Hàn Quốc cho phép công ty bảo hiểm kinh doanh ngân hàng; Ping An giới thiệu bảo hiểm chỉ số chìm carbon đại dương; PTI ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới
- Tin trong nước
- Tin bồi thường, tổn thất
MIC chi trả 2,4 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm tai nạn tổ bay và trao tặng 02 hợp đồng bảo hiểm trọn đời cho con thiếu tá Trần Ngọc Duy
Sáng ngày 27/02/2023, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã trao 2,4 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm tai nạn tổ bay và trao tặng 02 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bảo vệ trọn đời tổng trị giá 200 triệu đồng cho 2 con của Thiếu tá Trần Ngọc Duy – Trung đoàn 921 – Sư đoàn 371 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, hy sinh ngày 31/1/2023, khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu, phục vụ quốc phòng và an ninh.
Trước đó, Máy bay Su 22 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân do Thiếu tá Trần Ngọc Duy, Phó Phi đội trưởng – Tham mưu trưởng, Phi đội 1, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện đã không may gặp sự cố bất ngờ trên không và xảy ra tai nạn lúc 12h27 ngày 31/1/2023. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bảo hiểm Quân đội đã kịp thời tiến hành chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá 2,4 tỷ đồng vào ngày 01/02/2023 cho Quân chủng Phòng không – Không quân. Bảo hiểm tai nạn tổ bay cho Phi công, học viên bay, cơ giới trên không và tuần thám viên, giáo viên dù, là sự quan tâm của Nhà nước, Quân chủng Phòng Không – Không quân dành cho cán bộ sĩ quan của đơn vị, mang tính chất nhân văn giúp cho quân nhân, gia đình khi không may xảy ra rủi ro sớm ổn định cuộc sống.
Trong buổi gặp mặt tại Trung đoàn 921 sáng 27/02/2023, đại diện Quân chủng Phòng Không – Không quân và MIC đã trao quyền lợi bồi thường trị giá 2,4 tỷ đồng đến tận tay gia đình thiếu tá Duy hy vọng gia đình cố gắng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống để nuôi dạy các cháu trưởng thành.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Đại tá Đinh Như Tuynh – Chủ tịch Ủy ban điều hành MIC khẳng định, sự hy sinh của Thiếu tá Duy là tổn thất to lớn đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không – không quân, Sư đoàn 371, Trung đoàn 921 và đặc biệt là gia đình Thiếu tá Duy. Trong niềm tiếc thương vô hạn đó, để tri ân sự đóng góp to lớn của đồng chí đối với Quân đội, MIC trân trọng được gửi tặng tới gia đình 02 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trọn đời tổng trị giá 200.000.000 VNĐ cho hai con Thiếu tá Duy. MIC mong muốn đây sẽ là món quà ý nghĩa san sẻ một phần gánh nặng tài chính cùng gia đình trong hành trình nuôi dạy hai cháu, đây vừa là chương trình bảo vệ cũng là một gói đầu tư hành trang cho hai bé đến năm 18 tuổi vào Đại học, nhằm giúp các cháu vững bước hơn trên con đường tương lai phía trước.
ại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Hữu Toàn – Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không – không quân cảm ơn ban lãnh đạo MIC đã kịp thời động viên, chia sẻ mất mát với gia đình Thiếu tá Duy và Quân chủng . Đại tá Nguyễn Hữu Toàn đánh giá cao tinh thần hợp tác giữa MIC và Quân chủng Phòng không – không quân trong công tác bảo hiểm và kịp thời chi trả bồi thường cho những rủi ro, tổn thất không may xảy ra trong thời gian vừa qua.
ABIC Đắc lắc chi trả quyền lợi bảo hiểm Bảo an tín dụng
(ABIC) – Ông Hồ Thanh Tùng, thôn 5, xã Hưng Bình và ông Trần Văn Khiêm, thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) vay vốn tại Agribank, có tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng nhưng không may qua đời. Công ty ABIC đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho gia đình ông Tùng số tiền hơn 105 triệu đồng và gia đình ông Khiêm, số tiền hơn 74,1 triệu đồng gồm quyền lợi bảo hiểm bảo an tín dụng, quyền lợi lãi vay và hỗ trợ mai táng phí.
Bảo hiểm Bảo an tín dụng là sản phẩm của ABIC dành cho những khách hàng vay vốn tại Agribank. Khi khách hàng gặp rủi ro bất ngờ trong cuộc sống, công ty bảo hiểm sẽ thay mặt họ chi trả khoản vay cũng như phần lãi phát sinh cho ngân hàng.
- Một vòng doanh nghiệp
Tổng Giám đốc Generali Quốc tế: Việt Nam luôn là thị trường tăng trưởng chủ chốt của Tập đoàn tại châu Á
(ĐTCK) – Đó là khẳng định của ông Jaime Anchustegui, Tổng giám đốc Generali Quốc tế trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây.
Trong chuyến công tác của mình, ông Jaime Anchustegui đã gặp gỡ hơn 1.500 tư vấn tài chính, cán bộ nhân viên và ban lãnh đạo của Generali Việt Nam tại sự kiện Phát động Kinh doanh năm 2023 tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, ông nhấn mạnh: “Việt Nam luôn là thị trường tăng trưởng chủ chốt của Tập đoàn tại châu Á. Với thành tựu kinh doanh ấn tượng cùng chiến lược phát triển hiệu quả, Generali Việt Nam đang đóng góp đáng kể cho kế hoạch chiến lược ‘Lifetime Partner24: Driving Growth’ của Tập đoàn. Chúng tôi rất háo hức với các kế hoạch hoạt động tại Việt Nam trong những năm tới và mong muốn được tích cực đóng góp vào ngành bảo hiểm nói riêng cũng như kinh tế Việt Nam nói chung”.
Ông Rob Leonardi, Tổng giám đốc Generali châu Á khẳng định thêm: “Phát triển một thương hiệu mạnh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại châu Á và là trụ cột chính trong chiến lược toàn cầu của chúng tôi. Trong khi các sáng kiến về sản phẩm và công nghệ số của Generali đem lại những đổi mới và đơn giản hóa cần thiết thì chính đội ngũ nhân viên, tư vấn tài chính mới là lực lượng nòng cốt của quá trình chuyển đổi này. Họ cũng chính là những người mang đến những thấu cảm và sự tận tâm mà khách hàng thực sự cần”.
Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, Generali Việt Nam đặt mục tiêu trở thành thương hiệu bảo hiểm sáng tạo và đáng tin cậy nhất Việt Nam. Bà tin rằng, với sự tin tưởng và hậu thuẫn mạnh mẽ từ Tập đoàn, cũng như một tập thể tài năng, gắn kết, cùng chung một đam mê, quyết tâm với nghề, Generali Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này và trở thành “Người bạn Trọn đời” của khách hàng, đối tác và đội ngũ.
PTI tái định vị thương hiệu, ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới
(PTI) – Từ ngày 01/3/2023, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cùng các Công ty thành viên trong hệ thống chính thức sử dụng bộ nhận diện thương hiệu mới bao gồm logo và slogan, mang đặc trưng của một doanh nghiệp tài chính – bảo hiểm chuẩn mực và tin cậy.
Logo mới được tạo nên từ ba yếu tố chính bao gồm cánh cung tròn, chấm tròn màu cam và chữ PTI cách điệu màu xanh dương với font chữ in thường thay vì in hoa như trước đây, thể hiện sự khiêm nhường nhưng vẫn rất tin cậy, vững chãi và tường minh.
Biểu tượng cung tròn cách điệu nằm ở phía trên logo là sự liên tưởng từ hình ảnh mái nhà và vòng tay che chở của người mẹ – định vị của người bảo vệ đích thực. Đường cong mang cảm giác thoải mái và khơi gợi cảm xúc từ ấn tượng thị giác của người dùng sẽ giúp logo trở nên thân thiện và tích cực hơn.
Chữ P với vòng tròn cam nằm ở tâm thể hiện mọi hoạt động của PTI đều xuất phát từ Tâm tới Tầm, nhất quán và xuyên suốt. Vòng tròn cam cũng đồng thời thể hiện hình ảnh con mắt quan sát của người bảo vệ đích thực, luôn có mặt đồng hành trên mọi hành trình rủi ro của khách hàng, đảm bảo khách hàng luôn an tâm khi đã tham gia bảo hiểm với PTI.
Khoảng trắng xung quanh vòng tròn cam trong chữ P mô phỏng vòng tròn nhất nguyên, vô hạn, không phân biệt biên giới giữa khách hàng và PTI, chúng ta là một, tin cậy một nhà.
Logo của PTI chứa đựng màu xanh của mầm sống luôn vươn lên và màu cam của sự an tâm thịnh vượng như thể hiện mong muốn của doanh nghiệp rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, cuộc sống vẫn luôn an khang và thịnh vượng vì bạn đã có PTI đồng hành bảo vệ.
Bên cạnh đó, PTI cũng thay đổi slogan “Người bạn đích thực” sang “Giải pháp bảo hiểm cho mọi nhà” với kỳ vọng sẽ giúp công ty tiếp cận trực tiếp với thị trường khách hàng cá nhân, trở thành giải pháp bảo hiểm cho mọi nhà, không phân biệt đối tượng.
Trong gần 25 năm hoạt động trên thị trường, PTI luôn mang tới hình ảnh một công ty bảo hiểm uy tín trên thị trường, là người bạn đích thực cung cấp những sản phẩm bảo hiểm với chất lượng vượt trội và chất lượng chăm sóc khách hàng tuyệt vời. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, PTI mong muốn thể hiện sự thay đổi trong tâm trí, hành động và định hướng tương lai của mình thông qua việc tái định vị thương hiệu. Cùng với việc ra mắt bộ thương hiệu mới, đội ngũ cán bộ nhân viên PTI cam kết sẽ xây dựng PTI trở thành một định chế tài chính bảo hiểm chuẩn mực và tin cậy, đem lại giái trị bảo vệ an toàn, bảo an thịn vượng và phát triển bền vững cho những người làm nghề, khách hàng, đối tác và cộng đồng.
- Quản lý thị trường bảo hiểm
Mạnh tay với vi phạm bán bảo hiểm qua ngân hàng
(ĐTCK) – Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sau nhiều thông tin phản ánh về việc khách hàng bị “ép” mua bảo hiểm.
Lập đường dây nóng, tăng cường thanh tra
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, thông qua việc tư vấn cho họ chuyển từ gửi tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hoặc tăng lãi suất/“ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm. Đi kèm với đó là việc nhân viên ngân hàng cung cấp các thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.
Trước thực tế trên, ngày 15/2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí về việc tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm ngày 21/2/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Cơ quan Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính cũng thiết lập một đường dây nóng riêng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp và người dân về bảo hiểm.
Nhìn nhận về động thái này, ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, cơ quan quản lý cần có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để lập lại trật tự trên thị trường bảo hiểm nói chung, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng.
“Hai mươi năm qua, kênh đại lý truyền thống đã có quá nhiều tồn đọng chưa xử lý dứt điểm được, nay kênh bancassurance lại tiếp tục phát sinh thêm nhiều vấn đề mới. Tình trạng này cần được giải quyết, sớm trả lại ý nghĩa tốt đẹp thật sự cho ngành bảo hiểm”, ông Đán nói.
Chờ công khai kết quả thanh tra
Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, cơ quan này đã tiến hành thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo kết luận thanh tra. Nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến thực hiện ở cả doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Thị trường đang trông ngóng kết luận thanh tra chính thức cũng như danh tính cụ thể của 4 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra.
Ông Lương Văn Ban, Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt cho biết, theo Luật Thanh tra 2010, cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) phải công khai kết luận thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.
Cụ thể, chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra tại cuộc họp với thành phần bao gồm: “Người ra quyết định thanh tra, Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc tổ chức họp báo” và lựa chọn ít nhất một trong các hình thức công khai sau: “Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra”. Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc pháp luật có quy định khác.
Dưới góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, pháp luật thanh tra lâu nay đều quy định như vậy, nhưng thực tế thì ít thấy việc công khai các kết luận thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Hiếm có kết luận thanh tra nào liên quan đến ngân hàng được công bố công khai, vì pháp luật ngân hàng quy định công khai “trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước và nội dung nhạy cảm mà việc công bố có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng”, mà ngân hàng thì có quá nhiều nhạy cảm”, ông Đức nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Nguyên Đán, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, “cần rà lại xem có bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm thuộc diện tiết kiệm nhưng bị lái ra thành hợp đồng bảo hiểm; bao nhiêu hợp đồng được ký trong trạng thái bị ép, bao nhiêu hợp đồng được mua một cách tự nguyện và công bố rộng rãi danh sách trên, nhằm góp phần củng cố niềm tin cho thị trường”.
- Nhịp đập thị trường
Ngành bảo hiểm phi nhân thọ có thêm chuyển động mới
(ĐTCK) Cùng với thay đổi trong bảng xếp hạng thị phần, khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng chứng kiến những động thái mới về góp vốn đầu tư.
Câu chuyện mới về rót vốn đầu tư
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn dự kiến thu được từ đợt chào bán 267 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (2.670 tỷ đồng).
Theo đó, BCG sẽ không còn rót vốn cho Bảo hiểm AAA như ban đầu. Thay vào đó, tập đoàn này sẽ dùng 355 tỷ đồng để cho vay đối với Công ty TNHH Indochina Hội An Beach Villas để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Được thành lập năm 2005, AAA là một trong những công ty bảo hiểm tư nhân có mặt sớm nhất tại thị trường Việt Nam. Kể từ năm 2013, AAA là công ty thành viên của Tập đoàn Bảo hiểm Úc (IAG). Ngày 3/12/2021, sau khi Bộ Tài chính phê duyệt giao dịch chuyển nhượng cổ phần, BCG và BCG Financial trở thành hai cổ đông lớn nhất tại AAA.
Cụ thể, BCG cùng BCG Financial mua lại 80,64% cổ phần của IAG. Trong đó, công ty mẹ nắm 79,7 triệu cổ phần AAA, tương đương sở hữu 71% vốn điều lệ của AAA; BCG Financial nắm 10,8 triệu cổ phần, tương đương 9,64%.
Theo tờ trình phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của BCG hồi tháng 6/2022, trong số tiền thu được, BCG dự kiến góp 1.633 tỷ đồng vào Bảo hiểm AAA. Đến cuối năm 2022, Công ty đã điều chỉnh phương án phát hành. Theo đó, số vốn góp vào AAA chỉ còn 355 tỷ đồng, trước khi không còn rót vốn theo phương án mới công bố.
Ở chiều ngược lại, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC) vừa công bố thông tin về việc bổ sung nội dung trình đại hội cổ đông bất thường, tổ chức vào ngày 27/2 tới về việc chuyển nhượng cổ phiếu.
Cụ thể, hãng bảo hiểm này đã nhận được văn bản của nhóm cổ đông sở hữu gần 75,18 triệu cổ phiếu AIC, chiếm tỷ lệ 75,18% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty. Nhóm cổ đông này bao gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, có kế hoạch chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu AIC cho DB Insurance Co., Ltd (một nhà đầu tư nước ngoài).
Được biết, hợp đồng chuyển nhượng đã được ký kết vào ngày 22/2/2023 và việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo thoả thuận của các bên tại hợp đồng.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCoM. Nếu phương án chuyển nhượng được đại hội cổ đông thông qua, DB Insurance sẽ trở thành công ty mẹ của Bảo hiểm Hàng không với tỷ lệ sở hữu là 75%, nắm quyền chi phối doanh nghiệp này.
Bảo hiểm Hàng không được thành lập vào năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập đầu tiên của doanh nghiệp này là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty cổ phần Nam Việt (Navico) và các cổ đông khác.
Trong khi đó, PTI – công ty bảo hiểm đang đứng thứ 3 thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động khi thay đổi chủ mới. Sau khi hoàn tất việc mua 22% cổ phần từ Bưu điện Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect và nhóm cổ đông liên quan đã trực tiếp tham gia vào điều hành các hoạt động kinh doanh của PTI, tạo nên những biến động lớn. Không chỉ thay thế đội ngũ lãnh đạo của PTI, mà chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp này cũng được thay đổi theo hướng cung cấp giải pháp tài chính, bảo hiểm an sinh cho cộng đồng…
Thị phần thay đổi
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và sự gia tăng tỷ lệ bồi thường chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực đạt được một số kết quả kinh doanh tích cực.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường đạt 67.608 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% so với năm 2021. Các doanh nghiệp đạt doanh thu phí bảo hiểm gốc cao nhất thị trường là PVI đạt 9.928 tỷ đồng, vươn lên giữ thị phần số 1 thị trường về doanh thu bảo hiểm gốc với 14,7%. Bảo Việt ở vị trí thứ 2, với 9.766 tỷ đồng, nắm giữ 14,4% thị phần doanh thu bảo hiểm gốc. PTI đứng vị trí thứ 3 với 6.264 tỷ đồng, thị phần 9,3%. Bảo Minh đứng thứ 4 về thị phần với 5.398 tỷ đồng và 8% thị phần. MIC đang nắm giữ vị trí thứ 5, với 5.193 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 7,7% thị phần…
MIC – một doanh nghiệp bảo hiểm nhiều tham vọng đang theo đuổi khá sát thị phần doanh thu của Bảo Minh. Mục tiêu của doanh nghiệp này là sớm lọt vào Top 3 thị phần doanh thu của thị trường.
PTI dù vẫn duy trì vị trí thứ 3 về doanh thu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 2022, nhưng với chính sách thay đổi không tập trung nhiều vào tăng trưởng doanh thu như trước đây, doanh nghiệp này có thể đứng trước nguy cơ bị các doanh nghiệp nhóm dưới “soán ngôi” trong tương lai.
Năm 2022, PVI không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh mà còn chiếm luôn vị trí số 1 từ Bảo Việt về cả doanh thu phí bảo hiểm gốc và tổng doanh thu. Số liệu hãng bảo hiểm này chính thức công bố cho thấy, hãng đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu; trong đó, tổng doanh thu đạt 12.765 tỷ đồng, hoàn thành 120,2% kế hoạch và tăng trưởng 25,1%…
PVI đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận trước thuế với tổng lợi nhuận và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cao nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ: Lợi nhuận trước thuế là 680 tỷ đồng, hoàn thành 110% kế hoạch năm 2022, tỷ lệ kết hợp 94,05%.
Trong khi đó, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 11.145 tỷ đồng, tăng trưởng 5,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 246 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2021.
Một doanh nghiệp khác cũng tăng trưởng rất tốt trong năm 2022 là BIC. Năm qua, tổng doanh thu phí bảo hiểm công ty mẹ BIC đạt 3.750 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm trước, hoàn thành 110% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 3.579 tỷ đồng, tăng trưởng 32% (cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ), giúp BIC tiếp tục củng cố vững chắc vị trí thứ 7 thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc.
Năm qua, BIC tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 393 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch được Hội đồng quản trị giao. Trong đó, lợi nhuận riêng trước thuế đạt 370 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch năm.
Mục tiêu của BIC năm 2023 là tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ, gắn liền với đảm bảo hiệu quả hoạt động, tiếp tục duy trì vị trí trong Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về tỷ suất sinh lời; đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, chú trọng đầu tư cho công nghệ, ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động; mở rộng mạng lưới kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm và nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng…
Trao giải và phát động Giải Báo chí về bảo hiểm 2023
(TBTCO) – Ngày 28/2/2023, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã tổ chức Lễ trao Giải Báo chí về Bảo hiểm 2022 và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm 2023.
Trong 501 tác phẩm báo chí về bảo hiểm được đăng tải và phát sóng từ tháng 1 đến tháng 12/2022, qua các vòng sơ loại, sơ khảo và chung khảo, Ban giám khảo đã chọn ra 62 đề cử và từ đó chọn ra 23 tác phẩm xuất sắc để trao giải.
Theo đó, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 4 giải B, 5 giải C và 10 giải khuyến khích cho các tác giả đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm báo chí trong mùa giải 2022, nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cho biết, các tác phẩm báo chí về bảo hiểm được xem là “biên niên sử” của ngành bảo hiểm Việt Nam trong năm, ghi nhận lại toàn bộ những vấn đề thời sự của ngành, sự phát triển của thị trường với những mặt tích cực và những tồn tại mà cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần giải quyết để mang đến sự hài lòng cho khách hàng cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
“Những chủ đề nổi bật trong năm bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động của thị trường bảo hiểm với Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 được thông qua vào ngày 16/06/2022; mối hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm, hay còn gọi là bancassurance; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với xe máy; chuyển đổi số; những xu hướng mới trong ngành bảo hiểm như bảo hiểm xanh, bảo hiểm nhúng…; bảo hiểm nông nghiệp; trục lợi trong ngành bảo hiểm hay các chủ đề liên quan đến hậu Covid-19. Ngoài ra, Ban Giám khảo cũng xem xét trao giải những bài nghiên cứu về ngành bảo hiểm đăng trên các tạp chí có sự đầu tư công phu của các tác giả, đề cập đến những xu hướng phát triển mới của ngành bảo hiểm” – nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Cũng tại buổi lễ, ông Bùi Gia Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng chính thức phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2023. Cuộc thi sẽ bắt đầu nhận các tác phẩm được đăng tải từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2023. “Chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo trong việc triển khai nhiều bài viết chất lượng hơn nữa về ngành bảo hiểm, đặc biệt trong giai đoạn mới sau khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 có hiệu lực, các nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của ngành, đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển của thị trường” – ông Gia Anh chia sẻ.
Giải Báo chí về Bảo hiểm là giải thường niên uy tín dành cho các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp và người làm báo không chuyên có tác phẩm báo chí về lĩnh vực bảo hiểm được đăng, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tin quốc tế
Phí bảo hiểm khai thác mới của Singapore năm 2022 giảm 5,2%
(INA) – Doanh thu phí bảo hiểm của Singapore năm 2022 sụt giảm do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, lãi suất tăng và lạm phát làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Theo dữ liệu do Hiệp hội Bảo hiểm Nhân thọ Singapore (LIA Singapore) công bố, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới năm 2022 là 5,1 tỷ đô la Singapore. Con số này thấp hơn 5,2% so với năm 2021.
Ông Khor Hock Seng, Chủ tịch LIA Singapore cho biết: “Những cơn gió ngược toàn cầu và tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với sự bất ổn về địa chính trị, lãi suất tăng và áp lực lạm phát gia tăng tiếp tục tác động đến nhu cầu chung đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ”.
Ông nói thêm rằng bất chấp những thách thức này, ngành bảo hiểm nhân thọ của Thành phố Sư tử vẫn tiếp tục phục hồi và “thể hiện khả năng phục hồi khi ngày càng có nhiều cá nhân chú trọng hơn vào việc đảm bảo họ được bảo vệ tốt. Điều này có thể thấy được từ sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm phi mệnh giá thông thường, chẳng hạn như bảo hiểm tử kỳ và bảo hiểm sức khỏe, ông nói.
Tổng phí bảo hiểm khai thác mới có trọng số tăng 16% vào năm 2022 so với năm 2021, tăng 16,4% tương đương 118,9 triệu đô la Singapore trong Quý 4.
Doanh thu các sản phẩm đóng phí một lần đã giảm 28,8%, tương đương với mức giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, phí bảo hiểm cho phân khúc này đạt 2,35 tỷ đô la Singapore vào năm 2022, giảm 28,8% so với năm 2021.
LIA Singapore cho biết sự sụt giảm có thể là do lãi suất tăng và môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định đã ảnh hưởng đến lựa chọn và sở thích đầu tư của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tài chính khác nhau trên thị trường.
Trung Quốc: Ping An ra mắt hợp đồng bảo hiểm chỉ số chìm carbon đại dương đầu tiên
(AIR) – Công ty Bảo hiểm Tài sản & Thiệt hại Ping An (Ping An P&C) đã ra mắt hợp đồng bảo hiểm chỉ số chìm các-bon đại dương đầu tiên tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc.
Điều này diễn ra sau khi Ping An P&C thí điểm bảo hiểm chỉ số viễn thám về bể chứa các-bon rừng vào năm 2021.
Bảo hiểm chỉ số chìm các-bon đại dương cung cấp bảo vệ rủi ro chìm các-bon với 400.000 Tệ ($58.400) cho 13,3 mu (8.866,67 m2) tảo bẹ, động vật có vỏ và tảo, làm phong phú thêm phạm vi bảo hiểm chìm các-bon của Ping An P&C đối với các hệ sinh thái trên cạn và trên biển, bao gồm cả rừng, rừng ngập mặn và đồng cỏ.
Đại dương là bể chứa carbon lớn nhất của Trái đất. Nó có thể hấp thụ khoảng 2 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm từ khí quyển, gấp 50 lần khả năng của khí quyển và 20 lần so với khả năng của các hệ sinh thái trên cạn. Tổng khối lượng carbon dioxide được đại dương hấp thụ hàng năm chiếm khoảng một phần ba lượng khí thải toàn cầu hàng năm.
Tuy nhiên, do khí hậu biển luôn thay đổi, các thảm họa biển như bão, nhiệt độ nước biển bất thường và thủy triều đỏ (tảo nở hoa) có thể ảnh hưởng đến khả năng cô lập carbon của đại dương, giải phóng carbon dioxide vào không khí một lần nữa và cản trở tiến trình hướng tới trung lập carbon.
Bước đột phá đầu tiên
Bảo hiểm chỉ số bể chứa carbon đại dương ở Đại Liên là bước đột phá đầu tiên của Ping An P&C vào lĩnh vực bể chứa carbon đại dương. Ping An P&C sẽ bồi thường khi những thay đổi cụ thể trong môi trường biển gây hại cho các loài địa phương như tảo bẹ, động vật có vỏ và tảo và dẫn đến sự suy yếu của bể chứa carbon.
Khoản bồi thường tổn thất có thể được sử dụng cho hoạt động cứu hộ các loài sinh vật biển sau thảm họa nhằm khôi phục tài nguyên bể chứa carbon, cũng như bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái. Bảo hiểm chỉ số tăng cường khả năng cô lập carbon đại dương bằng cách khuyến khích đánh bắt cá để bảo vệ và sửa chữa các hệ sinh thái biển. Nó cũng cho phép các chỉ số hấp thụ carbon của hoạt động nuôi trồng thủy sản biển được liệt kê và giao dịch, do đó làm tăng thu nhập của ngư dân và biến bể chứa carbon biển từ tài nguyên thành tài sản.
Ping An hoàn toàn ủng hộ quá trình chuyển đổi carbon thấp của nền kinh tế để hỗ trợ các mục tiêu của Trung Quốc về lượng khí thải carbon cao nhất và đạt được mức trung hòa carbon. Ping An cam kết kết hợp các nguyên tắc môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm của mình để tạo ra các sản phẩm bảo hiểm bền vững.
Trong ba quý đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Ping An từ các sản phẩm bảo hiểm bền vững với môi trường đạt khoảng 110,5 tỷ Tệ. Dưới sự hướng dẫn của Tập đoàn, Ping An P&C cung cấp các sản phẩm bảo hiểm xanh đa dạng và sáng tạo, bao gồm bảo hiểm thảm họa, bảo hiểm trách nhiệm môi trường, bảo hiểm cứu hộ và bảo tồn cây cổ thụ có giá trị và bảo hiểm hệ sinh thái đồng cỏ, cung cấp phạm vi bảo hiểm ngày càng toàn diện cho bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp xanh. Tính đến tháng 11 năm 2022, Ping An P&C đã cung cấp hơn 174 nghìn tỷ Tệ bảo hiểm xanh để thúc đẩy phát triển xanh.
Nhật Bản: Dân số định hình ngành bảo hiểm nhân thọ
(AIR) – Ông Kotanko, thành viên cấp cao tại văn phòng Singapore của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, cho biết: “Các công ty có thể thực sự quản lý sổ sách kinh doanh thành công, cả về phần nợ cũng như tài sản và hiệu quả hoạt động, có thể tạo ra dòng tiền rất tốt trong thị trường này.
Trong một podcast của McKinsey về Bảo hiểm có tiêu đề “Thị trường bảo hiểm châu Á đang thích nghi với tương lai như thế nào”, ông nói rằng chủ đề này: tối ưu hóa nội lực là chìa khóa. Chủ đề chính thứ hai là xung quanh việc nghỉ hưu.
Ông Kotanko cho biết: “Nhật Bản là một trong những xã hội lâu đời nhất và tình trạng già hóa diễn ra nhanh chóng. Rất nhiều tài sản trong phân khúc người về hưu thường được tập trung và phân bổ bằng tiền mặt, đồng thời, chúng tôi nhận thấy khoảng cách lớn về thu nhập hưu trí bền vững và tuổi thọ. Chúng tôi nhìn thấy một cơ hội lớn ở đó để phát triển một thị trường hưu trí phù hợp”.
Lĩnh vực thứ ba, về cơ bản là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, luôn rất phổ biến và mang lại lợi nhuận cao ở Nhật Bản. Ở đó, chúng tôi chứng kiến sự đổi mới liên tục và sự thay đổi từ việc tập trung vào tất cả các loại bệnh hiểm nghèo sang cung cấp các giải pháp toàn diện về sức khỏe và hạnh phúc. Với xã hội già hóa của Nhật Bản, chúng tôi cũng có thể hình dung ra những giải pháp mới cho các bệnh không lây nhiễm như bệnh Alzheimer.”
Ông nói thêm: “Nhìn chung, ở Nhật Bản, dự kiến không có nhiều tiềm năng tăng trưởng doanh thu, nhưng vẫn có những cơ hội kinh tế rất thú vị trong một thị trường rất, rất lớn với khối lượng lớn doanh nghiệp có thể thu hoạch để tạo ra dòng tiền”.
Ông nói: “Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn nhất và tất nhiên thị trường này bị chi phối rất nhiều bởi các tập đoàn nội địa lớn của Nhật Bản. Có một nhóm các công ty quốc tế đã tìm thấy thị trường ngách của mình, trong đó một số tập trung hơn về các hình thức tư vấn nâng cao và các hình thức khác sử dụng sự khác biệt của sản phẩm như các sản phẩm có mệnh giá bằng đô la Mỹ.”
Philippines: Tiềm năng của các nền tảng mua sắm trực tuyến chưa được khai thác hết
(AIR) – Pru Life UK, công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu ở Philippines, mới phát hành một tài liệu có tiêu đề “InsurTech: Thúc đẩy tiếp cận bảo hiểm rộng hơn”, giúp hiểu rõ hơn về cách InsurTech, chẳng hạn như các nền tảng mua sắm trực tuyến, có thể được sử dụng để mở rộng khả năng tiếp cận của người dân Philippines với sản phẩm bảo vệ nhân thọ và sức khỏe.
Được ủy quyền bởi công ty luật Romulo Mabanta Buenaventura Sayoc & de los Angeles, tài liệu này xem xét khung pháp lý hiện hành đối với hoạt động bán bảo hiểm trực tuyến cũng như cách thức các nền tảng mua sắm trực tuyến có thể đóng vai trò trung gian bảo hiểm.
Bà Cynthia Del Castillo, đối tác cấp cao và người đứng đầu bộ phận Thực hành Thị trường Vốn tại Romulo Mabanta Buenaventura Sayoc & de los Angeles, cho biết: “Tiềm năng đầy đủ của các nền tảng mua sắm trực tuyến cho đến nay vẫn chưa được tối đa hóa, có thể là do các nền tảng mua sắm trực tuyến không dành riêng cho bảo hiểm. Trong quá trình InsurTech phát triển cách thức kinh doanh bảo hiểm, các công ty bảo hiểm cần phải theo kịp”.
Một khuyến nghị quan trọng của tài liệu là Ủy ban Bảo hiểm xem xét cho phép các nền tảng mua sắm trực tuyến, bao gồm ví điện tử đóng vai trò là nền tảng thương mại điện tử, hoạt động như một “trung gian” để bán và phân phối các sản phẩm bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm liên kết đầu tư sản phẩm, theo phân loại ba cấp của các trung gian như sau:
– Những nền tảng cung cấp dịch vụ tư vấn và phục vụ khách hàng như đại lý và môi giới bảo hiểm;
– Những nền tảng cung cấp tư vấn nhưng không phục vụ khách hàng, nhưng yêu cầu một mức độ hiểu biết về các sản phẩm bảo hiểm như tổng hợp bảo hiểm trực tuyến; Và
– Những nền tảng chỉ cung cấp sự kết nối công ty bảo hiểm và người tiêu dùng để phân phối sản phẩm bảo hiểm trực tuyến và không cung cấp dịch vụ tư vấn và/hoặc dịch vụ khách hàng như nền tảng mua sắm trực tuyến, chợ trực tuyến và ví điện tử.
Ông Eng Teng Wong, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pru Life UK, cho biết: “Số hóa đã thúc đẩy hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Philippines tính theo tỷ lệ phần trăm của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quốc gia là dưới 2%. Đây là một trong những mức thấp nhất ở châu Á. Bằng cách khai thác sức mạnh kết hợp của lực lượng tư vấn tài chính và sức mạnh của các ứng dụng và nền tảng di động và trực tuyến, chúng tôi có thể nhanh chóng mở rộng phạm vi tiếp cận và khả năng tiếp cận với nhiều giải pháp bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe hợp lý hơn, bao gồm cả các kế hoạch liên kết đầu tư.”
Ông Wong cũng là Chủ tịch Ủy ban Insurtech của FinTech Alliance Philippines, lãnh đạo vai trò của tổ chức trong việc thu hút, xây dựng và mở rộng hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số bền vững.
Lợi nhuận của Munich Re đạt 3,62 tỷ USD
(INA) – Báo cáo tài chính mới nhất cho biết, Munich Re đã hoàn thành vượt mức mục tiêu lợi nhuận 3,3 tỷ đô la, đạt 3,62 tỷ đô la trong năm tài chính 2022.
Lợi nhuận của tập đoàn trong quý 4 năm 2022 lên tới 1,6 tỷ euro. Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 12,7% lên 71,17 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Munich Re cho biết họ đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu tài chính được chỉ định trong chương trình chiến lược Ambition 2025. Trong năm tài chính 2022, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (RoE) lên tới 13,5%. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu tăng 17,6% lên 26,11 USD.
“Munich Re đã đối phó tốt với các cuộc khủng hoảng năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng có lãi. Chúng tôi mạnh mẽ, cả về tài chính và vốn. Danh mục đầu tư kinh doanh đa dạng rộng rãi không chỉ giúp chúng tôi linh hoạt hơn mà còn mở ra triển vọng thu nhập mới. Trong thời kỳ bất ổn lớn do chiến tranh và thị trường vốn biến động, khách hàng của chúng tôi đánh giá cao độ tin cậy. Ông Joachim Wenning, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Munich Re, cho biết: Các cổ đông sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cổ tức và đợt mua lại cổ phần mới.
Ngân hàng Ping An chi nhánh Hồng Kông được cấp giấy phép đại lý bảo hiểm
(INA) – Ngân hàng Ping An Chi nhánh Hồng Kông đã được Cơ quan Bảo hiểm Hồng Kông cấp giấy phép đại lý bảo hiểm.
Ông Hu Haibo, Phó Chủ tịch Ngân hàng Ping An cho biết họ đã phát triển một dòng sản phẩm quản lý tài sản tư nhân phong phú để cung cấp cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm đa dạng, chất lượng cao.
Ông Haibo cho biết: “Chúng tôi cố gắng trở thành nền tảng quản lý tài sản tư nhân hàng đầu ở nước ngoài bằng cách đáp ứng nhu cầu quản lý tài sản của những khách hàng giàu có thông qua các dịch vụ một cửa.
Kể từ khi Ngân hàng Ping An Chi nhánh Hồng Kông ra mắt vào tháng 11 năm 2021, ngân hàng này đã cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, bao gồm tiền gửi ngân hàng, chuyển khoản, chuyển tiền và thu đổi ngoại tệ, với trọng tâm là cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Chi nhánh cũng sẽ cho vay giả định trong tương lai để giải quyết nhu cầu thanh khoản của khách hàng.
Đối với các sản phẩm đầu tư, chi nhánh đã chính thức giới thiệu dịch vụ phân phối quỹ vào tháng 12 năm 2022. Đợt quỹ đầu tiên bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính kết hợp do Barings, Amundi, Morgan Stanley và các công ty quản lý tài sản nổi tiếng khác tung ra. Chi nhánh cũng sẽ giới thiệu các quỹ tiền tệ và quỹ đầu tư tư nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của những khách hàng có thu nhập cao đối với các sản phẩm quỹ đa dạng.
Về hoạt động kinh doanh phân phối bảo hiểm, chi nhánh sẽ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều loại hình sản phẩm bảo hiểm, bao gồm dịch vụ tài chính cao cấp và cho vay hợp đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính và bảo hiểm của khách hàng.
Ngân hàng Ping An Chi nhánh Hồng Kông là một phần của Công ty (Tập đoàn) Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc, một trong những tập đoàn dịch vụ tài chính lớn nhất ở châu Á.
Hàn Quốc xem xét cho phép các công ty bảo hiểm tiến hành hoạt động ngân hàng
(INA) – Korea Times cho biết, các công ty bảo hiểm Hàn Quốc có thể được phép tiến hành một số hoạt động ngân hàng khi các cơ quan tài chính cân nhắc những cách thức khác để thúc đẩy cạnh tranh và phá vỡ thế độc quyền hiện tại trong ngành ngân hàng.
Theo đề xuất của các cơ quan quản lý chính phủ, Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) và Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS), các công ty bảo hiểm và môi giới có thể được cấp ‘giấy phép nhỏ’ cho ngành ngân hàng, nghĩa là cấp cho họ các giấy phép rời rạc cho từng chức năng của các doanh nghiệp ngân hàng. Ví dụ, các công ty môi giới, công ty bảo hiểm và ngân hàng tiết kiệm có thể cạnh tranh với ngân hàng trong việc thanh toán, cho vay và ngoại hối. Các công ty thẻ và ngân hàng kỹ thuật số cũng có khả năng đủ điều kiện để xin giấy phép phân mảnh như vậy trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Điều này là do theo các cơ quan quản lý, sẽ thực tế hơn nếu mời những công ty lớn của các lĩnh vực tài chính khác, chẳng hạn như công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán, tham gia vào hoạt động kinh doanh ngân hàng để thúc đẩy cạnh tranh, vì sự tham gia của những người chơi hoàn toàn mới trong ngành ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian phát triển để có thể đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng lâu năm và uy tín.
Để thảo luận thêm về vấn đề này, FSC và FSS đã thành lập một nhóm công tác đặc biệt, mời các hiệp hội tài chính quan trọng và các học giả đến để giúp mang lại những thay đổi đối với hoạt động và quản lý ngân hàng trong nước.
Phó Chủ tịch FSC, ông Kim So-young, cho biết: “Để mang lại sự cạnh tranh thực sự trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay, những người chơi từ các lĩnh vực tài chính khác, bao gồm các công ty bảo hiểm, môi giới và ngân hàng tiết kiệm, được khuyến khích tham gia”.
Tin tức này được đưa ra sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hồi đầu tháng này chỉ trích các ngân hàng vì có lợi nhuận cao và thưởng cho các giám đốc điều hành những khoản tiền thưởng lớn trong khi những người đi vay phải vật lộn để trả lãi suất cao.
Các cơ quan quản lý ước tính rằng vào tháng 6, họ sẽ đưa ra một kế hoạch để thúc đẩy cạnh tranh trong ngành ngân hàng.
Everest Re bổ nhiệm Tổng Giám đốc Singapore
(INA) – Everest Reinsurance, bộ phận tái bảo hiểm của Everest Re Group, Ltd, đã bổ nhiệm ông Kevin Bogardus, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương làm Tổng Giám đốc Singapore.
Ông Bogardus sẽ kế nhiệm ông Nitin Talwalkar, người sắp rời công ty.
Với vai trò mở rộng của mình, Bogardus sẽ giám sát các hoạt động của Everest Reinsurance trên khắp Châu Á Thái Bình Dương từ văn phòng khu vực Singapore. Ông cũng sẽ tiếp tục lãnh đạo chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh của Everest Reinsurance tại Châu Á Thái Bình Dương, xác định các cơ hội phát triển khu vực và đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Danh tiếng của Bogardus dựa trên ba thập kỷ kinh nghiệm xây dựng và dẫn dắt các doanh nghiệp bảo hiểm thành công ở châu Á tại các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn trên toàn cầu.
Trước khi gia nhập Everest, ông là Chủ tịch Quốc gia của Chubb Singapore, đồng thời là Chủ tịch Quốc gia của Chubb Trung Quốc, nơi ông giám sát việc mua lại Chubb Trung Quốc của ACE và lãnh đạo việc mở rộng kinh doanh có lợi nhuận của công ty tại Trung Quốc, đồng thời thành lập hai chi nhánh mới tại Bắc Kinh và Quảng Châu. Trước đó, Bogardus đã thành lập một tập đoàn bảo hiểm trực tiếp đầu tiên thuộc loại hình này cho ACE trong Lloyd’s Trung Quốc và giữ chức vụ Cố vấn trưởng kiêm Giám đốc Hội đồng quản trị của Huatai P&C Insurance Co. Ltd. chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Nghiên cứu châu Á.
Everest là công ty tái bảo hiểm toàn cầu hàng đầu cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm tài sản & thiệt hại và tái bảo hiểm chuyên biệt uy tín.
BTV (Tổng hợp).