TIÊU ĐIỂM BẢO HIỂM TUẦN 10

Prudential mua lại thỏa thuận bancassurance từ tay FWD; AXA XL ra mắt sản phẩm bảo hiểm xe tự lái; Generali vững vàng giữa đại dịch Covid-19

  1. Tin trong nước
  2. Tin bồi thường, tổn thất

Hai vụ cháy lớn tại Bình Dương cơ bản được khống chế

(VOV) – Đến 18h chiều ngày 23/3, hai vụ cháy lớn ở Công ty Tân Toàn Phát và Công ty bao bì Kim Hưng Thịnh, tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cơ bản đã được khống chế. Lực lượng phòng cháy chữa cháy tiếp tục phun nước để ngọn lửa không bùng phát trở lại.

Khoảng 15h chiều 23/3, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại nhà xưởng của Công ty Tân Toàn Phát, chuyên sản xuất gỗ, mùn cưa, có địa chỉ tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên. Lúc này trong xưởng có 3 công nhân đang làm việc thì nghe tiếng nổ kèm khói đen nên hoảng loạn tháo chạy ra ngoài. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm xưởng sản xuất của công ty rộng hơn 2.000m2 và lan sang nhà xưởng các công ty bên cạnh.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Dương điều động 8 phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ tiếp cận hiện trường chữa cháy. Do mùn cưa cháy bốc khói nghi ngút nên lực lượng phòng cháy chữa cháy phải điều thêm máy thổi khói mới tiếp cận được đám cháy.

Chiều cùng ngày, tại Công ty bao bì Kim Hưng Thịnh, chuyên sản xuất bao bì có địa chỉ tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên bất ngờ bốc cháy. Các công nhân đã hô hoán nhau dập lửa nhưng bất thành. Ngọn lửa lan nhanh và bao trùm một phần khu nhà xưởng rộng khoảng 2.000 m2. Lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Bình Dương đã điều 4 xe chữa cháy và 30 chiến sĩ đến chữa cháy.

Sau hơn 3 giờ, đám cháy tại hai công ty nói trên mới cơ bản được khống chế. Lực lượng chức năng đang tiếp tục thống kê thiệt hại và điều tra nguyên nhân hai vụ cháy.

  1. Một vòng doanh nghiệp

Bảo Minh và PTI vẫn giữ nguyên phương án tổ chức ĐHĐCĐ trong tháng 4-2020

(ĐTCK) – Tin từ công ty bảo hiểm Bảo Minh và PTI cho biết, hai hãng bảo hiểm này sẽ vẫn tổ chức ĐHĐCĐ vào tháng 4-2020 theo kế hoạch. Cụ thể, ĐHĐCĐ của PTI sẽ được tổ chức ngày 28-4 tại Trụ sở chính của Tổng công ty ở Hà Nội, trong khi đó, ĐHĐCĐ của Bảo Minh sẽ được tổ chức tại ngày 13-4 tại Trụ sở chính công ty ở TP HCM.

ĐHĐCĐ Bảo Minh năm nay ngoài việc thông qua phương hướng chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2020, thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019… ĐHĐCĐ của Bảo Minh năm nay cũng sẽ thông qua phương án miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị cũng như những vấn đề khác như việc thoái vốn của cổ đông lớn…

Được biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã có hãng bảo hiểm như BIC quyết định hoãn tổ chức ĐHĐCĐ. Hãng bảo hiểm này quyết định  sẽ  tổ chức  ĐHĐCĐ trước ngày 30-6-2020.

Thời gian, địa điểm và phương thức tổ chức họp trực tiếp sẽ được Tổng công ty triển khai phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19. Trước  khi quyết định hoãn ĐHĐCĐ, hãng bảo hiểm BIC cũng đã thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 8-4-2020 tại Trụ sở chính ở Hà Nội.

Generali Việt Nam ra mắt phiên bản mới “VITA – Sức Khỏe Vàng”

(ĐTCK) – Generali Việt Nam vừa chính thức ra mắt phiên bản mới của sản phẩm bổ trợ “VITA – Sức Khỏe Vàng”, bổ sung và nâng cao nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe như chăm sóc thai sản, chăm sóc nha khoa, điều trị ngoại trú, phẫu thuật và mở rộng phạm vi địa lý được bảo hiểm trên toàn cầu.

Ra mắt từ năm 2016, VITA – Sức Khỏe Vàng là sản phẩm bảo hiểm bổ trợ được đặc biệt ưa chuộng của Generali Việt Nam dành cho khách hàng từ 15 ngày tuổi đến 65 tuổi (thời gian được bảo hiểm đến 70 tuổi) với nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe ưu việt.

Nhằm đáp ứng kịp thời những thay đổi nhanh chóng của các vấn đề liên quan đến sức khỏe trong nước và trên thế giới, Generali Việt Nam giới thiệu phiên bản mới với nhiều quyền lợi bổ sung và phạm vi bảo hiểm mở rộng toàn cầu.

Cụ thể, sản phẩm này sẽ bảo vệ toàn diện thông qua việc hoàn trả viện phí, chi phí phẫu thuật, chi phí vận chuyển cấp cứu trong nước và các chi phí điều trị phát sinh do tai nạn và do bất kỳ ốm đau, bệnh tật nào (bao gồm cả ung thư, cấy ghép nội tạng, lọc máu thận và phẫu thuật trong ngày, tất cả dịch bệnh và các biến chứng phát sinh), với quyền lợi tối đa lên đến 1 tỷ đồng/năm.

Phạm vi bảo hiểm mở rộng toàn cầu (ngoại trừ Mỹ) cho chương trình V.I.P; Tùy chọn bổ sung quyền lợi chăm sóc thai sản lên đến 40 triệu đồng/năm; Áp dụng quyền lợi chăm sóc nha khoa cho cả 3 chương trình bảo hiểm (phiên bản trước chỉ áp dụng cho chương trình V.I.P); Tăng gấp đôi quyền lợi điều trị ngoại trú lên đến 20 triệu đồng/năm, theo cả phương pháp y học hiện đại lẫn cổ truyền ; Quyền lợi kiểm tra sức khỏe lên đến 3,5 triệu đồng/năm ngay sau năm hợp đồng đầu tiên.

Bên cạnh quyền lợi bảo hiểm, khách hàng cũng được tư vấn sức khỏe miễn phí với đội ngũ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm của Generali Việt Nam 7 ngày trong tuần qua chức năng Alo Dr. Gen trên ứng dụng GenVita.

Aviva Việt Nam ra mắt Aviva – An Tâm Vững Nghiệp

(ĐTCK) – Aviva Việt Nam đã chính thức giới thiệu sản phẩm bảo hiểm “Aviva – An Tâm Vững Nghiệp” được thiết kế với những lợi thế nổi bật về quyền lợi và thủ tục đơn giản.

“Aviva – An Tâm Vững Nghiệp” mang lại giải pháp bảo vệ linh hoạt khi doanh nghiệp dễ dàng quản lý hợp đồng với thời hạn ngắn (5 năm), khách hàng được nhận quyền lợi bảo hiểm trọn gói 01 lần và thủ tục thẩm định nhanh gọn.

Theo đó, khi doanh nghiệp tham gia hợp đồng bảo hiểm cho người lao động, người được bảo hiểm (người lao động) sẽ được bảo vệ trước rủi ro tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn với quyền lợi bảo hiểm lên đến 10 lần phí năm hoặc nhận lại 100% tổng phí đóng khi kết thúc hợp đồng khi không có sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Aviva Việt Nam đang hợp tác độc quyền với VietinBank để phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, và hiện là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường.

Năm 2019, Aviva Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm gần 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66%, gấp hơn 3 lần mức tăng trưởng trung bình toàn thị trường (20%).

Bưu điện Việt Nam mua bảo hiểm cho toàn bộ nhân viên

(PTI) – Trong tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, hàng loạt công ty thông báo cắt, giảm nhân sự, tiền lương của người lao động do sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vừa quyết định mua bảo hiểm cho toàn bộ người lao động trên toàn mạng lưới với gần 3,2 tỉ đồng.

Theo đó gần 52.000 người lao động trên toàn mạng lưới dù ký hợp đồng không xác định thời hạn hay hợp đồng thuê khoán hiện đang làm việc tại các đơn vị trực thuộc của Bưu điện Việt Nam sẽ được trang bị gói bảo hiểm ANTI-COVID. Đây là sản phẩm do Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) xây dựng và triển khai nhằm đồng hành, hỗ trợ cho người tham gia nếu không may nhiễm Covid-19. Với gói bảo hiểm 60.000 đồng trong 06 tháng, người tham gia được hưởng quyền lợi 5 triệu đồng trợ cấp nằm viện nếu nhiễm bệnh và 50 triệu nếu không may tử vong.

Xác định người lao động là tài sản quý giá nhất của Tổng công ty, bên cạnh viêc đảm bảo việc làm, thu nhập cho toàn lực lượng, nhất là trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, Bưu điện Việt Nam sẽ luôn sát cánh, đồng hành, bảo vệ cán bộ công nhân viên, người lao động trong mọi hoàn cảnh.

Để bảo vệ sức khỏe cho người lao động và khách hàng, ngay từ đầu mùa dịch, Bưu điện Việt Nam đã trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn cho người lao động, phun thuốc khử trùng khu làm việc… đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn tuyên turyền đến từng người lao động thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19. Chính sự chủ động và thống nhất của Bưu điện Việt Nam trong việc phòng ngừa dịch đã góp phần cùng cộng đồng thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

  1. Nhịp đập thị trường

Doanh nghiệp bảo hiểm thêm giải pháp ứng phó với dịch bệnh

(ĐTCK) – Công nghệ đang hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm vượt khó và bảo vệ an toàn cho nhân viên, khách hàng mùa dịch bệnh. 

Ðể đảm bảo tối đa sức khỏe và sự an toàn của nhân viên trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hãng bảo hiểm Aviva Việt Nam sau một thời gian diễn tập tình huống khẩn cấp đã khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và tiến hành khai báo sức khỏe phòng chống dịch bệnh. Bản khai báo sức khỏe tại Aviva sẽ được gửi 2 lần/tuần vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần cho đến khi tình hình dịch bệnh có thay đổi tốt hơn.

Với một nền tảng công nghệ đã được đầu tư rất tốt nên dù hầu hết nhân viên hoạt động theo chế độ work from home (làm việc tại nhà) nhưng mọi quy trình làm việc không hề bị gián đoạn bởi các cuộc họp được chuyển qua chế độ điện thoại, skype, các ứng dụng trực tuyến được vận hành tối đa…

Cũng như các hãng bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ khác đang hoạt động tại Việt Nam, đầu tư vào công nghệ là chiến lược rất quan trọng của Aviva Việt Nam.

Ðược biết, hãng bảo hiểm này đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các ứng dụng công nghệ số cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với tầm nhìn trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ có nền tảng tích hợp công nghệ hàng đầu vào năm 2020.

Trong một động thái khác cũng nhằm mang lại sự an toàn và thuận tiện cho khách hàng giữa mùa dịch Covid-19, Manulife khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không tiền mặt và thực hiện yêu cầu bồi thường bảo hiểm trực tuyến.

Dựa trên nền tảng công nghệ đã được xây dựng vững chắc, hãng bảo hiểm này đã nhanh chóng triển khai phương án kết nối với khách hàng qua cách chạm màn hình, không chạm mặt bằng cách truy cập Cổng thông tin trực tuyến của Manulife.

Khách hàng cũng có thể quản lý, cập nhật tất cả thông tin quan trọng liên quan đến hợp đồng bảo hiểm…

Gần một năm trước, hãng bảo hiểm này đã tuyên bố thực hiện hành trình chuyển đổi với hàng loạt giải pháp tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng như eClaims – Giải pháp yêu cầu bồi thường quyền lợi bảo hiểm; ePos – Giải pháp tư vấn theo nhu cầu của khách hàng… Ðược biết, đối với việc tuyển dụng và đào tạo đại lý hãng bảo hiểm trong một số chương trình  cũng đã chuyển qua hình thức online hoàn toàn.

Trước tình hình của dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, cũng như nhiều công ty khác, Chubb áp dụng thực hiện các hoạt động trên phạm vi toàn cầu để giảm thiểu rủi ro cho nhân viên, bao gồm hạn chế các chuyến công tác và chuẩn bị phương án làm việc tại nhà.

Tập đoàn này cũng đã xem xét một loạt kịch bản diễn biến của dịch Covid-19 có thể xảy ra. Tại Việt Nam, hãng bảo hiểm này đã chính thức tích hợp thêm công cụ eLearning vào ứng dụng Chubb SmartAgency.

Với công cụ eLearning, học viên có thể tham gia các khóa học một cách chủ động trên các thiết bị có kết nối Internet. Không những vậy, học viên còn có thể linh hoạt sắp xếp thời gian tự học và tự kiểm tra kiến thức với tính năng ôn bài, thi thử và tra cứu lại đáp án đúng.

Chubb Life Việt Nam cũng là một trong những công ty bảo hiểm chủ động tiên phong áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh để gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng và hỗ trợ đội ngũ kinh doanh.

Sau khi giới thiệu nền tảng ứng dụng SmartAgency và công cụ eCard trong năm 2019, trung tuần tháng 2/2020, Chubb Life Việt Nam đã tiếp tục ra mắt thêm các công cụ eRecruitment và eContract…

Các công cụ của hệ thống ứng dụng Chubb SmartAgency của Chubb Life không những góp phần vào việc tối ưu hiệu quả hoạt động kinh doanh, mà còn góp phần bảo vệ môi trường với việc hạn chế in ấn các tài liệu.

Trong khi đó, FWD dù là gương mặt mới gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam từ năm 2016 nhưng đã nhanh chóng trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ.

Ðến nay, toàn bộ quy trình nghiệp vụ của FWD đã hoàn toàn được số hóa, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, tư vấn và nộp hồ sơ bảo hiểm, theo dõi và phát hành hợp đồng đến bồi thường bảo hiểm đều được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số.

FWD cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tiên trên thị trường thực hiện thành công việc loại bỏ 100% giấy và tiền mặt trong các giao dịch, đồng thời triển khai 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử.

Thay vì trước đây, phải mất khoảng 5 ngày thì nay, khách hàng có thể nhận trực tuyến hợp đồng bảo hiểm qua email chỉ trong 1 ngày làm việc…

Chính vì thế, việc chuyển qua số hóa trong thời buổi Covid-19 không có quá nhiều khó khăn với hãng bảo hiểm này.         

  1. Bảo hiểm với cộng đồng

Bảo hiểm MIC chung tay cùng Đại học Y chống dịch Covid-19

(MIC) – Đứng trước tình hình dịch bên đang diễn rất phức tạp như hiện nay, tập thể hơn 100 sinh viên thuộc năm cuối và sinh viên đang tập huấn CDC cùng Ban giám hiệu trường Đại học Y Hà Nội đã phát động chương trình tình nguyện tham gia công tác chống dịch Covid – 19. Hiện nay các nguồn nguy cơ lây nhiễm tăng cao vì vậy Ban Giám hiệu trường cũng mong muốn sinh viên trường Y thể hiện trách nhiệm của mình, trách nhiệm với cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hy vọng với những kiến thức đã được trang bị, đội ngũ sinh viên tình nguyện sẽ vận dụng được nhiều trong thực tế, để từ đó truyền thông tích cực, lan tỏa tinh thần “chiến đấu” chống lại dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội vô cùng cảm kích trước tinh thần trách nhiệp của Tập thể sinh viên và các Thầy cô Giáo trường Đại Học Y Hà Nội đã chủ động, xung phong lên tuyến đầu trong chiến dịch đẩy lùi Covid – 19. Cũng trong thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Bảo hiểm Quân đội đã tiên phong triển khai Bảo hiểm Corona Guard với mong muốn chung tay bảo vệ cộng đồng.

Trong đợt ra quân tình nguyện này, Ban Lãnh đạo Tổng công ty quyết định trao tặng 124 suất Bảo hiểm Corona Guard với tổng giá trị bảo vệ lên đến 25 tỷ đồng dành cho Tập thể sinh viên tình nguyện tham gia công tác chống dịch Covid – 19 trong đợt đợt này. Đây cũng chính là đội ngũ bác sĩ kế cận và là những người sẵn sàng đứng lên tuyến đầu đầy nguy hiểm để ra sức ngăn chặn cũng như tuyên truyền đúng về dịch bệnh đến những cá nhân đang có nguy cơ mắc và lây nhiễm cao. Bảo hiểm Quân đội cũng mong rằng với hành động chung tay này sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các bạn sinh viên – bác sĩ tương lai lực lượng kế cận tuyến đầu trong công tác chống dịch Covid – 19.

Thay mặt Ban Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội, Ông Lê Như Hải – Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: “ Bảo hiểm Quân đội kính chúc các bạn Sinh viên, các y bác sĩ tương lai những người tiên phong tuyến đầu trong công tác chống dịch Covid – 19 sẽ luôn vững vàng, khỏe mạnh mang kiến thức phòng bệnh đã được đào tạo để tuyên truyền đúng và vận dụng bảo vệ cộng đồng trong giai đoạn cấp bách như hiện nay. Chúng tôi cũng mong rằng với Bảo hiểm Corona Guard sẽ giúp bảo vệ các bạn sinh viên yên tâm hết mình trong công tác chống dịch. Chúng ta cùng quyết tâm giúp Việt Nam đẩy lùi dịch Covid – 19, đảm bảo sức khỏe cho toàn dân!”.

Bảo hiểm BSH ủng hộ 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19

(BSH) – Ngày 19 tháng 3 năm 2020, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cùng với Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng SHB đã đến trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trao tiền ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự buổi lể, về phía Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ông: Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các cán bộ Ban thường trực & Văn phòng.

Về phía Tập đoàn T&T có ông: Nguyễn Tất Thắng – Phó Tổng Giám đốc; Về phía BSH có: ông Bùi Trung Kiên – Tổng Giám đốc BSH; ông Lê Hoài Nam – Phó Tổng Giảm đốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tới các cơ quan, đơn vi, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, kiều bào ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình hãy tích cực tham gia ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cùng với Tập đoàn T&T Group, ngân hàng SHB đã sớm có những hành động thiết thực chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan ban ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, BSH đã gửi số tiền ủng hộ 1 tỷ đồng. 

Thay mặt cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận số tiền 1 tỷ đồng của BSH và gửi lời cảm ơn cũng như ghi nhận tấm lòng của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đã chung tay  trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

VNI ủng hộ 1 tỷ đồng chung tay chống dịch COVID-19

(VNI) – Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chiều ngày 19/3 tại Hà Nội, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã trao ủng hộ 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch COVID-19 thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTU MTTQ) nhằm chung tay cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tiếp nhận khoản hỗ trợ, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cảm ơn Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) và các doanh nghiệp đã quan tâm, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tích cực ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Các nguồn lực ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp sẽ được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam điều chuyển cho ngành y tế, lực lượng vũ trang để mua sắm trang thiết bị, chi phí cho công tác phòng chống dịch. “Giữa lúc đất nước đang khó khăn, sự chung tay của các doanh nghiệp và cụ thể là Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI) là hết sức quan trọng và ý nghĩa” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ông Trần Trọng Dũng – Tổng Giám đốc VNI chia sẻ thêm : “Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, VNI mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, người dân cả nước đồng tâm, hợp sức phòng chống dịch cũng như san sẻ bớt gánh nặng về tài chính trong chi phí phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ sẽ được giảm bớt”.

Ngoài ra, tại VNI Chủ tịch HĐQT Lê Thị Hà Thanh đã gửi tâm thư cho CBNV phòng tránh dịch bệnh, làm việc online, đẩy mạnh bán hàng, thanh toán trực tuyến và giữ vững tinh thần luôn lạc quan chiến thắng dịch bệnh đồng thời nghiên cứu sớm ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Chiến thắng Covid” với mức trách nhiệm, quyền lợi khám chữa bệnh cao nhất, phí bảo hiểm thấp nhất mang tính nhân văn sâu sắc nhằm chung tay với Chính phủ đẩy lùi Covid.

Bảo Việt ủng hộ 3 tỷ đồng cho Quỹ Phòng chống dịch Covid-19

(BVH) – Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Tập đoàn Bảo Việt đã thực hiện nhiều hoạt động cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch.

Ngày 20/3/2020 tại Hà Nội, Tập đoàn Bảo Việt ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền 3 tỷ đồng. Ông Đào Đình Thi – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt – đại diện cho Tập đoàn đã trao số tiền trên của Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên để chung tay cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19. Chương trình thể hiện sự ủng hộ thiết thực, trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Bảo Việt đối với mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam, của toàn thế giới đối với công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Được biết, Ủy ban Trung ương MTTQVN đang có những hành động tích cực để kịp thời chuyển sự ủng hộ tới những đơn vị, cá nhân đang trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, chữa trị bệnh, những khu vực đang phải cách ly, những trường hợp đang được điều trị bệnh cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

  1. Tin quốc tế

Thai Life kỳ vọng thu về 700 triệu USD từ IPO

(IAN) – Theo báo cáo của Bloomberg, công ty Bảo hiểm nhân thọ Thai Life có trụ sở tại Bangkok đang lên kế hoạch IPO trước cuối năm 2020 – với giá trị định giá lên tới 700 triệu USD.

Thai Life là công ty bảo hiểm nhân thọ đứng thứ ba của đất nước này về quy mô doanh thu phí bảo hiểm và tổng tài sản.

Thai Life đang làm việc với các ngân hàng và ban điều hành công ty đã gặp các cố vấn tiềm năng vào tháng 2 năm nay, bản báo cáo cho biết. Các cuộc thảo luận riêng giữa các bên vẫn đang tiếp diễn.

Theo kế hoạch chiến lược mười năm của Thai Life, công ty đang chú ý mở rộng ra nước ngoài và đổi mới kỹ thuật số.

Mặc dù vậy, đợt chào bán công khai lần đầu của Thai Life có thể bị cản trở bởi vụ dịch Covid-19 đã lây nhiễm 177 người ở Thái Lan kể từ ngày 19 tháng 3. Tâm lý thị trường ảm đạm trên toàn thế giới cũng có thể khiến cho quá trình này thêm chậm trễ.

Mùa hè năm ngoái, Thai Life đã mua 35% cổ phần của công ty bảo hiểm Myanmar CB trong bối cảnh đất nước này mở cửa tài chính cho các hãng bảo hiểm nước ngoài.

Cùng thời gian đó, Tập đoàn FWD đã xác nhận việc mua Thái Lan SCB Life trị giá 3 tỷ USD – một trong những vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của một công ty bảo hiểm ở Đông Nam Á. Thỏa thuận này đã khiến FWD lọt vào danh sách năm công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Thái Lan.

Tại thị trường bảo hiểm nhân thọ, AIA tiếp tục thống trị với 20% thị phần – theo sát là Muang Thai Life và Thai Life. Những công ty hàng đầu khác bao gồm KTAXA, Siam Commercial Life và Bangkok Life. Năm công ty đứng đầu chiếm hơn 70% thị phần.

IASB thúc giục doanh nghiệp BH chuẩn bị cho IFRS 17 cho dù phải trì hoãn

(IAN) – Như dự kiến, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) đã quyết định trì hoãn thêm 1 năm việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán IFRS 17. Ngày có hiệu lực mới là từ 1 tháng 1 năm 2023.

Ủy ban cũng đã quyết định gia hạn miễn trừ cho một số công ty bảo hiểm liên quan đến việc áp dụng IFRS 9 để cho phép họ thực hiện cả IFRS 9 và IFRS 17 cùng một lúc.

Hầu hết các quốc gia trên khắp châu Á dự kiến đều sẽ ủng hộ việc trì hoãn này.

Ông Erik Bleekrode, Giám đốc bảo hiểm KPMG Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương, nói: “Căn cứ các cuộc thảo luận trong những tháng qua, tôi tin rằng kết luận của IASB là đúng nhằm phục vụ hai mục đích chính. Một là, quyết định này giúp cho toàn bộ ngành bảo hiểm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị và thực hiện đúng cách và sẽ cho phép có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thử nghiệm và ít nhất một lần chạy song song hoàn toàn. Thứ hai, nó sẽ cho phép châu Âu thông qua quá trình chứng thực theo cách có thể đạt được sự đồng bộ hóa toàn cầu”.

Bleekrode nói thêm: “Điểm thứ hai này rất quan trọng đối với các công ty bảo hiểm quốc tế không có trụ sở tại châu Âu và tôi tin rằng lợi ích chắc chắn sẽ lớn hơn chi phí phát sinh thêm do các dự án triển khai phải kéo dài thêm một năm”.

Về quy mô của thách thức, ông cho rằng vẫn còn nhiều công ty sẽ phải vật lộn để đáp ứng thời hạn mới.

Ông cảnh báo: “Vẫn còn một số lo ngại rằng các công ty đã bắt đầu hoặc tiến bộ rất xa nhưng có thể tận dụng việc trì hoãn thêm này để chờ đợi lâu hơn nữa”.

Trong các cuộc họp trước đó, IASB đã xác nhận rằng họ sẽ tiến hành các đề xuất được nêu trong tài liệu tham vấn tháng 6 năm 2019 mặc dù có một số sửa đổi nhỏ để đáp ứng với phản hồi từ các thành viên. IASB dự kiến sẽ ban hành các sửa đổi đối với IFRS 17 trong quý II năm 2020.

Swiss Re bổ nhiệm Giám đốc Bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe Đông Nam Á

(IAN) – Bà Jolene Loh vừa gia nhập Swiss Re với tư cách Giám đốc Bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe khu vực Đông Nam Á.

Quyết định bổ nhiệm bà Loh (ảnh) có hiệu lực từ ngày 9 tháng 3, theo đó bà sẽ làm việc tại trụ sở Singapore.

Trước khi đầu quân cho Swiss Re, bà Loh làm việc tại Pacific Life Re tại vị trí Trưởng phòng phát triển kinh doanh. Trước đó, bà từng là Phó Giám đốc phát triển kinh doanh châu Á tại Marsh và Phó Giám đốc chuyển giao rủi ro thay thế khu vực Đông Nam Á của Munich Re.

Bình luận về sự kiện này, bà Marianne Gilchrist, Giám đốc điều hành, Giám đốc toàn cầu và Giám đốc bảo hiểm nhân thọ & sức khỏe Swiss Re khu vực Nam Á, nói: “Từ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu am hiểu công nghệ cao đã thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe, từ đó đem đến cơ hội phát triển mới cho chúng tôi ở khu vực Nam-Đông Á.”

Ông Gilchrist nói thêm: “Kinh nghiệm phong phú của cô Loh sẽ bổ sung vào năng lực mạnh mẽ của công ty để khám phá và thiết lập quan hệ đối tác mới và nền tảng tương tác với khách hàng. Cô cũng sẽ đóng một vai trò công cụ trong việc thúc đẩy chiến lược kỹ thuật số của chúng tôi để tăng tốc độ thâm nhập và thu hẹp khoảng cách bảo vệ trong các thị trường cận biên tăng trưởng cao này”.

Gần đây, Swiss Re cũng đã bổ nhiệm hai vị trí quản lý cấp cao khối bảo hiểm P&C khu vực châu Á. Cụ thể, ông Reuben Ng, Phó Giám đốc chiến lược khách hàng và giải pháp Swiss Re, được bổ nhiệm làm Giám đốc Phát triển kinh doanh môi giới khu vực châu Á từ đầu tháng ba. Hồi tháng 1, ông Yau Siew Choi, Giám đốc đánh giá rủi ro bảo hiểm thiệt hại Swiss Re, được bổ nhiệm Giám đốc Giải pháp P&C châu Á-Thái Bình Dương.

Generali vững vàng giữa đại dịch Covid-19

(IAN) – Thành tích vững chắc của Generali ở châu Á năm 2019 sẽ giúp công ty chống lại những khó khăn do đại dịch đang gây ra cho hầu hết các doanh nghiệp và cá nhân, trong đó Italia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ông Rob Leonardi (ảnh), người đã ở Châu Á từ năm 2000 và từ tháng 1 năm 2017 lại đây là quản lý khu vực châu Á của Generali, nhận xét: “Generali châu Á đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn ròng bảo hiểm nhân thọ trong năm 2019, tăng 28,9% so với năm 2018”.

Ông Leonardi cho biết thêm: “Đây là minh chứng cho sự nỗ lực và cống hiến của cán bộ nhân viên Generali trong khu vực. Điều này cũng khẳng định rằng Tập đoàn ở vị thế tốt để đáp ứng các mục tiêu trong năm 2021 (kế hoạch ba năm của Tập đoàn), đồng thời tạo ra nền tảng vững chắc để đương đầu với sự bùng phát của đại dịch Corona và biến động thị trường”.

“Tập trung vào châu Á vẫn là mục tiêu ưu tiên trong việc phát triển kinh doanh một cách bền vững tại các thị trường mà Tập đoàn đang hoạt động và làm việc cùng với nhân viên, đại lý và đối tác của mình để đạt được kỳ vọng trở thành đối tác trọn đời với khách hàng”.

Generali châu Á thuộc nhóm các chi nhánh quốc tế, nhóm đã đem về khoản lợi nhuận 283 triệu Euro (316,4 triệu USD) vào năm 2019 so với 302 triệu Euro (336,5 triệu USD) vào năm 2018. Tỷ lệ hoạt động kết hợp tăng lên 96,9% từ mức 95,8%

Trên toàn cầu trong năm tài chính 2019, Generali có hiệu suất hoạt động hàng năm tốt nhất trong lịch sử doanh nghiệp với 5,2 tỷ Euro lợi nhuận (5,8 tỷ USD), tăng 6,9% so với cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh.

Năm 2019, ông Leonardi nói: “Châu Á là phần thú vị nhất của thế giới. Có nhiều cơ hội tăng trưởng dài hạn – đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trọng tâm của chúng tôi là phát triển mạnh các thị trường sẵn có, thay vì vào các thị trường mới, nơi có thể tốn kém nhiều chi phí xin giấy phép và phải đầu tư đáng kể”.

Thái Lan: Prudential mua lại thỏa thuận bancassurance từ tay FWD

(INJ) – Tập đoàn bảo hiểm Prudential của Anh quốc đã đồng ý mua lại quan hệ đối tác bancassurance tại Thái Lan từ Tập đoàn FWD trong một thỏa thuận trị giá 24,5 tỷ baht (753 triệu USD).

Cụ thể, Prudential Thái Lan sẽ mua quyền độc quyền từ FWD để bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua Ngân hàng TMB Bank. Theo Bloomberg, thông tin này đã được TMB Bank xác nhận tại hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán. Thời hạn ban đầu cho quan hệ đối tác là 15 năm và Prudential sẽ thanh toán thành hai đợt, trong đó đợt đầu phải trả 12 tỷ baht vào tháng tới.

Đối với FWD, việc bán lại mảng kinh doanh này sẽ giảm bớt những lo ngại về vi phạm luật chống độc quyền sau khi Tập đoàn này đồng ý trả khoảng 3 tỷ đô la để mua lại hoạt động bảo hiểm nhân thọ của Ngân hàng Thái Lan Siam Siam Pcl trong thương vụ mua lại lớn nhất năm 2019.

FWD sẽ nhận được 20 tỷ baht từ hợp đồng với TMB.

Đồng thời với việc mua lại SCB Life, FWD đã đồng ý hợp tác bancassurance 15 năm với SCB, ngân hàng lớn thứ hai của Thái Lan xét về vốn hóa thị trường.

Công ty Third Point, dưới sự điều hành của ông Dan Loeb, hồi tháng 2 tuyên bố đã đạt được tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 5% tại Prudential và muốn công ty tách hoạt động kinh doanh châu Á ra khỏi Bảo hiểm nhân thọ Jackson (Hoa Kỳ). Third Point cho biết cách làm như vậy sẽ giảm thiểu được gần 200 triệu bảng (233 triệu USD) chi phí trùng lặp.

Sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài chín tháng, trong đó TMB tiếp tục bán các sản phẩm FWD, đồng thời tiếp nhận các sản phẩm của Prudential. Về phía mình, Prudential sẽ chi trả cho giao dịch này từ hỗn hợp các nguồn vốn hiện có ở châu Á và có khả năng phải huy động thêm thông qua các khoản nợ mới.

JPMorgan Chase & Co. đóng vai trò là tư vấn tài chính cho TMB, trong khi HSBC Holdings Plc tư vấn cho Prudential.

AXA XL ra mắt sản phẩm bảo hiểm cho xe tự lái

(INJ) – AXA XL đã công bố ra mắt giải pháp bảo hiểm được thiết kế để bảo vệ cho các rủi ro liên quan đến xe tự lái. Việc cung cấp sản phẩm này ra thị trường sẽ giúp các công ty phát triển hoặc sử dụng công nghệ trong việc quản lý và chuyển giao những rủi ro mới và đang phát triển đạt hiệu quả tốt hơn.

Hợp đồng này dành cho khách hàng trên toàn cầu, bảo vệ cho các rủi ro chính gồm: trách nhiệm của bên thứ ba, thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm và trộm cắp xe.

Ngoài ra, khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm bổ trợ để đáp ứng từng nhu cầu cụ thể, bao gồm:

Tùy chọn bảo hiểm theo mô-đun: Trách nhiệm đối với thiệt hại trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc kiểm soát của người được bảo hiểm; trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bộ dùng thử; trách nhiệm tấn công mạng đối với các thiệt hại/thương tích cơ thể; gián đoạn thử nghiệm xe tự hành (AV); chi phí phục hồi dữ liệu.

Phần mở rộng: Bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của động cơ; mở rộng không gian mạng; quản lý khủng hoảng/dịch vụ ứng phó; mất doanh thu.

Các chuyên gia đầu tư mạo hiểm Pitchbook cho biết, đầu tư vào sự phát triển của các công nghệ tự lái đã tăng vọt trong những năm gần đây, đạt 10,3 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2018. Số lượng các công ty sử dụng máy móc thông minh trong hoạt động cũng đang tăng lên, theo nhận xét của ông Mukadder Erdoenmez, Giám đốc Bảo hiểm thiệt hại quốc tế AXA XL khu vực châu Âu kiêm Trưởng nhóm Kinh tế mới, Xe tự lái & Công nghệ (NEAT) của AXA XL.

“Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội và vì thế đã thiết kế ra một sản phẩm duy nhất có thể tùy chỉnh để hỗ trợ các công ty có tư duy tiến bộ đang phát triển và sử dụng các công nghệ tự lái”, ông nói thêm.

AXA XL cho biết họ có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực công nghệ tự lái, đã làm việc với Oxbotica, một công ty công nghệ tập trung vào robot di động và hệ thống tự lái, kể từ năm 2016.

Ngoài ra, năm 2017 AXA XL đã gia nhập tổ hợp DRIVEN do chính phủ Anh hỗ trợ để góp phần triển khai một đội xe tự lái giữa Oxford và Luân đôn, dự án xe tự lái tham vọng nhất từng được thử nghiệm vào thời điểm đó.

Năm sau, AXA XL đã thành lập một Trung tâm tự lái toàn cầu đa ngành và tuyên bố phát triển một giải pháp bảo hiểm để hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ tự lái.

Hồng Kông đóng cửa Cục Quản lý bảo hiểm đến ngày 29/3

(AIR) – Với việc Hồng Kông trải qua sự gia tăng các trường hợp coronavirus trong tuần qua, Cơ quan Bảo hiểm (IA) đã đóng cửa văn phòng của mình cho công chúng trong tuần này (23 đến 29 tháng 3) để ngăn chặn dịch.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục vận hành các dịch vụ đường dây nóng và khiếu nại như bình thường từ 8:45 sáng đến 12:45 tối và 1:45 chiều đến 6:00 tối trong các ngày làm việc. Email trả lời các câu hỏi và khiếu nại cũng sẽ tiếp tục như bình thường.

Trong khi đó, tất cả nhân viên IA, ngoại trừ cán bộ chủ chốt, sẽ làm việc tại nhà.

Cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục xem xét tình hình và thông báo những nội dung cập nhật trên trang web của mình.

Ngoài việc quản lý trực tiếp khoảng 110.000 trung gian bảo hiểm, IA còn chịu trách nhiệm xử lý các khiếu nại liên quan đến hành vi của trung gian bảo hiểm, tiến hành điều tra các trường hợp bị cáo buộc không tuân thủ và thực hiện hành động theo luật pháp và thiết lập các quy định, quy tắc và hướng dẫn .

Kể từ khi Hồng Kông bắt đầu ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Corona, IA đã trải qua những giai đoạn dừng hoặc cắt giảm hoạt động. IA bị đình chỉ hoạt động lần đầu tiên từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2, sau đó phải hạn chế hoạt động trong cả tháng 2/2020 trước khi nối lại các dịch vụ công bình thường vào ngày 2/3.

IA cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp các giải pháp cứu trợ thiết yếu cho cộng đồng người tham gia bảo hiểm trong giai đoạn khó khăn này.

Tháng trước, IA đã giới thiệu một loạt các biện pháp tạm thời để giảm nguy cơ lây nhiễm từ các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các trung gian và khách hàng. Các biện pháp này sẽ kéo dài đến hết năm tài chính hiện tại, ngày 31 tháng 3 năm 2020.

Tổn thất bảo hiểm do COVID-19 có thể chỉ là “thảm họa vừa phải”

(INN) – Theo Willis Towers Watson, đại dịch COVID-19 đang tấn công thế giới chỉ có thể gây ra tổn thất được bảo hiểm tương đương với thảm họa tự nhiên vừa phải, mặc dù lợi nhuận đầu tư giảm mạnh là mối quan tâm chính.

Trong một báo cáo mới đây có tựa đề “Ý nghĩa bảo hiểm của thảm họa virus Coronaus”, nhà môi giới cho biết, khả năng thanh toán của một số công ty bảo hiểm đã giảm xuống “mức báo động”.

COVID-19 có thể quét sạch 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ khỏi nền kinh tế thế giới, gấp 25 lần thiệt hại kinh tế từ sự bùng phát SARS năm 2002-3.

“Cho đến nay, mối quan tâm chính mà các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm đã thể hiện, thông qua các cuộc gọi của nhà đầu tư, đã vượt qua sự sụt giảm phần vốn đầu tư của bảng cân đối kế toán”.

Điều đáng chú ý nhất về đại dịch COVID-19 từ góc độ bảo hiểm có thể là cường độ của khoảng cách bảo vệ – tỷ lệ chi phí không được bảo hiểm hoàn trả – vì phần lớn thiệt hại kinh tế từ dịch bệnh sẽ không được bảo hiểm .

Báo cáo đưa ra các nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau có khả năng phải gánh chịu tổn thất từ vụ dịch COVID-19.

Một bài viết riêng từ lãnh đạo bảo hiểm Deloitte của Mỹ Gary Shaw nói rằng triển vọng tăng trưởng và lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và danh mục đầu tư của công ty bảo hiểm sẽ bị thách thức.

“Về mặt tài chính, các công ty bảo hiểm có thể sẽ cần điều chỉnh ngân sách và kế hoạch thực hiện, kỳ vọng về dòng tiền và danh mục đầu tư dựa trên những diễn biến gần đây”.

Các công ty bảo hiểm tài sản và thiệt hại có xu hướng dễ bị tổn thương nhất trước biến động của thị trường chứng khoán khi họ nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn trong trường hợp thua lỗ thảm khốc, ông Shaw nói.

BTV (Tổng hợp).