FWD Việt Nam tăng vốn lên cao nhất thị trường; Bồi thường BH du lịch Anh tăng cao vì Corona; Zurich giới thiệu nền tảng BH hàng hải mới
- Tin bồi thường, tổn thất
ABIC chi trả bảo hiểm cho một khách hàng hơn 100 triệu đồng
(ABIC) – Ngày 15.3, ông Trương Viết Loan, đại diện Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC), chi nhánh Đà Nẵng, cùng lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT TX An Nhơn đến thăm và trao tiền bảo hiểm hơn 100 triệu đồng cho gia đình ông Võ Văn Tâm tại xã Nhơn thọ, TX An Nhơn.
Ngân hàng NN&PTNT TX An Nhơn cho gia đình ông Võ Văn Tâm vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Ông Tâm đã tham gia Bảo hiểm Bảo an tín dụng với số tiền 100 triệu đồng với mức phí là 900.000 đồng. Nhưng không may vào tháng 4.2019, ông Tâm có triệu chứng đau nhức xương và đau lưng, khi đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bác sỹ kết luận ông bị ung thư xương, gia đình đã chạy chữa nhưng không qua khỏi. Công ty Bảo hiểm ABIC đã chi trả số tiền bảo hiểm 100 triệu đồng, hỗ trợ lãi vay 2,4 triệu đồng và 1 triệu đồng mai táng phí cho gia đình.
Ngoài trường hợp của ông Tâm, tại TX An Nhơn trong năm 2019, ABIC đã chi trả 7 trường hợp với số tiền trên 300 triệu. Hiện ABIC chi nhánh Bình Định đang thu thập hồ sơ để giải quyết trên toàn tỉnh là 17 trường hợp với số tiền ước chi trả là 1,14 tỉ đồng. Tính từ thời điểm triển khai đến nay là 10 năm, ABIC chi trả tổng cộng 703 trường hợp với số tiền trên 20,5 tỉ đồng.
Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam tăng vốn lên cao nhất thị trường
(Forbes) – Với việc tăng vốn điều lệ lên gần 14.000 tỉ đồng, gấp 3,8 lần mức vốn cũ, FWD Việt Nam trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ lớn nhất thị trường bảo hiểm Việt Nam tính đến hiện tại.
FWD Việt Nam, hãng bảo hiểm thuộc tập đoàn bảo hiểm FWD được sáng lập bởi con trai tỉ phú Lý Gia Thành – Richard Li, vừa công bố đã tăng vốn điều lệ từ 3.675 tỉ đồng lên 13.937 tỉ đồng. Quy mô vốn theo đó tăng xấp xỉ 3,8 lần, cách biệt hơn 4.200 tỉ đồng so với công ty có quy mô lớn thứ hai là Manulife Việt Nam ở mức 9.695 tỉ đồng.
Trong thông cáo phát đi hôm nay 30/3, FWD nhấn mạnh việc tăng vốn này “là cam kết hoạt động bền vững và lâu dài của FWD tại Việt Nam.”
Ông Huỳnh Hữu Khang, tổng giám đốc FWD Việt Nam cho biết Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất ở châu Á. “Thông qua việc tăng vốn để để mở rộng khả năng tiếp cận của công ty trên toàn quốc,” ông Khang khẳng định.
FWD vào Việt Nam năm 2016 sau khi mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Life Việt Nam với 48,2 triệu USD. Theo thông tin tự bạch, FWD Việt Nam khẳng định họ là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường.
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, FWD Việt Nam đã thực hiện thương vụ mua lại liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI) do Vietcombank nắm 45% và BNP Paribas Cardif nắm 55%; đồng thời ký hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm với ngân hàng Vietcombank trong 15 năm.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từ 18 chỉ còn 17 doanh nghiệp hoạt động. Tính đến thời điểm 30.3.2020, bảng xếp hạng các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thị trường về vốn điều lệ đã có sự thay đổi. Theo đó, tốp 5 doanh nghiệp lớn nhất thị trường đều là các đại diện nước ngoài, gồm FWD, Manulife, Dai-ichi Life, Cathay Life và Sun Life.
PJICO thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chi thị 16 ngày 31/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ
(PJICO) – Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 0401/PLX-HĐQT của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngay trong ngày 31/3/2020, Tổng Công ty PJICO ban hành Công văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên trực thuộc, các phòng ban Tổng Công ty triển khai các nội dung liên quan.
Theo đó, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, để phòng, chống dịch có hiệu quả, Thủ tướng chỉ đạo cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 01/04/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Bảo hiểm thuộc lĩnh vực không thiết yếu sẽ phải dừng hoạt động trong thời gian này. Do vậy, tất cả các đơn vị trực thuộc, các phòng ban tại Tổng Công ty PJICO triển khai phương án làm việc từ xa (tại nhà) toàn bộ 100% (không có trường hợp ngoại lệ) trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 01/04/2020 đến hết ngày 15/04/2020.
Phương án làm việc này sẽ bảo vệ tối đa cho CBNV, khách hàng, đối tác trước các tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, PJICO cam kết các hoạt động kinh doanh, phục vụ khách hàng vẫn được đảm bảo, duy trì và thông suốt, công tác giám định bồi thường vẫn diễn ra bình thường, công tác tư vấn sản phẩm, tiếp nhận các phản ánh của khách hàng vẫn được ghi nhận, hỗ trợ,…
Riêng các đơn vị thành viên trên toàn quốc, ngoài áp dụng chế độ làm việc như Tổng Công ty, các đơn vị được yêu cầu triển khai áp dụng phương án tổ chức làm việc phù hợp nhất với đơn vị, tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, tuân thủ quy trình, quy định của Tổng Công ty, đảm bảo quản lý, quản trị tốt mọi hoạt động trong đơn vị…
Ngoài ra, các nguyên tắc, yêu cầu và phương thức, chất lượng làm việc tại nhà của CBNV cũng như vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn tài sản của PJICO trong thời gian làm việc tại nhà cũng được Tổng Công ty hướng dẫn và yêu cầu CBNV tuân thủ.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng
(TBTCO) – Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg: “Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19”.
Chiều ngày 31/3/2020, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa chính thức ban hành 02 văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp phi nhân thọ liên quan tới bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.
Văn bản nêu, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quán triệt trên toàn hệ thống, đại lý của doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 10 Chỉ thị số 16/CT-TTg: “Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19”.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, Bộ Tài chính cũng yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16. Đồng thời, các doanh nghiệp rà soát, quán triệt trong toàn hệ thống, bao gồm các đại lý bảo hiểm không được sử dụng thông tin, hình ảnh về Covid-19 để giới thiệu, chào bán bảo hiểm.
Thông qua các văn bản này, Bộ Tài chính báo để các doanh nghiệp bảo hiểm biết và thực hiện theo Chỉ thị số 16/CT-TTg kể từ ngày ký công văn này (31/01/2020).
Trước đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai một số sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch bệnh Covid-19 với chi phí và quyền lợi được bảo hiểm khá hấp dẫn. Chẳng hạn như, chỉ với mức phí bảo hiểm từ 30 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng, người tham gia bảo hiểm có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm từ 50 triệu tới 150 triệu đồng, tùy theo gói thời gian bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong vấn đề triển khai, dư luận cũng đã bày tỏ một số ý kiến chưa đồng thuận khi doanh nghiệp bảo hiểm hạn chế đối tượng tham gia.
4. Bảo hiểm với cộng đồng
Bảo Minh ủng hộ 1 tỷ đồng cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19
(BMI) – Hưởng ứng lời kêu gọi và chung sức trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Vào sáng ngày 31/03/2020 tại trụ sở Uỷ ban Trung ương MTTQVN, ông Lê Song Lai – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh đã thay mặt toàn thể lãnh đạo, nhân viên trao cho ông Hầu A Lềnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQVN số tiền 1 tỷ đồng để ủng hộ quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Được biết, các nguồn lực ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp sẽ được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam điều chuyển cho ngành y tế, lực lượng vũ trang để mua sắm trang thiết bị, chi phí cho công tác phòng chống dịch.
“Sự an toàn, hạnh phúc và thành đạt của khách hàng và xã hội và là mục tiêu hoạt động của chúng tôi”, song song với việc xây dựng thương hiệu và hoạt động phát triển kinh doanh, Bảo Minh cũng duy trì các hoạt động xã hội, cộng đồng bằng các chương trình có ý nghĩa hướng về cội nguồn, đất nước. Với số tiền ủng hộ Bảo Minh mong muốn được san sẻ trách nhiệm, đóng góp với Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, đồng thời Bảo Minh xin được gởi lời cám ơn và tri ân đến đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang ngày đêm “chiến đấu nơi tiền tuyến”. Với sự chung tay tiếp sức của các cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội Bảo Minh tin chắc rằng Việt Nam chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid-19 thắng lợi, thành công.
PJICO đóng góp 700 triệu đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19
(PJICO) – Sau một tuần PJICO phát động toàn thể CBCNV trong hệ thống tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ), đến nay, tổng số tiền PJICO quyên góp lên đến 700 triệu đồng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng, ngày 24/3/2020, PJICO chính thức phát động toàn thể CBCNV đóng góp vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng tiền mặt với mức ủng hộ tối thiểu một ngày lương.
Chương trình đã mang lại hiệu ứng tích cực với sự tham gia của 100% CBCNV tại Tổng Công ty và các đơn vị thành viên. Vào đầu tuần qua, số tiền 200 triệu đồng đã được PJICO chuyển đến UBMTTQ Việt Nam tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Số tiền 500 triệu đồng còn lại đang được Ban Chấp hành Công đoàn PJICO liên hệ, gửi trực tiếp đến bộ phận phụ trách công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta tại Hà Nội.
Bằng số tiền này, tập thể CBCNV PJICO mong muốn sẽ góp sức cùng Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh, hy vọng dịch bệnh sớm được đầy lùi để toàn dân ổn định cuộc sống.
Trước đó, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, PJICO đã có những hành động thiết thực cho việc phòng chống dịch bệnh ngay tại trụ sở làm việc như tổ chức cấp phát khẩu trang y tế miễn phí cho CBCNV, trang bị nước rửa tay, dung dịch kháng khuẩn và các điều kiện vật chất cần thiết khác.
Bắc Á Bank và Dai-ichi gửi quà tới khách hàng tham gia bảo hiểm
(TBTCO) – Với nền tảng dịch vụ xuất phát từ sự chuyên nghiệp và tận tâm, Bắc Á Bank và Dai-ichi Life Việt Nam gửi tới khách hàng vô vàn ưu đãi hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình khuyến mại “Mừng ngày giải phóng – Quà trọn yêu thương”.
Chào mừng kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bắc Á Bank) phối hợp cùng Dai-ichi Life Việt Nam triển khai chương trình khuyến mại “Mừng ngày giải phóng – quà trọn yêu thương” từ ngày 1/4/2020 tới ngày 31/5/2020 dành cho khách hàng cá nhân tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại các chi nhánh/ phòng giao dịch Bắc Á Bank trên toàn quốc.
Với nền tảng dịch vụ xuất phát từ sự chuyên nghiệp và tận tâm, Bắc Á Bank và Dai-ichi Life Việt Nam gửi tới khách hàng vô vàn ưu đãi hấp dẫn trong khuôn khổ Chương trình khuyến mại “Mừng ngày giải phóng – quà trọn yêu thương”. Cụ thể, trong thời gian triển khai Chương trình từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 31/5/2020, các khách hàng ký mới hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ nhận được phần quà hấp dẫn tương ứng với mức phí bảo hiểm thực nộp kỳ đầu tiên (tối thiểu 5 triệu đồng).
Căn cứ vào thời gian phát hành hợp đồng bảo hiểm, khách hàng sẽ được trao quà trong vòng 15 ngày tính từ ngày bắt đầu mỗi đợt tổng hợp danh sách bởi Dai-ichi Life Việt Nam. Phiếu mua hàng Esteem Gift tiếp tục được lựa chọn làm quà tặng cho chương trình “Mừng ngày giải phóng – quà trọn yêu thương” bởi hệ thống đối tác chấp nhận thanh toán phủ khắp toàn quốc. Khách hàng của Bắc Á Bank khi sở hữu món quà thiết thực này có thể trải nghiệm các sản phẩm – dịch vụ đa dạng, chất lượng với cách thức sử dụng vô cùng đơn giản.
Chương trình khuyến mại áp dụng đồng bộ đối với các sản phẩm: An Tâm toàn diện, An phúc hưng thịnh, Cuộc sống thịnh vượng và các sản phẩm bảo hiểm bổ sung khác của Dai-ichi Life Việt Nam đang được phân phối qua Bắc Á Bank. Như vậy, khách hàng của Bắc Á Bank khi tham gia bất cứ bảo hiểm nhân thọ nào của Dai-ichi đều được cung cấp đồng thời sự bảo vệ, an toàn tài chính và tiết kiệm, đầu tư hiệu quả cùng các chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo, cầu thị.
- Tin quốc tế
KDB Life tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng
(IAN) – Thời báo Korea Times cho biết, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) thuộc sở hữu nhà nước sẽ không bị phạt vì việc trì hoãn bán công ty BHNT trực thuộc và hy vọng những nhà đầu tư tiềm năng sẽ sớm lộ diện khi giao dịch bán Prudential Life Korea kết thúc.
KDB đang trong quá trình bán KDB Life lần thứ tư kể từ năm 2014. Tin tức ban đầu cho rằng, ngân hàng này sẽ phải chịu một khoản tiền phạt vì đã nắm giữ doanh nghiệp trong hơn mười năm. KDB mua lại công việc kinh doanh vào năm 2010 thông qua công ty cổ phần tư nhân Consus Asset Management.
Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) chính thức tuyên bố trong tuần này rằng việc mua lại cổ phần từ công ty PE không phải tuân theo Đạo luật Công ty mẹ Tài chính. Điều đó có nghĩa là KDB không trái pháp luật.
FSC tuyên bố: “Đạo luật Công ty mẹ Tài chính chỉ áp dụng cho các công ty mẹ tài chính có ít nhất 500 tỷ đô la (408 triệu đô la Mỹ) tổng tài sản, nhưng số lượng tài sản mà quỹ đầu tư tư nhân của KDB sở hữu không đạt yêu cầu này, vì vậy KDB không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật”.
KDB quyết định bán KDB Life trở lại kể từ tháng 9 năm 2019, khi ngân hàng mẹ thấy rằng đã đến lúc thử lại. “KDB Life đạt được thu nhập vững chắc trong năm qua với quỹ dự trữ tiền mặt mạnh mẽ. Chúng tôi đã thất bại trong việc bán lại ba lần trước đó, nhưng lần này sẽ khác”, một quan chức của KDB thông báo.
Ngân hàng KDB ban đầu dự định hoàn thành giao dịch này vào đầu năm 2020, nhưng những bất ổn kinh tế xuất phát từ lo ngại của dịch Covid-19 có khả năng làm hỏng giao dịch một lần nữa.
Bên cạnh đó, Prudential Life Korea, một công ty con của Prudential Financial có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện cũng đang được rao bán trên thị trường. Đây là một tài sản hấp dẫn đã thu hút nhiều bên quan tâm và được dự đoán sẽ trở thành thương vụ mua lại lớn nhất trong năm của Hàn Quốc.
Theo các báo cáo gần đây nhất, KB Financial là công ty có khả năng mua lại Prudential Life Korea – với giá đấu 2,2 nghìn tỷ Won (1,8 tỷ USD).
Ấn Độ: doanh thu bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe qua kênh kỹ thuật số tăng mạnh do Corona
(IAN) – Báo cáo của Business Today India cho biết, số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe (L&H) đã bán của các công ty khởi nghiệp Insurtech ở Ấn Độ đang gia tăng theo cấp số nhân do hậu quả trực tiếp của sự bùng phát Covid-19, trong khi các công ty bảo hiểm truyền thống đang gặp khó khăn.
Ấn Độ bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm bệnh mới hàng ngày kể từ ngày 2 tháng 3, sau đó số các trường hợp nhiễm đã tăng lên nhanh chóng bắt đầu từ ngày 19 tháng 3. Sự tăng trưởng doanh thu bảo hiểm L&H trực tuyến tương ứng với mức tăng số ca nhiễm Covid-19 trong tháng.
Mặc dù theo thông lệ, doanh thu bảo hiểm L&H tăng mạnh trong tháng 3 do sự gia tăng các hợp đồng mới trước khi kết thúc năm tài chính, nhưng năm nay tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các năm trước cả về bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, Policybazaar cho biết.
Trong tháng 3, nền tảng so sánh bảo hiểm trực tuyến Ấn Độ Policybazaar trị giá 1,5 tỷ USD đã đạt mức tăng 3% đến 40% doanh số bảo hiểm sức khỏe và 20% doanh số bảo hiểm nhân thọ trong tháng 3.
Đối với Digit Insurance, công ty bảo hiểm kỹ thuật số trị giá 800 triệu USD, số lượng hợp đồng bảo hiểm sức khỏe bán hàng ngày trong tháng 3 tăng trưởng 50% so với tháng 1. Công ty đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của khách hàng đối với sản phẩm Covid-19 ra mắt trong tuần đầu tiên của tháng 3.
Trên trang web, Digit Insurance tóm tắt phạm vi bảo hiểm sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, trong đó nêu rõ, sản phẩm của họ “bảo vệ cho rủi ro đại dịch. Chúng tôi biết mọi người đang sợ virus Coronavirus, đó là lý do tại sao chúng tôi bảo vệ cho rủi ro nhiễm virus này”.
Đối với các công ty bảo hiểm truyền thống ở Ấn Độ, do lực lượng đại lý vẫn chiếm ưu thế trong chính sách phân phối nên xu hướng doanh thu vận động theo hướng ngược lại. Theo ông Prakash Subbarayan, Tổng Giám đốc Star Health and Allied Insurance: “số hợp đồng bán được trong các tuần của tháng 3 đã có sự sụt giảm dần”. Đồng thời, doanh số tháng 3 năm nay giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước do Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc.
Ông nói thêm: “Các sản phẩm của Bảo hiểm có thiết kế rất phức tạp khiến cho mọi người khó hiểu. Chúng tôi cần có người trực tiếp gặp gỡ khách hàng để giải thích về điều khoản của sản phẩm, điều này hoàn toàn khác so với việc bán hàng trên các nền tảng trực tuyến – nơi khách hàng phải tự hiểu sản phẩm. Đây là lý do tại sao chúng tôi chưa bao giờ thử áp dụng xử lý các quy trình bán online 100%. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang buộc chúng tôi phải trải qua một cuộc cải cách đau đớn nhưng tích cực”.
Trong khi đó ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng chứng kiến làn sóng bán bảo hiểm L&H tăng cao. Tính đến ngày 18/3, 25 công ty bảo hiểm đã bán được hơn hai triệu hợp đồng với tổng phí bảo hiểm là 1 tỷ Baht (30,6 triệu USD).
Ngân hàng Shinhan hợp nhất hai công ty BHNT
(IAN) – Báo cáo của The Korea Times cho biết, Tập đoàn Shinhan Financial Group (Shinhan) đã lên kế hoạch sáp nhập các công ty BHNT trực thuộc, gồm Bảo hiểm nhân thọ Shinhan và Bảo hiểm nhân thọ Orange (trước đây là ING Life). Quyết định này sẽ đưa công ty bảo hiểm sau hợp nhất vào top ba vị trí hàng đầu về lợi nhuận ròng của Hàn Quốc.
Theo chiến lược của Shinhan, kế hoạch hợp nhất này sẽ hoàn tất vào tháng 7 năm 2021. Để thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn đã thành lập một ủy ban có tên là “New Life”.
Ông Cho Young-byoung, Chủ tịch Shinhan, lưu ý rằng công ty sau hợp nhất sẽ trở thành công ty bảo hiểm hàng đầu, cấp cao nhất và đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô. “Tích hợp năng lực của hai công ty trong việc phát triển các sản phẩm hướng tới khách hàng, nâng cao sự tiện lợi kỹ thuật số và bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi sẽ cung cấp cho khách hàng những giá trị khác biệt”, ông nói.
Sau khi quyết định hợp nhất được thông qua, công ty hợp nhất sẽ đứng thứ 3 Hàn Quốc về lợi nhuận ròng nhờ tổng lợi nhuận ròng năm 2019 của Orange Life và Shinhan Life là 495,4 tỷ Won (324 triệu USD).
Ba công ty bảo hiểm nhân thọ đứng đầu xứ sở kim chi hiện tại là Samsung Life, Hanhwa Life và Kyobo Life. Năm 2019, Samsung Life ghi nhận 977 tỷ Won (798 triệu USD) lợi nhuận ròng, trong khi Kyobo Life đạt 603,4 tỷ Won (493 triệu USD) và Hanhwa Life 115 tỷ Won (93,9 triệu USD).
Ông Cho cho biết thêm, mặc dù ngành bảo hiểm đang phải đối mặt với điều kiện khó khăn do lãi suất thấp, nhưng “Shinhan sẽ biến công ty bảo hiểm nhân thọ hợp nhất thành công ty hàng đầu, tạo ra những thành tựu mới dựa trên những kinh nghiệm thành công của chúng tôi trong việc biến khủng hoảng thành cơ hội tốt.”
Shinhan mua lại Orange Life (khi đó là ING Life) từ công ty cổ phần tư nhân MBK Partners vào năm 2018 với giá 2,3 nghìn tỷ Won (2,05 tỷ USD). Đến tháng 1 năm 2019, giao dịch này đã nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
Giao dịch thành công đã khiến Shinhan trở thành tập đoàn ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc, vượt lên trên đối thủ KB Financial Group – người cũng đã đặt giá đấu giá cho ING tại thời điểm đó.
KB hiện đang cạnh tranh cho việc mua lại Prudential Life Korea. Dự kiến họ sẽ trở thành công ty mua lại công ty con Prudential Financial với giá 2,2 tỷ Won (1,8 tỷ đô la Mỹ).
Zurich giới thiệu nền tảng bảo hiểm hàng hải mới
(INN) – Zurich đang tung ra một sản phẩm bảo hiểm hàng hải mới được tạo ra cho các lô hàng hóa vừa và nhỏ sau khi thử nghiệm thành công ở bốn quốc gia năm 2019.
Nền tảng bảo hiểm Zurich Swift cung cấp quyền truy cập bảo hiểm dựa trên web mà người dùng có thể điều chỉnh theo nhu cầu của họ.
Nền tảng đã nhận được sự đón nhận tích cực ở Tây Ban Nha, Đức, Singapore và Mexico năm ngoái. Nền tảng này cũng sẽ được cung cấp ở Bắc Mỹ, các nước Bắc Âu và nhiều nước ở Mỹ Latinh vào cuối năm nay.
Zurich cho biết, toàn cầu hóa mang đến cho ngày càng nhiều công ty cơ hội vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới, đồng thời khiến cho chuỗi cung ứng và rủi ro trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến khả năng giao hàng an toàn.
Nền tảng mới cho phép các nhà môi giới và trung gian quản lý toàn bộ vòng đời hợp đồng cho từng lô hàng cũng như cho các hợp đồng bảo hiểm hàng hóa hàng năm. Quy trình này bao gồm nhận báo giá, kiểm tra các biện pháp trừng phạt thương mại & kinh tế hiện có, các chính sách ràng buộc và đổi mới, thực hiện các điều chỉnh giữa kỳ và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
Bão Sabine gây tổn thất bảo hiểm ít nhất 2,8 tỷ USD
(INN) – Theo công ty dữ liệu thảm họa Thụy Sĩ Perils, ngành bảo hiểm phải đối mặt với thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ Euro (2,8 tỷ USD) từ cơn bão Sabine đổ bộ vào châu Âu hồi tháng trước.
Ước tính này dựa trên dữ liệu khiếu nại bồi thường được thu thập từ các công ty bảo hiểm bị ảnh hưởng, trong đó hầu hết các tổn thất được ghi nhận tại Đức.
Perils cho biết, đây là ước tính tổn thất lớn nhất của một cơn bão châu Âu kể từ bão Friederike vào tháng 1 năm 2018.
Bão Sabine, còn được gọi là Ciara và Elsa, ảnh hưởng đến các khu vực ở Quần đảo Anh và Châu Âu từ ngày 9 đến 11 tháng 2 vừa qua.
DN bảo hiểm ngách có thể chịu “tổn thất ngoại cỡ” từ virus Corona
(INN) – Theo cảnh báo của S&P Global Ratings, các công ty bảo hiểm chuyên biệt hoặc bảo hiểm thị trường ngách có thể bị ảnh hưởng bởi những “tổn thất ngoại cỡ” từ tình trạng gia tăng yêu cầu bồi thường liên quan đến đại dịch Corona.
Các đối tượng doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị ảnh hưởng bao gồm doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm bảo hiểm du lịch, tín dụng, trái phiếu, thế chấp và hủy bỏ sự kiện.
S&P cho biết việc đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và các biện pháp khác mà thế giới đã thực hiện để hạn chế sự lây lan của virus Corona mới sẽ dẫn đến sự gia tăng đột biến yêu cầu bồi thường đối với các sản phẩm chuyên biệt kể trên.
S&P nhận định, đây không phải là các sản phẩm trọng yếu của ngành bảo hiểm toàn cầu, nhưng “một số công ty bảo hiểm chuyên biệt hoặc bảo hiểm thị trường ngách, chuyên tập trung vào các sản phẩm này sẽ chịu tổn thất lớn”.
“Các công ty bảo hiểm chuyên biệt kinh doanh các nghiệp vụ chịu ảnh hưởng của tổn thất và những công ty phụ thuộc vào doanh số bán hàng trực tiếp có thể bị giảm thu nhập hoặc giảm sự hiện diện trên thị trường do hậu quả của đại dịch”.
Theo S&P, các công ty bảo hiểm thương mại có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn do các hợp đông bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thường chứa các loại trừ tiêu chuẩn cho các sự kiện liên quan đến virus. Ngoài ra, hầu hết các hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh tiêu chuẩn chỉ bảo vệ cho tổn thất từ các sự kiện vật lý.
S&P duy trì triển vọng ổn định cho các công ty tái bảo hiểm toàn cầu, công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại của Hoa Kỳ và các công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở Châu Á Thái Bình Dương.
Lloyd’s có lợi nhuận trở lại
(INN) – Lloyd’s đã trở lại có lợi nhuận sau hai năm thua lỗ liên tiếp nhờ hiệu suất đầu tư, tăng lãi suất và cải thiện kỷ luật đánh giá rủi ro bảo hiểm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đã tăng trở lại 2,5 tỷ bảng Anh (5 tỷ USD) từ khoản lỗ 1 tỷ bảng Anh (2 tỷ USD) năm 2018.
Tỷ lệ hoạt động kết hợp được cải thiện lên 102% từ 104,5% trong khi tổng phí bảo hiểm gộp ít thay đổi ở mức 35,9 tỷ bảng (71,8 tỷ USD) so với 35,5 tỷ bảng (71,1 tỷ USD).
Vốn chủ sở hữu tăng 8,6% lên 30,6 tỷ bảng Anh (61,3 tỷ USD), phản ánh “bảng cân đối kế toán cực kỳ mạnh mẽ” và tỷ lệ khả năng thanh toán trung tâm là 238%. Tỷ lệ khả năng thanh toán đứng ở mức 205% vào ngày 19 tháng 3.
Giám đốc điều hành John Neal vui mừng thông báo lợi nhuận của Lloyd’s đã trở lại vào năm 2019 và tiếp tục tiến triển trong kế hoạch chiến lược Tương lai của hãng, đồng thời “trọng tâm chính của chúng tôi hiện nay là hỗ trợ khách hàng và đối tác kinh doanh của họ vào những thời điểm cần thiết”.
“Tôi tin tưởng vào khả năng của Lloyd’s trong việc đương đầu với thách thức và khi làm như vậy chứng tỏ Lloyd’s có khả năng vô song để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới đối phó với những tác động sâu rộng của COVID-19”.
Lloyd’s đã yêu cầu được cung cấp các phản hồi của thị trường về những tổn thất dự kiến liên quan đến đại dịch Corona và cũng đang hành động để giảm thiểu biến động trong danh mục tài sản.
Chủ tịch Bruce Carnegie-Brown cho biết, giá trị tài sản do Lloyd’s nắm giữ để thanh toán các yêu cầu bồi thường đã chịu sự biến động đáng kể của thị trường tài chính toàn cầu.
“Tập đoàn đang theo dõi những thay đổi này về giá trị tài sản và có kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro cho danh mục tài sản”, ông nói hồi tuần trước khi công bố kết quả hàng năm.
“Lloyd’s cũng rất tiên tiến trong việc thu thập và đánh giá trách nhiệm pháp lý của mình đối với các khiếu nại bảo hiểm, bao gồm yêu cầu thị trường báo cáo về các khoản lỗ dự kiến liên quan đến tác động của COVID-19, như chúng tôi làm cho bất kỳ sự kiện tổn thất lớn nào”.
Bồi thường bảo hiểm du lịch Anh tăng cao vì Corona
(INN) – Hiệp hội các công ty bảo hiểm Anh (ABI) ước tính các công ty bảo hiểm sẽ phải chi trả bồi thường khoảng 275 triệu bảng (445,89 triệu USD) cho khách hàng Vương quốc Anh do yêu cầu bồi thường liên quan đến virus Corona, trong đó phần lớn là rủi ro hủy bỏ.
Dự kiến phát sinh khoảng 400.000 yêu cầu bảo hiểm du lịch do virus Corona, dễ dàng vượt qua kỷ lục trước đó với 294.000 yêu cầu hủy bỏ và gián đoạn trong năm 2010, khi đám mây tro bụi núi lửa Iceland khiến cho hầu hết các chuyến bay khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương phải dừng hoạt động.
Theo ước tính ban đầu của ABI, các khoản thanh toán cho chi phí hủy bỏ dự kiến ít nhất sẽ gấp đôi tổng số năm 2019 và dễ dàng vượt qua kỷ lục năm 2010 là 148 triệu bảng (292,48 triệu USD).
Các công ty thành viên ABI đã đồng ý với một loạt các cam kết bảo hiểm du lịch để đảm bảo hỗ trợ thêm cho khách hàng, bao gồm cả việc có kế hoạch dự phòng để giải quyết các yêu cầu bồi thường hợp lệ càng nhanh càng tốt.
Theo Trợ lý Tổng Giám đốc ABI, ông Mark Shepherd, cùng với khoản bồi thường từ các nguồn như các hãng hàng không và nhà cung cấp thẻ tín dụng, các công ty bảo hiểm du lịch đang giúp khách hàng vượt qua những thời điểm khó khăn này.
“Vào thời điểm chưa từng có này, các công ty bảo hiểm du lịch đang giúp làm dịu cú sốc tài chính cho hàng ngàn khách hàng có kế hoạch du lịch đã bị hủy bỏ hoặc bị gián đoạn bởi virus Corona”.
Các hợp đồng bảo hiểm du lịch tiêu chuẩn thường không bảo vệ cho các đại dịch, tuy nhiên, một số khách du lịch đã mua thêm điều khoản mở rộng để thu hẹp khoảng cách này.
Tại Úc, IAG đã đồng ý hoàn trả bảo hiểm du lịch cho bất kỳ phần phí bảo hiểm nào chưa sử dụng, bao gồm hoàn trả đầy đủ khi khách hàng chưa đi du lịch và chưa yêu cầu bồi thường. Các công ty bảo hiểm khác dự kiến sẽ công bố các biện pháp tương tự.
BTV (Tổng hợp).