TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 17

PTI và Shinhan Finance hợp tác toàn diện; Bangladesh sử dụng biên lai thu phí điện tử; Ấn Độ quy định thời gian chờ bảo hiểm cho người sống sót sau COVID-19

  1. Tin trongnước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Cháy lớn tại công ty sản xuất xốp rộng 10.000m² ở Bình Dương

(LĐO) – Vụ hỏa hoạn xảy ra khoảng 18h ngày 3.5 tại một công ty đóng trên đường ĐT 743 thuộc địa bàn phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, người lao động và bảo vệ phát hiện lửa bùng phát lên trong công ty sản xuất xốp EPS ở phường An Phú, thành phố Thuận An. Người lao động cùng nhau sử dụng các bình chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng không được nên phải gọi cứu hỏa.

Nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Dương đã điều động 13 xe chữa cháy cùng 89 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.

Diện tích của công ty sản xuất xốp bị cháy rộng khoảng 10.000m². Nhà xưởng kết cấu xây dựng khung thép, mái tôn. Diện tích bị cháy rộng cả 1.000m², đám cháy lớn phát ra nhiều tiếng nổ, do bên trong chứa máy móc, vật liệu xốp dễ cháy.

Đến 22h ngày 3/5, đám cháy được khống chế.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Lực lượng chữa cháy và công ty đã cứu được nhiều thiết bị máy móc, vật liệu, ngăn không cho cháy lan rộng. Tổng thiệt hại và nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được điều tra làm rõ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

VBI tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021

(VBI) – Ngày 28/4 tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Tham dự Đại hội có các đại biểu đến từ Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank), đại biểu các cổ đông sáng lập đại diện vốn của VietinBank cùng các cổ đông khác.

Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid 19. Trong bối cảnh đó, Bảo hiểm VietinBank – VBI vẫn đạt được những thành công nhất định với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 2.223 tỷ, tốc độ tăng trưởng doanh thu là 9,4%. Về bồi thường: năm 2020, tỷ lệ bồi thường toàn Công ty ở mức 45,2%.

Để có được sự bứt phá trong tình hình thị trường khó khăn như vậy chính là kết quả của chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối nhằm đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. VBI đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với thị trường như: Bảo hiểm ung thư vú, Bảo hiểm sốt xuất huyết và đưa ra các chương trình bảo hiểm cho các dự án năng lượng sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, VBI thực hiện chuyển đổi mô hình kênh tư vấn viên sang mô hình kênh đại lý cá nhân và bắt đầu tiếp cận, triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các kênh đại lý như chuỗi hiệu thuốc, siêu thị, các đối tác tài xế các hãng xe, triển khai kênh bán hàng cá nhân online thông qua công cụ landing page. Đặc biệt, VBI đã xây dựng và triển khai các quy trình bồi thường nhanh nhằm đơn giản hóa thủ tục trong bồi thường. Đồng thời thành lập bộ phận Dịch vụ và Trải nghiệm khách hàng để thực hiện đánh giá trải nghiệm khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Về lợi nhuận trước thuế VBI đạt khoảng 151,8 tỷ đồng hoàn thành 94,65% kế hoạch. Để có được những thành công nhất định, Ban Điều Hành đã thực hiện các biện pháp như kiểm soát hiệu quả chi phí kinh doanh, chi phí quản lý chung, cơ cấu lại danh mục sản phẩm, giảm tỷ trọng các sản phẩm có tỷ lệ bồi thường cao, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm có tỷ lệ bồi thường thấp nhưng hiệu quả.

Trong năm qua, VBI đã thành lập mở rộng thêm 2 công ty thành viên, nâng tổng số Công Ty Thành Viên và phòng giao dịch lên 35 đơn vị, trải dài khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, VBI đầu tư và áp dụng công nghệ tiến tiến như xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung (datawarehouse) để khai thác dữ liệu một cách đồng nhất, triển khai công cụ BI, nâng cấp ứng dụng bán hàng VBI4Sales; phát triển các công nghệ mới như AI, OCR, Chatbot…

Tại buổi đại hội, các cổ đông đã biểu quyết và xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới theo định hướng phát triển đã đề ra: (i) Tăng thị phần bảo hiểm phi nhân thọ lên mức 3,9%; (ii) Vươn lên thứ 8 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần; (iii) Tỷ lệ cổ tức chi trả ở mức 10% – 12%; (iv) Tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới công ty thành viên và mở rộng bán hàng đa kênh, cải tiến công nghệ và các quy trình bồi thường nhanh, duy trì và nâng cao mục tiêu chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, đẩy mạnh truyền thông và nhận diện thương hiệu VBI trên thị trường.

PTI là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên đạt giải thưởng Sao Khuê

(PTI) – Ngày 24 tháng 4 năm 2020, tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê năm 2021, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chính thức trở thành doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên nhận được Giải thưởng Sao Khuê – danh hiệu uy tín và danh giá nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam – cho sản phẩm, giải pháp xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam thuộc lĩnh vực Fintech, Ngân hàng và Bảo hiểm

Ứng dụng xuất sắc giành được Giải thưởng Sao khuê 2021 của PTI là PTI – Giám định viên. Đây là ứng dụng tích hợp tất cả các bước giám định thành một, bao gồm: Hướng dẫn khách hàng thu thập hồ sơ bồi thường; hỗ trợ chụp ảnh giám định xe tại hiện trường và gara; lấy biểu phí sửa chữa xe cũng như duyệt giá sửa chữa xe với khách hàng. Ngoài ra, ứng dụng cũng cho phép khách hàng theo dõi vị trí của giám định viên, kiểm soát thời gian xử lý công tác giám định và phản hồi về chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của PTI. Ứng dụng của PTI – Giám định viên không chỉ rút ngắn thời gian giám định, minh bạch hóa toàn bộ quy trình giám định mà còn đơn giản hóa các thủ tục, giúp khách hàng chủ động hơn trong việc yêu cầu bồi thường.

Đại diện PTI cho biết doanh nghiệp này xác định việc tập trung ứng dụng công nghệ vào nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ là chiến lược mũi nhọn trong giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2020, PTI đã xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ bao gồm: PTI Seller (phục vụ cho hoạt động bán hàng), PTI – Giám định viên (hỗ trợ công tác giám định) và YourPTI (rút ngắn quy trình bồi thường). Việc đạt được giải thưởng Sao khuê 2021 một lần nữa khẳng định sự tiên phong của PTI trong việc đầu tư vào công nghệ. Tương lai, PTI sẽ tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt những ứng dụng với tính năng tốt hơn nhằm mang tới trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.

PTI hiện đang là một trong 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam. PTI là doanh nghiệp luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục, khẳng định vị thế là số 1 về thị phần bảo hiểm xe cơ giới và số 2 về bảo hiểm con người.

Giải thưởng Sao Khuê là giải thưởng thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức với mục đích tôn vinh và biểu dương các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ xuất sắc có uy tín hàng đầu của ngành CNTT Việt Nam. Sau 17 năm tổ chức, 1.089 Giải thưởng Sao Khuê đã được vinh danh. Giải Sao Khuê năm 2021 đã thu hút lượng đề cử cao kỷ lục so với mọi năm, với 300 đề cử từ 161 doanh nghiệp trên cả nước.

Dai-ichi Life Việt Nam được vinh danh lần thứ 12 liên tiếp tại Chương trình Rồng Vàng

(ĐTCK) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) vừa vinh dự được trao danh hiệu “Công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu” trong Chương trình Rồng Vàng tổ chức tại Hà Nội ngày 26/4/2021.

Đây là năm thứ 12 liên tiếp Dai-ichi Life Việt Nam nhận được giải thưởng cao quý này, một lần nữa minh chứng niềm tin yêu của khách hàng vào Dai-ichi Life Việt Nam, thương hiệu BHNT hàng đầu Nhật Bản, trong việc cung cấp các giải pháp bảo vệ, tích lũy tài chính, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ chất lượng ưu việt mang lại giá trị thiết thực và bền vững cho khách hàng và cộng đồng.

Chương trình Rồng Vàng là sự kiện uy tín thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (trước đây là Thời báo Kinh tế Việt Nam) khởi xướng từ năm 2001 với sự hợp tác của Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tôn vinh, biểu dương nỗ lực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Sau hơn 14 năm hoạt động, Dai-ichi Life Việt Nam đã xây dựng nền tảng vững chắc và giữ vững vị thế là một trong bốn công ty BHNT hàng đầu tại Việt Nam, vinh dự phục vụ trên 3,6 triệu khách hàng với mạng lưới kinh doanh 269 văn phòng “phủ sóng” khắp 63 tỉnh thành, cùng đội ngũ hơn 1.600 nhân viên và 105.000 tư vấn tài chính chuyên nghiệp (tính đến ngày 31/12/2020).

Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất thị trường, gần 7.700 tỷ đồng, Hiện tổng tài sản do Công ty quản lý đạt hơn 37.400 tỷ đồng.

Hành trình 14 năm phát triển bền vững của Dai-ichi Life Việt Nam đã được đánh dấu với những cột mốc ấn tượng: số lượng khách hàng tăng gấp 10 lần, đội ngũ tư vấn tài chính và nhân viên tăng gấp 20 lần, lợi nhuận tăng gấp 30 lần, tổng vốn đầu tư tăng 40 lần và tổng tài sản tăng 50 lần.

Với cam kết bảo đảm cho khách hàng và gia đình sự an tâm tài chính, Dai-ichi Life Việt Nam đã chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 9.000 tỷ đồng và tự hào hướng đến phục vụ 4 triệu khách hàng vào quý 3 năm 2021.

Năm 2020 vừa qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đạt trên 15.610 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Hòa cùng xu hướng thay đổi không ngừng của thời đại công nghệ số, Dai-ichi Life Việt Nam liên tục ra mắt các dịch vụ mới trên nền tảng số hóa nhằm mang lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng trong giao dịch như: đóng phí bảo hiểm bằng các loại thẻ thanh toán nội địa hoặc quốc tế qua máy POS; giao dịch tại quầy qua máy tính bảng; triển khai dịch vụ Ủy thác thanh toán phí bảo hiểm; phát triển thêm các tiện ích mới trên ứng dụng Dai-ichi Connect; hợp tác với MoMo và Payoo để mở rộng kênh thanh toán qua ví điện tử và hơn 2.400 cửa hàng tiện ích trên toàn quốc…

Dai-ichi Life Việt Nam cũng đang tích cực xem xét áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực học máy/trí tuệ nhân tạo ML/AI để xử lý giao dịch và phục vụ khách hàng.

Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam cho biết: “Được góp mặt trong chương trình Rồng Vàng lần thứ 12 liên tiếp với danh hiệu “Công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu” là niềm vinh dự và tự hào to lớn của tập thể Công ty Dai-ichi Life Việt Nam. Chúng tôi rất xúc động khi song hành với sự tăng trưởng không ngừng về tầm vóc, vị thế của Dai-ichi Life Việt Nam là sự hài lòng và tin tưởng ngày càng tăng của khách hàng và cộng đồng dành cho Công ty”.

“Hướng đến Chào mừng cột mốc phục vụ 4 triệu khách hàng trong năm 2021 và Kỷ niệm chặng đường 15 năm đồng hành cùng người dân Việt (18/1/2007 – 18/1/2022), danh hiệu “Công ty Bảo hiểm nhân thọ hàng đầu” được trao tặng trong Chương trình Rồng Vàng đã tiếp thêm động lực để Dai-ichi Life Việt Nam thực hiện sứ mệnh “Kết nối triệu yêu thương” – kết nối, lan tỏa yêu thương đến khách hàng và cộng đồng, tạo ra những bước đột phá mới trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ưu việt, linh hoạt cho khách hàng và gia đình cũng như tiếp tục đóng góp thiết thực cho xã hội cộng đồng”, ông Quân chia sẻ thêm.

Bên cạnh nỗ lực kinh doanh hiệu quả trong suốt 14 năm qua, Dai-ichi Life Việt Nam đã đóng góp hơn 48 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trên khắp cả nước, xuyên suốt các lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe y tế, môi trường và từ thiện xã hội. Riêng năm 2020, Quỹ Trách nhiệm Xã hội “Vì cuộc sống tươi đẹp” của Dai-ichi Life Việt Nam đã dành 12 tỷ đồng để triển khai hàng loạt dự án xã hội cộng đồng, trong đó có 6 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 và 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai.

PTI và Shinhan Finance hợp tác toàn diện

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) vừa chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính và bảo hiểm ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam.

Việc thiết lập mối quan hệ đối tác này để tăng cường phối hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời mở rộng nguồn khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện công nghệ để giúp chuyển đổi phương thức phục vụ khách hàng tốt hơn.

Với bối cảnh ngày càng nhiều khách hàng yêu chuộng giao dịch số hóa, hai công ty ưu tiên cùng xây dựng các nền tảng kỹ thuật số chuẩn mực, mở rộng và được đồng bộ hóa, giúp quản lý quy trình giới thiệu chéo khách hàng và trải nghiệm khách hàng liền mạch, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu tốc độ và chính xác hơn.

Tương lai của mối quan hệ đối tác vẫn tiếp tục đặt khách hàng làm trọng tâm và được mong đợi là một hành trình chuyển đổi số xuyên suốt, nơi người tiêu dùng hiện đại sẽ có nhiều trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa, hữu ích và liền mạch.

Theo ông Bùi Xuân Thu, Tổng giám đốc của PTI, việc hợp tác toàn diện với Shinhan Finance khẳng định nỗ lực không ngừng của PTI nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phân phối, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của Khách hàng thông qua những dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn.

“Tôi tin rằng với những thế mạnh và kinh nghiệm của Shinhan Finance trong việc khai thác các sản phẩm về tài chính vi mô, việc hợp tác giữa 2 bên sẽ phát triển và bùng nổ trong thời gian sắp tới”, ông Thu nói.

Hiện tại, để thúc đẩy tăng trưởng, hai Công ty tập trung đầu tư vào ba khía cạnh số hóa: tăng tính cá nhân hóa nhờ phân tích và cung cấp các dữ liệu xác thực gần nhất theo định lượng thời gian, khai thác tiềm năng của cuộc cách mạng số để cung cấp dịch vụ Khách hàng tốt hơn và làm chủ giải pháp đồng bộ hóa đa kênh khi kết nối hai mô hình kinh doanh tài chính – bảo hiểm.

FWD giới thiệu giải pháp bảo vệ trước ba bệnh ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim

(ĐTCK) – FWD vừa giới thiệu giải pháp bảo hiểm 100% trực tuyến có tên gọi “FWD Bộ 3 bảo vệ”. Đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường mang đến giải pháp chuyên biệt với quy trình tham gia hoàn toàn trực tuyến, bảo vệ đồng thời trước ba bệnh hiểm nghèo là ung thư tại bất kỳ giai đoạn nào, đột quỵ và nhồi máu cơ tim đến 80 tuổi.

Với “FWD Bộ 3 bảo vệ”, ngay khi có chẩn đoán mắc một trong ba bệnh hiểm nghèo là ung thư tại bất kỳ giai đoạn nào, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, FWD sẽ chi trả ngay 100% Số tiền bảo hiểm, giúp người bệnh có nguồn tài chính kịp thời để điều trị và phục hồi sức khỏe.

Đặc biệt, “FWD Bộ 3 bảo vệ” mở rộng độ tuổi tham gia lên 60 tuổi và khách hàng có thể nhận được sự bảo vệ đến 80 tuổi, đây là độ tuổi mà nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo cao và khách hàng rất cần được bảo vệ.

“FWD Bộ 3 bảo vệ” mang đến 3 sự lựa chọn về quyền lợi bảo hiểm là 200 triệu, 300 triệu và 500 triệu đồng với mức phí chỉ từ khoảng 200 ngàn đồng mỗi năm.

Chỉ cần trả lời 3 câu hỏi sức khỏe, thực hiện các bước đăng ký đơn giản và hoàn toàn trực tuyến, khách hàng đã có thể được bảo vệ trước ba bệnh ung thư, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Đây tiếp tục là giải pháp bảo hiểm đột phá giúp FWD thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm.

Cùng với việc ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới, FWD cũng ra mắt “FWD 3PLANK thử thách” là chương trình đóng góp cho cộng đồng được Bảo hiểm FWD thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về bệnh ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim tại Việt Nam.

Cứ mỗi thử thách 3PLANK thực hiện thành công, FWD sẽ thay mặt người tham gia đóng góp vào quỹ ủng hộ bệnh nhân ung thư và tim mạch số tiền 30.000 đồng. Đặc biệt, FWD sẽ thay mặt khách hàng đóng góp 100.000 đồng khi khách hàng tham gia “FWD Bộ 3 Bảo vệ” thành công. Chương trình áp dụng đến hết ngày 12/5/2021.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

BIC Đà Nẵng trao học bổng cho sinh viên trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng

(BIC) – Vừa qua, Công ty Bảo hiểm BIDV Đà Nẵng (BIC Đà Nẵng) đã tổ chức trao học bổng cho 06 sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng.

Tài trợ học bổng cho các học sinh – sinh viên vượt khó, học giỏi tại các trường thuộc khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam là hoạt động thường niên được BIC Đà Nẵng triển khai trong nhiều năm qua nhằm hỗ trợ một phần tài chính cho các em được theo đuổi con đường tri thức. Những suất học bổng đã góp phần tạo động lực để các em cố gắng, nỗ lực học tập tốt, đạt thành tích cao hơn, tích cực đóng góp cho xã hội trong tương lai.

Song song với việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, BIC cũng là một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Với quyền lợi ưu việt, phí bảo hiểm cạnh tranh, bảo hiểm học sinh, sinh viên của BIC luôn được các trường, phụ huynh đánh giá cao, giúp các em học sinh, sinh viên an tâm học tập.

  1. Tin quốc tế

Australia: Hiệp hội giải trí đề xuất hình thành quỹ bảo hiểm tương hỗ trong ngành

(AIR) – Hiệp hội Giải trí, Thư giãn và Giải trí Úc (AALARA) đang làm việc với Aon, nhà cung cấp hàng đầu toàn cầu về dịch vụ quản lý rủi ro, dịch vụ môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm, để thành lập quỹ tương hỗ do các thành viên sở hữu và điều hành vì mục tiêu lợi ích của các thành viên.

Theo AALARA, động thái này nhằm giải quyết cái mà nó gọi là “hậu quả thảm khốc của một thị trường bảo hiểm thất bại”, Australasian Leisure Management đưa tin.

Giám đốc điều hành AALARA, bà Kristy Ahrens, cho biết, “Quỹ tương hỗ cung cấp giải pháp thay thế cho sản phẩm bảo hiểm truyền thống, được thành lập và hoạt động tốt ở Úc trong những năm qua để đáp ứng các khu vực của thị trường nơi bảo hiểm trở nên khó mua hoặc đắt đỏ. Các tổ chức tương hỗ được vận hành thành công bởi các hội đồng địa phương, chuỗi nhà hàng quốc tế, các trường đại học và các cơ sở buôn bán xe máy”.

Nói rằng “bước đầu tiên quan trọng trong việc thiết lập quỹ tương hỗ là một nghiên cứu khả thi”, AALARA đang kêu gọi các thành viên của mình hoàn thành cuộc khảo sát trực tuyến cho phép Aon đánh giá rủi ro và xác định mối quan tâm của các nhà bảo hiểm trong việc hợp tác với quỹ tương hỗ.

Chương trình bảo hiểm tương hỗ được đề xuất nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về bảo hiểm trách nhiệm công cộng mà các thành viên AALARA phải đối mặt. Phí bảo hiểm đã tăng ít nhất 300% do các nhà bảo hiểm tiếp tục rút ra khỏi lĩnh vực này, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành phải vật lộn để có đủ khả năng đóng phí bảo hiểm – vì đây là nội dung bắt buộc trong giấy phép hoạt động của họ.

Bangladesh sử dụng biên lai thu phí điện tử từ 01/10 năm nay

(AIR) – Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm Bangladesh (IDRA) đã giới thiệu hệ thống biên lai điện tử kỹ thuật số và cấm các công ty bảo hiểm phát hành biên lai giấy viết tay hoặc in để thu phí bảo hiểm từ các chủ hợp đồng.

IDRA vừa ban hành một thông tư về vấn đề này cho biết, hệ thống mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 10. Tuy nhiên, từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 30 tháng 9 vẫn chạy song song cả hai hệ thống biên lai điện tử và biên lai in giấy.

Biên lai điện tử được tạo trên Nền tảng nhắn tin hợp nhất (UMP) do IDRA xây dựng và công bố năm 2019.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nhân thọ có thể tiếp tục phát hành biên lai cho các khoản thanh toán phí bảo hiểm nhận được qua các kênh ngân hàng chính thức và dịch vụ tài chính di động (MFS) cho đến khi có thông báo mới.

Một quan chức cấp cao nói với Financial Express rằng biên lai điện tử sẽ giúp hạn chế trốn thuế, gian lận và khôi phục niềm tin của tất cả các bên liên quan trong lĩnh vực bảo hiểm.

Chủ tàu mắc kẹt trên kênh Suez kêu gọi chủ hàng chia sẻ bồi thường thiệt hại

(IBM) – Chủ con tàu container đã chặn kênh đào Suez trong gần một tuần đang đề nghị chủ hàng vận chuyển trên tàu cùng gánh vác chi phí bồi thường thiệt hại mà nhà chức trách Ai Cập yêu cầu.

Con tàu container Ever Given (thuộc sở hữu của công ty Shoei Kisen Kaisha có trụ sở tại Nhật Bản) mắc cạn trên kênh đào vào tháng 3, làm tắc kênh và cản trở giao thương hàng tỷ đô la.

Báo cáo của Associated Press cho biết, mới đây Shoei Kisen đã đề nghị các chủ hàng cùng chia sẻ thiệt hại trong một thỏa thuận được gọi là khai báo tổn thất chung.

AP đưa tin, thỏa thuận chia sẻ thiệt hại thường được sử dụng trong các vụ tai nạn hàng hải có bảo hiểm. Shoei Kisen cho biết họ đã thông báo cho một số chủ sở hữu của khoảng 18.000 container trên tàu, yêu cầu họ chịu một phần chi phí, ước tính khoảng 16 triệu USD.

Tháng trước, Công ty cho biết họ đang đàm phán với chính quyền Ai Cập về số tiền bồi thường. Tàu Ever Given hiện đang được neo đậu tại Great Bitter Lake, nằm giữa hai đầu phía bắc và nam của kênh đào Suez, để kiểm tra. Theo Shoei Kisen, con tàu sẽ không được phép rời đi cho đến khi đạt được thỏa thuận giữa các bên.

Công ty không tiết lộ thêm chi tiết liên quan như số tiền được bảo hiểm và giá trị khoản chi phí mà họ đang yêu cầu các chủ hàng phải gánh vác.

Tàu Ever Given bị mắc cạn vào ngày 23/3 khi đang trên đường đến Rotterdam. Các đội trục vớt đã mất sáu ngày để giải phóng con tàu khổng lồ.

Theo Shoei Kisen, 25 thành viên thủy thủ đoàn vẫn đang ở trên tàu và tất cả đều trong tình trạng sức khỏe tốt.

Khối bảo hiểm P&C của Swiss Re tăng mạnh thu nhập Quý I

(INN) – Hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) của Swiss Re đã ghi nhận mức thu nhập ròng trong quý đầu tiên tăng mạnh lên 477 triệu đô la Mỹ từ mức 61 triệu đô la Mỹ cùng kỳ năm trước.

Người khổng lồ tái bảo hiểm có trụ sở tại Zurich cho biết hiệu suất này là kết quả của việc tiếp tục cải thiện giá phí và duy trì kỷ luật trong đánh giá rủi ro.

Nếu loại trừ tác động của COVID-19, khối kinh doanh P&C Reinsurance đạt thu nhập ròng là 509 triệu đô la Mỹ trong ba tháng tính đến tháng ba.

Phí bảo hiểm ròng thu được đã tăng 5,7% lên 5 tỷ đô la Mỹ, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động khai thác mới vào năm 2020 và hiện vẫn đang tiến triển tốt trong năm 2021.

Thiệt hại do thiên tai lớn, chủ yếu liên quan đến các cơn bão mùa đông của Hoa Kỳ, đã gây ra tổn thất cho Swiss Re 330 triệu đô la Mỹ trong quý này.

Tỷ lệ kết hợp cải thiện về 96,5% từ 110,8% một năm trước đó. Nếu loại trừ tác động của COVID thì tỷ lệ này sẽ ở mức tốt hơn: 95,6%.

Swiss Re cho biết tổng thu nhập ròng trong quý là 333 triệu đô la Mỹ, so với khoản lỗ 25 triệu đô la Mỹ cùng kỳ năm trước.

Swiss Re cho biết tổng thiệt hại liên quan đến COVID là 643 triệu USD.

Ông Christian Mumenthaler, Tổng Giám đốc Tập đoàn, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự khởi đầu vững chắc cho năm 2021 và hy vọng tất cả các khối kinh doanh của Tập đoàn sẽ tiếp tục mang lại hiệu suất cơ bản mạnh mẽ với mức tổn thất do COVID-19 giảm dần”.

“Tôi đặc biệt hứng khởi với sự cải thiện lợi nhuận lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thiệt hại, được hỗ trợ bởi các đợt tái tục mạnh mẽ từ đầu năm đến nay”.

Marsh có quý I ‘vượt trội’ với doanh thu 6,6 tỷ USD

(INN) – Marsh McLennan đã báo cáo doanh thu quý đầu tiên năm 2021 tăng 9% lên 5,1 tỷ USD.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dan Glaser cho biết, khởi đầu năm 2021 thuận lợi sẽ tạo đà cho hoạt động kinh doanh trở nên tốt đẹp trong thời gian còn lại của năm.

“Marsh McLennan đã có một quý đầu tiên xuất sắc”, ông Glaser nói.

Thu nhập ròng đạt 983 triệu đô la Mỹ, tăng từ 754 triệu đô la Mỹ một năm trước đó.

Lợi nhuận hoạt động điều chỉnh tăng 260 điểm cơ bản lên 29,6%.

Doanh thu từ Dịch vụ Rủi ro & Bảo hiểm tăng 11% lên 3,2 tỷ USD, trong khi thu nhập hoạt động tăng 24% lên 1,1 tỷ USD.

Doanh thu của Marsh trong quý đầu tiên đã tăng 8% so với cùng kỳ, lên 3,3 tỷ USD, tăng trưởng 8% ở Châu Á Thái Bình Dương và 9% ở Bắc Mỹ.

Doanh thu của Guy Carpenter trong quý đầu tiên là 895 triệu đô la, tăng 7%.

Doanh thu tư vấn tăng 6% trong khi doanh thu của Oliver Wyman tăng 11%.

Tháng trước, Marsh McLennan Agency đã mua PayneWest Insurance có trụ sở tại Montana, có 26 địa điểm và hơn 700 nhân viên và sẽ hoạt động với tư cách trung tâm khu vực phía tây bắc của MMA.

Trung Quốc: China Life công bố lợi nhuận ròng tăng 67% trong Quý I

(AIR) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life) đã công bố cho biết, lợi nhuận ròng quý I/2021 đã tăng 67,3% lên 28,59 tỷ CNY (4,41 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Theo China Life, ngành bảo hiểm vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Công ty đã đối phó với những thách thức và đạt được sự phát triển kinh doanh ổn định, với lợi nhuận tăng trong quý I/2021.

Doanh thu kinh doanh bảo hiểm quý Iđạt 233,89 tỷ CNY, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, phí bảo hiểm tái tục lên tới 211,44 tỷ CNY, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Phí bảo hiểm ngắn hạn lên tới 33,58 tỷ CNY, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu bảo hiểm chậm lại, gây áp lực cho doanh thu khai thác mới của Công ty. Phí bảo hiểm thông thường năm đầu tiên lên tới 68,28 tỷ CNY, trong đó, phí bảo hiểm thông thường năm đầu tiên với thời hạn đóng 10 năm trở lên là 19,66 tỷ CNY.

So với cùng kỳ năm 2020, giá trị khai thác mới trong quý đầu tiên của năm 2021 giảm 13,2%.

Tính đến ngày 31 tháng 3, tổng lực lượng bán hàng của công ty là 1,357 triệu người, trong đó số lượng đại lý là 1,282 triệu người, nhìn chung là ổn định.

Trong quý đầu tiên của năm 2021, công ty đã công bố thu nhập từ đầu tư ròng là 41,40 tỷ CNY, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi suất đầu tư ròng là 4,08%.

Thu nhập Quý I của WTW tăng mạnh

(INN) – Thu nhập quý I của Willis Towers Watson tăng vọt sau khi hoàn thành việc bán công ty môi giới bảo hiểm bán buôn Miller.

Tổng doanh thu tăng 5% lên 2,6 tỷ đô la Mỹ, còn thu nhập ròng tăng lên 733 triệu đô la Mỹ từ 305 mức triệu đô la Mỹ.

Giám đốc điều hành John Haley cho biết, công ty đã có “một khởi đầu năm mới đáng khích lệ” và mang lại sự tăng trưởng doanh thu và mở rộng biên lợi nhuận.

“Trong quý đầu tiên, chúng tôi tiếp tục xây dựng động lực hướng tới việc kết thúc giao dịch với Aon và đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực lập kế hoạch tích hợp của chúng tôi”.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh tăng 26% lên 452 triệu đô la Mỹ trong quý, tỷ suất lợi nhuận hoạt động tăng 2,9 điểm phần trăm lên 17,5%.

Willis Towers Watson cho biết đại dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến tăng trưởng doanh thu nhưng không có tác động trọng yếu về tổng thể.

“Mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến tình hình kinh doanh và tài chính của Tập đoàn sẽ phụ thuộc vào sự biến chuyển của dịch bệnh trong tương lai, rất khó dự đoán”.

“Chúng tôi tiếp tục dự kiến rằng đại dịch COVID-19 sẽ tác động tiêu cực đến doanh thu và kết quả hoạt động của Tập đoàn trong năm 2021.”

Ấn Độ: Công ty bảo hiểm đề phòng việc bảo hiểm cho những người sống sót sau làn sóng COVID-19 mới

(AIR) – Theo một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, hầu hết các công ty bảo hiểm nước này đã quy định khoảng thời gian chờ từ 3-6 tháng trước khi chấp nhận bảo hiểm cho những khách hàng sống sót sau COVID-19.

Với số lượng các trường hợp mắc COVID hàng ngày tăng mạnh, các công ty bảo hiểm đang từ chối bảo hiểm sức khỏe cho những người đã khỏi bệnh và yêu cầu thời gian chờ sáu tháng trước khi tái tục hợp đồng.

Theo ông Anand Roy, Giám đốc Điều hành Star Health and Allied Insurance: “Việc quy định thời gian chờ này để đảm bảo rằng khách hàng đã hồi phục hoàn toàn, (và họ) không gặp bất kỳ tác dụng phụ tức thì nào của virus, đồng thời có sức khỏe tốt nhất khi yêu cầu bảo hiểm. Vì hầu hết những người sống sót sau COVID-19 chỉ gặp các triệu chứng nhẹ, nên việc tham gia bảo hiểm sẽ không thành vấn đề”.

Báo The Indian Express cho biết, việc tái tục bảo hiểm sức khỏe đang bị trì hoãn trong bối cảnh có một số công ty bảo hiểm từ chối bồi thường nhiều trường hợp liên quan đến COVID mặc dù có chỉ thị của IRDAI rằng các hóa đơn bệnh viện theo “hệ thống không dùng tiền mặt” sẽ phải được thanh toán trong vòng hai giờ sau khi bệnh nhân xuất viện.

Một nguồn tin cho biết: “Thậm chí còn có những lời phàn nàn rằng một số công ty bảo hiểm đang từ chối cấp đơn bảo hiểm COVID mới cho những người không có bệnh tật, vì sợ số yêu cầu bồi thường sẽ tăng vọt”.

Theo dữ liệu của chính phủ, cả nước Ấn Độ đã có khoảng 20 triệu ca nhiễm COVID được xác nhận, trong đó 16 triệu ca phục hồi.

Ông Roy cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã từng chứng kiến những bệnh nhân đã khỏi COVID-19 bị tái nhiễm hoặc có các biến chứng khác. Điều này càng trầm trọng hơn khi bệnh nhân có các bệnh lý nền”.

Trong khi đó, tính đến tháng 3 năm 2021, các công ty bảo hiểm chỉ giải quyết được 54% yêu cầu bồi thường từ những khách hàng đã mua bảo hiểm sức khỏe COVID-19. Trong tổng số khiếu nại lên tới 146,1 tỷ INR (2 tỷ đô la) theo các chương trình bảo hiểm sức khỏe COVID, ngành bảo hiểm đã giải quyết bồi thường trị giá 79 tỷ INR. Các công ty bảo hiểm cho biết, nhiều khiếu nại bồi thường COVID bị thổi phồng với các khoản chi phí nằm ngoài các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.

BTV (Tổng hợp).