TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 12

Bão gió ở châu Âu gây thiệt hại gần 5 tỷ USD; Bảo Việt đạt giải vàng Báo cáo Phát triển bền vững; Bộ Tài chính kiên trì đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 20

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Xưởng đồ gồ rộng gần 1.000m2 bốc cháy dữ dội lúc rạng sáng

(Kinhtedothi) – Ngọn lửa bất ngờ bùng phát, cháy lớn tại hộ kinh doanh đồ gỗ thuộc xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Vụ hỏa hoạn đã khiến gần 1.000m2 nhà xưởng bị thiêu rụi.

Vụ cháy xảy ra vào hồi 2 giờ 41 phút ngày 9/4, Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy xảy ra tại các hộ sản xuất, kinh doanh ở thôn Miễu, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất. Ngay khi tiếp nhận thông tin ban đầu, Trung tâm Thông tin Chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động 1 xe chỉ huy chữa cháy, 2 xe chữa cháy của Công an huyện Thạch Thất, cùng 15 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường triển khai chữa cháy.

Trung tâm thông tin chỉ huy đã khẩn trương điều động chi viện 4 xe chữa cháy cùng 25 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị gồm Công an huyện Quốc Oai và Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Khu vực 6, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội để phối hợp tiếp cận, triển khai chữa cháy.

Khi đến hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ huy chữa cháy, triệu tập chỉ huy các đơn vị chữa cháy, thống nhất chiến thuật và tổ chức chữa cháy.

Nơi xảy ra cháy là khu vực sản xuất, kinh doanh của các gia đình: Ông Nguyễn Đình Chính, ông Phan Lạc Cường, bà Nguyễn Thị Nga, Phan Thị Bình, Nguyễn Duy Điều và Cường Anh có quy mô 1 tầng, kết cấu khung thép, mái tôn.

Do đám cháy diễn biến phức tạp bởi chất cháy chủ yếu là các nguyên liệu (gỗ, sơn, keo…) dễ bắt cháy, sinh ra nhiều khói khí độc, vận tốc cháy lan nhanh cháy nên lực lượng PCCC đã khẩn trương triển khai các mũi, khai thác nguồn nước từ nhà máy nước xã Hữu Bằng để tổ chức chữa cháy, ngăn cháy lan sang các khu vực lân cận; đồng thời chỉ đạo các lực lượng Công an xã, lực lượng Cảnh sát Giao thông, dân phòng… tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự khu vực xảy cháy.

Các lực lượng nỗ lực chữa cháy, đến 6 giờ 40 phút cùng ngày, đám cháy đã được lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH dập tắt hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích cháy khoảng gần 950m2. Đám cháy không gây thiệt hại về người.

Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Việt đạt giải vàng tại lễ trao giải Báo cáo Phát triển bền vững châu Á 2022

(TBTCO) – Vượt qua hàng trăm đại diện đến từ các nước trong khu vực, Bảo Việt đã giành giải vàng trong hạng mục Báo cáo có nội dung về Quản trị công ty tốt nhất châu Á (Asia’s Best Sustainability Report (Governance). Bên cạnh đó, báo cáo của Bảo Việt cũng được trao giải Bạc trong hạng mục Báo cáo có nội dung về nơi làm việc tốt nhất châu Á (Asia’s Best Workplace Reporting).

Đây là lần thứ 6 liên tiếp Bảo Việt được Ban Tổ chức giải thưởng ASRA 2022 – CSR Works trao giải cao tại lễ trao giải Báo cáo Phát triển bền vững tốt nhất châu Á 2022 (Asia’s 2022 Best Sustainability Report Awards) danh giá này.

Vượt qua 585 báo cáo dự thi từ 14 quốc gia với 17 hạng mục giải thưởng, Tập đoàn Bảo Việt là một trong 30 doanh nghiệp đã được vinh danh trong lễ công bố và trao giải Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất châu Á (ASRA) 2022 do tổ chức hàng đầu về cung cấp dịch vụ, tư vấn và đào tạo thực hành phát triển bền vững CSRWorks (CSRWorks International) tổ chức thường niên. Trong 17 hạng mục giải thưởng, báo cáo của Bảo Việt đã được đề cử và vinh danh cho 2 hạng mục lớn: Báo cáo có nội dung về quản trị công ty tốt nhất châu Á (Asia’s Best Sustainability Report (Governance) và báo cáo có nội dung về nơi làm việc tốt nhất châu Á (Asia’s Best Workplace Reporting).

Lễ trao giải có sự tham gia của bà Kara Owen, Cao ủy Anh tại Singapore cùng hơn 250 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao và các nhà thực hành bền vững từ các học viện, đại sứ quán, hiệp hội thương mại tại 20 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ trao giải Báo cáo phát triển bền vững châu Á (ASRA) năm nay tiếp tục được tổ chức trực tuyến từ Singapore, đánh dấu nỗ lực của Bảo Việt khi là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất 6 năm liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng.

Báo cáo phát triển bền vững của Bảo Việt được Hội đồng Giám khảo ASRA đánh giá cao về chất lượng nội dung, trình bày công phu sáng tạo và áp dụng tiêu chuẩn GRI Standard. Không chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin tài chính, báo cáo còn thể hiện chi tiết những thông tin phi tài chính như chiến lược phát triển, chất lượng quản trị doanh nghiệp, hoạt động xã hội, môi trường… Đây là những nội dung quan trọng phản ánh cam kết của Tập đoàn trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững thành hành động.

Với thông điệp “Bình thường mới – Tâm thế mới” tại cả 2 báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, Bảo Việt thể hiện một tinh thần sẵn sàng thay đổi cách thức vận hành, quản trị, kinh doanh để phù hợp với hành vi, nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh kinh doanh song hành cùng đại dịch Covid – 19.

Đồng thời, Bảo Việt cũng phát hành báo cáo thường niên Smart Report cho phép ứng dụng công nghệ tiên tiến (Smart PDF, Power BI, Digital platform) với hình ảnh sống động. Nếu báo cáo thường niên sử dụng phong cách thiết kế isometric hiện đại cùng infographics minh họa đã được công phu thực hiện đem lại điểm nhấn 3D ấn tượng thì báo cáo phát triển bền vững mang tới bức tranh với nhiều mảng màu sắc tương phản của cuộc sống khi con người nhận ra các hệ quả của tư duy kinh doanh ngắn hạn và bỏ qua các vấn đề về phát triển bền vững. Từ đó, trong trạng thái bình thường mới, Bảo Việt mang đến một tâm thế mới tràn đầy năng lượng để sẵn sàng ứng phó với thách thức và nắm bắt những cơ hội mới.

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 170.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.003 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020.

Tổng doanh thu công ty Mẹ đạt 1.490 tỷ đồng, tăng trưởng 5,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 1,9% và hoàn thành kế hoạch Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng tài sản công ty mẹ năm 2021 đạt 18.908 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.519 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức 667 tỷ đồng bằng tiền mặt trong năm 2021, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Năm 2021, dịch Covid-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tập đoàn Bảo Việt đã đồng hành cùng người dân trên cả nước chia sẻ gánh nặng tài chính trong cuộc sống và thực hiện đúng cam kết, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng để cùng chung tay “Bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng”.

Tập đoàn Bảo Việt: Năm 2021, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 21,4%

(TBTCO) – Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2021 (kiểm toán), theo đó Tập đoàn Bảo Việt (mã chứng khoán BVH) và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020.

Bảo Việt hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trên thị trường bảo hiểm, đạt gần 170.000 tỷ đồng, tương đương hơn 7 tỷ USD. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 50.380 tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.003 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020.

Tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.490 tỷ đồng, tăng trưởng 5,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.031 tỷ đồng, tăng 1,9% và hoàn thành kế hoạch đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Tổng tài sản công ty mẹ năm 2021 đạt 18.908 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 18.519 tỷ đồng.

Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức 667 tỷ đồng bằng tiền mặt trong năm 2021, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.500 tỷ đồng tiền mặt. Tính từ khi cổ phần hóa đến nay, tổng số tiền Bảo Việt đã nộp vào ngân sách nhà nước lên đến gần 24.000 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô vốn và tài sản hàng đầu trong các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo Việt luôn thực hiện các cam kết với cổ đông, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.

Năm 2021, dịch Covid-19 tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, Tập đoàn Bảo Việt đã đồng hành cùng người dân trên cả nước chia sẻ gánh nặng tài chính trong cuộc sống và thực hiện đúng cam kết, gánh vác trách nhiệm với cộng đồng để cùng chung tay “Bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng”.

Thể hiện tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số của một tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu Việt Nam, Bảo Việt tăng cường đầu tư và củng cố nền tảng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh của toàn hệ thống; tập trung mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai nghiên cứu ra mắt chuỗi sản phẩm tích hợp đa dạng và ưu đãi vượt trội cho khách hàng, thể hiện vai trò doanh nghiệp dẫn đầu thị trường.

Theo đó, năm 2021 Bảo Việt Nhân thọ đạt tổng doanh thu đạt 37.848 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6% trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 30.562 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2020, tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 thị trường về tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Để đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe và tài chính của người dân, Bảo Việt Nhân thọ đã liên tục nghiên cứu và triển khai những sản phẩm ngày càng ưu việt. Đầu năm 2022, Bảo Việt ra mắt sản phẩm “An Vui Sống Khỏe” chăm sóc y tế toàn diện với mức bảo vệ lên đến 1 tỷ đồng/năm, bao gồm: quyền lợi nội trú, ngoại trú, nha khoa, thai sản, … chi trả cả bệnh ung thư, cấy ghép nội tạng. Đặc biệt, khi không có yêu cầu bồi thường, người tham gia được giảm phí lên đến 15% cho năm tiếp theo. Tháng 8/2021, giải pháp tài chính “An Khang Hạnh Phúc” cũng được ra mắt với mục đích bảo vệ trọn đời và toàn diện trước các rủi ro trong cuộc sống, bảo vệ bệnh ung thư ngay từ giai đoạn đầu, mang đến các quyền lợi chăm sóc y tế ưu việt, bảo vệ kép trước nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Năm 2021, dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia tài chính bảo hiểm và người tiêu dùng, Bảo Việt Nhân thọ lần thứ 5 dẫn đầu Top 10 “Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín” theo Vietnam Report công bố.

Năm 2021, Bảo hiểm Bảo Việt đạt tổng doanh thu 10.588 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 8.949 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 ngành bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2020. Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp tiên phong trong việc đẩy mạnh hợp tác cùng các đối tác quốc tế về tái bảo hiểm, công nghệ số để nghiên cứu và triển khai những giải pháp bảo hiểm toàn diện, tối ưu và an toàn cho khách hàng. Các sản phẩm mới của Bảo Việt kể đến như: Travel Easy, Flight Easy, E-cargo, E-claim, Baoviet Direct, Baoviet My Doctor… trên nền tảng trực tuyến, tạo nên một hệ sinh thái khép kín để mang lại sự trải nghiệm thuận tiện cho khách hàng.

Bảo hiểm Bảo Việt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất của Việt Nam vinh dự nhận được giải thưởng Sáng kiến bảo hiểm số của năm và Sáng kiến ứng dụng bảo hiểm của năm tại Việt Nam do Insurance Asia Awards trao tặng trong hai năm 2020 và 2021.

Quý I/2022, Bảo hiểm Bảo Việt đã cho ra mắt chương trình bảo hiểm sức khỏe “Bảo Việt Tâm Bình” với nhiều quyền lợi mới tích hợp. Bảo Việt Tâm Bình là một chương trình bảo hiểm sức khoẻ đầy tiềm năng, không chỉ đầu tư tài chính hiệu quả mà còn bảo vệ người tham gia trước nhiều rủi ro, bệnh tật hoặc tử vong.

Bảo hiểm VietinBank tiếp tục được vinh danh Sao Vàng đất Việt

(TBTCO) – Ngày 30/3/2022, Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank – VBI) lần thứ 3 sau năm 2015 và 2018 được vinh danh Top 100 Sao Vàng đất Việt 2021.

Vượt qua 3 vòng thẩm định khắt khe, Bảo hiểm VietinBank (VBI) đã vượt lên gần 1.000 thương hiệu trên cả nước và lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp đạt giải Sao Vàng đất Việt nhờ tốc độ tăng trưởng không ngừng. Năm 2021, lợi nhuận của VBI tăng tới 34%, mức tăng cao nhất của ngành bảo hiểm. Doanh thu VBI năm 2021 tăng trưởng 11%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

VBI đạt giải thưởng Sao Vàng đất Việt còn nhờ đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe khác của Hội đồng xét giải, bao gồm: tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, số lao động, thu nhập bình quân người lao động, ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội…

Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, năm nay VBI được tôn vinh bởi những nỗ lực vượt qua tác động dịch bệnh, không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế của đất nước và nâng cao mức thu nhập bình quân cho cán bộ, nhân viên VBI.

VBI đã thực sự tạo nên cuộc cách mạng chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm với app MyVBI phiên bản mới, tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất như: công nghệ định danh khách hàng điện tử eKYC, tái tục tự động, công nghệ nhận diện ký tự quang học OCR (Optical Character Recognition) đọc thông tin từ chứng minh thư, căn cước công dân; Chatbot tư vấn khách hàng online, video-call từ app tới tổng đài chăm sóc khách hàng… Sự ưu việt của công nghệ này đã giúp VBI “tăng tốc, khác biệt, bứt phá” khẳng định vị thế doanh nghiệp bảo hiểm số hàng đầu tại Việt Nam.

Lãnh đạo VBI cho biết: “VBI tự hào là doanh nghiệp tiên phong tạo ra những ứng dụng bảo hiểm số hàng đầu tại Việt Nam, được thị trường đón nhận và học hỏi. Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 toàn cầu và trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò xương sống không những trong việc quản trị và điều hành doanh nghiệp mà còn là cầu nối hữu hiệu giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng ở mọi nơi, mọi thời điểm. VBI luôn không ngừng cải tiến hệ thống quản trị và quy trình công việc bằng các nền tảng công nghệ tiến tiến hiện đại, tối ưu hoá hiệu suất doanh nghiệp và tạo ra những trải nghiệm mang tính ổn định, tiện lợi và vượt trội cho khách hàng”.

Với sứ mệnh bảo vệ an toàn tài chính cho người dân và doanh nghiệp, VBI sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống bảo hiểm số và đẩy mạnh trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao chất lượng bồi thường để người dân, doanh nghiệp tín nhiệm, an tâm sử dụng bảo hiểm của VBI như một giải pháp tối ưu cho kế hoạch tài chính của mình.

Ra mắt bảo hiểm an ninh mạng cá nhân BIC Cyber Risk

(TBTCO) – Nhằm mang tới một giải pháp bảo vệ tối ưu cho khách hàng có tài khoản ngân hàng khi mua sắm, thanh toán qua mạng, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã ra mắt bảo hiểm an ninh mạng BIC Cyber Risk dành cho khách hàng cá nhân.

Tham gia bảo hiểm BIC Cyber Risk, khách hàng có tài khoản ngân hàng có thể an tâm thực hiện các giao dịch thanh toán qua mạng. Cụ thể, BIC sẽ bảo vệ khách hàng trước các giao dịch trái phép, áp dụng trong trường hợp bên thứ ba gây ra thiệt hại tài chính cho người được bảo hiểm bằng cách chuyển trực tuyến trái phép tiền trong các tài khoản ngân hàng trực tuyến hoặc thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ của người được bảo hiểm.

Khách hàng cũng có thể an tâm trước các hành vi lừa đảo mua sắm trực tuyến, áp dụng cho trường hợp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến với mục đích tiêu dùng cá nhân nhưng hàng hóa không được giao hoặc bị hư hỏng. Bên cạnh đó, BIC Cyber Risk cũng bảo vệ khách hàng trong trường hợp bị mất cắp các thông tin định danh do bị hack thông qua internet hoặc mạng wifi, bị rò rỉ dữ liệu, trộm cắp thẻ tín dụng, điện thoại, email…

Tổng mức chi trả của BIC Cyber Risk lên tới 6.000 USD. So với các sản phẩm tương tự trên thị trường, BIC Cyber Risk là sản phẩm có phí bảo hiểm hấp dẫn nhất. Thủ tục mua đơn giản, nhanh chóng. Quá trình bồi thường cũng được BIC tự động, tối ưu hóa nhằm mang tới sự thuận tiện nhất cho khách hàng.

Sản phẩm hiện đang được phân phối tại các điểm giao dịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên toàn quốc. Cùng với những sản phẩm ngân hàng số hiện đại, ưu việt từ BIDV, BIC Cyber Risk chắc chắn sẽ là một lựa chọn không thể bỏ qua để bảo vệ khách hàng trên không gian mạng.

Bảo Minh: Lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng hơn 30% nhờ kinh doanh cổ phiếu và bảo hiểm

(ĐTCK) – Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) vừa có văn bản giải trình biến động kết quả kinh doanh năm 2021 với thông tin cập nhật mới nhất về lợi nhuận sau thuế của công ty năm năm 2021 đạt 255 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020.

Theo BMI, nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao so với năm trước có sự đóng góp của cả hoạt động tài chính và hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính tăng trưởng mạnh do diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Cụ thể, lợi nhuận kinh doanh cổ phiếu tăng 53 tỷ đồng so với năm trước, chưa kể hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán. Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm cũng đóng góp 27,6 tỷ đồng do doanh thu vẫn tăng trưởng khá trong điều kiện dịch Covid bùng phát và tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng chi phí.

Năm 2022, doanh nghiệp này đặt ra mức doanh thu dự kiến đạt 5.500 tỷ đồng. Được biết, theo công bố trước đó, tổng doanh thu cả năm 2021 của BMI đạt 5.344,3 tỷ đồng, hoàn thành 106,36% kế hoạch (tăng trưởng 6,36% so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế đạt hơn 300 tỷ đồng, hoàn thành 108,54% kế hoạch (tăng trưởng 28,92% so với cùng kỳ); tỷ lệ kết hợp đạt 98,49% (bao gồm trích lập đầy đủ dự phòng dao động lớn và không sử dụng quỹ dự phòng dao động lớn); ROE đạt 10,81% hoàn thành 108,1% kế hoạch năm 2021 và tăng trưởng 126,58% so với cùng kỳ.

Chốt phiên 1/4, cổ phiếu BMI tăng 2,4% lên 43.500 đồng với thanh khoản gần 1,3 triệu đơn vị.

PTI phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến về mở rộng hệ sinh thái kỹ thuật số

(PTI) – Vừa qua, PTI đã phối hợp với NTUC Income tổ chức hội thảo trực tuyến mang tên “Ngày hội Sáng tạo Hive by Income” với mong muốn thảo luận và cung cấp các giải pháp cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong hệ sinh thái kỹ thuật số.

Hội thảo trực tuyến có sự tham gia của ông Nguyễn Quang Huyền – Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài Chính cùng sự góp mặt của bốn chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực: ông Bùi Xuân Thu – Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), ông Phan Hồng Minh – Giám đốc Điều hành Công ty JupViec, ông Sungsoo Na – Giám đốc Tài chính của FinHay và bà Edlyn Khoo – Phó Chủ tịch Văn phòng Chuyển đổi Kỹ thuật số công ty NTUC Income.

Tại hội thảo, các diễn giả đều đồng tình rằng số người được tiếp cận với các dịch vụ tài chính ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam còn quá ít dẫn đến sự bất bình đẳng trong thu nhập và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Các dịch vụ tài chính bảo hiểm hiện nay tại Việt Nam đa phần đang được phục vụ cho tầng lớp có mức thu nhập khá trở lên. Số đông còn lại, bao gồm cả tầng lớp lao động nghèo và người có thu nhập thấp vẫn chưa được phổ cập các dịch vụ này một cách bền vững.

Ông Bùi Xuân Thu – Tổng giám đốc PTI cho biết, với định hướng phát triển là trở thành một doanh nghiệp bảo hiểm vì cộng đồng, PTI đã nghiên cứu xây dựng các sản phẩm bảo hiểm đáp ứng được nhu cầu của tất cả người dân Việt Nam trong đó bao gồm cả lực lượng lao động nghèo, giúp họ tiếp cận được với các gói sản phẩm phù hợp với mức thu nhập của mình. Chính vì vậy, PTI và NTUC Income đã bắt tay hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình tạo dựng những sản phẩm bảo hiểm dễ tiếp cận đến người dân.

Cũng tại buổi hội thảo, một số điểm chính được thảo luận là những vấn đề phổ biến mà một nhân viên hợp đồng thường gặp phải. Ông Phan Hồng Minh – CEO của JupViec đã bàn luận về những thách thức mà người lao động có thể đối mặt do thiếu kiến thức tài chính và những tác động xấu của chúng. Từ đó đưa ra giải pháp giúp tăng nhu cầu tài chính cho người lao động, đồng thời định nghĩa lại về bảo hiểm vi mô.

Ông Sungsoo Na – CFO tại FinHay lại nói đến những thách thức trong tài chính và thách thức lớn nhất được nhắc đến là “tỷ lệ lạm phát”, ngoài ra, ông cũng chia sẻ một số kinh nghiệm và thủ thuật trong đầu tư.

Trong phiên thảo luận của Phó Chủ tịch công ty Income, bà Edlyn đã chia sẻ về hệ sinh thái tài chính số ở Singapore, chỉ ra những điểm tương đồng mà họ nhìn thấy ở Việt Nam để từ đó nêu ra các giải pháp mà NTUC Income có thể bắt tay vào thay đổi cho phù hợp để hỗ trợ người tiêu dùng Việt.

Thông qua hội thảo, PTI và NTUC Income cùng các đối tác cũng đưa ra các giải pháp để mang bảo hiểm đến gần hơn với đông đảo người dân, đặc biệt là những lao động khó khăn và nâng cao sức khỏe tài chính cho tất cả mọi người.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bộ trưởng Tài chính kiên trì đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

(ĐTCK) – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói nếu Quốc hội quyết định bỏ Quỹ thì phải bỏ, nhưng duy trì thì sẽ tạo sự chủ động hơn cho nhà nước can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản.

Thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 29/3, đại biểu Quốc hội còn băn khoăn có nên giữ quy định tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hay không, dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vẫn kiên trì quan điểm nên giữ.

Về tổng thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều).

Trong đó có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều.

Tại thời điểm này, nhiều vấn đề đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý. Như, bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); đồng thời bổ sung khoản 2 Điều 71 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng tách riêng một vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đó là một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo Luật. Ý kiến khác cho rằng, nên có quy định về trích lập Quỹ này, nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Thường trực Ủy ban Kinh tế thông tin, Chính phủ cho rằng, trước đây, khi áp dụng mô hình vốn tối thiểu (mức vốn cố định, không gắn quy mô kinh doanh và rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm) và Nhà nước chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp bảo hiểm có vấn đề (mất khả năng thanh toán), cần thiết phải có cơ chế bổ sung để bảo vệ người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, phá sản. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật số 61/2010/QH12) đã có quy định đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó đã nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị doanh nghiệp và kiểm soát tài chính, tăng cường yêu cầu đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp can thiệp sớm.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 22/3/2022), đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ, ông Thanh cho biết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đề nghị Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về vấn đề này và gửi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/4/2022.

Tham gia thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) bày tỏ đồng tình với phân tích của Ủy ban Kinh tế là không cần duy trì cả 2 quỹ, nên đề nghị không nên tiếp tục quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại dự thảo.

Nên dừng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để giảm gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thống nhất quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, nếu đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro thì Quỹ này sẽ thế nào.

Đại biểu Thành cũng cho rằng, nếu trích nộp quỹ mà cứ tính vào phần của người tham gia bảo hiểm là chưa phù hợp, nên chăng trích từ thuế của cơ quan kinh doanh bảo hiểm.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói nếu Quốc hội quyết định bỏ Quỹ thì phải bỏ, nhưng duy trì thì sẽ tạo sự chủ động hơn cho nhà nước can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản.

Hiện nay, Quỹ này còn hơn 1.000 tỷ đồng, do Bộ Tài chính quản lý, ông Phớc cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại đề nghị trước 1/4 Chính phủ cần có ý kiến về quỹ này để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (khai mạc tháng 5/2022).

  1. Nhịp đập thị trường

2 tháng đầu năm, bảo hiểm nhân thọ ước chi trả 5.419 tỷ đồng cho các sản phẩm

(ĐTCK) – Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, đến hết tháng 2/2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 402.224 hợp đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 39,1%, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 19,8%, tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 32,8%, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái; sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 6,9% tăng 69,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 13.182.347 tăng 11%.

Hết tháng 1/2022, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 227.849 hợp đồng, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2 tháng qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 21.888 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 53,4%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 17,5%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 17,1%; sản phẩm phụ chiếm tỷ trọng 10,3%.

Các sản phẩm bảo hiểm còn lại chiếm tỷ trọng 1,65%, trong đó, sản phẩm bảo hiểm trọn đời chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm 0,8%, sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,1%, sản phẩm bảo hiểm hưu trí chiếm 0,2%, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chiếm 0,32%, sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ chiếm 0,001%.

Bên cạnh đó, phí bảo hiểm khai thác mới 2 tháng năm 2022 giảm 9,5% đạt 6.059 tỷ đồng.

Tổng số tiền bảo hiểm các doanh nghiệp đã chi trả 2 tháng năm 2022 cho các sản phẩm bảo hiểm là 5.419 tỷ đồng.

Bảo hiểm hải ngoại cho trái ngọt

(ĐTCK) – Sau hơn một thập kỷ “mang chuông đi đánh xứ người”, nhiều hãng bảo hiểm Việt bắt đầu gặt hái thành quả.

Tại Campuchia, Công ty Bảo hiểm Campuchia – Việt Nam (CVI) đang nằm trong tốp 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần, đồng thời giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực bảo hiểm hàng không tại nước này. Được biết, sau thương vụ chuyển nhượng vốn góp năm ngoái, 2 cổ đông lớn nhất của CVI hiện nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (51%) – công ty con của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TNHH Phát triển Đảo Kim Cương thuộc Canadia Bank Group chiếm 29%.

Năm 2021, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Campuchia cạnh tranh gay gắt, CVI vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. CVI giữ vững vị trí thứ 5 trong tổng số 18 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần doanh thu phí bảo hiểm cao nhất Campuchia, với mức tăng trưởng 4,8% so với năm 2020, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi hàng không tăng trưởng trên 20%.

CVI có thế mạnh khai thác các nhóm nghiệp vụ chủ chốt như nghiệp vụ tài sản, xây dựng lắp đặt, bảo hiểm sức khỏe, tai nạn cá nhân, duy trì vị thế là công ty bảo hiểm tốp đầu trên thị trường về lĩnh vực bảo hiểm hàng không. Hiện tại, CVI đang đẩy mạnh khai thác các nghiệp vụ phi hàng không như bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm trách nhiệm, đảm bảo danh mục khách hàng ổn định hơn.

Trong năm qua, bằng việc tập trung khai thác nhiều kênh bán hàng, tăng cường tìm kiếm nguồn khách hàng mới, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản đạt mức tăng trưởng 9,7%; bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 237,8%; bảo hiểm tai nạn tăng trưởng 21,8%.

Tại Lào, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) với các thành viên sáng lập là Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) và Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) tăng 56,4% so với năm 2020, giúp LVI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về tỷ suất sinh lời. Năm 2021 cũng được coi là một năm thành công của LVI về doanh thu khi chỉ tiêu này tăng trưởng 12%.

Một liên doanh bảo hiểm khác tại Lào là Công ty Bảo hiểm Đại chúng Lanexang (LAP) được thành lập bởi Ngân hàng Phát triển Lào (LDB) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng ghi nhận doanh thu bảo hiểm gốc năm 2021 tăng trưởng cao so với năm 2020, đạt 65% và hoàn thành vượt 24% kế hoạch đề ra.

Thâm nhập thị trường bảo hiểm Lào hơn 10 năm, Bảo hiểm Lanexang đã tạo được vị thế nhất định. Năm 2021, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, liên danh bảo hiểm này tiếp tục duy trì mức tăng trưởng doanh thu cao nhờ ký kết được nhiều hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn như loạt hợp đồng bảo hiểm tài sản kỹ thuật cho các thủy điện tại Lào như EDL GEN, Namlik, Nam Nghiep…

Theo đó, doanh thu tài sản kỹ thuật năm 2021 tăng trưởng 205% và hoàn thành vượt 62% kế hoạch đề ra. Mục tiêu liên danh bảo hiểm này đang hướng tới là tiếp cận và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 50 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Lào; hợp tác bán bảo hiểm với các ngân hàng (bancassurance) đang hoạt động tại Lào; củng cố vị thế số 1 thị trường về triển khai dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới thông qua các kênh bancassurance, leasing và showroom…

Thực tế, để đạt được thành quả như hiện tại ở xứ người, các công ty bảo hiểm Việt đã trải qua không ít khó khăn. Chẳng hạn, tại thị trường Lào, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi số lượng hãng bảo hiểm tăng nhanh với hơn 20 hãng bảo hiểm đang hoạt động. Thậm chí, nhiều nhà bảo hiểm mới gia nhập thị trường sẵn sàng thực hiện các biện pháp cạnh tranh phi kỹ thuật (hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản hợp đồng…), đồng thời liên tục triển khai các chương trình khuyến mại “sâu” để thu hút khách hàng, khiến nhiều thời điểm doanh thu của các hãng bảo hiểm Việt không đạt kỳ vọng. Dẫu vậy, vượt qua những khó khăn mà hầu hết thị trường bảo hiểm mới phát triển nào cũng gặp phải, các hãng bảo hiểm Việt vẫn đặt nhiều tham vọng bởi tiềm năng khai thác của những thị trường này còn rất lớn.

Năm 2022, cùng với củng cố và phát triển danh mục khách hàng, Bảo hiểm CVI sẽ tập trung khai thác và duy trì vị trí đứng đầu đối với nhóm nghiệp vụ chủ chốt mang lại doanh thu lớn như bảo hiểm hàng không, tài sản, xây dựng, con người; tích cực phát triển các dịch vụ phi hàng không, các dịch vụ bán lẻ như xe cơ giới, sức khỏe, tai nạn… để cải thiện cơ cấu doanh thu, tránh sự phụ thuộc khi thị trường hàng không trong khu vực còn chưa phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh; đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định hơn về doanh thu.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm CVI cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Viettel Campuchia để đưa sản phẩm của mình tiếp cận tới người dùng viễn thông tại Campuchia, đồng thời tích cực triển khai bán hàng trực tuyến qua website, qua ứng dụng (app) điện thoại, qua các ngân hàng đối tác…

Tương tự, trong năm 2022, Bảo hiểm LVI đặt mục tiêu giữ vững vị trí thứ 2 về thị phần doanh thu bảo hiểm tại Lào, là công ty bảo hiểm hoạt động hiệu quả với lợi nhuận tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2021.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau Bảo hiểm BIDV (BIC) và Bảo hiểm Bưu điện (PTI), nhiều doanh nghiệp bảo hiểm Việt khác cũng đã “mang chuông đi đánh xứ người” như Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Bảo hiểm Quân đội (MIC)…, trong đó Lào được xem là thị trường chủ lực.

Đại diện Bảo hiểm BSH cho hay, dù thị phần ở thị trường Lào còn khá khiêm tốn, nhưng hãng bảo hiểm này vẫn quyết tâm chinh phục bởi xem đây là “bàn đạp” để mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực.

Trong lần trả lời báo giới mới đây về chiến lược phát triển doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao Bảo hiểm PVI chia sẻ rằng, ngoài đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ở mức 2 con số và duy trì lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao như các năm gần đây (trên 16%), trong đó sự đóng góp của thị trường hải ngoại đóng vai trò quan trọng, Bảo hiểm PVI sẽ từng bước vươn ra thị trường Đông Nam Á.

“Với nguồn lực hiện tại, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2022 và trở thành doanh nghiệp bảo hiểm có thứ hạng cao ở Đông Nam Á trong tương lai gần”, vị lãnh đạo cấp cao này nói.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các thị trường bảo hiểm như Lào và Campuchia, nhưng làm thế nào để lấy được “phần bánh lớn và ngon nhất” thì còn phụ thuộc vào chiến lược của mỗi nhà bảo hiểm Việt.

Thực tế, tỷ trọng đóng góp về doanh thu cũng như lợi nhuận của các liên danh bảo hiểm tại nước ngoài cho các công ty mẹ tại Việt Nam còn khiêm tốn, nhưng các hãng đều lên sẵn phương án khai thác với kỳ vọng sẽ lấy được miếng bánh lớn nhất khi những thị trường này bùng nổ.

Các doanh nghiệp bảo hiểm thành lập sớm sẽ có lợi thế trong việc khai phá thị trường, cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn các đối tác bản địa có tiềm lực. Chẳng hạn, như các doanh nghiệp đi trước như LVI, CVI, LAP… đều đã chọn được đối tác có tiềm lực mạnh là các ngân hàng lớn tại Lào hoặc Campuchia để làm đòn bẩy chiếm lĩnh thị trường. Do đó, những doanh nghiệp đến sau cần có chiến lược phát triển khác biệt thì mới có thể cạnh tranh tại những thị trường đầy tiềm năng này.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Prudential tổ chức ngày hội an toàn giao thông tại tỉnh Quảng Ngãi

(TBTCO) – Prudential Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác địa phương triển khai Dự án “Đến trường an toàn” năm thứ hai tại Hòa Bình và Quảng Ngãi trong năm học 2021-2022.

Trong khuôn khổ dự án, Prudential tổ chức Ngày hội An toàn giao thông (ATGT) tại Trường Tiểu học Bồ Đề (xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) nhằm tổng kết thành quả đã triển khai của dự án và gắn kết các học sinh, giáo viên trong một sự kiện chuyên đề về An toàn giao thông.

Ngày hội ATGT đã thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực từ 640 em học sinh tại Trường Tiểu học Bồ Đề với nhiều hoạt động ngoài trời bổ ích, sôi động. Các em học sinh được tham gia vào các hoạt động tập thể như nhảy flashmob 3 bước đội mũ bảo hiểm an toàn, xử lý tình huống giao thông được mô phỏng trên sân khấu. Nhiều khu trò chơi theo chủ đề ATGT được thiết kế khắp khuôn viên trường để học sinh tham gia thử sức theo đội. Đây là cách hiệu quả, phù hợp để truyền tải kiến thức an toàn giao thông cho đối tượng học sinh tiểu học, giúp các em tiếp thu một cách chủ động.

Trong năm thứ hai triển khai, dự án “Đến trường an toàn” tiếp cận 2.800 học sinh tiểu học, 160 giáo viên, và hàng nghìn phụ huynh tại 4 trường tiểu học tại Hòa Bình và Quảng Ngãi. Dự án đặt mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ thông qua các hoạt động trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh trường học. Song song, hàng triệu người dân địa phương sẽ được hưởng lợi gián tiếp thông qua hoạt động truyền thông rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về ATGT nói chung và đảm bảo an toàn cho trẻ em khi đến trường nói riêng.

Dự án “Đến trường an toàn” được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm học 2020-2021. Khảo sát sau một năm thực hiện đã cho thấy tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của học sinh các trường dự án trung bình tăng từ 26% lên 88%, mức độ am hiểu về ATGT đường bộ tăng từ 9,8% lên 59,6%. Tiếp nối những kết quả tích cực đó, trong năm học này, dự án sẽ tiếp tục giáo dục kiến thức, kỹ năng ATGT đường bộ và trang bị mũ bảo hiểm chất lượng cao cho học sinh, nâng cao năng lực giảng dạy về ATGT đường bộ cho giáo viên và cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông khu vực xung quanh trường học.

Dựa trên Bộ tiêu chí về An toàn của Chương trình Đánh giá an toàn đường bộ quốc tế (iRAP), dự án “Đến trường an toàn” đã tiến hành khảo sát chi tiết tại nhiều địa phương để xác định các điểm trường có nguy cơ cao nhất về mất an toàn giao thông. Qua đó, các phương án can thiệp được thiết kế rất cụ thể, sát với thực tế để cải thiện chỉ số ATGT tại những điểm trường mà dự án tiếp cận.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án năm nay cũng có nhiều thay đổi để tiếp cận hiệu quả hơn với người hưởng lợi. Dự án đã thiết kế các buổi tập huấn chuyên đề cho giáo viên theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp giáo viên cải thiện khả năng thiết kế bài giảng cũng như điều phối tiết học về ATGT. Chiến dịch “30 ngày đi bộ an toàn” cũng được tổ chức tại các trường thuộc dự án vào tháng 3/2022 nhằm hỗ trợ học sinh, giáo viên thực hành các kiến thức an toàn giao thông khi quay trở lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến.

Ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam, chia sẻ: “Mang lại điều kiện sống tốt hơn, an toàn hơn cho người dân, đặc biệt là trẻ em và người có hoàn cảnh khó khăn, luôn là điều Prudential nỗ lực thực hiện qua các dự án phát triển cộng đồng bền vững. Tiếp nối những kết quả đáng mừng sau một năm thực hiện, chúng tôi mong muốn dự án sẽ tiếp tục giúp trẻ em và cộng đồng có thêm kỹ năng, kiến thức cũng như nâng cao trách nhiệm khi tham gia giao thông để đường đến trường cho trẻ em Việt Nam thực sự an toàn”.

  1. Tin quốc tế

Bão gió ở châu Âu gây thiệt hại gần 5 tỷ đô la

(INN) – Theo ước tính ban đầu của công ty dữ liệu thảm họa Perils có trụ sở tại Zurich, một loạt bão gió ở châu Âu vào tháng 2 đã gây ra thiệt hại về tài sản bảo hiểm 3,29 tỷ euro (4,87 tỷ USD) từ 1,8 triệu yêu cầu bồi thường bảo hiểm cá nhân.

Ba cơn bão có tên Ylenia, Zeynep và Antonia đã đổ bộ vào Anh và lục địa châu Âu từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 2, tạo ra thiệt hại do gió lớn nhất ở châu Âu kể từ Kyrill năm 2007.

Gió mạnh gây ra gián đoạn lớn và thiệt hại lớn đối với các tài sản được bảo hiểm và Perils cho biết “số lượng lớn” yêu cầu bồi thường chủ yếu là cho các thiệt hại phi công trình với quy mô yêu cầu trung bình vừa phải.

Phần lớn thiệt hại xảy ra ở Đức, tiếp theo là các nước Benelux (gồm 3 nước lân cận nhau là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), Anh và Pháp. Áo, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng bị ảnh hưởng.

Theo Perils, cụm bão được tạo ra bởi một luồng phản lực mạnh “hoạt động như một băng chuyền” cho các hệ thống áp suất thấp từ Bắc Đại Tây Dương qua quần đảo Anh và vào châu Âu.

“Hiện tượng phân cụm này không phải là hiếm đối với các xoáy thuận ngoại nhiệt đới ở châu Âu nhưng gây khó khăn cho việc phân bổ chính xác các yêu cầu bảo hiểm cho một cơn bão cụ thể do ba sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và ảnh hưởng đến các khu vực tương tự”, báo cáo viết.

Perils báo cáo tổn thất từ loạt trận gió bão ở châu Âu với tư cách là một sự kiện bảo hiểm đơn lẻ vì theo Perils, các điều khoản định nghĩa sự kiện cho mục đích tái bảo hiểm không đồng nhất ở châu Âu và có thể bao gồm các điều kiện khí tượng cộng với thời gian tổng hợp tổn thất dao động từ 72 đến 168 giờ.

Kết quả ước tính cập nhật sẽ được công bố vào tháng Năm.

Tổn thất bảo hiểm từ xung đột Nga-Ukraine lên tới 35 tỷ USD

(INN) – S&P cho biết, tổn thất được bảo hiểm từ cuộc chiến Nga-Ukraine có thể nằm trong khoảng 16-35 tỷ USD, thúc đẩy đà tăng giá tái bảo hiểm ở các lần tái tục sắp tới.

21 nhà tái bảo hiểm hàng đầu toàn cầu dự kiến sẽ phải chịu khoảng một nửa ước tính tổn thất chung, bao gồm các tổn thất hàng không có thể được bảo hiểm từ 6-15 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà bảo hiểm mạng, rủi ro chính trị và chiến tranh hàng hải cũng có thể bị ảnh hưởng .

S&P cho biết, bảo hiểm hàng không có lẽ sẽ phải đối mặt với giá trị tổn thất đáng kể vào năm 2022, đồng thời lưu ý rằng AerCap Holdings, công ty cho thuê máy bay có trụ sở tại Dublin đã đệ trình yêu cầu bồi thường 3,5 tỷ USD (4,7 tỷ USD) đối với hợp đồng bảo hiểm hàng không của mình.

Theo S&P: “Chúng tôi tin rằng có thể mất nhiều năm để giải quyết tổn thất cuối cùng mà các công ty cho thuê máy bay, công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm phải gánh chịu.

“Những tổn thất lớn này vào đầu năm 2022 sẽ gây khó khăn hơn nữa cho việc tái tục tái bảo hiểm sắp tới vào năm 2022 và có khả năng vào năm 2023.”

S&P cho biết, chiến tranh là “sự kiện (mất) thu nhập đối với hầu hết các công ty tái bảo hiểm, nhưng có thể trở thành sự kiện gây vốn đối với một số ít công ty ngoại lệ”.

Đối với hầu hết 21 nhà tái bảo hiểm hàng đầu toàn cầu, tỷ lệ tài sản ở Nga và Ukraine là dưới 1% tổng tài sản, nhưng về mặt trách nhiệm pháp lý, các nhà tái bảo hiểm chịu nhiều rủi ro đặc biệt hoặc bất thường hơn, chẳng hạn như rủi ro chiến tranh, bạo lực chính trị và rủi ro mạng .

“Dựa trên các cuộc trò chuyện với nhiều bên liên quan trong vài tuần qua, chúng tôi tin rằng sẽ có những tổn thất khá lớn đối với các nghiệp vụ bảo hiểm chuyên biệt, nhưng mức độ và tác động đối với lĩnh vực tái bảo hiểm cho đến nay vẫn chưa chắc chắn,” S&P nhận định.

Resolution Life thành lập văn phòng đại diện tại Singapore

(INA) – Resolution Life Group Holdings L.P mới đây đã thông báo về việc thành lập Văn phòng đại diện tại Singapore sau khi được sự chấp thuận của Cơ quan Tiền tệ Singapore.

Resolution Life cung cấp các giải pháp cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, cho phép họ giải phóng vốn, chi phí và thời gian dành cho các danh mục kinh doanh truyền thống, không phải cốt lõi, thông qua cả mua lại và tái bảo hiểm.

Tập đoàn cho biết việc thành lập Văn phòng đại diện là bước đầu tiên để khẳng định mình trong ngành bảo hiểm nhân thọ của Châu Á.

Team Thị trường mới là đơn vị đảm nhận việc thành lập Resolution Life tại Singapore, bao gồm cô Kirstin Rankin, Giám đốc điều hành Châu Á và Trưởng đại diện, người đã chuyển đến Singapore từ Luân đôn, nơi cô là Tổng cố vấn của Tập đoàn và Yan Sun, người đã tham gia với tư cách Trưởng bộ phận Giải pháp cho khu vực. Rushabh Ranavat đang điều hành việc mở rộng tổng thể của Resolution sang khu vực với tư cách là Giám đốc điều hành, khu vực Châu Á.

Ông Nardeep Sangha, Giám đốc điều hành của Resolution Life New Markets, chia sẻ: “Kinh nghiệm toàn cầu, các mối quan hệ chiến lược khu vực và mô hình kinh doanh phù hợp của chúng tôi cung cấp nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh châu Á. Chúng tôi mong muốn xây dựng trên nền tảng này theo cách thức phù hợp với khu vực, thông qua quan hệ đối tác với các công ty bảo hiểm, cơ quan quản lý và các chủ hợp đồng”

Sun Life Indonesia tăng cường hợp tác bancassurance với CIMB Niaga

(INA) – PT Sun Life Financial Indonesia, công ty con của Sun Life Financial Inc., và PT Bank CIMB Niaga Tbk đã thông báo về những thay đổi trong quan hệ đối tác bancassurance của họ.

Từ trước tới nay, Sun Life Indonesia chỉ có thể cung cấp giải pháp bảo hiểm cho khách hàng CIMB Niaga thông qua các kênh kỹ thuật số và kênh ngoài chi nhánh. Với mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn, Sun Life Indonesia giờ đây có thể cung cấp các giải pháp bảo hiểm cho khách hàng của CIMB Niaga trên tất cả các kênh trong thời hạn 15 năm kể từ năm 2025. Điều này cũng kéo dài quan hệ đối tác hiện tại của họ trong sáu năm đến năm 2039.

Ông Ingrid Johnson, Chủ tịch Sun Life Châu Á, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác khu vực với CIMB để giúp hàng triệu khách hàng khác ở Indonesia đạt được an ninh tài chính trọn đời và có cuộc sống khỏe mạnh hơn. Đây cũng là cơ hội để mở rộng phạm vi tiếp cận của Sun Life tại một thị trường có tiềm năng to lớn để phát triển hơn nữa với một đối tác có chung trọng tâm với chúng tôi là xây dựng một tương lai tươi sáng, bền vững hơn cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng”.

Philippines: Cơ quan quản lý xác nhận công ty bảo hiểm mới

(INA) – Ủy ban Bảo hiểm Philippines đã xác nhận rằng một công ty bảo hiểm mới sẽ được thành lập tại nước này, bao gồm cả hoạt động bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Theo Ủy viên Bảo hiểm Dennis B. Funa, công ty mới đã dễ dàng đáp ứng các yêu cầu tăng vốn mới của chính phủ.

Chính phủ Philippines hiện đang yêu cầu các công ty bảo hiểm phải có giá trị tài sản ròng tối thiểu là 900 triệu Peso (17,5 triệu USD). Sắp tới, luật sẽ sửa đổi và nâng số vốn tối thiểu lên 1,3 tỷ Peso (25 triệu đô la) vào cuối năm 2022.

Sự gia tăng này đã bị Hiệp hội các nhà bảo hiểm và tái bảo hiểm Philippines phản đối trong một lá thư gửi tới Thượng viện, nói rằng các yêu cầu về vốn hiện tại là ‘đủ’ để duy trì khả năng thanh toán.

Ấn Độ: Dự kiến doanh số bán cổ phiếu IPO của LIC là 6,6 tỷ USD

(INA) – Theo một báo cáo của Bloomberg, Ấn Độ đang cân nhắc bán 7% cổ phần của Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ thuộc sở hữu nhà nước với giá 500 tỷ rupee (6,6 tỷ USD).

Đây là mức giảm so với 8 tỷ đô la ban đầu từ việc bán chỉ 5% cổ phần trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng.

Theo các nguồn tin giấu tên, chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về việc bán tới 7% cổ phần của LIC thông qua việc niêm yết. Mục tiêu của chính phủ nước này là bán cổ phiếu trước khi các phê duyệt hiện tại cho đợt chào bán sẽ hết hạn vào ngày 12 tháng 5.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm, thương vụ này vẫn sẽ vượt qua đợt IPO trị giá 2,41 tỷ USD của công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số Paytm, trở thành đợt IPO lớn nhất ở Ấn Độ.

LIC ban đầu đã đệ trình bản cáo bạch dự thảo về việc bán tổng cộng 316,25 triệu, gần 5% vốn cổ phần trả sau khi chào bán, vào tháng Ba.

Việc IPO đã được thúc đẩy vì một số yếu tố kinh tế như cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.

Bảo hiểm là lĩnh vực lãng phí thứ hai về chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số

(INA) – Bảo hiểm là lĩnh vực lãng phí thứ hai trong chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022, theo Báo cáo lãng phí phương tiện kỹ thuật số mới nhất của Next & Co.

Next & Co đã kiểm toán 81 công ty có ngân sách quảng cáo kỹ thuật số từ 500 nghìn SGD đến 39 triệu SGD trong số các công ty đa quốc gia, quốc gia và SME được niêm yết công khai.

Lĩnh vực bảo hiểm đã lãng phí 20,59 triệu đô la cho các quảng cáo kỹ thuật số, khiến chúng trở thành lĩnh vực lãng phí thứ hai ở Châu Á Thái Bình Dương. Đứng đầu là lĩnh vực bán lẻ với 23,53 triệu USD. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính đứng thứ ba (19,49 triệu USD), tiếp theo là bất động sản (14,56 triệu USD), giáo dục (11,77 triệu USD) và y tế (10,81 triệu USD).

Generali Hồng Kông và Ngân hàng ZA bắt tay hợp tác bancassurance

(INA) – Generali Hong Kong và ngân hàng ảo ZA Bank đã thông báo về việc cùng nhau bắt tay vào quan hệ đối tác bancassurance.

Theo quan hệ đối tác, Generali sẽ có thể cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông qua Ứng dụng Ngân hàng ZA. Sự hợp tác sẽ thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số của ZA Bank trong khi Generali sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về bảo hiểm để hỗ trợ khách hàng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm, lên lịch gặp gỡ với các tư vấn bảo hiểm, giải quyết các khoản thanh toán và rà soát hợp đồng.

Giai đoạn đầu ra mắt bao gồm năm sản phẩm nhân thọ bao gồm: bệnh hiểm nghèo, tiết kiệm, hưu trí, Hợp đồng niên kim hoãn lại đủ điều kiện và bảo vệ nhân thọ có hoàn lại phí bảo hiểm.

Ông Davide Glavina, Giám đốc điều hành của Generali Hồng Kông, bình luận: “Quan hệ đối tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng ảo cho phép Generali kết hợp kiến thức lâu năm của chúng tôi với kiến thức chuyên môn của ZA về fintech và tinh thần kinh doanh của họ để đưa ra các dịch vụ độc đáo và sáng tạo nhằm trao quyền cho khách hàng. Với tầm nhìn chung này, chúng tôi tự tin nắm bắt, giải phóng và tạo ra những khả năng mới mang lại lợi ích cho cộng đồng rộng lớn hơn”.

BTV (Tổng hợp).