Thị trường năng lượng trong “tâm bão”; Prudential chi trả 6.257 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm; 7-Eleven bán bảo hiểm nhân thọ toàn quốc
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Sun Life Việt Nam chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng tại Quảng Ngãi
(ĐTCK) – Sun Life Việt Nam vừa tổ chức Lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hai khách hàng với số tiền hơn 342 triệu đồng.
Người được bảo hiểm là ông Đ. T. H và ông L. Q. T trú tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi không may gặp rủi ro và tử vong.
Khi biết thông tin, đại diện Sun Life Việt Nam đã nhanh chóng tiến hành các thủ tục để chi trả các quyền lợi như đã cam kết của hợp đồng bảo hiểm.
Với số tiền được chi trả từ quyền lợi bảo hiểm này, người thân của khách hàng có thêm nguồn tài chính, giúp gia đình vơi bớt mất mát để vượt qua những bất trắc trong cuộc sống. Được biết, tính từ đầu năm 2016 đến tháng 5/2020, Sun Life Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hơn 8000 lượt Khách hàng với tổng số tiền hơn 82 tỷ đồng.
Bên cạnh cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất cho Khách hàng, Sun Life Việt Nam cũng luôn quan tâm đến chất lượng cuộc sống của Khách hàng thông qua nhiều chương trình hoạt động.
Cụ thể, Sun Life đã phối hợp với MediGuide, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn y khoa hàng đầu thế giới và Insmart, đại diện của MediGuide tại Việt Nam với hệ thống gần 300 bệnh viện liên kết trong nước và khu vực, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ tư vấn y khoa nhằm giúp khách hàng có thêm tư vấn y khoa từ các chuyên gia uy tín trên thế giới về bất kỳ tình trạng bệnh nào đã được chẩn đoán. Dịch vụ này của Sun Life và đối tác nhằm giúp khách hàng có thêm cơ sở tin cậy để xác định hướng điều trị nhanh chóng và hiệu quả…
Bảo Minh khẩn trương phối hợp giải quyết hậu quả tai nạn thảm khốc ở Đăk Nông
(ĐTCK) – Tổng số tiền bồi thường Bảo Minh chi trả đợt 1 cho các nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn này là 250 triệu đồng.
Vào khoảng 6h30 ngày 13/6/2020, một vụ giao thông nghiêm trọng đã xảy ra đoạn qua chợ xã Đắk R’La (còn gọi là chợ 312) thuộc tỉnh Đắk Nông làm 5 người chết, nhiều người bị thương.
Theo thông tin ban đầu, chiếc xe tải 69C-051.59 chạy trên Quốc lộ 14 hướng TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) – TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị mất phanh, tài xế đã tìm cách dìu theo chiếc xe container chạy cùng chiều để giảm tốc độ nhưng không thành công.
Chiếc xe tải sau đó tông vào xe tải 47C-125.70 làm xe này tông thẳng vào những người đang bán hàng ven đường ở khu vực chợ 312 và lật nhào, làm 5 người chết, nhiều người bị thương. Chưa dừng lại, xe 69C-051.59 tiếp tục tông vào xe tải 48C-035.79 chạy cùng chiều, làm xe này văng vào lề đường, cuốn theo 4 xe máy, làm nhiều người bị thương. Xe 69C 051.59 còn chạy thêm gần 1km mới húc vào đồi đất ven đường, bị lật và dừng lại.
Được biết, xe ô tô 69C-051.59 trước đó đã mua bảo hiểm hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc tại Công ty Bảo Minh Cà Mau.
Ngay sau khi xác nhận thông tin về vụ tai nạn, đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh là Công ty Bảo Minh Đắk Nông đã phối hợp cử đại diện đến bệnh viện thăm hỏi và nắm tình hình để thực hiện chi trả bảo hiểm cho gia đình các nạn nhân gặp nạn.
Theo đó, mỗi nạn nhân tử vong sẽ được chi trả lần 1 với số tiền là 50 triệu đồng; mỗi nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện sẽ được chi trả số tiền 30-40% số tiền bảo hiểm, tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tổng số tiền bồi thường Bảo Minh chi trả đợt 1 cho các nạn nhân bị tử vong trong vụ tai nạn này là 250 triệu đồng.
Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đang khẩn trương phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng, hướng dẫn, và hỗ trợ người được bảo hiểm nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để có thể chi trả bảo hiểm đúng quy định, chính xác, giúp người được bảo hiểm giảm gánh nặng về tài chính sau những tổn thất, mất mát vừa qua.
Prudential chi trả 6.257 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm năm 2019
(TBTCO) – Prudential đã và đang không ngừng phát triển và ứng dụng các giải pháp số nhằm đơn giản hóa quy trình, tạo sự dễ dàng, nhanh chóng và minh bạch trong hoạt động chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Là một doanh nghiệp điển hình trong ngành, Prudential Việt Nam không chỉ tiên phong ứng dụng công nghệ vào đơn giản hóa quy trình mà còn khẳng định cam kết đồng hành cùng khách hàng khi chi trả hơn 6.257 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng quyền lợi bảo hiểm mà toàn ngành bảo hiểm nhân thọ chi trả trong năm 2019.
Khi nhu cầu của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ ngày một tăng, các doanh nghiệp bảo hiểm phải liên tục đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Trong đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm thường là mối quan tâm hàng đầu khi khách hàng tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, các thủ tục cùng quy trình yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trước đây ít nhiều gây ra những bất tiện và khiến khách hàng phải chờ đợi.
Thấu hiểu điều này, Prudential đã không ngừng phát triển và ứng dụng các giải pháp số nhằm đơn giản hóa quy trình, tạo sự dễ dàng, nhanh chóng và minh bạch trong hoạt động chi trả. Theo đó, các kênh tiếp nhận yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm liên tục được đa dạng. Đặc biệt, quy trình thực hiện trên nền tảng Zalo cho phép khách hàng chủ động nộp yêu cầu trực tuyến 24/7, theo dõi tình trạng và nhận quyết định chi trả nhanh chóng.
Trước đó, cuối năm 2019, Prudential tiếp tục phát triển tính năng xử lý và phản hồi kết quả bồi thường “20 giây” với trường hợp đăng ký và nộp yêu cầu qua Zalo. Quá trình xử lý xuyên suốt, không có sự can thiệp của con người đã giúp tiết kiệm thời gian. Có thể nói, tự động hóa chính là điểm nhấn trong cải tiến quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Prudential.Prudential đã chi trả hơn 6.257 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, chiếm gần 30% tổng quyền lợi bảo hiểm chi trả của toàn ngành trong năm 2019. Trong đó, các quyền lợi liên quan tới sự kiện bảo hiểm như tử vong, bệnh hiểm nghèo, chăm sóc sức khỏe… mà Prudential chi trả chiếm gần 1.000 tỷ đồng.Tới nay, hàng nghìn yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm đã được xử lý theo quy trình mới và con số vẫn đang tiếp tục tăng lên, cùng với tỷ lệ 70% yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm thực hiện qua kênh Zalo, đã cho thấy sự tin tưởng của khách hàng và tính hiệu quả của giải pháp này.
- Một vòng doanh nghiệp
Tân Chủ tịch ABIC là Phó TGĐ Agribank
(ABIC) – Ngày 19/6/2020, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) trang trọng tổ chức lễ công bố chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của:
– Ông Phạm Đức Ấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank
– Ông Nguyễn Văn Minh – Ủy viên BCH Đảng bộ, Thành viên HĐTV Agribank
– Bà Nguyễn Thị Phượng – Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Agribank
– Ông Phạm Đức Tuấn – Ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Tổng Giám đốc Agribank, Chủ tịch HĐQT ABIC
– Ông Mai Xuân Dũng – Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare)
Cùng một số lãnh đạo Ban chuyên môn Agribank và toàn thể Ban lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt ABIC.
Ông Phạm Đức Ấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank chúc mừng ABIC có tân Chủ tịch HĐQT và chia sẻ với Ông Phạm Đức Tuấn về những khó khăn thách thức khi nhận nhiệm vụ mới. Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, việc HĐTV Agribank giao nhiệm vụ cho Ông Phạm Đức Tuấn làm đại diện vốn thứ nhất của Agribank tại ABIC là thông điệp tái khẳng định sự đầu tư và ủng hộ dài hạn của Agribank với ABIC trong vai trò là cổ đông chi phối và đối tác chiến lược.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV Agribank đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể người lao động và lãnh đạo ABIC qua các thời kỳ. Chủ tịch HĐTV Agribank chỉ ra, đây là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của ABIC, qua đó chỉ đạo Ban lãnh đạo ABIC xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố hệ thống mạng lưới, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Ông Phạm Đức Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Agribank, tân Chủ tịch HĐQT ABIC gửi lời cảm ơn sâu sắc đến HĐTV Agribank đã tin tưởng giao nhiệm vụ đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết mình để kế thừa và phát huy những giá trị hiện có của ABIC. Ông khẳng định sẽ cùng Ban lãnh đạo và tập thể người lao động ABIC khắc phục những khó khăn, cùng nhau đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội đồng cổ đông và Agribank giao phó. Ông mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ HĐTV, Ban lãnh đạo Agribank các cấp và sự đồng hành của các đơn vị trong hệ thống để xây dựng ABIC phát triển theo đúng định hướng chiến lược của Agribank.
Hanwha Life Việt Nam: Kỳ vọng bứt phá sau dịch Covid -19
(TBTCVN) – Đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có Hanwha Life Việt Nam, nhưng với nỗ lực của ban lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên, đại lý, toàn công ty vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng. Hết quý I/2020, doanh thu phí mới của công ty đã tăng 21% so với cùng kỳ. Ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, công ty đã tái khởi động các chương trình kinh doanh, tập trung vào các hoạt động tuyển dụng, đào tạo đội ngũ tư vấn tài chính mới nhằm nâng cao năng lực tư vấn khách hàng.
Theo đó, Hanwha Life Việt Nam đã triển khai hai chương trình khuyến mại đặc biệt diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 14/8. Cụ thể, chương trình “Đóng phí ngay, quà trao tay” được áp dụng cho khách hàng có hợp đồng bảo hiểm đang còn hiệu lực với Hanwha Life Việt Nam, có định kỳ đóng phí năm với mức phí đóng từ 8 triệu đồng và có ngày đến hạn đóng phí nằm trong khoảng thời gian từ 15/6/2020 đến 31/12/2020. Nếu khách hàng đóng phí định kỳ trước hoặc vào ngày đến hạn đóng phí trong thời gian diễn ra Chương trình sẽ được nhận E-voucher trị giá 200.000 đồng.
Chương trình “Đầu tư ngay, quà liền tay” được áp dụng cho khách hàng có hợp đồng bảo hiểm tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và lựa chọn đóng phí bảo hiểm đóng thêm cho năm hợp đồng đầu tiên. Theo đó, với mỗi 10.000.000 đồng phí bảo hiểm đóng thêm khách hàng sẽ nhận được E-voucher trị giá 500.000 đồng và tổng giá trị E-voucher gộp theo giai đoạn có thể lên đến 10.000.000 đồng trên mỗi hợp đồng bảo hiểm thỏa điều kiện nhận quà tặng.
“Chương trình này là một minh chứng cụ thể, thể hiện nỗ lực của Hanwha Life Việt Nam trong vai trò đồng hành cùng khách hàng an tâm hoạch định kế hoạch tài chính và bảo vệ toàn diện trước các rủi ro cuộc sống”, đại diện Hanwha Life Việt Nam chia sẻ.
Trước đó, ngày 5/5 Hanwha Life Việt Nam cho biết, công ty đã chính thức chi trả hơn 21 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho gia đình một khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh; tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc bảo vệ, đồng hành và luôn bảo đảm quyền lợi cao nhất cho khách hàng dù trong bối cảnh dịch bệnh. Được biết, đây là trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Hanwha Life Việt Nam và là một trong những ca chi trả lớn nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ từ trước tới nay.
Với sứ mệnh bảo vệ khách hàng và gia đình thông qua sản phẩm bảo hiểm phù hợp, kể từ khi hoạt động từ năm 2009 đến nay, công ty đã chi trả gần 532 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho hàng nghìn khách hàng. Riêng năm 2019, công ty đã trao 172 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, giúp khách hàng cùng gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn và từng bước ổn định cuộc sống.
Không chỉ chia sẻ và đồng hành cùng khách hàng, Hanwha Life Việt Nam còn nâng cao trải nghiệm khách hàng với việc tăng tốc chuyển đổi các mô hình kinh doanh trực tuyến như áp dụng công cụ điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, phần mềm lập bảng minh họa, các kênh thu phí trực tuyến, giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến; đa dạng kênh phân phối với các đối tác như Fintech, Thebank.vn, Gobear, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tiết kiệm thời gian trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Bên cạnh việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ, công ty tiếp tục phát triển mạnh mẽ mạng lưới kinh doanh, chất lượng và số lượng đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp. Tính đến ngày 28/5, công ty đã tuyển dụng tư vấn tài chính mới là 1.615 người, tăng so với con số 1.503 tư vấn tài chính mới trong tháng 4/2020. Đối với khối văn phòng, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục duy trì sự ổn định nhưng có xu hướng tăng so với thời điểm giãn cách; dự kiến số lượng tuyển dụng giai đoạn 6 tháng cuối năm sẽ tăng 33% so với thời điểm đầu năm.
Với những nỗ lực này, đại diện Hanwha Life Việt Nam tin rằng hoạt động của công ty sẽ phát triển mạnh mẽ cùng với đà phục hồi kinh tế của đất nước.
Song song với việc đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, Hanwha Life Việt Nam còn là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 khi đồng hành cùng Chính phủ và người dân. Đến nay, tổng kinh phí công ty tài trợ cho công tác phòng chống dịch Covid đã hơn 3,8 tỷ đồng thông qua việc trao tặng 8.000 bộ trang phục bảo hộ y tế cho Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, trao tặng 3.257 thẻ bảo hiểm y tế, hiến 175 đơn vị máu, trao tặng nước rửa tay, khẩu trang…
Dự kiến, từ ngày 13 đến ngày 17/7/2020, Hanwha Life Việt Nam sẽ phối hợp cùng Childfund Việt Nam, văn phòng đại diện của ChildFund Australia và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR) thực hiện chương trình từ thiện trao 800 phần quà gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu, đồ dùng học tập hỗ trợ trẻ em nghèo tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình và Nghệ An sau mùa dịch Covid-19.
Được biết, gần 11 năm hoạt động tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam đã tài trợ hơn 30 tỷ đồng cho nhiều dự án cộng đồng. “Chúng tôi hy vọng rằng những nỗ lực của Hanwha Life Việt Nam, điều kiện chăm sóc sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương sẽ được cải thiện và tốt đẹp hơn từng ngày. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều hoạt động vì cộng đồng thiết thực khác trên con đường gắn bó dài lâu cùng người dân và đất nước Việt Nam” – đại diện Hanwha Life Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Bảo hiểm BSH đạt tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường năm 2019
(BSH) – Báo cáo kết quả tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 cho thấy, năm 2019 Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) của ông bầu Đỗ Quang Hiển đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thị trường, với mức tăng trưởng 69,1%. Đây là kết quả của quá trình đổi mới, tích cực thay đổi để thành công, như mục tiêu mà ban lãnh đạo BSH đã đặt ra.
Năm 2019, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng, tổng doanh thu đạt 52.842 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2018. Với bảo hiểm BSH, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 được cải thiện rõ rệt cả về chỉ tiêu quy mô và chỉ tiêu hiệu quả so với năm 2018. Năm 2019, tổng doanh thu của bảo hiểm BSH là 1.873,3 tỷ đồng, đạt 93,3% kế hoạch đề ra. Doanh thu bình quân/đơn vị năm 2019 của BSH là 31,3 tỷ đồng (tăng 44%). Đặc biệt, BSH đã có sự cải thiện vị trí từ 15 lên vị trí thứ 11 (tăng 4 bậc) trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Sau 11 năm hoạt động lần đầu tiên BSH đã đạt được những cột mốc kinh doanh nổi bật, trở thành điểm sáng trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2019. Lợi nhuận của BSH đạt 12,8 tỷ đồng, thị phần tăng 4 bậc so với năm 2018, xếp thứ 11/31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. BSH từng bước hoàn thành mục tiêu: “Tăng trưởng kinh doanh đi đôi với hiệu quả” như định hướng của Ban điều hành đã đề ra.
Đạt được kết quả như vậy là nhờ vào sự quyết tâm đổi mới trong công tác chỉ đạo của Ban Điều hành, sự cố gắng của tất cả anh chị em trên toàn hệ thống BSH. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị thành viên, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng Công ty, toàn thể CBNV BSH luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc , góp phần vào thành công chung của tập thể.
Năm 2019 đánh dấu sự thay đổi của BSH trong việc mở rộng và phát triển mạng lưới và kênh phân phối. BSH đã thành lập mới 5 đơn vị, nâng tổng số lên 47 đơn vị thành viên tại Việt Nam và 1 công ty liên kết tại Lào; thành lập mới 25 phòng kinh doanh khu vực. BSH cũng mở rộng hợp tác với các đối tác công nghệ bảo hiểm (insurtech), đại lý tổ chức, đàm phán, ký hợp đồng hợp tác với các công ty môi giới nước ngoài như Aon, Marsh, Willis….đồng thời hợp tác với các ngân hàng và các định chế tài chính khác.
Năm 2020 khi dịch Covid 19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có hoạt động kinh doanh của BSH. Tuy nhiên, BSH vẫn đặt ra các mục tiêu tăng trưởng cao như doanh thu là 2.289 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư đạt 325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 14,8 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2020, BSH tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản trị, xây dựng sản phẩm và quản lý hỗ trợ kênh bán hàng, số hóa quá trình xử lý bồi thường, giúp khách hàng có thể theo dõi quá trình giải quyết bồi thường của mình trên website, đảm bảo việc bồi thường nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện cho khách hàng.
Với sự quyết tâm và không ngừng nỗ lực đổi mới để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, bảo hiểm BSH đặt mục tiêu vào Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Nói như Chủ tịch HĐQT BSH Đỗ Quang Hiển: “Sự thành công của BSH không chỉ mang lại sự thịnh vượng cho đại gia đình BSH mà còn góp phần phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, của đất nước Việt Nam”.
BSH ra mắt chương trình bảo hiểm sức khỏe “BSH Care – An tâm vui khỏe”
(BSH) – Tổng Công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội vừa ra mắt chương trình bảo hiểm sức khỏe “BSH Care – An tâm vui khỏe” trong tháng 6. Mức phí cạnh tranh, đối tượng tham gia không loại trừ bệnh nhân ung thư, thời gian chờ hiệu lực ngắn ngày, đối tượng tham gia rộng là những ưu việt của chương trình này.
Chương trình bảo hiểm sức khỏe “BSH Care – An tâm vui khỏe” bảo vệ khách hàng từ 60 ngày tuổi đến 65 tuổi trước các rủi ro về sức khỏe với mức phí chỉ chưa tới 2000 đồng/ 1 ngày. Bên cạnh quyền lợi cơ bản lên đến 500 triệu cho các rủi ro tử vong do tai nạn hoặc thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, “BSH Care – An tâm vui khỏe” mang đến điểm tựa vững chắc cho gia đình bạn khi chi trả chi phí thực tế điều trị nội trú lên đến 120 triệu đồng/năm với các quyền lợi đa dạng linh hoạt. Như vậy chỉ với 670.000 đồng/năm, khách hàng đã có thể sở hữu gói sản phẩm với phí bảo hiểm không đổi trong suốt một năm hợp đồng cho bản thân hoặc làm quà tặng ý nghĩa cho những người thân yêu.
Không chỉ có vậy, BSH Care mang đến những quyền lợi nổi trội so với các sản phẩm khác trên thị trường như: không loại trừ bảo hiểm đối với đối tượng tham gia bảo hiểm đã mắc bệnh ung thư (với các điều kiện đi kèm). Trẻ em từ 60 ngày tuổi đến 06 tuổi được tham gia bảo hiểm độc lập với các quyền lợi tương đương mà không cần đi kèm bố mẹ. Thời gian chờ đối với bệnh hô hấp ở trẻ dưới 4 tuổi 60 ngày và thai sản 270 ngày. Bảo lãnh viện phí nhanh chóng chỉ từ 15 phút với ngoại trú và 24h với nội trú. “BSH Care – An tâm vui khỏe” đảm bảo các chi phí liên quan đến hậu quả của tai nạn nếu tham gia tái tục.
Với “BSH Care – An tâm vui khỏe”, khách hàng có thể lựa chọn tham gia theo nhiều mức phí và quyền lợi linh hoạt, gồm mức: Đồng, Bạc, Vàng, Bạch kim, Kim cương tương ứng với các gói quyền lợi bảo hiểm bao gồm điều trị nội trú, điều trị ngoại trú, chăm sóc nha khoa và thai sản. Đặc biệt bạn có thể thoải mái lựa chọn cho chính mình và người thân một hay nhiều quyền lợi bổ sung.
BSH có mạng lưới hơn 200 bệnh viện, phòng khám bảo lãnh viện phí rộng khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc với đội ngũ Bác sĩ duyệt bảo lãnh dầy dạn kinh nghiệm, sẽ mang đến cho bạn và những người thân yêu sự an tâm tin cậy.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe: Khó có lãi vì bồi thường cao
(ĐTCK) – Dẫn đầu về tỷ trọng cũng như tăng trưởng doanh thu phí của bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng do tỷ lệ bồi thường cao, có thời điểm lên đến 70-80% doanh thu, nên nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức không đạt hiệu quả như kỳ vọng, buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh.
Báo cáo ĐHCĐ năm 2020 của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho thấy, doanh thu bảo hiểm sức khỏe năm 2019 đạt 379 tỷ đồng, tăng trưởng âm 25% so với năm 2018 và chỉ đạt 74% kế hoạch doanh thu cả năm.
Cùng với khó khăn trong việc khai thác sản phẩm bảo hiểm sinh mạng cho người vay tín chấp, doanh thu bảo hiểm sức khỏe năm 2019 giảm còn do PJICO đã rà soát lại và không tái tục đối với các dịch vụ bảo hiểm Healthcare (chăm sóc sức khỏe) vốn có tỷ lệ tổn thất cao trên 70%, góp phần đưa tỷ lệ bồi thường gốc giảm về mức 36%.
Không chỉ PJICO, nhiều hãng bảo hiểm khác như BIC, Bảo Minh, PTI… trước đó cũng buộc phải xem xét, điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng cũng như tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Đơn cử, tại Bảo hiểm BIDV (BIC), những năm gần đây đã không còn tiếp cận nhiều dịch vụ có mức độ rủi ro cao.
Chiến lược của BIC là hướng đến các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp, đặc biệt là kiểm soát các nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới… vốn đang cạnh tranh khốc liệt.
Cũng vì lý do này mà BIC đã chủ động thắt chặt đối với một trong những sản phẩm bảo hiểm chủ lực là BIC Healthcare.
Tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), đại diện nhà bảo hiểm này cho biết, cũng giống như bảo hiểm xe cơ giới, nếu doanh thu bảo hiểm chăm sóc sức khỏe không đủ lớn thì khó có thể có lãi.
Được biết, những năm trước, tỷ lệ bồi thường của mảng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại PTI cũng ở mức cao, có thời điểm lên tới 80%, trước khi quay trở lại “quỹ đạo an toàn” như hiện nay nhờ chủ động tái cơ cấu, rà soát lại chính sách bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
“Năm 2019, mảng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đạt mức tăng trưởng trên 30%. Đây vẫn là nghiệp vụ trọng yêu của PTI với hướng khai thác sẽ được mở rộng hơn, tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài…”, đại diện PTI nói.
Còn lãnh đạo PJICO thì cho hay, song song với việc chủ động rà soát và không tái tục đối với các dịch vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe có tỷ lệ tổn thất cao, Công ty đang triển khai ký kết hợp tác với các bệnh viện phòng khám có uy tín trên toàn quốc để mở rộng hệ thống bảo lãnh viện phí, bao gồm cả nội trú và ngoại trú, để nâng cao chất lượng dịch vụ bồi thường và khả năng cạnh tranh trên thị trường…
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm nói rằng, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dù bán rất tốt, nhưng nếu không đảm bảo nguyên tắc “số đông bù ít” thì lỗ là đương nhiên.
Theo vị này, trên thực tế, khi mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, hầu hết khách hàng cá nhân đã có kế hoạch sử dụng sản phẩm tại những bệnh viện tư nổi tiếng, nên chi phí rất cao…
“Với mức phí thấp, chi phí bồi thường lại cao, thì khó công ty bảo hiểm nào có thể bù đắp nổi. Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nếu muốn đạt hiệu quả ngoài việc siết chặt điều khoản, giảm tỷ lệ bồi thường, thì cần phải bán được cho các tổ chức, doanh nghiệp mua cho nhân viên với số lượng lớn”, vị này chia sẻ.
- Tin quốc tế
Nhật Bản: 7-Eleven bán bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc
(AIR) – Theo hãng tin Kyodo News, trước nhu cầu ngày càng tăng về doanh số bán bảo hiểm không tiếp xúc do đại dịch virus Corona, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven tuyên bố sẽ bắt đầu bán bảo hiểm nhân thọ tại hơn 20.000 cửa hàng trên toàn quốc. Đây được cho là trường hợp đầu tiên bán bảo hiểm tại một cửa hàng tiện lợi.
Từ ngày 16 tháng 6, 7-Eleven Nhật Bản sẽ bán bảo hiểm ung thư từ Bảo hiểm nhân thọ Mitsui Sumitomo Aioi, một đơn vị thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Bảo hiểm MS&AD.
Công ty bảo hiểm hy vọng sẽ mở rộng các kênh bán hàng của mình tại thời điểm đại dịch gây khó khăn cho các tư vấn viên bảo hiểm đến nhà hoặc gặp gỡ khách hàng trực tiếp.
Tại cửa hàng 7-Eleven, khách hàng có thể đăng ký hợp đồng bảo hiểm thông qua máy photocopy đa chức năng được lắp đặt tại cửa hàng. Sau đó, họ có thể nộp phí tại cửa hàng thu ngân.
Khách hàng cũng sẽ có thể hoàn thành hầu hết quy trình đăng ký bảo hiểm trước bằng cách sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính cá nhân và đăng ký trực tuyến.
Đại diện 7-Eleven nói rằng đến tháng 3 năm sau, họ hy vọng sẽ đạt được khoảng 60.000 hợp đồng bảo hiểm mới.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu khách hàng sẽ ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà không cần gặp nhân viên bán hàng hay không, so với bảo hiểm trách nhiệm thường là phải yêu cầu giải thích chi tiết tùy theo nhu cầu sức khỏe của cá nhân.
Philippines: Công ty InsurTech sẽ ra mắt nền tảng bán hàng trong Quý IV
(AIR) – Công ty khởi nghiệp InsurTech Kwik.insure có kế hoạch ra mắt nền tảng kỹ thuật số vào quý IV năm nay để cho phép người Philippines tận dụng các sản phẩm bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm khác nhau trên thị trường bảo hiểm trực tuyến.
Theo báo cáo của BusinessWorld, nền tảng thương mại điện tử của công ty sẽ giúp cho khách hàng tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm.
Ông David Angluben, người sáng lập Kwik.insure, cho biết: “Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm của quốc gia ở mức rất thấp là 1,67%. Chúng tôi mong muốn giúp hàng trăm ngàn người trong tương lai gần, qua đó cải thiện đáng kể tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm”.
Kwik.insure đang thảo luận với hơn 20 công ty bảo hiểm về việc hình thành quan hệ đối tác.
“Chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác với các công ty bảo hiểm trực tuyến đang tìm kiếm một phương tiện để cung cấp các sản phẩm ở cấp độ xâm nhập thị trường trong một nền tảng hoàn toàn trực tuyến. Có khoảng 100 công ty bảo hiểm ở Philippines và hơn 30 nhà cung cấp HMO (tổ chức chăm sóc sức khỏe), và chúng tôi rất muốn thảo luận với phần còn lại của thị trường”, ông Mr Angluben nói.
Công ty khởi nghiệp này có kế hoạch đưa các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ, du lịch và xe cơ giới vào danh sách ban đầu, với tất cả các giao dịch trực tuyến và trên mạng được thực hiện trong vòng vài phút.
Kwik.insure cũng mong muốn tiếp cận các quốc gia ở Đông Nam Á và quyết định ra mắt lần đầu tiên tại Philippines.
Học viện CII tổ chức đại hội đồng cổ đông online
(AIR) – Học viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh (CII), một tổ chức bảo hiểm chuyên nghiệp toàn cầu có trụ sở tại Vương quốc Anh, sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 108 năm của mình trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Ông Sian Fisher, Giám đốc điều hành của CII, cho biết: “ĐHĐCĐ ảo này là lựa chọn cho phép chúng tôi kết nối với tất cả các thành viên của mình, đảm bảo họ vẫn là trung tâm của quá trình ra quyết định đồng thời giảm nguy cơ lây lan virus Corona”.
Đại hội sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 8 tháng 10 và đoàn chủ tịch đại hội sẽ bao gồm Chủ tịch độc lập đầu tiên của CII, Tiến sĩ Helen Phillips; chủ tịch hiện tại của CII ông Nick Turner và chủ tịch sắp tới là ông Julie Page và bà Fisher.
Đại hội lần này sẽ là dịp để kiểm điểm lại công việc của CII trong giai đoạn 2019 đến 2020 và thảo luận các kế hoạch trong 12 tháng tới.
Trong ĐHĐCĐ, các thành viên sẽ có thể bỏ phiếu và đặt câu hỏi về sự lãnh đạo của CII mà không phải di chuyển và tham dự cuộc họp trực tiếp.
Vào tháng 8, 129.000 thành viên của học viện sẽ được gửi chi tiết về cách tham gia ĐHĐCĐ.
Theo ông Turner, các thành viên đã bỏ phiếu vào năm ngoái để hiện đại hóa các hoạt động quản trị CII, bao gồm cho phép họ tham dự các ĐHĐCĐ ảo, bỏ phiếu và đặt câu hỏi trực tiếp.
Hồng Kông kéo dài thời gian bán bảo hiểm không tiếp xúc
(AIR) – Trên cơ sở xem xét sự phát triển của virus COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, Cục Bảo hiểm Hồng Kông (IA) đã công bố gia hạn các biện pháp thuận lợi tạm thời (TFM) cho việc bán bảo hiểm không tiếp xúc tại Hồng Kông trong ba tháng nữa đến 30 tháng 9. Phạm vi của các sản phẩm được bảo hiểm và các chi tiết thực hiện của các biện pháp vẫn không thay đổi.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm bảo hiểm cụ thể có thể được phân phối thông qua các phương pháp không đối mặt để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong quá trình bán hàng.
Ngày thứ 2 vừa rồi, IA đã ban hành thông tư, thông báo tới các công ty bảo hiểm dài hạn được ủy quyền về việc gia hạn TFM.
Cơ quan quản lý bảo hiểm đã giới thiệu hai giai đoạn của TFM vào tháng 2 và tháng 3 năm 2020 để cho phép phân phối sản phẩm bảo hiểm không tiếp xúc. Các sản phẩm bao gồm niên kim trả sau, các chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm tử kỳ và một số bảo hiểm hoàn lại hoặc có tái tục – như chi phí bệnh viện, y tế, bệnh hiểm nghèo, tai nạn cá nhân, tàn tật hoặc chăm sóc y tế dài hạn.
Để bảo vệ chủ hợp đồng, các công ty bảo hiểm và trung gian phải thực hiện công bố trước tại điểm bán và áp dụng thời gian cân nhắc kéo dài không dưới 30 ngày theo lịch để chủ hợp đồng tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia nếu cần thiết.
IA trước đó cho biết họ sẽ tiếp tục khám phá việc sử dụng các kênh phân phối ảo và bền vững cho các sản phẩm khác cùng với các bên liên quan trong ngành trong khi vẫn đảm bảo duy trì sự giám sát thận trọng.
Gần đây, IA đã phê duyệt một giải pháp InsurTech mới từ Manulife Hồng Kông, cho phép cung cấp nền tảng bán hàng đại lý ‘trực diện ảo’ cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm riêng lẻ trừ các chương trình đảm bảo liên kết đầu tư.
Công ty bảo hiểm Ấn Độ ra mắt gói bảo hiểm theo yêu cầu cho máy bay không người lái
(AIR) – Do chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch mở rộng việc sử dụng máy bay không người lái (drone) trong đại dịch COVID-19 nên HDFC Ergo, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tư nhân, đã hợp tác với công ty khởi nghiệp công nghệ TropoGo giới thiệu hợp đồng bảo hiểm đầu tiên của nước này cho chủ sở hữu drone.
Trong khi cả thế giới bị đình trệ do đại dịch thì máy bay không người lái đang chứng tỏ là công cụ hiệu quả và có lợi cho giám sát công cộng, giám sát đám đông và thậm chí cung cấp các nhu yếu phẩm như thuốc men.
Hơn nữa, việc sử dụng máy bay không người lái cũng có thể trở thành trung tâm cho các chức năng khác nhau của doanh nghiệp trong tương lai, nơi con người không thể thực hiện công việc. Chương trình bảo hiểm cung cấp cho chủ sở hữu máy bay không người lái thương mại và yêu cầu bồi thường trách nhiệm của bên thứ ba đối với thiệt hại tài sản và thương tích cơ thể. Đây là sản phẩm đầu tiên trong phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ ở Ấn Độ, sẽ được cung cấp theo yêu cầu cho khách hàng theo phương pháp “trả theo thực tế bay”.
Bất chấp những lợi thế mà máy bay không người lái mang lại cho người dùng thương mại, sự an toàn của tài sản bên thứ ba vẫn chưa được giải đáp. Giải quyết nhu cầu này, hợp đồng bảo hiểm mới cung cấp cho chủ sở hữu/nhà điều hành drone thương mại yêu cầu bồi thường trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba có thể phát sinh trong khi tiến hành các hoạt động như khảo sát, lập bản đồ, giám sát, sáng kiến cứu trợ thảm họa, sử dụng trong các lễ hội và sự kiện, tài sản quản lý và du lịch và mục đích du lịch cho những người khác.
Bảo hiểm này sẽ được cung cấp cho các chủ sở hữu và người điều khiển máy bay không người lái đã đăng ký có chứng chỉ phi công máy bay không người lái thương mại hoặc giấy phép được cấp bởi các trường đào tạo được chứng nhận ở Ấn Độ.
Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch sửa đổi luật tái bảo hiểm
(AIR) – Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường tái bảo hiểm để thúc đẩy cạnh tranh bằng cách khắc phục tái bảo hiểm từ các quy định bảo hiểm phi nhân thọ.
Đạo luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành coi tái bảo hiểm là một phần của bảo hiểm phi nhân thọ. Như vậy, các quy định tương tự được áp dụng cho cả tái bảo hiểm và bảo hiểm phi nhân thọ mặc dù thực tế là tái bảo hiểm không dành cho cá nhân mà dành cho các công ty bảo hiểm, Business Korea đưa tin.
Nói cách khác, các quy định tương đối quá mức để bảo vệ người tiêu dùng đã được áp dụng cho tái bảo hiểm mặc dù thực tế là nó được sử dụng bởi những người nhận thức rõ về bảo hiểm.
Chi tiết về thay đổi được đề xuất sẽ được thảo luận với các công ty tái bảo hiểm, hiệp hội bảo hiểm Hàn Quốc, v.v.
Hiện tại, tất cả các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép đều có thể thực hiện kinh doanh tái bảo hiểm mà không cần bất kỳ yêu cầu phê duyệt nào.
Thị trường năng lượng trong “tâm bão”
(INN) – Theo báo cáo mới đây từ WillisTowersWatson, ngành năng lượng toàn cầu đang phải đối mặt với rủi ro đại dịch COVID-19 và nằm trong vùng “mắt bão” vì năng lực toàn cầu có thể sẽ biến mất trong khi nguy cơ biến đổi khí hậu vẫn là tối quan trọng.
Báo cáo Đánh giá thị trường điện năm 2020 cho biết ngành năng lượng “tiếp tục quay cuồng do ảnh hưởng của thị trường bảo hiểm toàn cầu rút lui khỏi bảo hiểm cho than đá”.
Tổng công suất toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 3 tỷ đô la với công suất “thực tế” chỉ bằng nửa số đó.
Ông Graham Graham Knight, Giám đốc Tài nguyên thiên nhiên toàn cầu tại Willis Towers Watson, nói: “Hầu hết các độc giả sẽ không ngạc nhiên khi thị trường bảo hiểm năng lượng tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020 và không thể phủ nhận rằng 12 tháng qua là những thách thức đối với ngành điện và các nhà môi giới”.
Đại dịch COVID-19 đã đem đến “những thách thức chưa từng có” đối với ngành điện toàn cầu trên các chức năng cốt lõi về thương mại, kỹ thuật, vận hành và tài chính.
Số doanh nghiệp điện lực đã giảm do các công ty bảo hiểm lớn đã rút hoàn toàn khỏi lĩnh vực này trong khi các công ty bảo hiểm còn lại không đủ năng lực.
Với tổn thất trung bình hàng năm trên toàn cầu khoảng 2,5 tỷ đô la, báo cáo kết luận rằng có những khoảng thời gian, phí bảo hiểm toàn cầu cho ngành điện đã ở dưới mức tổn thất trung bình hàng năm.
Trong quý II, tỷ lệ phí bảo hiểm đã tăng từ 15 đến 20%.
“Một mẫu số chung cho người mua rất đơn giản: thị trường khó khăn đã thực sự đến; quá trình mua sẽ mất nhiều thời gian hơn trước đây”, ông Mr Knight nói.
Ông khuyến nghị cần giao tiếp minh bạch với các chuyên gia tư vấn rủi ro, đó là điều quan trọng để xây dựng các mối quan hệ bảo hiểm vững chắc và dành thời gian để trao đổi kỹ lưỡng với các nhà cung cấp bảo hiểm.
OECD cảnh báo việc mở rộng bảo hiểm đại dịch
(INN) – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết các chương trình bảo hiểm do chính phủ hỗ trợ được thiết kế để bảo hiểm tổn thất gián đoạn kinh doanh từ đại dịch có thể cần phải mở rộng phạm vi bảo hiểm hơn nữa.
Trong một báo cáo về COVID-19 và khoảng cách bảo vệ bảo hiểm, OECD viết: “Kinh nghiệm từ các chương trình bảo hiểm rủi ro thảm họa khác cho thấy rằng nếu chỉ cung cấp bảo hiểm sẽ có thể không đủ để đáp ứng được phạm vi bảo vệ rộng rãi”.
OECD cho rằng việc thiết kế chương trình cần xem xét làm thế nào để đạt được phạm vi bảo vệ rộng, đồng thời hạn chế rủi ro với khu vực công và khuyến khích giảm thiểu rủi ro.
Báo cáo đề xuất các chương trình bảo hiểm phải phát huy khả năng tận dụng năng lực thị trường bảo hiểm tư nhân, đồng thời lưu ý các công ty bảo hiểm về việc hạn chế địa lý và mối tương quan với thị trường tài chính.
Các giải pháp có thể bao gồm sự ủng hộ của chính phủ nhắm vào lớp tổn thất cao nhất, mặc dù khẩu vị của khu vực tư nhân đối với bảo hiểm tổn thất đầu tiên cũng có thể bị hạn chế.
Báo cáo đề xuất doanh nghiệp bảo hiểm có thể đóng vai trò chủ động trong các bên tham gia bảo hiểm có kế hoạch liên tục hoặc các biện pháp giảm thiểu rủi ro khác nhằm giảm tổn thất do kinh doanh lan truyền.
“Lĩnh vực bảo hiểm cũng có thể trở thành người ủng hộ để tăng cường sự chuẩn bị của chính phủ thông qua chương trình bảo hiểm rủi ro đại dịch”.
“Ví dụ, ngành bảo hiểm chỉ có thể cung cấp bảo hiểm nếu chính phủ đầu tư đủ vào năng lực chăm sóc sức khỏe”.
Các mô hình thảm họa cho rủi ro đại dịch đã tồn tại một thời gian, nhưng chỉ tập trung vào tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, thay vì tổn thất gián đoạn kinh doanh
“Có lẽ phải mất một thời gian nữa, thị trường bảo hiểm tư nhân mới sẵn sàng cung cấp năng lực bảo hiểm đáng kể cho rủi ro đại dịch, và do đó, ngưỡng đối với sự tham gia của chính phủ có thể phải được đặt ở mức khá thấp”, OECD nói.
BTV (Tổng hợp).