Bảo hiểm D&O sẽ đắt đỏ hơn vì an ninh mạng; AIA và Generali vẫn sinh lời dù COVID-19; Sun Life ra mắt bảo hiểm hưu trí mới cho DN
I. Tin trong nước
1. Tin bồi thường, tổn thất
TP.HCM: Cháy nhà ở Quận 7 trong tối 15/3
(TNO) – Một căn nhà ở P.Tân Thuận Tây (Q.7, TP.HCM) bị cháy trong tối 15.3, gây nhiều thiệt hại về tài sản, rất may không xảy ra thương vong về người.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 18 giờ 40 ngày 15.3, người dân sống trên đường 5K (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM) bất ngờ phát hiện lửa bốc cháy dữ dội từ một căn nhà nên hô hoán nhau dập lửa. Tuy nhiên ngọn lửa bốc cháy lớn và gây nguy hiểm cho người dân nên không ai có thể tiếp cận đám cháy.
Nhận được tin báo cháy, Công an TP.HCM đã điều động nhiều xe chữa cháy từ các quận 7, 4 cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.
Đến khoảng 19 giờ 30 cùng ngày (15.3), ngọn lửa được dập tắt, vụ việc chỉ gây thiệt hại về tài sản, may mắn không xảy ra thương vong.
Được biết, hiện trường vụ cháy chứa nhiều hàng hóa cũ và hàng thanh lý như bàn ghế, đồ điện tử. Thời điểm cháy có người trong căn nhà nhưng đã kịp thời thoát ra. Một số người dân xung quanh cũng hoảng hốt tri hô nhau di tản đồ đạc ra xa đám cháy do thấy lửa bốc cháy quá lớn.
“Tôi đi đường thì thấy người dân la hét, lúc chạy đến thì thấy căn nhà cháy to. Mọi người tìm cách lại gần dập lửa nhưng cháy quá lớn không làm gì được”, một nhân chứng nói.
Vụ hỏa hoạn cũng thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người dân đến theo dõi. Đến 20 giờ 30, hiện trường vụ cháy đã được xử lý, Công an Q.7 đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra nguyên nhân vụ việc.
2. Một vòng doanh nghiệp
Sun Life Việt Nam ra mắt bảo hiểm hưu trí mới cho doanh nghiệp
(ĐTCK) – Sau hơn 7 năm tiên phong cung cấp sản phẩm Bảo hiểm hưu trí cho hàng chục ngàn người lao động, mới đây Sun Life Việt Nam lại cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm hưu trí mới SUN – Trọn đời bình an.
Sản phẩm bao gồm những quyền lợi nổi bật như: Tần suất đóng phí linh hoạt, Doanh nghiệp lựa chọn đóng góp cho người lao động/ hoặc người lao động cùng đóng góp theo phương thức định kỳ tháng, quý hoặc năm; Tài khoản hưu trí riêng biệt cho từng cá nhân, khoản đóng góp được phân bổ vào từng tài khoản bảo hiểm cho từng cá nhân người lao động.
Số tiền trong tài khoản bảo hiểm được tập hợp vào một Quỹ do công ty bảo hiểm quản lý, đầu tư và chi trả lãi suất tích lũy, theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong suốt thời hạn bảo hiểm, nếu người lao động không may gặp rủi ro, Sun Life Việt Nam sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm (theo quy định của hợp đồng) cho người lao động hoặc người thụ hưởng.
Đối với các doanh nghiệp sản phẩm sẽ là công cụ xây dựng chính sách phúc lợi hấp dẫn để thu hút và gìn giữ nhân tài; Chủ động, linh hoạt điều chỉnh chương trình phúc lợi theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và Hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, đối với Người lao động sản phẩm này chính là công cụ tích lũy hưu trí hiệu quả; Linh hoạt đóng góp thêm; Hưởng quyền lợi đảm bảo về bảo vệ trước các rủi ro; Hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.
PTI trao giải thưởng H.I.O trị giá 200 triệu đồng
(PTI) – Ngày 15 tháng 3 năm 2021, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã tổ chức lễ trao giải thưởng Personal Hole in One cho golfer Nguyễn Hải Linh.
Giải thưởng mà anh Linh nhận được trị giá 200 triệu đồng dành cho những người chơi golf đăng ký qua Intergolf và Vietnamgolf. Đây là sản phẩm bảo hiểm hợp tác đầu tiên giữa PTI, Intergolf và Vietnamgolf nhằm mang đến cho khách hàng những giá trị gia tăng khi tham gia chơi golf tại hệ thống 78 sân golf đang hoạt động và 43 sân đang trong giai đoạn phát triển tại Việt Nam.
Phát biểu khi nhận giải thưởng, anh Linh cho biết bản thân rất bất ngờ khi đánh được cú H.I.O đồng thời bày tỏ hy vọng trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều golfer may mắn giành được giải thưởng lớn như mình.
Đại diện PTI cho biết, sản phẩm H.I.O cá nhân của doanh nghiệp này được đánh giá là vô cùng phù hợp với xu hướng phát triển của loại hình du lịch golf ở Việt Nam hiện nay. Trong tương lai, các bên sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm khác hữu ích hơn dành cho các golfer.
Trước đó, vào tháng 02/2021, PTI đã chính thức ký kết hợp tác ba bên với Intergolf và Vietnamgolf nhằm bồi thường giải thưởng Personal Hole in One cho những người chơi golf đăng ký qua Intergolf và Vietnamgolf với giá trị bảo hiểm lên đến 200 triệu đồng/lần đánh trúng H.I.O. Hiện tại, PTI đang là doanh nghiệp đứng thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với uy tín cùng hơn 100 sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao, có mức phí cạnh tranh và chất lượng dịch vụ chăm sóc khác hàng tốt.
PJICO đào tạo hướng dẫn sử dụng phần mềm hỗ trợ bán bảo hiểm qua hệ thống Petrolimex
(PJICO) – Ngày 16/03/2021, tại Hà Nội, Tổng Công ty PJICO tổ chức lớp đào tạo hướng dẫn sử dụng phần mềm hỗ trợ bán bảo hiểm qua hệ thống Petrolimex cho gần 100 học viên là các Cửa hàng trưởng/cán bộ nghiệp vụ Cửa hàng xăng dầu thuộc Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu Hà Nội – Công ty Xăng dầu Khu vực I.
Có lợi thế về kênh phân phối sản phẩm qua mạng lưới gần 2.600 Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex trên toàn quốc, PJICO được coi là nhà bảo hiểm có hệ thống bán lẻ lớn nhất thị trường bảo hiểm Phi nhân thọ Việt Nam. Riêng tại Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu Hà Nội, theo thống kê, doanh thu khai thác bảo hiểm liên tục tăng trưởng qua các năm, trong đó, năm 2020, đạt doanh thu gần 16,4 tỷ đồng.
Theo Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ Xe cơ giới có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 01/03/2021, khi mua bảo hiểm bắt buộc, bên cạnh cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm như thường lệ, doanh nghiệp bảo hiểm được phép cấp Giấy chứng nhận “điện tử” cho chủ xe. Với thế mạnh về nền tảng công nghệ thông tin, PJICO là doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam triển khai cấp bảo hiểm TNDS bắt buộc điện tử, giúp khách hàng giao dịch thuận tiện, nhanh chóng.
Buổi đào tạo tập trung các nội dung hướng dẫn sử dụng phần mềm cấp ấn chỉ bảo hiểm điện tử, cập nhật thông tin thay đổi theo Nghị định mới; tư vấn kỹ năng tiếp thị bán hàng, quản lý hiệu quả khách hàng. Thông qua buổi đào tạo, PJICO cũng có dịp lắng nghe các chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của cán bộ đại lý trong công tác bán bảo hiểm và tư vấn hướng xử lý tốt nhất các tình huống phát sinh xảy ra.
Trong thời gian tới, PJICO sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo tương tự cho toàn hệ thống đại lý Petrolimex.
3. Quản lý thị trường bảo hiểm
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp bảo hiểm
(TBTCVN) – Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính bổ sung nhiều quy định mới đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc sửa đổi luật này sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Theo số liệu thống kê, tính tới cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm tại Việt Nam có 70 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của toàn thị trường tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 552.403 tỷ đồng (năm 2020). Tổng số tiền các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế tăng trưởng bình quân 24%/năm, đạt 460.457 tỷ đồng. Dự phòng nghiệp vụ tăng bình quân 23%/năm, đạt 355.240 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 19%/năm, đạt 184.662 tỷ đồng.
Cùng với đó, vốn chủ sở hữu của các DNBH tăng bình quân 38%/năm, đạt 113.523 tỷ đồng năm 2020, trong đó vốn chủ sở hữu của các DNBH phi nhân thọ đạt 31.035 tỷ đồng, DNBH nhân thọ đạt 82.488 tỷ đồng.
Cũng tính đến hết năm 2020, mạng lưới hoạt động của thị trường bảo hiểm được mở rộng, các DNBH đã có tới hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc và thực hiện bồi thường. Hệ thống đại lý bảo hiểm và nhân viên được đào tạo bài bản và từng bước đi vào hoạt động chuyên nghiệp hơn; các kênh phân phối mới cũng đã bước đầu có đóng góp nhất định vào mở rộng thị trường, trong đó kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu phí toàn thị trường.
Theo thống kê của các DNBH, khoảng 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước đã được các DNBH bảo vệ về mặt tài chính trong trường hợp xảy ra sự kiện bảo hiểm mà không cần phải sử dụng đến nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại từ ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện chính sách tài khóa. Trong giai đoạn 2000 – 2020, các DNBH đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng. Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới và khu vực, các cơ chế chính sách đối với DNBH cần được cập nhật, phù hợp với sự phát triển của thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với đó, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hiểm càng ngày càng tăng. Sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dẫn đến nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng lớn. Trong khi đó, một số DNBH chưa mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ thông tin nên việc ứng dụng thành tựu công nghệ còn chưa đồng đều, chưa sâu.
Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, việc sửa đổi luật sẽ cho phép các DNBH tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với DNBH; tiết kiệm được chi phí.
Theo đó, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung phạm vi hoạt động sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác cho DNBH; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các DNBH đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập DNBH mới.
Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung toàn bộ các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro, đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình, xác định, đánh giá, đo lường, giám sát, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của DNBH.
Về hoạt động nghiệp vụ, dự thảo đã bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép DNBH chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài và những điều không được phép trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ; bổ sung yêu cầu công khai thông tin thường xuyên; bổ sung yêu cầu công khai thông tin bất thường khi phát hiện gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến toàn ngành bảo hiểm..
4. Tin quốc tế
Bảo hiểm D&O sẽ đắt đỏ hơn vì an ninh mạng
(IBM) – Hội đồng quản trị và người quản lý tại doanh nghiệp sẽ sớm chịu trách nhiệm bảo vệ tổ chức, cổ đông và khách hàng trước các rủi ro mạng khi những kẻ tấn công mạng tiếp tục lợi dụng môi trường làm việc tại nhà –điều này có khả năng làm tăng phí bảo hiểm trách nhiệm Giám đốc và người điều hành (D&O).
Đoạn 36 của Chiến lược An ninh mạng của Australia 2020, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton công bố năm ngoái, tuyên bố rằng chính phủ sẽ tham vấn với các doanh nghiệp để xem xét các lựa chọn cải cách, bao gồm “vai trò của luật bảo vệ quyền riêng tư, người tiêu dùng và dữ liệu; nhiệm vụ đối với giám đốc công ty và các chủ thể kinh doanh khác; và nghĩa vụ đối với nhà sản xuất thiết bị kết nối internet”.
Theo một báo cáo trên Tạp chí Australian Financial Review, các chuyên gia tư vấn về an ninh mạng và chuyên gia rủi ro cho biết Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm chủ trì tham vấn mạng, sẽ thực hiện các quy tắc tương tự như Tiêu chuẩn CPS 234 của Cơ quan quản lý Prudential Australia (APRA).
Quy định này quy định hội đồng quản trị, cán bộ quản lý cấp cao, bộ phận quản lý và các cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các biện pháp kiểm soát để bảo vệ tài sản thông tin bằng cách thực hiện kiểm tra và đảm bảo có hệ thống về hiệu quả của các biện pháp kiểm soát an toàn thông tin.
Quy định mới khiến các giám đốc và người điều hành có nguy cơ bị kiện tụng do tội phạm mạng. Do đó, bảo hiểm D&Ocó thể trở nên đắt đỏ hơn.
Đài Loan: Gia đình của 9 ngư dân mất tích nhận tiền bảo hiểm
(IBM) – Cơ quan Nghề cá Đài Loan đã yêu cầu chủ tàu đánh cá nộp đơn yêu cầu bảo hiểm cho 9 thuyền viên Indonesia mất tích trên biển cùng với thuyền trưởng người Đài Loan của họ.
Focus Taiwan đưa tin, gia đình của các ngư dân mất tích dự kiến mỗi người sẽ nhận được 1 triệu Đài tệ (47.500 đô la Singapore) từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà nhà điều hành tàu đánh cá đã thay mặt họ thực hiện. Chính phủ yêu cầu các công ty đánh cá cung cấp bảo hiểm cho các thuyền viên.
Cơ quan Nghề cá đã trao 50.000 Đài tệ tiền thăm hỏi cho gia đình thuyền trưởng, cũng như khoản hỗ trợ cứu trợ trị giá 1,5 triệu Đài tệ.
Vào ngày 01 tháng 01, tàu Yong Yu Sing số 18 được chủ tàu là vợ của thuyền trưởng thông báo mất tích sau khi mất liên lạc với tàu này vào ngày 30 tháng 12. Trung tâm Chỉ huy Cứu hộ Quốc gia Đài Loan, với sự trợ giúp của lực lượng Hoa Kỳ, đã phát động chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn trước khi tìm thấy con thuyền cách đảo san hô Midway 606 hải lý về phía đông vào ngày hôm sau.
Không có dấu hiệu của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, và chiếc thuyền đang trôi, cho thấy nó đã bị mất điện. Vào ngày 8 tháng 3, chiếc thuyền đã được kéo trở lại Su’ao ở huyện Yilan.
Theo Cơ quan Thủy sản, một cuộc điều tra đang được tiến hành về sự biến mất của 10 ngườikể trên.
Người chơi mới trên thị trường bảo hiểm chiến tranh và khủng bố
(IBM) – Mosaic Insurance, nền tảng bảo hiểm đặc biệt vừa ra mắt hoạt động vào tháng trước, đã công bố đợt chào bán đầu tiên của mình.
Liên doanh bảo hiểm mới đã bắt đầu cấp đơn các rủi ro chiến tranh, khủng bố và bạo lực chính trị trên toàn cầu tại các văn phòng của Mosaic ở Luân đôn và New York. Phạm vi bảo hiểm sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu, bao gồm các rủi ro về tài sản thương mại, công nghiệp và dân cư liên quan đến các hành động khủng bố và phá hoại, thiệt hại độc hại, đình công, bạo loạn, bạo động dân sự và nguy cơ chiến tranh trên toàn thế giới.
Chủ trì về nghiệp vụ là ông Quentin Prebble với hơn bốn thập kỷ kinh nghiệm đánh giá rủi ro tại thị trường Luân đôn. Ông là một trong những chuyên gia đầu tiên viết về nguy cơ khủng bố độc lập sau vụ tấn công 11/9. Gần đây nhất, ông là Giám đốc toàn cầu về bảo hiểm hàng hải, bao gồm cả chiến tranh và khủng bố, tại nghiệp đoàn Pembroke của Ironshore.
Nhân sự chủ chốt của liên doanh còn cóPhó chủ tịch cấp cao Jamie Oliver,chuyên gia đánh giá rủi ro cấp cao và Heather Blaser và chuyên gia đánh giá rủi ro Michael Glover. Theo Mosaic, các nhân viên có kinh nghiệm sẽ tiếp tục được tuyển dụng trong vài tháng tới.
Ông Mitch Blaser, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Mosaic, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi ra mắt những sản phẩm đầu tiên của mình và xây dựng một đội ngũ vô song gồm những tài năng giỏi nhất trong lĩnh vực kinh doanh chuyên biệt này.
“Ngày nay, lĩnh vực bạo lực chính trị có mức độ liên quan nhiều hơn bao giờ hết và vị trí độc đáo của Mosaic khiến chúng tôi trở thành đối tác đáng tin cậy cho những khách hàng yêu cầu loại bảo hiểm này”.
Theo Mosaic, nhiều loại sản phẩm chống khủng bố độc lập của họ có thể được cấp đơn dưới dạng sản phẩm bảo hiểm chính, mức dôi hoặc chia sẻ hạn mức để giảm thiểu thiệt hại, chi phí gián đoạn kinh doanh hoặc doanh thu bán hàng bị mất trong trường hợp bị tấn công hoặc đe dọa.
Mosaic kết hợp cùng Nghiệp đoàn 1609 của Lloyd’s – đơn vị có bộ phận quản lý vốn trực thuộc và các trung tâm đánh giá rủi ro ở Bermuda, London, Hoa Kỳ và Châu Á.
Công ty cho biết: “Mosaic sẽ hoạt động như một thị trường dẫn đầu, với công suất tối đa là 50 triệu đô la Mỹ cho bất kỳ rủi ro nào, và thông qua hoạt động tại Hoa Kỳ sẽ cung cấp khả năng bảo hiểm tới 250 triệu đô la nhờ năng lực vốn của nghiệp đoàn”.
Mosaic cũng sẽ triển khai một số nghiệp vụ bảo hiểm chuyên biệt phức tạp trong năm.
AXA Partners gia hạn quan hệ hợp tác bảo hiểm du lịch với Ancileo
(IBM) – AXA Partners và nhà cung cấp phần mềm bảo hiểm Ancileo đã gia hạn quan hệ đối tác giữa hai bên nhằm khai thác các cơ hội khác nhau trong ngành du lịch hậu COVID.
Thỏa thuận ban đầu được ký cách đây 3 năm, cho phép phân phối kỹ thuật số tại 19 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và Trung Đông với 18 đối tác phân phối.
Theo thỏa thuận được gia hạn, Ancileo sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp kỹ thuật số bảo hiểm nhúng end-to-end của AXA Partners cho các đối tác phân phối của mình. Ancileo cũng sẽ tìm cách mở rộng danh sách các đối tác và sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử của các công ty trong ngành. Sự hợp tác sẽ tập trung vào các nền tảng kỹ thuật số và phân phối hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cá nhân hóa, sự nhanh nhẹn và tốc độ tiếp cận thị trường.
Ancileo cho biết, công cụ cá nhân hóa sâu thực hiện các bài kiểm tra thời gian thực của hàng trăm cách kết hợp các lợi ích sản phẩm, giá cả và hiển thị những lợi ích này tùy thuộc vào phân khúc khách hàng mục tiêu.
Ông Xavier Blanchard, Giám đốc điều hành Bảo hiểm du lịch kiêm Giám đốc toàn cầu về Bảo hiểm du lịch tại AXA Partners, cho biết: “Sự mong muốn đi du lịch sau COVID là rất phổ biến, với trọng trách đang đặt lên vai ngành bảo hiểm.
“Để hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng này, năng lực thương mại điện tử tiên tiến là yếu tố then chốt, đặc biệt là đối với các mô hình tùy chọn gây ra thách thức kỹ thuật lớn hơn đối với thương mại điện tử. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Ancileo sẽ đóng góp quan trọng vào việc đáp ứng những thách thức này, giải quyết tốt hơn nhu cầu của đối tác và củng cố vị thế của chúng tôi với tư cách là công ty bảo hiểm hàng đầu”.
Ông Olivier Michel, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Ancileo, nói thêm: “Ba năm trước, khi hầu hết các công ty bảo hiểm toàn cầu vẫn đang cố gắng cạnh tranh với các công ty bảo hiểm công nghệ cao, các nhóm tại AXA Partners đã hiểu rõ lợi ích của mối quan hệ đối tác bền chặt giữa các công ty bảo hiểm và người bảo hiểm. Dựa trên sự hợp tác thành công này, giờ đây chúng tôi đặt mục tiêu tăng tốc tiềm năng của việc phân phối bảo hiểm được cá nhân hóa thông qua hệ sinh thái kỹ thuật số”.
Lloyd’s vượt qua cột mốc quan trọng trong việc chuyển đổi sang hệ sinh thái kỹ thuật số
(IBM) – Lloyd’s đã công bố việc xuất bản phiên bản đầu tiên của Bản ghi dữ liệu cốt lõi (CDR), nhằm mục đích đảm bảo cung cấp dữ liệu chất lượng, tiêu chuẩn hóa lưu thông qua thị trường của Lloyd’s để cải thiện hoạt động, giảm chi phí và nỗ lực kinh doanh cũng như cải thiện dịch vụ khách hàng.
Việc xuất bản CDR là một cột mốc quan trọng cho chương trình Lloyd’s Blueprint Two, giai đoạn thứ hai của chiến lược “Tương lai tại Lloyd’s” nhằm chuyển thị trường sang hệ sinh thái kỹ thuật số. Lloyd’s đang cộng tác với ACORD để áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu đã được sử dụng tại thị trường Luân Đôn và quốc tế.
Lloyd’s cũng đang tiến hành một cuộc tham vấn trên toàn thị trường để tìm kiếm ý kiến đóng góp và phản hồi về phiên bản đầu tiên của CDR. Điều này bao gồm làm việc với một nhóm beta gồm các nhà môi giới, công ty bảo hiểm, hiệp hội thị trường và nhà cung cấp vị trí để tinh chỉnh CDR. Phạm vi ban đầu cho mô phỏng là Bất động sản thị trường mở Bắc Mỹ, tiếp theo là các loại hình kinh doanh khác và sau đó là kinh doanh được ủy quyền.
“Tương lai của Lloyd’s được củng cố bằng việc cải tiến các phương pháp thu thập và quản lý dữ liệu, và trọng tâm của chúng tôi là tạo ra các giải pháp cho phép các nhà môi giới, bảo lãnh phát hành và đối tác hoạt động theo cách hợp lý hơn nhiều”, Tổng Giám đốc Lloyd’s John Neal cho biết. “CDR là trọng tâm của chiến lược này và sẽ cho phép chúng tôi mang lại hiệu quả, giá trị thực và lợi ích cho thị trường và khách hàng. Chúng tôi rất vui khi có thể công bốphiên bản đầu tiên cho thấy cách chúng tôi đang chuyển từ khái niệm sang thực tiễn và bằng cách hợp tác với thị trường, chúng tôi có thể tiếp tục định hình mô hình và cách thức hoạt động sẽ cho phép tất cả chúng ta chuyển sang tương lai kỹ thuật số”.
Ông Bill Pieroni, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc ACORD, cho biết: “ACORD cam kết cho phép số hóa tại Lloyd’s và trong toàn bộ hệ sinh thái bảo hiểm toàn cầu. Sự phát triển của Bản ghi dữ liệu cốt lõi dựa trên tiêu chuẩn ACORD sẽ đảm bảo rằng những người tham gia thị trường có thể tận dụng hệ sinh thái và phân loại hiện có của họ để cung cấp dữ liệu một cách nhất quán và chặt chẽ. Điều này sẽ cho phép các bên liên quan của Lloyd’s tối đa hóa giá trị thu được từ dữ liệu của họ, tăng tính linh hoạt và khả năng thích ứng cũng như nắm bắt hiệu quả chỉ có thể thực hiện được bằng chuyển đổi kỹ thuật số”.
Generali đảm bảo khả năng sinh lời bất chấp COVID-19
(IBM) – “Chúng tôi đang trình bày những kết quả xuất sắc, thu được trong bối cảnh chưa từng có do cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra”.
Trên đây là phát biểu của Tổng Giám đốc Tập đoàn Philippe Donnet khi Generali công bố kết quả tài chính năm 2020. Theo đó, Tập đoàn 190 năm tuổi vẫn có lãi trong năm 2020, mặc dù ở mức thấp hơn.
Dưới đây là kết quả hoạt động của Tập đoàn năm vừa qua:
Thước đo |
Kết quả 2020 |
So với 2019 |
Tổng doanh thu phí |
70,7 tỷ Euro |
+0,5% |
Lợi nhuận hoạt động |
5,2 tỷ Euro |
+0,3% |
Lợi nhuận thuần |
1,7 tỷ Euro |
-34,7% |
Mức cổ tức đề xuất hiện là 1,47 Euro/cổ phiếu.
Ông Donnet bình luận: “Trong năm thứ hai liên tiếp, chúng tôi đã đạt được kết quả hoạt động tốt nhất từ trước đến nay của Tập đoàn và cũng nhờ cổ tức tăng trưởng hơn nữa, chúng tôi tiếp tục tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan”.
Ông cho biết: “Chúng tôi đã bước vào năm cuối cùng của kế hoạch chiến lược và có vị trí tốt để đạt được tất cả các mục tiêu của‘Generali 2021’.
“Chúng tôi đã xác định và thực hiện một cơ cấu tổ chức mới để đảm bảo, không chỉ đảm bảo thành công của kế hoạch này mà còn để chuẩn bị cho chu kỳ chiến lược tiếp theo. Tập đoàn đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh doanh để đảm bảo có được một mô hình phân phối ngày càng kết hợp cả vật lý và kỹ thuật số, đồng thời nhờ vào tinh thần đổi mới của nhân viên và đại lý để gần gũi với khách hàng hơn bao giờ hết”.
Ngoài ra, tỷ lệ Khả năng thanh toán II của Generali ở mức 224% nhờ vào việc tạo lập được mức vốn kỷ lục trị giá 4 tỷ Euro. Lợi nhuận ròng đã điều chỉnh (loại trừ yếu tố liên quan đến thanh lý), lên tới 1,9 tỷ Euro.
Về phần mình, ông Donnet cũng tuyên bố: “Tôi rất tự hào rằng trong thời điểm quan trọng của cuộc khủng hoảng, Generali đã hành động ngay lập tức với Quỹ Quốc tế Đặc biệt của chúng tôi [cho COVID-19] và các sáng kiến có tác động cao khác để hỗ trợ các cộng đồng và vùng lãnh thổ mà chúng tôi hoạt động”.
AIA vượt qua đại dịch, kết thúc tốt đẹp năm 2020
(IBM) – AIA đã công bố lợi nhuận hoạt động năm 2020tăng trưởng 5%, cho dù các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19.
Công ty bảo hiểm có trụ sở tại Hồng Kông đã báo cáo lợi nhuận hoạt động sau thuế đạt 5,9 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước. Điều này được cho là nhờ danh mục đầu tư lớn và đang phát triển của AIA, cũng như các nguồn thu nhập định kỳ, chất lượng cao.
Tuy nhiên, tác động của đại dịch lên doanh số bán hàng đã có thể nhìn thấy rõ ràng, với giá trị của mảng kinh doanh mới (VONB) giảm 33% xuống 2,76 tỷ đô la Mỹ. Công ty cho biết,dodỡ bỏ hạn chế di chuyển ở nhiều nước nên doanh số bán hàng đã tăng trở lại, với VONB tháng 1 và tháng 2 năm 2021tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Theo AIA, tình hình tài chính của công ty vẫn “rất mạnh mẽ và có khả năng phục hồi”, theo đó tỷ lệ bao phủ của Phương pháp Tổng kết Vốn Địa phương (LCSM) của Tập đoàn là 374%.
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch AIA Lee Yuan Siong cho biết, trong năm 2020, công ty đã chi trả hơn 16 tỷ đô la Mỹ quyền lợi bảo hiểm vào năm 2020 và đã mở rộng các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, nhân viên và cộng đồng rộng lớn hơn.
Ông Lee nói: “Mặc dù năm 2020 là một năm chưa có tiền lệ và đầy thách thức, nhưng điều đó khiến tôi lạc quan hơn về tương lai của AIA. Giờ đây, hơn bao giờ hết, người tiêu dùng châu Á nhận thức sâu sắc về nhu cầu an ninh tài chính và nhu cầu bảo vệ hạnh phúc của gia đình họ, khiến mục đích và giải pháp của chúng tôi càng trở nên phù hợp hơn. Vào năm 2020, chúng tôi đã phát triển và thực hiện một chiến lược mới sẽ chuyển đổi AIA và định vị Tập đoàn để khai thác các động lực tăng trưởng mạnh mẽ của bảo hiểm nhân thọ trên toàn châu Á”.
Thái Lan: Trái phiếu là nguồn tài chính thay thế được kỳ vọng sẽ tăng cường an toàn vốn, tăng rủi ro đòn bẩy tài chính
(AIR) – Theo AM Best, các quy định mới ở Thái Lan cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng trái phiếu vốn bảo hiểm như một nguồn tài chính thay thế để tăng cường an toàn vốn, cải thiện tính linh hoạt tài chính và tạo cơ hội cho doanh nghiệpbảo hiểm giảm chi phí vốn tổng thể của mình.
Trong Báo cáo đặc biệt mới có tựa đề“Các quy tắc trái phiếu vốn mới sẽ giúp các công ty bảo hiểm Thái Lan mở ra nguồn tài chính bổ sung”, AM Best lưu ý rằng trong khi cấu trúc vốn tối ưu hơn sẽ có lợi cho việc vốn hóa được điều chỉnh theo rủi ro, thì vẫn tồn tại khả năng xảy ra mức đòn bẩy tài chính quá mức. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản và dòng tiền của doanh nghiệp bảo hiểm và dẫn đến bất ổn tài chính. Đặc biệt, đòn bẩy tài chính cao hơn có thể gây thêm áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp có thu nhập tương đối khiêm tốn.
Các quy định mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được cấp phép tại Thái Lan, không bao gồm các chi nhánh địa phương của các hãng bảo hiểm nước ngoài. Theo quy định mới, số tiền thu được từ các đợt phát hành có thể tạo thành một phần trong tổng vốn khả dụng của doanh nghiệp bảo hiểm để hỗ trợ tỷ lệ an toàn vốn nếu đủ điều kiện được đáp ứng. Theo Phương pháp xếp hạng tín dụng của AM Best, nợ phụ thuộc cũng có thể nhận được tín dụng vốn chủ sở hữu, điều này có thể ảnh hưởng đến đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp và việc tính toán vốn khả dụng của doanh nghiệp trong mô hình vốn kinh tế độc quyền của AM Best: “Tỷ lệ phù hợp vốn của Best”.
Nhìn chung, AM Best cho rằng nhờ tín nhiệm tích cực của thị trường bảo hiểm của Thái Lan nên doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài chính. Mặc dù mức độ khả năng thanh toán theo quy định của ngành nói chung là tốt, nhưng tỷ lệ an toàn vốn đã thể hiện sự biến động trong những năm gần đây, do khuôn khổ pháp lý thắt chặt và môi trường kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn.
BTV (Tổng hợp).