TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 11

AIA thâu tóm BEA Life với giá 650 triệu USD; Ra mắt bảo hiểm chuyên biệt giành cho Marathon; AXA có Chủ tịch HĐQT mới

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

PTI sẽ chi trả chi phí điều trị chấn thương cho Hùng Dũng

(PTI) – Đó là cam kết của PTI ngay khi nhận được thông tin về vụ chấn thương nghiêm trọng của cầu thủ Hùng Dũng trong trận đấu giữa CLB TP. Hồ Chí Minh – CLB Hà Nội tại vòng 5 V-League. Số tiền chi trả bồi thường tối đa có thể lên đến 300 triệu động, tùy thuộc vào tình trạng chấn thương thực tế của Quả bóng Vàng Việt Nam 2019.

Đây là quyền lợi bảo hiểm được quy định trong hợp đồng mà PTI đã ký kết với VPF vào đầu năm 2021. PTI sẽ chi trả cho các chi phí y tế phát sinh do chữa trị chấn thương trong thời gian tập luyện và thi đấu tại hệ thống các Giải BĐCN QG gồm các: giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 1), giải Hạng Nhất Quốc gia (V.League 2), giải Cúp Quốc gia (National Cup) và cả trận Siêu Cúp Quốc gia. Số tiền bảo hiểm bảo vệ cho cầu thủ là 300 triệu đồng và trọng tài là 200 triệu đồng. Trong giải đấu năm nay, PTI sẽ bảo hiểm cho gần 600 cầu thủ và trọng tài.

Được biết, ngày 23/3, trong trận đấu giữa CLB TP. HCM và Hà Nội, tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh đã thực hiện cú xoạc bóng cực kỳ thô bạo khiến Hùng Dũng bị chấn thương nặng. Pha quay chậm cho thấy cả hai chân của Hoàng Thịnh đã giẫm lên chân của Hùng Dũng, khiến cổ chân của cầu thủ bên phía Hà Nội bị gập cong, không thể tiếp tục thi đấu. Dự kiến, Hùng Dũng sẽ được phẫu thuật vào sáng hôm nay, 24/3/2021. Theo các chuyên gia về chấn thương, Hùng Dũng sẽ mất một khoảng thời gian để xương liền và phục hồi chức năng thì mới có thể quay lại sân.

Lãnh đạo PTI cho biết: Chấn thương của Hùng Dũng là một điều vô cùng đáng tiếc không chỉ cho cầu thủ mà còn là tổn thất lớn cho đội tuyển quốc gia. Năm 2021, đội tuyển Việt Nam đang có kế hoạch thi đấu nhiều giải đấu quan trọng nên việc thiếu vắng Hùng Dũng trong vị trí tiền vệ sẽ gây ra hạn chế cho đội tuyển Việt Nam. Hiện nay, PTI đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan để hoàn thiện các thủ tục bồi thường nhằm chi trả quyền lợi bảo hiểm sớm nhất cho Hùng Dũng theo đúng quy định.

Trong ba mùa giải BĐCN QG từ 2018 đến 2020, PTI đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho hơn 200 vụ chấn thương với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Nhiều cầu thủ có đóng góp thành tích cho thành công của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua như Phạm Xuân Mạnh, Đỗ Duy Mạnh, Lê Thanh Bình… đã được PTI chi trả hạn mức cao nhất là 300 triệu đồng cho các chi phí y tế tại các bệnh viện thể thao hàng đầu tại Châu Á.

BIC chi trả hơn 800 triệu đồng bảo hiểm cho khách hàng vay vốn tại Mỹ Tho

(BIC) – Ông Nguyễn Văn So (56 tuổi) tham gia bảo hiểm người vay vốn cho khoản vay tại Chi nhánh BIDV Mỹ Tho. Ngày 04/01/2021, khi đang kéo dây điện để tưới vườn canh tác, ông So không may bị điện giật dẫn tới tử vong.

Ngay khi nhận được hồ sơ bồi thường từ gia đình ông So, Công ty Bảo hiểm BIDV Cửu Long (đơn vị trực tiếp cấp đơn bảo hiểm) đã gửi lời chia buồn tới gia đình khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình ông So và BIDV Mỹ Tho thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bảo hiểm theo quy định.

Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông So là 833.438.356 đồng. Theo đó, BIC sẽ thay mặt gia đình khách hàng thanh toán cho Chi nhánh BIDV Mỹ Tho số tiền 804.909.590 đồng (bao gồm cả khoản vay và trợ cấp lãi vay). Số tiền còn lại được BIC trao trực tiếp cho gia đình ông So.
Cùng với việc đồng hành với gia đình khách hàng Nguyễn Văn So, từ đầu năm 2021, BIC cũng đã chia sẻ khó khăn với rất nhiều khách hàng, trong đó, có những trường hợp chi trả bảo hiểm lớn như chi trả hơn 300 triệu đồng tiền bảo hiểm BIC Bình An cho khách hàng Nguyễn Văn Huynh tại Lào Cai hay chi trả gần 500 triệu đồng tiền bảo hiểm BIC Bình An cho khách hàng Phùng Quang Huy tại Hà Tây, cùng các khách hàng vay vốn khác tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) – Chi nhánh Bình Thuận như anh Phan Văn Hòa (số tiền chi trả 189 triệu đồng), anh Nguyễn Thế Sơn (số tiền chi trả 102 triệu đồng).

  1. Một vòng doanh nghiệp

PTI ký kết hợp tác với ASC Group

(PTI) – Sáng ngày 25 tháng 3 năm 2021, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và ASC Group đã tiến hành ký kết hợp tác về việc phân phối sản phẩm bảo hiểm trên sàn thương mại điện tử https://ringxe.vn/. Buổi lễ có sự tham dự của ông Nghiêm Xuân Thái – Phó Tổng giám đốc PTI và ông Lương Đình Hùng – CEO của ASC Group.

Theo đó, PTI sẽ là đơn vị cung cấp các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới cho khách hàng tham gia sàn thương mại điện tử https://ringxe.vn/. Đây là sàn thương mại mới với các dịch vụ như kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng, giá và đấu giá xe… đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như nhận đi đăng ký, đăng kiểm, rút hồ sơ, cải hoán, nâng cấp… Việc PTI trở thành đối tác chính cung cấp bảo hiểm sẽ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm khác biệt và đáng tin cậy.

Ông Nghiêm Xuân Thái – Phó Tổng giám đốc PTI cho biết việc hợp tác với ASC được kỳ vọng sẽ đem đến các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới tốt nhất trên thị trường tới với khách hàng của ASC. Việc đóng gói các sản phẩm phù hợp với sàn thương mại điện tử mới cũng là cách để PTI đa dạng hóa và hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ của mình nhằm mang lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất.

Hiện tại, PTI đang là doanh nghiệp đứng thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với hơn 100 sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao. Trong năm 2020, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới của PTI đã vươn lên vị trí số 1 thị trường với chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng được cải thiện nhờ áp dụng công nghệ 4.0 vào các quy trình cấp đơn, quản lý và xử lý bồi thường.

Lần đầu tiên tại Việt Nam có bảo hiểm chuyên biệt giành cho các giải Marathon

(TBTCO) – Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH dịch vụ tư vấn F.I.S Việt Nam (FIS) vừa ký kết hợp tác Chương trình Bảo hiểm Olympic. Đây là chương trình bảo hiểm chuyên biệt dành cho các vận động viên nhằm bảo vệ trước các sự cố chấn thương trong thi đấu thể thao.

Trong những năm gần đây, phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh, đồng thời các giải thi đấu từ không chuyên đến chuyên nghiệp được tổ chức rầm rộ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thể thao mang lại có một thực tế cho thấy nguy cơ chấn thương, tại nạn vẫn luôn tiềm ẩn trong thi đấu.

Với mong muốn đồng hành cùng các dự án phát triển thể thao cộng đồng và bảo vệ các vận động viên trước những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, MIC tiên phong hợp tác cùng FIS cung cấp giải pháp bảo vệ cho các vận động viên, an tâm hơn trong các giải đấu. Điều này cũng giúp nâng cao sự an toàn và chuyên nghiệp cho các giải thể thao phong trào. Hy vọng, trong thời gian tới, Bảo hiểm Olympic sẽ là sự lựa chọn không thể thiếu của các nhà tổ chức giải và đông đảo vận động viên khi tham gia thi đấu.

Trước đó, FIS là đơn vị tư vấn chuyên sâu về bảo hiểm từng đồng hành với các giải Marathon uy tín thu hút được hàng nghìn vận động viên tham dự, trong đó có: Tú Làn Race, Hà Giang Marathon, …

Trong lần hợp tác này, MIC và FIS phát triển chương trình Bảo hiểm Olympic cho các vận động viên với quyền lợi bảo vệ lên đến 500 triệu đồng. Chương trình được thiết kế linh động và áp dụng cho nhiều hình thức thi đấu như: marathon, bơi lội,  cầu lông, tennis, bóng bàn,…

Đặc biệt chương trình bảo vệ này sẽ được triển khai trên nền tảng bảo hiểm số áp dụng công nghệ tiên tiến cấp ấn chỉ điện tử chỉ trong “tích tắc”. Với công nghệ bảo hiểm số 4.0, MIC sẽ mang đến cho các khách hàng một trải nghiệm hoàn toàn mới, chứng nhận bảo hiểm điện tử sẽ được gửi đến vận động viên cùng với số BIB (số báo danh) khi đăng kí tham gia các giải đấu.

Ngay trong sự kiện ký kết, đại diện MIC và FIS đã trao tặng cho 30 vận động viên tham dự Giải Tiền phong Marathon 2021 gói quyền lợi Bạch kim của chương trình bảo hiểm Olympic trị giá 15 tỷ đồng và được trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm số “siêu tốc” của MIC. Thông qua đó, các vận động viên đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử chỉ với những thao tác nhanh gọn trên thiết bị di động. Với nền tảng công nghệ dẫn đầu bảo hiểm số chắc chắn chương trình bảo hiểm Olympic MIC sẽ tạo ra một làn sóng mới về bảo hiểm cho các vận động viên tham gia thi đấu trong thời gian tới.

  1. Quản lý thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính công bố Danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

(TBTCO) – Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 355/QĐ-BTC về việc công bố danh mục báo cáo định kỳ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24/03/2021.

Theo đó, Bộ Tài chính đã công bố 7 chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm: 5 chế độ báo cáo mới; 4 chế độ báo cáo được sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, theo danh mục báo cáo định kỳ sẽ bao gồm báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước (Báo cáo chi tiết về tình hình hỗ trợ phí bảo hiểm khai thác hải sản); và báo cáo của tổ chức, cá nhân gửi cơ quan quản lý nhà nước: Báo cáo tình hình cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm năm: mẫu số 1-PTBH; báo cáo danh sách cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm năm: mẫu số 2 – PTBH; báo cáo tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới: mẫu số 3 – PTBH; báo cáo tình hình sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm năm: mẫu số 4 – PTBH.

Đối với chế độ báo cáo được sửa đổi bổ sung gồm: Báo cáo tình hình triển khai bảo hiểm tai nạn thuyền viên tháng và năm; báo cáo tình hình triển khai bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ: Báo cáo tự đánh giá, xếp loại của doanh nghiệp bảo hiểm; báo cáo tình hình tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm (định kỳ quý).

Cùng với đó, Quyết định cũng quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo định kỳ, như: Tên báo cáo; đối tượng thực hiện báo cáo; tần suất thực hiện báo cáo; văn bản quy định chế độ báo cáo.

Chẳng hạn như đối với báo cáo tình hình cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm năm, thì: Đối tượng thực hiện báo cáo là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cơ quan nhận báo cáo là Bộ Tài chính; tần suất thực hiện báo cáo là 01 lần/năm; văn bản quy định chế độ báo cáo là Thông tư số 89/2020/TT-BTC.

Dự thảo nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc: Rõ ràng hơn trong xác định mức phí bảo hiểm

(TBTCVN) – Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, nhiều quy định mới đã được cập nhật, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Theo Bộ Tài chính, ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2021, thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP. Theo đó, danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ được sửa đổi và quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Chính vì vậy, đối với lĩnh vực bảo hiểm, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 23/2018/NĐ-CP về mức phí bảo hiểm đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ để phù hợp với quy định pháp lý mới về phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nộp trực tiếp kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy chữa cháy từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vào tài khoản của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương, gửi báo cáo tình hình thu nộp kinh phí tới Bộ Tài chính. Vì thế, để việc rà soát số liệu thống nhất và thuận tiện, cần thiết sửa đổi quy định về việc DNBH gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Tài chính theo quy định tại Nghị định số 23 thành DNBH gửi báo cáo nộp kinh phí cho Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

Theo ban soạn thảo, khi nghị định mới được ban hành sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, DNBH và các tổ chức, cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ khi tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Đồng thời, sẽ mở rộng số lượng các cơ sở tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, giúp bảo vệ tài chính cho các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

Dự thảo nghị định gồm 3 Điều: Điều 1 – Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23; Điều 2 – Thay thế, bãi bỏ một số phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 23; và Điều 3 –  Điều khoản thi hành.
Theo ban soạn thảo, do Nghị định 23 chưa có quy định về DNBH cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nên dự thảo nghị định mới đã bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 3 Nghị định số 23. Cụ thể, dự thảo quy định: “DNBH phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do DNBH chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này”.

Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung khoản 4 sau khoản 3 Điều 12 Nghị định số 23. Theo đó, để DNBH và bên mua bảo hiểm thuận lợi trong việc xác định mức phí bảo hiểm của cơ sở sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Bộ Công an. Cụ thể: “Ghi hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E của cơ sở sản xuất công nghiệp tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 136…”.

Theo lý giải của ban soạn thảo, việc quy định rõ ràng, cụ thể về danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ và bổ sung quy định về hạng nguy hiểm cháy, nổ tại Biên bản nghiệm thu hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy, giúp DNBH, bên mua bảo hiểm và các đối tượng có liên quan có cơ sở rõ ràng hơn trong việc xác định mức phí bảo hiểm, tạo sự thống nhất về cách hiểu, đảm bảo sự tương đồng về mức phí bảo hiểm giữa các hợp đồng bảo hiểm, tránh tranh chấp trong quá trình triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Bên cạnh đó, để quy định về chế độ báo cáo của DNBH đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dự thảo nghị định đã quy định cụ thể hơn về chế độ báo cáo của DNBH. Theo đó, dự thảo đã sửa đổi quy định về chế độ báo cáo của DNBH theo hướng: Gửi Bộ Tài chính báo cáo doanh thu, bồi thường theo năm; gửi Bộ Công an (Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện chế độ báo cáo, tạo cơ chế thuận lợi trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước và đơn giản hóa chế độ báo cáo của DNBH.

  1. Bảo hiểm với cộng đồng   

PVI hiến máu tình nguyện năm 2021

(PVI) – Sáng ngày 26/3/2021, hàng trăm người lao động PVI đã tề tựu tại Trụ sở Tổng công ty để tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2021. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng 90 năm ngày thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/2021) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát động với chủ đề “Nhiệt huyết người Dầu khí”.

Kết thúc Ngày hội, PVI đã hiến được 161 đơn vị máu, bổ sung tích cực vào Quỹ máu của Thành phố, phục vụ người bệnh. Đây luôn là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn mà PVI mong muốn nhân rộng trong cộng đồng.

  1. Tin quốc tế

AXA có Chủ tịch HĐQT mới

(IBM) – Theo tin từ AXA, ông Antoine Gosset-Grainville (trong ảnh) sẽ là Chủ tịch mới của HĐQT, có hiệu lực từ tháng 4 năm 2022, sau khi Chủ tịch hiện tại Denis Duverne nghỉ hưu.

Công ty bảo hiểm toàn cầu cho biết ông Gosset-Grainville đã được Ủy ban Quản lý và bồi thường nhất trí lựa chọn sau quá trình kế nhiệm kéo dài hai năm.

“Tôi rất vui vì hội đồng quản trị đã đi đến quyết định nhất trí về người kế nhiệm tôi, Antoine Gosset-Grainville” ông Duverne nói. “Kinh nghiệm sâu rộng của Antoine trong thế giới kinh doanh và đối ngoại, cũng như thành tích kinh doanh của anh ấy trong việc xây dựng một công ty luật thành công ở Paris, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho AXA và giúp thúc đẩy giai đoạn thành công tiếp theo của Tập đoàn. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Antoine trong năm tới để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ ”.

Gosset-Grainville được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị AXA vào tháng 6 năm 2020 và là thành viên của Ủy ban tài chính. Ông có nhiều kinh nghiệm trong quản trị kinh tế và tài chính, từng là Phó Tổng thư ký Ủy ban tiền tệ Châu Âu và sau đó là Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Liên minh Châu Âu vào năm 1997.

Năm 2007, Gosset-Grainville được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Thủ tướng Pháp, phụ trách các vấn đề kinh tế, tài chính và quản lý danh mục đầu tư của Nhà nước Pháp. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Phó Gốc điều hành của Caisse des Dépôts et Consignation, cơ quan đầu tư của Nhà nước Pháp. Sau đó ông là Tổng Giám đốc lâm thời của cơ quan này từ tháng 2 đến tháng 7 năm 2012. Ông cũng là đồng sáng lập của công ty luật BDGS Associés.

Từ năm 1999 đến năm 2020, Gosset-Grainville là cố vấn về các vấn đề kinh tế tại văn phòng của Cao ủy Châu Âu phụ trách thương mại.

Về phần mình, ông Gosset-Grainville nói: “Tôi rất vinh dự bởi sự tin tưởng mà ban giám đốc đã đặt vào tôi và tự hào là một phần trong lịch sử của công ty vĩ đại này, công ty đã phát triển trong những thập kỷ qua để trở thành đầu tàu của nền tài chính Pháp và quốc tế. Tôi cũng muốn cảm ơn ông Denis Duverne và Tổng Giám đốc Thomas Buberl vì sự tin tưởng của họ. Tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các ông Denis Duverne, Thomas Buberl và Hội đồng quản trị trong năm tới để đảm bảo quá trình chuyển đổi thành công vào tháng 4 năm 2022”.

AIG thuê Giám đốc Nhân sự kỳ cựu cho vai trò toàn cầu

(IBM) – Tập đoàn Quốc tế Mỹ (AIG) đã thông báo bổ nhiệm Lisa M. Buckingham vào vai trò mới là Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc toàn cầu của AIG Enterprise Design và Life & Retirement Sep, có hiệu lực vào tháng 4.

Cô Buckingham (ảnh) sẽ làm việc tại trụ sở New York và báo cáo lên Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AIG Peter Zaffino.

“AIG đang trải qua những thay đổi mang tính chuyển đổi và tích cực nhằm thiết kế cấu trúc công ty đơn giản và hiệu quả hơn khi chúng tôi theo đuổi việc tách nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và hưu trí khỏi AIG thông qua việc chào bán lần đầu ra công chúng hoặc bước đầu sẽ bán tới 19,9%”, ông Zaffino nói .

“Lisa mang đến chuyên môn và kỹ năng lãnh đạo đáng kể sẽ giúp thúc đẩy sự thành công của việc chia tách và đảm bảo rằng thiết kế tổ chức của bảo hiểm nhân thọ và hưu trí và các nghiệp vụ còn lại của AIG cho phép công ty tiếp tục hoạt động với vai trò dẫn đầu thị trường”.

Buckingham có hơn ba thập kỷ kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp. Cô gia nhập AIG từ Lincoln Financial Group, nơi cô từng là Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc nhân sự, địa điểm và thương hiệu. Năm 2018, cô được bầu làm thành viên Học viện Nhân lực Quốc gia. Năm 2017, cô được Tạp chí HR Executive bình chọn là Giám đốc Nhân sự của năm. Năm 2015, cô được Forbes vinh danh là một trong 10 Giám đốc nhân sự hàng đầu.

“Tôi rất vui khi được gia nhập AIG vì công ty bắt đầu một kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Peter Zaffino và làm việc với Peter cũng như các thành viên khác trong đội ngũ lãnh đạo để tách hoạt động bảo hiểm nhân thọ và nghỉ hưu khỏi AIG,” Buckingham nói. “Trong vai trò mới này, tôi mong muốn giúp AIG mở ra giá trị quan trọng cho các cổ đông và các bên liên quan khác.”

Marsh & McLennan công bố thương hiệu mới

(IBM) – Công ty Marsh & McLennan, công ty mẹ của bốn doanh nghiệp toàn cầu – Marsh, Guy Carpenter, Mercer và Oliver Wyman – đã công bố tên doanh nghiệp mới và hướng ra thế giới.

Kể từ bây giờ, công ty sẽ có tên gọi là Marsh McLennan. Biểu trưng mới của công ty là một biểu tượng vô cực trừu tượng – nhằm truyền đạt ý nghĩa của công ty “đến với nhau như một doanh nghiệp và những khả năng vô hạn”.

Marsh, Guy Carpenter, Mercer và Oliver Wyman đều sẽ giữ nguyên tên hiện có của mình, nhưng sẽ áp dụng “biểu trưng hiện đại hóa và nhận dạng hình ảnh gắn kết” để phản ánh khái niệm mới của Marsh McLennan về nhận diện của công ty trong năm tới.

Về tên và logo mới, Marsh McLennan tuyên bố: “Mục đích của chúng tôi chưa bao giờ quan trọng hơn hoặc phù hợp hơn: chúng tôi tạo ra sự khác biệt trong những khoảnh khắc quan trọng. Chúng tôi làm điều này tốt nhất khi mang chuyên môn tập thể của mình để đáp ứng những thách thức phức tạp nhất mà khách hàng và xã hội đang phải đối mặt ngày nay. Một công ty, với bốn doanh nghiệp toàn cầu, hợp nhất bởi một mục đích chung.

“Không còn là một công ty của các công ty, chúng tôi là một doanh nghiệp với bốn doanh nghiệp toàn cầu đang cùng nhau đương đầu với những thách thức lớn của thời đại chúng ta.”

Trong năm qua, Marsh McLennan đã ứng phó với các sự kiện quan trọng – như đại dịch COVID-19 và hậu quả là sự bất ổn kinh tế, cuộc khủng hoảng khí hậu và các vấn đề về chủng tộc và công bằng xã hội – bằng sự đổi mới, linh hoạt và hợp tác. Hơn nữa, hãng đã nhận ra nhu cầu đáp ứng nhu cầu liên kết của khách hàng bằng cách cung cấp các giải pháp “như một doanh nghiệp thống nhất”.

Marsh McLennan viết trong một thông báo: “Chúng tôi có một di sản lâu dài về sự đổi mới và dịch vụ khách hàng. Trong 150 năm, chúng tôi đã sát cánh cùng khách hàng của mình để tìm kiếm cơ hội và vượt qua sự không chắc chắn trong các lĩnh vực rủi ro, chiến lược và con người.

“Tên của công ty đã thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và giải pháp của mình trên các động lực ngày càng được kết nối với nhau xung quanh rủi ro, chiến lược và con người. ”

Indonesia: Hiệp hội bảo hiểm nhân thọ lạc quan về tăng trưởng hai con số

(AIR) – Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Indonesia (AAJI) đang kỳ vọng thu nhập phí bảo hiểm nhân thọ ở nước này sẽ tăng hai con số trong năm nay.

Ông Fauzi Arfan, Giám đốc Định phí và Quản lý rủi ro của hiệp hội, cho biết AAJI đã ghi nhận những cải thiện về doanh thu và thu nhập phí bảo hiểm kể từ quý 4 năm ngoái, một phần do tác động của chương trình phục hồi kinh tế quốc gia của chính phủ và chương trình tiêm chủng COVID-19.

Doanh thu bảo hiểm nhân thọ trong quý 4 năm 2020 là 91,86 tỷ IDR, tăng 81,7% so với con số 50,56 tỷ IDR của quý trước, theo báo cáo của Kontan.

Theo ông Fauzi, đà tăng hàng quý sẽ tiếp tục được duy trì vào năm 2021.

Dự báo tăng trưởng phù hợp với sự cải thiện của hoạt động ngành bảo hiểm trong quý 4 năm 2020

Trong cả năm 2020, dữ liệu của AAJI cho thấy doanh thu của ngành bảo hiểm nhân thọ đạt 15,42 tỷ IDR (15 tỷ USD), thấp hơn 8,6% so với năm 2019. Trong tổng số này, thu nhập từ phí bảo hiểm giảm 6,1% so với cùng kỳ xuống còn187,59 tỷ IDR vào năm 2020.

Indonesia: Bảo hiểm du lịch vẫn chưa chắc chắn

(AIR) – Ông Christian Wirawan Wanandi, Chủ tịch công ty Asuransi Wahana Tata (Aswata), cho biết quy mô hoạt động kinh doanh bảo hiểm du lịch vẫn còn rất khiêm tốn kể từ đầu năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

“Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm du lịch của chúng tôi vẫn còn rất nhỏ – chỉ vài chục triệu rupiah,” ông nói với Kontan.co.id.

Theo ông, sự phục hồi của ngành du lịch vẫn còn một thời gian nữa: “Vẫn còn một chặng đường dài trước khi du lịch có thể bắt đầu trở lại”.

Một chi tiết sáng sủa hơn, theo ông Teguh Aria Djana, Chủ tịch của Asuransi Simas Net, chương trình tiêm chủng COVID-19 có thể phục hồi doanh số bán bảo hiểm du lịch đã sụp đổ trong đại dịch.

Đối với Asuransi Simas Net, doanh thu phí bảo hiểm du lịch năm 2020 chỉ đạt 40 tỷ IDR (2,8 triệu USD) sau khi hoạt động kinh doanh lao dốc từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Doanh thu phí bảo hiểm du lịch kể từ đầu năm nay của Simas Net là 12 tỷ IDR. Ông Teguh cho biết trong năm nay, công ty có thể đạt được doanh thu phí bảo hiểm du lịch tổng cộng 75 tỷ IDR.

Hàn Quốc: Phong tỏa do COVID-19 giúp tăng lợi nhuận của ngành bảo hiểm

(AIR) – Các công ty bảo hiểm ở Hàn Quốc đã báo cáo lợi nhuận ròng kết hợp tăng 13,9% vào năm 2020 so với năm 2019, một phần do ít tai nạn xe hơi hơn vì người dân ở nhà trong đại dịch virus Corona.

Báo cáo của Yonhap News Agency trích dẫn dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS), cho biết lợi nhuận ròng kết hợp của các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ tăng 742 tỷ KRW (654 triệu USD) lên 6,08 tỷ KRW vào năm ngoái.

Lợi nhuận ròng của mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ lần lượt tăng 10,9% lên 3,5 tỷ KRW và 8,1% lên 2,6 nghìn KRW.

FSS cho biết lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tăng trong năm ngoái do ít yêu cầu bồi thường hơn khi tổn thất bảo hiểm xe máy thu hẹp trong bối cảnh đại dịch.

FSS cho biết trong một tuyên bố: “Đặc biệt, tỷ lệ tổn thất đối với bảo hiểm ô tô và bảo hiểm dài hạn được cải thiện khi số vụ tai nạn xe hơi và các trường hợp điều trị tại bệnh viện giảm do COVID-19”.

Đối với các công ty bảo hiểm nhân thọ, thu nhập từ bảo hiểm tăng lên khi dự phòng nghiệp vụ giảm và doanh số bán bảo hiểm loại tiết kiệm tăng so với một năm trước.

Năm 2020, thu nhập phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm đạt 2121,9 tỷ KRW, cao hơn 4,3% so với năm 2019, FSS cho biết.

PICC giảm 10% lợi nhuận ròng năm 2020

(AIR) – Tập đoàn bảo hiểm P&C lớn nhất Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc, đã báo cáo lợi nhuận ròng thuộc về chủ sở hữu của nó giảm 10,4% xuống còn 20,07 tỷ CNY (3,08 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Tổng doanh thu phí (GWP) tăng 1,5% lên 563,61 tỷ CNY vào năm 2020 so với 555,25 tỷ CNY năm 2019. Vào cuối năm 2020, tổng tài sản ở mức 1,26 tỷ CNY, cao hơn 10,8% so với 12 tháng trước đó. Cổ tức cho cả năm 2020 là 1,56 CNY trên 10 cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức tiền mặt hàng năm là 34,4%, tăng 11,5 điểm phần trăm so với năm trước.

Trong báo cáo thường niên năm 2020, PICC cho biết, hoạt động kinh doanh của tập đoàn bao gồm 4 lĩnh vực chính, bao gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm nhân thọ, đầu tư và công nghệ tài chính. Đây là lần đầu tiên FinTech được liệt kê là một mảng kinh doanh riêng biệt trong báo cáo.

Mảng bảo hiểm P&C, trong đó có PICC P&C, đạt lợi nhuận ròng 20,83 tỷ CNY, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mảng bảo hiểm nhân thọ, bao gồm hai đơn vị chính là PICC Life và PICC Health, đạt tổng giá trị khai thác mới là 6,13 tỷ CNY, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của PICC Life tăng 30,8% lên 4,46 tỷ CNY vào năm 2020 trong khi lợi nhuận ròng của PICC Health tăng 9,1% lên 36 triệu CNY.

Tập đoàn này báo cáo tổng thu nhập từ đầu tư là 56,74 tỷ CNY vào năm 2020, tăng 15,3% so với năm 2019.

Mảng FinTech, trong đó có công ty Dịch vụ Tài chính PICC, đạt thu nhập từ hoạt động kinh doanh là 220 triệu CNY. PICC Finance Services được thành lập vào tháng 10 năm 2016 và phục vụ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cốt lõi của tập đoàn thông qua việc giới thiệu các công nghệ mới.

AIA thâu tóm BEA Life với giá 650 triệu USD

(AIR) – Tập đoàn AIA niêm yết tại Hồng Kông sẽ trả 5.070 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 650 triệu đô la Mỹ) để mua lại 100% BEA Life, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Ngân hàng Đông Á (BEA) và để phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ 15 năm theo quan hệ đối tác với ngân hàng.

AIA cũng sẽ mua một danh mục hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khép kín do Blue Cross (Châu Á – Thái Bình Dương) đánh giá rủi ro, AIA cho biết trong một tuyên bố.

Ông Jacky Chan, giám đốc điều hành khu vực của AIA, cho biết, “Giao dịch này quy tụ hai tổ chức tài chính đáng tin cậy có lịch sử hoạt động lâu đời tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, cùng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững nhờ chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ. Nó cho phép chúng tôi mang kiến thức chuyên môn về bán hàng tại chi nhánh và nhiều sản phẩm bảo vệ chất lượng cũng như tiết kiệm dài hạn cho cơ sở khách hàng trung thành của BEA, với cơ hội mở ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho cả hai công ty.

“Đặc biệt, khả năng bổ sung và rộng khắp của chúng tôi trên toàn Vùng Vịnh Lớn (GBA) cho phép AIA và BEA xây dựng mối quan hệ đối tác độc đáo và khai thác tiềm năng tăng trưởng khi khu vực phát triển.”

BEA sẽ phân phối các sản phẩm tiết kiệm dài hạn và nhân thọ của AIA trên cơ sở độc quyền cho các khách hàng ngân hàng bán lẻ của mình. Sự hợp tác này kết hợp các đề xuất hấp dẫn của AIA và chuyên môn về bancassurance đã được chứng minh với mạng lưới hơn 140 chi nhánh của BEA ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục và cơ sở khách hàng giàu có của mình.

Hai bên sẽ ngay lập tức bắt đầu chuẩn bị để khởi động quan hệ đối tác phân phối. Việc mua lại BEA Life dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, tùy thuộc vào việc phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước.

Tại Hồng Kông, BEA là ngân hàng nhượng quyền thương mại hàng đầu với hơn 1,2 triệu khách hàng trong nước và tiềm năng đáng kể để thâm nhập sâu hơn vào bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Tại Trung Quốc đại lục, BEA là ngân hàng nước ngoài đứng đầu về số lượng chi nhánh ngân hàng cá nhân, hoạt động trên 22 tỉnh thành và có lượng khách hàng giàu có, tăng trưởng nhanh.

BEA điều hành các chi nhánh tại tất cả 11 thành phố trong khu vực GBA, nơi mang lại tiềm năng to lớn cho AIA với tổng dân số 72 triệu, GDP 1,7 tỷ đô la và nhu cầu ngày càng tăng về bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.

Trên toàn GBA, AIA được xếp hạng là công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu về doanh số khai thác mới của đại lý và việc đạt được tỷ lệ sở hữu 100% của BEA đã đặt AIA vào vị trí vô song để tận dụng triệt để triển vọng tăng trưởng từ khu vực năng động này.

Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh doanh mới của AIA tại Hồng Kông và Trung Quốc sẽ tăng tốc sau khi hợp nhất quan hệ đối tác chiến lược trong mạng lưới phân phối của tập đoàn.

Fitch lưu ý rằng BEA Life là một công ty bảo hiểm nhân thọ quy mô trung bình ở Hồng Kông, với thị phần khoảng 1,2% tính theo phí bảo hiểm hàng năm. Quy mô của BEA Life nhỏ hơn nhiều so với AIA, vì vậy Fitch không cho rằng tổng thu nhập hoạt động của tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc mua lại BEA Life.

Ông Sonny Hsu, Phó Giám đốc tín dụng cấp cao, Nhóm Định chế Tài chính, tại Moody’s Investors Service, cho biết, “Quan hệ đối tác bancassurance giữa AIA và Ngân hàng Đông Á (BEA) là tín dụng tích cực đối với AIA vì nó sẽ tăng cường hơn nữa quy mô và nhượng quyền của AIA cũng như bổ sung mạng lưới phân phối tại Hồng Kông và Trung Quốc. Việc mua lại BEA Life cũng sẽ cho phép AIA mở rộng cơ sở khách hàng nội địa của mình tại Hồng Kông. Số tiền mua lại chỉ chiếm khoảng 1% vốn cổ đông của AIA”.

BTV (Tổng hợp).