Prudential Việt Nam khai trương văn phòng mới; Phú Hưng Life vinh danh MDRT; Hàn Quốc phát triển mạnh bảo hiểm nông nghiệp
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Hoàn tất chi trả bồi thường toàn bộ cho thân máy bay trực thăng Bell 505 – VN 8650
(TBTCO) – Ngày 18/5/2023, sau khi hoàn tất các thủ tục, Bảo hiểm PVI đại diện cho Liên danh Bảo hiểm đã thực hiện chi trả bảo hiểm thân máy bay trực thăng Bell 505 số đăng ký VN-8650 cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) số tiền là 1.569.400 USD (sau khi trừ đi mức miễn thường). Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng xảy ra sự việc, Liên danh Bảo hiểm PVI – Bảo Việt – MIC đã hoàn tất việc chi trả bồi thường toàn bộ cho thân máy bay VN-8650.
Đối với gia đình phi công, sau khi tạm ứng bồi thường cho phi công không may bị thiệt mạng là 50.000 USD, Bảo hiểm PVI cũng đã thanh toán số tiền bồi thường còn lại theo đơn bảo hiểm tai nạn phi công là 150.000 USD.
Đối với phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của VNH liên quan đến hành khách, Bảo hiểm PVI vẫn đang phối hợp chặt chẽ với VNH trao đổi với thân nhân hành khách để đưa ra phương án bồi thường trên cơ sở hợp lý, theo thông lệ và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Được biết, sự việc xảy ra ngày 5/4/2023, máy bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 cất cánh từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã gặp tai nạn làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng. Liên danh Bảo hiểm PVI – Bảo Việt – MIC là nhà bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) và Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong liên danh.
Chương trình bảo hiểm bao gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.
- Một vòng doanh nghiệp
Prudential triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã hủy
(TBTCO) – Với mong muốn hỗ trợ khách hàng tiếp tục kế hoạch bảo vệ tài chính trước những rủi ro trong cuộc sống, Prudential Việt Nam vừa chính thức thông báo Chương trình khôi phục hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) đã hủy, áp dụng từ ngày 09/05/2023 đến ngày 31/07/2023 dành cho khách hàng có hợp đồng bảo hiểm đáp ứng điều kiện chương trình.
Nhận thấy nhu cầu tăng cao của khách hàng trong việc khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã hủy trong thời gian qua, Prudential Việt Nam ra mắt chương trình với mong muốn được tiếp tục đồng hành và đáp ứng nhu cầu bảo vệ của khách hàng trước những rủi ro. Đây là một trong những nỗ lực Prudential nhằm giúp khách hàng khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm, duy trì các quyền lợi bảo vệ và tiếp tục tích lũy dài hạn.
Cụ thể, các HĐBH do khách hàng đơn phương chấm dứt (hủy HĐBH) để nhận lại giá trị hoàn lại theo yêu cầu của khách hàng trong khoảng thời gian từ ngày 01/04/2023 đến hết ngày 31/05/2023 có thể tiến hành thủ tục khôi phục hiệu lực hợp đồng đã chấm dứt, bằng cách thực hiện các bước bao gồm: Phiếu yêu cầu khôi phục hiệu lực HĐBH do đơn phương hủy hợp đồng nhận giá trị hoàn lại (theo mẫu quy định của Prudential); nộp các khoản phí cho HĐBH đã bị chấm dứt theo quy định, bao gồm toàn bộ giá trị hoàn lại của HĐBH mà khách hàng đã nhận tại thời điểm chấm dứt HĐBH; các khoản phí bảo hiểm chưa nộp của các kỳ quá hạn và phí bảo hiểm của kỳ đến hạn kế tiếp (nếu trong vòng 15 ngày trước ngày đến hạn đóng phí của kỳ phí này) để đảm bảo HĐBH có hiệu lực sau khi khôi phục…
Khách hàng sẽ được miễn thẩm định, miễn khám sức khỏe và miễn nộp tờ khai sức khỏe nếu khách hàng cam kết không có thay đổi về tình trạng sức khỏe so với thời điểm ký hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, được nêu rõ trong phiếu yêu cầu khôi phục HĐBH. Khách hàng có thể liên hệ với tư vấn viên hoặc đến bất cứ văn phòng Tổng đại lý và Trung tâm phục vụ khách hàng của Prudential để được tư vấn thêm về chương trình hay quyền lợi của HĐBH.
Mục đích tham gia bảo hiểm nhân thọ là bảo vệ tài chính cho khách hàng, người phụ thuộc nếu khách hàng không may gặp rủi ro không lường trước. Theo thống kê, trong năm 2022, Prudential ghi nhận 50% ca chi trả quyền lợi bảo hiểm nằm trong khoảng thời gian năm thứ nhất cho tới năm thứ 5 của hợp đồng và 80% khách hàng nhận quyền lợi bảo hiểm nằm trong độ tuổi lao động. Do đó, việc tiếp tục duy trì hợp đồng, đặc biệt nếu người được bảo hiểm là trụ cột kinh tế gia đình và đang trong độ tuổi lao động thì bảo hiểm sẽ phát huy tốt vai trò bảo vệ, góp phần bù đắp những thiệt hại tài chính cho khách hàng và người thân của họ khi phải đối mặt với rủi ro không lường trước.
Prudential Việt Nam khai trương văn phòng mới: Sáng tạo, hiện đại, đầu tư toàn diện cho con người
(TBTCO) – Prudential Việt Nam vừa chính thức khai trương văn phòng mới tại tòa nhà Phú Mỹ Hưng thuộc quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ sở hữu vị trí đắc địa, văn phòng tại Phú Mỹ Hưng còn được đầu tư chỉnh chu về mặt thiết kế lẫn tiện ích, với không gian mở hiện đại nhưng vẫn mang đậm hơi thở nghệ thuật, tối ưu không gian làm việc theo mô hình linh hoạt (hybrid) cho nhân viên.
Xác định đầu tư vào con người là nền tảng phát triển bền vững
Đặt yếu tố nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu để tập trung phát triển, Prudential luôn chú trọng đầu tư toàn diện cho nhân viên về tất cả các phương diện và đặc biệt là không ngừng mở rộng, nâng cấp môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo không gian thoải mái, tiện nghi để nâng cao hiệu suất công việc nhưng vẫn đảm bảo thể chất và tinh thần cho các nhân viên.
Trước đó, Prudential có 2 văn phòng chính tại TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: trụ sở chính tại quận 1 và văn phòng chi nhánh tại quận 8. Để mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao mô hình làm việc linh hoạt, từ tháng 5 năm nay, Prudential chính thức di dời trụ sở tại quận 8 sang khu “đất vàng” tại tòa nhà Phú Mỹ Hưng, quận 7. Tòa nhà Phú Mỹ Hưng nằm trong top cao ốc văn phòng đạt tiêu chuẩn LEED chứng nhận vàng về thiết kế bền vững, thân thiện với môi trường và kiến trúc xanh. Đây là lựa chọn phù hợp tiêu chí phát triển bền vững của Prudential trong nhiều năm qua.
Chia sẻ về văn phòng mới, ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, cho biết: “Với chúng tôi, con người và văn hóa doanh nghiệp quyết định sự thành công trong mục tiêu phát triển bền vững. Văn phòng tại Phú Mỹ Hưng với diện mạo thay đổi hoàn toàn so với các văn phòng trước đó. Đây cũng chính là tuyên ngôn của Prudential cho “chương mới”, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm tốt hơn nữa cho khách hàng, thông qua việc xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp, tập trung đầu tư không gian làm việc sáng tạo và hiện đại cho tập thể nhân viên”.
Xây dựng văn hóa cốt lõi từ không gian làm việc
Tính kết nối là yếu tố được Prudential lưu tâm đặc biệt trong không gian làm việc mới, với nhiều khu vực mở, dễ dàng cho các nhân viên tương tác, thảo luận công việc hay gắn kết hơn qua các hoạt động giải trí, hay khu café bistro ngay trong văn phòng sau những giờ làm việc căng thẳng. Khu vực phòng họp cũng được thiết kế đặc biệt bằng vách kính trong suốt, tạo cảm giác gần gũi nhưng vẫn vừa đủ riêng tư cho không gian thảo luận kín.
Prudential cũng là doanh nghiệp luôn đẩy mạnh văn hóa Diversity – Inclusion – Equality (Đa dạng – Hòa hợp – Công bằng). Điều này càng thể hiện rõ nét tại văn phòng mới với nhiều không gian chức năng.
Không chỉ mở rộng nhiều không gian nghỉ ngơi hơn cho nhân viên, thiết kế văn phòng còn tối ưu không gian cho các nhân viên có con nhỏ. Có nhiều góc làm việc riêng tư để nhân viên thoải mái cho các cuộc gọi hoặc họp trực tuyến. Trong văn phòng cũng bố trí bàn làm việc được thiết kế để có thể nâng lên cao hoặc hạ xuống thấp, giúp nhân viên có thể thoải mái thay đổi tư thế làm việc từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại.
“Văn hóa xanh” cũng là tôn chỉ Prudential khuyến khích nhân viên cùng thực hiện như phân loại rác, hạn chế rác sinh hoạt bằng cách dùng ly cá nhân thay vì ly nhựa, mang cơm trưa đi làm, tiết kiệm điện, giấy, nước… Đây cũng là hành động thiết thực từ nội bộ Prudential trong việc bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể và thiết thực nhất.
Bảo hiểm VietinBank lọt Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – FAST500
(TBTCO) – Bảo hiểm VietinBank (VBI) vừa được vinh danh trong Lễ công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – FAST500 năm 2023, khẳng định vị thế thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ uy tín và có tốc tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường.
FAST500 là bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu và đánh giá độc lập của Báo cáo Vietnam (Vietnam Report).
Bảng xếp hạng năm 2022 được đánh giá dựa trên dữ liệu tổng hợp về kết quả kinh doanh trong năm của doanh nghiệp. Các kết quả kinh doanh này thể hiện sức khỏe nội lực của doanh nghiệp đó như là: doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, tổng số vốn và tài sản, tổng số lượng nhân sự và mức độ uy tín thương hiệu trên thị trường.
Thông qua giải thưởng này, VBI một lần nữa khẳng định được vị thế thương hiệu bảo hiểm uy tín, duy trì tốc tăng trưởng ổn định qua các năm về hiệu quả kinh doanh, hiệu suất lao động, khả năng quản lý vốn và tài sản.
Năm 2022, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng VBI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, đảm bảo và an toàn với mục tiêu hoàn thiện bộ máy cơ cấu quản lý; triển khai mô hình kinh doanh mới phù hợp với sự thay đổi của thị trường; liên tục ra mắt các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng; cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng là trung tâm. Ngoài ra, VBI chú trọng không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu suất lao động, tối ưu hóa quản lý nguồn vốn và tăng cường quản trị rủi ro.
Theo đó, kết quả kinh doanh năm 2022 so với năm 2021, VBI đứng đầu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại 3 chỉ tiêu: tăng trưởng doanh thu bảo hiểm gốc cao nhất 32,3%, cao gấp gần 2 lần so với mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm phi nhân thọ (16,5%); tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 24,5%; tăng trưởng quỹ thu nhập 16%.
Bên cạnh giải thưởng FAST500, VBI vinh dự nhận nhiều giải thưởng uy tín khác như: Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500), Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ uy tín nhất Việt Nam, Giải thưởng Sao vàng Đất Việt, Giải thưởng thương hiệu số 1, Giải thưởng Top công nghiệp 4.0 Việt Nam, Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam…
Ngoài mục tiêu kinh doanh, VBI đặt mục tiêu dài hạn đó là tiếp tục xây dựng thương hiệu Bảo hiểm VietinBank trở thành thương hiệu bảo hiểm nhân văn, với việc chú trọng hoàn thiện bộ quy tắc bảo hiểm, mở rộng khả năng bảo vệ, nâng cao hạn mức chi trả bồi thường, gia tăng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Bằng chứng là từ đầu năm 2023, VBI ghi nhận hàng loạt những trường hợp bồi thường, với tổng giá trị bồi thường lên tới hàng chục tỷ đồng ở các mảng nghiệp vụ như bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm sức khỏe…
Trải nghiệm mua bảo hiểm ABIC trực tuyến
Tiếp nối thành công sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, ngày 18/5/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023” với chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
Trong khuôn khổ sự kiện, Agribank triển khai giới thiệu thí điểm ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong giao dịch với ngân hàng và cho khách hàng trải nghiệm mua bảo hiểm Agribank trực tuyến với 3 sản phẩm “Trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe máy – mô tô”, “Trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe ô tô” và “Bảo hiểm toàn diện nhà tư nhân”.
Với ứng dụng CCCD gắn chip, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 01 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chíp và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an.
Còn đối với những sản phẩm của Bảo hiểm Agribank đều được đóng gói sẵn, mỗi gói bảo hiểm đều minh bạch về quyền lợi cũng như phí đóng, đáp ứng được nhu cầu, mong muốn mua bảo hiểm của mọi nhóm khách hàng. Việc thanh toán phí bảo hiểm được bảo mật an toàn tuyệt đối bởi cổng thanh toán điện tử VNPay.
Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá. Việc mua bảo hiểm trực tuyến đã không chỉ hiện thực hóa giải pháp trong chương trình chuyển đổi số, mà đã tiến thêm một bước nữa trong nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Trong thời gian tới, Agribank nói chung và Bảo hiểm Agribank nói riêng tiếp tục triển khai, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Phú Hưng Life vinh danh MDRT đạt sớm 2024 tại sự kiện Ngày Hội MDRT
(PHL) – Vào ngày 09/5 và 12/5/2023, Ngày Hội MDRT được Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) tổ chức tại hai thành phố Đà Lạt và Hạ Long xinh đẹp. Ngày hội tại hai nơi đón nhận sự tham gia của trên 600 thành viên là các anh chị quản lý kinh doanh, chuyên viên tư vấn tài chính và vinh danh 12 MDRT đạt sớm 2024 ngay trong Quý 1/2023. Đây chính là kết quả đáng tự hào cho quá trình rèn luyện, tích luỹ và kiên trì của các chuyên viên tư vấn tài chính tại Phú Hưng Life.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó Tổng Giám Đốc Phát triển kinh doanh chia sẻ: “Thay mặt Ban Giám Đốc công ty, tôi muốn gửi lời cám ơn và chúc mừng đến các anh chị MDRT của Phú Hưng Life và đặc biệt chúc mừng 12 anh chị đạt sớm danh hiệu MDRT 2024 trong quý I/2023. Công ty chúng ta ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng và sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm. Đây chính là bởi sự đóng góp rất lớn của đội ngũ MDRT.”
Tại Phú Hưng Life, MDRT không chỉ là danh hiệu dành cho những người bán hàng giỏi, nhưng đây chính là mục tiêu, là cột mốc để khẳng định bản thân, rèn luyện chính mình để trở thành những chuyên viên tư vấn tài chính chuẩn mực.
Cũng trong hội nghị, MDRT 2023 xuất sắc của Phú Hưng Life, chị Hoàng Tuyết Nhung và chị Nguyễn Thị Minh Khánh đã có những chia sẻ về bí quyết thành công và truyền lửa cho đội ngũ chuyên viên tư vấn nhằm cùng nhau hướng tới mục đích chung, hoàn thành mục tiêu hướng đến con số 500 MDRT trong năm nay.
Dự kiến trong thời gian sắp tới, Ngày hội MDRT sẽ tiếp tục được tổ chức vào tháng 6, tháng 8 để ghi nhận và tôn vinh những sự nỗ lực, cố gắng của các chuyên viên tư vấn của Phú Hưng Life với tâm thế của những người phục vụ, phụng sự khách hàng.
Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với baohiemoto.vn
(XTI) – Ngày 17/05/2023, buổi lễ được diễn ra với sự góp mặt của Ông Nguyễn Mạnh Linh – Tổng giám đốc Baohiemoto.vn; Ông Trần Hồng Sơn – Giám đốc và các lãnh đạo phòng kinh doanh của Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất.
Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất và Baohiemoto.vn đã chính thức ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện nhằm tăng cường phát triển, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ô tô của khách hàng. Hai công ty cam kết cùng nhau tạo ra những giải pháp bảo hiểm ô tô đáng tin cậy và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Thỏa thuận hợp tác này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Baohiemoto.vn sẽ tiếp cận một mạng lưới phân phối rộng lớn thông qua hợp tác với Bảo Hiểm Xuân Thành. Baohiemoto.vn với nguồn lực từ sự chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa của Baohiemoto.vn sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm ô tô và công tác chăm sóc khách hàng.
Thông qua việc hợp tác chiến lược này, Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất và Baohiemoto.vn đặt mục tiêu tạo ra những giải pháp bảo hiểm ô tô thông minh, tiện lợi, đáng tin cậy. Hai công ty sẽ cùng nhau phát triển các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm ô tô tiên tiến, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng trong thời đại số.
Lãnh đạo Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tân Sơn Nhất và Baohiemoto.vn tin tưởng rằng hợp tác toàn diện này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm ô tô tại Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Thời gian tới, hai công ty sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển để đạt được thành công và tạo ra giá trị bền vững trên thị trường bảo hiểm ô tô ngày càng cạnh tranh.
- Nhịp đập thị trường
Bảo hiểm nhân thọ – Khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội
(ĐTCK) – Hằng năm, ngành bảo hiểm chi trả số tiền lên tới vài chục nghìn tỷ đồng để bồi thường và cung cấp quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức, giúp giảm gánh nặng kinh tế Nhà nước.
Quy mô thị trường bảo hiểm nhân thọ ngày càng lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), mặc dù trong năm 2022 đối diện với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Các chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng của ngành bảo hiểm được duy trì ở mức tăng trưởng khả quan.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tính hết ngày 12/12/2022 ước tính đạt 183.105 tỷ đồng (tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2021), chiếm tỷ trọng 72,9% so với tổng doanh thu phí bảo hiểm.
Cũng theo số liệu từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, tính đến ngày 12/12/2022, chi trả quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước tính đạt 40.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 63,4% so với tổng chi trả quyền lợi.
Tạo ra công ăn việc làm
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm liên tục tuyển dụng các chuyên viên tư vấn tài chính, đại lý bảo hiểm… trên phạm vi cả nước. Điều này đã tạo ra công ăn việc làm ổn định, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.
Theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, đến cuối năm 2022, toàn thị trường có gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động.
Huy động nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dài hạn cho một số lĩnh vực cổ phiếu, trái phiếu…
Nhờ hoạt động theo mô hình thu phí bảo hiểm trước, chi trả quyền lợi bảo hiểm sau, số tiền phí thu được từ khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu địa phương hoặc tiền gửi ngân hàng…, từ đó giúp nguồn vốn nhàn rỗi được sử dụng hiệu quả, tạo ra dòng luân chuyển nhanh góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thống kê của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 592.811 tỷ đồng.
Giảm gánh nặng ngân sách quốc gia
Bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách quốc gia trong việc chăm lo người già, và những người phụ thuộc khi người trụ cột trong gia đình không may qua đời. Những người được bảo hiểm đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, được bảo hiểm chi trả bồi thường khi có rủi ro mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Trong thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm đã chứng kiến nhiều trường hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến hàng chục tỷ đồng. Mới đây, Prudential Việt Nam đã chấp thuận chi trả số tiền bảo hiểm hơn 23 tỷ đồng (gần 1 triệu USD) cho một khách hàng tại Cần Thơ.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện MB Ageas Life cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2022, MB Ageas Life đã chi trả quyền lợi cho hơn 40.000 khách hàng, trong đó có 5 trường hợp chi trả bảo hiểm hơn 1 tỷ đồng, 31 trường hợp chi trả bảo hiểm hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, rất nhiều khách hàng mới đóng phí năm đầu tiên nhưng đã nhận được quyền lợi chi trả từ MB Ageas Life.
Bảo hiểm nhân thọ không chỉ có vai trò bảo vệ tài chính, tạo dựng quỹ tiết kiệm cho cá nhân, gia đình mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững. Trong tương lai thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế xã hội.
- Bảo hiểm với cộng đồng
Quỹ bảo hiểm xe cơ giới chi hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng, kịp thời
(TBTCO) – Nhiều năm qua, hỗ trợ nhân đạo là hoạt động thường xuyên của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Đây là chính sách nhân văn song hành cùng chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, đã và đang góp phần chia sẻ nỗi đau, động viên tinh thần đối với gia đình các nạn nhân không may thương vong do tai nạn giao thông.
Kịp thời động viên, sẻ chia với gia đình nạn nhân
Đại diện Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cho biết, mới đây đại diện quỹ và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đã đến Bệnh viện E và Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm hỏi các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn xảy ra tại đường Võ Chí Công chiều 5/4. Đoàn công tác đã đến tận giường bệnh thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông liên hoàn đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, chấn thương chỉnh hình… tại hai bệnh viện.
Trước đó, tại xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, đại diện Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới cũng đã trao hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông K’sor Năm có 3 con tử vong do tai nạn giao thông. Theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 04/2021/TT-BTC ngày 15/1/2021 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định 03/2021/NĐ-CP, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông K’sor Năm với số tiền 45 triệu đồng/nạn nhân, tổng số tiền chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình ông K’sor Năm là 135 triệu đồng.
Được biết, gia đình ông K’sor Năm có hộ khẩu thường trú tại làng Chuét Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông K’sor Năm có 3 người con là K’sor Dương, K’sor Giang, K’sor Niên tử vong do tai nạn giao thông. Xe gây tai nạn không tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tại Hà Nội, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã trao hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân Tạ Văn Tiến có địa chỉ tại xóm 5 – Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Được biết, ông Tạ Văn Tiến tử vong do va chạm giao thông, xe gây tai nạn bỏ chạy, đến nay chưa tìm được. Theo đó, quỹ đã trao số tiền là 45 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.
Trước đó, quỹ đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo số tiền là 45 triệu đồng cho gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Huê, tại huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Theo thông tin do Công an TP. Hà Nội cung cấp, ông Nguyễn Văn Huê đi tập thể dục buổi tối đến đoạn đường trên thì bị xe máy đi ngược chiều va chạm và ngã xuống đường. Ông Huê bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103 nhưng không qua khỏi. Đến nay cơ quan chức năng chưa xác định được xe gây tai nạn.
Tại Phú Thọ, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân Nguyễn Xuân Huy, địa chỉ tại khu 9, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tử vong do tai nạn giao thông. Tai nạn xảy ra vào buổi sáng, sau khi va chạm xe gây tai nạn đã bỏ trốn đến nay vẫn chưa xác định được xe gây tai nạn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho gia đình nạn nhân Ngô Tấn Công và Đào Anh Tấn tử vong do tai nạn giao thông, xe gây tai nạn bỏ chạy không tìm được.
Quỹ cũng đã trao hỗ trợ nhân đạo cho gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Phú Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang…, số tiền hỗ trợ tuy nhỏ nhưng phần nào là niềm động viên, chia sẻ đối với người thân của các nạn nhân.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhân đạo
Đại diện Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới chia sẻ: Chi hỗ trợ nhân đạo là một trong những nội dung chi của quỹ, theo quy định. Công tác chi hỗ trợ nhân đạo được thực hiện trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại). Đây là chính sách nhân văn song hành cùng chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Trong năm 2022, số yêu cầu chi hỗ trợ nhân đạo đã nhiều hơn và quỹ đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nhân đạo đối với người bị nạn do xe cơ giới gây ra, các chính sách hỗ trợ nhân đạo đã và đang đến gần người dân hơn.
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Tài chính, trong vòng một ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị của người bị thiệt hại, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ chi hỗ trợ nhân đạo theo quy định. Trong vòng hai ngày làm việc sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, quỹ có trách nhiệm chi hỗ trợ cho người bị thiệt hại. Trường hợp từ chối chi hỗ trợ nhân đạo, quỹ phải có văn bản giải thích rõ lý do.
Đại diện quỹ cũng cho biết, hầu hết các nội dung chương trình hoạt động của quỹ đều đang được thực hiện khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ. Thời gian tới, quỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc chi hỗ trợ nhân đạo…, góp phần chia sẻ nỗi đau, động viên tinh thần đối với gia đình các nạn nhân không may thương vong, thương tật do tai nạn giao thông. Đồng thời, Hiệp hội Bảo hiểm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định hiện hành về hỗ trợ nhân đạo đã được điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo từ quỹ.
- Tin quốc tế
Ngành bảo hiểm nhân thọ của Singapore suy giảm trong quý đầu tiên
(INA) – Theo Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Singapore (LIA), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới có trọng số Quý I đạt 1,05 tỷ đô la Singapore (790 triệu đô la Mỹ), giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Doanh thu các sản phẩm đóng phí một lần cũng giảm 46% trên cơ sở hàng quý (QoQ) xuống còn 355,7 triệu đô la Singapore (267,1 triệu đô la Mỹ)
Theo LIA, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong quý đầu tiên của năm và những lo ngại về suy thoái kỹ thuật có thể xảy ra ở Singapore vào năm 2023, sự sụt giảm nhu cầu đối với các sản phẩm đóng phí một lần có thể liên quan đến điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định, lãi suất tăng cao và thị trường cạnh tranh.
Ngược lại với xu hướng giảm, lượng tiêu thụ các sản phẩm đóng phí hàng năm đã tăng 24,7% theo quý lên 692 triệu đô la Singapore (520 triệu đô la Mỹ) trong tổng doanh thu phí bảo hiểm có trọng số.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, các đại diện bán hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được số tiền bảo hiểm đáng kể là 12,3 tỷ đô la Singapore (9,2 tỷ đô la Mỹ), chiếm 40,3% tổng số tiền bảo hiểm trong kỳ.
Kênh tư vấn tài chính (FA) cũng có đóng góp đáng chú ý, với số tiền bảo hiểm là 10,4 tỷ đô la Singapore (7,8 tỷ đô la Mỹ), chiếm 34,1% tổng số tiền bảo hiểm trong kỳ.
Toàn ngành đã ghi nhận tổng số tiền bảo hiểm là 30,5 tỷ đô la Singapore (23 tỷ đô la Mỹ) trong quý đầu tiên.
(1 đô la Singapore = 0,75 đô la Mỹ)
Ping An chi trả bồi thường hơn 200 triệu trường hợp trong năm 2022
(INA) – Theo báo cáo bồi thường hàng năm của Bảo hiểm Ping An, trong năm 2022, công ty đã thanh toán trung bình 600.000 trường hợp mỗi ngày.
Bộ phận bảo hiểm nhân thọ của Ping An bảo hiểm cho 4,1 triệu khách hàng; bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) bảo hiểm cho 190 triệu khách hàng; bảo hiểm niên kim bảo vệ cho cho 16 triệu khách hàng và bảo hiểm sức khỏe bảo hiểm cho 2,45 triệu khách hàng.
Tổng số khoản chi trả bồi thường đã vượt quá 280 tỷ RMB (40 tỷ USD), trung bình 770 triệu RMB (111 triệu USD) mỗi ngày.
Ping An Life đã bồi thường khoảng 79,6 tỷ RMB (11,5 tỷ USD), bao gồm các yêu cầu bồi thường, quyền lợi đáo hạn, niên kim, quyền lợi tử vong và chăm sóc y tế. Khoản chi trả này cũng bao gồm các khoản trợ cấp bệnh hiểm nghèo trị giá 20,1 tỷ RMB (3 tỷ USD).
Tổng số yêu cầu bồi thường chăm sóc y tế được ghi nhận là 3,76 triệu (10.000 yêu cầu mỗi ngày).
Đối với Ping An P&C, các yêu cầu bồi thường đã thanh toán lên tới 194 tỷ RMB (28 tỷ USD), bao gồm hơn 60 triệu chủ sở hữu ô tô và hơn 5 triệu xe chở hàng. Ngoài ra, bảo hiểm P&C đã bảo vệ 40 triệu và 6 triệu khách hàng về sức khỏe và tài sản gia đình; MSME bảo vệ 1,8 triệu khách, bảo hiểm nông dân bảo vệ 12 triệu khách.
Bảo hiểm niên kim của Ping An chi trả 13,2 tỷ RMB (2 tỷ USD) cho các yêu cầu bồi thường. Được thúc đẩy bởi công nghệ, Ping An Annuity đã ghi nhận giải quyết trường hợp nhanh nhất trong năm giây và thời gian xử lý khiếu nại trung bình là một ngày rưỡi.
Đơn vị bảo hiểm y tế đã phục vụ 605.000 khách hàng yêu cầu bồi thường với tổng số tiền bảo hiểm là 4,5 tỷ RMB (650 triệu đô la Mỹ) trong các yêu cầu bồi thường. Tỷ lệ khiếu nại trực tuyến trung bình là 97,7%.
(1 RMB = 0,14 đô la Mỹ)
Hàn Quốc tăng mạnh số hộ nông dân được bảo hiểm nông nghiệp
(INA) – Theo báo cáo của Korean Re, tính đến năm 2022, số hộ nông dân được bảo hiểm nông nghiệp tại Hàn Quốc đạt 550.000, tăng đáng kể so với chỉ 64.000 hộ được bảo hiểm vào năm 2010.
Sự tăng trưởng này phần lớn được thúc đẩy bởi chương trình bảo hiểm thiên tai nông nghiệp và ngư nghiệp của chính phủ, cung cấp bảo hiểm được trợ cấp cho các rủi ro thảm khốc và thúc đẩy sự ổn định tài chính trong các ngành này.
Theo chương trình này, chính quyền quốc gia và thành phố cung cấp một khoản trợ cấp lên tới 90% phí bảo hiểm. Điều này có nghĩa là khoản đóng góp từ tiền túi của người mua bảo hiểm vẫn còn tương đối thấp. Hơn nữa, chương trình này cũng cung cấp một khoản trợ cấp 100% cho tất cả các chi phí hoạt động bảo hiểm.
Chỉ Công ty Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại NongHyup được phép cung cấp bảo hiểm mùa màng được trợ cấp và định phí bảo hiểm trong quan hệ đối tác với chính phủ.
Các công ty bảo hiểm khác có thể tham gia với tư cách là nhà đồng tái bảo hiểm, theo đó các hợp đồng tái bảo hiểm được nhượng lại cho Korean Re và sau đó chuyển nhượng lại cho các nhà tái bảo hiểm nước ngoài.
Đối với rủi ro chăn nuôi, Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại NongHyup, Bảo hiểm KB, Bảo hiểm DB, Bảo hiểm Tổng hợp Hanwha và Bảo hiểm Hàng hải & Hỏa hoạn Hyundai trực tiếp cấp đơn.
Korean Re cho biết: “Đối với những người nông dân, nhu cầu quản lý rủi ro thông qua các chương trình bảo hiểm ngày càng tăng trong bối cảnh tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng”.
Thị trường bảo hiểm cây trồng đã tăng gần một nửa vào năm ngoái so với mức 13,6% của năm 2010. Bên cạnh đó, tỷ lệ nông dân mua bảo hiểm chăn nuôi đạt 94,6% vào năm ngoái, so với 53,1% vào năm 2010.
Đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn đã công bố các biện pháp cải thiện hệ thống bảo hiểm nông nghiệp nhằm mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp.
Generali ra mắt chi nhánh Malaysia sau khi mua AXA Affin
(INA) – Tập đoàn Generali đã ra mắt Generali Malaysia sau khi mua lại cổ phần chi phối trong liên doanh AXA Affin tại Malaysia và mua lại 100% cổ phần của MPI Generali.
Giá trị của việc mua lại các công ty là 1,29 tỷ RM (290 triệu USD). Giao dịch này trở thành một trong những vụ sáp nhập và mua lại lớn nhất ở Malaysia cho đến nay.
Kể từ ngày 1 tháng 4, các doanh nghiệp đã được hợp nhất thành một thương hiệu là Generali Malaysia.
Ông Fabrice Benard, Tổng Giám đốc Generali Insurance Malaysia Bhd và Giám đốc Quốc gia của Generali Entities tại Malaysia, cho biết: “Việc ra mắt Generali Malaysia nhằm tạo ra một thương hiệu thống nhất, tập trung vào khách hàng, có thể cung cấp các giải pháp bảo hiểm toàn diện trên toàn bộ các sản phẩm từ bảo hiểm phi nhân thọ đến bảo hiểm nhân thọ. Chúng tôi đặt mục tiêu có sự hiện diện đáng kể trên thị trường và là một trong những công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại quốc gia này”.
(1 RM = 0,22 đô la Mỹ)
Tổng phí bảo hiểm của AXA tăng 1% trong Quý I
(INA) – Nhà khổng lồ bảo hiểm AXA cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong quý đầu tiên và các khoản doanh thu khác tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) lên 31,8 tỷ euro.
Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tăng 6% so với cùng kỳ lên 18,6 tỷ euro.
Phí bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm thương mại của P&C đã tăng 7% lên 11,5 tỷ euro, do “hiệu ứng giá thuận lợi liên tục cũng như khối lượng cao hơn đáng chú ý tại AXA XL và Châu Âu”.
Điều này báo hiệu xu hướng tăng việc định giá lại tại hầu hết các nghiệp vụ và khối lượng lớn hơn trong các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và chuyên biệt. Kết quả này cũng bị ảnh hưởng bất lợi bởi doanh thu phí bảo hiểm các nghiệp vụ chuyên biệt ở Bắc Mỹ thấp hơn và việc tiếp tục kiểm soát bảo hiểm rủi ro quốc tế bao gồm Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh.
Tương tự như vậy, phí bảo hiểm nghiệp vụ cá nhân của P&C đã tăng 4% lên 5,9 tỷ euro, nhờ sự gia tăng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới.
Phí tái bảo hiểm AXA XL giảm 2% xuống 1,2 tỷ €, một phần bị ảnh hưởng bởi giảm doanh thu phí bảo hiểm thảm họa do rủi ro giảm.
Tuy nhiên, tổng phí bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe và các khoản doanh thu khác đã giảm 4% xuống còn 12,8 tỷ euro.
Trong đó, phí bảo hiểm nhân thọ giảm 4% chủ yếu do các sản phẩm liên kết đơn vị. Điều này phản ánh các điều kiện thị trường đầy thách thức, đặc biệt là ở Pháp và Ý, AXA cho biết.
Do hai hợp đồng lớn với tập đoàn quốc tế lâu đời không được gia hạn, phí bảo hiểm y tế đã kéo tụt thêm 5%.
Giá trị hiện tại của phí bảo hiểm dự kiến cho bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe giảm 17% xuống còn 11,7 tỷ euro. Tương tự, tổng giá trị khai thác mới (NBV) cũng giảm 11% xuống 0,7 tỷ euro. Tuy nhiên, biên NBV nhích nhẹ lên 5,6% cho thấy khả năng sinh lời từ hoạt động khai thác mới cơ bản được cải thiện.
Lưu chuyển ròng ghi nhận mức giảm 0,7 tỷ euro do tiết kiệm G/A đã giảm 2,8 tỷ euro. Tuy nhiên, điều này đã được cân bằng bởi phân khúc bảo vệ đã tăng €1,6 tỷ, chủ yếu từ châu Á, Thụy Sĩ và Pháp.
Dòng vốn từ bảo hiểm sức khỏe cũng tăng lên 0,4 tỷ euro, trong đó phần lớn đến từ Đức và châu Á. Trong khi, 0,1 tỷ euro doanh thu phí bảo hiểm liên kết đơn vị chủ yếu đến từ Pháp.
Doanh thu phí của QBE tăng 11% trong Quý I
(INA) – Tổng doanh thu phí bảo hiểm Quý I của Tập đoàn bảo hiểm QBE có trụ sở chính tại Úc đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY).
Mức tăng tỷ lệ tái tục cho tập đoàn đạt trung bình là 10%, do sự tăng tốc trở lại giữa các loại tài sản và tỷ lệ tăng cao hơn từ các hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm.
Các sự kiện thảm khốc tiếp tục xảy ra với mức độ cao hơn trong những tháng đầu năm 2023.
Các sự cố đáng chú ý bao gồm Bão Gabrielle và lũ lụt ở Đảo Bắc của New Zealand, cũng như một loạt cơn bão ở Bắc Mỹ và Úc.
Tính đến tháng 4, chi phí ròng cho các yêu cầu bồi thường do những thảm họa này gây ra lên tới khoảng 480 triệu đô la Mỹ. Con số này được so sánh với ngân sách được phân bổ của QBE cho các thảm họa trong nửa đầu năm 2023, được xây dựng ở mức 535 triệu đô la Úc.
QBE đã phải đối mặt với những thách thức liên quan đến sự phát triển của các sự kiện thảm họa tự nhiên, chủ yếu diễn ra vào cuối năm 2022.
Do thời gian và mức độ phức tạp của các sự kiện này, đặc biệt là cơn bão mùa đông Elliot, chỉ có một số lượng hạn chế các yêu cầu bồi thường được nhận và đánh giá trước kỳ báo cáo năm 2022. Do đó, QBE đã tăng cường quy mô dự phòng nghiệp vụ thêm 130 triệu đô la Úc để chi trả cho các sự kiện này.
Ngoài ra, lợi suất hoạt động thu nhập cố định cốt lõi trong quý đầu tiên của năm 2023 đã tăng lên 4,2%, vượt qua mức lợi suất hoạt động của năm trước là 4,1% vào cuối năm 2022.
Tiến độ chậm chạp trong việc giảm lãi suất phi rủi ro trong quý đã dẫn đến khoản lãi chưa thực hiện đối với chứng khoán lãi suất cố định là 78 triệu đô la Úc nhưng bị đối trọng bởi sự thu hẹp do chiết khấu trách nhiệm bồi thường khoảng 100 triệu đô la Úc.
Tổng số quỹ đầu tư được quản lý (FUM) đã lên tới 29,1 tỷ đô la Úc. Dự kiến trong quý hai của năm, FUM sẽ bị kéo theo 1,9 tỷ đô la Úc từ giao dịch dự trữ được công bố vào tháng Hai.
Tuy vậy, do kết quả hoạt động trong Quý I, QBE kỳ vọng GWP sẽ tăng khoảng 10%.
Australia: Gallagher thâu tóm Bảo hiểm Mavco Insurance
(INA) – Tập đoàn bảo hiểm Mavco, một công ty bảo hiểm có trụ sở tại Sydney, đã được công ty tư vấn, quản lý rủi ro và môi giới bảo hiểm Gallagher mua lại.
Theo đó, các văn phòng ở Perth và Adelaide của Gallagher sẽ chào đón tất cả nhân viên từ Mavco.
Điều này đánh dấu vụ sáp nhập thành công thứ mười được Gallagher Australia hoàn thành trong năm ngoái, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng chiến lược và cam kết mở rộng.
Fortitude Re mở văn phòng đại diện tại Tokyo
(INA) – Fortitude Re đã thành lập Văn phòng đại diện đầu tiên tại Tokyo và bổ nhiệm ông Hajime Kawafuji làm trưởng đại diện.
Trưởng đại diện mới sẽ hợp tác với ông Leonard Lin, Trưởng bộ phận Châu Á của Fortitude Re.
Fortitude Re cho biết Kawafuji rất thành thạo trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, có chuyên môn sâu rộng về đầu tư và vai trò tư vấn trong nhiều ngành khác nhau.
Ông đến từ công ty đầu tư toàn cầu Carlyle và là thành viên cấp cao của nhóm tư vấn mua lại Nhật Bản. Ông cũng làm việc cho bộ phận ngân hàng đầu tư của Nomura trong hơn một thập kỷ.
Dai-ichi Life dự kiến ghi nhận lợi nhuận cao hơn trong năm tài chính hiện tại
(AIR) – Thông tin từ CreditSights, một đơn vị của Fitch Group, cho biết: Dai-ichi Life (DL), một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Nhật Bản, dự báo kết quả kinh doanh sẽ cải thiện trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (FY23) mặc dù lợi nhuận cơ bản giảm đáng kể trong năm 2022 do các khoản bồi thường và chi phí bảo hiểm rủi ro liên quan đến COVID-19 cao hơn.
Lợi nhuận cơ bản giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái từ 408 tỷ JPY trong năm tài chính 2021 xuống 257 tỷ JPY trong năm 2022, chủ yếu là do các khoản thanh toán liên quan đến COVID-19 (94,5 tỷ JPY) giảm sút và chênh lệch đầu tư giảm do chi phí quản lý tăng (57,6 tỷ JPY).
Nhờ không có chi phí tái bảo hiểm như trong năm tài chính 2021 (108 tỷ JPY) nên công ty đã đạt được mức lợi nhuận ròng sau thuế là 165,6 tỷ JPY, giảm 17% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do phạm vi bảo hiểm COVID-19 sẽ giảm hơn nữa sau tháng 5 năm 2023 theo quy định mới, DL hy vọng các khoản thanh toán quyền lợi nằm viện sẽ được kiểm soát tốt hơn. Nhìn chung, với dự đoán về sự phục hồi trong các hoạt động bảo hiểm cốt lõi, DL kỳ vọng lợi nhuận cơ bản sẽ tăng lên 280 tỷ JPY và lợi nhuận ròng tăng trở lại lên 183 tỷ JPY trong năm 2023.
DL dự đoán rằng sự cải thiện đối với doanh thu hàng đầu của công ty trong năm 2023 sẽ bị hạn chế, ngay cả khi công ty dự kiến phí bảo hiểm sẽ giảm xuống mức chạm đáy.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản từ lâu đã bị cản trở bởi điều kiện nhân khẩu học không thuận lợi và lãi suất không hấp dẫn.
DL đã báo cáo mức tăng trưởng chậm lại trong năm tài chính 2022 mặc dù hoạt động bán hàng sau COVID đã phục hồi đôi chút. Phí bảo hiểm mới hàng năm, bị chi phối bởi các chính sách của khu vực thứ ba, đã giảm 38,1% trong kỳ trong khi tổng phí bảo hiểm thu được hầu như không thay đổi ở mức 2.252 tỷ JPY (16,3 tỷ USD).
CreditSights cho biết sức mạnh bảng cân đối kế toán của công ty vẫn mạnh mẽ. Tỷ lệ khả năng thanh toán của DL giảm phần nào từ 907,3% trong năm tài chính 21 xuống 865,4% trong năm tài chính 2022, phần lớn là do tổn thất định giá trái phiếu trong bối cảnh lãi suất tăng, nhưng CreditSights lưu ý rằng sự suy giảm khả năng thanh toán đã bị bóp méo do giới hạn của J-GAAP hiện tại, theo đó các khoản nợ bảo hiểm phải trả không được cập nhật với giá thị trường.
Trên cơ sở kinh tế, tỷ lệ khả năng thanh toán của tập đoàn (phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động của DL) vẫn ổn định ở mức khoảng 225% trong năm 2022 (so với 227% trong năm 2021).
Ngoài ra, giá trị nhúng của DL cũng tăng 3,6% lên 5.160 tỷ JPY trong năm tài chính 2022, nhờ giá trị cao hơn của các hợp đồng đang có hiệu lực do lãi suất tốt hơn.
Về quản lý tài sản-nợ, công ty đã tiếp tục thu hẹp khoảng cách thời hạn xuống 1,3 năm trong năm tài chính 22 từ 2,6 năm trong năm tài chính 2021, điều này đang đi đúng hướng trước khi thực hiện chế độ điều tiết khả năng thanh toán kinh tế vào năm 2025.
BTV (Tổng hợp).