TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 18

Giám đốc Tài chính MetLife nghỉ việc; BIC giảm tới 40% phí bảo hiểm du lịch hè; Triển vọng đầu tư ngành bảo hiểm xấu đi

I. Tin trong nước

1. Tin bồi thường, tổn thất

Hai xe khách bốc cháy trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương

TTO – Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết vào khoảng 20h10 ngày 6-5 đã xảy ra một vụ cháy xe khách trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra tại Km34, thuộc địa bàn TP.Tân An, Long An. Khi xe khách thuộc hãng xe Phương Trang lưu thông trên làn đường từ TP.HCM về Tiền Giang, đến địa điểm trên thì phát hiện có dấu hiệu cháy từ phần sau thân xe.

Tài xế đã điều khiển xe khách tấp vào làn khẩn cấp để hành khách rời khỏi xe.

Tuy nhiên, sau đó đám cháy không thể được khống chế mà tiếp tục bùng lên dữ dội. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang khắc phục vụ cháy, tiếp tục làm rõ nguyên nhân.

Xem thêm: bảo hiểm sức khỏe gia đìnhbảo hiểm cho bémua bảo hiểm cho con

Bước đầu, một lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông cho biết thêm chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Trước đó như Tuổi Trẻ đã thông tin, vào khoảng 10 giờ cùng ngày, một xe khách của nhà xe Minh Mẫn chạy từ miền Tây về TP.HCM, khi vào lưu thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến Km 48+500 thì cũng bốc cháy.

Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, khoảng 10h ngày 6-5, tài xế Lê Minh Sang (38 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) lái xe khách giường nằm của nhà xe Minh Mẫn chạy từ miền Tây về TP.HCM.

Khi xe vào cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến km 48+500, đoạn qua xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, hành khách phía sau phát hiện khói bốc lên từ đuôi xe.

Tài xế nhanh chóng tấp vào lề đường và mở cửa để tất cả hành khách kịp thoát ra ngoài, đồng thời chữa cháy nhưng bất thành.

Ngọn lửa bùng phát dữ dội và nhanh chóng thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe. Do phát hiện kịp thời, gần 20 hành khách trên xe đều thoát nạn

Nhận tin báo, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC66) Công an tỉnh Tiền Giang đã điều 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ đến chữa cháy. Sau khoảng 15 phút, ngọn lửa đã được dập tắt hoàn toàn.

Tại hiện trường, chiếc xe giường nằm bị thiêu rụi hoàn toàn, nhiều đồ đạc và hàng hóa trên xe của hành khách cũng bị cháy. Rất may vụ hỏa hoạn không gây thương vong về người.

2. Một vòng doanh nghiệp

AIA Việt Nam: Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2017 tăng 33,7%

(ĐTCK) – AIA Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh của năm tài chính 2017 với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 33,7% so với năm 2016, đạt 6.295 tỷ đồng, trong đó phí bảo hiểm khai thác mới tăng 24,9%, đạt 2.367 tỷ đồng.
Tình hình tài chính vững chắc của AIA Việt Nam tiếp tục được tăng cường với tổng tài sản đạt 15.412,3 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2016 và tỷ lệ biên khả năng thanh toán vượt mức yêu cầu theo luật định, đạt 136%.

Năm 2017, AIA Việt Nam tiếp tục ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong việc phát triển dịch vụ với trọng tâm hướng đến khách hàng, nâng cao chất lượng kinh doanh với sự ra mắt “MyAIA – Bảo hiểm của tôi” – trang thông tin điện tử dành cho khách hàng có hợp đồng bảo hiểm với AIA Việt Nam.

Năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) của AIA Việt Nam với 4 đối tác ngân hàng mới là HSBC, VPBank, Đông Á Bank và Shinhan Bank, nâng tổng số đối tác của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng của AIA Việt Nam lên 8 đối tác….

Quý I/2018: Bảo Việt tăng trưởng mạnh doanh thu hợp nhất, đạt 10.190 tỷ đồng

(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 (trước soát xét), theo đó tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn tăng trưởng mạnh 43,9% so với cùng kỳ, ước đạt 10.190 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất hoàn thành 33% so với kế hoạch năm.

Từng lĩnh vực kinh doanh cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm với tổng doanh thu ước đạt 7.170 tỷ đồng (+53,1%), doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 4.623 tỷ đồng (+28,7%). Trong thời gian qua, Bảo Việt Nhân thọ đã nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các phương diện gồm hoạt động kinh doanh, mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh các hoạt động khai thác mới, quản trị doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Mới đây, Bảo Việt Nhân thọ đã ký kết hợp tác với Ngân hàng TMCP Phương Đông và sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa kênh hợp tác ngân hàng trong năm 2018.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm Bảo Việt ước đạt tổng doanh thu 2.783 tỷ đồng, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế hoàn thành 20,9% kế hoạch. Doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 31,7% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 37,9% kế hoạch năm, tăng trưởng 18,8%. Với kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2018, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục giữ vững định vị chiến lược là doanh nghiệp hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và trong lĩnh vực bảo hiểm cá nhân và hộ gia đình. Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục được vinh danh trong top 3 nơi làm việc tốt nhất ngành Bảo hiểm và được vinh danh là nơi làm việc tốt số 1 trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) đạt kết quả kinh doanh khá tốt, tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng về tổng tài sản quản lý. Tại thời điểm 31/3/2018, tổng tài sản do BVF quản lý đạt 47.842 tỷ đồng, tăng gần 3.342 tỷ đồng, tăng 7,5% so với thời điểm 31/12/2017. Tổng doanh thu đạt 29 tỷ đồng, tăng trưởng 20,7% so với cùng kỳ. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tăng trưởng mạnh trong quý I với tổng doanh thu tăng trưởng 39,8% so với cùng kỳ năm 2017.

BIC giảm tới 40% phí bảo hiểm du lịch trong dịp hè 2018

(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa triển khai chương trình khuyến mãi “An tâm vui hè, rộn ràng ưu đãi” dành cho khách hàng mua bảo hiểm du lịch từ nay đến hết 31-7-2018.

Theo đó, khách hàng sẽ được giảm 30% phí bảo hiểm du lịch khi tham gia riêng lẻ hoặc theo nhóm dưới 10 người, 35% khi tham gia theo nhóm từ 10 người tới dưới 40 người và 40% khi tham gia theo nhóm từ 40 người trở lên.
Chương trình áp dụng cho tất cả khách hàng trong và ngoài nước tham gia các sản phẩm bảo hiểm du lịch của BIC, bao gồm: bảo hiểm khách du lịch trong nước, bảo hiểm người Việt Nam du lịch nước ngoài, Sản phẩm được cung cấp qua kênh mua trực tiếp tại các công ty thành viên, Phòng Kinh doanh của BIC, mua qua đại lý hoặc mua trực tuyến tại baohiemtructuyen.com.vn.

3. Nhịp đập thị trường

Nét mới trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ quý I

(ĐTCK) – Tính đến hiện tại, mới có một vài doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 và nhìn chung đều khả quan. Với việc Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm dẫn đầu chiếm khoảng 70% thị phần, bức tranh chung của thị trường phi nhân thọ quý đầu năm có nhiều nét vẽ mới.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018 (trước soát xét) của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho thấy, Bảo hiểm Bảo Việt – công ty con hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ của BVH – ước đạt 2.783 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 31% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận sau thuế hoàn thành 20,9% kế hoạch cả năm.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 31,7% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 18,8% và đạt 37,9% kế hoạch năm. Với kết quả này, Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu thị phần thị trường phi nhân thọ Việt Nam, nhất là trong mảng bảo hiểm cá nhân và hộ gia đình.

Bảo hiểm PVI cho biết, kết thúc quý I/2018, Công ty đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ 2017, hoàn thành 115% kế hoạch quý và 27% kế hoạch cả năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng 15,5% so với cùng kỳ 2017.

“3 tháng đầu năm, khối bán lẻ tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh thu từ các đơn vị thành viên tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ tăng, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp được đẩy mạnh…”, thông tin từ Bảo hiểm PVI cho hay.

Tại Bảo hiểm Bảo Minh, kết thúc quý I/2018, Bảo Minh đạt tổng doanh thu 981,5 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2017, trong đó phí bảo hiểm gốc là 891,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý I/2018 đạt trên 84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 67,88 tỷ đồng, tăng 63% cùng kỳ 2017.

Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, doanh thu và lợi nhuận quý I/2018 cùng tăng trưởng cao một mặt là do Công ty thay đổi phương pháp tính dự phòng phí trong kỳ (cùng kỳ năm trước áp dụng phương pháp dự phòng toán học đối với loại hình bảo hiểm tử kỳ).

Mặt khác, diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán giúp kết quả hoạt động đầu tư tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, từ đó đóng góp vào kết quả kinh doanh chung.

Hiện tại, Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu đang chiếm khoảng 70% thị phần thị trường phi nhân thọ Việt Nam. Để chiếm chỗ trong miếng bánh thị phần còn lại cũng như cạnh tranh với những doanh nghiệp nhóm trên, một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp nhóm dưới áp dụng là đẩy mạnh mở rộng mạng lưới thông qua việc thành lập các đơn vị thành viên, chi nhánh, phòng giao dịch…

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dồn dập tăng vốn

(ĐTCK) – Thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã tiến hành tăng vốn điều lệ nhằm tiếp tục triển khai các dự án mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối mới, cũng như tăng dự phòng rủi ro theo quy định mới.

Vào cuối năm 2017, Dai-ichi Life Việt Nam đã được Bộ Tài chính chấp thuận cho tăng vốn lên hơn 5.400 tỷ đồng (lần thứ 6) nhằm đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Trên thị trường, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong mở rộng và đa dạng hóa hệ thống phân phối, đặc biệt là với mô hình bancassurance thông qua việc ký kết hợp tác độc quyền và dài hạn với nhiều ngân hàng đối tác như Sacombank, SHB, HDBank, VNPost, LienVietPostBank…

Sau hơn 11 năm hoạt động, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 20 lần và đang giữ vị trí thứ 3 về mạng lưới phục vụ khách hàng. Năm 2017, doanh thu phí khai thác mới của Dai-ichi Life Việt Nam đạt 3.630 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần doanh thu khai thác mới.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tăng dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu kể từ năm 2017

Cùng với Dai-i-chi Life Việt Nam, cuối tháng 12/2017, Bộ Tài chính đã chấp thuận về nguyên tắc việc tăng vốn điều lệ cho Prudential Việt Nam từ hơn 1.135 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm này, AIA Việt Nam thông báo vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 3.224,4 tỷ đồng, từ mức 1.264,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều hãng bảo hiểm khác cũng thực hiện tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn, Manulife Việt Nam đã nâng vốn điều lệ lên hơn 5.720 tỷ đồng, qua đó trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại.

Những năm gần đây, Manulife Việt Nam thường đạt kết quả kinh doanh tích cực với tăng trưởng trung bình cao hơn thị trường. Manulife Việt Nam cũng là công ty bảo hiểm giữ vị trí số 1 về bảo hiểm liên kết qua ngân hàng (bancassurance).

Đại diện Manulife Việt Nam cho biết, để duy trì vị thế, trong thời gian tới, Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm mang đến khách hàng nhiều tiện ích mới và thuận tiện hơn trong giao dịch, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong đợt tăng vốn mới từ đầu năm 2018 còn có Generali Việt Nam. Cụ thể, vào đầu tháng 4/2018, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý này đã tăng vốn điều lệ từ hơn 3.500 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, đồng thời công bố được phép kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Ứng dụng GenClaims trên điện thoại di động thông minh là tiện ích mới nhất mà Generali Việt Nam đưa ra thị trường nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng…

Cũng trong tháng tháng 4 vừa qua, Sun Life Việt Nam được Bộ Tài chính chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 1.870 tỷ đồng. Kể từ khi chính thức hoạt động với thương hiệu Sun Life Việt Nam, hãng bảo hiểm này đã không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh trên toàn quốc, phát triển đội ngũ tư vấn tài chính theo mô hình MRA (Most Respected Advisors – Tư vấn tài chính được tôn trọng nhất).

Lãnh đạo Sun Life Việt Nam cho biết, dự kiến trong năm nay, Sun Life Việt Nam sẽ tuyển dụng nhiều nhân sự với nhiều vị trí khác nhau, ở nhiều kênh phân phối, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh của Công ty.

“Cùng với đó, Sun Life Việt Nam cũng sẽ tiếp tục chú trọng phát triển sản phẩm mới, mở rộng các kênh phân phối, tăng cường đầu tư vào công nghệ thông tin và kỹ thuật số để cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”, vị lãnh đạo này nói.

Về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận, để tiếp tục mở rộng thị trường thì việc tăng vốn là tất yếu, nhất là khi thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.

Bên cạnh đó, các thương vụ hợp tác bancassurance “khủng” đã và có thể sắp được ký kết cũng sẽ cần số vốn lớn để đầu tư, và tăng vốn là một trong những giải pháp.

“Ngoài ra, cách tính dự phòng rủi ro theo quy định mới cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng vốn, nâng cao ‘sức khỏe’ tài chính, đặc biệt là các hãng đang bán nhiều sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sự thay đổi lãi suất trên thị trường. Các hãng này phải tăng dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm sâu kể từ năm 2017”, vị chuyên gia này nói.

4. Bảo hiểm với cộng đồng

Bảo Việt Nhân thọ khám bệnh miễn phí và tặng quà cho 3.000 người nghèo, gia đình chính sách

(BVH) – Triển khai từ năm 2016, chương trình “Chung tay vì cộng đồng – Bảo vệ Sức khỏe Việt” đã đi qua nhiều tỉnh/thành trên toàn quốc, khám bệnh miễn phí cho hơn 2.000 người dân có điều kiện khó khăn. Năm 2018, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục mở rộng chương trình khám bệnh miễn phí và tặng quà cho 3.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách tại 6 tỉnh: Đồng Nai, Phú Yên, Trà Vinh, Bến Tre, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng giá trị hỗ trợ là 3 tỷ đồng.

Với mong muốn đóng góp vào công cuộc an sinh xã hội, giúp người dân được bảo vệ sức khỏe tốt hơn, yên tâm lao động sản xuất, từ tháng 3 đến tháng 5/2018, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ tổ chức chương trình “Chung tay vì cộng đồng” rộng khắp tại 6 tỉnh/thành, trong đó Thanh Hóa và Nghệ An là những địa phương có số lượng hộ nghèo nằm trong nhóm đầu của cả nước. Với sự hỗ trợ và đồng hành của các y, bác sĩ đến từ các Bệnh Viện Đại học Quốc Gia Hà Nội (BV ĐH QGHN), Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Xây dựng và Bệnh viện Nhân dân 115, hơn 3.000 người dân thuộc gia đình chính sách và hộ nghèo sẽ được khám bệnh miễn phí trong chương trình của Bảo Việt Nhân thọ năm nay. Tính tới ngày 2/5/2018, hành trình khám bệnh đã tới với 1.500 bà con tại 4 tỉnh thành là Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh và Phú Yên. Ngày 12/5 tới đây, đoàn bác sĩ sẽ tiếp tục dừng chân tại Thanh Hóa, dự kiến thăm khám cho hơn 500 người.

Đồng hành cùng Bảo Việt Nhân thọ từ năm 2016, Bác sỹ Vũ Ngọc Trung (Bệnh viện ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Đây đã là năm thứ 3 đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi tham gia chương trình Chung tay vì cộng đồng cùng Bảo Việt Nhân thọ. Chúng tôi có chuyên môn, Bảo Việt Nhân thọ có nguồn lực và chúng tôi có chung một cái tâm mong muốn góp phần vào một xã hội tươi đẹp hơn, khỏe mạnh hơn. Thông qua quá trình thăm khám, chúng tôi đồng thời hướng dẫn bà con cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật. Mỗi một người dân đến khám đều có một hoàn cảnh rất riêng và tôi luôn hy vọng quá trình thăm khám không phát hiện căn bệnh nào nghiêm trọng.”

Ông Phạm Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết:“Bệnh tật là kẻ thù của sự an bình thịnh vượng của mỗi gia đình. Sức khỏe là nền tảng của tương lai. Cũng chính vì lẽ đó, chúng tôi đã tổ chức chương trình này, để những người dân khó khăn nhất cũng có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cam kết của Bảo Việt Nhân thọ trong 22 năm qua trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, Bảo vệ các gia đình Việt, Bảo vệ sức khỏe Việt và Bảo vệ giá trị Việt.

5. Tin quốc tế

Triển vọng đầu tư ngành bảo hiểm đang xấu đi

(INN) – Theo khảo sát mới đây của của Goldman Sachs Asset Management, khoảng một nửa trong số các công ty bảo hiểm tin rằng triển vọng đầu tư đã xấu đi.

Sự bi quan ngày càng tăng – so với mức 36% năm trước – khiến nhiều công ty bảo hiểm phải giảm mức độ rủi ro đối với danh mục đầu tư của mình. Ít nhất đã có khoảng 17% tổng số công ty dự kiến thực hiện điều này.
Các công ty này có kế hoạch giảm bớt tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu và tài sản tín dụng nhằm tăng thanh khoản cho danh mục đầu tư.

Khẩu vị rủi ro đã giảm xuống còn -1% từ mức + 16% ròng năm ngoái.

Goldman Sachs nhận định: “Kết quả khảo sát cho thấy sự hoài nghi về cơ hội đầu tư. Với giá phí bảo hiểm dự kiến sẽ tăng và định giá cổ phiếu cao, các công ty bảo hiểm đang cân nhắc khả năng đạt được lợi nhuận thỏa đáng mà không để danh mục đầu tư của họ bị ảnh hưởng quá mức trong trường hợp suy thoái”.

Tình trạng suy thoái hoặc khủng hoảng của Mỹ, sự biến động của thị trường tài chính và lạm phát gia tăng là ba rủi ro vĩ mô hàng đầu được các nhà bảo hiểm tính đến.

Rủi ro chính trị – nguy cơ hàng đầu năm ngoái – đã tụt xuống vị trí thứ sáu.

Goldman Sachs cho biết: “Mối lo ngại về sản lượng thấp và các sự kiện chính trị đã tạo ra những lo ngại điển hình của chu kỳ cuối, như suy thoái kinh tế và khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, thắt chặt tiền tệ và biến động trên thị trường cổ phiếu và tín dụng Hoa Kỳ”.

Cuộc khảo sát được tiến hành với hơn 300 Giám đốc Công nghệ thông tin và Giám đốc Tài chính của các công ty bảo hiểm, trong đó có 55 công ty thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các công ty bảo hiểm này quản lý hơn 10 nghìn tỷ USD tổng tài sản trên và chiếm hơn một phần ba tài sản toàn cầu của ngành.

Pru Life ký thỏa thuận bancassurance tại Philippines

(IAN) – Các cơ quan quản lý nhà nước tại Philippines, gồm Ngân hàng trung ương Bangko Sentral ng Pilipinas và Ủy ban Bảo hiểm, đã bật đèn xanh cho khả năng hợp tác bancassurance giữa Ngân hàng Robinsons và Pru Life UK.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Robinsons và Pru Life UK sẽ hợp tác trong ba năm để ngân hàng có thể phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của công ty bảo hiểm tại 135 chi nhánh ngân hàng trên toàn quốc.

Cả hai đơn vị đều tích cực ủng hộ cho liên minh chiến lược này thông qua phát ngôn của các nhà lãnh đạo khi hợp tác chính thức được công bố vào tháng Giêng năm nay.

Theo ông Elfren Antonio S. Sarte, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Robinsons, bancassurance là một thành phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng này.

Về phần mình, ông Antonio de Rosas, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pru Life UK, cho rằng Robinsons Bank sẽ được hưởng lợi từ quan hệ đối tác thông qua việc các khách hàng của ngân hàng này có thể dễ dàng tiếp cận với các giải pháp bảo hiểm nhân thọ của Pru Life UK.

Hàn Quốc: lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại nước ngoài giảm

(IAN) – Khoản lỗ của các công ty bảo hiểm Hàn Quốc phát sinh từ hoạt động ở nước ngoài năm 2017 đã giảm bớt, nhờ sự gia tăng thu nhập bảo hiểm và thu nhập đầu tư.

Dữ liệu từ Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) hôm Thứ tư vừa qua cho thấy, 42 chi nhánh ở nước ngoài của các công ty bảo hiểm đã báo cáo lỗ ròng tổng cộng 23,2 triệu USD trong năm 2017, so với mức lỗ 70,3 triệu USD trong năm 2016.

Trong một tuyên bố, FSS cho biết khoản lỗ ròng giảm 47,2 triệu đô la Mỹ so với năm trước do tăng thu nhập bảo hiểm và đầu tư.

Cơ quan quản lý này cho biết các hoạt động tại Việt Nam, Anh, Nhật Bản và Indonesia đã tăng lãi ròng, bù đắp cho các hoạt động tại Mỹ, Trung Quốc và Singapore, ghi nhận lỗ ròng.

Dữ liệu cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2017, các tài sản kết hợp của các hoạt động ở nước ngoài của các công ty bảo hiểm đứng ở mức 8,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với một năm trước.

Hàn Quốc: thành lập ủy ban chuyên cấp phép về ngân hàng, bảo hiểm

(IAN) – Cơ quan quản lý tài chính ở Hàn Quốc đang xem xét giảm yêu cầu về vốn cho các doanh nghiệp tài chính và thành lập một ủy ban chuyên phê duyệt đề án thành lập doanh nghiệp mới, bao gồm việc phê duyệt đơn xin cấp giấy phép bảo hiểm.

Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) Hàn Quốc cho biết việc cải tạo này là một phần của nỗ lực thu hút nhiều doanh nghiệp tài chính hơn cho xứ sở kim chi.

FSC cho biết một ủy ban gồm chín chuyên gia bên ngoài sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các đơn xin cấp giấy phép ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán để minh bạch và hiệu quả hơn.

Một lĩnh vực khác mà ủy ban mới sẽ phải tập trung là xem xét việc chấp thuận đề xuất hoạt động của các ngân hàng online sau khi có sự ra mắt hồi năm ngoái của hai ngân hàng trực tuyến là K Bank và Kakao Bank.

Ông Choi Hoon, Trưởng phòng Ngân hàng và Bảo hiểm tại FSC, cho biết, hai ngân hàng trên đây đã tăng trưởng về quy mô và có tác dụng thúc đẩy cạnh tranh trong ngành.

Willis được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc

(IAN) – Sau khi Trung Quốc thực hiện cải cách lĩnh vực tài chính, Willis Insurance Brokers, có trụ sở tại Thượng Hải, đã trở thành nhà môi giới 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động hoàn toàn như một công ty Trung Quốc tương đương.

Thành phố Thượng Hải đã chủ động loại bỏ những hạn chế trong lĩnh vực tài chính sau những cải cách gần đây của chính phủ. Tuần trước, Cơ quan quản lý bảo hiểm Trung Quốc đã ban hành một văn bản mới, mở rộng phạm vi kinh doanh cho các hãng bảo hiểm nước ngoài.

Đồng thời, tờ Shanghai Securities News đưa tin, cơ quan này đã phát hành một giấy phép mới cho Willis, cho phép hãng có quyền hoạt động giống như bất kỳ nhà môi giới Trung Quốc nào.
Với hoạt động bao phủ toàn bộ Trung Quốc, Willis là một trong những nhà môi giới bảo hiểm nước ngoài đầu tiên có được giấy phép kinh doanh tại nước này.

Giám đốc Tài chính MetLife nghỉ việc

(IAN) – John Hele, Giám đốc Tài chính của MetLife, đã từ chức vị trí của mình nhưng dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở lại với công ty này cho đến tháng 9 với tư cách là cố vấn cấp cao.

Theo báo cáo, phó chủ tịch điều hành John McCallion, hiện là kiểm soát viên của MetLife, sẽ kế nhiệm Hele ở vai trò Giám đốc Tài chính.

Thông báo về quyết định nghỉ việc của Hele được đưa ra chỉ một ngày trước khi Công ty báo cáo thu nhập trong quý đầu tiên.

Tổng Giám đốc MetLife ca ngợi ông Hele vì đã tập trung mạnh vào việc nâng cao tình trạng tài chính của hãng.
Ông gia nhập MetLife năm 2012 và trước đó từng là Giám đốc Tài chính của công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm Arch Capital Group.

Lloyd’s: Giám đốc Tài chính nghỉ việc

(INJ) – Tuần trước, Lloyd’s công bố cho biết, Giám đốc Tài chính John Parry đã quyết định rời khỏi Tập đoàn sau 17 năm cống hiến tại đây.

Ông Parry gia nhập Lloyd vào tháng 8 năm 2001. Ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính vào tháng 12 năm 2014, và đồng thời là thành viên của HĐQT và Ban Giám đốc của Lloyd. Trách nhiệm của ông bao gồm báo cáo tài chính cho tập đoàn và thị trường, thiết lập vốn và đảm bảo vốn, thuế, quản lý quỹ và đầu tư.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức về ngày ông Parry nghỉ việc nhưng Lloyd’s cho biết, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm ngay lập tức.

Tổng Giám đốc Lloyd, bà Inga Beale, nhận xét, ông Parry đã thực hiện một “đóng góp đặc biệt” cho Lloyd và thị trường. “Trong một giai đoạn thay đổi chưa từng có trong ngành bảo hiểm, kiến thức, kinh nghiệm và cam kết tuyệt vời của ông Parry đối với thị trường của Lloyd đã khiến cho ông nhận được sự tôn trọng từ tất cả những người làm việc cùng”.

Trung Quốc: thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đối mặt với khó khăn

(IAN) – Theo bản tóm tắt mới nhất của AM Best, triển vọng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Trung Quốc hiện đang tiêu cực, nhưng điều kiện thị trường dự kiến sẽ trở nên tốt hơn trong thời gian tới.

Bản báo cáo về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Trung Quốc cho thấy tình trạng cạnh tranh gay gắt, cùng với rủi ro đầu tư tăng và môi trường pháp lý thắt chặt, là một trong những thách thức mà ngành bảo hiểm Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt.

Tình trạng thị trường hiện nay chỉ thuận lợi cho các công ty phi nhân thọ lớn, không có lợi cho các công ty bảo hiểm nhỏ và vừa.

Năm công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn có tỷ lệ kết hợp trung bình 97,8% trong năm 2017, so với 98,3% năm 2016.
AM Best nhận định, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm sẽ vẫn chịu áp lực trong trung hạn, đặc biệt là đối với các công ty bảo hiểm nhỏ hơn, nhưng thị trường sẽ cải thiện do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của quốc gia đông dân nhất thế giới.

BTV (Tổng hợp).