AXA XL giới thiệu nền tảng quản lý rủi ro xây dựng; Mỹ đề xuất Đạo luật bảo hiểm rủi ro đại dịch; Bảo Việt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
PTI bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe bất cẩn đâm vào cột bơm xăng
(ĐTCK) – Đại diện PTI vừa chính thức xác nhận là nhà bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ xe cơ giới gây ra vụ tai nạn hy hữu tại cây xăng ở Hà Nội.
Được biết, vụ việc xảy ra vào đêm cuối tháng 5/2020, tài xế bất cẩn lùi xe quá đà húc đổ một cột bơm xăng tại cây xăng Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội. Xăng tràn ra ngoài gây cháy cột bơm cây xăng và ô tô, đồng thời làm cháy toàn bộ 1 xe máy đang đổ xăng ở gần đó.
Chủ xe gây tai nạn đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của PTI và vật chất ô tô của một hãng bảo hiểm khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện PTI cho biết, trong trường hợp chủ xe không vi phạm các quy định pháp luật như: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy; không có Giấy phép lái xe….thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả chi phí bồi thường cho các thiệt hại của cây xăng và đền bù xe máy bị cháy tối đa đến hạn mức bảo hiểm, trong đó mức trách nhiệm dân sự là 50 triệu đồng đối thiệt hại về tài sản/vụ.
Hiện nay, PTI và hãng bảo hiểm bảo hiểm vật chất xe cho chủ xe này đang cùng với khách hàng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để hoàn thiện các thủ tục liên quan để xem xét việc bồi thường.
Được biết, trước đó, PTI cũng tiến hành bồi thường trách nhiệm dân sự xe máy cho một khách hàng không may đâm phải xe ô tô Mercedes. Cụ thể, anh Đ.V.Tiến sử dụng xe của bố mình là Đ.V.Hạnh đã xảy ra va quệt với xe ô tô Mercedes trên đường Hoàng Văn Thái, TP. Hà Nội, thiệt hại ban đầu ước tính lên đến 100 triệu đồng.
Sau khi nhận được thông báo từ khách hàng, PTI đã tiến hành phối hợp giám định thiệt hại, hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ có liên quan, đồng thời tiến hành đàm phán, xác định giá trị sửa chữa với chủ xe Mercedes là 60 triệu đồng.
Căn cứ vào kết luận lỗi của cơ quan chức năng, PTI đã tiến hành bồi thường cho ông Đ.V.Hạnh tối đa mức trách nhiệm là 50 triệu đồng.
Trong năm 2019, hãng bảo hiểm này đã thực hiện chi trả bồi thường 42 tỷ đồng cho cho sản phẩm bảo hiểm xe máy, trong số đó có 80% là các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tính mạng con người và 20% còn lại là các vụ tai nạn, va quệt nhỏ và vừa.
Đáng chú ý, PTI cho biết, có nhiều trường hợp, người dân nhận được tối đa mức trách nhiệm theo quy định của pháp luật là 100 triệu đồng/người/vụ đối với tính mạng và 50 triệu đồng/vụ đối với tài sản.
BIC chi trả bảo hiểm gần 700 triệu đồng cho khách hàng vay vốn tại Lâm Đồng
(BIC) – Ngày 22/05/2020, tại Lâm Đồng, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Lâm Đồng (Chi nhánh BIDV Lâm Đồng) đã tổ chức gặp gỡ và trao 685 triệu đồng tiền bảo hiểm người vay vốn (BIC Bình An) cho khách hàng không may gặp rủi ro.
Khách hàng được được chi trả bảo hiểm là gia đình ông Trần Văn Ơn. Ông Ơn vay vốn tại Phòng Giao dịch Đơn Dương, Chi nhánh BIDV Lâm Đồng để sản xuất nông nghiệp và tham gia bảo hiểm BIC Bình An cho khoản vay với số tiền bảo hiểm 685 triệu đồng.
Ngày 22/02/2020, ông Ơn không may bị bỏng do thùng phuy phát nổ, mặc dù đã được gia đình đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế tại Lâm Đồng và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) nhưng do bị bỏng quá nặng nên ông đã không qua khỏi.
Sau khi nhận được tin báo từ gia đình khách hàng, BIC và Chi nhánh BIDV Lâm Đồng đã gửi lời thăm hỏi đồng thời nhanh chóng phối hợp, hướng dẫn gia đình thu thập các tài liệu liên quan để được chi trả bảo hiểm theo đúng quy định. Tổng số tiền chi trả cho gia đình khách hàng Trần Văn Ơn là 685 triệu đồng bao gồm dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ chi phí năm viện trọng thời gian điều trị; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian hoàn thiện thủ tục bồi thường và trợ cấp mai táng.
Sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An hiện đang được triển khai tại tất cả các chi nhánh BIDV trên toàn quốc. Hàng năm, BIC chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hàng trăm khách hàng vay vốn không may gặp rủi ro. Bên cạnh đó, BIC Bình An còn là công cụ quản lý rủi ro hữu hiệu, bảo đảm an toàn vốn vay cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Tiếp tục khẳng định tính nhân văn của BIC Bình An, vừa qua, BIC đã tiến hành nâng cấp sản phẩm và gia tăng số tiền bảo hiểm tối đa từ 4 tỷ đồng lên 6 tỷ đồng nhằm bảo vệ toàn diện hơn cho khách hàng vay vốn.
- Một vòng doanh nghiệp
MIC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020
(MIC) – Sáng ngày 28/5/2020, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Đây là sự kiện quan trọng đầu tiên sau khi MIC công bố nhận diện thương hiệu mới, trong giai đoạn chuyển mình MIC chắc chắn sẽ tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Trong năm 2019, với phương châm hoạt động “Tăng trưởng thần tốc, quản lý hiệu quả”, MIC tiếp tục giữ vững vị trí top 6 Doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và rút gần khoảng cách tiệm cận Top 5. MIC đã chính thức tăng vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, nằm trong top 10 Doanh nghiệp UpCoM quy mô lớn minh bạch tài chính tốt. Khép lại 2019, MIC mang về doanh thu 2.745 tỷ đồng hoàn thành 110,3 % kế hoạch năm, ROE 11,49% đứng Top đầu thị trường. Doanh thu Bảo hiểm gốc đạt 2.507 tỷ tăng trưởng 30% (cao gấp 2,4 lần thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ), Lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng tăng trưởng 30,7% so với năm 2018, trong đó lợi nhuận từ đầu tư đạt 154,5 tỷ tăng trưởng 31% so với cùng kỳ.
Để có được kết quả trên, trong năm qua MIC đã triển khai thành công mô hình bán trực tiếp qua bancas, bảo hiểm số, đẩy mạnh kênh môi giới cùng các sản phẩm tối ưu. Điều này mang đến sự thuận tiện, giúp khách hàng có thể chạm tới MIC mọi lúc mọi nơi và ngày càng nhận được sự tín nhiệm của đông đảo khách hàng cá nhân, doanh nghiệp.
Phát biểu tại Đại hội, Thượng tướng Lê Hữu Đức – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội đánh giá cao kết quả kinh doanh 2019. Và tin tưởng MIC sẽ hoàn thành mục tiêu được giao năm 2020, phấn đấu trở thành ngôi sao sáng trong Tập đoàn MB.
Kết thúc chương trình Đại hội, các cổ đông và thành viên trong HĐQT thống nhất đưa ra mục tiêu hành động năm 2020. Toàn thể Đại hội quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế sau dịch Covid – 19 đưa MIC vào Top 5 Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, phấn đấu đạt doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng trên 15% so với năm 2019, cam kết cổ tức từ 8% – 10%. Đồng thời MIC sẽ hoàn tất tiến trình đưa cổ phiếu MIG lên sàn HOSE từ đó lựa chọn các cổ đông chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Bảo Việt lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam
(BVH) – Forbes Việt Nam công bố “Danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2020. Đây là lần thứ tám Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này và cũng là lần thứ 8 Bảo Việt có mặt trong danh sách.
Danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020 do Forbes Việt Nam xếp hạng lựa chọn các công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất, đang niêm yết tại Sở Giao dịch TP.HCM (HSX) và Sở Giao dịch Hà Nội (HNX). Danh sách lần thứ tám được thực hiện ở thời điểm không phải lý tưởng khi kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với các bất ổn khó đoán định dưới tác động của đại dịch COVID-19. Forbes Việt Nam tin tưởng rằng các doanh nghiệp hướng vào thị trường nội địa không miễn nhiễm với các khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 nhưng có sức bật ở giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.
Các công ty trong danh sách năm 2020 có nền tảng vững vàng, không chỉ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2019 mà còn kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách nhất trong 10 năm qua. Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách đạt tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty lọt vào danh sách đạt 138.705 tỉ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.
Để được vinh danh trong danh sách Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2020 do Forbes Việt Nam bình chọn, Tập đoàn Bảo Việt và các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn theo phương pháp xếp hạng của Forbes áp dụng trên toàn cầu, có xét đến yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam cho phép lựa chọn các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường chia theo từng lĩnh vực. Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2015 – 2019. Sau đó, Forbes Việt Nam sẽ xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.
Ở tầm quốc tế, với những nỗ lực tăng cường minh bạch thông tin, Bảo Việt đã được quốc tế ghi nhận với 2 giải thưởng uy tín: Giải Báo cáo có nội dung quản trị các vấn đề trọng yếu xuất sắc nhất Châu Á (Asia’s Best Materiality Reporting) và Báo cáo có nội dung gắn kết các bên liên quan xuất sắc nhất Châu Á (Asia’s Best Stakeholder Reporting) tại lễ trao giải Báo cáo phát triển bền vững Châu Á (ASRA).
VNI, BSH tham gia hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020
(BSH) – Ngày 28 tháng 5 năm 2020, Hội nghị kết nối cung cầu – thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham dự hội nghị có đại diện các sở ban ngành cùng đại diện của hơn 300 doanh nghiệp đăng ký kết nối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020 nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt khó trong thời kỳ Covid-19, tháo gỡ những khó khăn, khôi phục phát triển kinh tế và kích cầu tiêu dùng nội địa. Một trong những hoạt động thiết thực nằm trong khuôn khổ Hội nghị là chương trình: Trưng bày sản phẩm doanh nghiệp diễn ra từ ngày 28/5 – 31/5/2020 tại nhà Bát giác, tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) đã tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm. Tham gia gian hàng lần này, BSH hướng tới mục tiêu tiếp cận nhiều hơn với các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội. Thông qua chương trình, BSH cũng mong muốn mang đến các sản phẩm bảo hiểm uy tín để khách hàng yên tâm sử dụng như: bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản,…
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo hiểm Hàng không (VNI) giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm giành cho tất cả các đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cùng nhiều chương trình khuyến mại, quà tặng hấp dẫn như ô rút thông minh, mũ bảo hiểm, áo mưa, máy hút bụi……cho khách hàng tham quan và giảm phí bảo hiểm đến 40% dành cho khách hàng mua bảo hiểm vật chất xe ô tô, thời gian đến hết ngày 31/5/2020 tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Cần sớm thống nhất cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm
(ĐTCK) – Dù đã đưa ra bàn thảo và thống nhất về mặt chủ trương từ năm 2019 tại Hội nghị CEO nhân thọ rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải báo cáo tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất để Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) có cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động và chất lượng của đội ngũ đại lý, nhưng đến nay, chủ trương này vẫn chưa thành hiện thực.
Việc thống nhất cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm và công bố tỷ lệ này hàng năm thực tế là quy định rất cần thiết, để từ đó các doanh nghiệp chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng đại lý tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Hiện tại, dù chưa có con số hủy hợp đồng chi tiết của toàn thị trường, nhưng tại mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đều có thống kê riêng.
Chẳng hạn, tại Dai-ichi Life Việt Nam, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm 2019 là khoảng 72%. Hãng bảo hiểm này đặt mục tiêu năm 2020 đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng lên khoảng 80%.
Hanwha Life Việt Nam cũng có tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm 2019 là 72%, tăng cao so với năm 2018. Ở Chubb Life Việt Nam, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khoảng hơn 80%…
Được biết, cách tính tỷ lệ duy trì hợp đồng hiện nay chưa có sự thống nhất, mà mỗi doanh nghiệp tính theo một cách khác nhau.
Tỷ lệ hủy hợp đồng đang được tính theo 2 cách: Sau tháng thứ 13 hoặc sau tháng 24-25 (tức là sau năm thứ nhất hay năm thứ 2) và cũng chưa thống nhất tính tỷ lệ hủy hợp đồng trên số đầu hợp đồng hay tính trên số tiền, số phí…
Được biết, IAV đang cùng với các chuyên gia tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm bàn thảo nhằm tìm ra phương án thích hợp nhất.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện một số doanh nghiệp nhìn nhận, tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bình quân theo phí đóng năm thứ 2, thứ 3 tại Việt Nam hiện nay ước duy trì từ 70-80%, các năm tiếp theo từ 85-90%.
Theo IAV, hiện có 2 dạng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ biến: Một là bị ép để mua chứ thực sự chưa hiểu hợp đồng, buộc phải mua để được thỏa mãn điều kiện nào đó (đây là những hợp đồng chủ yếu được bán qua kênh bancassurance).
Hợp đồng bảo hiểm mua ở dạng này thì thường kết thúc khi hết năm thứ nhất vì kỳ phí tiếp theo khách hàng sẽ không đóng phí nữa; hai là mua bảo hiểm do quen biết, nể nang người quen bán bảo hiểm nên khách hàng cũng chưa thực sự hiểu hợp đồng.
Trong khi đó, việc tư vấn bảo hiểm cũng chưa “đến nơi, đến chốn” các quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như chưa tư vấn chính xác mức phí đóng bảo hiểm và khả chi trả của khách hàng.
Mức phí đóng bảo hiểm có thể quá khả năng chi trả thường xuyên của khách hàng, vì vậy, sau một thời gian không trụ được, khách hàng đành phải hủy hợp đồng…
“Chỉ có 2 dạng này là hủy nhiều, còn lại khách hàng nào đã có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ thực sự thì ít khi hủy, vì việc hủy hợp đồng trong 2 năm đầu là khách hàng sẽ bị thiệt hại”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành, mức phí đóng bảo hiểm phù hợp chỉ nên từ 10-15%/năm thu nhập ổn định của gia đình và số tiền bảo hiểm của hợp đồng phải tương ứng với 10-15 năm thu nhập của người trụ cột để đảm bảo sự bù đắp kịp thời và đầy đủ cho gia đình.
Không nên tham gia quá cao bởi mức phí quá cao sẽ làm ảnh hưởng tới việc chi tiêu trong gia đình, phí cao sẽ làm bảo hiểm nhân thọ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình, rất khó để có thể theo được nhiều năm đóng phí.
Người tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng nên ưu tiên cho người trụ cột, người tạo ra thu nhập chính trong gia đình, sau đó tới những người tạo thu nhập phụ, rồi mới tới trẻ em…
Trở lại câu chuyện sớm thống nhất và công khai cách tính tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán trước đó, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ cho rằng, tỷ lệ duy trì hợp đồng ở các kênh bán hàng đại lý hay bancassurance phụ thuộc vào chính người bán bảo hiểm (đại lý hoặc nhân viên ngân hàng).
Bởi suy cho cùng, mối quan hệ của khách hàng có tốt hay không, người bán hàng và chăm sóc khách hàng có vai trò vô cùng quan trọng.
Mối quan hệ này càng tốt thì tỷ lệ duy trì hợp đồng càng cao. Vị CEO này cũng mong muốn sớm thống nhất cách tính và công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng hàng năm, bởi đây là thước đo về sự hài lòng của khách hàng đối với mỗi hãng bảo hiểm nhân thọ.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nhân đạo tại Hải Phòng
(TBTCO) – Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân Bùi Đức Tùng, có hộ khẩu thường trú tại phường Máy Chai, quận Ngô quyền, TP. Hải Phòng.
Được biết, nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông xảy ra vào 19 giờ ngày 4/3/2019, xe gây tai nạn bỏ chạy và đến nay cơ quan công an không tìm được xe gây tai nạn.
Tham gia buổi chi hỗ trợ nhân đạo có đại diện của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện UBND phường Máy Chai và bà Đào Thị Dung là vợ của nạn nhân. Theo đó, đại diện Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã trao số tiền nhân đạo là 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Đây là hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo thường xuyên của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới trong hơn 10 năm qua, góp phần chia sẻ nỗi đau đối với các gia đình có nạn nhân không may tử vong do xe cơ giới gây ra thuộc các trường hợp: không tìm được xe gây tai nạn, xe tham gia bảo hiểm nhưng không đủ điều kiện được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường và xe không tham gia bảo hiểm…
Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới hỗ trợ nhân đạo tại Hải Dương
(TBTCO) – Sáng ngày 29/5, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân Nguyễn Công Dương, có hộ khẩu thường trú tại thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tham gia buổi chi hỗ trợ nhân đạo có đại diện của Quỹ bảo hiểm xe cơ giới -Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện UBND xã Cẩm Điền và ông Nguyễn Công Hải cha của nạn nhân. Theo đó, đại diện Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã trao số tiền nhân đạo là 20 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Được biết, nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông xảy ra vào 23 giờ 30 phút ngày 5/7/2015 tại Km36+400 quốc lộ 5A. Xe gây tai nạn bỏ chạy đến nay cơ quan công an điều tra không tìm được xe gây tai nạn.
Đây là hoạt động chi hỗ trợ nhân đạo thường xuyên của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới trong hơn 10 năm qua, góp phần chia sẻ nỗi đau đối với các gia đình có nạn nhân không may tử vong do xe cơ giới gây ra thuộc các trường hợp: không tìm được xe gây tai nạn, xe tham gia bảo hiểm nhưng không đủ điều kiện được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường và xe không tham gia bảo hiểm.
ABIC tham gia hiến máu tình nguyện
(ABIC) – Hướng ứng lời kêu gọi của Đoàn thanh niên Agribank tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt hồng tuổi trẻ – Sẻ chia yêu thương” năm 2020, nhận thức được ý nghĩa to lớn của chương trình, nhằm thể hiện sự quan tâm, sẻ chia sâu sắc thông qua nghĩa cử cao đẹp – hiến máu cứu người của chương trình, sáng ngày 23/05/2020 đoàn viên thanh niên và CBNV Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) phát huy giá trị, truyền thống cao đẹp, giàu lòng nhân ái của người Việt Nam, đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng chương trình.
Chương trình hiến máu tình nguyện của Đoàn thanh niên ABIC lần này còn nhận được sự tham gia và ủng hộ của Ban lãnh đạo ABIC, Trưởng/Phó Phòng tại TSC, nhằm thể hiện tinh thần tiên phong, nêu cao tấm gương của tinh thần tương thân tương ái vì cuộc sống của cộng đồng.
Thông qua hoạt động, Đoàn thanh niên Agribank và ABIC mong muốn nêu cao và lan tỏa tinh thần đoàn kết, giá trị nhân ái và sự chia sẻ đến toàn thể đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ nhân viên ABIC.
- Tin quốc tế
Mỹ: Nhà lập pháp đề xuất Đạo luật bảo hiểm rủi ro đại dịch
(AIR) – Nữ nghị sĩ Carolyn Maloney, thành viên cấp cao của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Hoa Kỳ, đã tham gia với nhiều bên liên quan để giới thiệu Đạo luật Bảo hiểm Rủi ro Đại dịch năm 2020 (PRIA). Đạo luật này sẽ tạo ra Chương trình Tái bảo hiểm rủi ro đại dịch – một hệ thống bồi thường chung và riêng cho các tổn thất gián đoạn kinh doanh do các đại dịch trong tương lai hoặc các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
PRIA thể hiện một bước quan trọng trong nỗ lực phòng ngừa của Quốc hội Hoa Kỳ để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch trong tương lai bằng cách yêu cầu các công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm gián đoạn kinh doanh bảo vệ cho rủi ro đại dịch, đồng thời xây dựng Chương trình Tái bảo hiểm rủi ro đại dịch để đảm bảo có đủ năng lực bù đắp tổn thất và bảo vệ nền kinh tế trước nguy cơ về sự phục hồi của dịch COVID-19 và các đại dịch khác trong tương lai.
Giống như Đạo luật Bảo hiểm Rủi ro Khủng bố (TRIA), Chính phủ liên bang sẽ đóng vai trò là điểm tựa để duy trì sự ổn định trên thị trường và chia sẻ gánh nặng cùng với khu vực bảo hiểm tư nhân.
Nữ nghị sĩ Maloney nói: “Hàng triệu doanh nghiệp nhỏ, phi lợi nhuận, cửa hàng mẹ và con, nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác đang bị bỏ rơi và sẽ không bao giờ có thể phục hồi tài chính từ cuộc khủng hoảng Corona vì hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh của họ không bảo vệ cho rủi ro đại dịch”.
“Chúng tôi không thể cho phép điều này xảy ra lần nữa. Người sử dụng lao động và người lao động cần biết rằng họ sẽ được bảo vệ trước đại dịch trong tương lai, đó là lý do tại sao tôi đưa ra Đạo luật Bảo hiểm Rủi ro Đại dịch”.
Trung Quốc: hệ sinh thái mới của tiếp thị bảo hiểm hậu COVID-19
(AIR) – Do ảnh hưởng của đại dịch Corona mới nên việc chuyển đổi mô hình tiếp thị của các đại lý bảo hiểm Trung Quốc đã trở nên đặc biệt sâu sắc.
Trong khi các kênh bán hàng trực tiếp của các đại lý bảo hiểm đã bị gián đoạn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các phương thức tiếp thị trực tuyến đã mở ra những cơ hội tăng trưởng mới. Đổi lại, nhiều công ty bảo hiểm lớn ở Trung Quốc đang điều chỉnh mô hình kinh doanh trở thành một mô hình tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến.
Trong phần tiếp thị trực tuyến, ngoài các kênh chính thức của công ty bảo hiểm, các kênh khác như TikTok và phát trực tiếp, các video dạng ngắn trên các nền tảng khác nhau đã xuất hiện trong năm nay.
Theo báo cáo do Đại học Fudan công bố, tính đến tháng 5 năm 2020, đã có 70.000 video liên quan đến bảo hiểm trên nền tảng TikTok, được người dùng phát 2,1 tỷ lần.
“Ngay cả khi đại dịch kết thúc trong tương lai, mô hình tiếp thị tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài”, đó là nhận định của Tổng giám đốc Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc Thái Bình Dương Pan Yanhong tại cuộc họp báo báo cáo thường niên của công ty.
Bản báo cáo cũng cho biết, với sự thức tỉnh của nhu cầu của người tiêu dùng trong đại dịch, một hệ sinh thái tiếp thị bảo hiểm mới đã xuất hiện. Theo hệ sinh thái mới này, nhu cầu của người tiêu dùng là cốt lõi và thông qua việc trao quyền cho các đại lý bảo hiểm, các công ty bảo hiểm có cơ hội mới để đáp ứng nhu cầu bảo vệ ngày càng tăng và đa dạng của người tiêu dùng.
Philippines: ít trường hợp bồi thường COVID-19 do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp
(AIR) – Mặc dù đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm virus Corona, song các công ty bảo hiểm nhân thọ ở nước này mới chỉ nhận được một vài yêu cầu bồi thường do COVID-19. Theo tờ báo Daily Inquirer, điều này phản ánh mức độ thâm nhập bảo hiểm thấp.
Chẳng hạn, Giám đốc Marketing Leonardo Tan của AIA Philam Life, đến nay công ty mới chỉ chi trả cho 10 trường hợp rủi ro liên quan đến COVID-19. Ông cho biết, các trường hợp này hầu hết là những người cao tuổi thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giới giàu có.
“Phần lớn các trường hợp bồi thường cho rủi ro tử vong. Về mặt kỹ thuật, đây không phải là một đại diện thực sự của kịch bản thực tế vì chúng tôi chỉ nhận được một số ít yêu cầu bồi thường và danh mục sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của công ty còn khá mới”, ông Tan nói.
Trong khi đó, ông Benedict Sison, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Philippines và là Tổng Giám đốc Sun Life Philippines, nói với Inquirer tuần trước rằng không có gia tăng về yêu cầu bồi thường tử vong mặc dù một số công ty bảo hiểm nhân thọ có bảo hiểm cho rủi ro tử vong do COVID-19 gây ra cũng như đưa ra các hợp đồng chi trả viện phí trong trường hợp người được bảo hiểm bị ảnh hưởng bởi virus Corona.
Ông lưu ý rằng lý do chính của tình trạng này có thể là không phải tất cả bệnh nhân Corona đều có bảo hiểm vì Philippines được biết đến là một thị trường có mức độ xâm nhập thấp về bảo hiểm cá nhân.
“Nhiều người dân Philippines không nhận thức được lợi ích của bảo hiểm và đầu tư thông qua bảo hiểm hoặc không coi đó là ưu tiên hàng đầu”, ông nói.
Tuy nhiên, ông đã quan sát thấy rằng nhiều người Philippines hiện đang nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc có bảo hiểm, điều đó có nghĩa là các công ty bảo hiểm có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ để giúp họ an toàn về mặt tài chính trong khi đại dịch đang diễn ra.
Đại dịch có thể thúc đẩy 83 triệu người Mỹ mua bảo hiểm nhân thọ
(AIR) – Một cuộc khảo sát gần đây của ValuePenguin đã phát hiện ra rằng những lo lắng về việc lái xe an toàn cá nhân làm tăng sự quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ, đồng thời đại dịch Corona đã cho thấy nhiều rủi ro trong cuộc sống gần như không được chuẩn bị như chúng ta nghĩ.
Cuộc khảo sát cho thấy khi được hỏi liệu tình trạng virus Corona có ảnh hưởng đến khả năng mua bảo hiểm nhân thọ của họ hay không, 25% người tiêu dùng đồng ý rằng có nhiều khả năng làm như vậy, trong số đó tỷ lệ nam giới đồng ý nhiều hơn phụ nữ.
Khoảng 69% những người trả lời tích cực là nam giới, những người này cũng chiếm 38% tổng số nam giới tham gia khảo sát. Trong khi đó, chỉ có 14% phụ nữ cho biết họ có nhiều khả năng mua bảo hiểm do đại dịch.
Những khác biệt về giới có thể do một số yếu tố. Một lý do có thể là trong khi ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận vai trò trụ cột chính, 59% hộ gia đình Mỹ vẫn có một thành viên nam trong gia đình kiếm được ít nhất một nửa thu nhập của hộ gia đình. Dựa trên điều này, sự quan tâm cao hơn đối với bảo hiểm nhân thọ ở nam giới có thể là do nam giới có thể có một phần thu nhập gia đình lớn hơn để bảo vệ.
Ông Chris Moon, Giám đốc sản phẩm của ValuePenguin, cho biết: “Sự khác biệt trong quan điểm về virus Corona và bảo hiểm nhân thọ cũng tồn tại giữa các chủ hợp đồng hiện tại và những người không có bảo hiểm. Những người đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều khả năng sẽ mua thêm bảo hiểm vì đại dịch (39%) so với những người không có bảo hiểm tại thời điểm này (20%)”.
Kết quả khảo sát cho thấy nhiều người muốn có bảo hiểm nhân thọ vì COVID-19, nhưng họ cũng tiết lộ rằng một số lượng đáng kể không có nhiều thông tin về cách thức hoạt động của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong khi 65% số người được hỏi cho biết họ đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chỉ có khoảng 60% cho rằng họ là “rất quen thuộc” với những gì bảo hiểm nhân thọ thực hiện.
Bên cạnh đó, 33% người dân nói rằng họ biết một chút về vấn đề này trong khi 9% không thực sự biết bảo hiểm nhân thọ làm gì. Sự thiếu hiểu biết tương đối này có thể là vấn đề, do sự đa dạng của các loại hợp đồng bảo hiểm và quyền lợi khách hàng được hưởng từ các hợp đồng đó.
Bổ nhiệm người đứng đầu ngành bảo hiểm Đài Loan
(AIR) – Tiến sĩ Thomas Huang vừa được bổ nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Đài Loan (FSC) hồi tuần trước.
Ông chỉ ra sáu lĩnh vực sẽ có các hướng dẫn mới từ FSC vào cuối tháng 8, bao gồm: quản trị doanh nghiệp, khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, tài chính xanh, FinTech, lĩnh vực ủy thác và bảo mật thông tin tài chính.
Tại một cuộc họp báo gần đây, Tiến sĩ Huang nhận định: “Quản trị doanh nghiệp đã được cải thiện về mặt tuân thủ và công bố thông tin cổ phần, nhờ những nỗ lực của cựu Chủ tịch Wellington Koo. Đã đến lúc chuyển sang giai đoạn tiếp theo để tập trung vào vai trò của các công ty đối với sự phát triển bền vững”.
Ông cho biết, FSC cũng sẽ đưa ra chính sách khuyến khích các công ty tăng cường tài chính xanh và áp dụng Nguyên tắc Xích đạo – một bộ hướng dẫn tự nguyện để các công ty đánh giá rủi ro môi trường trong tài chính.
Theo Tiến sĩ Huang, Ủy ban sẽ xem xét lại khung pháp lý thí điểm (regulatory sandbox) và có thể thực hiện một số thay đổi về quy định để cho phép nhiều công ty khởi nghiệp hoặc công nghệ sử dụng khung pháp lý thí điểm này hơn. Ông cũng cho biết rằng sẽ tổ chức một cuộc họp với đại diện của ngành công nghệ vào tháng tới .
Ông nhận định, FSC sẽ theo kịp các tiêu chuẩn toàn cầu cho ngành bảo hiểm bằng cách giới thiệu Tiêu chuẩn vốn bảo hiểm (ICS) phiên bản 2.0 tại Đài Loan.
FSC sẽ yêu cầu tất cả các công ty bảo hiểm đánh giá lại tài sản và nợ của mình dựa trên phiên bản ICS 2.0 từ năm nay đến năm 2024, sau đó sẽ xác định có thực hiện các tiêu chuẩn toàn cầu ở mức sửa đổi vừa phải hay không.
“Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Đài Loan, trong khi một số công ty bảo hiểm địa phương cũng sẽ mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á. Điều này sẽ có lợi cho họ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế”, ông nói.
Đối với đại dịch Corona, Tiến sĩ Huang khẳng định FSC sẽ tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm: liệu nhân viên trong ngành bảo hiểm có an toàn và khỏe mạnh hay không; liệu hoạt động của các công ty bảo hiểm có còn bình thường hay không và liệu hoạt động của họ có hữu ích cho sự ổn định thị trường hay không?
AXA XL giới thiệu nền tảng quản lý rủi ro cho khách hàng xây dựng
(DIN) – AXA XL vừa cho ra mắt Hệ sinh thái xây dựng, một nền tảng dữ liệu và phân tích cho các khách hàng của mình trong lĩnh vực xây dựng để quản lý rủi ro chặt chẽ hơn.
AXA XL cho biết, công nghệ xây dựng là một lĩnh vực đang phát triển của lĩnh vực khởi nghiệp nhưng các nhà quản lý trang web thiếu thời gian để kiểm tra đầy đủ các dịch vụ trên thị trường. Để giúp đỡ, nền tảng này sẽ giám sát và tổng hợp dữ liệu từ một số đối tác công nghệ bao gồm:
- Sedgwick cho điểm chuẩn yêu cầu
- Phân tích Athenium để phân tích rủi ro thời tiết và điểm chuẩn ngành
- SmartVid.io cho các phân tích dự đoán trang web việc làm
- Pillar Technologies cung cấp cảm biến, thu thập và cảnh báo dữ liệu môi trường
- Triax, nhà cung cấp công nghệ cảm biến đeo được cho công nhân
- OnSite IQ cung cấp khả năng thu thập dữ liệu trực quan và
- WINT (Water Intelligence) để phát hiện rò rỉ nước bằng IoT và AI
Ông Gary Kaplan, Chủ tịch Bảo hiểm xây dựng AXA XL Bắc Mỹ, nói: “Công ty đã kết hợp các công nghệ mà chúng tôi tin rằng sẽ có tác động giảm rủi ro đáng kể cho khoản đầu tư và giúp khách hàng bảo vệ hiệu quả hơn con người, dự án và lợi nhuận của mình để có thể triển khai hoạt động xây dựng và xây dựng lại thành công tại Bắc Mỹ”.
Những khách hàng đầu tiên sẽ có quyền truy cập vào Hệ sinh thái vào tháng 6. Đồng thời, việc triển khai sẽ tiếp diễn trong suốt phần còn lại của năm 2020.
Bảo hiểm Root ra mắt nền tảng hỗ trợ khách hàng bên đường
(DIN) – Root Insurance, một công ty khởi nghiệp bảo hiểm ô tô dựa trên thực tế sử dụng của khách hàng, đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ bên đường trên cơ sở hợp tác với công ty insurtech Agero.
Chương trình hỗ trợ bên đường là một thành phần tiêu chuẩn của mọi hợp đồng bảo hiểm tại Root, bao gồm khả năng yêu cầu dịch vụ trực tiếp từ ứng dụng di động Root, bản đồ nơi đặt xe của khách hàng và theo dõi xe tải dịch vụ.
Cô Sarah Woods, giám đốc sản phẩm của Root, cho biết: Mặc dù chương trình này đã được Root cung cấp ngay từ đầu, nhưng việc triển khai ban đầu đòi hỏi nhiều tương tác thủ công không đảm bảo đúng lời hứa của Root về một trải nghiệm kỹ thuật số đầu cuối.
“Khách hàng đã phải thực hiện thêm một số thao tác để đảm bảo rằng họ sẽ nhận được lợi ích từ phạm vi bảo hiểm đó”, cô nói. Quan hệ đối tác, được ra mắt khoảng một năm trước, “đã tạo ra một trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch”, cô Woods chia sẻ.
Công ty Agero có trụ sở tại Boston chuyên cung cấp nền tảng Swoop là một nền tảng điều phối dựa trên web được xây dựng năm 2018. Công ty cung cấp các yêu cầu định tuyến dựa trên API và cung cấp bảng điều khiển và số liệu để phân tích.
Công ty Root có trụ sở tại Columbus, sử dụng ứng dụng di động của mình để theo dõi hiệu suất lái xe và đưa ra mức phí bảo hiểm được cá nhân hóa. Với mức định giá hơn 3 tỷ đô la, đây là một trong số ít các công ty khởi nghiệp “unicorn” có giá trị hơn 1 tỷ đô la. Công ty thành lập vào năm 2015 và đến nay đã có hai triệu chủ hợp đồng ở 30 tiểu bang.
Australia: 4 thảm họa thiên nhiên mùa hè gây thiệt hại bảo hiểm hơn 3,44 tỷ USD
(IJN) – Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) cho biết, chi phí bồi thường bảo hiểm cho bốn thảm họa tự nhiên trong mùa hè 2019-2020 tại nước này đã vượt trên 5,19 tỷ đô la Úc (3,44 tỷ đô la Mỹ).
Hàng ngàn khiếu nại mới và đánh giá tổn thất tài sản đã đẩy tổng số yêu cầu bồi thường lên hơn 288.100, với hơn 15.000 yêu cầu mới trị giá 270 triệu đô la Úc (178,9 triệu đô la Mỹ) chỉ trong bốn tuần qua.
Ông Campbell Fuller, Trưởng phòng truyền thông của ICA, cho biết: “Các công ty bảo hiểm đã trả hơn 2,85 tỷ đô la Úc (1,89 tỷ đô la Mỹ) cho chỗ ở khẩn cấp, gián đoạn kinh doanh, sửa chữa và xây dựng lại, thay thế xe cơ giới và hàng hóa, dịch vụ và định cư. Điều này bất chấp tác động lan rộng của mùa thảm họa thiên nhiên và hiệu ứng tiêu cực của COVID-19”. (Tháng hè Úc từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau).
“Yêu cầu bảo hiểm từ bốn thảm họa bão, cháy rừng và mưa đá chiếm tới gần 50% yêu cầu bồi thường được các công ty bảo hiểm giải quyết – một con số lớn bất thường cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những thảm họa này”, ông nói thêm.
Đại dịch COVID-19 đã được ICA tuyên bố là thảm họa vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. ICA cho biết ngành bảo hiểm hiện đang đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng đối với các khiếu nại và khách hàng.
Phân loại của ICA về các thảm họa tự nhiên như sau:
– Mùa cháy rừng ở Úc (New South Wales, Queensland, South Australia & Victoria) được ICA tuyên bố là thảm họa vào ngày 8 tháng 11 năm 2019. Ước tính thiệt hại bảo hiểm là 2,32 tỷ đô la Úc (1,54 tỷ đô la Mỹ), với 38.181 yêu cầu bồi thường.
– Mưa đá vùng Đông Nam Queensland được tuyên bố là thảm họa vào ngày 17 tháng 11 năm 2019. Thiệt hại bảo hiểm ước tính là 451 triệu đô la Úc (298,9 triệu đô la Mỹ), với 28.642 yêu cầu bồi thường.
– Mưa đá tháng giêng (ảnh hưởng đến Victoria, Lãnh thổ thủ đô Úc, New South Wales và Queensland) được tuyên bố là thảm họa vào ngày 19 tháng 1 năm 2020. Ước tính thiệt hại bảo hiểm là 1,525 tỷ đô la Úc (1,01 tỷ đô la Mỹ) với 124.693 yêu cầu bồi thường.
– Bão và lũ lụt ở Bờ Đông được tuyên bố thảm họa vào ngày 10 tháng 2 năm 2020. Ước tính thiệt hại bảo hiểm là 896 triệu đô la Úc (593,8 triệu đô la Mỹ) với 96.594 yêu cầu bồi thường.
BTV (Tổng hợp).