẫn ông Long hoàn thiện hồ sơ để nhận chi trả bảo hiểm.
Sự cố, rủi ro là những điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, số tiền chi trả tuy không lớn nhưng thể hiện trách nhiệm của VBI trong việc san sẻ với khách hàng. VBI hi vọng rằng phần hỗ trợ sẽ giúp khách hàng Mai Đình Long vơi bớt phần nào những gánh nặng về tài chính từ đó ổn định cuộc sống.
Gói sản phẩm người vay vốn được áp dụng với tất cả cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, vay vốn tại các ngân hàng liên kết với VBI, khách hàng sẽ được cán bộ Ngân hàng tư vấn chặt chẽ các thủ tục, quyền lợi cũng như các ưu đãi đặc biệt khi tham gia bảo hiểm người vay vốn tại VBI.
- Một vòng doanh nghiệp
BIC giảm 20% phí bảo hiểm sức khỏe mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6
(BIC) – Chào mừng ngày gia đình Việt Nam 28/6, từ nay đến hết ngày 30/6/2021, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) gửi tặng khách hàng chương trình ưu đãi giảm phí hấp dẫn khi mua bảo hiểm sức khỏe trực tuyến.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khác hàng mua bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An tại website https://baohiemtructuyen.com.vn hoặc ứng dụng di động BIC Online sẽ được giảm ngay 20% phí bảo hiểm. Chương trình áp dụng cho các khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC.
Bảo hiểm sức khỏe toàn diện BIC Tâm An bảo vệ khách hàng với 7 chương trình linh hoạt, đáp ứng mọi nhu cầu và khả năng thanh toán. Tổng mức chi trả lên của BIC Tâm An lên tới 1 tỷ đồng trong khi phí bảo hiểm chỉ từ 100.000 đồng/tháng. Khách hàng không cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, đồng thời được hưởng dịch vụ bảo hiểm viện phí tại hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế cao cấp, uy tín có liên kết với BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, khách hàng không cần chi trả thêm bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi bảo hiểm.
Mua bảo hiểm trực tuyến tại website https://baohiemtructuyen.com.vn hoặc qua ứng dụng BIC Online, khách hàng không cần tốn chi phí, thời gian di chuyển. Quá trình tìm hiểu thông tin, đặt mua, thanh toán và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Đặc biệt, với ứng dụng BIC Online khách hàng có thể khai báo và nhận tiền bảo hiểm sức khỏe chỉ với thiết bị di động.
Bảo hiểm PVI trở thành đối tác của Zurich về mạng lưới Giải pháp Quyền lợi Nhân viên Toàn cầu
(PVI) – Bảo hiểm PVI vừa qua đã ký thỏa thuận hợp tác với Zurich về mạng lưới Giải pháp Quyền lợi Nhân viên Toàn cầu (ZGEBS). Tham gia mạng lưới này nằm trong chiến lược của Bảo hiểm PVI nhằm cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe đa dạng, linh hoạt và phù hợp cho các tập đoàn đa quốc gia.
Bằng việc tham gia thỏa thuận với Zurich, Bảo hiểm PVI trở thành đối tác của mạng lưới Giải pháp Quyền lợi Nhân viên toàn cầu của Zurich (ZGEBS) được xây dựng trên nền tảng giải pháp pooling, tái bảo hiểm xuyên quốc gia lâu đời của Zurich cũng như kinh nghiệm marketing hàng đầu trong việc thiết kế các chương trình bảo hiểm sức khỏe quốc tế ưu việt.
Mạng lưới ZGEBS có quan hệ đối tác với hơn 100 công ty bảo hiểm tại các quốc gia với các chuyên gia bảo hiểm tại hơn 130 thị trường. Mạng lưới này hiện cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe cho hơn một triệu nhân viên làm việc tại trên 125 công ty, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Là đối tác của ZGEBS, Bảo hiểm PVI sẽ cung cấp bảo hiểm sinh mạng, tai nạn, thương tật và chi phí y tế theo nhóm cho khách hàng là các công ty, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam thuộc ZGEBS.
Tham gia vào mạng lưới ZGEBS, năng lực của Bảo hiểm PVI về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho khách hàng tại Việt Nam sẽ tốt hơn, đảm bảo ổn định chương trình bảo hiểm và phạm vi bảo hiểm của khách hàng trong thời gian dài. Trở thành đối tác của ZGEBS cũng giúp Bảo hiểm PVI học hỏi kinh nghiệm về dịch vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của ZGEBS cũng như khai thác hệ thống các đối tác khách hàng lớn của ZGEBS tại Việt Nam.
Ông Dương Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bảo hiểm PVI chia sẻ: “Chúng tôi vui mừng khi trở thành đối tác của ZGEBS và có thể cung cấp giải pháp bảo hiểm hàng đầu thị trường về quyền lợi nhân viên cho các khách hàng của Bảo hiểm PVI và ZGEBS tại Việt Nam.”
Ông Rob Brown, Giám đốc quản lý mạng lưới đối tác của ZGEBS chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi là đối tác với một công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam – doanh nghiệp có thể cung cấp chương trình bảo hiểm ưu việt cho các khách hàng đa quốc gia của chúng tôi trong bối cảnh thị trường bảo hiểm sức khỏe phát triển mạnh mẽ hiện nay. Đối tác của ZGEBS đều là các công ty hoạt động tốt tại thị trường của họ và thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể mở rộng thêm mạng lưới toàn cầu của mình với một công ty bảo hiểm hàng đầu và uy tín như Bảo hiểm PVI.”
Mục tiêu của Bảo hiểm PVI là đảm bảo sự ổn định của các chương trình bảo hiểm thông qua việc cung cấp phạm vi bảo hiểm tốt hơn cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp, tối ưu hóa kiểm soát chi phí trong bối cảnh chi phí y tế đang tăng nhanh tại Việt Nam thời gian gần đây cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 512.864 tỷ đồng
(ĐTCK) – Tính đến hết tháng 5/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 77.208 tỷ đồng (tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.890 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 53.318 tỷ đồng.
Tin từ Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế tính đến hết tháng 5/2021 ước đạt 512.864 tỷ đồng (tăng 26,73% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 53.243 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 459.621 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 628.388 tỷ đồng (tăng 23,18% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 103.603 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.785 tỷ đồng.
Được biết, để khơi thông cho thị trường tiếp tục phát triển, Bộ cũng đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; và tiếp tục theo dõi, thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ…
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm liên kết đơn vị “ấm” nhờ chứng khoán
(ĐTCK) – Bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) với đặc tính có phần đầu tư lớn hơn đang tỏ ra hút khách nhờ sự ấm lên của thị trường chứng khoán.
Tại châu Á, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) đã xuất hiện từ lâu và khá phổ biến ở một số thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Trung Quốc… Ở Việt Nam, Prudential và Manulife là 2 nhà bảo hiểm tiên phong đưa ra sản phẩm này từ chục năm trước. Đây cũng là 2 công ty bảo hiểm có công ty quản lý quỹ sớm nhất thị trường, sau đó một số công ty bảo hiểm khác như Dai-ichi Life, Chubb Life… cũng thành lập công ty quản lý quỹ và cho ra mắt các sản phẩm ILP.
Tuy đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng sự có mặt của ILP chủ yếu là để cho đủ bộ sản phẩm, lại là mặt hàng “kén” khách và quy định đối với bên bán cũng khá khắt khe nên chưa được các công ty bảo hiểm đẩy mạnh khai thác, dẫn tới doanh thu cũng như số lượng hợp đồng của các sản phẩm này chưa cao, chỉ chiếm khoảng 5% trên tổng doanh thu phí cũng như tỷ trọng hợp đồng bảo hiểm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều công ty bảo hiểm đã nhận thấy cơ hội từ dòng sản phẩm này nên bắt đầu tập trung phát triển. Đến nay, ngoài các nhà bảo hiểm kể trên, Generali cũng đã triển khai sản phẩm ILP và dự báo sẽ có thêm nhiều “tân binh” tham gia “sân chơi” này trong thời gian tới.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), số lượng hợp đồng khai thác mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó hợp đồng khai thác mới của bảo hiểm sức khỏe tăng 198%, bảo hiểm ILP tăng 150%, còn bảo hiểm liên kết chung (UL) tăng 32%.
Xét về tỷ trọng, lượng hợp đồng ILP khai thác mới hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số hợp đồng khai thác mới, con số này tuy còn khiêm tốn so với tỷ trọng hơn 52% của sản phẩm UL hay hơn 28% của bảo hiểm tử kỳ, nhưng là cột mốc đáng ghi nhận so với mức 5% trước đây.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về việc nhà bảo hiểm đẩy mạnh dòng sản phẩm ILP thời điểm này, CEO một công ty bảo hiểm nói rằng, các công ty bảo hiểm e ngại rủi ro lãi suất thấp nên bán sản phẩm ILP sẽ tránh được rủi ro này và thực tế là phát triển ILP cũng làm phong phú thêm danh mục sản phẩm đầu tư, chưa kể việc thị trường chứng khoán trong xu hướng tăng là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sản phẩm này.
Thực tế, thị trường chứng khoán đã tăng liên tục từ tháng 8/2020 và hiện rất sôi động, mở ra cơ hội đầu tư thu lợi nhuận tốt hơn cho người mua bảo hiểm.
Cũng theo vị CEO trên, một lợi thế khác của sản phẩm ILP là rủi ro đầu tư sẽ thuộc về khách hàng (bởi khách hàng tự quyết định việc đầu tư), còn với sản phẩm UL thì thuộc về doanh nghiệp. Ngoài ra, rủi ro của sản phẩm UL cũng nhiều hơn vì phần bảo hiểm lớn hơn đáng kể so với sản phẩm ILP (chủ yếu là bảo hiểm tử kỳ đi kèm) và sản phẩm UL cũng thường được gắn thêm các sản phẩm phụ khác để tăng sức hấp dẫn… Dù vậy, bán sản phẩm ILP doanh thu phí bảo hiểm sẽ thấp hơn so với sản phẩm UL vì phần lớn phí thu về sẽ được xem là tiền gửi/tiền đầu tư của khách hàng.
Trở lại câu chuyện tăng trưởng của ILP, mặc dù có sự biến chuyển rõ nét so với trước đây, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, như vậy chưa đủ để khẳng định “tương lai tươi sáng” của sản phẩm này đã ở trước mắt, bởi thực tế, ILP không phải là dòng sản phẩm có thể bán đại trà (cả người bán và người mua dòng sản phẩm này đều ở phân khúc riêng). Tại nhiều thị trường, việc bán ILP dễ bị bán sai nên cơ quan quản lý quy định rất nghiêm ngặt cho người được phép bán, chẳng hạn bán qua kênh ngân hàng hay các công ty dịch vụ tài chính trung gian, công ty chứng khoán… Một số thị trường còn hạn chế bán ILP vì tư vấn bảo hiểm bán qua ngân hàng lạm dụng bán sai (miselling) để kiếm hoa hồng nên dễ gây rủi ro.
“Tôi còn nhớ ở Mỹ và Hàn Quốc năm 2008, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, rất nhiều khách hàng tham gia sản phẩm ILP trước đó đã tìm đến các công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó có cả công ty bảo hiểm mẹ của chúng tôi, để khiếu nại việc khoản đầu tư của họ bị sụt giảm nghiêm trọng. Đó là lý do cần phải để khách hàng Việt Nam hiểu rõ hơn đặc tính của những sản phẩm ILP”, CEO một công ty bảo hiểm có trụ sở ở châu Á cho hay.
Chính vì là sản phẩm bảo hiểm đặc thù nên ở nhiều thị trường, người bán ILP phải là những cố vấn tài chính (Finanicial Advisor) chuyên nghiệp chứ không phải đại lý bảo hiểm đơn thuần. Tại Việt Nam, quy định về đại lý bảo hiểm bán ILP từng khá khắt khe: Phải là đại lý bảo hiểm và có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục; phải có tối thiểu 6 tháng kinh nghiệm làm việc liên tục trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm và có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp; phải có tối thiểu 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm liên tục và có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng – bảo hiểm…
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều điều kiện được bãi bỏ, các đại lý bảo hiểm bán sản phẩm ILP chỉ cần đáp ứng điều kiện là được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về ILP. Dù vậy, một số công ty bảo hiểm vẫn thận trọng, chỉ những đại lý chuyên nghiệp, am hiểu về thị trường tài chính mới được bán sản phẩm này.
“So với các công ty đi trước, chúng tôi phát triển sản phẩm ILP muộn hơn, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định, bởi để triển khai tốt thì khách hàng cần có hiểu biết về thị trường vốn cũng như thị trường chứng khoán. Ngoài ra, công tác huấn luyện cho các đại lý tư vấn tài chính để triển khai sản phẩm này cũng phải làm rất kỹ để tránh rủi ro cho các bên tham gia, cũng như ảnh hưởng tới thị trường chung”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm đang có kế hoạch đưa sản phẩm ILP ra thị trường chia sẻ.
Thị trường bảo hiểm vẫn sôi động mùa dịch
(TBTCVN) – Báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2021 toàn thị trường ước đạt 48.412 tỷ đồng, tăng trưởng 23,58 % so với cùng kỳ năm 2020.
Đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Đại diện Bảo hiểm PTI cho biết, công ty vừa ra mắt Văn phòng Đại diện Giám định bồi thường PTI Hải Phòng. Đây là trung tâm giám định bồi thường thứ 3 của PTI trên toàn quốc. Sự ra mắt trung tâm giám định bồi thường sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính chính xác cũng như chuyên môn hóa công tác giám định bồi thường cho khách hàng tại khu vực này.
Trước đó, Bảo hiểm PTI đã có 2 trung tâm giám định bồi thường tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, bên cạnh quy trình giám định truyền thống, Bảo hiểm PTI cũng tiến hành áp dụng quy trình giám định online thông qua ứng dụng PTI – Giám định viên, qua đó tiết kiệm được thời gian xử lý hồ sơ giấy tờ đồng thời minh bạch hóa toàn bộ quá trình xử lý giám định và bồi thường tới khách hàng.
Mới đây, Bảo hiểm PTI và Công ty Tài chính TNHH một thành viên Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) cũng ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam. Việc thiết lập mối quan hệ đối tác này nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời mở rộng nguồn khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện công nghệ để giúp chuyển đổi phương thức phục vụ khách hàng tốt hơn.
Đại diện Prudential Việt Nam cũng cho biết, công ty vừa triển khai chương trình tư vấn sức khỏe miễn phí với Bác sĩ trực tuyến trên ứng dụng Pulse by Prudential, nhằm giúp người dân an tâm hơn khi có nhu cầu khám bệnh. Theo đó, tận dụng những lợi thế về mặt công nghệ và mạng lưới đối tác chăm sóc sức khỏe hàng đầu, dịch vụ Bác sĩ trực tuyến trên Pulse giúp kết nối các bác sĩ đa khoa và chuyên khoa giàu kinh nghiệm với người dùng, tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc về các vấn đề sức khỏe. Chỉ với một cuộc gọi đơn giản ở bất kỳ đâu, các bác sĩ đầy kinh nghiệm sẽ giúp người dùng giải đáp mọi thắc mắc, lo lắng về vấn đề sức khỏe đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Hướng đến cột mốc phục vụ 4 triệu khách hàng, Dai-ichi Life Việt Nam vừa triển khai chương trình tri ân “Chào mừng 4 triệu khách hàng”, từ nay đến ngày 30/9/2021, với hơn 400 giải thưởng “Vàng SJC 999.9”, tổng trị giá lên đến 4,5 tỷ đồng.
Được biết, đây là chương trình khuyến mại thứ 3 trong năm 2021 của Dai-ichi Life Việt Nam, ngay sau thành công của hai chương trình khuyến mại “Xuân an khang” và “Khỏe để kết nối – Khỏe để yêu thương”, với tổng giá trị quà tặng hơn 7,5 tỷ đồng. Trong năm 2020, Dai-ichi Life Việt Nam đã thực hiện 5 chương trình khuyến mại, với tổng trị giá gần 32 tỷ đồng.
Trước đó, Bảo hiểm VietinBank (VBI) và BAC A BANK cũng chính thức hợp tác và ra mắt hàng loạt các sản phẩm bảo hiểm hấp dẫn vì sức khoẻ và lợi ích của Khách hàng. Sự kết hợp giữa VBI và BAC A BANK sẽ đem đến cho khách hàng thêm cơ hội tiếp cận với những sản phẩm bảo hiểm toàn diện và nhân văn đáp ứng mọi nhu cầu về bảo vệ sức khỏe bao gồm: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm ung thư vú, bảo hiểm bệnh ung thư, bảo hiểm tai nạn hộ gia đình…
Đại diện Prudential Việt Nam chia sẻ, với Pulse, Prudential kỳ vọng thay đổi cách thức tiếp cận và phòng chữa bệnh của người dân Việt Nam, đưa trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cá nhân lên một tầm cao mới, giúp mọi người chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân dễ dàng, bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu.
Ông Bùi Xuân Thu – Tổng giám đốc Bảo hiểm PTI, cho biết: “Việc hợp tác toàn diện với Shinhan Finance khẳng định nỗ lực không ngừng của Bảo hiểm PTI nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng thông qua những dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn. Tôi tin rằng với những thế mạnh và kinh nghiệm của Shinhan Finance trong việc khai thác các sản phẩm về tài chính vi mô, việc hợp tác giữa 2 bên sẽ phát triển và bùng nổ trong thời gian sắp tới”.
Tương lai của mối quan hệ đối tác giữa Shinhan Finance và Bảo hiểm PTI được mong đợi là một hành trình chuyển đổi số xuyên suốt, nơi người tiêu dùng hiện đại sẽ có nhiều trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa, hữu ích và liền mạch.
Ông Trần Đình Quân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Suốt hành trình hơn 14 năm hoạt động với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trên hết”, Dai-ichi Life Việt Nam luôn nỗ lực cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như mang đến những giá trị khác biệt cho khách hàng”.
Dai-ichi Life Việt Nam dự kiến sẽ chạm cột mốc phục vụ 4 triệu khách hàng và gia đình vào quý III/2021 – đây chính là niềm tự hào về sự phát triển bền vững và đồng hành của khách hàng với công ty.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, năm 2021, sự bùng phát trở lại của Covid-19 có tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp đã có các phương án thích ứng với tác động của dịch bệnh. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tạo trải nghiệm mới cho khách hàng cũng như tối ưu các hoạt động giám định, bồi thường, nhiều chương trình tri ân khách hàng cũng được triển khai, khẳng định sự đồng hành của doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng, kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng trưởng ổn định.
- Bảo hiểm với cộng đồng
PJICO ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19
(PJICO) – Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Ngã Tư Sở về việc vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn phường tích cực ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid, Tổng công ty PJICO đã có đóng góp cho Quỹ của Phường với số tiền 20 triệu đồng. Với hành động này, PJICO mong muốn được cùng chung tay chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thêm nguồn lực để kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
Trước đó, cán bộ công nhân viên, người lao động PJICO cũng đã đóng góp ủng hộ Quỹ Vaccine của Chính phủ với số tiền 500 triệu đồng, cũng như có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch trong thời gian qua.
- Tin quốc tế
Indonesia: Số lượng chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng phí bảo hiểm tăng trong quý 1
(AIR) – Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến ngành bảo hiểm Indonesia thông qua tác động kinh tế đối với các doanh nghiệp, với hàng triệu khách hàng phải thế chấp hoặc hủy bỏ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của mình.
Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI) lưu ý rằng số lượng khách hàng được bảo hiểm giảm 4,7%, tương đương khoảng 3,15 triệu người trong quý đầu tiên của năm 2021. Điều này có nghĩa là số lượng chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giảm xuống còn 63,87 triệu vào thời điểm kết thúc vào tháng 3 năm 2021 từ con số 67,02 triệu của 12 tháng trước đó.
Giám đốc R&D, Báo cáo và CNTT của AAJI, ông Edy Tuhirman, giải thích rằng sự sụt giảm số lượng người được bảo hiểm xảy ra trong bảo hiểm nhóm. Ngược lại, lượng khách hàng cá nhân tăng 460.000 người. Điều này phù hợp với sự tăng trưởng số lượng hợp đồng bảo hiểm cá nhân tăng 2,7% và tổng số tiền bảo hiểm cá nhân tăng 5,2%.
Ông Edy nói: “Có thể nhiều công ty nhỏ đã sụp đổ khi đối mặt với COVID-19”.
Mặc dù số lượng khách hàng giảm nhưng ngành bảo hiểm nhân thọ vẫn bỏ túi được doanh thu phí bảo hiểm lớn hơn. Trong Quý I/2021, phí bảo hiểm nhân thọ tăng 28,5% lên 57,45 nghìn tỷ IDR (4 tỷ USD).
Ông Edy nói: “Tổng phí bảo hiểm của ngành đã tăng vì các doanh nghiệp lớn vẫn có thể tăng phí bảo hiểm. Họ đã tăng mức bảo hiểm cho nhân viên bất chấp COVID-19”.
Cụ thể, thu nhập từ phí bảo hiểm từ khách hàng cá nhân tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 49,90 tỷ IDR trong quý đầu tiên của năm nay. Phí bảo hiểm nhân thọ nhóm tăng 13,3% lên 7,55 tỷ IDR.
Hàn Quốc: Lãi suất tăng góp phần phục hồi thu nhập cho các công ty bảo hiểm
(AIR) – Fitch Ratings cho biết chất lượng tín dụng của các công ty bảo hiểm Hàn Quốc dự kiến sẽ được cải thiện vào năm 2021, nhờ vào sự phục hồi dần dần của thu nhập, một phần là do lãi suất tăng.
Tuy nhiên, trong báo cáo có tiêu đề “Tổng hợp thị trường Bảo hiểm Hàn Quốc: Tháng 6 năm 2021”, Fitch cho biết thêm rằng điều này có thể bị cản trở một phần bởi vốn hóa bị thách thức do rủi ro tài sản tăng và lợi nhuận chưa thực hiện giảm do lãi suất trái phiếu tăng.
Khả năng sinh lời của các công ty bảo hiểm nhân thọ năm 2020 được cải thiện do việc tăng giá cổ phiếu và lãi suất làm giảm gánh nặng cho các khoản dự phòng nghiệp vụ. Trong khi đó, tỷ lệ tổn thất của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được cải thiện do yêu cầu bồi thường thấp hơn do tình trạng giảm lưu lượng xe cộ trên đường và số người vào bệnh viện ít hơn trong bối cảnh đại dịch virus Corona.
Fitch dự báo rủi ro tài sản sẽ tăng lên do các công ty bảo hiểm Hàn Quốc tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến các khoản đầu tư thay thế. Rủi ro đầu tư leo thang do biến động thị trường tài chính có thể dẫn đến khả năng sinh lời không ổn định. Việc phân bổ tài sản của mỗi công ty bảo hiểm cho các khoản đầu tư ra nước ngoài có thể khác nhau, dựa trên mức độ an toàn vốn của mình.
Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu dự báo tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro thấp hơn trong thời gian tới do lợi nhuận chưa thực hiện của trái phiếu thấp hơn khi lãi suất và rủi ro tài sản tăng lên.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm được xếp hạng đã và đang chuẩn bị cho việc áp dụng IFRS17 và K-ICS, mặc dù việc sửa đổi hệ thống điều hành và những thay đổi trong chiến lược và thiết kế sản phẩm vẫn còn nhiều thách thức.
Đài Loan: Quỹ cổ phần tư nhân trông đợi vốn từ các công ty bảo hiểm
(AIR) – Thị trường quỹ đầu tư tư nhân của Đài Loan đang mở ra một trang mới sau chỉ thị ban hành vào ngày 10 tháng 6 của Hành chính viện (tức Nội các Đài Loan), khuyến khích quỹ bảo hiểm đầu tư vào các quỹ đầu tư tư nhân.
Theo chỉ thị, “Những điểm cần thiết trong việc hướng dẫn đầu tư của các quỹ đầu tư tư nhân trong ngành” của Hội đồng Phát triển Quốc gia sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 10 tháng 6.
Hướng dẫn này nhằm giúp các quỹ đầu tư tư nhân đủ điều kiện sẽ được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với quỹ bảo hiểm hoặc các quỹ khác để tham gia vào các mục tiêu chiến lược của Đài Loan như kế hoạch đổi mới công nghiệp 5 + 2, sáu ngành chiến lược cốt lõi, xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới tương lai và các doanh nghiệp trong nước cần nâng cấp và chuyển đổi.
Theo thống kê từ Hội đồng Phát triển Quốc gia, tính đến cuối năm 2020, tổng vốn của ngành bảo hiểm Đài Loan đạt khoảng 28,9 nghìn Đài tệ (1,05 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, 64% trong số các quỹ này được đầu tư ra nước ngoài và chỉ 20% được đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu công ty ở Đài Loan.
Trước đây, việc hướng dẫn và quản lý quỹ đầu tư tư nhân thiếu cơ quan quản lý. Các hướng dẫn mới được xác định sau các cuộc thảo luận do Hội đồng Phát triển Quốc gia tổ chức với các hiệp hội cổ phần tư nhân, Ủy ban Giám sát Tài chính và Bộ Kinh tế.
Công ty InsurTech tăng doanh số 6 tháng đầu năm 2021
(AIR) – Công ty InsurTech khu vực Igloo đã có nửa đầu năm thành công vang dội, chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu phí (GWP) gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty hướng tới mục tiêu mở rộng hơn nữa sự hiện diện khu vực và chuyên môn của mình trong không gian InsurTech trên khắp các nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.
Thúc đẩy sự tăng trưởng của Công ty trong nửa đầu năm 2021 là 10 mối quan hệ đối tác quan trọng với các thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch, viễn thông, hậu cần và giao hàng, bao gồm: RedDoorz (Indonesia), MobiFone (Việt Nam), Advanced Info Service AIS (TH), Thai Paiboon Insurance (Thái Lan), Loship (Việt Nam), AhaMove (Việt Nam), Philinsure (Philippines), Ritase (Indonesia), Fabelio (Indonesia) và Blibli (Indonesia).
Kể từ năm 2019, Igloo đã hỗ trợ cung cấp thành công hơn 130 triệu hợp đồng bảo hiểm thông qua các nền tảng của đối tác trong các ngành bao gồm thương mại điện tử, hậu cần, ô tô, vận tải, viễn thông, ngân hàng, du lịch và khách sạn và nền kinh tế hợp đồng biểu diễn.
Igloo tận dụng dữ liệu, khả năng công nghệ và bí quyết bảo hiểm của mình để đưa các sản phẩm mới ra thị trường được xây dựng cho an ninh mạng, du lịch và khách sạn cũng như công nhân Gig (các nhà thầu độc lập, nhân viên nền tảng trực tuyến, nhân viên công ty hợp đồng, nhân viên gọi điện và công nhân tạm thời). Igloo cũng tập trung vào việc cung cấp công nghệ và quan điểm lấy khách hàng làm trung tâm hơn cho các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như ô tô, tài sản và sức khỏe.
Với lối sống của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong điều kiện đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm, các giải pháp công nghệ của Igloo trở nên phù hợp hơn bao giờ hết. Năm 2020, hãng đã hợp tác với Bảo hiểm MSIG và nhà khai thác di động hàng đầu AIS tung ra sản phẩm Bảo hiểm Xe cơ giới Dựa trên sử dụng – đây là sản phẩm sáng tạo và hiệu quả về chi phí, mang lại lợi ích cho người lái xe bằng cách khấu trừ cao hơn và phí bảo hiểm thấp hơn đối với các lái xe an toàn.
Sản phẩm sử dụng thiết bị IOT plug-and-play phân tích năm yếu tố (khoảng cách, tốc độ, thời gian hành trình, thời gian trong ngày và các khu vực được lái xe) để xác định phí bảo hiểm và thưởng cho những lái xe an toàn – cho phép họ tiết kiệm tới 40% phí bảo hiểm. Đây là sản phẩm đầu tiên thuộc chương trình khuyến khích đổi mới của Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm Thái Lan (OIC) vì các tính năng sáng tạo và tích hợp công nghệ liền mạch.
Igloo đã tuyển dụng một số vị trí chiến lược quan trọng, bao gồm COO, Giám đốc nguồn nhân lực và Giám đốc Marketing khu vực.
Igloo cho biết trong sáu tháng tới, Công ty sẽ phát triển đội ngũ của mình lên gấp hai lần, tập trung vào việc mở rộng quy mô và củng cố quốc gia, đội ngũ kỹ thuật và bảo hiểm.
Tên gọi trước đây của Igloo là “Axinan”, là công ty InsurTech đầy đủ đầu tiên xuất hiện từ Singapore. Công ty có văn phòng tại Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, và các trung tâm công nghệ được đặt tại Trung Quốc. Công ty tận dụng dữ liệu lớn, đánh giá rủi ro theo thời gian thực và quản lý yêu cầu tự động đầu cuối để tạo ra các giải pháp bảo hiểm B2B2C cho các công ty nền tảng và công ty bảo hiểm.
Singapore: AIA, Aviva và Prudential bị khiển trách
(IBM) – Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã khiển trách Công ty Tư vấn Tài chính AIA (AIA FA), Công ty Bảo hiểm Prudential Singapore, Aviva và Công ty Tư vấn Tài chính Aviva (Aviva FA) vì vi phạm các quy định xung quanh thỏa thuận quản lý rủi ro và thù lao của các giám sát viên.
Những người liên quan cũng bị khiển trách là Peter Tan Shou Yi, cố vấn cho Aviva, và Chee Boon Chai Lionel, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Tài chính Aviva. Ông Tan bị chỉ đích danh vì nhận tiền hoa hồng, trong khi ông Chee không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Theo cơ quan quản lý, các vi phạm đã xảy ra từ năm 2017 đến năm 2019, và các công ty và cá nhân đã được lệnh sửa chữa các vi phạm ngay lập tức. Các cuộc điều tra của MAS đã phát hiện ra các trường hợp mà thù lao được trao cho những người giám sát vi phạm Đạo luật tư vấn tài chính.
Các công ty kể trên đã vi phạm quy định của Thẻ điểm cân bằng (BSC) đối với việc bán các sản phẩm đầu tư, cũng như các yêu cầu về Chênh lệch và Giới hạn Hoa hồng (SCC) đối với việc bán các sản phẩm nhân thọ cao cấp thông thường.
MAS cho biết, những quy định này nhằm tìm cách điều chỉnh các ưu đãi của các công ty tư vấn tài chính với lợi ích của khách hàng và thúc đẩy văn hóa giao dịch công bằng. Khung BSC yêu cầu các công ty phải cho điểm từ A (tốt nhất) đến E (kém nhất) cho các tư vấn tài chính và giám sát viên, dựa trên số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vi phạm được cam kết trong một quý. Trong khi đó, SCC đặt giới hạn thu nhập biến đổi phải trả cho người đại diện và người giám sát trong năm đầu tiên, với phần còn lại phải trả trong một khoảng thời gian quy định.
AIA FA, Prudential và Aviva FA đã bị khiển trách vì đã không đánh giá hiệu suất của các cá nhân trong vai trò giám sát do không tính điểm BSC cho họ. AIA và Aviva cũng bị phát hiện vi phạm các yêu cầu của SCC.
Ông Ho Hern Shin, Phó giám đốc điều hành (giám sát tài chính) của MAS cho biết: “MAS mong muốn các tổ chức tài chính có những thỏa thuận chặt chẽ để đảm bảo rằng đại diện của họ đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu.
“Các yêu cầu của chúng tôi về thực hành lương thưởng liên quan đến việc bán các sản phẩm đầu tư và bảo hiểm nhân thọ nhằm thúc đẩy hành vi bán hàng tốt trong ngành tư vấn tài chính. Chúng tôi đã xử lý nghiêm những tổ chức tài chính và cá nhân đã vi phạm quy định để gửi một thông điệp rõ ràng tới ngành về tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao”.
COVID khiến giới trẻ Ấn Độ tăng cường mua bảo hiểm nhân thọ
(IBM) – Làn sóng thứ hai về ca nhiễm và tử vong COVID-19 tràn qua Ấn Độ đã khiến doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cho thanh niên Ấn Độ tăng cao, vì đại dịch buộc họ phải suy nghĩ về cái chết của chính mình.
Theo một báo cáo của Reuters, đã có sự gia tăng doanh số bán bảo hiểm có kỳ hạn ở những người từ 25 đến 35 tuổi, cùng với đỉnh của làn sóng dịch trong nước từ tháng 4 đến tháng 5. Trong khoảng thời gian đó, doanh số bán hàng đã cao hơn 30% so với ba tháng trước cộng lại – đây là kết quả quan sát của nền tảng tổng hợp bảo hiểm trực tuyến PolicyBazaar.
Trong khi đó, InsuranceDekho, một trang tổng hợp bảo hiểm trực tuyến khác, báo cáo rằng lượng mua bảo hiểm có kỳ hạn trong tháng 5 cao hơn 70% so với tháng 3.
Trong khi các công ty bảo hiểm không tiết lộ con số chính xác, với lý do bảo mật kinh doanh, một số công ty cho biết doanh số bán hàng ở mức “hàng nghìn cao”.
Ông Niraj Shah, Giám đốc tài chính của HDFC Life Insurance, nói với Reuters: “Đại dịch hiện nay đã dẫn đến nhận thức cao hơn về nhu cầu bảo vệ tài chính và sự bất cập của bảo hiểm hiện tại.
Ông Shah cũng quan sát thấy nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm bảo vệ cho những người dưới 35 tuổi kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020.
Các giám đốc điều hành khác trong ngành cho biết số lượng đơn yêu cầu tham gia bảo hiểm vẫn duy trì ở mức cao mặc dù sự gia tăng của các ca lây nhiễm đang giảm xuống, do mọi người lo ngại về một làn sóng thứ ba do tiến độ tiêm chủng chậm ở Ấn Độ.
Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ ở Ấn Độ là 2,82% vào năm 2019, hầu như không tăng so với 2,15% năm 2001. Ấn Độ vẫn thấp hơn tỷ lệ thâm nhập trung bình toàn cầu là 3,35%, do nhiều người Ấn Độ thiếu thu nhập khả dụng để mua bảo hiểm. Tình trạng khan hiếm thu nhập đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều do đại dịch gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho đất nước 1,35 tỷ dân.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đệ trình đơn kiện chống độc quyền để ngăn chặn sáp nhập – Aon, WTW phản ứng
(IBM) – “Chúng tôi không đồng ý với hành động của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ), phản ánh sự thiếu hiểu biết về doanh nghiệp của chúng tôi, khách hàng mà chúng tôi phục vụ và thị trường mà chúng tôi hoạt động.”
Đó là những lời của hai gã khổng lồ môi giới bảo hiểm toàn cầu Aon Plc và Willis Towers Watson (WTW) trong một tuyên bố chung sau động thái của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn vụ sáp nhập khổng lồ được theo dõi chặt chẽ của các công ty thông qua một vụ kiện chống độc quyền dân sự được đệ trình lên Tòa án Đặc khu Columbia.
Trong một thông cáo của DOJ, Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland cho biết vụ việc “thể hiện cam kết của Bộ Tư pháp trong việc ngừng hợp nhất có hại và duy trì sự cạnh tranh mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho người Mỹ trên toàn quốc”.
Ông Garland nói: “Các công ty và người tiêu dùng Mỹ dựa vào sự cạnh tranh giữa Aon và Willis Towers Watson để giảm giá cho các dịch vụ quan trọng, chẳng hạn như tư vấn về quyền lợi sức khỏe và hưu trí.
“Việc cho phép Aon và Willis Towers Watson hợp nhất sẽ làm giảm sự cạnh tranh quan trọng đó và khiến khách hàng Mỹ có ít lựa chọn hơn, giá cả cao hơn và dịch vụ chất lượng thấp hơn.”
DOJ lưu ý rằng Aon có hơn 100 văn phòng và WTW có hơn 80 văn phòng tại Mỹ. DOJ có quan điểm mạnh mẽ rằng kế hoạch thoái vốn của các tập đoàn, cả ở Mỹ và toàn cầu, sẽ vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới nước Mỹ.
Trong đơn khiếu nại dài 35 trang của mình, DOJ cáo buộc: “Phương án sáp nhập đề xuất sẽ kết hợp hai trong số ba công ty môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới và hai trong số ba đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại mỗi thị trường trong số năm thị trường liên quan. Mỗi thị trường này chịu trách nhiệm cho hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ đô la tiền phí mà các doanh nghiệp Mỹ phải trả hàng năm, và việc thoái vốn do các công ty này đề xuất sẽ để lại phần lớn tác hại cho thị trường”.
“Do khả năng làm giảm đáng kể sự cạnh tranh trong bất kỳ thị trường liên quan nào là vi phạm Mục 7 của Đạo luật Clayton, nên Tòa án cần ra phán quyết cho toàn bộ việc sáp nhập theo đề xuất”.
Năm thị trường sản phẩm đang được đề cập là (1) môi giới rủi ro tài chính, tài sản và thiệt hại cho các khách hàng lớn; (2) môi giới lợi ích sức khỏe cho các khách hàng lớn; (3) dịch vụ định phí cho các chương trình lương hưu xác định của các tổ chức lớn; (4) hoạt động của các sàn giao dịch hưu trí tư nhân; và (5) môi giới tái bảo hiểm.
Đáp lại, Aon và WTW – cả hai đều đặt trụ sở tại Ireland và có trụ sở chính tại Vương quốc Anh – tuyên bố: “Aon và Willis Towers Watson hoạt động trên các lĩnh vực cạnh tranh rộng lớn của nền kinh tế và sự kết hợp được đề xuất của chúng tôi sẽ thúc đẩy sự đổi mới thay mặt cho khách hàng, tạo ra nhiều lựa chọn hơn trong một thị trường đã năng động và cạnh tranh.
“Mặc dù sự kết hợp này không dựa trên tình hình đại dịch, nhưng tác động của đại dịch nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các rủi ro hệ thống tương tự bao gồm các mối đe dọa mạng, biến đổi khí hậu và khoảng cách giàu có và sức khỏe ngày càng tăng mà công ty sau hợp nhất sẽ giải quyết một cách có hiệu quả hơn”.
Trong khi đó, người ta cũng nhấn mạnh rằng Aon và WTW đang tiếp tục đạt được “tiến bộ đáng kể” với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới.
Hiện tại, Aon và WTW lần lượt là các nhà môi giới bảo hiểm lớn thứ hai và thứ ba toàn cầu, sau Marsh McLennan, tập đoàn có trụ sở chính tại New York.
Cơ quan quản lý Chứng khoán Bangladesh thúc giục 21 công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn
(AIR) – Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Bangladesh (BSEC) đã thúc giục Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm (IDRA) thực hiện các bước cần thiết để niêm yết 21 công ty bảo hiểm trên các sàn giao dịch chứng khoán của nước này.
Giám đốc điều hành và người phát ngôn của BSEC Rezaul Karim nói với tạp chí New Age rằng Ủy ban đã gửi một lá thư cho cơ quan quản lý bảo hiểm nhằm mục đích này.
Theo ông, Ủy ban đã loại bỏ rào cản đối với việc niêm yết các công ty bảo hiểm bằng cách cung cấp cho họ các miễn trừ cần thiết đối với các quy tắc chứng khoán theo yêu cầu của IDRA.
Trước đó, vào ngày 29 tháng 11 năm 2020, BSEC đã ban hành thông báo miễn trừ cho 26 công ty không phải tuân thủ một số điều khoản của quy tắc chào bán ra công chúng. Trong số 26 công ty, hai công ty hiện đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và ba công ty đã nộp đơn lên BSEC.
Ông Karim cho biết 21 công ty bảo hiểm còn lại vẫn chưa đăng ký niêm yết công khai. Trong đó, 17 công ty bảo hiểm nhân thọ và bốn công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Có 50 công ty bảo hiểm niêm yết được niêm yết tại Bangladesh. Trong đó, 38 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 12 công ty bảo hiểm nhân thọ.
BTV (Tổng hợp).