Prudential bổ nhiệm tân CFO; Chubb thành lập trung tâm hàng không tại Singapore; Phú Hưng Life vinh danh Top 30 MDRT 2024 đạt sớm
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Mirae Asset Prévoir đồng hành cùng khách hàng trong quá trình điều trị bệnh hiểm nghèo
(TBTCO) – Mirae Asset Prévoir và VietABank vừa thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm 150 triệu đồng cho chị H.T.T.M tại tỉnh Bình Thuận, giúp chị thêm vững tin và mạnh mẽ trên hành trình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe từ sớm, năm 2021, chị H.T.T.M (hiện đang sinh sống tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ UL68 – Tâm An Bảo Phát và lựa chọn mua kèm sản phẩm bổ trợ Bảo hiểm bổ trợ bệnh hiểm nghèo nâng cao để phòng ngừa rủi ro tài chính khi bệnh tật bởi danh mục bảo hiểm rộng tới 116 bệnh hiểm nghèo phổ biến tại Việt Nam.
UL68 – Tâm An Bảo Phát và sản phẩm Bảo hiểm bổ trợ bệnh hiểm nghèo nâng cao là gói sản phẩm được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Mirae Asset Prévoir thiết kế dành cho khách hàng VietABank, đem lại sự yên tâm cho khách hàng với một cuộc sống được bảo vệ toàn diện cả về tài chính và sức khỏe.
Năm 2022, chị M. đi khám tại bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh và nhận kết quả mắc ung thư nguyên bào nuôi giai đoạn 1. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của chị M Mirae Asset Prévoir đã tiến hành thẩm định theo quy trình và cùng đối tác VietABank chi trả 100% quyền lợi bảo hiểm cho chị M trị giá 150 triệu đồng, đồng thời hoàn lại phí bảo hiểm của sản phẩm bổ trợ mà chị M. đã đóng cho kỳ phí trước đó với số tiền 1.872.000 đồng.
Với số tiền này, chị M. có thêm nguồn lực để tiếp nhận các biện pháp điều trị phù hợp, đồng thời san sẻ phần nào gánh nặng tài chính, tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho chị an tâm điều trị.
Các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm minh bạch, nhanh chóng đã khẳng định cam kết của Mirae Asset Prévoir và VietABank trong việc mang lại sự an tâm và hỗ trợ khách hàng thông qua bảo hiểm nhân thọ, giúp khách hàng ổn định cuộc sống và hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
- Một vòng doanh nghiệp
Hiến kế cho người tham gia bảo hiểm
(ĐTCK) – Bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính vững vàng, đòi hỏi tính cam kết lâu dài. Tuy nhiên, để duy trì hợp đồng lâu dài, khách hàng rất cần sự tư vấn và đồng hành xuyên suốt của công ty bảo hiểm.
Không được tư vấn đúng hoặc không thật sự hiểu về sản phẩm bảo hiểm mình tham gia sẽ rất dễ dẫn đến việc huỷ hợp đồng hoặc các tranh chấp sau này. Đặc biệt, nếu huỷ hợp đồng bảo hiểm trong vòng 2-3 năm đầu tiên, khách hàng sẽ bị tổn thất lớn về mặt tài chính bởi các loại phí liên quan đến quản lý hợp đồng thường khá cao vào những năm đầu tiên và giảm dần các năm về sau.
Thông thường, phải từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương hoặc cao hơn số phí mà khách hàng đã đóng. Do đó, việc khuyến khích khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài bằng cách lắng nghe và giải quyết các trăn trở của khách hàng là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp bảo hiểm lẫn sự chủ động từ phía khách hàng.
Khách hàng cần cân nhắc kỹ
Đầu tiên, khách hàng phải xác định tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện. Hợp đồng bảo hiểm thường có thời hạn rất dài (vài chục năm). Do đó, nếu khách hàng không cân nhắc kỹ và tham gia bảo hiểm vì một lý do nào đó không bắt nguồn từ nhu cầu và sự tự nguyện của bản thân thì nhiều khả năng sẽ dẫn đến những tổn thất về mặt tài chính hay những tranh chấp không mong muốn về sau.
Bản thân khách hàng cần biết đây là quyền lợi của mình và nếu không được đảm bảo quyền lợi này thì hãy lên tiếng. Không doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn xảy ra tình trạng “ép” hay “lừa” khách bởi về lâu dài điều này gây ra những thiệt hại rất lớn về danh tiếng cũng như tài chính cho cho công ty bảo hiểm.
Trong quá trình tìm hiểu bảo hiểm, khách hàng nên yêu cầu tư vấn tài chính giới thiệu cho mình nhiều giải pháp bảo hiểm khác nhau để lựa chọn, trình bày và giải thích rõ ràng các điều khoản, quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm để đảm bảo hiểu đúng, hiểu đủ.
Nếu vẫn còn thắc mắc, hãy yêu cầu được tư vấn đầy đủ đến khi nào thật sự hiểu rõ sản phẩm mình tham gia. Việc này hết sức quan trọng bởi nếu khách hàng không chọn đúng sản phẩm bảo hiểm hoặc không hiểu kỹ những điều khoản của sản phẩm thì khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, khách hàng có thể sẽ không thể nhận được mức đền bù như kỳ vọng ban đầu hoặc gặp phải những tổn thất tài chính khi dừng hợp đồng giữa chừng.
Doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng niềm tin khách hàng
Bên cạnh các chính sách tăng cường kiểm tra giám sát từ cơ quan quản lý như đường dây nóng hay ghi âm buổi tư vấn…, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang rất nỗ lực để nâng cao chất lượng, cụ thể như tại Bảo hiểm FWD, doanh nghiệp này thành lập ban giám sát chất lượng, thực hiện các cuộc gọi chào mừng (welcome call) để xác nhận nhu cầu khách hàng, thực hiện chương trình khách hàng bí mật (mystery shopping) để đánh giá chất lượng bán hàng, cùng các quy định xử lý kỷ luật dành cho đội ngũ bán hàng khi vi phạm… Những điều này đang mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc xây dựng niềm tin với khách hàng.
Bên cạnh đó, xác định bảo hiểm là một lĩnh vực khá phức tạp và khó hiểu với nhiều người, sau việc tiên phong tinh giản điều khoản loại trừ bảo hiểm vào năm 2016, đến năm 2020, FWD tiếp tục tiên phong thực hiện dự án “FWD bảo hiểm dễ hiểu” với mục tiêu trọng tâm “bảo hiểm phải dễ hiểu để khách hàng biết rõ quyền lợi của mình”. Nhiều cải tiến lớn về hình thức và nội dung được thực hiện xuyên suốt từ sản phẩm, hợp đồng, dịch vụ, bồi thường bảo hiểm… để giúp khách hàng hứng thú trong việc đọc thông tin, tăng tốc độ đọc, dễ hiểu và dễ nắm rõ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, nhờ ứng dụng công nghệ, các công ty bảo hiểm như FWD có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng hơn như dịch vụ 24h e-Claim với 1 phút gửi yêu cầu, 30 phút nhận thông báo, và 24h nhận quyền lợi bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhờ quy trình xử lý dữ liệu hoàn toàn tự động (STP – Straight-through processing), khách hàng cũng có thể quản lý hợp đồng bảo hiểm và thực hiện các thay đổi địa chỉ, số điện thoại, định kỳ đóng phí bảo hiểm… hoàn toàn trực tuyến.
Gần đây nhất, FWD còn giới thiệu chương trình khuyến mãi khuyến khích những khách hàng có hợp đồng bảo hiểm (phát hành trong giai đoạn từ ngày 01/11/2021 đến ngày 31/01/2022) đang mất hiệu lực tiếp tục đóng phí để khôi phục hợp đồng.
Thông qua chương trình này, khách hàng không chỉ khôi phục lại các quyền lợi theo hợp đồng mà còn được tặng số tiền bằng 20% Phí bảo hiểm khôi phục hiệu lực hợp đồng cùng cơ hội tham gia rút thăm trúng xe Mercedes C200 Advantgarde vào cuối chương trình.
Đây là một số nỗ lực mà FWD đang thực hiện để xây dựng niềm tin khách hàng, giúp khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm, qua đó được bảo vệ liên tục và đạt được các mục tiêu tích luỹ dài hạn theo hợp đồng bảo hiểm.
Các chuyên gia nhận định việc chú trọng chất lượng tư vấn bảo hiểm và ứng dụng công nghệ hiện đại của các công ty bảo hiểm, điển hình như FWD, là một hướng đi nhắm đến sự phát triển bền vững và mang lại những giá trị dài hạn cho khách hàng.
Hành trình 18 năm bảo vệ người Việt của thương hiệu đến từ Hoa Kỳ
(ĐTCK) – Gần hai thập kỷ tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life) đã xây đắp lá chắn cho hàng triệu gia đình nhờ nền tảng tài chính hùng mạnh của công ty mẹ và nỗ lực chuyển mình trước những biến đổi của thời cuộc, vì sứ mệnh “bảo vệ” từ tâm.
Sứ mệnh bảo vệ xuất phát từ tâm
Đặt chữ “tâm” lên hàng đầu và để đảm bảo giá trị bảo vệ của BHNT luôn được truyền tải đúng đắn và chuẩn mực, Chubb Life không ngừng nỗ lực xây dựng đội ngũ chuyên viên tư vấn thực tâm, thực tài, đồng hành với vai trò “thành trì bảo vệ” vững chắc cho khách hàng và gia đình vào những thời khắc khó khăn nhất, trong suốt 18 năm qua.
Năm 2022, công ty đã chi gần 1.360 tỷ đồng để chi trả bồi thường và các quyền lợi bảo hiểm kèm theo, tăng 52% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, hơn 86% khách hàng nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm thuộc nhóm từ 50 tuổi trở xuống và 85% trường hợp được giải quyết quyền lợi trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng, đặc biệt, 32% được nhận chi trả ngay trong năm thứ nhất. Chubb Life còn thể hiện cam kết bảo vệ khách hàng mạnh mẽ thông qua việc duy trì biên khả năng thanh toán ở mức rất cao, đạt 230% biên khả năng thanh toán theo yêu cầu luật định , tính đến cuối năm 2022.
Kế thừa nền tảng tài chính vững mạnh
Động lực phát triển của Chubb Life còn đến từ sự trợ lực của Chubb Limited – Thương hiệu bảo hiểm từ Hoa Kỳ với bề dày lịch sử 231 năm. Chubb Limited hiện hoạt động tại 54 quốc gia, xác lập vị thế “người khổng lồ” trong ngành. Tháng 7/2022, Chubb Limited hoàn tất thương vụ mua lại mảng bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khoẻ và BHNT tại 6 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương từ Cigna. Thương vụ này là nhân tố quan trọng giúp tập đoàn tăng trưởng hai chữ số trong năm 2022, đánh dấu giai đoạn kinh doanh hiệu quả nhất trong lịch sử.
Lấy “lòng nhân” làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động, Chubb Lifeluôn thực thi sứ mệnh bảo vệ bằng sự chuyển mình đầy năng động trước những biến đổi của thời cuộc. Cụ thể, Chubb Life sở hữu hệ sinh thái số toàn diện, điển hình là “trợ lý ảo 4.0” Smart Agency hỗ trợ đội ngũ kinh doanh quản lý công việc, ứng dụng Chubb eConnect giúp khách hàng tương tác trực tiếp với công ty và quy trình thẩm định tự động Straight Through Processing.
Mặt khác, doanh nghiệp nỗ lực bảo vệ người dân Việt thông qua chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm bảo vệ theo từng giai đoạn cuộc đời hay xuyên suốt từ 1 tháng tuổi tới 99 tuổi, sản phẩm bảo hiểm đồng hành cùng chặng đường học vấn của con trẻ hay sản phẩm cao niên, hay gần đây nhất là sự ra đời của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị – Kế hoạch Tài chính Chủ động – đáp ứng đồng thời cả 2 nhu cầu: bảo vệ và đầu tư.
Chubb Life không ngừng xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, chuẩn mực, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển tối đa nhờ vào môi trường làm việc sáng tạo, lộ trình thăng tiến rõ ràng, chính sách tưởng thưởng xứng đáng…
“Những dấu ấn trong 18 năm hoạt động tại Việt Nam là tiền đề cho chúng tôi tiếp tục chuyển mình bứt phá, hoàn thành sứ mệnh bảo vệ hàng triệu gia đình Việt và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành bảo hiểm cũng như nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam chia sẻ.
Cụ thể, Chubb Limited ghi nhận thu nhập từ hoạt động cốt lõi năm 2022 đạt 6,46 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn. Ba tháng đầu năm 2023, thu nhập hoạt động kinh doanh bảo hiểm tiếp tục là mức cao nhất tính theo quý với 1,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản của tập đoàn tính đến ngày 31/3/2023 đạt 201,4 tỷ USD và nguồn vốn đạt 67,7 tỷ USD. Theo báo cáo tháng 4/2023, S&P xếp hạng tập đoàn ở mức AA, còn AM Best (cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bảo hiểm) đánh giá ở mức cao nhất trong thang từ S đến A++.
Hanwha Life Việt Nam – Dấu ấn thăng hoa tuổi 15
(ĐTCK) – Bằng tầm nhìn phát triển bền vững, sau 15 năm, Hanwha Life Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm được tín nhiệm nhất Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường bằng những kết quả ấn tượng, tạo dấu ấn thăng hoa tiến bước đến hành trình mới.
Thành viên của Tập đoàn lớn thứ 7 Hàn Quốc
Hanwha Life Việt Nam được thành lập từ năm 2008 và là thành viên đầu tiên tại đất nước hình chữ “S” của Tập đoàn Hanwha – Tập đoàn lớn thứ 7 Hàn Quốc và trong Top 500 Tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới (2022). Hanwha Life Việt Nam cũng là công ty bảo hiểm đầu tiên của Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.
Là Tập đoàn tên tuổi đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì vậy nguồn vốn dồi dào, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, năng lực phát triển sản phẩm và dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế của Hanwha là những thế mạnh mà Hanwha Life Việt Nam được thừa hưởng, bảo chứng cho hành trình ghi dấu tại Việt Nam. Chẳng hạn, với số vốn được đầu tư lên đến 4.891 tỷ đồng, Hanwha Life hiện sở hữu nội lực tài chính mạnh hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Song song đó, kết hợp với sự thông hiểu sâu sắc thực tiễn thị trường bản địa, sau 15 năm, Hanwha Life không ngừng vươn mình mạnh mẽ và trở thành một trong những thương hiệu quen thuộc với khách hàng, người dân Việt Nam.
Luôn lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ
Nắm bắt nhu cầu đa dạng và không ngừng thay đổi của khách hàng, các sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam luôn được thiết kế dựa trên nguyên tắc: quyền lợi khách hàng vượt trội; điều khoản minh bạch; mức phí phù hợp, cạnh tranh. Ngoài ra, đối với từng sản phẩm, công ty cũng nỗ lực bổ sung những quyền lợi thiết thực đối với gia đình khách hàng, thể hiện sự quan tâm trọn vẹn đến khách hàng và người thân.
Sau 15 năm, Hanwha Life Việt Nam đã xây dựng được một danh mục sản phẩm ưu việt toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân từ bảo vệ, đầu tư, tích lũy; phòng ngừa rủi ro, tai nạn; sức khỏe, giáo dục. Những cái tên Life Fun:D – Sống thỏa chất, An Khang Tài Lộc, Hanwha Life – Tôi chọn An yên,… ngày càng trở nên quen thuộc với khách hàng quan tâm bảo hiểm nhân thọ.
Bằng trách nhiệm của một doanh nghiệp bảo hiểm, việc đảm bảo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ là thực sự có nhu cầu và khách hàng được tư vấn chính xác, đầy đủ, rõ ràng là yếu tố tiên quyết mà Hanwha Life Việt Nam chú trọng. Do đó, Công ty xác định đội ngũ tư vấn là trung gian rất quan trọng kết nối giữa khách hàng và Công ty.
Các chính sách tuyển dụng hấp dẫn, chương trình đào tạo liên tục được triển khai nâng cao chất lượng tư vấn, lộ trình thăng tiến rõ ràng, bền vững giúp đội ngũ kinh doanh gắn bó dài lâu và luôn hạnh phúc trong công việc, từ đó tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho khách hàng. Đến nay, công ty đã có hơn 38.000 tư vấn tài chính tinh nhuệ và 142 điểm phục vụ khách hàng trên toàn quốc, đảm bảo hành trình trải nghiệm của khách hàng từ khâu tìm hiểu, mua bảo hiểm đến dịch vụ hậu mãi luôn liền mạch, thuận tiện và nhanh chóng.
Hanwha Life Việt Nam cũng hợp tác với các đối tác kinh doanh có năng lực nhằm mở rộng kênh phân phối mới, tăng khả năng tiếp cận bảo hiểm cho khách hàng, điển hình như kênh bancassurance với ngân hàng Vietbank đã được triển khai từ năm 2021. Sự hợp tác dựa trên cam kết đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, đảm bảo rằng mọi giao dịch và tư vấn sản phẩm bảo hiểm được đối tác thực hiện với tinh thần tận tâm, minh bạch và chuyên nghiệp dựa trên nhu cầu thực của khách hàng.
Không ngừng nâng cao trải nghiệm của khách hàng
Song hành với việc mở rộng mạng lưới, Hanwha Life Việt Nam rất chú trọng tăng cường chuyển đổi số để đáp ứng tối đa nhu cầu hiện hữu của khách hàng. Công ty đã hoàn tất quy trình “không giấy” trong 1 số khâu giao dịch và chăm sóc khách hàng thông qua cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME giúp khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), bảo lãnh phát hành và bảo hiểm tự động (auto underwriting), thanh toán trực tuyến (e-Payment)…
Tuy vẫn còn nhiều thách thức trong hành trình chuyển đổi số, tự động hóa quy trình nhằm tăng cường hiệu suất làm việc và không ngừng cải thiện trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm và dịch vụ nhưng chuyển đổi số và chuyển mình từ một công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thống sang một mô hình hoạt động phù hợp sẽ là một mục tiêu quan trọng trong thời gian tới tại thị trường Việt Nam của Hanwha Life.
Nhờ thực thi các chiến lược trọng tâm, mở rộng kinh doanh và quản lý tài chính hiệu quả, Hanwha Life Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chỉ trong 5 năm, 2018- 2022 tổng giá trị tài sản của Hanwha Life Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, đạt tổng giá trị hơn 16.000 tỷ đồng từ mức hơn 7.600 tỷ đồng năm 2018. Đồng thời, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc cũng tăng hơn 2 lần, đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng ở cuối năm tài chính 2022. Đây là những thành quả đáng ghi nhận cho những tập trung đầu tư chiến lược cho thị trường Việt Nam.
Ghi nhận những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh hiệu quả, Hanwha Life Việt Nam đã nhận hàng loạt chứng nhận và giải thưởng uy tín như: “Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín” liên tiếp 6 năm bởi tổ chức Vietnam Report (2017-2022), 9 năm đạt giải Rồng Vàng với danh hiệu “Dịch vụ bảo hiểm đáng tin cậy” cùng nhiều giải thưởng uy tín khác.
Chia sẻ cụ thể hơn về những kế hoạch, mục tiêu trong chặng đường sắp tới, ông Hwang Jun Hwan – Chủ tịch HĐTV kiêm CEO Hanwha Life Việt Nam cho biết: “Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, chúng tôi không chỉ đơn thuần làm những công việc về tài chính, mà yếu tố tiên quyết là đồng hành chăm sóc, tạo niềm tin gắn kết với khách hàng thông qua xây dựng được cho họ một sản phẩm tài chính bảo vệ tương lai vững chắc. Do đó, công ty sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đồng thời phát triển mạng lưới đại lý kinh doanh và các điểm tư vấn khách hàng cũng như tăng tốc số hóa. Các hoạt động trách nhiệm cộng đồng nhằm củng cố cam kết lâu dài cho thị trường Việt Nam cũng được tập trung đẩy mạnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định trở thành công ty bảo hiểm Hàn Quốc được tín nhiệm nhất Việt Nam”.
Phú Hưng Life Vinh Danh Top 30 MDRT 2024 Đạt Sớm
(PHL) – Ngày 10/06/2023, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân Thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã tổ chức sự kiện Vinh danh “Top 30 MDRT” – những người đã đạt thành tích kinh doanh xuất sắc trong nửa đầu năm 2023 – trên du thuyền Sài Gòn Princess.
MDRT (Million Dollar Round Table – Bàn tròn Triệu đô) là Hiệp hội các chuyên gia hàng đầu thế giới về dịch vụ Bảo hiểm và Tài chính. Đây là cột mốc mơ ước của mọi Tư Vấn viên tài chính khi chỉ có khoảng 1% những nhà tư vấn tài chính trên thế giới đạt được cột mốc này.
Sự kiện Vinh danh Top 30 MDRT đã thể hiện sự tôn trọng và động viên của Phú Hưng Life đối với những nhà tư vấn tài chính xuất sắc của mình, đồng thời cũng là một cơ hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra thêm nhiều cơ hội phát triển kinh doanh.
Khởi đầu Hành Trình Trăm Dặm
Tại sự kiện, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt – Phó Tổng Giám Đốc Phát triển kinh doanh chia sẻ: “Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã và đang trải qua nhiều thách thức trong những tháng vừa qua. Tuy nhiên, Phú Hưng Life vẫn đạt được doanh số tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kì năm trước và lọt vào top 5 của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam xét về kênh đại lý. Đây là minh chứng cho việc Phú Hưng Life có một đội ngũ tư vấn viên tốt và chất lượng, được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Để giữ vững vị trí này, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động hiệu quả hơn nữa với sự khởi đầu của chiến dịch Hành Trình Trăm Dặm, tiến đến mục tiêu cao hơn và xa hơn từ đây đến hết năm 2023.”
Khép laị thành tích ấn tượng của năm tháng đầu năm 2023, Phú Hưng Life đã lên kế hoạch và đưa ra nhiều chiến lược kinh doanh mới để tiếp tục phát triển đột phá, hướng đến tầm nhìn trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ được khách hàng yêu mến và tín nhiệm.
Ưu đãi tới 25% khi mua bảo hiểm BIC qua ứng dụng omni BIDV iBank
(ĐTCK) – Từ nay đến ngày 12/8/2023, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình ưu đãi, giảm tới 25% phí bảo hiểm cho khách hàng mua qua ứng dụng trên.
Theo đó, trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng tham gia bảo hiểm BIC cho cá nhân hoặc cho doanh nghiệp qua ứng dụng BIDV iBank sẽ được tận hưởng ngay các ưu đãi: Giảm 25% phí bảo hiểm sức khỏe toàn diện – BIC Tâm An (áp dụng với khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC hoặc căn cứ trên thực tế quá trình tham gia bảo hiểm tại BIC của khách hàng); Giảm 25% bảo hiểm an ninh mạng cá nhân – BIC Bảo An Tài khoản; Giảm 20% bảo hiểm bệnh ung thư – BIC Phúc Tâm An; Giảm 20% bảo hiểm tai nạn con người 24/24. BIDV iBank là ứng dụng ngân hàng số dành cho tất cả khách hàng doanh nghiệp với trải nghiệm đồng nhất trên cả 02 nền tảng Website và Mobile app.
Tham gia bảo hiểm BIC qua BIDV iBank, khách hàng có thể chủ động lựa chọn các sản phẩm đa dạng dành cho doanh nghiệp và cá nhân phù hợp với nhu cầu với phí bảo hiểm rất cạnh tranh.
Quy trình mua bảo hiểm trên BIDV Ibank rất đơn giản, thuận tiện từ tra cứu thông tin sản phẩm, quy trình bồi thường đến đặt mua, thanh toán nhằm tiết kiệm tối đa thời gian cho khách hàng. Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử sẽ được gửi tới khách hàng trong vòng 1 phút ngay khi đặt mua và thanh toán thành công.
Trong thời gian tới, BIC và BIDV sẽ tiếp tục phát triển để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với các nhu cầu của các doanh nghiệp trên ứng dụng Omni BIDV Ibank.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
“Đau đầu” quản lý bancassurance
(ĐTCK) – Theo các thành viên thị trường, chưa bao giờ các cơ quan quản lý phải “vất vả” với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) như hiện nay.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế – xã hội và ngân sách ngày 31/5 vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề cập tới những bất cập trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó có dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng được cho là bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm kèm khoản vay, hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.
Theo bà Thủy, Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.
Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh những phản ánh, kiện tụng của người tham gia bảo hiểm nhân thọ gia tăng nhanh thời gian qua. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 5/2023, có 192 kiến nghị của người dân qua điện thoại và 299 kiến nghị qua email, đường dây nóng của cơ quan này liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bảo hiểm liên kết với ngân hàng.
Cơ quan này cũng phối hợp làm việc, cung cấp thông tin cho Bộ Công an nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm, chuyển đơn thư có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xử lý.
Thực tế, không phải đến bây giờ, mà ngay từ đầu năm 2020, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên tục phản ánh tình trạng khách hàng kêu bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm kèm khoản vay. Báo Đầu tư Chứng khoán cũng là cơ quan báo chí đầu tiên đăng bài về tranh chấp của 1 khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại ngân hàng nhưng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Trả lời báo chí mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ tháng 10/2022 đến nay, đã tiếp nhận nhiều đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh việc nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, khiến người mua nhầm tưởng là sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng; tự ý khai khống thông tin khách hàng… liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư “Tâm an đầu tư”.
Ngân hàng Nhà nước đã chuyển các đơn thư phản ánh đến các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định. Phía Manulife đang tìm hiểu, nắm thông tin để trực tiếp làm việc và giải quyết thỏa đáng quyền, lợi ích của khách hàng tham gia sản phẩm này.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chấp hành đúng quy định của pháp luật khi triển khai bán các sản phẩm bảo hiểm và sẽ đưa nội dung chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023.
Cùng với đó, một loạt đề xuất được đưa ra nhằm “giải cứu” kênh này. Đơn cử, góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề nghị hạn chế sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm phức tạp như bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm liên kết chung…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh đề nghị bổ sung quy định phải bố trí quầy bán bảo hiểm riêng tại phòng giao dịch của ngân hàng để tránh tình trạng nhầm lẫn sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tài chính của ngân hàng, cơ quan này còn đề xuất bổ sung quy định người mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng có cam kết việc tham gia là tự nguyện…
Theo Bộ Tài chính, pháp luật hiện hành đã có quy định để đảm bảo người tham gia bảo hiểm hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm và việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện. Do đó, cho dù có yêu cầu khách hàng ký vào giấy yêu cầu bảo hiểm về việc đã hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm và cam kết việc mua bảo hiểm là tự nguyện thì vẫn có thể xảy ra khiếu nại.
“Do hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành nên để bảo vệ người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là những người già, đối tượng yếu thế, không nên làm tăng thêm tài liệu phải đọc vì yêu cầu có văn bản cam kết cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề”, đại diện Bộ Tài chính nói và cho biết, tới đây, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các quy định phù hợp vào dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nhằm đảm bảo không để phát sinh các vấn đề bất cập trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo Minh Bắc Ninh tài trợ cho học sinh nghèo vượt khó
(BMI) – Ngày 19/05/2023, Công an phường Hồ, xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức lễ ra mắt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và trao tặng những xuất quà cho các học sinh nghèo vượt khó.
Công ty Bảo Minh Bắc Ninh đã trao tặng tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn với thành tích học tập tốt 20 triệu đồng với mong muốn có thể giúp đỡ một phần để các em có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua những thiếu thốn, khó khăn để thực hiện ước mơ hoài bão của mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Bảo Minh luôn quan tâm và đề cao đến vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt trong các công tác giáo dục. Với món quà tinh thần này, Bảo Minh hy vọng có thể cùng chung tay, thể hiện sự chia sẻ với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em trang trải học phí, mua đồ dùng học tập. Qua đó, góp phần động viên các em học sinh nỗ lực học tập vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và cố gắng học tập tốt, phấn đấu trở thành những người con ngoan, trò giỏi.
- Tin quốc tế
Indonesia: Doanh thu bảo hiểm nhân thọ Quý I giảm, chi trả bồi thường tăng
(INA) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI), dữ liệu sơ bộ cho thấy, trong Quý I/2023, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ của Indonesia đã đạt doanh thu 54,36 tỷ Rp.
Hiệu suất doanh thu của 56 công ty bảo hiểm nhân thọ trong kỳ vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022.
Mặt khác, tổng số tiền bảo hiểm đạt 5.002,29 nghìn tỷ Rp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). “Điều này cho thấy nhận thức của công chúng về chức năng bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ đang tăng lên,” AAJI cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản bằng tiếng Bahasa.
Hơn nữa, tổng số khoản chi trả bồi thường được thực hiện trong Quý I đạt 45,56 nghìn tỷ Rp, tăng 5,1% so với năm trước.
Tính đến cuối tháng 3, đã có 87,54 triệu cá nhân được bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Indonesia.
Prudential bổ nhiệm tân CFO
(INA) – Prudential công bố Giám đốc tài chính (CFO) mới sau cuộc điều tra về quy tắc ứng xử của người tiền nhiệm.
Theo sự chấp thuận của cơ quan quản lý, ông Ben Bulmer sẽ tiếp quản James Turner với tư cách là Giám đốc tài chính.
Ông Turner, người đã từ chức, đã bị điều tra do hành vi sai trái trong một tình huống tuyển dụng.
“Tập đoàn tự đặt ra những tiêu chuẩn cao và Turner đã thất bại trong dịp này. Tuy nhiên ông Turner sẽ vẫn có sẵn cho Tập đoàn trong khoảng thời gian bốn tháng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi suôn sẻ.” Prudential cho biết trong một tuyên bố.
Ông Bulmer, hiện là Giám đốc Tài chính của Bảo hiểm và Quản lý Tài sản, trước đây đã giữ vị trí Giám đốc Tài chính tại Prudential Corporation Châu Á. Với bề dày kinh nghiệm trong công ty, ông đã giữ nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau về tài chính trên khắp châu Á và Luân đôn từ năm 1997.
Ngoài ra, Bulmer đã trở thành thành viên ban điều hành Tập đoàn và sẽ báo cáo trực tiếp với Giám đốc điều hành (CEO) Anil Wadhwani. Ông sẽ tiếp tục làm việc tại trụ sở Hồng Kông.
Gallagher Re công bố lãnh đạo mới cho Hồng Kông và Trung Quốc
(INA) – Gallagher Re cho biết các ông Jia Lou và Alex Xia đã được bổ nhiệm vào các vị trí mới cho Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Lou sẽ đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành (CEO) Gallagher Re Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, còn ông Xia sẽ là Giám đốc Gallagher Re Bắc Kinh.
Ông Lou là một nhân vật được kính trọng ở hai thị trường này với hơn 15 năm kinh nghiệm. Ông có thành tích thành công trong việc phát triển và dẫn dắt các nhóm môi giới tái bảo hiểm hàng đầu. Ông sẽ giám sát việc lập kế hoạch và thực hiện chiến lược của Gallagher Re tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.
Trong công việc, ông ấy sẽ báo cáo lên ông Mark Morley, Giám đốc Gallagher Re Châu Á Thái Bình Dương.
Tổng phí gộp của các công ty bảo hiểm Hồng Kông giảm trong Quý I
(INA) – Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông cho thấy trong Quý I, tổng phí bảo hiểm gộp đã giảm 7% xuống còn 147,2 tỷ USD, đồng thời tổng doanh thu phí bảo hiểm giảm 8,9% xuống còn 126,6 tỷ đô la.
Sự sụt giảm này xuất phát từ “các giao dịch riêng lẻ liên quan đến hoạt động kinh doanh Chương trình Hưu trí” cùng kỳ năm 2022 và mô hình sản phẩm thanh toán phí bảo hiểm phù hợp với hoạt động kinh doanh Bảo hiểm nhân thọ và Niên kim.
Bên cạnh đó, tổng số yêu cầu bồi thường và quyền lợi đã chi trả đạt 78,5 tỷ đô la.
Trong quý, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ đã có sự tăng trưởng cả về phí gộp và phí thuần. Phí bảo hiểm gộp tăng 6,9% đạt 20,7 tỷ USD, trong khi phí bảo hiểm thuần tăng 4,1% đạt 12,5 tỷ USD.
Ngược lại, tổng số tiền bồi thường đã trả giảm 4,7% xuống còn 7,5 tỷ đô la. Do đó, tổng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm đã giảm đáng kể từ 1,1 tỷ đô la xuống còn 513 triệu đô la.
Về mặt kinh doanh trực tiếp, tổng phí bảo hiểm trong quý đầu tiên của năm 2023 tăng 4,8%, lên tới 14,9 tỷ USD. Tương tự, phí bảo hiểm thuần cũng tăng 4,4% đạt 10,1 tỷ USD.
Cover Genius bán được hơn 25 triệu hợp đồng
(INA) – Công ty Insurtech Cover Genious tiết lộ rằng họ đã bán được hơn 25 triệu hợp đồng, bảo vệ hơn 14 triệu khách hàng.
Theo Cover Genious, thành tựu này đạt được khi các công ty kỹ thuật số lớn trên toàn thế giới chuyển hướng sang các giải pháp bảo hiểm tích hợp, từ bỏ các công ty bảo hiểm truyền thống.
Để đáp ứng yêu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh, công ty đã củng cố ban điều hành của mình. Theo đó, ông Kyle Keogh được bổ nhiệm làm Giám đốc Kinh doanh Châu Mỹ, ông Barney Pierce đảm nhận vai trò Giám đốc Kinh doanh tạm thời khu vực EMEA và APAC.
Ngoài ra, trách nhiệm của Darcy Rittinger đã được mở rộng, trở thành Giám đốc Rủi ro.
Chubb thành lập trung tâm hàng không tại Singapore
(INA) – Chubb, nhà bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) toàn cầu, đã thành lập trung tâm hàng không tại Singapore để tăng cường các hoạt động hàng không nói chung và hàng không vũ trụ nói riêng.
Trung tâm hàng không tại Singapore của Chubb hỗ trợ trọng tâm chiến lược trong khu vực đối với nhóm Các thị trường toàn cầu (Chubb Global Markets – CGM) của Chubb, bao gồm chi nhánh bán buôn và chuyên biệt tại Thị trường Luân Đôn của CGM.
Thông qua sự hợp tác với các nhà môi giới và khách hàng, CGM cung cấp các giải pháp rủi ro phù hợp với nhiều loại rủi ro hàng không.
Ông Alastair Stuart, trước đây đã làm cho QBE, được Chubb bổ nhiệm là Trưởng nhóm Thực hành Hàng không ở Châu Á Thái Bình Dương, sẽ lãnh đạo trung tâm hàng không Singapore.
Trong vai trò này, ông Stuart sẽ chịu trách nhiệm thiết lập và mở rộng hoạt động kinh doanh hàng không của CGM trong khu vực.
Ông sẽ làm việc tại Singapore và sẽ báo cáo trực tiếp lên ông Nigel Griffiths, Trưởng bộ phận Hàng không Tổng hợp tại CGM. Quyết định bổ nhiệm Stuart có hiệu lực ngay lập tức.
Cathay Life cam kết đầu tư 146 triệu đô la vào quỹ cổ phần tư nhân
(INA) – Cathay Life, công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc Tập đoàn Cathay Financial Holdings của Đài Loan, đã công bố trong một hồ sơ rằng họ có kế hoạch cam kết đầu tư khoảng 146 triệu USD vào các quỹ đầu tư tư nhân.
Công ty bảo hiểm sẽ đầu tư 60 triệu đô la vào Quỹ Tình huống Đặc biệt KPS VI A và thêm 86 triệu đô la vào CVC Capital Partners IX.
Các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân gần đây của công ty bảo hiểm Đài Loan đã nhắm đến các chiến lược mua lại, thứ cấp và đầu tư mạo hiểm trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Bảo hiểm Zurich, BNP Paribas xem xét tham gia đấu giá cổ phần công ty bảo hiểm nhân thọ Indonesia
(INA) – Theo báo cáo của Bloomberg, tập đoàn bảo hiểm Zurich và đơn vị Cardif của BNP Paribas đang xem xét tham gia đấu giá mua lại mảng bảo hiểm nhân thọ của PT Astra International.
Các công ty bảo hiểm đang đánh giá các đề nghị mua lại nhánh bảo hiểm nhân thọ của PT Astra International, vì họ muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại đất nước Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và quy trình bán chính thức cho Astra Life, còn được gọi là PT Asuransi Jiwa Astra, vẫn chưa bắt đầu.
Các nguồn tin cho biết, các công ty có tùy chọn từ chối giao dịch và có khả năng rằng những người mua khác sẽ tiếp tục tham gia.
Cardif và Bảo hiểm Zurich từ chối đưa ra bình luận và người phát ngôn của Astra vẫn chưa trả lời các yêu cầu bình luận có liên quan.
AXA thông báo những thay đổi về quản lý ở khu vực APAC
(INA) – Trước khi ra mắt kế hoạch chiến lược vào năm 2024, AXA đã tiến hành thay đổi nhân sự ban điều hành.
Những thay đổi quan trọng bên trong hoặc ảnh hưởng đến khu vực Châu Á bắt đầu với Hassan El-Shabrawishi, người được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Thị trường Quốc tế và sẽ dẫn đầu các hoạt động ở Đông Nam Á (bao gồm Ấn Độ), Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Chủ tịch không điều hành mới của Châu Á sẽ là Gordon Watson.
Thomas Buberl, Giám đốc điều hành của AXA cho biết: “Với tư cách là Chủ tịch không điều hành của Châu Á, anh ấy sẽ hỗ trợ triển khai giai đoạn mới này và tiếp tục giúp đỡ các nhóm bằng kinh nghiệm độc đáo của mình”.
Ngoài ra, cựu Giám đốc Phát triển Chiến lược của AXA Châu Á, Françoise Gilles, sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc Rủi ro của Tập đoàn.
Ông El-Shabrawishi và Gilles sẽ bắt đầu nhiệm vụ của các chức danh mới được bổ nhiệm vào ngày 1 tháng 7.
Công ty bảo hiểm Hồng Kông muốn huy động 4 tỷ đô la Hồng Kông
(INA) – Bảo hiểm Target Insurance của Hồng Kông cho biết, họ có kế hoạch đảm bảo tài chính khoảng 4 tỷ đô la Hồng Kông trở lên thông qua phát hành trái phiếu để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Bảo hiểm Himalayas.
Các mục tiêu cho khoản tài trợ này bao gồm các tập đoàn ở Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi, trong số những quốc gia khác, như đã đề cập trước đó trong hồ sơ nộp lên thị trường chứng khoán vào ngày 27 tháng 3 vừa qua.
Hội đồng quản trị cho biết công ty bảo hiểm Hồng Kông, thông qua công ty con của mình, đã ký kết thành công thư bày tỏ ý định với nhiều nhà đầu tư để huy động vốn trên 5,3 tỷ đô la Hồng Kông (680 triệu đô la Mỹ).
Bên cạnh đó, công ty sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận tích cực với các nhà đầu tư để hoàn thiện các thỏa thuận phát hành trái phiếu và các thỏa thuận đầu tư chính thức, có tính đến tiến độ nối lại giao dịch.
Các bước tiến quan trọng sẽ được tiết lộ cho các cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng khi thích hợp, với sự chấp thuận cần thiết theo các quy tắc niêm yết.
Sau khi hoàn thành cấp vốn, Bảo hiểm Target Insurance có kế hoạch tìm kiếm xếp hạng tín nhiệm quốc tế cho Bảo hiểm Himalayas, nhằm đạt được xếp hạng A- hoặc cao hơn.
Hội đồng bảo hiểm của Úc đánh giá cao khoản đầu tư 400 triệu đô la Úc trong việc bảo vệ thời tiết khắc nghiệt
(INA) – Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) ca ngợi khoản đầu tư 400 triệu đô la Úc vào 187 dự án giảm thiểu và phục hồi là một cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi rủi ro thời tiết khắc nghiệt.
ICA cho biết, Quỹ sẵn sàng ứng phó với thảm họa (DRF) trị giá 200 triệu đô la Úc của Chính phủ Liên bang, cùng với sự đóng góp từ các tiểu bang và vùng lãnh thổ, đánh dấu một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước thời tiết khắc nghiệt.
Các sự kiện thời tiết cực đoan kể từ các vụ cháy rừng năm 2019 đến 2020 đã dẫn đến thiệt hại đáng kinh ngạc, vượt trên 13 tỷ đô la Úc.
Các khoản thanh toán bảo hiểm đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, đạt gần 7 tỷ đô la Úc trong các yêu cầu bồi thường liên quan đến thời tiết khắc nghiệt.
Trước mối đe dọa biến đổi khí hậu dai dẳng, ICA đang thúc giục gia hạn DRF thành chương trình kéo dài 10 năm. Ngoài ra, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập chỉ mục tài trợ để ngăn chặn sự suy giảm giá trị thực theo thời gian.
“DRF đang diễn ra sẽ đảm bảo rằng người Úc nhận được lợi ích từ việc đầu tư vào khả năng phục hồi và giảm thiểu trong nhiều năm tới, đồng thời cho phép các chính phủ và cộng đồng lập kế hoạch cho các dự án dài hạn.” DRF cho biết trong một thông báo.
Khả năng sinh lời của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản phục hồi
(INA) – Theo báo cáo của Fitch Ratings, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản sẽ duy trì nền tảng tín dụng vững mạnh vào năm 2023, nhưng rủi ro vẫn còn trên thị trường.
Các rủi ro bao gồm khả năng làm phẳng đường cong lợi suất trái phiếu bằng đồng yên, đồng yên tăng giá so với đồng đô la Mỹ, mở rộng chênh lệch tín dụng nước ngoài và khả năng xảy ra sự cố đối với chứng khoán Nhật Bản. Những yếu tố này có khả năng tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Cơ quan xếp hạng dự đoán khả năng sinh lời tổng thể của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản sẽ phục hồi vào năm 2024.
Điều này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi về lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm sau khi chính phủ Nhật Bản nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch vào tháng 5 năm 2023, cũng như việc sửa đổi quy tắc “được coi là nhập viện”.
Vào năm 2023, tổng lợi nhuận cốt lõi tại 9 công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thống của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,54 nghìn tỷ JPY (-41% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu do tổn thất được bảo hiểm đáng kể do “được cho là nhập viện” liên quan đến biến thể Omicron của COVID-19.
“Chúng tôi kỳ vọng mức an toàn vốn của các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ duy trì đủ để xếp hạng trong một thời gian, phần lớn là do vốn cốt lõi được tích lũy đều đặn. Ngoài ra, hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản đang nỗ lực giảm rủi ro lãi suất để đối phó tốt hơn với cơ chế quản lý mới của Nhật Bản sẽ được áp dụng vào năm 2025,” Fitch Ratings cho biết.
Tính đến cuối tháng 3 năm 2023, tỷ lệ biên khả năng chi trả theo luật định tổng hợp của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản vẫn ở mức cao 955%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ 999% của năm trước.
BTV (Tổng hợp).