TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 11

Ngành bảo hiểm chịu thiệt hại từ việc hoãn Thế vận hội; KB Financial thâu tóm Prudential Korea; Bộ Tài chính nhắc nhở DN bảo hiểm về bảo hiểm Covid-19

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

ABIC chi trả bồi thường Bảo an tín dụng

(ABIC) – Sáng ngày 24/03/2020 vừa qua, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) Chi nhánh Cần Thơ – Phòng Kinh doanh khu vực Trà Vinh kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triền Nông thôn (Agribank) CN huyện Càng Long Trà Vinh, tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Tháng 01/2019, ông Nguyễn Văn Vạn ở ấp Đức Hiệp, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long có ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Càng Long. Khi vay vốn, ông Vạn quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng và được nhân viên ngân hàng giới thiệu các điều kiện tham gia, về phí bảo hiểm, đặc biệt là quyền lợi khách hàng nhận được khi tham gia bảo hiểm này, nên ông đã tự nguyện tham gia với mức trách nhiệm 175 triệu đồng.

Đến ngày 31/12/2019, ông Vạn bị bệnh và qua đời đột ngột. Ngay sau khi nhận được thông tin sự việc từ gia đình khách hàng, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long, cùng Công ty Cổ phần Bảo hiểm ABIC Chi nhánh Cần Thơ  đã đến chia buồn, động viên gia đình ông Vạn, đồng thời thực hiện các thủ tục, hồ sơ chi trả bồi thường với số tiền 179.623.958 đồng, trong đó chi trả quyền lợi bảo hiểm cơ bản 175.000.000 đồng, quyền lợi bảo hiểm lãi tiền vay hơn 3,6 triệu đồng, đồng thời ABIC cũng hỗ trợ gia đình khách hàng 1 triệu đồng mai táng phí.

“Bảo an tín dụng” là sản phẩm bảo hiểm đặc trưng của Agribank, được ABIC cung cấp cho khách hàng có quan hệ vay vốn tại Agribank, sản phẩm liên kết thông qua kênh phân phối Ngân hàng – Bảo hiểm (Bancassurance). Theo đó, khi có rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người được bảo hiểm và khả năng trả nợ ngân hàng, ABIC sẽ thay mặt người vay thanh toán cho ngân hàng số dư nợ vay trong phạm vi số tiền tham gia bảo hiểm cả gốc và lãi, trường hợp số tiền bảo hiểm lớn hơn dư nợ, số tiền bảo hiểm còn lại sẽ được ABIC chi trả cho người mua bảo hiểm, mức tham gia bảo hiểm tối đa lên đến 300 triệu đồng. Đây là sản phẩm mang đậm tính nhân văn nhằm chia sẻ, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình khách hàng khi không may gặp phải rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người vay vốn.

Trong  năm 2019 Agribank Trà Vinh đã giới thiệu, tư vấn dịch vụ  Bảo an tín dụng, bán bảo hiểm cho 38.844 khách hàng hộ sản xuất và cá nhân vay vốn tại Agribank Trà Vinh; Trong đó, Agribank Trà Vinh phối hợp với ABIC Cần Thơ đã giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm cho hơn 110 khách hàng, số tiền bồi thường trên 4,6 tỷ đồng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Hanwha Life Việt Nam tăng tốc chuyển đổi mô hình kinh doanh và huấn luyện qua phương thức trực tuyến

(ĐTCK) – Tin từ Hanwha Life Việt Nam cho biết, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, tình hình kinh doanh của Hanwha Life Việt Nam vẫn duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực hơn mong đợi khi nhu cầu của người dân về sản phẩm bảo hiểm có chiều hướng gia tăng trước rủi ro bệnh tật.

Cụ thể, mỗi ngày, bộ phận chăm sóc khách hàng và Call Center nhận được hàng chục câu hỏi về các vấn đề có liên quan đến dịch viêm phổi này. Cụ thể, các câu hỏi có nội dung liên quan đến thời gian chờ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may nhiễm virus Covid-19…

Trong hai tháng đầu năm 2020, doanh thu phí mới của Hanwha Life đã tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 23%.

Về tuyển dụng, công ty cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượng đại lý mới tuyển trong tháng 2 đạt 138% so với kế hoạch đã đặt ra từ đầu năm.

Tuy tình hình kinh doanh bước đầu khá khả quan nhưng Hanwha Life vẫn đang duy trì sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động của mình, một mặt đẩy nhanh việc đáp ứng nhu cầu bảo vệ đang gia tăng của khách hàng, một mặt thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y Tế trong việc phòng chống dịch bệnh cho hệ thống kinh doanh của mình.

Hãng bảo hiểm này cũng đang tăng tốc trong việc chuyển đổi các mô hình kinh doanh và huấn luyện qua phương thức trực tuyến nhằm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

AIA Việt Nam sẵn sàng nguồn lực 1 triệu USD hỗ trợ khách hàng trước đại dịch Covid-19

(ĐTCK) – Nhằm thực hiện vai trò đồng hành vì sức khỏe của khách hàng, AIA Việt Nam áp dụng chính sách hỗ trợ đặc biệt từ ngày 23/3/2020 đến hết ngày 31/5/2020 dành cho khách hàng có tham gia các sản phẩm Hỗ trợ chi phí nằm viện, Bồi hoàn chi phí nằm viện và phẫu thuật và Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, AIA Việt Nam dành riêng Quỹ hỗ trợ đặc biệt trị giá 1 triệu USD (khoảng hơn 23 tỷ đồng) cho những khách hàng của AIA có tham gia các sản phẩm nói trên và được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian áp dụng chính sách này.

Mức hỗ trợ là 20 triệu đồng cho mỗi người được bảo hiểm được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2. Khoản hỗ trợ này sẽ không bị khấu trừ vào số tiền bảo hiểm của hợp đồng.

Các chính sách đã được thông báo ngày 3/2/2020 được tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31/5/2020 bao gồm: Không áp dụng thời gian chờ 30 ngày nếu người được bảo hiểm có chẩn đoán hoặc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nhiễm virus SARS-CoV-2; Chi trả toàn bộ chi phí y tế phát sinh mà khách hàng phải thanh toán từ các dịch vụ được Bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị theo hạn mức quy định của hợp đồng.

AIA Việt Nam tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19 để cung cấp thêm các hỗ trợ cần thiết khác cho khách hàng.

PTI ra mắt sản phẩm “Anti – Covid”

(PTI) – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mọi người, mới đây, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã cho ra mắt sản phẩm “Anti – Covid” – sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Điểm nổi bật của sản phẩm Anti – Covid là PTI sẽ chi trả trợ cấp tiền mặt lên đến 15 triệu đồng cho khách hàng ngay khi bị nhiễm Covid 19. “Anti-Covid” có quyền lợi lên đến 150.000.000 đồng khi không may có tử vong gây ra bởi bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Sản phẩm được xây dựng với mức phí linh hoạt dành cho các lựa chọn chỉ từ 30.000 đồng, 60.000 đồng và 90.000 đồng, giúp khách hàng lựa chọn được những gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình. Bảo hiểm cũng sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi khách hàng hoàn tất việc mua sản phẩm.

Sản phẩm “Anti-Covid” được hi vọng sẽ góp phần hỗ trợ tài chính cho các bệnh nhân không may nhiễm Covid-19,  giúp cộng đồng yên tâm hơn trong lúc dịch bệnh bùng phát. PTI cũng sẽ tăng cường nhân sự để đảm bảo mọi thủ tục liên quan đến sản phẩm được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện nhất.

PTI tặng 20% phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19

(TBTCO) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) vừa đưa ra chương trình hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp trước tác động xấu của dịch COVID-19.

Đây được coi là động thái chung tay hỗ trợ của PTI trong bối cảnh các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/6/2020, PTI sẽ giảm 20% phí bảo hiểm hiện hành cho hai gói sản phẩm bao gồm bảo hiểm xe cơ giới (bảo hiểm vật chất xe thương mại) và bảo hiểm hàng hóa. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng đối tác của PTI như VPBank, TPBank, ACB, LienvietpostBank… đồng thời nằm trong diện được hưởng các gói ưu đãi tín dụng do tác động của dịch COVID theo quy định của ngân hàng.

Việc giảm 20% phí bảo hiểm là hành động chia sẻ khó khăn của PTI với các doanh nghiệp, cùng chung tay với các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Đại diện PTI cho biết, mặc dù bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID, tuy nhiên, PTI vẫn triển khai chương trình ưu đãi này để cùng chung tay với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

PJICO ra mắt chương trình bảo hiểm “Peaceful Life – An nhiên vui sống”

(TBTCO) – PJICO vừa ra mắt chương trình bảo hiểm “Peaceful Life – An nhiên vui sống” nhằm bảo hiểm toàn diện mọi rủi ro của khách hàng, bao gồm những bệnh thông thường, tai nạn và cho cả người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.

Chương trình bảo hiểm của PJICO sẽ đem đến cho khách hàng những quyền lợi tối ưu, điểm nổi bật là miễn áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp nằm viện/tử vong do nhiễm virus Covid-19 hoặc tai nạn; áp dụng thời gian chờ 15 ngày đối với trường hợp nằm viện/tử vong do do bệnh thông thường; số tiền bảo hiểm chi trả tối đa do tử vong khi nhiễm Covid-19 lên đến 200 triệu đồng.

Với chương trình bảo hiểm này, PJICO mong muốn góp phần bảo vệ sức khỏe, giúp khách hàng an nhiên vui sống trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Khách hàng quan tâm đến sản phẩm có thể mua trực tuyến trên website https://ipjico.vn/ hoặc liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7 – 1900545455 để được tư vấn, hỗ trợ.

Được biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một trong những mối lo lắng tiềm ẩn của con người là có thể có nguy cơ lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, tức là khả năng lây nhiễm ở thế bị động. Vậy, mỗi chúng ta có thể chủ động làm những gì để đối phó với dịch bệnh Covid-19?

Bên cạnh phương án hữu hiệu, tích cực chủ động phòng ngừa dịch bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế tối đa việc tiếp xúc, di chuyển tới các vùng dịch, trung thực khai báo tình hình sức khỏe và đảm bảo yêu cầu cách ly khi có lệnh… thì phương án trang bị cho bản thân gói bảo hiểm sức khỏe nhằm bảo vệ tài chính của mình khi không may gặp rủi ro đối với dịch bệnh này cũng được nhiều người quan tâm.

VNI ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid”

(VNI) – Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) vừa cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid” là sản phẩm mang tính nhân văn sâu sắc nhằm chia sẻ rủi ro, đảm bảo hỗ trợ tài chính cho khách hàng không may nhiễm virus Covid. Người được bảo hiểm là công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam từ 01 đến 65 tuổi.

Điểm khác biệt của sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid” của VNI là mức trợ cấp nằm viện cao nhất thị trường 500.000 đ/ngày trong thời gian điều trị nội trú do nhiễm virus Covid, tối đa là 10.000.000 đ/người trong thời hạn bảo hiểm và trả toàn bộ số tiền 100.000.000 đ/người trong trường hợp tử vong. Sản phẩm được xây dựng với 6 gói bảo hiểm, mức phí bảo hiểm linh hoạt chỉ từ 40.000 đồng đến 180.000 đồng/người, với thời hạn từ 3 tháng đến 1 năm, giúp khách hàng lựa chọn được những gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình. VNI không áp dụng thời gian chờ, bảo hiểm “Chiến thắng Covid” sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi khách hàng hoàn tất việc mua bảo hiểm và thanh toán.

Đại dịch Covid 19 đang diễn ra hết sức phức tạp, với gần 380.000 ca nhiễm bệnh, gần 17.000 người tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 123 ca nhiễm bệnh trên toàn quốc, tính đến ngày 23/3/2020. Sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid” được hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ tài chính cho các bệnh nhân không may nhiễm virut Covid, giúp cộng đồng yên tâm hơn trong lúc dịch bệnh bùng phát. VNI cam kết cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhanh chóng kịp thời đồng thời giải quyết bồi thường nhanh chóng những trường hợp không may mắc covid.

Chủ tịch HĐQT Lê Thị Hà Thanh, chia sẻ thêm: Vừa qua VNI đã có nhiều hoạt động chung tay cùng chính phủ đẩy lùi dịch bệnh covid như trao ủng hộ 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại VNI Chủ tịch đã gửi tâm thư cho CBNV phòng tránh dịch bệnh, thực hiện nhắn tin ủng hộ, làm việc online, đẩy mạnh bán hàng, thanh toán trực tuyến và giữ vững tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh. Việc VNI ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid” với mức trách nhiệm, quyền lợi khám chữa bệnh cao nhất, phí bảo hiểm thấp nhất mang tính nhân văn sâu sắc giúp cộng đồng bảo vệ sức khỏe, chung tay đánh bay Covid.

  1. Nhịp đập thị trường

Bộ Tài chính nhắc các công ty bảo hiểm tránh gây hiểu lầm khi giới thiệu quyền lợi bảo hiểm Covid-19

(ĐTCK) – Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính vừa có công văn số 73/QLBH-NT lưu ý các công ty bảo hiểm về dịch Covid-19.

Cơ quan này lưu ý, theo quy định tại Điều 48 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được khám và điều trị miễn phí.

Chính vì thế các doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý trong công tác tuyên truyền hướng dẫn rõ ràng về các chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh, người tham gia bảo hiểm được tăng cường tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, khoản 6 Điều 39 Nghị định số 73/2016 các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ tài chính phê chuẩn.

Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ thêm quyền lợi cho các khách hàng mắc bệnh Covid-19 (miễn thời gian chờ, chi trả thêm quyền lợi, tạm hoãn/gia hạn đóng phí bảo hiểm…) hoặc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi liên quan đến dịch bệnh, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ ưu tiên thẩm định sản phẩm trình Bộ Tài chính phê chuẩn, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

An tâm bay cùng Vietjet với bảo hiểm SKY COVID CARE

(ĐTCK) – Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet tặng gói bảo hiểm SKY COVID CARE với mức hỗ trợ chi trả từ 20 triệu đồng và tối đa lên đến 200 triệu đồng cho tất cả hành khách bay trên các chuyến bay nội địa của hãng kể từ ngày 23/3/2020 đến ngày 30/6/2020.

Với gói bảo hiểm này, mỗi hành khách có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm và hỗ trợ từ Vietjet trong vòng 30 ngày kể từ lúc 00:01 của ngày thực hiện chuyến bay, bất kể hành khách bị nhiễm COVID-19 từ nguồn nào.

Hàng chục tỷ đồng phí bảo hiểm sẽ được Vietjet chi trả để mang tới sự an tâm hơn nữa cho khách hàng trên những chuyến bay với tàu bay hiện đại, tiện nghi, tiếp viên trẻ trung, chuyên nghiệp; hành khách và phi hành đoàn được bảo vệ an toàn sức khoẻ cao nhất trước nguy cơ dịch bệnh.

Để được tặng gói bảo hiểm này, hành khách cần cung cấp đầy đủ thông tin hành khách theo như quy định trong “Điều lệ vận chuyển” của Vietjet khi mua vé máy bay và sử dụng dịch vụ hàng không; và tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch bệnh của hãng, Bộ Y tế và nhà chức trách.

Mọi thông tin về gói bảo hiểm SKY COVID CARE được nêu chi tiết trên trang chủ của Vietjet tại địa chỉ www.vietjetair.com. Thông tin và thanh toán liên quan tới bảo hiểm sẽ được cung cấp cho hành khách qua tổng đài 1900545475.

PJICO ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19

(PJICO) – Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, ngày 24/03/2020, Tổng Công ty PJICO chính thức phát động toàn thể CBCNV trong hệ thống tham gia đóng góp vào công tác phòng, chống dịch bệnh  Covid-19 bằng  tiền  mặt  với  mức  ủng hộ tối  thiểu  một  ngày lương.

Ngay sau khi phát động chương trình, ghi nhận tại Văn phòng Tổng Công ty, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Ban Lãnh đạo Tổng Công ty, các Phòng Ban, các CBCNV đã rất tích cực hưởng ứng tham gia ủng hộ . Tập thể CBCNV PJICO mong muốn sẽ góp phần giúp Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của toàn dân.

Ngày 27/3/2020, một số đơn vị PJICO phía Nam đã trực tiếp trao số tiền 95 triệu đồng cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ) của tỉnh để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đây là số tiền 01 ngày lương do CBCNV các Công ty PJICO Sài Gòn, Bến Thành, Gia Định, Đông Sài Gòn, Trung tâm Giám định Bồi thường phía Nam, Ban Quản lý tòa nhà PJICO, và PJICO Vũng Tàu tự nguyện đóng góp, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính Phủ, UBMTTQ Việt Nam và Tổng Công ty PJICO.

Trước tấm lòng đó, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận nghĩa tình, tấm lòng sẻ chia khó khăn chung của CBCNV PJICO.

Đây là một trong những đơn vị PJICO tiên phong tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp sức cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của toàn dân.

  1. Tin quốc tế

KB Financial sẽ thâu tóm Prudential Hàn Quốc

(IAN) – Theo báo cáo của Pulse News Korea, người khổng lồ ngân hàng Hàn Quốc KB Financial đang là ứng cử viên số 1 trong việc mua Prudential Life Korea, với mức giá đặt mua 2,2 nghìn tỷ Won (1,8 tỷ đô la Mỹ) – đây là mức giá cao nhất trong cuộc chiến mua lại,

Các đơn vị khác tham gia cuộc chạy đua – chẳng hạn các công ty Hàn Quốc IMM Private Equity và Hahn & Company – đã đặt giá mua dừng ở mức 1,5 nghìn tỷ Won (1,2 tỷ đô la Mỹ).

Nguồn tin cho biết, người chiến thắng trong cuộc đua sẽ được xác nhận trong tuần này.

Vào ngày 17 tháng 3, hãng tin InsuranceAsia News đã đưa tin rằng việc bán Prudential Life Korea, một công ty con của Prudential Financial có trụ sở tại Hoa Kỳ, là cuộc cạnh tranh giữa 3 đối thủ gồm các công ty cổ phần tư nhân, KB Financial và Woori Financial.

KB Financial là một trong ba ngân hàng hàng đầu của Hàn Quốc theo giá trị tài sản và hoạt động thông qua sáu phân khúc kinh doanh. Ngân hàng này kinh doanh cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Theo các nhà phân tích thị trường, tập đoàn này đang cạnh tranh với mục tiêu bổ sung Prudential Life Korea vào danh mục bảo hiểm của mình – đặc biệt là sau khi Shinhan Financial mua lại Bảo hiểm nhân thọ ING vào đầu năm 2019.

Vào thời điểm đó, ING Life là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ năm của Hàn Quốc (hiện nay đã được đổi tên thành Orange Life).

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vào ngày 20 tháng 3, ông Yoon Jong-gyu, Chủ tịch Tập đoàn KB Financial đã xác nhận lại cam kết thúc đẩy kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Ông Yoon cho biết: “Tại các thị trường có lãi suất bằng 0, như châu Âu, các công ty bảo hiểm nhân thọ có tỷ lệ giá thị trường trên giá trị sổ sách (P/B) cao hơn so với ngân hàng. Những giai đoạn thách thức thường đem đến các cơ hội mới và bảo hiểm sẽ kinh doanh tốt”.

Để đối phó với những thách thức tiềm năng, ông Yoon lưu ý rằng việc tiếp quản Prudential Life Korea sẽ dẫn đến việc định giá KB Financial cao hơn.

Nếu thỏa thuận cuối cùng được thực hiện trong tuần này, nó có thể là thỏa thuận mua lại lớn nhất trong năm của Hàn Quốc. Đây sẽ là một dấu hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh và M&A tại Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế khó khăn do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra, tác động đến các công ty thị trường từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn chaebol hay Kospi.

Singapore tăng trưởng 7,6% doanh thu gộp bảo hiểm

(IAN) – Hiệp hội Bảo hiểm Singapore cho biết, trong năm 2019, ngành bảo hiểm nước này đã đạt được sự tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng hàng năm tổng doanh thu phí bảo hiểm gộp (GWP) là 7,6%, đạt 4,1 tỷ đô la Singapore (2,83 tỷ đô la Mỹ).

Bảo hiểm xe cơ giới chiếm 27% thị phần GWP với 1,12 tỷ đô la Singapore (775 triệu đô la Mỹ – tăng 1% so với năm 2018) trong khi bảo hiểm sức khỏe chiếm 16% thị phần với 666,8 triệu đô la Singapore (462 triệu đô la Mỹ). Bảo hiểm tài sản chiếm 13% phí bảo hiểm ở mức 538,2 triệu đô la Singapore (372,3 triệu đô la Mỹ), bảo hiểm trách nhiệm của chủ lao động đóng góp 9% với mức tăng 8,9% lên 365,6 triệu đô la Singapore (253 triệu đô la Mỹ) và bảo hiểm du lịch chiếm 5% thị phần với mức tăng 7,1% đến 211,4 triệu đô la Singapore (146,2 triệu đô la Mỹ).

Về bồi thường: ngành bảo hiểm đã chi trả 12,2% tương đương 159 triệu đô la Singapore (110 triệu đô la Mỹ) cho các yêu cầu bồi thường trong năm 2019, góp phần vào việc ghi nhận khoản lỗ kinh doanh bảo hiểm 28 triệu đô la Singapore (19,4 triệu đô la Mỹ).

Năm phân khúc hàng đầu – xe máy, y tế, tài sản, trách nhiệm pháp lý của chủ lao động và du lịch chiếm 70% thị trường bảo hiểm chung, ghi nhận khoản lỗ kinh doanh bảo hiểm kết hợp là 43,4 triệu đô la Singapore (30 triệu đô la Mỹ).

Bảo hiểm xe cơ giới đóng góp lớn nhất vào lỗ kinh doanh bảo hiểm với 17,4 triệu đô la Singapore so với lợi nhuận 9,25 triệu đô la Singapore trong năm 2018. Một trong các nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng xe thuê tư nhân tăng mạnh trong vòng 24 tháng qua và việc vận hành các xe có hồ sơ rủi ro cao trở nên thường xuyên hơn, vì vậy số vụ tai nạn tăng 1,4% so với năm 2018.

Bảo hiểm sức khỏe đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn lỗ 11,2 triệu đô la Singapore (7,75 triệu đô la Mỹ).

Hiệp hội đã thực hiện một số giải pháp quan trọng trong năm 2019 để giảm đà tăng chi phí bồi thường và quản lý các rủi ro mới xuất hiện.

Ông Craig Ellis, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm phi nhân thọ Singapore, nhận xét về triển vọng khó khăn cho năm 2020: “Những mối đe dọa của Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới và khiến các doanh nghiệp quay cuồng vì tác động của nó. Ngành bảo hiểm phi nhân thọ quyết tâm cùng nhau vượt qua thử thách chưa từng có này và sẽ tăng gấp đôi nỗ lực của chúng tôi trong việc hỗ trợ cộng đồng, các thành viên, đối tác và tất cả các bên liên quan”.

Ông Ellis nói thêm: “Cốt lõi của mọi việc chúng tôi làm, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mọi người vẫn luôn có thể tiếp cận được với bảo hiểm phi nhân thọ”.

Chính phủ Singapore đã có những bước đi mạnh mẽ để cố gắng và ngăn chặn sự lây lan của virus Corona – dịch bệnh này chắc chắn sẽ có tác động ngắn hạn đến nền kinh tế.

ZhongAn thu hẹp lỗ còn 64 triệu USD, doanh thu phí tăng trưởng

(IAN) – Năm tài chính 2019, ZhongAn đã thu hẹp khoản lỗ 74% so với năm tài chính 2018, xuống còn 454 triệu Tệ (64 triệu USD).

Lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm được cải thiện trong năm tài chính 2019 với tỷ lệ hoạt động kết hợp tăng 7,6% lên 113,3%. Insurtech đã có một năm hiếm hoi giảm chi phí 15,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 45,9%.

Công ty, dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Xing Jiang, cũng được hưởng lợi từ hiệu suất của thị trường cổ phiếu Trung Quốc A. Tổng thu nhập đầu tư của công ty là 9,3%, với thu nhập đầu tư là 1,8 tỷ Tệ (260 triệu đô la Mỹ), tăng 264% so với năm trước.

Thu nhập đầu tư này sẽ rất khó để lặp lại từ năm 2020, vì vậy việc cải thiện hiệu quả kinh doanh bảo hiểm sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đạt được lợi nhuận tổng thể.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gộp (GWP) tăng 30% so với cùng kỳ lên 14,63 tỷ Tệ (2 tỷ USD) trong năm 2019.

GWP từ bảo hiểm sức khỏe ghi nhận mức tăng hàng năm của số lượng khách hàng là 67,6% lên 16,7 triệu khách hàng. GWP đạt mức tăng trưởng hàng năm là 146,4% từ các sản phẩm cốt lõi, các hợp đồng với phòng khám cá nhân và hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của Bảo hiểm Alipay.

Ngoài ra, ZhongAn đã tăng cường hợp tác chiến lược với Ant Financial giúp thúc đẩy mức tăng trưởng hàng năm của GWP là 130,8% từ hoạt động kinh doanh hệ sinh thái tiêu dùng. ZhongAn cũng hợp tác với Grab để xâm nhập vào hoạt động phân phối trực tuyến tại Đông Nam Á.

Chỉ riêng trong năm 2019, ZhongAn đã đầu tư 976,9 triệu Tệ (136,7 triệu USD) vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng 15% so với năm trước.

Về mảng kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số, công ty đã ký với các khách hàng bao gồm Sompo và NTUC Income để giúp họ chuyển đổi kỹ thuật số.

Hai tháng đầu năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm đã tăng 55% so với cùng kỳ do nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến trong bối cảnh dịch Corona.

ZhongAn không tuyên bố về việc chi trả cổ tức trong khi cổ phiếu của công ty tăng 5% tại phiên giao dịch trên Hang Seng Index ngày 24 tháng 3 (10 giờ sáng) lên 24,45 đô la Hồng Kông.

FCA cảnh báo tình trạng DN bảo hiểm thay đổi sản phẩm do virus Corona

(INN) – Các công ty bảo hiểm của Anh đang tìm cách dừng cấp mới hoặc thay đổi điều khoản hợp đồng để hạn chế ảnh hưởng của rủi ro từ virus Corona. Động thái này đã bị cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo nhằm chống lại hành động không công bằng đối với người tiêu dùng.

“Chúng tôi hiểu rằng công ty bảo hiểm có thể quyết định hoặc muốn dừng cung cấp một số sản phẩm”, Cục Quản lý tài chính (FCA) nói.

“Mặc dù đánh giá cao việc các công ty đang cố gắng quản lý rủi ro của họ, nhưng chúng tôi muốn làm rõ cách thức các công ty thực hiện thay đổi này”.

FCA cho biết, trong một số trường hợp, có thể không công bằng khi không tái tục hợp đồng, ngay cả khi dừng bán sản phẩm đó, đặc biệt trong trường hợp cần sự liên tục của bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cũng nên đảm bảo các sản phẩm thay thế đáp ứng nhu cầu của khách hàng và vì lợi ích tốt nhất của họ.

Theo FCA, các công ty thay đổi sản phẩm để loại trừ rủi ro từ virus Corona phải thông báo rõ ràng trước khi tái tục.

“Chúng tôi hy vọng, trước khi tiến hành các thay đổi được cho là phù hợp, các công ty bảo hiểm sẽ xem xét nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của từng người tiêu dùng và có tính đến những đối tượng yếu thế”.

“Các công ty phải chứng minh rằng họ đang tuân thủ các quy tắc của chúng tôi và đối xử với khách hàng một cách công bằng”.

FCA nói rằng quy trình yêu cầu bồi thường phải tính đến việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng có thể bao gồm nhu cầu làm việc tại nhà hoặc đi lại bằng ô tô.

“Chúng tôi hy vọng các công ty bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm nhà ở sẽ không từ chối yêu cầu bồi thường vì sự thay đổi tạm thời của cách khách hàng trong việc sử dụng phương tiện và địa chỉ nhà là có thể hiểu được, để tuân thủ những hướng dẫn của Chính phủ và tình trạng bùng phát virus Corona hiện nay”.

FCA đã đề nghị các công ty bảo hiểm cần có một người quản lý cấp cao chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh liên tục và quản lý tác động của virus Corona.

“Các công ty phải đảm bảo tác động từ việc vắng mặt của nhân viên hoặc tình trạng không thể sử dụng trụ sở làm việc được giảm thiểu nhằm đảm bảo vẫn cung cấp được các dịch vụ quan trọng cho khách hàng”, FCA yêu cầu.

Australia: doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Corona buộc phải hủy hợp đồng bảo hiểm

(IAN) – Sự bùng phát dịch Covid-19 đã khiến ngày càng nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Úc hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm của mình. Đây là số liệu được công bố bởi BizCover, một công cụ tổng hợp trực tuyến kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty bảo hiểm.

Sự gia tăng số lượng hợp đồng hủy bỏ bắt đầu vào đầu tháng ba vừa qua.

Đến ngày 24 tháng 3, “tình trạng hủy bỏ hợp đồng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng đáng kể – cao hơn 51% so với mức hủy trung bình trong tháng Hai. Điều này chưa từng có trong tiền lệ hoạt động kinh doanh của chúng tôi trước đây”, theo ông Michael Gottlieb, Tổng Giám đốc BizCover.

Phần lớn lý do hủy bỏ xuất phát từ các vấn đề liên quan đến Covid-19 – bao gồm cả việc đóng cửa hoạt động kinh doanh.

Kể từ đầu tháng 3, BizCover cũng chứng kiến sự sụt giảm 32% số yêu cầu bồi thường. Trong các phân khúc cụ thể như công ty bán lẻ quần áo, sự sụt giảm yêu cầu bồi thường rất cao và giảm từ 34% đến 46% trong hai tuần qua.

Tỷ lệ tái tục cũng đã giảm, mặc dù ít hơn đáng kể, giảm 9% kể từ giữa tháng ba.

Ông Gottlieb nhận xét: “Thật không may, một số lượng lớn các doanh nghiệp chỉ đơn giản là không thể mua bảo hiểm do mất dòng tiền và chúng tôi dự kiến xu hướng này sẽ tăng vọt trong ngắn hạn khi toàn quốc bị phong tỏa”.

Các công ty bảo hiểm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nhắc lại cam kết của mình đối với khu vực doanh nghiệp này, hứa hẹn sẽ tìm kiếm các biện pháp phù hợp – bao gồm cả tùy chọn “cung cấp thời gian thanh toán kéo dài, bao gồm cả các lựa chọn thanh toán hoãn lại, trước khi hủy bỏ hợp đồng trong thời gian này”.

Hãng bảo hiểm lớn của Úc IAG đã công bố vào ngày 27 tháng 3 một gói các biện pháp cứu trợ cho các doanh nghiệp nhỏ (và khách du lịch) – bao gồm cả thời gian thanh toán kéo dài cho các doanh nghiệp nhỏ, hoàn trả phí bảo hiểm đầy đủ mà không phải trả thêm phí cho các công ty nhỏ cần hủy bỏ hợp đồng. Các công ty bảo hiểm khác dự kiến sẽ sớm thực hiện các biện pháp tương tự.

BizCover lưu ý rằng trong môi trường kinh doanh khó khăn do khủng hoảng Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Úc có thể không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính và BizCover sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty bảo hiểm vốn đang cố gắng chi trả bồi thường và duy trì hoạt động kinh doanh liên tục.

Trong một báo cáo do QBE công bố vào mùa thu năm ngoái, QBE đã nêu bật những phát hiện của họ sau khi khảo sát hơn 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Úc. Hãng cho biết, 62% chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ không tin rằng họ có phạm vi bảo hiểm phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp của mình.

Mặc dù các mô hình hiện tại của BizCover đang chứng kiến sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh mới và định kỳ, song vẫn có khả năng dịch Covid-19 sẽ trở thành chất xúc tác để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu chỉnh lại rủi ro và bảo hiểm.

Ấn Độ thành lập tổ chức chống biến đổi khí hậu

(AIR) – Hơn 40 tổ chức – bao gồm các tập đoàn công nghiệp lớn như Tata, Godrej, Mahindra và Wipro thông qua các tổ chức từ thiện khác nhau, cộng với các nhà tư tưởng học thuật, trường kinh doanh, cơ quan viện trợ và cố vấn khoa học của chính phủ – đã cùng nhau hợp tác về các giải pháp khí hậu.

Theo Climate News Network, các tổ chức này đã cùng nhau thành lập một đơn vị với tên gọi là Tổ chức Hợp tác Khí hậu Ấn Độ (ICC), cũng bao gồm các tổ chức quốc tế như Bloomberg Philanthropies và MacArthur Foundation.

Mặc dù đã có nhiều sáng kiến cá nhân ở Ấn Độ về biến đổi khí hậu, và đã có sự hỗ trợ của chính phủ cho năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, song cho đến nay những nỗ lực đó đang nằm rải rác, chưa tập trung.

Tại lễ ra mắt ICC, ông Anand Mahindra, Chủ tịch Tập đoàn Mahindra, nói: “Rõ ràng là thế giới không thể tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kinh doanh như thường lệ và không ai có thể tự mình giải quyết vấn đề. Doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức từ thiện phải hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy kết quả nhanh chóng và ở quy mô đủ lớn. Tổ chức Hợp tác Khí hậu Ấn Độ có thể là cơ sở để thực hiện được mục tiêu này”.

ICC đã xác định ba yếu tố rủi ro quan trọng đối với Ấn Độ:

Đầu tiên, thật đáng kinh ngạc là hiện có tới 700 triệu người vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và họ dễ bị tổn thương nhất với khí hậu thất thường.

Thứ hai, có một số thành phố lớn nằm dọc theo khoảng 7.500km bờ biển của Ấn Độ. Nhiều trung tâm kinh tế quan trọng này, bao gồm tất cả các cảng chính của đất nước, cao hơn một mét so với mực nước biển hiện tại.

Thứ ba, ngay cả với sự tập trung ngày càng cao vào năng lượng tái tạo song Ấn Độ vẫn tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện – hiện nay sản xuất điện vẫn còn thiếu.

ICC có kế hoạch tăng chi tiêu cho việc khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu.

Một trở ngại khác đối với nhiều kế hoạch thích ứng hoặc giảm thiểu của Ấn Độ là thiếu năng lực từ phía các cơ quan chính phủ. Chẳng hạn một nội dung rất cơ bản như chuẩn bị các đề xuất khả thi về tài trợ song lại là nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều chính phủ tiểu bang.

ICC có kế hoạch tiến hành đào tạo kỹ thuật vì “có những khoảng trống cần được lấp đầy để xử lý sự thiếu hụt tài năng và thiếu năng lực nói chung”.

Có một số lo ngại rằng mặc dù đại diện của chính phủ Ấn Độ tại ICC là Giáo sư K Vijay Raghavan, cố vấn khoa học chính của chính phủ, nhưng không có đại diện nào từ Bộ Môi trường, Rừng & Biến đổi khí hậu (MoEFCC).

Các nhà phê bình cho rằng điều này đặc biệt đáng lo ngại vì các cơ quan chính phủ đang bị coi là không làm việc cùng nhau, hoặc thường làm việc với mục đích chéo.

Cũng có những lo ngại về việc thiếu sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt với nông dân là nhóm lớn nhất bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu.

Ngành bảo hiểm có thể chịu thiệt hại lớn từ việc hoãn Thế vận hội

(Reuters) – Trì hoãn Thế vận hội có thể sẽ khiến các công ty bảo hiểm tốn kém hơn nhiều so với việc hủy bỏ Thế vận hội Tokyo hoàn toàn, với khả năng một số đơn vị tham gia có thể không có điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm cho rủi ro hoãn sự kiện.

Chính phủ Nhật Bản, do thủ tướng Shinzo Abe, và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), đứng đầu là chủ tịch Thomas Bach, đã cùng quyết định hoãn Thế vận hội đến năm 2021 do hậu quả của đại dịch Covid-19. Đây là sự trì hoãn đầu tiên trong lịch sử 124 năm hiện đại của Thế vận hội.

Các nhà phân tích của Jefferies đã ước tính chi phí bảo hiểm của Thế vận hội là 2 tỷ đô la, bao gồm cả quyền và tài trợ truyền hình, cộng với 600 triệu đô la cho khách sạn.

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) được bảo hiểm với trị giá bảo vệ khoảng 800 triệu USD cho mỗi Thế vận hội mùa hè, bao gồm phần lớn khoản đầu tư khoảng 1 tỷ đô la mà nó thực hiện ở mỗi thành phố chủ nhà.

Sau khi hoãn, IOC, các nhà tổ chức địa phương, nhà tài trợ và nhà cung cấp dịch vụ khách sạn và du lịch là những tổ chức có thể tìm cách đòi bồi thường từ các công ty bảo hiểm cho rủi ro chậm trễ. Nhưng quá trình này có thể sẽ phức tạp.

Theo ông Tim Thornhill, Giám đốc bán hàng, giải trí và thể thao tại hãng môi giới Tysers thuộc Lloyds’: “Bảo hiểm hủy sự kiện thường bao gồm cả rủi ro trì hoãn theo tiêu chuẩn”. Tuy nhiên, có thể không phải lúc nào cũng như vậy.

Hôm thứ ba tuần trước, Giám đốc điều hành ủy ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết hiện không rõ ai sẽ trả thêm chi phí phát sinh từ việc hoãn sự kiện. Nội dung này không được ông Thomas Bach và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận.

Nhật Bản đã chi 12 tỷ đô la để tổ chức Thế vận hội 2020.

Ông Leigh Ann Rossi, Giám đốc điều hành Thể thao và Giải trí tại công ty môi giới bảo hiểm BWD, cho biết: đối với những tổ chức mà hợp đồng bảo hiểm có bảo vệ cho chi phí hoãn sự kiện thì “yêu cầu bồi thường sẽ ít hơn … so với việc hủy bỏ hoàn toàn sự kiện đó”.

Rossi cho biết rất khó để các công ty bảo hiểm xác định khoản bồi thường một cách chính xác cho đến khi sự kiện đó cuối cùng bị hoãn thực sự.

BTV (Tổng hợp).