TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 11

Bảo hiểm nhúng, “cú huých” cho Insurtech; Khách hàng VBI được giảm phí khám tại Thu Cúc; Surer hợp tác với Zurich để cung cấp bảo hiểm hàng hải

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 11

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Mirae Asset Prévoir chi trả quyền lợi 500 triệu đồng cho khách hàng ở Quảng Ngãi

(ĐTCK) – Mirae Asset Prévoir và VietABank vừa thực hiện chi trả 100% quyền lợi Bảo hiểm hỗ trợ bệnh hiểm nghèo nâng cao cho 2 khách hàng với tổng số tiền chi trả là 500 triệu đồng.

Sau khi được nhận quyền lợi nêu trên, Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của khách hàng vẫn duy trì đầy đủ quyền lợi bảo hiểm đối với sản phẩm chính UL68 – Tâm An Bảo Phát và sản phẩm bổ trợ Bảo hiểm hỗ trợ thương tật vĩnh viễn do tai nạn. Theo đó, khách hàng sẽ tiếp tục được bảo vệ trong tương lai.

Đây là 2 khách hàng bị ung thư ở Quảng Ngãi, trong đó, anh Q.T.K đã tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ UL68 – Tâm An Bảo Phát với mức phí bảo hiểm gần 13 triệu đồng mỗi năm, bao gồm phí của 3 sản phẩm bổ trợ mua cho bản thân và vợ. Anh K. được bảo vệ số tiền tương ứng với 570 triệu quyền lợi bảo hiểm chính và 400 triệu đồng cho mỗi quyền lợi sản phẩm bổ trợ.

Anh K. không may phát hiện ung thư tuyến giáp phải phẫu thuật trong lần đi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ sau 4 ngày làm việc khi hồ sơ được hoàn tất, Mirae Asset Prévoir đã xác nhận thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo nâng cao cho Anh Q.T.K với số tiền 400 triệu đồng. Các quyền lợi bảo hiểm sản phẩm chính UL68 – Tâm An Bảo Phát và sản phẩm bổ trợ Bảo hiểm hỗ trợ thương tật vĩnh viễn do tai nạn của anh K. vẫn tiếp tục hiệu lực và được MAP Life miễn đóng phí.

Còn chị N.T.D tham gia sản phẩm UL68 – Tâm An Bảo Phát với mức phí bảo hiểm cơ bản gần 10 triệu đồng và số tiền bảo hiểm là 200 triệu đồng. Chị D. cũng tham gia thêm 2 sản phẩm bảo hiểm bổ trợ và lựa chọn quyền lợi bảo vệ là 100 triệu đồng.

Nhận được hồ sơ chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối của chị D, Mirae Asset Prévoir và VietABank đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và tiến hành chi trả 100% số tiền bảo hiểm của sản phẩm bổ trợ Bảo hiểm hỗ trợ bệnh hiểm nghèo nâng cao tương ứng với số tiền bảo hiểm mà chị D. đã lựa chọn là 100 triệu đồng.

Với ưu điểm được mở rộng quyền lợi bảo vệ cho cả gia đình, khách hàng đã tham gia sản phẩm UL68 – Tâm An Bảo Phát như anh K. chị D. còn được chủ động lựa chọn các sản phẩm bổ trợ với mức chi phí hợp lý để tối ưu hóa kế hoạch bảo vệ trước các rủi ro do tai nạn, bệnh hiểm nghèo.

Tính đến tháng 2/2023, Mirae Asset Prévoir đã chi trả quyền lợi cho hơn 730.000 trường hợp với tổng giá trị hơn 2.500 tỷ đồng cho khách hàng.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Hanwha Life Việt Nam được vinh danh “Dịch vụ bảo hiểm đáng tin cậy 2022”

(ĐTCK) – Đây là năm thứ 9 công ty được trao giải thưởng này, thêm khẳng định uy tín trên thị trường bảo hiểm.

Tại giải thưởng Rồng Vàng do được tổ chức mới đây, Hanwha Life Việt Nam đã được vinh danh “Dịch vụ bảo hiểm đáng tin cậy 2022” nhờ cung cấp giải pháp bảo hiểm toàn diện, chuyển đổi số nâng cao chất lượng dịch vụ và kiên định phát triển bền vững. Đây cũng là năm thứ 9 công ty được trao giải thưởng này, thêm khẳng định uy tín trên thị trường bảo hiểm.

Trong 15 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Hanwha Life luôn kiên định phát triển bền vững với mục tiêu “trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ được tín nhiệm nhất Việt Nam”, hiện thực hóa thông qua nỗ lực mang đến những giải pháp tài chính toàn diện được “may đo” dành riêng cho người Việt. Nhóm sản phẩm bảo hiểm của Hanwha Life Việt Nam được đa dạng hóa nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết thực của khách hàng bao gồm: Bảo vệ – Tích lũy – Đầu tư. Bắt nhịp với xu hướng số hóa của thị trường, năm 2022, Hanwha Life Việt Nam nhanh chóng cho ra đời dòng sản phẩm “Bảo Vệ 365” dựa trên nền tảng kỹ thuật số, hướng đến nhóm khách hàng trẻ, năng động với cơ chế cho phép tự lựa chọn hoặc kết hợp các gói bảo hiểm nhanh chóng và tiện lợi thông qua nền tảng thương mại điện tử với thao tác đơn giản, dễ dàng.

Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt hoạt động khác ứng dụng công nghệ như cổng thông tin khách hàng trực tuyến (Customer portal) kết hợp với ứng dụng trên di động LIME giúp khách hàng chủ động quản lý hợp đồng trực tuyến (e-Policy), bảo lãnh phát hành và bảo hiểm tự động (auto underwriting), thanh toán trực tuyến (e-Payment),…; hay các quy trình số hóa khác như quản lý khách hàng tiềm năng và nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến (E-submission),…

Tất cả đều nằm trong chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm mang đến chất lượng dịch vụ vượt trội và gia tăng khả năng kết nối khách hàng. Năm 2022, thông qua các kênh trực tuyến, công ty đã tiếp nhận và xử lý nhanh chóng hơn 47.000 yêu cầu của khách hàng, ghi nhận mức tăng ấn tượng đến 300% so với năm trước, tỷ lệ khách hàng sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt tại Hanwha Life Việt Nam cũng tăng cao hơn 65%.

Nhờ đẩy mạnh số hóa, khâu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cũng “ghi điểm” trong lòng khách hàng. Riêng năm 2022, Hanwha Life Việt Nam đã thực hiện thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho gần 51.000 trường hợp, tăng đến 63% so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm nộp qua kênh trực tuyến tăng hơn gấp đôi từ 25% năm 2021 lên 56% năm 2022 và thời gian trung bình công ty xử lý quyền lợi bảo hiểm một trường hợp được rút ngắn, chỉ vào khoảng 6 ngày…

Phú Hưng Life tổ chức Đêm vinh danh xuất sắc đỉnh cao – President Award Night

(PHL) – Đêm vinh danh xuất sắc đỉnh cao – President Award Night, sự kiện trọng đại và vinh dự bậc nhất của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng (Phú Hưng Life) đã diễn ra vào ngày 12/03/2023 tại Gem Center trong không gian dạ tiệc sang trọng và đẳng cấp, đánh dấu sự ghi nhận những nỗ lực của các Chiến Binh và Thủ Lĩnh Phượng Hoàng với thành tích xuất sắc trong năm 2022.

Với chủ đề “Kỷ Nguyên Huyền Thoại”, Phú Hưng Life khẳng định một ý chí quyết tâm và sức mạnh phi thường được hợp nhất bởi những Chiến Binh và Thủ Lĩnh Phượng Hoàng đã vượt qua mọi thử thách, chinh phục những đỉnh cao tạo nên khí chất tinh hoa, xứng tầm thời đại, hướng đến sự kiện Hội nghị Phượng Hoàng Rome 2023.

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Graeme Hannah chia sẻ: “Tôi muốn chúc mừng những cá nhân xuất sắc có mặt trong sự kiện vinh danh ngày hôm nay, đã cống hiến cho sự phát triển của Phú Hưng Life. Trong năm vừa qua, Phú Hưng Life là một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng rất tốt trên thị trường, và hứa hẹn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trong năm nay. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ đạt được một năm 2023 thành công”

“Đêm vinh danh xuất sắc đỉnh cao” cũng chính là dịp để vinh danh những Chiến Binh và Thủ Lĩnh Phượng Hoàng trên hành trình kiến tạo thịnh vượng đầy vinh quang, đầy khát vọng và nhiệt huyết với sứ mệnh lan tỏa giá trị nhân văn của bảo hiểm nhân thọ đến với khách hàng.

Bên cạnh đó, những MDRT xuất sắc của Phú Hưng Life cũng được vinh dự trao tặng danh hiệu đầy tự hào, hưởng những đặc quyền của danh hiệu cao quý và đạt vé tham dự Hội Nghị MDRT được tổ chức tại Mỹ vào tháng 6 sắp tới. Giải thưởng vinh danh MDRT – Million Dollar Round Table, COT – The Court of The Table chính là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp của một chuyên viên tư vấn tận tâm, chuyên nghiệp – là nền tảng tiếp thêm sức mạnh cho toàn đội ngũ, cùng đồng lòng vươn đến những mục tiêu mới cao hơn trong năm 2023.

Khách hàng VBI được giảm 10% phí khám tại Hệ thống y tế Thu Cúc

(TBTCO) – Từ ngày 2/3/2023 đến ngày 31/12/2023, Bảo hiểm VietinBank – VBI và Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI triển khai chương trình ưu đãi dành cho khách hàng VBI sử dụng dịch vụ bảo lãnh viện phí tại Thu Cúc.

Nhằm mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng mức chi phí tốt nhất, từ ngày 2/3/2023 đến ngày 31/12/2023, khách hàng của Bảo hiểm VietinBank – VBI đăng ký khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ bảo lãnh tại các cơ sở thuộc Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI sẽ được hưởng ưu đãi: giảm 10% chi phí khám tất cả dịch vụ (không áp dụng khám với bác sĩ Singapore); giảm 5% dịch vụ cận lâm sàng (không bao gồm thuốc và vật tư tiêu hao).

Chương trình không áp dụng đồng thời với các chương trình ưu đãi và chính sách giảm giá khác. Khách hàng đặt lịch qua tổng đài TCI.

VBI là công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu thị trường về dịch vụ bồi thường nhờ số hóa toàn bộ quy trình bảo hiểm để đem lại trải nghiệm “một chạm” cho người dùng qua ứng dụng MyVBI. Thủ tục bồi thường bảo hiểm truyền thống vốn được coi là “rườm rà” đã được VBI đưa lên nền tảng trực tuyến 100%, với tính năng giám định online, dịch vụ bồi thường siêu tốc, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, không cần đến tận nơi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Để yêu cầu bảo lãnh viện phí, khách hàng chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân có ảnh như: chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân (đối với người lớn) hoặc giấy khai sinh bản chụp/bảo sao y cùng giấy tờ tùy thân có ảnh của người giám hộ (đối với khách hàng < 14 tuổi) cho nhân viên tại quầy bảo lãnh viện phí của cơ sở Thu Cúc.

Sau khi thực hiện đối chiếu thông tin, bệnh viên Thu Cúc sẽ giúp khách hàng làm đề nghị bảo lãnh theo quy trình của VBI. Mức viện phí VBI bảo lãnh có thể là toàn bộ hoặc một phần các chi phí điều trị, tùy theo gói bảo hiểm khách hàng tham gia. Dựa trên kết quả xác nhận của VBI, Thu Cúc sẽ tiến hành thủ tục bảo lãnh cho khách hàng.

Quyền lợi sử dụng bảo hiểm VBI tại Hệ thống y tế Thu Cúc

Bảo hiểm sức khỏe – VBICare: Với mức phí chỉ 1.000 đồng/ngày, khách hàng tham gia bảo hiểm VBICare sẽ được chi trả cho các chi phí rủi ro ốm đau bệnh tật, thai sản, tai nạn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như các chi phí điều trị y tế với tổng quyền lợi lên tới 2 tỷ đồng. Nhờ vậy, khách hàng có thể an tâm bảo vệ bản thân và gia đình trước mọi rủi ro sức khỏe.

Bảo hiểm tai nạn – VBISafe: Bảo hiểm tai nạn VBISafe với chi phí rẻ chỉ từ 73.000 đồng/năm, bảo hiểm toàn diện cho các loại tai nạn: tai nạn giao thông, bỏng, giật điện, đuối nước, ngã,… lên tới 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, khách hàng còn nhận được các mức trợ cấp chăm sóc cha mẹ và con nhỏ lên tới 50 triệu đồng.

Bảo hiểm ung thư vú – PinkCare: Ung thư vú là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới và không ngừng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Bảo hiểm ung thư vú – PinkCare là điểm tựa hạnh phúc, giúp khách hàng an tâm sống trọn ước mơ với quyền lợi bảo hiểm lên tới 150.000.000 đồng, trợ cấp nằm viện lên đến 9.000.000 đồng/năm cùng mức chi phí toàn dân chỉ từ 42.000 đồng/năm. Với PinkCare, mọi phụ nữ đều xứng đáng được nâng niu, bảo vệ và yêu chiều như những đóa hoa.

  1. Nhịp đập thị trường

Sức hút bảo hiểm nhân thọ Việt

(ĐTCK) – Tính đến hiện tại, mới hơn 10% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ, quá thấp so với mức hơn 50% tại Singapore hay Mỹ, cho thấy dư địa khai thác còn rất lớn của thị trường này.

Hiện tại, ngoài Bảo Việt nhân thọ là doanh nghiệp trong nước, trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn có 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đến từ các thị trường phát triển như Anh, Ý, Mỹ, Pháp, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ độc lập, có nguồn gốc châu Á… Tính đến thời điểm này, các tập đoàn tài chính đến từ châu Á đang là những nhà đầu tư có mặt nhiều nhất ở “sân chơi” này.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến hết năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2021. Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp khối này ước đạt 592.811 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm trước.

Một số thông tin từ thị trường cho thấy, số doanh nghiệp tham gia vào thị trường có thể tiếp tục tăng lên khi một tập đoàn tài chính bảo hiểm lớn của Hàn Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch tiến vào thị trường Việt Nam. Nếu kế hoạch này sớm trở thành hiện thực thì thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là nơi hội tụ của nhiều hãng bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc nhất khi đang có sự hiện diện của Hanwha Life, Mirae Asset Prévoir – một công ty liên doanh (với 50% vốn góp) của Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset (Hàn Quốc) tại Việt Nam với Tập đoàn Prévoir (Pháp) và hãng bảo hiểm mới vào thị trường là Shinhan Life.

Trước đó, Samsung Life đã lập văn phòng đại diện nhiều năm tại Việt Nam và có những bước chuẩn bị chính thức tiến vào thị trường, nhưng do chiến lược thay đổi nên “mối lương duyên” với bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chưa thành.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, “tân binh” Shinhan Life Việt Nam đã có những ca bồi thường đầu tiên cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Dù mới chính thức hoạt động được hơn một năm tại Việt Nam, Shinhan Life đã xây dựng được một danh mục sản phẩm bảo hiểm tương đối đa dạng, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm bảo vệ. Bước sang năm thứ 2, tân binh này đặt mục tiêu tham vọng trở thành doanh nghiệp đứng đầu về bảo hiểm bảo vệ vào năm 2030.

Với mục tiêu khai thác thị trường tiềm năng để tạo lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp đi trước, Shinhan Life Việt Nam cho biết đã và đang tập trung vào phát triển các sản phẩm bảo hiểm thuần bảo vệ các nhu cầu thực tế của khách hàng với mệnh giá hợp lý, dễ tiếp cận, đơn giản và bồi thường nhanh chóng.

Hơn 10% dân số tham gia bảo hiểm của Việt Nam tính đến hiện tại là con số quá thấp so với tỷ lệ hơn 50% người dân có bảo hiểm nhân thọ ở Singapore hay Mỹ… Chính vì thế, chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 3,3-3,5% GDP và có khoảng 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ…

Song song với mục tiêu “phủ sóng” bảo hiểm tới nhiều người dân hơn nữa, cơ quan chức năng còn đã đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, đa dạng hóa kênh phân phối, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm… Những yếu tố này được xem là tiền đề vững chắc cho các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài tiếp tục bỏ vốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Vừa qua, một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Generali, trong đó có ông Jaime Anchustegui – Tổng giám đốc Generali Quốc tế và ông Rob Leonardi – Tổng giám đốc Generali châu Á, đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo đó, tập đoàn bảo hiểm và quản lý tài sản số 1 của Ý này tiếp tục cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam, đồng thời các lãnh đạo Generali đều có đánh giá tích cực về thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.

“Việt Nam luôn là thị trường tăng trưởng chủ chốt của Tập đoàn Generali tại khu vực châu Á…”, ông Anchustegui nhấn mạnh.

Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, để khai thác tiềm năng to lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam, Generali sẽ tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ với quyền lợi vượt trội, mức phí cạnh tranh, tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nâng cao trải nghiệm khách hàng về mọi mặt, đồng thời mở rộng và cải thiện chất lượng của tất cả các kênh phân phối.

“Chúng tôi cũng sẽ đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường tính trung thực và minh bạch với khách hàng thông qua việc cải tiến các quy trình vận hành, kiểm soát, đào tạo đội ngũ cũng như truyền thông về sản phẩm, dịch vụ…”, bà Tina Nguyễn chia sẻ thêm.

Được biết, bên cạnh lĩnh vực nhân thọ, một số tập đoàn tài chính – bảo hiểm nước ngoài như Chubb, Cathay, Fubon…. còn đầu tư và thành lập cả công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Thực tế, với một thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa khai thác khi mới có hơn 10% dân số được bảo hiểm bảo vệ và thường xuyên nằm trong tốp các nước tăng trưởng GDP cao và ổn định trên thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn tài chính – bảo hiểm quốc tế mở rộng hệ sinh thái của mình.

Chẳng hạn, để Shinhan Life Việt Nam sớm đi vào ổn định, việc hợp tác và tạo ra sức mạnh tổng hợp với các công ty trong cùng Tập đoàn đã có mặt tại Việt Nam là điều quan trọng hàng đầu. Tập đoàn Tài chính Shinhan hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang đóng vai trò nền tảng cho hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn với mạng lưới các công ty thành viên là Shinhan Bank và Shinhan Finance. Vì thế, Shinhan Life là mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái này để mang đến giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng Việt Nam.

Với Tập đoàn Hanwha, trong những năm qua, tập đoàn này phát triển mạnh ra thị trường thế giới, trong đó chú trọng tới thị trường châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Tại đây, Hanwha đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào các dự án quan trọng như nhà máy năng lượng điện mặt trời tại tỉnh Long An; nhà máy sản xuất các thiết bị an ninh tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh; nhà máy sản xuất linh kiện động cơ máy bay đầu tiên và duy nhất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội; đầu tư vào Tập đoàn Vingroup thông qua việc mua 84 triệu cổ phiếu của tập đoàn này; mua lại Công ty Chứng khoán HFT (Hà Nội), hiện đổi tên thành Công ty Chứng khoán Pinetree…

Tại hội thảo về đầu tư sản của một tập đoàn tài chính – bảo hiểm có nguồn gốc từ châu Á mới đây, các diễn giả nhìn nhận, sau dịch, không chỉ xu hướng đầu tư bất động sản trở nên rõ nét hơn, mà các lĩnh vực kho bãi, nhà xưởng hậu cần trong chuỗi cung ứng logistics cũng rất hấp dẫn.

Theo các diễn giả, giá trị đầu tư vào thị trường dịch vụ hậu cần, năng lượng tái tạo và trung tâm dữ liệu toàn cầu có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư tài chính nhờ nền kinh tế – chính trị – xã hội ổn định. Chính vì thế, ngoài đầu tư vào bảo hiểm, các tập đoàn tài chính còn nhiều đích ngắm khác tại thị trường này.

Bảo hiểm nhúng, “cú huých” cho Insurtech

(ĐTCK) – Quy mô thị trường tài chính nhúng toàn cầu dự báo sẽ vượt mức 7.300 tỷ USD vào năm 2030 và phần lớn nhất trong “miếng bánh” này thuộc về bảo hiểm nhúng

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2023, các công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtechs) sẽ không dễ dàng huy động vốn mới, nên sẽ có những cái tên phải rời khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo tập đoàn bảo hiểm vẫn lạc quan và tin rằng, Insurtech sẽ thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh trong ngành bảo hiểm bằng cách cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn và lấy khách hàng làm trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và luôn thay đổi từ thị trường.

Theo InsurTechs, một website chuyên về công nghệ bảo hiểm, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển của ngành công nghệ bảo hiểm năm 2023, trong đó việc lấy khách hàng làm trung tâm được xem là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng cần một hệ sinh thái phân phối để bao phủ nhiều nhóm khách hàng hơn và bảo hiểm tích hợp sẽ trở thành một hình thức phân phối kỹ thuật số mới.

Bảo hiểm tích hợp, hay còn gọi là bảo hiểm nhúng, là cách công ty bảo hiểm hợp tác với đối tác thứ ba để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đến một tập khách hàng cụ thể mà đối tác thứ ba đang cung cấp; khai thác công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu theo những cách mới để tạo ra sản phẩm cũng như trải nghiệm riêng biệt dành cho khách hàng.

Điểm mấu chốt của hình thức bảo hiểm này là đóng gói sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ hành trình tiếp xúc với khách hàng, từ khâu bán hàng, mua hàng đến giải quyết bồi thường. Điều này giúp trải nghiệm người dùng ngày càng được hoàn thiện hơn. Theo dự báo, quy mô thị trường tài chính nhúng toàn cầu sẽ vượt mức 7.300 tỷ USD vào năm 2030 và phần lớn nhất trong “miếng bánh” này thuộc về bảo hiểm nhúng.

Tại Việt Nam, ngoài Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là đơn vị tiên phong phát triển dòng sản phẩm này, đến nay đã có thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác triển khai như Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt… Thị trường đang ngày càng cạnh tranh do tiềm năng từ bảo hiểm nhúng dần trở nên rõ nét hơn, tập trung vào bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trễ/hủy chuyến, bảo hiểm chuyến đi…

Ngoài việc tập trung cho khách hàng và hệ sinh thái, InsurTechs cho rằng, công nghệ bảo hiểm quản lý rủi ro chủ động sẽ được ứng dụng nhiều hơn. Cụ thể, các công ty bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đang tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công cụ phân tích, dự đoán khác để phát triển nhiều hơn biện pháp phòng ngừa rủi ro cho khách hàng. Ví dụ, dữ liệu lớn được thu thập từ các thiết bị đeo có thể cung cấp cho các công ty bảo hiểm nhân thọ những thông tin liên quan tới sức khỏe và thể chất của khách hàng, từ đó đưa ra chiến lược quản lý rủi ro tích cực, bao gồm cung cấp thông tin chuyên sâu về lối sống, chế độ ăn uống và sức khỏe tổng thể của khách hàng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong phát triển các sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh…

Tại Việt Nam, hình thức này cũng đã được một số công ty bảo hiểm nhân thọ triển khai, chẳng hạn AIA Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tích hợp chương trình chăm sóc sức khỏe. Theo đó, khách hàng tham gia sản phẩm này sẽ nhận ngay thêm 20% giá trị tăng bảo vệ và hưởng thêm lên tới tối đa 40% giá trị gia tăng bảo vệ tùy theo mức độ hoạt động nâng cao sức khỏe, mà không phải trả thêm chi phí bảo hiểm rủi ro…

Theo Roland Berger, tổ chức tư vấn chiến lược duy nhất có nguồn gốc châu Âu, các mô hình chăm sóc tích hợp các dịch vụ trong chuỗi giá trị chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện đến trung tâm chẩn đoán, từ phòng khám chăm sóc sức khỏe đến nhà thuốc… đang được phát triển khắp thị trường Đông Nam Á. Tương tự, các công ty bảo hiểm và nền tảng sức khỏe đang hình thành quan hệ đối tác chiến lược để khám phá các dịch vụ riêng biệt và hướng đến các dịch vụ trọn gói dành cho bệnh nhân.

Cho đến thời điểm này, chưa có một dự đoán nào chắc chắn về tương lai bảo hiểm số, nhưng thị trường mới mẻ này sẽ tập trung “giải quyết” được tối đa nhu cầu của khách hàng nhằm tạo nên những “cú huých” cho sự phát triển trong tương lai.

  1. Góc nhìn chuyên gia

Khó xác định hành vi “cưỡng ép” mua bảo hiểm

(ĐTCK) – Đó là chia sẻ của luật sư Lưu Vũ Anh, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Hoa Việt xung quanh câu chuyện bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Đi vay với chi phí “cắt cổ”, khách hàng của một tổ chức cầm đồ vừa kêu bị “ép” mua 3 hợp đồng bảo hiểm. Trước đó, nhiều trường hợp cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Là người xử lý nhiều ca tranh chấp bán bảo hiểm qua ngân hàng thời gian gần đây, ông nghĩ sao về hành vi ép giao kết hợp đồng bảo hiểm ở đây?

Thời gian qua, nhiều khách hàng dùng từ “ép” để nói về trường hợp các tổ chức cầm đồ, ngân hàng lợi dụng hoàn cảnh khách hàng cần vay tiền gấp yêu cầu mua các hợp đồng bảo hiểm như là điều kiện giải ngân.

Tuy nhiên, theo tôi, để xác định hành vi đó là ép hay không thì cần căn cứ vào từng vụ việc và cần làm rõ khái niệm như thế nào là bị “ép” mua bảo hiểm. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), quy định tại Điều 9 nêu rõ, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Khái niệm “cưỡng ép” được hiểu theo nghĩa là “sử dụng sức mạnh vật chất hoặc tinh thần một cách bất hợp pháp, hoặc buộc người khác phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc trái với ý chí hay mong muốn của họ”. Nếu căn cứ theo khái niệm này thì rất khó để xác định bên cho vay là tổ chức cầm đồ, ngân hàng đã “cưỡng ép” khách hàng vì hợp đồng bảo hiểm là do khách hàng tự kê khai thông tin với doanh nghiệp bảo hiểm, tự tay ký, tự làm các thủ tục nộp phí. Khi khách hàng tự ký mà không có bất kỳ hành vi cưỡng ép nào về vật chất hay tinh thần, chẳng hạn việc dùng vũ lực của bên bán bảo hiểm, thì khó có thể coi đây là hành vi cưỡng ép.

Có 2 quan điểm đối lập trong vấn đề này. Khách hàng sau khi mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng thường nói bị “ép mua bảo hiểm” vì theo họ, ý chí là không muốn mua nhưng vẫn phải mua để được giải ngân nhanh. Còn ngân hàng coi việc mời khách hàng mua bảo hiểm là có thỏa thuận với khách hàng, chẳng hạn nếu mua sẽ được giảm lãi suất, tặng quà hoặc đơn giản hóa thủ tục vay vốn…, cho nên đây hoàn toàn là tự nguyện giao dịch, không phải cưỡng ép.

Nghĩa là không phải cứ rơi vào cảnh khách hàng không muốn mua bảo hiểm, mà chỉ mua để được giải ngân tiền vay là bị coi là “ép”?

Đúng vậy. Không phải cứ khách hàng đang cần tiền và được cho vay theo kiểu “bia kèm lạc” thì gọi đó là “ép” và không phải cứ người đi vay phải mua những loại bảo hiểm không liên quan là trái quy định. Nếu bên cho vay là tổ chức cầm đồ giao dịch với lãi suất quá cao thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về cho vay, nhưng không có nghĩa là gắn họ với cái mác “ép” mua bảo hiểm.

Lấy ví dụ, một khách hàng làm hồ sơ vay tại ngân hàng số tiền 300 triệu đồng, lãi suất 15%/năm và khách hàng này cho rằng bị “ép” mua bảo hiểm 1 năm trị giá 15 triệu đồng để được duyệt vay, dù không có nhu cầu. Trong trường hợp này, để khẳng định ngân hàng có ép khách hàng hay không thì cần xác định được việc chuyển tiền mua bảo hiểm là tự nguyện hay không. Nếu không phải là tự nguyện và có bằng chứng chứng minh mình bị ép buộc thì khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét, tuyên bố hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Đồng thời, có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến ngân hàng và các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để làm rõ sự việc.

Với tổ chức cầm cố cũng vậy, nếu người vay không có căn cứ chứng minh mình bị đe dọa, cưỡng ép mua bảo hiểm thì không thể coi là bị “ép” mua.

Lần đầu tiên, hành vi cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm được luật hóa tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Trước đó, hành vi này xuất hiện với tên gọi khác là “ép buộc” giao kết hợp đồng bảo hiểm tại Nghị định 98/2013. Khi hợp đồng bảo hiểm được ký bởi bên bán bảo hiểm là nhân viên ngân hàng hay nhân viên cầm đồ nếu không phải là “ép” thì có thể quy về tội gì?

Trường hợp này khó có thể kết tội “cưỡng ép” giao dịch bảo hiểm, mà chỉ có thể là tội “gian dối”. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật, nhưng làm cho người mua bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách như bằng lời nói, chữ viết, hành động, hình ảnh…

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Vì không hiểu hết khái niệm “cưỡng ép” nên nhiều người vội vàng kết tội bên bán bảo hiểm, dẫn đến một làn sóng tẩy chay, ác cảm đối với ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tổ chức cầm đồ.

Thực tế, khách hàng chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhưng đôi khi không hiểu hết về quyền lợi, không mua đúng theo nhu cầu của bản thân, mà chỉ mua cho có. Lúc này, bản chất nhân văn, ưu việt của bảo hiểm không được khách hàng đón nhận. Hệ lụy là rất nhiều hợp đồng bảo hiểm không được tiếp tục tái tục cho các lần tiếp theo, gây thiệt hại cho chính khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Cần phải phân định rất rõ các lỗi để tránh nhầm lẫn. Việc ngân hàng “đánh tráo khái niệm”, hô biến từ gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm có thể coi đó là hành vi lừa dối, còn tổ chức cầm đồ cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt quy định về cho vay, chứ không thể đánh đồng là cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm được.

Theo ông, cần có chế tài cũng như giải pháp nào để hạn chế việc “cưỡng ép” mua bảo hiểm?

Chế tài xử phạt hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả việc cưỡng ép mua bảo hiểm, được quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Còn theo quy định hiện hành tại Nghị định 98/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và xổ số (sửa đổi bởi Nghị định 48/2018), phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Về giải pháp, theo tôi, cần áp dụng công nghệ thông tin để người vay có thể chủ động vay trực tuyến mà không phải thông qua giao dịch viên, hạn chế việc phát sinh các dịch vụ khác; công khai các mức lãi suất, ưu đãi và hạn chế việc chênh lệch lãi suất giữa người vay có bảo hiểm và không có bảo hiểm; tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân về vay vốn, bảo hiểm để tránh tình trạng mua bảo hiểm không theo nhu cầu bản thân.

Đặc biệt, các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng cần hướng đến quyền lợi của khách hàng nhiều hơn, tránh áp chỉ tiêu kinh doanh quá lớn dẫn đến nhân viên tư vấn/kinh doanh có những hành vi sai trái, tiêu cực trong quá trình tư vấn khách hàng tham gia bảo hiểm. Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của bên bán bảo hiểm trong trường hợp bán sai quy định, bao gồm cả hành vi cưỡng ép mua bảo hiểm; bổ sung chính sách bảo vệ khách hàng, mức độ bồi thường… trong trường hợp không được tư vấn đầy đủ và lừa dối khách hàng mua bảo hiểm.

  1. Tin quốc tế

Chủ tịch Great Eastern từ chức

(INA) – Chủ tịch Great Eastern Koh Beng Seng sẽ chia tay công ty vào ngày 21 tháng 4 sau 15 năm phục vụ.

Dưới sự lãnh đạo của ông Koh, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Great Eastern, tổng doanh thu khai thác mới có trọng số, giá trị tích hợp khai thác mới và giá trị tích hợp tăng đáng kể từ 80% lên 120%.

Great Eastern cho biết: “Ông Koh đã giúp Tập đoàn thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để trang bị cho nhân viên và đại lý những công cụ cần thiết nhằm mang lại trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, thúc đẩy đổi mới để tăng trưởng kinh doanh và làm mới cơ sở hạ tầng công nghệ của mình” .

Kế nhiệm Koh là ông Soon Tit Koon, người sẽ bắt đầu nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị vào ngày 22 tháng Tư.

Trước khi được bổ nhiệm ở Great Eastern, ông Soon nắm giữ các vị trí cấp cao tại Oversea-Chinese Banking Corporation (Ngân hàng OCBC), Wilmar Holdings và Citicorp Investment Bank (Singapore) Limited.

Phí bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ tăng 20% trong tháng 2

(INA) – Dữ liệu từ CareEdge Ratings cho thấy phí bảo hiểm phi nhân thọ của Ấn Độ đã tăng 20% lên 198.764 triệu Rupi (2,4 tỷ USD) vào tháng 2 năm 2023.

Tổng phí bảo hiểm trực tiếp từ đầu năm đến nay (YTD) tăng 16,9% trong năm tài chính 23 từ mức 11% trong cùng kỳ năm ngoái.

Phí bảo hiểm của công ty bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15,6% lên 163.837 triệu Rupi (1,98 tỷ USD) từ 141.743 triệu Rupi (1,71 tỷ USD), trong khi phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm sức khỏe tư nhân độc lập (SAHI) tăng 26,8% lên 23.198 triệu Rupi (281 triệu USD) từ mức 18.289 triệu Rupi (221 triệu USD).

CareEdge tuyên bố rằng sự tăng trưởng của phân khúc bảo hiểm sức khỏe nhóm “do hợp lý hóa việc giảm giá phí bảo hiểm,” điều kiện thuận lợi của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, tỷ lệ trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba (TP) tăng và tỷ lệ phí bảo hiểm xe cơ giới cao hơn đã thúc đẩy tăng phí bảo hiểm.

Surer hợp tác với Zurich để cung cấp sản phẩm bảo hiểm hàng hải

(INA) – Surer tuyên bố hợp tác với Bảo hiểm Zurich, cho phép công ty công nghệ bảo hiểm này sử dụng Zurich Swift Marine Cargo.

Việc tích hợp dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số và nhanh chóng của Zurich vào nền tảng của Surer sẽ cho phép các công ty môi giới và trung gian quản lý các yêu cầu về hàng hóa đường biển của khách hàng một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Quan hệ đối tác mới cho phép các nhà khai thác lấy bản chào bảo hiểm, cam kết bảo hiểm và cấp chứng chỉ hoặc hợp đồng trực tiếp thông qua nền tảng Surer.

Các tư vấn và nhà lập kế hoạch của công ty tư vấn tài chính độc lập PromiseLand là nhóm trung gian đầu tiên tiếp cận sản phẩm Zurich Swift Marine Cargo thông qua nền tảng Surer.

Tổng Giám đốc Kyobo Life được trao giải Đại sảnh Danh vọng Bảo hiểm năm 2023

(INA) – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Kyobo Life Chang-Jae Shin, MD, đã được Hiệp hội Bảo hiểm Quốc tế (IIS) công nhận là Người được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Bảo hiểm, 27 năm sau khi cha ông và người sáng lập Kyobo Life, Yong Ho Shin cũng được trao giải thưởng tương tự.

Ông Josh Landau, Chủ tịch ISS, cho biết: “Tiến sĩ Chang-Jae Shin thể hiện tinh thần của Đại sảnh Danh vọng Bảo hiểm thông qua quản lý thay đổi, khả năng lãnh đạo có tầm nhìn xa và cách tiếp cận ưu tiên con người”.

Đại sảnh Vinh danh Bảo hiểm ghi nhận những nhà lãnh đạo trong ngành đã có những đóng góp to lớn cho ngành bảo hiểm và xã hội. Những người đoạt giải là “những nhà đổi mới và có tầm nhìn xa” có ảnh hưởng đến những người khác để giúp đáp ứng nhu cầu toàn cầu của môi trường bảo hiểm.

Một số người đoạt giải trước đây của giải thưởng là Larry D. Zimpleman của Principal Financial, A. Greig Woodring của RGA, Michael A. Butt của Axis Capital và Shuzo Sumi của Tokio Marine.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc năm 2000, Tiến sĩ Shin đã thiết lập nhiều thay đổi khác nhau trong Kyobo Life, tập trung vào việc cải thiện sự hài lòng của khách hàng, đạt được sự ổn định tài chính, kiểm soát rủi ro và chuyển mô hình kinh doanh từ tăng trưởng định lượng sang định tính.

Sau đó, công ty đã nhận được Giải thưởng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ của Năm 2009 bởi Giải thưởng Ngành Bảo hiểm Châu Á và đứng số 1 trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ theo Chỉ số Bền vững của Hàn Quốc trong 13 năm qua.

Tổng Giám đốc Kyobo Life sẽ được vinh danh tại buổi dạ tiệc của Diễn đàn Bảo hiểm Toàn cầu vào ngày 5 tháng 11 tại Hilton Singapore Orchard.

Các công ty bảo hiểm nên theo dõi rủi ro thanh khoản

(INA) – Cơ quan tiền tệ Singapore nhắc nhở các công ty bảo hiểm coi chừng rủi ro thanh khoản vì sự biến động có thể nhanh chóng lan rộng theo những cách không mong muốn.

Trong một bài phát biểu quan trọng tại Tiệc trưa thường niên của LIA vào ngày 21 tháng 3, Marcus Lim, Trợ lý Tổng Giám đốc Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã nhắc nhở các công ty bảo hiểm về vai trò quan trọng của họ bất chấp sự bất ổn kinh tế.

Ông Lim cho biết: “Sức mạnh tài chính của một công ty bảo hiểm nhân thọ để tiếp tục hoạt động trong thời gian dài hơn là nền tảng giải thích tại sao mọi người sẵn sàng trả trước tiền cho những lợi ích mà họ có thể chỉ nhận được trong tương lai xa”.

Ông Lim cũng cảnh báo các công ty bảo hiểm nhân thọ nên cảnh giác với những tác động của căng thẳng địa chính trị, tỷ lệ lạm phát gia tăng và suy thoái kinh tế đối với việc quản lý rủi ro.

“Sự sụp đổ gần đây của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về những gì có thể xảy ra khi việc quản lý tài sản và trách nhiệm pháp lý không được thực hiện tốt,” ông Lim nói.

Tuy nhiên, lãi suất cao hơn có vẻ hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ có thời hạn nợ dài hơn, ông lưu ý rằng hãy để ý đến rủi ro đảo ngược lợi suất.

Theo ông, “Sự gián đoạn được phóng đại bởi các quỹ Đầu tư theo trách nhiệm pháp lý (LDI) ở Anh là một ví dụ về mức độ biến động, mà chúng ta đang thấy ngày nay nhiều hơn, có thể nhanh chóng lan truyền theo những cách không ngờ tới”.

Một yếu tố khác cần được các doanh nghiệp bảo hiểm cân nhắc là vấn đề thanh khoản đã được giải quyết trước đó thông qua Thông báo về Quản lý rủi ro doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua.

“Trở thành một công ty bảo hiểm mà khách hàng có thể tin tưởng không chỉ dừng lại ở các yếu tố kỹ thuật trong quản lý rủi ro mà còn bao gồm cả cách bạn đối xử với khách hàng của mình từ điểm bán hàng cho đến khi nộp đơn yêu cầu bồi thường. Đó là một trách nhiệm to lớn và tôi biết đó là một trách nhiệm mà tất cả các bạn không thể xem nhẹ. Càng ngày, làm điều đúng đắn cũng liên quan đến cách bạn chọn triển khai vốn của mình vì lợi ích rộng lớn hơn và điều này ngày nay rõ ràng nhất trong không gian bền vững”, ông kết luận

AIA Hồng Kông thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Humansa

(INA) – AIA Hồng Kông đã thành lập liên minh chiến lược với Humansa của Tập đoàn New World để hợp tác và thành lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe một cửa tại Hồng Kông nhằm cung cấp các giải pháp quản lý sức khỏe đa dạng và cá nhân hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe dự phòng. Trung tâm chăm sóc sức khỏe chuẩn bị khai trương vào mùa hè này.

Trung tâm này sẽ dành riêng cho các khách hàng giàu có tại địa phương và khách du lịch của AIA Hồng Kông.

AIA Hồng Kông cho biết trung tâm chăm sóc sức khỏe tập trung vào việc mang đến cho khách hàng “sự nuôi dưỡng sức khỏe” thông qua việc cân bằng cơ thể, trí óc và tâm hồn cho đến khi họ đạt được các mục tiêu quản lý sức khỏe của mình.

AIA cho biết quan hệ đối tác chiến lược giữa công ty bảo hiểm và thương hiệu quản lý sức khỏe và chăm sóc sức khỏe Humansa là bước đầu tiên trong việc xây dựng một hệ sinh thái các dịch vụ chất lượng ở Khu vực Greater Bay, tích hợp bảo vệ sức khỏe và y tế.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Singapore tăng 15% năm 2022

(INA) – Dữ liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Tổng hợp Singapore (GIA) cho biết, ngành bảo hiểm phi nhân thọ nước này ghi nhận mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (YoY) từ các phân khúc trong nước và nước ngoài lên 9,34 tỷ đô la Singapore (7,04 tỷ đô la Mỹ).

Tổng phí bảo hiểm gốc phi nhân thọ trong nước tăng 9,6% lên 4,84 tỷ đô la Singapore (3,65 tỷ đô la Mỹ), trong khi lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng 14,8% lên 301,6 triệu đô la Singapore (227,5 triệu đô la Mỹ).

Sự hấp thụ mạnh mẽ của thị trường nội địa đối với các nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe, tài sản và du lịch sau khi nới lỏng biên giới du lịch toàn cầu đã góp phần vào sự tăng trưởng đáng kể.

Chủ tịch GIA, ông Ronak Shah, tuyên bố rằng sự tăng trưởng của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ năm ngoái đã củng cố vị thế của Singapore là trung tâm bảo hiểm hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Trong khi đó, tổng phí bảo hiểm gốc của lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe tăng 19% lên 888 triệu đô la Singapore (669,8 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tăng lên 69,6 triệu đô la Singapore (52,5 triệu đô la Mỹ). Mảng bảo hiểm tài sản ghi nhận mức tăng 6% trong tổng phí bảo hiểm lên 758,3 triệu đô la Singapore (572 triệu đô la Mỹ).

Tuy nhiên, phân khúc bảo hiểm xe cơ giới ghi nhận tổng phí bảo hiểm gốc giảm 7,1% xuống còn 1,1 tỷ đô la Singapore (829,7 triệu đô la Mỹ) và khoản lỗ là 21,6 triệu đô la Singapore (16,3 triệu đô la Mỹ).

GIA chỉ ra lý do thua lỗ là do tỷ lệ tai nạn gia tăng có xu hướng lên đến mức trước đại dịch, quy mô hóa đơn yêu cầu bồi thường trung bình tăng, tác động của COE đối với doanh số bán ô tô mới và áp lực lạm phát đối với chi phí sửa chữa.

Ngành bảo hiểm Hàn Quốc sẽ tăng trưởng kép hàng năm 4,7% vào năm 2027

(INA) – Báo cáo từ GlobalData cho biết, ngành bảo hiểm Hàn Quốc dự kiến ​​tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 4,7%, tăng tổng phí bảo hiểm gốc từ 225 nghìn tỷ Won (199,4 tỷ USD) vào năm 2023 lên ₩270,4 nghìn tỷ Won (239,6 tỷ USD) vào năm 2027.

GlobalData cho biết thêm rằng tốc độ tăng trưởng dự kiến là do Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc đề xuất vào tháng 11 năm 2022 nhằm bãi bỏ quy định về đổi mới kỹ thuật số cho các công ty bảo hiểm mới và hiện tại.

Đề xuất này cho phép họ phát triển các đổi mới liên quan đến công nghệ trong các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến. GlobalData tuyên bố rằng điều này “sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm mới và các công ty hiện nay, dẫn đến việc triển khai các vật liệu đổi mới.”

Ông Sravani Ampabathina, nhà phân tích bảo hiểm của GlobalData, cho rằng đề xuất này “sẽ giúp các công ty công nghệ bảo hiểm dễ dàng tung ra các sản phẩm chuyên biệt và đột phá hơn nữa.”

“Kịch bản dự kiến sẽ thay đổi trong những năm tới với việc FSC lên kế hoạch bãi bỏ quy định bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến. Ngoài sự gia nhập của các công ty bảo hiểm mới vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hãy mong đợi các công ty bảo hiểm nhân thọ hiện tại phát triển nền tảng trực tuyến của họ”, ông Ampabathina nói.

Ông Ampabathina cũng kỳ vọng doanh số bán bảo hiểm nhân thọ trực tuyến tại Hàn Quốc sẽ có “sự thúc đẩy mạnh mẽ” vì những thay đổi quy định được đề xuất sẽ thu hút các công ty bảo hiểm mới tập trung vào kinh doanh trực tuyến.

Ấn Độ: Doanh số bán bảo hiểm trực tuyến của các nhà môi giới tăng hơn gấp đôi vào năm 2022

(AIR) – Doanh thu phí bảo hiểm của các công ty môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật số đạt 3,88 nghìn tỷ IDR (254 triệu USD) vào năm 2022, tăng 112% so với năm 2021.

Con số này chiếm 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm cho thấy tiềm năng tăng trưởng của phân khúc này. Trong khi đó, bán hàng trực tiếp chiếm 88% và kênh tiếp thị qua điện thoại đóng góp 10% còn lại.

Bà Dewi Astuti, Trưởng phòng Dịch vụ Hỗ trợ và Giám sát Bảo hiểm Công nghiệp Tài chính Phi Ngân hàng (IKNB) của OJK, cho biết: “Dữ liệu cho thấy trong năm 2022, lĩnh vực này đóng góp khoảng 3,88 nghìn tỷ IDR, hoặc ít hơn 4 nghìn tỷ IDR. Khoản đóng góp này được tạo ra từ khoảng 19 công ty môi giới bảo hiểm đã thực hiện tiếp thị kỹ thuật số, từ 155 công ty trong lĩnh vực môi giới”.

Theo bà Dewi, OJK thúc đẩy hoạt động tiếp thị kỹ thuật số của các công ty môi giới bảo hiểm thông qua quy định POJK 28/2022, liên quan đến hoạt động kinh doanh môi giới bảo hiểm kỹ thuật số.

POJK 28/2022 quy định rằng chỉ những công ty môi giới bảo hiểm và các sản phẩm đã nhận được sự chấp thuận của OJK mới có thể tiếp thị sản phẩm thông qua các kênh kỹ thuật số. Các gói bảo hiểm được cung cấp là sản phẩm cá nhân với quy trình đánh giá rủi ro đơn giản, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tín dụng và bảo hiểm hỗn hợp.

Ông Teguh Aria Djana, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Asuransi Simas InsurTech, nói rằng sự quan tâm của công chúng đối với bảo hiểm kỹ thuật số đã tăng lên do đại dịch COVID-19. Ngoài ra còn có những thay đổi hành vi khác mà các công ty bảo hiểm cần lưu ý, đó là nhu cầu tiếp cận bảo hiểm dễ dàng và cá nhân hơn.

Tập đoàn môi giới của Úc mua lại công ty môi giới bảo hiểm Kiwi

(AIR) – Tập đoàn Bảo hiểm Honan (Honan), một trong những công ty môi giới phát triển nhanh nhất của Úc và New Zealand, đã tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ và tiếp cận thị trường New Zealand thông qua việc mua lại công ty môi giới bảo hiểm Certus (CIBNZ).

Honan cho biết trong một tuyên bố rằng việc mua lại cho thấy tham vọng tăng trưởng liên tục và đa dạng hóa của Honan vào thị trường New Zealand đang bùng nổ.

Giám đốc điều hành của Honan, ông Andrew Fluitsma, cho biết: “New Zealand là thị trường quan trọng đối với các khách hàng của Honan kể từ khi chúng tôi thành lập văn phòng địa phương đầu tiên tại Auckland vào năm 2010. Việc mua lại CIBNZ giờ đây mang lại cho chúng tôi chuyên môn khu vực được hỗ trợ bởi sức mạnh của Honan để nhanh chóng mở rộng thị phần của chúng tôi trên thị trường Úc và New Zealand”.

Tuyên bố của Honan có đoạn: “Với đội ngũ 15 cố vấn rủi ro, môi giới và chuyên gia bảo hiểm phi nhân thọ được đánh giá cao hoạt động tại hai văn phòng ở trung tâm và khu vực Auckland, các giám đốc và ban điều hành của CIBNZ đã đem đến hơn 90 năm kinh nghiệm bảo hiểm phi nhân thọ và kiến thức chuyên môn về thị trường địa phương gia nhập Honan”.

Sau khi hoàn tất giao dịch, công ty sẽ tiếp tục hoạt động dưới tên Certus Insurance Brokers.

Được thành lập vào năm 2001, CIBNZ cung cấp dịch vụ tư vấn và bảo hiểm rủi ro được cá nhân hóa cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, dựa trên kỹ năng, kinh nghiệm, tính chính trực và tính chuyên nghiệp.

Honan nói rằng hoạt động M&A tiếp tục là một trụ cột chiến lược xác định của Tập đoàn. Honan đã mua lại sáu doanh nghiệp kể từ tháng 7 năm ngoái, bao gồm Carollo Horton, ATIA, Trumpet Financial và Ardrossan, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 35% trong ba năm qua.

BTV (Tổng hợp).