Munich Re nỗ lực thu hồi carbon; Manulife Việt Nam bán bảo hiểm trực tuyến trên MoMo; Bancassurance tiếp tục bùng nổ doanh thu
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
BIC chi trả hơn 1,4 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho cán bộ BIDV Hà Giang
(ĐTCK) – Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) vừa thực hiện chi trả bảo hiểm cho khách hàng tham gia BIC Bình An tại Hà Giang không may gặp rủi ro.
Theo đó, BIC chi trả bảo hiểm hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó có 1,2 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm người vay vốn – BIC Bình An cho gia đình khách hàng Hà Thị Huệ, chuyên viên Phòng Quản lý rủi ro tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Giang, không may gặp rủi ro.
Cuối tháng 2/2022, khi đang di chuyển trên đường, chị Hà Thị Huệ không may gặp va chạm giao thông. Mặc dù đã được đưa tới bệnh viện kịp thời nhưng chị không qua khỏi. Ngay sau khi nhận được thông tin, đại diện BIC tại địa bàn đã phối hợp với các bộ phận liên quan của Chi nhánh BIDV Hà Giang hoàn thiện các thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Tại Chi nhánh BIDV Hà Giang, các sản phẩm bảo hiểm của BIC đã và đang khẳng định được giá trị thiết thực, được Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ Chi nhánh tích cực truyền thông, giới thiệu, tư vấn cho khách hàng tham gia khi giao dịch tại BIDV.
Đồng thời, các cán bộ Chi nhánh cũng chính là các khách hàng sử dụng, trải nghiệm các sản phẩm bảo hiểm của BIC nói chung và BIC Bình An (dành cho người vay vốn) như trường hợp của khách hàng Hà Thị Huệ.
Với những quyền lợi thiết thực, sản phẩm bảo hiểm BIC Bình An dành cho người vay vốn đã và đang trở thành một trong những công cụ quản trị rủi ro quan trọng, hiệu quả cho tổ chức tín dụng, là giải pháp bảo vệ toàn diện, hỗ trợ về mặt tài chính cho khách hàng vay vốn trong trường hợp không may xảy ra rủi ro mất khả năng trả nợ.
- Một vòng doanh nghiệp
Tổng Giám đốc BIC nhận Giấy khen nhà quản lý doanh nghiệp bảo hiểm xuất sắc năm 2021
(BIC) – Năm 2021, mặc dù nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng tiếp tục phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, Ông Trần Hoài An vẫn xuất sắc lãnh đạo tập thể BIC hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC năm 2021 đạt 2.885 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6%, hoàn thành 102% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.716 tỷ đồng, tăng trưởng cao gấp 3 lần mức tăng trưởng chung toàn thị trường, giúp BIC giữ vững vị trí thứ 7 thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc. Năm 2021, BIC tiếp tục có lãi cao từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 502 tỷ đồng, giúp BIC lần đầu tham gia Câu lạc bộ 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đồng thời hoàn thành 172% kế hoạch năm.
Bên cạnh việc dẫn dắt BIC kinh doanh thành công trong một năm nhiều khó khăn, Ông Trần Hoài An cũng được Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam ghi nhận với nhiều sáng kiến, đóng góp quý báu cho sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Cùng Giấy khen Nhà quản lý doanh nghiệp bảo hiểm xuất sắc năm 2021 của Tổng Giám đốc BIC Trần Hoài An, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng trao Giấy khen nhà quản lý khai thác bảo hiểm xuất sắc năm 2021 cho Ông Nguyễn Đình Bảng, Giám đốc Ban Khách hàng Doanh nghiệp BIC, về những thành tích xuất sắc của Ông Bảng trong hoạt động khai thác bảo hiểm thời gian qua.
Đặc biệt, nhân dịp này, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng thực hiện khen thưởng danh hiệu “Gắn bó 10 năm” cho 221 cán bộ BIC, biểu dương những đóng góp của các cán bộ cho sự phát triển, lớn mạnh của ngành bảo hiểm trong hơn 10 năm qua.
Manulife Việt Nam bán bảo hiểm trực tuyến trên MoMo
(TBTCO) – Manulife Việt Nam chính thức hợp tác với ứng dụng MoMo để triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến và giải pháp thanh toán cho khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết của công ty trong việc tạo điều kiện để các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.
Sự hợp tác này đánh dấu bước ngoặt cho Manulife Việt Nam trong việc trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên cung cấp giải pháp bảo hiểm sức khỏe thông qua nền tảng MoMo, giúp hơn 31 triệu người dùng MoMo có thể tiếp cận được sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện Max – Sống Khỏe.
Được tích hợp hoàn toàn vào nền tảng và hệ sinh thái của MoMo, người dùng có thể dễ dàng mua Max – Sống Khỏe trong vòng chưa đầy 1 phút thông qua quy trình đơn giản gồm ba bước là đăng ký, thanh toán và phát hành hợp đồng.
Bên cạnh đó, hơn 1,5 triệu khách hàng của Manulife Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn để thuận tiện thanh toán phí bảo hiểm và đặt lịch nhắc nhở thời hạn đóng phí bảo hiểm của họ thông qua MoMo.
“Bằng cách thích ứng với những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu thế số hóa đang gia tăng, Manulife Việt Nam hy vọng sẽ thúc đẩy một nền kinh tế hòa nhập và công bằng, nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội để sử dụng các dịch vụ tài chính của chúng tôi” – ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.
“Sự hợp tác với MoMo là một minh chứng điển hình về cách mà chúng tôi tối ưu hóa công nghệ để không chỉ thu hẹp nhu cầu bảo vệ sức khỏe chưa được đáp ứng mà còn tìm ra những cách thức mới để nâng cao và đơn giản hóa trải nghiệm khách hàng thông qua các giải pháp số hóa” ông Sang Lee nói thêm.
Sự phát triển của thị trường ví điện tử là một trong những động lực lớn thúc đẩy Việt Nam tiến tới một xã hội không tiền mặt. Đồng thời thông qua hợp tác với MoMo, đã có hơn 50.000 đối tác kinh doanh trên cả nước chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt này.
“MoMo rất vinh hạnh khi trở thành đối tác chiến lược của Manulife Việt Nam. Thông qua hợp tác này, MoMo mong muốn không chỉ là nền tảng công nghệ giúp Manulife Việt Nam tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, mà còn cùng các đối tác chia sẻ sứ mệnh “bình dân hóa” dịch vụ tài chính – bảo hiểm cho người Việt và hướng tới xã hội không tiền mặt tại Việt Nam” – ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng giám đốc cấp cao, phụ trách Đơn vị kinh doanh dịch vụ tài chính của MoMo chia sẻ.
Là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt, Max – Sống Khỏe cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 VNĐ/năm. Hợp đồng sẽ có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt với hạn mức bảo hiểm cao dao động từ 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, khách hàng của Max – Sống Khỏe được cung cấp các quyền lợi nội trú và ngoại trú trong mạng lưới thanh toán trực tiếp của gần 300 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.
Nhân dịp này, Manulife Việt Nam cũng triển khai chương trình ưu đãi giảm giá lên đến 1.000.000 VNĐ/hợp đồng dành cho khách hàng mua sản phẩm Max – Sống khỏe trên MoMo. Đồng thời, MoMo mang đến ưu đãi nhận hoàn tiền ngay 20% cho người dùng mua sản phẩm bảo hiểm này trên MoMo.
Manulife nới rộng độ tuổi tham gia bảo hiểm sức khỏe lên đến 69 tuổi
(ĐTCK) – Để giúp khách hàng an tâm tận hưởng tuổi xế chiều với giải pháp bảo vệ toàn diện, Manulife đã đưa ra thị trường thêm hai sản phẩm là Bảo hiểm bổ trợ bệnh lý nghiêm trọng mở rộng và Bảo hiểm bổ trợ trợ cấp y tế mở rộng.
Hai sản phẩm này không chỉ nâng cao các tính năng hấp dẫn của những quyền lợi hiện có mà còn mở rộng độ tuổi tham gia và độ tuổi bảo vệ, đồng thời gia tăng quyền lợi mới, với tiêu chí chi trả quyền lợi dựa trên các tiêu chí về điều trị bệnh hoặc phẫu thuật, không bị hạn chế theo định nghĩa bệnh.
Theo ông Phùng Bá Khang, Giám đốc khối sản phẩm và sức khỏe của Manulife Việt Nam, hai sản phẩm bảo hiểm bổ trợ mới này được Manulife Việt Nam nới rộng độ tuổi tham gia lên đến 69 tuổi và bảo vệ toàn diện đến 85 tuổi, một sự cải thiện đáng kể so với độ tuổi tham gia 65 và độ tuổi bảo vệ đến 70 tuổi như các sản phẩm khác trên thị trường.
Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cũng cho thấy, có đến 26,1% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% người cao tuổi không đủ tiền chi trả cho việc điều trị.
“Những năm qua, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt đang cao dần, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn nhiều các quốc gia khác. Vì vậy, sự mở rộng quyền lợi này thể hiện mong muốn và hành động tiên phong của Manulife Việt Nam trong việc giải quyết các nhu cầu thực tiễn của khách hàng, đặc biệt với người cao tuổi – những người dễ bị tổn thương bởi rủi ro sức khỏe và dễ phải đối mặt với áp lực gánh nặng y tế nhất”, ông Khang nhấn mạnh.
Cùng với hai giải pháp sức khỏe này, vừa qua hãng bảo hiểm này cũng đã triển khai bán bảo hiểm sản phẩm Max – Sống Khỏe trên ví điện tử MoMo. Đây là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe chuyên biệt cung cấp ba chương trình bảo hiểm cạnh tranh với mức phí định kỳ không đổi chỉ từ 560.000 đồng/năm. Hợp đồng sẽ có hiệu lực trong suốt 3 năm kể từ khi kích hoạt với hạn mức bảo hiểm cao dao động từ 1 tỷ đồng.
Đặc biệt, khách hàng của Max – Sống Khỏe được cung cấp các quyền lợi nội trú và ngoại trú trong mạng lưới thanh toán trực tiếp của gần 300 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.
Bảo hiểm PVI Hà Thành ký kết hợp tác với Hội Nông dân TP Hà Nội
(PVI) – Theo đó, thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân TP Hà Nội và Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bên. Nội dung hợp tác nhằm hỗ trợ, nâng cao phúc lợi hội viên, nông dân, góp phần bảo đảm đời sống an sinh xã hội.
Các nội dung thỏa thuận của 2 bên phải đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật, chức năng nhiệm vụ của các bên. Các sản phẩm bảo hiểm, chính sách ưu đãi cung cấp, giới thiệu tới các cấp hội và hội viên, nông dân phải chất lượng, uy tín phù hợp và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.
Được biết, Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ (gồm sản phẩm bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc): bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn, bảo hiểm tai nạn, ốm đau, bảo hiểm ô tô, bảo hiểm xe máy, bảo hiểm xây dựng, Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm tài sản.
Trong đó có nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm giá ít nhất 10% giá bán các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện so với giá niêm yết bán ra thị trường cho hội viên, nông dân và đảm bảo không vi phạm các quy định về phí bảo hiểm do Bộ Tài chính ban hành.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm PVI tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện phục vụ nông dân như: Tết Sum vầy, Phiên chợ quê và các hoạt động xã hội, từ thiện của tổ chức Hội.
Tại lễ ký kết, đại diện Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành đã giới thiệu các loại bảo hiểm thiết thực nhất, đem lại quyền lợi sát sườn cho từng hội viên nông dân, thể hiện đúng nội dung của thỏa thuận hợp tác.
Ông Kiều Văn Thinh – Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành bày tỏ sự kỳ vọng và tin tưởng vào sự hợp tác với Hội Nông dân TP.Hà Nội.
Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành đề nghị Hội Nông dân TP Hà Nội quan tâm, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt từ TP đến các huyện, thị để thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội khẳng định, mục tiêu lớn nhất của việc ký kết thỏa thuận là đem được gói dịch vụ tiện tích đến với hội viên nông dân, để họ được tiếp cận và được thụ hưởng. Thời gian tới, Hội Nông dân các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội sẽ phối hợp với Công ty Bảo hiểm PVI Hà Thành triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác, kế hoạch phối hợp trong năm 2022 và các năm tiếp theo đạt được mục tiêu đề ra.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Cần xây chắc “lá chắn” nền kinh tế
(ĐTCK) – Trong nền kinh tế, nếu thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” thì thị trường bảo hiểm là “lá chắn”, nên càng ổn định, bền vững bao nhiêu thì nền kinh tế càng chống chọi rủi ro tốt bấy nhiêu.
Tăng cường minh bạch hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Để thị trường bảo hiểm thực hiện đúng chức năng là “lá chắn” cho các hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước, của mỗi cá nhân và gia đình, tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm là vô cùng cần thiết.
Theo đó, cơ quan quản lý, cụ thể ở đây là Bộ Tài chính, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về trình độ chuyên môn của nhân viên bảo hiểm, phải được đào tạo và cấp chứng chỉ tối thiểu tương đương chứng chỉ đại lý bảo hiểm để hạn chế việc tư vấn bảo hiểm sai, thực hiện trách nhiệm bồi thường/trả tiền bảo hiểm không đầy đủ, gây thiệt hại cho bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm đều không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp và bên mua thường là bên chịu bất lợi.
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các hồ sơ từ chối bồi thường/trả tiền bảo hiểm, hồ sơ có áp dụng chế tài/giảm trừ quyền lợi để bảo vệ lợi ích chính đáng của bên mua bảo hiểm – đối tượng cần hỗ trợ khi gặp hoạn nạn cần tới bảo hiểm.
Khi nhận được đơn thư khiếu nại, phản ánh/kêu cứu của bên mua bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm/bị cắt xén quyền lợi, Bộ Tài chính (thông qua Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) cần tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải trình, thay vì trả lời chung chung là “đề nghị bên mua bảo hiểm khởi kiện ra tòa theo Luật Tố tụng dân sự” như hiện nay.
Hạn chế xung đột pháp lý khi phê duyệt sản phẩm bảo hiểm
Đối với công tác phê duyệt sản phẩm bảo hiểm, cơ quan quản lý cần tham chiếu các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và những sắc luật liên quan để tránh xảy ra tranh chấp khó giải quyết sau này.
Chẳng hạn, với nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính đã phê duyệt cho các doanh nghiệp bảo hiểm điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật, nhưng quy định tại Mục 3a, Điều 16 – Luật Kinh doanh bảo hiểm lại nêu không được áp dụng điểm loại trừ trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.
Thực tế, trong quá trình hỗ trợ khách hàng đòi bồi thường, chúng tôi gặp nhiều trường hợp tai nạn giao thông bên mua bảo hiểm chỉ vi phạm hành chính (lấn làn, đè vạch, không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ…) do vô ý, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng điều khoản loại trừ này để từ chối trách nhiệm bảo hiểm.
Nhân đây, tôi kiến nghị giữ nguyên quy định tại Mục 3a, Điều 16 – Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bởi việc bỏ điều khoản này tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có thể dẫn đến việc bị nhà bảo hiểm lợi dụng để loại trừ mọi hành vi vi phạm pháp luật vào hợp đồng, gây bất lợi cho bên mua bảo hiểm trong các vụ tai nạn giao thông.
Tương tự, với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, Bộ Tài chính đã phê duyệt quy tắc bảo hiểm, trong đó có quy định bên mua bảo hiểm phải cung cấp hồ sơ tai nạn giao thông của cảnh sát giao thông cho doanh nghiệp bảo hiểm, trong khi Thông tư 63/2020/TT-BCA của Bộ Công an lại quy định, cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ tai nạn cho doanh nghiệp bảo hiểm, không cung cấp cho lái xe. Hệ quả là bên mua không cung cấp được hồ sơ công an có thể bị từ chối bồi thường, bị giảm trừ số tiền bồi thường.
Bộ Tài chính cũng phê duyệt quy tắc bảo hiểm xe cơ giới có điểm loại trừ trường hợp lái xe có cồn trong máu, mà chưa lưu ý đến trường hợp cồn sinh lý người nào xét nghiệm cũng có chỉ báo lớn hơn 0. Một số doanh nghiệp từng lợi dụng điểm loại trừ này để từ chối bồi thường các vụ thiệt hại lớn.
Giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bancassurance
Những năm gần đây, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã tăng trưởng mạnh mẽ, vượt qua đại lý để trở thành kênh phân phối quan trọng nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, động thái kiểm tra, chấn chỉnh và giám sát chặt hơn hoạt động này từ cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn ngân hàng của cơ quan quản lý là rất quan trọng.
Trên thực tế, tình trạng người vay vốn bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, thậm chí là các sản phẩm không liên quan (vay mua nhà, mua xe, kinh doanh… bị ép mua bảo hiểm nhân thọ) diễn ra khá phổ biến, chẳng hạn người có nhu cầu vay vốn mua ô tô nếu không mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm do ngân hàng cho vay chỉ định sẽ không được giải ngân, tăng lãi suất, không cấp giấy thông hành phương tiện…
Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm không có chứng chỉ đào tạo đại lý theo Điều 86 – Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ngân hàng chạy theo hoa hồng ép khách hàng mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm dịch vụ kém, nhưng trả hoa hồng cao, còn doanh nghiệp bảo hiểm xâm hại quyền lợi của khách hàng để bù đắp lại.
Lâu nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ muốn đẩy mạnh kênh bancassurance hầu hết đều trả hoa hồng cho ngân hàng cao hơn quy định và để bù đắp phần vượt quá này, hạn chế chi phí bồi thường là giải pháp tất yếu, mà điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
Vẫn còn tồn tại tình trạng nhân viên ngân hàng cấu kết với đại lý bảo hiểm nhân thọ (kênh bancassurance) tư vấn không đầy đủ, thậm chí tư vấn sai… để hướng người gửi tiền (chủ yếu là người lớn tuổi, người ít thông tin) không gửi tiết kiệm, mà chuyển sang mua sản phẩm nhân thọ liên kết đầu tư với con số lãi minh họa cao hơn, trong khi lãi thực nhận không như vậy. Đến hạn tái tục, người gửi không có khoản tiền tương đương để đóng phí sẽ mất toàn bộ số tiền đã đóng, mà họ vẫn đang nhầm tưởng là gửi ngân hàng. Thực tế, không ít trường hợp người lớn tuổi bị mất sạch khoản tiền tiết kiệm dưỡng già khi sập bẫy các đối tượng này.
Siết chặt chi hoa hồng bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới
Hiện nay, hầu như không doanh nghiệp bảo hiểm nào chi hoa hồng nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo đúng tỷ lệ quy định là ô tô 5% và mô tô 20% tổng doanh thu phí, mà lên tới 55% đối với ô tô và 80% đối với mô tô. Hậu quả là bên mua bảo hiểm bị xâm hại quyền lợi khi xảy ra rủi ro, trong khi phí bảo hiểm thực chất bị công ty bảo hiểm và trung gian phân phối chia chác nhau.
Đối với những trường hợp bán bảo hiểm xe cơ giới khác với điều khoản đã đăng ký (thu hẹp phạm vi bảo hiểm), trái với quy định tại Khoản 4a, Khoản 6, Điều 39 – Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đề nghị Bộ Tài chính thu hồi công văn chấp thuận đăng ký sản phẩm bảo hiểm vật chất xe ô tô.
- Nhịp đập thị trường
Năm 2022, bancassurance tiếp tục bùng nổ doanh thu
(TBTCO) – Nếu như năm 2016, tỷ lệ thâm nhập của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) chỉ chiếm hơn 5% thì tính đến năm 2019, con số này là hơn 17% và tiếp tục tăng mạnh gần 30% năm 2021. Bancassurance đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng như mang đến nguồn lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho các ngân hàng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ doanh thu trong thời gian tới.
Năm 2022 bắt đầu với sự kiện Agribank và FWD Việt Nam chính thức bắt tay hợp tác sau một thời gian dài tìm hiểu. Theo đó, trong giai đoạn đầu triển khai, FWD Việt Nam sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Agribank, ngân hàng duy nhất có mặt tại 63 tỉnh, thành và 9/13 huyện đảo với hệ thống gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc.
Trước đó, FWD Việt Nam cũng có một thương vụ nổi bật nhất trên thị trường bancassurance Việt Nam khi hợp tác với Vietcombank. Sau thời gian triển khai, hoạt động hợp tác này đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho khách hàng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thị trường.
Là công ty trẻ và có lợi thế trong việc áp dụng kỹ thuật số nhanh chóng, các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến của FWD Việt Nam như: “FWD Bảo hiểm bệnh ung thư”, “FWD Bộ 3 bảo vệ”, “FWD Bảo hiểm tai nạn”, hay mới đây nhất là “FWD Phụ nữ hiện đại” được phân phối qua các nền tảng số của Vietcombank là minh chứng rõ ràng nhất cho việc khách hàng có thể bảo vệ tài chính của bản thân và gia đình chỉ qua vài cú click chuột.
Manulife Việt Nam và VietinBank cũng ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm, đánh dấu một chương mới đầy kỳ vọng cho hai tổ chức tài chính với những kế hoạch chung. Theo đó, Manulife Việt Nam là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank.
Một tên tuổi mới tham gia thị trường bảo hiểm là Shinhan Life Việt Nam cũng công bố ký kết hợp tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc. Sản phẩm đầu tiên được phát triển thông qua kênh phân phối này là Shinhan – Tín dụng, sản phẩm bảo vệ cho khách hàng khi vay vốn.
Trước đó, Hanwha Life Việt Nam và Vietbank cũng ký kết hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam. Việc hợp tác giữa Hanwha Life Việt Nam và Vietbank là một phần trong chiến lược dài hạn của cả hai doanh nghiệp, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của hai bên, mang đến cho khách hàng những dịch vụ tài chính ưu việt.
Ông Sang Lee – Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, cho biết các sản phẩm bảo hiểm của Manulife sẽ được bán cho hơn 14 triệu khách hàng của Vietinbank ngay từ thời điểm này. “Manulife Việt Nam rất hứng khởi khi được mở rộng thị phần phân phối của mình và sự hợp tác với VietinBank sẽ giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm ngày càng tăng của người dân Việt Nam.
Ông Huỳnh Hữu Khang – Tổng giám đốc FWD Việt Nam, chia sẻ: “Sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi rất vui mừng khi chính thức triển khai hợp tác quan trọng và ý nghĩa này. Hợp tác này không chỉ mở ra cơ hội thúc đẩy sự phát triển của mô hình liên kết bảo hiểm – ngân hàng tại Việt Nam, mà quan trọng hơn là giúp rất nhiều người dân Việt Nam, từ thành phố đến các vùng nông thôn hay miền núi, dễ dàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm đột phá, dịch vụ khác biệt của chúng tôi. Thông qua hợp tác với Agribank, chúng tôi tin rằng hành trình thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm của FWD tại Việt Nam sẽ được triển khai sâu và rộng hơn trên khắp cả nước”.
Ông Lee Euichul – Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, chia sẻ: “Là tân binh tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2022, Shinhan Life luôn tập trung thiết kế danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang lại những giá trị mới và bất ngờ cho khách hàng Việt Nam. Đồng thời, việc đa dạng kênh phân phối cũng là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong thời gian đầu hoạt động. Thông qua việc hợp tác cùng với Ngân hàng Shinhan Bank – ngân hàng thuộc Tập đoàn Shinhan với kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm cùng mạng lưới chi nhánh ngân hàng rộng khắp cả nước, chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều khách hàng của Ngân hàng Shinhan có thể tiếp cận các sản phẩm từ Shinhan Life một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất”.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, bancassurance được đẩy mạnh là bởi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần. Đặc biệt, tại một số ngân hàng đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, hiện có 15/18 doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai bancassurance. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với tệp khách hàng của các ngân hàng, nhanh chóng gia tăng thị phần, doanh thu… Hiện bancassurance trở thành kênh phân phối chiếm vị trí thứ hai trong tỷ trọng đóng góp vào doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay và tại một số công ty bảo hiểm có đối tác ngân hàng lớn, kênh này có thể mang về mức tăng trưởng doanh thu phí mới cao hơn mức tăng trưởng 30% của thị trường.
- Bảo hiểm với cộng đồng
PVI hỗ trợ bệnh nhi tại bệnh viện Nhi Đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh
(PVI) – Nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi, chiều ngày 01/6/2022, đại diện Công đoàn và Đoàn thanh niên Bảo hiểm PVI South đã tổ chức hoạt động thiện nguyện hỗ trợ các bệnh nhi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hoạt động thiện nguyện thường niên tại Bảo hiểm PVI South.
Với mong muốn mang đến một Ngày Quốc tế Thiếu nhi đủ đầy cho các bé, Đoàn Thanh niên phối hợp cùng Công đoàn Bảo hiểm PVI South trước đó đã tiến hành quyên góp tiền ủng hộ từ Ban Lãnh đạo và các cán bộ nhân viên đang làm việc tại Đơn vị.
Số tiền quyên góp 63,7 triệu đồng đã được dùng để thanh toán một phần viện phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tai bệnh viện Nhi Đồng 2. Phiếu thu đã được trao tận tay cho gia đình bệnh nhi, cùng những lời động viên, khích lệ tinh thần chiến thắng bệnh tật của các em và lời chúc các em đón Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầy niềm vui và hạnh phúc.
Tại đây đại diện Bảo hiểm PVI South cũng gửi lời chúc sức khỏe, tri ân, động viên đến toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cống hiến hết mình vì thế hệ mầm non, tương lai đất nước…
Bảo Minh tài trợ 5 tỷ đồng xây dựng trường học tại Bạc Liêu
(BMI) – Sáng ngày 2/6, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tiếp nhận 05 tỷ đồng từ Tổng công ty cổ phần Bảo Minh để hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học tại xã có đông đồng bào dân tộc Khmer – xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi.
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cho biết: “Thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bạc Liêu, là địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi và là một tỉnh còn nghèo ngân sách hàng năm thu không đủ chi, Trung ương phải hỗ trợ; tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi còn thấp kém; nhất là trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn”
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, trân trọng cám ơn đến Lãnh đạo Tổng Công ty Bảo Minh quan tâm hỗ trợ cho tỉnh 05 tỷ đồng để xây dựng trường học tại xã có đông đồng bào dân tộc Khmer – xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), để trường đạt chuẩn Quốc gia, cũng như giúp xã hoàn thành việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, tạo điều kiện cho con em ở vùng đồng bào dân tộc Khmer này được đến trường.
Đặc biệt, thể hiện sự chia sẻ, nghĩa cử cao đẹp này tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển giáo dục cũng như xu hướng phát triển xã hội.
- Tin quốc tế
Năm 2021, châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng cao nhất trong hơn 5 năm qua
(INA) – Theo công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, ngành bảo hiểm nhân thọ của Châu Á Thái Bình Dương năm 2021 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 5 năm là 7%.
GlobalData lý giải điều này là do nhận thức về bảo hiểm được nâng cao khi sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô làm nổi bật tầm quan trọng của an ninh tài chính sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo của mình, GlobalData dự đoán rằng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong khu vực dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,5% từ năm 2021 đến năm 2026, với số tuyệt đối tăng từ 1,3 nghìn tỷ đô la năm 2021 lên 1,77 nghìn tỷ đô la năm 2026.
“Bất chấp những thách thức kinh tế vào năm 2020, ngành bảo hiểm nhân thọ đã phục hồi trở lại do đại dịch COVID-19 nêu bật tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ đối với an ninh tài chính”, nhà phân tích bảo hiểm cấp cao Deblina Mitra của GlobalData cho biết.
Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ là năm thị trường hàng đầu trong khu vực, chiếm 85% doanh thu phí bảo hiểm khu vực vào năm 2021. Trung Quốc và Ấn Độ là những động lực tăng trưởng chính với mức tăng trưởng hai con số vào năm 2021 và dự kiến sẽ duy trì tốc độ CAGR trên 7% từ năm 2021 đến năm 2026.
Trong khi đó, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ CAGR lần lượt là 4,7%, 3,8% và 3,1% trong 5 năm tới kể từ năm 2021.
“Ngành bảo hiểm nhân thọ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong 5 năm tới, nhờ vào các thị trường mới nổi chưa được chú trọng, cải thiện mức sống và nâng cao nhận thức về bảo hiểm. Hơn nữa, thời gian tới sẽ có những phát triển lớn về công nghệ bảo hiểm để giải quyết những thách thức về nhân khẩu học và cá nhân hóa việc bán bảo hiểm”, ông Mitra nói.
Doanh số bảo hiểm hàng hải Tokio Marine tăng 31% trong tháng 5
(INA) – Tháng 5 vừa qua, Tokio Marine đã đạt được doanh số 780 triệu đô la (102,19 tỷ Yên) các sản phẩm bảo hiểm hàng hải, tăng vọt 31% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm bảo hiểm cháy nổ cũng có mức tăng trưởng tích cực 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Bảo hiểm tai nạn cá nhân tăng 2,4% với mức tăng tổng cộng 1,26 tỷ đô la.
Trong khi đó, bảo hiểm ô tô và Bảo hiểm trách nhiệm ô tô bắt buộc (CALI) có doanh số bán hàng giảm lần lượt trong tháng 5 là 0,2% và 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu trong tháng đạt 1,38 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chubb ra mắt bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp mới tại Hồng Kông
(INA) – Chubb đã ra mắt bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp mới tại Hồng Kông. Sản phẩm có tên gọi là My Accident Guard, dành cho những cá nhân làm công việc chân tay hoặc tính chất nguy hiểm và những người tham gia các hoạt động thể thao không phải đua xe.
Quyền lợi của chương trình này bao gồm trợ cấp tử vong và tàn tật lên đến 320 nghìn USD (2,5 triệu đô la Hồng Kông), chi phí y tế cho các bệnh truyền nhiễm và/hoặc thương tích cơ thể lên đến 3,19 nghìn USD (25 nghìn đô la Hồng Kông) mà không có giới hạn phụ đối với phẫu thuật, chỉnh hình, vật lý trị liệu hoặc X-quang, tiền mặt nằm viện cho các bệnh truyền nhiễm và/hoặc thương tích cơ thể lên đến 63,73 USD (500 đô la Hồng Kông) mỗi ngày và khoản thanh toán 3,82 nghìn USD (30 nghìn đô la Hồng Kông) cho gãy xương bao gồm cả gãy xương do mệt mỏi.
My Accident Guard có phạm vi bảo vệ 24 giờ trên toàn thế giới. Người tham gia bảo hiểm có thể dễ dàng đăng ký chương trình bằng cách cho biết giấy yêu cầu bảo hiểm tai nạn trước đây của họ có bị từ chối hay được bảo hiểm theo các điều khoản đặc biệt mà không cần khám sức khỏe trước hoặc kê khai mức lương.
Chubb cũng phát hành Kế hoạch Phúc lợi cho Nhân viên Doanh nghiệp do Tai nạn & Bệnh tật dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tất cả trong một, bao gồm: bảo hiểm tai nạn cá nhân, chi phí y tế do tai nạn, bệnh hiểm nghèo và bảo hiểm tử vong thương tâm.
Nét độc đáo của sản phẩm này là kết hợp tai nạn cá nhân và bệnh hiểm nghèo trong một hợp đồng, phí bảo hiểm cho cả hai giới, cung cấp bảo hiểm cho nhân viên không rõ tên, không yêu cầu kiểm tra y tế.
“Chúng tôi rất vui mừng ra mắt hai kế hoạch mới này với những lợi ích dẫn đầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ sẽ hài lòng với thủ tục hồ sơ rất đơn giản, giảm thời gian làm việc hành chính cho người sử dụng lao động”, ông Scott Simpson, Chủ tịch kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của Chubb tại Hồng Kông và Ma Cao cho biết.
Kyobo Life phát hành 500 triệu USD trái phiếu hỗn hợp
(INA) – Bảo hiểm nhân thọ Kyobo của Hàn Quốc sẽ phát hành trái phiếu hỗn hợp trị giá 500 triệu đô la để tăng cường tỷ lệ vốn của mình.
Trái phiếu kỳ hạn 30 năm, sẽ được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ có lãi suất hàng năm là 5,9% và quyền chọn mua lại sau năm năm.
Theo Kyobo Life, việc bán trái phiếu là để giúp chuẩn bị cho những rủi ro tiềm tàng trong thời gian sắp tới khi thực hiện các yêu cầu tài chính quốc tế khó khăn hơn vào năm tới.
Tính đến tháng 3, Kyobo Life có tỷ lệ vốn dựa trên rủi ro là 205,1%. Các công ty bảo hiểm nhân thọ của Hàn Quốc được khuyến cáo, hệ số này cần đạt từ 150% trở lên.
MSIG Châu Á bổ nhiệm Phó Chủ tịch về phát triển kinh doanh và số hóa
(INA) – MSIG Châu Á đã bổ nhiệm cô Enny làm Phó Chủ tịch điều hành mới về Phát triển Kinh doanh và Số hóa.
Enny tham gia nhóm quản lý MSIG Châu Á đến từ Indonesia, nơi cô từng là Tổng Giám đốc PT Mandiri AXA General Insurance trong hai năm. Enny cũng từng làm việc cho MSIG tại PT Asuransi MSIG Indonesia trong 24 năm, nơi cô bắt đầu sự nghiệp của mình và giữ nhiều vai trò quản lý từ Sản xuất đến Yêu cầu bồi thường, Kinh doanh bán lẻ, Bancassurance và Kỹ thuật số.
Cô sẽ làm việc tại trụ sở Singapore và chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh khu vực trên các thị trường, kênh phân phối và sản phẩm.
Allianz Châu Á Thái Bình Dương bổ nhiệm tân COO
(INA) – Allianz Châu Á Thái Bình Dương đã thông báo bổ nhiệm ông Kim Leng Teh làm Giám đốc Hoạt động (COO) khu vực mới và thành viên Ban Giám đốc Allianz Châu Á Thái Bình Dương.
Ông Kim kế nhiệm Jon-Paul Jones, người sẽ đảm nhận vị trí mới tại Allianz SE với tư cách là Giám đốc Toàn cầu về Chuyển đổi Kinh doanh trong Thương mại Toàn cầu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, Kim Leng mang đến những chuyên môn to lớn cho vai trò mới của mình. Ông đã đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các tổ chức bảo hiểm, tập trung vào việc thúc đẩy các chương trình và hoạt động lấy khách hàng làm trung tâm và chuyển đổi dựa trên kỹ thuật số.
Ông Kim trước đây còn là Giám đốc Hoạt động và Chuyển đổi của Prudential Assurance Malaysia Berhad. Ông cũng từng là Giám đốc Công nghệ tại AIA Malaysia từ năm 2012 đến năm 2016 và có 13 năm làm việc tại ING Malaysia, nơi vị trí cuối cùng của ông là Giám đốc Thông tin.
Tại cương vị mới, Kim Leng sẽ chịu trách nhiệm về định hướng chiến lược và triển khai chương trình kỹ thuật số nhằm tối ưu hóa năng suất và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Quyết định bổ nhiệm sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8.
Hội đồng quản trị ICA bổ nhiệm thành viên không điều hành
(INA) – Hội đồng quản trị của Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA) đã công bố bổ nhiệm bà Sharon Ooi là thành viên không điều hành mới của Hội đồng ICA.
Ông Ooi là Giám đốc điều hành và người đứng đầu Swiss Re Australia và New Zealand, đồng thời là thành viên của Ủy ban nhân thọ Hội đồng Dịch vụ Tài chính Australia (FSC).
Bà Sharon trước đây là Giám đốc Đánh giá rủi ro Tài sản & Thiệt hại (P&C) Swiss Re Châu Á và Úc & New Zealand, có trụ sở tại Singapore và là giám đốc kiêm Chủ tịch của Swiss Re Australia Ltd.
Chủ tịch ICA Nick Hawkins cho biết: “Hội đồng quản trị có sự kết hợp tốt giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ và chuyên ngành cũng như các công ty tái bảo hiểm chủ chốt trong ngành của chúng tôi, cung cấp nhiều góc nhìn về các vấn đề mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi mong muốn học hỏi kiến thức sâu rộng của Sharon về dịch vụ tái bảo hiểm và tài chính cũng như kinh nghiệm
Ping An nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng không
(AIR) – Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc nỗ lực để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng không.
Ông Benjamin Deng, Giám đốc đầu tư của Ping An, cho biết Tập đoàn đặt mục tiêu đạt được sự trung hòa về carbon trong hoạt động vào năm 2030 và tập trung vào đầu tư và bảo hiểm môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Ping An đã đặt mục tiêu đầu tư và tín dụng xanh 400 tỷ CNY (60 tỷ USD) vào năm 2025. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, đầu tư và tài trợ xanh của Tập đoàn là gần 224,58 tỷ CNY. Tổng cộng, tổng đầu tư và tài trợ có trách nhiệm đạt gần 1,22 nghìn tỷ CNY, bao gồm đầu tư và tài trợ gần 68,5 tỷ CNY và đầu tư và tài trợ xã hội gần 926,9 tỷ CNY.
Đầu tư xanh của Ping An bao gồm các công trình xanh, đường xá được cấp phép xanh và các dự án năng lượng sạch. Ông Deng nói, năng lượng thay thế là một cơ hội đầu tư đáng kể, đồng thời lưu ý những áp lực hiện nay đối với chuỗi cung ứng năng lượng của thế giới. Ông kỳ vọng quy mô cung và cầu của các loại năng lượng thay thế sẽ phát triển theo cấp số nhân trong thập kỷ tới.
Để hỗ trợ đầu tư có trách nhiệm rộng rãi hơn vào Trung Quốc, Ping An cũng đã tham gia soạn thảo tiêu chuẩn công bố ESG đầu tiên của Trung Quốc, “Hướng dẫn khai báo ESG cho doanh nghiệp”, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6. Ông Deng nói: “Chúng tôi hy vọng có thể giúp cả nước đi vào một khuôn khổ rất có hệ thống và nhất quán mà chúng tôi có thể đo lường đối với Trung Quốc”.
Ông cũng nói, “Ping An, với tư cách là người quản lý tài sản thu nhập dài hạn của khách hàng khi nghỉ hưu và kế thừa sự giàu có, phải cân nhắc sự ổn định, thịnh vượng, khả năng dự đoán và hành động 100% dựa trên lợi ích và quyền lợi của họ.”
Ông Deng cho biết trọng tâm của Ping An vào các hoạt động ESG trong chiến lược kinh doanh là giúp Tập đoàn phát triển thịnh vượng và hỗ trợ hơn 200 triệu khách hàng bán lẻ cũng như toàn xã hội nói chung. Tập đoàn đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm hỗ trợ môi trường trong sạch, phúc lợi xã hội và quản trị doanh nghiệp. Tập đoàn không muốn đầu tư vào các công ty có sự thay đổi nhanh chóng trong quản trị và các quy định lỏng lẻo, vì vậy quản trị là trọng tâm trong nghiên cứu của Ping An, ông nói.
Tập đoàn là chủ sở hữu tài sản đầu tiên của Trung Quốc ký kết Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên hợp quốc hỗ trợ và tham gia Climate Action 100+, sáng kiến do nhà đầu tư đứng đầu nhằm đảm bảo các nhà đầu tư phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới hành động để chống biến đổi khí hậu.
Munich Re nỗ lực thu hồi carbon
(IBM) – Là một phần của quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững với khí hậu, Munich Re mới đây đã công bố ra mắt một tổ chức trồng rừng mới, TreeTrust.
Hãng tái bảo hiểm Đức và Tập đoàn Valliant là những đối tác đầu tiên của TreeTrust với khoản đầu tư vào việc tạo rừng để thu khí thải carbon.
Dự án đầu tiên của TreeTrust sẽ trồng cây trên hơn 10 triệu mét vuông đồng cỏ cũ ở Costa Rica, dự kiến sẽ thu được hơn 600.000 tấn CO2 trong vòng 40 năm tới.
Munich Re cho biết sáng kiến này sẽ đem lại một giải pháp đáng tin cậy để thu giữ carbon nhằm bù đắp lượng khí thải carbon phù hợp với việc đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng không.
Ông Michael Menhart, Trưởng bộ phận Kinh tế, Bền vững và Các vấn đề Công cộng và Kinh tế trưởng của Munich, chia sẻ: “Dự án của chúng tôi với TreeTrust là một giải pháp sáng tạo, chất lượng cao sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không ròng từ nay đến năm 2030 và cả sau đó nữa”.
TreeTrust cho biết, họ sẽ cung cấp cho các công ty một giải pháp để đảm bảo đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu đã được thống nhất trong Hiệp định Khí hậu Paris.
Theo ông Andreas Heger, người sáng lập TreeTrust: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một loạt các giải pháp mới, cao cấp trên thị trường cho các khoản tín dụng carbon tự nguyện. Các công ty sẵn sàng đầu tư để bù đắp lượng khí thải của họ. Chúng tôi giúp họ chọn lọc những dự án dài hạn phù hợp, đồng thời tiết kiệm thời gian”.
Nhà phát triển dự án BaumInvest sẽ giám sát dự án ở Costa Rica nhằm mục đích tái tạo rừng nhiệt đới trong khu vực, cung cấp đa dạng sinh học và nước cho khu vực.
Ông Torsten Jeworrek, thành viên Ban điều hành Munich Re, khẳng định lịch sử đánh giá rủi ro khí hậu lâu đời của Munich Re đảm bảo rằng TreeTrust sẽ cung cấp các kết quả hiệu quả.
Ông nói: “Các cách tiếp cận sáng tạo của chúng tôi ở đây nhấn mạnh vào việc phòng ngừa, chuyển giao rủi ro và khả năng phục hồi. Trong một thị trường bù đắp carbon nơi nguồn cung khan hiếm, TreeTrust tổ chức các dự án trồng rừng phù hợp cho các công ty sáng suốt”.
Giám đốc Quản lý Bền vững tại Valiant Group Jens Wichtermann mô tả dự án là “nền tảng chính” cho chiến lược khí hậu của công ty.
BTV (Tổng hợp).