Manulife Việt Nam đã giải quyết xong gần 60% khiếu nại; Đại biểu Quốc hội đề nghị thanh tra toàn diện ngành bảo hiểm; Sun Life Hồng Kông ra mắt eSunPro
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
ABIC chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tài khoản
(ABIC) – Vừa qua, Bảo hiểm Agribank Hà Nội (ABIC Hà Nội) phối hợp Agribank huyện Kim Bôi tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tài khoản cho khách hàng Bùi Thị Hồng Thắm, xã Xuân Thuỷ (Kim Bôi). Đây là loại hình bảo hiểm mới được ABIC Hà Nội triển khai khi khách hàng bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản Agribank.
Theo đó, trong quá trình sử dụng mạng xã hội bà Bùi Thị Hồng Thắm bị đối tượng giả mạo danh tính lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản của bên thứ 3. Do tin tưởng, bà Thắm đã thực hiện 2 giao dịch chuyển khoản từ Agribank, 1 giao dịch số tiền 1,68 triệu đồng và 1 giao dịch 9 triệu đồng. Sau khi thực hiện chuyển tiền, bà Thắm phát hiện mình bị lừa nên đã trình báo Công an xã Xuân Thủy. Bà Thắm cũng không thể liên lạc lại được với kẻ lừa đảo. Vì có tham gia bảo hiểm Bảo an tài khoản nên bà Thắm đã thông báo cho bảo hiểm Agribank.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, ABIC Hà Nội đã tiến hành xác minh và tiến hành các thủ tục bồi thường. Theo quy tắc bảo hiểm Bảo an tài khoản, sau khi trừ số tiền miễn thường, bà Bùi Thị Hồng Thắm được chi trả 10,104 triệu đồng.
Cũng tại buổi lễ chi trả, đại diện lãnh đạo Agribank huyện Kim Bôi và ABIC Hà Nội đã thông tin cảnh báo đến khách hàng về hình thức lừa đảo để khách hàng có giao dịch an toàn.
Được biết, sản phẩm bảo hiểm Bảo an tài khoản được bảo hiểm ABIC mở bán từ tháng 3/2023. Tại địa bàn tỉnh đến nay có hơn 500 khách hàng tự nguyện tham gia.
- Một vòng doanh nghiệp
“Quà tưng bừng, mừng sinh nhật” – gần 1.900 quà tặng dành cho khách hàng của Bảo Việt Nhân thọ
(TBTCO) – Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 27, Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình khuyến mại lớn nhất năm 2023 “Quà tưng bừng – Mừng sinh nhật”, trao tặng gần 1.900 giải thưởng ý nghĩa, với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng tới các khách hàng trên cả nước, đồng hành cùng các gia đình xây dựng cuộc sống hạnh phúc và bình an.
Trong văn hóa của người Việt, gia đình luôn là một trong những điều quan trọng nhất, là điểm tựa đem lại cảm giác bình yên và ấm áp. Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống hối hả nhiều lo toan càng khiến mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn giá trị và ý nghĩa của gia đình, từ đó mong muốn bảo vệ, chăm lo cho gia đình mình một cách chu toàn nhất.
Là thương hiệu bảo hiểm quốc gia, hơn ai hết, Bảo Việt Nhân thọ thấu hiểu những mong ước đó và luôn nỗ lực đem đến những giải pháp tài chính, dịch vụ tận tâm, trở thành tấm lá chắn vững vàng cho tương lai vẹn toàn của các gia đình Việt. Chào tháng 6 rực rỡ, đồng thời lan tỏa tinh thần sống khỏe, sống chủ động, Bảo Việt Nhân thọ triển khai chương trình khuyến mại lớn nhất năm “Quà tưng bừng – Mừng sinh nhật “, trao tặng gần 1.900 giải thưởng ý nghĩa: 1.800 vali Y-ROAD Travel 20 inch, 30 tivi Samsung 65 inch và 18 xe máy Yamaha Janus phiên bản tiêu chuẩn với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Thông qua chương trình, Bảo Việt Nhân thọ mong muốn đem đến những giải pháp bảo vệ toàn diện và cơ hội sở hữu những phần quà ý nghĩa cho các khách hàng, đồng hành cùng các gia đình Việt trong việc xây dựng cuộc sống ấm no, an bình và thịnh vượng. Chương trình diễn ra từ ngày 01/06/2023 đến hết ngày 30/08/2023, là lời tri ân đặc biệt của Bảo Việt Nhân thọ dành cho khách hàng trên toàn quốc nhân kỷ niệm 27 năm tiên phong khai mở thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Được thành lập từ năm 1996, Bảo Việt Nhân thọ là thương hiệu bảo hiểm nhân thọ đầu tiên, đặt nền móng cho ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Trải qua 27 năm dựng xây và phát triển, đến nay, Bảo Việt Nhân thọ đã xây dựng được mạng lưới vững chắc với 76 công ty thành viên, hơn 400 văn phòng giao dịch phủ rộng đến tận tuyến huyện và xã trên cả nước.
Thông qua những sản phẩm bảo hiểm ngày càng ưu việt và chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, Bảo Việt Nhân thọ đã phục vụ cho gần 18 triệu lượt khách hàng, bảo vệ và hoạch định tài chính cho hàng triệu các gia đình Việt. Công ty đã chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 66.000 tỷ đồng, đóng góp hiệu quả vào ngân sách Nhà nước, đồng thời đầu tư trở lại nền kinh tế gần 145.000 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Luôn hoạt động vì lợi ích của người Việt, Bảo Việt Nhân thọ đã tích cực triển khai nhiều chương trình cộng đồng ý nghĩa, chung tay cùng người dân xây dựng cuộc sống khỏe mạnh, hướng tới tương lai tươi đẹp, hạnh phúc, bình an. “Quỹ xe đạp chở ước mơ” của Bảo Việt Nhân thọ đã trao tặng gần 33.000 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo hiếu học trên khắp mọi miền của tổ quốc. Hơn 15.000 người dân nghèo và gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng đã được khám bệnh miễn phí và trao tặng những phần quà ý nghĩa.
Chương trình Ngày Quốc tế Yoga được tổ chức thường niên đã lan tỏa tinh thần sống khỏe, sống xanh, sống an lạc tới hàng triệu người dân trên cả nước. Bảo Việt Nhân thọ cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên đóng góp số tiền lớn nhất là 30 tỷ đồng vào quỹ Vaccine phòng chống Covid – 19, chung tay cùng Chính phủ và người dân đẩy lùi dịch bệnh.
Năm 2023, với những cố gắng và đóng góp tích cực, Bảo Việt Nhân thọ đã vinh dự nhận được hai giải thưởng quốc tế “Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất cho gia đình Việt Nam 2023″ và “An Khang Hạnh Phúc – Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam 2023” do Global Banking and Finance Review trao tặng. Trước đó, Bảo Việt Nhân thọ đã được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022; 6 năm dẫn đầu “Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín Việt Nam”; được bình chọn là “Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam năm 2022”, “Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đổi mới vượt bậc Việt Nam 2022” và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Không ngừng nỗ lực phát triển theo dòng chảy của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đồng thời phát triển thương hiệu gần gũi và tận tụy với khách hàng, Bảo Việt Nhân thọ sẽ tiếp tục khẳng định vị thế thương hiệu bảo hiểm quốc gia trong ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Gửi lời tri ân cùng món quà ý nghĩa dành tặng cha mẹ
(TBTCO) – Nhân dịp chào mừng Tháng của mẹ và Tháng của cha, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir (MAP Life) giới thiệu chương trình khuyến mại đặc biệt cho tất cả khách hàng khi mua bảo hiểm trực tuyến từ ngày 31/5/2023 đến hết ngày 31/7/2023, cùng bạn trao gửi lời tri ân tới những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và yêu thương ta suốt cả cuộc đời.
Khi được hỏi về món quà yêu thích của mình, có người sẽ muốn mua xe, mua quần áo, đồng hồ, túi xách,… Nhưng nếu hỏi “Cha mẹ muốn được tặng quà gì?”, chắc hẳn câu trả lời quen thuộc nhất vẫn là “Cha/mẹ chẳng cần gì đâu, con cứ để đó mà dùng”.
Cha mẹ đã dành tặng cho chúng ta cả một đời tần tảo, che chở ta khỏi mọi bão giông để ta lớn lên và phát triển trong bình yên, hạnh phúc mà không cần bất kỳ hồi báo nào. Sự hy sinh ấy khiến họ có thói quen từ bỏ những điều mình yêu thích để san sẻ bớt gánh nặng cho con cháu. Do vậy, để lựa chọn một món quà đủ ý nghĩa, sâu sắc mà vẫn mang tính ứng dụng cao dành cho cha mẹ không phải một điều đơn giản.
Đối với MAP Life, món quà ý nghĩa nhất chính là một món quà được gửi gắm cùng tình yêu thương và sự quan tâm chân thành. Đó là khi lời tri ân không cần phải nói thành lời, nhưng vẫn có thể được cảm nhận từ tận trái tim. Việc bảo vệ người thân bằng những giải pháp bảo hiểm là một cách thể hiện sự quan tâm với người mình yêu thương. Đặc biệt, điều này càng thuận lợi hơn khi việc tham gia bảo hiểm đã được hỗ trợ bằng các phương tiện công nghệ. Nền tảng bán hàng trực tuyến của MAP Life cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông minh, phù hợp với mọi nhu cầu bảo vệ sức khỏe của khách hàng trong từng giai đoạn của cuộc sống. Với thao tác mua hàng đơn giản, thủ tục nhanh chóng và mức phí hợp lý, khách hàng hoàn toàn có thể chủ động trang bị cho bản thân và gia đình giải pháp bảo vệ mọi lúc, mọi nơi.
Dành tặng bảo hiểm nhân thọ, bảo vệ chu toàn trước các rủi ro của cuộc sống không chỉ là một món quà chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người thân yêu, mà còn là tấm lá chắn giúp đảm bảo nguồn tài chính của gia đình, tạo nền móng vững chãi cùng khách hàng vững tin xây dựng tương lai tốt đẹp.
Từ ngày 31/5/2023 đến hết ngày 31/7/2023, khách hàng mua bảo hiểm trực tuyến tại: https://digital.map-life.com.vn/MAP với mức đóng phí bảo hiểm chỉ từ 500.000 đồng sẽ nhận được quà tặng hấp dẫn. Cụ thể: E-Voucher trị giá 200.000 đồng với phí bảo hiểm thực nộp từ 500.000 đồng đến dưới 800.000 đồng; E-Voucher trị giá 400.000 đồng, với phí bảo hiểm thực nộp từ 800.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng; E-Voucher trị giá 500.000 đồng, với phí bảo hiểm thực nộp từ 1.000.000 đồng đến dưới 1.500.000 đồng; máy tạo độ ẩm Xiaomi Deerma F628S, với phí bảo hiểm thực nộp từ 1.500.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng; máy tạo độ ẩm Xiaomi Deerma F628S và E-Voucher trị giá 300.000 đồng, với phí bảo hiểm từ 2.000.000 đồng trở lên…
Manulife Việt Nam đã giải quyết xong gần 60% khiếu nại
(ĐTCK) – Manulife Việt Nam cho biết, kể từ khi ra thông báo đối thoại trực tiếp về việc giải quyết khiếu nại của khách hàng SCB vào ngày 26/4, tính đến nay, Manulife Việt Nam đã hoàn tất xử lý gần 60% các khiếu nại và hiện đang giải quyết 40% các khiếu nại còn lại.
Cùng với việc tập trung giải quyết các khiếu nại của khách hàng SCB tham gia sản phẩm bảo hiểm “Tâm An Đầu Tư” doanh nghiệp bảo hiểm này cũng đã thuê các chuyên gia độc lập cùng tham gia vào quá trình đánh giá các khiếu nại để đảm bảo kết quả giải quyết khiếu nại là hợp pháp, khách quan và thấu đáo cho khách hàng. Bên cạnh đó, công ty cũng dành 2 văn phòng chuyên trách để phục vụ và tiếp các khách hàng SCB có khiếu nại.
Ông Sachin N.Shah, Chủ tịch HĐTV Manulife Việt Nam cam kết, Manulife Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của khách hàng SCB. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy, thời gian qua, dù hãng bảo hiểm đã nỗ lực tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn có những khách hàng tập trung đông người tại trụ sở chính của Manulife để gây sức ép.
Theo ông Sachin N.Shah, Manulife đã nỗ lực xem xét các khiếu nại một cách nhanh nhất có thể. Dù vậy, quá trình giải quyết khiếu nại cần nhiều thời gian để điều tra và đánh giá kỹ lưỡng do tình hình đặc biệt của ngân hàng SCB cũng như để ngăn chặn các hiện tượng trục lợi. Công ty nhận thấy một số khách hàng sẽ không hài lòng khi nhận được quyết định từ chối của công ty.
“Chúng tôi luôn lấy khách hàng làm trung tâm và đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả các khách hàng tham gia bảo hiểm và các bên liên quan. Chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với từng khách hàng, giải thích chi tiết về quyết định của chúng tôi và thực hiện các bước tiếp theo nếu có”, ông Sachin N.Shah cho biết.
Liên quan đến vấn này, ngày 3/6, Người phát ngôn Bộ Công an cũng đã lưu ý: Khách hàng có đơn khiếu nại, tố cáo đến trực tiếp các điểm tiếp nhận đơn của Manulife để gửi đơn, không tụ tập đông người, gây mất trật tự; Nghiêm cấm các cá nhân không có liên quan tụ tập, lôi kéo gây mất an ninh; Giao chính quyền, công an địa phương phối hợp với Manulife và các tổ chức khác đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm nhận đơn.
Được biết, trung bình mỗi tháng, Manulife Việt Nam chi trả hơn 42.000 yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Việc hủy bỏ hợp đồng trước hạn sẽ gây thiệt hại về các quyền lợi tích luỹ và bảo vệ mà khách hàng đã xây dựng trước đó. Do đó, các khách hàng hiện hữu không nên lo lắng hoặc bị ảnh hưởng bởi những tin đồn không chính xác và điều quan trọng là khách hàng nên xem xét kỹ lưỡng các ảnh hưởng tài chính tiềm tàng, trước khi quyết định hủy hợp đồng bảo hiểm.
Theo Manulife, Công ty này luôn đảm bảo duy trì nguồn lực tài chính mạnh mẽ, với biên khả năng thanh toán vượt xa mức yêu cầu theo luật định để thực hiện cam kết với khách hàng của mình.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Đại biểu Quốc hội đề nghị thanh tra toàn diện ngành bảo hiểm
(Vnexpress) – Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị thanh tra và làm rõ có hay không dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng trong tư vấn bán bảo hiểm.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách sáng nay, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu những bất cập về thị trường bảo hiểm. Trong đó, bà đề cập bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.
“Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Tư pháp nêu.
Với các công ty bảo hiểm, bà cho rằng, họ cần rà soát lại các khâu thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký hợp đồng và giải quyết khiếu nại khách hàng.
Kiến nghị của đại biểu Quốc hội nêu trong bối cảnh nhiều vụ việc phản ánh, kiện của người mua bảo hiểm nhân thọ và các công ty bán sản phẩm này vừa qua khiến người mua bất an.
Bà phân tích, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dày cả trăm trang với điều khoản, mà sự thua thiệt chủ yếu nằm ở phía người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm.
“Ngay chuyên gia tài chính, pháp luật cũng gặp khó khăn khi tiếp cận hợp đồng bảo hiểm. Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu 70% nội dung hợp đồng. Có đọc kỹ tới mấy cũng không hiểu nổi độ linh hoạt của nội dung hợp đồng bảo hiểm”, bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức một phần tiền của khách hàng được các hãng dùng để đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu nên càng phức tạp.
Trong khi đó, đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm – khâu mấu chốt dẫn tới những tranh chấp, kiện cáo vừa qua – không ít người tư vấn mập mờ, sai lệch sản phẩm để nhanh chóng “chốt đơn”, ký hợp đồng và hưởng hoa hồng.
Theo quy định của Bộ Tài chính, tỷ lệ hoa hồng tối đa cho các tư vấn viên là 40% giá trị hợp đồng trong năm đầu tiên. Và hiện tỷ lệ này tại các công ty bảo hiểm là 30-40%. Chẳng hạn, hợp đồng bảo hiểm 100 triệu đồng, tư vấn viên sẽ được hưởng 30-40 triệu đồng trong năm đầu.
Vì thế, để đạt được doanh số, không ít tư vấn viên đã tư vấn sai lệch, khiến khách hàng nhầm tưởng mình tham gia sản phẩm sinh lợi cao, được bảo vệ sức khỏe và đền bù nếu có chuyện không may xảy ra và khi kết thúc hợp đồng nhận được toàn bộ số tiền đã đóng kèm theo khoản lời.
Song theo bà, thực tế không phải vậy. Một số sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư lợi nhuận chỉ là kỳ vọng, hoàn toàn phụ thuộc thị trường. Công ty bảo hiểm mang khoản này đi đầu tư cũng không chắc chắn mang lại lời.
Hay không ít tư vấn viên chỉ nói với khách hàng về quyền lợi họ được hưởng, không chỉ rõ những điều khoản ràng buộc, bất lợi nếu thanh lý sớm hợp đồng sớm (1-2 năm đầu sau khi tham gia) sẽ có nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng. “Đây là nguồn cơn dẫn tới bức xúc vừa qua do thiếu minh bạch trong tư vấn”, bà nhận xét.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có 3.100 đại lý bảo hiểm sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tư vấn sai hợp đồng bảo hiểm. “Tư vấn viên chưa đủ tâm, tầm mà đẩy hết trách nhiệm về người mua là không hợp lý, không hợp tình. Các công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.
Chia sẻ mới đây về thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất. “Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm. Có nghĩa, họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng đánh giá.
Ông cũng nói, thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ. Bộ trưởng cho biết nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Theo thống kê, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam là 11% dân số, trong khi Philippines là 38%, Malaysia là 50%, Mỹ 90%. Bà Thủy cho rằng, các công ty bảo hiểm cần để khách hàng tâm phục khẩu phục.
“Tham gia bảo hiểm cần sự trung thực, minh bạch ở cả hai phía thì mới mang lại lợi ích. Chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ”, bà Nguyễn Thị Thủy chốt lại.
Bộ trưởng Tài chính: ‘Bảo hiểm tăng nhanh về lượng nhưng chưa tương xứng về chất’
(Vnexpress) – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất.
Thông tin trên được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ trong bối cảnh thị trường bảo hiểm vừa trải qua “cuộc khủng hoảng về niềm tin”. Theo đó, nhiều người dân bức xúc với chất lượng tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt với kênh phân phối qua ngân hàng. Loạt người cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay. Số khác gần đây thậm chí phản ánh bị “lừa” từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ.
Ngành bảo hiểm đã phát triển hơn 25 năm tại Việt Nam và ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 20% một năm. Đây là lĩnh vực mà Bộ trưởng đánh giá có vai trò “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đồng thời là giải pháp bảo vệ tài chính cho người dân.
Về tổng thể, ông Phớc cho rằng chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp đã đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
Tuy vậy, theo ông không thể phủ nhận một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. “Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm. Có nghĩa họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp”, Bộ trưởng đánh giá.
Một số doanh nghiệp theo ông Phớc, chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về mà lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý. Điều này dẫn tới việc một số đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm.
Bộ trưởng cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc dư luận phản ánh thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm. “Thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ”, ông Phớc nói.
Theo đó, các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để cải thiện chất lượng đại lý. “Chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.
Thời gian qua, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) ngày càng có đóng góp quan trọng với thị trường, bên cạnh đại lý truyền thống. Kênh này giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận nó tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Ngành bảo hiểm phải xem lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.
Với kênh bancassurance, ông nói các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nhìn thấy những vấn đề phát sinh và đang vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần làm việc, có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiêm cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ.
Bộ trưởng cho biết nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Thị trường bảo hiểm theo Bộ trưởng Tài chính còn nhiều thách thức cần hoàn thiện về chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp. Các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ, nền tảng pháp lý cũng được kỳ vọng góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”.
- Nhịp đập thị trường
Số hóa giúp khách hàng trải nghiệm bảo hiểm nhanh chóng, thuận tiện
(TBTCO) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt nhịp xu thế cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, giúp khách hàng tham gia bảo hiểm một cách đơn giản, thuận tiện và an toàn.
Đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết, việc ký kết hợp tác chiến lược cùng ví điện tử MoMo và đơn vị trung gian thanh toán VietUnion (Payoo) giúp Hanwha Life Việt Nam số hóa kênh thanh toán phí bảo hiểm nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng
Đặc biệt, Hanwha Life Việt Nam cũng đẩy mạnh số hóa quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, tiêu biểu như cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME cho phép khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (E-Policy), nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến
(E-submission),… Giải pháp số hóa không chỉ giúp quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức mà còn mang lại trải nghiệm tự phục vụ thuận tiện và đơn giản cho khách hàng. Nhờ đó, công ty đạt được những kết quả ấn tượng như tỷ lệ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nộp qua kênh trực tuyến tăng hơn gấp đôi từ 25% năm 2021 lên 56% năm 2022…
Theo đại diện AIA Việt Nam, với nhiều dự án công nghệ toàn diện và hoàn thiện, AIA Việt Nam đang trong hành trình chuyển đổi, tập trung vào chuyển đổi số TDA (Technology, Digital, Analytics) qua việc vận dụng công nghệ, kỹ thuật số và công cụ phân tích giúp nâng cao trải nghiệm và mang đến cho khách hàng các sản phẩm ưu việt trên nền tảng số. Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thẩm định bồi thường. Với công nghệ này, việc thẩm định sẽ đảm bảo chính xác, nhanh chóng và khách hàng có thể nhận tiền trong vòng ít phút (đối với những trường hợp thỏa mãn điều kiện AI).
“AIA Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung đầu tư để xây dựng hệ sinh thái số, hỗ trợ tối đa cho đội ngũ kinh doanh; đồng thời mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và sẵn sàng tâm thế bước vào tương lai kỹ thuật số để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn” – đại diện AIA Việt Nam chia sẻ.
Với việc số hóa 100% trải nghiệm khách hàng, đại diện FWD cho biết, công ty đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Theo đó, tại FWD, từ việc chạy bảng minh họa đến việc điền thông tin, kê khai y tế… đều được thực hiện 100% online. Trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm tại FWD, khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến khác như thanh toán phí bảo hiểm, điều chỉnh thông tin hợp đồng dễ dàng mọi lúc, mọi nơi, rút tiền trực tuyến 24/7 từ tài khoản hợp đồng bảo hiểm.
Đặc biệt, thấu hiểu nỗi lo của khách hàng về quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm, FWD đã ra mắt dịch vụ giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến 24h E-claim. Với một số yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhanh, khách hàng chỉ mất chưa đến 1 phút để gửi yêu cầu bồi thường, 30 phút nhận được thông báo và 24h nhận được quyền lợi bảo hiểm. Dịch vụ này cùng với các bước tiến khác của FWD đã giúp việc yêu cầu bồi thường bảo hiểm không còn phức tạp, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, chính xác.
Đại diện Mirae Asset Prévoir chia sẻ, công ty đã có nhiều thành tựu trong việc triển khai mô hình sinh thái bảo hiểm công nghệ, bao gồm: ứng dụng di động phục vụ khách hàng – MAP Life App với nhiều chức năng, thông tin hữu ích, thao tác đơn giản, giao diện thân thiện, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi hợp đồng bảo hiểm và tương tác với công ty mọi lúc, mọi nơi; nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến: phục vụ nhu cầu mua bảo hiểm từ xa của khách hàng, cung cấp trải nghiệm mua sắm đơn giản – an toàn – chỉ với một chạm; mô hình quản lý thông tin nhân sự HRSYS giúp các thành viên Mirae Asset Prévoir quản lý thông tin cá nhân, đồng thời làm tinh gọn các thủ tục hành chính nhằm tăng năng suất làm việc…
Với những thành quả đạt được, AIA Việt Nam đã vinh dự lần thứ 10 nhận giải thưởng Rồng Vàng, với danh hiệu “Doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu về chuyển đổi số” năm 2022 – 2023. “Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng bởi những trải nghiệm tuyệt vời do tiến bộ về công nghệ mang lại. Công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng ở hầu hết lĩnh vực, trong đó, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng không đứng ngoài xu thế này. Chúng tôi tự hào xây dựng được một nền tảng công nghệ dẫn đầu và có vị thế rất tốt để đáp ứng kỳ vọng thay đổi thói quen cũng như mang đến cho khách hàng và đội ngũ tư vấn của mình những trải nghiệm tốt nhất” – đại diện AIA Việt Nam chia sẻ.
Trước đó, với những nỗ lực trong chuyển đổi số, FWD vinh dự là công ty bảo hiểm 4 năm liền dẫn đầu trải nghiệm khách hàng trong ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam (năm 2019 – 2020 theo Forrester và năm 2021 – 2022 theo KPMG) – tạo ra sự khác biệt, gây dựng niềm tin, sự hài lòng của khách hàng.
Mirae Asset Prévoir cũng vinh dự đón nhận giải thưởng “Top công nghiệp 4.0 Việt Nam”, danh hiệu “Top tổ chức/doanh nghiệp Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo” do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam, Viện Sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức.
Đại diện Mirae Asset Prévoir nhấn mạnh, công nghệ chính là chìa khóa trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, trong thời gian tới, Mirae Asset Prévoir sẽ tiếp tục xác định nhiệm vụ chuyển đổi số trong quy trình làm việc cũng như hoạt động kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, tất cả những ứng dụng công nghệ được triển khai trong thời gian qua đều hướng đến khách hàng, với mục đích mang đến cho khách hàng những trải nghiệm nhanh hơn, dễ dàng hơn và thông minh hơn. Với hướng đi này, thị trường bảo hiểm nhân thọ có thể kỳ vọng ở những thay đổi đột phá liên quan đến công nghệ trong thời gian tới.
Hơn 70% số tiền đầu tư của bảo hiểm đổ vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng
(ĐTCK) – Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.
Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ), các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng đầu tư từ 70% trở lên.
Chẳng hạn như Chubb Life, Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, trong gần 10.000 tỷ đầu tư trái phiếu thì có đến 90% là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đây là mức rất thận trọng so với thị trường chung.
Bên cạnh đó, các chỉ số về lưu chuyển dòng tiền cũng thể hiện việc công ty luôn tận dụng các cơ hội đề đầu tư hiệu quả vốn nhàn rỗi nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho khách hàng. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư năm 2022 đạt 860 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Công ty đã đóng góp vào Ngân sách Nhà nước thông qua thuế và các khoản khác trên 287 tỷ đồng. Công ty cũng chi trả gần 1.360 tỷ đồng cho quyền lợi bảo hiểm, tăng 52% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, hơn 86% khách hàng của Chubb Life nhận chi trả quyền lợi bảo hiểm thuộc nhóm từ 50 tuổi trở xuống và 85% trường hợp được giải quyết quyền lợi trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng, đặc biệt, 32% được nhận chi trả chỉ ngay trong năm thứ nhất.
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong năm 2022, tất cả các doanh nghiệp nhân thọ đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đáp ứng tốt yêu cầu về biên khả năng thanh toán theo quy định. Tỷ lệ biên khả năng thanh toán là một trong những chỉ số quan trọng, thể hiện “sức khỏe” tài chính của công ty bảo hiểm.
19 công ty bảo hiểm nhân thọ có mặt tại thị trường Việt Nam đều có tỷ lệ biên khả năng thanh toán cao hơn từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với biên khả năng thanh toán tối thiểu. Chẳng hạn như Chubb Life, cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu đạt trên 5.170 tỷ đồng, tăng thêm 21% so với cuối năm 2021 và gấp 6,4 lần vốn pháp định. Biên khả năng thanh toán của hãng bảo hiểm này luôn đạt ở mức rất cao và đạt tỷ lệ 230% biên khả năng thanh toán theo yêu cầu luật định.
Ngoài các chỉ số kinh doanh, lợi nhuận, biên khả năng thanh toán… vì là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Theo quy định hiện hành, với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (trừ bảo hiểm liên kết, hưu trí) thì vốn pháp định là 600 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết hoặc hưu trí là 800 tỷ đồng; kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết và hưu trí là 1.000 tỷ đồng.
Tại Việt Nam, phần lớn công ty bảo hiểm nhân thọ là doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh nên vốn điều lệ đều lớn hơn hàng chục lần so với vốn pháp định. Việc đảm bảo các chỉ số tài chính “khỏe mạnh” cũng là minh chứng cho nỗ lực thực hiện cam kết mang đến giá trị thực cho khách hàng của các công ty bảo hiểm- đem đến sự bảo vệ toàn vẹn cho mọi người dân trước những rủi ro của cuộc sống.
- Tin quốc tế
Lexasure, AgriG8 hợp tác cung cấp bảo hiểm cho nông dân Indonesia
(INA) – Công ty bảo hiểm Đông Nam Á Lexasure Financial Group đã ký kết hợp tác với AgriG8 để cung cấp các giải pháp tài chính và bảo hiểm cho nông dân Indonesia.
Công nghệ của AgriG8, cùng với các giải pháp bảo hiểm của Lexasure và mạng lưới đối tác của các tổ chức tài chính, sẽ cho phép nông dân tiếp cận các khoản vay, bảo hiểm cây trồng, dịch vụ tư vấn và giám sát cây trồng thông qua một ứng dụng di động.
Ứng dụng Flourish của Lexasure sẽ cung cấp đăng ký bảo hiểm, quản lý và hỗ trợ cho nông dân, mà Lexasure và AgriG8 cho biết sẽ giúp nông dân ổn định thu nhập.
Công nghệ của AgriG8 có một hệ thống đánh giá có nhiều chức năng bao gồm lập bản đồ kỹ thuật số ranh giới trang trại, tạo dự đoán năng suất, xác định quy mô khoản vay và hỗ trợ nông dân tối ưu hóa hiệu quả dinh dưỡng.
Hai công ty cho biết trong một tuyên bố chung rằng sự hợp tác này nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính và giúp nông dân trồng lúa ở Indonesia, cũng như các nhà cung cấp và tổ chức tài chính trực thuộc của họ dễ tiếp cận hơn. Lexasure và AgriG8 hy vọng sẽ giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và cung cấp một nền tảng để tạo ra các cơ hội tùy chỉnh cho thị trường chưa được phục vụ trước đây này.
Để đảm bảo độ tin cậy, các thử nghiệm thí điểm sẽ được tiến hành ở nhiều vùng khác nhau của Indonesia. Thử nghiệm ban đầu sẽ diễn ra ở vùng đất nông nghiệp gần Cilegon thuộc tỉnh Banten, nằm gần Jakarta.
Philippines: Bảo hiểm chi trả cho bưu điện trung tâm sau vụ cháy lớn
(INA) – Hệ thống Bảo hiểm Dịch vụ Chính phủ (GSIS), quỹ hưu trí nhà nước của Philippines, cho biết họ sẽ bồi thường cho tòa nhà Bưu điện Philippines (Philpost) sau khi tòa nhà này bốc cháy vào ngày 21/5.
Tòa nhà trung tâm của bưu điện, nằm ở Thành phố Manila, sẽ được chi trả 604 triệu Peso ($10,760). Tổn thất được bảo hiểm là cơ sở hạ tầng của tòa nhà và các tài sản bên trong.
Trong một thông báo, GSIS cho biết: “GSIS là cơ quan chính phủ đầu tiên tiếp cận với công ty đại chúng này”.
Hơn nữa, GSIS đã sử dụng nhà kho của mình ở Thành phố Pasig để Philipost sử dụng tạm thời.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GSIS Wick Veloso cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các yêu cầu bảo hiểm, chúng tôi đã ngay lập tức cử nhân viên giám định của mình đến hiện trường vụ cháy ngay hôm nay mặc dù chưa có thông báo nào về việc dập tắt đám cháy. Chúng tôi cũng đã triển khai máy bay không người lái để đánh giá toàn bộ các cấu trúc bị ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thức rất rõ về ý nghĩa lịch sử của tòa nhà và chúng tôi muốn hỗ trợ nỗ lực xây dựng lại tòa nhà bằng mọi cách có thể”.
Công ty bảo hiểm do nhà nước điều hành cũng đảm bảo rằng họ sẵn sàng gia hạn khoản vay cho bưu điện để tái thiết.
(P1,00 = $0,018)
Doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng Nhật Bản cùng xây dựng nền tảng tài chính bền vững
(INA) – Nhiều công ty bảo hiểm và ngân hàng Nhật Bản đã ký kết một liên doanh để phát triển một nền tảng tài chính bền vững.
Tập đoàn bảo hiểm MS&AD Holdings (bao gồm Bảo hiểm Aioi Nissay Dowa và Công ty bảo hiểm Mitsui Sumitomo), Bảo hiểm Sompo Nhật Bản, Bảo hiểm hỏa hoạn Tokio Marine & Nichido, Bảo hiểm nhân thọ Nippon, Hitachi, Ngân hàng Mizuho, Ngân hàng Sumitomo Mitsui và Ngân hàng MUFG, gần đây đã công bố việc ký kết của một biên bản ghi nhớ.
Cùng nhau, các công ty này sẽ xây dựng nền tảng Tài chính bền vững, nhằm thiết lập kết nối liền mạch giữa các tổ chức đầu tư và các công ty niêm yết là điểm đến đầu tư.
Theo báo cáo, nền tảng này sẽ cho phép giao tiếp và tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau, cũng như tăng cường công bố thông tin liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Tính hiệu quả và hữu ích của nền tảng này sẽ được xác thực thông qua các quy trình xác minh.
Các công ty này cũng đã đồng ý thực hiện các nghiên cứu chung tập trung vào các sáng kiến kinh doanh vì sự tiến bộ của tài chính bền vững.
Nhóm các công ty bảo hiểm và ngân hàng cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm nhiều công ty người dùng, cung cấp dịch vụ phiên bản beta của nền tảng vào mùa thu năm 2023 và nỗ lực để xác minh tính hữu dụng của nó cũng như tăng cường các chức năng khác nhau. Theo cách này, chúng tôi sẽ cùng nhau tiến hành các nghiên cứu để hướng tới việc ra mắt chính thức các dịch vụ trong tương lai”.
Mục tiêu hợp tác là thành lập một hiệp hội hợp nhất chung vào mùa hè năm 2023, hiệp hội này sẽ chuyên cung cấp các dịch vụ phiên bản beta trên nền tảng kỹ thuật số được thiết kế đặc biệt để thúc đẩy đầu tư ESG.
Mục tiêu chính của hiệp hội sẽ là xác minh tính hiệu quả và giá trị của nền tảng đồng thời thúc đẩy các đánh giá hợp tác hướng tới việc ra mắt chính thức các dịch vụ.
Bảo hiểm ZhongAn xuất bản sách trắng về ứng dụng AI tổng quát
(INA) – ZhongAn Insurance và ZhongAn Technology có trụ sở tại Trung Quốc đã xuất bản sách trắng đầu tiên về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát.
Tài liệu có tiêu đề “Sách trắng AIGC/ChatGPT Ứng dụng trong ngành bảo hiểm”, đưa ra phân tích kỹ lưỡng về hơn 30 lĩnh vực cụ thể mà công nghệ AIGC có thể được sử dụng trong lĩnh vực bảo hiểm, cùng với cuộc điều tra của riêng ZhongAn về tiềm năng của công nghệ này.
Điều này cho thấy tiến bộ đáng chú ý trong việc kết hợp AI vào ngành bảo hiểm Trung Quốc, mà ZhongAn là người dẫn đầu.
AIGC thể hiện khả năng hiểu và giải thích các cấu trúc câu phức tạp, kết nối ngữ nghĩa và suy luận logic. Nó vượt trội trong việc nắm bắt các yếu tố phụ thuộc dài hạn trong văn bản, hiểu ngữ cảnh và ý nghĩa, đồng thời tạo ra văn bản có độ chính xác cao, mạch lạc và nâng cao về mặt ngữ nghĩa.
Sách trắng gợi ý rằng các tổ chức bảo hiểm cần nhanh chóng giải quyết những thách thức trong việc lựa chọn và nghiên cứu các mô hình LLM trong tương lai gần.
Họ cũng nên thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ AIGC trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm các đề xuất chiến lược và nội dung tiếp thị đa phương thức, dịch vụ khách hàng thông minh và tạo mã.
Trong trung và dài hạn, tiếp thị cá nhân hóa sẽ trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các tổ chức bảo hiểm và mọi công ty bảo hiểm nên cố gắng đi theo hướng này.
Allianz Malaysia ghi nhận doanh thu 1,16 tỷ RM trong Quý I
(INA) – Kết quả tài chính quý đầu tiên của Allianz Malaysia Berhad cho thấy doanh thu bảo hiểm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) lên 1,16 tỷ RM (250 triệu USD).
Điều này được thúc đẩy bởi doanh số cao hơn được tạo ra từ các dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ. Lợi nhuận trước thuế Quý I của Công ty được ghi nhận ở mức 232,8 triệu RM (50,6 triệu USD), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu mảng bảo hiểm phi nhân thọ, hay Allianz General Insurance, tăng 8,1% lên 49,4 triệu RM (10,7 triệu USD).
Lợi nhuận trước thuế Quý I đạt 139,8 triệu RM (30,4 triệu USD).
Trong một thông báo, Công ty cho biết: “Sự gia tăng là do kết quả dịch vụ bảo hiểm cao hơn và chuyển động giá trị hợp lý tích cực từ các khoản đầu tư”.
Tương tự như vậy, doanh thu mảng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ Allianz Life đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 499,9 triệu RM (108,6 triệu USD).
Lợi nhuận trước thuế ở mức 96,5 triệu RM (21 triệu USD).
“Kết quả Quý I cũng dẫn đến Tổng tài sản tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần của Allianz Life cũng tăng lên hai con số ở mức 10% trong khi vẫn duy trì thứ hạng chung trên thị trường ở vị trí thứ 4,” Allianz tiết lộ.
Trong năm nay, Giám đốc điều hành Allianz Life Charles Ong cho biết Trầm trọng hơn do trải nghiệm yêu cầu bồi thường được chuẩn hóa từ bảo hiểm liên quan đến đầu tư, lợi nhuận trước thuế ở mức 96,5 triệu RM (21 triệu USD).
“Kết quả Q1 cũng dẫn đến Tổng tài sản tăng 7,9% trong ba tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Allianz Life cũng chứng kiến thị phần của mình tăng lên hai con số ở mức 10% trong khi vẫn duy trì thứ hạng chung trên thị trường ở vị trí thứ 4,” Allianz nói.
Tổng Giám đốc Allianz Life Charles Ong cho biết, trong năm nay, Công ty có kế hoạch mở rộng các chương trình của mình để thu hút các đại lý mới cũng như thúc đẩy chương trình nâng cao trình độ đại lý có tên gọi là C.E.O.
Theo ông Charles Ong: “Mặt khác, với chương trình INSEAD, chúng tôi trở thành công ty bảo hiểm đầu tiên hợp tác với một trường kinh doanh uy tín trong việc cung cấp các mô-đun đào tạo đẳng cấp thế giới cho các đại lý hoạt động hiệu quả nhất của chúng tôi, điều này sẽ nâng cao hơn nữa năng lực và tiêu chuẩn chuyên nghiệp của họ trong lực lượng đại lý”.
(1,00 RM = 0,22 USD)
Sun Life Hồng Kông ra mắt eSunPro
(INA) – Sun Life Hồng Kông vừa tung ra thị trường eSunPro, một nền tảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới vượt trội so với bảo hiểm thông thường.
Nền tảng này cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ toàn diện cho khách hàng, cho phép họ tiếp cận với phương pháp điều trị và hỗ trợ tiên tiến trong suốt quá trình phục hồi sức khỏe.
Khách hàng của Sun Life Hồng Kông sẽ chỉ có quyền truy cập độc quyền vào nền tảng dịch vụ, đi kèm với các gói bảo hiểm y tế và bệnh hiểm nghèo.
eSunPro cung cấp một loạt các dịch vụ giá trị gia tăng, bắt đầu từ chẩn đoán đến chăm sóc sau điều trị, cung cấp các giải pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện để hỗ trợ khách hàng trong suốt hành trình.
Các dịch vụ hàng đầu trong nền tảng này sẽ bao gồm dịch vụ đầu tiên trên thị trường cung cấp hồ sơ bộ gen toàn diện, dịch vụ trợ giúp y tế, chăm sóc khẩn cấp tại địa phương và AdvicePro (dịch vụ tư vấn y tế thứ hai trực tiếp).
Trong quá trình điều trị, các thỏa thuận không dùng tiền mặt và các dịch vụ điều hướng y tế VIP của Trung Quốc đại lục sẽ luôn sẵn sàng.
Đối với các bệnh nhân sau điều trị, quyền lợi chăm sóc gia đình và chương trình hỗ trợ gia đình bị ung thư và đột quỵ cũng sẽ được cung cấp cho khách hàng.
Giám đốc Bảo hiểm nhân thọ và Sức khỏe của Sun Life Hong Kong, ông Christine Yeung, cho biết: “Thông qua các dịch vụ giá trị gia tăng của nền tảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe eSunPro mới, chúng tôi mong muốn cung cấp cho khách hàng các lựa chọn điều trị tiên tiến và đa dạng hơn, đồng thời giúp họ tập trung vào việc phục hồi và bảo vệ sức khỏe của mình”.
Bowtie đạt doanh thu hơn 60 tỷ đô la Hồng Kông
(INA) – Trong một thông cáo báo chí Bowtie, công ty bảo hiểm kỹ thuật số đầu tiên của Hồng Kông, cho biết đã đạt tổng số tiền bảo hiểm hơn 60 tỷ đô la Hồng Kông kể từ khi ra mắt cách đây 4 năm.
Điều này đã giúp công ty được xếp hạng hàng đầu trong các kênh bán hàng trực tiếp dựa trên số lượng hợp đồng đã bán.
Tổng doanh thu định kỳ đã vượt qua 170 triệu đô la Hồng Kông, cho thấy mức tăng trưởng hơn 100% trong năm trước.
Đối với chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện (VHIS), doanh thu phí bảo hiểm của công ty tích lũy được là 80 triệu đô la Hồng Kông vào năm 2022.
Bowtie dự đoán VHIS sẽ đạt 100 triệu đô la Hồng Kông vào năm 2023, trong đó các hợp đồng VHIS có hiệu lực đạt hơn 20.000.
Bowtie đã đóng góp vào thị phần kênh trực tiếp tăng gấp ba lần, đạt 8,5%, một kỳ tích đạt được đồng thời với các đối tác trong ngành.
Trong một thông cáo báo chí, Bowtie cho biết cột mốc quan trọng này là nhờ có hơn 90.000 khách hàng.
Trong năm trước, công ty bảo hiểm đã quản lý và giải quyết hơn 50.000 câu hỏi của khách hàng, dẫn đến tỷ lệ hài lòng đáng kể là 93%. Hơn nữa, nền tảng trực tuyến hợp lý của công ty đã trao quyền cho khoảng 90% khách hàng dễ dàng hoàn thành đơn đăng ký bảo hiểm của họ một cách độc lập.
Trong 12 tháng qua, dữ liệu khiếu nại bồi thường của Bowtie cho thấy tỷ lệ chấp thuận là hơn 99,7%.
Đối với các sản phẩm VHIS, tỷ lệ chi trả là 88%, trong khi gói cao cấp Bowtie Pink đạt tỷ lệ chi trả xấp xỉ 100%.
Mặc dù số trường hợp yêu cầu bồi thường tăng gấp bốn lần, Bowtie vẫn cố gắng duy trì và nâng cao thời gian xử lý yêu cầu bồi thường của mình.
Bowtie ưu tiên sức khỏe lâu dài của khách hàng bằng cách thúc đẩy chăm sóc phòng ngừa, dẫn đến tỷ lệ duy trì vượt trội gần 94%.
Indonesia: Doanh thu bảo hiểm nhân thọ quý 1 giảm, bồi thường tăng
(INA) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI), dữ liệu sơ bộ cho thấy lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nước này đã đạt doanh thu 54,36 nghìn tỷ Rp trong ba tháng đầu năm.
Hiệu suất doanh thu của 56 công ty bảo hiểm nhân thọ trong kỳ vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022.
Mặt khác, số tiền bảo hiểm đạt 5.002,29 Rp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). “Điều này cho thấy nhận thức của công chúng về chức năng bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ đang tăng lên,” AAJI cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản bằng tiếng Bahasa.
Hơn nữa, tổng số khoản chi trả bồi thường được thực hiện đạt 45,56 nghìn tỷ Rp trong khoảng thời gian ba tháng, tăng 5,1% so với năm trước.
Tính đến cuối tháng 3, thị trường bảo hiểm nhân thọ Indonesia đã có 87,54 triệu cá nhân được bảo hiểm.
BTV (Tổng hợp).