TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 15

Cathay Life đạt Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất 2022; Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu 5.700 tỷ đồng, cổ tức 15%; Cựu Giám đốc Allianz đảm nhận vị trí mới tại Prudential

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 15

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

VNI Vũng Tàu chi trả cho gia đình học sinh bị đuối nước

(VNI) – Vừa qua, Công ty Bảo hiểm Hàng không Vũng Tàu đã đến thăm hỏi, động viên và trao toàn bộ số tiền 31 triệu đồng bồi thường bảo hiểm học sinh cho gia đình em N.T.B.N., học sinh lớp 7 của Trường THCS Hòa Hiệp, không may bị tai nạn đuối nước. Diễn biến vụ việc như sau: Sau giờ học học sinh Bảo Ngọc và một số học sinh khác của Trường THCS Hòa Hiệp rủ nhau ra Hồ suối Các ở Ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc để tắm hồ không may học sinh B.N. bị hụt chân vào hố chỗ nước sâu bị cuốn đi, dẫn tới đuối nước và tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc VNI Vũng Tàu đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ sự mất mát cùng gia đình nạn nhân, đồng thời thu thập hồ sơ để hoàn thiện và kịp thời chi trả quyền lợi bảo hiểm cho học sinh không may gặp nạn.

Trước đó, VNI Vũng Tàu là đơn vị bảo hiểm thân thể cho 100% học sinh, giáo viên của Trường THCS Hòa Hiệp (Ấp Phú Hòa, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)

  1. Một vòng doanh nghiệp

Cổ đông PTI không thông qua các tờ trình phát hành cổ phiếu

(ĐTCK) – ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm bưu điện (PTI) tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội đã không thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Trước đó, HĐQT (PTI) trình ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông tại ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất…

Thời gian thực hiện trong năm 2022 sau khi có chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 96 triệu cổ phiếu, sau khi phát hành cổ phiếu số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ là hơn 964 tỷ đồng (mức vốn hiện tại là hơn 800 tỷ đồng).

Cùng với tờ trình phát hành cổ phiếu tăng vốn HĐQT PTI cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc chào bán hơn 80 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của công ty . Mức giá chào bán là 10.000 đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc 2023. Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 50%.

Trong trường hợp số cổ phiếu đăng ký chào bán không phân phối hết theo dự kiến và số lượng huy động vốn không đạt đủ như dự kiến ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT cân nhắc bổ sung nguồn vốn còn thiếu thông qua các hình thức huy động khác như vay các tổ chức tín dụng hoặc từ tổ chức /cá nhân khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, HĐQT PTI cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu; số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán tối đa bằng 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty tại thời điểm chào bán…

Hiện nay, PTI đang đứng thứ 3 về quy mô doanh thu (năm 2021 tổng doanh thu bảo hiểm của PTI đạt 5.945 tỷ đồng) nhưng chỉ xếp thứ 9 về vốn điều lệ trong số 10 doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô lớn nhất thị trường.

Ngoài việc không thông qua phương án phát hành cổ phiếu, ĐHĐCĐ bảo hiểm PTI đã thông qua các tờ trình bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT là bà Phạm Minh Hương và ông Bùi Văn Tới- Trưởng ban kiểm soát.

Ngoài ra, đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 208 tỷ đồng chỉ bằng 79,5% mức lợi nhuận sau thuế đã thực hiện được của năm trước là 262 tỷ đồng. Tuy mục tiêu lợi nhuận so với năm trước giảm nhưng kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn dự kiến tăng gần 7% so với năm trước với con số dự kiến là 6.350 tỷ đồng.

Phương án năm 2022 không chia cổ tức cho cổ đông cũng được thông qua. Được biết, năm 2021 ĐHCĐ đã thông qua phương án chia cổ tức 10%, tuy nhiên, theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2021 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 HĐQT của PTI cũng đề xuất không chia cổ tức năm 2021 để thực hiện kế hoạch tăng vốn. ĐHĐCĐ cũng nhất trí thông qua phương án này.

Lợi nhuận còn lại chưa phân phối năm 2021 của hãng bảo hiểm này còn 421 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện năm 2022 là 604 tỷ đồng. Trọng tâm kế hoạch phát triển kinh doanh năm 2022 của hãng bảo hiểm này là tiếp tục đầu tư vào công nghệ thông tin, ra mắt thêm các sản phẩm mới, tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các công ty Fintech, Insurtech…

Năm 2021, tổng doanh thu của hãng bảo hiểm này chỉ đạt 5.945 tỷ đồng, hoàn thành 90,1% kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2021 vẫn đạt hơn 333 tỷ đồng tăng 9,4% so với năm 2020, trong đó lợi nhuận thuần từ hoạt động bảo hiểm là hơn 171 tỷ đồng tăng trưởng 32% so với năm 2020. Trong năm 2021 lãi gộp từ hoạt động đầu tư tài chính và hoạt động khác của PTI cũng đạt 162 tỷ đồng, hoàn thành 136% kế hoạch.

Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu 5.700 tỷ đồng, trả cổ tức tiền mặt 15%

(BMI) – Ngày 28/4, tại TPHCM, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Thông qua đại hội, BMI sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% và đặt ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 5.700 tỷ đồng.

Thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của BMI trong năm 2021, ông Phạm Minh Tuân, Phó tổng giám đốc BMI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, BMI cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, toàn hệ thống kinh doanh của BMI đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do ĐHĐCĐ và Hội đồng quản trị (HĐQT) đề ra.

Năm 2021, tổng doanh thu của BMI đạt 5.347 tỷ đồng, tăng trưởng 6,41% so với năm trước, bằng 106,4% kế hoạch đặt ra. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 4.496 tỷ đồng, duy trì “top 4” thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, doanh thu nhận tái bảo hiểm là 524,4 tỷ, doanh thu hoạt động đầu tư và tài chính đạt 326,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 306,2 tỷ đồng, bằng 110,58% so với kế hoạch, ROE ở mức 11% vượt kế hoạch tối thiểu 10% đề ra trong năm, bằng 128,8% so với năm 2020.

Trong các năm 2020 và 2021, đặc biệt là năm 2020 – năm đầu tiên kinh tế thế giới và cả Việt Nam chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Đối với BMI, đây cũng là năm gặp không ít khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của ban điều hành, BMI có sự đột phá vượt bậc. Bộ máy lãnh đạo được “cải tổ” khi ông Vũ Anh Tuấn nhận Quyết định số 1068/2020 – BM/HĐQT ngày 28/5/2020 của Chủ tịch HĐQT về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc từ ngày 1/6/2020.

Trước tình hình dịch bệnh đầy khó khăn cùng những thay đổi về nhân sự nội bộ, Ban điều hành BMI đã nỗ lực, nhanh chóng đưa ra các quyết sách linh hoạt, đồng bộ vừa mở rộng thị trường, tăng doanh thu, vừa tăng cường quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Theo ông Phạm Minh Tuân, năm 2021, BMI đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong kinh doanh, hoạt động tài chính đã đóng góp lớn vào lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh của BMI đạt 306,2 tỷ đồng, tăng 31,34% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của tổng công ty đạt 255 tỷ đồng, tăng 30,66% so với năm 2020. Điều này đã giúp các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của BMI hoàn thành kế hoạch đề ra và cải thiện đáng kể so với năm trước. Hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 7,15%. Hệ số lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh/doanh thu thuần đạt 8,56%. ROA (lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân) đạt 3,66%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11% (hoàn thành vượt mức kế hoạch tối thiểu 10% đề ra trong năm).Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc BMI cho biết, trong năm 2021 BMI tiếp tục khẳng định tài chính vững mạnh và khả năng quản trị rủi ro tốt khi được tổ chức tín nhiệm quốc tế A.M Best tái xếp hạng năng lực tài chính (FSR) mức B++ (Tốt) và năng lực tổ chức phát hành mức “bbb” lần thứ 6 liên tiếp. Kết quả định hạng được A.M. Best công bố trên cơ sở đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của BMI qua nhiều năm, bao gồm: Năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động và hệ thống quản trị rủi ro.

“Bên cạnh đó, BMI còn là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được trao tặng giải thưởng “Công ty bảo hiểm phi nhân thọ được khách hàng hài lòng nhất” do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành dịch vụ tài chính tổ chức thường niên trao tặng”, ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Sau một thời gian làm việc tích cực, đại hội dành thời gian lớn để các cổ đông và lãnh đạo BMI thảo luận, trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan. Phần lớn các ý kiến xoay quanh chiến lược phát triển của BMI trong thời gian tới. Dựa trên kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2021, đại hội đã ra nghị quyết về việc trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cổ phiếu) với thời gian thực hiện chậm nhất là quý II/2022. Bên cạnh đó, thông qua đại hội BMI cũng trình cổ đông chiến lược kinh doanh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu lấy lại vị trí thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, có sức cạnh tranh tốt với thị trường trong nước và khu vực.

Với sự nhất trí cao, ĐHĐCĐ đã thông qua tất cả các nội dung được trình tại đại hội với tỷ lệ hơn 99,75%. Trong đó ĐHĐCĐ cũng đã thông qua nghị quyết kế hoạch kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu ở mức 5.700 tỷ đồng, tăng trưởng 6,7% so với năm 2021, kỳ vọng lợi nhuận kế toán trước thuế 340 tỷ đồng tăng trưởng 11%. ROE tối thiểu đạt 10% và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu là 15%.

Được thành lập năm 1994, trải qua gần 30 năm thành lập và phát triển, thương hiệu BMI ngày càng được các khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, liên tiếp nhiều năm được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best đánh giá xếp hạng tài chính ở mức B++ (Tốt). BMI là một trong những doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đem lại hiệu quả kinh doanh cao, phù hợp với nhiều nội dung tại Thông báo số 57 ngày 28/2/2022 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có nội dung: “Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng; Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; Duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt; Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp…”

Bảo Minh trở thành đối tác của AIA về mạng lưới giải pháp khu vực

(BMI) – Tập đoàn AIA (AIA), tập đoàn bảo hiểm nhân thọ có nguồn gốc châu Á lớn nhất thế giới, vừa ký thỏa thuận hợp tác, chính thức đưa Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), một trong những nhà bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam, vào Mạng lưới các giải pháp khu vực của AIA (AIA Regional Solutions).

Việc thiết lập quan hệ đối tác mới giữa Bảo Minh và AIA là một phần trong cam kết của mạng lưới các giải pháp khu vực của AIA mà ở đó AIA chú trọng tới việc cung cấp các  giải pháp liên quan đến sức khỏe, tập trung vào nhóm khách hàng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, mạng lưới rộng khắp cùng những thế mạnh của mình đối với nghiệp vụ bảo hiểm con người…, việc Bảo Minh trở thành đối tác chính thức của AIA, Bảo Minh sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm sinh mạng, tai nạn, thương tật và chi phí y tế theo nhóm linh hoạt, đa dạng, phù hợp, đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất cho nhóm khách hàng của AIA là các công ty, tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Với mục tiêu là xây dựng và phát triển nhiều chương trình bảo hiểm đa dạng, đáp ứng nhu cầu biến đổi liên tục của khách hàng và thị trường, Bảo Minh đang hướng tới việc cung cấp các sản phẩm với phạm vi bảo hiểm tốt hơn cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp, tối ưu hóa kiểm soát chi phí trong bối cảnh chi phí y tế đang tăng nhanh tại Việt Nam thời gian gần đây cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Việc tham gia vào mạng lưới các giải pháp khu vực của AIA (AIA Regional Solutions) sẽ tạo điều kiện cho Bảo Minh triển khai tốt hơn nữa về dịch vụ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của AIA, giúp gia tăng năng lực của Bảo Minh về việc xây dựng, phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho khách hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình hợp tác giữa Bảo Minh và AIA cũng sẽ mở ra cho Bảo Minh nhiều cơ hội để khai thác hệ thống các đối tác khách hàng lớn của AIA tại Việt Nam.

Bảo hiểm VietinBank đặt mục tiêu 20222 lợi nhuận 300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với 2021

(TBTCO) – Ngày 28/4/2022 tại Hà Nội, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank – VBI) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2022. VBI đặt mục tiêu tăng doanh thu năm 2022 đạt 3.100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng, tăng gần 50% so với 2021. Ông Nguyễn Huy Quang tái đắc cử Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm VietinBank.

Tham dự Đại hội có ông Trần Văn Tần – Thành viên HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Nguyễn Đức Thành – Phó Tổng Giám đốc VietinBank. Về phía Bảo hiểm VietinBank, tham dự có ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch HĐQT, ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT cùng các cổ đông sáng lập, đại diện vốn của VietinBank và các cổ đông khác.

Tại đại hội, HĐQT VBI đã trình ĐHCĐ thảo luận và thông qua các nội dung chính về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và Kế hoạch năm 2022; Báo cáo tài chính năm 2021 và phương án phân phối lợi nhuận năm 2021; Bầu HĐQT và thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027;…

Ông Nguyễn Huy Quang – Chủ tịch HĐQT VBI báo cáo kết quả hoạt động của HĐQT trong năm 2021, đồng thời, đưa ra các trọng tâm hoạt động trong năm 2022.

Cụ thể, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm của VBI đạt 2.467 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2020, tăng gấp 3 lần so với mức chung của thị trường. Nhờ liên tục cải tiến, áp dụng công nghệ trong quản trị vận hành cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ thiết thực, nên lợi nhuận trước thuế của VBI tăng trưởng mạnh 34,6% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế VBI đạt khoảng 203,8 tỷ đồng, hoàn thành 118,25% kế hoạch. Trong năm 2021, VBI đã nâng tổng số công ty thành viên và phòng giao dịch lên 38 đơn vị toàn quốc.

Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, năm 2022 được xác định là năm trọng điểm để VBI tập trung bứt phá, tăng trưởng. Do đó, doanh thu kế hoạch dự kiến lên 3100 tỷ, tăng 30%. Mục tiêu lợi nhuận năm 2022 chạm ngưỡng 300 tỷ, tăng gần 50% so với năm 2021, đưa công ty vào top 5 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ, qua đó nâng cao vị thế và giá trị và đóng góp của VBI vào hệ thống VietinBank. Về hiệu quả hoạt động, với mục tiêu 300 tỷ lợi nhuận, VBI sẽ đảm bảo tỷ lệ ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) xấp xỉ 18%, nằm trong Top 3 doanh nghiệp có hiệu suất sinh lời cao nhất thị trường.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, trong năm 2022, VBI sẽ triển khai kế hoạch tổng thể nhằm đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu tại đại hội, ông Lê Tuấn Dũng – Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT VBI cho biết: “VBI đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng này nhờ nỗ lực vượt qua tác động dịch bệnh, không ngừng đổi mới, đưa ra các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường; đồng thời ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế của đất nước và nâng cao mức thu nhập bình quân cho cán bộ, nhân viên VBI”.

Ông Lê Tuấn Dũng khẳng định, VBI là một doanh nghiệp bảo hiểm đi đầu về ứng dụng công nghệ mới từ toàn bộ quy trình bán hàng đến bồi thường. Năm 2021, VBI liên tục nâng cao cải tiến app MyVBI và VBI4Sales, đưa một số giải pháp trí tuệ nhân tạo vào các ứng dụng như OCR, Chatbot, triển khai xây dựng datawarehouse ứng dụng Power BI để khai thác các dữ liệu lớn, xây dựng Cloud API để kết nối tới các đối tác bán. “Khác biệt của VBI so với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là tư duy về tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc tại tất cả các điểm chạm. Năm 2021, VBI triển khai mạnh mẽ chương trình phủ biển hiệu truyền thông online và offline, triển khai bồi thường nhanh và tự động, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng, thực hiện khảo sát và đo lường sự hài lòng của khách hàng”.

Giải pháp nhằm thực hiện chỉ tiêu kế hoạch cơ bản năm 2022, theo ông Lê Tuấn Dũng, về sản phẩm, VBI tập trung nguồn lực để khai thác các sản phẩm có hiệu quả, đặc biệt các sản phẩm trọng điểm. Về kênh phân phối, VBI tập trung khai thác các kênh bán hàng có ưu thế cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng Bancassurance trong hệ sinh thái VietinBank, kiểm soát, chăm sóc khai thác có hiệu quả các khách hàng hiện hữu, đảm bảo duy trì tỉ lệ tái tục khoảng 80%. Đặc biệt, với lợi thế cạnh tranh của VBI là ứng dụng hệ thống công nghệ 4.0 vào hoạt động và cung cấp dịch vụ, trong năm 2022, VBI tiếp tục cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung để khai thác dữ liệu một cách đồng nhất, triển khai công cụ BI (Business Intelligence) phục vụ công tác quản trị, điều hành.

Trong năm 2022, VBI sẽ dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức duy trì ở mức 12% – 14%. Với tổng số phiếu biểu quyết đồng ý chiếm đa số, Đại hội đã thống nhất thông qua các nội dung trình bày của Đoàn Chủ tịch tại đại hội. Đoàn Chủ tịch ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của cổ đông và trả lời thấu đáo trên tinh thần cầu thị và minh bạch.

Cathay Life Việt Nam đạt Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2022

(Baodautu) – Cathay Life vinh dự được nhận giải thưởng FAST500 cùng với những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Đây là năm thứ 02 Cathay nhận giải thưởng này.

Lễ công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2017 -2022 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cathay Life Việt Nam thành lập vào 07/2008, sau 14 năm vững vàng hoạt động sẽ tiếp tục xây dựng các kênh kinh doanh toàn thời gian, theo đường lối của riêng mình.

Quý I/2022, Cathay đã đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu phí 558 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến năm 2022, Công ty với mức vốn đầu tư hiện tại là 15.310 tỷ đồng, đã thiết lập 77 văn phòng kinh doanh tại 26 tỉnh thành phố từ Nam ra Bắc phục vụ người dân trên tất cả vùng miền, trong tương lai, sẽ mở rộng bố trí các thành phố khác, đẩy nhanh tốc độ phát triển địa phương, nhằm phục vụ theo sứ mệnh “Cùng gieo mầm hôm nay cho tương lai phồn thịnh” , củng cố lòng tin của người dân đối với thương hiệu Cathay Life Việt Nam và mang đến sự cam kết trọn

đời.

Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đã bước sang năm thứ 12 trên chặng đường tìm kiếm các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Theo khảo sát các doanh nghiệp FAST500 năm nay, 75,8% số doanh nghiệp cho biết vẫn giữ vững được đà tăng trưởng về doanh thu trong năm 2021; 72,6% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng lên so với năm 2020 và gần 1/3 doanh nghiệp trong số đó đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 75%. Đa số các doanh nghiệp đều tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong khoảng dưới 50% so với năm 2020, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp ghi nhận sự giảm sút về cả hai chỉ tiêu của năm 2021 so với năm 2020.

Để đạt được thành tích ấy, theo các doanh nghiệp FAST500, đó là nhờ việc triển khai tốt công tác điều hành, kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Những lợi thế sẵn có như đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao cũng góp phần làm nên thành công của gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Có thể thấy rằng, so với năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, các doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn. Sang tới năm 2021, các doanh nghiệp đã chủ động hơn với các biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và phù hợp, dần thích nghi với bối cảnh mới. Song song với đó, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 vẫn tiếp tục duy trì những chiến lược kinh doanh cốt lõi như phát triển thị trường hiện có, phát triển dòng sản phẩm mới, khai phá phân khúc thị trường tiềm năng…

LienVietPostBank sẽ chốt đối tác bảo hiểm độc quyền vào giữa tháng 6

(Vnexpress) – Lãnh đạo LienVietPostBank nói mục tiêu lợi nhuận 4.800 tỷ là khiêm tốn, chưa tính khoản phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền chốt vào tháng 6 năm nay.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 chiều 28/4, cổ đông đặt ra nhiều câu hỏi cho lãnh đạo ngân hàng, xoay quanh dự định hợp tác bán báo hiểm độc quyền và lý do VNPost nhiều lần thoái vốn không thành công.

Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn cho biết ngân hàng sắp hết hạn hợp đồng 5 năm bán bảo hiểm độc quyền cho Dai-ichi Life và đang tích cực đàm phán với các doanh nghiệp bảo hiểm lớn.

Việc bán bảo hiểm cho hãng Dai-ichi Life 5 năm qua theo ông Sơn là giai đoạn “tập dượt” để ngân hàng bước vào giai đoạn hợp tác độc quyền dài hạn 15-20 năm tới. Ngân hàng đã đàm phán qua nhiều vòng với doanh nghiệp và dự kiến giữa tháng 6 sẽ “chốt” thương vụ bán bảo hiểm độc quyền.

“Nếu thành công, kết quả kinh doanh của LienVietPostBank sẽ có thay đổi lớn trong năm 2022 khi ghi nhận thêm khoản phí trả trước”, ông nói.

Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng hơn 30% lên 4.800 tỷ đồng nhưng theo Phó chủ tịch ngân hàng, đây là kế hoạch khiêm tốn. Riêng trong quý đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành 37% kế hoạch năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.795 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, mục tiêu lợi nhuận hiện nay cũng chưa bao gồm khoản phí trả trước sẽ thu được từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền.

Bảo hiểm PVI tái bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm PVI Bến Thành và PVI Thủ Đô

(PVI) – Ngày 04/5/2022, Bảo hiểm PVI đã trao quyết định tái bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Bảo hiểm PVI Bến Thành cho ông Bùi Lê Dũng với thời hạn 3 năm.

Phát biểu tại buổi lễ, bên cạnh lời chúc mừng ông Bùi Lê Dũng, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, ông Phạm Anh Đức chia sẻ Bảo hiểm PVI đang tiếp đà tăng trưởng, giữ vị trí số 1 thị trường tính đến hết tháng 4/2022. Tổng giám đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của người đứng đầu mỗi đơn vị và đề nghị Bảo hiểm PVI Bến Thành vận dụng, phát huy tối đa sức mạnh nội lực, tăng trưởng song hành cùng toàn hệ thống.

Cảm ơn Ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI đã tin tưởng, tái bổ nhiệm chức vụ, ông Bùi Lê Dũng cam kết cùng Bảo hiểm PVI Bến Thành hoàn thành các chỉ tiêu Tổng công ty giao phó, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Bảo hiểm PVI bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm PVI Thủ Đô

(PVI) – Sáng ngày 29/4/2022, Bảo hiểm PVI đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Bảo hiểm PVI Thủ Đô cho ông Vũ Trung Kiên với thời hạn 3 năm.

Sau khi trao quyết định bổ nhiệm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, ông Phạm Anh Đức đã gửi lời chúc mừng tới ông Vũ Trung Kiên đồng thời đề nghị Ban lãnh đạo, CBNV Bảo hiểm PVI Thủ Đô cùng nhau quyết tâm vượt khó, phát triển kinh doanh đúng với định hướng của Tổng công ty.

Cảm ơn Ban lãnh đạo Tổng công ty đã tin tưởng giao trọng trách, ông Vũ Trung Kiên cam kết cùng toàn thể CBNV sẽ phấn đấu nỗ lực nỗ lực hết mình, chủ động hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Tổng công ty giao phó.

Theo Quyết định, ông Vũ Trung Kiên – Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm PVI Thủ Đô sẽ giữ chức vụ Giám đốc Công ty Bảo hiểm PVI Thủ Đô từ ngày 26/4/2022 thời hạn 3 năm.

  1. Nhịp đập thị trường

Thị trường bảo hiểm: Duy trì đà tăng trưởng với triển vọng tích cực trong dài hạn

(TBTCO) – Thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm 2022. Một số dự báo cho thấy, thị trường bảo hiểm vẫn được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Xa hơn nữa, thị trường này đang đứng trước cơ hội lớn hơn để khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển mạnh mẽ, bền vững khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được ban hành và có hiệu lực, cũng như Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2021 – 2030 được phê duyệt.

Nhiều cơ hội duy trì tăng trưởng trong năm 2022

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Long Khánh – Chuyên gia phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, thị trường bảo hiểm (TTBH) vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý đầu năm 2022. Điều đó cho thấy, thị trường đã vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 và còn nhiều dư địa phát triển một cách ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong ngắn hạn, ông Đỗ Long Khánh cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 sẽ là động lực giúp doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm để hưởng lợi từ chính sách.

Còn về trung hạn, bảo hiểm là ngành có tương quan nhất định đối với tăng trưởng kinh tế, do đó chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chung của thị trường. Theo định hướng của Chính phủ, mức tăng trưởng GDP mục tiêu cho năm 2022 là 6 – 6,5%. “Chúng tôi cho rằng đây là mức hoàn toàn có thể đạt được; từ đó, sẽ góp phần giúp gia tăng nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản cho các dự án đầu tư công, bảo hiểm hàng hóa cho các hoạt động xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy nổ cho các dự án xây dựng” – chuyên gia của BVSC phân tích.

Ngoài động lực chính đến từ nhu cầu phục hồi, theo ông Đỗ Long Khánh, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm còn đến từ việc các DN bảo hiểm đang đẩy mạnh đa dạng hóa các kênh bán hàng, nâng dần tỉ trọng doanh thu đến từ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng và kênh bảo hiểm số. Ngoài ra, việc phát triển kênh bán hàng online cũng đã có được căn cứ pháp lý rõ ràng hơn khi Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được hợp pháp hoá: đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP) và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021 theo Nghị định 97/2021/NĐ-CP). Các yếu tố này mặc dù chưa tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận bảo hiểm trong 2021, do nhu cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng có thể mở đường cho sự hồi phục mạnh mẽ hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, “lãi suất có xu hướng tăng dần trong năm 2022 sẽ hỗ trợ doanh thu tài chính của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, khi tiền gửi của các DN vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng danh mục đầu tư. Tuy vậy, với mức tăng vào khoảng 50-100 điểm cơ bản, chúng tôi cho rằng, các DN bảo hiểm nhân thọ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn” – Chuyên gia của BVSC nói.

Chất lượng thị trường sẽ có bước chuyển tích cực trong dài hạn

Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó, định hướng phát triển toàn diện TTBH đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế. Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt khoảng 3 – 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 – 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt khoảng 3,3 – 3,5% GDP. Được biết, hiện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đang hoàn thiện để trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTBH đến năm 2030. Chiến lược này sẽ xác định rõ ràng, cụ thể mục tiêu, định hướng và các giải pháp, cũng như lộ trình phát triển TTBH trong thời gian tới.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi để trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành. Theo các chuyên gia, khi được ban hành sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho TTBH Việt Nam phát triển mạnh và bền vững hơn trong tương lai.

Theo ông Đỗ Long Khánh, nếu được thông qua trong kỳ họp tới, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 sẽ có những ảnh hưởng tích cực đối với ngành bảo hiểm nói chung, cũng như đem lại lợi ích đối với nhà đầu tư, thể hiện qua những điểm: tăng cường trao quyền cho các DN bảo hiểm; nâng cao chất lượng hoạt động của DN; thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các DN tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh; trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của TTBH. “Điểm này cũng phù hợp với các kế hoạch thoái vốn nhà nước ở các DN bảo hiểm và thúc đẩy kế hoạch hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” – ông Khánh nói.

Cùng với đó, chất lượng hoạt động của DN cũng được tăng cao khi dự thảo đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin của các DN bảo hiểm. Cụ thể, dự thảo sửa đổi quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Bên cạnh đó, các DN được khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, đồng thời bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro DN trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm PVI thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo tại An Giang

(PVI) – Sáng ngày 28/4, ông Lương Quốc Đoàn – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tiếp xúc cử tri tại huyện Chợ Mới, An Giang. Tại đây, Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm PVI đã dành tặng 3 máy lọc nước cho Hội đồng nhân dân huyện (HĐND) và 30 phần quà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Trước đó, ngày 27/4, ông Lương Quốc Đoàn tiếp xúc cử tri tại 2 huyện Phú Tân và TX Tân Châu, tỉnh An Giang. Tại 2 điểm tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao tặng 6 máy lọc nước cho HĐND 2 huyện, thị xã và trao tặng 60 phần quà cho 60 hộ gia nghèo trên đại bàn 2 huyện, thị xã. Mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt.

Nhân đây, Chủ tịch Hội NDVN đã gửi lời cảm ơn đến bà con cử tri đã tin tưởng bầu mình trúng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh An Giang. Chủ tịch Hội NDVN cũng hứa với bà con cử tri trong nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội tại An Giang sẽ cùng đoàn đại biểu thực hiện giám sát và ghi nhận những ý kiến của bà con cử tri kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội để Chính phủ, Quốc hội có những chính sách phù hợp giúp cho bà con nông dân.

Chiều ngày 27/4, ông Lương Quốc Đoàn đã đến thăm và tặng quà gia đình ông Đặng Văn Bàng, thương binh 3/4, thuộc khóm Đông Thịnh 9, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chủ tịch Hội NDVN tặng 1 giỏ quà trị giá 1 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền mặt tới gia đình ông Bàng. Tại đây, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã ân cần thăm hỏi đến ông Bàng cùng gia đình, đồng thời chúc ông Bàng nhiều sức khỏe và có nhiều hơn nữa những đóng góp cho địa phương cũng như tỉnh An Giang.

Shinhan Life Việt Nam hỗ trợ bệnh nhi ung thư máu Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh

(TBTCO) – Ung thư máu là căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh ung thư ở trẻ em, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đồng hành cùng cha mẹ trong hành trình bảo vệ con trẻ, ngày 26/4/2022, đại diện Shinhan Life Việt Nam đã đến thăm bệnh nhi ung thư Khoa Huyết học lâm sàng Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh và trao tặng 100.000.000 đồng hỗ trợ cho các bé có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là hoạt động tiếp nối nỗ lực chia sẻ vì cộng đồng của Shinhan Life đánh dấu sự kiện ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Với slogan “Gửi trao diệu kỳ”, Shinhan Life luôn chú trọng đến những hoạt động cộng đồng nhằm chia sẻ gánh nặng với các gia đình Việt, trao gửi điều diệu kỳ mỗi ngày. Kể từ khi chính thức ra mắt thị trường vào 25/1/2022, Shinhan Life đã và đang thực hiện chương trình trao tặng miễn phí hơn 50.000 hợp đồng bảo hiểm ung thư máu “Shinhan – An Bình” cho khách hàng trên toàn quốc. Với cách thức tham gia trực tuyến đơn giản và hoàn toàn miễn phí, sản phẩm bảo hiểm bệnh ung thư máu cho trẻ em Shinhan – An Bình là kế hoạch dự phòng tài chính để bố mẹ vững tâm đồng hành cùng con.

Ông Lee Euichul – Tổng giám đốc của Shinhan Life Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực vì sức khỏe và hạnh phúc của gia đình Việt. Với kim chỉ nam hoạt động “Tài chính ấm áp” – Mang lại một thế giới tốt đẹp hơn bằng sức mạnh tài chính từ Tập đoàn mẹ Shinhan Financial Group, Shinhan Life Việt Nam mong rằng những chia sẻ nhỏ này là sự hỗ trợ kịp thời để các bé nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, chiến thắng được căn bệnh ung thư máu”.

Được biết, Công ty TNHH Bảo hiểm Shinhan Life Việt Nam có số vốn điều lệ ban đầu là 2.320 tỷ đồng, là công ty bảo hiểm nhân thọ có 100% vốn đầu tư từ Shinhan Life Insurance Corporation, Hàn Quốc. Chính thức hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam từ tháng 1/2022, Shinhan Life cung cấp các dịch vụ về bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và đầu tư tài chính.

  1. Tin quốc tế

Blue cung cấp bảo hiểm y tế nhóm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

(INA) – Công ty bảo hiểm nhân thọ kỹ thuật số Blue của Hồng Kông mới cho ra mắt sản phẩm WeMedi Group Medical Protector. Đây là chương trình bảo hiểm y tế theo nhóm được thiết kế để cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ một lựa chọn chăm sóc y tế hợp lý cho nhân viên.

Với mức phí tham gia từ 200 đô la Hồng Kông/năm cho mỗi nhân viên, WeMedi Group Medical Protector dành cho các công ty có tối thiểu ba nhân viên và không yêu cầu bảo lãnh y tế. Chương trình này cung cấp hai cấp độ quyền lợi – Đầu vào và Tiêu chuẩn, để doanh nghiệp có thể lựa chọn gói phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu của nhân viên.

Các thành viên của Gói Tiêu chuẩn có thể được hưởng thêm Quyền lợi tiền mặt tại bệnh viện, trong đó nhân viên được bảo hiểm nhập viện (tư nhân hoặc công) có thể nhận được số tiền mặt hàng ngày là 500 đô la Hồng Kông, tối đa là 182 ngày/mỗi năm hợp đồng, để giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian nằm viện.

Ông Charles Hung, Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Blue, cho biết: “Bằng cách khởi động kế hoạch này, Blue hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng cho bất kỳ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào đang gặp khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp lý cho nhân viên của mình và nâng cao chất lượng sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, đặc biệt là trong những thời điểm chưa từng có này”.

Cơ quan quản lý Philippines cấp giấy phép mới cho AIA Philippines

(INA) – Ủy ban Bảo hiểm Philippines đã cấp giấy phép mới cho AIA Philippines Life and General Insurance Company Inc. (AIA Philippines) sau khi sáp nhập với Philam Equitable Life Assurance Corporation (PELAC).

Giấy phép được cấp cho AIA Philippines sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) chấp thuận sáp nhập với PELAC vào tháng Ba.

Theo quy định, các công ty sáp nhập phải từ bỏ giấy phép hiện tại và nộp đơn xin cấp giấy phép mới với IC sau khi được SEC chấp thuận về việc sáp nhập.

Trước khi được SEC chấp thuận, PELAC đã thuộc sở hữu 100% của AIA Philippines nhưng vẫn là một công ty riêng biệt. Với việc sáp nhập này, AIA Philippines giờ đây sẽ tiếp nhận PELAC và đảm nhận tất cả các trách nhiệm của PELAC và khách hàng.

Lợi nhuận ròng Quý 1 của Bảo hiểm nhân thọ Hanwha giảm 70,6%.

(INA) – Hanwha Life Insurance Co. công bố cho biết, lợi nhuận ròng quý đầu tiên (Q1) của họ đạt 77,8 triệu đô la, giảm 70,6% so với năm trước.

Trong hồ sơ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, Hanwha Life Insurance cho biết, lợi nhuận hoạt động Quý I đạt 130,7 tỷ won, so với 436,7 tỷ won cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng tăng 3,5% lên 7,25 nghìn tỷ won.

Hanwha Life Insurance được coi là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai của Hàn Quốc.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh Quý 1 của Chubb tăng cao

(INN) – Chubb cho biết họ đã đạt được thu nhập kinh doanh quý đầu tiên và kết quả kinh doanh bảo hiểm kỷ lục, được hỗ trợ bởi phí bảo hiểm cao hơn và động lực phát triển trong hoạt động kinh doanh tiêu dùng trên toàn cầu.

Thu nhập ròng là 1,97 tỷ đô la Mỹ so với 2,3 tỷ đô la Mỹ một năm trước đó, trong khi thu nhập hoạt động cốt lõi tăng lên 1,64 tỷ đô la Mỹ từ 1,14 tỷ đô la Mỹ.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Evan Greenberg cho biết thu nhập từ bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tăng hơn gấp đôi lên mức kỷ lục 1,28 tỷ USD, trong khi tỷ lệ hoạt động kết hợp cải thiện về 84,3%.

Ông nói: “Phí bảo hiểm P&C toàn cầu, không bao gồm bảo hiểm nông nghiệp, đã tăng 10,7% tính theo đô la cố định trong quý, với phí bảo hiểm thương mại tăng 12% và phí bảo hiểm tiêu dùng tăng 8%, mặc dù tăng trưởng trên cơ sở đã được công bố bị ảnh hưởng bởi sức mạnh tăng lên của đồng đô la”.

“Trong các nghiệp vụ bảo hiểm tiêu dùng quốc tế của chúng tôi, tăng trưởng đang dần phục hồi, với phí bảo hiểm cá nhân tăng 10% và phí bảo hiểm tai nạn cá nhân và sức khỏe bổ sung tăng 8,6% tính bằng đô la cố định.”

Nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân có thu nhập cao của Mỹ tăng 7,4%.

Tổng tổn thất P&C trước thuế là 333 triệu đô la Mỹ so với 700 triệu đô la Mỹ cùng kỳ năm trước.

Ông Greenberg cho biết trên phần tài sản của bảng cân đối kế toán, thu nhập đầu tư ròng đã điều chỉnh chỉ đạt hơn 900 triệu đô la Mỹ.

Ông nói: “Với việc lãi suất tăng và chênh lệch ngày càng mở rộng, chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ đầu tư sẽ tăng lên”.

BHNT Meiji Yasuda Nhật Bản triển khai sáng kiến “Dễ dàng tiếp cận bảo hiểm cho mọi người” để thúc đẩy hòa nhập

(AIR) – Meiji Yasuda Life Insurance, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản, đã đưa ra sáng kiến ​​”Dễ dàng tiếp cận bảo hiểm cho mọi người”, được gọi là “phiên bản bao gồm tài chính của công ty bảo hiểm”.

Trong một tuyên bố, công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết: “Khi sự đa dạng trong xã hội tăng lên, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện để tăng sự thuận tiện cho khách hàng, chẳng hạn như các thủ tục điều chỉnh theo đặc điểm cá nhân của khách hàng, bao gồm cả người già, người khuyết tật, LGBTQ và những người từ nước ngoài”.

Meiji Yasuda Life cho biết thêm: “Gần đây, chúng tôi đã bổ sung phạm vi bảo vệ tài chính mới (chẳng hạn như đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính) vào các vấn đề ưu tiên của chúng tôi để thúc đẩy tính bền vững”. Doanh nghiệp bảo hiểm đã định vị nỗ lực nhằm giải quyết những bất tiện về thủ tục mà khách hàng gặp phải và cho phép họ mua và duy trì hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, là một phần của sáng kiến ​​“Dễ dàng tiếp cận bảo hiểm cho mọi người”, Meiji Yasuda đã tăng cường các dịch vụ cho khách hàng từ nước ngoài ”kể từ tháng 4 năm 2022, bao gồm:

– dịch vụ phiên dịch cho các ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Việt và tiếng Thái). Tổng đài viên có thể cung cấp hỗ trợ bằng cách thông dịch thông tin liên lạc với các đại lý.

– cung cấp thông tin bảo hiểm bằng tiếng Anh và tiếng Trung, v.v. “Hướng dẫn đi du lịch nước ngoài” của công ty bảo hiểm được xuất bản bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Trung dễ hiểu.

Meiji Yasuda Life cho biết, công ty sẽ đóng góp hơn nữa vào việc hiện thực hóa một xã hội bền vững và đầy hy vọng, thông qua việc tạo ra các giá trị được chia sẻ với khách hàng của mình với việc sử dụng các biện pháp như cập nhật nền tảng “Dễ dàng tiếp cận bảo hiểm cho mọi người”.

Manulife Hồng Kông triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

(INA) – Manulife Hồng Kông đang triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ y tế từ đầu đến cuối linh hoạt để hỗ trợ những người độc thân cao tuổi và các cặp vợ chồng bị hạn chế về hỗ trợ gia đình và các vấn đề về di chuyển.

Hợp tác với Trung tâm Dịch vụ Gia đình Cơ đốc (“CFSC”), Chương trình phục hồi sức khỏe của Manulife cho Người cao tuổi nhằm cung cấp 1.000 cuộc tư vấn y tế trực tuyến cho những người cao tuổi mục tiêu trong giai đoạn một, với sự hỗ trợ từ đầu đến cuối để giúp họ phục hồi sức khỏe tại nhà. Chương trình bao gồm các cuộc tư vấn trực tuyến với các nhà y học Trung Quốc và phương Tây và cung cấp thuốc.

Chương trình này xuất hiện sau làn sóng COVID-19 ở Hồng Kông đã ảnh hưởng đến nhu cầu y tế và phục hồi của người cao tuổi. Chương trình do Quỹ từ thiện Manulife tài trợ sẽ giúp những người cao niên xây dựng khả năng phục hồi và cung cấp cho họ sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu của họ trong thời kỳ đại dịch.

Chương trình dành cho người cao tuổi sẽ bắt đầu vào tháng 5 năm 2022 và kéo dài đến tháng 4 năm 2023.

Talanx sẽ bổ sung thêm nhiều nữ quản lý

(INN) – Tập đoàn Talanx dự định lấp đầy một nửa số vị trí quản lý còn trống cho các nhân viên và ứng viên nữ, đồng thời cho biết họ cũng đã cam kết trở thành “một nhà tuyển dụng thậm chí hấp dẫn hơn đối với những người có khả năng khác nhau”.

Talanx đang triển khai một chiến lược trên toàn thế giới vì cam kết “giữ vững chiến lược” Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DE&I) trong tổ chức của mình.

“Sự đa dạng làm phong phú và kết nối chúng tôi. Nó cho phép chúng tôi đưa ra quyết định tốt hơn và đạt được kết quả hiệu quả hơn”, Giám đốc điều hành Talanx, Torsten Leue cho biết.

“Chúng tôi muốn xây dựng sức mạnh này và củng cố hơn nữa mức hiệu suất và hiệu quả tốt của chúng tôi”.

Talanx đã vạch ra 6 nguyên tắc chiến lược: Bình đẳng về cơ hội, công bằng và tôn trọng; Không chịu phân biệt đối xử; Hành động khi bị nghi ngờ bắt nạt, quấy rối và phân biệt đối xử; Ghi nhận những người thực hiện hành động; Huấn luyện nhân viên; và công bố các chỉ số trung tâm.

Trong những tháng tới, Talanx sẽ thực hiện các hướng dẫn về ngôn ngữ hòa nhập trong các bộ phận khác nhau, cho biết DE&I đóng một phần không thể thiếu trong thành công thương mại của mình và khả năng hoạt động cũng như sức mạnh của sự đổi mới có thể được cho là “phần lớn là do sự đa dạng của nhân viên như cũng như văn hóa doanh nghiệp củng cố sự đa dạng”.

Ông Christopher Lohmann, thành viên HĐQT Talanx, nói rằng sự đa dạng giúp cải thiện sự hợp tác và củng cố cộng đồng.

Ông nói: “Nhân viên không chỉ có thể cảm thấy an toàn và được đánh giá cao với các con đường sự nghiệp và dấu ấn nhận dạng khác nhau của mình mà họ còn có thể mang lại những quan điểm khác nhau về môi trường làm việc và nhiệm vụ được giao”.

Cựu Giám đốc Allianz đảm nhận vị trí mới tại Prudential

(INA) – Prudential đã bổ nhiệm ông Solmaz Altin vào vị trí mới của Tập đoàn là Giám đốc Chuyển đổi Chiến lược.

Ông Altin có 25 năm kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp. Trước đây, ông là Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Allianz, nơi ông đang cải thiện dấu ấn của mình trong khu vực và tăng lợi nhuận hoạt động cũng như thành lập các tổ chức bảo hiểm và quản lý tài sản mới ở Trung Quốc.

Trước đó, Altin là Giám đốc Kỹ thuật số của Tập đoàn tại Allianz Group, thúc đẩy những thay đổi văn hóa và biến đổi lâu dài bằng các chiến lược kỹ thuật số lấy khách hàng làm trung tâm.

Altin gia nhập Prudential vào ngày 1 tháng 5 và sẽ làm việc tại trụ sở ở Singapore.

Generali Châu Á bổ nhiệm Giám đốc bảo hiểm nhân thọ Ấn Độ mới

(INA) – Generali Châu Á đã bổ nhiệm ông Bruce de Broize làm Giám đốc Điều hành kiêm Tổng Giám đốc của Bảo hiểm Nhân thọ Future Generali Ấn Độ (FGILI).

Việc bổ nhiệm này diễn ra sau động thái của Generali nhằm củng cố vị trí của mình trong FGILI bằng cách hoàn tất giao dịch để trở thành cổ đông chi phối.

Ông De Broize đã có hơn 34 năm kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm cá nhân và thiệt hại. Ông đã đảm nhận một loạt các vai trò lãnh đạo cấp cao. Gần đây nhất, ông là Giám đốc phân phối khu vực của Generali Châu Á có trụ sở tại Hồng Kông, và trong 5 năm, ông đã giám sát hoạt động phân phối của Generali trên khắp Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Ông De Broize sẽ tiếp nhận vị trí hiện tại từ ông Miranjit Mukherjee, người đã giữ chức Giám đốc điều hành tạm thời kể từ tháng 9 năm 2021.

HKFI bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban điều hành

(INA) – Liên đoàn các công ty bảo hiểm Hồng Kông (HKFI) gần đây đã bổ nhiệm cô Winnie Wong làm Chủ tịch của Ủy ban điều hành mới được thành lập cho nhiệm kỳ 2022-2023.

Cô Wong có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn Bảo hiểm và Quản lý Rủi ro và là một chuyên gia được công nhận trong ngành, thường xuyên phát biểu tại một số hội nghị ngành và rất tích cực trong ngành bảo hiểm và cộng đồng.

Cô cũng là ủy viên hội đồng tại Đại hội đồng Bảo hiểm và là Chủ tịch Nhóm Đặc trách về Chứng khoán liên kết với Bảo hiểm.

Wong là Giám đốc điều hành kiêm thành viên HĐQT Công ty TNHH Bảo hiểm Châu Á và Công ty TNHH Bảo hiểm Avo. Trước khi làm việc cho Bảo hiểm Châu Á, cô là Giám đốc điều hành của Aon Risk Solutions Hong Kong / Ma Cao và Trợ lý Tổng Giám đốc của Royal & Sun Alliance Insurance.

Được thành lập vào tháng 8 năm 1988, HKFI được Chính phủ HKSAR công nhận đầy đủ với tư cách là cơ quan bảo hiểm đại diện của ngành. Liên đoàn này tồn tại để quảng bá bảo hiểm cho người dân Hồng Kông và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào ngành bằng cách thúc đẩy các tiêu chuẩn cao về đạo đức và tính chuyên nghiệp giữa các thành viên.

BTV (Tổng hợp).