TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 22

Manulife là công ty BHNT tốt nhất về chuyển đổi số hóa; VNI ra mắt bảo hiểm chủ nuôi chó; Allianz châu Á bổ nhiệm Giám đốc BHNT và Sức khỏe

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

PTI chi trả chi phí điều trị cho cầu thủ Trần Đình Trọng

(ĐTCK) Tại trụ sở của VPF, đại diện Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa tạm ứng bồi thường cho cầu thủ Trần Đình Trọng sau chấn thương trong trận đấu ở vòng 12 V-League.

Đồng thời, PTI cam kết tiếp tục phối hợp với phía Câu lạc bộ Hà Nội và VPF, xem xét mức độ chấn thương và hoàn thiện hồ sơ chi trả bồi thường cho cầu thủ Đình Trọng theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật.

Trong trận đấu giữa HAGL và Hà Nội trên sân Pleiku, Đình Trọng đã vặn người đổi hướng để truy cản Chevy Walsh. Pha tranh chấp khiến cầu thủ này bị chấn thương đầu gối…

Được biết, trong mùa giải năm 2019, 880 người tham gia vào 3 giải đấu lớn, trong đó bao gồm 750 cầu thủ, sẽ được PTI chi trả các chi phí y tế phát sinh do chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện, làm nhiệm vụ và thi đấu tại các giải đấu, số tiền bảo hiểm lên đến 300 triệu đối với cầu thủ và 200 triệu đối với trọng tài.

Trước đó, bắt đầu từ mùa giải 2018, VPF cũng đã phối hợp cùng PTI triển khai gói bảo hiểm cho tất cả cầu thủ tham gia 3 giải đấu lớn bao gồm Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia, Giải Hạng nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia. Gói bảo hiểm này được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các Câu lạc bộ chi trả tiền điều trị, kịp thời khắc phục những chấn thương cho các cầu thủ.

ABIC Hà Nội chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng

(ABIC) – Ngày 22/5/2019, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) – Chi nhánh Hà Nội phối hợp với Agribank chi nhánh huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên cùng chính quyền địa phương Xã Hồng Quang đã trao biểu trưng chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an Tín dụng cho gia đình Ông Vũ Sỹ Chu cư trú tại Thôn Ân Thi 1, xã Hồng Quang, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Ông Vũ Sỹ Chu vay vốn tại PGD Chợ Thi – Agribank chi nhánh huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên và tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng năm 2018 với 02 giấy chứng nhận bảo hiểm BAE 18 318898 và BAE 18 1136432 với số tiền bảo hiểm lần lượt là 40.000.000 đồng và 100.000.000 đồng. Không may, ông Sỹ bị cảm đột tử và qua đời. Ngay khi nhận được thông báo từ Phía Ngân hàng và gia đình, ABIC Phòng KDKV Hưng Yên ( ABIC Hà Nội) phối hợp cùng Agribank chi nhánh huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đến thăm hỏi và tiến hành xác minh hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình.

Tổng số tiền ABIC Hà Nội chi trả cho trường hợp Ông Vũ Sỹ Chu là 141,666 triệu đồng bao gồm: quyền lợi bảo hiểm cơ bản 140 triệu đồng, hỗ trợ lãi tiền vay 666.000 nghìn đồng và trợ cấp mai táng phí 1 triệu đồng gửi cho gia đình ông Chu. Số tiền 141,666 triệu đồng, ABIC đã chuyển cho Agribank chi nhánh huyện Ân Thi 100,666 triệu đồng để khấu trừ vào khoản vay tại ngân hàng, còn 41 triệu đồng ABIC đã chuyển cho gia đình Ông Vũ Sỹ Chu nhận bằng tiền mặt.

Tính trong 5 tháng đầu năm tại địa bàn huyện Ân Thi đã xảy ra 8 vụ tổn thất về Bảo an tín dụng và đều đã được ABIC Hà Nội tiếp nhận giải quyết, hiện đã chi trả 6 vụ với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.

Bảo hiểm “Bảo an tín dụng” không còn xa lạ với người từng vay vốn tại Agribank trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đây là sản phẩm bảo hiểm cho người vay vốn tại Agribank, khi có rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, được bảo hiểm và khả năng trả nợ ngân hàng, ABIC sẽ thay mặt người vay thanh toán cho ngân hàng tương ứng với dư nợ của người vay đã được bảo hiểm, số tiền còn lại sẽ được ABIC chi trả cho người mua bảo hiểm. Từ ngày 01/04/2019 ABIC đã tăng mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa lên đến 300 triệu đồng.

Năm 2018, tổng số khách hàng tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng tại Agribank toàn Tỉnh Hưng Yên hơn 15.000 khách hàng với tổng số tiền bảo hiểm hơn 1.071 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả hơn 60 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay, số khách hàng tham gia bảo hiểm hơn 6.000 khách hàng, ABIC đã giải quyết kịp thời 20 vụ tổn thất.

2, Một vòng doanh nghiệp

Manulife Việt Nam: Công ty bảo hiểm nhân thọ tốt nhất về chuyển đổi số hóa

(TBTCO) – Manulife Việt Nam vừa được Tạp chí Global Banking & Finance Review (Anh Quốc) ghi nhận là công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tốt nhất về chuyển đổi số hóa tại Việt Nam năm 2019.

Theo đó, công ty đã áp dụng hàng loạt giải pháp số hóa để khách hàng có thể giao dịch với công ty một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Trong thông báo về việc vinh danh Manulife Việt Nam, Global Banking & Finance Review cho biết: “Manulife Việt Nam tiếp tục tập trung vào khách hàng và thực hiện hành trình chuyển đổi số hóa hướng đến khách hàng. Công ty sử dụng sức mạnh của công nghệ để không ngừng nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Manulife Việt Nam đã sắp xếp lại hoạt động, ra mắt e-Claims – ứng dụng nộp và xử lý yêu cầu bồi thường tự động; ePOS – ứng dụng cung cấp giải pháp theo nhu cầu của khách hàng; phát hành hợp đồng tự động và cải tiến nhận diện thương hiệu toàn cầu”.

“Chúng tôi ghi nhận Manulife Việt Nam là công ty BHNT tốt nhất về chuyển đổi số hóa tại Việt Nam năm 2019 vì đã đạt được các thành tựu nổi bật trong đầu tư vào công nghệ, giới thiệu các sáng kiến số hóa, sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, đưa ra giá trị và tầm nhìn chiến lược từ phương châm đặt khách hàng làm trọng tâm”, theo thông báo từ tạp chí uy tín về lĩnh vực tài chính, có trụ sở tại Anh Quốc.

Manulife Việt Nam đang thực hiện hành trình chuyển đổi trải nghiệm khách hàng xuyên suốt quá trình, từ khi khách hàng bắt đầu tìm hiểu giải pháp bảo hiểm đến tham gia bảo hiểm, điều chỉnh hợp đồng và yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Theo đó, từ những năm trước, Manulife Việt Nam đã bắt đầu xây dựng nền tảng công nghệ, đầu tư vào số hóa để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Cụ thể, ở mỗi giai đoạn trong hành trình của khách hàng, Manulife Việt Nam đều có các giải pháp số hóa phù hợp, như ra mắt trang web thân thiện, giúp khách hàng dễ tìm kiếm thông tin và đăng ký tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu và tình hình tài chính thực tế của khách hàng, ứng dụng ePOS của Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm phù hợp để khách hàng lựa chọn; đại lý sẽ giúp khách hàng nộp yêu cầu tham gia bảo hiểm, đóng phí trực tuyến ngay trên ứng dụng này; sau đó, khách hàng nhanh chóng nhận được xác nhận từ công ty. Trong quá trình tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể quản lý hợp đồng, đóng phí trực tuyến trên cổng thông tin khách hàng Manulife Việt Nam.

“Chúng tôi phát triển một nền tảng kết nối để tập trung đem đến cho khách hàng các giải pháp tự động từ đầu đến cuối. Chúng tôi cũng hiểu rằng chỉ công nghệ thôi chưa đủ để có thể chuyển đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng. Do đó, chúng tôi đầu tư vào đội ngũ tư vấn viên để họ thành thạo và chuyên nghiệp trong thế giới số, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm số hóa tuyệt vời. Dựa trên phản hồi của khách hàng, chúng tôi sắp xếp lại quy trình và dịch vụ, vận hành theo trải nghiệm của khách hàng, để thực hiện mục tiêu sau cùng – đó là không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng”, ông Kevin Kwon, Giám đốc Khối nghiệp vụ Manulife Việt Nam cho biết.

Với việc liên tục áp dụng các sáng kiến số hóa trong gần 2 năm qua và không ngừng cải tiến dựa trên phản hồi từ khách hàng, lần đầu tiên Manulife đạt được điểm số cao nhất thị trường BHNT Việt Nam về mức độ hài lòng của khách hàng (rNPS) trong quí I/2019, đạt 48%. Các số liệu thống kê cho thấy, những yếu tố chính giúp Manulife Việt Nam tăng điểm rNPS là việc khách hàng hài lòng hơn về những dịch vụ từ đại lý, sản phẩm và tương tác từ phía Manulife Việt Nam đến khách hàng.

“Về lâu dài, khách hàng sẽ tương tác với các công ty bảo hiểm theo nhiều hình thức khác nhau mà họ muốn, có thể qua kênh kỹ thuật số hay qua đội ngũ tư vấn viên,… Do đó, chúng tôi đã tập trung đầu tư để chuyên nghiệp hóa đội ngũ phân phối và phát triển các giải pháp số hóa để có thể tương tác với khách hàng theo bất kỳ phương thức nào mà khách hàng mong muốn. Trong suốt hơn 18 tháng qua, chúng tôi đã tạo ra nhiều ứng dụng để hỗ trợ khách hàng khi tương tác với công ty. Hành trình này chỉ mới bắt đầu; Manulife sẽ còn phát triển nhiều giải pháp hơn thế để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi đang thực hiện hành trình trở thành công ty bảo hiểm dẫn đầu về số hóa, đặt khách hàng làm trọng tâm, do đó chúng tôi không ngừng đánh giá và cải tiến các sáng kiến. Chúng tôi xác định Manulife chỉ thực sự thành công khi các sáng kiến số hóa này có tác động tích cực lên dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng”, ông Kim Fleming, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.

PVI họp HĐQT lần thứ 3 năm 2019

(PVI) – Ngày 04/06/2019, tại phòng họp Tầng 26, PVI Tower – 1 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội Công ty cổ phần PVI đã tổ chức phiên họp Hội đồng quản trị lần thứ 3 năm 2019 với sự tham dự của các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát và các Ban chức năng có liên quan.

HĐQT đã đánh giá cao kết quả của PVI đạt được trong Quý I năm 2019. Quý I, PVI đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh với kết quả như sau:
PVI hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Hợp nhất trong QI/2019 (Tổng doanh thu: 112,1%; lợi nhuận trước thuế: 120,4%). Điểm sáng của QI/2019 là chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất QI/2019 đã tương đương 38% kế hoạch năm. Trong đó lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tương đương 44,1% kế hoạch năm; lợi nhuận Đầu tư tương đương 35,9% kế hoạch năm.

PVI Holdings hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch Quý I năm 2019 (Tổng doanh thu: 121,9%; lợi nhuận trước thuế: 153,7%)
Tại cuộc họp HĐQT thiết lập bộ phận chức năng Kiểm toán nội bộ nhằm bảo vệ giá trị cho doanh nghiệp. đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động của công ty. Đồng thời, giữ vai trò là người tư vấn cho Ban Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro, giúp doanh nghiệp cải tiến hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Cũng tại cuộc họp, các Ủy ban trực thuộc HĐQT đã báo cáo kế hoạch công việc trong năm 2019 và kết quả các công việc triển khai trong thời gian qua, tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của các Ủy ban trong công tác quản trị doanh nghiệp của PVI cũng như bàn triển khai thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Bổ nhiệm Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Bảo hiểm BSH Tây Nam Bộ

(BSH) – Ngày 03/06/2019 tại trụ sở Công ty Bảo hiểm BSH Tây Nam Bộ, Tổng Giám đốc Bùi Trung Kiên đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Duy Tân giữ chức vụ Phó Giám đốc giao Phụ trách Công ty Bảo hiểm BSH Tây Nam Bộ.

Theo đó, ông Lê Duy Tân chính thức đảm nhận vai trò Phó Giám đốc giao Phụ trách từ ngày 03/06/2019, với thời hạn bổ nhiệm 01 năm.

Phát biểu sau khi trao quyết định bổ nhiệm, Tổng Giám đốc Bùi Trung Kiên đã giao nhiệm vụ cho ông Lê Duy Tân nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, sớm phát huy năng lực và kinh nghiệm cá nhân để đóng góp vào sự phát triển chung của BSH. Tổng Giám đốc tin tưởng rằng, với những nhân sự mới được bổ nhiệm vào BSH, bộ máy BSH sẽ ngày càng hoàn thiện để vận hành có hiệu quả.

Chia sẻ sau khi nhận quyết định, ông Lê Duy Tân bày tỏ sự vui mừng khi được gia nhập ngôi nhà chung BSH. Với trọng trách được giao, ông Tân mong muốn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Ban điều hành, sự hỗ trợ từ các Ban trong Tổng Công ty để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

VNI ra mắt bảo hiểm chủ nuôi chó

(VNI) – Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có hàng ngàn người bị chó, mèo nghi ngờ mắc bệnh dại cắn. Con số trên đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước 1996. Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, những năm gần đây, tỷ lệ số người thiệt mạng vì bệnh dại đang có chiều hướng tăng trở lại. Được biết, trước đó, từ những năm 1994 đến 2003, bệnh dại ở Việt Nam được kiểm soát rất thành công và chặt chẽ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ người tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn tăng cao đột biến và tăng gấp đôi trong vòng 14 năm qua với tỷ lệ 650/100.000 dân.

Ngày 28/5/2019, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) ra mắt sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ nuôi chó đối với người thứ ba, với mức trách nhiệm lên đến 100 triệu đồng. Sản phẩm bảo hiểm TNDS Chủ nuôi chó đáp ứng nhu cầu được bảo vệ trách nhiệm của chủ vật nuôi. Theo đó, Người được bảo hiểm là các cá nhân, đại diện hộ gia đình, đại diện trước pháp luật của các tổ chức đang sinh sống tại Việt Nam, sở hữu và nuôi chó, quản lý, huấn luyện chó nuôi trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và được ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.

VNI sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm hoặc thay mặt Người được bảo hiểm bồi thường cho Người thứ ba các chi phí thuộc trách nhiệm bảo hiểm mà Người được bảo hiểm có trách nhiệm phải trả cho Người thứ ba phát sinh trực tiếp từ vụ tai nạn gây ra bởi chó của Người được bảo hiểm

Bao gồm các chi phí tiêm phòng dại và truyền huyết thanh theo quy định của cơ quan y tế, cơ sở khám chữa bệnh; Các chi phí thực tế phát sinh cho 1 lần khám và/hoặc cấp cứu trong vòng 72 giờ kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, nhưng tối đa không vượt quá 5% mức trách nhiệm bảo hiểm ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm.

PTI Bắc Ninh hợp tác với Công ty Bảo hiểm tài sản Hoa An (Trung Quốc)

(ĐTCK) – PTI Bắc Ninh và Công ty Bảo hiểm tài sản Hoa An (Trung Quốc) vừa ký kết hợp đồng hợp tác phát triển một số nghiệp vụ bảo hiểm.

Cụ thể, những xe tham gia bảo hiểm xe cơ giới của Hoa An, trước hết là xe chở hàng, khi xảy ra tổn thất tại cửa khẩu sẽ được PTI Bắc Ninh giám định và điều chuyển thông tin về cho phía Hoa An xử lý bồi thường theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm.
Nếu việc hợp tác diễn ra thuận lợi, hai bên sẽ mở rộng thêm việc giám định cho xe du lịch ở cửa khẩu.

Đây được xem là hình thức hợp tác song phương về dịch vụ sau bán hàng giữa PTI và một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu ở Trung Quốc. Qua đó, hai bên cam kết phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Được biết, Công ty bảo hiểm tài sản Hoa An là một công ty bảo hiểm lớn tại Trung Quốc. Doanh thu hiện tại của Hoa An cao gấp 5 lần thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Việc ký kết này được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để PTI mở rộng hợp tác với các công ty quốc tế. Hiện tại, PTI hiện đứng vị trí thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, thứ 2 về bảo hiểm xe cơ giới…

3, Quản lý thị trường bảo hiểm

Đã đến lúc buộc công ty bảo hiểm công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng

(ĐTCK) – Trước vấn nạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ “ảo”, nhiều đề xuất về việc buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố số liệu thật, tránh hình ảnh thị trường bị méo mó.

Dù việc giữ chân khách hàng cũ giờ đây đã trở thành là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng thực tế tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm những năm đầu tiên của từng doanh nghiệp hay cả thị trường đến nay vẫn là con số “bí ẩn”. Các con số thường dùng để phản ánh thị trường bảo hiểm nhân thọ là tổng doanh thu phí, doanh thu phí mới, số lượng đại lý (tổng đại lý), mức đầu tư lại nền kinh tế, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm…

Theo các chuyên gia, các con số trên cơ bản thể hiện được bức tranh thị trường, nhưng sẽ là chưa đủ phản ánh mức độ phát triển thật (về chất, chứ không phải về lượng) của ngành bảo hiểm nhân thọ. Tình trạng các đại lý vì sức ép doanh số, vì để nhận mức hoa hồng năm đầu cao… đã “tạo ra” các khách hàng ngắn hạn của ngành, chỉ duy trì hợp đồng năm đầu rồi chấm dứt.

Cách thức này đã tạo ra một lượng không ít hợp đồng “ảo”, làm thị trường méo mó, bởi một trong những tính chất quan trọng của ngành bảo hiểm là hợp đồng đóng phí thường niên dài hạn. Với hợp đồng “ảo”, tính chất này không còn tồn tại, thị trường bảo hiểm nếu nhìn vào các con số thống kê như đã đề cập thì không phản ánh đúng mức độ phát triển, đặc biệt khi số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm thật bị thổi phồng. Với hợp đồng “ảo”, con số thật sự là bao nhiêu, chỉ có các công ty bảo hiểm mới biết và cũng chỉ biết tại công ty của chính họ mà thôi.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bình quân theo phí đóng năm thứ 2, thứ 3 tại Việt Nam hiện nay ước duy trì từ 75-80%, các năm tiếp theo từ 85-90% và cho rằng đây là “con số có thể tin được”, nhưng không phải tất cả các công ty đều ở mức này, vì các hãng mới gia nhập thị trường thường chấp nhận rủi ro cao để có được thị phần.

Ðược biết, khi định giá sản phẩm, các chuyên gia tính toán của công ty bảo hiểm đã đưa ra một tỷ lệ hủy hợp đồng giả định. Xác xuất tính toán cho mỗi sản phẩm về cơ bản là sát với thực tế. Song, cũng có những sản phẩm tỷ lệ hủy hợp đồng có thể cao hơn giả định và điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng bảo hiểm. Ngoài ra, theo các công ty bảo hiểm, chi phí bỏ ra để chăm sóc những hợp đồng hiện có rất thấp, nhất là với những hợp đồng đã được duy trì đến năm thứ 4, thứ 5 (chi phí hoa hồng bảo hiểm cho các đại lý thời điểm này chỉ khoảng 5%, thậm chí thấp hơn).

Trong khi đó, số phí bảo hiểm thu được từ những hợp đồng năm thứ nhất thường không đủ để bù đắp những chi phí đã bỏ ra. Chính vì thế, nếu hợp đồng vì lý do nào đó không còn tiếp tục ngay từ năm thứ 2 và năm thứ 3, lợi nhuận của nhà bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, dù vì lý do khách quan là khách hàng chủ động dừng đóng phí sau năm đầu, hay do đại lý (cá nhân hoặc ngân hàng với bancassurance, hay đại lý phân phối) cố tình tạo hợp đồng “ảo”, thì tỷ lệ duy trì hợp đồng vẫn chiếm đa số để đảm bảo hoạt động có lãi.

Theo ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife, tỷ lệ duy trì hợp đồng ở các kênh bán hàng đại lý hay bancassurance phụ thuộc vào chính người bán bảo hiểm (đại lý hoặc nhân viên ngân hàng). Bởi suy cho cùng, mối quan hệ của khách hàng có tốt hay không, người bán hàng và chăm sóc khách hàng có vai trò vô cùng quan trọng. Mối quan hệ này càng tốt thì tỷ lệ duy trì hợp đồng càng cao. Ðối với BIDV Metlife, theo ông Sharma, năm nay, Hãng đã có chiến lược từ sớm để đảm bảo tỷ lệ duy trì hợp đồng cao từ việc cải thiện hoạt động của trung tâm chăm sóc khách hàng và các hình thức thanh toán đơn giản hơn.

Chia sẻ về quan điểm nhà quản lý có nên kiểm tra tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm của các hãng những năm đầu tiên và quy định từng hãng phải công bố công khai hàng năm, ông Sharma nói rằng, ông không thể đưa ra lời bình luận có nên quy định phải công bố những tiêu chí này hay không, nhưng theo ông, những công ty làm tốt rất mong muốn và sẵn sàng công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng hàng năm.

“Tỷ lệ duy trì hợp đồng hàng năm sẽ là thước đo về sự hài lòng của khách hàng đối với mỗi hãng bảo hiểm nhân thọ”, ông Sharma nhấn mạnh.

4, Bảo hiểm với cộng đồng

VBI tài trợ Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

(VBI) – Sáng ngày 10/06/2019, Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã trao 301 suất bảo hiểm tai nạn cầu thủ, 301 suất quà tặng cùng và 150 triệu đồng tiền cho Quỹ Bảo Trợ Trẻ em Việt Nam mặt tại Lễ họp báo Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tham dự lễ họp báo có bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội, Ủy viên hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cùng sự góp mặt của các đại diện đến từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Báo Nhi đồng, Trung ương Đoàn.

Đây là sự kiện do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Báo Nhi đồng tổ chức và Vụ Giáo dục thể chất thuộc Bộ Giáo dục đào tạo phối hợp tổ chức.

Đây là năm đầu Giải bóng đá được tổ chức với sự tham gia của 27 đội bóng nam thuộc 26 tỉnh/ thành phố trên toàn quốc. Các em tham gia Giải có đội tuổi từ 11 – dưới 14 tuổi đang sinh sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn quốc. Giải bóng đá đã tạo sân chơi thể thao bổ ích và ý nghĩa cho các em và đồng thời phát hiện những trẻ em có năng khiếu bóng đá để bổ dưỡng và bổ sung vào các Đội tuyển bóng đá khu vực.

Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, cùng với những giá trị nhân văn đã đem đến cho cộng đồng xã hội, Giải bóng đá Quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là cơ hội để VBI có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó. Thể hiện qua việc VBI trở thành nhà tài trợ độc quyền 100% Bảo hiểm con người toàn diện cho hơn 300 cầu thủ nhí. Bảo hiểm toàn diện cho các em trong suốt quá trình tham gia luyện tập và thi đấu với bất kỳ thương tật hoặc tai nạn nào, giúp các em tự tin và an tâm trong toàn bộ giải đấu.

Ngoài ra, với số tiền mặt là 150 triệu đồng, VBI mong muốn đóng góp một phần hỗ trợ tới Ban tổ chức để có thể chăm sóc về chỗ ăn và chỗ ở cho các em với điều kiện tốt nhất trong toàn bộ quá trình tham gia thi đấu.

Đại diện VBI chia sẻ: “Được đồng hành cùng với các em trong toàn bộ giải đấu là một niềm tự hào lớn của chúng tôi. Chúng tôi luôn mong muốn được đem đến cho mọi trẻ em sự bảo vệ toàn diện, đóng góp nguồn lực để cùng Nhà nước xây dựng cho các em nhiều sân chơi bổ ích hơn nữa. Với suất bảo hiểm bảo vệ cầu thủ trong quá trình tập luyện và thi đấu, các em có thể tự tin và tập trung tối đa tinh thần và thể lực để thi đấu tại giải đấu đầy ý nghĩa này.”

II, Tin quốc tế

Châu Á-Thái Bình Dương: Tổn thất bảo hiểm hàng hải giảm trong năm 2018

(IAN) – Vùng biển châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực đứng đầu về tổn thất vận chuyển, chiếm 45% tổn thất trên toàn cầu trong năm 2018 – đây là kết quả nghiên cứu của Tạp chí An toàn và Vận tải biển 2019của Công ty bảo hiểm doanh nghiệp và chuyên biệt Allianz (AGCS).

Các nghiên cứu của tạp chí này được phát hành hàng năm, đối tượng phân tích là tổn thất của tàu có công suất vận chuyển hơn 100 tấn.

Năm 2018 đã xảy ra tổng số 21 tổn thất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, giảm so với 46 tổn thất trong năm 2017, xuất phát từ việc giảm bớt các hoạt động ở Đông Nam Á và mùa mưa bão ít khắc nghiệt hơn.

Mặc dù tổn thất năm 2018 có thể ít hơn, nhưng xét chung trong 4 năm qua, tổng số sự cố vận tải ở châu Á đã tăng 22%. Tuy nhiên đây là kết quả của khối lượng tàu đi qua khu vực giảm sút chứ không phải vì hoạt động vận tải dưới tiêu chuẩn an toàn.

Ông Tom Taberner, Giám đốc Năng lượng và hàng hải châu Á-Thái Bình Dương tại AGCS, nhận xét: “Chúng tôi thường thấy châu Á phát sinh nhiều sự cố mắc cạn và đâm va hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều này thường phản ánh châu Á có mức độ giao thương cao hơn và là nơi chủ tàu thường giao dịch”.

Ông nói thêm: “Trong nhiều trường hợp, hạ tầng cảng ở châu Á thường là mới và có nhiều cảng mới hoặc đang mở rộng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Hạ tầng cảng mới hơn có nghĩa là ít vấn đề hơn, hoạt động cảng tốt hơn và các biểu đồ cập nhật hơn, sẽ giải quyết được các thách thức”.

Khu vực hàng hải Nam Trung Quốc, Đông Dương, Indonesia và Philippines vẫn là những khu vực có mức độ tổn thất hàng đầu, chiếm tới 1 trong 4 tổn thất xảy ra trên toàn cầu vào năm 2018. Điều này giảm đáng kể so với 29 năm trước, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên tổn thất của khu vực này sụt giảm trong 4 năm.

Tàu chở hàng chiếm hơn một phần ba số tàu bị mất trên khắp châu Á-Thái Bình Dương trong năm qua. Chìm đắm là nguyên nhân chính, chiếm 14 trong số 21 tổn thất trong khu vực – cao gấp ba lần so với nguyên nhân cao nhất tiếp theo là bị đắm/mắc cạn.

Bản báo cáo cũng nêu rõ rằng quy định hạn chế lượng khí thải lưu huỳnh oxit từ tháng 1 năm 2020 có thể sẽ là một yếu tố có ảnh hưởng rộng lớn, làm thay đổi cục diện ngành vận tải biển trên các mặt chi phí, tuân thủ và phi hành đoàn.

Số cơn bão vào Đông Á dự kiến giảm

(INN) – Số lượng các cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào Đông Á trong năm nay có thể thấp dưới mức trung bình do điều kiện El Nino yếu.

Theo Trung tâm tác động khí hậu Guy Carpenter châu Á-Thái Bình Dương (trụ sở tại Trường Năng lượng và Môi trường tại Đại học Thành phố Hồng Kông), có tổng số khoảng 18 cơn bão hình thành trong sáu tháng kể từ ngày 1/5, tuy nhiên trong số đó chỉ có dưới 8 cơn sẽ vượt qua bờ biển đổ bộ vào đất liền.

Số cơn bão hình thành trong giai đoạn 1977-2018 là 16 cơn, trong đó có khoảng 11 lần đổ bộ vào đất liền.

Các cơn bão đổ bộ của Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo dưới mức trung bình 5,2 cơn, còn đối với bờ biển phía đông Trung Quốc và Đài Loan có thể dưới mức trung bình 3,8 cơn.

Nhật Bản đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết khắc nghiệt năm 2018, với cơn bão mạnh nhất trong 25 năm gây thiệt hại lớn vào tháng Chín. Ở các khu vực khác, số cơn bão đổ bộ ở mức gần trung bình được dự báo xảy ra ở miền nam Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Báo cáo phản ánh nhiệt độ mặt nước biển tương đối ấm, có khả năng góp phần vào tình trạng El Nino yếu đến trung bình trong vài tháng vào giữa năm.

Trung tâm này cũng sẽ chạy mô hình vào tháng 9 và tháng 10 cho mùa bão sắp tới của Úc.

New Zealand ký kết thỏa thuận tái bảo hiểm trị giá hơn 4 tỷ USD

(IAN) – Theo Giám đốc Tài chính của Ủy ban động đất New Zealand (EQC), ông Chris Chainey, Ủy ban này đã bảo đảm cho hoạt động tái bảo hiểm trị giá 6,2 tỷ đô la New Zealand (4,12 tỷ đô la Mỹ) với sự trợ giúp của Aon cho năm bắt đầu từ ngày 1/6. Số tiền này tăng 12% so với năm trước là 5,5 tỷ đô la New Zealand.

Thông báo trên diễn ra vào thời điểm nhiều công ty bảo hiểm của New Zealand đang tìm cách để trang trải rủi ro tài sản trong tương lai.

Hơn 90% nhà ở tại New Zealand được EQC chi trả thông qua các hợp đồng bảo hiểm tư nhân của họ.

Ông Chainey nói: “Chúng tôi trả phí để được tái bảo hiểm. Điều này mang lại hợp đồng bảo hiểm trị giá 6,2 tỷ đô la New Zealand cho năm tới. Và tương tự như bảo hiểm nhà ở, chúng tôi đặt ra khoản vượt mức bồi thường. Giá trị vượt mức bồi thường năm nay là 1,75 tỷ đô la New Zealand. Dưới số tiền đó, các khiếu nại được thanh toán từ Quỹ Thảm họa thiên nhiên, hiện đang được xây dựng lại thông qua các khoản thuế bảo hiểm EQC, hoặc chúng tôi gọi cho Bảo lãnh Crown để đảm bảo việc thanh toán các khiếu nại”.

Ông nói thêm: “New Zealand chỉ là một thành viên rất nhỏ trong thị trường tái bảo hiểm quốc tế xét về quy mô phí bảo hiểm, tuy nhiên EQC đã mua một trong những chương trình thảm họa lớn nhất thế giới. Kể từ trận động đất Canterbury, EQC đã tăng gấp đôi giá trị tái bảo hiểm đã mua, điều này chứng tỏ sự tin tưởng của thị trường đối với EQC”.

Ông Chainey cho biết, tính đến nay, lần duy nhất sử dụng đến tái bảo hiểm EQC là trận động đất tại Canterbury, trong đó, các công ty tái bảo hiểm dự kiến sẽ đóng góp khoảng 4 tỷ đô la New Zealand trên tổng số 11 tỷ đô la New Zealand mà EQC mong đợi.

Paytm mua công ty bảo hiểm trực tuyến Insurtech với giá trên 100 triệu USD

(IAN) – Người khổng lồ thanh toán trực tuyến Paytm được cho là đang đàm phán để mua công ty bảo hiểm trực tuyến Coverfox có trụ sở tại Mumbai với giá từ 100 triệu đến 120 triệu đô la Mỹ. Giao dịch được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt.

Theo Economic Times, Hội đồng quản trị Paytm đang trong quá trình hoàn tất thỏa thuận.
Coverfox được thành lập năm 2013 bởi Devendra Rane và Varun Dua – người hiện đang điều hành Acko General Insurance, với mục tiêu nhằm “đơn giản hóa bảo hiểm”. Ông Premanshu Singh là Tổng Giám đốc và cũng là nhà đầu tư của công ty.

Công ty sử dụng công nghệ độc quyền và một nền tảng dựa trên thuật toán để liên kết với hơn 30 công ty bảo hiểm và cung cấp hơn 150 loạiđơn bảo hiểm về sức khỏe, nhà cửa, nhân thọ, xe cơ giới và du lịch.

Coverfox đã trở nên rất phổ biến, phát triển nhanh chóng và nỗ lực để thực hiện nhiều vòng huy động vốn.

Quỹ đầu tư Tầm nhìn (Vision Fund) thuộc ngân hàng khổng lồ SoftBank của Nhật Bản là một cổ đông trong công ty mẹ One97 Communications và đối thủ cạnh tranh insurtech Ấn ĐộBazaar. Vision Fund có thể sẽ chặn mọi thỏa thuận đã được giữa Paytm và Coverfox.

Ông Jun Zhang, Giám đốc International Financial Corporation (công ty con của Ngân hàng Thế giới) tại Ấn Độ, cho biết: “Ấn Độ là một trong những thị trường bảo hiểm có tỷ lệ thâm nhập thấp nhất, đặc biệt đối với phụ nữ và cư dân nông thôn. Bằng cách đầu tư vào Coverfox, IFC đang thúc đẩy tiến trình số hóa của đất nước bằng cách tận dụng công nghệ để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng bên ngoài các thành phố lớn và cho những phụ nữ hiện đang thiếu bảo hiểm”.

Thái Lan: Tokio Marine hợp nhất với Safety

(IAN) – Hãng bảo hiểm Tokio Marine tại Thái Lan đang trong quá trình sáp nhập với Bảo hiểm An toàn (Safety Insurance) để trở thành Bảo hiểm Tokio Marine Safety Insurance (Thái Lan).

Quá trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020 và phải được Văn phòng Ủy ban Bảo hiểm (OIC) phê duyệt.

Gã khổng lồ bảo hiểm Nhật Bản đã chi trả 390 triệu đô la Mỹ cho IAG vào mùa hè năm ngoái để được sở hữu 98,6% cổ phần tại Bảo hiểm An toàn.

Tokio Marine Safety Insurance (Thái Lan) đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu của Thái Lan với mục tiêu phí bảo hiểm gốc là 21,7 tỷ Baht (670 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận ròng là 1,1 tỷ Baht trong vòng ba năm. Mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là từ 4% đến 5% mỗi năm.

Ông Suteechai Santivarakum, Tổng Giám đốc Bảo hiểm An toàn, cho biết: “Hiện chúng tôi đã nộp hồ sơ lên OIC về quy trình sáp nhập và dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý vào đầu năm 2020”.

Tokio Marine là công ty bảo hiểm hàng đầu về hàng hải trong khi Bảo hiểm An toàn là công ty hàng đầu về bảo hiểm xe cơ giới, với mạng lưới dịch vụ giải quyết bồi thường trên toàn quốc.

Ông Hironori Kiryu, Chủ tịch Tokio Marine (Thái Lan) cho biết: “Hợp nhất làm một, chúng tôi sẽ đem đến nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho xã hội Thái Lan, khách hàng, đối tác kinh doanh và nhân viên của cả hai công ty”.
Tokio Marine hiện cũng sở hữu công ty Insurtech Drivedee ở Thái Lan.

AIG bổ nhiệm hai Giám đốc Đánh giá rủi ro toàn cầu

(INN) – AIG đã bổ nhiệm hai Giám đốc Đánh giá rủi ro bảo hiểm phi nhân thọ để củng cố đội ngũ toàn cầu của mình. Các quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Cụ thể, ông Kean Driscoll được bổ nhiệm Giám đốc Đánh giá rủi ro toàn cầu về tài sản và nông nghiệp, trong khi Alexander Baugh là Giám đốc Đánh giá rủi ro toàn cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm thiệt hại và tài chính.

Ông Driscoll là thành viên sáng lập của Công ty Validus có trụ sở tại Bermuda, được AIG mua vào năm ngoái. Gần đây nhất, ông là Tổng Giám đốc của Validus Re.
Ông Baugh đã cống hiến 35 năm sự nghiệp của mình tại AIG. Gần đây, ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm phi nhân thọ Bắc Mỹ.

Ông Jeff Clements sẽ tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Validus Re từ ông Mr Driscoll.

Allianz châu Á bổ nhiệm Giám đốc BHNT và Sức khỏe

(AIR) – Công ty bảo hiểm toàn cầu Allianz đã bổ nhiệm bà Anusha Thavarajah giữ chức Giám đốc điều hành Bảo hiểm Nhân thọ và Sức khỏe khu vực Châu Á Thái Bình Dương, để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực này nhằm đáp ứng các ưu tiên chiến lược lâu dài của Allianz Châu Á trong khu vực.

Làm việc tại trụ sở khu vực Allianz tại Singapore, bà Thavarajah sẽ chịu trách nhiệm về thu nhập và phát triển chức năng của Allianz Nhân thọ và Sức khỏe ở châu Á. Bà sẽ báo cáo với Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương Solmaz Altin và là thành viên của Ban điều hành khu vực Allianz Châu Á Thái Bình Dương. Ngày làm việc bắt đầu dự kiến trong quý IV năm 2019 sẽ được Công ty công bố sau.

Bà Thavarajah gia nhập Allianz từ AIA Malaysia, nơi bà đảm nhiệm chức vụ gần nhất là Tổng Giám đốc. Bà có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ tài chính, từng đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo cấp cao khác nhau ở Anh, Hồng Kông và Malaysia.

Bà Thavarajah nhận bằng hạng nhất về toán học & thống kê của Đại học Birmingham và là thành viên của Viện chuyên gia Định phí bảo hiểm, Vương quốc Anh.

Allianz đang hoạt động tại 14 thị trường ở châu Á, cung cấp các hoạt động kinh doanh chính gồm bảo hiểm tài sản và thương vong, giải pháp nhân thọ, bảo vệ và sức khỏe, cũng như quản lý tài sản. Với hơn 32.000 nhân viên, Allianz phục vụ nhu cầu của hơn 18 triệu khách hàng trong khu vực thông qua nhiều kênh phân phối và nền tảng kỹ thuật số.

BTV (Tổng hợp).