TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 11

MB dẫn đầu kênh bancassurance; FWD Assurance Việt Nam hoàn tất chuyển đổi sở hữu; Chubb mua danh mục kinh doanh của Financial Lines DUAL châu Á

Tiêu điểm bảo hiểm tuần 11

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

BIC trao hơn 710 triệu đồng tiền bảo hiểm người vay vốn cho khách hàng tại Lâm Đồng

(BIC) – Tiếp tục khẳng định BIC Bình An là một trong những giải pháp tài chính tin cậy nhất để bảo vệ khách hàng vay vốn, ngày 29/03/2022, tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bảo Lộc (BIDV Bảo Lộc) tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm tai nạn người vay vốn – BIC Bình An cho gia đình khách hàng N.T.H (trú tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng).

Ông H. tham gia bảo hiểm người vay vốn BIC Bình An cho khoản vay với mục đích vay sản xuất nông nghiệp tại BIDV Bảo Lộc, với số tiền tham gia bảo hiểm 650 triệu đồng.

Ngày 19/12/2021, trong quá trình điều khiển xe ông H. sơ ý để xe tông vào cổng chào thôn 15 gây tai nạn. Vụ tai nạn đã khiến H. bị chấn thương nặng và đã được người nhà đưa đi cấp cứu Tại Bệnh Viện II Lâm Đồng. Mặc dù đã được nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương quá nặng, ông H đã tử vong ngay trên đường tới bệnh viện. Ngay khi nhận được thông báo, BIC Lâm Đồng đã cùng BIDV Bảo Lộc tới thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình khách hàng, đồng thời, tích cực, khẩn trương cùng gia đình hoàn thiện các thủ tục liên quan để thực hiện chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Tổng số tiền chi trả cho gia đình khách hàng N.T.H là 710.523.088 đồng, bao gồm: dư nợ gốc, lãi tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm; hỗ trợ tiền lãi vay trong thời gian chờ làm thủ tục bồi thường; tiền trợ cấp mai táng.

Với những quyền lợi thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, BIC Bình An đã và đang trở thành một công cụ quản trị rủi ro nhằm bảo toàn vốn quan trọng cho ngân hàng, là giải pháp hỗ trợ tài chính hữu hiệu, chia sẻ khó khăn với khách hàng trong trường hợp không may xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm được sử dụng ngày càng phổ biến, rộng rãi hiện nay.

  1. Một vòng doanh nghiệp

MB trở thành ngân hàng dẫn đầu kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng

(Thanhnien) – Với doanh số APE tháng 2, tháng 3 lần lượt đạt 108 tỷ đồng và 190 tỷ đồng, MB đã bứt phá để giành ngôi đầu trên thị trường Bancassurance.

Trong những năm gần đây, bảo hiểm nhân thọ ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường Việt Nam. Dưới tác động của dịch Covid-19, nhận thức của người dân về những lợi ích mà bảo hiểm nhân thọ mang lại càng sâu sắc và rõ nét hơn. Theo thống kê, tính tới thời điểm này, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có 19 doanh nghiệp, đang phục vụ khoảng 11% dân số trong một thị trường rộng lớn 96 triệu dân.

Sở hữu nền tảng tốt cùng sự tự chủ trong công nghệ, MB có nhiều lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Đại diện Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, doanh số APE tháng 2.2022 tại ngân hàng đạt 108 tỷ đồng, sau đó, tháng 3 MB tiếp tục bùng nổ với con số 190 tỷ đồng. Với kết quả này, MB chính thức đứng Top 1 trong thị trường Bancassurance tại Việt Nam.

Theo đại diện MB, ngân hàng luôn đặt khách hàng là trọng tâm cho mọi hoạt động đổi mới. Theo đó, MB liên tục nâng cấp, xây dựng các sản phẩm phù hợp theo phân khúc khách hàng, đồng thời, xác định rõ các khách hàng mục tiêu phù hợp theo khẩu vị khách hàng trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, thông qua các chương trình tư vấn, MB xác định khách hàng mục tiêu là các khách hàng có nhu cầu gửi tiền, đầu tư sinh lời, kết hợp bảo vệ khách hàng trước các rủi ro.

FWD Assurance Việt Nam hoàn tất việc chuyển đổi sở hữu sang Chứng khoán Tân Việt và các nhà đầu tư khác

(ĐTCK) – Tin từ FWD Assurance Việt Nam cho biết, việc chuyển đổi quyền sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam) sang Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và một nhóm các nhà đầu tư khác đã được Bộ Tài chính chấp thuận về mặt nguyên tắc.

Tính đến thời điểm này, việc chuyển đổi sở hữu vốn đã được hoàn tất. Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam) sẽ tiến hành báo cáo đến Bộ Tài chính để tiến hành điều chỉnh giấy phép hoạt động theo các quy định hiện hành.

Các nhà đầu tư mới sẽ sớm đổi tên thương hiệu và công bố hoạt động chính thức tại thị trường Việt Nam. FWD Assurance Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng và thực hiện các hợp đồng bảo hiểm của khách hàng theo đúng các điều khoản của hợp đồng.

Được biết, FWD Assurance Việt Nam trước đây gọi là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI) thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn FWD. Tập đoàn FWD đã hoàn tất việc mua lại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI) vào ngày 8/4/2020. VCLI đã chính thức được đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam, hoạt động độc lập với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD Việt Nam).

Sau khi đổi tên hồi tháng 9/2021, FWD Assurance đã chính thức hợp tác với Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam (PBVN) để phân phối các sản phẩm bảo hiểm khoản vay qua hệ thống 17 chi nhánh và 9 phòng giao dịch của PBVN…

Theo đó, PBVN sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm khoản vay của FWD Assurance Việt Nam là Bảo An Tín Dụng Ưu Việt và Bảo An Tín Dụng Hưng Nghiệp.

Trong khi đó, FWD Việt Nam được thành lập vào năm 2016 và là thành viên của Tập đoàn bảo hiểm FWD. Với chiến lược ưu tiên phát triển công nghệ số, FWD Việt Nam là công ty bảo hiểm khác biệt, có nền tảng vững chắc dựa trên các thế mạnh: sản phẩm đột phá, hệ thống phân phối tập trung vào chất lượng, số hóa mọi quy trình và chiến lược thương hiệu khác biệt.

Sau khi FWD Assurance Việt Nam hoàn tất việc chuyển đổi sở hữu, tất cả các khách hàng của FWD Việt Nam, cũng như mọi hoạt động của FWD Assurance Việt sẽ không bị ảnh hưởng bởi giao dịch này.

Bảo hiểm Quân đội tiếp tục được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt 2021

(MIC) – Ngày 30/3, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vinh dự nhận giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2021. Trải qua 3 vòng xét duyệt của Hội đồng thẩm định, MIC ấn tượng thăng hạng và được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp Sao Vàng đất Việt 2021.

Giải thưởng Sao Vàng đất Việt là một trong những nội dung lớn và đặc biệt quan trọng của cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế của DNT và thanh niên Việt Nam, được Thủ tướng giao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Trung ương Hội DNT Việt Nam chủ trì tổ chức thường niên 18 năm qua.

Giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2021 tiếp tục được triển khai nhằm đề cao những doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, duy trì số lao động, quan tâm đến trách nhiệm đối với người lao động và xã hội. Đây cũng là giải thưởng uy tín với 3 vòng thẩm định cùng nhiều tiêu chí do Hội đồng thẩm định đánh giá gồm: Tổng tài sản, tổng doanh thu, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, số lao động, thu nhập bình quân người lao động, ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội. Trong năm nay, chỉ riêng tổng doanh thu của 200 doanh nghiệp có thương hiệu đạt giải Sao Vàng đất Việt 2021 là trên 747.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 40.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 450.000 lao động.

Trong năm 2021, MIC tự hào khi vượt qua khó khăn thách thức của thị trường và liên tiếp thăng hạng vào Top 5 Doanh nghiệp Bảo hiểm Phi nhân thọ uy tín do VNR bình chọn, tăng 120 bậc trong Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất 2021, Top Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, Top 5 Doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm tin dùng, Top 2 Doanh nghiệp được khách hàng hài lòng về trải nghiệm số… Năm 2021, MIC ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng, tổng doanh thu đạt 4231 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 %, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Lợi nhuận của MIC trong năm qua cũng đạt 281 tỷ đồng, tăng trưởng 16%, tăng trưởng gấp 5 lần so với thị trường và đứng thứ 5 về thị phần. Bên cạnh thành tích trong kinh doanh, MIC cũng là thương hiệu tiêu biểu trong các hoạt động thiện nguyện góp phần nâng cao an sinh xã hội xây dựng cộng đồng.

Theo ước tính sơ bộ về kinh doanh, quý 1/2022 MIC ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm gốc hơn 1,200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của ngành. Lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 90 tỷ đồng tăng trưởng 93% so với cùng kỳ, nhờ việc tăng trưởng doanh thu và quản lý hiệu quả chi phí. Kênh bảo hiểm số đóng góp quan trọng vào việc tăng trưởng doanh thu với mức tăng ấn tượng 5 lần so với cùng kỳ, chiếm 20% doanh thu.

Năm 2022, MIC đặt mục tiêu Top 4 thị phần và Top 1 về hiệu quả. MIC sẽ tiếp tục chuyển đổi số sâu rộng và toàn diện. Mục tiêu doanh thu kênh số chiến lược chiếm 20% doanh thu 2022 và chiếm 30% doanh số năm 2025. Bên cạnh những khách hàng lớn hiện có, MIC cũng đang hoàn thiện và xây dựng các hệ sinh thái bao gồm: hệ sinh thái với các ngân hàng lớn, hệ sinh thái với các tập đoàn lớn ở Việt Nam.

Khai trương VNI Quảng Nam

(VNI) – Với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh mạng lưới phục vụ khách hàng tại khu vực miền Trung, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) vừa chính thức khai trương VNI Quảng Nam – công ty thành viên thứ 10 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và thứ 47 của VNI trên toàn hệ thống.

Tiền thân là Phòng Kinh doanh trực thuộc VNI Đà Nẵng, sau thời gian khẳng định vị thế thương hiệu và hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực Bảo hiểm Phi nhân thọ trên địa bàn, VNI Quảng Nam đã chính thức ra mắt tại địa chỉ 47 Trần Quý Cáp, Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

“Việc thành lập VNI Quảng Nam tạo hành lang kết nối các công ty tại khu vực Bắc Trung Bộ (VNI Quảng Bình, VNI Huế) với các công ty tại Tây Nguyên (VNI Tây Nguyên, VNI Nam Tây Nguyên) và Duyên hải Nam Trung Bộ (VNI Đà Nẵng, VNI Khánh Hòa, VNI Bình Định…) đồng thời thể hiện sự quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc VNI trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên địa bàn Quảng Nam – tỉnh có quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng lớn thứ 2 tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.” – Chủ tịch HĐQT VNI Lê Thị Hà Thanh cho biết.

Chủ tịch HĐQT VNI cũng bày tỏ sự tin tưởng VNI Quảng Nam sẽ tận dụng và phát huy lợi thế sẵn có về sức trẻ, tinh thần đoàn kết và sự nhiệt huyết của đội ngũ nhân sự đã có thời gian dài kinh doanh trên địa bàn tỉnh để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Thay mặt tập thể CBNV, Bà Trần Thị Khánh Tuyên – Giám đốc VNI Quảng Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc tới HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, các đơn vị thành viên VNI trên toàn quốc cũng như Quý khách hàng đã, đang và luôn tin tưởng đồng hành cùng VNI Quảng Nam suốt thời gian qua. Với khát vọng vươn xa trong hành trình chinh phục những mục tiêu mới, VNI Quảng Nam sẽ luôn cố gắng học hỏi, phát huy tinh thần tập thể cũng như nắm bắt những cơ hội để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

VNI Quảng Nam là công ty thành viên thứ 2 của VNI khai trương ngay trong tháng 3/2022 sau VNI Bắc Ninh. Tự hào là Top 10 doanh nghiệp bảo hiểm Phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam, năm 2021 VNI đạt doanh thu bảo hiểm gốc trên 2.000 tỷ đồng với  tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường. Năm 2022, VNI sẽ tiếp tục thành lập các Công ty thành viên mới nhằm tăng cường khả năng khai thác và mở rộng mạng lưới chăm sóc khách hàng.

AIA Việt Nam vinh danh 771 gương mặt MDRT tiêu biểu

(ĐTCK) – Hiệp hội Bàn tròn Triệu đô (MDRT) quy tụ các chuyên gia tư vấn tài chính và bảo hiểm xuất sắc nhất toàn cầu, vừa ghi nhận thêm 771 gương mặt MDRT 2022 xuất sắc đến từ AIA Việt Nam.

Ngoài sự kiện vinh danh dịp này, AIA Việt Nam còn liên tục tôn vinh các MDRT trên cả nền tảng trực tuyến lẫn trực tiếp như: Lễ Khởi động Kinh doanh, Hội nghị Đẳng cấp MDRT, Đêm Ngoại hạng – Premier Night, Hội thảo AIA Group MDRT Conference…

Được thành lập vào năm 1927, MDRT là một hiệp hội toàn cầu, độc lập gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ tài chính đến từ trên 500 công ty tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. MDRT cũng là thước đo mức độ chuyên nghiệp và tâm huyết với nghề, cũng như khát vọng và động lực của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm – tài chính đẳng cấp nhất thế giới.

Ước tính, chỉ có 5% chuyên viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ xuất sắc nhất thế giới được gia nhập Hiệp hội MDRT. Theo ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam, đối với những người hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm trên thế giới, MDRT không đơn thuần là danh hiệu, mà còn là khát vọng và đích đến trong sự nghiệp.

Trọng tâm rõ ràng của AIA về chiến lược Đại lý Ngoại hạng, Đại lý toàn thời gian, cũng như việc đầu tư liên tục vào công nghệ hỗ trợ đã tạo dựng nên tinh thần dẫn đầu ngành về số thành viên MDRT, để từ đó chúng tôi liên tục đạt thành công trong việc gia tăng số lượng thành viên MDRT, mang lại cho chúng tôi một lợi thế cạnh tranh đáng kể trên thị trường, thể hiện cam kết nâng cao chuẩn mực và dịch vụ của ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam lên tầm quốc tế…

Trên bình diện toàn toàn cầu, Tập đoàn AIA hiện cũng là “cái nôi” quy tụ đội ngũ MDRT hùng hậu nhất thế giới khi 7 năm liên tiếp (2015 -2021) dẫn đầu về số lượng thành viên MDRT. Tính đến ngày 01/07/2021, AIA vẫn giữ vững phong độ quán quân với 16.017 thành viên MDRT, tăng trưởng 25% so với năm 2020 và tăng 783% kể từ khi Tập đoàn IPO vào năm 2010…

Bảo hiểm BSH thay đổi để bay cao

(TBTCO) – BSH xếp thứ 7 toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ về quy mô doanh thu phí bảo hiểm gốc và được bình chọn là 1 trong 10 công ty bảo hiểm uy tín nhất trên thị trường Việt Nam, bảo hiểm BSH đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn trong giai đoạn Covid-19. Theo từng giai đoạn những thay đổi, điều chỉnh của BSH đều mang đến kết quả tốt hơn.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) trong những năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, tự hào trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Trong giai đoạn 2019 – 2021, BSH đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 48%, là một trong những công ty bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường. Vị thế của BSH ngày được nâng cao, khi kết thúc năm 2021, BSH xếp ở vị trí thứ 7 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Cùng với việc tăng quy mô, thị phần, chất lượng dịch vụ của BSH ngày càng được nâng cao, luôn đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng bằng việc tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt chú trọng dịch vụ sau bán hàng, tăng tính minh bạch thông tin bảo hiểm, rút ngắn thời gian giải quyết bồi thường, ứng dụng nhiều kênh chăm sóc khách hàng trên nền tảng digital để gia tăng các điểm chạm với khách hàng. Nhanh chóng tiếp cận các phản hồi của khách hàng và cam kết giải quyết trong thời gian quy định.

Bên cạnh đó, BSH sẽ tiếp tục thúc đẩy các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình vận hành, tiếp cận và đồng hành với khách hàng trên mọi nền tảng. Điều này được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu khi đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi và nhu cầu của khách hàng một cách toàn diện.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, BSH đã được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận với các giải thưởng, danh hiệu uy tín như: “Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc nhất Việt Nam 2020” do Vietnam Report xếp hạng; “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2020” do Brand Asia bình chọn; “Top 10 thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ uy tín 2021” (VNR bình chọn); “Top 100 Sao Vàng Đất Việt 2021” (Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn).

Bảo Minh (BMI) đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 khoảng 5.500 tỷ đồng

(ĐTCK) – Tin từ Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã chứng khoán BMI) cho biết, cùng với mục tiêu luôn đảm bảo hiệu quả và lợi nhuận, năm 2022, doanh nghiệp đặt ra mức doanh thu dự kiến đạt 5.500 tỷ đồng.

Được biết, năm 2021, tổng doanh thu cả năm của Bảo Minh đạt 5.344,3 tỷ đồng, hoàn thành 106,36% kế hoạch (tăng trưởng 6,36% so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế đạt 300,6 tỷ, hoàn thành 108,54% kế hoạch (tăng trưởng 28,92% so với cùng kỳ)…

Hãng bảo hiểm này cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 28/4 tới đây với cả hai hình thức trực tiếp tại trụ sở và trực tuyến cho các cổ đông. Đại hội năm nay ngoài việc trình cổ đông thông qua chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2022, phân phối lợi nhuận năm 2021, ĐHĐCĐ Bảo Minh cũng sẽ thông qua dự thảo chiến lược kinh doanh 5 năm 2021-2025; dự thảo điều lệ và tổ chức của Tổng công ty năm 2022 và nhiều vấn đề khác. Năm 2021 hãng bảo hiểm đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 12%.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

(TBTCO) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa có kết luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9.

Theo kết luận này, UBTVQH cơ bản nhất trí nội dung của dự thảo Luật và đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, báo cáo tiếp thu, giải trình cần phải nêu rõ việc tiếp thu, giải trình đã tuân thủ, bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào; các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu xây dựng dự án Luật đã bảo đến mức độ nào.

Thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật, UBTVQH cũng đề nghị rà soát, hoàn chỉnh thêm để bảo đảm khả thi khi tổ chức thực hiện. UBTVQH thống nhất giấy phép thành lập, hoạt động cũng chính là Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định của Luật hiện hành, đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính. UBTVQH cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đa số ý kiến trong UBTVQH nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ, vì vậy, UBTVQH đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này, nêu rõ sự cần thiết phải duy trì Quỹ này, hiệu quả sử dụng Quỹ thời gian qua, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng liên quan.

Ngoài ra, UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên…

Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định; chuẩn bị hồ sơ báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan; tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

VNI ủng hộ Tỉnh Điện Biên 500 triệu đồng xây nhà cho hộ nghèo

(VNI) – Sẻ chia những khó khăn vất vả với người dân nơi biên cương Tổ quốc, tháng 3 vừa qua Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã ủng hộ 500 triệu đồng để xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Anh Lê Mạnh Cường – Phó Tổng Giám đốc đại diện VNI trao tặng 500 triệu đồng hỗ trợ tỉnh Điện Biên xây dựng 10 căn nhà cho hộ nghèo. Điện Biên là tỉnh biên giới có địa hình dốc núi, hiểm trở và thời tiết phức tạp ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh hoạt, an cư của bà con. Giai đoạn 2016 – 2020, Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước với khoảng 57.214 hộ nghèo (chiếm gần 50%)… Giữa vách núi đá vôi chênh vênh là những căn nhà đơn sơ, những phòng học tuềnh toàng bằng mảnh gỗ ghép tạm, người dân nơi đây đang phải chiến đấu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt giữa sự thiếu thốn trăm bề về cả cái ăn, cái mặc lẫn chỗ ở.

Ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên gửi lời cảm ơn và chia sẻ: “Đây là niềm động viên to lớn đối với tỉnh trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Mong rằng tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm tài trợ chương trình an sinh xã hội nhiều hơn nữa góp phần nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh quốc phòng của tỉnh Điện Biên.”

Với phương châm phát triển doanh nghiệp gắn với trách nhiệm xã hội trong mọi hoạt động, VNI luôn quan tâm đến đời sống người dân cả nước, thường xuyên thực hiện các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Trước đó trong đợt bùng phát dịch Covid-19 năm 2021, CBNV VNI đã ủng hộ hơn 300 triệu đồng (tương đương 1.500 suất quà) hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Dương gồm các thực phẩm thiết yếu như: gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm…

  1. Tin quốc tế

Trừng phạt kinh tế làm giảm tăng trưởng của các công ty bảo hiểm Nga

(INN) – Ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Nga sẽ giảm 14% trong năm nay do chiến tranh Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế ảnh hưởng đến hầu hết các tài sản ngân hàng, theo dự báo của GlobalData.

Nhà phân tích Deblina Mitra cho biết triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở Nga có vẻ “ảm đạm”, trong đó bảo hiểm xe cơ giới, tài sản, tín dụng thương mại và bảo hiểm hàng hải, hàng không và quá cảnh (MAT) dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các công ty quốc tế hoạt động tại Nga trong lĩnh vực ô tô, dầu khí và hàng không đang rời khỏi nước này, bao gồm Shell, BP, BMW và Volkswagen.

Theo bà Deblina Mitra, các biện pháp trừng phạt này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bảo hiểm vì nhiều công ty bảo hiểm ở Nga là công ty con/công ty liên kết của các tập đoàn ngân hàng lớn bị ảnh hưởng.

GlobalData đã hạ dự báo doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2022 ở Nga xuống 1,08 nghìn tỷ Ruble (20 tỷ USD), so với 1,2 nghìn tỷ Ruble vào năm ngoái và dự kiến sẽ giảm tiếp vào năm 2023.

GlobalData cho biết: “Chúng tôi cho rằng các dự báo ít nhất đến năm 2026 sẽ bị ảnh hưởng”.

Các công ty bảo hiểm hàng đầu của Nga như Rosgosstrakh và Sberbank là công ty con của các tập đoàn ngân hàng và nhiều công ty cũng có sự hiện diện đáng kể ở các thị trường châu Âu khác. GlobalData cho biết các lệnh trừng phạt có thể dẫn đến việc thanh lý hoạt động ở nước ngoài – có khả năng khiến các công ty bảo hiểm gặp thách thức về khả năng thanh toán dài hạn.

Cũng theo GlobalData, gia tăng mức độ biến động của rủi ro dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm rủi ro chính trị, rủi ro chiến tranh và bảo hiểm mạng.

Bồi thường gián đoạn kinh doanh do Covid ở Anh đạt 1,8 tỷ USD

(INN) – Trong báo cáo định kỳ hàng tháng mới nhất, Cơ quan quản lý tài chính Anh (FCA) cho biết các khoản thanh toán bồi thường gián đoạn kinh doanh do Covid của Vương quốc Anh đã đạt 1,05 tỷ bảng Anh (1,86 tỷ đô la) đối với 31.478 yêu cầu bồi thường.

Theo FCA, các khoản thanh toán tạm thời hoặc ban đầu trị giá 303 triệu bảng Anh (536 triệu đô la) cũng đã được thực hiện liên quan đến 2798 khiếu nại chưa được giải quyết.

Dữ liệu mới nhất này cho thấy 34.276 chủ hợp đồng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, trong số 42.340 người khiếu nại, đã nhận được ít nhất một khoản thanh toán tạm thời.

FCA cho biết sẽ ngừng thu thập và công bố dữ liệu hàng tháng, nhưng vẫn sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm cung cấp lại số liệu để công bố vào tháng 9 và tháng 3 tới.

FCA nhấn mạnh: “Chúng tôi nhắc nhở các công ty về sự cần thiết phải xử lý các khiếu nại một cách nhanh chóng và công bằng và cung cấp hướng dẫn hợp lý để giúp bên mua bảo hiểm đưa ra yêu cầu bồi thường”.

Chubb mua danh mục kinh doanh của Financial Lines DUAL châu Á

(INA) – Chubb đã mua lại quyền gia hạn danh mục kinh doanh của Financial Lines DUAL châu Á tại Hồng Kông và Singapore sau khi DUAL thông báo về việc bán, chấm dứt 13 năm hiện diện của DUAL tại Châu Á.

Theo đó, Chubb sẽ mua các tài sản kinh doanh bao gồm tài sản trí tuệ và các mô hình đánh giá rủi ro từ DUAL ở cả Hồng Kông và Singapore và dự định thuê nhân viên đánh giá rủi ro của DUAL.

Ông Verone Shek, Giám đốc Hoạt động và Đánh giá rủi ro của DUAL Châu Á, sẽ đảm nhận vai trò Giám đốc Tích hợp Hoạt động và Đánh giá rủi ro của Chubb, Financial Lines – Châu Á, báo cáo lên ông Jamie Park, Giám đốc Khu vực Châu Á về các sản phẩm Tài chính; củng cố nhóm Chubb chịu trách nhiệm về sự phát triển liên tục của các doanh nghiệp thương mại nhỏ ở Châu Á. Các bên dự định tiếp quản quyền gia hạn danh mục khách hàng của DUAL sẽ có hiệu lực từ ngày 18 tháng 6 năm 2022.

Việc phân phối các sản phẩm tài chính của DUAL diễn ra sau khi công ty kết thúc mối quan hệ đối tác tổng đại lý với MSIG thời gian gần đây.

Ông Damien Coates, Giám đốc điều hành DUAL Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Mặc dù DUAL rất thất vọng khi chấm dứt hoạt động kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm tài chính và bảo hiểm mạng ở châu Á, chúng tôi tin rằng giao dịch bán này là vì lợi ích tốt nhất của cả khách hàng và nhân viên của chúng tôi”.

Châu Á phải gánh chịu 72 tỷ USD thiệt hại do thời tiết và thảm họa năm 2021

(INA) – Theo báo cáo Khí hậu, Thời tiết và Thảm họa 2021 của Aon, Châu Á phải gánh chịu tổn thất do thời tiết và thảm họa vào năm 2021 trị giá 72 tỷ đô la, trong đó chỉ 9% được bảo hiểm.

Báo cáo cho biết, lũ lụt khắp châu Á là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong liên quan đến thiên tai trong năm. Rủi ro này càng nghiêm trọng hơn do xu hướng đô thị hóa, dẫn đến mật độ dân số cao hơn.

Trận lũ quét ở Hà Nam vào tháng 7 đã dẫn đến thiệt hại kinh tế 18,6 tỷ đô la và thiệt hại kỷ lục 1,9 tỷ đô la được bảo hiểm – đây là sự kiện liên quan đến thời tiết tốn kém nhất đối với ngành bảo hiểm Trung Quốc.

Trong khi đó, siêu bão Rai là xoáy thuận nhiệt đới gây chết người nhiều nhất trong năm. Bão đổ bộ vào cuối tháng 12 đã khiến 409 người thiệt mạng ở Philippines và một người ở Việt Nam. Rai trở thành cơn bão có chi phí cao thứ ba được ghi nhận ở Philippines. Lốc xoáy nhiệt đới đắt đỏ nhất ở châu Á là Cyclone Yaas của Ấn Độ, với thiệt hại kinh tế gần 3 tỷ USD.

Theo Owen Belman, Giám đốc Aon khu vực châu Á, rõ ràng có một khoảng cách về bảo vệ và đổi mới khi đề cập đến rủi ro khí hậu.

“Khi các sự kiện thảm khốc gia tăng mức độ nghiêm trọng, cách chúng tôi đánh giá và chuẩn bị cuối cùng cho những rủi ro này không thể chỉ phụ thuộc vào dữ liệu lịch sử. Chúng ta cần nhìn vào trí tuệ nhân tạo và các mô hình dự đoán không ngừng học hỏi và phát triển để lập bản đồ về sự biến động của khí hậu đang thay đổi và sự tương tác của nó với môi trường đô thị phức tạp và luôn thay đổi. Với các giải pháp có thể mở rộng, các tổ chức có thể đưa ra các quyết định tốt hơn giúp họ linh hoạt hơn khi họ tiếp tục đối mặt với những rủi ro liên kết và ngày càng biến động”, ông nói.

Allianz Life bổ nhiệm tân Giám đốc điều hành

(INA) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Allianz Malaysia Berhad (Allianz Life) đã bổ nhiệm ông Charles Ong Eng Chow làm Giám đốc điều hành có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2022.

Ông Charles kế nhiệm Joseph Gross, người sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc Chiến lược & Phát triển Điều hành Toàn cầu tại Allianz SE. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2022.

Ông Charles có gần 23 năm kinh nghiệm với Allianz. Ông gia nhập Allianz Life lần đầu vào năm 1999 với tư cách là Kiểm soát viên Tài chính và được thăng chức lên Giám đốc Tài chính (CFO) khối nhân thọ vào năm 2003.

Năm 2008, ông cũng đảm nhận vị trí Giám đốc tài chính của Allianz Malaysia Berhad để giám sát việc quản lý tài chính của Tập đoàn Allianz Malaysia.

Ông Sean Wang, Tổng Giám đốc Allianz Malaysia Berhad, công ty mẹ của Allianz Life, nhận xét: “Charles là một phần không thể thiếu trong ban lãnh đạo của Allianz Malaysia, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, lợi nhuận và đảm bảo tính bền vững tài chính trong tổ chức”.

Allianz thâu tóm hoạt động kinh doanh tại Thái Lan của Aetna

(INA) – Allianz Ayudhya Capital Public Company Limited đã đồng ý mua lại 100% cổ phần của Aetna Thái Lan, chi nhánh bảo hiểm sức khỏe tại Thái Lan của Aetna.

Việc mua lại sẽ cho phép Allianz Ayudhya Capital mở rộng cơ sở khách hàng và kênh phân phối, đồng thời gia tăng thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, từ đó cung cấp nhiều giải pháp bảo hiểm hơn cho khách hàng tại Thái Lan.

Theo Allianz Ayudhya Capital, giao dịch sẽ không gây ra bất kỳ tác động ngay lập tức nào đến hoạt động bảo hiểm, sản phẩm, quy trình hoặc dịch vụ hỗ trợ và sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng hiện có của Aetna Thái Lan. Allianz Ayudhya General Insurance Pcl (AAGI), công ty con của AYUD, và Aetna Thái Lan ban đầu sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường, chăm sóc các đối tác và khách hàng, đồng thời nỗ lực thiết lập hoạt động dài hạn với trọng tâm là chuyển đổi suôn sẻ cho hoạt động kinh doanh đối tác và khách hàng.

Căn cứ vào sự chấp thuận bắt buộc của các cổ đông và việc thực hiện hoặc từ bỏ các điều kiện tiền lệ khác, giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.

Ông Thomas Charles Wilson, Giám đốc điều hành của Allianz Ayudhya Group và Allianz Ayudhya Assurance PLC, cho biết: “Việc mua lại này thể hiện vị thế tài chính vững chắc của Tập đoàn Allianz Ayudhya, cho phép chúng tôi mở rộng đáng kể sự hiện diện của mình trên thị trường bảo hiểm sức khỏe Thái Lan. Ngoài ra, nó mang lại lợi ích ngày càng tăng về quy mô và đa dạng hóa cho hoạt động bảo hiểm của chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng với thương vụ mua lại này và vẫn cam kết cung cấp các giải pháp bảo hiểm tốt nhất để phục vụ khách hàng của chúng tôi tại Thái Lan”.

Lợi nhuận ròng China Life năm 2021 tăng chậm 1,3%

(INA) – Công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Trung Quốc China Life Insurance đã có một năm 2021 chậm chạp, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng chỉ đạt 1,3%.

Theo một báo cáo của OCBC Investment Research, nguyên nhân chủ yếu là do giá trị khai thác mới (NBV) giảm 23% xuống 7,04 tỷ đô la, nghĩa là giảm 31% trong nửa cuối năm 2021.

NBV của đại lý cá nhân cũng giảm 26% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 6,74 tỷ USD (chiếm khoảng 96% tổng NBV). Báo cáo xác định rằng sự sụt giảm NBV của đại lý cá nhân một phần là do lực lượng đại lý bị thu hẹp 40% vào năm 2021 do những thách thức tiếp tục từ đại dịch.

Theo nhà phân tích của báo cáo, nửa đầu năm 2022 có triển vọng đầy thách thức với sự bùng phát trở lại gần đây của đại dịch ở Trung Quốc, ảnh hưởng nặng nề hơn đến tâm lý người tiêu dùng và sự sẵn sàng sử dụng các sản phẩm bảo vệ lâu dài hơn.

“Các vấn đề chính mà chúng tôi đang theo dõi trong những quý tới bao gồm cập nhật về chiến lược của Chủ tịch mới, xu hướng tuyển dụng lực lượng đại lý cũng như nỗ lực nâng cao năng suất đại lý và tỷ lệ duy trì lực lượng bán hàng hiện có của Công ty”, báo cáo cho biết.

Sự hài lòng của khách hàng trong ngành bảo hiểm Singapore giảm dần

(INA) – Theo kết quả khảo sát Chỉ số hài lòng của khách hàng mới nhất của Singapore năm 2021, mức độ hài lòng của khách hàng trong ngành bảo hiểm của Singapore giảm 0,4% so với các lĩnh vực khác trong ngành Tài chính.

Mặc dù các chỉ số hầu hết được giữ ổn định đối với ngành, nhưng có thể thấy rằng các thuộc tính chất lượng dịch vụ liên quan đến Sự đồng cảm và Độ tin cậy vẫn hoạt động kém hiệu quả.

Trong khi đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy các chủ hợp đồng đã bắt đầu thích mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe và y tế thông qua các kênh kỹ thuật số với tỷ lệ tăng từ 28,0% năm 2020 lên 35,2% năm 2021.

Tương ứng, sở thích mua các hợp đồng tương tự thông qua con đường truyền thống của tư vấn tài chính đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước (YoY), từ 51,6% xuống 47,1%.

Theo Chen Yongchang, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn của Viện Dịch vụ Xuất sắc (ISE), mặc dù tư vấn tài chính tiếp tục là kênh ưa thích nhất để mua bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, nhưng sở thích này dường như đang giảm dần, trong khi sở thích mua những sản phẩm trực tuyến đang phát triển.

Ông Chen nói: “Với những xu hướng này, động thái cung cấp nhiều sản phẩm trực tuyến của các công ty bảo hiểm khác nhau là bước đi đúng hướng”.

Đã chi trả bồi thường hơn 20 triệu USD cho vụ tai nạn máy bay Trung Quốc

(AIR) – Tính đến ngày 29/3, nhiều công ty bảo hiểm ở Trung Quốc đã trả ít nhất 130 triệu CNY (20,5 triệu USD) cho China Eastern Airlines và những người thụ hưởng của những người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay diễn ra vào ngày 21/3.

CBIRC đưa ra một tuyên bố nêu rõ những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết các yêu cầu bồi thường liên quan đến Chuyến bay MU5735 bị rơi ở một khu vực miền núi ở tỉnh Quảng Đông khi đang bay từ Côn Minh (Vân Nam) đến Quảng Châu.

CBIRC cho biết họ đã thu xếp để Bảo hiểm PICC P&C, nhà bảo hiểm chính của chiếc máy bay, bồi thường ban đầu 50 triệu CNY cho các hãng hàng không vào ngày 23 tháng 3.

Tính đến ngày 29 tháng 3, trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, PICC P&C, CPIC P&C, Ping An P&C và China Life P&C, là các công ty bảo hiểm thân máy bay, đã trả tổng cộng lũy kế 116 triệu CNY cho China Eastern Airlines.

Trong lĩnh vực bảo hiểm cá nhân, một số công ty bảo hiểm đã xử lý các yêu cầu bồi thường. Tính đến ngày 29 tháng 3, có 11 công ty đã giải quyết 14 yêu cầu bồi thường cho những người thụ hưởng của các nạn nhân vụ tai nạn, tổng trị giá 14,85 triệu CNY.

Dự kiến sẽ có nhiều khoản bồi thường hơn, bao gồm cả các yêu cầu về trách nhiệm pháp lý.

Các cuộc điều tra về vụ tai nạn hiện đang được tiến hành, với cả hai hộp đen của chiếc máy bay 6 năm tuổi đã được phục hồi. Không ai trong số 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay sống sót sau vụ tai nạn.

BTV (Tổng hợp).