TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 17

bolttech cung cấp bảo hiểm trên ứng dụng di động My Viettel; FWD được bật đèn xanh để IPO; Tân CEO Prudential đến từ Manulife

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 17

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Công ty may ở Quảng Nam bốc cháy dữ dội, hơn 700 công nhân tháo chạy

(Laodong) – Công ty may thuộc cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 (Quảng Nam) bất ngờ cháy lớn, hơn 700 công nhân đang làm việc kịp thời thoát thân an toàn.

Ngày 25/5, ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cho hay, một công ty may thuộc cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 bốc cháy dữ dội.

Cụ thể, vào khoảng 13h30′ cùng ngày, kho thành phẩm của công ty TNHH Woochang Việt Nam (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) bốc cháy dữ dội và sau đó cháy lan sang xưởng và kho vải.

Ngay khi phát hiện đám cháy, lực lượng chức năng đã huy động hơn 10 xe cứu hỏa trên địa bàn và của TP.Đà Nẵng vào hỗ trợ. Tuy nhiên, do có nhiều vật liệu dễ cháy nên lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được hiện trường.

Anh Nguyễn Văn Tín – người dân chứng kiến có mặt tại hiện trường vụ cháy, cho biết, ngọn lửa cháy dữ dội kèm theo cột khói đen cao, rất đông người dân đã đến khu vực này xem vụ việc. Lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực hỗ trợ công ty đưa số hàng chưa cháy ra ngoài.

Công ty may Woochang hiện có khoảng 700 công nhân đang làm việc. Khi phát hiện đám cháy, mọi người đã kịp thời ra bên ngoài.

  1. Một vòng doanh nghiệp

bolttech hợp tác với Viettel Telecom cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên ứng dụng di động My Viettel

(Trangcongnghe) – Ngày 25 tháng 05 năm 2022, Tập đoàn công nghệ bảo hiểm quốc tế bolttech công bố quan hệ hợp tác với một trong những nhà mạng viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, Viettel Telecom. Hợp tác này cho ra mắt tính năng giao dịch bảo hiểm trên ứng dụng di động My Viettel của Viettel với các sản phẩm bảo hiểm do bolttech Việt Nam phân phối như bảo hiểm sức khỏe, du lịch, nhà ở,ô tô và xe máy, dựa trên nền tảng bảo hiểm số của bolttech.

bolttech đã hợp tác với Viettel và các công ty bảo hiểm uy tín để tạo ra một hệ sinh thái bảo hiểm cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng Viettel.

Ông Tạ Chiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp số bolttech Việt Nam, cho biết: ‘Quan hệ đối tác của chúng tôi với Viettel Telecom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, là một cột mốc quan trọng đối với bolttech. Bằng cách đưa nền tảng bảo hiểm vào trải nghiệm khách hàng của Viettel, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn tại Việt Nam với danh mục bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và sự thuận tiện trong việc tiếp cận các sản phẩm này một cách đơn giản và dễ dàng.’

Với trải nghiệm liền mạch trong ứng dụng MyViettel, khách hàng có thể tiếp cận tính năng giao dịch bảo hiểm mới thông qua trang chủ của ứng dụng và xem các lựa chọn chỉ với vài cú nhấp chuột.

Hợp tác với Viettel Telecom, nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam, là một bước tiến khác trong chiến lược mở rộng thị trường dựa vào đối tác của bolttech. bolttech có thành tích trong đổi mới công nghệ cùng với kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực bảo hiểm. bolttech có mặt tại 30 thị trường trên khắp 3 châu lục – Bắc Mỹ, Châu Á và Châu Âu

PTI Đồng Nai bổ nhiệm tân Giám đốc

(PTI) – Sáng ngày 24 tháng 5 năm 2022, tại Công ty Bảo hiểm Bưu điện Đồng Nai (PTI Đồng Nai) – thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra lễ bổ nhiệm tân Giám Đốc.

Theo đó, ông Đỗ Quang Khánh – Phó Tổng giám đốc PTI sẽ kiêm giữ chức vụ giám đốc đơn vị PTI Đồng Nai trong thời gian tới.

Tại buổi lễ, ông Đỗ Quang Khánh đã gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo PTI đã tin tưởng giao cho anh nhiệm vụ mới với nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ cùng tập thể cán bộ nhân viên PTI Đồng Nai đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng “ngôi nhà chung” vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh doanh, quản trị theo từng năm.

Hanwha Life Việt Nam và VHP hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ

(TBTCO) – Hanwha Life Việt Nam vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm nhân thọ với Công ty cổ phần Đào tạo và tư vấn VHP (VHP) – đại lý tổ chức sở hữu hệ thống mạng lưới gồm hơn 30 văn phòng và 4.000 tư vấn tài chính phục vụ gần 20.000 khách hàng trên khắp cả nước.

Sau thương vụ hợp tác với ASIANLINK gần đây, sự kiện hợp tác này một lần nữa thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Hanwha Life Việt Nam trong việc mở rộng kênh phân phối nhằm cung cấp sản phẩm – dịch vụ hướng đến khách hàng.

Hanwha Life Việt Nam hiện là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có tiềm lực tài chính vững mạnh và đã có các thỏa thuận hợp tác với các đối tác đại lý tổ chức hàng đầu như TC Advisors, SAMO và ASIANLINK. Bên cạnh, Hanwha Life Việt Nam liên tục đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, fintech, các công ty công nghệ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với quyền lợi vượt trội như các sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Hwang Jun Hwan – Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam, chia sẻ: “Tuy là một doanh nghiệp trẻ nhưng với chính sách khác biệt, VHP đã cho thấy tiềm năng có thể phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong các công ty đại lý tổ chức hàng đầu trên thị trường. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với VHP. Chúng tôi tin rằng, thỏa thuận ký kết này với VHP tạo nên bước đột phá và gia tăng nhiều giá trị cộng thêm; đồng thời đem đến giải pháp tài chính toàn diện hơn cho khách hàng”.

Được biết, VHP là công ty tư vấn tài chính và đại lý tổ chức ra đời từ năm 2019 với sứ mệnh mang lại tối đa các giải pháp tài chính an toàn cho người dân Việt Nam. Tuy mới trải qua hơn 3 năm hoạt động, VHP đã chứng minh được sự phát triển đột phá bằng chính sách nhân sự đúng đắn; cam kết đồng hành gắn bó dài lâu và hiện sở hữu mạng lưới hơn 30 văn phòng với đội ngũ 4.000 tư vấn tài chính phục vụ 20.000 khách hàng trên khắp cả nước.

Shinhan Life Việt Nam và Ngân hàng Shinhan Việt Nam ký kết hợp tác kinh doanh bảo hiểm

(TBTCO) – Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam (Shinhan Life Việt Nam) và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) vừa công bố chính thức ký kết hợp tác chiến lược, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancasssurance).

Sự kiện lần này đánh dấu một chương mới đầy kỳ vọng cho hai tổ chức tài chính với những kế hoạch chung, nhằm mang tới những giải pháp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người dân Việt Nam.

Theo thỏa thuận được ký kết, Ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ tư vấn và giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Shinhan Life Việt Nam đến khách hàng của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc. Sản phẩm đầu tiên được phát triển thông qua kênh phân phối này là Shinhan – Tín dụng, sản phẩm bảo vệ cho khách hàng khi vay vốn.

Ông Kang GewWon – Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam, chia sẻ: “Trong những năm gần đây, nhu cầu tham gia các sản phẩm bảo hiểm của khách hàng tại ngân hàng ngày càng tăng lên rõ rệt. Khách hàng mong muốn được tư vấn toàn diện về các giải pháp tài chính, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm. Do đó, sự hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng Shinhan Việt Nam và Shinhan Life Việt Nam lần này nhằm mục đích mang lại những sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi tối ưu cho khách hàng; đồng thời, thể hiện cam kết gắn bó lâu dài của Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng như Shinhan Life Việt Nam tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, với tiềm lực vững mạnh của hai bên, sự hợp tác này sẽ mở ra những cơ hội mới và hoàn thiện thêm hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Tập đoàn tài chính Shinhan tại Việt Nam”.

Ông Lee Euichul – Tổng giám đốc Shinhan Life Việt Nam, chia sẻ: “Là tân binh tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2022, Shinhan Life luôn tập trung thiết kế danh mục sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mạng lại những giá trị mới và bất ngờ cho khách hàng Việt Nam. Đồng thời, việc đa dạng kênh phân phối cũng là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong thời gian đầu hoạt động. Thông qua việc hợp tác cùng với Ngân hàng Shinhan Bank – ngân hàng thuộc Tập đoàn Shinhan, với kinh nghiệm hoạt động gần 30 năm cùng mạng lưới chi nhánh ngân hàng rộng khắp cả nước, chúng tôi hy vọng ngày càng nhiều khách hàng Ngân hàng Shinhan có thể tiếp cận các sản phẩm từ Shinhan Life một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất”.

Thông qua việc hợp tác này, hai đối tác đều thể hiện cam kết phát triển và hoàn thiện danh mục sản phẩm và dịch vụ tài chính toàn diện, hướng tới mục tiêu cung cấp cho khách hàng thêm các lựa chọn phù hợp trong việc lập kế hoạch tài chính cho bản thân và gia đình.

Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam có số vốn điều lệ ban đầu là 2.320 tỷ đồng, là công ty bảo hiểm nhân thọ thuộc Shinhan Life Insurance Corporation, Hàn Quốc. Chính thức hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam từ tháng 1/2022, Shinhan Life cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và đầu tư tài chính.

Tập đoàn Manulife bổ nhiệm đội ngũ giám đốc điều hành mới

(ĐTCK) – Manulife mới đây đã công bố một số thay đổi trong đội ngũ giám đốc điều hành của doanh nghiệp.

Theo đó, ông Naveed Irshad sẽ được bổ nhiệm là Giám đốc điều hành mới tại thị trường Canada. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 1/6/2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao từ ông Michael Doughty sẽ chính thức nghỉ hưu vào cuối tháng 9 năm nay.

Ông Irshad hiện là Giám đốc toàn cầu phụ trách quản lý chính sách và khách hàng, kiêm Giám đốc kinh doanh kế thừa khu vực Bắc Mỹ của Manulife. Ông là người đã chỉ đạo các sáng kiến huy động vốn thành công hơn 8 tỷ đô la Canada, bao gồm cả những giao dịch tái bảo hiểm theo trái phiếu đồng niên thả nổi. Trước khi đảm nhiệm vai trò hiện tại, ông từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Manulife Singapore.

Ông Marc Costantini sẽ trở lại Manulife và giữ chức Giám đốc toàn cầu phụ trách Quản lý chính sách và khách hàng, quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 13/6.

Ông Costantini quay trở lại Manulife sau thời gian làm việc tại Munich Re trong vai trò là Chủ tịch và Giám đốc điều hành về phát triển doanh nghiệp, chiến lược và giải pháp kỹ thuật số cho mảng kinh doanh sức khỏe & đời sống tại khu vực Bắc Mỹ.

Trước khi đến với Munich Re, ông từng giữ chức Phó chủ tịch điều hành mảng thương mại và thị trường nhà nước cho Guardian. Trước đó, ông còn từng giữ chức Giám đốc Tài chính kể từ khi gia nhập công ty này vào năm 2014. Trước đây, tại Manulife, ông Costantini đã có hơn 20 năm đảm nhiệm các trọng trách về quản trị chiến lược doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tài chính, và vận hành doanh nghiệp.

Ông Damien Green được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành khu vực châu Á, thay thế cho ông Anil Wadhwani.

Ông Green hiện đang giữ chức Giám đốc điều hành của Manulife tại thị trường Hong Kong. Ông gia nhập Manulife từ năm 2018 với vị trí Giám đốc chiến lược và chuyển đổi khu vực Châu Á. Ông Green có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp lớn tại châu Á bao gồm MetLife, AIA và AustralianSuper.

Ông Pankaj Banerjee, Giám đốc Phân phối của Manulife châu Á sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành của Manulife tại thị trường Hong Kong trong quá trình chờ hoàn tất lựa chọn người kế nhiệm vị trí của ông Green hiện nay.

Ông Irshad, ông Constantini, và ông Green sẽ báo cáo trực tiếp với ông Roy Gori, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Manulife.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bổ sung quy định cấm đe dọa, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm

(TBTCO) – Chiều 27/5, trước khi thảo luận về tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), đây là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. So với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều. Nhiều nội dung tại dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm… nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự và tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, dự thảo luật đã chỉnh sửa theo hướng Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đồng thời khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính.

Về hoạt động môi giới, đại lý bảo hiểm, để hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay hay đánh tráo khái niệm “Gửi tiết kiệm” và “Tham gia Bảo hiểm”, dự thảo luật đã có quy định điều cấm về “Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm”, quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

Trên cơ sở quy định của dự thảo luật, các văn bản hướng dẫn như nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài trong trường hợp đại lý vi phạm các quy định tại luật, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu góp ý là về bảo hiểm vi mô. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp. Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Theo UBTVQH, bảo hiểm vi mô là sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Bảo hiểm vi mô thường phát triển ở các nước đang phát triển và được coi là một cấu phần quan trọng trong chính sách tài chính toàn diện của quốc gia, góp phần thực hiện các chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, đây vẫn là một hình thức kinh doanh và hướng tới hiệu quả. Việc phân chia và sử dụng lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm vi mô phụ thuộc vào mô hình triển khai loại hình này.

Trường hợp do doanh nghiệp bảo hiểm triển khai, lợi nhuận (nếu có) thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm; trường hợp do các tổ chức tương hỗ triển khai, do người tham gia bảo hiểm đồng thời là chủ sở hữu của tổ chức tương hỗ, lợi nhuận (nếu có) thuộc về các chủ hợp đồng và sẽ được sử dụng để phục vụ quyền lợi cho các chủ hợp đồng thông qua cơ chế giảm phí, gia tăng quyền lợi bảo hiểm…

Như vậy, việc quy định bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô và có cơ chế để khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô tại Việt Nam. Do đó, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật.

Bên cạnh tiếp tục thu giải trình, UBTVQH cũng xin ý kiến đại biểu về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó có việc áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan tại Điều 3. Theo đó, phương án thứ nhất: Bỏ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan vì nguyên tắc áp dụng Luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung cần thiết áp dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được quy định cụ thể tại các điều khác của dự thảo Luật.

Phương án thứ hai, được UBTVQH đồng tình, là giữ quy định tại Điều 3 về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đồng thời, tiếp tục quy định về việc áp dụng Bộ luật Dân sự và áp dụng pháp luật đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải tại Điều 15 của dự thảo luật; bổ sung nguyên tắc áp dụng tập quán quốc tế đối với các quan hệ có yếu tố nước ngoài; chỉnh sửa tên điều thành áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế.

Doanh nghiệp nhân thọ đổ tiền vào kênh trực tuyến

(ĐTCK) – Không chỉ công ty bảo hiểm mới, mà cả nhà bảo hiểm lâu đời đều đang đẩy mạnh mở rộng mô hình hợp tác bán hàng trực tuyến khi dư địa phát triển các kênh bán hàng truyền thống không còn nhiều.

“Trọng tâm năm 2022 tiếp tục là chuyển đổi số. Chúng tôi đang thực hiện một số dự án đơn giản hóa các quy trình mua bảo hiểm nhân thọ cũng như giải quyết quyền lợi bảo hiểm”, CEO một hãng bảo hiểm sắp có dự án trình làng vào tháng 6 tới mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán.

Thực tế, nếu chỉ “đếm phí” thì tính đến nay, doanh số bán hàng qua kênh trực tuyến còn quá khiêm tốn so với các kênh phân phối truyền thống như đại lý hay bancassurance. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nhìn nhận rằng, cơ hội cho mô hình này còn nhiều và doanh số không phải là mục tiêu lớn nhất trong ngắn hạn.

“Trước mắt, hệ sinh thái trực tuyến xem việc cung cấp các dịch vụ trọn gói đơn giản, dễ hiểu là mục tiêu chính, còn việc tăng trưởng doanh số là chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, theo xu hướng, ngành bảo hiểm sẽ có ngày càng nhiều khách hàng trong kênh bán hàng này”, vị CEO trên chia sẻ.

Để chuẩn bị cho xu hướng mới này, hồi giữa năm 2021, AIA Việt Nam và Tiki công bố thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện độc quyền đầu tiên giữa một doanh nghiệp cung cấp giải pháp bảo hiểm và một nền tảng thương mại điện tử. Bằng việc tận dụng hệ thống phân phối đa kênh của AIA Việt Nam cùng nền tảng thương mại “tất cả trong một” của Tiki, sự hợp tác dài hạn trong 10 năm này được kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả hơn tệp khách hàng rộng lớn của đôi bên. Được biết, các sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho kênh trực tuyến này đã được AIA Việt Nam triển khai bán từ cuối năm ngoái, đến nay hàng ngàn hợp đồng đã được phát hành.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, Prudential Việt Nam đang có 12 sản phẩm bảo hiểm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Shopee Mall. Thống kê chính thức tính đến tháng 7/2021) cho thấy, trong gần 50.000 hợp đồng điện tử của sản phẩm PRU-Bảo vệ 24/7 do Prudential phát hành, kênh Shopee chiếm hơn một nửa. Còn thống kê sơ bộ tính đến giữa tháng 5/2022, có hơn 66.000 hợp đồng bảo hiểm được phát hành tại Gian hàng online Prudential Vietnam trên Shopee.

Trong một động thái khác, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 6/2022, một “ông lớn” nhân thọ khác sẽ chính thức đưa sản phẩm của mình lên bán trên một nền tảng công nghệ mới nổi.

“Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Khách hàng giờ đây đã quen hơn với việc tìm hiểu sản phẩm, mua sắm hàng hóa, yêu cầu bồi thường, sử dụng dịch vụ… trên môi trường trực tuyến. Không nằm ngoài xu hướng đó, thói quen sử dụng ngân hàng trực tuyến và mua bảo hiểm trực tuyến cũng tăng cao sau dịch. Đây là cơ hội cho mảng bancassurance số phát triển mạnh mẽ”, ông Huỳnh Thanh Phong – Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm FWD chia sẻ trong một bài phỏng vấn mới đây.

Được biết, để đón đầu xu hướng chuyển dịch sang bancassurance số, FWD đã cho ra mắt nhiều sản phẩm bancassurance trên nền tảng công nghệ, chẳng hạn khách hàng của đối tác Vietcombank có thể mua sản phẩm bảo hiểm của FWD Việt Nam trên website và ứng dụng ngân hàng số Digibank.

Cũng theo ông Phong, để thành công trong “bình thường mới”, các công ty triển khai bancassurance cần tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh khách hàng, trong đó công nghệ kỹ thuật số sẽ đóng vai trò cốt lõi và như một điều tất yếu, bancassurance số sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng nhanh hơn.

“Trong tương lai gần, nhà bảo hiểm nào hiểu được tiềm năng của bancassurance số và hành động nhanh chóng sẽ chiếm ưu thế trên thị trường”, vị chuyên gia kỳ cựu trong ngành bảo hiểm nhân thọ này nhìn nhận.

  1. Nhịp đập thị trường

Nhận thức về vai trò của ngành bảo hiểm còn chưa đầy đủ

(ĐTCK) – Ngày 26/5, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Vai trò của ngành Bảo hiểm đối với sự ổn định xã hội và phát triển nền kinh tế”.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Chính, Trưởng khoa Bảo hiểm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, mặc dù vai trò kinh tế và xã hội của bảo hiểm đã thể hiện khá rõ nhưng vẫn chưa thực sự đầy đủ, đúng bản chất, thậm chí còn lệch lạc.

Vì vậy, việc tuân thủ các chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tự nguyện của người lao động và người sử dụng lao động vẫn còn hạn chế, thậm chí là tìm cách trốn tránh tham gia dù đây là những loại hình bảo hiểm bắt buộc. Còn đối với lĩnh vực bảo hiểm thương mại, việc tự giác tham gia còn hạn chế hơn rất nhiều.

Theo bà Chính, những hạn chế này đều có nguyên nhân, có những nguyên nhân thuộc về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật; có những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan… Bởi vậy, cần làm rõ hơn nữa và có những minh chứng cụ thể, khách quan về sự cần thiết và vai trò của từng loại hình bảo hiểm.

Cụ thể như vai trò của bảo hiểm thương mại với việc đảm bảo an sinh xã hội cho người già (trong điều kiện già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay); vai trò của bảo hiểm đối với mỗi gia đình Việt Nam trong điều kiện kinh tế – xã hội có những biến động…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đánh giá vai trò kinh tế của bảo hiểm được thể hiện ở việc trực tiếp đảm bảo cho các khoản đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp.

“Cho dù đầu tư lớn hay nhỏ, loại hình hay lĩnh vực đầu tư, từ đầu tư cho lĩnh vực dầu khí hay phóng vệ tinh viễn thông, chi đầu tư thương mại nhỏ lẻ…, chủ đầu tư không thể mạo hiểm ngồi nhìn số tiền đầu tư “tan thành mây khói” một khi không có bảo hiểm”, các chuyên gia nhận định.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng nhìn nhận, cùng với thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm là một trong ba trụ cột quan trọng của thị trường tài chính.

“Thị trường bảo hiểm có vai trò ổn định sản xuất, đời sống, huy động nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Mỗi giai đoạn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, theo đó, các cơ chế, chính sách sẽ thống nhất về định hướng để thị trường bảo hiểm phát huy tối đa vai trò đối với nền kinh tế từng thời kỳ. Trong quá trình thực thi chiến lược phát triển, thị trường bảo hiểm đã từng bước được dẫn dắt bằng những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước”, ông Trung cho biết.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

VNI đồng hành và ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”

(VNI) – Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” năm 2022, chiều ngày 20/5, Công đoàn Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã trao 20 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội. Đây là năm thứ 5, VNI đồng hành và ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì phát động tạo nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa và các hoạt động “Vì biển, đảo Việt Nam”.

Thay mặt VNI, Ông Nguyễn Thế Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Ban Tổ chức Hành chính đã chia sẻ: Với tinh thần trách nhiệm và tình cảm hướng về biển, đảo quê hương, CBNV VNI trên toàn hệ thống đã chung tay quyên góp để ủng hộ quỹ. Số tiền tuy chưa lớn nhưng chứa đựng tình cảm của CBNV VNI mong muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại buổi lễ, Ông Nguyễn Sỹ Trường – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã gửi lời cảm ơn và mong muốn VNI có thêm nhiều chương trình đồng hành cùng UBMTTQVN TP Hà Nội trong thời gian tới. Ông cũng gửi lời chúc VNI ngày càng phát triển tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp vào kinh tế của thủ đô.

Năm 2021, dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 nhưng Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” TP Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Thủ đô với số tiền trên 51 tỷ đồng. Từ năm 2009 đến nay, TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình ý nghĩa, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

  1. Tin quốc tế

FWD được bật đèn xanh để IPO

(INA) – Công ty bảo hiểm châu Á FWD Group Holdings Ltd đã được bật đèn xanh cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 1 tỷ đô la tại Hồng Kông.

Nguồn thông tin nội bộ cho biết Tập đoàn FWD đã nhận được sự chấp thuận sau cuộc điều trần với Ủy ban niêm yết của thị trường chứng khoán Hồng Kông. Thông tin cho biết thêm rằng FWD vẫn chưa quyết định thời điểm thực hiện IPO

FWD ban đầu nhắm đến mục tiêu niêm yết ở Hoa Kỳ trước khi đưa ra quyết định chuyển sang Hồng Kông vào tháng Hai. Tập đoàn FWD được hậu thuẫn bởi tỷ phú Hồng Kông Richard Li.

Các công ty bảo hiểm Ấn Độ bị cấm quảng cáo các dịch vụ không thuộc phạm vi bảo hiểm

(INA) – Các công ty bảo hiểm, đặc biệt là các công ty bảo hiểm xe cơ giới đã bị Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm Ấn Độ (IRDAI) yêu cầu ngừng quảng cáo các dịch vụ không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Hơn nữa, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ bị cấm hiển thị các khoản chiết khấu để tham khảo hoặc so sánh với tỷ lệ của biểu phí ban đầu và để đảm bảo rằng các khoản chiết khấu và tiết kiệm phí bảo hiểm chỉ có thể áp dụng trong các trường hợp đặc biệt sẽ không được hiển thị làm ví dụ.

Theo IRDAI, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ ký kết hợp đồng dịch vụ với các xưởng và ga ra ô tô với mục đích cung cấp dịch vụ yêu cầu bảo hiểm cơ giới để sửa chữa xe bị tai nạn.

Các dịch vụ nói trên, ngoài các dịch vụ yêu cầu bồi thường, được mở rộng cho một số dịch vụ hỗ trợ nhất định không liên quan đến yêu cầu bảo hiểm như đón và trả xe miễn phí, rửa thân, dọn nội thất, v.v.

IRDAI cho biết trong một thông tư gửi các công ty bảo hiểm phi nhân thọ: “Việc đóng gói các dịch vụ nêu trên với bảo hiểm là do các nhà cung cấp dịch vụ ô tô thực hiện. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ không được quảng cáo về các dịch vụ này và coi chúng là quyền lợi được cung cấp trong phạm vi bảo hiểm”.

IRDAI nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của các thỏa thuận dịch vụ với gara / xưởng ô tô sẽ chỉ là cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các yêu cầu bồi thường xe bị tai nạn và họ không thể tự ý mở rộng để bảo vệ cho các phạm vi dịch vụ không liên quan đến yêu cầu bảo hiểm.

Đài Loan: Yêu cầu bồi thường bảo hiểm COVID-19 có thể vượt quá 1,39 tỷ đô la

(INA) – Theo người đứng đầu Ủy ban Giám sát Tài chính, ngành bảo hiểm của Đài Loan phải trả hơn 1,39 tỷ USD tiền bồi thường bảo hiểm do sự gia tăng liên tục của các ca lây nhiễm.

Trong một phiên điều trần do Ủy ban tài chính Quốc hội tổ chức, chủ tịch FSC Huang Tien-mu cho biết yêu cầu bồi thường bảo hiểm sẽ vượt trên ước tính ban đầu 1,39 tỷ USD.

Bình luận này được đưa ra sau khi Nhà lập pháp Lai Shy-bao của Quốc dân đảng (KMT) đối lập nói rằng có khoảng 7,6 triệu hợp đồng COVID-19 đã được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Đài Loan bán ra thị trường. Các hợp đồng này bồi thường trong trường hợp người được bảo hiểm bị xét nghiệm dương tính hoặc phải vào khu cách ly.

Ông Lai nói rằng dựa trên tỷ lệ xác nhận lây nhiễm được thiết lập ở mức 15% và giá trị bồi thường mỗi trường hợp trung bình là 1.216,40 đô la (36.000 Đài tệ), ngành bảo hiểm của Đài Loan có thể phải đối mặt với khoảng 1,39 tỷ đô la chi phí bồi thường.

Chủ tịch FSC nói rằng với sự gia tăng lây nhiễm, giá trị bồi thường nhất định sẽ vượt quá 1,39 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác tại thời điểm này.

Ngành bảo hiểm Châu Á có mức tăng trưởng yếu nhất

(INA) – Với các quốc gia kém hiệu quả tại các thị trường lớn như Trung Quốc, châu Á có ngành bảo hiểm tăng trưởng yếu nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới.

Trong Báo cáo Bảo hiểm Toàn cầu 2022 của Allianz, tốc độ tăng trưởng ở châu Á yếu hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Cụ thể, thị trường bảo hiểm nhân thọ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng + 0,9%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu là + 4,4%. Trong khi đó, phân khúc phi nhân thọ của châu Á tăng trưởng + 1,7% so với mức trung bình toàn cầu là + 6,3%.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả hoạt động dưới mức trung bình của châu Á là do hoạt động kém hiệu quả của Trung Quốc. Trong lĩnh vực nhân thọ, Trung Quốc nắm giữ gần 13% tổng số doanh thu phí toàn cầu. Theo Allianz, thị trường giảm -1,7% vào năm 2021.

“Sự sụt giảm phí bảo hiểm chủ yếu là do quy định chặt chẽ hơn, tức là dữ liệu của các công ty bảo hiểm thất bại không còn được đưa vào thống kê. Tăng trưởng cơ bản dường như gần hơn với + 4%,  phải thừa nhận là khá yếu đối với thị trường Trung Quốc”, Allianz viết.

Đây cũng là trường hợp tương tự đối với lĩnh vực phi nhân thọ, thị trường đã thu hẹp -1,7% trong năm ngoái.

Bên cạnh Trung Quốc, tỷ lệ tăng trưởng âm trong ngành bảo hiểm nhân thọ ở Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan cũng gây ra lực cản lớn cho sự tăng trưởng của khu vực. Trong lĩnh vực phi nhân thọ, sản lượng phí bảo hiểm của Nhật Bản gần như đình trệ ở tốc độ tăng trưởng + 0,2%, đẩy mức tăng trưởng trung bình của khu vực xuống.

Bắc Kinh cung cấp bảo hiểm vắc xin COVID-19 cho người cao tuổi

(INA) – Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang cung cấp bảo hiểm cho người cao tuổi do chính phủ hậu thuẫn cho các tai nạn y tế có liên quan đến việc dùng vắc xin COVID-19.

Bảo hiểm nhằm giảm bớt sự do dự tiêm vắc-xin của những người lớn tuổi. Theo các quan chức thành phố, trong số 22 triệu người ở Bắc Kinh, 97,7% cư dân trưởng thành tính đến tháng 9 năm ngoái đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng chỉ 80,6% người từ 60 tuổi trở lên được tiêm liều vắc xin đầu tiên vào giữa tháng 4 năm nay.

Gói bảo hiểm mới có thể cung cấp khoản thanh toán 500 nghìn Tệ (74,2 USD) cho mỗi người đối với một quyền lợi duy nhất. Các chi tiết cụ thể khác của kế hoạch không được cung cấp.

Bắc Kinh tiếp tục tăng cường việc tiêm chủng vì thành phố này đang hứng chịu đợt bùng phát tồi tệ nhất. Các quan chức đổ lỗi cho tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp ở người cao tuổi là một điểm yếu của chiến lược “năng động zero COVID”.

Manulife bổ nhiệm Giám đốc điều hành Châu Á

(INA) – Manulife đã bổ nhiệm ông Damien Green làm Giám đốc điều hành mới tại Châu Á, thay thế ông Anil Wadhwani, người đã rời công ty.

Ông Green hiện đang giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Manulife Hồng Kông. Ông gia nhập công ty lần đầu tiên vào năm 2018 với tư cách là Giám đốc Chiến lược và Chuyển đổi khu vực Châu Á. Ông đã giữ nhiều vai trò lãnh đạo trên khắp châu Á, làm việc với các công ty lớn như MetLife, AIA và Australian Super.

Ông Pankaj Banerjee, Giám đốc phân phối của Manulife Châu Á sẽ làm Giám đốc điều hành tạm thời của Manulife Hồng Kông trong khi chờ hoàn tất việc bổ nhiệm người kế nhiệm của Green.

Ông Green sẽ báo cáo trực tiếp lên Chủ tịch & Tổng Giám đốc Manulife, Roy Gori.

Tân Tổng Giám đốc Prudential đến từ Manulife

(INA) – Prudential đã thông báo bổ nhiệm ông Anil Wadhwani làm Tổng Giám đốc Tập đoàn, có hiệu lực từ ngày 24 tháng 2 năm 2023.

Ông Wadhwani sẽ gia nhập Công ty từ Manulife, nơi ông từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Manulife Châu Á.

Wadhwani là người lãnh đạo về dịch vụ tài chính toàn cầu với hơn 30 năm kinh nghiệm, chủ yếu ở Châu Á. Trong vai trò Giám đốc điều hành gần đây của Manulife khu vực Châu Á, ông đã phát triển và chuyển đổi thành công hoạt động kinh doanh đa kênh và đa dạng của mình với mức tăng thị phần đáng kể ở nhiều thị trường chính và biến nó trở thành nguồn thu nhập cốt lõi lớn nhất của công ty.

Trước khi gia nhập Manulife, ông đã có 25 năm làm việc với Citi tại Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Hoa Kỳ, trong một số vai trò dịch vụ tài chính tiêu dùng.

Việc bổ nhiệm này nằm trong kế hoạch chuyển toàn bộ đội ngũ quản lý cấp cao của Prudential sang châu Á.

Việc bổ nhiệm Wadhwani phải được Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông phê duyệt cuối cùng.

Starr Insurance thâu tóm công ty BH Thái Lan

(INA) – Công ty Bảo hiểm Starr đã công bố thỏa thuận với FPG Insurance Holdings Ltd. (HK) và các cổ đông địa phương của Thái Lan để mua lại FPG Insurance Public Co. Ltd. (FPG Thailand), một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Thái Lan.

Khoản đầu tư của Starr sẽ do công ty con bảo hiểm có trụ sở tại Bermuda là Starr Insurance & Reinsurance Ltd. thực hiện. Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào quý 2 năm 2022, căn cứ vào sự chấp thuận của pháp luật.

Starr cho biết họ kỳ vọng sẽ tăng cường cung cấp sản phẩm địa phương với các sản phẩm bảo hiểm thương mại và tai nạn & sức khỏe (A&H) phù hợp và có kế hoạch tối đa hóa sự tăng trưởng hơn nữa bằng cách tuyển dụng và phát triển nhân tài bảo hiểm người Thái tại địa phương.

Trụ sở chính của công ty dự kiến vẫn ở Bangkok.

Anycover có trụ sở tại Singapore huy động được 450 nghìn đô la tài trợ

(INA) – Công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm anycover có trụ sở tại Singapore đã huy động được 450 nghìn đô la trong vòng tài trợ tiền hạt giống do Powerhouse Ventures dẫn đầu, với sự tham gia từ 1337 Ventures và hai nhà đầu tư thiên thần – Walter de Oude (Người sáng lập & cựu Giám đốc điều hành của Singlife) và Khairil Abdullah, Giám đốc điều hành tại Veon Ventures và cựu Chủ tịch của Axiata Boost.

anycover cung cấp cho các thương gia trực tuyến quy mô vừa và nhỏ giải pháp API plug-and-play cho phép họ dễ dàng khởi chạy và quản lý các chương trình bảo hành mở rộng của riêng mình mà không cần phải tạo chúng từ đầu. Trong khi nhiều nhà bán lẻ lớn đã triển khai thành công các chương trình bảo hành mở rộng kỹ thuật số, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong việc thiết lập dịch vụ riêng do thời gian giới thiệu thương mại kéo dài và yêu cầu phí bảo hiểm tối thiểu của các công ty bảo hiểm.

Theo anycover, đây là một cơ hội bị bỏ lỡ vì các chương trình này giúp người bán tạo ra doanh thu gia tăng, thúc đẩy chuyển đổi và tăng lòng trung thành của khách hàng. Nó có kế hoạch giải quyết những thách thức này bằng cách hợp lý hóa quy trình giới thiệu và đàm phán trước các điều khoản với các công ty bảo hiểm hàng đầu.

Ông Bharad Ogirala, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của anycover, cho biết: “Không gian thương mại điện tử ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025, trong khi tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm vẫn ở mức thấp. Chúng tôi tin rằng giải pháp của mình hiện đang phù hợp hơn bao giờ hết vì sự chuyển dịch trực tiếp sang người tiêu dùng gần đây đã tạo ra sự bùng nổ về người bán, điều này càng làm tăng thêm bối cảnh cạnh tranh vốn đã có và yêu cầu người bán phải khác biệt hóa. Sứ mệnh của chúng tôi rất rõ ràng: hỗ trợ các thương gia vừa và nhỏ phát triển thành công hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ bằng cách cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng”.

BTV (Tổng hợp).