TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 12

Tổn thất bảo hiểm động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 3,5 tỷ đô la; Dai-ichi Life Việt Nam chi trả quyền lợi hơn 15.000 tỷ đồng; Generali dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng

Bản tin tổng hợp bảo hiểm tuần 12

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bảo hiểm PVI chi trả bồi thường bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn

(IAV) – Ngày 26/3, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI phối hợp với Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện Đảng ủy, chính quyền phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chi trả bồi thường bảo hiểm sức khỏe người vay vốn cho trường hợp ông Huỳnh Phúc Thanh (tổ 5 phường Thủy Dương) với số tiền bồi thường 50.000.000 đồng.

Sự kiện tiếp tục khẳng định chương trình hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI có ý nghĩa to lớn, nhằm đảm bảo cho các hội viên nông dân được bảo hiểm khi không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống.

Ông Huỳnh Phúc Thanh không may bị tai nạn lúc 18h ngày 31/10/2022 tại km830+530 quốc lộ 1A, thuộc địa phận phường Thủy Dương. Sự kiện chi trả bồi thường cho gia đình ông Huỳnh Phúc Thanh nằm trong chương trình hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI về thực hiện chương trình an sinh, phúc lợi cho hội viên hội nông dân.

Sản phầm bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn là một trong những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện để bảo hiểm cho sinh mạng của người vay vốn qua ngân hàng chính sách và các ngân hàng thương mại có hợp đồng tín dụng với Hội Nông dân cơ sở trên toàn quốc. Sản phẩm bảo hiểm này nhằm giảm thiểu gánh nặng trả nợ cho những người thừa kế khi người vay vốn không may gặp rủi ro trong cuộc sống.

Sự kiện tiếp tục khẳng định chương trình hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI thật sự có ý nghĩa to lớn, đảm bảo cho các hội viên được bảo hiểm khi không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống hằng ngày.

Phát biểu tại buổi chi trả bồi thường, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính đã chia sẻ, động viên người thân của ông Huỳnh Phúc Thanh.

Ông Đinh Khắc Đính cho biết, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, trong thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI triển khai phối hợp trong các cấp Hội Nông dân cả nước về tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia bảo hiểm của PVI. Sau thời gian triển khai trong cả nước, sự phối hợp giữa các cấp Hội Nông dân và PVI đã đem lại những kết quả rất tốt.

“Được biết gia đình ông Huỳnh Phúc Thanh mới tham gia bảo hiểm. Sau khi việc không may xảy ra, Hội Nông dân và PVI Huế đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng và gia đình hoàn thành các thủ tục chi trả bồi thường. Ở góc độ Trung ương Hội, chúng tôi ghi nhận, trân trọng và đánh giá rất cao hoạt động này. Từ việc này cũng đề nghị Hội Nông dân phường Thủy Dương, Hội Nông dân thị xã Hương Thủy và Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện tốt hơn nữa việc tuyên truyền, vận động hội viên đồng hành cùng PVI trong tham gia gói bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn”, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nói.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Ba cầu thủ tài năng trở thành đại diện cho thương hiệu Bảo hiểm BSH

(BSH) – Ba chân sút trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam Đỗ Hùng Dũng, Đoàn Văn Hậu và Bùi Hoàng Việt Anh đã chính thức trở thành người đại diện cho thương hiệu bảo hiểm BSH.

Cầu thủ Đỗ Hùng Dũng sinh năm 1993 hiện đang thuộc sở hữu của Câu lạc bộ Hà Nội (Hanoi FC) nổi tiếng với lối chơi ổn định, điềm tĩnh trên sân và phong cách sống giản dị, khiêm tốn, hướng tới những giá trị bền vững trong tương lai.

Cầu thủ Bùi Hoàng Việt Anh sinh năm 1999 là một trong những chân sút hạt giống vàng của Câu lạc bộ Hà Nội, ở tuổi 24, cầu thủ trẻ đã có cho mình những thành tựu, giải thưởng xuất sắc trên con đường trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cầu thủ trẻ không chỉ được biết tới nhờ thành tích chơi bóng xuất sắc mà còn bởi ý chí quyết tâm vươn lên, không ngừng nỗ lực cố gắng vượt qua nghịch cảnh.

Trái ngược với tính cách điềm đạm, ổn định của Hùng Dũng, Đoàn Văn Hậu được ví như quả cầu lửa của cả đội. Cầu thủ trẻ với cá tính mạnh mẽ, nhiệt huyết cùng lối chơi bóng quyết liệt trên sân đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ. Với tài năng bóng đá thiên bẩm cùng kỹ thuật chơi bóng điêu luyện, ở tuổi 24, Đoàn Văn Hậu đã có cho mình “gia tài” thành tích cá nhân đồ sộ trong sự nghiệp cầu thủ.

Ba cầu thủ tuy có những nét tính cách khác biệt nhưng đều có điểm chung là tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết và sự cống hiến hết mình cho người hâm mộ và nền bóng đá. Điều này tương đồng với tính cách thương hiệu mà Bảo hiểm BSH đang hướng tới: phong cách làm việc nhiệt huyết, minh bạch trong hoạt động kinh doanh; chăm sóc khách hàng, tận tâm trong suốt quá trình phục vụ.

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, hướng tới chặng đường tiếp theo, BSH đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn, chinh phục những cột mốc mới. Nhiều năm liền, BSH được người tiêu dùng bình chọn thuộc danh sách những công ty bảo hiểm uy tín trên thị trường (VNR); BSH đạt thứ hạng 25/500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; năm 2022 BSH cán mốc kinh doanh 3.000 tỷ với rất nhiều nỗ lực vượt khó trong bối cảnh nền kinh tế hậu Covid. Hướng tới tầm nhìn 5 năm tiếp theo, BSH đặt mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm top 5 trên thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Trong đó tiếp tục duy trì chiến lược đặt lợi ích khách hàng ở vị trí trung tâm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, tối ưu sản phẩm và dịch vụ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. BSH ý thức sứ mệnh của mình không chỉ mang đến sự tăng trưởng về lợi nhuận mà còn làm giàu cho đất nước, góp phần mang đến sự an toàn thịnh vượng cho người dân và xã hội.

Bảo Việt trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được công nhận đánh giá xếp hạng bền vững trong nhóm Chỉ số Dow Jones Sustainability Indices

(TBTCO) – Bảo Việt – doanh nghiệp Việt đầu tiên chính thức được công nhận đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững trong nhóm Chỉ số Dow Jones Sustainability Indices. Đây là thành quả sau một thời gian dài chuẩn bị và nỗ lực hoàn thành bộ hồ sơ đánh giá bảng xếp hạng tính bền vững của doanh nghiệp toàn cầu (Corporate Sustainability Assessment – CSA) của S&P Global trong nhóm Chỉ số Dow Jones Sustainability Indices theo các tiêu chí và chuẩn mực khắt khe của bộ chỉ số này.

Tháng 3/2023, Bảo Việt được công nhận trong bảng xếp hạng tính bền vững của doanh nghiệp toàn cầu (Corporate Sustainability Assessment – CSA) của S&P Global. Việc góp mặt trong bảng xếp hạng quốc tế đã thể hiện được giá trị, sức khỏe của một doanh nghiệp hàng đầu như Bảo Việt nói chung và sức hút của cổ phiếu BVH nói riêng, thông qua đó nâng tầm doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.

CSA là đánh giá hàng năm về các hoạt động bền vững với hơn 10.000 doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Với lịch sử hơn 20 năm hoạt động của mình, CSA đã trở thành một công cụ tham khảo cho các công ty và nhà đầu tư trong việc đánh giá tính trọng yếu về thực lực tài chính, hoạt động phát triển bền vững và chiến lược giải quyết các xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp…, từ đó hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư.

Đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp toàn cầu (CSA) của S&P cũng cho phép nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ESG bao gồm kinh tế, môi trường và xã hội với 61 bộ câu hỏi dành riêng cho từng ngành kinh doanh, trong đó có khoảng 100-130 câu hỏi theo 23 chủ đề chính trên 03 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Tính chung cuộc, Bảo Việt đã đạt điểm cao hơn 59% các doanh nghiệp khác trong nhóm ngành bảo hiểm (gồm 272 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia). Chỉ số CSA đưa ra những đánh giá chuyên môn từ các chuyên gia S&P Global cũng như căn cứ đánh giá trên kho dữ liệu độc quyền, từ đó làm cơ sở để đưa hồ sơ doanh nghiệp vào Bảng xếp hạng chỉ số phát triển bền vững nổi tiếng nhất thế giới – chỉ số phát triển bền vững Dow Jones (DJSI).

Chỉ số bền vững Dow Jones Indices (DJSI) là một hệ tiêu chuẩn toàn cầu dành riêng cho phát triển bền vững nhằm xếp hạng các công ty hàng đầu trên thế giới dựa trên phân tích của RobecoSAM và phương pháp đánh giá của S&P Dow Jones Indices căn cứ theo giá trị vốn hóa thị trường điều chỉnh free-float và theo các tiêu chí ESG (Bộ tiêu chuẩn đo lường môi trường, xã hội và quản trị).

Cùng với sự hợp tác của S&P Global ESG Research, một tổ chức bao gồm những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu và phân tích dữ liệu ESG, các doanh nghiệp đáp ứng chỉ số DJSI cũng sẽ được đưa vào danh mục đầu tư bền vững tiềm năng cung cấp cho các nhà đầu tư quan tâm.

Để được đánh giá trong bảng xếp hạng DJSI, Bảo Việt cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trên nhiều yếu tố như: sức khỏe tài chính doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, tính minh bạch, hoạt động bền vững của doanh nghiệp… Hiện nay, DJSI Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 600 doanh nghiệp lớn nhất khu vực.

Dai-ichi Life Việt Nam chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 15.000 tỷ đồng cho khách hàng

(ĐTCK) – Trong bối cảnh đầy khó khăn của năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam đã vượt qua thử thách và duy trì tăng trưởng tốt với tổng doanh thu phí bảo hiểm gần 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm 2021, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm chiếm 12,3% và lợi nhuận sau thuế trên 2.400 tỷ đồng.

Với mức vốn đầu tư gần 9.800 tỷ đồng và tổng tài sản trên 58.000 tỷ đồng, Dai-ichi Life Việt Nam nằm trong top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất và có hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.

Công ty hiện phục vụ hơn 4,5 triệu khách hàng và gia đình với đội ngũ 2.000 nhân viên và 114.000 tư vấn tài chính, mạng lưới trên 300 văn phòng công ty và 2.500 điểm giao dịch của các đối tác trên toàn quốc.

Với triết lý kinh doanh “Khách hàng là trên hết”, Dai-ichi Life Việt Nam luôn nỗ lực cam kết mang đến cho khách hàng những quyền lợi và giá trị thiết thực. Trong hơn 16 năm hoạt động tại Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam đã chi trả hơn 15.000 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Chỉ riêng trong năm 2022, công ty đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 3.000 tỷ đồng cho hơn 190.000 trường hợp.

Gần đây nhất, Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp dẫn đầu về Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe 2022 – 2023” tại Lễ trao Giải Rồng Vàng được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng vào ngày 17/3 vừa qua. Đây là năm thứ 14 liên tiếp Dai-ichi Life Việt Nam nhận Giải thưởng Rồng Vàng cao quý này, không những minh chứng cho niềm tin yêu của hàng triệu khách hàng và gia đình đối với thương hiệu bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Nhật Bản, mà còn tôn vinh những nỗ lực bền bĩ và xuất sắc của Công ty trong suốt 16 năm hoạt động tại Việt Nam: tăng trưởng bền vững song hành với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; không ngừng đổi mới, sáng tạo các giải pháp bảo vệ tài chính và chăm sóc sức khỏe ưu việt cho khách hàng và gia đình, đồng thời đóng góp tích cực cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt, hướng đến là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.

Trong năm 2023, Dai-ichi Life Việt Nam đặt mục tiêu đạt cột mốc phục vụ trên 5 triệu khách hàng, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và cam kết tăng trưởng xanh bền vững thông qua các các hoạt động bảo vệ môi trường theo tinh thần thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương” – yêu thương bản thân & gia đình, yêu thương cộng đồng và yêu thương trái đất.

Song hành với hoạt động kinh doanh, trong suốt 16 năm qua, bên cạnh nỗ lực kinh doanh hiệu quả, Dai-ichi Life Việt Nam tự hào tiên phong khởi xướng nhiều dự án cộng đồng ý nghĩa với tổng số tiền đóng góp lên đến trên 60 tỷ đồng, xuyên suốt các lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe y tế, môi trường và từ thiện xã hội.

VINARE nằm trong bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2023

(VNR) – Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2023. Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) vinh dự nằm trong bảng xếp hạng này.

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam đã bước sang năm thứ 13 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô và vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Trải qua 13 năm công bố liên tiếp, Bảng xếp hạng ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp FAST500 – những doanh nghiệp được ví như “những ngôi sao đang lên”, với vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Tại VINARE, tổng doanh thu năm 2022 đạt 2.787,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt 2.368,8 tỷ đồng, đạt 107,1% kế hoạch năm được giao và tăng 5,5% so với năm 2021. Trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, doanh thu từ mảng nghiệp vụ cốt lõi đã tăng trưởng 14,1% so với cùng kỳ và vượt mức dự kiến đầu năm. Về hiệu quả kinh doanh, mặc dù mảng hoạt động đầu tư tài chính bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, việc kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm đã mang lại kết quả tốt, tổng lợi nhuận trước thuế do đó đạt 462,9 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận (hợp nhất) ROA đạt 5,31% và ROE đạt 10,56%.

Cũng trong năm 2022, VINARE là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành bảo hiểm hoàn thành xây dựng, phê duyệt lộ trình và kế hoạch phát triển bền vững theo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). VINARE nhận thức rõ vai trò của mình không chỉ là cung cấp cho khách hàng các dịch vụ gia tăng giá trị, tập trung khả năng sinh lời và tối ưu hóa lợi nhuận, mà còn là doanh nghiệp tham gia tích cực trong các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Quản lý tốt các vấn đề ESG sẽ đem lại một hình ảnh VINARE có kế hoạch phát triển bền vững trong lâu dài, tích cực, chủ động trong việc thúc đẩy một xã hội toàn diện và có khả năng phục hồi cao.

Việc được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín như PROFIT500, FAST500… không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực nghiêm túc và bền bỉ của toàn bộ tập thể VINARE mà còn là động lực để VINARE tiếp tục vững bước trên hành trình trở thành nhà tái bảo hiểm hàng đầu trong khu vực.

Theo Ban tổ chức, CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2018-2021 đạt 24,6%; trong đó, khu vực tư nhân đạt 25,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,2% và khu vực Nhà nước đạt 17,7%. Năm nay, khu vực tư nhân vươn lên dẫn đầu về CAGR và có mức tăng so với giai đoạn trước lớn nhất (+2,3%), phản ánh khả năng phục hồi và sức bật mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam.

Generali dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng tại Việt Nam

(TBTCO) – Generali Việt Nam khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường về trải nghiệm khách hàng với giải thưởng “Công ty bảo hiểm có trải nghiệm khách hàng hàng đầu Việt Nam” trong hệ thống giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 22, công bố tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) 2023. Generali Việt Nam cũng được vinh danh Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2022 – 2023.

Trong những năm qua, Generali Việt Nam liên tục đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ, tăng cường tính trung thực và minh bạch đối với khách hàng, đơn giản hóa và số hóa các quy trình nghiệp vụ, mở rộng và cải thiện chất lượng tất cả các kênh phân phối, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng về mọi mặt.

Bà Tina Nguyễn – Tổng Giám đốc Generali Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu chiến lược của Generali Việt Nam là trở thành ‘Người bạn Trọn đời’ của khách hàng. Mục tiêu này đòi hỏi chúng tôi xây dựng chiến lược kinh doanh trên cơ sở lấy khách hàng làm trọng tâm, hướng đến giá trị lâu dài. Để thực hiện được mục tiêu này, Generali luôn lắng nghe phản hồi của khách hàng và dựa vào đó để xây dựng kế hoạch hành động nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình”.

Cũng theo Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, việc liên tục lắng nghe và nâng cao trải nghiệm của khách hàng đã trở thành một niềm đam mê thực sự đối với tập thể đội ngũ tại Generali.

“Chúng tôi rất tự hào khi chỉ số R-NPS của Generali (chỉ số ghi nhận mức độ hài lòng của khách hàng đối với trải nghiệm về mọi mặt) đã liên tục tăng và vươn lên dẫn đầu thị trường trong suốt 10 quý liên tiếp. Sự ghi nhận của giải thưởng Rồng Vàng uy tín lần này sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư, sáng tạo và không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ để thương hiệu Generali thực sự trở thành một “hiệu được thương” bởi đông đảo các gia đình Việt Nam” – bà Tina cho biết thêm.

100% dịch vụ khách hàng của Generali Việt Nam đã có thể thực hiện “không giấy”. Khách hàng có thể yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, theo dõi tình trạng hợp đồng, đóng phí, cập nhật thông tin, hoán đổi quỹ đầu tư, mua sản phẩm mới… trên hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita. Trong năm 2022, GenVita phiên bản mới với Cổng thông tin khách hàng – MyGenerali đã được ra mắt với trải nghiệm mượt mà, nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, cùng nhiều tính năng mới.

Cũng trong năm 2022, Generali đã đi đầu ngành bảo hiểm trong việc triển khai hệ thống định danh điện tử – eKYC giúp đảm bảo tính an toàn cho khách hàng và tính chính xác của thông tin. Cùng với hệ thống Tư vấn/ Bán hàng từ xa (remote selling), đội ngũ tư vấn tài chính có thể thực hiện việc tư vấn sản phẩm và phát hành hợp đồng hoàn toàn trực tuyến cho khách hàng.

Đặc biệt, Generali là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên thị trường Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu nộp hóa đơn tài chính, chứng từ y tế bản gốc khi giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Bên cạnh đó, Generali không ủy quyền cho bên thứ ba mà xây dựng đội ngũ chuyên viên giải quyết quyền lợi bảo hiểm riêng của công ty để trực tiếp phục vụ khách hàng cũng như liên tục tăng cường mở rộng mạng lưới cơ sở bảo lãnh viện phí và chất lượng dịch vụ bảo lãnh.

Generali Việt Nam cũng luôn chú trọng đến từng chi tiết nhỏ trong các trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn như bộ hợp đồng bảo hiểm tích hợp giữa điện tử và giấy được đánh giá là rất thông minh, mang lại cảm giác sang trọng, tinh tế và tiện lợi cho khách hàng.

Giải thưởng Rồng Vàng là giải thưởng thường niên do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức khảo sát, bình chọn và trao tặng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp FDI tiên phong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bàn chuyện hợp tác độc quyền bảo hiểm – ngân hàng

(ĐTCK) – Những lùm xùm trong bán bảo hiểm đến mức phải kiện tụng thời gian gần đây đặt ra câu hỏi có nên hạn chế độc quyền trong hợp tác bảo hiểm – ngân hàng, nếu không thì hợp tác như thế nào để giúp thị trường phát triển lành mạnh, tránh việc bán bảo hiểm bằng mọi giá.

Một ngân hàng cần “bắt tay” với ít nhất hai doanh nghiệp bảo hiểm

Hợp đồng đại lý độc quyền (Strategic Allience Agreement) là 1 trong 4 hình thức hợp tác chính trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hiện nay. Thời gian qua, những khoản tiền lót tay “khủng” mà công ty bảo hiểm ứng trước cho ngân hàng được người trong cuộc là những nhân viên ngân hàng, người phụ trách… cho là nguyên nhân dẫn đến bán bảo hiểm bất chấp.

Theo ông Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, ngân hàng là nơi mọi người tin cậy đến để dùng các dịch vụ tài chính, trong đó có các sản phẩm bảo hiểm, nhưng lại hợp tác độc quyền với một công ty bảo hiểm và điều này khiến việc cung cấp dịch vụ không còn cạnh tranh lành mạnh nữa.

“Nên chăng xem xét không cho các ngân hàng được đứng ra độc quyền, mà một ngân hàng phải triển khai ít nhất sản phẩm của hai công ty bảo hiểm trở lên”, ông Đán nêu quan điểm.

Một nghiên cứu của Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước từng thừa nhận rằng, chi phí mua kênh độc quyền mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho các ngân hàng những năm qua tương đối lớn, làm tăng phí bảo hiểm của khách hàng cũng như gây khó khăn cho nhà bảo hiểm trong đảm bảo hiệu quả hoạt động. Rủi ro về đạo đức kinh doanh của nhân viên ngân hàng khi bán sản phẩm bảo hiểm như tư vấn không rõ ràng, thậm chí tư vấn sai, hay “ép” khách hàng phải mua sản phẩm của công ty bảo hiểm đối tác… đều dẫn đến tổn thất về danh tiếng cũng như tăng chi phí bồi thường cho doanh nghiệp trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm của nhân viên ngân hàng.

Vấn đề gây méo mó thị trường được chỉ ra, đó là trong câu chuyện độc quyền dài hạn (từ 15-20 năm) giữa ngân hàng và nhà bảo hiểm, khoản tiền “lót tay” nhà bảo hiểm phải chi là rất lớn, buộc ban lãnh đạo ngân hàng phải áp chỉ tiêu cho cấp dưới để đáp ứng yêu cầu về doanh số của nhà bảo hiểm. Điều này gây sức ép lớn lên các nhân viên ngân hàng và trở thành một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng tư vấn bán bảo hiểm không chuẩn.

Hiện tại, doanh số từ mô hình độc quyền này chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 80% tổng doanh thu bancassurance toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ. Dù chưa có thống kê cụ thể thị trường hiện có bao nhiêu hợp đồng phân phối độc quyền, nhưng con số này đã tăng đáng kể so với mức 21 hợp đồng phân phối độc quyền với thời hạn hợp đồng từ 5-20 năm vào năm 2019.

Trong năm 2019, có 88 hợp đồng đại lý bảo hiểm/thỏa thuận phân phối bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và các tổ chức tín dụng được ký kết, một số thương vụ nổi bật có thể kể đến như Manulife – SCB, Prudential – Maritimebank (nay là MSB), Daiichi Life – Sacombank (thương vụ độc quyền lên đến 20 năm) và SHB (15 năm), AIA – VPBank, Mirae Asset Prevoire – NCB, Generali – Eximbank…

Từ những năm trước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) từng đưa ra khuyến cáo đối với kênh bancassurance khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư lớn để phát triển kênh này thông qua các hợp đồng độc quyền, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm cần có chiến lược quản lý, phát triển các sản phẩm bancassurance phù hợp để đảm đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành nói chung

Trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng, phải kiểm soát chặt chẽ việc hợp tác độc quyền ngân hàng – bảo hiểm, bởi phải có cạnh tranh thì dịch vụ mới tốt lên được. Về phía các công ty bảo hiểm, việc phải chi tiền lót tay quá nhiều cho các ngân hàng trong quá trình thương thảo hợp đồng độc quyền có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm gánh chịu khoản lỗ trong những năm sau đó khi tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm thường không cao như năm đầu, vì nếu sản phẩm bảo hiểm không xuất phát từ nhu cầu thực thì người mua chắc chắn sẽ không đóng tiền năm thứ 2, thứ 3…

“Hiện nay, nhiều ngân hàng triển khai sản phẩm bảo hiểm theo kiểu đóng một lần phí cho 2-3 năm nhằm đảm bảo doanh số cho năm thứ 2, thứ 3…, động thái ‘tiểu xảo’ này rất không tốt cho thị trường và điều đó bắt nguồn từ độc quyền mà ra”, ông Đán cho hay.

Có dễ xóa độc quyền?

Trên thực tế, không phải thị trường bảo hiểm nào cũng triển khai mô hình độc quyền ngân hàng – bảo hiểm. Các mô hình bancassurance ở châu Âu có xu hướng phát triển theo hình thức liên minh chiến lược, liên doanh và ngày càng được ưa chuộng hơn so với ở châu Á và các nước châu Mỹ La Tinh.

Mô hình bancassurance kết hợp đầy đủ rất phổ biến ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ. Các nhà phân phối bancassurance do các ngân hàng sở hữu một phần hoặc toàn phần, hoặc có thỏa thuận phân phối độc quyền với ngân hàng mẹ. Kết quả là doanh thu phí bảo hiểm qua bancassurance thường chiếm khoảng 60% doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.

Trong khi đó, Đức và Anh có khuynh hướng ít kết hợp hơn, ngân hàng thường hoạt động thông qua những thỏa thuận phân phối thuần túy. Các thỏa thuận phân phối độc quyền diễn ra phổ biến ở Đức, trong khi thỏa thuận phân phối đa bên chủ yếu diễn ra tại Anh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ trọng doanh thu bancassurance ở Đức thường thấp hơn các thị trường khác ở châu Âu, cho dù mức độ phát triển của ngành là tương đương.

Có ý kiến cho rằng, sẽ khó xóa bỏ hợp tác độc quyền ngân hàng – bảo hiểm vì đây là quyền kinh doanh của doanh nghiệp và không vi phạm pháp luật. Theo lãnh đạo một công ty bảo hiểm có thị phần bancassurance thuộc tốp đầu thị trường, khi đưa ra một quy định cấm thì phải đánh giá xem khách hàng có lựa chọn không, có bị thiệt hại không và cần tính tới nhiều yếu tố khác như có can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hay không…

Chưa kể, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) cũng không đề cập tới vấn đề này, nên nếu muốn kiểm soát chặt chẽ hơn việc hợp tác độc quyền ngân hàng – bảo hiểm thì có thể đưa vào các điều kiện tại các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, khi áp dụng cho kênh bancassurance thì cũng phải tính đến yếu tố công bằng giữa các kênh phân phối với nhau.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Bảo hiểm ABIC đồng hành cùng Giải chạy Marathon 2023

(ABIC) – Ngày 24/03/3023 – 26/03/2023, “Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong” do Báo Tiền Phong và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu – UBND tỉnh Lai Châu tổ chức đã diễn ra thành công với những khoảnh khắc tuyệt vời. Đây là giải đấu hàng đầu, được đưa vào hệ thống thi đấu của điền kinh Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Năm 2023, với thông điệp “Những nẻo biên cương”, các Vận động viên được trải nghiệm cung đường đua độc đáo hàng đầu Việt Nam ở miền biên cương địa đầu tổ quốc, với những bản làng dân tộc đậm đà bản sắc, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.

Đồng hành cùng chương trình, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thái – đại diện Bảo hiểm Agribank dẫn đoàn với 30 Vận động viên đăng ký tham gia. Bảo hiểm Agribank đánh giá rất cao công tác tổ chức và mục tiêu của Ban tổ chức nhằm hướng sự kiện thể thao trở thành chuỗi sự kiện chính trị – văn hóa – xã hội lớn. Tại TPM năm nay, Bảo hiểm Agribank vinh dự là đơn vị bảo hiểm sức khỏe cho Ban Tổ chức và toàn bộ các vận động viên tham gia Giải chạy.

Với tinh thần quyết tâm và ý chí bền bỉ, các Vận động viên của Bảo hiểm Agribank đã chinh phục thành công “Những nẻo đường biên cương” trong niềm hân hoan, vui sướng. Bảo hiểm Agribank xin cảm ơn Giải chạy Marathon đã mang đến những niềm vui và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ.

  1. Tin quốc tế

Tổn thất bảo hiểm động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 3,5 tỷ đô la

(REI) – PERILS, nhà cung cấp dữ liệu bảo hiểm thảm họa có trụ sở tại Zurich, đã công bố ước tính đầu tiên về thiệt hại của ngành bảo hiểm do Chuỗi trận động đất Kahramanmaras gần đây gây ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ước tính thiệt hại là 3,5 tỷ USD (65,4 tỷ TRY).

Ngày 6 tháng 2 năm 2023, một trận động đất mạnh 7,8 độ Mw đã xảy ra ở miền trung nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria.

Trận động đất bắt đầu ở độ sâu 10 km, ở cuối phía tây nam của hệ thống đứt gãy Đông Anatolian, tạo ra một vết nứt bề mặt dài khoảng 250 km. 11 phút sau cú sốc đầu tiên, một cơn dư chấn có cường độ 6,7 Mw đã xảy ra.

Chín giờ sau, một trận động đất mạnh 7,5 Mw khác xảy ra cách 95 km về phía bắc, trên một đứt gãy liền kề nhưng riêng biệt cũng nằm trong hệ thống đứt gãy Đông Anatolian.

Trận động đất thứ hai này bắt đầu ở độ sâu 15 km và tạo ra vết nứt bề mặt dài khoảng 90 km.

11 tỉnh ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi trận động đất, trong đó Hatay, Kahramanmaras, Gaziantep, Malatya và Adiyaman bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo số liệu chính thức mới nhất, đã có hơn 56.900 người chết, trong đó 48.448 ở Thổ Nhĩ Kỳ và 8.476 ở Syria. Ngoài ra, ước tính 2,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

PERILS tuyên bố rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 160.000 tòa nhà và 520.000 căn hộ đã bị phá hủy, hư hỏng hoặc cần phải phá bỏ, trong đó nhiều tòa nhà bị hư hỏng một phần và cần được sửa chữa.

Một nghiên cứu gần đây của Khoa Kinh tế của Đại học Koç cho thấy, thiệt hại kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng 70 tỷ-87 tỷ đô la.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng chuỗi trận động đất gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 34 tỷ đô la, dựa trên những thiệt hại vật chất trực tiếp.

Theo PERILS, tổn thất được bảo hiểm khoảng 65,4 tỷ TRY (3,5 tỷ đô la theo tỷ giá hối đoái) – đây là sự kiện thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử được ghi nhận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Con số này thấp hơn một chút so với ước tính từ công ty mô hình rủi ro Moody’s RMS và công ty phân tích dữ liệu CoreLogic, cả hai đều kết luận tổn thất được bảo hiểm ở mức 5 tỷ đô la.

Ông Luzi Hitz, Tổng Giám PERILS, nhận xét: “Trước hết, tôi muốn bày tỏ sự cảm thông sâu sắc nhất của chúng tôi tới những người bị ảnh hưởng ở Cộng hòa Türkiye và Cộng hòa Ả Rập Syria bởi sự kiện vô cùng bi thảm và thực sự tàn khốc này.”

“Những trận động đất nông có cường độ Mw 7,8 và Mw 7,5 gây ra sự tàn phá nghiêm trọng trong bất kỳ môi trường xây dựng nào. Mặc dù ngành bảo hiểm ở Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp sự bảo vệ cho những hậu quả tài chính của những sự kiện như vậy, tỷ lệ bảo vệ vẫn thấp hoặc giới hạn bảo hiểm đã mua thấp hơn nhiều so với chi phí khắc phục.

“Bảo hiểm động đất không chỉ là một thách thức ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ở các khu vực khác có hoạt động địa chấn cao như Nhật Bản hoặc California, nơi tỷ lệ bảo hiểm rủi ro còn thấp.

“Thông qua việc cung cấp dữ liệu tổn thất trong ngành, mục tiêu của chúng tôi tại PERILS là giúp nâng cao hiểu biết về những nguy cơ có sức tàn phá cao như vậy và bằng cách đó, tạo điều kiện cho các giải pháp bảo hiểm thâm nhập ngày càng nhiều vào các vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi động đất này.”

Công ty dự đoán rằng ước tính cập nhật về tổn thất thị trường do Chuỗi trận động đất ở Kahramanmaras sẽ được cung cấp trước ngày 6 tháng 5 năm 2023, ba tháng sau sự kiện.

Marsh McLennan Ấn Độ bổ nhiệm tân CEO

(INA) – Công ty quản lý rủi ro và môi giới bảo hiểm Marsh McLennan đã bổ nhiệm ông Sanjay Kedia làm Tổng Giám đốc mới tại Ấn Độ. Quyết định sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 4 năm 2023.

Trong vai trò của mình với tư cách là Chủ tịch Marsh Ấn Độ, Kedia cũng sẽ lãnh đạo một nỗ lực hợp tác mới ở Ấn Độ để thực hiện các giải pháp mới và cải thiện mối quan hệ khách hàng tại các điểm giao nhau của bốn doanh nghiệp của công ty: Mercer, Marsh, Oliver Wyman và Guy Carpenter.

Ông Kedia đã đóng góp vào sự phát triển của Marsh kể từ tháng 11 năm 2022. Hiện tại, ông là Giám đốc quốc gia và Tổng Giám đốc Marsh India Insurance Brokers Pvt. Ltd., một công ty con của Marsh McLennan.

Ông có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Học viện Quản lý SP Jain và đã hoàn thành Chương trình Quản lý Nâng cao (AMP) tại Trường Kinh doanh Harvard.

MetLife bổ nhiệm Giám đốc Định phí toàn cầu

(REI) – MetLife, Inc. đã thông báo bổ nhiệm ông Bryan Boudreau làm Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc định phí toàn cầu. Ông Boudreau kế nhiệm ông Andy Rallis, người sẽ nghỉ hưu vào ngày 10 tháng 5 năm 2023 sau 39 năm làm việc tại MetLife, nơi ông là Giám đốc tính toán toàn cầu trong 11 năm qua.

Trong vai trò mới, ông Boudreau sẽ lãnh đạo một nhóm toàn cầu có chức năng định giá, nghiên cứu kinh nghiệm, định phí, lập mô hình, quản lý tài sản và trách nhiệm pháp lý cũng như các chức năng thống kê khác.

Ông Boudreau sẽ báo cáo lên Giám đốc Tài chính John McCallion. Ông McCallion đã cảm ơn Rallis vì nhiệm kỳ của ông tại công ty và hoan nghênh Boudreau: “Bryan mang đến kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực này, bao gồm các kỹ năng và kinh nghiệm quý báu sẽ giúp đảm bảo chúng tôi tiếp tục thực hiện thành công các cam kết của mình với các bên liên quan của chúng tôi – bao gồm các cổ đông và khách hàng, những người đặt niềm tin vào chúng tôi mỗi ngày.”

Trước đây, ông Boudreau đã làm việc tại MetLife và tái gia nhập công ty vào năm 2013.

Ông cũng đã từng giữ các vị trí lãnh đạo và cố vấn tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ New York, Mercer Investments, Morgan Stanley và Barclays Capital, đồng thời bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là nhà tư vấn lương hưu tại Hewitt Associates.

Rallis nhận xét về việc nghỉ hưu sắp tới của mình tại công ty rằng: “Tôi rất vinh dự được là một phần của tổ chức này trong gần một phần tư lịch sử của Công ty và đã lãnh đạo tổ chức chuyên gia định phí trong hơn một thập kỷ. Trên nền tảng của sự liêm chính, các chuyên gia định phí của chúng tôi đã liên tục triển khai các phân tích tiên tiến để cho phép ban quản lý đưa ra quyết định tốt nhất có thể, cân bằng rủi ro và phần thưởng một cách cẩn thận trong bối cảnh các quy định liên tục thay đổi.”

MetLife, thông qua các công ty con và chi nhánh, là công ty dịch vụ tài chính cung cấp bảo hiểm, niên kim, phúc lợi nhân viên và quản lý tài sản cho khách hàng cá nhân và tổ chức.

Công ty có hoạt động tại hơn 40 thị trường trên toàn cầu và giữ vị trí hàng đầu tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Mỹ Latinh, Châu Á, Châu Âu và Trung Đông.

Lexasure hợp tác với Blimobil để cung cấp dịch vụ bảo hiểm rộng hơn

(INA) – Lexasure Financial Group Limited và PT Nawa Carciege Indonesia (Blimobil) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) cho quan hệ đối tác chiến lược nhằm mở rộng các sản phẩm bảo hiểm tại Indonesia.

Nhà cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm và công nghệ bảo hiểm ở Nam và Đông Nam Á, Lexasure, sẽ đầu tư vào nền tảng giao dịch kỹ thuật số thị trường ô tô Indonesia, Blimobil.

Lexasure cho biết: “Hai bên sẽ cung cấp quyền tiếp cận vào các sản phẩm bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm ô tô, bảo hiểm ô tô dựa trên việc sử dụng, thiết bị gia dụng, bảo hiểm bảo hành mở rộng ô tô và bảo hiểm bảo vệ tài sản đảm bảo (GAP)”.

Ngoài các dịch vụ bảo hiểm mới và đa dạng, các giải pháp tích hợp kỹ thuật số back-end và quản lý bồi thường cũng sẽ được cung cấp bởi Lexasure.

Điều này sẽ được áp dụng cho các khả năng tái bảo hiểm như bảo hiểm an ninh mạng cá nhân, tai nạn cá nhân, sản phẩm điện tử, bảo hành mở rộng, bảo hiểm vật nuôi và các bảo hiểm khác.

Lexasure cho biết: “Việc tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược tùy thuộc vào việc đàm phán các thỏa thuận dứt khoát với các điều kiện kết thúc theo thông lệ, bao gồm cả sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền”.

Công ty bảo hiểm đầu tiên của Malaysia ký các Nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về Bảo hiểm Bền vững

(INA) – Công ty bảo hiểm Etiqa của Malaysia cho biết họ cam kết kinh doanh theo hướng bền vững.

Trong một thông báo mới đây, hãng bảo hiểm này cho biết đã ký kết trở thành một phần của Nguyên tắc Bảo hiểm Bền vững của Liên Hợp Quốc (UN PSI) thuộc Sáng kiến Tài chính Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP FI).

Ông Kamaludin Ahmad, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo hiểm Etiqa và Takaful cho biết: “Vào năm 2019, Etiqa đã đáp lại lời kêu gọi của Ngân hàng Trung ương Negara Malaysia về việc các công ty áp dụng Trung gian dựa trên giá trị (VBI), tương đương với ESG của Hồi giáo. Kể từ đó, chúng tôi đã thực hiện các hoạt động bền vững và giữ vững lập trường của mình trong việc cân bằng phương trình giữa Con người, Hành tinh và Lợi nhuận, theo cách chúng tôi thực hiện hoạt động kinh doanh Bảo hiểm & Takaful của mình”.

Sáng kiến này nhằm hướng các tổ chức tài chính trong khu vực tư nhân phục vụ cả con người và hành tinh.

Bắt đầu từ năm 2012, chương trình đã phát triển bốn Nguyên tắc chính cho Bảo hiểm Bền vững (PSI) để làm lộ trình cho các giải pháp và quản lý rủi ro.

UNEP FI làm việc với hơn 400 ngân hàng, công ty bảo hiểm và nhà đầu tư và được hỗ trợ bởi hơn 100 tổ chức. Hiện PSI đã có 135 công ty bảo hiểm ký cam kết hướng tới sự bền vững.

Chỉ 35% người Singapore có kế hoạch cho hưu trí

(INA) – Chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng vẫn là lý do chính để đầu tư vào bảo hiểm.

Kết quả Khảo sát Manulife Châu Á Care 2023 cho thấy khoảng 2/3 người dân Singapore coi tiết kiệm hưu trí là ưu tiên chính của họ.

Với kỳ vọng nghỉ hưu ở tuổi 62, người Singapore đặt mục tiêu ngay lập tức bắt đầu tạo đủ khoản tiết kiệm hưu trí.

Ông Khoo Kah Siang, Tổng Giám đốc Manulife Singapore, bình luận: “Nhưng điều đáng lo ngại là rất ít người có kế hoạch nghỉ hưu. Lập kế hoạch nghỉ hưu phải bắt đầu sớm để bạn có một chặng đường dài hơn để phát triển quỹ hưu trí của mình. Mặc dù có nhiều việc khẩn cấp trong cuộc sống, song điều quan trọng là phải ưu tiên lập kế hoạch nghỉ hưu để bạn có thể tận hưởng những năm tháng thảnh thơi khi tuổi già ập đến”.

Những người ưu tiên các khoản chi tiêu và đầu tư khác cho biết họ muốn tiết kiệm cho “ngày mưa” (44%), duy trì lối sống hiện tại (34%) và tiết kiệm cho nhu cầu y tế (26%).

Tuy nhiên, tác động của lạm phát được coi là mối quan tâm chính đối với rủi ro tài chính cá nhân với 68% số người được khảo sát nêu rõ điều này.

Khoảng 63% người Singapore vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt và tài khoản ngân hàng. Nhưng lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng xấu đến những người phụ thuộc vào tiền mặt.

Ông Siang nói: “Việc phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt như một công cụ tiết kiệm ở Singapore khiến người tiêu dùng Singapore gặp rủi ro lạm phát – lạm phát ăn mòn giá trị của các khoản tiết kiệm tiền mặt. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm ra những con đường mang lại lợi nhuận gộp”.

Nghiên cứu đã khảo sát 1.037 người Singapore trong độ tuổi từ 25 đến 60 tuổi, những người đã có bảo hiểm hoặc có kế hoạch đầu tư cho tương lai. Thời gian khảo sát là từ cuối tháng 12 năm 2022 đến cuối tháng 1 năm 2023.

Hang Seng Bank và Chubb ký thỏa thuận phân phối độc quyền 15 năm

(INA) – Ngân hàng Hang Seng Bank và Bảo hiểm Chubb đã ký kết một thỏa thuận phân phối độc quyền trong 15 năm.

Bắt đầu từ tháng 7 năm 2023, Chubb sẽ cung cấp các giải pháp và sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng của ngân hàng Hang Seng tại Hồng Kông.

Hai tổ chức cho biết, thông tin chi tiết về các sản phẩm và giải pháp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ được cung cấp cho khách hàng sẽ được công bố gần ngày ra mắt.

Theo ông Rannie Lee, Giám đốc khối tài sản và ngân hàng cá nhân của Hang Seng Bank: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Chubb để cung cấp các dịch vụ bảo hiểm chung đáp ứng nhu cầu bảo vệ đa dạng và ngày càng tăng của khách hàng. Với sức mạnh vô địch của chúng tôi trong phân phối kỹ thuật số, khách hàng sẽ được tiếp cận thuận tiện với nhiều giải pháp bảo hiểm phi nhân thọ”.

Bangladesh sửa đổi luật để quy định bắt buộc bảo hiểm xe cơ giới

(AIR) – Chính phủ Bangladesh có thể sẽ bắt buộc mua bảo hiểm đối với tất cả các loại xe cộ, bao gồm cả xe máy, ô tô và xe buýt.

The Daily Star đưa tin cho biết, Cơ quan Quản lý và Phát triển Bảo hiểm (IRDA) gần đây đã gửi một đề xuất tới Bộ Tài chính để đưa Đạo luật Giao thông Đường bộ 2018 có hiệu lực vào động thái này.

Những người trong cuộc cho biết Bộ phận Tổ chức Tài chính đã chuẩn bị một bản tóm tắt về vấn đề này để Văn phòng Thủ tướng xem xét.

Bảo hiểm đã từng là bắt buộc đối với tất cả các loại xe cộ, bao gồm xe máy, ô tô, xe buýt và xe tải. Tuy nhiên, điều này đã bị bãi bỏ vào năm 2018.

BTV (Tổng hợp).