TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 17

Ping An dẫn đầu về giá trị thương hiệu; Allianz hướng tới hoạt động đầu tư không carbon; VBI công bố tầm nhìn, sứ mệnh & giá trị mới

I. Tin trong nước

1, Tin bồi thường, tổn thất

BIC chi trả bảo hiểm hơn 400 triệu đồng cho khách hàng vay vốn

(BIC) – Vừa qua, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thống Nhất (Chi nhánh BIDV Thống Nhất) đã tổ chức gặp gỡ và trao hơn 400 triệu đồng tiền bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An và bảo hiểm sức khỏe BIC Care cho thân nhân khách hàng không may gặp rủi ro tại TP. Hồ Chí Minh.

Khách hàng được chi trả bảo hiểm là anh Mai Tấn Nhã, cán bộ của Chi nhánh BIDV TP. Hồ Chí Minh. Ngày 15/03/2018, anh Nhã vay 500 triệu đồng thấu chi lương tại Chi nhánh BIDV Thống Nhất và tham gia sản phẩm bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho 50% khoản vay trên. Ngày 13/11/2018, anh Nhã không may tử vong do tai nạn giao thông.

Ngay khi nhận được tin báo từ thân nhân khách hàng, BIC và Chi nhánh BIDV Thống Nhất đã gửi lời thăm hỏi, động viên và gấp rút hoàn thiện các thủ tục để chi trả bảo hiểm cho gia đình anh Nhã theo quy định. Theo quyền lợi bảo hiểm BIC Bình An, số tiền chi trả cho gia đình khách hàng là 253 triệu đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm, hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian làm thủ tục chi trả bảo hiểm và tiền trợ cấp mai táng. Ngoài số tiền trên, gia đình anh Nhã còn được nhận thêm 150 triệu đồng tiền bảo hiểm sức khỏe BIC Care, phúc lợi Ngân hàng BIDV trang bị cho cán bộ nhân viên trên toàn quốc. Tổng số tiền BIC chi trả cho gia đình khách hàng là hơn 400 triệu đồng.

BIC Bình An là sản phẩm chủ lực của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) hợp tác giữa BIC và các ngân hàng liên kết. Với những quyền lợi thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, BIC Bình An đang ngày càng khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy với mỗi khách hàng vay vốn trước các rủi ro không thể lường trước trong cuộc sống, đồng thời, cung cấp cho ngân hàng một công cụ bảo toàn vốn trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ. BIC Bình An không chỉ bảo hiểm cho các cá nhân vay tín chấp mà còn bảo hiểm cho các khách hàng vay có tài sản đảm bảo, giúp các tài sản thế chấp của khách hàng không bị phát mại khi không may có rủi ro xảy ra, xóa đi gánh nặng tài chính cho những người thân trong gia đình. Kể từ khi triển khai, BIC Bình An đã bảo hiểm cho hơn 1 triệu lượt khách hàng, góp phần chia sẻ rủi ro với hơn 1.500 gia đình trên toàn quốc. Số tiền chi trả lớn nhất đến nay là hơn 2 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Chu Thanh Phương vay vốn tại Chi nhánh BIDV Khánh Hòa.

2, Một vòng doanh nghiệp

AIA ra mắt “nest by AIA” tại tòa nhà Landmark81

(ĐTCK) – AIA Việt Nam vừa chính thức ra mắt văn phòng nest by AIA tại tầng 75-76 của tòa nhà Landmark81.

Tiếp nối thành công của văn phòng nest by AIA được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2015, đây là văn phòng thứ 3 trong chuỗi mô hình dịch vụ khách hàng khác biệt nest by AIA.
Nest by AIA tại Landmark81 là một trong những dự án trọng điểm của AIA Việt Nam trong năm 2019 hướng tới kỷ niệm 100 năm Tập đoàn AIA tại 18 thị trường khác nhau trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo Tổng giám đốc Wayne Besant của AIA Việt Nam chia sẻ, mô hình văn phòng độc đáo này sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc mang các dịch vụ khách hàng lên một tầm cao mới, tiếp nối sứ mệnh giúp khách hàng sống Khoẻ hơn, Lâu hơn, Hạnh phúc hơn.

Chubb Life Việt Nam khánh thành Chubb Tower II mới tại TP HCM

(ĐTCK) – Chubb Life Việt Nam vừa chính thức khánh thành Chubb Tower II tọa lạc tại 369 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM. Đây là văn phòng kinh doanh thứ 3 của Chubb Life Việt Nam tại TP. HCM.

Văn phòng kinh doanh mới sẽ là nơi làm việc và huấn luyện, đào tạo của gần 1.600 Quản lý Kinh doanh, Đại diện Kinh doanh và nhân viên Chubb Life Việt Nam tại TP. HCM.
Đồng thời, tương tự như các văn phòng khác trên toàn quốc, văn phòng kinh doanh mới được thiết kế theo quy chuẩn chung của Công ty với không gian làm việc mở, cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi, hướng đến việc mang đến cho khách hàng một trải nghiệm mới đầy thú vị cùng với dịch vụ chăm sóc khách hàng nhanh chóng và thuận tiện.

Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của Chubb Life Việt Nam với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 16% và hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận tăng trưởng gần 19% so với năm 2017. Chubb Life Việt Nam tiếp tục duy trì năng lực tài chính vững mạnh với biên khả năng thanh toán luôn cao hơn yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gần 240%.

Theo Báo cáo thường niên vừa được Chubb Life Việt Nam công bố, năm 2018 hãng bảo hiểm này đạt lợi nhuận sau thuế là 300 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm trước.

Chubb Life hiện đang là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 80 văn phòng kinh doanh cùng đội ngũ hơn 30.000 Quản lý và Đại diện Kinh doanh trên cả nước.

Bảo hiểm hàng không chinh phục top 10 thị trường bảo hiểm

(VNI) – Trải qua 11 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã và đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu là một trong 10 thương hiệu Bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2020; cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chất lượng và chuyên nghiệp; môi trường văn hóa doanh nghiệp năng động, sáng tạo; mang lại giá trị thiết thực và là đối tác tin cậy cho khách hàng trong nước và quốc tế, cổ đông và đội ngũ cán bộ.

Năm 2018, VNI đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được đại hội đồng cổ đông giao. Tổng doanh thu đạt 1.096 tỷ đồng, hoàn thành 117,3% kế hoạch, tăng trưởng 43,7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đứng thứ 3 trên thị trường, vươn lên vị trí thứ 14/30 về thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong đó, doanh thu phi hàng không tăng trưởng 45%, doanh thu hoạt động tài chính tăng trưởng 76%, lợi nhuận sau thuế hoàn thành 110% kế hoạch, các quỹ dự phòng phí, dự phòng dao động lớn trích tăng vượt kế hoạch đề ra, tạo nguồn cho hoạt động đầu tư tài chính của VNI những năm tiếp theo. Tổng tài sản đạt gần 2.000 tỷ đồng, mạng lưới có 33

Công ty thành viên, hơn 100 phòng kinh doanh, hơn 300 đại lý, gần 1.000 CBNV trên toàn hệ thống.

VNI hợp tác với nhiều ngân hàng lớn, uy tín triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Mới đây, cho ra mắt ứng dụng giám định bồi thường online (My VNI) sử dụng trên điện thoại smartphone với các tính năng, tiện ích như giám định bồi thường xe cơ giới, tra cứu bồi thường, tra cứu mạng lưới, garage, bệnh viện và kết nối đến website bán bảo hiểm online www.ebhhk.com.vn.

Bà Lê Thị Hà Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNI chia sẻ: Năm 2019, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng nhưng còn nhiều rủi ro bất ổn, tuy nhiên VNI kiên định phương châm “Tăng trưởng có kiểm soát”, phấn đấu tổng doanh thu trên 1.436 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm tăng trưởng trên 40%, tỷ lệ bồi thường dưới 35%.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, VNI xây dựng nhiều giải pháp mở rộng mạng lưới, tăng cường công tác marketing xây dựng thương hiệu, hợp tác với nhiều đối tác đa dạng kênh bán hàng như ngân hàng, showroom, trạm đăng kiểm…..

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin làm cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ như web thương mại điện tử, ứng dụng giám định bồi thường online (My VNI), hóa đơn, giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, chữ ký số cùng tổng đài call center, telesale, insurtech và nâng cao công tác chăm sóc khách hàng.

Không chỉ kinh doanh an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, VNI còn được biết đến bởi tinh thần thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng thông qua nhiều chương trình mà VNI đã tham gia, ủng hộ và đóng góp. Đây chính là giá trị cốt lõi, là nét văn hóa VNI trong chiến lược xây dựng và phát triển Tổng Công ty,

Như chương trình “Hành trình đỏ”, ủng hộ quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”, tặng nhà “Nghĩa tình đồng đội” tại Bến Tre, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sỹ nghĩa trang đường 9, tặng quà cho gia đình chính sách, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo tại Quảng Bình, tặng học bổng, gạo, cặp sách cho thầy và trò trường dân tộc Lóng Sập, Mộc Châu cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Với mục tiêu vào Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm tốt nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam vào năm 2020. VNI không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trọn gói, tiện ích, gia tăng dịch vụ miễn phí, đa kênh hợp tác, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

VBI công bố tầm nhìn, sứ mệnh & giá trị cốt lõi mới của doanh nghiệp

(VBI) – Ngày 03/05/2019, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI) đã tổ chức Lễ công bố Tầm nhìn, sứ mệnh & giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Bảo hiểm VietinBank đã trải qua quá trình 10 năm hình thành và phát triển. Trong 10 năm qua, công ty đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Với sự lớn mạnh và tốc độ tăng trưởng vượt bậc, VBI mang trong mình những mục tiêu không đơn thuần là kinh doanh, lớn hơn cả, đó là mục tiêu phát triển hướng tới những giá trị cốt lõi, những sứ mệnh cao cả mới để nâng tầm VBI mang sức ảnh hưởng, sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Song song với việc đầu tư phát triển về doanh thu, cho ra những sản phẩm bảo hiểm mới, đổi mới sản phẩm bảo hiểm cũ để phù hợp với khách hàng, Bảo hiểm VietinBank còn mong muốn định hình lại bộ khung xương văn hóa doanh nghiệp, xác định những mong muốn và lý tưởng mà doanh nghiệp muốn thực hiện để xây dựng Bảo hiểm VietinBank trở thành một công ty bảo hiểm vững mạnh trên thị trường.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm VietinBank chia sẻ: “Với việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh & giá trị cốt lõi này, chúng tôi hướng tới xây dựng VBI không chỉ là một doanh nghiệp bảo hiểm đơn thuần mà còn trở thành một điểm tựa chia sẻ, bù đắp cho những yếu tố mất mát của cá nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội”.

3, Nhịp đập thị trường

Best Life, Insulife, Active Life… mạo danh là đối tác Dai-ichi Việt Nam

(ĐTCK) – Ngày 6/5, trên diễn đàn mạng facebook, các tư vấn viên liên tục chia sẻ thông báo của lãnh đạo Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) liên quan đến việc mạo danh là đối tác của công ty bảo hiểm này

Cụ thể, theo Thông báo số 11/LC&ER/06052019 do ông Trần Thanh Tú, Phó tổng giám đốc Pháp lý, Pháp chế & đối ngoại của Dai-ichi Việt Nam ký, hiện có một số công ty như Best Life, Insulife, Active Life… đã mạo danh là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm của Dai-ichi Việt Nam trên trang web/facebook, cũng như tại các hội thảo, trong khi Dai-ichi không có bất kỳ quan hệ đối tác nào với các công ty này để khai thác bảo hiểm.

Thông báo này được gửi rộng rãi tới nội bộ Dai-ichi Việt Nam, bao gồm đội ngũ tư vấn tài chính kênh đại lý truyền thống và đội ngũ kinh doanh kênh phân phối mở rộng; bộ phận phát triển kinh doanh, bộ phận kênh phân phối mở rộng cũng như gửi tới Tổng giám đốc, Ban giám đốc, bộ phận huấn luyện kinh doanh, bộ phận pháp lý và pháp chế đại lý, phòng thương hiệu và marketing.

“Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Công ty. Bằng thông báo này, Công ty khẳng định không có bất kỳ hợp tác nào đối với các công ty nói trên bao gồm nhưng không giới hạn (có nhiều tổ chức khác tương tự- PV) đối với Công ty cổ phần Best Life, Công ty TNHH Insulife Việt Nam, Công ty cổ phần phát triển hợp danh Active Life, Công ty TNHH quốc tế BRICS, Công ty cổ phần TC AC Advisors, Công ty cổ phần thế giới bảo hiểm Insurword, Công ty cổ phần Dịch vụ Vietlife, Công ty cổ phần Quốc tế VSlife, Công ty TNHH Gia Khánh Hồng Bàng…”, thông báo cho biết.

Thông báo cũng cho biết, thông tin chính thức về các đối tác của Công ty sẽ được cung cấp tại địa chỉ website Công ty và cũng khuyến khích cung cấp cho Dai-ichi Việt Nam về các tổ chức, cá nhân có vi phạm mạo danh là đối tác của Công ty như Best Life, Insulife, Active Life.

“Công ty sẽ xem xét thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết đối với vi phạm pháp luật của các tổ chức kinh doanh khi sử dụng thương hiệu của Công ty khi chưa cho phép. Tư vấn tài chính và đội ngũ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới phát sinh trong trường hợp hợp tác với các tổ chức, cá nhân vi phạm về việc sử dụng tên gọi, nhãn hiệu, logo và các quyền sở hữu trí tuệ của Công ty”, đoạn kết thông báo cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo Dai-ichi Việt Nam xác nhận thông báo trên là có thật, được phát đi từ Công ty. Điều khiến ban lãnh đạo Dai-ichi Việt Nam cũng như các chuyên gia trong ngành lo ngại nhất đó là trường hợp các đối tượng mạo danh kể trên làm liều, làm giả hợp đồng bảo hiểm gây thiệt hại cho khách hàng.

4, Tin đào tạo

Tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về bảo hiểm phi nhân thọ

(IRT) – Từ ngày 6-11/5/2019 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (IRT) tổ chức Khóa đào tạo cơ bản về Bảo hiểm phi Nhân thọ cho học viên đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm đang hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam.

Trong thời gian 5,5 ngày đào tạo, khóa học đã truyền tải tới các học viên những kiến thức liên quan tới lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ như: Tổng quan về bảo hiểm, Bảo hiểm con người; Bảo hiểm xe cơ giới; Bảo hiểm hàng hóa …Bên cạnh đó, các giảng viên còn đưa ra các tình huống thực tế trên thị trường, phương hướng giải quyết và giải đáp các vướng mắc mà học viên gặp phải trong quá trình triển khai nghiệp vụ tại đơn vị. Kết thúc khóa học, các học viên đủ điều kiện sẽ tham dự kỳ thi trực tuyến để làm căn cứ cấp chứng chỉ cuối khóa.

Tiếp theo khóa đào tạo này, trong tháng 5, Trung tâm tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo phi nhân thọ cơ bản từ ngày 13-18/5/2019 và 2 lớp bảo hiểm xe cơ giới từ ngày 14-17/5/2019 và từ ngày 21-24/5/2019 tại Hà Nội.

II, Tin quốc tế

Allianz hướng tới hoạt động đầu tư không có carbon vào năm 2050

(IAN) –Allianz đã cam kết thực hiện tất cả các khoản đầu tư của mình trung lập với khí hậu vào năm 2050 – 31 năm kể từ bây giờ.

Tại công ty bảo hiểm AGM vào tuần trước tại Munich, giám đốc điều hành của tập đoàn Allianz, ông Oliver Bate cho biết mục tiêu năm 2050 là một bằng chứng cho thấy sự của cam kết của công ty đối với xã hội và Allianz sẽ ngừng đầu tư vào các công ty góp phần vào tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Ông Bate nói với các cổ đông: “Là một nhà bảo hiểm và nhà đầu tư hàng đầu, chúng tôi biết chính xác những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra khi có nhiều cuộc thảo luận về các chính sách về khí hậu nhưng không có hành động nào xảy ra”.

Từ nhiều năm nay, Allianz đã trích dẫn biến đổi khí hậu là một rủi ro gia tăng đối với các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ông Bate đã từng bình luận: “Thay đổi khí hậu tạo ra những rủi ro kinh tế và xã hội to lớn, gây hại cho hàng triệu người ngày nay. Là một nhà bảo hiểm và nhà đầu tư hàng đầu, chúng tôi muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với khí hậu”.

Công ty đang kiểm soát khoảng 670 tỷ euro (753 tỷ USD) tài sản có thể đầu tư.
Thuật ngữ ESG – đầu tư môi trường, xã hội và quản trị – đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Ông Bate nói thêm rằng công ty sẽ thực hiện các hoạt động toàn cầu của Allianz, trên 70 quốc gia, trung lập với khí hậu vào năm 2023. Allianz đã cam kết ngừng bán bảo hiểm cho các công ty than và sau đó loại bỏ mọi rủi ro than vào năm 2040.

Thế giới đang đối mặt với một tương lai đáng lo ngại khi nhiệt độ trên đất liền và biển tăng lên, gây ra những cơn bão mạnh hơn, các khoản thanh toán lớn hơn và chi phí lớn cho chính phủ, doanh nghiệp, công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Nhiều nhà quản lý cao cấp đang thúc giục hành động nhanh chóng để giải quyết khủng hoảng và các sáng kiến táo bạo đang ngày càng được các nhà đầu tư hoan nghênh.

Peak Re báo lãi 19,5 triệu USD trong năm 2018

(IAN) –Tổng doanh thu phí bảo hiểm của Peak Re năm 2018 đã tăng lên 1,38 tỷ USD so với 1,1 tỷ USD năm 2017, tổng tài sản tăng lên 3,75 tỷ USD.
Lợi nhuận ròng của công ty là 19,5 triệu USD và tỷ lệ kết hợp là 98,3%.

Theo ông Franz Josef Hahn, Tổng Giám đốc Công ty: “năm 2018 là một năm xác định với Peak Re. Mặc dù có nhiều thảm họa tự nhiên nghiêm trọng, như bão Jebi và Trami tại Nhật Bản, hai cơn bão lớn Florence và Michael ở Bắc Mỹ và cháy rừng ở California, song công ty đã nỗ lực để đạt được kết quả tích cực”.

Peak Recũng cho biết, hiện nay, hơn 90% yêu cầu bồi thường được công ty giải quyết trong vòng chưa đầy năm ngày.
Công ty đã hoàn thành năm đầu tiên kinh doanh tại Ấn Độ, với sự hỗ trợ bổ sung từ chính quyền Hồng Kông trong việc ký kết thỏa thuận đánh thuế hai lần với Ấn Độ, cho phép công ty hạch toán kinh doanh có lãi.

Công ty đã đẩy mạnh các chính sách và chiến lược đánh giá rủi ro tại Trung Quốc, dẫn đến sự “tăng trưởng đáng kể tại khu vực này”. Năm 2018, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc và Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông đã đạt được thỏa thuận trao tư cách tương đương cho các công ty tái bảo hiểm ở Hồng Kông, điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh củaPeak Re tại quốc gia đông dân số 1 thế giới.

Công ty cũng đã mở một văn phòng đại diện tại Nhật Bản vào năm ngoái.
Ngoài ra, Peak Re đã khởi động giao dịch tái bảo hiểm sidecar đầu tiên ở châu Á vào tháng 12/2018. Giao dịch đã huy động thành công 75 triệu USD vốn bổ sung từ một nhóm các nhà đầu tư toàn cầu chất lượng cao, đánh dấu cho một cột mốc quan trọng trên thị trường bảo hiểm Hồng Kông và châu Á.

Munich Re bổ nhiệm Tổng Giám đốc Singapore

(IAN) – Munich Re vừa bổ nhiệm ông Linus Phoon (ảnh) làm Tổng Giám đốc chi nhánh Singapore, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của Munich Re tại Singapore và Đông Nam Á. Ông thay thế cho ông Till Bohmer đang trở lại Munich để đảm nhận vai trò mới tại trụ sở chính.

Ông Phoon đã nghỉ việc tại Canopius năm ngoái sau khi trở thành Giám đốc tái bảo hiểm châu Á từ năm 2008.
Ông bắt đầu cương vị mới từ ngày 2 tháng 5 và báo cáo lên ông Roland Eckl, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương –gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Bình luận về sự kiện này, ông Roland Eckl nói: “Chúng tôi vui mừng chào đón ông Phoon với vai trò lãnh đạo mới này.
“Chuyên môn tái bảo hiểm sâu rộng cũng như kinh nghiệm quản lý hoạt động và mối quan hệ khách hàng trong khu vực châu Á của ôngPhoon là những tài sản quan trọng giúp chúng tôi phát triển kinh doanh tại Đông Nam Á và tiếp tục hợp tác với các khách hàng trong toàn ngành”.

Ông Phoon có hơn 20 năm kinh nghiệm tái bảo hiểm tại các công ty tái bảo hiểm hàng đầu bao gồm General và Cologne Re, St Paul Re và Converium, nơi ông chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro và giám sát các hoạt động tái bảo hiểm phi nhân thọ trên nhiều thị trường châu Á.

Vào tháng 1, ông Nattakorn Wattanaumphaipong đã đầu quân cho Canopius từ Swiss Re với tư cách Giám đốc Tái bảo hiểm châu Á Thái Bình Dương. Ông làm việc từ văn phòng Singapore và báo cáo cho Jamie Wakeling, Giám đốc Đánh giá rủi ro tái bảo hiểm của Canopius,.

Lợi nhuận Quý I của Munich Re giảm mạnh

(IAN) –Trong quý đầu tiên năm 2019, Munich Re đã đạt được lợi nhuận 633 triệu Euro (709 triệu đô la Mỹ), giảm mạnh so với 827 triệu Euro cùng kỳ năm 2018.
Quý 1 năm 2019, tổng chi cho các khoản bồi thường lớn trên 10 triệu Euro đã lên tới 479 triệu Euro. Những con số kể trên đã bao gồm thiệt hại do mất thu nhập và tổn thất của các khoản bồi thường lớn từ các năm trước, bao gồm khoản chi thêm 267 triệu Euro cho tổn thất của bão Jebi tại Nhật Bản, xảy ra vào tháng 9/2018. Trên thị trường cũng có nhiều công ty tái bảo hiểm thông báo tổn thất thêm trong Quý I từ cơn bão này.

Tổng giá trị bồi thường phát sinh từ bão Jebi trên toàn thị trường có thể đạt tới 13 tỷ USD.
Ngoài Jebi, chi phí tổn thất lớn từ các thảm họa tự nhiên Quý I lên tới 195 triệu Euro.
Trong Quý I, lĩnh vực hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm P&C đóng góp 420 triệu Euro, so với 591 triệu Euro cùng kỳ 2018, vào kết quả lợi nhuận hợp nhất. Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác tăng lên 5,48 tỷ Euro, so với 5,32 tỷ Euro cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ kết hợp trên doanh thu thuần phí bảo hiểm là 97,9% (so với 88,6%) – so với mục tiêu của Công ty là khoảng 98% cho cả năm.

Tái bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đã tạo ra 128 triệu Euro lợi nhuận so với 159 triệu Euro cùng kỳ, doanh thu phí bảo hiểm tăng nhẹ lên 2,9 tỷ Euro so với 2,87 tỷ Euro.
Kỳ tái tục tháng Tư của Munich Re chứng kiến sự tăng giá trên thị trường và rủi ro bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên. Giá ổn định giá với xu hướng tăng nhẹ cũng được ghi nhận trong thị trường bảo hiểm trách nhiệm của bên thứ ba. Mức giá chung tăng 1,4%.

Trong khi đó, công ty bảo hiểm con Ergo đóng góp 85 triệu Euro trong lợi nhuận quý 1 năm 2019, tăng so với 77 triệu Euro cùng kỳ năm 2018.

Zurich Australia bổ nhiệm Giám đốc Bồi thường Phi nhân thọ

(IAN) – Zurich Australia vừa bổ nhiệm ông Craig Newton làm Giám đốc Bồi thường Phi nhân thọ – đây là chức danh mới của hãng.

Ông Newton đã bắt đầu vai trò này vào tháng trước tại trụ sở Sydney, báo cáo cho Giám đốc Bồi thường và Hoạt động của Zurich Australia, Hilary Bates.

Trước đó, ông Newton có thời gian hai thập kỷ làm việc cho QBE với vị trí gần đây nhất là Phó Chủ tịch dịch vụ bảo hiểm tại Philippines. Ông cũng có thời gian giữ chức Trưởng phòng sẵn sàng hoạt động và thay đổi tại Hồng Kông và Singapore.

Ông Bates cũng từng làm việc tại QBE trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 8 năm 2016.

Bình luận về sự kiện này, ông Bates nói: “Newton rất đam mê đối với lĩnh vực trải nghiệm của các đối tác môi giới và khách hàng của Công ty. Thông qua kinh nghiệm của anh ấy sẽ thúc đẩy hoạt động của Công ty nhằm tạo lập vị thế giải quyết bồi thường dẫn đầu thị trường. Tôi mong muốn được làm việc với anh ấy để đạt được kỳ vọng của chúng tôi về dịch vụ khách hàng và môi giới”.

Về phần mình, ông Newton cho biết: “Tôi mong muốn được thúc đẩy phát triển các dịch vụ bồi thường trên đà mà hãng đã tạo ra”.

Hoạt động bồi thường bảo hiểm P&C tại Úc vừa trải qua một giai đoạn bận rộn hồi đầu năm 2019 với một loạt các thảm họa thiên nhiên tấn công đất nước chuột túi.

Malaysia: cứ 1 trong 4 nhà có bảo hiểm

(AIR) – Chỉ có 2 triệu trong số 8 triệu ngôi nhà ở Malaysia được bảo hiểm – đó là thông tin từ Tổng giám đốc Cơ quan Cứu hỏa và Cứu nạn nước này, ông Mohammad Hamdan Wahid.

Thống kê của Cơ quan này cũng cho thấy giá trị tài sản bị cháy trong năm ngoáikhoảng 3 triệu đô la MYR (796 triệu USD).
Báo cáo cho biết, nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy là do đoản mạch điện vì đường dây quá cũ, sự quá tải của các thiết bị điện, vứt tàn thuốc lá bừa bãi, hút thuốc trên giường và nến.

Theo ông Mohammad Hamdan, các nguyên nhân khiến cho tình trạng càng nặng nề hơn là nhận thức thấp về phát hiện cháy, hệ thống dập lửa và các quy trình thoát hiểm.
Giám đốc điều hành Allianz Malaysia, ông Zakri Khir, cho biết bảo hiểm hỏa hoạn thường bị bỏ qua vì mọi người cho rằng tài sản của họ đã có bảo hiểm do đây là yêu cầu của hầu hết các ngân hàng đối với khoản vay mua nhà ở.

Nhật Bản: các hãng bảo hiểm lớn tăng phí bảo hiểm hỏa hoạn

(AIR) – Theo tờ Jiji Press, 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng phí bảo hiểm hỏa hoạn trung bình 5-9% vào tháng 10.

Đây là lần tăng phí bảo hiểmđầu tiên sau bốn năm lại đây, diễn ra trong bối cảnh các khoản bồi thường bảo hiểm tăng mạnh sau khi xảy ra một loạt các thảm họa tự nhiên gần đây, bao gồm bão Jebi và những cơn mưa xối xả ở miền tây Nhật Bản năm 2018.

Các công ty bảo hiểm hy vọng sẽ cải thiện bảng cân đối kế toán của họ bằng cách tăng tỷ lệ phí bảo hiểm.

Bảo hiểm hỏa hoạn Tokio Marine & Nichido đang xem xét mức tăng trung bình 6-7% trên toàn quốc, trong khi Bảo hiểm Sompo Nhật Bản Nipponkoa có kế hoạch tăng phí bảo hiểm lên 5 – 7%. Bảo hiểm Mitsui Sumitomo và Bảo hiểm Aioi Nissay Dowa có kế hoạch tăng 6-9%.

Tỷ lệ phí cụ thể sẽ tăng khác nhau tùy theo cấu trúc và vị trí của các tòa nhà.

Ping An dẫn đầu ngành bảo hiểm về giá trị thương hiệu

(IBM) – Ra mắt cùng với Tạp chí Kinh doanh Bảo hiểm, Báo cáo Bảo hiểm thường niên năm 2019 không chỉ liệt kê danh sách 100 thương hiệu bảo hiểm hàng đầu mà còn bao gồm các nội dung khác như giá trị thương hiệu theo quốc gia, hiệu suất theo lĩnh vực và phương pháp định giá thương hiệu của Brand Finance.

Tài liệu dài 26 trang cho thấy Ping An đi trước China Life và Hồng Kông AIA về bảo hiểm nhân thọ, trong khi các công ty bảo hiểm hàng đầu về tài sản và thiệt hại là Ping An, tập đoàn Allianz của Đức và công ty GEICO của Mỹ. Trong tái bảo hiểm, Hannover Re và Munich Re đứng sau Swiss Re.

Nhìn chung, các thương hiệu bảo hiểm có giá trị nhất là Ping An, Allianz, China Life, AXA có trụ sở tại Paris, AIA, CPIC (Công ty bảo hiểm Trung Quốc Thái Bình Dương), PICC (Công ty bảo hiểm nhân dân Trung Quốc), GEICO, Zurich và Allstate của Mỹ.
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc dẫn đầu về tổng giá trị thương hiệu. Theo sau người khổng lồ châu Á là các quốc gia Mỹ, Canada, Anh và Pháp.

BTV (Tổng hợp).