Hãng môi giới tái bảo hiểm Howden mua lại TigerRisk; FWD số hóa 100% hành trình trải nghiệm khách hàng; Doanh nghiệp BH không được đầu tư kinh doanh bất động sản
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
BIC trao hơn 1 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Bến Tre
Ngày 15/06/2022, tại Bến Tre, Công ty Bảo hiểm BIDV Cửu Long (BIC Cửu Long) đã phối hợp với Chi nhánh BIDV Đồng Khởi tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi và trao hơn 1 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho khách hàng không may gặp rủi ro.
Khách hàng được chi trả bảo hiểm là ông Trần Văn Đạt vay vốn tại Chi nhánh BIDV Đồng Khởi. Sau khi được cán bộ ngân hàng BIDV tư vấn về quyền lợi bảo hiểm, khách hàng đã tham gia sản phẩm bảo hiểm Người vay vốn BIC Bình An.
Ngày 22/04/2022, khách hàng Trần Văn Đạt không may tử vong do tai nạn lao động. Ngay khi nhận được thông tin, BIC đã phối hợp với Chi nhánh BIDV tại địa bàn tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình khách hàng, đồng thời tích cực hướng dẫn các bên liên quan hoàn thiện thủ tục để nhanh chóng chi trả bảo hiểm cho thân nhân khách hàng. Số tiền chi trả cho gia đình ông Đạt là 1,05 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi vay tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ chi phí nằm viện trong thời gian điều trị; hỗ trợ tiền lãi trong thời gian hoàn thiện thủ tục chi trả bảo hiểm và trợ cấp mai táng…
Tại buổi lễ chi trả, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, vợ của khách hàng Trần Văn Đạt đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới BIDV và BIC. Sự quan tâm, động viên và nhiệt tình, chu đáo trong việc giải quyết thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm đã giúp gia đình an tâm hơn để ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng kinh tế ở giai đoạn khó khăn này.
Sản phẩm bảo hiểm BIC Bình An hiện đang được cung cấp tại các Ngân hàng, Tổ chức Tín dụng có liên kết với BIC trên toàn quốc. Với quyền lợi bảo hiểm đa dạng, phí bảo hiểm cạnh tranh, BIC Bình An được đánh giá là 1 trong những sản phẩm bảo hiểm tốt nhất trên thị trường hiện nay với quyền lợi bảo hiểm lên tới 10 tỷ đồng, trợ cấp cho khách hàng các chi phí nằm viện do tai nạn, chi trả tiền lãi vay trong thời gian chờ xử lý hồ sơ khiếu nại và hỗ trợ chi phí mai táng.
- Một vòng doanh nghiệp
FWD “tinh ý” khi số hóa 100% hành trình trải nghiệm khách hàng
(ĐTCK) – Nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện là những trải nghiệm mà khách hàng đang tìm kiếm ở những dịch vụ của thời đại 4.0. Với việc số hóa 100% trải nghiệm khách hàng, FWD đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng.
Cho dù tương tác là thực hay ảo, ngoại tuyến hay trực tuyến, khách hàng đều mong đợi một hành trình trải nghiệm mua hàng nhất quán và mượt mà trên các kênh, đồng thời cá nhân hoá tới từng nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng ngày nay cần sự tiện lợi hơn bao giờ hết. Họ muốn tất cả nằm trong sự kiểm soát, việc mua bán phải được diễn ra đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Với hệ sinh thái công nghệ thông minh và hành trình trải nghiệm khách hàng được số hóa 100%, FWD đang cho thấy cách các doanh nghiệp có thể đáp ứng những nhu cầu này của khách hàng.
Tại FWD, từ việc chạy bảng minh họa đến việc điền thông tin, kê khai y tế… đều được thực hiện 100% online. Trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm tại FWD, khách hàng có thể trải nghiệm các dịch vụ trực tuyến khác như thanh toán phí bảo hiểm, điều chỉnh thông tin hợp đồng dễ dàng mọi lúc mọi nơi, rút tiền trực tuyến 24/7 từ tài khoản hợp đồng bảo hiểm. Khách hàng cũng có thể truy cập thông tin hợp đồng bảo hiểm, gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến.
Bên cạnh đó, với các sản phẩm có quyền lợi trợ cấp viện phí và chi phí phẫu thuật của FWD, khách hàng có thể nhận tiền bồi thường chỉ trong vòng 24h – 1 phút nộp hồ sơ, 30 phút trả kết quả, 24h nhận tiền bồi thường, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức khi không cần phải đến tận văn phòng bảo hiểm mới được làm thủ tục bồi thường như các quy trình trước đây.
Theo một khảo sát về trải nghiệm khách hàng từ OnCustomer, có tới 42% doanh nghiệp không xin ý kiến feedback từ khách hàng về trải nghiệm trực tuyến của họ đối với doanh nghiệp, khiến khách hàng cảm thấy tiếng nói của họ bị lãng quên và bỏ sót bởi thương hiệu. Thách thức này đã được FWD giải quyết bằng việc lấy ý kiến khách hàng ngay tại những điểm tương tác giữa khách hàng và công ty.
Tại các thời điểm như kết thúc các cuộc gọi, khi hợp đồng bảo hiểm phát hành, khi có quyết định giải quyết quyền lợi bảo hiểm, khi khách hàng hoàn tất việc điều chỉnh hay thay đổi thông tin… khách hàng sẽ nhận tin nhắn mời đánh giá trực tuyến dịch vụ mà khách hàng vừa mới trải nghiệm. Những quy trình này đã cho thấy cách mà FWD đang lấy khách hàng làm trọng tâm. Song song với đó, chính những ý kiến đóng góp của khách hàng cũng giúp doanh nghiệp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.
FWD cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của Tổng đài dịch vụ khách hàng, nhằm cập nhật đến khách hàng các thông tin về hợp đồng bảo hiểm và phí bảo hiểm. Bên cạnh đó, Tổng đài tương tác trực quan (Visual Interactive Voice Response) của FWD còn giúp giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của khách hàng khi khách hàng thực hiện cuộc gọi vào hotline của FWD. Ngay khi nhận diện nhu cầu của khách hàng, cổng thông tin này sẽ cung cấp cho khách hàng danh mục những tiện ích tương thích nhằm giải quyết yêu cầu của khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể thấy, ngoài sự khác biệt về sản phẩm và dịch vụ, sự khác biệt về trải nghiệm khách hàng cũng là chìa khóa quan trọng trong việc tạo ra ưu thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là trải nghiệm khách hàng trực tuyến trong kỷ nguyên số hiện nay. Với những doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt tâm lý khách hàng và đón đầu xu thế như FWD, khách hàng sẽ liên tục được trải nghiệm những dịch vụ trực tuyến thông minh và hiện đại nhất.
App PJICO – Đại lý Bảo hiểm trở thành công cụ cấp đơn chính thức của đại lý trên toàn hệ thống
(PJICO) – Với định hướng tập trung vào ứng dụng công nghệ số trong công tác bán bảo hiểm, đặc biệt là mảng khai thác bán lẻ, ngày 14/06/2022, Tổng công ty PJICO chính thức đưa vào sử dụng App khai thác bảo hiểm cho các đại lý cá nhân – PJICO Đại lý Bảo hiểm.
Với ứng dụng hiện đại này, các đại lý của PJICO sẽ chủ động hơn trong quá trình hỗ trợ/tư vấn/cấp đơn bảo hiểm tại bất cứ đâu; nắm bắt được mức doanh thu, hoa hồng đang thực hiện; ứng dụng các công nghệ chữ ký điện tử, thanh toán, đối soát tự động giúp tối giản hóa các quy trình phức tạp của 1 đại lý khi cấp đơn bảo hiểm và nắm bắt được những thông tin tiện ích như mạng lưới garage, cây xăng, cơ sở y tế,… Ngoài ra, các đại lý của PJICO cũng dễ dàng tra cứu thông tin, cấp đơn bảo hiểm trực tuyến cũng như tái tục các hợp đồng bảo hiểm…
PJICO sẽ triển khai bán một loạt các sản phẩm bảo hiểm qua ứng dụng bao gồm: Bảo hiểm Vật chất Xe cơ giới, Trách nhiệm Dân sự & Tai nạn người ngồi (Xe ô tô & Xe máy), Nhà tư nhân, Bảo hiểm Du lịch, Bảo hiểm Ung Thư, Bảo hiểm Bệnh hiểm nghèo.
PJICO dự kiến đến hết tháng 08/2022 sẽ có 70% đại lý sử dụng App như một công cụ cấp đơn chính thức và đến năm 2023, con số này đạt 95% (khoảng 3.000~4.000 users).
PJICO đặt mục tiêu năm 2022 sẽ là năm tập trung vào chuyển đổi số và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Cùng với việc chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng mới dành cho đại lý, trong những năm gần đây, PJICO đã chú trọng đầu tư hạ tầng, công nghệ và bắt tay vào thực hiện các giải pháp như trục tích hợp dịch vụ, hệ thống số hóa ECM, App phục vụ giám định online, hệ thống chữ ký số, hóa đơn điện tử, website cấp đơn bảo hiểm online qua các đại lý tổ chức & qua đại lý xăng dầu… Năm qua, PJICO cũng đã triển khai thành công việc cấp GCNBH điện tử trên Core Premia tại một số địa bàn trọng điểm bị giãn cách xã hội do Covid-19 như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ…
Tính đến 10/06/2022, doanh thu phí bảo hiểm của PJICO đạt 1,606 tỷ đồng, tăng 10.9% so với cùng kỳ năm trước và đã đạt 43.7% kế hoạch năm 2022.
Năm 2022, VNI đặt mục tiêu doanh thu cán mốc 3.000 tỷ đồng
(TBTCO) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) vừa tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên năm 2022, với với sự tham dự của các cổ đông, sở hữu 86.513.388 cổ phần, tương đương 86,51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của tổng công ty.
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kéo lùi tăng trưởng nhiều ngành kinh tế, VNI đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông giao phó bằng sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc cùng nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên VNI.
Theo đó, năm 2021, VNI đạt tổng doanh thu 2.219,6 tỷ đồng, tăng trưởng 27,1%; trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.178,9 tỷ đồng, tăng trưởng 27,5%; doanh thu hoạt động tài chính đạt 237,1 tỷ đồng, tăng trưởng 5%; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 64,5% so với năm 2020.
Qua đó, VNI tự hào là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất ngành, gấp 7 lần so với mức tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Những nỗ lực đó đã giúp VNI tăng 1 bậc thứ hạng về doanh thu trên thị trường so với năm 2020 và lọt top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tiếp nối thành công của năm 2021, bước sang năm 2022, VNI đặt mục tiêu tăng trưởng có kiểm soát, hiệu quả và bền vững. Phấn đấu năm 2022, VNI duy trì vị thế top 10 về thị phần bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, mục tiêu tổng doanh thu cán mốc 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30%; lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 4 lần so với năm 2021.
Theo đó, VNI triển khai hàng loạt các giải pháp để thực hiện các mục tiêu lớn như tăng trưởng doanh thu, kiểm soát hiệu quả và an toàn đầu tư tài chính, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, VNI tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tăng cường mở rộng kênh phân phối và phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tập trung chuyển đổi số, đồng thời liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh các sáng tạo đột phá về sản phẩm mang đến trải nghiệm ưu việt cho khách hàng.
Đồng thời, VNI tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác, ngân hàng, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển kênh bán hàng online như website: ebhhk.com.vn, App My VNI Client, hóa đơn điện tử, chữ ký số, thực hiện công tác giám định, bồi thường online qua App My VNI tạo thuận lợi cho khách hàng.
Ưu đãi 20% khi mua bảo hiểm an ninh mạng BIC Cyber Risk qua BIDV SmartBanking
(ĐTCK) – Từ nay đến ngày 14/7, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gửi tặng khách hàng chương trình khuyến mại “Ưu đãi thả ga, An tâm mua sắm”.
Theo đó, khách hàng sẽ được giảm ngay 20% phí bảo hiểm BIC Cyber Risk qua app BIDV SmartBanking
Tham gia bảo hiểm BIC Cyber Risk, khách hàng có tài khoản ngân hàng có thể an tâm thực hiện các giao dịch thanh toán qua mạng (bao gồm thanh toán chuyển khoản và thanh toán thẻ).
Cụ thể, BIC Cyber Risk bảo vệ khách hàng với 3 quyền lợi chính: Thứ nhất, khách hàng sẽ được bảo vệ khi bị tổn thất từ các giao dịch chuyển tiền trái phép, áp dụng trong trường hợp bên thứ ba gây ra thiệt hại tài chính cho người được bảo hiểm bằng cách chuyển trực tuyến trái phép tiền trong các tài khoản ngân hàng trực tuyến của người được bảo hiểm hoặc thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ của người được bảo hiểm.
Thứ hai, khách hàng cũng có thể an tâm trước các hành vi lừa đảo mua sắm trực tuyến, áp dụng khi mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến với mục đích tiêu dùng cá nhân nhưng hàng hóa, dịch vụ không được giao hoặc bị hư hỏng.
Thứ ba, BIC Cyber Risk bảo vệ khách hàng trong trường hợp bị mất cắp các thông tin định danh do bị hack thông qua internet hoặc mạng wifi, bị rò rỉ dữ liệu, trộm cắp thẻ tín dụng, điện thoại, email…
Tổng mức chi trả của BIC Cyber Risk lên tới 135 triệu đồng. So với các sản phẩm tương tự trên thị trường, BIC Cyber Risk là sản phẩm có phí bảo hiểm hấp dẫn nhất.
Chỉ cần truy cập Dịch vụ Bảo hiểm trên App BIDV Smart Banking, khách hàng có thể mua bảo hiểm BIC Cyber Risk nhanh chóng và đơn giản. Quá trình bồi thường cũng được BIC rút ngắn và tối ưu hóa nhằm mang tới sự thuận tiện nhất cho khách hàng.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, chỉ được mua cổ phiếu
(ĐTCK) – Thông tin này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại báo cáo giải trình dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước khi Quốc hội thông qua, sáng 16/6.
Liên quan đến quy định chung về đầu tư, ông Thanh phản ánh có ý kiến cho rằng, khoản 3 Điều 99 quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh bất động sản là cần thiết.
Tuy nhiên, chưa thể hiện rõ việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài không được kinh doanh trực tiếp bất động sản, nhưng có được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là công ty con để kinh doanh bất động sản và có giới hạn tỷ lệ góp vốn không. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Luật, tránh cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện.
Báo cáo nêu rõ, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư kinh doanh bất động sản tối đa 20%/10% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ (tại thời điểm này chưa có Luật Kinh doanh bất động sản).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, do đó, dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài kinh doanh bất động sản trừ một số trường hợp phục vụ cho nhu cầu sử dụng của chính doanh nghiệp, chi nhánh tương tự như quy định của Luật Các tổ chức tín dụng .
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để làm rõ các nội dung doanh nghiệp không được phép thực hiện, dự thảo Luật đã chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 99 theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.
Đồng thời, luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.
Về nội dung còn có ý kiến khác nhau với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến và trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu đã không quy định về Quỹ này, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý và sử dụng số dư của Quỹ tại điều khoản chuyển tiếp.
Nội dung khác cũng đã được chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu là quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp giao kết do bị lừa dối đã loại trừ quy định về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Ông Thanh báo cáo, trên thực tế, số lượng hợp đồng bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khá nhiều. Do đó, việc xử lý hậu quả pháp lý của các hợp đồng bảo hiểm này theo hướng hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự là không khả thi vì phải được Tòa án tuyên vô hiệu. Việc này phức tạp và tạo gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật quy định việc xử lý hậu quả pháp lý vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin tại hợp đồng bảo hiểm theo hướng hủy bỏ hợp đồng tương tự như quy định tại Điều 423 của Bộ luật Dân sự.
Về loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình thức công ty tư nhân và công ty hợp danh không phù hợp đối với các công ty yêu cầu quy mô lớn, các công ty có lợi ích công chúng như lĩnh vực bảo hiểm. Theo kinh nghiệm quốc tế, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm không áp dụng 2 loại hình doanh nghiệp này; lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng cũng không cho phép 2 loại hình doanh nghiệp này. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ lựa chọn 2 hình thức tổ chức là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh giải thích, việc lựa chọn không có mô hình chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự khác biệt nhất định so với quy định của Luật Doanh nghiệp do bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do đó cần có yêu cầu đặc thù về công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Quy định không có mô hình Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn này cũng tương tự quy định về cơ cấu tổ chức của các tổ chức tín dụng.
Sau khi nghe báo cáo giải trình, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.
Bảo hiểm nông nghiệp cần cơ chế đặc thù
(ĐTCK) – Bảo hiểm nông nghiệp chưa bao giờ có thể bán như những sản phẩm bảo hiểm thông thường khác.
Nhiều khó khăn
Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vai trò của ngành bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế” do Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức tại Hà Nội mới đây, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC) cho biết, tính đến nay, ABIC đã đào tạo được hơn 30.000 khai thác viên được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ hành nghề, qua đó xây dựng hệ thống bán lẻ các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đến từng thôn, xóm, bản làng.
Đối với bảo hiểm tính mạng, sức khỏe cho các hộ sản xuất và nông dân vay vốn, hàng năm, ABIC đã bảo hiểm trên 2,5 triệu lượt người vay, chiếm tỷ lệ hơn 65% hộ nông dân có quan hệ tín dụng với Agribank.
Đối với bảo hiểm tài sản hình thành từ vốn vay hay tài sản thế chấp tiền vay, từ năm 2010, ABIC triển khai bảo hiểm đàn bò sữa cho TH True Milk tại Nghệ An, bảo hiểm cây cao su ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định, Bình Thuận… Hiện nay, đối tượng bảo hiểm cho sản phẩm này được mở rộng hơn gồm bò sữa, bò thịt, dê, cây cao su, cây keo và cây bạch đàn.
Theo ABIC, việc thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm nông nghiệp không dễ dàng, cho dù biết mang lại lợi ích. Bảo hiểm nông nghiệp là nghiệp vụ có mức độ rủi ro cao nên mức phí bảo hiểm cũng cao tương ứng, nên không phải hộ nông dân nào cũng đủ khả năng chi trả. Hơn nữa, để mua bảo hiểm đã khó, việc duy trì hợp đồng còn khó hơn, bởi nếu trong một, hai năm đầu sự kiện bảo hiểm không xảy ra, tức là không được nhận bồi thường, thì bên mua thường ngừng tham gia tiếp trong những năm sau. Chưa kể, không phải công ty bảo hiểm nào cũng thành công với các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mà mình bán ra.
Chẳng hạn, khi cung cấp gói sản phẩm nhiều tính năng cho một đối tượng khách hàng với mục đích đáp ứng cao nhất nhu cầu tiêu dùng cũng như nhu cầu tự bảo vệ của khách hàng đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng nông nghiệp có quy định giảm lãi suất cho vay khi bán kèm gói bảo hiểm. Tuy nhiên, việc bán gói sản phẩm tín dụng nông nghiệp cùng bảo hiểm nông nghiệp dễ bị hiểu lầm là hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.
Ngoài ra, do đơn bảo hiểm chưa được bổ sung là một trong các biện pháp bảo đảm tiền vay, các hộ vay vốn vẫn phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo hoặc giấy chứng nhận quyền sở dụng đất. Chẳng hạn, một khoản vay tín dụng để nuôi trâu, bò thì ngoài đàn trâu, bò hình thành từ vốn vay, hộ nông dân vẫn phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.
Chưa kể, số lượng đơn bảo hiểm nông nghiệp cấp tại thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông bù số ít, xác suất rủi ro chưa được thống kê đầy đủ, phương thức chăn nuôi của các hộ chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, chưa tuân thủ quy trình chuẩn nên mức độ rủi ro cao, cho nên các nhà tái áp phí tái bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam rất cao, dẫn đến tăng chi phí khoản vay và làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm này.
Những đề xuất mới
Năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành báo cáo “Thực trạng tài chính nông nghiệp Việt Nam”, trong đó đưa ra nhiều lưu ý về sử dụng công cụ quản lý rủi ro trong khu vực tam nông, riêng bảo hiểm nông nghiệp cần phân biệt 2 nhóm rủi ro: Một là rủi ro thảm họa và rủi ro này cần được Nhà nước tham gia toàn bộ; hai là rủi ro đơn lẻ và đối tượng tham gia là các hộ nông dân và doanh nghiệp.
Về phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đã quy định rõ cơ chế lãi suất cho vay khi bán cùng gói bảo hiểm. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, ngân hàng cần giảm một phần lãi suất để trả phí bảo hiểm khi người vay vốn được nhận thêm thẻ bảo hiểm. Khi đó, ngân hàng được đảm bảo vốn vay vì trường hợp rủi ro xảy ra trong sản xuất có thiên tai dịch bệnh, người vay đã có bảo hiểm, không bị nợ xấu. Người vay được lợi vì được giảm lãi suất để mua bảo hiểm, được hỗ trợ từ bảo hiểm nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ngoài ra, khi tham gia bảo hiểm, người sản xuất phải tuân thủ các quy định về kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành nên sẽ giúp sản xuất có chất lượng, đảm bảo tính bền vững.
Ngoài ra, cũng cần có sự liên kết các nhà gồm Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp, bảo hiểm và nhà nông trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa để đem lại giá trị gia tăng cao và tăng thu nhập cho người nông dân. Do đó, ABIC đưa ra đề xuất phối hợp triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng nông nghiệp thông qua hoạt động của Agribank.
Cụ thể, đối với phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết, tại công văn số 477/KTHT-GN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý phương án: “Phí bảo hiểm được lấy từ giá trị gia tăng khi tham gia chuỗi (khi đó, hộ nông dân ký hợp đồng sản xuất theo chuỗi với hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp tiêu thụ thì nhận được thẻ bảo hiểm). Phí bảo hiểm được tính ở một phần giá bán sản phẩm theo hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên (doanh nghiệp có thể ứng ra để mua bảo hiểm hoặc người sản xuất ứng ra mua)”.
Thực tế, mô hình này được triển khai thành công ở nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển. Còn ở Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vẫn manh mún, tự phát, thiếu có nguồn cung ổn định, trồng trọt chăn nuôi theo tập quán, không theo quy chuẩn. Do vậy, việc áp dụng phương án triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết phù hợp hơn với mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi theo quy chuẩn.
Đối với các mô hình sản xuất cá thể, hộ gia đình, việc đưa phí bảo hiểm tính vào giá sản phẩm sẽ làm tăng giá thành phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Để áp dụng được phương án này, cần áp dụng một cách đồng bộ, có sự giám sát, hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước như chuẩn hóa quy trình sản xuất, chăn nuôi trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận trình độ sản xuất của các nước có nền nông nghiệp phát triển; hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra và cung ứng nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ một phần chi phí quản lý rủi ro (trong đó có chi phí bảo hiểm)…
- Nhịp đập thị trường
Tăng trưởng giảm, bảo hiểm nhân thọ vẫn hấp dẫn
(ĐTCK) – 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí mới thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm và dự báo giảm xuống dưới mức 20% cả năm nay. Dù đang giảm tốc, nhưng thị trường nhân thọ vẫn được đánh giá hấp dẫn vì dư địa khai thác còn nhiều.
Số liệu chính thức từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, 4 tháng đầu năm 2022, số lượng hợp đồng khai thác mới toàn thị trường nhân thọ đạt khoảng 926.000 hợp đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021 và doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, giảm 8% so. Tuy nhiên, tổng phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng 14,5% so với cùng kỳ lên 52.000 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký IAV, việc doanh thu khai thác mới tiếp tục sụt giảm trong những tháng đầu năm 2022 là điều được dự báo trước, khi mà xu hướng giảm đã xuất hiện từ hơn 2 năm trước – thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Việt Nam, là yếu tố tác động tiêu cực nhất tới tăng trưởng phí mới của thị trường nhân thọ thời gian qua.
Ông Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2019, tăng trưởng phí khai thác mới thị trường nhân thọ ổn định ở mức cao, khoảng 30%/năm, nhưng kể từ năm 2020 bắt đầu giảm về mức 22%, năm 2021 là gần 20% và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2022.
“Dù Covid có xuất hiện hay không thì việc thị trường bảo hiểm nhân thọ bước vào chu kỳ giảm chỉ là vấn đề thời gian, bởi không có ngành, lĩnh vực kinh tế nào có thể duy trì đà tăng trưởng cao mãi”, ông Dũng nhìn nhận.
Theo ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, tăng trưởng doanh thu khai thác mới của thị trường nhân thọ giảm những năm gần đây, ngoài tác động của bệnh dịch, còn do số lượng nhân sự bảo hiểm được tuyển dụng thấp hơn so với giai đoạn trước.
“Tuy nhiên, đây chỉ là tình huống tạm thời và tôi tin rằng, ngành nhân thọ sẽ bật trở lại trong nửa cuối năm”, ông Sang Lee nhận định, đồng thời cho biết, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ còn ở mức thấp (theo thống kê của IAV, tính đến cuối năm 2021, chỉ khoảng 11% người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ), trong khi nhu cầu về bảo vệ sức khỏe ngày càng tăng. Chưa kể, bảo hiểm nhân thọ nằm trong nhóm ngành mang lại thu nhập cao so với mặt bằng chung nên sẽ thu hút được nhiều lao động.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối Sản phẩm và sức khỏe, Manulife Việt Nam cho rằng, Covid-19 là yếu tố chính kéo chậm đà tăng trưởng nền kinh tế, khiến thu nhập của đại bộ phận người dân giảm sút, từ đó ảnh hưởng tới nhu cầu mua bảo hiểm, cho dù đây cũng là tác nhân khiến cộng đồng nhận thức tốt hơn về vai trò của bảo hiểm.
“Khó khăn về tài chính có thể khiến người dân tạm thời chưa tham gia bảo hiểm, nhưng nhu cầu thì vẫn ở đó và tôi tin rằng, tiềm năng thị trường nhân thọ trong dài hạn vẫn rất lớn. Thời gian tới, định hướng của Chính phủ là tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và điều này sẽ giúp cải thiện sức cầu bảo hiểm”, ông Khang nói.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Ngô Trung Dũng đánh giá, không phủ nhận thị trường nhân thọ đang trong xu hướng giảm những năm gần đây, nhưng ngay cả khi tăng trưởng phí mới giảm về mức 10% thì vẫn tích cực so với nhiều thị trường khác trong khu vực khi tỷ lệ này chỉ ở quanh mức 3-5%. Chẳng hạn, trong giai đoạn 2021-2026, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… dự kiến tăng trưởng phí mới từ 3,1-4,7%/năm.
“Chu kỳ tăng trưởng giảm rồi lại tăng đó là điều tự nhiên. Thêm vào đó, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ còn chưa cao, trong khi tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh… sẽ tạo dư địa tăng trưởng cho thị trường nhân thọ”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết, một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang không ngừng tăng cường tương tác, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước.
“Hiện tại, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có khoảng 800 đầu sản phẩm nhưng xét về tính đa dạng, phù hợp cho người tiêu dùng vẫn chưa phải là tối ưu nhất. Nếu cải thiện được điều này nữa thì rất tốt và dĩ nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đang tập trung vào điều này”, ông Dũng nói.
Theo Swiss Re, nhu cầu bảo hiểm nhân thọ chưa được đáp ứng của Việt Nam ước tính lên tới 1.770 tỷ USD (theo số liệu năm 2021), còn nhu cầu bảo hiểm sức khỏe chưa được đáp ứng khoảng 36 tỷ USD (số liệu năm 2017). Nhu cầu bảo hiểm hưu trí chưa có thống kê chính thức, nhưng không phải là con số nhỏ và Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống hưu trí bảo vệ tốt hơn cho người già.
“Tôi cho rằng, nhu cầu bảo hiểm hưu trí chưa được đáp ứng tại Việt Nam có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, khi chỉ một bộ phận nhỏ người ở độ tuổi 60-80 được nhận lương hưu nhà nước và tỷ lệ thâm nhập của lương hưu tư nhân còn rất hạn chế. Thực tế, cả 3 nhu cầu bảo hiểm trên đều đang rất lớn ở Việt Nam”, ông Sang Lee cho hay.
- Bảo hiểm với cộng đồng
PVI tiếp tục đồng hành với giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2022
(PVI) – Với số lượng Vận động viên đăng ký hơn 10.000 người, VnExpress Marathon Quy Nhơn trở thành một giải chạy kỷ lục về số lượng người tham dự. Bảo hiểm PVI vinh dự tiếp tục là nhà tài trợ Bảo hiểm cho toàn bộ các Vận động viên của các giải VnExpress Marathon.
Sáng ngày 12/6/2022, các runner đã lần lượt xuất phát và khởi tranh giải trong cái nắng, cái gió trên những cung đường ven biển tuyệt đẹp của Quy Nhơn.
Bảo Minh tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng trường học tại Bạc Liêu
(BMI) – Sáng ngày 2/6, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tiếp nhận 05 tỷ đồng từ Tổng công ty cổ phần Bảo Minh để hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học tại xã có đông đồng bào dân tộc Khmer – xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi.
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bạc Liêu, là địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi và là một tỉnh còn nghèo ngân sách hàng năm thu không đủ chi, Trung ương phải hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi còn thấp kém; nhất là trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn”
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, trân trọng cám ơn đến Lãnh đạo Tổng Công ty Bảo Minh quan tâm hỗ trợ cho tỉnh 05 tỷ đồng để xây dựng trường học tại xã có đông đồng bào dân tộc Khmer – xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), để trường đạt chuẩn Quốc gia, cũng như giúp xã hoàn thành việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, tạo điều kiện cho con em ở vùng đồng bào dân tộc Khmer này được đến trường.
Đặc biệt, thể hiện sự chia sẻ, nghĩa cử cao đẹp này tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển giáo dục cũng như xu hướng phát triển xã hội.
- Tin quốc tế
Campuchia kêu gọi phối hợp thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực bảo hiểm
(AIR) – Cần có nhiều nỗ lực phối hợp hơn nữa để thúc đẩy số hóa các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhằm nâng cao hiệu quả trong chuỗi giá trị và tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm đa dạng hơn ở Campuchia.
The Phnom Penh Post đưa tin, phát biểu tại một hội thảo vào ngày 15 tháng 6, xem xét vai trò của FinTech và lĩnh vực bảo hiểm trong nền kinh tế kỹ thuật số, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Campuchia (IAC) Huy Vatharo cho biết các công ty bảo hiểm đang nhanh chóng thích nghi hoạt động của họ với môi trường mới của số hóa, đưa ra nhiều chiến lược khác nhau, từ quan hệ đối tác với những doanh nghiệp InsurTech, đến đổi mới nội bộ.
“Việc sử dụng công nghệ trong ngành bảo hiểm, thường được gọi là InsurTech, cũng đã bắt đầu phát triển đáng kể trong thị trường bảo hiểm ở các nền kinh tế mới nổi trong những năm gần đây. Ngoài ra, dịch COVID-19 trong hai năm gần đây đã khiến các công ty bảo hiểm quan tâm nhiều hơn đến các đổi mới kỹ thuật số để phân phối các sản phẩm bảo hiểm”, ông nói.
Cùng sự kiện này, ông Bou Chanphirou, Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý bảo hiểm Campuchia cho biết: “Sự phong phú của công nghệ kỹ thuật số và việc theo đuổi lợi thế cạnh tranh cũng đang thúc đẩy sự phát triển của InsurTech tại Campuchia. Điều này đã mang lại một số thách thức, đòi hỏi cơ quan quản lý bảo hiểm Campuchia và các tổ chức liên quan phải thực hiện các bước bổ sung để tăng cường và đảm bảo hiệu quả của việc quản lý, kiểm soát và phát triển lĩnh vực này”.
Theo ông Ros Seilava, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, người cũng đứng đầu nhóm công tác soạn thảo các chính sách liên quan: “Mặc dù lĩnh vực bảo hiểm đang phát triển và có tiềm năng, InsurTech ở Campuchia vẫn còn non trẻ và đang phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm: thiếu khung pháp lý để quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm kỹ thuật số, thiếu cả cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc xây dựng quy định pháp lý và mạng internet ở các vùng nông thôn, thiếu sự hỗ trợ từ các tác nhân trong hệ sinh thái InsurTech – khu vực công và tư nhân và các đối tác phát triển – và mức độ hiểu biết về tài chính và kỹ thuật số của người dân còn ở mức thấp”.
Trung Quốc ra đời công ty Bảo hiểm Tương hỗ Nghề cá
(AIR) – Công ty bảo hiểm mới nhất của Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm Tương hỗ Nghề cá Trung Quốc, đang tiến hành một quy trình tuyển dụng mở, bốn tháng sau khi nhận được giấy phép hoạt động từ CBIRC.
Đây là công ty bảo hiểm đầu tiên nhận được giấy phép trong năm nay. Công ty có trụ sở chính tại Bắc Kinh.
Công ty bảo hiểm tương hỗ có kế hoạch bổ nhiệm ông Yang Bin làm Chủ tịch và ông Zhang Jing làm Tổng Giám đốc. Có thông tin cho rằng ông Yang là Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký của Hiệp hội bảo hiểm tương hỗ nghề cá Trung Quốc (CFMIA). Ông Zhang đã từng là trợ lý cho Tổng Giám đốc của Huanong P&C Insurance, cũng là thành viên HĐQT và cố vấn.
Vào ngày 15 tháng 2 năm nay, CBIRC đã phê duyệt việc thành lập công ty bảo hiểm tương hỗ. Các tổ chức sáng lập gồm CFMIA, một số hiệp hội bảo hiểm tương hỗ cấp tỉnh và 111 tổ chức nghề cá, doanh nghiệp và những người làm việc trong lĩnh vực này.
Vốn hoạt động ban đầu của Bảo hiểm Tương hỗ Nghề cá Trung Quốc là 500 triệu CNY (74,5 triệu USD).
CBIRC cũng chấp thuận việc thành lập đồng thời bốn chi nhánh của công ty bảo hiểm mới ở Liêu Ninh, Đại Liên, Quảng Tây và Hải Nam.
Đây là công ty bảo hiểm tương hỗ thứ năm của Trung Quốc. Bốn công ty đầu tiên là: Bảo hiểm Tương hỗ Nông nghiệp Sunshine, Công ty Bảo hiểm Tài sản Tương hỗ Công cộng, Bảo hiểm Tương hỗ Tài sản Anh hùng và Bảo hiểm Nhân thọ Tương hỗ Trust.
Trước đây, việc bảo hiểm cho ngành thủy sản do Hiệp hội Bảo hiểm Tương hỗ Nghề cá Trung Quốc (CFMIA) đảm nhận, được thành lập vào năm 1994. Tuy nhiên, vì pháp nhân của CFMIA là một hiệp hội, xung đột thể chế và không có khả năng thu hút CFMIA tham gia hệ thống giám sát bảo hiểm đã cản trở sự phát triển của bảo hiểm tương hỗ trong lĩnh vực thủy sản. Ví dụ, vì các hoạt động bảo hiểm của CFMIA không được CBIRC giám sát, ngành thủy sản không thể được hưởng các lợi ích từ các chính sách của chính phủ, chẳng hạn như trợ cấp.
Do đó, vào tháng 5 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn và CBIRC đã ban hành một thông báo chung về việc thúc đẩy cải cách hệ thống bảo hiểm tương hỗ nghề cá. Một trong các kết quả của cuộc cải cách là thành lập bảo hiểm tương hỗ mới. Mục tiêu là chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản và loại bỏ nghiệp vụ bảo hiểm khỏi hoạt động của các hiệp hội nghề cá trên toàn quốc để họ không còn tham gia kinh doanh bảo hiểm.
Những người sáng lập chính của bảo hiểm tương hỗ là CFMIA và các hiệp hội bảo hiểm tương hỗ nghề cá của Chiết Giang, Sơn Đông, Phúc Kiến, Quảng Đông, Ninh Ba, Giang Tô và Hà Bắc. Ngoài ra, 111 tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản cũng là thành viên sáng lập.
Malaysia: Ít hơn 1/5 xe cộ được bảo hiểm có bảo hiểm ngập lụt
(AIR) – Hơn 80% (cụ thể là 82%) số xe ô tô mà AXA Affin General Insurance đã cứu hộ không có bảo hiểm ngập lụt, công ty bảo hiểm cho biết trong một tuyên bố mới đây.
Theo AXA Affin, mặc dù tỷ lệ xe phải cứu hộ có tăng nhẹ sau trận lũ lụt lớn vào cuối tháng 12 năm 2021 và đầu tháng 1 năm 2022 song nhiều người Malaysia vẫn còn thiếu bảo hiểm và nhận thức thấp về tầm quan trọng của bảo hiểm lũ lụt. Tại AXA Affin, 3,9% chủ hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới đã tham gia bảo hiểm lũ lụt trong năm nay.
Ông Emmanuel Nivet, Tổng Giám đốc công ty bảo hiểm nói rằng trên thực tế, mọi người chỉ nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm sau một sự cố nghiêm trọng khi họ không có bồi thường hoặc phương tiện thay thế cho những thiệt hại và tổn thất đã xảy ra.
Kêu gọi thay đổi tư duy, ông nói rằng bảo hiểm lũ lụt là điều cần thiết và điều quan trọng là phải bảo hiểm đầy đủ cho xe cộ, nhà cửa và đồ đạc để giảm thiểu tác động tài chính của nguy cơ đó nếu phát sinh.
Ông cho biết thêm rằng lũ lụt là một bảo hiểm tùy chọn theo các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới toàn diện nhất, người dân Malaysia nên bổ sung vào các gói bảo hiểm của họ đối với các trường hợp lũ lụt hoặc các nguy cơ đặc biệt.
Bộ Thống kê cho biết, các trận lũ lụt từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022 đã dẫn đến thiệt hại tổng thể là 6,1 tỷ MYR (1,40 tỷ USD). Con số này tương đương với 0,4% GDP danh nghĩa của đất nước. Trong tổng số, tổn thất động cơ lên tới khoảng 1 tỷ MYR.
Cơ quan bảo hiểm New Zealand yêu cầu thực thi luật người tiêu dùng tốt hơn
(AIR) – Hội đồng Bảo hiểm New Zealand (ICNZ) cho biết cần phải thực thi tốt hơn nhiều luật và quy định hiện hành để bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc bán nhầm các sản phẩm bảo hiểm bổ sung cho xe cơ giới.
Giám đốc điều hành ICNZ, Tim Grafton, cho biết các sản phẩm bảo hiểm xe cộ, bao gồm cả những sản phẩm liên quan đến các khoản vay mua ô tô – chẳng hạn như trả nợ và bảo vệ lỗ hổng bảo hiểm.
“Các Đạo luật về Giao dịch Công bằng, Hợp đồng Tín dụng và Tài chính Tiêu dùng nhằm bảo vệ mọi người không bị mua các sản phẩm tài chính không phù hợp hoặc họ không đủ khả năng chi trả. Các luật này cần phải được thực thi.”
Bảo hiểm đổ vỡ máy móc là trường hợp có các sự cố cơ học lớn bên ngoài cần được ngăn ngừa bằng cách bảo dưỡng thích hợp. Hoàn trả khoản vay và bảo hiểm lỗ hổng là dạng bảo hiểm cho các khoản vay được thực hiện cho một chiếc xe. Họ sẽ thanh toán nếu việc trả nợ thông thường không còn được thực hiện trong một số trường hợp nhất định như ốm đau hoặc thất nghiệp. Bảo hiểm khoảng trống thanh toán bất kỳ khoản thiếu hụt nào giữa yêu cầu bảo hiểm ô tô toàn diện thông thường đối với tổn thất toàn bộ và bất kỳ khoản vay mua ô tô chưa thanh toán nào.
“Các nhà bảo hiểm đã chuyển sang giới hạn mức giá mà tại đó bên thứ ba có thể bán những sản phẩm này cho người tiêu dùng để cung cấp cho họ giá trị tốt hơn. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tự nguyện tăng thời gian tự do xem xét của khách hàng từ 5 ngày (theo luật định) lên 14 ngày, trong thời gian đó mọi người có thể được hoàn lại toàn bộ tiền phí nếu họ thay đổi ý định. Đây là cách tiếp cận tốt hơn so với cách tiếp cận bán hàng trả chậm vì điều đó sẽ dẫn đến việc ít người được bảo vệ và rủi ro cao hơn cho người cho vay dẫn đến chi phí cao hơn và khả năng cung cấp các khoản vay cho người vay thấp hơn.
Ông Grafton chia sẻ: “Ủy ban Thương mại đã xem xét vấn đề này vào năm ngoái với mục đích bảo vệ người tiêu dùng. Việc thực thi tốt hơn luật bảo vệ người tiêu dùng và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoa hồng, hoạt động bán hàng và thời gian tự do xem xét 14 ngày sẽ giúp giữ cho những sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với mọi người nếu không sẽ phải trả những hóa đơn khổng lồ trong trường hợp có sự cố lớn hoặc nếu họ không còn khả năng đáp ứng các nghĩa vụ cho vay nữa”.
Tăng phí bảo hiểm thúc đẩy tăng lợi nhuận trong quý đầu tiên
(IBM) – Gallagher Re cho biết, lợi nhuận của các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm được cải thiện trong quý đầu tiên nhờ tỷ lệ phí tăng và tổn thất thảm họa giảm so với một năm trước đó.
Các công ty đạt mức tăng trưởng phí bảo hiểm trung bình là 11%, chủ yếu do tăng tỷ lệ phí bảo hiểm thương mại và phí tái bảo hiểm, với sự thay đổi đáng kể theo ngành nghề kinh doanh và khu vực.
Tỷ lệ kết hợp trung bình đã cải thiện về 94% từ 96% một năm trước đó (năm 2021 chịu thiệt hại liên quan đến thời tiết bao gồm cả băng giá ở Texas).
Lạm phát kinh tế và sự không chắc chắn xung quanh những tổn thất cuối cùng sẽ phải gánh chịu cũng như tác động của lãi suất thấp kéo dài đối với thu nhập đầu tư đang khiến giá phí bảo hiểm cao hơn, báo cáo cho biết.
“Các công ty đang đạt được tỷ lệ tăng tỷ lệ trong nhiều trường hợp trong năm thứ tư liên tiếp. Một số nhóm quản lý lưu ý rằng họ đang theo dõi cẩn thận các xu hướng về giá cả và tuyên bố lạm phát và sẽ điều chỉnh tăng trưởng phí bảo hiểm nếu cần để hỗ trợ lợi nhuận”.
Một số công ty đã thiết lập các khoản dự phòng cho các vụ lộ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù điều đó không phải là động lực quan trọng đối với kết quả chung.
“Một trong những thách thức lớn nhất trong ba quý tới là lạm phát xã hội tiếp tục gia tăng do tác động của nó đến chi phí tổn thất và xu hướng tỷ lệ tổn thất, đặc biệt là trong các ngành có nhiều trách nhiệm hơn”, Gallagher Re bình luận.
Thị trường chứng khoán suy giảm góp phần làm giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình xuống 9% từ mức 14% của một năm trước đó.
Báo cáo của Gallagher Re theo dõi các nhà tái bảo hiểm và công ty bảo hiểm lớn nhất trên toàn cầu có các nghiệp vụ thương mại hoặc hoạt động tái bảo hiểm quy mô lớn. Các doanh nghiệp đó bao gồm AIG, Travelers, Chubb, Intact, Everest Re, Hartford, CNA, Munich Re, Hannover Re, Sompo, Liberty Mutual, MS&AD, Arch, Tokio Marine, Allianz, Fairfax, Mapfre, Markel, Swiss Re, Scor, Cincinnati, Axa, Aviva và Zurich.
Nhật Bản: Doanh thu BHNT tăng mạnh nhờ chênh lệch đầu tư thuận lợi
(AIR) – Trong báo cáo có tiêu đề “Bảng tổng hợp Bảo hiểm Nhân thọ Nhật Bản: Kết quả năm tài chính 22”, Fitch Ratings cho biết các nguyên tắc cơ bản về tín nhiệm của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản có thể sẽ vẫn ổn định trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023 (FYE23).
Fitch tin rằng lợi nhuận tổng thể có khả năng vẫn ổn định, do thu nhập đầu tư tăng mạnh. Thị trường tài chính nhìn chung hoạt động có lợi cho các công ty bảo hiểm Nhật Bản mặc dù có sự biến động cao hơn trong năm tài chính 22 do đồng yên giảm giá so với đô la Mỹ. Tổng mức đầu tư tích cực của 9 công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thống đã tăng lên 1,193 tỷ JPY (8,9 tỷ USD), tăng 48%. Kết quả là, tổng lợi nhuận cốt lõi của các doanh nghiệp này đã tăng 11% lên 2.619 tỷ JPY. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất tiếp tục tồn tại là sự biến động của thị trường tài chính trong năm tài chính 23.
Fitch cho biết: “Chúng tôi tin rằng thiệt hại về tử vong do COVID-19 gây ra sẽ tiếp tục nhỏ, vì tỷ lệ người chết ở Nhật Bản ít hơn nhiều so với ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, biến thể Omicron tiết lộ rằng các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thuộc nhân thọ có xu hướng sẽ thanh toán bảo hiểm đối với các trường hợp nhẹ. Fitch dự kiến kết quả kinh doanh bảo hiểm có thể tiếp tục bị hạn chế ở mức độ vừa phải trong năm tài chính 23”.
Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu kỳ vọng mức an toàn vốn của các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản sẽ tiếp tục đủ để xếp hạng của họ trong một thời gian, do chủ yếu là vốn cốt lõi tích lũy, bao gồm lợi nhuận để lại và các khoản dự trữ vốn như dự phòng rủi ro và dự phòng biến động giá.
Ngoài ra, Fitch tin rằng hầu hết các công ty bảo hiểm nhân thọ đang nỗ lực giảm rủi ro lãi suất để đối phó với cơ chế quản lý mới sẽ được áp dụng tại Nhật Bản từ năm 2025. Tỷ lệ biên khả năng thanh toán tổng hợp theo luật định vẫn ở mức cao 999% vào cuối tháng 3 năm 2022 , hầu như không thay đổi so với một năm trước đó.
Howden mua lại TigerRisk trở thành nhà môi giới tái bảo hiểm lớn thứ 4 thế giới
(AIR) – Howden Group Holdings, tập đoàn trung gian bảo hiểm quốc tế hàng đầu, mới đây đã thông báo mua lại TigerRisk Partners, công ty tư vấn rủi ro, vốn và chiến lược cho ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm toàn cầu.
“Giao dịch này nâng cao đáng kể quy mô và độ sâu của hoạt động cung cấp tái bảo hiểm và thị trường vốn của Howden, đồng thời tạo ra công ty toàn cầu thứ tư rất cần thiết trong thị trường môi giới tái bảo hiểm”, Howden cho biết trong một tuyên bố.
Thỏa thuận củng cố vị thế của Tập đoàn với tư cách là một trung gian bảo hiểm toàn cầu, tạo ra một doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm trị giá 30 tỷ đô la với giá trị doanh nghiệp hơn 13 tỷ đô la, sử dụng 12.000 người trên 45 quốc gia.
Trong thời điểm thị trường tiếp tục gián đoạn, sự kết hợp này cũng nâng cao uy tín, mức độ phù hợp, quy mô và khả năng cung cấp dịch vụ đầy đủ của Howden trên các thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm, MGA và thị trường vốn.
Mạng lưới phân phối toàn cầu của Howden Re và kiến thức chuyên môn bổ sung về tái bảo hiểm định hướng dữ liệu trong các lĩnh vực tái bảo hiểm chuyên biệt quốc tế, Fac và lĩnh vực MGA sẽ thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của mảng tái bảo hiểm tập trung hàng đầu tại Hoa Kỳ, thị trường vốn, tư vấn và công nghệ và cung cấp phân tích của TigerRisk. Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm kết hợp sẽ có thể đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của các khách hàng lớn trên toàn cầu, các công ty bảo hiểm trong nước và khu vực, MGA và các nhà tái bảo hiểm.
Mối quan hệ hợp tác này thể hiện việc đạt được 400 triệu đô la doanh thu tái bảo hiểm kết hợp và cung cấp cho khách hàng quyền tiếp cận với 450 chuyên gia trong một doanh nghiệp tại hơn 30 văn phòng và thành tích giao hàng tại các thị trường địa phương.
Giao dịch được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư dài hạn của Howden, bao gồm General Atlantic (nhà đầu tư từ năm 2013), CDPQ (nhà đầu tư từ năm 2018) và Hg (nhà đầu tư từ năm 2021).
Ông David Howden, Tổng Giám đốc Howden Group, cho biết: “TigerRisk là doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh nổi bật trong lĩnh vực tái bảo hiểm và thị trường vốn trong nhiều năm và quyết định hợp tác với Howden là một cơ hội duy nhất và là người thay đổi cuộc chơi đối với chúng tôi và ngành. Quan trọng là, sự phát triển của TigerRisk phản ánh hành trình của chính chúng ta; ngay từ đầu, công ty đã trao quyền cho nhân viên thông qua quyền sở hữu và bằng cách tiếp cận doanh nhân và khách hàng là trên hết, từ đó đã mang lại sự tăng trưởng hữu cơ phi thường và trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự trên thị trường với chất lượng cao nhất”.
“Sự kết hợp này không chỉ tạo ra hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm theo định hướng kỹ thuật số và thị trường vốn được củng cố bởi việc cung cấp sản phẩm bổ sung và phù hợp với văn hóa, mà còn mang lại đầy đủ khả năng cung cấp cho khách hàng đa dạng và khác biệt của chúng tôi, tạo ra một giải pháp thay thế mới trên quy mô thực cho khách hàng và nhân tài”.
Ông Rod Fox, Chủ tịch điều hành và đồng sáng lập của TigerRisk Partners, người sẽ trở thành Chủ tịch điều hành của Howden Tiger, cho biết, “Tất cả những gì tôi có thể nói là ‘Chà!’ Sự kết hợp này mang tính chuyển đổi – chúng tôi sẽ trở thành sự khác biệt mà thị trường đang tìm kiếm”
Để hoàn tất giao dịch, còn phải phụ thuộc vào sự phê duyệt theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Singapore: MAS thất vọng vì thiếu sự tham gia của InsurTech
(AIR) – Một nhóm hàng trăm InsurTech đã được đăng ký trong Hiệp hội FinTech Singapore, nhưng các nhà quản lý bảo hiểm nước này lo ngại về việc ngành bảo hiểm ít tham gia vào việc đổi mới sản phẩm.
Ông Sopnendu Mohanty, Giám đốc FinTech của MAS, phát biểu tại InsureTech Connect Asia cho hay: “Mặc dù chúng tôi đã cung cấp Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) mở để cho phép tiến hành các thử nghiệm bảo hiểm đối với các công ty công nghệ trên thị trường, nhưng thực tế tỷ lệ tham gia về bảo hiểm rất thấp”. Ông cho biết ngành bảo hiểm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức có thể được giải quyết khi có thêm sự phát triển của InsurTech.
“Họ không thực sự tham gia theo cách mà bạn muốn. Thiếu nhận thức. Nhiều người có thu nhập thấp không được tiếp cận với bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Tiếp cận những sản phẩm đó là một thách thức. Quan hệ đối tác trong hệ sinh thái ở mức độ thấp. Quá trình hoàn thành, định phí và yêu cầu bồi thường còn một chặng đường dài phía trước”.
MAS đã cung cấp các Sandbox để các công ty thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ tài chính trong một môi trường được kiểm soát trước khi tung ra thị trường và tạo điều kiện tài trợ và đầu tư vào các công ty FinTech và InsurTech. Theo MAS, gần 4 tỷ đô la đã được đầu tư vào các công ty FinTech vào năm 2021, trong đó InsurTech là một trong những lĩnh vực có nguồn vốn mạnh mẽ. Cơ quan quản lý cũng đang làm việc trên cơ sở hạ tầng như hệ thống chấp thuận nhận dạng kỹ thuật số quốc gia, SGFinDex, để lưu trữ dữ liệu bảo hiểm và Project Veritas, một nền tảng để dự đoán và phát hiện gian lận bảo hiểm.
Ông nói: “Ngành InsurTech chưa thực sự khai thác được nguồn tiền này, nơi bạn có thể nhận một số quỹ này và thiết lập quan hệ đối tác với các đối tác hệ sinh thái khác và thực hiện các thử nghiệm. Vì vậy, chúng tôi hơi thất vọng khi InsurTech, mặc dù có một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa xử lý được chúng”.
“Tiền vốn không phải là vấn đề. Thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư không phải là một vấn đề. Những gì chúng ta phải làm chung là tìm ra cách để tăng cường quan hệ đối tác công tư. Nơi chúng ta có thể suy nghĩ về các ngành công nghiệp tiện ích, ô tô, chăm sóc sức khỏe hoặc công nghiệp chế biến thông thường và tìm cách hợp tác với họ”.
BTV (Tổng hợp).