Swiss Re ký kết thỏa thuận vốn thay thế trị giá 700 triệu USD; Sun Life Việt Nam ra mắt văn phòng trải nghiệm mới tại Vinh; Doanh thu khai thác mới của AIA giảm 5%
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
Prudential chi trả 2,6 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm tại Quảng Bình
(TBTCO) – Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) vừa thực hiện lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho một khách hàng bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, với tổng quyền lợi gần 2,6 tỷ đồng.
Năm 2022, Prudential đã thực hiện chi trả hơn 1.600 tỷ đồng quyền lợi bảo hiểm, gồm quyền lợi tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, bệnh hiểm nghèo và chăm sóc y tế, tăng 35% so với năm 2021. Theo đó, trong năm 2022, Prudential tiếp tục thực hiện cam kết là điểm tựa tài chính cho 2,1 triệu khách hàng, với tổng số tiền chi trả bảo hiểm đạt xấp xỉ 9.600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021 chiếm 1/4 toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
Được biết, chị L.T.T. Tâm (ngụ tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là khách hàng tham gia 3 hợp đồng bảo hiểm với sản phẩm PRU-An tâm trọn đời và PRU-Chủ động cuộc sống của Prudential lần lượt vào các năm 2019 và 2021. Giữa năm 2022, chị Tâm bị chuẩn đoán mắc bệnh lệch cột sống. Đây được coi là một bệnh lý nghiêm trọng, vì thế, tại thời điểm đó, Prudential đã chi trả hơn 400 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho chị. Sau 6 tháng, thể trạng của chị Tâm tiếp tục chuyển biến xấu và thực hiện giám định với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 81%. Điều này khiến chị gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và mất khả năng lao động.
Tại buổi lễ diễn ra tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, khách hàng L.T.T. Tâm đã nhận thêm gần 2,2 tỷ đồng quyền lợi thương tật toàn bộ và vĩnh viễn do Prudential chi trả. Tổng quyền lợi mà khách hàng Tâm nhận được là gần 2,6 tỷ đồng.
Bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm và hỗ trợ nhanh chóng từ phía công ty, đại diện gia đình chị Tâm, anh Đ.N. Hưng (chồng chị) cho biết, gia đình tin tưởng Prudential và những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Trước đây, chị Tâm là một trụ cột kinh tế gia đình, với hoàn cảnh hiện tại, đây là khoản tài chính quan trọng đối với gia đình để ổn định cuộc sống và tiếp tục nuôi dưỡng con nhỏ ăn học, trưởng thành.
Cũng trong buổi lễ, có thêm một trường hợp khách hàng khác là anh L.C Quân (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Prudential đã chi trả cho thân nhân của anh L.C. Quân hơn 300 triệu đồng gồm quyền lợi bảo hiểm tử kỳ của sản phẩm Phú – Bảo Gia Thịnh Vượng và giá trị quỹ hợp đồng.
Năm qua, Prudential ghi nhận hơn 80% yêu cầu bồi thường bảo hiểm nộp qua các ứng dụng trực tuyến, trong đó 77% yêu cầu được xử lý và có quyết định thẩm định tự động. Theo kết quả khảo sát, chỉ số hài lòng của khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ giải quyết quyền lợi bảo hiểm của Prudential đang là gần 7,2 điểm trên thang điểm 10 (cao hơn so với mức trung bình 6,7 điểm của toàn thị trường).
Góp phần vào những kết quả đáng kể trên, Prudential đang liên tục đầu tư vào hạ tầng cơ sở và nâng cao năng lực số hóa, bao gồm việc chuyển đổi trải nghiệm giải quyết quyền lợi bảo hiểm thông qua các trang nền tản số hóa, không ngừng nâng cấp, hoàn thiện quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm tự động (e-Claim) giúp mang đến trải nghiệm hài lòng và thuận tiện cho khách hàng tham gia bảo hiểm.
- Một vòng doanh nghiệp
Dai-ichi Life Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp dẫn đầu về Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe” tại Giải thưởng Rồng Vàng 2023
(ĐTCK) – Ngày 18/3, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) đã vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp dẫn đầu về Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe 2022 – 2023” (“Leading Healthcare Provider of the year 2022 – 2023”) trong Lễ trao Giải thưởng Rồng Vàng 2023, được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng.
Đây là năm thứ 14 liên tiếp Dai-ichi Life Việt Nam nhận Giải thưởng Rồng Vàng cao quý này nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực bền bĩ và xuất sắc của Công ty, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ 100% vốn Nhật Bản, trong suốt 16 năm hoạt động tại Việt Nam: tăng trưởng bền vững song hành với trách nhiệm xã hội doanh nghiệp; không ngừng đổi mới, sáng tạo các giải pháp bảo vệ tài chính và chăm sóc sức khỏe ưu việt cho khách hàng và gia đình, đồng thời đóng góp tích cực cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt.
Trong năm 2022, Dai-ichi Life Việt Nam đã vượt qua thử thách và duy trì tăng trưởng tốt với tổng doanh thu phí bảo hiểm gần 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm 2021, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm chiếm 12,3% và lợi nhuận sau thuế trên 2.400 tỷ đồng. Với mức vốn đầu tư gần 9.800 tỷ đồng và tổng tài sản trên 58.000 tỷ đồng, Dai-ichi Life Việt Nam nằm trong top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất có hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.
Công ty hiện có hơn 4,5 triệu khách hàng và gia đình với đội ngũ 2.000 nhân viên và 114.000 tư vấn tài chính, mạng lưới trên 300 văn phòng công ty và 2.500 điểm giao dịch của các đối tác trên toàn quốc. Luôn cam kết mang đến cho khách hàng những quyền lợi và giá trị thiết thực, trong năm 2022, công ty đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 3.000 tỷ đồng cho hơn 190.000 trường hợp.
Được khởi xướng từ năm 2001, Giải thưởng Rồng Vàng đã trở thành sự kiện thường niên lớn nhất do cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Ngoại giao, các ban ngành hữu quan tổ chức. Năm nay, trong khuôn khổ Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2023, Giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 22 đã biểu dương 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số” trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững.
Ông Trần Đình Quân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi Dai-ichi Life Việt Nam đạt danh hiệu “Doanh nghiệp dẫn đầu về Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe 2022 – 2023” tại Lễ trao Giải Rồng Vàng năm nay, minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của Dai-ichi Life Việt Nam trong việc tiên phong phát triển và cải tiến dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe ưu việt, hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe trọn đời cho khách hàng và gia đình. Giải thưởng cao quý này, một lần nữa, là sự ghi nhận xứng đáng cho chiến lược phát triển bền vững của Dai-ichi Life Việt Nam hướng đến mục tiêu chuyển đổi kép – “xanh và công nghệ số” để tiếp tục nâng cao trải nghiệm khách hàng và góp phần bảo vệ môi trường.”
Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, sản phẩm Bảo hiểm Chăm sóc Sức khỏe Toàn cầu của Dai-ichi Life Việt Nam đã nhanh chóng được khách hàng tin tưởng lựa chọn, vươn lên vị trí dẫn đầu về dòng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam với các quyền lợi bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến trong tháng 4/2023 sắp tới, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ tiếp tục giới thiệu sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới, phiên bản nâng cấp tích hợp nhiều quyền lợi ưu việt hơn nhằm bảo vệ khách hàng trên toàn cầu với hệ thống bảo lãnh viện phí rộng khắp Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, Dai-ichi Life Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín để triển khai nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe trên nền tảng Dai-ichi Connect, tiếp tục mang đến những trải nghiệm tối ưu và thuận tiện, giúp khách hàng của Công ty chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bản thân và gia đình.
Trong năm 2023, Dai-ichi Life Việt Nam đặt mục tiêu đạt cột mốc phục vụ trên 5 triệu khách hàng và cam kết tăng trưởng xanh bền vững, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường theo tinh thần thông điệp “Kết nối Triệu Yêu Thương” – yêu thương bản thân & gia đình, yêu thương cộng đồng và yêu thương trái đất.
Song hành với hoạt động kinh doanh, trong suốt 16 năm qua, bên cạnh nỗ lực kinh doanh hiệu quả, Dai-ichi Life Việt Nam tự hào tiên phong khởi xướng nhiều dự án cộng đồng ý nghĩa với tổng số tiền đóng góp lên đến trên 60 tỷ đồng, xuyên suốt các lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe y tế, môi trường và từ thiện xã hội.
Mô hình văn phòng trải nghiệm mới của Sun Life Việt Nam tại Vinh
(TBTCO) – Sun Life Việt Nam chính thức ra mắt mô hình văn phòng trải nghiệm hoàn toàn mới, một không gian với thiết kế đầy sáng tạo đem lại nguồn cảm hứng lan tỏa cho khách hàng, đối tác và chính các nhân viên của Sun Life đang làm việc tại thành phố này.
Mang ý tưởng của Victoria Wong, một nhà thiết kế người Mỹ chuyên về kiến trúc, nội thất và nghệ thuật khái niệm, văn phòng của Sun Life Việt Nam tại Vinh lấy cảm hứng từ ngọn lửa mặt trời.
Theo định nghĩa, Solar Flare là một vụ nổ năng lượng cực lớn xảy ra trên mặt trời và thiết kế của không gian này chính là tượng trưng cho sự bùng nổ năng lượng sáng tạo, bắt đầu một thời kỳ mới của Sun Life Việt Nam tại thành phố này.
Ms Wong đã nghiên cứu hình ảnh của các tia lửa mặt trời, sau đó khái niệm hóa các chuyển động thành tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở ngay trung tâm của văn phòng để chào đón những ai đến với không gian trải nghiệm đầy sáng tạo này.
Trong không gian với nhiều công năng khác nhau của một văn phòng hiện đại, những hình ảnh về các tia sáng mặt trời được lồng ghép, sắp đặt tạo thành một không gian nghệ thuật mang lại nguồn năng lượng tích cực và tươi sáng cho tất cả mọi người.
Kiến trúc sư Victoria Wong chia sẻ: “Dự án này thực sự là một nỗ lực nhóm. Tất cả các thành viên trong đội dự án của Sun Life Việt Nam đã nỗ lực làm việc cùng với chúng tôi để biến không gian này từ ý tưởng thành hiện thực. Tôi cũng tin rằng tất cả chúng ta đã mang những nền văn hóa, sở thích và nền tảng khác nhau vào việc thiết kế và xây dựng mô hình văn phòng trải nghiệm cho Sun Life Việt Nam tại TP Vinh. Sự đa dạng, khác biệt của những thành viên nhưng cùng chung tư duy, ý tưởng đã làm cho dự án này trở nên rất đặc biệt”.
Với cùng định hướng Innovation – Cải cách sáng tạo, văn phòng Vinh cũng chia sẻ những nét tương đồng từ chất liệu kim loại cho đến ý tưởng phản chiếu có thể tìm thấy ở YLounge, văn phòng trụ sở chính, hoặc flagship De La Sól của Sun Life tại TP. Hồ Chí Minh đều được thiết kế bởi The Lab Saigon.
Văn phòng tại Vinh là một trong những nơi làm việc được thiết kế đầu tiên trong chiến lược Next Move mở rộng cho đội ngũ phát triển đại lý cũng như nâng cao sự trải nghiệm mô hình dịch vụ khách hàng khác biệt, một trong những chiến lược trọng điểm xây dựng kênh phân phối xuất sắc của Sun Life Việt Nam.
Đây còn là nơi truyền cảm hứng làm việc sáng tạo và tràn đầy năng lượng tích cực cho đội ngũ nhân viên của Sun Life với cách sắp đặt của một mô hình làm việc hiện đại từ không gian làm việc mở, tự do, không có sự ngăn cách. Mỗi thành viên đều có thể thay đổi góc làm việc của mình mỗi ngày để khơi gợi cảm hứng mới, sáng tạo hơn, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết: “Khi làm việc với đội dự án bàn bạc ý tưởng cho văn phòng này, chúng tôi đều có cùng mong muốn Vinh sẽ là khởi đầu cho một chuỗi chuyển mình bùng nổ năng lượng, lan tỏa khát khao sáng tạo đến cho các khách hàng, đối tác và đặc biệt là cho chính đội ngũ nhân viên của Sun Life. Chính vì vậy, Solar Fire là một ý tưởng tuyệt vời để thể hiện điều này. Sự bùng nổ năng lượng nằm ở tính sáng tạo của thiết kế, ở tính thẩm mỹ giúp nâng cao tinh thần sáng tạo, ở sự tự do trong một văn phòng hiện đại. Tất cả nhằm đem lại nhiều sáng kiến mới cho những giải pháp tài chính, sức khỏe và tinh thần… hướng tới cuộc sống tươi sáng hơn”.
SUN – Sống sáng: Thắp sáng cho ngày mai lên
(TBTCO) – Với những khách hàng quan tâm đến đầu tư để sản sinh lợi nhuận và bảo vệ tài chính, sản phẩm SUN – Sống sáng với các quỹ đầu tư khác biệt chưa từng có tại Việt Nam cùng đặc quyền sức khỏe vàng, sẽ mang đến cơ hội tăng trưởng đầu tư giúp khách hàng xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, đồng thời bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Lần đầu tiên trên thị trường có một sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chú trọng vào giá trị cốt lõi khi khách hàng bắt đầu một kế hoạch đầu tư, đó là tạo dựng nền tảng bảo vệ vững chắc. Với 5 quỹ đầu tư đơn giản và khác biệt, trong đó có lợi thế tiên phong từ 2 quỹ Tối ưu và Đẳng cấp được thiết kế dành riêng cho các khách hàng của Sun Life, họ có thể lựa chọn tùy theo mức độ chấp nhận rủi ro và khẩu vị đầu tư.
Khi sở hữu SUN – Sống sáng, người tham gia bảo hiểm sẽ được bảo vệ thông qua Quỹ dự phòng tài chính trước các rủi ro nghiêm trọng lên đến 290 lần phí đóng hàng năm. Được thiết kế đơn giản, thông minh qua hình thức ủy thác đầu tư cho các chuyên gia hàng đầu, sản phẩm đem lại tiềm năng tăng trưởng bứt phá với 2 quỹ đầu tư hoàn toàn mới lần đầu tiên được giới thiệu tại thị trường Việt Nam: Quỹ tối ưu (theo các nhóm ngành thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng yếu); Quỹ đẳng cấp (cổ phiếu hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài).
Sản phẩm cũng mang đến cơ hội gia tăng hiệu quả đầu tư với 3 khoản thưởng hấp dẫn và dễ nhận ngay từ khi bắt đầu tham gia.
Với sự linh hoạt của sản phẩm, SUN – Sống sáng còn mang lại các quyền lợi như: chủ động rút tiền, đóng phí linh hoạt, đầu tư thêm, lựa chọn quỹ đầu tư, thay đổi kế hoạch đầu tư, thay đổi kế hoạch bảo vệ, tăng/giảm số tiền bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi người ở những thời điểm vàng của thị trường.
Ông Luc Nhon Ly – Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam cho biết: “Với mỗi sản phẩm được tung ra, chúng tôi luôn bảo đảm phải có những quyền lợi mới và tối ưu nhất cho khách hàng. SUN – Sống sáng tập trung vào giá trị bảo vệ đích thực với cơ hội tăng trưởng lợi nhận qua các quỹ đầu tư được thiết kế dành riêng cho khách hàng của Sun Life Việt Nam, đồng thời, với đặc quyền sức khỏe vàng chưa từng có trên thị trường sẽ giúp người tham gia bảo hiểm chủ động về tài chính và sức khỏe cho tương lai tươi sáng hơn”.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Xử lý kiện tụng bán bảo hiểm qua ngân hàng
(ĐTCK) – Vừa có thêm đơn tố cáo của công dân được chuyển sang cơ quan công an về việc gửi tiền tại ngân hàng có dấu hiệu bị lừa đảo thành mua bảo hiểm nhân thọ.
Thêm vụ chuyển đơn tố cáo lên C03
Thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, vào ngày 5/1/2023, cơ quan này nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Hồng Anh (ở Hà Nội) phản ánh nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam) thông qua việc giới thiệu tư vấn bảo hiểm đã có hành vi tư vấn sai lệch, đánh tráo khái niệm nhằm mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm, gây thiệt hại, qua đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Cục đã chuyển đơn của công dân đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) để xem xét, giải quyết.
Theo đơn tố cáo, giữa tháng 10/2021, chị được nhân viên Phòng giao dịch Tây Hà Nội của TPBank gửi tin nhắn thông báo giới thiệu ngân hàng này có chương trình “tiết kiệm lãi suất tốt”. Sau đó, chị đến gặp nhân viên của TPBank ký hợp đồng chuyển 100 triệu đồng. Đến giữa tháng 9/2022, do gặp trục trặc trong việc gửi tiền, chị mở lại hợp đồng cũ tìm hiểu thì mới biết đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải hợp đồng gửi tiền tiết kiệm và trong quá trình ký hợp đồng, chị không được nhân viên ngân hàng thông tin đây là bảo hiểm nhân thọ, không được tư vấn nếu năm 2 không đóng tiếp sẽ bị mất toàn bộ số tiền của năm trước.
Thông tin về vụ việc, TPBank và Sun Life Việt Nam cho biết, công ty bảo hiểm đã liên hệ với chị Hồng Anh xác nhận việc tham gia sản phẩm bảo hiểm và giải đáp thắc mắc trong thời gian cân nhắc.
Sau nhiều trao đổi qua lại, đến ngày 4/3/2023, hai bên là chị Hồng Anh và Sun Life Việt Nam đã hòa giải và thống nhất rằng, khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng đã có sự hiểu lầm về sản phẩm bảo hiểm dẫn đến thắc mắc, khiếu nại. Vì lý do cá nhân dẫn đến mục đích giao kết hợp đồng không còn, khách hàng này đã đề nghị chấm dứt hợp đồng và phía Sun Life Việt Nam đã đồng ý, đồng thời hỗ trợ khách hàng khoản tiền hơn 88 triệu đồng. Sau đó, khách hàng rút đơn khiếu nại, tố cáo đã gửi đến các cơ quan chức năng trước đó.
Đại diện Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, đang tiếp nhận nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo từ phía khách hàng về việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nhưng bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sẽ hỗ trợ 4 khách hàng gửi thẳng đơn tố cáo lên C03 mà không qua Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong đó có 2 khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong năm 2021 và 2022, có nhiều trường hợp khách hàng rơi vào tình trạng tương tự đã gửi đơn phản ánh lên Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm và đây là lần thứ 2 cơ quan này chuyển đơn sang C03, sau vụ việc đầu tiên diễn ra tại SCB. Trước đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chủ yếu chuyển đơn về doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu báo cáo.
Vị đại diện trên cũng cho biết, Tinh Hoa Việt sẽ chọn lọc những vụ việc mà khách hàng có căn cứ chứng minh bên bán bảo hiểm sai phạm, chứ không phải vụ nào cũng nhận vì trên thực tế, có những trường hợp khách hàng không bị lừa mua bảo hiểm, mà chỉ tranh thủ “đục nước béo cò” (thấy có khách hàng đòi được tiền thành công nên cũng đi kiện, trong khi đã biết đây là sản phẩm bảo hiểm nhưng vì ham lãi suất cao nên vẫn cố theo).
Theo giới chuyên gia, sau những lùm xùm liên quan tới kênh này thời gian qua, đã đến lúc công ty bảo hiểm cần thay đổi cách thức hợp tác với ngân hàng trong việc bán bảo hiểm để tránh các sai phạm, nhầm lẫn không đáng có, qua đó giúp thị trường bảo hiểm hoạt động ổn định, lành mạnh hơn.
Đối với các vụ việc đã rút đơn tố cáo, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, động thái này giúp cho thông tin tố cáo bớt bị lan truyền trên mạng xã hội, cơ quan nhận được đơn tố cáo sẽ không phải trả lời đối tượng được tố cáo về quá trình bán hàng của bên bán có sai phạm hay không, hay chỉ là nhầm lẫn. Từ đây, cơ quan nhận được đơn tố cáo sẽ có căn cứ trả lời cơ quan công an. Dù khách hàng đã rút đơn khiếu nại khép lại vụ việc, nhưng cơ quan công an vẫn có quyền điều tra những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gian dối của các đối tượng bị tố cáo…
Theo các chuyên gia pháp lý, lỗi phổ biến trong các vụ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng xuất phát từ việc đại lý đứng tên trên hợp đồng bảo hiểm không phải là người trực tiếp tư vấn cho khách hàng, đại lý bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người mua bảo hiểm (trong quá trình ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng không được tư vấn về số tiền tối đa tương đương phần trăm lương thực nhận của mình để đóng phí bảo hiểm), đại lý kê khai khống tiền lương của khách hàng để phù hợp với số tiền khách hàng định gửi tiết kiệm bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Về phía khách hàng, điểm hạn chế là thiếu thông tin, không am tường về bảo hiểm, không chủ động tìm hiểu thông tin trước khi đặt bút ký…
Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, luật sư Đỗ Hồng Sơn cho hay, căn cứ quy định tại Khoản 4, Điều 2 – Quyết định số 1799/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm là kiểm tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; hoạt động của các văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, bên tố cáo có quyền đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm trong việc tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp thông tin cho khách hàng không đúng quy định, đại lý tư vấn đánh tráo khái niệm để lừa dối khách hàng, nếu có sai phạm xử lý theo quy định pháp luật để răn đe, bảo vệ người mua bảo hiểm, giúp thị trường bảo hiểm trong sạch, lành mạnh.
Trường hợp ngân hàng sử dụng nhân viên tư vấn không có chứng chỉ đại lý bảo hiểm là vi phạm quy định pháp luật, gây thiệt hại cho khách hàng hoặc các sai phạm khác thì với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh – kiểm tra đối với ngân hàng bị khiếu nại, nếu thực sự có sai phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật để răn đe và ngăn chặn những hành vi sai phạm tương tự.
- Nhịp đập thị trường
Nên sử dụng “đặc quyền 21 ngày” khi mua bảo hiểm nhân thọ
(TBTCO) – Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có điều khoản quy định rõ ràng về việc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 1 năm được quyền cân nhắc trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được hợp đồng để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, khách hàng cần sử dụng triệt để đặc quyền này đã được pháp luật trao cho để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm.
“21 ngày vàng” để “chốt đơn”
Theo thông lệ quốc tế về triển khai bảo hiểm nhân thọ, quy định về 21 ngày cân nhắc được quy định khá phố biến ở quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Việc quy định thời gian 21 ngày cân nhắc xuất phát từ đặc thù của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là dài hạn và khách hàng phải xác định một nguồn tài chính ổn định để tham gia sản phẩm bảo hiểm, nhận quyền lợi bảo hiểm đã cam kết tại hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, khoảng thời gian cân nhắc là 21 ngày sẽ giúp khách hàng đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, xác định quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, đặc biệt là trao cho khách hàng quyền được huỷ bỏ hợp đồng và nhận lại khoản phí bảo hiểm đã đóng khi không có nhu cầu tham gia bảo hiểm.
Tại Việt Nam, điều khoản về thời gian cân nhắc 21 ngày đều có ở các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 1 năm. Quy định về thời gian cân nhắc đã chính thức được luật hóa tại Điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 (Luật KDBH) nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, tại Điều 9 Luật KDBH quy định “Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm” là hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời Điểm i Khoản 1 Điều 25 Luật KDBH quy định về trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu “Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép”.
Cùng với đó, Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định: “Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, với mọi trường hợp, khi đại lý bảo hiểm đe dọa, cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm (hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, đại lý bảo hiểm là các ngân hàng thương mại) là vi phạm pháp luật quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ưu tiên “đặc quyền 21 ngày” để bảo vệ
Trao đổi với báo giới, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ngân hàng nắm giữ lượng lớn thông tin về những khách hàng có điều kiện kinh tế, nên rất dễ khai thác sản phẩm bảo hiểm do khách hàng đặt niềm tin lớn vào ngân hàng.
Với lợi ích lớn từ việc bán bảo hiểm, cộng với sức ép chỉ tiêu tăng trưởng, cho nên dẫn đến câu chuyện có việc “ép” khách mua. Vì vậy, “để xảy ra thực trạng này là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu “vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với đạo lý và chuẩn mực văn hóa kinh doanh”. Ngoài ra, không ít khách hàng hiểu biết chưa đầy đủ về các sản phẩm tài chính và quy định pháp luật, nên bị các tư vấn viên “dỗ ngọt”- Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Để hạn chế tình trạng trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, các ngân hàng cần chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh đã có quy định tương đối rõ về trách nhiệm và chế tài với các bên liên quan.
Về phía khách hàng, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị, người mua bảo hiểm cũng cần nắm rõ pháp luật và sản phầm dịch vụ để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong các giao dịch với ngân hàng. “Khách hàng mua bảo hiểm cần đặc biệt lưu ý sử dụng một “vũ khí pháp luật rất lợi hại” mà pháp luật trao cho để bảo vệ mình – đó là quy định tại Điều 35 về “Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm”, tại Luật KDBH: trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (loại có thời hạn trên 1 năm), bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng khuyến nghị, khách hàng đọc kỹ các thông tin gồm thời hạn hợp đồng, giá trị bảo vệ sinh mạng, sức khỏe để nhận biết giữa hợp đồng bảo hiểm với các dạng hợp đồng khác.
“Trong rất nhiều trường hợp nhân viên tư vấn thường tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dưới danh nghĩa là hợp đồng đầu tư làm khách hàng hiểu nhầm. Do đó, trong mọi trường hợp khi đến ngân hàng khách hàng cần chủ động ghi âm nội dung tư vấn, hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn tóm tắt nội dung tư vấn rồi ký tên vào phần tóm tắt đó để có căn cứ sau này xử lý vấn đề nếu phát sinh tranh chấp” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.
- Bảo hiểm với cộng đồng
ABIC tổ chức chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường”
(ABIC) – Ngày 11/03/2023, Bảo hiểm Agribank thiện nguyện tại Trường Tiểu học & THCS Tân Thanh 2, xã Tân Thanh, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang. Sau chặng đường dài, Đoàn thiện nguyện do ông Quách Tá Khang – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank làm Trưởng đoàn, cùng với sự hỗ trợ của Agribank chi nhánh Tuyên Quang, chi nhánh huyện Sơn Dương đã tới thăm và tặng quà trường tiểu học & THCS Tân Thanh 2 gồm:Trao tặng giếng khoan, máy lọc nước; 10 xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó; 5 suất học bổng khuyến học cho các em có hoàn cảnh khó khăn; tặng sách xây dựng tủ thư viện và nhiều phần quà khác giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.
Sau buổi thiện nguyện, Bảo hiểm Agribank tổ chức chương trình “Về nguồn”, đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào – “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”, nơi gắn liền với những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) giành thắng lợi vẻ vang.
Chương trình “Cùng em đến trường” là hoạt động ý nghĩa khơi dậy lòng nhân ái, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng. Chuyến đi thiện nguyện thành công và kết thúc trong những nụ cười hạnh phúc, cái bắt tay và ánh mắt ấm áp của các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây.
- Tin quốc tế
Lợi nhuận ròng bảo hiểm phi nhân thọ của Úc tăng trưởng 34,4%
(INA) – Cơ quan quản lý bảo hiểm Úc (APRA) cho biết, ngành bảo hiểm phi nhân thọ nước này đạt mức tăng trưởng 34,4% lợi nhuận ròng cho cả năm tài chính (FY2022) kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Thống kê hiệu suất bảo hiểm chung hàng quý cho thấy ngành này đã đạt được lợi nhuận ròng 2,3 tỷ đô la Úc (1,51 tỷ đô la) so với 1,7 tỷ đô la Úc (1,12 tỷ đô la) từ năm trước (năm tài chính 2021).
Báo cáo cũng cho thấy mức tăng 9,2% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của ngành lên 62,8 tỷ đô la Úc (41,3 tỷ đô la) từ 57,5 đô la Úc (37,8 tỷ đô la) trong năm 2021.
Theo APRA, sự gia tăng này là do kết quả đánh giá rủi ro tốt hơn do tổng phí bảo hiểm thu được ngày càng tăng ở tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết ngành bảo hiểm phi nhân thọ đã ghi nhận khoản lỗ 1,7 tỷ đô la Úc (1,12 tỷ đô la) trong thu nhập đầu tư. Điều này xuất phát từ các khoản lỗ chưa thực hiện đối với các khoản đầu tư chịu lãi suất do lợi suất trái phiếu tăng trong suốt cả năm.
Doanh thu khai thác mới của AIA giảm 5%
(INA) – Tập đoàn AIA ghi nhận giá trị khai thác mới (VONB) năm tài chính (FY2022) kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022 giảm 5% từ mức 3,37 tỷ USD của năm trước (FY2021).
Công ty bảo hiểm giải thích nguyên nhân cho tác động bất lợi từ làn sóng biến thể Omicron, tuy nhiên trong nửa sau của năm tài chính, VONB đã tăng 6% lên 1,56 tỷ đô la so với 1,55 tỷ đô la so với năm tài chính trước đó (2H2021) do số ca nhiễm biến thể mới COVID-19 giảm xuống.
Ông Lee Yuan Siong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn AIA, nói: “Kỷ luật tài chính nhất quán của chúng tôi và tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh có hiệu lực chất lượng cao của AIA đã hỗ trợ tăng cả OPAT và UFSG. Tình hình tài chính của Tập đoàn vẫn rất vững mạnh bất chấp những biến động đáng kể của thị trường vốn vào năm 2022, với thặng dư tự do tăng lên 23,7 tỷ USD trước khi chi trả cổ tức cho các cổ đông và tỷ lệ chi trả LCSM của Tập đoàn là 283%”.
Ông Lee cũng cho biết 5 lĩnh vực hoạt động của AIA đạt mức tăng trưởng VONB dương, bao gồm AIA Hồng Kông và AIA Singapore với mức tăng trưởng lần lượt là 4% và 7%.
Swiss Re ký kết thỏa thuận vốn thay thế trị giá 700 triệu USD với J.P. Morgan
(INA) – Swiss Re đã thông báo về việc hoàn tất giao dịch stop-loss kéo dài nhiều năm với J.P. Morgan, cung cấp cho công ty tái bảo hiểm khoản bảo vệ trị giá 700 triệu đô la khỏi những tổn thất nghiêm trọng trong các năm tài chính 2023-2027.
Thỏa thuận stop-loss cũng sẽ hỗ trợ Swiss Re theo đuổi mục tiêu tăng trưởng có lãi trong điều kiện thị trường thuận lợi và mang lại lợi ích cho các yêu cầu về vốn theo quy định và xếp hạng.
Theo Philipp Rüede, Giám đốc đối tác vốn thay thế của Swiss Re, giao dịch cắt lỗ với J.P. Morgan sẽ cung cấp cho công ty “nguồn vốn tiết kiệm chi phí có thể triển khai trong thị trường hấp dẫn hiện tại”.
Ông Rüede nói thêm rằng thỏa thuận này thể hiện một bước nữa trên hành trình Đối tác vốn thay thế của mình. Ông nói: “Chúng tôi đang tăng cường sử dụng vốn thay thế để đáp ứng nhu cầu quản lý vốn rộng lớn hơn và giảm chi phí vốn chủ sở hữu của Swiss Re”.
Tỷ lệ kết hợp bảo hiểm P&C của Hannover Re APAC giảm xuống 126,1% trong năm 2022
(INA) – Hannover Re ghi nhận mức giảm 126,1% đối với tỷ lệ hoạt động kết hợp của mảng tái bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C) tại Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) trong cả năm tài chính (FY2022) kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, từ mức 91,6% của năm trước đó (FY2021).
Báo cáo tài chính của Hannover Re tiết lộ rằng mảng bảo hiểm APAC P&C đã rơi vào khoản lỗ trị giá 544,1 triệu euro (576,2 triệu đô la) so với lợi nhuận trị giá 299,6 triệu euro (317,3 triệu đô la) từ năm tài chính 2021.
Hannover Re đã trích dẫn các chi phí đáng kể liên quan đến đại dịch COVID-19 và các thảm họa tự nhiên trên toàn khu vực là nguyên nhân dẫn đến thua lỗ.
Công ty nói thêm rằng tổn thất liên quan đến đại dịch trong bảo hiểm tai nạn và sức khỏe “cao hơn đáng kể so với dự kiến”.
Hannover Re cho biết: “Các yếu tố chính ở đây là số trường hợp cao liên quan đến biến thể Omicron cũng như những thay đổi về quy định, có tác động tiêu cực đến phạm vi bảo hiểm được cung cấp bởi các hợp đồng bảo hiểm cơ bản. Một trong những nguyên nhân là công ty bảo hiểm phải chi trả khoản trợ cấp hàng ngày cho việc cách ly tại nhà”.
Mosaic Insurance khai trương văn phòng tại Singapore
(INA) – Bảo hiểm Mosaic đã công bố khai trương văn phòng mới tại Singapore để phát triển hoạt động kinh doanh trên toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).
Văn phòng mới, tọa lạc tại khu thương mại trung tâm trên đường Battery, là văn phòng thứ tám của công ty bảo hiểm kể từ khi ra mắt vào ngày 4 tháng 2 năm 2021.
Nghiệp đoàn Lloyd’s Syndicate 1609, do Asta quản lý, sẽ cung cấp năng lực đánh giá rủi ro cho nền tảng Mosaic Singapore.
Để phù hợp với điều này, Mosaic đã tuyển dụng hai chuyên gia đánh giả rủi ro chuyên biệt để lãnh đạo văn phòng mới, đó là ông Benn Wilson, người sẽ giữ chức vụ Giám đốc điều hành khu vực và Trưởng bộ phận trách nhiệm pháp lý giao dịch của Mosaic ở Châu Á, và ông Edwin Chau, Giám đốc trách nhiệm pháp lý giao dịch.
Trước khi gia nhập Mosaic, ông Wilson là cố vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và tư nhân (M&A) cho Ashurst LLP và cố vấn nội bộ cho công ty viễn thông Ooredoo.
Ông Chau trước đây đã làm việc cho AIG trong ba năm, nơi anh chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro bảo hiểm trách nhiệm giao dịch ở APAC và cho Aon với tư cách là Giám đốc nhóm rủi ro giao dịch trong sáu năm.
Lợi nhuận khai thác mới của Prudential giảm xuống còn 2,18 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022
(INA) – Tập đoàn Prudential cho biết lợi nhuận hoạt động khai thác mới năm 2022 ở mức 2,18 tỷ đô la Mỹ – thấp hơn lần lượt là 14% và 11% so với năm tài chính 2021 trên cơ sở tỷ giá hối đoái thực tế (AER) và tỷ giá hối đoái cố định (CER).
Công ty bảo hiểm cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do lãi suất cao hơn và hiệu ứng hỗn hợp kinh doanh.
Bù lại, công ty đạt mức doanh thu tương đương phí bảo hiểm hàng năm (APE) cao hơn, lần lượt tăng 9% và 5% trên cơ sở CER và AER, lên 4,39 tỷ USD.
Allianz vận hành kinh doanh bảo hiểm thương mại toàn cầu theo mô hình mới
(INA) – Tập đoàn Allianz đã tái cấu trúc phân khúc bảo hiểm thương mại toàn cầu của mình dưới dạng một doanh nghiệp tiếp cận thị trường với tên giao dịch là Allianz Commercial.
Trong một thông báo, Tập đoàn Allianz cho biết cách tiếp cận tích hợp mới của họ bao gồm hoạt động kinh doanh Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS) phục vụ các khách hàng doanh nghiệp lớn và hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các tổ chức điều hành Allianz phục vụ các tài khoản quy mô trung bình ở quốc gia.
Mô hình toàn cầu mới sẽ cho phép Allianz mở rộng việc cung cấp sản phẩm của mình.
Tập đoàn Allianz cho biết thêm rằng khách hàng và đối tác phân phối của họ sẽ “trải nghiệm các phương pháp đánh giá rủi ro nhất quán và tiếp cận các giải pháp bảo hiểm hài hòa được phối hợp toàn cầu và phân phối tại địa phương với một giao diện thị trường” thông qua mô hình mới.
Ông Chris Townsend, thành viên Hội đồng quản trị Allianz SE, cho biết: “Allianz Commercial cho phép chúng tôi cung cấp toàn bộ giá trị của quy mô và toàn bộ khả năng của Allianz vì lợi ích của khách hàng, nhà môi giới và cổ đông.
New Zealand: Lũ lụt ở Đảo Bắc gây thiệt hại được bảo hiểm kỷ lục 1,03 tỷ USD
(AIR) – PERILS, tổ chức độc lập có trụ sở tại Zurich cung cấp dữ liệu bảo hiểm thảm họa toàn ngành, đã tuyên bố rằng lũ lụt ở Đảo Bắc ở New Zealand, trong khoảng thời gian từ ngày 27 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2023, đã dẫn đến sự kiện thời tiết tốn kém nhất đối với ngành bảo hiểm trong khu vực từ trước đến nay.
Ước tính ban đầu của PERILS về tổn thất thị trường được bảo hiểm, dựa trên dữ liệu tổn thất được thu thập từ phần lớn thị trường bảo hiểm New Zealand, là 1.650 triệu NZD (1.025 triệu USD).
Những trận mưa lớn từ ngày 27 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 đã dẫn đến lũ lụt ở Auckland và các vùng lân cận của Đảo Bắc. Sự kiện này xuất phát từ tình trạng thời tiết ấm áp và ẩm ướt bất thường trong suốt mùa hè mà đỉnh điểm là những trận mưa bão kỷ lục. Những điều này đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng do phù sa, sông ngòi và nước thải ảnh hưởng đến một số lượng lớn tài sản được bảo hiểm. Bốn người đã chết trong sự kiện này và hàng nghìn người đã phải sơ tán sau khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp báo động đỏ hiếm hoi.
Mặc dù những trận mưa bão tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ nhưng không ảnh hưởng tới các thành phố lớn. Còn năm nay, Auckland đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong trường hợp này.
Ông Darryl Pidcock, Giám đốc PERILS Châu Á-Thái Bình Dương, nhận xét: “Sự kiện này chưa từng có và là tổn thất lớn nhất trong lịch sử ngành bảo hiểm liên quan đến thời tiết đối với New Zealand. Đây là sự kiện tổn thất thảm họa lớn thứ ba trong lĩnh vực này, chỉ sau Trận động đất Canterbury năm 2010/2011 và Trận động đất Kaikoura năm 2016.
“Ngoài ra, Bão Gabrielle đi qua khu vực Đảo Bắc chỉ mười ngày sau Trận lũ lụt ở Đảo Bắc, gây ra thiệt hại đáng kể và khiến nhiều người mất nhà cửa. Đối với hai sự kiện thời tiết cực đoan như vậy xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng có trong lịch sử gần đây của New Zealand và đây là dịp để kiểm tra sự hiểu biết hiện tại của ngành bảo hiểm về những nguy cơ này.”
Thị trường bảo hiểm Bangladesh trên con đường số hóa
(AIR) – Ngành bảo hiểm Bangladesh đang tiến hành chuyển đổi kỹ thuật số. Theo đó, Cơ quan quản lý và phát triển bảo hiểm (IDRA) có kế hoạch đưa tất cả các công ty tư nhân về một nền tảng thông qua tự động hóa hoặc InsurTech.
Cơ quan quản lý cho biết việc đưa các công ty bảo hiểm vào một nền tảng thông qua số hóa sẽ cải thiện trải nghiệm của khách hàng vì việc thu phí bảo hiểm và giải quyết bồi thường sẽ được thực hiện trực tiếp trực tuyến. Từ đó giảm thiểu tình trạng quấy rối khách hàng, không thanh toán phí bảo hiểm, chiếm dụng tiền, không thanh toán yêu cầu bảo hiểm và nhiều rắc rối khác.
IDRA đã và đang làm việc để đẩy nhanh quá trình số hóa. Cơ quan này bắt buộc các công ty bảo hiểm phải sử dụng biên lai điện tử vào tháng 12 năm 2021. Ngoài ra, mọi giao dịch đơn lẻ với các công ty bảo hiểm đều được thông báo ngay lập tức bằng điện tử cho khách hàng, do đó đảm bảo tính minh bạch.
Theo chỉ thị được ban hành vào năm 2021, mọi công ty bảo hiểm đều phải thiết lập một hệ thống máy tính độc lập bằng cách phối hợp phần mềm kế toán tích hợp và phần mềm quản lý hợp đồng với cơ sở dữ liệu trung tâm.
IDRA cho biết, giờ đây tất cả các công ty bảo hiểm đã cung cấp một số hoặc tất cả các dịch vụ của mình thông qua kỹ thuật số, phát triển phần mềm tùy chỉnh.
Chủ tịch IDRA Mohammad Jainul Bari cho biết, “Chúng tôi đang thực hiện Dự án Phát triển Ngành Bảo hiểm Bangladesh do Ngân hàng Thế giới tài trợ.”
Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực thể chế của cơ quan quản lý và các tập đoàn bảo hiểm nhà nước và tăng phạm vi bảo hiểm ở Bangladesh. Cơ quan quản lý sẽ được kết nối với các công ty bảo hiểm khi ra mắt công nghệ InsurTech và tự động hóa hoàn toàn.
Ông Sheikh Kabir Hossain, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Bangladesh kiêm Chủ tịch Sonar Bangla Insurance, nói: “Số hóa lĩnh vực bảo hiểm hiện đã được cải thiện.” Giờ đây, khách hàng có thể theo dõi toàn bộ quá trình bảo hiểm của mình.
BTV (Tổng hợp).