TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 13

Hủy Wimbledon 2020 – may mắn vì có bảo hiểm; Ấn Độ ra mắt bảo hiểm COVID-19 giá rẻ; FWD hoàn tất mua lại Vietcombank-Cardif

I.             Tin trong nước

1.       Tin bồi thường, tổn thất

ABIC Thanh Hóa nhanh chóng tạm ứng bồi thường vụ TNGT thảm khốc

(ABIC) – Tối ngày 07/04/2020, ABIC Thanh Hóa nhận được tin xảy ra vụ TNGT thảm khốc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm tử vong 2 người, 1 người bị thương nặng giữa ô tô tải mang BKS 36C-284.74 và xe máy mang BKS 36B7-479.55 chở 03 em học sinh đều sinh năm 2004 tại tuyến đường Nguyễn Xuân Nguyên, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ô tô 36C-284.74 có tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc tại ABIC Thanh Hóa.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ABIC Thanh hóa đã chỉ đạo Phòng GĐBT thực hiện ngay thủ tục giám định theo quy định, hướng dẫn khách hàng và thu thập các hồ sơ để hoàn thiện bồi thường. Được biết, chủ xe 36C-284.74 là khách hàng có dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam – Chi nhánh Nông Cống, Nam Thanh Hóa, vì vậy sáng ngày 09/04/2020, ABIC Thanh Hóa đã phối hợp cùng Agribank Nông Cống nhanh chóng tạm ứng số tiền bồi thường 100tr cho Khách hàng để bồi thường và lo ma chay, chi phí điều trị y tế cho 03 nạn nhân.

Nhận số tiền tạm ứng bồi thường, chủ xe gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ABIC Thanh Hóa cũng như Agribank Nông Cống đã quan tâm, kịp thời, nhanh chóng tạm ứng bồi thường trên cho khách hàng để lo ma chay, chi phí điều trị y tế, động viên kịp thời đến gia đình các nạn nhân.

2.       Một vòng doanh nghiệp

Tập đoàn FWD hoàn tất việc mua lại Công ty BHNT Vietcombank-Cardif

(ĐTCK) – Tập đoàn FWD (FWD) chính thức thông báo đã nhận được sự chấp thuận theo luật định cho việc mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI), công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và BNP Paribas Cardif.

Việc mua lại VCLI giúp FWD mở rộng sự hiện diện và tăng thị phần của mình tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, đồng thời, khẳng định sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam. FWD mong được chào đón chính thức các nhân viên, đối tác kinh doanh và khách hàng của VCLI ngay sau sự kiện này.

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Tổng giám đốc Tập đoàn FWD, Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á và chúng tôi vui mừng mở rộng sự hiện diện của mình tại đây thông qua giao dịch quan trọng này.

“Việc mua lại này là minh chứng vững chắc cho niềm tin của chúng tôi vào sự tăng trưởng và tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam”, ông Phong nói.

FWD sẽ sớm đổi tên công ty mới mua lại và việc chuyển đổi thương hiệu chính thức sẽ được diễn ra trong vài tháng tới. Việc chuyển đổi này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng hiện tại với VCLI. FWD sẽ tiếp tục chăm sóc tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện tại của VCLI sau khi hoàn tất giao dịch.

Cuối tháng 3/2020, hãng bảo hiểm này đã công bố tăng vốn điều lệ từ 3.675 tỷ đồng lên hơn 13.937 tỷ đồng và trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.

Bảo Minh hoãn họp ĐHĐCĐ vào tháng 4/2020, điều chỉnh giảm doanh thu và lợi nhuận

(ĐTCK) – Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) vừa thông báo, sẽ hoãn họp ĐHĐCĐ dự kiến  tổ chức vào ngày 13/4/2020. Thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ sẽ căn cứ vào diễn  biến tình hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm và không thể lường trước, nhằm ứng phó một cách có hiệu quả trước các tác động của dịch bệnh, củng cố và duy trì sự phát triển bền vững, ổn định của Bảo Minh, tích lũy nội lực để tạo đà tăng trưởng trong tương lai ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát…  

HĐQT BMI dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2020 với tổng doanh thu (không bao gồm doanh thu chênh lệch tỷ giá) kế hoạch năm 2020 dự kiến là  3.218,2 tỷ đồng (đạt 70,24% doanh thu thực hiện năm 2019); Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế kế hoạch năm 2020 dự kiến 175 tỷ đồng(đạt 79,32% so với thực hiện năm 2019); Tỷ lệ chia cổ tức/vốn điều lệ là 10%.

Được biết, tổng doanh thu năm 2019 của Bảo Minh là 4.593 tỷ đồng, đạt 100,3%so với kế hoạch và tăng trưởng 7,5% so năm2018. Lợi nhuận kế toán trước thuế 220,6 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2019 của Bảo Minh vẫn thấp hơn so với tốc độ chung của thị trường, nhất là tại các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội.

PTI dời ĐHĐCĐ chậm nhất vào cuối tháng 6/2020

(ĐTCK) – Tin từ PTI cho biết, HĐQT Công ty vừa thông qua việc hoãn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, chậm nhất vào ngày 30/6/2020. Thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sẽ được thống nhất sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ổn định.

Kết thúc năm 2019, doanh thu bảo hiểm gốc của PTI đạt 5.801 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 133,61 tỷ đồng,  tỷ lệ trả cổ tức dự kiến là 10%. 

Hãng bảo hiểm này đang chiếm gần 11% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ với vị trí thứ 3 về thi phần trên thị trường.

Năm 2020, PTI tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc là 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục giữ vững vị trí số 3 thị trường về doanh thu.

Hai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người tiếp tục là 2 nghiệp vụ nòng cốt của Công ty.

Kế hoạch dự kiến là doanh thu bảo hiểm tối thiểu đạt 8.000 tỷ đồng vào năm 2022, tăng thị phần lên 12%, cổ tức bình quân tối thiểu vẫn dự kiến 10%/năm.

PJCO đảm bảo phục vụ khách hàng an toàn mùa dịch dù cách ly xã hội

(PJICO) – Liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Việt Nam, trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, đồng thời ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc chỉ đạo cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 01/04/2020. Theo đó, cần giữ khoảng cách trong xã hội, giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của mình.

Trước tình hình này, để hoạt động kinh doanh được thông suốt, phục vụ nhu cầu bảo hiểm 24/7, giúp khách hàng không bị gián đoạn sử dụng dịch vụ trong điều kiện cách ly xã hội, PJICO ra mắt chương trình “Bảo hiểm online – Good bye Covid” kéo dài 03 tháng từ ngày 04/04/2020 – 30/6/2020 với những thông điệp ý nghĩa, cùng chính sách hấp dẫn dành tặng khách hàng.  

PJICO đảm bảo việc cấp bán bảo hiểm diễn ra thuận lợi, an toàn tuyệt đối cho khách hàng, cũng như đội ngũ nhân viên, đại lý trong mùa dịch, theo đó, khách hàng sẽ được PJICO phục vụ bằng hình thức online toàn diện tại tất cả các khâu, bao gồm cấp đơn bảo hiểm online, xuất hóa đơn điện tử online và thanh toán online.

Thay vì mua trực tiếp như thông thường, PJICO kỳ vọng thay đổi thói quen, hành vi mua bảo hiểm của khách hàng, chuyển sang mua trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, văn minh và phù hợp bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Chương trình áp dụng đối với sản phẩm bảo hiểm Vật chất xe ô tô và bảo hiểm Nhà tư nhân. Với mong muốn chia sẻ với khách hàng vốn đã gặp khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, PJICO giảm phí lên tới 30% trong thời gian diễn ra chương trình.

Một thông điệp ý nghĩa của chương trình là ngoài ưu đãi về phí bảo hiểm, đối với mỗi giao dịch thành công, khách hàng sẽ đóng góp một phần vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Cụ thể, mỗi 01 triệu đồng phí bảo hiểm khách hàng mua, thanh toán online qua website ipjico.vn, PJICO sẽ trích 50.000 đồng đóng góp vào quỹ này.

Thông qua chương trình, khách hàng cùng PJICO chung tay thực hiện trách nhiệm xã hội, cộng đồng, hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi. 

3.       Nhịp đập thị trường

Chi trăm triệu USD cho AI, bảo hiểm nhân thọ đã ra được sản phẩm gì?

(ĐTCK) – Thời gian qua, các hãng bảo hiểm nhân thọ đã chi hàng trăm triệu USD để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và ngân sách dành cho nền tảng này được cho là sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi bắt đầu phát huy hiệu quả trên thực tế. 

Bắt nhịp nhanh với xu thế công nghệ hóa, từ năm 2016, AIA đã ra mắt trang giao dịch trực tuyến “MyAIA – Bảo hiểm của tôi” và đến nay, MyAIA được phát triển thành một công cụ để khách hàng dễ dàng thực hiện hơn 10 tính năng quan trọng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thu hút gần 100.000 khách truy cập và sử dụng.

Ðáng chú ý, AIA đã áp dụng công nghệ AI nhận dạng thông tin tự động và khuyến khích khách hàng sử dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy.

“Khách hàng chỉ cần chụp hình chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, thông tin sẽ được nhận dạng tự động trong 2-3 giây và độ chính xác tới 98-99%”, đại diện AIA cho hay.

AIA cũng là công ty bảo hiểm duy nhất tại Việt Nam dùng công nghệ AI trong thẩm định bồi thường. Theo đại diện Công ty, với công nghệ này, việc thẩm định sẽ hạn chế sai sót, đảm bảo tính chính xác cao vì không bị chi phối bởi cảm tính và khách hàng có thể nhận tiền bồi ngay…

Với Prudential, trọng tâm thúc đẩy công nghệ của Prudentital châu Á hiện nay là Pulse by Prudential – ứng dụng Sức khỏe được phát triển trên nền tảng AI. Pulse đang được sử dụng tại 8 thị trường châu Á và đã đạt được hơn 1 triệu lượt tải kể từ khi ra mắt năm 2019.

Một chức năng của Pulse được thiết kế riêng cho phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ là PruWorks, sau khi ra mắt tại Singapore và Indonesia, hiện được cải tiến với hệ thống quản trị mới và kết nối trực tiếp nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Prudential cũng đã ra mắt Opus tại Singapore, nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp (High Net Worth – HNW).

Sự đổi mới này nằm trong chiến lược khai thác phân khúc khách hàng thuộc nhóm các dịch vụ cộng thêm nhằm gia tăng sức khỏe và bảo vệ, hưu trí… Ðược biết, Pulse dự kiến ra mắt người dùng tại thị trường Việt Nam trong tháng 4 này.

Tuy mới gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từ năm 2016, nhưng đến nay, FWD đã đầu tư cả trăm triệu USD cho công nghệ, thực hiện số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, tư vấn và nộp hồ sơ bảo hiểm, theo dõi và phát hành hợp đồng, đến bồi thường bảo hiểm…

Với FWD, chiến lược số hóa quy trình hoạt động đều được áp dụng tại các thị trường mà hãng bảo hiểm này có mặt, chẳng hạn áp dụng chi trả bồi thường qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Hồng Kông, Ma Cao, ứng dụng kỹ thuật số trong thẩm định và phân phối bảo hiểm nhân thọ tại Indonesia, sử dụng chatbot hướng dẫn quy trình bồi thường bảo hiểm du lịch yêu cầu bồi thường qua Paynow tại Singapore và tại Việt Nam, FWD tiên phong bán bảo hiểm qua trang thương mại điện tử Tiki…

Theo đại diện FWD, công nghệ hiện chiếm 60% ngân sách IT của Tập đoàn.

Bắt đầu mở rộng hợp tác với các đối tác Fintech như Thebank.vn và Gobear nhằm đa dạng kênh phân phối, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tiết kiệm thời gian trong việc lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp, Hanwha Life có tham vọng thực hiện cuộc cách tân công nghệ thông qua việc cung cấp hàng loạt tiện ích trên nền tảng 4.0 cho khách hàng như chương trình duyệt chi trả bồi thường tự động (Jetclaim), hệ thống nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission), cổng thông tin khách hàng trực tuyến và rút ngắn đầu số hotline…, đặc biệt là việc thành lập bộ phận Phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao năng lực công nghệ số, cũng như chất lượng dịch vụ khách hàng trong tương lai. Chiến lược này đang được hẫu thuẫn tối đa từ tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc.

Trên thực tế, chiến lược số hóa quy trình nghiệp vụ trong các giao dịch bảo hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Theo đại diện AIA, việc đầu tư mạnh không chỉ là để cải tiến công nghệ, mà còn nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng.

4.       Bảo hiểm với cộng đồng

ABIC Phú Thọ cùng Agribank chung tay chống dịch Covid-19

(ABIC) – Chung tay cùng cả nước và ngành ngân hàng, bảo hiểm từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, trong thời gian qua, ABIC cùng Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, không những đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro bệnh tật cho CBNV mà còn đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt phục vụ nhu cầu của khách hàng, người dân. Một trong những hoạt động đó là chương trình “ABIC Phú Thọ chung tay cùng các Tổng đại lý Agribank phòng chống dịch covid-19”, diễn ra tại địa bàn tỉnh Phú Thọ từ ngày 25/3/2020.  

ABIC Phú Thọ đã thực hiện trao tặng hơn 200 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn và 2500 chiếc khẩu trang 08 Tổng đại lý Agribank trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho CBNV Agribank vững tâm hơn trong thời gian phòng chống dịch bệnh. 

Chương trình thiết thực của ABIC Phú Thọ được các Tổng đại lý Agribank đánh giá cao. Hoạt động này cũng đã thể hiện sự gắn kết, đồng hành, sẻ chia giữa ABIC và Agribank, đồng thời củng cố và làm bền chặt mối quan hệ sự hợp tác giữa ABIC- AGRIBANK trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng và toàn quốc nói chung ngày càng gắn bó, phát triển.

5.       Tin quốc tế

Hủy Wimbledon 2020: may mắn vì có bảo hiểm

(IBM) – Câu lạc bộ quần vợt All England Lawn (AELTC) tuần trước đã tuyên bố hủy bỏ Giải vô địch Wimbledon 2020. Ủy ban Tài chính và Rủi ro của AELTC cho biết, sự kiện lớn này đã được bảo hiểm chống lại đại dịch virus Corona.

“Chúng tôi may mắn được bảo hiểm và điều đó thực sự có ích”, báo The Guardian dẫn lời Giám đốc điều hành AELTC Richard Lewis hôm thứ Năm tuần trước. “Các công ty bảo hiểm, môi giới và tất cả mọi người có liên quan đã phối hợp để giải quyết một cách rất tuyệt vời đến thời điểm này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Một báo cáo trước đây của Sportsmail cho biết, Ủy ban Tài chính và Rủi ro của câu lạc bộ đã cương quyết đề nghị mua bảo hiểm dịch bệnh, từ đó mở đường cho việc nâng cấp điều khoản hợp đồng bảo hiểm Wimbledon vài năm trước.

Theo thông tin được công bố từ một quan chức của câu lạc bộ đã mô tả chi phí bồi thường ước tính “khoảng 7 con số ở mức thấp”, tương đương với thiệt hại do gián đoạn hoạt động trong trường hợp Vương quốc Anh trải qua thời kỳ quốc tang Nữ hoàng.

Trong khi đó, The Times và The Guardian ước tính chi phí bồi thường cho việc hủy sự kiện thể thao này vượt quá 100 triệu bảng (khoảng 123,7 triệu USD). Tin cho hay, AELTC đang trong quá trình đưa ra yêu cầu bồi thường.

Wimbledon sẽ trở lại thi đấu vào năm tới, trong đó giải Wimbledon lần thứ 134 diễn ra từ ngày 28/6 đến ngày 11/7/2021. Hiện tại, các nỗ lực của câu lạc bộ sẽ tập trung vào việc đóng góp vào ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chủ tịch AELTC Ian Hewitt nói: “Tôi đã cân nhắc rất nhiều về suy nghĩ của chúng tôi rằng từ trước tới nay, Giải vô địch chỉ bị gián đoạn khi có Thế chiến. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng và rộng rãi tất cả các kịch bản, chúng tôi tin rằng quyết định cuối cùng về việc hủy bỏ Giải vô địch năm nay là thước đo đúng của cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Thay vào đó, cần tập trung vào việc sử dụng nguồn lực của Wimbledon để giúp đỡ những người trong cộng đồng địa phương và hơn thế nữa”.

Ra mắt sản phẩm bảo hiểm COVID-19 giá rẻ

(AIR) – Một ứng dụng thanh toán di động Ấn Độ đã liên kết với Bảo hiểm phi nhân thọ Bajaj Allianz cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm COVID-19 với mức phí phải chăng cho thị trường Ấn Độ.

Hợp đồng bảo hiểm virus Corona mới bảo vệ cho tất cả các chi phí y tế có thể phát sinh nếu chủ hợp đồng bị nhiễm COVID-19. Sản phẩm này được cung cấp trên ứng dụng PhonePe cho người dùng điện thoại Android và Apple.

Theo đó, khách hàng sẽ phải đóng khoản phí một lần là 156 INR (2 USD) để được bảo hiểm trị giá 50.000 USD. Phạm vi bảo hiểm bao gồm chi phí nhập viện ở bất kỳ bệnh viện nào và chi phí cho các xét nghiệm, thuốc men và phí tư vấn trong 30 ngày cả trước và sau khi nhập viện.

Người được bảo hiểm không cần phải xét nghiệm và ngay sau khi người tham gia bảo hiểm hoàn tất thanh toán qua ứng dụng thì hợp đồng kỹ thuật số sẽ được phát hành trực tuyến. Điều kiện duy nhất là người được bảo hiểm sẽ chỉ đủ điều kiện để yêu cầu bồi thường nếu được chẩn đoán mắc COVID-19 sau 15 ngày kể từ ngày mua hợp đồng bảo hiểm.

Ông Sameer Nigam, người sáng lập và CEO của PhonePe, cho biết: “để góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong những thời điểm khó khăn này, PhonePe đã quyết định từ bỏ hoa hồng của mình để phối hợp cùng Bajaj Allianz đưa ra sản phẩm bảo hiểm với giá cả phải chăng”.

Ngành tái bảo hiểm vững vàng trước rủi ro gián đoạn từ COVID-19

(AIR) – Trong khi COVID-19 làm gián đoạn nghiêm trọng thị trường tài chính, các công ty tái bảo hiểm đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn trong mùa tái tục tháng 4. Theo đó, tỷ lệ phí tăng đáng kể đối với các nghiệp vụ bị tổn thất và tăng ít hơn đối với hoạt động kinh doanh không bị tổn thất.

Đây là nội dung được nêu trong báo cáo tái tục lần 1 mới nhất từ Willis Re, công ty tái bảo hiểm thuộc hãng môi giới Willis Towers Watson.

Theo báo cáo, lĩnh vực tái bảo hiểm toàn cầu đã chuyển sang mô hình làm việc tại nhà mới sau khi dịch COVID-19 bùng phát và có thể cung cấp dịch vụ không bị gián đoạn.

Giám đốc điều hành toàn cầu của Willis Re, ông James Kent, nói: “Cho đến nay, ngành tái bảo hiểm toàn cầu đã chứng tỏ khả năng quản lý các thách thức hoạt động của COVID-19, sẵn sàng cho việc quản lý thách thức tài chính dài hạn và tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ các công ty bảo hiểm gốc và chủ hợp đồng”.

Theo ông, thời điểm gián đoạn COVID-19 may mắn xảy ra đúng lúc thị trường tái bảo hiểm toàn cầu đang ở trong tình trạng tài chính rất mạnh và được hỗ trợ bởi các quy định nghiêm ngặt.

Đối với các mùa tái tục tháng 4, mức tăng phí bảo hiểm tài sản (được điều chỉnh theo rủi ro) lớn nhất xảy ra đối với các hợp đồng tái bảo hiểm cố định về thảm họa và chịu tổn thất, tăng từ 30% đến 50% đối với rủi ro gió của Nhật Bản. Trong khi đó, các hợp đồng tái bảo hiểm cố định không chịu tổn thất có mức độ tăng phí thấp hơn và trong một số ít trường hợp được gia hạn khi hết hạn.

Tuy nhiên, năng lực tái bảo hiểm thay thế từ các sản phẩm bảo hiểm chứng khoán liên kết bảo hiểm giảm nhẹ.

Đồng thời, phản hồi của các nhà tái bảo hiểm với rủi ro COVID-19 bị ảnh hưởng bởi thời gian và các cân nhắc bảo hiểm cơ bản. Trong khi những hợp đồng tái được ký kết sớm không có điều khoản loại trừ cụ thể thì một số các công ty tái bảo hiểm sau đó đã bổ sung quy định loại trừ trong hợp đồng.

Guy Carpenter hợp tác để phân tích “rủi ro mạng thầm lặng”

(INN) – Guy Carpenter đã hợp tác với RiskGenius để phát hiện và phân tích tốt hơn về “rủi ro mạng thầm lặng”.

“Rủi ro mạng thầm lặng” đề cập đến những tổn thất tiềm ẩn liên quan đến không gian mạng xuất phát từ các hợp đồng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm truyền thống không được thiết kế riêng để bảo vệ cho rủi ro không gian mạng.

RiskGenius sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá các rủi ro mới nổi trong danh mục các hợp đồng bảo hiểm.

Guy Carpenter cho biết những đánh giá này sẽ được xử lý theo các kỹ thuật tiên tiến để tạo ra phân tích cấp độ danh mục sản phẩm tùy chỉnh.

Giám đốc chiến lược rủi ro mạng của Guy Carpenter, cô Erica Davis, cho biết làm việc với RiskGenius sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về “rủi ro mạng thầm lặng” từ các hợp đồng cá nhân cho đến cấp độ ngành.

“Rủi ro mạng thầm lặng vẫn là một vấn đề tồn tại trong toàn ngành. Để giải quyết thách thức này, các công ty yêu cầu một phương tiện hiệu quả để đánh giá mức độ phù hợp và định lượng rủi mạng thầm lặng trên danh mục sản phẩm của mình”, cô Erica nói.

Thị trường Úc vật lộn với yêu cầu bồi thường do thời tiết khắc nghiệt và Covid-19

(IAN) – Theo Hội đồng Bảo hiểm Úc (ICA), năm nay, ngành bảo hiểm Úc phải vật lộn với thảm họa chồng lên thảm họa từ tác động của Covid-19 và thời tiết mùa hè khắc nghiệt.

Mùa hè vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường Úc: chỉ tính riêng ở New South Wales và Lãnh thổ Thủ đô Úc, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 13 triệu ha đất. Các công ty bảo hiểm và môi giới bảo hiểm đang phải đối mặt với tác động ghê gớm từ hơn 252.000 yêu cầu bồi thường trị giá 4,6 tỷ đô la Úc (2,82 tỷ đô la Mỹ), người phát ngôn của ICA Campbell Fuller cho biết.

Gần đây nhất, vùng áp thấp mạnh ở bờ biển phía đông Úc hồi tháng Hai sẽ khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm phải trả khoảng 794 triệu đô la Úc (484,3 triệu đô la Mỹ), theo Perils.

Về sự bùng phát Covid-19 hiện tại, bảo hiểm phi nhân thọ được chính phủ coi là một dịch vụ thiết yếu, do đó sẽ không bị hạn chế từ các quy định mới. Tuy nhiên, ICA nói rằng đây không phải là “hoạt động kinh doanh như bình thường – mà hoàn toàn khác. Covid-19 đang có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp; và thực tế không thể tránh khỏi là nhiều khách hàng sẽ bị trì hoãn và gián đoạn”.

ICA lưu ý rằng các công ty bảo hiểm thành viên đang tìm cách hỗ trợ từng chủ hợp đồng là doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ gia đình – đặc biệt là những đối tượng đang gặp khó khăn về tài chính.

ICA đang tìm kiếm sự rõ ràng hơn nữa từ các chính phủ ở cấp liên bang, tiểu bang và lãnh thổ về các thỏa thuận dịch vụ thiết yếu, đồng thời thành lập một đội đặc nhiệm chuyên về virus Corona để giải quyết các vấn đề và yêu cầu liên quan.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng rủi ro của ICA Karl Sullivan lưu ý rằng hầu hết các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu toàn bộ tổn thất từ sự bùng phát virus do các điều khoản loại trừ. Ông Sullivan cho biết: “Hầu hết hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh bảo vệ cho doanh thu bị mất do thiệt hại vật chất đối với tài sản được bảo hiểm”.

Các cơ quan quản lý tài chính của Úc – Cơ quan quản lý thận trọng Úc (APRA), Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) – cũng đã tuyên bố chuyển hướng các nguồn lực để tập trung vào việc chống lại tác động của Covid-19 với thị trường.

Đối với nước láng giềng New Zealand, các công ty bảo hiểm và Hội đồng bảo hiểm New Zealand (ICNZ) đã cam kết “hỗ trợ toàn bộ ngành bảo hiểm… trong cuộc khủng hoảng Covid-19”.

Ông Tim Grafton, Giám đốc điều hành ICNZ cho biết: “Ngành bảo hiểm vẫn luôn sẵn lòng hỗ trợ khách hàng và các yêu cầu bồi thường. Bảo hiểm, với tư cách là một dịch vụ thiết yếu đã được xác định, khách hàng có thể tin tưởng rằng các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục giúp đỡ họ – bất kể nhân viên của họ đang làm việc ở đâu và dưới hình thức nào”.

QBE và Marsh hợp tác, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19

(IAN) – Bảo hiểm QBE và môi giới Marsh Commercial đã hợp tác để hỗ trợ các đơn vị ở tuyến đầu chống lại đại dịch COVID-19. Khi nhóm nghiên cứu của một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia lớn ở Anh muốn hỗ trợ và làm việc cùng với các nhân viên chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia để kiểm tra các bệnh nhân nghi ngờ COVID-19 tại các bệnh viện và phòng khám trên cả nước, QBE đã đồng ý mở rộng phạm vi bảo hiểm của người sử dụng lao động đối với tất cả các tình nguyện viên mà không tính thêm phí.

QBE hiện đang cung cấp bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của chủ lao động cho tập đoàn dược phẩm này. Do đó, khi Marsh Commercial đề xuất gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm của chủ lao động, QBE sẵn sàng đồng ý gia hạn mà không yêu cầu khách hàng phải đóng thêm phí và không hạn chế phạm vi bảo hiểm cho các tình nguyện viên.

Duy trì kỷ luật đánh giá rủi ro thận trọng, cân bằng với cách tiếp cận linh hoạt, QBE có thể đánh giá các mối nguy hiểm và xác định cách thức quản lý rủi ro, từ đó tiến hành đánh giá rủi ro và cung cấp phản hồi trong cùng ngày.

Giám đốc đánh giá rủi ro bảo hiểm thiệt hại khu vực của QBE, ông Janine Wood cho biết: “Cách tiếp cận của chúng tôi tại QBE luôn luôn là xử lý mọi trường hợp theo giá trị riêng của chúng và lần nào cũng vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà những đơn vị khác không thể làm được.

“Thật quá dễ dàng để nói lời từ chối trong bối cảnh không chắc chắn và trước đó chưa từng xảy ra. Nhưng với QBE, miễn là đáp ứng được các tiêu chí đánh giá rủi ro thì chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ khách hàng. Cách tiếp cận này chưa bao giờ quan trọng đến thế nếu QBE được hỗ trợ cho tình trạng tài chính tương lai của khách hàng cũng như hỗ trợ đất nước và cộng đồng toàn cầu rộng lớn hơn để giúp chống lại virus”.

Giám đốc khách hàng của Marsh Commercial, ông Liam O’Rourke, nói: “Thật dễ dàng nếu QBE muốn căn cứ trên các điều khoản hợp đồng để nói không với yêu cầu bồi thường, nhưng ngược lại, QBE sẵn sàng lắng nghe và tìm ra giải pháp để giúp doanh nghiệp khách hàng thực hiện được việc hỗ trợ cho các dịch vụ y tế.

“Vào thời điểm ngành bảo hiểm đang bị tai tiếng từ báo giới, thật tuyệt vời khi thấy phản hồi nhanh chóng và tích cực từ QBE, công ty đã tăng cường hỗ trợ khách hàng chung của chúng tôi trong thời điểm thực sự cần thiế”t.

Trong môi trường đang biến chuyển nhanh chóng, QBE và Marsh Commercial luôn đối thoại với khách hàng để đảm bảo trong mọi lúc, tất cả các nhân viên trên tuyến đầu đều được hỗ trợ một cách phù hợp.

Munich Re Specialty bổ nhiệm Giám đốc điều hành châu Á

(IAN) – Hui Yun Boo, nguyên là Giám đốc điều hành châu Á và Giám đốc điều hành Singapore tại Ironshore, công ty con thuộc Liberty Mutual, vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc châu Á tại Tập đoàn bảo hiểm chuyên biệt Munich Re.

Trong vai trò mới, bà Boo (trong ảnh) sẽ vẫn ở Singapore và quản lý các văn phòng nghiệp đoàn trong khu vực.

Bà Boo kế nhiệm cho bà Celine Ang, người đang chuyển sang vai trò mới tại Tập đoàn tập trung vào phát triển kinh doanh. Bà Ang đảm nhiệm vị trí này từ năm 2017.

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2019 tại Ironshore, bà Boo chịu trách nhiệm giám sát các nghiệp vụ bảo hiểm chuyên biệt thông qua tăng trưởng kinh doanh, mở rộng và phát triển sản phẩm trên khắp châu Á, bao gồm các văn phòng ở Singapore, Hồng Kông, Tokyo, Thượng Hải và Sydney. Trước khi gia nhập Ironshore, bà là Giám đốc tài chính kiêm thành viên ban điều hành của Catlin Châu Á Thái Bình Dương, cũng có trụ sở tại Singapore.

Bà Boo có gần ba thập kỷ kinh nghiệm trên thị trường, tập trung vào việc mở rộng và phát triển kinh doanh khu vực châu Á. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và UAE, bà đã chỉ đạo thành lập các văn phòng đánh giá rủi ro và nhiều sáng kiến kinh doanh đa dạng. Bà cũng đã từng giữ các vai trò tại QBE và ING General, là thành viên của Hiệp hội Kế toán công chứng (ACCA), đồng thời là hội viên Học viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh (ACII).

Tại vị trí mới, bà Boo sẽ báo cáo lên ông Charlie Burgess, Giám đốc điều hành phân phối quốc tế Bảo hiểm chuyên biệt Munich Re.

Ông Burgess cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào châu Á Thái Bình Dương do đây là thị trường tăng trưởng quan trọng.

Bảo hiểm chuyên biệt Munich Re hiện diện trên toàn thế giới, trong đó văn phòng khu vực châu Á tại Singapore, Labuan (và Dubai). Công ty này cũng đại diện cho Lloyd’s tại Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh của công ty có liên quan đến năng lượng biển và ngoài khơi, chiến tranh, bạo lực chính trị, không gian vũ trụ và các nghiệp vụ bảo hiểm chuyên biệt tai nạn cá nhân; và đang cạnh tranh để mở rộng sang bảo hiểm phụ thuộc, không gian mạng và tài chính.

Lloyd’s tập trung vào “chiến lược Tương lai” số hóa

(IAN) – Dựa trên phản hồi từ thị trường, Lloyd’s đang ưu tiên ba thành phần của “Chiến lược Tương lai tại Lloyd’s” sau khi đóng cửa phòng đánh giá rủi ro lịch sử tại Luân đôn vào chiều ngày 19 tháng 3.

Đó là: nền tảng rủi ro phức tạp – bao gồm thế hệ tiếp theo của PPL, trao đổi rủi ro (bao gồm các giải pháp bảo hiểm kỹ thuật số) và khiếu nại kỹ thuật số.

Lloyd’s cho biết họ cũng muốn tăng cường dữ liệu và công nghệ, bộ phận văn phòng khối middle và khối back, và nghiệp đoàn rủi ro hiện đại dẫn đầu/theo sau.

Dự án cũng sẽ được triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương nhưng chưa xác định các chi tiết chính xác, đồng thời còn phải xem xét các quy định liên quan. Tại các văn phòng châu Á-Thái Bình Dương, Lloyd’s hiện có một đội ngũ nhân viên khung và đã thực hiện chiến lược “làm việc tại nhà”.

Trong khi đó, sự không chắc chắn tăng lên đã khiến cho Fitch Rating xếp hạng Lloyd’s và các thực thể hoạt động của nó vào mức đánh giá “theo dõi tiêu cực” (RWN).

Theo Fitch, thị trường Lloyd’s Luân đôn, Công ty Bảo hiểm Lloyd’s và Công ty Bảo hiểm Lloyd’s Trung Quốc được xếp hạng Sức mạnh tài chính của DN bảo hiểm mức AA- thuộc RWN.

Fitch cho biết: “RWN phản ánh sự không chắc chắn và rủi ro gia tăng đối với thu nhập và hiệu suất đánh giá rủi ro/cấp đơn của Lloyd’s do các khiếu nại bảo hiểm phát sinh từ đại dịch Covid-19”.

Ngoài ra, Lloyd’s tiết lộ rằng cho đến thời điểm này của năm 2020, tác động của đại dịch Corona đang diễn ra trên thị trường tài chính đã làm giảm tỷ lệ khả năng thanh toán của hãng từ cuối năm 2019.

Sau những hỗn loạn trên thị trường tài chính trong những tuần gần đây, tại ngày 19 tháng 3, tỷ lệ khả năng thanh toán của Lloyd’s đứng ở mức 205%, giảm so với 238% vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng lưu ý rằng họ vẫn xem vốn hóa của Lloyd’s rất mạnh, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Lloyd’s sẽ có thể khôi phục vốn hóa của mình thông qua sáng kiến vào tháng 6 sắp tới.

Hiện tại, Fitch không cho rằng tổn thất bảo hiểm sẽ đủ lớn để dẫn đến sự cạn kiệt đáng kể về vốn của hãng.

BTV (Tổng hợp).